• Một tòa án ở Anh đã ra lệnh cho hãng hàng không VietJet Air của Việt Nam không can thiệp vào việc thu hồi và đưa ra khỏi Việt Nam các máy bay phản lực mà hãng này thuê nhưng nợ tiền, theo Reuters.

    Đây là diễn biến mới nhất trong một cuộc tranh chấp đang khiến thị trường hàng không đang phát triển nhanh nhất thế giới này trở thành tâm điểm chú ý.

    Công ty FW Aviation đã thu hồi bốn máy bay Airbus A321 mà hãng VietJet thuê. Hành động này diễn ra sau khi FW Aviation cáo buộc hãng hàng không này nợ tiền thuê từ năm 2021, tức là vi phạm hợp đồng thuê máy bay.

    Tuy nhiên, trong phiên điều trần trực tuyến hôm thứ Sáu, bên cho thuê (thuộc sở hữu của FitzWalter Capital có trụ sở tại London) đã cáo buộc VietJet âm thầm cố gắng cản trở quá trình này bằng cách can thiệp vào việc đưa một trong những máy bay chở khách này ra khỏi Việt Nam, nơi cả bốn máy bay đều đang bị cấm bay.

    Cuộc tranh chấp đang diễn ra tại các tòa án ở London, Singapore và Hà Nội và được coi là một bài kiểm tra cho quyền lợi của bên cho thuê máy bay tại Việt Nam, quốc gia đã đặt hàng hàng trăm máy bay Airbus và Boeing, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quy định quốc tế nói chung về cho thuê tài sản.

    anh no tien thue tau

    "Chúng tôi có quyền sở hữu và kiểm soát chiếc máy bay này và điều đó bao gồm khả năng đưa chúng ra khỏi Việt Nam," luật sư của FWA, Akhil Shah, nói với Tòa án Tối cao London.

    Luật sư của VietJet, Alexander Milner, phủ nhận rằng hãng hàng không đang cố gắng thực hiện các biện pháp để ngăn chặn việc đưa chiếc máy bay ra khỏi Việt Nam, đồng thời đưa ra những lập luận pháp lý chi tiết để chứng minh tại sao VietJet không thể chịu trách nhiệm tại tòa án Vương quốc Anh đối với vấn đề giữa FWA và cơ quan hải quan của Việt Nam.

    Hoạt động cho thuê chiếm khoảng một nửa đội bay trên thế giới và khả năng bên cho thuê di chuyển máy bay từ nơi này sang nơi khác trong trường hợp vỡ nợ là một thành phần quan trọng của Công ước Cape Town năm 2001, nhằm củng cố ngành cho thuê máy bay.

    Các hãng hàng không ở các quốc gia thành viên bị coi là vi phạm quy định có thể phải đối mặt với việc phải trả lãi suất cao hơn khi thuê máy bay trong tương lai

    FWA khẳng định VietJet đã bí mật liên lạc với chính quyền Việt Nam và đã lấy được những bức ảnh không giải thích được về các bức thư giữa bên cho thuê và cơ quan hải quan Việt Nam.

    Luật sư Milner nói rằng các nguyên đơn đã quá vội vã để diễn dịch các hành động vô hại là nỗ lực can thiệp. VietJet chưa đưa ra bình luận ngay lập tức về vấn đề này.

    Việt Nam là chiến trường mới nhất về quyền của bên cho thuê sau tranh chấp ở Ấn Độ và Nga.

    Nhóm Công tác Hàng không, một tổ chức có trụ sở tại Anh chuyên giám sát luật tài chính thay mặt cho các nhà sản xuất máy bay và bên cho thuê, năm ngoái đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về việc tuân thủ Hiệp ước Cape Town và tái khẳng định động thái này vào tháng 10.

    Ấn Độ cũng đang bị theo dõi trong bối cảnh tranh chấp giữa hãng hàng không Go First và các bên cho thuê.

    Theo BBC Tiếng Việt

  • linare college 1
    Trường Linacre College thuộc Đại học Oxford từng có kế hoạch đổi tên thành Thảo College

    Sau hai năm theo đuổi, trường Linacre College, thuộc Đại học Oxford đã quyết định bỏ kế hoạch đổi tên thành Thảo College vì khoản 155 triệu bảng hiến tặng từ bà Nguyễn Thị Phương Thảo “không chuyển ra khỏi Việt Nam được”, theo truyền thông Anh.

    Dự án đổi tên trường để vinh danh nhà hảo tâm từ Việt Nam sau hai năm như thế đã bị bỏ, trang Telegraph cho hay.

    Trang Cherwell, báo của ĐH Oxford hôm 24/09 cũng trích nguồn từ Telegraph nói các thành viên hội cựu sinh viên Linacre College được thông báo rằng tiền từ công ty Sovico của nữ tỷ phú VN “không chuyển được ra nước ngoài vì quy định của chính phủ Việt Nam”.

