• Mike Lynch, ông trùm công nghệ từng được mệnh danh là “Bill Gates của nước Anh”, đã trải qua 10 tháng dưới hình thức bị quản thúc tại gia ở San Francisco (Mỹ), với một chiếc còng điện tử có định vị GPS gắn vào mắt cá chân và hai nhân viên an ninh có vũ trang theo sát 24/24 giờ.

    Lynch đang chờ ra tòa trong một vụ án kéo dài và phức tạp mà nếu thua kiện, ông có thể phải ngồi tù 25 năm.

    13 năm trước, Tập đoàn công nghệ Mỹ Hewlett-Packard (HP) thực hiện một trong những thương vụ “bom tấn” lúc bấy giờ: Mua lại công ty phần mềm và dữ liệu Autonomy của Anh với giá 10,3 tỷ USD. Là người đồng sáng lập Autonomy-một ngôi sao sáng trong làng công nghệ Anh, Lynch được ca ngợi vì những thành tựu trong kinh doanh: Năm 2006 được trao tặng Huân chương Hoàng gia Anh cho các sản phẩm, dịch vụ dành cho doanh nghiệp; năm 2011 được Thủ tướng Anh lúc đó là David Cameron bổ nhiệm vào Hội đồng khoa học và công nghệ; là thành viên Hội đồng quản trị của BBC; là người sáng lập một công ty an ninh mạng.

    ong trum cong nghe anh
    Mike Lynch, ông trùm công nghệ từng được mệnh danh là “Bill Gates của nước Anh”. Ảnh: Reuters 

    Chỉ 15 tháng sau khi thương vụ “khủng” được công bố, HP đưa ra các bằng chứng tố cáo Lynch và một số lãnh đạo của Autonomy đã thổi phồng giá trị của công ty này trước khi rao bán, nhằm đánh lừa một cách có chủ ý các cổ đông cũng như những nhà đầu tư tiềm năng có ý định mua lại doanh nghiệp này, khiến HP thiệt hại hàng tỷ USD. Dĩ nhiên là vị tỷ phú công nghệ thẳng thừng bác bỏ lời cáo buộc, đồng thời cho rằng cung cách quản lý điều hành kém của chủ sở hữu mới chính là nguyên nhân khiến tập đoàn này thua lỗ.

    Vụ việc trở nên phức tạp khi HP tuyên bố, một giám đốc điều hành cấp cao của Autonomy đã đưa ra những chứng cứ cho thấy cáo buộc của HP hoàn toàn có cơ sở, khiến HP càng quyết tâm theo đuổi vụ kiện Lynch tại cả Anh và Mỹ, với số tiền đòi bồi thường lên tới 5 tỷ USD. Đối mặt với vụ việc, các quan chức Anh đã mở cuộc điều tra riêng và sau khi kết luận không có đủ bằng chứng kết tội Lynch, đã đồng ý cho dẫn độ vị tỷ phú này sang Mỹ để tiếp tục điều tra xét xử theo đề nghị của Washington.

    The Guardian cho hay, với những bằng chứng điều tra được, khả năng Lynch bị tòa án tại Mỹ kết tội là rất cao. Theo phân tích của Trung tâm nghiên cứu Pew có trụ sở tại Mỹ, năm 2022, trong số 71.954 bị cáo trong các vụ án hình sự liên bang, chỉ có 0,4% được trắng án.

    Theo qdnd

     

  • Sau một đêm mất tích, thi thể người phụ nữ ở Quỳnh Lưu, Nghệ An được phát hiện nổi trên sông gần nhà.

    Ngày 4/4, lãnh đạo UBND thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) xác nhận, khoảng 6h cùng ngày, người dân lưu thông qua địa bàn khối 4, thị trấn Cầu Giát phát hiện thi thể một người phụ nữ nổi trên sông.

    Sự việc nhanh chóng được trình báo với chính quyền địa phương. Nạn nhân được xác định là chị H.N.C. (44 tuổi, trú khối 4, thị trấn Cầu Giát).

    troi song nghe an 1
    Người dân phát hiện thi thể chị C. trên sông (Ảnh: Lưu Quỳnh).

    "Chị C. mắc bệnh thần kinh đã lâu năm, sống với người mẹ già, hoàn cảnh khó khăn. Vì bệnh tật nên chị C. thường xuyên phải có người canh chừng, chăm sóc. Khoảng 17h30 ngày 3/4, chị C. đi khỏi nhà. Gia đình tìm kiếm khắp nơi không có tin tức nên đã trình báo với địa phương.

    Công an thị trấn Cầu Giát sau đó đã phát thông báo tìm kiếm chị C., đồng thời hỗ trợ gia đình tìm kiếm. Đến sáng nay (4/4) thì phát hiện thi thể chị C. nổi trên sông", vị lãnh đạo này nói.

    troi song nghe an 1
    Người dân hiếu kỳ kéo đến xem sự việc (Ảnh: Lưu Quỳnh).

    Hiện cơ quan chức năng đã hoàn tất thủ tục, bàn giao thi thể chị C. cho gia đình tổ chức an táng theo phong tục địa phương.

    Theo Dân Trí

  • Băng đảng tội phạm mạng - LockBit đã nhắm tới hơn 2.000 nạn nhân và nhận được hơn 120 triệu USD tiền chuộc kể từ khi thành lập 4 năm trước.

    lockbit

    Lockbit, một băng đảng tội phạm mạng khét tiếng nhất hành tinh, chuyên nắm giữ dữ liệu của nạn nhân để đòi tiền chuộc, mới đây đã bị ngăn chặn nhờ vào hoạt động thực thi pháp luật quốc tế hiếm hoi.

    Trên trang nhất thuộc trang dark web tống tiền của LockBit hiện dòng chữ “Trang web này hiện nằm dưới sự kiểm soát của cơ quan thực thi pháp luật”, cùng với cờ của Vương quốc Anh, Mỹ và một số quốc gia khác.

