• Một thị trấn ở Đức mới tuyên bố cấm trẻ em công khai gửi thư đòi quà ông già Noel - hoạt động truyền thống lâu đời ở quốc gia này.

    Theo tờ Daily Mail, trẻ em ở Roth, Bavaria, đã bày tỏ sự buồn bã sau khi các quan chức thông báo về lệnh cấm gửi thư cho Ông già Noel đòi quà Giáng Sinh năm nay.

    Theo truyền thống, những trẻ em sẽ viết một bức thư trong đó đề chi tiết  tên, tuổi, địa chỉ để Ông già Noel gửi quà đến vào đêm Giáng Sinh. Nhưng năm nay, các nhà lập pháp Bavaria muốn thay đổi điều này vì lo ngại sẽ lộ thông tin cá nhân, và đổ lỗi do luật riêng tư mới của EU.


    Theo quy định bảo vệ dữ liệu chung châu Âu (GDPR), chính quyền địa phương phải được sự cho phép bằng văn bản từ cha mẹ của 4,000 đứa trẻ, rằng dữ liệu của chúng có thể bị chia sẻ và sử dụng bởi bên thứ ba.

    Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, chính quyền đã cấm gửi thư cho Ông già Noel để không bị lộ thông tin. Melanie Hanker, người quản lý các sự kiện công cộng ở Roth, nói: "Sẽ không có bất kỳ đôi mắt lấp lánh nào trước cây thông Noel nữa".

    Tuy nhiên, đài phát thanh địa phương Antenna Bayern cho biết, họ đã làm việc với các chuyên gia để tìm cách tuân thủ GDPR theo hình thức khác nhằm cứu vãn hoạt động truyền thống này.

    Một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cho rằng sự cứng nhắc của nhà lập pháp ở Roth là chưa chính xác. Ông nói: "Ông già Noel nên có thông tin liên lạc của một gia đình để gửi quà đúng nơi đúng chỗ, miễn là có sự đồng ý của phụ huynh với trẻ vị thành niên".

    Viethome (theo Infonet)

  • Theo tạp chí Thời Báo của cộng đồng Việt Nam tại Đức loan tin, hôm 24/11, cảnh sát Liên bang Đức đã mở một chiến dịch bố ráp, lục soát để phá vỡ hoạt động của các băng nhóm đưa người nhập cảnh bất hợp pháp, đặc biệt là đường dây tổ chức kết hôn giả.

    Cảnh sát đặc nhiệm phá cửa khám nhà lúc 5 giờ sáng tại các địa chỉ đưa người vượt biên trái phép và kết hôn giả tại Đức (Ảnh: thoibao.de)

    Chiến dịch này quy tụ lực lượng cảnh sát và nhân viên an ninh lên đến 570 người tham gia các cuộc khám xét khoảng 50 địa điểm ở Berlin, thủ đô nước Đức.

    Phúc trình của cảnh sát cho biết họ bắt 3 người đàn ông và một phụ nữ nghi can cầm đầu đường dây buôn người, tịch thu 170,000 Euro và hai chiếc xe hơi loại đắt tiền.

    Cảnh sát Berlin thu được nhiều giấy tờ nhận con được làm giả, để đưa người từ Việt Nam sang Đức lao động. (Ảnh: thoibao.de)

    Phúc trình cũng nói rằng, cảnh sát Đức đã khám phá hơn 200 trường hợp đưa di dân lậu người Việt Nam vào nước Đức, sau đó kết hôn giả để ở lại.

    Theo Viện công tố Berlin, những người cầm đầu đường dây buôn người mời chào các công dân Việt Nam muốn ở lại Đức bằng cách kết hôn giả với giá từ 12,000 đến 16,000 Euro.

    Người phụ nữ Việt Nam bị bắt tạm giam vì tình nghi liên quan đến một đường dây “buôn người” tại Berlin. (Ảnh: thoibao.de)

    Không chỉ mai mối hôn nhân cho người Việt Nam, các băng nhóm thường do người Việt Nam cầm đầu cũng tìm kiếm khách hàng ở Pakistan, Bangladesh và Albani, giúp kết hôn với công dân của các quốc gia thành viên Liên Âu như Ba Lan, Hy Lạp và Hungari để ở lại.

