• Cả một đời chỉ làm đúng một công việc duy nhất, có mấy ai đủ lòng kiên trì đó? Nếu làm được vậy phải có bao nhiêu ràng buộc cơ chứ...

    Nhưng người phụ nữ tên Mary này ngày ngày trang điểm rực rỡ, đánh phấn trắng bệch, vẽ mắt đậm, tô son đỏ, rồi mặc vào bộ váy ren dài, ngày lại ngày qua vẫn kiên trì công việc của mình – làm một kỹ nữ (geisha).

    Đạo diễn Takahiro Nakamura vào năm 2006 đã làm một bộ phim mang tên Yokohama Mary, chính là bộ phim kể về cuộc đời người phụ nữ ấy.


    Bộ phim Yokohama kể về cuộc đời của Mary

    Năm 1946, Mary từ thân phận phụ nữ giải khuây biến thành một cô gái pan pan tức là gái đứng đường, những cô gái chuyên làm nghề bán da thịt cho quân đội Mỹ thường trú ở Nhật thời điểm này.

    Lúc còn trẻ, Mary có gương mặt vô cùng xinh đẹp, bà biết đàn dương cầm, viết chữ thư pháp cực đẹp còn biết nói tiếng Anh, không ai biết tên thật của bà cũng không ai biết bà tới từ đâu, chỉ biết bà từng là hoa khôi một thời của khu phố làng chơi đó.


    Người phụ nữ vẫn làm công việc của mình bất chấp thời gian.

    Chẳng bao lâu sau, bà rơi vào tình yêu cuồng si với một sĩ quan người Mỹ, bà đi theo ông ta tới thành phố Yokosuka. Năm 1954, bà 33 tuổi, lúc ấy nhan sắc bà vẫn còn rất đẹp, ăn mặc lại theo phong cách Âu Mỹ đương thời, là pan pan mà không ít khách ngưỡng mộ tìm tới, khi đó mọi người đều gọi bà là Kōgō heika – Hoàng Hậu bệ hạ.

    Năm 1961, Mary 40 tuổi sống ở thành phố Yokohama, bà không giống các pan pan khác, ăn mặc khiêu gợi, hờn dỗi kiếm khách. Trong mắt mọi người, bà luôn kiêu ngạo thanh cao, có tài hoa, ăn diện đẹp đẽ như một vị Hoàng Hậu cao quý, lòng tự trọng cao ngất, nhưng gặp ai cũng lễ phép chào hỏi.

    Lúc này, sĩ quan người Mỹ mà bà yêu phải rời khỏi Nhật để về Mỹ. Ngày ấy Mary đi tiễn, có người nói lúc ấy Mary và sĩ quan nọ ôm hôn nhau thắm thiết, Mary còn đuổi theo con tàu đưa người yêu mình đi một đoạn, rồi khi tàu đi xa, Mary đứng lại, cất tiếng hát, thu hút không ít người dừng lại đứng nghe, cảnh tượng ấy vô cùng bi thương.

    Từ ngày đó về sau, Mary vẫn ở lại trên những con phố ở Yokohama, bởi vì người sĩ quan Mỹ đó nói, ông sẽ quay trở về tìm bà.

    Lúc ấy Negishiya là quán bar nổi tiếng nhất ở Yokohama, ở nơi đó tập trung đủ thứ người, Mary đã đứng kiếm khách ở đây, mãi cho tới năm 1980, Negishiya bị lửa đốt trụi, rồi quân đội chiếm lĩnh rút toàn bộ về nước, năm ấy Mary 59 tuổi, bà đã không còn kéo khách được nữa, cũng đã chẳng còn nhà, nhưng bà vẫn không muốn rời đi, vì thế bà bắt đầu lang thang trên những con đường ở Yokohama.

