• Luôn phải sống trong sợ hãi, không được lái xe, không thể đi gặp bác sĩ … đó là cuộc sống chung của 62,000 người đang sống quá hạn visa tại Úc.

    (Ảnh minh họa)

    62,000 người đang sống bất hợp pháp tại Úc

    Ramesh, một người đàn ông 28 tuổi hiện đang ở lậu tại Úc, anh nói anh hiếm khi nào ra khỏi nhà, trừ khi phải đi làm. Và luôn thường trực cảm giác sợ hãi khi trông thấy cảnh sát.

    “Tôi luôn trong tình trạng hồi hộp, lo sợ, giống như … bị điên,” anh nói.

    Ramesh là một trong số 62,000 người đang sống bất hợp pháp tại Úc sau khi visa hết hạn. Hiện công dân Malaysia đang dẫn đầu danh sách những công dân ở bất hợp pháp tại Úc, kế đó là người Anh.

    Bộ Nội vụ cho biết có khoảng 10,000 công dân Malaysia đang ở quá hạn trong khoảng thời gian từ 2016 – 2017. Công dân Trung Quốc ở quá hạn là 6,500 người và Hoa Kỳ là 5,000 người.

    Trước đó, có 250 vận động viên và quan chức tham gia Commonwealth Games đã trốn lại Úc. Đã có 200 người nộp đơn xin visa tỵ nạn và đã được cấp visa chờ, trong khi đó 50 người còn lại hiện đang sống bất hợp pháp.

    “Luôn có cảm giác tội lỗi”

    Trường hợp của Ramesh, năm ngoái anh đến Úc theo visa du lịch 3 tháng. Một người bạn của gia đình đã hứa sẽ giúp anh lấy visa lao động để ở lại với chi phí $2,000.

    Anh đã mượn tiền để trả phí visa, nhưng rồi không bao giờ nhìn thấy visa đó. Và đến khi visa du lịch của anh hết hạn, và cũng không thể gia hạn, anh đã quyết định tiếp tục trốn lại Úc mà không cần visa.

    “Cảm giác tội lỗi, giống như tôi đang làm chuyện sai trái,” Ramesh nói.

    Không dám lái xe vì sợ bị yêu cầu visa khi lấy bằng lái, và anh cũng không thể đi gặp bác sĩ mỗi khi bị bệnh.

    “Tôi bị mắc kẹt trong hoàn cảnh này, tôi muốn thoát ra càng sớm càng tốt. Tôi không muốn kéo dài, như nhiều người đang ở đây 2, 3 năm.”

    Trong số những người đang sống quá hạn, có 11,000 người sống quá hạn từ 2 – 5 năm, và 6,600 người sống bất hợp pháp 15 – 20 năm.

    Ramesh hiện đang sống ở Úc trong tình trạng bất hợp pháp đã được 1 năm. Anh nói anh có kế hoạch quay về Malaysia cuối năm nay khi đã trả hết số nợ anh đã vay để làm visa.

    Anh đang làm công việc sửa xe, nhận tiền mặt, và một số công việc lặt vặt khác vào cuối tuần. Chủ của anh không hề biết anh đang sống bất hợp pháp, và anh cũng rất cẩn trọng khi nói về thân phận của mình với người khác.

    “Tôi không muốn bị bắt và muốn trở về nhà. Tôi chỉ muốn về và làm người tự do, thay vì bị bắt hoặc gặp rắc rối với cảnh sát.”

    Anh nói trước khi đến Úc anh không hề biết gì về hệ thống visa ở đây, và cũng không hề biết việc đi làm trong khi giữ visa du lịch là hợp pháp hay không.

    Giữa năm 2016 – 2017, Bộ Nội vụ đã phát hiện 15,885 người đang ở quá hạn và đã trục xuất số người này khỏi Úc hoặc giam giữ họ trong các trung tâm giam giữ.

    Những người bị bắt vì ở quá hạn có thể sẽ bị giam giữ, bị trục xuất và bị cấm không được quay lại Úc ít nhất là 3 năm. Ramesh dự định đến Đại sứ quán Malaysia và thú nhận với nhà chức trách di trú, thay vì bị bắt tại sân bay khi về. 

    Anh nói anh đã học được bài học và muốn khuyên người khác không rơi vào tình huống của mình.

    Viethome (theo SBS Vietnamese)

  • Làm farm (thu hoạch nông sản) ở Úc được xem là công việc dễ xin và dễ kiếm tiền, chỉ cần người lao động có nhiều thời gian và sức khỏe là có thể xin được một chân ở các nông trại. 

    Là một đất nước nổi tiếng về các loại nông sản, Úc có rất nhiều nông trại, và tùy mỗi vùng miền lại có những loại nông trại trồng những giống cây trái khác nhau. Với bản chất nông nghiệp đa dạng như vậy, nghề làm nông trại đã thu hút khá nhiều sắc dân đến Úc tìm cơ hội lập nghiệp, trong đó có người Việt.