    Viethome (theo sbtn)

  • Cho đến năm 2020, Đức sẽ xem xét lại gần 800.000 quyết định cấp quy chế tị nạn.

    Đây là điều mới được thông báo vào thứ Năm tuần trước, khi Quốc hội Đức thông qua một đạo luật nhằm thắt chặt các điều kiện xin tị nạn. Hiện tại, những người di cư trước đó đã được nhận quy chế tị nạn phải "có nghĩa vụ tích cực hỗ trợ dịch vụ di dân Đức và cung cấp tất cả các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu".

    Đe dọa bị trục xuất

    Có thể nói, sự thay đổi này trong luật pháp Đức, nếu không coi là một cuộc cách mạng, thì chắc chắn đã là một sự tiến bộ. Đảng cánh tả và Đảng “Soyuz-90 / Greens” của Hội đồng Liên bang Đức đã phản đối gay gắt sự thay đổi này. Bốn đảng phái còn lại đều nhất trí ủng hộ dự luật mới này. 

    Điều mới mẻ của dự luật này có thể mang lại nhiều phiền phức cho những người di cư. Theo luật cũ, người di cư chỉ cần nhận được quy chế tị nạn, còn sau đó thì bộ máy quan liêu của Đức sẽ bắt đầu có hiệu lực, và sau khoảng thời gian giám sát ba năm, gần như người tị nạn sẽ được tự động gia hạn quy chế đó.

    Người ta chỉ để ý đến những đặc điểm chung như: Liệu trong nước của người tị nạn rời đi có nội chiến hay không? Liệu anh ta có phải đối mặt với việc bị tra tấn, bị kết án tử hình hay không?... Còn bây giờ thì cơ quan di trú sẽ chú ý kỹ hơn đến người tị nạn. Trước hết, đó là tính chính xác của các tài liệu chứng minh danh tính của anh ta.

    Một cuộc biểu tình phản đối người di cư tại Đức.

    Thực tế là trong dòng người di cư vào mùa Thu - Đông 2015-2016, cơ quan di trú đã không nghiên cứu kỹ danh tính của những người tị nạn đến Đức, và nhiều người trong số họ không có bất kỳ giấy tờ gì.

    Những người mới đến được làm thủ tục theo một quy trình đơn giản – theo lời của những lời của người di cư. Họ chỉ cần khai họ tên và đến từ quốc gia nào, và các dữ liệu ban đầu khác, tính xác thực trong đó thường đáng nghi ngờ, đặc biệt là phần khai về quốc gia xuất xứ.

    Phương tiện truyền thông địa phương lúc đó đã viết rằng nhiều người Pakistan và châu Phi tự nhận là người Syria. Đối với những người tị nạn đến từ đất nước đang có chiến tranh Syria, chính quyền Đức có sự bố trí đặc biệt.

    Vì vậy, một số người di cư từ các nước khác đã cố gắng lợi dụng điều này, nhưng không phải ai cũng thành công. Trong năm đầu tiên thực hiện tái kiểm tra, Đức đã trục xuất khoảng 10.000 người tị nạn không thể xác định nhân thân.

    Sau khi tiến hành làm thủ tục tiếp nhận đơn giản này, những người di cư được lấy dấu vân tay, và chỉ điều này mới được coi là đáng tin cậy. Bây giờ, cần phải kiểm tra kỹ tất cả các dữ liệu gốc.

    Nếu như ai trong số những người tị nạn trốn tránh hợp tác với dịch vụ di trú, anh ta sẽ phải đối mặt với một khoản phạt lớn, bị bỏ tù và nặng hơn nữa là bị trục xuất ra khỏi nước Đức.

    Thái độ đối với người tị nạn đã thay đổi

    Thái độ của người Đức đối với dân tị nạn đã thay đổi khá nhanh chóng. Người ta thường hay nhắc đến sự kiện xảy ra vào dịp năm mới ở Cologne, khi dòng người di cư đang tăng lên chóng mặt. Khi đó, nước Đức đã thực sự bị sốc bởi những người mà họ cho phép tị nạn, được họ bảo vệ và cưu mang thì lại quay ra cướp bóc, làm nhục và cưỡng hiếp phụ nữ Đức.

