• Nước Anh có những điều luật không giống bất cứ nơi đâu trên thế giới. Tại xứ sở sương mù, bạn có thể thuê một mảnh đất hay một bất động sản với thời hạn tối đa là 990 năm.

    1. tim hieu bat dong san anh 1

    "Theo qui định của chính phủ Anh, người không có quốc tịch Anh cũng có thể thuê, mua bất động sản tại Anh, chỉ cần bạn chứng minh được nguồn tiền là hợp pháp. Nước Anh là miền đất ưa thích của rất nhiều nhà đầu tư từ trên khắp thế giới, sở hữu một bất động sản tại Anh quốc là "thú chơi" của những nhà tài phiệt, người giàu trên khắp thế giới. Từ sau dịch Covid-19, giá nhà đất tại Vương quốc Anh (bao gồm nước Anh, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) đã tăng lên rất nhiều, ở mức kỉ lục tính trong khoảng từ 15 năm trước đến nay. Hiện tại giá nhà trung bình trên toàn nước Anh là 300.000 bảng Anh", chị Nguyễn Anh Đào - người hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Anh - cho biết.

    Chị Anh Đào là người đã sinh sống tại nước Anh nhiều năm, hiện điều hành Carrick Properties Investment ltd – công ty hoạt động tại Anh trong lĩnh vực bất động sản. Chị Anh Đào có nhiều đóng góp trong việc xúc tiến thúc đẩy thương mại, hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp Việt Nam và vương quốc Anh, hỗ trợ thông tin về giáo dục cho học sinh sinh viên muốn du học Anh quốc.

    tim hieu bat dong san anh 1
    Chị Anh Đào - người hiện đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại nước Anh

    "Cái thú vị và khác biệt nhất trong qui định về nhà đất, bất động sản tại Anh là một hợp đồng thuê nhà đất, bất động sản có thể có thời hạn tối đa lên tới 990 năm. Chủ sở hữu bất động sản là tổ chức hoặc cá nhân có thể kí kết với khách thuê hợp đồng 10 năm, 20 năm, 30 năm, 100 năm hoặc 990 năm, với các điều khoản khác nhau về thời hạn, thanh toán và gia hạn hợp đồng. Với các hợp đồng kéo dài hàng trăm năm sẽ đi kèm điều khoản về thừa kế, con cháu hoặc người thừa kế hợp pháp của người thuê sẽ tiếp tục duy trì hợp đồng cho đến khi hết thời hạn. Hợp đồng thuê một khu đất, một lâu đài, một tòa nhà lớn có thời hạn 100-200 năm là điều rất bình thường ở Anh", chị Anh Đào cho biết.

    Tại nước Anh, khi bạn sở hữu một ngôi nhà thì bạn muốn làm gì với ngôi nhà của mình cũng phải tuân thủ qui định trong giấy phép đã có từ trước và xin phép để thực hiện những việc khác. Với bất động sản được cấp phép để ở, thì chỉ được ở, không được phép kinh doanh.

    Khi muốn cho thuê nhà, bạn phải xin cấp phép cho thuê nhà tại Hội đồng địa phương. Nhà được phép kinh doanh mới được mở dịch vụ kinh doanh, với những nội dung rất cụ thể là mở văn phòng hay nhà hàng, nhà hàng có được phép bán bia rượu hay không. Hội đồng địa phương sẽ tiến hành xem xét xem chủ nhà có đủ điều kiện hợp pháp để được cho thuê nhà, kinh doanh hay không, việc cho thuê, kinh doanh có làm ảnh hưởng đến cộng đồng xunh quanh hay không mới tiến hành phê duyệt cấp phép.

    tim hieu bat dong san anh 1

    tim hieu bat dong san anh 1
    Một bất động sản mà Carrick Properties Investment ltd do chị Anh Đào điều hành đang rao bán tại Chelsea (Anh)

    tim hieu bat dong san anh 1

    tim hieu bat dong san anh 1

    tim hieu bat dong san anh 1
    Ngôi nhà có giá bán 3 triệu bảng Anh, tương đương khoảng gần 90 tỉ đồng tiền Việt