    Ngày ngày bà vẫn tỉ mẩn khoác lên mình lớp trang điểm dày, bộ váy ren trắng xinh đẹp và đôi giày cao gót, đi khắp những con đường ở Yokohama. Bà nói: “Nếu như nói tôi là kỹ nữ, vậy tôi sẽ vĩnh viễn là kỹ nữ. Tôi vẫn sẽ tiếp tục làm kỹ nữ cho tới hết đời.”

    Thế nhưng theo thời gian trôi qua, năm tháng và con người đã không còn như xưa, người ta nhìn thấy Mary tuổi già sắc suy như u hồn ngày ngày lang thang trên đầu đường. Họ sợ hãi, chán ghét, coi bà là nỗi nhục nhã, không ai chịu chạm vào những gì bà từng dùng, bà bị cảnh sát bắt lại. Những kẻ từng mua vui trên thân xác bà, nhìn bà bằng ánh mắt khinh thường.

    Lúc nào bà cũng mang theo toàn bộ gia sản của mình. Rất nhiều nơi ở Yokohama đều cấm bà vào cửa, như những tiệm cắt tóc trên phố. Bà con chưa bước vào, đã có khách bên trong trách cứ vì sự xuất hiện của bà, thậm chí nói thẳng: “Nếu bà ta còn tới đây, bọn tôi không tới nữa”. Chủ tiệm cắt tóc chỉ đành đuổi Mary đi, Mary chỉ cúi đầu hỏi lại: “Thật sự không thể đến nữa sao?”.

    Khi nhận được câu trả lời, bà không tức giận, không phản bác, chỉ tiếc nuối nói: “Vậy à, tôi biết rồi”, rồi lặng lẽ bỏ đi.

    Nhưng khi bạn tuyệt vọng với thế giới này, luôn sẽ có một bàn tay vươn ra an ủi bạn.

    Có một ông chủ toà nhà, ông ấy cho Mary chỗ ngủ, cho dù chỉ đơn giản là kê một băng ghế trong góc khuất hành lang, nhưng khi ai cũng xua đuổi bà, thì chỉ có ông chủ đồng ý cho bà ở lại. Mỗi năm vào dịp năm mới Mary lại tặng cho ông chủ một món quà nhỏ, tuy chỉ là những cái khăn tay rất nhỏ.


    Có một ông chủ tốt bụng đã cho bà chỗ ngủ và một công việc đơn giản

    Còn có một bà chủ tiệm cà phê, cho dù khách trong tiệm tỏ ra không hài lòng về bà, không muốn dùng ly bà từng dùng qua, bà chủ bèn mua một cái ly riêng cho Mary, mỗi lần Mary tới đều kiêu ngạo mà nói lấy cho tôi một ly cà phê.

    Cứ thế đến năm 1991, Mary 70 tuổi gặp được Ganjirō, ông gần như là linh hồn của bộ phim phóng sự làm về bà, chính vì thế ông có tình cảm rất sâu đậm với bà.


    Bà được cho chiếc ghế ngủ trong góc khuất của hành lang.

    Ông thường xuyên đến thăm bà và hát cho bà nghe.

    Năm 1995, Mary quyết định trở về cố hương của mình. Mary biến mất trên những con đường ở Yokohama, mọi người bắt đầu bàn tán về bà. Bà trở thành một truyền thuyết ở Yokohama.

    Năm 2001, Mary về quê đã được 6 năm, Ganjirō lúc này đang mắc bệnh ung thư đã tới thăm bà, hát cho bà nghe bài hát lần đầu tiên Mary nhìn thấy ông, ông đã hát, đó là bài My Way.

    Lúc này Mary đã trút đi lớp trang điểm trắng bệch đặc trưng của bà, giờ đây bà chỉ là một cụ già bình thường, im lặng lắng nghe.


    Bà được cho chiếc ghế ngủ trong góc khuất của hành lang.

    Năm 2004, bệnh tình của Ganjirō chuyển biến xấu, ông qua đời cùng năm, một năm sau năm 2005, Mary cũng qua đời ở tuổi 83.

