•  

    Tác giả: Khánh Đặng

    Cường chụp tấm hình chuẩn bị ăn sáng ở Bãi Trước, up lên facebook khoe với bạn bè. Tức thì, Cường nhận được inbox của thằng bạn ngày xưa.

    Thằng bạn ngày xưa đó là Kiệt. Nó nói sẽ đến liền, ăn sáng cùng Cường rồi đi cà phê. Lâu quá rồi, cũng hơn mười năm, hai đứa chưa nói chuyện và gặp mặt.

    Kiệt đến, gặp Cường, hai đứa đều mừng rỡ. Kiệt rút gói thuốc mời Cường hút. Cường nhìn qua nhìn lại, thấy bàn bên cạnh có hai má con đang ăn. Cường không châm lửa, có đàn bà trẻ em ở đây, tí đi cà phê rồi hút. Nhưng Kiệt đã phì phì điếu thuốc rồi.

    Hai thằng ăn sáng xong, Sau khi tính tiền, Cường để trên bàn ít tiền típ. Kiệt thấy vậy, đến bàn, lấy tiền ấy, nhét vào túi áo Cường, ở đây ăn sáng không có cho bo gì hết. Rồi hai đứa đi uống cà phê.

    Cường cũng nói thật là mình cũng không giàu có gì ở xứ người. Nhưng cuộc sống rất hạnh phúc và bình an. Kiệt nghe vậy, cũng nói công việc làm ăn của Kiệt cũng tàm tạm.

    Trước khi rời quán, Cường rút ra tờ $100 đưa cho Kiệt, tao không có nhiều, tặng mấy cháu ăn bánh chơi. Kiệt từ chối hất tay Cường ra, mầy cũng không dư giả gì, để dành tiêu sài đi. Vật giá ở đây cái gì cũng mắc lắm đó. Nhưng Cường nhất định bắt Kiệt phải nhận. Cuối cùng, Kiệt nhận cho Cường vui.

    Tối đến, Kiệt điện thoại, nói sẽ qua khách sạn chở Cường đi ăn tối rồi đi vũ trường chơi. Cường nghe đi ăn tối thì ok. Nhưng khi nghe đi bar thì hơi khựng lại, vì Cường biết đi bar ở Việt Nam tốn nhiều tiền lắm. Chưa kịp nói gì, thì Kiệt nói chuẩn bị đi tí tao qua.

    Kiệt đến nơi, gọi Cường. Khi xuống khách sạn, thấy Kiệt bước ra từ một chiếc xe hơi mới cáo cạnh luôn. Chưa kịp hỏi gì, Kiệt hối Cường lên xe rồi tài xế chở hai người đi liền.

    Đến lúc này, Kiệt mới nói thiệt, là hiện tại Kiệt là một đại gia đại giết gì đó cũng giàu có. Tối nay, Kiệt bao Cường đi bar chơi. Cường bất ngờ và cũng thấy thẹn. Hồi sáng tưởng nó nói thiệt là nghèo, nên mới rút $100 đưa nó. Còn bắt nó phải lấy cho bằng được. Giờ nó dẫn đi bar chơi bằng xe hơi. Nhục ghê luôn bay ơi.

    Khi rời vũ trường, Cường thấy Kiệt rút ra hai tờ 500 ngàn bo cho các em phục vụ. Khi lên xe, Cường hơi xỉn xỉn, bản tính cũng thẳng, Cường hỏi Kiệt:

    - Hồi sáng, tao típ có vài ngàn cho thằng nhỏ bưng phở, mày cản lại, mà lúc nãy, mày bo cho mấy con nhỏ đó cả triệu.

    - Mày đi lâu rồi, mày không hiểu đâu, đi bar cho bo nhiều thì mới đẳng cấp mày ơi. Còn hồi sáng mày bo ai biết mày là ai.

    Cường định nói lại, nhưng thấy choáng váng mặt mày. Rồi Cường muốn ói. Anh tài xế quay ra sau đưa cho Cường cái bọc, Cường ói quá trời quá đất luôn. Kiệt lấy cái bọc đó, bấm nút kiếng xe xuống, định liệng ra ngoài đường. Cường thấy vậy, vội la lên:

    - Đừng liệng ra ngoài đường. Về nhà rồi liệng vào thùng rác.

    Nhưng Kiệt không nghe, thản nhiên liệng ra ngoài cửa xe cái vèo...

    Trời khuya quá, Kiệt không chở Cường về khách sạn mà chở về nhà mình luôn. Anh tài xế đỡ Cường vào phòng. Kiệt nói chị người làm thay áo cho Cường và đem đi giặt. Lúc này Cường cũng hơi tỉnh tỉnh. Cường nói để áo đó mai Cường giặt, Cường không muốn chị người làm phải giặt vì nó hôi và dơ lắm. Cường còn lẩm bẩm, ai đời đi nhậu về mửa tùm lum rồi bắt người ta giặt cho mình. Người làm thì người làm chứ. Nói xong Cường lăn ra ngủ như chết.

    Kiệt đưa Cường ra phi trường về Mỹ. Ở sân bay, Kiệt hỏi Cường có cách nào cho hai đứa con của Kiệt qua Mỹ không. Mày giàu như vậy đi Mỹ làm gì. Ở Việt Nam không sướng hơn sao. Muốn gì được đó. Người hầu kẻ hạ. Qua bển làm gì, khổ lắm

    Kiệt tư lự một tí rồi nói:

    - Hồi chưa gặp mày, tao cũng nghĩ như vậy. Nhưng tao thấy cách sống của mày hay quá. Tao muốn con cái tao cũng học được cách sống này. Tao học được ở mày một điều, cho dù giàu hay nghèo, cũng đừng nên chỉ biết mỗi mình mình. Hãy nên nghĩ đến người khác một tí...

    Cường cười khà khà. Trước khi đi vào cửa cách ly, Cười nói nhỏ vào tai Kiệt, nhớ đừng hút thuốc gần đàn bà và trẻ em. À...mà mày đừng bắt người giúp việc giặc quần áo nửa khuya nha cha nội. Để cô ấy ngủ chứ.

    Kiệt cười lớn giòn tan, đừng nói với tao,mày phải lòng người làm nhà tao rồi nha mày...

    Viethome sưu tầm (tác giả: Khánh Đặng)

  • Chị li dị chồng, một mình nuôi con. Chị chẳng giỏi giang, chỉ cần cù chịu khó. Thân đàn bà vất vả, long đong. Dịp may đưa đẩy, Chị sang Mỹ với con trai, may mắn con ham học, nên dù cực khổ Chị vẫn cố gắng chờ ngày con tốt nghiệp đại học để có một ngày mai tươi sáng. 7 năm trời, Chị quần quật xứ người, tiết kiệm, chỉ dám mơ ăn no, mặc lành, chứ không dám nghĩ ăn ngon, mặc đẹp.