    Theo đó, cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh (NCA), làm việc với Cục Điều tra Liên bang, Europol và các cơ quan từ 9 quốc gia khác trong Chiến dịch Cronos, cho biết họ đã xâm nhập và chiếm quyền kiểm soát dịch vụ của LockBit.

    Tổng giám đốc NCA Graeme Biggar nói với các phóng viên ở London: “Chúng tôi đã tấn công các tin tặc, chúng tôi đã kiểm soát cơ sở hạ tầng, thu giữ mã nguồn của chúng”.

    NCA cho biết thêm rằng họ đã lấy được hơn 1.000 khóa giải mã và sẽ liên hệ với các nạn nhân ở Vương quốc Anh trong những ngày và tuần tới để đề nghị hỗ trợ và giúp họ khôi phục dữ liệu được mã hóa.

    Theo các chuyên gia, việc chiếm giữ trang dark web của nhóm ransomware sẽ buộc nhóm tội phạm mạng này phải thiết lập cơ sở hạ tầng máy tính mới để tống tiền nạn nhân.

    Đại diện của Lockbit đã đăng tin nhắn trên một ứng dụng nhắn tin được mã hóa nói rằng, trang web này có máy chủ dự phòng nên không bị ảnh hưởng từ hành động thực thi pháp luật mới nhất.

    Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ và Vương quốc Anh cũng đã tiết lộ một bức tranh đầy đủ hơn về chiến dịch triệt phá LockBit mới nhất. Trong đó, FBI đã phát triển phần mềm có thể cho phép hàng trăm nạn nhân trên toàn thế giới giải mã các máy tính bị nhóm tin tặc này khóa. Đồng thời, Europol, cơ quan thực thi pháp luật của EU, cho biết hai đặc vụ LockBit đã bị bắt ở Ba Lan và Ukraine, theo yêu cầu của chính quyền Pháp mà không nêu tên hai người.

    Hiện tại, các nhà điều tra chính phủ và tư nhân trên toàn thế giới sẽ xem xét kỹ lưỡng các động thái tiếp theo của LockBit. Các nhóm ransomware có nguồn lực tốt thường xây dựng lại cơ sở hạ tầng máy tính của chúng, sau khi cơ quan thực thi pháp luật làm cho gián đoạn và thường hay đổi tên các công cụ hack.

    Tại Mỹ, Lockbit đã tấn công hơn 1.700 tổ chức trong hầu hết mọi ngành, từ dịch vụ tài chính và thực phẩm đến trường học, giao thông vận tải và các cơ quan chính phủ.

    Theo DOJ, LockBit đã nhắm tới hơn 2.000 nạn nhân và nhận được hơn 120 triệu USD tiền chuộc kể từ khi thành lập 4 năm trước.

    Những mục tiêu bị nhắm tới bao gồm Royal Mail của Anh, nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ và một bệnh viện nhi ở Canada.

    Kể từ đó, LockBit được coi là mối đe dọa lớn nhất hiện nay.

    Viettimes (theo France24)

  • Nhóm 3 người Việt bị cáo buộc tạo và bán tài khoản Microsoft để lừa đảo, thu về hàng triệu USD bất hợp pháp.

    Ngày 13/12, Microsoft đã công bố thông tin về việc họ đã phát hiện và ngăn chặn nhóm tội phạm mạng Storm-1152, một tổ chức chuyên lập website và kênh mạng xã hội để bán tài khoản giả mạo và các công cụ hỗ trợ lừa đảo, bao gồm cả công cụ vượt qua CAPTCHA. CAPTCHA là một loại kiểm thử dạng hỏi đáp được dùng trong máy tính để xác định xem người dùng có phải là con người hay không.

    Microsoft cho biết, Storm-1152 đã tạo ra khoảng 750 triệu tài khoản Microsoft giả mạo, thu lợi bất chính hàng triệu USD, gây tổn thất nặng nề cho Microsoft và các doanh nghiệp khác trong việc chống lại hoạt động tội phạm của nhóm này.

    Cuộc điều tra của Microsoft đã chỉ ra ba cá nhân đứng sau hoạt động của Storm-1152: Duong Dinh Tu, Linh Van Nguyễn, và Tai Van Nguyen, đều đến từ Việt Nam. Họ chịu trách nhiệm vận hành các website bất hợp pháp, viết mã cho chúng, đăng hướng dẫn sử dụng sản phẩm qua video và cung cấp dịch vụ trò chuyện để hỗ trợ khách hàng.

    lua dao microsoft
    Kênh YouTube của Duong Dinh Tu với các video hướng dẫn vượt CAPTCHA. Ảnh: Microsoft.

    Storm-1152 đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tội phạm mạng, cung cấp tài khoản giả mạo giúp các kẻ lừa đảo dễ dàng thực hiện các hoạt động như gửi thư rác, mã độc tống tiền, và các hình thức lạm dụng khác. Nhóm này giúp các tội phạm mạng hoạt động hiệu quả và năng suất hơn.

    Microsoft đã phân tích hoạt động của Storm-1152 cùng với Arkose Labs, thậm chí thử mua dịch vụ để xác định cá nhân đứng sau và cơ sở hạ tầng tại Mỹ. Vào ngày 7/12, họ đã thu giữ cơ sở hạ tầng và tên miền của Storm-1152 theo lệnh của Tòa án Quận phía Nam New York.

    Các dịch vụ của Storm-1152 không chỉ giới hạn ở tài khoản Microsoft mà còn bao gồm dịch vụ vượt qua bảo mật của nhiều nền tảng công nghệ khác. Kevin Gosschalk, CEO của Arkose Labs, nhận định Storm-1152 hoạt động như một công ty Internet chính thống, cung cấp công cụ và dịch vụ chăm sóc khách hàng nhưng thực chất là nền tảng cho các hoạt động lừa đảo.