    Xin được kết thúc bài viết bằng giai điệu của ca khúc My Way, như để tưởng niệm về cuộc đời của một người phụ nữ truyền kì:

    I've loved, I've laughed and cried
    I've had my fill, my share of losing
    And now, as tears subside
    I find it all, all so amusing

    To think I did all that
    And may I say, not in a shy way
    Oh no, no, not me
    I did it my way

    For what is man, what has he got?
    If not himself, then he has naught
    To say the things he truly feels
    And not the words of one who kneels
    The record shows I took the blows
    And did it my way

    Viethome (theo lostbird)

  • Nếu không có dịp được tiếp xúc ngoài đời thực với con người Nhật Bản thì chắc có lẽ chả bao giờ tôi biết được truyền thông lại PR, “giả tạo” đến mức này. Nào là người Nhật Bản hiếu khách, người Nhật Bản thân thiện, thích giúp đỡ người khác,… có đúng sự thật hay không?

    Là một du học sinh, tôi đã lựa chọn Nhật Bản là nơi khởi đầu cho tương lai của mình không chỉ vì Nhật Bản có chương trình đào tạo tiên tiến bậc nhất thế giới, không phải Nhật Bản có nhiều việc làm thêm cho du học sinh, cũng không phải vì danh lam thắng cảnh nơi đây.

    Mà lý do tôi chọn Nhật Bản là vì tôi thật sự hâm mộ con người Nhật Bản, tôi mơ ước được đến đây để có thể trau dồi, học tập, rèn luyện, trở thành một con người tự giác, có kỷ luật, có học vấn, …. Và tôi nghĩ tôi đã gần đến đích rồi !

    Tôi cũng đã nghĩ sang nơi đất khách quê người sinh sống và học tập 5 năm thì nên chọn một nơi thật thà, hiếu khách, sống cởi mở,… thì sẽ dễ thở hơn nhiều. Nhưng cái tôi nhận được lại chả giống tẹo nào so với báo chí vẫn hay ca tụng.

    Trong sự cảm nhận của tôi, con người Nhật Bản thực sự là “con người công nghiệp”. Họ có đầy đủ tác phong xứng tầm với danh hiệu nền kinh tế thứ 3 thế giới: thông minh, nhanh nhẹn, có kỷ luật, tự giác cao và … lạnh lùng, khó gần, tự vệ cao, không có lòng nhân đạo.

    Người Nhật Bản lạnh lùng lắm!

    Người Nhật Bản không thích giao lưu, kết bạn, lạnh lùng và chả hòa đồng tý nào.

    Những người Nhật xung quanh phòng trọ của mình có đặc tính là ra vào là đóng cửa, chả bao giờ có ý muốn trò chuyện. Không chỉ thế mà họ còn lạnh lùng với chính những người thân trong gia đình, họ sống quan cách, ít thể hiện tình cảm. 

    Trẻ con tự lập từ bé, lớn lên rời xa cha mẹ đi học đi làm, xây dựng gia đình và không chung sống cùng cha mẹ. Mình đã được chứng kiến một vài lần gần nơi mình ở, nhiều ông bố bà mẹ sống một thân một mình, con cái ít khi thăm hỏi đến và…. chết lặng thầm trong căn phòng “ra vào là khóa cửa”, chả ai biết, chả hàng xóm ngó động, hỏi han. Khi bốc mùi thì mới báo cảnh sát và đã quá muộn.

    Người Nhật Bản thù giai!

    Mình cũng không biết được con người Nhật Bản có cái nhìn như thế nào về người Việt Nam. Mình cũng nghe nói là người Việt Nam có tiếng là hay ăn cắp vặt nhưng đó là số ít mà thôi, Người Nhật cũng không cần tỏ thái độ như thế chứ.

    Chả là mình hay ra cửa hàng tiện lợi để mua đồ ăn sáng trước khi đến trường và mỗi khi vào mua là ông chủ lại nhìn từng cử chỉ của mình với ánh mắt dò xét khiến mình rất khó chịu.

