• Quyết định ly hôn với Jeff Bezos đã đưa MacKenzie Scott trở thành một nữ tỷ phú giàu nhất nhì hành tinh. Nhưng kể từ đó đến nay, liệu MacKenzie Scott có tiếp tục nhận được khoản lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động kinh doanh của Amazon?

    vo ty phu amazon

    Sau khi ly hôn nổi tiếng với người sáng lập Amazon Jeff Bezos vào năm 2019, Scott đã tái hôn với cựu giáo viên Daniel Jewett. Tuy nhiên, chỉ sau một năm rưỡi sau đó, bà đã đệ đơn ly hôn. Vụ ly hôn này khó có thể ảnh hưởng lớn đến khối tài sản hàng chục tỷ USD của nữ tỷ phú. Các chuyên gia pháp lý cho rằng Scott có thể đã có một thỏa thuận tiền hôn nhân để bảo vệ tài sản của mình.

    Vợ cũ của Jeff Bezos nổi tiếng với các hoạt động từ thiện. Dù đã cho đi hàng tỷ USD nhưng bà vẫn sở hữu khối tài sản rất lớn. Xung quanh mối liên hệ của bà với Amazon hóa ra còn có những điều mà mọi người ít biết.

    MacKenzie Scott là đồng sáng lập Amazon vào đầu những năm 90.

    Scott và Bezos gặp nhau lần đầu khi cả hai đang làm việc tại công ty đầu tư DE Shaw. Họ đã kết hôn chỉ vài tháng sau đó, trong tháng 9 năm 1993. Không lâu sau đám cưới, Bezos nói với Scott về ý tưởng bán sách trực tuyến của mình.

    “Lúc đó, tôi không biết nhiều về kinh doanh”, bà kể lại. "Nhưng tôi đã thấy ông ấy phấn khích như thế nào".

    Năm sau đó, cả hai đều bỏ việc để bắt đầu kinh doanh một cửa hàng sách trực tuyến.

    Về cơ bản, cặp đôi đã bắt đầu xây dựng Amazon ngay tại gara để xe của họ, sau đó mới chuyển đến một văn phòng ở Seattle. Trong khi Bezos điều hành công việc kinh doanh tổng thể, Scott giữ vai trò quản trị viên và kế toán của công ty. Scott cũng yêu thích việc viết lách và đọc sách, vì vậy công việc kinh doanh của họ rất phù hợp với bà ấy.

    Tuy nhiên, khi công việc kinh doanh bắt đầu phát triển bùng nổ, Bezos biết rằng, đã đến lúc phải đưa doanh nghiệp lên một tầm cao mới. “Ông ấy thường chỉ tập trung vào công việc kinh doanh, quan tâm nhiều đến số lượng người truy cập trang web”, Erica Jorgensen, người làm việc tại Amazon trong những ngày đầu, nhớ lại.

    Chẳng bao lâu, hoạt động kinh doanh của Amazon đã chuyển từ một cửa hàng sách sang một cửa hàng trực tuyến quy mô lớn. Vào thời điểm đó, một số nhân viên “thuở sơ khai” vốn gắn bó với công ty bằng niềm yêu sách đã quyết định rời đi, trong đó bao gồm cả Scott.

    Kể từ đó, Scott theo đuổi công việc viết lách và tập trung để cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, The Testing of Luther Albright, được xuất bản bởi Four Estate vào năm 2005.

    MacKenzie Scott vẫn kiếm tiền từ Amazon?

    Khi Scott ly hôn với Bezos, bà đã ra đi với 38 tỷ USD rồi trở thành người phụ nữ giàu thứ ba thế giới chỉ sau một đêm. Trong tuyên bố ly hôn được đăng tải trên Twitter, bà không la lối om sòm, không kêu than khóc lóc. MacKenzie cho biết bà "rất vui" khi để Jeff sở hữu 75% số cổ phiếu Amazon chung, cùng quyền biểu quyết số cổ phiếu bà nắm giữ. Bà sẽ chỉ nhận 25% cổ phiếu Amazon thuộc sở hữu chung của cả hai. Toàn bộ cổ phần của bà trong Washington Post và công ty thám hiểm không gian Blue Origin vẫn thuộc về chồng cũ.

    Bà cũng thể hiện sự thoải mái và phấn khích với những dự định sắp tới: "Tôi rất biết ơn quá khứ, hãy đón chờ những điều tốt đẹp ở tương lai". Trong quá trình ly hôn, hiếm khi thấy bà xuất hiện trên truyền thông cho tới khi mọi thứ được hoàn tất.

    Với thỏa thuận này, Scott sẽ tiếp tục nắm trong tay 25% số cổ phần Amazon chung của cả hai, hiện chiếm khoảng 4% cổ phần của công ty. Về cơ bản, điều này có nghĩa là vợ cũ của Bezo hiện vẫn tiếp tục nhận được tiền từ đế chế tỷ USD này.

    Quý II/2022, ông lớn thương mại điện tử Amazon đã ghi nhận doanh thu là 121,23 tỷ USD, cao hơn mức dự đoán của các chuyên gia Refinitiv là 119,09 tỷ USD. Trong đó, doanh thu từ mảng kinh doanh Amazon Web Services đạt 19,7 tỷ USD, cao hơn con số 19,56 tỷ USD được các chuyên gia StreetAccount dự đoán. Doanh thu từ quảng cáo đạt 8,76 tỷ USD, cũng tiếp tục cao hơn mức dự đoán 8,65 tỷ USD.

    Như vậy, doanh thu của Amazon trong quý II/2022 đã tăng trưởng 7% so với ước tính. Điều này hoàn toàn trái ngược so với nhiều Big Tech khác, qua đó biến Amazon trở thành một trong những gã khổng lồ có kết quả tích cực hiếm hoi trong quý.

    Với những tín hiệu tích cực này, số cổ phần mà MacKenzie Scott nắm trong tay có thể mang lại cho bà một khoản thu nhập đáng kể. Tuy vậy, trước đó, hồi tháng 1, có thông tin tiết lộ rằng Scott đã bán 2,5 triệu cổ phiếu Amazon của mình. Tùy thuộc vào ngày chính xác khi giao dịch xảy ra, số cổ phiếu đó có thể dễ dàng trị giá 8,5 tỷ USD trong quá trình bán.

    MacKenzie Scott dùng phần lớn tài sản để làm gì?

    Sau khi ly hôn, Scott đã coi hoạt động từ thiện như sứ mệnh của mình. Trong lá thư gửi tới The Giving Pledge, bà cam kết chia sẻ phần lớn tài sản cho các nhóm và cộng đồng trên khắp thế giới. (Giving Pledge là sáng kiến do tỷ phú Bill Gates, vợ cũ của ông - bà Melinda French Gates và tỷ phú Warren Buffett lập ra nhằm khuyến khích những người giàu nhất thế giới cho đi ít nhất một nửa tài sản của họ cho các hoạt động từ thiện).

    Trong một bài đăng trên blog, bà cũng nói rõ rằng các khoản quyên góp của mình sẽ không đi kèm với bất cứ điều khoản ràng buộc nào.

    Từ đó đến nay, bà Scott đã quyên góp hơn 12 tỷ USD cho hơn 1.000 tổ chức xã hội, theo chia sẻ của bà trên Medium. Đầu năm 2022, vợ cũ của tỷ phú Jeff Bezos cho biết mình đã viện trợ thêm cho 465 tổ chức phi lợi nhuận, trị giá gần 3,9 tỷ USD chỉ trong 9 tháng gần nhất. Bà hướng tới hỗ trợ những tổ chức hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực gồm giáo dục, chống biến đổi khí hậu và tư pháp hình sự.