    Microsoft đã chính thức gửi đơn tố cáo hình sự đối với Storm-1152 tới cơ quan thực thi pháp luật Mỹ. Đồng thời, Microsoft khẳng định sẽ không ngừng theo dõi và hành động để bảo vệ khách hàng của mình, gửi thông điệp rõ ràng đến các tổ chức tạo, bán và phân phối sản phẩm giả mạo.

    Theo Nguoiquansat

  • Ngày 11/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Nguyễn Hữu Đạt (SN 1999, quê Bình Định) cùng 34 đồng phạm về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” và tội “Rửa tiền”. Đường dây lừa đảo do bị can "9X" này điều hành đã chiếm đoạt gần 99 tỷ đồng của 367 nhà đầu tư trên khắp cả nước.

    Nguyễn Hữu Đạt thực hiện việc đầu tư kinh doanh các sàn nhị phân trên mạng, nhưng bị thua lỗ nên sau đó, Đạt giới thiệu nhà đầu tư (NĐT) vào giao dịch trên các sàn nhị phân để được hưởng hoa hồng. Nhận thấy nhu cầu đầu tư nhằm hưởng lợi nhanh chóng của các NĐT, Đạt nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền bằng cách đưa ra thông tin giả để huy động vốn NĐT vào các sàn nhị phân.

    toi pham telegraph 1
    Bị can Nguyễn Hữu Đạt tại Cơ quan Công an.

    Để thực hiện hành vi, Đạt chia các đồng phạm thành 4 nhóm để hoạt động. Đạt giao cho đàn em mua số lượng lớn SIM của các nhà mạng để kích hoạt và tạo lập những nickname Telegram. Với các nickname Telegram này, Đạt yêu cầu đồng phạm lấy ảnh người trung niên, sang trọng trên mạng làm ảnh đại diện nhằm tạo niềm tin cho NĐT đây là những người thành công.

    Các đối tượng tạo lập khoảng 10.000 nhóm Telegram thường và 150 nhóm Telegram VIP với các tên như: “Đầu tư thu lãi 4%-10% mỗi ngày”, “Đầu tư thu lợi nhuận cùng ban chuyên gia”, “VIP member-Tự do tài chính 4.0”, “VIP đẳng cấp đầu tư tài chính”… Mỗi nhóm Telegram có một nickname leader do Đạt sử dụng, khoảng 40-100 nickname Telegram ảo do các đồng phạm tạo lập, sử dụng để tương tác với 1-3 nickname Telegram duy nhất của NĐT thật.

    Mỗi đối tượng trong đường dây của Đạt quản lý từ 100-500 nhóm Telegram thường, mỗi nhóm khoảng từ 20-40 nick Telegram ảo. Đối với nhóm Telegram VIP chỉ có các đối tượng chủ chốt trong đường dây mới được tham gia quản lý, tương tác.

    toi pham telegraph 1

    toi pham telegraph 1
    Một số đối tượng trong nhóm lừa đảo.

    Các đối tượng sử dụng phần mềm chạy tự động quảng cáo tin nhắn, làm giả hóa đơn chuyển tiền cho người thắng và tung tin giả về việc thắng tiền trên sàn nhị phân. Đồng thời, giới thiệu với NĐT cách thức tham gia đầu tư là ủy thác đầu tư, NĐT góp vốn cùng “ban chuyên gia”. Trong đó, vốn của ban chuyên gia 60%, NĐT 40%. Ban chuyên gia sẽ thanh khoản sau mỗi phiên giao dịch trực tiếp vào tài khoản các NĐT.

    Vốn đầu tư gói thường tối thiểu từ 3.000-3.600 USD, tùy theo mức do Đạt đề nghị và sẽ được lợi nhuận cố định 2 phiên mỗi ngày, mỗi phiên từ 1,6-3,2 triệu đồng. Vốn đầu tư gói VIP tối thiểu 20 ngàn USD sẽ được lợi nhuận cố định 6 phiên mỗi ngày, mỗi phiên 1.800 USD. Gói VIP kép là 40 ngàn USD lợi nhuận tăng gấp 2, cam đoan 2 ngày hoàn vốn đầu tư.

    toi pham telegraph 1

    toi pham telegraph 1
    Các tài khoản ảo và các nhóm VIP do các đối tượng tạo lập ra để lừa đảo.

    Để NĐT yên tâm về việc sẽ được đội ngũ ban chuyên gia hỗ trợ bảo toàn vốn trong quá trình tham gia đầu tư, Đạt cùng các đồng phạm đưa ra quy tắc “3 lệnh thua sẽ ngưng giao dịch” nhằm bảo toàn vốn cho các nhà đầu tư và để bị hại tin tưởng đầu tư chỉ có lời. Ban chuyên gia tiếp tục nghiên cứu và dự đoán sự lên xuống của sàn giao dịch, khi dự đoán sàn lên đầu tư sẽ thắng thì tiến hành đầu tư ngay.

    Khi NĐT tin tưởng, nhắn tin đề nghị tham gia đầu tư thì các đồng phạm được phân công trả lời tin nhắn, lôi kéo đầu tư rồi giới thiệu khách nhắn tin cho nickname Leader do Đạt sử dụng để tiếp tục lôi kéo NĐT, yêu cầu chuyển tiền theo các gói đầu tư vào tài khoản ngân hàng do Đạt chỉ định.

    Đạt chỉ đạo các đồng phạm dùng tiền NĐT để trả tiền lợi nhuận như đã cam đoan cho NĐT mỗi phiên 1,6 triệu đồng với gói thường, 45 triệu đồng với gói VIP. Trong khoảng 1-5 ngày nếu NĐT tiếp tục đầu tư thêm tiền vào các tài khoản chỉ định thì các đối tượng tiếp tục gửi lợi nhuận thêm 1-2 ngày nữa. Sau đó, Đạt thông báo cho khách là ban chuyên gia đặt cược tiền đầu tư của khách đã thua hết, kèm theo hình ảnh bảng kết quả đặt cược các phiên trong ngày...