    Các báo Anh cho hay khoản tiền đã được bà Nguyễn Thị Phương Thảo tặng cho một đại học chuyên về y khoa ở Việt Nam.

    Đã có các trường (college – còn gọi là viện đại học) như Lincoln, Wadham, Balliol College, nằm trong liên minh (federation) là Đại học Oxford, đổi tên cũ của họ sau khi nhận tiền hiến tặng lớn.

    linare college 1
    Giáo Sư Nick Brown, đại diện Linacre College và bà Nguyễn Thị Phương Thảo trao biên bản ghi nhớ nhân sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Scotland tháng 11/2021

    Nhưng vụ việc của bà Phương Thảo vấp phải khá nhiều vấn đề tại Anh. Các báo Anh nhắc lại các tiếng nói phản đối kế hoạch đổi tên của ban giám hiệu Linacre College, được công bố năm 2022.

    Một số người nói tên nhà hoạt động thời Phục Hưng, ông Thomas Linacre mà trường này chọn làm tên năm 1962, phản ánh sự tôn trọng lịch sử học thuật và không nên thay đổi.

    Một số khác, gồm nhóm vận động chống biến đổi khí hậu ‘Oxford Climate Justice Campaign (OUJC)’ thì phê phán việc này bởi họ cho rằng Sovico “hợp tác với các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch, gồm cả Zarbezneft của Nga”. Có tiếng nói phản đối lại cho rằng hoạt động của bà Thảo “gắn chặt với hệ thống chính trị Việt Nam”, trang Cherwell viết.

    Như thế, trường này sẽ vẫn giữ tên là Linacre College, đánh dấu sự đóng góp cho học thuật của bác sĩ Thomas Linacre (1460-1524). Sinh tại Kent và tốt nghiệp ĐH Oxford, ông từng học và sống Ý, đã giữ chức chủ tịch Trường Y Hoàng gia Anh ở London (Royal College of Physicians of London) trước khi bỏ nghề, trở thành một linh mục Công giáo La Mã.

    Theo BBC

  • Nhân chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam, Vietjet và Boeing đã đạt được những thống nhất cấp cao giữa hai bên.

    Hợp đồng đặt mua 200 tàu bay của Vietjet với Boeing đã bị gián đoạn do liên quan tới tàu bay 737 Max, ảnh hưởng tới khả năng cung cấp máy bay của Boeing trên toàn thế giới và tiếp theo là những tác động dồn dập của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu của Boeing. Không ít đơn đặt hàng và kế hoạch giao nhận tàu bay trên khắp thế giới đã bị hủy bỏ, trì hoãn vô thời hạn. Vietjet cũng chịu những thiệt hại không nhỏ khi dòng máy bay 737 Max không được nhà chức trách các nước phê chuẩn và Boeing không thể giao hàng đúng hạn. Trong khi nhiều hãng hàng không từ chối thực hiện hợp đồng thì Vietjet và Boeing kiên trì tìm tiếng nói chung để gặp nhau trong một chiến lược chung dài hạn, thống nhất tiếp tục triển khai thực hiện hợp đồng.

    vietjet boeing 1

    Theo đó, Chủ tịch Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo và tổng giám đốc toàn cầu của Boeing tiến sĩ Brendan Nelson thống nhất và hài lòng với những thoả thuận thương mại. Vietjet và Boeing thống nhất bổ sung các nội dung của hợp đồng đặt mua 200 tàu bay 737 Max trị giá 25 tỷ USD sẽ được giao trong 5 năm tới. Đây là những những tàu bay được coi là an toàn, tiện nghi, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường hàng đầu thế giới. Dự kiến 12 tàu bay đầu tiên sẽ được giao cho Vietjet trong năm 2024.

    vietjet boeing 1

    Boeing và Vietjet thống nhất hợp tác xây dựng Việt Nam thành trung tâm cung cấp các dịch vụ hàng không về đào tạo huấn luyện, sửa chữa bảo dưỡng cho Việt Nam và quốc tế. Hai bên cũng phối hợp trong việc ứng dụng các công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, công nghệ hàng không, nhiên liệu xanh, giảm thiểu khí thải theo những tiêu chí hàng không bền vững. Song song là các hỗ trợ phát triển hạ tầng hàng không, nâng cao năng lực vận hành sân bay, quản lý bay. Đồng thời Boeing thúc đẩy Việt Nam tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Boeing về sản xuất tàu bay và các thiết bị hàng không.

    vietjet boeing 1

    Boeing và Vietjet cùng nhìn lại những nỗ lực đầu tiên từ Bản ghi nhớ hai bên đạt được tại chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ với sự chào đón của Tổng thống Biden khi đó là Phó Tổng thống. Các bên đã đạt được những bước tiến tiếp theo trong chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam năm 2016 với Hợp đồng 100 tàu bay, và 2 năm sau tăng lên 200 tàu bay.