    Ngày con trai tìm được việc tốt, lương cao sau khi tốt nghiệp, lần đầu tiên Chị thuê được hẳn một căn hộ, không còn phải share phòng nhỏ chật chội, cái gì cũng chung đụng, bất tiện, Chị mừng quá. Chị vẫn cần cù, chịu khó đi làm, vẫn nấu cơm, giặt đồ... như những ngày con còn đi học.

    Nhưng con Chị của ngày xưa khác rồi. Có tiền là có quyền. Nó rất bận. Nó đi sớm, về khuya, có bạn bè, có những cuộc vui... nhưng không có thời gian cho Chị. Chị nhờ chở đi thăm bà con, nó hỏi ngược lại: có cần thiết không, nhưng nó có thể chạy 30 phút chỉ để lấy cái áo đi chơi.

    Cuối tuần, nó thường biến mất, không về nhà, không nói một câu, trong khi Chị nấu cơm, đi làm, chỉ ao ước nó báo dùm một tiếng: đi bao nhiêu lâu, khi nào về thì nhận được thái độ bực bội: lỡ nấu nhiều thì để ăn dần, nó chỉ báo khi cần hốt xác, hãy xem nó như người share phòng để khỏi mất công dòm ngó.

    Hàng tuần, nó ra ngoài ăn món ngon, vật lạ, Chị phải ăn đồ nguội còn dư. Nó nói bây giờ Chị ở tươm tất rồi, còn muốn gì nữa. Nó phải tự mình ăn học cực khổ mới có bằng cấp, mới có ngày hôm nay, nếu không thì cũng bưng phở, cu li mà thôi.

    Chị chảy nước mắt. Vậy là Chị không có công lao gì hết. Từ lúc có tiền, Chị đã thấy thái độ nó vênh váo, khinh bạc cái nghèo. Nó giữ kỹ tiền, rất sợ phải chi ra khi mời người thân ăn uống, mà trong năm chưa chắc tiệc tùng đến 2 lần.

    Nó nói: nó phải lo lường kinh tế, mà nào có ai thèm khát đến túi tiền nó đâu. Chị vẫn đi làm, vẫn có thu nhập mà. Ngày ra trường, lãnh tháng lương đầu tiên, nó đi du lịch, không hề mời Chị. Thấp thoáng trong con người nó, có bóng dáng người chồng ngày xưa: chỉ biết có tiền và gái, không có tình thân.

    Nó nói: nó không có trách nhiệm phải cover ai hết. Đâu thể nào trách được, dòng máu chảy trong con cái đều có máu cha và mẹ. Ông Bà ta có câu: Cha Mẹ nuôi con bằng trời bể, con nuôi Cha, Mẹ tính tháng tính ngày, thật không sai.

    Ngày xưa khi nó còn đi học, chưa kiếm ra tiền, Mẹ chị cứ nói hoài: mày làm ra bao nhiêu tiền, cứ đưa nó hết, không giữ đồng nào thủ thân, con nó trở mặt là mình khổ. Thiệt tình, Chị không hề nghĩ đến một bất trắc nào, không hề có một phương án phòng thân, chỉ nghĩ đơn giản: mình nuôi con cực khổ vậy, lẽ nào con không hiểu, lẽ nào đành đoạn...

    Giờ con yêu cầu Chị hãy xem nó như người share phòng: nghĩa là không thân bằng quyến thuộc, nghĩa là cơm ai nấy ăn, tiền ai nấy giữ, không hề liên quan... Thôi cũng đành, Chị không phải nghe lời tổn thương, con đường phía trước của con Chị không cần có mặt.

    Lòng phúc hậu, sự hiếu thảo, không thể mua bán, tặng cho... mà có được, nó chỉ xuất phát từ trong tâm. Phúc phận mỗi người may mắn được Trời ban thì mới hưởng được. Chị già rồi, mệt rồi, đâu biết được ngày tháng trên trần gian còn được bao nhiêu, thì tìm vui trong công việc, bên người thân, rảnh rỗi xem Ti vi, đọc báo, và tự mình cho phép được ăn ngon, không cực khổ nữa.Cứ vậy đi.

    Viethome sưu tầm

  • Cường vừa bước chân ra khỏi cửa phi trường Tân Sơn Nhất, má Cường và các em chạy ào đến ôm Cường quấn quít vui mừng. Má Cường thương nhớ con nên vừa mừng vừa khóc. Bà nhìn con trai từ trên xuống dưới, rồi khóc lên thành tiếng. Cường cũng xúc động, nhưng không nói gì. Mấy đứa em thấy má khóc cũng khóc theo...

    Cường đi vượt biên lâu lắm rồi. Đây là lần đầu tiên Cường về thăm quê hương. Mọi thứ đã thay đổi nhiều quá. Cường khó mà nhận ra cảnh vật ngày xưa. Đó là chưa nói đến bà con xóm giềng và những người thân, họ cũng khác lắm luôn. Nhưng Cường nói sẽ đến thăm từng nhà một.

    Ngày hôm sau, má nói Cường sao không lấy đồng hồ, dây chuyền, vòng vàng, nhẫn soàn ra đeo. Giờ về nhà rồi, không sợ ai giựt đâu, con cứ đem ra đeo đi. Má thấy Việt Kiều về họ đeo vàng đỏ người luôn. Cường nói Cường không thích đeo mấy thứ đó. Nó rườm rà mà thấy kì kì sao đó. Nhưng má Cường bắt Cường phải đeo vào. Má lại nói em Cường chở Cường ra tiệm vàng, sắm đồ đeo vào để má dẫn Cường đi thăm bà con. Cường một mực từ chối khéo. Nhưng thấy má buồn. Má nói đi thăm bà con xóm giềng, mà không đeo thứ gì đắt giá, họ lại nghĩ, con ở bển không có việc làm nên nghèo. Nhưng Cười nhất định không là không. Không đi mua vàng đeo đỏ người cho má nở mặt nở mày với người ta. Má Cường buồn ra mặt luôn.

    Cả nhà ăn cơm trưa. Đồ ăn quá sang luôn. Thịt bò, thịt heo, thịt gà, đủ thứ món. Đồ hải sản cũng có nữa. Cường nhìn qua nhìn lại, rồi Cường nói mai má nấu cá đồng, cà pháo mắm tôm, hay canh rau rúp nha má. Mấy thứ thịt này và cá biển ở bển con ăn ngán lắm rồi. Má nói, ai cũng biết nhà có Việt kiều. Đi chợ mua mấy thứ đó cho họ cười lên đầu. Ăn thịt bò và hải sản cho sang để họ nể con à.