    Để thuận tiện cho hoạt động, phân chia vai trò cho các đồng phạm và tránh bị Cơ quan Công an phát hiện, Đạt thường xuyên thay đổi địa điểm. Đạt trực tiếp đứng tên thuê và yêu cầu đồng phạm thuê các căn nhà, căn hộ tại 8 địa điểm ở TP Hồ Chí Minh.

    Từ đầu năm 2021 đến 2022, Đạt cùng đồng phạm chiếm đoạt gần 99 tỷ đồng của 376 NĐT ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến nay, cơ quan Công an mới xác định được 96 bị hại với số tiền bị chiếm đoạt gần 34 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, Đạt dùng chi trả lương cho các đồng phạm, mua sắm công cụ phương tiện, thuê địa điểm hoạt động, tiêu xài cá nhân… Số tiền còn lại khá lớn nên để che giấu nguồn tiền do phạm tội mà có, Đạt sử dụng vào việc kinh doanh nhà hàng, quán ăn, mua bất động sản…

    Tham gia giúp sức cho Đạt cùng đồng phạm trong vụ án còn có các đối tượng chưa rõ nhân thân, lai lịch tên: Quốc, Thiện, An… Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tách vụ án hình sự đối với hành vi của những đối tượng này để tiếp tục điều tra, làm rõ.

    Theo cand

  • Hàng trăm cửa hàng SPAR trên khắp miền Bắc nước Anh đã phải đóng cửa sau một vụ tấn công mạng vào hệ thống công nghệ thông tin của nhà phân phối chuỗi cửa hàng tạp hóa.

    Vụ tấn công mạng đã gây ảnh hưởng đến việc thanh toán bằng thẻ tại các chi nhánh thuộc chuỗi cửa hàng tạp hóa SPAR, buộc nhân viên phải đóng cửa các cửa hàng hoặc chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt.

    "Điều này không ảnh hưởng đến tất cả các cửa hàng SPAR trên khắp miền Bắc nước Anh, nhưng một số đã bị ảnh hưởng trong 24 giờ qua và chúng tôi đang nỗ lực giải quyết tình trạng này nhanh nhất có thể", SPAR khu vực miền Bắc nước Anh thông báo trên Twitter.

    cua hang spar

    Thông báo trên Twitter của SPAR khu vực miền Bắc nước Anh không đề cập đến số lượng chính xác các cửa hàng bị ảnh hưởng kể từ khi vụ việc bắt đầu diễn ra vào ngày 5/12. Tuy nhiên, theo lời người phát ngôn của công ty được truyền thông Anh trích dẫn, khoảng 330 cửa hàng bị ảnh hưởng đã phải đóng cửa.

    Trang web của nhà phân phối James Hall and Co của chuỗi cửa hàng tạp hóa SPAR cũng đã ngừng hoạt động vào ngày 6/12. Người phát ngôn của hãng bán buôn có trụ sở tại Lancashire nói với truyền thông địa phương rằng, họ "đã biết về một cuộc tấn công mạng vào hệ thống công nghệ thông tin của chúng tôi" và công ty đang "làm việc nhanh nhất có thể để giải quyết tình huống này".

    Trung tâm An ninh mạng quốc gia của Vương quốc Anh cho biết đã biết về vụ việc.

    Đây không phải là lần đầu tiên trong năm nay, các cửa hàng thực phẩm ở Anh bị ảnh hưởng bởi những cuộc tấn công mạng. Vào tháng 10, một vụ tấn công mạng nhằm "can thiệp" vào hệ thống công nghệ thông tin của Tesco đã diễn ra, tạm thời vô hiệu hóa trang web và ứng dụng của chuỗi siêu thị này.

    Theo VTV

  • Một người phụ nữ trên TikTok đã lục tung chiếc xe của mình khi nhận được thông báo cô ấy đang bị theo dõi bởi một chiếc AirTag.

    Carlee Schram đã đăng một video cho thấy cô và những người khác sử dụng đèn pin để kiểm tra xung quanh động cơ, bên dưới ô tô và phía sau biển số xe để tìm kiếm chiếc Airtag.

    “Nhận được thông báo đang bị theo dõi bởi một thẻ định vị Apple và phải tìm nó để vô hiệu hóa”, đoạn chữ trên video của Carlee viết. Tất nhiên, người dùng Tik Tok đều cảm thấy bất an.

    Một người dùng bình luận: “Điều này thật đáng sợ. Chắc chắn điều này xảy ra với rất nhiều phụ nữ”. “Hãy giữ an toàn, nhiều người làm những điều điên rồ trong kỳ nghỉ lễ”, một người khác viết.

    airtag 1
    Thẻ định vị Airtag của Apple 

    “Chuyện gì đang xảy ra vậy??”, một bình luận chia sẻ, “Đây là lần đầu tiên tôi thấy việc này".

    Một người khác cho biết: “Thật kinh khủng vì tôi thậm chí còn không có điện thoại Apple (tôi biết việc này thật tệ), tôi không có cách nào để kiểm tra”.

    AirTag là đĩa thép không gỉ, nhỏ, nhẹ, được sử dụng để theo dõi các đồ vật cá nhân. Tuy nhiên, thiết bị này cũng có thể bị lạm dụng để theo dõi bí mật.

    Để chống lại việc này, Apple sẽ gửi thông báo đến iPhone gần nhất nếu chiếc AirTag ở xa chủ nhân của nó quá lâu - điều dường như đã xảy ra trong trường hợp này.

    Schram suy đoán người nào đó có thể đã ném chiếc Airtag vào trong xe qua cửa xe bị nứt của cô - nhưng cho đến nay, đây vẫn là một bí ẩn. 

    Schram cùng người thân tìm kiếm chiếc AirTag

    Sau khi kiểm tra chiếc xe, Schram vẫn không biết chiếc Airtag nằm ở đâu - hoặc liệu nó có ở đó hay không. Mặc dù đã thử nhiều ứng dụng và thiết bị để tìm kiếm, họ vẫn không thu được kết quả.