    vietjet boeing 1

    Đơn đặt hàng tàu bay của Vietjet mang tới 200.000 việc làm cho người dân Mỹ, góp phần tăng trưởng quan hệ thương mại song phương và cũng là minh chứng cho hợp tác thành công giữa doanh nghiệp hai nước. Các kết quả đạt được không chỉ thúc đẩy tăng trưởng cho ngành hàng không và kinh tế Việt Nam mà còn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, bao gồm cả các tập đoàn lớn và các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.

    vietjet boeing 1

    Hai bên đã đạt được những thỏa thuận thương mại với sự hoan nghênh và chúc mừng của Đặc phái viên Tổng thống Mỹ John Kerry. Tại Hội nghị cấp cao về đầu tư và đổi mới sáng tạo sáng nay tại Hà Nội, Tổng thống Joe Biden đã có những đánh giá cao về các cơ hội để hai nước thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực đầu tư, đổi mới sáng tạo, trong đó có phát triển lĩnh vực hàng không.

  • Một hành khách trên chuyến bay của hãng hàng không Vietjet mang số hiệu VJ083 từ TP.HCM đi Brisbane (Úc) hôm qua (31.7) đã được cấp cứu kịp thời sau quyết định khẩn cấp đưa máy bay chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Darwin (Úc).

    Cụ thể, khi máy bay đang trên hành trình từ TP.HCM đi Brisbane, một hành khách nam quốc tịch Úc (sinh năm 1954) đã gặp vấn đề về sức khỏe. Cơ trưởng và phi hành đoàn Vietjet sau khi nhận thông tin đã kiểm tra tình trạng của khách, thực hiện các bước hỗ trợ khẩn cấp ngay trên chuyến bay và quyết định đưa máy bay chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Darwin để hành khách được hỗ trợ y tế kịp thời.

    Lúc 18 giờ 30 (giờ địa phương) ngày 31.7, sau 4 tiếng 40 phút kể từ khi khởi hành, máy bay và toàn bộ hành khách đã hạ cánh xuống sân bay Darwin. Vietjet đã phối hợp với cơ quan chức năng tại sân bay để hành khách được hỗ trợ y tế, đảm bảo an toàn sức khỏe tại cơ sở y tế gần nhất. Tình hình sức khoẻ của hành khách ổn định sau khi được cấp cứu kịp thời, gia đình của hành khách đã gửi lời cảm ơn tới phi hành đoàn.

    vietjet ha canh khan

    Sau 50 phút nạp dầu, chuyến bay VJ083 tiếp tục hành trình từ Darwin đến Brisbane lúc 19 giờ 20 (giờ địa phương) cùng ngày. Tàu bay và toàn bộ hành khách hạ cánh tại Brisbane lúc 21 giờ 55 (giờ địa phương).

    Cơ trưởng của chuyến bay chia sẻ: "Trong hàng chục ngàn giờ bay của mình ở vai trò của một cơ trưởng, tôi vẫn luôn đầy cảm xúc khi quyết định của mình có thể hỗ trợ kịp thời cho hành khách. Tôi cùng các đồng nghiệp sẽ luôn làm hết sức mình để phục vụ hành khách, những người tin tưởng và chọn bay cùng Vietjet".

    Đây không phải lần đầu tiên Vietjet chuyển hướng hạ cánh để hỗ trợ y tế cho hành khách, dù việc chuyển hướng hạ cánh gây phát sinh chi phí rất lớn, ảnh hưởng dây chuyền tới các chuyến bay khác, nhưng sức khỏe, an toàn của hành khách luôn được Vietjet đặt lên hàng đầu.

    Theo Thanh Niên

  • Công ty CP Hàng không Vietjet vừa công bố thông tin liên quan tới việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao.

    Theo đó, từ 6.4, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Vietjet, kế tiếp vị trí bà Nguyễn Thanh Hà; ông Đinh Việt Phương - Giám đốc Điều hành được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc.

    Theo đại diện Vietjet, việc bổ nhiệm này nằm trong kế hoạch phát triển của công ty, đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ lãnh đạo cấp cao tại Vietjet nhằm tiếp tục đưa hãng mở rộng và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

    Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nhà sáng lập Vietjet, với mong muốn hiện thực hóa giấc mơ bay cho tất cả mọi người dân khắp trong, ngoài nước. Nữ doanh nhân, nữ tỉ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và cả Đông Nam Á đã đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vietjet trong nhiều năm qua cùng với nguyên Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Hà, tạo nên những dấu ấn đậm nét của Vietjet, mang tới những thay đổi mang tính cách mạng trong ngành hàng không.

    ba nguyen thi phuong thao thoi chuc vietjet air
    Tân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Phương Thảo (ngoài cùng bên phải) và tân Tổng giám đốc Vietjet Đinh Việt Phương (ngoài cùng bên trái)

    Ông Đinh Việt Phương cũng gắn bó cùng Vietjet từ những ngày đầu tiên và đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc thường trực, Giám đốc Điều hành Vietjet từ tháng 10.2020. Ông Phương đã có nhiều đóng góp quan trọng trong giai đoạn ngành hàng không đương đầu với thách thức, khó khăn từ đại dịch Covid-19, đưa Vietjet vượt qua đại dịch, phục hồi mạnh mẽ trong giai đoạn sau đó. 