    Ở đất nước được coi là quê hương của bóng đá, bất cứ ai, ở nơi đâu cũng có thể mua nhà đất, nhưng thủ tục pháp lý rất chặt chẽ. Việc đầu tiên là phải chứng minh sự hợp pháp của nguồn tiền, sau đó là nhiều thủ tục pháp lý khác theo các qui định của pháp luật Anh. Quá trình kiểm tra và chứng minh tính hợp pháp này cần được thực hiện, giám sát bởi cả kế toán và luật sư. Chính bởi vậy, những người muốn mua bán nhà ở Anh thường kí kết dịch vụ với công ty bất động sản với sự có mặt của cả kế toán và luật sư.

    Để hành nghề kế toán và luật sư ở nước Anh là không hề đơn giản. Kế toán phải là thành viên của tổ chức tài chính hợp pháp, luật sư phải là thành viên của tổ chức luật, có người giới thiệu rồi được công nhận chính thức sau một thời gian nhất định. Chị Anh Đào là người đã có các chứng chỉ để hoạt động kế toán, kiểm toán hợp pháp tại Anh.

    Mua bất động sản tại Anh sẽ phải đóng thuế trước bạ, mức thuế được xác định tùy theo tính chất và giá trị của bất động sản. Mức thuế sẽ cao hơn với người không có quốc tịch hoặc không cư trú lâu dài tại Anh. Người Anh sẽ dễ dàng để tiến hành các thủ tục vay ngân hàng để mua nhà, còn người không có quốc tịch Anh rất khó để có thể vay được. Các thủ tục pháp lý mua nhà ở Anh khá rắc rối, qua nhiều khâu thẩm định nên việc mua nhà thường kéo dài đến vài tháng.

    Người ở khắp thế giới mua nhà, đầu tư bất động sản tại Anh, nên việc môi giới bán hàng, giới thiệu nhà online, qua video call là điều vẫn hay xảy ra và chị Đào vẫn thường thực hiện công việc này.

    Theo Phunuvietnam

  • Giá nhà thuê trung bình tại EU đã tăng 19% thập kỷ qua do nguồn cung mới hạn hẹp trong khi ngày càng nhiều người bỏ ý định mua nhà.

    Tháng 9 luôn là thời điểm bận rộn với thị trường nhà cho thuê ở Paris, khi sinh viên quay trở lại thành phố sau kỳ nghỉ hè. Nhưng vào năm nay, những người tìm phòng giá rẻ đối mặt với thách thức khó khăn hơn bao giờ hết.

    Nghiên cứu được Deloitte công bố vào tháng 8 cho hay Paris là thành phố thuê nhà đắt đỏ thứ hai ở EU - sau Dublin, với chi phí thuê trung bình 28,5 euro mỗi m2. Tại đây, lượng giao dịch bất động sản giảm 23% trong quý II. Không thể mua được nhà do lãi suất cao, nhiều người cần thuê hơn khiến thị trường thêm thắt chặt.

    Housing Europe, tổ chức bảo trợ làm việc với các nhóm cung cấp nhà ở xã hội cho biết trong thập kỷ tính đến năm 2022, giá thuê nhà trung bình ở EU đã tăng 19% và bán nhà tăng 47%. Những năm gần đây, các cú sốc bên ngoài rất nhiều như Covid-19, khủng hoảng năng lượng, chi phí sinh hoạt tăng, cùng góp phần khiến tình hình trên toàn thị trường nhà ở tệ hơn.