    Cũng giống như những nghề phổ biến khác của người Việt như làm bánh mì, làm may, thì nghề làm nông trại, hay còn gọi là làm farm, cũng đã từng rất phổ biến trong cộng đồng người Việt từ những thập niên 80, 90.

    Nhiều nông trại trên khắp nước Úc, cơ hội việc làm ở mọi nơi

    Có thể nói rằng, hiện thời trên toàn nước Úc, bất cứ loại cây trái hay loại rau nào có ở Việt Nam thì cũng có ở xứ kangaroo này, từ rau răm, rau quế, ngò gai, cho đến những loại cây trái nhiệt đới như măng cụt, vú sữa. Người Việt xa xứ vẫn có thể tìm được những hương vị ẩm thực quê nhà, một phần lớn công nhờ vào những người làm farm.

    Các nông trại ở Sydney thường là nông trại rau quả như rau cải, cà chua, dưa leo, dâu tây, măng tây, cherry, v.v, tập trung ở những vùng như Hoxton Park, Penrith, Springwood, Leppington.

    Ở Melbourne nổi tiếng với các nông trại trồng nho ở Robinvale gần biên giới với tiểu bang NSW.

    Adelaide cũng có các nông trại trồng các loại rau nhưng với quy mô lớn, tuy nhiên các nông trại do người Việt làm chủ ở đây tương đối nhỏ hơn và hầu hết tập trung ở vùng Virginia.

    Darwin với khí hậu khá giống Việt Nam nên nổi tiếng với các nông trại cây trái nhiệt đới như xoài, chôm chôm, mít, v.v.

    Chị Phạm Bích Thủy đến từ Hội Phụ nữ Á châu. Chị Thủy đã từng có thời gian đi làm ở nông trại, và hiện tại chị đang giúp đỡ nhiều phụ nữ người Việt tìm việc làm ở các nông trại cũng như giúp họ hiểu về luật lao động.

    Chị Thủy chia sẻ:

    “Các chủ nông trại người Việt có thể xây dựng một nông trại mới hoàn toàn, nhưng đa số chọn cách mua lại hoặc thuê lại một farm có sẵn, đã được xây dựng hệ thống trồng trọt, các nhà nylon trồng rau (nhà bầu) cùng mạng lưới tiêu thụ.

    “Công việc làm nông trại phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, đa số các loại rau quả có vụ thu hoạch vào mùa hè. Thời gian này chủ farm sẽ cần rất nhiều nhân công, nên cũng là cơ hội cho những người lao động cần việc.

    “Khi mùa đông tới, người Việt trồng rau trong nhà nylon để tránh cái lạnh khắc nghiệt. Thời gian này tốn nhiều công chăm bón hơn đồng thời rau cũng khó trồng hơn và tăng trưởng cũng chậm hơn, nên giá rau thường tăng gấp bội.”

    Nhưng điều đó không có nghĩa là đến mùa đông thì không có việc mà mùa đông là lúc người nông dân tập trung làm đất, nhổ cỏ, cải tạo lại đất, chuẩn bị cho một vụ mùa mới vào mùa xuân.”

    Công việc vất vả, làm ngoài nắng, giờ làm việc kéo dài

    Khi nói về công việc thu hoạch rau quả ở các nông trại, vẫn còn đâu đó những câu chuyện về một công việc làm thêm dễ tìm, dễ kiếm tiền ngay cả khi chưa có kinh nghiệm và vốn tiếng Anh ít ỏi.

    Điều này thu hút những người mới đến Úc, những bạn sinh viên tranh thủ dịp hè đi làm thêm với hi vọng kiếm được một khoản tiền trang trải cho cuộc sống.

    Diễm, một bạn sinh viên đã có nhiều kinh nghiệm đi làm ở các nông trại, cho biết, tuy công việc ở nông trại phụ thuộc vào vụ mùa, nhưng bạn vẫn có một công việc ổn định với nghề này.

    “Mặc dù mỗi farm gắn với một vụ mùa, khi hết mùa thì phải chuyển sang làm việc ở farm khác, nhưng quanh năm đều có farm cần thu hoạch.

    “Nếu những ai đã từng làm farm dâu tây hoặc farm măng tây thì có thể làm ở bất kỳ farm nào, vì đó là hai loại farm làm cực nhất. Nên sau khi đã làm farm dâu tây thì xin việc ở những farm khác rất dễ,” Diễm nói.

    Công việc tại nông trại bắt đầu từ sáng sớm và thường kéo dài từ 8 – 10 tiếng. Nhiều người chọn cách ở lại ngay tại nông trại để đỡ phải đi lại thì phải thức dậy lúc 5 giờ sáng. Còn đối với người ở xa sẽ có xe đưa đón hàng ngày, thì 4 giờ sáng đã phải tập trung để lên xe. Công nhân sẽ phải đóng thêm tiền đi lại như vậy khoảng $50/tuần.