    Vì AirTag chỉ có thể bị vô hiệu hóa nếu được định vị, vị trí trực tiếp của ô tô của Schram vẫn đang được gửi cho chủ AirTag. Schram đã liên hệ với cảnh sát, nhưng các sĩ quan thông báo họ không thể làm gì trong trường hợp này.

    Định nghĩa AirTag

    AirTag là một thiết bị nhỏ sử dụng kết nối Bluetooth để người dùng dễ dàng tìm các thiết bị, đồ vật dễ thất lạc thông qua ứng dụng Find My (Tìm) trên iPhone hoặc iPad (yêu cầu chạy iOS 14.5/iPadOS 14.5 trở lên). Chính vì vậy, bạn phải sử dụng iPhone hoặc iPad (có khả năng update iOS 14/iPadOS 14) mới có thể sử dụng được AirTag.

    Bên cạnh Bluetooth, AirTag còn được trang bị chip U1 để định vị trong không gian cùng với loa để phát tiếng kêu.

    airtag 1

    Cách ghép đôi với AirTag

    AirTag cần được kết nối với iPhone hoặc iPad để sử dụng, cách ghép đôi vô cùng đơn giản. Khi mua AirTag về, bạn chỉ cần đặt cạnh iPhone là hai thiết bị lập tức nhìn thấy nhau, giống như cách hoạt động với AirPods.

    AirTag hoạt động như thế nào?

    Khi kết nối AirTag với iPhone/iPad, chúng sẽ nằm trong tab Vật dụng (Items) của ứng dụng Tìm (Find My). Lần đầu thiết lập, bạn sẽ được yêu cầu định danh cho AirTag (ví dụ chìa khóa, ba lô...). Bạn có thể kết nối với tối đa 16 AirTag để theo dõi các vật dụng của mình.

    Khi bạn cần tìm kiếm thiết bị được gắn AirTag, bạn cần mở ứng dụng Tìm (Find My), mở tab Vật dụng, chọn vào AirTag tương ứng với đồ vật cần tìm, sau đó bạn có các tùy chọn dưới đây.

    Nếu AirTag ở gần bạn:

    airtag 1

    • Bạn có thể yêu cầu AirTag phát tiếng kêu để bạn xác định vị trí của chúng
    • Nếu bạn sử dụng iPhone 11 trở lên (có chip Ultra-wideband), bạn có thể định vị chính xác khoảng cách, hướng của chúng với sai số chỉ tính bằng cm

    Nếu bạn thất lạc AirTag của mình:

    • Vị trí cuối cùng khi AirTag và iPhone kết nối với nhau sẽ được đánh dấu lại để bạn có thể tìm kiếm chúng
    • Bạn cần đánh dấu thiết bị là đã mất trên ứng dụng Tìm
    • Nếu AirTag gần một thiết bị khác của Apple, AirTag sẽ gửi thông tin cho thiết bị đó, mạng tìm kiếm Find My sẽ gửi thông tin vị trí về cho bạn, nhưng bạn yên tâm, không ai ngoại trừ bạn biết được thông tin này!

    Nếu bạn nhặt được AirTag của người khác, bạn có thể sử dụng iPhone hoặc thiết bị Android, máy tính có NFC để đọc thông tin trên AirTag, một liên kết sẽ mở ra cung cấp bạn cách liên hệ trả lại cho chủ sở hữu, với điều kiện chủ sở hữu đã đánh dấu thiết bị bị mất. Nếu bạn mua AirTag hãy chú ý tính năng này nhé.

    Nếu AirTag rời xa chủ sở hữu quá lâu, khi được di chuyển nó sẽ phát tiếng kêu để thu hút sự chú ý của những người xung quanh. Tính năng này sẽ hạn chế được việc ai đó muốn sử dụng AirTag để theo dõi bạn. Ngoài ra, nếu bạn sử dụng iPhone, khi có AirTag lạ ở gần bạn và nó không được kết nối với chủ sở hữu, iPhone cũng sẽ thông báo cho bạn biết để đảm bảo tính riêng tư.

    Kích thước, trọng lượng, thời lượng pin

    AirTag có hình tròn đường kính 31.9 mm, dày 8 mm và nặng 11g, với một mặt bằng nhựa và một mặt kim loại chứa logo Apple, nhưng lưu ý nếu muốn treo vào chìa khóa hay ba lô, bạn cần có thêm móc khóa nữa. AirTag có khả năng chống bụi, chống nước IP67 và có thời lượng pin được Apple công bố là hơn 1 năm.

    airtag 1

    Loại pin AirTag sử dụng là CR2032 rất phổ biến, việc thay thế cực kỳ dễ dàng, chỉ cần xoay nhẹ mặt có logo Apple ngược chiều kim đồng hồ để mở nắp là bạn đã tiếp cận được pin của thiết bị.

    Bảo mật và quyền riêng tư

    Như đã nói ở trên, AirTag có cơ chế chống theo dõi, bạn có thể yên tâm người khác không thể lợi dụng AirTag bỏ vào quần áo, balo để theo dõi bạn. Về mạng lưới tìm kiếm Find My, tất cả thông tin vị trí của AirTag được mã hóa và chỉ có bạn được phép truy cập thông tin này, ngay cả Apple cũng không can thiệp để đảm bảo tính riêng tư của bạn.

    Toàn bộ các dữ liệu vị trí và lịch sử di chuyển của bạn sẽ không được lưu lại trên AirTag, chỉ lưu trên tài khoản iCloud của bạn, vì vậy bạn cũng có thể yên tâm, dù có mất AirTag thì cũng không ai xem được lịch sử di chuyển của bạn.