    Tại các thành phố trên khắp châu Âu, giá thuê nhà tăng cùng với chi phí năng lượng và thực phẩm leo thang đang buộc người dân phải điều chỉnh lối sống, đặc biệt là giới trẻ. Tại 27 nước thành viên EU, hơn 25% người 15 đến 29 tuổi cho biết phải sống trong điều kiện chật chội vào 2022. Tại Ireland, 30% thanh niên từ 18 đến 24 tuổi vẫn sống với bố mẹ, tăng gần 10% trong 5 năm.

    nha thue chau au
    Một người cầm tấm biển ghi "Tôi muốn rời khỏi nhà của bố mẹ nhưng tiền thuê nhà không cho phép" tại cuộc biểu tình đòi điều kiện nhà ở tốt hơn ở Lisbon, Bồ Đào Nha ngày 30/9. Ảnh: AFP

    Ruth Owen, Phó giám đốc FEANTSA, liên đoàn gồm các tổ chức làm việc với người vô gia cư trụ sở tại Brussels, cho biết cuộc khủng hoảng nhà thuê đã kéo dài hàng chục năm. "Vấn đề mang tính cơ bản là chi phí nhà ở đã tăng nhanh hơn thu nhập trong nhiều thập kỷ ở EU và đã tăng tốc ở nhiều nơi", Owen cho biết.

    Có rất ít hy vọng để sớm cải thiện. Giữa tháng 9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất cơ bản lên mức kỷ lục 4%. Nó sẽ duy trì ở mức cao "cho đến khi cần thiết" để đẩy lùi lạm phát, theo Giám đốc ECB Christine LaGarde.

    Nguồn cung nhà mới lại suy giảm. Xây dựng nhà trên khắp eurozone đã chậm lại ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020, do chi phí xây dựng cao và các vấn đề về chuỗi cung ứng gây ra bởi đại dịch Covid-19 và xung đột Ukraine.

    Theo báo cáo năm 2023 của cơ quan nghiên cứu Viện IFO ở Munich, khoảng 1,58 triệu ngôi nhà mới dự kiến được hoàn thành vào 2025 trên 19 quốc gia châu Âu, ít hơn 14% so với năm 2022. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Đức, nơi dự kiến số lượng nhà ở xây mới sẽ giảm 32% trong giai đoạn 2023-2025.

    Ngoài ra, còn có những vấn đề dai dẳng với nhà ở hiện hữu. Angela Baldellou, Giám đốc tổ chức phi chính phủ về nhà ở Observatorio CSCAE (Tây Ban Nha), cho biết châu Âu có một lượng nguồn cung nhà đã cũ và kém hiệu quả năng lượng. "Chúng ta cần điều chỉnh về mặt hiệu quả sử dụng năng lượng, và nguồn dự trữ nhà vì dân số châu Âu đang già đi hàng năm", bà nói.

    Diana Yordanova, Giám đốc truyền thông của Housing Europe, cho biết một giải pháp khả thi đòi hỏi phải "đạt được sự cân bằng tốt giữa các mục tiêu bền vững và nhu cầu về nhà ở, khả năng chi trả và nơi ở dễ sống hơn".

    Kịch bản tồi tệ nhất là tình trạng thiếu nhà ở chất lượng tốt, giá cả phải chăng có thể sẽ đẩy giá lên cao hơn và làm giảm khả năng tiếp cận của những người ít có khả năng mua nhất. Trong lúc này, niềm tin vào thị trường đang ở mức thấp.

    Nghiên cứu từ công ty tư vấn pháp lý toàn cầu Weil, Gotshal & Manges cho biết bất động sản là lĩnh vực gặp khó khăn nhất ở châu Âu vào năm 2023, chịu mức độ bất ổn tài chính, biến động lớn và rủi ro gia tăng.

    Yordanova cho rằng để tránh khủng hoảng làm rung chuyển thị trường có thể đòi hỏi phải thay đổi cách tiếp cận ở một số quốc gia và thành phố. Ở nhiều nước, vấn đề là nhà ở được coi là tài sản và thường bị đầu cơ.

    "Nếu nhìn vào một số hệ thống nhà ở thành công nhất trên khắp châu Âu, chúng ta sẽ thấy sự đầu tư liên tục vào nhà ở xã hội, để khi thị trường rơi vào khủng hoảng, những người dễ bị tổn thương nhất sẽ không rơi vào tình trạng khó khăn", bà nêu.