    Các nông trại luôn nằm ở những vùng xa nơi có thời tiết luôn nắng và nóng gắt hơn, công việc vì thế mà cũng vất vả hơn, đặc biệt là thu hoạch những loại quả ở thấp phải cúi người lom khom để hái.

    Diễm chia sẻ về nỗi vất vả của công việc ở hai farm nổi tiếng là nặng nhọc nhất:

    “Đối với dâu tây, trời nắng hay mưa thì vẫn phải hái, có khi nhiệt độ lên tới 40 độ vẫn phải làm, mà trời càng nắng thì càng phải làm nhiều vì dâu sẽ chín nhanh hơn, có khi đến 7 giờ tối mới xong việc.

    “Còn farm măng tây thì phải làm đêm vì ban ngày măng tây bị mất nước sẽ bị héo. Đi cắt măng tây cũng phải cúi lom khom nên khá đau lưng. Đến gần sáng sẽ có muỗi rất nhiều, nên hôm nào cũng bị muỗi đốt.

    “Làm đêm nên giờ giấc sinh học bị đảo lộn. Công việc ở farm măng tây khá cực nên thường chỉ có con trai làm chứ con gái ít ai làm,” Diễm cho biết.

    Thu nhập khi làm việc tại Úc đủ trang trải sinh hoạt

    Tuy khá vất vả, nhưng công việc này cũng mang lại thu nhập không phải quá tệ, nhất là đối với những sinh viên cần công việc làm thêm, những người mới sang chưa quen với cuộc sống, hoặc những người không có nhiều bằng cấp hay kỹ năng tay nghề.

    Có hai hình thức trả lương, làm khoán hoặc tính theo giờ. Trung bình một ngày làm farm, mỗi người có thể kiếm được trung bình từ 100 đến 120 đô la, thậm chí có thể lên tới trên 200 đô la.

    Giả sử mỗi ngày trung bình kiếm được 100 đô la, sau một tháng làm farm, một công nhân có thể kiếm tới 3.000 đô la, đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt.

    “Thí dụ như farm nấm, người chủ sẽ trả lương theo sản phẩm, có những người làm giỏi có thể kiếm được 200 – 300 đô la/ngày,” chị Thuỷ cho biết.

    “Còn những farm dưa leo, cà chua thì trả theo giờ. Có những người đi làm farm ở lại tại chỗ làm, chuẩn bị thức ăn để nấu nướng, chỗ ở không phải trả tiền, nên cuối vụ thu hoạch cũng để dành được một khoản đáng kể.”

    Thậm chí bạn Diễm còn cho biết nhiều người rất thích công việc này vì tính chất công việc thoải mái, được làm việc ngoài thiên nhiên, không quá bị gò bó hay áp lực bị giám sát như những công việc khác.

    “Farm dâu giống có công việc nhàn nhất, công việc làm ở trong nhà và chọn những cây tốt để bó lại và xếp vào hộp. Farm dâu giống cũng là farm trả lương cao nhất nhưng thời gian làm việc rất ngắn, chỉ kéo dài từ tháng 4 – tháng 6.

    “Khi dâu chưa ra trái sẽ phải đi nhổ cỏ, cắt lá, tỉa bông, trồng cây, những công việc này thì chủ sẽ trả khoảng 15 đô la/giờ.

    “Còn đi hái dâu sẽ làm khoán, nhận lương theo sản phẩm. Vào thời gian đỉnh điểm vụ mùa, có những người kiếm được 400 đô la/ngày.

    “Đi làm farm khá thoải mái, em hay gặp nhiều người tốt, giúp đỡ nhau, lại không bị áp lực về tinh thần như các công việc trong nhà hàng hay siêu thị, lại còn hay được ăn trái cây tươi ngay tại vườn.”

    Tuy vẫn còn nhiều câu chuyện về việc bị chủ bóc lột, bị lừa, bị quỵt tiền khi đi làm công nhân ở những nông trại, nhưng chị Thủy ở Hội Phụ nữ Á châu cho biết, dần dần tình hình này đã được cải thiện khá nhiều, khi người lao động đã dần hiểu hơn về trách nhiệm và quyền lợi của mình để đòi hỏi cũng như bỏ sang làm việc cho các nông trại tốt hơn. Điều này buộc các chủ farm phải thay đổi chính sách và đối xử công bằng hơn.

    Chị Thủy cũng có lời khuyên cho những người lao động phải luôn ý thức được quyền lợi của mình để không xảy ra những câu chuyện đáng tiếc trong công việc.