    “Trọng tâm của nhóm chúng tôi trong 9 tháng qua là hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực mới, nhưng như mọi khi, mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ những người gặp khó khăn đến từ tất cả các nhóm người khác nhau. Chúng tôi không ủng hộ các chính sách hay cải cách cụ thể. Thay vào đó, chúng tôi tìm kiếm các tổ chức hỗ trợ những người có khả năng tham gia tìm giải pháp cho các vấn đề”, bà chia sẻ với Medium.

    Kênh 14 (Theo The Things, CNBC, Medium)

  • Điện thoại của tỷ phú Amazon đã bị hack sau khi mở tệp chứa video được gửi từ số của Thái tử Ả Rập Saudi.

    Mới đây, tờ The Guardian đã đăng tải một thông tin gây xôn xao dư luận khi nói rằng điện thoại của tỷ phú Jeff Bezos, giám đốc điều hành Amazon đã bị Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tấn công trên điện thoại vào năm 2018.

    Theo đó, vào ngày 1/5/2018, ông Jeff Bezos và Thái tử Ả Rập Saudi đã có trao đổi, nhắn tin với nhau trên WhatsApp. Sau đó, tài khoản của Thái tử Saudi đã gửi một tệp chứa video cho Bezos. Sau khi CEO Amazon mở tệp tin này thì dữ liệu đã nhanh chóng được trích xuất từ điện thoại của ông và bị đánh cắp.

    Tuy nhiên, chính phủ Ả Rập Xê Út đã đăng tải lên Twitter để phản bác vụ việc trên và gọi báo cáo của The Guardian là "vô căn cứ" và yêu cầu một cuộc điều tra để làm rõ sự việc trên. Trong khi đó, tỷ phú Bezos cho biết đang hợp tác với các cuộc điều tra.

    Tỷ phú Amazon nghi Thái tử Saudi hack điện thoại của mình.

    Theo tờ Guardian, Bezos là nạn nhân của vụ hack vì ông sở hữu tờ Washington Post, nơi đang có vấn đề nghiêm trọng với Thái tử Saudi.

    Vào đầu năm 2019, tờ National Enquirer đã đăng tải thông tin về việc ngoại tình của CEO Amazon với bà Lauren Sanchez khi vẫn chưa ly hôn với người vợ của mình. Sau đó, Bezos đã lên án và gọi hành động của đơn vị chủ quản tờ Nation Enquirer là một hành động tống tiền khi dọa sẽ đăng cả ảnh nóng của ông.

    Người ta cho rằng, Thái tử Salman đã cung cấp thông tin cá nhân đánh cắp được từ Jeff Bezos cho tờ National Enquirer để đăng tải nó lên. Nguyên do là vì Salman và David Pecker (Đơn vị chủ quản của tờ báo) có mối quan hệ rất thân thiết.

    Theo Helino

  • Công ty chuông cửa video của Amazon đang hợp tác với lực lượng cảnh sát để phát miễn phí hàng ngàn thiết bị của mình.

    Tuy nhiên, kế hoạch phân phối sản phẩm Ring trị giá 89 bảng đã khiến Big Brother lo ngại về mối quan hệ chặt chẽ giữa một công ty tư nhân và cảnh sát.

    Chuông cửa có kết nối internet được kích hoạt bằng chuyển động và bắt đầu ghi hình mỗi khi có ai đó đến gần cửa trước và chủ nhà sẽ được thông báo qua điện thoại di động.

    Công ty sản xuất sản phẩm công nghệ này - được Amazon mua lại với giá 1 tỷ USD - và cảnh sát cho biết các thiết bị sẽ giúp ngăn chặn những kẻ xâm nhập và thu thập bằng chứng giúp đưa bọn tội phạm ra ánh sáng.

    Bốn lực lượng cảnh sát - Suffolk, INTERNestershire, Humberside và Hertfordshire - đã nhận các thiết bị từ công ty để phân phát cho cư dân.

    Năm lực lượng khác đã tiến hành quảng bá sản phẩm chuông cửa này bằng các phiếu giảm giá hoặc mã giảm giá trong khi một số lực lượng đang tiến hành đàm phán với Ring.

    Tất cả 43 lực lượng cảnh sát ở Anh và xứ Wales được hỏi liệu họ có làm việc với Ring không.

    Trong số 33 lực lượng có hồi đáp, gần một nửa đã làm việc với Ring hoặc quảng bá sản phẩm của họ hoặc đang xem xét làm như vậy.

    Suffolk đã được cung cấp 1.000 chuông cửa miễn phí và lãnh đạo lực lượng, ông Andy Smith, đã lên tiếng bảo vệ mối quan hệ hợp tác với công ty.

    “Đây là thiết bị rất có ích với chúng tôi. Đã có ít nhất bốn tên tội phạm bị bắt nhờ chuông cửa Ring.”

    Ông nói thêm rằng ông đã nói chuyện với một số nạn nhân và họ cho biết các thiết bị này thực sự mang lại cho họ cảm giác an toàn.

    Một số luồng thông tin cho biết Ring cũng được tạo điều kiện để ký hợp đồng tài trợ trị giá 243.000 bảng với Sở Cảnh sát London, trao 1.000 chuông cửa video cho những người từng là nạn nhân của tội phạm và những người sống trong các điểm nóng trộm cắp.

    Lực lượng này cho biết họ đang hoàn thiện dự án và không thể tiết lộ chi tiết ở giai đoạn này.

    Hannah Couchman, chuyên gia chính sách của tổ chức nhân quyền Liberty, cho rằng thỏa thuận này rõ ràng không phù hợp.

    Bà cho rằng cảnh sát có thể xin lệnh buộc người dân phải cung cấp video trong một số trường hợp nhất định.

    “Ranh giới mờ nhạt giữa lực lượng thực thi pháp luật và các công ty tư nhân là rất đáng lo ngại,” bà nói.

    “Amazon đang xây dựng một mạng lưới giám sát riêng. Họ đang biến cửa trước của chúng ta thành camera quan sát mà không hề có những cuộc thảo luận và tranh luận công khai cần thiết.”

    Ông Griff Ferris, nhân viên pháp lý của Big Brother Watch, cho biết thỏa thuận này là một dự án cảnh sát được Amazon tài trợ để mở rộng năng lực giám sát đối với các khu dân cư” và rằng dự án này “cần phải được chấm dứt.”

    Ring, có trụ sở tại California, cho biết công nghệ của họ đã mang lại kết quả đáng kinh ngạc, và đó là niềm tự hào của hãng khi được hợp tác với cảnh sát Anh.

    VietHome (Theo The Sun)

  • Đây được cho là vụ lừa đảo lớn thứ nhì nhằm vào Amazon từ trước đến nay.

    Theo một số tờ báo tại Tây Ban Nha, James Gilbert Kwarteng, 22 tuổi, sống tại Palma de Mallorca (Tây Ban Nha), đã bị cáo buộc lừa đảo Amazon số tiền gần 370.000 USD.

    Phương thức mà thanh niên này áp dụng hóa ra lại đơn giản đến đáng ngạc nhiên: đặt vài món hàng, lấy hàng ra giữ lại, sau đó nhồi đất vào hộp sao cho trùng với khối lượng sản phẩm và gửi những chiếc hộp này về Amazon để yêu cầu hoàn tiền.

    Chính sách bán hàng của Amazon có quy định sẽ hoàn tiền khi khách hàng yêu cầu và gửi hộp sản phẩm trở lại - vấn đề ở đây là công ty không mở hộp ngay khi nhận về để kiểm tra hàng hóa bên trong.

    lua dao amazon
    Kiện hàng chứa đất mà Kwarteng gửi về Amazon.