    Theo số liệu từ FEANTSA, số người vô gia cư ở EU đã tăng 30% kể từ năm 2019. Gần 900.000 người phải ngủ ngoài đường hoặc ở trong những nơi ở dành cho người vô gia cư mỗi đêm.

    Tuy nhiên, vẫn có một số câu chuyện thành công ở châu Âu. Vienna (Áo), đầu tư khoảng 500 triệu euro vào xây dựng và cải tạo nhà ở cũng như hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Gần 60% dân số sống các loại hình nhà ở xã hội.

    Phần Lan đưa ra một ví dụ khác về cách chính sách dài hạn của chính phủ có thể giảm thiểu tình trạng vô gia cư. Cách tiếp cận của họ hoạt động dựa trên nguyên tắc "nhà ở là trên hết", công nhận nhà ở là một quyền cơ bản của con người mà một khi được cung cấp sẽ đóng vai trò là nền tảng để giải quyết các vấn đề khác.

    Owen tin rằng những sáng kiến tương tự có thể thực hiện được trên khắp EU. "Bước đầu tiên để giải quyết tình hình ở EU là một cam kết chính trị", bà nói.

    VnExpress (theo France24)

  • Người dân Luxembourg được xếp vào nhóm giàu nhất châu Âu, nhưng giá nhà và tiền thuê cao chót vót ở đây vẫn khiến họ chật vật.

    "Trên thị trường tư nhân, giá thuê một căn hộ hai phòng ngủ tối thiểu là 2.000 euro - quá khó với những gia đình chỉ có một nguồn thu nhập. Nhà ở giá cả phải chăng rất hiếm, đặc biệt với những người trẻ và các ông bố, bà mẹ đơn thân", Pascale Zaourou – một bà mẹ 3 con cho biết trên AFP. Cô đã phải đợi 5 năm để được tiếp cận nhà ở xã hội.

    Antoine Paccoud - nhà nghiên cứu tại Housing Observatory (tổ chức nghiên cứu dữ liệu để tham vấn chính sách cho chính phủ) cũng đồng tình với quan điểm trên. "Ngày càng nhiều người Luxembourg ra nước ngoài để định cư ở Đức, Bỉ hoặc Pháp. Vì giá thuê và mua nhà ở đó thấp hơn", ông nói. Họ chấp nhận hàng ngày di chuyển từ các nước này sang Luxembourg để làm việc.

    Một cuộc khảo sát đầu tháng này tại Luxembourg cho thấy bất động sản đang là mối lo ngại lớn nhất của quốc gia 660.000 dân này. Lương ròng trung bình của một lao động tại Luxembourg là 47.000 euro (49.000 USD) năm 2022, theo ước tính của cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (EU). Con số này hiện cao nhất khối.

    Tuy nhiên, các căn hộ mới xây ở đây được bán với giá 13.000 euro mỗi m2. Các căn cũ là 10.700 euro một m2. Giá trung bình một căn nhà ở đây vì thế vào khoảng 1,5 triệu euro.

    Giá thuê cũng tăng 6,7% giai đoạn tháng 6/2022 - 6/2023. Mức tăng này cao hơn nhiều so với lạm phát 3,4% cùng kỳ.

    luxembourg khung hoang nha o
    Các căn nhà tại Luxembourg. Ảnh: Reuters

    Tình hình hiện tại khá nan giải với nền kinh tế dựa vào dịch vụ tài chính như Luxembourg. Philippe Poirier - nhà phân tích chính trị tại Đại học Luxembourg cho biết trên AFP rằng giá bất động sản "đang trở thành bài toán ám ảnh mọi người trong các cuộc bầu cử". Ông cho rằng các vấn đề chính là "sự khan hiếm nhà và đất, chi phí xây dựng và mua nhà, cũng như tiền thuê cao".