    Trước khi gắn bó với Vietjet, ông Đinh Việt Phương từng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp lớn. Ông có bằng kỹ sư Đại học Hàng hải Việt Nam, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại CFVG (Pháp) và Tiến sĩ tại Học viện Quốc gia Matxcơva về vận tải.

    Năm 2022, Vietjet đã vận chuyển 20,5 triệu lượt khách trên 116.000 chuyến bay, tăng trưởng khách nội địa 20% so với cùng kỳ 2019. Tổng tài sản cũng tăng 30% lên hơn 67.000 tỉ đồng với chỉ số nợ vay dài hạn trên vốn chủ sở hữu là 0,7 lần và chỉ số thanh khoản 1,3 lần, ở mức tốt trong ngành hàng không. Hãng đã nộp ngân sách thuế, phí và lệ phí trực tiếp, gián tiếp là 4.349 tỉ đồng trong năm 2022. 

    "Năm nay được kỳ vọng là một năm vận chuyển hàng không quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ, mang đến cơ hội cho các hãng hàng không có năng lực tài chính và vận hành tốt như Vietjet. Việc bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo với kinh nghiệm và tâm huyết hứa hẹn sẽ đưa Vietjet bước vào một giai đoạn tăng trưởng, phát triển mới, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự đổi mới của ngành hàng không và thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam cũng như quốc tế" - đại diện Vietjet chia sẻ.

    Theo Thanh Niên

  • Vietjet là hãng bay duy nhất của Việt Nam nằm trong danh sách 20 hãng hàng không giá rẻ an toàn nhất thế giới năm nay.

    AirlineRatings (Australia), đơn vị chuyên đánh giá các sản phẩm và an toàn hàng không hàng đầu thế giới, công bố 20 hãng hàng không giá rẻ an toàn nhất. Vietjet là đại diện duy nhất của Việt Nam nằm trong danh sách này.

    Những cái tên còn lại gồm: Air Arabia (UAE), AirAsia (Malaysia), Air Baltic (Latvia), easyjet (Anh), FlyDubai (Dubai), Frontier Air (Mỹ), Jetstar (Australia), Jetblue (Mỹ), Indigo (Ấn Độ), Ryanair (Ireland), Scoot (Singapore), Southwest (Mỹ), Spicejet (Ấn Độ), Spirit Airlines (Mỹ), Vueling (Tây Ban Nha), Volaris (Mexico), Westjet (Canada) và Wizz (Hungary). Thứ hạng được xếp theo bảng chữ cái.

    vietjet an toan
    Một máy bay của Vietjet. Ảnh: VJ

    Tiêu chí đánh giá top 20 gồm hồ sơ sự cố trong vòng 2 năm trở lại, hồ sơ tai nạn trong 5 năm, kết quả kiểm tra từ cơ Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), không nằm trong danh sách cấm bay của EU và tuổi của đội bay. Ngoài ra, còn có nhận xét từ hàng triệu khách đến từ 195 quốc gia, vùng lãnh thổ - những người đã sử dụng dịch vụ trong năm qua. Danh sách các hãng bay kém an toàn nhất không được công bố.

    Danh sách cũng bao gồm 10 hãng hàng không tốt nhất thế giới. Đứng đầu là hãng bay của Australia - Qantas, tiếp theo là Air New Zealand, Etihad Airways, Qatar Airways, Singapore Airlines, TAP Air Portugal, Emirates, Alaska Airlines, EVA Air, Virgin Australia Airlines. Tiêu chí đánh giá tương tự như trên nhưng có thêm năng lực phi công, tuổi của máy bay và các biện pháp phòng ngừa Covid-19.

    Geoffrey Thomas, người đứng đầu AirlineRatings, cho biết khoảng cách giữa các hãng bay top đầu đều sít sao. Yếu tố quyết định chính là số sự cố nghiêm trọng mà hãng gặp phải. "Mọi hãng bay đều gặp sự cố hàng ngày. Có nhiều vấn đề phát sinh trên máy bay mà không phải lỗi kỹ thuật. Cách phi hành đoàn xử lý sự cố sẽ quyết định đâu là hãng bay an toàn", Thomas nói.

    VnExpress (theo AirlineRatings, CNBC)

  • Một cựu nha sỹ ở Hàn Quốc vừa trở thành tỷ phú đôla sau 8 năm khởi nghiệp công nghệ.