    AirTag là phụ kiện định vị, không phải để bảo vệ

    Bạn cần phải hiểu rõ ràng, AirTag chỉ có chức năng giúp bạn định vị các phụ kiện của mình, nó không có chức năng như một khóa bảo vệ. Bởi vì kẻ gian có thể dễ dàng vô hiệu hóa AirTag bằng cách tháo pin hoặc đơn giản là phá hủy, vứt bỏ ở một vị trí khác.

    Viethome (Theo Indy100)

  • Công nghệ càng hiện đại, chúng ta càng bị mất đi sự riêng tư. Các công ty công nghệ lớn trong đó có Google dễ dàng biết chúng ta là ai, đi đâu, làm gì.

    Liệu chúng ta có thể thoát khỏi hệ sinh thái đa dạng của Google giống như những chiếc vòi bạch tuộc đang cuốn lấy chúng ta mỗi ngày hay không?

    Bây giờ là 6h30 sáng, và bạn vừa thức dậy.

    Bạn có thể có bao nhiêu giây trong ngày mà không cần sử dụng Google?

    Nếu bạn vừa sử dụng đồng hồ báo thức trên điện thoại chạy Android do Google sở hữu, bạn đã thất bại.

    Nếu bạn là người nghiện đọc tin tức vào mỗi buổi sáng, có lẽ bạn cũng đã thất bại. Hầu hết các trang web tin tức - bao gồm trang VietTimes này - chạy các công cụ phân tích hoặc quảng cáo do Google sở hữu.

    Đừng cảm thấy quá tự mãn nếu bạn là chủ sở hữu iPhone. Có lẽ bạn từng tìm đường đi trên bản đồ Google Maps, vì nó tốt hơn nhiều so với Apple Maps.

    Hoặc bạn đã mở trình duyệt Safari, sử dụng Google làm công cụ tìm kiếm mặc định của nó (Google trả cho Apple 3 tỷ đô la mỗi năm cho đặc quyền đó.)

    Có thể bạn đã gọi Grab để đến một nơi nào đó - ứng dụng Grab của bạn phụ thuộc vào dữ liệu Google Maps.

    Nói cách khác, thật khó để tránh Google từ lúc bạn nhấc điện thoại lên cho đến khi bạn đặt nó xuống và đi ngủ. Rất có thể, bạn đang sử dụng Google ngay cả khi bạn không biết bạn đang sử dụng Google. “Vòi bạch tuộc” của nó có mặt khắp mọi nơi.

    Có một cộng đồng người dùng ở Mỹ đã quyết định tẩy chay Google vì lo sợ sức ảnh hưởng quá lớn của nó. Cộng đồng này được hô hào thành lập từ năm 2018 và cho đến nay đã có 6000 người tham gia dưới tên gọi r/ deGoogle.

    Giải thích cho sự ra đời của cộng đồng này, người điều hành r/ deGoogle cho biết: “Google lấy dữ liệu cá nhân của chúng tôi bằng nhiều cách mà không phải để phục vụ cho mục đích quảng cáo hướng đối tượng”.

    “Chúng tôi nghĩ rằng tầm ảnh hưởng của Google đối với xã hội là không thể cân đo đong đếm được. Việc theo dõi mọi người như Google đang làm là không nên. Chúng ta nên kiểm soát công nghệ mà chúng ta tương tác, chứ không phải để nó kiểm soát chúng ta”, người này nói.

    Những người tẩy chay Google đã thề không sử dụng bất kỳ dịch vụ nào của Google trong cuộc sống hàng ngày của họ. Nhưng vấn đề là: ĐIỀU NÀY HƠI BỊ KHÓ THỰC HIỆN

    Cố gắng không sử dụng Google đòi hỏi bạn phải “cảnh giác cao độ”

    Google, hay công ty mẹ Alphabet, hiện đang sở hữu dịch vụ video phổ biến nhất thế giới (YouTube), dịch vụ email phổ biến nhất (Gmail), hệ điều hành di động phổ biến nhất (Android), một số dịch vụ đám mây phổ biến với ứng dụng G Suite. 8 sản phẩm của Google có một tỷ người dùng.

    Google có mặt trong cả lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cáp quang Internet và chăm sóc sức khỏe. 1/5 doanh thu quảng cáo toàn cầu rơi vào tay Google. Bây giờ, nó còn vươn vòi bạch tuộc sang một lĩnh vực mới – Trò chơi điện tử.

    Google cũng ngày càng gắn chặt với hạ tầng cốt lõi của Internet. Giống như Amazon, Google điều hành một dịch vụ đám mây cung cấp “sự sống” cho một số website và ứng dụng nổi tiếng thế giới. Khi máy chủ đám mây của Google bị sự cố vào năm 2018, nó đã khiến cho Snapchat, Discord, Spotify và Pokemon Go bị tê liệt.

    Về bản chất, bạn sẽ không thể nào sử dụng Internet mà không dính dáng gì đến Google. Điều này khiến cho việc tẩy chay Google trở nên cực kỳ khó khăn.

    “Tất nhiên chúng tôi sẽ phải hy sinh nhiều thứ để tẩy chay Google. Nhưng đổi lại chúng tôi sẽ không phải lo lắng khi báo đài đưa tin về những vụ hack hay mất dữ liệu cá nhân liên quan đến Google”, một người dùng có nick là Firemex nói với phóng viên Business Insider.

    Những người tẩy chay Google làm thế nào để “cai nghiện”?

    Một người trong cộng đồng r/ deGoogle nói rằng anh ta đã sử dụng Yahoo Mail thay vì Gmail. Anh ta cũng không sử dụng trình duyệt Chrome mà sử dụng Pale Moon. Để tìm kiếm các thông tin trên Internet, anh ta dùng DuckDuckGo.

    Nhưng ngay cả vậy, anh ta vẫn không thoát khỏi Google. “YouTube là thứ tôi không thể rời khỏi, vì vậy tôi vẫn sử dụng YouTube nhưng tôi đã xem qua VidLii. Tôi hy vọng rằng mình sẽ làm và đăng video tiếp theo trên cả YouTube và VidLii”, anh ta nói.