    Hai đảng lớn tại đây đã cam kết sẽ có động thái. Đảng Tự do của Thủ tướng Xavier Bettel hứa hẹn lập ra một bộ phụ trách nhà đất. Họ cũng muốn tăng thuế với các căn hộ được mua nhưng bị bỏ trống và đầu tư thêm cho nhà ở xã hội.

    Lãnh đạo đảng Xã hội Paulette Lenert - hiện là Bộ trưởng Y tế trong chính phủ liên minh - cũng thúc giục đầu tư mạnh tay cho nhà ở giá cả phải chăng.

    Tuy nhiên, các vấn đề với thị trường nhà ở Luxembourg đã tồn tại từ lâu và thay đổi chúng không phải là điều dễ dàng. Paccoud cho biết việc nước này không đánh thuế thừa kế và nhiều loại thuế chỉ mang tính biểu tượng khiến các chủ đất không có kế hoạch xây dựng.

    "0,5% dân số, tương đương 3000 người, sở hữu tới nửa số đất có thể xây dựng. Tuy nhiên, họ chỉ để không đất vì giá đang tăng lên", ông nói.

    Bên cạnh đó, cơ hội kinh tế tại Luxembourg cũng thu hút nhiều lao động nước ngoài đến đây. Việc này càng khiến chi phí nhà ở tăng lên khi nguồn cung vốn đã hạn chế. Khoảng nửa số người đang sống ở Luxembourg không phải là công dân nước này.

    Tỷ lệ sở hữu nhà cũng có sự chênh lệch lớn. 80% người bản địa Luxembourg có nhà. Nhưng tỷ lệ này với lao động nước ngoài chỉ là 50%.

    Nhiều người Luxembourg có việc làm ổn định trong các cơ quan chính phủ. Trong khi đó, người nước ngoài phải đối mặt với thị trường việc làm thường xuyên biến động.

    Hệ quả là dù có mức lương cao, Luxembourg vẫn nằm trong nhóm 3 nước thuộc eurozone có rủi ro nghèo đi cao nhất với các gia đình đơn thân, theo báo cáo gần đây của văn phòng phụ trách lao động thuộc EU. Lương tối thiểu chính thức ở đây là 2.571 euro một tháng.

    VnExpress (theo AFP)

  • sot dat vo no o sri lanka 1

    Sri Lanka từng là lựa chọn phổ biến cho "ngôi nhà thứ 2" của người nước ngoài. Tuy nhiên, ngay cả khi họ bán tống bán tháo vì đại dịch, những ngôi nhà nhiều triệu USD xuất hiện khắp nơi ở quốc đảo Ấn Độ Dương.

    Những ngôi nhà triệu USD nhan nhản khắp nơi

    Biệt thự 6 phỏng ngủ với lối kiến trúc của Sri Lanka cổ điển nằm giữa một đồn điền chè rộng 8 mẫu anh trên đỉnh đồi gần thành phố Galle, bờ biển phía nam Sri Lanka. Căn biệt thự 2 tầng với diện tích 750m vuông có tên Pokkuluwa sở hữu tầm nhìn hướng ra Ấn Độ Dương. Người ta có thể mua riêng căn biệt thự này hoặc mua kèm với một ngôi nhà 2 phòng ngủ nằm bên bờ biển cách đó 5km với giá khoảng 3,9 triệu USD.

