• David được tìm thấy trong một chiếc túi caro ở một thị trấn thuộc Bắc Ireland năm 1962, trong khi Helen cũng bị bỏ trong chiếc túi caro bên kia biên giới Ireland năm 1968.

    "Thật đáng kinh ngạc, kỳ diệu, không thể tin được"  - người ta có thể dùng các từ này mô tả về câu chuyện cuộc đời của David McBride, 58 tuổi và Helen Ward, 52 tuổi. Nhưng thực tế không có từ nào diễn tả hết được cuộc đời của họ.

    Một sáng sớm tháng 1/1962, David McBride được phát hiện trong một trạm điện thoại công cộng ở thị trấn Dunmurry, Belfast, Bắc Ireland. Cậu bé nằm trong một chiếc túi caro.

    Một buổi sáng tháng 3/1968, cô bé Helen Ward cũng được phát hiện trong một trạm  điện thoại ở thành phố Dundalk, Ireland.

    anh em hoi ngo 1
    David khi được phát hiện năm 1962. Ảnh: Long Lost Family.

    David sau đó được một gia đình nhận nuôi, có tuổi thơ bình yên. Năm 15 tuổi cậu bỏ học gia nhập quân đội, với mục đích duy nhất là để khám phá giấy khai sinh của mình. Qua đó anh biết được mình sinh vào ngày 6/1. "Tôi hỏi cha tôi điều đó có nghĩa là gì và ông đã thành thật với tôi tất cả. Khi được tìm thấy, tôi khoảng 14 ngày tuổi", David, hiện sống ở Birmingham với vợ và ba đứa con, nói.

    "Điều đó có nghĩa trong vài tuần đầu tiên của cuộc đời, ai đó đã cho tôi ăn, giữ cho tôi ấm, yêu tôi", anh nói thêm.

    Còn Helen cũng được cha mẹ nuôi yêu thương. Khi 17 tuổi, cô đã hỏi bố về thân thế của mình và ông nói: "Đừng gợi lại những chuyện không hay". "Nhưng tôi không thể. Mẹ ruột luôn ở trong tâm trí tôi và thật khó khăn để không quan tâm", cô cho biết.

    Cả hai dành cả cuộc đời để tìm cha mẹ ruột mà không biết đến sự tồn tại của người kia. "Thật là không tưởng tượng nổi. Tôi xây dựng một bức tranh về cha mẹ có thể là ai nhưng không bao giờ nghĩ mình có anh chị em", Helen nói.

    Năm 2003, Helen với 3 con mình đã tới trung tâm nhận nuôi trẻ mồ côi ở Drogheda, miền Nam Ireland. Nhưng giấy khai sinh của cô chỉ có những dữ liệu ít ỏi về ngày được tìm thấy. Năm 2019 cô làm xét nghiệm ADN và đăng lên cơ sở dữ liệu trực tuyến.

    anh em hoi ngo 1
    David và Helen. Ảnh: Belfasttelegraph.

    Vài tháng sau, chương trình đoàn tụ người thân Long Lost Family của Anh đã đăng ADN của David lên cùng hệ thống với Helen và đến lúc này anh biết mình có em gái.

    "Tìm thấy Helen là một trong những món quà tuyệt vời nhất cuộc đời tôi. Khi chúng tôi ngồi xuống và bắt đầu nói chuyện, thế giới xung quanh chúng tôi không tồn tại", David xúc động nói. 

    Các nhà di truyền đã tìm cha mẹ cho hai anh em bị bỏ rơi. Hóa ra sự ra đời của họ là kết quả cuộc tình oan trái giữa một người quản lý cửa hàng đã kết hôn, có 14 đứa con, theo đạo Tin Lành ở Dublin và một cô gái theo đạo Thiên chúa kém 17 tuổi. 

    Giữa thế kỷ 20 ở Ireland, có một đứa con ngoài giá thú là một sự ô nhục nếu bị phát hiện, đặc biệt trong thời kỳ xung đột giữa các tôn giáo lớn. Đớn đau hơn, mẹ của họ đã không kết hôn và không có thêm đứa con nào nữa. Bà chết vào năm 2017, trong khi cha họ chết năm 1993.

    anh em hoi ngo 1
    David và Helen đã dành cả đời để tìm cha mẹ và đoàn tụ năm 2019. Ảnh: Belfasttelegraph.