    Các nhà chức trách đã cố gắng bảo vệ những người tị nạn trong chừng mực có thể. Tuy nhiên, các nhà tù của Đức đã dần được bổ sung những người mới đến. Hiện nay ở một số khu, người tị nạn chiếm tới 1/3 số tù nhân. Và thường xuyên xảy ra những sự cố gây ra các cuộc biểu tình của đông đảo người dân địa phương.

    Chuyện đã xảy ra tại thành phố Chemnitz thuộc bang Saxony, nơi một người dân di cư đã giết hại một người Đức. Người dân địa phương đã tiến hành biểu tình giương cao khẩu hiệu "chống lại tội ác của người nước ngoài".

    Sự phẫn nộ đã lên tới cao trào. Trong quá trình đụng độ, hai người tham gia biểu tình và một cảnh sát đã bị thương. Để trấn an người dân, chính quyền buộc phải đưa thêm các đơn vị cảnh sát từ Leipzig và Dresden đến Chemnitz.

    Vụ việc ở Saxony cũng được giải thích bởi một thực tế nữa, rằng đây là một trong những vùng đất nghèo nhất của Cộng hòa Liên bang Đức. Người dân ở đây đã phải chịu thiệt thòi về thu nhập so với các nông dân Tây Đức của họ khoảng 25-30 %.

    Họ cảm nhận ở mức độ sâu sắc hơn về chi phí của chính quyền dành cho việc duy trì người tị nạn. Đối với người dân ở vùng đất phía đông thì thực tế này là một yếu tố kích động được bổ sung.

    Tuy nhiên, chuyện không phải chỉ xảy ra ở Đông Đức. Người Đức từ lâu đã xem xét mọi thứ. Hãy xem những gì đã xảy ra. Theo Cục Thống kê Liên bang, năm 2018, mức lương trung bình ở Đức sau khi thanh toán tất cả các loại thuế là 2.302 euro. Tất nhiên là chưa tính đến tất cả các khoản phụ cấp và tiền thưởng, vốn rất phổ biến ở Đức. 

    Mặt khác, tổng tiền lương (trước thuế) của công nhân có tay nghề thấp không đạt tới hai nghìn euro. Thống kê trên cho thấy rằng những người làm lao công, đầu bếp và bồi bàn, nhận được khoảng 1600 và 1800 euro mỗi tháng. Ngoài ra, những người thu gom rác, thợ bốc xếp, tài xế, gác cổng cũng có thu nhập thấp.

    Tất nhiên, những người tỵ nạn được nhận ít hơn - khoảng 400 euro mỗi người. Tuy nhiên, nếu họ có gia đình và con cái (mỗi đứa trẻ, tùy vào độ tuổi, được nhận từ 240 đến 316 euro).

    Số tiền này có thể so sánh với thu nhập của những công nhân Đức làm những việc đơn giản. Hơn nữa, nhà nước Đức còn trả tiền nhà ở và các tiện ích công cộng cho những người tị nạn. Do đó, tổng thu nhập của họ cũng khá cạnh tranh.

    Trước đây, những chi phí này không làm cho người Đức tức tối. Với chi phí dành cho người di cư, họ dự kiến ​​sẽ có thể diễn ra quá trình điều chỉnh nhân khẩu học. Những người tị nạn phải lao động để hỗ trợ nền kinh tế Đức, bổ sung các quỹ xã hội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình đã bắt đầu thay đổi đáng kể.

    Mặc dù thực tế trong số những người tị nạn đến Đức có 70% là những người trong độ tuổi lao động, nhưng họ không chịu làm việc. Theo người đứng đầu Cơ quan Lao động Liên bang, Detlef Shele, trong 3 năm vừa qua chỉ có 10% người tị nạn đăng ký tìm việc làm. Ông dự đoán rằng trong vòng 10 năm tới sẽ có 40% người tị nạn tìm được việc làm.