    Vợ chồng Charlie và Tweenie Wrey sở hữu ngôi nhà đó. Theo gia chủ, công trình này là tác phẩm của kiến trúc sư người Sri Lanka Sunela Jayewardene. Nó có nhiều mặt thoáng và hòa mình vào môi trường nhiệt đới tự nhiên của hòn đảo Ấn Độ Dương. Tòa nhà được hoàn thành năm 2010 và nằm ở độ cao khoảng 300m so với mặt biển. Nó có nhiều đặc trưng của kiến trúc truyền thống Sri Lanka.

    sot dat vo no o sri lanka 1

    Sau cuộc nội chiến kéo dài 26 năm kết thúc vào năm 2009, Sri Lanka bước vào một cuộc đại "lột xác" với những khoản đầu tư khổng lồ cho cơ sở hạ tầng mà chủ yếu ngân sách tới từ các khoản vay nước ngoài. Một trong số đó là tuyến đường cao tốc nối thủ đô Colombo với Galle ở phía nam. Quốc gia này cũng nổi lên như một điểm đến cho ngôi nhà thứ 2 của những người nước ngoài. Những thảm kịch như sóng thần năm 2004 hay đánh bom khủng bố lễ Phục sinh năm 2019 không đủ để ngăn cản điều này.

    Theo các môi giới, hòn đảo này hấp dẫn nhờ khí hậu ấm áp quanh năm, những bãi biển tuyệt đẹp, những khu rừng kỳ thú, những cánh đồng lúa đẹp như tranh vẽ và một lượng lớn cư dân nói tiếng Anh.

    Pranesh Paramanantha, một chuyên gia bất động sản, cho biết: "Sri Lanka có rất nhiều người thân thiện và hiếu khách. Có rất nhiều du khách thực sự bị thu hút bởi đất nước này và du lịch mà một yếu tố quan trọng với nền kinh tế, giúp thúc đẩy sự hấp dẫn của thị trường bất động sản nước này.

    Cơn sốt đất bùng lên bất chấp đại dịch

    Tuy nhiên, đại dịch bùng lên năm 2019, du lịch của Sri Lanka bị ảnh hưởng. Cùng với việc vắng khách du lịch, một số chủ nhà người nước ngoài ở Sri Lanka đã rao bán nhà vì họ không còn kiếm được thu nhập từ việc cho thuê. Dẫu vậy, điều này không làm giảm sức hút của thị trường. Thay vào đó, người dân địa phương tranh giành nhau để mua những bất động sản xa xỉ đó.

    "Người dân địa phương lựa chọn vào đầu tư bất động sản như một hàng rào chống lạm phát và tránh sự mất giá của đồng rupee Sri Lanka. Người ta kỳ vọng rằng khi đại dịch kết thúc, họ có thể bán những bất động sản này cho các nhà đầu tư nước ngoài với giá nhiều triệu USD chứ không phải tình bằng đồng nội tệ", ông Robinson, một trong các nhà môi giới bất động sản ở Sri Lanka, cho biết.

    Đã có một cơn sốt trong chính người dân Sri Lanka về những bất động sản giá trị cao ở cả thủ đô Colombo hay các khu vực ven biển như Galle. Trong khi nhà đầu tư nước ngoài biến mất hoàn toàn, thị trường được lấp đầy bởi nhu cầu nội địa.

    sot dat vo no o sri lanka 1

    Suốt những năm đại dịch hoành hành, thị trường bất động sản Sri Lanka vẫn ổn định. Thậm chí, giá nhà trung bình ở quốc gia này còn tăng 20,7% trong quý đầu năm 2021 so với một năm trước đó. Sự không chắc chắn của đại dịch không thể ngăn người dân Sri Lanka đổ tiền vào bất động sản.

    "Giá cả tăng ổn định thúc đẩy nhiều người Sri Lanka tiếp tục đổ tiền vào bất động sản. Họ đã thấy lợi nhuận tốt trong những năm qua khi giá bất động sản liên tục tăng. Chính vì thế, họ tiếp tục có động lực để đầu tư", ông Pranesh nói.

    Theo nhà môi giới này, một ngôi nhà sang trọng ở Colombo có giá lên tới 500.000 USD, tương đương đâu đó 350 đến 650 USD cho một foot vuông (0,09m2). Những căn biệt thự cạnh bãi biển với 3-4 phòng ngủ có giá từ 1 triệu đến 5 triệu USD…. Những căn biệt thự không nằm sát biển nhưng có bể bơi thì giá mềm hơn với khoảng 270.000 USD.