    Ngày mai, gia đình Cường đi ăn đám cưới của người cháu họ. Tối đến, má Cường đưa cho Cường một gói đồ. Cường mở ra, nào là dây chuyền vàng, vòng vàng, nhẫn vàng. Má nói mai Cường phải đeo vào chứ đi tiệc đám cưới, người ta đeo đầy vàng, nhà mình có Việt kiều mà không đeo gì hết coi bộ khó coi quá. Cười im lặng không nói gì. Nhưng Cường cũng gật đầu dạ một tiếng rồi đi vào phòng.

    Sáng hôm sau, chưa thấy Cường thức dậy, má Cường vào kêu Cường dậy để sửa soạn diện đồ cho oai. Má Cường hãnh diện với cái đám cưới này lắm vì chỉ có mỗi mình Cường là Việt kiều.

    Má Cường gọi hoài mà không thấy Cường trả lời. Bà đẩy cửa vào thì không thấy Cường đâu. Bà ra ngoài gọi ơi ới cũng không thấy Cường lên tiếng.

    Người em gái của Cường chạy vào phòng, hốt hoảng chạy ra rồi la lên, má ơi anh Cường đem hết đồ đi luôn rồi. Ảnh đem theo vòng vàng má mua luôn rồi. Má Cường không tin, chạy vào phòng coi lại lần nữa. Đúng là nó đi thật rồi. Nhưng bà chẳng lo lắng gì số vàng bà đưa cho Cường cả. Bởi lẽ, bà đã mua vàng giả cho Cường đeo.

    Vừa lúc đó, đứa em gái khác chạy vào nhà rồi cũng la lên. Má ơi anh Cường gởi tin nhắn nè. Má coi đi.

    “ Con về là thăm má và gia đình. Chứ không phải là những lý do khác. Nhưng hình như sự thật không phải vậy. Nơi này không hợp với con.”

    Đứa em gái ban đầu đi ra phòng la lên mừng rỡ. Con kiếm ra bịch vàng nữ trang rồi nè. Anh Cường để ở trên ti vi.

    Má Cường chẳng còn màng gì nữa. Không biết bà đang tỉnh hay vẫn đang mê. Nhưng buông ra một câu rất đau lòng:

    - Nó đi rồi, mà sau này nó có còn gởi tiền về cho má nữa không.

    Cũng may, Cường không nghe được câu nói này.

    Tác giả: Facebook Chuyện Đời Thường

    Viethome sưu tầm

  • Tác giả: Nhà văn Nguyễn Hữu Tài 

    (Thân tặng L., K. và những người cùng cảnh ngộ)

    Minh họa: Văn Nguyễn

    1. My xuống taxi, chầm chậm đi vô con đường đất đỏ, tới căn nhà nằm lọt thỏm giữa rừng điều. Cô khựng lại khi thấy cái cổng thân quen bao năm chưa thay đổi.

    Dù đã chuẩn bị tâm lý kỹ càng, nhưng dường như vẫn có tia sét đánh mạnh vào đầu, khiến My lảo đảo, phải bấu vào gốc ổi để giữ thăng bằng. Cô đưa tay lên ngực, tự trấn an mình, rồi lẳng lặng đi vô.

    Mười tám năm, kể từ lúc rời Việt Nam sang Mỹ, My mới đủ can đảm về thăm nơi cất tiếng khóc chào đời. Không hẳn là thề thốt, nhưng cô đã hứa với lòng, chẳng bao giờ trở lại mảnh đất đầy ám ảnh ấy nữa.

    Những năm tháng thiên di miệt mài kiếm sống, nhiều khi nhớ nhà đến điên dại, My muốn bỏ tất cả, tìm về với quê hương xứ sở, để hít thở không khí nồng nàn của ruộng đồng bên dòng sông đầy phù sa ngan ngát. My thèm ăn tô bánh canh chả cá nhiều hành thơm lựng, ngồi bên bếp lửa than hồng giữa chiều mưa đúc mâm bánh xèo nóng hổi, nghe mằn mặn ký ức ấm áp gia đình. Cô muốn cùng bạn bè năm cũ, xăn áo xuống mương bắt con rô, con trầu về nướng với rơm vàng, nhâm nhi vài chai đế. Miệng ngân nga hai câu vọng cổ, mấy điệu xàng xê, thay vì uống vội ly vodka đắng nghét hay tequila mặn chằn vị muối. Mỗi ngày lên Zalo, Facebook, thấy người ta đi chơi tứ xứ, My cũng muốn vác ba lô về Việt Nam ít ngày, không cho bạn bè hay người thân hay biết, một mình lặng yên phố xá, uống ly cà phê chồn thơm lừng lựng, hít không khí bụi bặm Sài Gòn. My sẽ bay ra Hà Nội với phố cổ trầm tư, ăn bát bún ngan, bún ốc thanh tao, cộng chén tào phớ nóng hổi giữa mùa đông rét buốt. Chỉ cần vài ngày thôi là My sung sướng lắm rồi. Chẳng uổng công bốn mươi tám tiếng ngồi máy bay đi - về.

    Nói vậy thôi chứ con cái đùm đề, việc nhiều khôn tả, đủ thứ bill bọng phải thanh toán mỗi tuần. Mỹ mà, có làm mới có tiền chi tiêu, chứ đâu thể thong thả, ung dung mơ chuyện trên trời dưới đất. Với lại, dấu vết tuổi thơ như vết thương còn âm ỉ. Sẹo chưa liền, da non chưa kéo, làm chân cô như đeo chì, bám chặt vào xứ lạ buồn thương.

    Cách đây vài bữa, đang ngồi làm cho khách, má gọi điện bảo chú Sáu mấy tháng trước nhậu say, đi thách đấu với người ta, bị đá trúng đầu, nằm liệt. Có thể không qua khỏi. Hãng xưởng của tao với ba bây dạo này khó khăn, xin nghỉ dài họ không cho. Lỡ qua đây mất việc, thất nghiệp đói cả lũ. Thôi bây thu xếp về vài ngày, cho chú thím ít tiền chữa bệnh. Với lại có mấy người tới coi đất, được giá thì bán luôn cho rồi. Chứ giờ vườn tược không ai coi, hoa lợi mỗi năm chẳng được bao nhiêu. Tao với ổng không biết khi nào mới dứt nước Mỹ ra khỏi người, về quê tịnh dưỡng tuổi già, bình an mà sống.