    Phần còn lại đều "sống bằng tiền trợ cấp". Về hình thức, họ đang tìm việc làm. Các cơ quan này đã đăng ký 482 nghìn người, bao gồm cả những người nhập cư đã tham gia các khóa học để hội nhập và học tiếng.  

    Còn 187 nghìn người khác đăng ký thất nghiệp. So sánh những con số này với số lượng người tị nạn cần xác nhận tình trạng nhân thân sẽ thấy rõ lý do tại sao các nhà lập pháp Đức lại muốn thắt chặt các yêu cầu đối với họ. 

    Quyết định này đã chín muồi trong hệ thống chính trị Đức. Hồi mùa xuân năm nay, Detlef Scheele đã trả lời phỏng vấn chi tiết cho tuần báo Welt am Sonntag, trong đó, ông có nói rằng:

    “Các chính trị gia nên lưu ý làm sao để các chuyên gia nước ngoài thực sự đủ điều kiện làm việc đến đất nước chúng ta, chứ không phải là những lao động chưa qua đào tạo. Các yêu cầu phải đặt ra phù hợp và nghiêm ngặt”.

    Ông Shele thực sự lo lắng khi thấy các trung tâm môi giới việc làm hiện đang phải đối mặt với thực tế là hầu hết người tị nạn (đang tìm việc làm) không những không có bằng chuyên môn, mà thậm chí ngay cả bằng tốt nghiệp phổ thông cũng không có nốt. 

    Cơ quan này đã phải đối mặt với nhiệm vụ “cải thiện triển vọng nghề nghiệp lâu dài của nhiều đối tượng hưởng trợ cấp, đặc biệt là những người không có nghề nghiệp chuyên môn”.

    Một bức tranh ảm đạm tựa như là một phản ứng đối với chính sách của Thủ tướng Angela Merkel, người đã có cử chỉ rộng rãi, mời một đội quân di cư hùng hậu đến Đức.

    Bà Merkel giải thích với các nghị sỹ rằng đất nước Đức sẽ được bổ sung sức lao động mới. Nhưng trên thực tế, hàng chục nghìn những người trẻ tuổi đến đây chỉ với mục đích ăn nhờ ở đậu.

    Bây giờ người ta dự định phân loại xem ai là người có thể có ích, ai không. Với việc áp dụng luật mới Đức sẽ bắt đầu một chiến dịch chính trị để xác định những người di cư không mong muốn.

    Điều đó không loại trừ rằng sẽ có những người thực sự cần bảo vệ, chăm sóc và giúp đỡ cũng sẽ rơi vào phạm vi ảnh hưởng của điều luật mới này.

    Viethome (theo Báo Đất Việt)

  • Bài viết dưới đây là góc nhìn của chị Lê An Thanh, 38 tuổi, đang sống tại Berlin, Đức về xung đột hai thế hệ trong những gia đình Việt định cư lâu ở phương Tây nhưng vẫn áp dụng cách giáo dục con kiểu cũ ở quê nhà.

    Tôi quen một phụ nữ Việt sang Đức từ năm 1987, sau đó kết hôn với một người đàn ông Đức rồi có con chung. Khi cuộc sống đã dần ổn định, chị đón cô con gái riêng ở Việt Nam sang sống cùng. Nhiều năm sau, vì quan điểm bất đồng về tiền bạc với người chồng Tây, chị và chồng ra tòa ly dị.

    viethome nuoi day con kieu tayNhiều bố mẹ Việt chưa theo kịp được với luật pháp ở các nước định cư tiên tiến. 

    Lúc đó, khi được hỏi muốn ở với cha hay mẹ, cậu con chung 14 tuổi của hai người đã trả lời là thích sống với bố. Lý do của em là mỗi lần về Việt Nam, mẹ luôn bắt mình về theo trong khi em chẳng thích chút nào. Trong trí nhớ của cậu bé, quê ngoại nóng nực, nhiều muỗi, còn họ hàng thì hay rờ rẫm vuốt ve và lâu lâu lại cười ầm lên rồi nói vài câu mà em không hiểu hết được.