    “Công nhân phải biết đòi hỏi quyền lợi cho mình, chẳng hạn người chủ phải cung cấp nón, nước uống trong thời tiết nắng nóng, phải cung cấp găng tay, xe đẩy, những thiết bị bảo hộ lao động. Người chủ biết hết các trách nhiệm đó nhưng đôi khi họ lờ đi để tiết kiệm chi phí.

    “Công nhân cũng phải hiểu cả trách nhiệm của mình, phải biết cách làm việc đúng chuẩn an toàn, tránh bị thương tật do tai nạn lao động. Nếu bị thương tật trong lúc làm việc phải báo ngay để có chứng từ để đòi bồi thường.”

    Viethome (Theo SBS)

  • Một người đàn ông đang yêu cầu chính phủ Australia trục xuất vợ mình khỏi đất nước, sau khi anh bị cô vu khống gây bạo lực. Người vợ tự đấm vào mặt mình rồi giả vờ bị chồng đánh.

    Anh Faisal, ở Sydney, cưới vợ người Morocco là chị Asmae được 8 tháng thì bắt đầu nghi ngờ mình bị vợ lợi dụng để nhập tịch.

    Anh Faisal

    Hai người gặp nhau trên một trang web hẹn hò, nhưng sau khi cưới, anh Faisal lo lắng vợ không thực sự yêu mình. Anh xin lời khuyên của một luật sư và chuyên gia nhập cảnh nhưng người vợ mới xem được các email này nên tìm cách hành động.

    Anh Faisal kể với 9 News’ A Current Affair rằng, anh đi làm về thì thấy nhà mình như một bãi chiến trường. Vợ anh la lối và vài tiếng sau, anh bị bắt vì tội hành hung.

    Vợ anh tự đấm vào mặt mình trong thang máy.

    Tuy nhiên, sau đó camera giám sát đã ghi lại hình ảnh vợ anh bước vào một thang máy trong tòa nhà và tự đấm vài cái vào mặt mình.

    “Tôi không ngờ vợ làm thế và đi báo cảnh sát sau tất cả những gì tôi đã dành cho cô ấy. Cô ấy muốn hủy hoại đời tôi”, anh Faisal chia sẻ.

    “Bây giờ tôi là nạn nhân. Tôi đã bị lợi dụng, bạo hành hết lần này tới lần khác về tình cảm, tinh thần, tài chính. Cô ấy phải nhận hậu quả vì những việc mình đã làm”, người chồng nói tiếp.

    Vợ anh hiện đã bay khỏi Sydney và đang sống ở nơi nào đó tại Australia. Anh Faisal đang kêu gọi chính phủ trục xuất vợ mình trở về Morocco.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Theo điều luật di trú Úc, những người sống bất hợp pháp muốn được cấp visa kết hôn thì ngoài những yêu cầu cơ bản, họ phải đưa ra được lý do bắt buộc – compelling reasons để xin miễn một điều khoản cấm, hay còn gọi là điều khoản 3.

    Thông thường, có con với người có quốc tịch Úc hoặc thường trú nhân Úc được coi là lý do bắt buộc để được miễn điều khoản 3, nhưng có thai vẫn chưa được tính vì đứa bé chưa chính thức chào đời. Vậy nếu có thai, chưa sinh con và hết hạn visa thì phải chấp nhận về nước?

    Bộ Di Trú sẽ nghiêm khắc và rất nhiều người phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để về Việt Nam để nộp visa kết hôn vì không đáp ứng được điều khoản này khi sống bất hợp pháp. Nhưng trường hợp của cô bé tên Hương (đã đổi tên) mà chúng tôi thực hiện thì điều khoản 3 được miễn thành công trước khi cô hạ sinh em bé. Mọi chuyện bắt đầu từ sự thiếu kiến thức và non nớt trong suy nghĩ của vợ chồng của Hương dù cả hai đến với tôi trước khi visa của cô hết hạn. Lúc tôi gặp Hương thì em chưa đủ 18 tuổi – quá trẻ để kết hôn theo luật, nhưng đợi đến khi đủ tuổi để kết hôn thì Hương đã ở quá hạn visa.

    Vì muốn ở lại Úc và sợ nếu về Việt Nam thì sẽ khó quay trở lại, nên Hương đánh liều ở Úc bất hợp pháp. Đến khi đã đủ tuổi kết hôn và đã có đủ kinh phí thì Hương tìm đến tôi để nộp hồ sơ. Nhưng “đời không như là mơ” khi Hương quên một điều quan trọng rằng: visa của em đã hết hạn, em phải có con thì mới có thể được miễn điều khoản 3. Lúc này Hương chưa có thai, và em cũng không muốn có con vì còn quá trẻ. Tuy nhiên luật rất nghiêm khắc nên tôi bảo rằng nếu không có con, thì hồ sơ sẽ hoàn toàn thất bại. Khả năng em phải rời Úc để nộp lại hồ sơ là rất cao.