    Các bản tin mô tả hành vi của Kwarteng và một đồng phạm khác là rất tinh vi, rằng khi nhận được hàng, anh này sẽ đặt hộp lên cân và ghi lại khối lượng chính xác, mở sản phẩm, nhồi đất vào hộp cho đến khi đạt khối lượng ban đầu, rồi sau đó bán chúng đi.

    Công việc kinh doanh có vẻ thuận lợi, doanh số ổn định đến mức Kwarteng quyết định thành lập hẳn một công ty trách nhiệm hữu hạn mang tên Kwartech - ghép chữ giữa tên anh ta và từ "technology".

    Amazon sau đó đã xem xét lại chính sách đổi trả hàng hóa và phát hiện ra nhiều kiện hàng chứa đất tại trung tâm kho vận ở Barcelona. Cảnh sát lúc này vào cuộc điều tra và tóm gọn Kwarteng.

    Anh này đã bị đưa ra tòa và sau đó được thả với khoản tiền chuộc 3.000 Euro. Bố mẹ của James cũng bị buộc tội liên đới, nhưng luật sư của Kwarteng cho biết đang nghiên cứu hồ sơ để loại trừ án phạt với hai vị phụ huynh này.

    Trước đó, vào năm 2017, một cặp đôi người Mỹ là Erin Finan và Leah Jeanette Finan từng gây ra một vụ việc lớn hơn nhiều so với Kwarteng, khi bị cáo buộc lừa đảo qua thư và rửa tiền sau khi chiếm đoạt từ gã khổng lồ thương mại điện tử số thiết bị điện tử tiêu dùng trị giá đến 1,2 triệu USD.

    Cụ thể, cặp đôi này đã tạo ra hàng trăm danh tính và tài khoản Amazon giả mạo trực tuyến để mua gần 3.000 món đồ điện tử, từ máy ảnh kỹ thuật số, máy chơi game, đến tablet.

    Trong một số trường hợp, chính sách chăm sóc khách hàng của Amazon cho phép khách hàng nhận hàng đổi trả trước cả khi gửi món hàng bị hỏng về nơi xuất phát - đó chính là kẽ hở bị cặp đôi này lợi dụng: họ nói với Amazon rằng các sản phẩm gửi đến đã bị lỗi hoặc bị hư hỏng. Sau khi nhận được các món hàng thay thế, cặp đôi đã xóa luôn tài khoản ảo trước khi trả hàng lỗi lại và đem chúng đi bán.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Người đàn ông này không thể tin được rằng Amazon đã thực sự giao số hàng này đến nhà của anh ta.

    Vào lễ hội mua sắm Prime Days vừa diễn ra, Amazon đã giảm giá rất nhiều sản phẩm công nghệ để thu hút khách hàng. Nhưng nằm giữa những sản phẩm chỉ giảm 10%, 20% lại có những chiếc máy ảnh và ống kính trị giá hàng ngàn USD chỉ được bán với giá dưới 100 USD!

    Một số người dùng cho biết họ đã đặt thành công những sản phẩm với giá rất hời, thậm chí còn nhận được mã xác nhận từ chính Amazon. Anh Cody McGee đăng lên trang Fuji Rumors rằng đã đặt được thành công chiếc Fujifilm X100F trị giá 1300 USD với mức giá chỉ 94.5 USD. Người dùng của trang Slickdeals tên Steeve cũng đặt thành công một chiếc Canon EOS R (2000 USD) với mức giá tương tự. 

    Tuy nhiên có lẽ không ai may mắn như anh chàng có nickname SoccerMomDeals này. Chia sẻ trong một bài đăng trên diễn đàn Reddit, anh chàng này cho biết đã mua số hàng trị giá tới 65.000 USD với số tiền chỉ 500 USD. 

    Lỗi hiếm hoi này xuất phát từ Amazon, và mặc dù các đơn hàng đều là của bên thứ 3, nhưng Amazon đều đã xác nhận và thực hiện việc chuyển hàng. Cho đến nay, Amazon vẫn chưa có phản hồi cũng như cách xử lý nào đối với sự cố này. 

    Trong bài đăng của mình, thành viên SoccerMomDeals cho biết: “WOW họ thực sự đã chuyển đến những chiếc ống kính mà tôi đặt mua. Tôi đã đặt mua 5 chiếc ống kính Canon EF 800mm f/5.6L IS USM Super Telephoto với giá chỉ 500 USD. Trong khi toàn bộ số hàng này trị giá tới 65.000 USD. Không thể tin được là Amazon đã thực sự giao hàng. Bây giờ câu hỏi là làm sao để bán được số ống kình này đây”. 

    Mặc dù đã có nhiều đơn hàng bị hủy bởi nhà cung cấp, trước khi chúng được giao đến người dùng. Tuy nhiên có một số phản hồi trên diễn đàn Reddit cho biết, những người đặt hàng sớm vẫn nhận được số hàng của họ với giá rất hời. 

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Đỗ Liên Quang đang làm cho tập đoàn thương mại điện tử Amazon. Khó tin 9 năm trước cậu mới nuôi ước mơ du học qua một bài báo.

    Tháng 6 vừa rồi, Đỗ Liên Quang, 26 tuổi đã chuyển từ bộ phận phân tích thị trường sang bộ phận dịch vụ điện toán đám mây của tập đoàn thương mại điện tử Amazon tại trụ sở Seattle (Mỹ). Với Quang, chuyển việc là một cách để học hỏi kinh nghiệm. Cậu không ngừng thử thách mình qua các công việc mới.

    Thử thách mình cũng là cách đã dẫn cậu học trò ở Buôn Trấp (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) hơn 9 năm trước tới trung tâm công nghệ thế giới ngày nay. 

    Quang sinh ra trong một gia đình di cư đến vùng đất đỏ. Bố cả ngày quanh quẩn trên rẫy cà phê, mẹ là một giáo viên cấp 2. Ngay từ nhỏ Quang đã được bố mẹ trao quyền tự quyết, tự do vì thể hiện học lực giỏi suốt những năm đi học.

    Đỗ Liên Quang là một trong hơn 70 học sinh Việt Nam được học bổng cấp 3 từ UWC - các trường Thế giới Liên kết - tính từ năm 2002 đến nay.

    Ước mơ du học vô tình đến với Quang năm cậu học lớp 11, khi đọc báo biết đến học bổng cấp 3 của các trường Thế giới Liên kết (UWC, bao gồm 17 trường học trải khắp 4 châu lục, học sinh đến từ nhiều nước). Cậu âm thầm làm hồ sơ, xin thư giới thiệu.

    Khó khăn nhất là viết bài luận tiếng Anh cả nghìn từ, mà trước giờ viết vài câu cậu còn trầy trật. Thầy giáo ngoại ngữ đã từ chối giúp đỡ vì nghĩ chẳng có cơ hội nào cho một học sinh tỉnh lẻ. Vậy là Quang quyết định viết chân thật về mình, viết lại xóa nhiều lần cho đến khi xong, với hai "trợ thủ" google dịch và từ điển.

    Cú liều này cho Quang cơ hội đi tiếp vào vòng phỏng vấn. Cậu giữ bí mật nên chỉ thông báo ngắn gọn cho cha mẹ: "Con cần ra Hà Nội vài ngày". Đã quen với tính cách tự lập của cậu cả từ nhỏ, ông Đỗ Liên Gang (53 tuổi) và bà Phan Thị Triệc (52 tuổi) không hỏi thêm, họ chỉ đưa con chiếc điện thoại "cục gạch" để liên lạc.