    Kết thúc phiên tòa ly hôn, người mẹ ấy khóc lóc và than thở rằng mình đã lo cho con không thiếu thứ gì, đưa con về Việt Nam chơi hằng năm chẳng qua là muốn cháu hiểu thêm về quê mẹ, vậy mà con lại khó chịu về điều đó. Đứa bé ấy giờ đã trưởng thành và cũng rất ít liên lạc với mẹ vì nhiều quan điểm bất đồng. Còn người mẹ từ đó trở đi chỉ về quê nhà cùng cô con gái riêng. 

    Một gia đình người Việt khác có ba con, bé đầu là gái 12 tuổi và hai bé song sinh sau 4 tuổi. Cô con gái đầu đi học thường hay mất lặt vặt, lúc thì găng tay, áo khoác, khi là cây viết, khăn... khiến người mẹ rất bực tức vì phải liên tục tốn tiền mua mới. Vì thế, thỉnh thoảng chị có đánh con.

    Lúc bé gái tập thể thao ở trường, bạn bè thấy em có nhiều vết thâm tím ở chân tay nên đã mách với cô giáo. Cô giáo nghe xong liền báo ngay cho Sở thiếu niên. Vậy là vài hôm sau, người của Sở thiếu niên cùng cảnh sát tới tận nhà để đưa cả ba đứa trẻ vào nơi dành cho trẻ em có vấn đề với cha mẹ (Kinderheim), còn bà mẹ thì bị đưa ra tòa vì tội bạo hành con cái.

    Kể với cảnh sát, cô bé nọ cho biết mẹ thường xuyên đánh mắng, hay bắt trông em và lúc nào cũng so sánh việc học hành với con hàng xóm. Có lẽ vì thiếu hiểu biết về luật pháp cũng như còn bực tức với con, nên lúc tới Sở thiếu niên, người mẹ chỉ muốn đòi lại hai bé song sinh, không muốn nhận về cô con gái cả. Tuy nhiên, việc này không được chấp nhận. Bà mẹ còn bị cho là tâm lý không ổn định, nên về sau cả ba con chị đều được giao hẳn cho người cha chăm sóc.

    Qua hai câu chuyện trên, có thể nói, nếu cứ áp dụng cách giáo dục kiểu Việt truyền thống tại nước Đức nói riêng hay ở phương Tây nói chung, cha mẹ không những làm tổn thương con mình mà đôi khi còn mất cả quyền nuôi con. Tại Đức, quyền lợi của trẻ em luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu cha mẹ có những hành vi bạo hành về thể xác lẫn tinh thần thì còn bị phạt tù.

    Đa số những gia đình Việt Nam sinh và nuôi con tại Đức đều luôn muốn con họ kết hợp hai luồng văn hóa Á - Âu. Có nghĩa là vừa tiếp thu những văn minh ở phương Tây nhưng lại sống theo kiểu Việt truyền thống, tức là phải nghe lời cha mẹ và làm theo những gì phụ huynh muốn. Có lẽ họ không hiểu rằng, cách dạy như vậy sẽ làm con mình như đứng giữa ngã ba đường vì chẳng biết đi hướng nào. Điều đó dẫn tới việc cha mẹ và con cái không hiểu nhau, khiến phụ huynh đôi khi không kiểm soát được nóng giận và đánh con.

    Câu chuyện đầu về đứa trẻ than phiền hay bị mẹ đưa về Việt Nam mà không cần biết con có thích hay không cũng chỉ ra một thực tế: Nhiều người Việt ở nước ngoài, khi có dịp nghỉ, thay vì dẫn con đi thăm viện bảo tàng hay cho con tham gia các hoạt động giải trí thì lại dẫn chúng về quê. Thời gian trẻ ở Việt Nam đó, mọi sinh hoạt chỉ quanh quẩn trong gia đình và họ hàng, với hoạt động chủ yếu là đi ăn uống, mua sắm và tụ tập. Nếu có được dẫn ra khu vui chơi, trẻ cũng không hào hứng hơn vì chúng khó tiếp cận và chơi vui với những trẻ địa phương do cảm thấy không hợp hoặc bất đồng ngôn ngữ. Cho nên, đối với trẻ Việt kiều, thời gian về quê cùng mẹ giống như đi lạc vào một thế giới khác.