    Nghe nhắc tên chú Sáu, tự nhiên sống lưng My rờn rợn. Nỗi kinh tởm lẫn hoảng sợ tràn về khắp châu thân. Hình ảnh gã võ sư cao lớn, với bàn tay lực điền thô ráp như bóng ma lờn vờn trước mặt. Cô chạy vô toilet, móc họng ói ra tất cả những thứ vừa mới nuốt trưa nay. Đúng là trời cao có mắt. Quả báo nhãn tiền. My nhìn lên gương. Lấp lánh trên môi là nụ cười nửa buồn, nửa thỏa mãn. Hơn bao giờ hết, cô muốn mọc cánh bay thật nhanh về quê cũ, sẽ quăng hết nỗi ám ảnh bao năm trời đeo bám, chạy tới nhìn thẳng gã đàn ông đồi bại, hét thiệt to vào mặt hắn rằng, tui chờ đợi ngày này lâu lắm rồi, ông biết không?

    2. - Mực! Mực! Mày câm cái họng lại đi. Ồn ào dữ quá! Không để yên cho ai ngủ nghê gì hết.

    Từ trong nhà, một thiếu phụ phốp pháp chạy ra, miệng không ngớt rầy la con chó đen đang căng miệng sủa.

    - Xin lỗi, cô tìm ai hay tới đây coi đất?

    - Thím Sáu không nhận ra con sao?

    Người đàn bà sấn lại sát mặt My, nheo mắt lên nhìn. Mất hết mấy mươi giây lục tung mớ ký ức bám đầy bụi bặm, bà giật phắt người, mừng rỡ la to. Chèn đét ơi. My! My! Bây lớn quá, thím nhìn miết mới ra. Vô, vô nhà đi. Sao đi lâu dữ không chịu về thăm xứ. Gần hai chục năm rồi chứ ít ỏi gì. Ba má mạnh giỏi hả bây? Tụi nhỏ có vợ có chồng yên ổn hết? Còn bây ra sao? Mấy đứa rồi? Trời ơi, gặp lại bây thím mừng quá, chảy hết nước mắt đây nè.

    Tháng năm vô tình đi qua không vương vấn, vậy mà người phụ nữ thuở nào ẵm bồng chị em My, lo từng bữa ăn, giấc ngủ, nấu từng nồi cơm, kho xoong cá vẫn cứ hoài đôn hậu, chẳng thay đổi mảy may.

    - Ba má kêu con về gửi tặng thím chút tiền lo cho...

    Phía đối diện, hai dòng nước mắt chảy tràn trên mặt người đàn bà khắc khổ.

    - Ăn nhậu chi cho cố rồi báo đời báo kiếp. Thím khổ quá bây à.

    My cắn chặt môi, cố ngăn những lời không nên nói. Đời mà thím. Có vay có trả cả thôi. Thím có biết do đâu mà ổng gặp cảnh này? Thím có bao giờ nghĩ tới tội ác tày trời mà ổng đã gây ra cho đứa trẻ mới mười mấy tuổi đầu non nớt? Rồi mấy chục năm kế tiếp, chẳng biết ông có tạo ra thêm tội lỗi nào không nữa? Có đứa con gái mới lớn nào bị đôi mắt cú vọ quét qua rồi tấm thân vấy bẩn, phải tự giày vò tâm trí, sống cuộc đời không ra hồn ra vía giữa sự nhởn nhơ, đốn mạt đến tột cùng?

    3. Gã nằm trên giường, mắt nhắm nghiền, người co quắp trong giấc ngủ giữa trời nóng bức. Không biết trong giấc mơ thấy gì, thỉnh thoảng hắn lại giật mình, miệng ú ớ những lời vô nghĩa. Mùi nước tiểu ngai ngái thấm vào giường chiếu lâu ngày làm My muốn ói. Gã thầy dạy võ vạm vỡ ngày nào, giờ thân tàn ma dại, nằm ngắc ngoải không biết sống chết ra sao.

    Thím vỗ nhẹ lên vai, nói lớn vô tai chồng, ông coi thử ai tới thăm mình kìa? Hắn từ từ mở mắt, cố nhìn cho tỏ người đang đứng trước mặt trong ánh nắng nghiêng nghiêng từ ngoài cửa sổ chiếu vào leo lét. Như tiếng sét sáng lòa giữa trời giông bão. Mặt đất như nứt ra làm đôi, tạo thành hố sâu thăm thẳm. Bao nhiêu cây cối, nhà cửa, xe cộ, sông ngòi bị cuốn hết vào hố đen ngòm không thấy đáy. Cơ mặt hắn co rúm lại vì xúc động. Hai cánh tay co quắp như khúc củi, quơ giữa khoảng không ảo ảo mờ mờ.

    My run run bấu chặt tay vào thành cửa. Không thở nổi. Không thở nổi nữa rồi. Cô muốn quay người, chạy thẳng ra cửa liền tức khắc, để không khí bầu trời cao rộng ngoài kia lấp đầy lồng ngực mỏng. Nhưng không thể. Có một sức hút vô hình níu lại. Hai chân cô như chôn cứng dưới nền nhà. Đừng đi, đừng đi My ơi! Mày chờ ngày này lâu lắm rồi mà. Mày muốn nhìn thấy hắn phải trả giá cho việc làm khốn nạn. Mày sẽ cười to sung sướng. Vậy mà giờ đối diện với tên dâm ác, sao My thấy bất nhẫn vô cùng?

    Sự việc kinh hoàng hôm ấy, như thước phim âm bản, phút chốc hiện ra rõ ràng trước mặt. Bữa đó, má dắt hai em về thăm ngoại. My phải ở lại học bài, thi cử tới nơi. Để con gái ở nhà một mình không an, ba dẫn cô sang nhà hắn ăn đám giỗ. Đàn ông đàn bà ở quê, uống rượu như nước lã. Bao nhiêu can đế cũng không đủ rót đầy mấy chục cái bụng háo hức ồn ào. Nửa đêm, thiên hạ no say về ngủ hết rồi. Thím Sáu chạy ra chòi chăn vịt. Giữa nhà, chỉ còn hai người đàn ông đang bù khú chai cuối cùng và My vật vờ gục lên gục xuống. Hắn bảo thôi anh Ba về đi, để con My ở lại đây tui dạy cho vài thế võ phòng thân. Dạo này ngoài kia ghê thí mồ. Bọn trai làng có đủ trò. Nó trổ mã rồi. Đi đêm về hôm không cẩn thận có ngày gặp ma nhớt. Tui dạy chừng một bữa là rành mấy chục thế.

    Lão đẩy My vào góc tối. Một tay bịt miệng, một tay sờ mó thân thể mảnh mai của cô gái mơn mởn mới dậy thì. My không thể gào khóc, cũng chẳng thể giãy giụa thoát ra khỏi vòng tay cứng như thép nguội. Mặc cho nước mắt ràn rụa chảy tràn trên khuôn mặt, mặc cho đôi mắt thất thần chứa đựng bao oán thán lẫn van lơn, trong ánh đèn hột vịt, hắn hùng hục làm vấy bẩn tấm thân trong ngần, không chút xót thương hay hối tiếc.