    Lần đầu tiên rời khỏi buôn làng ra thủ đô, những toà nhà cao tầng và dòng người tấp nập làm Quang phấn khích. Song đến ngày phỏng vấn, ở bên các bạn đến từ những trường chuyên nổi tiếng toàn quốc, Quang tràn đầy lo lắng. Đối diện với 4 vị giám khảo, hai lần cậu không hiểu được câu hỏi tiếng Anh, đành phải hỏi lại bằng tiếng Việt.

    Song, khi giám khảo người Tây duy nhất trong phòng lên tiếng: "Tại sao em lại hứng thú với học bổng này?", Quang không còn sợ nữa, bởi đây là câu hỏi cậu đã suy nghĩ, đợi chờ.

    Cậu kể về những ngày tháng tươi đẹp bên gia đình, bè bạn. Về bản thân luôn nỗ lực học tập, về hàng chục hoạt động ngoại khoá đã tham gia. Cậu kể về những khó khăn khi làm bộ hồ sơ gửi đi và ước mơ trong mình lớn thế nào... Bao câu từ sắp xếp từ trước sao cho ngắn gọn, cho hay, đến giờ bay biến, chỉ còn lại những câu nói thốt ra từ trái tim.

    Ngày Quang đậu học bổng toàn phần (gia đình không phải trợ cấp), bố mẹ cậu vui mừng dù mãi sau mới hiểu rõ học bổng ấy là gì. 

    "Tin Quang đỗ học bổng du học cấp 3 là một điều vô cùng lạ lẫm tại thời điểm đó, bởi khái niệm du học xa xôi với chỗ chúng tôi, huống gì còn học ở nước ngoài từ trung học phổ thông. Quang là học sinh đầu tiên trong tỉnh làm được điều đó", cô Bùi Thị Ngọc Tú, cô giáo chủ nhiệm của Quang tại Trường THPT huyện Krông Ana nói.

    Mùa thu năm 2010, chàng trai 17 tuổi lên đường sang Hà Lan. Những giây phút háo hức ban đầu sớm qua khi Quang nhận ra khoảng cách với các bạn. Vốn tiếng Anh ít ỏi của cậu hoàn toàn không thể áp dụng được ở đây. Ba tháng đầu không ai hiểu cậu nói gì, còn Quang phải hỏi đi hỏi lại mới hiểu. Trong giờ học cậu phải mang từ điển để tra.

    "Tôi luôn cố tham gia vào các buổi tụ tập để có thể hoà nhập với các bạn, nhưng rồi nhận ra sẽ chẳng bao giờ hiểu những tình huống mà mọi người nói, vì mình chưa bao giờ được trải qua. Đó là hệ quả khó tránh khi mình thuộc về một tầng lớp khác và tiếng Anh kém. Có thời điểm tôi đã rất tự ti", chàng trai bộc bạch.

    Bù lại Quang cũng có những thế mạnh. Trước mỗi giờ học, cậu luôn tra hết tất cả các từ có trong sách để theo kịp bài giảng. Toán và Hóa là hai môn giúp Quang có điểm cao nhất, nhì lớp. Môn tiếng Anh cậu lại được giáo viên quý vì chăm chỉ. Hai năm học cũng trôi qua với những điểm số ngày một tốt hơn. 

    Quang (thứ 2 từ trái sang) là người sáng lập CLB sinh viên quốc tế tại Đại học Duke (Bắc Carolina). Cậu luôn ưu tiên các hoạt động ngoại khóa để tạo nền tảng cho công việc sau này. Ảnh: Do Quang.

    Hai năm học ở Hà Lan qua nhanh và đến ngày Quang phải nộp hồ sơ vào đại học. Vẫn còn tự ti nên Quang không dám gửi nguyện vọng đến các trường hàng đầu ở Mỹ, chỉ gửi các trường nhỏ. Tình cờ một người bạn giúp cậu "khai sáng": "Cậu có nhớ bộ phim Bollywood mà mình xem không? Three Idiots. Trong bộ phim đó Raju đã rất sợ hãi và không dám theo đuổi ước mơ của mình, nhưng rồi cậu ấy nhận ra cuộc sống sẽ không thể thay đổi nếu mình không phá vỡ sự sợ hãi vô hình".

    Ôm bạn cảm ơn, Quang lao về phòng, cuối cùng tìm ra chỉ còn 2 trường đại học top đầu của Mỹ là còn hạn nộp hồ sơ và chỉ còn một ngày nữa là hết hạn. Chàng trai quyết định gửi "tấm vé" cuối cùng vào Đại học Duke, bang North Carolina.

    Hóa ra Quang đã đánh giá thấp bản thân. Kết quả cậu là một trong gần chục học sinh của toàn khóa (50 người) giành được học bổng từ những trường danh giá. Chưa kể cậu có thể lựa chọn 4 trường nhỏ hơn. 

    "Điều lớn nhất mình học được ở trường liên kết thế giới là xây dựng tình bạn với bạn bè từ các nước, sự quan trọng của việc cởi mở suy nghĩ, sẵn sàng học hỏi và nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh. Mỗi người khi kể một câu chuyện thì chỉ kể từ khía cạnh của họ, để có cái nhìn toàn diện, chúng ta phải chủ động tìm kiếm những thông tin không có sẵn", cậu nói.

    Để thử thách bản thân tại môi trường đại học, Đỗ Liên Quang đặt mục tiêu trải nghiệm nhiều hơn, bằng việc chọn ngành học Khoa học não bộ, được nhiều người đánh giá là khó và lạ lẫm, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, đi nhiều nước. Song song, cậu học thêm ngành kinh tế.

    Thời gian đầu ở Đại học Duke cũng là giai đoạn khó khăn với chàng du học sinh Việt. Có lần cậu bị các bạn không lắng nghe và phủ nhận ý kiến vì không nói tiếng Anh chuẩn. Nhiều ngày cậu không dám phát biểu nữa. Cột mốc phá vỡ sự im lặng của cậu là tại tiết Triết học năm nhất. Hôm đó, giáo sư giới thiệu một khái niệm mới, trong khi Quang vẫn chưa hiểu, các bạn khác đã giơ tay nói. Mất vài phút tự đấu tranh, Quang quyết định "thà để mọi người nghĩ mình ngu 5 phút còn hơn là ngu thật", cậu xin thầy giải thích lại.

    Khi đã hiểu rõ, Quang lăn xả vào hoạt động thuyết trình của nhóm. Sau buổi học thầy giáo gọi cậu ở lại khen "đã nói được hết những điều thầy muốn giảng". Thầy cũng hỏi sao không thấy phát biểu và cho Quang một lời khuyên đã theo suốt hành trình sau này của cậu: "Một người khôn ngoan không vì họ có nhiều thứ để nói, mà vì trong số những thứ ít họ có để nói thì đều có giá trị khiến người khác muốn lắng nghe".

    Quang biết ơn Đại học Duke cho mình học bổng toàn phần 70.000 đôla/năm (hơn 1,6 tỷ đồng) và cho cha mình sang Mỹ dự lễ tốt nghiệp của con trai năm 2016. Ảnh: Do Quang.

    Hè năm 2016, Quang tốt nghiệp đại học. Kết thúc hành trình trên ghế nhà trường, Quang nhận ra điều tâm đắc nhất là kết giao được những người bạn cùng chí hướng.

    "Rất nhiều học sinh Việt sang Mỹ du học và bị vỡ mộng, bị cô đơn và cô lập. Mình nghĩ là nên cố gắng tránh khỏi điều này ngay từ ban đầu. Dù có khó khăn thế nào đi nữa nhưng nếu có bạn bè để chia sẻ thì sẽ có động lực để vượt qua và có được một khoảng thời gian đáng nhớ ở đại học", Quang nói. Anh đã cùng những người bạn thân tham gia nhiều hoạt động, đi nhiều nước và hai lần về Việt Nam.