    Với những gia đình định cư lâu và sinh con trên đất Đức, cha mẹ là thế hệ thứ nhất, con cái là thế hệ thứ hai. Thế hệ thứ nhất chỉ tiếp nhận được một nửa về cách sống và suy nghĩ theo kiểu Tây nên có thể chưa kịp hiểu thế hệ thứ hai - vốn được tiếp thu toàn bộ lối sống và sự giáo dục này. Vì thế đôi khi xảy ra những xung khắc khó tránh giữa hai thế hệ. Nếu bố mẹ không biết sàng lọc hay thay đổi cách suy nghĩ thì khác gì đang tự làm khổ bản thân và cả con cái mình. Vì thế, cách giáo dục đó thường được ví như bình mới nhưng bên trong vẫn là rượu cũ. 

    Viethome (theo VnExpress)

  • Bao lâu nay, tôi thấy những người sang Đức theo nhiều con đường khác nhau, nhất là những người sang Đức bằng con đường đi "chui" và khi sang được tới Đức thì vỡ mộng, rồi than là đã sai lầm khi sang Đức, chưa kể những người vì lý do nào đó bị trục xuất về VN, nên đã quay sang "chửi rủa" nước Đức và còn "cảnh báo" cho những người còn đang sống ở VN là nước Đức toàn "khủng bố", cày như trâu, là "địa ngục"... Chưa kể mỗi lần nghe nước Đức bị chuyện gì đó, là họ vỗ tay nhảy lên cười và kèm theo một câu muôn thuở: "Đấy, thấy chưa, tôi nói có sai đâu, ai bảo ham đi Tây".

    Để tôi giải thích cho những ai đang sống ở VN mà có ý định sang Đức để đổi đời, để bạn có thể hiểu rõ hơn về xứ "thiên đường", rồi từ đó có thể suy nghĩ kỹ trước khi bỏ ra một số tiền để sang Tây.

    viethome nguoi viet song o nuoc Duc

    Bạn có biết rằng, những người sang Đức bằng con đường chính thức, mặc dù ở VN họ có thể là kỹ sư này bác sỹ nọ hoặc có là ai đi chăng nữa, khi sang vùng đất mới, thì tất cả mọi thứ gần như bắt đầu lại từ con số không. Còn nếu ai đó muốn làm đúng ngành nghề của mình hoặc muốn học lên cao để có bằng cấp ở Đức thì hầu như không thể (trừ khi bạn sang từ nhỏ), vì tâm lý người Việt thường ngại đi học kéo dài và cũng vì tuổi không còn trẻ nữa, cho nên ngoài việc học tiếng một thời gian ngắn, thì những công việc họ làm thường ngày đều nghiêng về lao động tay chân, đó cũng là chuyện bình thường thôi.

    Với lại, nước Đức ngày nay là một đất nước có luật rõ ràng về chế độ làm việc, và không bao giờ bắt buộc ai phải làm việc nhiều giờ cả. Mà nếu có ai làm việc quá giờ, đều được trả thêm tiền hoặc nghỉ bù , nhưng đối với người không có giấy tờ, họ thường bị thiệt thòi về mọi mặt, vì sang Đức bằng con đường chui, thì những người đó thường có ba không, đó là: không giấy tờ, không biết tiếng và không người thân. Chưa kể áp lực kiếm tiền để trả món nợ mà họ trót vay ở VN để đi Tây đổi đời, thì đương nhiên đối với họ, nước Đức là "địa ngục".

    Có những người thấy thiên hạ sang bằng con đường du học cũng bắt chước theo dù không có khả năng học hay thấy nhiều người đi bằng con đường điều dưỡng cũng làm hồ sơ để đi dù biết rằng không phù hợp với ngành này. Hoặc nghe dịch vụ tư vấn là cứ đi đi, nếu sang sẽ chuyển đổi giấy tờ... v.v nhưng khi sang rồi mới biết là giấy tờ không thể chuyển đổi hay công việc không phù hợp với mình, lúc đó không những rắc rối mà có khi còn bị trục xuất về nước.