    - Mày mà hé mỏ nói cho ai biết thì tao giết cả nhà không còn một mống! Tao nói là tao làm, không có nộ suông đâu!

    My lê bước chân mệt mỏi đi về trong đêm tối. Cô đẩy cửa vô nhà. Đêm ngoài kia thanh vắng quá. Tiếng chó tru từ xa không phá vỡ sự tĩnh mịch của màn đêm. My nặng nhọc thay đồ, đem bộ quần áo dính đầy máu ra chôn xuống gốc xoài ở phía sau gò mả. Cô tới ang nước, lấy gáo dừa múc xối lên người, cọ kỳ thật mạnh. Da như tróc hết cả rồi. Máu rỉ ra đau đớn. My cố rửa sạch cái mùi kinh khiếp ra khỏi cơ thể mình. Nhưng càng xối, càng kỳ, cái mùi rượu ngai ngái, nặc nồng ấy vẫn lởn vởn trước mũi, không thể nào biến mất. My thấy nhờn nhợn trong cuống họng. Cô nôn thốc nôn tháo. Bao nhiêu thức ăn đêm nay chưa kịp tiêu hóa đã bị ói ra ngoài.

    My co rúm người trong góc phòng vắng lặng. Tiếng ngáy của ba rền vang như sấm không xua bớt nỗi khiếp đảm ngập ngụa trong nhà. Cơn đau như cắt từng khúc thịt chạy dọc ngang thân thể. Cô nhắm mắt, cố gắng để đầu óc mông lung, chìm sâu vào giấc ngủ. Nhưng gương mặt kinh khiếp của hắn vẫn hiện lên trước mặt. Rồi bàn tay như gọng kềm hộ pháp, túm lấy tóc, bóp chặt miệng cô. My khe khẽ rên đau đớn. Con Ni như hiểu được nỗi sợ của cô chủ nhỏ, nên chạy tới gần, cạ cạ vào chân, âm ấm. My sực nhớ lời dặn của má, mỗi lần có chuyện bất ổn, nhớ thì thầm cầu nguyện đức Quán Thế Âm, người sẽ hiện lên độ chúng sinh, tai qua nạn khỏi. My mấp máy môi: “Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm bồ tát... Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm bồ tát...”. Niệm đến lần thứ bao nhiêu không rõ, My chập chờn chìm sâu vào giấc ngủ mơ hồ.

    4. Mười bốn tuổi, những hồn nhiên trong veo đã không còn trong My nữa. Cô như con chim non vừa mới chập chững biết bay đã bị ná bắn trúng vào đôi cánh mỏng. My sợ âm thanh to, tiếng động mạnh. My không muốn ra chơi với em mỗi trưa đi học về. My hoảng hồn khi có người lạ tới nhà gõ cửa.

    Má nói, chắc con My tới tuổi dậy thì, khó ăn khó ở. Thôi kệ nó. Đứa nào mà không vậy hả ông?

    Hắn vẫn đến nhà nhậu với ba My mỗi ngày như thường lệ. Đôi mắt háu đói vẫn liếc cô từ đầu tới tận gót chân. Cặp chân mày rậm châu vào nhau, như lời thách thức lẫn đe dọa tới tính mạng của cô và cả gia đình.

    Rũ rượi. Không còn sức sống. Nước mắt chảy dài trên đôi má hồng hồng. My chạy ra bờ sông, đưa chân quẫy nước. Như mộng du, My chầm chậm đi ra giữa lòng sông. Nước tới mắt cá chân. Lạnh buốt. My dừng lại vài giây rồi cúi đầu đi tiếp. Nước tới đầu gối, cảm giác ấm ấm, thinh thích, len nhẹ trong người. My nhắm nghiền mắt. Vô thức. Một bước, hai bước, ba bước. Giữa lòng hồ. Văng vẳng bên tai, tiếng cười của gã dâm loạn vang lên.

    Nước lên tới ngực. Như một bức tường nặng đè mạnh lên tim. Ngộp thở. Chỉ vài bước nữa thôi, mình sẽ chìm xuống lòng sông, nằm đó, mãi mãi không còn biết đớn đau, buồn bã. Nước lên tới mũi, cô thở hắt ra, bong bóng nổi li ti, y chang lúc My với mấy đứa em thọc đầu vô lu, coi thử ai nhịn thở giỏi hơn. Má biết được đánh đòn nát đít.

    Má... má... má... Trong một sát na giữa sống và chết, cô nghe tiếng la thất thanh.Đừng... đừng đi... đừng bỏ má My ơi. Má chết mất nếu con không còn sống nữa. My khựng lại. Kìa khuôn mặt má, gầy nhom, lem luốc và khắc khổ. Kìa bàn tay gầy guộc khô khan, cầm tay cô níu lại. Má... má... má... Đừng con... đừng con... đừng... Trời ơi ai cứu con tôi, cứu... cứu... cứu nó với...

    5. Mười bảy tuổi, My theo gia đình lên máy bay rời Việt Nam qua Mỹ. Cô thề với lòng, chuyện năm đó sống để bụng, chết mang theo. Và sẽ không bao giờ trở lại quê nhà thêm lần nào nữa.

    Gã đàn ông thứ nhất bỏ cô ra đi khi Andrew mới là cái bào thai hơn năm tháng. Hai căn hộ gần bên cạnh, vậy mà Long và gia đình không một lần ghé qua ngó ngàng thăm hỏi. Hắn bảo, em có tốt đẹp gì đâu mà tỏ ra cao quý như gái son mười tám? Cơn đau chạy dọc thân thể, xé nát thịt da năm nào vẫn còn vương vấn. Sự việc năm xưa như vết thương chưa bao giờ liền sẹo. Nó giống ngọn lửa âm ỉ, chỉ cần một cơn gió nhẹ là bùng cháy, có thể thiêu đốt cả khu rừng. My không thể chiều chuộng hay hưởng ứng những khoái cảm quái lạ của người tình. Nếu nhẹ nhàng, trân trọng thì cô còn gắng gượng trôi theo thứ cảm xúc giả tạo do chính mình tưởng tượng. Còn lao vào cô như con sói đói, để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông sáu múi, My sẽ thét la, vùng vẫy. Rồi chẳng hiểu từ đâu, bằng sức mạnh vô hình tiềm tàng trong cơ thể, cô sẽ xô hắn xuống giường, quơ áo quần, vùng bỏ chạy thoát thân.

    Gã đàn ông thứ hai rời bỏ mẹ con cô khi Robert lên sáu tuổi. Mày có phải là gái trinh đâu mà không cho tao đụng vào người. Đó là câu nói cuối cùng Du quăng vào mặt My khi một lần nửa đêm mò sang phòng mà không được đáp ứng. Chiều hôm ấy sau khi ghé đón con về, căn phòng trống huơ trống hoác. Áo quần, giày dép của Du đã được dọn sạch cả rồi.