    Tờ Forbes đưa tin, Lee Seung-gun – nhà sáng lập và CEO của startup công nghệ tài chính Viva Republica đã chính thức gia nhập danh sách tỷ phú tự thân ở Hàn Quốc vào tháng 7/2021.

    Đầu tháng 7/2021, Viva Republica – công ty sở hữu ứng dụng Toss tuyên bố rằng họ đã huy động được 410 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất, định giá startup 8 năm tuổi này ở mức 7,4 tỷ USD. Các nhà đầu tư vào công ty gồm cả Alkeon Capital Management, Altos Ventures, PayPal…

    nha si dien trai thanh ty phu cong nghe
    Lee Seung Gun

    Một người phát ngôn của Toss xác nhận rằng cổ phần của Lee tại Viva Republica hiện trị giá trên 1 tỷ USD sau vòng gọi vốn mới nhất. Tờ Forbes ước tính Lee sở hữu ít hơn 18% Viva Republica, trị giá 1,2 tỷ USD.

    Có trụ sở ở Seoul, Viva Republica được thành lập năm 2013. 2 năm sau đó, họ cho ra đời Toss như một dịch vụ chuyển tiền. Kể từ đó, Toss đã mở rộng dịch vụ của họ sang cung cấp các khoản vay, kiểm tra điểm tín dụng và đầu tư chứng khoán.

    Toss nói họ có 20 triệu người dùng, tức là hơn 1/3 dân số Hàn Quốc. Viva Republica báo cáo doanh thu tăng gấp 3 lên 390 tỷ won (330 triệu USD) trong năm 2020 so với 1 năm trước đó. Thua lỗ đã thu hẹp lại còn 72,5 tỷ won từ mức 115 tỷ won.

    Trước khi khởi nghiệp với Viva Republica, Lee tốt nghiệp từ trường Đại học Seoul – làm nha sĩtại bệnh viện Samsung. Anh có ý tưởng xây dựng Toss sau khi gặp rắc rối về việc chuyển tiền thông qua điện thoại di động.

    "Tôi đã thấy rất nhiều sản phẩm như vậy ở Mỹ và nghĩ rằng: Nếu dịch vụ này có ở Hàn Quốc chắc chắn nó sẽ phát triển bùng nổ".

    Để biến ý tưởng của mình thành hiện thực, Lee đã mất nhiều thời gian để thuyết phục, không chỉ các nhà đầu tư và nhà làm luật mà cả bố mẹ mình. Anh đã dành một năm để làm việc với các nhà làm luật tại Hàn Quốc để thuyết phục họ về nền tảng chuyển tiền đơn giản của mình. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng vào năm 2015, họ đồng ý nới lỏng quy định về ứng dụng chuyển tiền. Sau đó, Toss chính thức ra mắt.

    Tuy nhiên, bố mẹ anh cũng là một rào cản lớn. Khi Lee nói rằng sẽ bỏ công việc nha sĩ ổn định để trở thành một doanh nhân, cha mẹ anh đã vô cùng tức giận. Sự bấp bênh của việc kinh doanh có thể là điều khó chấp nhận đối với cha mẹ anh. Chưa kể, tại Hàn Quốc, tư tưởng bảo thủ vẫn còn phổ biến, điều này càng khó chấp nhận.

    "Cha mẹ tôi đã thực sự thất vọng. Tại châu Á nói chung, gia đình và xã hội thường kỳ vọng bạn sẽ làm một nghề nào đó như bác sĩ hay nha sĩ. Nhưng tôi không phải là một người như vậy", Lee kể lại.

    Tuy nhiên, sự phản đối của cha mẹ Lee không phải là vô căn cứ. Trước đó, khi mới bỏ việc, Lee đã mất hơn 4 năm và toàn bộ tiền tiết kiệm của mình để thử các ý tưởng khởi nghiệp khác nhau. Sau 8 lần thất bại với các startup từ mạng xã hội cho tới ứng dụng di động, Lee mới thành công với Toss.

    Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị

  • Đại học Linacre College đã lên kế hoạch đổi tên thành Thao College, sau khi chủ tịch Tập đoàn Sovico Group hứa tặng 155 triệu bảng cho ngôi trường này. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có đồng nào được chuyển.

    linacre college phuong thao chua chuyen tien

    Năm ngoái, Linacre College cho biết sau khi nhận được ''món quà mang tính cột mốc'' từ Tập đoàn Sovico Group, trường sẽ đổi tên thành Thao College, đặt theo tên chủ tịch của tập đoàn là bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

    Nhưng theo thông tin từ Telegraph, khoản tiền 50 triệu bảng đầu tiên, lẽ ra phải được chuyển cho trường vào hạn chót là ngày 30/6/2022, nhưng giờ tiền vẫn chưa được giải ngân. 