    Với những thành tích nổi bật tại trường, Đỗ Liên Quang được nhận vào chương trình Management Training của tập đoàn Nike sau khi tốt nghiệp, sau đó thuận lợi vào tập đoàn Amazon. Chàng trai trẻ mong muốn sẽ làm việc hoặc kinh doanh tại Việt Nam trong tương lai.

    Song trước khi đến ngày đó, Quang vẫn đang cống hiến cho thế hệ trẻ quê nhà. Mỗi năm anh đều tham gia tuyển sinh cho học bổng UWC - học bổng khởi đầu cho con đường đi ra biển lớn của mình, cố vấn cho các câu lạc bộ thanh niên trong nước. Quang cũng vừa xuất bản tự truyện truyền động lực cho thế hệ trẻ. 

    Đỗ Liên Quang của ngày hôm nay không còn là cậu học sinh rụt rè năm nào nữa. "Nhiều người quen nói tôi đã đạt được ước mơ, nhưng tôi nghĩ ước mơ của mình giờ mới chính thức bắt đầu", nụ cười rạng ngời, Quang nói.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Bà MacKenzi Bezos, vợ cũ ông chủ tập đoàn Amazon và là người phụ nữ giàu thứ 4 thế giới, đã cam kết cho đi một nửa tài sản của mình để làm từ thiện. 


    Bà MacKenzie Bezos và tỷ phú Jeff Bezos trước khi ly hôn (Ảnh: AFP)

    Bà MacKenzie Bezos, tiểu thuyết gia 49 tuổi và là nhà sáng lập tổ chức chống bạo hành Bystander Revolution, ngày 28/5 thông báo bà có một khoản tiền muốn chia sẻ với mọi người. Vợ cũ tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành tập đoàn Amazon, hứa sẽ hiến ít nhất một nửa số tài sản trị giá 36 tỷ USD của bà cho hoạt động từ thiện.

    Bà MacKenzie đưa ra thông báo trên trong bức thư gửi chiến dịch Giving Pledge (Cam kết hiến tặng), một sáng kiến do nhà đầu tư Warren Buffett và nhà sáng lập Microsoft Bill Gates lập ra, để kêu gọi những người giàu nhất thế giới quyên góp ít nhất một nửa số tài sản của họ cho từ thiện.

    “Có rất nhiều thứ mà mỗi người trong chúng ta có thể lấy ra để chia sẻ với những người khác như thời gian, sự quan tâm, kiến thức, sự kiên nhẫn, sự sáng tạo, tài năng, nỗ lực, sự hài hước và lòng thương cảm. Ngoài những tài sản mà cuộc sống đã tặng cho tôi, tôi có một khoản tiền kha khá để chia sẻ. Cách tiếp cận của tôi đối với hoạt động từ thiện sẽ tiếp tục được cân nhắc kỹ lưỡng. Hoạt động từ thiện đòi hỏi thời gian, nỗ lực và sự cẩn trọng. Nhưng tôi sẽ không chờ đợi. Tôi sẽ từ thiện cho tới khi rỗng két”, bà McKenzie nói.

    McKenzie không chia sẻ cụ thể bà sẽ từ thiện vào lĩnh vực nào, song trước đây bà từng ủng hộ bình đẳng hôn nhân, khắc phục tình trạng vô gia cư, trao học bổng đại học cho những người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp, nghiên cứu ung thư và bệnh mất trí nhớ.

    Tỷ phú Jeff Bezos, người giàu nhất thế giới với khối tài sản 114 tỷ USD, đã lên tiếng chúc mừng quyết định của vợ cũ.

    “MacKenzie sẽ là một người tuyệt vời, sâu sắc và hiệu quả trong hoạt động từ thiện, và tôi tự hào về cô ấy”, ông Jeff Bezos viết trên Twitter.

    Sau khi chia tay tỷ phú Jeff Bezos hồi tháng 4, bà MacKenzie trở thành người phụ nữ giàu thứ 4 và là người giàu thứ 22 thế giới. Jeff Bezos cũng là chủ sở hữu của tờ báo Washington Post nổi tiếng và một công ty về hàng không vũ trụ. Bà MacKenzie kết hôn với Jeff Bezos vào năm 1993, một năm trước khi ông sáng lập Amazon từ gara ô tô ở Seattle, Mỹ.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Jeff Bezos là người giàu nhất hành tinh. Với tổng giá trị ước tính lên đến 121 tỷ USD, CEO Amazon hơn người giàu thứ 2 là Bill Gates đến 16 tỷ USD. Dù lương hàng năm của Jeff Bezos chỉ 81.840 USD, hầu hết sự giàu có của ông lại đến từ cổ phần trong Amazon. 

    Hình ảnh châm biếm mô tả Jeff Bezos áp đảo Bill Gates.

    Dưới đây là 9 sự thật cho thấy mức độ giàu có khó tưởng tượng của Jeff Bezos:

    1. Tài sản của Bezos có giá trị 121 tỷ USD dù chỉ được trả lương mỗi năm 81.840 USD - thậm chí còn thấp hơn mức lương của đại đa số người Mỹ.

    Tất nhiên, một phần khá lớn trong sự giàu có của Bezos gắn liền với cổ phiếu của Amazon, không phải lương của ông.

    2. Bezos làm ra 2.489 USD mỗi giây - hơn gấp đôi số tiền một công nhân Mỹ làm ra mỗi tuần.

    Con số này tương đương 149.353 USD mỗi phút. Điều đó có nghĩa là chỉ trong 1 phút, CEO Amazon kiếm được hơn gấp 3 lần một công nhân trung bình ở Mỹ kiếm được trong 1 năm: khoảng 47.000 USD.

    3. Sau khi ly hôn MacKenzie Bezos và từ bỏ 25% cổ phần Amazon sở hữu bởi cả hai người, Jeff Bezos vẫn giữ vị trí người giàu nhất thế giới.

    Trong khi đó, MacKenzie Bezos sẽ trở thành người phụ nữ giàu thứ 3 thế giới, sau người thừa kế L'Oreal là Francoise Bettencourt Meyers và người thừa kế Walmart là Alice Walton.

    MacKenzie, từng là một trong những nhân viên đầu tiên của Amazon, hiện có giá trị tài sản ước tính 38,9 tỷ USD.

    4. Với 121 tỷ USD của mình, tài sản của Bezos có giá trị ròng tương đương 30% số tiền học bổng của top 100 trường đại học Mỹ.

    Ba trường đại học giàu nhất nước Mỹ vào năm ngoái dựa trên số tiền học bổng của họ là Đại học Harvard (38,3 tỷ USD), hệ thống Đại học Texas (30,9 tỷ USD) và Đại học Yale (29,4 tỷ USD). 

    Tài sản của Bezos lớn hơn tổng số tiền tài trợ của 3 trường đại học nêu trên gộp lại - chính xác là hơn tới 22 tỷ USD.

    5. Bezos giàu đến mức nếu một người trung bình tại Mỹ tiêu 1 USD sẽ tương đương với Bezos tiêu 1,2 triệu USD.

    Giá trị ròng trung bình của một hộ gia đình trung bình ở Mỹ là 97.300 USD. Lấy 121 tỷ USD chia cho 97.300 USD sẽ cho ra kết quả 1,2 triệu USD.

    6. CEO Amazon giàu hơn Hoàng gia Anh đến gần 38%.

    Hoàng gia Anh có giá trị tài sản ước tính 88 tỷ USD vào năm 2017.

    7. Tài sản Bezos có giá trị gần tương đương với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn Angola.

    Khoảng một nửa GDP của Angola (121 tỷ USD) đến từ sản xuất dầu mỏ, vốn chiếm hơn 90% số mặt hàng xuất khẩu của quốc gia này.

