Các chuyên gia lịch sử và chính trị tại Đại học Cardiff (xứ Wales) nói sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II sẽ góp phần thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc hiện hữu bên trong Vương quốc Anh.
Tại khu phố cổ của Edinburgh, khi tuyên ngôn dành cho Vua Charles III được đọc lên và tiếng súng mừng vang lên từ lâu đài cổ kính của thành phố, một nhóm người biểu tình nhỏ bắt đầu ồn ào, theo Reuters.
Một thanh niên mặc chiếc áo phông có dòng chữ "Có thể có một Scotland khác". Những người biểu tình khác giơ các tấm biển có nội dung: "Cộng hòa ngay bây giờ".
Vua Charles III lên ngôi vào thời điểm chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy ở Scotland, Wales và Bắc Ireland. Hai đảng chính trị lớn nhất ở Scotland và Bắc Ireland muốn rời khỏi Vương quốc Anh, trong khi 1/4 dân số ở Wales ủng hộ độc lập.
Thủ hiến Scotland thậm chí tuyên bố bà muốn mở cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về việc tách khỏi Anh. Nếu điều này thành công, một số chuyên gia cho rằng Scotland sẽ dẫn đường cho các vùng còn lại của Vương quốc Anh thực hiện bước đi cụ thể hơn để đạt được độc lập.
“Một cuộc trưng cầu dân ý như vậy đang có nhiều khả năng thành công hơn ở Scotland”, giáo sư Justin Lewis - chuyên gia về truyền thông, văn hóa và chính trị của Trường Báo chí, Truyền thông và Văn hóa thuộc Đại học Cardiff, trường đại học hàng đầu xứ Wales - chia sẻ.
Trong khi đó, Marion Loeffler - giáo sư lịch sử xứ Wales tại Trường Lịch sử, Khảo cổ học và Tôn giáo thuộc Đại học Cardiff - không đưa ra dự đoán nhưng phân tích “nếu Scotland độc lập khỏi Anh, thì những nỗ lực của xứ Wales cũng sẽ được tăng cường hơn nữa.
"Ngoài ra còn có những nỗ lực để tái thống nhất Cộng hòa Ireland với Bắc Ireland - vùng lãnh thổ vẫn là một phần của Vương quốc Anh”, vị chuyên gia nói.
Vì sao Scotland muốn độc lập?
Hồi tháng 9/2014, khi Scotland tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên về việc tách khỏi Vương quốc Anh, kết quả cuộc bỏ phiếu khá sát nhau giữa 2 luồng ý kiến. Cuối cùng, Scotland ở lại với 55% phiếu chống và 45% phiếu thuận.
Kể từ đó đến nay, ý định này vẫn chưa từng biến mất. Thủ hiến Nicola Sturgeon đã kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý khác - "indyref2" - ngay sau khi toàn bộ Vương quốc Anh bỏ phiếu rời EU trong cuộc trưng cầu Brexit năm 2016, trong khi phần lớn người Scotland không mong muốn điều đó.
Những người ủng hộ nền độc lập cho rằng Scotland nên tự nắm lấy tương lai của mình và thôi bị ràng buộc bởi Anh và chính phủ đảng Bảo thủ cầm quyền của họ.
Kể từ đó, thủ hiến Scotland đã nhiều lần nỗ lực thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu khác nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào với chính phủ Anh. Bà Sturgeon gần đây tiếp tục theo đuổi ý định mở cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của Scotland, mà bà mong muốn diễn ra vào ngày 19/10/2023.
Giờ đây, vấn đề này một lần nữa trở nên nổi cộm, với việc nhiều người cho rằng sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II là thời điểm thích hợp để chấm dứt nền quân chủ.
Vào tháng tới, tòa án hàng đầu của Anh sẽ xem xét để ra phán quyết về việc liệu Scotland có thể tổ chức hợp pháp cuộc trưng cầu dân ý thứ hai hay không.
Theo các chuyên gia về lịch sử và chính trị Anh, mong muốn tách khỏi Anh của Scotland vốn xuất phát từ lịch sử độc lập cách đây hơn 300 năm của vùng đất này, kèm theo đó là những khác biệt trong thể chế, và trong mong muốn có tiếng nói riêng của người dân.
“Scotland chỉ được thống nhất với Anh vào năm 1707, như là một ‘Liên minh vương thất’ hơn là một sự hợp nhất giống ‘Đạo luật Liên hiệp’ đã hợp nhất Wales vào Anh vào năm 1536 và 1542”, bà Marion Loeffler nói.
Scotland vẫn giữ nhiều thể chế riêng và có giáo hội riêng, trong khi sự khác biệt của Wales so với Anh chủ yếu được thể hiện trong văn hóa và ngôn ngữ xứ này, bà nói thêm.