    VidLii được thành lập vào năm 2015 như một giải pháp thay thế cho YouTube, nhưng nó đã không tạo ra được sức hút. Tài khoản Twitter của nó chỉ có 836 người theo dõi.

    Một người dùng khác phải thừa nhận việc “cai” Google là quá khó. Anh này nói rằng công ty của mình hoạt động dựa vào các dịch vụ của Google. Khi anh ta dùng một nền tảng khác, nó không thể đồng bộ với các ứng dụng Google khiến anh ta gặp rắc rối. Anh ta bị trễ cuộc họp vì không thể đồng bộ hóa với Google Calendar.

    Còn người dùng có nick là Firemex thì cam đoan rằng có thể “sống mà không cần đến Google”.

    “Công việc của tôi không đòi hỏi phải sử dụng các dịch vụ của Google. Giả sử nếu có dính đến Google, tôi sẵn sàng tìm một công việc khác”, Firemex nói.

    Google đã tích lũy quá nhiều sức mạnh và điều đó không tốt cho người dùng

    Một tỷ người đang sử dụng các dịch vụ của Google mỗi ngày. Google khiến cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn. Nhưng sao nhiều người trong số chúng ta lại cảm thấy ghét Google, đó là vì hãng này đang tích lũy quyền lực quá lớn.

    Không có dịch vụ nào của Google là miễn phí. Ngay cả Gmail, người dùng tưởng là miễn phí nhưng thực ra Google quét những từ khóa trong Gmail để sử dụng cho quảng cáo nhắm mục tiêu.

    Google theo dõi những gì bạn xem trên YouTube, sau đó gợi ý cho bạn những video phù hợp với sở thích. Mỗi video đều có quảng cáo. Như vậy, để được miễn phí thì bạn sẽ phải xem quảng cáo của họ.

    Nếu không muốn xem quảng cáo trên YouTube, bạn chỉ còn cách tìm đến một ứng dụng khác. Nhưng trên thị trường hiện nay, chẳng có ứng dụng nào phong phú và tiện dụng cho video như YouTube, và thế người dùng tiếp tục bị khóa trong hệ sinh thái Google và các điều khoản của Google.

    Google cho thấy họ sẵn sàng lạm dụng sự thống trị của mình. Tuần qua, Google vừa bị Liên minh châu Âu phạt lần thứ ba vì những vi phạm liên quan đến việc đưa quảng cáo vào kết quả tìm kiếm. Kể từ năm 2017, Google đã phải nộp phạt cho EU 9,4 tỷ USD.

    Ông Tomaso Falchetta, người đứng đầu tổ chức Privacy International nhận xét: “Các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook đang áp đặt các điều khoản và điều kiện một cách thiếu minh bạch đối với người sử dụng để có thể thu thập, phân tích và chia sẻ ngày một nhiều hơn các dữ liệu cá nhân, trong khi người dùng không hề hay biết hoặc bị buộc phải chấp nhận các điều khoản mà Google và Facebook đưa ra”.

    “Những sự vi phạm quyền riêng tư này là do mô hình kinh doanh của các công ty công nghệ phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu người dùng. Họ có thể thu thập dữ liệu một cách quá mức và người dùng thì bị giam cầm trong hệ sinh thái của họ mà không có sự lựa chọn nào khác”.

    Những người tẩy chay Google nói rằng hãng này thu thập dữ liệu người dùng một cách rất “xấu tính” và “không thể hiểu nổi”. Một người dùng dẫn chứng ứng dụng Google Dịch trên Android sẽ không hoạt động chính xác nếu bạn không cho nó truy cập vào danh bạ. Không rõ tại sao một ứng dụng Dịch lại cần biết bạn bè của người dùng là ai.

    Tôi đã thử vào Google Play, tìm đến ứng dụng Google Dịch và xem nội dung thỏa thuận trước khi cài đặt thì thấy rằng ứng dụng này yêu cầu được truy cập vào 20 vị trí khác nhau, trong đó có micro, máy ảnh, tin nhắn SMS và thậm chí cả thiết bị Bluetooth. Không hiểu sao Google lại cần truy cập vào những chức năng này.

    Bạn đã thực sự muốn “dứt tình” với Google? Đây là cách để thoát ly dần khỏi hệ sinh thái của nó

    Nhà báo Kashmir Hill của trang công nghệ Gizmodo đã chia sẻ kinh nghiệm thoát ly Google của mình. Cô sử dụng một mạng riêng ảo VPN tùy chỉnh, nó sẽ chặn các ứng dụng và trang web do Google cung cấp.

    Một số người khác nói rằng không cần thiết phải tạo VPN tùy chỉnh. Họ cho rằng cách thức để thoát dần khỏi Google là:

    - Chuyển sang dùng iPhone vì Apple không kiếm tiền từ dữ liệu của người dùng và cho phép người dùng kiểm soát rất chi tiết việc chia sẻ dữ liệu cá nhân.

    - Nếu bạn đang sử dụng điện thoại Android, hãy cài đặt ROM tùy chỉnh như LineageOS. ROM tùy chỉnh là một hệ điều hành có thể thay thế phiên bản Android được cài đặt sẵn trên điện thoại của bạn và có thể cung cấp cho bạn trải nghiệm Android mà không dính dáng đến các ứng dụng của Google. Nhưng lưu ý rằng cài ROM tùy chỉnh sẽ khiến điện thoại bạn bị mất bảo hành.

    - Sử dụng DuckDuckGo hoặc Startpage.com để làm công cụ tìm kiếm mặc định

    - Với ứng dụng thư điện tử, hãy sử dụng ProtonMail, một dịch vụ emai được trả tiền, được mã hóa.

    - Sử dụng Apple Maps để tra cứu bản đồ

    Bạn có sẵn sàng từ bỏ Google không. Riêng tôi, có lẽ tôi sẽ vào YouTube xem một video ca nhạc nào đó để thư giãn!