    Mặc dù vậy, Hương vẫn khăng khăng muốn nộp hồ sơ, và tôi không nỡ đành lòng chối từ khi biết em đơn độc nơi xứ lạ quê người. Thêm nữa, tôi giúp Hương vì khát vọng muốn đổi đời và hy vọng vào cuộc sống mới ở Úc của em quá lớn. Tôi bảo Hương rằng em nên sinh con trong khoảng thời gian chờ đợi visa được xét thì khả năng chiến thắng cao khi ra tòa. Còn nếu Hương có con trước khi Di Trú xét hồ sơ thì có thể không cần ra tòa, và tôi sẽ tự tin làm visa hôn nhân thành công như em mong muốn. 

    Đứa con chưa chào đời vẫn có thể là bằng chứng thuyết phục

    Bẵng đi một thời gian sau khi nộp hồ sơ, tôi vui mừng khi Hương thông báo rằng em đã có thai. Nhưng rồi chuyện gì đến cũng đến, Bộ Di Trú yêu cầu đưa ra lý do thuyết phục để tin rằng Hương nên được miễn điều khoản 3. Ngặt nỗi lúc này Hương còn hơn 2 tháng nữa mới sinh em bé. Đối với Bộ Di Trú, mang thai thì vẫn chưa chắc chắn bởi em bé chưa sinh ra, chưa hiện hữu nên không được xem là có con chung với thường trú nhân hoặc công dân Úc.

    Tình thế đang ở trong tiến thoái lưỡng nan bởi một mặt thì Bộ Di Trú gắt gao cần giải trình, một mặt thì đứa trẻ chưa ra đời khó trở thành điều kiện thuyết phục. Với kinh nghiệm giải quyết các chuyện éo le, tôi phải cố gắng đưa ra lý do làm sao cho thuyết phục dù em bé chưa được sinh ra. Ngay lúc này, tôi lại phải làm thêm người động viên tinh thần cho Hương bởi em đã tính bỏ cuộc ở cấp Di Trú, em không muốn giải trình hay làm thêm bất kỳ điều gì và chấp nhận ra tòa vào “phút cuối”.

    Trực giác cho tôi biết rằng giải trình hồ sơ lần này sẽ thắng, tôi hứa với lòng rằng sẽ giúp hết sức cho Hương lấy được visa ngay ở cấp Di Trú mà không cần phải ra tòa.

    Thế là tôi soạn một bản tường trình pháp lý để xin miễn điều khoản 3. Khoảng thời gian chuẩn bị gấp rút với cả tuần cố sức thức trắng đêm, tôi đã tham khảo nhiều án lệ và các luận điểm quan trọng. Nội dung được cô đọng súc tích chỉ vỏn vẹn 5 trang giấy đầy thuyết phục. Trong đó, chúng tôi “xoáy” vào lý do Hương đang mang thai, và cái thai đã lớn không thể nào ép Hương về Việt Nam để sinh con được. Nếu Hương phải về thì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi và cả người mẹ. Tôi tin vào “tình người” và sự công bằng của luật Úc. Thông qua nhiều dẫn chứng, cộng thêm một số lý do nhỏ khác xoay quanh gia cảnh Hương ở Úc tôi đã có một bản giải trình hoàn hảo.

    Bên cạnh đó, tôi cũng đưa ra lý do rằng, nếu hồ sơ bị từ chối thì chúng tôi cũng khiếu nại. Đến lúc đó thì em bé cũng đã được sinh ra, và hồ sơ tòa cũng sẽ thắng. Nếu Di Trú cấp visa bây giờ thì sẽ là phương án giải quyết tốt hơn việc ra tòa, tiết kiệm chi phí – công sức – thời gian cho cả Di Trú, Tòa, và đương đơn.

    Hạnh phúc vỡ òa

    Thật vui mừng khôn xiết khi chỉ sau vài ngày đưa giải trình lên, Bộ Di Trú yêu cầu Hương đi khám sức khỏe và bổ sung lý lịch tư pháp mới để cấp visa. Điều này đồng nghĩa rằng Bộ Di Trú đã chấp thuận và những bước chân còn lại đến “giấc mơ Úc” đã không còn là chuyện xa vời.

    Hương rất bất ngờ vì em vẫn chưa hạ sinh em bé mà đã được miễn điều khoản 3. Điều này khiến Hương lên tinh thần rất nhiều nên nên việc khám sức khỏe không gặp khó khăn và còn có dấu hiệu thai nhi khỏe mạnh. Hương bày tỏ sự vui mừng vì không phải ra tòa, tiết kiệm được chi phí để nuôi con. Cuối cùng, Hương cũng đã an tâm với những dự định ở Úc được bảo đảm bằng tấm “vé visa”.

    Có một sự thật hiển nhiên rằng khi bạn không bỏ cuộc và quyết theo đến cùng, thì mọi cố gắng sẽ được đền đáp thỏa đáng. Và niềm vui vỡ òa của đương đơn cũng tỉ lệ thuận với sự sung sướng chúng tôi.