    Người Nhật không có lòng nhân đạo!

    Như các bạn đã biết, giờ giấc rất được coi trọng ở Nhật do đó mà người Nhật không bao giờ muốn đến trễ trong các cuộc hẹn, đi làm, đi học,…

    Chính vì thế mà mình được chứng kiến cảnh người đàn ông hối hả đi làm, nhìn thấy người phụ nữ đi chợ bị ngã người trầy xước vì đường trơn , hoa quả, rau củ rơi văng vãi mà cũng không giúp đỡ. Và không chỉ mình người đàn ông đó, nhiều người khác đi qua và cắm đầu đi tiếp.

    Người Nhật nặng vấn đề trọng nam khinh nữ!

    Nhật Bản là đất nước mà sự bất bình đẳng giới được thể hiện khá rõ nét, đây là quốc gia xếp thứ 105 trên toàn cầu về vấn đề bình quyền giữa nam giới và nữ giới. Hiện nay chúng ta có thể thấy phụ nữ Nhật Bản có xu hướng sống một cuộc sống độc thân, không kết hôn mà sẽ chọn cho mình một cuộc sống thoải mái với công việc, đam mê và sở thích của mình. Chính điều này dẫn đến tỉ lệ sinh con ở Nhật Bản ngày càng giảm, dân số bị già hóa đến mức báo động.

    Những người phụ nữ Nhật Bản khi lấy chồng gần như đồng nghĩa với việc phải gác công việc văn phòng và ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình, chồng con. Theo thống kê ở đất nước này chỉ có khoảng 7% phụ nữ nắm giữ những chức vụ cao, tại quốc gia này người ta quan niệm :” Đàn ông làm việc nước, phụ nữ đảm việc nhà”.

    Tóm lại con người Nhật Bản tốt có, xấu cũng có. Sống lâu rồi cũng thành quen nhưng mình xin nhắc nhở cho các bạn đang có ý định sang Nhật Bản là đừng mơ mộng quá nếu không sẽ thất vọng nhiều đấy. 

    Viethome (sưu tầm)

  • Đoạn clip giám đốc của một công ty Nhật Bản nhấn mặt nhân viên vào nồi lẩu đang sôi khiến cư dân mạng nước này phẫn nộ.

    Đoạn clip dài hơn 1 phút nói trên, dường như được quay bằng điện thoại, ban đầu được đăng tải trên trang web của tạp chí Shukan Shincho nhưng sau đó được những trang tin khác chia sẻ lại rầm rộ.

    Đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm người đang tham dự một buổi tiệc với bia và thức ăn trên bàn. Ở giữa bàn là một nồi lẩu đang sôi và giám đốc công ty đã nhấn mặt của một nam nhân viên vào nồi lẩu trong vòng 1 giây giữa tiếng cười sảng khoái của những người còn lại.

    Thấy mọi người có vẻ thích thú với “trò đùa” này, ông chủ kia tiếp tục nhấn đầu chàng trai xuống nồi lẩu thêm một lần nữa và lần này kéo dài tới 2 giây. Chàng trai quằn quại trong đau đớn, vùng vẫy khiến nồi lẩu rơi xuống đất. Thế nhưng, mọi người vẫn chỉ cười đùa và không một ai quan tâm tới những vết thương mà anh phải chịu đựng.

    Hình ảnh sau đó của nam nhân viên 23 tuổi cho thấy, gương mặt của anh bị bỏng, biến dạng từ phần mũi trở lên. Nạn nhân cho biết, bác sĩ chẩn đoán anh bị suy giảm thị lực, có khả năng bị mù, cũng như không thể phục hồi diện mạo ban đầu. Nạn nhân khẳng định rằng phải mất một tháng vết thương mới lành và rằng mỗi lần nhìn thấy nồi lẩu, anh đều nhớ lại vụ tấn công.