    Tương lai ảm đạm

    Trong cơn sốt đất, rất nhiều nhà đầu tư Sri Lanka kỳ vọng vào một sự hồi sinh sau khi du lịch trở lại. Nền kinh tế của quốc đảo dựa chủ yếu vào du lịch để thu ngoại tệ. Bên cạnh đó, gia công may mặc và xuất khẩu chè là những ngành sản xuất hiếm hoi khác. Ở chiều ngược lại, phần lớn hàng hóa của Sri Lanka phụ thuộc vào nước ngoài.

    Điều này càng làm nổi bật lên tầm quan trọng của ngoại tệ đối với quốc đảo. Tuy nhiên, khi không kiếm được tiền từ du lịch cùng với những chính sách sai lầm khiến xuất khẩu chè giảm sút và từ một quốc gia tự cung gạo phải chuyển sang nhập khẩu tới hơn 600 triệu USD, Sri Lanka đã chính thức vỡ nợ nước ngoài khi dành 2 tỷ USD ít ỏi còn lại cho mua lương thực, thuốc men và năng lượng.

    Tuy nhiên, đó chưa phải điều tồi tệ nhất. Khi du lịch manh nha phục hồi, Sri Lanka phải đối mặt với thách thức lớn hơn từ các cuộc biểu tình yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Đắc cử năm 2019, ông Rajapaksa bị đổ lỗi cho hàng loạt quyết sách sai lầm, từ giảm thuế giữa đại dịch làm ảnh hưởng tới nguồn ngân sách tới việc bất ngờ ban hành lệnh cấm sử dụng phân bón hóa học khiến nông nghiệp tổn hại nặng nề.

    sot dat vo no o sri lanka 1

    Những vấn đề ở Sri Lanka có từ trước khi ông Rajapaksa trở thành Tổng thống. Tuy nhiên, người dân đang cảm thấy rất không hài lòng với những gì mà Chính phủ nước này thực hiện. Trong khi đó, Sri Lanka không có quy định phế truất tổng thống. Điều đó đồng nghĩa chế độ chỉ có thể thay đổi nếu nhà lãnh đạo tình nguyện từ chức.

    Tuy nhiên, điều này có vẻ không sớm xảy ra. Chính quyền Tổng thống Rajapaksa vẫn lên tiếng bảo vệ các quyết sách của mình bất chấp hàng trăm cuộc biểu tình phản đối nổ ra ở thủ đô và các thành phố lớn khác. Dù phần lớn các cuộc biểu tình vẫn diễn ra trong hòa bình nhưng người ta lo ngại chúng có thể trở thành bạo động, nhất là khi cuộc sống người dân bị dồn tới mức khốn cùng chưa từng có.

    Siêu thị trống trơn, xếp hàng cả ngày để mua nhiên liệu hay ốm không thuốc chữa, bệnh viện đóng cửa vì mất điện… đang đẩy cuộc sống của người dân nước này vào bế tắc chưa tìm ra lối thoát.

    Cafef (Tham khảo: New York Times)

  • Ngày càng nhiều người Việt kinh doanh bất động sản ở Mỹ, trong đó phân khúc mua nhà cho thuê được nhiều người Mỹ gốc Việt lựa chọn.

    Chị Thủy Nguyễn, một trong những người kinh doanh bất động sản ở San Jose, phía Bắc bang California cho biết, ngày càng nhiều người Việt kinh doanh bất động sản ở Mỹ, trong đó phân khúc mua nhà cho thuê được nhiều người Mỹ gốc Việt lựa chọn.

    Một khu nhà của người Việt cho thuê ở San Jose, bang California

    Hội Môi giới bất động sản Mỹ cho biết, trong năm 2017, người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua hơn 284.000 căn nhà tại Mỹ. Việt Nam đứng thứ 7 trong 10 nước có công dân mua nhà ở Mỹ nhiều nhất. Người Việt Nam chi tổng cộng 2% tổng số tiền mua nhà này, tương đương 3,06 tỷ USD.