Trong khi đó, giáo sư Justin Lewis cho rằng nếu cuộc trưng cầu dân ý được cho phép, dù kết quả vẫn còn khó đoán, đây dường như là thời điểm mang lại nhiều cơ hội hơn cho Scotland.
“Tôi cho rằng cơ hội thành công trong cuộc trưng cầu dân ý như vậy sẽ cao hơn khi đảng Bảo thủ đang không cầm quyền ở Scotland, đặc biệt là sau thời gian dài. Cuộc trưng cầu dân ý dường như cũng hình thành từ việc nhiều người dân Scotland cảm thấy không được đại diện trong đảng cầm quyền (Anh)”, vị giáo sư nêu quan điểm.
Có ba đảng chính ở Scotland, gồm Công đảng, đảng Dân tộc Scotland, và đảng Bảo thủ. Trong thời gian dài, đảng Bảo thủ - vốn là đảng cầm quyền của chính phủ Anh nói chung nhưng ít phổ biến hơn ở Scotland - đã không được bầu làm đảng quản lý vùng lãnh thổ này. Đảng Dân tộc Scotland cầm quyền hiện tại ủng hộ việc độc lập.
“Tôi nghĩ ở Scotland có tâm lý thất vọng vì cho rằng dù người dân đây bỏ phiếu cho điều gì, đảng cầm quyền Anh sẽ làm điều gì đó khác so với mong muốn của họ. Vì vậy, họ có cảm giác như lá phiếu của mình không có trọng lượng”, ông Lewis nói rõ.
Ông nêu ra Brexit là một ví dụ điển hình cho việc này. Scotland đã bỏ phiếu khá dứt khoát để ở lại EU, nhưng họ buộc phải rời EU vì kết quả diễn ra theo chiều ngược lại trên toàn nước Anh.
“Tôi nghĩ đó là nguồn gốc của việc Scotland muốn độc lập. Tôi cho rằng Scotland cũng nhìn vào một số quốc gia khác gần họ, đặc biệt là các nước Bắc Âu, những quốc gia dân chủ xã hội nhỏ nhưng rất thành công. Và họ nghĩ ‘Chúng ta cũng có thể được như vậy’”.
Viễn cảnh nếu Scotland rời Vương quốc Anh
Các chuyên gia cho rằng nếu Scotland thành công tách khỏi Vương quốc Anh, điều này sẽ kéo theo nhiều thay đổi lớn về kinh tế và chính trị.
Giáo sư Loeffler cho rằng giữa lúc phong trào dân tộc nổi lên trên khắp Vương quốc Anh chứ không chỉ riêng Scotland, thì việc Scotland độc lập có thể sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn phong trào ở xứ Wales, cũng như nỗ lực tái thống nhất Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland.
Trong trường hợp tệ nhất, “điều này sẽ dẫn đến sự sụp đổ của Liên hiệp Vương quốc Anh”, giáo sư Loeffler nói.
Dẫu vậy, bà nói rằng mức độ ảnh hưởng của sự kiện này tới chế độ quân chủ và hoàng gia vẫn còn phải xem xét. “Quốc vương Anh vẫn là người đứng đầu khối Thịnh vượng chung, và nếu Scotland, Wales hay Bắc Ireland tách khỏi Anh thì họ vẫn có thể là thành viên của khối này. Người ta khi đó cũng có thể hình dung quần đảo Anh là một liên minh của các quốc gia độc lập”, vị chuyên gia nói.
Ông Lewis đồng ý và phân tích thêm về tầm ảnh hưởng của hoàng gia Anh nếu viễn cảnh này xảy ra.
Ông cho rằng công chúng Scotland, giống như nhiều vùng khác của Anh, có sự chia rẽ trong thái độ đối với gia đình hoàng gia. Có những người xem chế độ quân chủ là điều tốt, có người không.
“Có thể thấy điều này ở mức độ rộng hơn, trong số các nước thuộc khối Thịnh vượng chung. Có phong trào cộng hòa mạnh mẽ ở các nước như Australia, Canada và Jamaica. Khi điều đó bắt đầu xảy ra, có thể thấy mọi người có lẽ đang từng chút một rời xa hoàng gia”, vị giáo sư phân tích.
“Tôi nghĩ rằng việc hài hòa những mâu thuẫn đó luôn là điều khó khăn cho nữ hoàng, nhưng bà đã khá thành công, bởi sự chăm chỉ và khiêm tốn trong cách ứng xử của bà”, ông nói thêm.
Ngoài ra, giáo sư Lewis cũng phân tích thêm về cái lợi và bất lợi nếu Scotland độc lập.