    Đoạn video trên trang web của tạp chí Shukan Shincho chú thích rằng vụ việc xảy ra tại tiệc tất niên năm 2015 của một công ty giải trí ở Tokyo. Tờ Mainichi xác định công ty này tên là MELM. 

    Luật sư đại diện nạn nhân khẳng định thân chủ của ông đã đệ đơn kiện hình sự nhằm vào giám đốc công ty để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Danh tính nạn nhân không được tiết lộ và hiện vẫn chưa rõ vì sao người này chờ đến 3 năm mới trình đơn kiện. Nạn nhân nói thêm rằng anh muốn giám đốc phải nhận lỗi và bồi thường.

    Ngay khi đoạn video được đăng tải, nhiều người dùng mạng tỏ ra bức xúc với vụ việc mà họ mô tả là "khủng khiếp". Nhiều người mô tả kẻ tấn công là "gã sếp tồi tệ nhất" mà họ từng thấy, đồng thời yêu cầu pháp luật trừng trị hắn ta cũng như những người không ra sức can thiệp.

    Vị giám đốc lại không quan tâm đến phản ứng của dư luận. Anh ta tuyên bố, việc dúi mặt nhân viên vào nồi lẩu là một trò đùa, và không nhắc đến chuyện bồi thường. Được biết, dù còn trẻ mới 25 tuổi, người này đã sớm gặt hái được nhiều thành công trong làng giải trí xứ sở hoa anh đào. Công ty của anh ta đào tạo ra nhiều diễn viên, người mẫu nổi tiếng như Masuwaka Tsubasa, Komori Jun, Aiku Maikawa...

    Cũng có ý kiến cho rằng tình trạng cấp dưới bị bắt nạt đã ăn sâu vào văn hóa công sở Nhật Bản. "Bạn không được phép nói "không" với sếp và cấp trên. Những quy tắc chính thức, trên giấy tờ thường xuyên bị che phủ bởi những luật bất thành văn" – một người dùng mạng chia sẻ.

    Theo cuộc khảo sát được Liên minh Công đoàn Nhật Bản tiến hành vào năm 2017, 30% trong tổng số 1.000 nạn nhân bị "bắt nạt, quấy rối" tại nơi làm việc chia sẻ rằng họ phải điều trị tâm lý và 20% nói rằng họ phải nghỉ việc.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Câu chuyện của Karina và chú chó trung thành Naida từng khiến tất cả mọi người trên khắp thế giới ngưỡng mộ.

    Cũng như bao đứa trẻ khác, cô bé Karina Chikitova, 4 tuổi, sống tại làng Olom, Cộng hòa Sakha thuộc Liên bang Nga rất thích tìm hiểu và khám phá thế giới. Vào một ngày đẹp trời tháng 7/2014, Karina cùng chú chó cưng Naida đã âm thầm đi theo bố là Rodion vào khu rừng hoang dã taiga, trong khi người bố không hề hay biết. Lúc ấy ở nhà, bà và mẹ của Karina lại đinh ninh rằng Rodion đã đưa chủ động con gái cùng đi vào rừng.

    4 ngày sau khi Rodion trở về thì gia đình anh mới tá hỏa phát hiện Karina và chú chó Naida đã cùng nhau biến mất. Lo lắng chuyện chẳng lành xảy ra, họ lập tức gọi báo cảnh sát trình bày vụ việc. Cơ quan chức năng sau đó huy động lực lượng 100 người để lên đường vào rừng tìm kiếm Karina. Ngoài ra, trực thăng cứu hộ cũng làm việc ngày đêm, nỗ lực truy tìm dấu vết của cô bé 4 tuổi. Khu rừng mà Karina đi lạc được đánh giá là khu vực cực kỳ nguy hiểm với nhiều loài thú hoang dã sinh sống như hổ, gấu, sói… nên không chỉ gia đình cô bé mà lực lượng cứu hộ cũng vô cùng sốt ruột trong quá trình tìm kiếm. Vậy nhưng suốt nhiều ngày, họ vẫn chưa thể thu được kết quả khả quan nào.