    8. Giá trị tài sản ròng của Bezos lớn hơn tổng số GDP của Iceland, Afghanistan và Costa Rica gộp lại.

    GDP của Iceland vào khoảng 31,6 tỷ USD, của Afghanistan là 22,9 tỷ USD, và Costa Rica là 64,9 tỷ USD.

    9. Theo cơ quan An ninh Xã hội Mỹ (SSA), một người đàn ông trung bình tại Mỹ với bằng cử nhân sẽ kiếm được khoảng 2,2 triệu USD trong suốt cuộc đời. Bezos kiếm được chừng đó tiền chỉ trong chưa đầy... 15 phút.

    Theo SSA, một người phụ nữ trung bình tại Mỹ với bằng cử nhân sẽ kiếm được 1,3 triệu USD trong suốt cuộc đời. Trong khi đó, Bezos, cũng có bằng cử nhân Đại học Princeton, kiếm được 149.353 USD mỗi phút.

    Viethome (theo Helino)

  • Sau khi đạt được thỏa thuận với vợ cũ, tỷ phú Jeff Bezos thoải mái xuất hiện bên người tình MC tại một nhà hàng ở Mỹ.

    Người giàu nhất thế giới, Jeff Bezos, 55 tuổi và người tình MC Lauren Sanchez, 49 tuổi, bị bắt gặp ăn tối cùng em gái của Sanchez tại nhà hàng Emily ở thành phố New York hôm 5/5. Đây là lần đầu tiên Bezos và Sanchez xuất hiện cùng nhau kể từ khi thông tin hai người hẹn hò khiến cuộc hôn nhân 25 năm của tỷ phú tan vỡ hồi tháng 1.

    Jeff Bezos và Lauren Sanchez rời nhà hàng ở New York hôm 5/5. Ảnh: People.

    Một nguồn tin cho biết sau khi hoàn tất thủ tục ly hôn với vợ cũ MacKenzie đầu tháng 4, tỷ phú Amazon đã cởi mở hơn trong việc công khai mối quan hệ tình cảm và muốn hẹn hò như những đôi bình thường khác. Trong khi đó, MC Lauren Sanchez cũng đang tiến hành các thủ tục ly hôn với chồng, giám đốc điều hành công ty tìm kiếm tài năng Hollywood, Patrick Whitesell.

    Trước đó, ngày 9/1, tỷ phú Bezos tuyên bố ly hôn với vợ, bà MacKenzie, sau 25 năm chung sống. Ngay sau đó, trang tin National Enquirer khẳng định nguyên nhân đổ vỡ của cuộc hôn nhân này là do Bezos ngoại tình với bạn thân của gia đình, nữ MC Lauren Sanchez. Tuy nhiên cả Jeff Bezos và Lauren Sanchez đều im lặng trước cáo buộc này.

    Vụ ly hôn của người giàu nhất thế giới được tiến hành nhanh chóng trong vòng 3 tháng. Hôm 5/4, bà MacKenzie Bezos thông báo trên Twitter rằng đã hoàn tất thủ tục ly hôn với Jeff Bezos. Bà MacKenzie giao cho chồng cũ toàn quyền sở hữu tờ báo Washington Post, công ty hàng không vũ trụ Blue Orgin và 75% cổ phần chung của cả hai tại Amazon. Bà MacKenzie chỉ sở hữu 25% cổ phiếu chung của hai vợ chồng, tương đương 4% cổ phiếu Amazon trị giá 35,6 tỷ USD.

    Jeff Bezos và vợ cũ MacKenzie thời còn mặn nồng. Ảnh: AP.

    Sau ly hôn, Jeff Bezos vẫn giữ vững ngôi vị người giàu nhất hành tinh với khối tài sản hơn 110 tỷ USD. Bên cạnh đó, quyền lực của Jeff Bezos tại Amazon vẫn không suy giảm khi được vợ cũ ủy quyền biểu quyết với số cổ phần của bà tại Amazon.

    Trước khi hẹn hò với tỷ phú Jeff Bezos, Lauren Sanchez là người dẫn chương trình nổi tiếng tại Mỹ. Cô có sự nghiệp thành công khi từng giành giải Emmy và là người dẫn quen thuộc của nhiều chương trình trên kênh KTTV Fox-11. Ngoài lĩnh vực giải trí, cô còn có bằng lái máy bay và là chủ công ty Black Ops Aviation, chuyên sản xuất và quay các cảnh phim trên không.

    Viethome (theo Ngôi Sao)

  • Bên nhau trên 20 năm và đều 4 con, Jeff Bezos ly dị vợ để ở bên người tình, còn ông Vũ 'Trung Nguyên' đổ vỡ sau nhiều năm lên núi thiền.

    Trung Nguyên và Amazon là những công ty ra đời trong thập niên 90 (1996 và 1994). Vợ chồng nhà sáng lập hai đơn vị đều có cuộc hôn nhân trên 20 năm và 4 con với nhau. Họ từng thừa nhận có tình yêu đẹp và sống với nhau hạnh phúc trước khi xảy ra đổ vỡ. Hai vụ ly hôn đầu năm nay của ông chủ tập đoàn lớn thế giới và của Việt Nam kéo theo những màn phân chia tài sản khổng lồ.

    Theo luật bang sinh sống Washington, Jeff Bezos, 55 tuổi, có thể phải chia một nửa số tài sản 137 tỷ USD cho vợ, bà MacKenzie Bezos. Còn ông Đặng Lê Nguyên Vũ, 48 tuổi, hiện có màn tranh chấp tài sản trị giá 7.700 tỷ đồng với vợ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo, tại tòa.

    Bà Thảo nộp đơn ly dị chồng từ năm 2015. Ông Vũ và bà Thảo đưa nhau ra tòa và mất hơn 3 năm cùng 10 lần hòa giải bất thành vẫn chưa xong, trong khi Jeff Bezos tuyên bố chia tay vợ chỉ bằng một dòng tweet ngày 9/1/2019. Thế giới không được chứng kiến màn đôi co nào giữa vợ chồng người giàu nhất thế giới khi họ đơn giản nói chia tay êm thấm và tìm phiêu lưu riêng.

    Lý do ly hôn?

    Báo Mỹ National Enquirer khai thác vụ ly hôn của tỷ phú Amazon và cho rằng ông có quan hệ ngoài luồng với MC Lauren Sanchez từ tháng 4/2018, sau 25 năm sống đời vợ chồng với MacKenzie.

    Còn tại Trung Nguyên, vợ chồng người sáng lập xảy ra nhiều bất đồng quan điểm sống, nuôi dạy con và chiến lược phát triển tập đoàn. Ông Vũ lên núi thiền định từ 2013, tái xuất sau 5 năm vắng bóng và vợ cho rằng ông bị bệnh. Ban đầu ông không đồng ý ly hôn và muốn vợ lui về chăm con.

    Hôm 21/2, bà Thảo bất ngờ có ý định rút đơn ly hôn sau khi nghe HĐXX khuyên nhủ. Lúc này, ông Vũ đã quyết: "Cuộc hôn nhân này cần phải kết thúc", vì "cô phải sám hối".

    Mục đích

    Tại công ty giá trị nhất thế giới, Amazon, vợ chồng nhà sáng lập sở hữu tổng cộng 16% cổ phần. Nhưng tại Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (đơn vị nắm 70% cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên và chi phối nó), ông Vũ, bà Thảo nắm tổng cộng tới 90%.