    Ba mươi ba tuổi, My làm single mom (1), một nách hai con vất vả. Cũng may xứ này coi trọng đàn bà và con nít. Trợ cấp mỗi tháng cũng được vài trăm đô la, đủ để cô lo cho con có cuộc sống đủ đầy mà không cần tới bất cứ đồng bạc nào của cha chúng.

    Nhiều khi, nhìn hai con trai chơi đùa, cãi cọ, My bỗng thèm có đứa con gái dễ thương bụ bẫm, lúc nào cũng loanh quanh chân mẹ khóc nhè. Cô sẽ chải tóc cho con mỗi ngày, rồi mua nơ về cài lên mái tóc suôn dài mềm mại. My sẽ đi shop, mua thật nhiều váy đầm về chưng diện rồi chụp hình con bỏ album mai sau làm của hồi môn cho con theo chồng về xứ lạ. Mà không, My giật mình. Sinh con gái làm gì cho cực, lỡ nó lâm vào cảnh như mình...

    Nhưng làm con trai cũng có sướng ích gì hơn. Tin, cậu thanh niên hai sáu, qua Mỹ được ba năm, mang khuôn mặt lầm lầm, lì lì suốt ngày không nói. Hai chị em ít nói như nhau, nên vừa gặp đã thấy thân. Có lần tiệm vắng khách, ngồi tám chuyện đời. My hỏi Tin có bạn gái chưa? Cậu bé lắc đầu, má ửng hồng e thẹn. Cô tủm tỉm, vậy có bạn trai chưa? Tin không gật cũng chả lắc. Một đỗi lâu, mới ngước lên, mắt đỏ hoe. Em giờ người không ra người, ngợm không ra ngợm cũng vì thằng khốn đó...

    Thằng khốn đó chính là gã chú họ ở Hà Nội vào nam chơi lúc Tin tám tuổi. Kích thích. Tò mò. Sung sướng. Đớn đau. Nhớ nhung. Sợ hãi... Cảm giác đáng lẽ chỉ nên có trong tâm hồn của cậu bé mười sáu chập chững vào đời, vậy mà đằng này mới tí tuổi đầu, trong khi mỗi tối con My còn giành ngủ với mẹ, hay mê chơi game không chịu học bài, thì Tin đã dính vô, không lối thoát. Cái mối quan hệ chú cháu (hay nhân tình) ấy cứ lén lún, thập thò, bao năm không dứt. Cứ vài tháng, cả hai hẹn nhau ở Sài Gòn, Nha Trang, Vũng Tàu, hay Singapore, Bangkok rồi anh ta lại về với vợ con êm ấm. Nhiều lúc tù túng, chịu không nổi, em kêu ổng đi đâu đó trốn đời, chỉ có hai người hạnh phúc cạnh nhau. Ổng bảo em điên, chỉ có mấy đứa khùng mới nghĩ tới lối sống ấy. Em đòi chết lên chết xuống cả chục lần. Có bận cắt tay nhập viện hết mấy ngày. Ổng dối vợ bảo đi công tác, bay vô thăm, hứa hẹn đủ điều. Tới khi em xuất viện rồi đâu cũng vào đấy. Em tưởng qua đây là có thể xóa hết dĩ vãng tăm tối của mình. Nhưng càng muốn xóa, em càng thấy nó hiện rõ hơn bao giờ hết. Cứ đi làm xong về đóng cửa đối diện với chính mình, em nghĩ tới ổng nhiều hơn.

    - Chị là người thứ hai biết chuyện này. Đừng kể ai nghe nha, nếu không em chết mất.

    Giá mà My có thể can đảm nói chuyện đời mình như Tin đã nói. Giá mà My có thể ôm Tin và bảo, chị biết nỗi đau tột cùng em đang gánh chịu. Nhưng khác với em, chị không yêu thương gì hắn. Chị chỉ muốn băm vằm hắn ra ngàn mảnh vụn cho hả cơn giận. Nhưng em ơi, bao nhiêu năm ngậm đắng, nuốt cay, có cảm giác chị đang đang ngậm một viên thuốc độc. Tới lúc nó vỡ tung, lan tỏa, chắc chị không qua khỏi nữa...

    6. - Mèn đét ơi! Nãy giờ mừng quá thím quên mất. Bây ở lại đây chơi nhen. Để thím chạy ra sau nấu cơm cho bây ăn. Canh chua cá trầu với bắp chuối nha. Món này hồi xưa bây thích lắm.

    Thím đứng lên, phủi tay vô quần, lật đật chạy ra sau chái bếp. Trước khi đi, thím cũng kịp kê thêm gối lên đầu, sau sự ra dấu, để hắn rướn mặt nhìn My.

    Ngoài kia, nắng sắp tắt rồi. My nghe lũ cò quàng quạc bay về tìm chỗ trú. Trong này, mọi thứ lặng im đến ngột ngạt. Ông trời thật trớ trêu, cái chỗ hắn nằm bây giờ, hồi đó đêm nào My cũng gục đầu rưng rức. Cô nghe tiếng hắn thở hổn hển đầy khó nhọc. My nghe tiếng thím Sáu chặt cá bôm bốp ngoài ang nước. Đủ rồi. Cô thấy không cần thiết ở lại đây nữa. My quay bước. Hắn nhoài người, gắng gượng kêu mấy tiếng đục khàn, phát ra từ cổ họng một cách khó khăn, hai tay cong queo đập xuống cạnh giường, bôm bốp. My quay lại. Bất chợt chạm phải ánh nhìn của hắn. Không còn là đôi mắt như con sói đói, chằm chặp ngó vào thân thể bé nhỏ mỗi khi tới nhà ăn nhậu, cũng chẳng phải đôi mắt như ác thú, đe dọa My trong đêm tối dập vùi. Nó đớn đau, đầy rẫy sự van xin, khẩn cầu tha tội. Giọng nói đanh ác, đe dọa đòi giết cả nhà và tiếng cười hô hố trong bàn nhậu năm xưa giờ như bị tảng đá ngàn cân đè lên, chặn đứng âm thanh ngay cổ.

    What goes around comes around (2), My nhủ thầm. Cô tới gần, đặt phong bì tiền xuống giường, rồi nhẹ nhàng quay gót.