    Nguyên nhân của sự chậm trễ này có thể là do những phản ứng gay gắt từ công chúng và sự nghi ngờ từ chính quyền Anh về việc đổi tên, khiến bà Thảo cảm thấy ''không vui''.

    Hiệu trưởng của trường đã bay sang Việt Nam vào cuối tháng 9 vừa rồi để thuyết phục bà Thảo về thương vụ này. ''Nếu tên trường không đổi được, bà Thảo có thể rút khỏi cam kết'', một nguồn tin cho biết, ''sự nghi ngờ về việc đổi tên cũng như phản ứng từ công chúng là lý do chính dẫn đến sự chậm trễ''.

    Đầu năm nay, chính phủ Anh đã tiến hành một cuộc điều tra về kế hoạch quyên tặng tiền của bà Thao, sau khi Tiến sĩ Lewis cảnh báo Hạ viện rằng bà Thảo ''có mối quan hệ vô cùng mật thiết với chính quyền Việt Nam''.

    Nhưng cuộc điều tra đã kết thúc, Bộ Giáo dục Anh tuyên dương kết quả thẩm định của trường Linacre College.

    Việc đổi tên trường có dễ?

    Muốn đổi tên trường phải có sự đồng ý của Hội đồng tham mưu Privy Council. Hội cựu sinh viên của trường Linacre College đã phát động một chiến dịch ngăn cản việc đổi tên, cho rằng việc đổi tên sẽ biến các trường đại học Anh trở thành ''những món hàng để bán cho người trả giá cao nhất''.

    Thành viên Hội đồng tham mưu Privy Council, Tiến sĩ Julian Lewis đang kêu gọi hội đồng ngăn chặn việc đổi tên. Tại Hạ viện, ông nói: ''Nếu chúng ta muốn xóa bỏ những đồng tiền bẩn và những khoản tiền quyên góp mờ ám ra khỏi đất nước này, vậy hãy bắt đầu từ đây''.

    Tiến sĩ Lewis là Tổng giám đốc Ủy ban An ninh và Tình báo, nhưng ông phát biểu về vụ việc với tư cách cá nhân. Ông giải thích: ''Nhà trường có thể nhận số tiền này bất kể chính phủ có đồng ý hay không, nhưng trường không thể đổi tên mà không có sự đồng ý của Privy Council. Chỉ duy nhất Privy Council mới có quyền can thiệp vào vấn đề này''.

    Cam kết chính thức giữa Linacre College và bà Thảo có ghi rằng nhà trường sẽ ''có những nỗ lực hợp lý'' để đổi tên trước tháng 9/2023 sau khi nhận được khoản tiền 50 triệu bảng đầu tiên. Nhưng ông Lewis nói rằng ''trường phải nhận được tiền trước, sau đó Privy Council phải đồng ý thì mới được đổi tên''.

    Đại diện của Linacre College cho biết: ''Chúng tôi đang làm việc với Sovico và các chuyên gia tư vấn tài chính để thúc đẩy triển khai khoản tài trợ này, đảm bảo tuân theo mọi yêu cầu kiểm toán từ phía chính phủ Anh và Việt Nam. Sau khi có cuộc gặp trực tiếp ở Việt Nam, chúng tôi đang tiến hành mọi thủ tục cần thiết để khoản tiền được thông qua''.

    Trong khi đó đại diện Bộ Giáo dục Anh tuyên bố: ''Chúng tôi luôn cân nhắc sức ảnh hưởng của nguồn tài chính quốc tế đối với nền giáo dục cao học, đảm bảo không gây khó khăn cho việc hợp tác giữa các đại học hàng đầu và những đối tác quốc tế. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không chấp nhận những sự hợp tác có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia và sẽ làm mọi cách để xác minh, ngăn chặn những đồng tiền mờ ám''.

    Viethome (theo Telegraph)

  • dieu tra khoan tai tro cua vietjet air voi truong oxford 1
    Linacre College được thành lập vào năm 1962 và được đặt theo tên của học giả thế kỷ 16 - Thomas Linacre.

    Chính phủ Anh đang điều tra một khoản tài trợ trị giá 155 triệu bảng Anh cho một trường trực thuộc Đại học Oxford từ một công ty Việt Nam, BBC đưa tin.

    Các mối quan ngại đã được nêu ra tại Hạ viện Anh đối với biên bản ghi nhớ (MoU) của Linacre College với Tập đoàn SOVICO. Bản ghi nhớ này nói tới kế hoạch đổi tên Linacre College thành Thao College sau khoản tiền đầu tiên trị giá 50 triệu bảng Anh được chi trả.

    Linacre College ký bản ghi nhớ MoU với Tập đoàn SOVICO vào ngày 31/10/2021. Việc đổi tên - cần được Hội đồng Cơ mật (Privy Council) thông qua - là để vinh danh bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn SOVICO, Tổng giám đốc VietJet Air và là Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank.