    Không có biểu hiện tranh chấp tài sản, sở hữu công ty giữa Jeff và MacKenzie Bezos. Thậm chí nếu chia đôi cho vợ cũ, ông Bezos mất luôn ngôi vị giàu nhất thế giới.

    Trong khi đó, vợ chồng ông Vũ, bà Thảo tranh cãi nảy lửa tại tòa về vấn đề phân chia tài sản và cổ phần Trung Nguyên.

    Ông Vũ đưa ra tỷ lệ 7:3, qua đó ông nắm 63% Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên và bà Thảo có 27% (còn lại là cổ phần của người thân ông Vũ và ông Vũ thừa kế từ bố đã mất).

    Tuy nhiên, phía bà Thảo đòi 51%.

    Mục đích của bà Thảo là chi phối Trung Nguyên. 51% cổ phần cho phép bà làm điều đó. Đó là chưa kể ban đầu bà muốn mỗi trong số bốn con được cấp dưỡng 5% cổ phần và với tư cách giám hộ, bà có thể sẽ nắm hơn 70% công ty. Tuy nhiên, tại tòa ngày 21/2, hai bên đã thống nhất ông Vũ cấp 10 tỷ đồng mỗi năm cho các con.

    Mức 27% cho bà Thảo, theo phương án ông Vũ đưa ra, lại ngầm định dưới mức 36% cho phép cổ đông có quyền phủ quyết các quyết định của công ty, theo luật Doanh nghiệp.

    Vai trò của người phụ nữ?

    Nhà văn MacKenzie Bezos hay cựu nhân viên bưu điện Lê Hoàng Diệp Thảo đều thuận theo chồng để giúp người đàn ông gây dựng sự nghiệp. Trong khi Jeff Bezos công khai thừa nhận vai trò lớn lao của vợ, báo chí thế giới cũng khẳng định "không có Mackenzie, không có Amazon", ông Vũ nói tại tòa chiều 21/2: "Chưa ai phá Trung Nguyên như cô Thảo".

    "Trung Nguyên bao nhiêu năm nay không cần cô vẫn phát triển tốt. Tôi vẫn điều hành, quản lý mọi thứ từ xa. Không ai bắt cô phải làm việc 16 tiếng", ông lớn tiếng.

    Ông khẳng định bà Thảo có đóng góp cho Trung Nguyên nhưng nếu nói là "linh hồn" thì tất cả nhân viên trên dưới đều cười.

    Phía bà Thảo cho rằng ông Vũ xúc phạm, sỉ nhục. Nói về những ngày cùng chồng phát triển công ty, bà cho biết phải làm việc từ sáng đến đêm ngay cả khi mới sinh con.

    Amazon đến thời điểm Jeff và MacKenzie Bezos ly hôn là cơ ngơi nằm trọn trong thời gian hôn nhân của họ. Trong khi đó, hai năm sau khi thành lập Trung Nguyên, năm 1998, ông Vũ mới kết hôn với bà Thảo.

    Viethome (theo Ngôi Sao)

  • Amazon giờ đây đã không còn là một thị trường đầy sáng tạo của thương mại điện tử. Thị trường này đã trở thành một hệ thống đồ sộ, là nơi giữ tiền, đặt gian hàng, cung cấp nhà kho, vận chuyển, quảng cáo hay đóng thuế hộ.

    ban hang tren amazon

    Giết người không dao

    Anh Kevin Harmon, một chủ cửa hàng chuyên bán DVD và sách báo trên Amazon cho biết mình đã bị đóng băng tài khoản trị giá 20.000 USD và không tài nào xin lại được. Sau khi sa thải nhân viên cũng như bán dọn kho, anh Kevin ngậm ngùi: "Họ không đập chết bạn khi bạn còn nhỏ. Họ sẽ chờ cho đến khi bạn lớn và cần thuê nhân viên, cần điền hồ sơ luật, vay vốn cùng cả một kho chứa đầy hàng. Thế rồi họ sẽ cho thấy rằng họ chẳng cần bạn nữa".

    Trên thực tế, nhận định của anh Kevin chỉ đúng phần nào bởi việc cạnh tranh trên Amazon không phải về giá hay chất lượng do chúng tương tự nhau, mà là bằng cách xuất hiện trước mắt khách hàng nhiều nhất có thể. Để làm được điều này, các đối thủ phải trù dập nhau, ăn cắp ý tưởng hay sử dụng các chiêu trò để có thể thành công, và đối tượng họ nhắm đến thường là những cửa hàng lớn đã có tên tuổi trên Amazon.

    Quay lại câu chuyện của anh Zac, đơn khiếu nại của anh bị từ chối và anh đã phải viết thư lên cho nhà sáng lập Jeff Bezos khi không còn nghĩ ra bất kỳ "tội" nào nữa. Thông thường các thuật toán sẽ không chấp nhận đơn khiếu nại thừa nhận cùng 1 tội 2 lần. Bức thư này của anh Zac cũng chẳng được ngó ngàng tới và cuối cùng anh phải xin địa chỉ email của một quản lý cấp cao để nói chuyện thì mới được trả lại tài khoản. Tổng cộng vụ việc khiến anh mất tới 150.000 USD doanh số.

    Một trường hợp khác tệ hại hơn là anh John Harris, chuyên bán đồ dùng cho người thích thám hiểm sinh tồn như bình cứu hỏa, đồng hồ chống nước, la bàn… Nhận thức được sự cạnh tranh "bẩn thỉu" trên Amazon, anh John đã đăng ký bản quyền thương hiệu các sản phẩm của mình với Amazon. Thậm chí anh còn mua một phần mềm tự động gửi thư khiếu nại đến Amazon nếu có ai đó cố tình ăn cắp và bán sản phẩm giống hệt của mình.

    Tưởng chừng mọi chuyện đã an toàn, thế rồi một ngày đẹp trời tháng 9/2018, tên tài khoản bán hàng của anh được chuyển cho một người khác. Mặc dù John đã cố khiếu nại với Amazon nhưng chẳng có hồi âm nào. Hóa ra, đối thủ cạnh tranh đã nhắm đến cửa hàng của anh gần 1 năm nay. Trong khi John cố gắng đăng ký bản quyền thương hiệu sản phẩm thì anh lại quên không đăng ký nhận diện thương hiệu tên tài khoản bán hàng của mình.

    Thế là đối thủ lấy ảnh những sản phẩm của anh, kèm thiết kế và các chữ ký trong danh sách quảng cáo bán hàng để đăng ký bản quyền tên chủ tài khoản. Sau đó họ nghiễm nhiên được Amazon cấp tên tài khoản của anh John và đá anh ra khỏi cuộc chơi. Kể từ đây, khách hàng mua sản phẩm cứ tưởng họ đang mua của John nhưng lại là một người khác với hàng nhái gần tương tự.

    Tồi tệ hơn, sau khi bị anh John làm phiền quá nhiều, đối thủ đã khiếu nại lên Amazon rằng anh đang ăn cắp bản quyền khi đăng ký thương hiệu sản phẩm. Thế rồi Amazon gửi email cảnh báo anh John đang ăn cắp bản quyền của sản phẩm do chính anh làm ra.

    Những kiểu tấn công như vụ của anh John đang ngày càng phổ biến trên Amazon. Ngày càng nhiều người bán kẻ mua đồng nghĩa với ngày càng nhiều cạnh tranh để lên top trang tìm kiếm. Amazon có tới nửa tỷ sản phẩm bày bán tại chợ online nhưng chỉ có khoảng 20.000 người bán, tương ứng chưa đến 0,3% là có doanh số hơn 1 triệu USD/năm. Đây là lý do khiến hàng loạt vụ tấn công và chơi xấu diễn ra.