    Hiện Helen và David đã gặp lại những người anh chị em cùng cha khác mẹ và cùng tới thăm mộ bậc thân sinh. "Chúng tôi bắt đầu một hành trình. Bây giờ chúng tôi đang ở cùng nhau, tìm hiểu nhau, tìm về gia đình của chúng tôi", hai anh em nói.

    Câu chuyện đầy đủ của David và Helen sẽ được phát sóng trên truyền hình Anh vào đầu tuần này.

    VnExpress (Theo Belfasttelegraph, Dailymail)

  • Cầm xấp giấy tờ trên tay, Nguyễn Tiến Đạt bối rối, không biết nếu lần thứ ba thay tên, đổi họ, cuộc đời cậu có thêm sóng gió nào không.

    Giữa trưa mùa hè, trong một tiệm bánh mỳ trên đường Thành Công, quận Ba Đình, Nguyễn Tiến Đạt đeo găng tay, thoăn thoắt đưa khay bánh vào lò nướng. Mồ hôi ướt sũng một vạt lưng áo. "Mấy ngày đầu, tôi còn bị bỏng khắp chân, tay, nhưng sau hơn một tháng, khi thạo việc thì ít bị hơn", cậu nói, chìa hai cánh tay đen sạm, lỗ chỗ vết bỏng đã lên da non. 

    Ở tuổi 25, Đạt không thể nhớ hết đây là công việc thứ bao nhiêu mình trải qua trong đời. Bị bỏ lại chợ Long Biên từ khi còn là một đứa bé 3 tuổi, cậu đã sớm học được cách tự lập.

    Hồi đó, hàng ngày "thằng bé" Đạt cứ lang thang từ chợ về bãi giữa sông Hồng - gầm cầu Long Biên, nay ngủ nhờ nhà này, mai nhà khác. Cậu sống và lớn lên nhờ sự cưu mang của những người xa lạ, từ bát cơm thừa của hàng xóm, cái bánh ế của những người hàng rong tốt bụng. Bãi giữa sông Hồng là nơi không điện, không nước, nơi dân nghèo chỉ biết lao động chân tay từ khắp các vùng miền tụ về. Họ neo đậu những chiếc thuyền nằm ven sông, dựng những túp lều tạm bợ từ đủ thứ phế liệu và làm đủ nghề để sinh nhai. Trẻ con chẳng đứa nào được đến trường.

    Thương lũ trẻ, bà Vũ Thị Oanh, vốn là giáo viên về hưu và chồng là ông Vũ Tiến, (79 tuổi) - Chủ nhiệm Gia đình trẻ mồ côi Xa mẹ (tên hiện tại của tổ Bán báo Xa mẹ, số 13, Ngô Văn Sở, Hoàn Kiếm) mở một lớp học tình thương ở đây. Một lần đến dạy học, nghe kể về cậu bé không nhà, không biết họ tên là gì, bố mẹ là ai, ông bà đón về nuôi. Thằng bé ba tuổi khi đó được đặt tên là Long Biên, lấy họ Vũ theo họ của ông bà.

    Long Biên là đứa bé nhất trong mái ấm Xa mẹ nên chiều nào các anh chị đi bán báo về cũng mua quà cho nó. Tết đến, cậu cũng là đứa duy nhất được ông bà đưa về nhà riêng đón giao thừa. 

    Được yêu thương, nhưng cứ đêm 30 Tết, thằng bé lại thẫn thờ nhìn ra cửa. Đoán đứa trẻ nhớ mẹ, tầm 9 giờ tối ngày cuối cùng của năm, ông Tiến lại mặc áo khoác cho nó. "Đi, ông chở con đi tìm mẹ", ông nói với thằng bé.