    9 ngày sau khi Karina mất tích, chú chó Naida một mình trở về. Trong chớp mắt, tất cả mọi hi vọng nhỏ nhoi nhất của gia đình Karina đều bị dập tắt. Thế nhưng, ngược lại với các giả thiết trong đầu mọi người, Naida ra hiệu cho gia đình và lực lượng cứu hộ đi theo mình. Theo chân chú chó, mọi người được dẫn đến một nơi trong rừng nhưng vẫn không thấy bóng dáng của Karina đâu. Dù chưa thể lập tức tìm thấy đứa trẻ nhưng rất nhiều khả năng bé vẫn còn sống. 

    Tiếp tục tìm kiếm thì 3 ngày tiếp theo, nhân viên cứu hộ phát hiện dấu chân trần của Karina và Naida bên bờ sông, một chi tiết được đánh giá là vô cùng quan trọng và hữu ích cho quá trình điều tra. Giả thiết được đặt ra ở đây là Karina đã đi ra khỏi khu vực rừng sâu, từ đó mở ra một hướng tìm kiếm hoàn toàn mới. 

    Cuối cùng, nhân viên cứu hộ cũng tìm thấy Karina đang nằm rút mình giữa một bụi cỏ cao trong tình trạng kiệt sức, đói lả đi và khát nước nhưng trên hết là bé vẫn còn sống.

    Sau khi hồi sức nhờ tách trà nóng, Karina được đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Tại đây, các bác sĩ vô cùng bất ngờ khi trên người của bé không hề có vết thương nào nghiêm trọng ngoài những vết trầy xước ngoài da. Tâm lý của bé cũng ở trong trạng thái vô cùng tốt.

    Khi được hỏi làm thế nào có thể sống sót trong suốt 12 ngày bị lạc trong rừng, Karina cho biết bé ăn dâu dại và uống nước sống qua ngày. Trên tất cả, người bạn đồng hành, chú chó Naida đã luôn ở bên cạnh bảo vệ Karina bất kể ngày đêm. Mỗi đêm, em nằm ngủ giữa các khóm cỏ cao, điều này khiến cho trực thăng cứu hộ gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm và xác định vị trí chính xác của bé. Theo dự báo thời tiết, nhiệt độ trung bình của khu rừng thường hạ xuống mức 6 độ C mỗi đêm, nhưng nhân viên cứu hộ tin rằng Karina đã có thể sống sót nhờ hơi ấm từ chú chó trung thành.

    Sau khi được xuất viện, Karina đoàn tụ với Naida tại nhà. Trong lần đầu gặp lại, cô bé dùng ánh mắt ngơ ngác hỏi người bạn của mình: "Tại sao bạn lại bỏ mình?". Theo bác sĩ, 3 ngày cô độc đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của bé nhưng dần dần, em cũng lấy lại được tinh thần và hiểu hơn về những gì mà chú chó cưng đã làm để cứu sống mình. "Chính Naida đã cứu cháu. Cháu đã rất sợ hãi. Nhưng khi ôm nhau ngủ, chúng cháu cảm thấy rất ấm áp" - Karina chia sẻ.

    Câu chuyện sống sót thần kỳ của Karina và Naida nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người trên khắp thế giới. Cơ quan địa phương đã quyết định dựng tượng bé gái 4 tuổi và chú chó để cổ vũ lòng dũng cảm cũng như ý chí sinh tồn của cả hai.

    Hiện tại, Karina đã hoàn toàn hồi phục tâm lý và thể chất. Cô bé đang theo học trường múa ba lê và nhận được nhiều lời khen ngợi từ giáo viên, dự đoán sẽ trở thành ngôi sao ba lê tương lai của thể thao nước Nga.

    Viethome (theo Afamily)