    Người phát ngôn của Linacre College cho biết họ đã thực hiện các bước để đảm bảo các khoản tài trợ sẽ "phù hợp với hướng dẫn và luật pháp của chính phủ Anh".

    Người này cho biết thêm rằng kế hoạch hành động của họ đã được cơ quan chủ quản và ủy ban của trường phê duyệt để rà soát các khoản tài trợ và cấp tiền để nghiên cứu, và cả hai khoản này đều tuân theo một quy trình độc lập, mạnh mẽ.

    dieu tra khoan tai tro cua vietjet air voi truong oxford 1
    Giáo Sư Nick Brown, đại diện Linacre College và bà Nguyễn Thị Phương Thảo trao biên bản ghi nhớ nhân sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Scotland tháng 11/2021.

    Chính phủ Anh nói gì?

    Quốc vụ khanh phụ trách mảng đại học Vương quốc Anh, bà Michelle Donelan nói với các dân biểu rằng bà đang "tích cực điều tra" vấn đề này và sẽ cung cấp thông tin cập nhật trong vòng vài ngày nữa. Bà Donelan trả lời sau khi dân biểu Julian Lewis nêu lên quan ngại về khoản tài trợ này trong phiên thảo luận tại Quốc hội.

    Ông Lewis hỏi bà Donelan rằng liệu bà có chia sẻ mối quan ngại của ông "về món quà được đề xuất trị giá 155 triệu bảng Anh từ nữ tỷ phú, chủ tịch của một công ty Việt Nam cho Linacre College … với điều kiện tên trường được đổi thành tên của nữ chủ tịch công ty mà cực kỳ thân cận với nhà cầm quyền Việt Nam".

    Ông Lewis chỉ ra rằng Hội đồng Cơ mật là nơi sẽ quyết định chấp thuận việc đổi tên và hỏi rằng liệu Chính phủ Anh có quan điểm gì về việc này hay không. Bà Donelan cho biết bà chỉ mới được "cảnh báo" về khoản tài trợ này.

    Dân biểu Lewis, hiện là chủ tịch Ủy ban Tình báo và An ninh nhưng nói thêm với tư cách cá nhân với Telegraph rằng: "Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các cường quốc ở phương Đông đã thành công hơn rất nhiều trong việc khuynh đảo các xã hội phương Tây bằng cách sử dụng những khoản tiền khổng lồ để luồn sâu vào vị thế kiểm soát."

    Dự luật 'chống ảnh hưởng'

    Chính phủ Anh vào hôm thứ Hai 12/06 đã đưa ra đề xuất sửa đổi mới cho Dự luật Tự do Ngôn luận nhằm hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài đối với các trường học ở Anh. Theo đó các trường đại học sẽ bị trừng phạt nếu họ cho phép các tổ chức nước ngoài tác động đến những gì được nói trong trường.

    Các trường sẽ phải trình báo mối quan hệ tài chính của họ với các cá nhân hoặc tổ chức từ nước ngoài, bằng không sẽ bị phạt theo các đề xuất sửa đổi để đảm bảo rằng quyền tự do ngôn luận đối chọi với các chế độ độc tài được bảo vệ.

    Bộ trưởng Giáo dục Anh Quốc Nadhim Zahawi vào tuần này nói rằng ông không muốn các trường đại học cảm thấy "bị áp lực" phải thỏa hiệp về quyền tự do học thuật vì sự tài trợ từ các quốc gia như Trung Quốc.

    Linacre College

    Trước đó, Linacre College cho biết khoản tài trợ 155 triệu bảng sẽ giúp xây dựng một trung tâm đào tạo mới và cấp học bổng sau đại học. Trường đào tạo sau đại học Linacre được thành lập vào năm 1962 và được đặt theo tên của học giả thế kỷ 16 - Thomas Linacre.

    Đại học Oxford thực chất là một liên minh các viện nghiên cứu (institutes) và 39 colleges, còn gọi là học viện, hoặc trường. Các college tồn tại độc lập, có quyền tự chủ tài chính, quản lý, trong hệ thống mang tính liên minh bình đẳng (federal structure) của mô hình 'collegiate university'.

    Trong hàng trăm đại học Anh, truyền thống 'collegiate university' (đại học lớn gồm các học viện chuyên ngành), hiện chỉ còn được duy trì ở Oxford, Cambridge, Durham...và phần nào còn được áp dụng tại Đại học London (Confederation) và một số nơi khác ở Anh.

    Oxford University là đại học cổ nhất trong thế giới nói tiếng Anh, và thuộc nhóm các đại học cổ nhất châu Âu, chỉ sau Sorbonne ở Pháp. Đại học Oxford nhận sinh viên nước ngoài đầu tiên từ năm 1190.

    Về việc đổi tên trường sau tài trợ

    Tại Anh, trường Manchester College, cũng thuộc Đại học Oxford, đã đổi thành Harris Manchester College năm 1996 sau khi nhận tài trợ của doanh nhân Baron Harris.