    Cho nên, trước khi làm gì cũng nên cân nhắc và suy nghĩ kỹ, để tránh bị rơi vào trường hợp tiền thì mất mà lại bị trục xuất thì rất đáng tiếc vì đã tốn bao công sức và tiền bạc sang Đức mà lại chẳng được gì. Nếu bạn cảm thấy con đường du học và theo học nghề không phù hợp hoặc quá khó với bạn, thì cách cuối cùng vẫn là... kết hôn mà thôi. Con đường này nếu suông sẻ thì không sao, nhưng nếu gặp vợ hay chồng hờ lật ngược thì sẽ bị trục xuất ngay lập tức.

    Cho nên, ai chọn sang Đức bằng con đường kết hôn, thì cũng nên cân nhắc và chú ý một vài điều như sau:

    - Nên chọn những người có quốc tịch Đức vì theo luật 28, sau 3 năm bạn sẽ có thẻ định cư dài hạn hoặc vào quốc tịch nếu bạn muốn. Còn nếu kết hôn với người chỉ có thẻ định cư dài hạn, thì thời gian thường kéo dài là 5 năm có khi lâu hơn mới được Sở ngoại kiều cấp cho thẻ định cư.

    - Không nên nhờ dịch vụ làm những việc như thế này, vì dịch vụ thường chỉ tìm được người thất nghiệp, ăn xã hội, nghiện rượu ..v.v những người như vậy thì tìm được rất nhanh vì họ cần tiền. Còn người có nghề nghiệp ổn định và lương cao thì họ không bao giờ làm, vì dính tới pháp luật rất phiền phức và có thể khiến họ bị mất việc hoặc bị phạt tiền nặng. Cho nên, nếu bạn tìm tới dịch vụ mà nghe họ khoe rằng sẽ tìm cho bạn người vợ hoặc chồng làm ở ngân hàng, lương cao... thì đừng vội tin, vì đa số người có công việc tốt, họ không bao giờ làm kết hôn giả hoặc nhận con giả, vì họ biết nếu vướng vào những chuyện như vậy, thì sẽ gặp nhiều rắc rối với pháp luật mà chẳng được gì. Chứ còn thất nghiệp, nghiện ngập hay ăn xã hội thì có gì để mất, vì nắm người có tóc chứ chẳng ai nắm kẻ trọc đầu.

    Còn việc cha mẹ muốn con sang Đức học khi còn nhỏ, thì tôi thiết nghĩ chẳng cần phải đi sâu vào tìm hiểu làm gì, vì kể từ ngày nước Đức mở cửa đón nhận quá nhiều những người tị nạn tràn sang năm 2015, và trong số những người tị nạn, có rất nhiều trẻ em đi cùng với cha mẹ, cho nên nước Đức có rất nhiều việc phải làm để cho những đứa trẻ này nhanh chóng hòa nhập vào xã hội, nên việc những bậc phụ huynh muốn đưa con sang Đức học phổ thông thì hơi khó, nhất là trong thời điểm này.

    Nói chung, những vấn đề về định cư, cho trẻ sang Đức học... thì tôi khuyên bạn nên nhờ ai đó sống ở Đức trực tiếp hỏi thẳng luật sư thì hay hơn, vì bạn sẽ nhận được nhiều thông tin chính xác hơn. Chứ đừng nghĩ rằng tìm đến dịch vụ, trả cho dịch vụ một số tiền và mặc cho họ muốn làm gì thì làm, miễn sao sang Đức là được mà không chịu tìm hiểu kỹ càng thì có khác gì phó mặc cho chiếc thuyền phụ thuộc vào cơn gió, muốn đẩy đi đâu thì đi. Nếu may mắn mà được thuận buồm xuôi gió thì không nói làm gì, mà lỡ gặp gió thổi đi sai đường, vào bờ không vào mà lại xô thuyền vào đá ngầm thì coi như tan tành mọi ước mơ sang Tây đổi đời.

    FB An Thanh Le
    Viethome