    My bước ra sân, đưa mắt nhìn quanh vườn điều và căn nhà một thời của mình. Cô đưa tay quệt nước mắt. Con Mực dường như nhận biết đây mới là cô chủ thực sự của mảnh đất này nên không sủa nữa, chạy loanh quanh chân, vẫy đuôi tạm biệt. My tới bên gốc ổi, giơ tay hái một trái thiệt to đưa lên mũi hít hà. Mùi ổi dịu dàng làm My bồi hồi quá đỗi. Nhớ lại cái hồi nhỏ xíu, chiều nào đi học về, ba chị em cũng leo tót lên đó mặc sức hái ăn. Bao năm dài viễn xứ, My thường tự hỏi, đâu là nhà thật của mình? Thời gian sống bên Mỹ đã nhiều hơn năm tháng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, vậy mà My coi nó đơn giản chỉ là chốn dung thân sau bao ngày miệt mài kiếm sống. Còn mảnh đất này, My muốn xóa nó ra khỏi đầu mình, muốn trốn chạy, bỏ đi, tìm mọi cách để nó không bao giờ hiện hữu. Để rồi hôm nay đặt chân trở lại, My mới biết, nó là mảnh ghép quan trọng của cuộc đời mình, là một phần đời thuộc về cô vĩnh viễn. Không thể chối từ hay xóa bỏ một cách dễ dàng.

    - A lô, anh đang ở đâu? Quay lại chỗ cũ đón tôi nhé!

    Chiều xuống dần. Gió ngoài sông thổi vào lồng lộng. Trước khi lui về phía sau lưng núi, mặt trời cố tỏa tia nắng đỏ rực cuối cùng vào mấy đám mây trắng bồng bềnh trôi, thành một bức tranh tuy buồn nhưng đẹp mỹ miều, không gì sánh được.

    * (1) Mẹ đơn thân

    * (2) Ác giả ác báo/gieo nhân nào gặt quả nấy

    Maryland, những ngày đầu xuân 2017

    Tác giả: Nhà văn Nguyễn Hữu Tài

    Viethome

  • Anh hẹn chị ra quán cà phê trước nhà ga chính của thành phố Bremen. Câu đầu tiên khi gặp anh, chị nói trong sự cáu gắt, ông lại bán xe rồi hay sao mà lại đi tàu lên đây.

    Anh cúi đầu trả lời lý nhí trong sự hổ thẹn, ừ, bán rồi, vì cũng không có nhu cầu lắm. Chị sầm mặt xuống, ông lúc nào cũng vậy, suốt đời không thể ngóc đầu lên được, hẹn tôi ra đây có chuyện gì vậy?

    Khó khăn lắm anh mới có thể nói với chị điều anh muốn nhờ cậy. Chị cũng khó khăn lắm mới có thể trả lời từ chối anh, nhưng mà gia đình tôi đang yên lành, nếu đưa con bé về e rằng sẽ chẳng còn được bình yên.

    Anh năn nỉ, nhưng thật sự là anh rất bối rối, con bé đã đến tuổi dậy thì, anh là đàn ông, không thể gần gũi và dạy dỗ chu đáo cho nó được, anh chưa bao giờ cầu xin em điều gì, chỉ lần này thôi, chỉ nửa năm hay vài ba tháng cũng được, em là phụ nữ, em gần nó, em hướng dẫn và khuyên bảo nó trong một thời gian, để nó tập làm quen với cuộc sống của một thiếu nữ, sau đó anh lại đón nó về.

    Chị thở dài, ông lúc nào cũng mang xui xẻo đến cho tôi, thôi được rồi, ông về đi, để tôi về bàn lại với chồng tôi đã, có gì tôi sẽ gọi điện thông báo cho ông sau. Anh nhìn chị với ánh mắt đầy hàm ơn. Anh đứng dậy, đầu cúi xuống như có lỗi tiễn chị ra xe rồi thở dài, lùi lũi bước vào nhà ga đáp tàu trở lại Hamburg.

    Anh và chị trước kia là vợ chồng. Họ yêu nhau từ hồi còn học phổ thông. Anh đi lao động xuất khẩu ở Đông Đức. Chị theo học Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Ngày bức tường Berlin sụp đổ, anh chạy sang phía Tây xin tị nạn. Chị tốt nghiệp Đại học và về làm giáo viên cấp 3 huyện Thái Thụy, Thái Bình. Họ vẫn liên lạc và chờ đợi nhau.

    Khi đã có giấy tờ cư trú hợp lệ, anh về làm đám cưới với chị, rồi làm thủ tục đón chị sang Đức.

    Vừa sang Đức, thấy bạn bè anh ai cũng thành đạt. Đa số ai cũng có nhà hàng, hay cửa tiệm buôn bán. Chỉ có anh là vẫn còn đi làm phụ bếp thuê cho người ta. Chị trách anh vô dụng. Anh không nói gì, chỉ hơi buồn vì chị không hiểu, để có đủ tiền bạc và điều kiện lo thủ tục cho chị sang được đây, anh đã vất vả tiết kiệm mấy năm trời mới được. Nên không dám mạo hiểm ra làm ăn

    "Đồ cù lần, đồ đàn ông vô dụng...", đó là câu nói của miệng chị dành cho anh, sau khi anh và chị có bé Hương.

    Bé Hương sinh thiếu tháng, phải nuôi lồng kính đến hơn nữa năm mới được về nhà. 
    Khi bác sĩ thông báo cho vợ chồng anh biết bé Hương bị thiểu năng bẩm sinh. Giông tố bắt đầu thực sự nổi lên từ đó. Chị trách anh, đến một đứa con cũng không làm cho ra hồn, thì hỏi làm được gì chứ. Anh ngậm đắng nuốt cay nhận lỗi về mình và dồn hết tình thương cho đứa con gái xấu số.

    Bé Hương được 3 tuổi, chị muốn ly dị với anh. Chị nói, ông buông tha cho tôi, sống với ông đời tôi coi như tàn. Anh đồng ý, vì anh biết chị nói đúng. Anh là người chậm chạp, không có chủ kiến và không có chí tiến thân, sống an phận thủ thường. Nếu cứ rằng buộc sẽ làm khổ chị.

    Bé Hương 3 tuổi mà chưa biết nói. Chị cũng rất thương con, nhưng vì bận bịu làm ăn nên việc chăm sóc con bé hầu hết là do anh làm. Vì vậy mà con bé quấn quít bố hơn mẹ.

    Biết vậy nên chị cũng rất yên tâm và nhẹ nhõm nhường quyền nuôi dưỡng con bé cho anh khi làm thủ tục ly hôn.

    Ly dị được gần 1 năm thì chị tái giá. Chị sinh thêm một đứa con trai với người chồng mới.

    Thành phố Bremen là thành phố nhỏ. Người Việt ở đó hầu như đều biết nhau. Chị cảm thấy khó chịu khi thỉnh thoảng bắt gặp cha con anh đi mua sắm trên phố. Chị gặp anh và nói với anh điều đó. Anh biết ý chị nên chuyển về Hamburg sinh sống.

    Chị không phải là người vô tâm, nên thỉnh thoảng vẫn gửi tiền nuôi dưỡng con cho anh. Trong những dịp năm mới hay noel, chị cũng có quà riêng cho con bé, nhiều năm, nếu có thời gian, chị còn đến trực tiếp tặng quà cho con bé trước ngày lễ giáng sinh nữa.