    Viethome (theo Viettimes)

  • Cảnh sát thành phố London (Anh) khởi động thử nghiệm công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong hai ngày, bắt đầu từ hôm 17/12.

     

    Theo CNBC, công nghệ nhận dạng khuôn mặt sẽ bao phủ vùng Soho, Piccadilly Circus và Quảng trường Leicester của London, quét khuôn mặt người trong đám đông và chạy chúng cùng cơ sở dữ liệu những người đang bị truy nã của tòa án và Cảnh sát thủ đô London. Nếu có tín hiệu cảnh báo, cảnh sát sẽ đến nơi, xem xét và kiểm tra để xác nhận danh tính cá nhân.

    Máy quét sẽ được triển khai trong khoảng tám giờ mỗi ngày, và được đặt ở vị trí dễ thấy cùng cảnh sát mặc đồng phục đứng gần. Đợt triển khai này là một phần của chiến lược kiểm soát rộng rãi hơn để giảm số lượng tội phạm và bạo lực tại Westminster.

    Cảnh sát thành phố trước đó nỗ lực thông báo cho công chúng về việc sử dụng công nghệ bằng cách phát tờ rơi và dán poster tại nhiều khu vực nơi máy quét được triển khai. Giới chức cũng giải thích quá trình thử nghiệm với người dân.

    Dù vậy, việc thử nghiệm vẫn vấp phải chỉ trích. Nhóm chiến dịch Big Brother Watch (BBW) huy động 6,685 bảng Anh, tương đương 8,440 USD, để khởi chạy chiến dịch pháp lý chống lại việc triển khai máy quét. BBW sử dụng luật Tự do Thông tin Anh để lấy số liệu của cảnh sát, cho thấy 100% lần quét trùng khớp mà máy báo từ tháng 5 đến giờ là không chính xác.

     

    Thông báo về việc thử nghiệm công nghệ quét mặt, nhận diện khuôn mặt ở một số nơi tại London trên Twitter - Ảnh: Twitter

    “Việc cảnh sát sử dụng công cụ giám sát độc đoán này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý hay dân chủ nào. Thực tế là nó hoàn toàn vô dụng, cho thấy thời gian của cảnh sát và nguồn vốn công bị lãng phí”, Giám đốc BBW Silkie Carlo cho biết.

    Ivan Balhatchet, lãnh đạo chiến lược của dự án, thì cho hay cảnh sát London đã cam kết thực hiện thêm bốn thử nghiệm công nghệ nhận dạng khuôn mặt trước cuối năm nay.

    Cảnh sát sẽ phân tích dữ liệu thu thập được từ thử nghiệm để đánh giá xem liệu công nghệ này có là công cụ hữu ích để răn đe và truy tìm tội phạm hay không. Ý kiến của công chúng cũng được thu thập. Giới thực thi pháp luật có ý sử dụng công nghệ trong các sự kiện thể thao, lễ hội âm nhạc và trung tâm giao thông trong tương lai.

    Công nghệ nhận dạng khuôn mặt không chỉ được áp dụng trong ngành cảnh sát, mà cùng với sinh trắc học, còn được nhiều hãng tư nhân trên thế giới áp dụng. Đơn cử, hãng hàng không Qantas của Úc thông báo hồi tháng 7 rằng họ sẽ dùng công nghệ này để nhận diện hành khách. CEO Sân bay Sydney từng cho hay khuôn mặt của hành khách sẽ là hộ chiếu của họ trong tương lai. 

    VietHome (theo Xã Luận)

  • Thậm chí anh chàng này còn lãi ra khá khá tiền sau mỗi lần nâng cấp lên một chiếc iPhone mới.

    Một nhân viên marketing vô danh sinh sống tại thị trấn Bukit Mertajam, Malaysia có thể nâng cấp iPhone mới mỗi năm, kể từ năm 2013 cho đến nay mà không tốn một xu nào. Thậm chí anh chàng này còn lãi ra khá khá tiền sau mỗi lần nâng cấp lên một chiếc iPhone mới.

    Câu chuyện tưởng đùa nhưng lại là sự thật, khi mà anh chàng 34 tuổi người Malaysia này đã lợi dụng công ty bảo hiểm và tiến hành gian lận. Sự việc đã bị phát hiện khi anh chàng này đến trụ sở cảnh sát và thông báo việc bị mất một chiếc iPhone Xs Max, một chiếc iPad Pro và một chiếc MacBook Pro, tổng giá trị lên đến 2.618 USD. 

    Cảnh sát đã tiến hành điều tra thêm và phát hiện ra người đàn ông này cũng đã thông báo nhiều vụ mất trộm tương tự trước đây. Các vụ trộm đều liên quan đến những chiếc iPhone hoặc đồ công nghệ của Apple.

    Sau khi thẩm vấn thêm, cuối cùng thì anh chàng này cũng phải khai ra sự thật và kế hoạch nâng cấp iPhone mới mỗi năm mà không tốn một xu của mình.

    Lợi dụng chính sách bảo hiểm, sau khi mua iPhone mới và sử dụng được một khoảng thời gian, anh chàng này sẽ rao bán trên trang web lowyat.net. Sau đó, anh thông báo rằng iPhone và các thiết bị khác đã bị đánh cắp.

    Nhờ đó, anh chàng này sẽ nhận được tiền đền bù từ công ty bảo hiểm của mình và sử dụng số tiền đó để mua một chiếc iPhone mới khác. Mỗi năm anh ta lại làm như vậy một lần để mua iPhone. Chiếc iPhone Xs Max bị báo trộm mất thật ra đã được bán với giá 1.196 USD.

    Điều khó hiểu là sau bao nhiêu năm bị mất iPhone, nhưng công ty bảo hiểm vẫn chịu trả tiền cho anh chàng này.

    Viethome (theo Genk)