    Viethome (theo Di Tru Dao Nguyen)

  • Chính phủ của Thủ tướng Úc, Scott Morrison, thông báo sẽ áp dụng các điều kiện thị thực mới đối với hàng ngàn người nhập cư mỗi năm. Theo đó, những người nhập cư mới phải sinh sống ở các địa phương khác ngoài hai thành phố lớn là Sydney và Melbourne trong vòng 5 năm.

    Theo tờ The Australian, biện pháp mới này của chính phủ nhằm giải quyết tình trạng tăng dân số mất kiểm soát tại các thành phố lớn khi mà lượng dân cư tăng tới gần 100% trong thập kỷ qua.

    Điều kiện thị thực mới sẽ được áp dụng cho nhóm người nhập cư có tay nghề, nhưng không bao gồm các cá nhân được các công ty bảo lãnh hoặc có thị thực gia đình. 

    Tân thủ tướng Úc ngụ ý mỗi thành phố, mỗi vùng sẽ áp dụng những quy định khác nhau để khuyến khích người nhập cư đến sinh sống, đặc biệt là các khu vực cần lao động có tay nghề hoặc cần thêm cư dân nhất.

    Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ cân nhắc đầu tư triển khai các dự án đường sắt cao tốc để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông trong thành phố do dân số tăng quá nhanh.

    Bộ trưởng Dân số và hạ tầng đô thị Alan Tudge, ngày 9-10 cho biết, Úc thiệt hại khoảng 25 tỷ AUD mỗi năm do tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các thành phố làm các hoạt động kinh tế bị trì hoãn. Con số này sẽ là 40 tỷ AUD trong vòng 10 năm tới nếu tình hình không được cải thiện.

    Năm 2017, khoảng 87% người nhập cư có tay nghề đến Úc sinh sống tại Sydney hoặc Melbourne, mỗi nơi có khoảng 5 triệu dân. Lượng người nhập cư này đã làm gia tăng dân số Sydney thêm 100.000 người và Melbourne là 125.000 người. Ngược lại, dân số ở thành phố Adelaide, nơi có khoảng 1,3 triệu dân, chỉ tăng thêm 9.600 người.

    Ông Alan Tudge nói vấn đề không phải là sự gia tăng dân số của Úc, vốn gần đây đã đạt mức 25 triệu người, mà là sự phân bổ dân cư. Ông cũng cho hay hạ tầng giao thông không theo kịp làn sóng di dân ở một số thành phố. Nỗ lực của chính phủ trong việc giảm số người nhập cư có thể bao gồm cả việc cắt giảm sinh viên quốc tế.

    Năm 2016-2017, nước này tiếp nhận 183.068 di dân, 67% trong đó là lao động có tay nghề. Con số này giảm còn 162.000 người trong giai đoạn 2017-2018, theo số liệu trên truyền thông. Số liệu chính thức chưa được công bố.

    Chính phủ đã chuẩn bị sẵn một số loại visa để khuyến khích người nhập cư đến sống tại các vùng nông thôn.

    Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng những nỗ lực nhằm hạn chế dòng người nhập cư sẽ khó để thực thi và có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế. Các hội nhóm doanh nghiệp kêu gọi chính phủ liên bang không hạn chế người nhập cư, cho rằng giải pháp cho vấn đề áp lực dân số là xây dựng đường sá, giao thông công cộng tốt hơn cũng như có kế hoạch đáp ứng nhu cầu nhà ở đô thị.

    Một số địa phương không đợi chính phủ liên bang mà tự tìm cách gia tăng dân số.

    Lãnh thổ phương Bắc (Northern Territory), một vùng lãnh thổ liên bang bao phủ phần lớn trung tâm lục địa Úc cũng như các khu vực phía bắc vốn rất thưa dân, tháng trước đã đưa ra đề nghị hỗ trợ 15.000 AUD trong 5 năm cho những người đến sống tại đây và đảm nhận các công việc "ưu tiên cao" như kế toán, kỹ sư cơ khí và đầu bếp.

    Viethome (theo Zing)

  • Sau khi bị phát hiện cố tình nhét kim vào dâu tây tại trang trại đang làm việc, một phụ nữ gốc Việt đã bị cảnh sát Australia bắt giam và đối diện án tù lên tới 10 năm.

    My Ut Trinh (tên khác Judy), 50 tuổi, một người gốc Việt đang làm thuê tại một trang trại ở bang Queensland, phải hầu tòa vào hôm nay sau khi bị phát hiện cố tình đâm kim vào trái dâu tây tại nơi làm việc.

    Theo AAP, luật sư của Trinh đã rút đơn xin tại ngoại cho thân chủ của mình khi thẩm phán Christine Rooney cho rằng còn quá sớm để thực hiện bảo lãnh với lý do vẫn chưa xác định được động cơ thật sự của Trinh đằng sau hành vi phạm pháp của mình.