    Trường New Hall của Đại học Cambridge đổi tên thành Murray Edwards College năm 2008 để vinh danh nhà tài trợ Ros và Steve Edwards, cùng nữ hiệu trưởng đầu tiên của Cambridge, bà Dame Rosemary Murray.

    Theo BBC

  • Tỷ phú Nguyễn Phương Thảo tiết lộ có kế hoạch dành phần lớn tài sản của mình để phục vụ cộng đồng. Những dự án như việc quyên tặng 155 triệu bảng cho đại học Linacre là một phần trong chương trình đó.

    Hồi tháng 11/2021, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo khiến báo chí trong và ngoài nước xôn xao khi ký biên bản ghi nhớ (MoU) tài trợ từ thiện 155 triệu bảng Anh (hơn 200 triệu USD) cho trường Đại học Linacre.

    Đáng chú ý, phía trường Linacre cho biết: "Sau khi nhận được khoản quyên góp đầu tiên trị giá 50 triệu bảng Anh, chúng tôi sẽ xin phép Cơ mật Viện đổi tên trường từ Linacre College thành Thao College để ghi nhận món quà mang tính bước ngoặt này".

    ty phu vietjet air 1
    Bà Nguyễn Thị Phương Thảo và Giáo sư Nick Brown- Hiệu trưởng trường Đại học Linacre ký biên bản ghi nhớ hợp tác, tài trợ. Ảnh: Tri thức trực tuyến.

    Theo giới thiệu, Linacre College là một trường thành viên của Đại học Oxford, là trường đa ngành với khoảng 50 nghiên cứu sinh và 550 sinh viên sau đại học đa số đến từ nước ngoài (133 quốc gia).

    Đặc biệt, trường này có quan điểm về môi trường hết sức mạnh mẽ, là "đại học xanh" trong số các trường thành viên của Đại học Oxford thông qua một số sáng kiến ​​về môi trường trong những năm qua, nhất là giảm lượng khí thải carbon ra môi trường. Vì vậy, trong thông báo của mình, Linacre College có đề cập rằng Tập đoàn SOVICO cũng đã cam kết tất cả các công ty con của họ đạt đến mức không carbon (net carbon zero) vào cuối năm 2050.

    Dù còn nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng thời điểm ấy, bà Thảo không lên tiếng cung cấp thêm thông tin nào về khoản từ thiện này. Mãi đến cuộc phỏng vấn gần đây với tạp chí Forbes, nữ tỷ phú duy nhất của Việt Nam mới lần đầu tiên chia sẻ thêm mục đích của khoản tài trợ.

    Theo bà Thảo, đại học Oxford là cái nôi của tri thức, góp tiền cho trường là cơ hội tốt nhất mang giá trị đóng góp của mình đi nhanh hơn, gần hơn cho cộng đồng nhân loại, trong đó có người dân Việt Nam. Bà cũng cho rằng đó là sự may mắn khi được đóng góp một phần trong lịch sử phát triển của trường đại học nổi tiếng thế giới.

    Dẫu vậy, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng tại sao khoản đầu tư này lại không dành cho một trường đại học trong nước? Chủ tịch Sovico giải thích, Việt Nam hoàn toàn có thể xây được một trường đại học hiện đại, tuy nhiên điểm “cản trở” lớn nhất là chưa có môi trường nghiên cứu học thuật và chưa thể trở thành môi trường lý tưởng mang các nghiên cứu ứng dụng vào thực tế. Vì thế, khó có thể trở thành nơi thu hút các giáo sư, các nhà khoa học hàng đầu thế giới.

    ty phu vietjet air 1
    Linacre College

    "Mình làm sao để khoản đóng góp tạo ra giá trị tốt nhất, có ảnh hưởng lớn nhất, mang lại hiệu quả tốt nhất. Nếu không có mình thì sẽ có người khác. Những người được hưởng lợi là hệ thống giáo dục, là cộng đồng trong đó có thương hiệu của đất nước chúng ta”, bà bày tỏ.

    Đặc biệt, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tiết lộ có kế hoạch dành phần lớn tài sản của mình để phục vụ cộng đồng. Những dự án như việc quyên tặng cho đại học Oxford là một phần trong chương trình đó.

    Trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2022 mới được Forbes công bố, bà Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục là đại diện nữ giới duy nhất của Việt Nam. Đây là lần thứ 6 Chủ tịch Sovico có mặt trong bảng xếp hạng này. Nữ tỷ phú sở hiện giữ vai trò phó chủ tịch HĐQT HDBank, Phó chủ tịch và CEO hãng hàng không VietJet Air, sở hữu tổng tài sản 3,1 tỷ USD, tăng 300 triệu USD so với năm ngoái. 

    Theo Cafebiz