    Thấm thoát đó mà giờ đây con bé đã sắp trở thành một thiếu nữ. Tuy chị không biết cụ thể thế nào. Nhưng chị biết dù con bé lớn lên trong tật nguyền hẩm hiu, nhưng anh rất thương nó. Chị cũng biết con bé gặp vấn đề trong giao tiếp, phải đi học trường khuyết tật. Nhưng con bé rất ngoan. Anh cũng không phải vất vả vì nó nhiều. Nó bị bệnh thiểu năng, trí tuệ hạn chế, phát âm khó khăn. Tuy vậy nó vẫn biết tự chăm sóc mình trong sinh hoạt cá nhân. Thậm chí nó còn biết giúp anh một số công việc lặt vặt trong nhà.

    Chồng chị đã đồng ý cho chị đón con bé về tạm sống với chị vài tháng, với điều kiện trong thời gian con bé về sống chung với vợ chồng chị, anh không được ghé thăm. Chị cũng muốn thế, vì chị cảm thấy hổ thẹn khi phải tiếp xúc với vẻ mặt đần đần dài dại của anh.

    Vợ chồng chị đã mua nhà. Nhà rộng, nên con bé được ở riêng một phòng. Chị đã xin cho con bé theo học tạm thời ở một trường khuyết tật ở gần nhà. Con bé tự đi đến trường và tự về được.

    Đi học về, nó cứ thui thủi một mình trong phòng. Đứa em trai cùng mẹ của nó, mẹ nó, và bố dượng nó rất ít khi quan tâm đến nó. Niềm vui duy nhất của nó là chờ điện thoại của bố. Nó phát âm không chuẩn và nói rất khó khăn, nên hầu như nó chỉ nghe bố nói chuyện. Bố dặn dò nó rất nhiều và thỉnh thoảng còn hát cho nó nghe.

    Em trai nó học thêm Piano, nên nhà mẹ nó có cái đàn Piano rất đẹp để ở phòng khách. Có lần nó sờ và bấm bấm vài nốt. Mẹ mắng nó không được phá đàn của em. Nên từ đó nó không dám đụng đến nữa. Có hôm anh gọi điện thoại cho nó, nó nghèn nghẹn nói lỏm bỏm,.. đàn..đàn...klavia....con muốn... Anh thở dài và hát cho nó nghe.

    Tháng đầu, hầu như ngày nào anh cũng gọi điện thoại cho nó. Rồi thưa dần, thưa dần. Cho đến một ngày anh không gọi cho nó nữa. Sau một tuần đăng đẳng không nghe anh gọi điện thoại. Con bé bỏ ăn và nằm bẹp ở nhà không đi học. Chị không biết gì cứ mắng nó dở chứng.

    Một đêm, chị bỗng bật choàng dậy khi nghe tiếng đàn Piano vang lên. Chị chạy ra phòng khách, thấy con bé đang ngồi đánh đàn say sưa. Nó vừa đánh vừa hát thì thầm trong miệng. Chị cứ há hốc mồm ra kinh ngạc. Chị không thể tưởng tượng nổi là con bé chơi Piano điêu luyện như vậy. Chị chợt nhớ ra, đã có lần anh nói với chị, con bé ở trường khuyết tật có học đàn Piano, cô giáo khen con bé có năng khiếu. Lần đó chị tưởng anh kể chuyện lấy lòng chị nên chị không quan tâm

    Chị đến gần sau lưng nó, và lặng lẽ ngắm nhìn nó đánh đàn. Chị cúi xuống và lắng nghe con bé hát thầm thì cái gì.

    Chị sởn cả da gà, khi chị nghe con bé hát rõ ràng từng tiếng một, mà lại là hát bằng tiếng Việt hẳn hoi: "...Nhớ những năm xa xưa ngày cha đã già với bao sầu lo...sống với cha êm như làn mây trắng...nhớ đến năm xưa còn bé, đêm đêm về cha hôn chúng con....với tháng năm nhanh tựa gió..ôi cha già đi cha biết không...".

    Chị vòng tay ra trước cổ nó và nhẹ níu, ôm nó vào lòng. Lần đầu tiên chị ôm nó âu yếm như vậy. Chị thấy tay mình âm ấm. Nó ngừng đàn đưa tay lên ôm riết tay mẹ vào lòng ngực. Nó khóc. Chị xoay vai nó lại, nhìn vào khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nó hỏi, con sao vậy hả con yêu của mẹ. Nó ngước nhìn mẹ nó rất trìu mến rồi chìa cho mẹ nó một tờ giấy giấy khổ A4 đã gần như nhàu nát.

    Chị cầm tờ giấy và chăm chú đọc, rồi thở hắt ra nhìn nó hỏi, con biết bố con bị ung thư lâu chưa. Nó chìa 4 ngón tay ra trước mặt mẹ. Chị hỏi, 4 tháng rồi hả. Nó gật đầu.

    Chị nhìn chăm chăm vào tờ giấy, và từ từ ngồi thụp xuống nền nhà, rũ rượi thở dài.

    Con bé hốt hoảng đến bên mẹ, ôm mẹ vào lòng, vuốt mặt mẹ, rồi vừa ấp úng nói vừa ra hiệu cho mẹ. Đại ý là nó diễn đạt rằng: -" Bố lên ở trên Thiên Đường rồi, mẹ yên tâm, con đã xin vào nội trú ở trường dưới Hamburg, ngày mai con sẽ về dưới đó, con không ở lại đây lâu để làm phiền mẹ và em đâu, con về ở tạm đây là vì bố muốn thế, bố muốn mình ra được nhẹ nhàng và yên tâm là có mẹ ở bên con.."

    Chị cũng ôm nó vào lòng, vỗ vỗ vào vai nó và nói, con gái ngoan của mẹ, ngày mai nếu mẹ sắp xếp được công việc, mẹ sẽ đưa con về Hamburg....

    Tôi nghe người ta kể chuyện lại chuyện đó, khi đi dự một cuộc biểu diễn nghệ thuật của học sinh khuyết tật và khiếm thị.

    Khi thấy em gái đệm đàn piano cho dàn đồng ca, cứ khăng khăng đòi phải đàn và hát bài hát "Người Cha Yêu Dấu" bằng tiếng Việt trước, sau đó mới chịu đệm đàn cho dàn đồng ca tiếng Đức. Quá kinh ngạc nên tôi cứ gạn hỏi mãi người trong ban tổ chức. Cuối cùng họ đã kể cho tôi nghe câu chuyện như vậy.

    Viethome (truyện không rõ tác giả, nhà văn Trần Việt Hải ở Hoa Kỳ biên tập và đặt tựa)