    Bà Rooney không loại trừ trường hợp Trinh muốn trả thù. Theo tờ 7 News, Trinh từng nói với một số người rằng muốn giới chủ của mình phá sản và rất bức xúc với cách bị đối xử tại trang trại đang làm việc.

    Trinh sẽ bị giam giữ ít nhất tới cuối tháng 11, thời điểm cuộc điều trần tiếp theo diễn ra. Theo luật pháp Úc, người phụ nữ gốc Việt có thể sẽ chịu án tù tối đa 3 năm. Tuy nhiên, nếu tình tiết tăng nặng được bổ sung, hình phạt có thể lên tới 10 năm tù.

    My Ut Trinh có thể phải đối diện với án tù lên đến 10 năm vì hành động đâm kim vào trái dâu tây của mình. Picture: AAP/John Gass.

    Sau cuộc điều tra phức tạp kéo dài trong 2 tháng, cảnh sát thông báo đã tìm thấy DNA của Trinh trong một hộp dâu tây nhiễm độc ở bang Victoria.

    Ngày 9/9, cảnh sát Úc bắt đầu điều tra khi một người đàn ông ở bang Queensland thông báo đã nuốt phải một cây kim trong trái dâu tây. Ngay sau đó, hai người ở bang Victoria cũng báo cáo tương tự với nhà chức trách. Một thời gian ngắn sau, tất cả 6 bang tại Australia phải vào cuộc khi nhận được nhiều thông tin của người dân phát hiện các cây kim và ghim băng trong dâu tây, táo và chuối.

    Hành động của Trinh đã làm bùng phát khủng hoảng với quả dâu tây tại xứ sở chuột túi. Hàng tấn dâu tây phải bán phá giá hoặc đổ đống và đe dọa nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp trị giá nửa tỷ USD. Các chuỗi siêu thị lớn tại Úc như Coles và Aldi phải loại bỏ quả dâu khỏi các các kệ hàng. Giá bán sỉ cũng đã giảm hơn một nửa.

    Dâu tây bị đổ đống tại Úc. Ảnh: Jamie Michael

    Jamie Michael, người đứng đầu Hiệp hội các nhà trồng dâu tây Australia, bày tỏ sự thất vọng với đài ABC vào tháng 9: “Đây là một nỗi xấu hổ. Chúng ta đang ở vào thời điểm thu hoạch tốt nhất và quả dâu tây cũng đang được tiêu thụ tốt. Đáng lẽ ra các trang trại sẽ có được doanh thu tốt và trả các khoản vay từ ngân hàng.”

    Vụ việc này cũng khiến quốc hội Úc cân nhắc thông qua các hình phạt nghiêm khắc hơn với tội danh làm nhiễm độc thực phẩm.

    Nhà chức trách Úc thông báo cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.

    Viethome (theo Zing)

  • Người phụ nữ bị bắt vì liên quan tới chuỗi vụ nhét kim khâu vào dâu tây ở Australia thời gian qua song chưa rõ cáo buộc là gì.

    Kim khâu được tìm thấy trong một hộp dâu ở Australia.

    Hơn 100 vụ kim khâu được tìm thấy trong hoa quả, đặc biệt là dâu tây, từ hồi tháng 9 đã tạo nên tâm lý hoang mang, lo lắng trên khắp Australia. Chính quyền đã treo thưởng lớn cho những ai cung cấp thông tin giúp tìm ra thủ phạm.

    Cảnh sát bang Queensland chiều nay thông báo đã bắt được một phụ nữ ngoài 50 tuổi liên quan đến sự việc. Nghi phạm sẽ bị buộc tội vào tối nay và ra hầu tòa ở Brisbane vào ngày mai, AFP đưa tin.

    Cảnh sát không tiết lộ thêm bất cứ thông tin nào, bao gồm cả việc cáo buộc đối với người phụ nữ bị bắt là gì hay lý do cũng như động cơ dẫn tới hành động nhét kim khâu vào hoa quả.

    Việc làm của người phụ nữ khiến hàng loạt siêu thị của Australia phải loại hoa quả khỏi kệ hàng, nông dân phải đổ bỏ hàng tấn dâu tây không bán được. Nhà chức trách đã nâng hình phạt tối đa cho hành vi này lên 10 tới 15 năm tù. 

    VietHome(Theo VnExpress)

  • 5 công dân Việt Nam, trong đó có hai người nhập cư trái phép, vừa nhận tội trồng cần sa tại 6 căn nhà ở Australia.
     viethome trong can sa o Uc
    Cảnh sát khám xét một trong các căn nhà trồng cần sa của băng nhóm người Việt tại thành phố Maitland, bang New South Wales, Australia. Ảnh: Herald
     
    4 thành viên của băng nhóm này gồm Vuong Luu Quoc, Anh Quang Pham, Tuan Dac Trinh và Kim Phuong, những người đang bị giam tại nhà tù Sydney, hôm 17/10 đã tham dự phiên xét xử tại tòa án Newcastle thông qua phương tiện kết nối hình ảnh trực quan.
     