    Ngoài việc đánh cắp tài khoản, họ có thể mua quảng cáo từ Google cho đối thủ nhưng lại quảng cáo sản phẩm không liên quan, hoặc thuê tin tặc thay đổi màu sản phẩm trên trang quảng cáo của đối thủ để bị báo cáo bán không đúng mô tả. Hay tệ hơn, họ có thể thay đổi sản phẩm của bạn sang những mặt hàng nhạy cảm như đồ chơi tình dục, khiến người mua phải báo cáo với Amazon.

    Thậm chí vào tháng 9/2018, tờ Wall Street Journal thông báo Amazon đang điều tra các nhân viên của họ ở Mỹ và Trung Quốc vì đã để lộ thông tin khách hàng, chủ cửa hàng ra bên ngoài cũng như nhận hối lộ. Tuy nhiên 1 tháng sau, báo cáo chính thức cho thấy chỉ có 1 người bị đuổi việc.

    Rõ ràng, Amazon giờ đây đã không còn là một thị trường đầy sáng tạo của thương mại điện tử. Thị trường này đã trở thành một hệ thống đồ sộ, là nơi giữ tiền, đặt gian hàng, cung cấp nhà kho, vận chuyển, quảng cáo hay đóng thuế hộ. Tuy nhiên, quyền lực quá lớn đã khiến Amazon ngày càng trở nên quan liêu cùng những chiêu trò cạnh tranh bẩn thỉu.

    Theo Thời Đại

  • Việc phân chia tài sản của Jeff Bezos sẽ khá đau đầu vì tài sản của ông gắn liền với cổ phiếu công ty, nhất là trong trường hợp vợ chồng Bezos không có thỏa thuận tiền hôn nhân.

    Jeff Bezos, người sáng lập và CEO của Amazon, đã tuyên bố trên Twitter hôm 9/1 rằng ông và vợ, MacKenzie Bezos, ly hôn sau 25 năm kết hôn.

    Theo Business Insider, việc người đàn ông giàu nhất thế giới có thể kết thúc cuộc ly hôn đắt nhất thế giới mọi thời đại hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

    Bezos, người có tài sản ròng gần 137 tỷ USD, có nhiều thứ để mất trong cuộc ly hôn này hơn so với các cuộc ly hôn nổi tiếng khác của các tỷ phú.

    Ông Jeff Bezos và vợ MacKenzie Bezos.

    137 tỷ USD có thể được chia đôi

    “Điều quan trọng đối với các tỷ phú là tài sản của họ thường rất phức tạp và không dễ thanh khoản. Với Bezos, rất nhiều tài sản của ông được gắn với cổ phiếu Amazon”, Jacqueline Newman, luật sư luật hôn nhân của Berkman Bottger Newman & Rodd LLP, nói với Business Insider.

    Tại bang Washington, nơi Bezos cư trú, vấn đề có thể phức tạp hơn với việc ông nắm giữ Amazon. Theo luật của bang, đó là tài sản chung tích lũy được trong thời gian kết hôn nên có thể bị chia đôi sau khi ly hôn, Karin J. Lundell, luật sư hôn nhân, ủy thác và bất động sản tại Rower LLC, nói với Business Insider.

    Nếu Bezos ký thỏa thuận tiền hôn nhân hoặc hậu hôn nhân thì sự phân chia tài sản có thể thay đổi. “Những người giàu thường thiết lập thỏa thuận tiền hôn nhân cho việc phân chia tài sản. Thỏa thuận như vậy có thể khoanh vùng một số thứ để phân chia sau này”, Karin J. Lundell nói.

    Không rõ liệu vợ chồng Bezos có thỏa thuận tiền hôn nhân hay không. Nếu không, MacKenzie có thể nhận tới 66 tỷ USD dựa trên giá trị của Amazon theo luật sở hữu cộng đồng, CNBC đưa tin.

    “Để chi trả cho khoản thanh toán lớn, Bezos sẽ phải bán hoặc cầm cố cổ phần, điều này có thể làm giảm quyền sở hữu và kiểm soát công ty của ông”, CNBC nhận định. Theo CNBC, Bezos sở hữu gần 16% cổ phần của Amazon, tương đương với gần 80 triệu cổ phiếu.

    Việc tài sản ròng gắn liền với cổ phiếu công ty có thể gây khó khăn cho tỷ phú Bezos trong quá trình ly hôn. Ông có thể chuyển nhượng cổ phiếu, nhưng nếu làm vậy, ông có thể mất quyền kiểm soát công ty tùy thuộc vào cổ phần của mình. “Nếu Bezos bán cổ phiếu thì họ có thể thu được tiền mặt”, Newman nói.

    Tuy nhiên, theo CNBC, rất có khả năng MacKenzie sẽ muốn tài sản của gia đình tiếp tục phát triển và điều này gắn liền với sự kiểm soát phần lớn công ty của Jeff Bezos.

    “Vì vậy, bà ấy sẽ không thể thúc đẩy một thỏa thuận đòi hỏi ông ấy phải bán cổ phần, điều sẽ làm giảm sự kiểm soát của ông, cũng như bất kỳ sự giảm sút nào đối với 15% cổ phần của ông ấy trong công ty”, CNBClập luận.

    Nên chia tay kín đáo và lặng lẽ

    Việc điều hành một công ty mang lại nhiều vấn đề cho việc ly hôn của các tỷ phú hơn là khả năng phải chuyển nhượng hoặc bán cổ phiếu để chia tài sản và có thể mất quyền kiểm soát công ty.

    “Thông thường, đó là vấn đề định giá, làm thế nào để định giá tài sản trong kinh doanh. Các cổ phiếu giao dịch công khai rất dễ định giá nhưng bạn không muốn bán chúng vì điều đó gây ra biến động. Lợi ích kinh doanh khó định giá hơn và là tài sản phức tạp hơn, như Washington Post, chúng ta không biết giá trị của tòa báo này”, Lundell nói.

    Mỗi vụ ly hôn nổi tiếng liên quan đến các giám đốc điều hành lại có kết quả khác nhau. Elaine Wynn đã ly dị người sáng lập Wynn Resorts Ltd., Steve Wynn, vào năm 2010. Ngay sau đó, hai người đã tranh giành quyền kiểm soát cổ phần. Cuối cùng, Elaine trở thành cổ đông lớn nhất trong sòng bạc của công ty, tập trung tái cấu trúc hội đồng quản trị và cải thiện quản trị doanh nghiệp sau những cáo buộc về hành vi quấy rối tình dục của ông Wynn.

    Ông trùm bất động sản Frank McCourt ly dị vợ vào năm 2009 và đã phải bán đội bóng chày Los Angeles Dodgers.

    Theo luật sư, Bezos nên giữ hòa khí trong cuộc chia tay để tránh khiến công chúng ác cảm và làm ảnh hưởng việc kinh doanh.

    “Nếu thông minh, họ sẽ thực hiện việc này kín đáo và lặng lẽ rồi tiếp tục cuộc sống của mình”, Stacy Phillips, một luật sư hôn nhân của Blank Rome LLP ở Los Angeles, nói.

    Trong bài đăng trên tài khoản Twitter của ông Bezos, cặp vợ chồng nói rằng sau khi thử ly thân, họ đã chọn tiến hành ly hôn.

    “Nếu biết sẽ chia tách sau 25 năm, chúng tôi sẽ làm lại tất cả. Chúng tôi đã có một cuộc sống tuyệt vời trong thời gian là vợ chồng và chúng tôi cũng nhìn thấy tương lai tuyệt vời phía trước, với tư cách cha mẹ, bạn bè, đối tác trong các liên doanh và dự án, và như những cá nhân theo đuổi mạo hiểm và phiêu lưu”, họ cho biết.

    Viethome (theo ictnews)