    Sức hút của bất động sản Mỹ trước hết nằm ở quy trình mua bán nhanh gọn. Sổ đỏ rất dễ cấp, chỉ tốn chi phí vài chục USD. Có thể mua bán online dễ dàng. Thường chỉ trong vòng 2 tuần là đã có thể sở hữu nhà.

    Cũng có nhiều trường hợp người Việt ở Mỹ mua nhà cho thuê rồi trở về nước sinh sống hoặc có trường hợp người Việt trong nước mua nhà ở Mỹ cho thuê nhưng nhờ người thân ở Mỹ đứng tên.

    Lợi nhuận từ tiền thuê nhà tại Mỹ cao hơn so với tại Việt Nam. Theo chị Thủy Nguyễn, thông thường, khi thấy việc kinh doanh mua bán nhà không còn hấp dẫn nữa hoặc muốn dừng lại, người Việt ở Mỹ sẽ đầu tư vào việc cho thuê nhà hoặc ngược lại. 

    Thành phố San Jose nằm cạnh thung lũng silicon, cái nôi của các tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ như Facebook, Google, Intel… Vì vậy, giá nhà ở đây được xem là đắt đỏ nhất nước Mỹ. Tiền cho thuê nhà ở đây cũng cao, trung bình trên 3.500 USD/tháng so với giá trung bình 1.600 - 2.000 USD ở các thành phố khác của California.

    Chị Mỹ Trần, người chuyên cho thuê nhà ở thành phố Santa Ana, phía Nam Los Angeles, bang California cho biết, hầu hết tại các thành phố lớn của Mỹ, đa số người dân đi thuê hơn là mua nhà nên hầu như ít khi phải để nhà trống. Hơn nữa, trong giai đoạn nước Mỹ khủng hoảng kinh tế năm 2008, rất nhiều người Mỹ mua nhà trả góp mất khả năng chi trả nên bị siết nợ và mất nhà, từ đó, số người đi thuê nhà tăng đều cho tới nay.

    Các điều kiện của ngân hàng cho vay mua nhà hiện nay vẫn chưa được nới lỏng, nhất là đòi hỏi về công việc và mức lương ổn định nên rất nhiều người lao động ở Mỹ càng khó mua nhà. Ngoài ra, không giống như quan niệm của người Việt và người Á Đông cho rằng “an cư lạc nghiệp”, người Mỹ không chú trọng nhiều vào một ngôi nhà cố định mà họ muốn ở qua nhiều nơi và dành tiền đi du lịch nên thuê là giải pháp được ưa chuộng.

    Tuy vậy, chi phí vẫn là điều nhức nhối với những người cho thuê nhà. Khi mua nhà để cho thuê ở Mỹ còn phải tính đến tiền bảo hiểm, tiền thuế đất, thuế thu nhập... Đó là chưa tính đến tiền bảo trì, sửa chữa nhà do chi phí nhân công ở Mỹ rất cao so với ở Việt Nam.

    Theo chị Mỹ Trần, nghề nào cũng vậy, thoạt nhìn tưởng dễ, nhưng để thành công phải vạch kế hoạch kỹ càng nhằm giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất. Cho thuê nhà nếu không đảm bảo an toàn gây cháy nổ hoặc gây tai nạn cho người đi thuê thì chủ nhà phải chịu tất cả. Do đó, chi phí mua bảo hiểm hàng năm với các căn nhà cho thuê đôi khi khiến những người cho thuê nhà phải suy nghĩ lại.

    Cũng do chi phí bảo trì và sửa chữa quá cao, dẫn đến chủ cho thuê nhà thường để nhà cho thuê xuống cấp trầm trọng nên dễ xảy ra cháy nổ. Trước có vụ cháy nhà cho thuê ở San Jose hồi tháng 11-2017 làm một phụ nữ người Việt và 2 con thiệt mạng.

    Viethome (theo SGGP)