    Theo Herald, họ thừa nhận hồi tháng hai đã trồng hàng trăm cây cần sa tại các căn nhà ở ngoại ô thành phố Maitland, bang New South Wales. Nghi phạm còn lại là Thy Vu, 23 tuổi, vợ của Quoc, cũng thừa nhận việc che giấu hành vi phạm tội nghiêm trọng.
     
    Vu bị giam 9 ngày trước khi được bảo lãnh tại ngoại. Cô đang sống ở một trong các căn nhà trên cùng Quoc nhưng không tham gia vào việc trồng cần sa. Thẩm phán xử phạt Vu hai năm lao động công ích và cấm cô liên hệ với Quoc trong 12 tháng.
     
    Quoc có khả năng bị trục xuất về Việt Nam nếu được phóng thích. 4 nghi phạm sẽ ra tòa vào cuối tháng 10 để nghe phán quyết về án phạt dành cho họ. Hoạt động trồng cần sa của băng nhóm người Việt này được đánh giá là tinh vi và có quy mô lớn với giá trị ước tính 2,8 triệu AUD (2 triệu USD).
     
    Tất cả các phòng ở 6 căn nhà trên đều ngập tràn cần sa, bóng đèn, quạt, bảng điện và máy biến áp. Theo cảnh sát, hệ thống điện nước, thông gió và tưới tiêu ở các cơ sở này được thiết kế rất kỹ lưỡng.
    Viethome (theo VnExpress)
  • Thông tin trên SBS cho hay, người phụ nữ này tên Lê Thủy, 45 tuổi, được phát hiện nằm bất tỉnh với một sợi dây siết trên cổ ngay tại garage nhà bạn trai của cô ở khu vực Stafford Height, tiểu bang Queensland, Úc.
     
    Nạn nhân sau đó đã được đi cấp cứu ở Bệnh viện Phụ nữ Hoàng gia Brisbane (Royal Brisbane and Women’s Hospital). Theo nhân viên từ phòng ICU của bệnh viện, Lê Thủy được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) vào ngày 13 tháng 10 trong tình trạng nguy kịch. Hiện bệnh nhân đang trong tình trạng hấp hối và có thể không duy trì được tính mạng cho đến hết tuần này.
    viethome benh vien
    Nhân viên này cho hay, thân nhân người bệnh cần cố gắng sắp xếp đến Úc khẩn cấp để gặp gỡ Lê Thủy lần cuối trước khi chị mất. Gia đình nạn nhân cho biết, chị Lê Thủy đến Úc vào ngày 29 tháng 8 theo diện visa du lịch thăm người thân (visa subclass 600) để thăm bạn trai người Úc tên là Joe.
     
    Được biết, chị Thủy hiện đã ly hôn với chồng cũ, khi đến Úc thì chị đang có thai khoảng 4-5 tháng tuổi. Hiện chị đã có hai con ở Việt Nam. Ngay sau khi sự việc xảy ra, anh Nguyễn Đức Quyết, quản lý của VSM - Cộng đồng du học sinh Melbourne đã đứng ra kêu gọi mọi người đóng góp hỗ trợ cho con gái và em gái của chị Thủy trong quá trình đi lại, sinh hoạt và lo chuyện hậu sự cho chị Thủy trong trường hợp xấu nhất xảy ra.
     
    Ngoài ra, anh Quyết cũng cùng một số nhân viên của Công ty Rightway Education and Services giúp đỡ hỗ trợ thủ tục xin visa cho gia đình chị Thủy. Được biết, con gái và em gái chị Thủy chỉ mong sớm đến Úc để kịp gặp mặt mẹ và chị gái lần cuối. Đồng thời phía gia đình cũng mong nhận được câu trả lời rõ ràng về nguyên nhân chị Thủy gặp nạn từ phía cảnh sát Úc.
     
    Phía cảnh sát Queensland xác nhận đã đến Bệnh viện Phụ nữ Hoàng gia Brisbane vào ngày 16 tháng 10 để theo dõi vụ việc của chị Lê Thủy và đang tiến hành điều tra. Theo cảnh sát, tại thời điểm này, hoàn cảnh xung quanh vụ việc là không có gì đáng ngờ. Về tình hình sức khỏe của chị Lê Thủy vẫn không khả quan. Em bé đã được mổ cấp cứu ra khỏi bụng mẹ, đã có thể tự thở nhưng vẫn còn cần nhiều điều trị và kiểm tra của các bác sĩ.
    Viethome (Theo SBS)