“Rõ ràng sẽ có những bất lợi về kinh tế, như chúng ta đã thấy đối với Brexit. Các nhà kinh tế khá chắc chắn rằng điều đó không tốt cho Anh. Brexit dẫn đến những tác động tiêu cực đến kinh tế của đất nước. Tôi nghĩ điều tương tự cũng có thể xảy ra với Scotland khi tách khỏi Anh”.
Tuy nhiên, vị giáo sư cho rằng nếu thành công (độc lập), "Scotland có thể tái gia nhập EU. Về lâu dài điều này có thể mang lại lợi thế kinh tế và sẽ hóa giải được một số bất lợi”.
Quan hệ giữa hoàng gia Anh và xứ Wales
“Mối quan hệ giữa Vua Charles và Wales - cũng như các vị thân vương trước đó - không thân thiết như mối quan hệ của ông với công chúng Anh và các bộ phận công chúng Scotland”, giáo sư Loeffler cho biết.
Nữ hoàng Elizabeth II giới thiệu thái tử Charles với người dân xứ Wales sau khi ông được phong làm thân vương xứ Wales vào tháng 7/1969. Ảnh: Popperfoto.
Thái tử Charles và các “thân vương xứ Wales” khác đã được coi là biểu tượng của mối quan hệ thuộc địa giữa Anh và Wales. Trong lịch sử, xứ Wales từng có người cai trị riêng là người bản xứ.
Theo giáo sư Lewis, các hoàng tử bản xứ của Wales có xu hướng chống lại người Anh. Một trong số họ rất nổi tiếng và vẫn là một nhân vật lịch sử được tôn kính ở Wales, Owain Glyndwr. Ông cũng là người cai trị bản xứ cuối cùng của vùng đất này kể từ những năm 1400.
Các cuộc thăm dò cho thấy khoảng 25% người dân Wales ủng hộ độc lập, trong đó có rất nhiều người trẻ tuổi. Trong khi phần lớn thế hệ trước (trên 50 tuổi) vẫn tin rằng chế độ quân chủ Anh phù hợp với xứ Wales, ý kiến này lại gây chia rẽ trong thế hệ trẻ.
Theo giáo sư Loeffler, Vua Charles đã cố gắng củng cố mối quan hệ của mình với xứ Wales. Năm 2000, ông làm sống lại một truyền thống trong hoàng gia ở xứ Wales khi khôi phục vị trí nghệ sĩ đàn hạc hoàng gia, sau hơn 100 năm vị trí này bị bỏ trống. Lần gần nhất vị trí này có người đảm nhiệm là vào năm 1871.
Ông cũng đã phát động “Chiến dịch len” toàn cầu năm 2010 nhằm giáo dục người tiêu dùng về lợi ích của len và giúp hỗ trợ và phát triển ngành công nghiệp len ở Wales.
Tuy nhiên, việc ông ngay lập tức phong Hoàng tử William và phu nhân Kate là thân vương và công nương xứ Wales mà không tham vấn với nhà lãnh đạo chính trị của Wales Senedd Mark Drakeford đã dẫn đến sự phản đối từ một bộ phận người dân xứ này.
Giáo sư Lewis bổ sung dẫn chứng về tranh cãi gần đây xoay quanh việc cây cầu nối Wales với Anh được đặt tên là cầu Thân vương xứ Wales. “Rất nhiều người ở xứ Wales cảm thấy không hài lòng khi họ không được hỏi ý kiến”, ông nói.
Một cuộc biểu tình ủng hộ độc lập ở Edinburgh, Scotland, năm 2018. Ảnh: Jeff J Mitchell
Nói về những kỳ vọng của dân chúng đối với tân vương về việc đoàn kết đất nước trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc nổi lên, các vị chuyên gia thừa nhận Vua Charles có thể phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng lưu ý rằng nhà vua không phải là nhân vật mấu chốt có thể giải quyết vấn đề.
“Nếu nhìn vào các phong trào độc lập, ở cả Scotland, Wales và Bắc Ireland hiện nay, rất khó để nói rằng chúng tôi đoàn kết. Chúng tôi đã có một nền chính trị chia rẽ rất rõ ràng trong vài năm qua. Các ý kiến xung quanh Brexit là một ví dụ rất điển hình”, ông Lewis nói.
“Brexit đã dẫn đến tăng giá và các vấn đề với nguồn cung hàng hóa tiêu dùng. Chúng tôi cũng vừa có thủ tướng mới, và chúng tôi đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng với giá cả tăng chóng mặt”, giáo sư Loeffler bổ sung.
“Những tháng tiếp theo sẽ rất quan trọng trong việc quyết định liệu vua Charles III, cũng như thân vương và công nương mới của xứ Wales, có thể thiết lập lại mối quan hệ của họ với xứ này hay không”, bà nói thêm.
Theo Zing