    Đạt hồi tưởng: "Suốt những năm đó, tối 30 Tết nào ông cũng chở tôi đi đến các gầm cầu, nhà ga, bến xe... Hồi ấy còn bé nhưng tôi đã biết buồn. Người ta mua đào, mua quất về đón giao thừa còn mình vẫn đi tìm bố mẹ".

    hai lan doi ten 1
    Ông Tiến bế Long Biên (tức Tiến Đạt) năm 1999, khi cậu bé vừa được ông bà đón từ gầm cầu Long Biên về. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Năm 2006, vợ chồng ông Tiến, bà Oanh nhận được bức thư của một phụ nữ xưng là mẹ của Vũ Long Biên. Trong thư, người này cho biết đang ở trong trại giam, vô tình xem một phóng sự về mái ấm Xa mẹ nên nhận ra con mình. Chị gửi lời cảm ơn ông Tiến đã cưu mang nó. Từ đó, Long Biên được đổi tên là Nguyễn Tiến Đạt - cái tên mẹ đặt cho.

    Ở trường, Đạt bị bạn bè trêu là "đồ trẻ lang thang" khiến cậu thường xuyên tự ti, mặc cảm và học lực sa sút. Nghĩ cháu nuôi không thể theo kịp bạn bè, ông bà chuyển cậu về trung tâm giáo dục thường xuyên. 

    Sau khi mãn hạn tù, mẹ Đạt ốm nặng. Năm 2012, hai người chị gái cùng mẹ khác cha đến báo tin, xin cho cậu về gặp mẹ lần cuối. Mất đi chỗ dựa tinh thần duy nhất, Đạt càng chểnh mảng học hành. Cậu hay trốn nhà đi chơi, bị ông Tiến, bà Oanh trách mắng nên giận dỗi bỏ đi.

    Rời mái ấm nhưng Đạt không bỏ học. "Từ bé tôi đã được ông bà dạy 'phải có tri thức mới có thể sống tốt' nên vẫn ý thức phải tự kiếm tiền ăn học", cậu nhớ lại.  Sáng đi học, chiều nam sinh đi phụ rửa xe máy. Thấy nhà chủ có quán cà phê, Đạt xin vừa rửa xe vừa phục vụ quán để có thêm thu nhập. Đó là hai "nghề" đầu tiên của cậu.

    Cứ lầm lũi sống với đủ loại công việc khiến Đạt chai sạn nhưng niềm khao khát hơi ấm ruột thịt chưa khi nào nguôi. Tối tối, về lại phòng trọ nhỏ, khi chỉ còn lại một mình, Đạt mở nhạc trong điện thoại cho có tiếng người. Có lần, bài hát "Mẹ yêu" bất chợt vang lên, nước mắt cậu thiếu niên lặng lẽ chảy. "Có đi chơi với bạn mà thấy chúng nó bị bố mẹ giục về sớm tôi cũng chạnh lòng. Giá như mình cũng có ai đó giục về như vậy", cậu kể.

    hai lan doi ten 1
    Vũ Long Biên - tức Nguyễn Tiến Đạt và ông nuôi Vũ Tiến. "Nó là đứa trẻ mồ côi nhỏ nhất mà tôi từng biết. Hàng trăm đứa trẻ về đây, mỗi đứa một số phận, nhưng duy chỉ có nó đến khi không biết bố mẹ là ai, quê hương ở đâu", ông Tiến nói. Ảnh: Phạm Nga.

    Bỏ ra ngoài, nhưng mỗi dịp 20/11, Tết, Đạt đều về thăm ông Tiến, bà Oanh. Được khuyên quay về nhưng cậu không muốn làm gương xấu cho các em khác ở mái ấm, "cứ bỏ đi, khó khăn một chút lại quay về xin giúp đỡ".

    Ông Vũ Tiến cho biết, dù đồng ý cho Đạt ra ngoài, nhưng ông vẫn theo dõi sát sao. "Tôi mừng vì thằng bé không sống buông thả mà vẫn đi làm tự nuôi mình và có tiền đi học", ông nói. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Đạt thi đỗ Cao đẳng Du lịch Hà Nội và theo nghề khi ra trường.

    Anh Mai Vụ, giám đốc công ty dịch vụ du lịch nơi Đạt làm việc trước khi Covid-19 xảy ra kể, cậu là bạn trẻ chăm chỉ và sống tình cảm. "Tháng lương đầu, cậu ấy nói với tôi là sẽ dành một khoản để mua quà cho ông bà. Trung thu ở công ty, được tặng bánh, cậu ấy cũng mang về nhà ở số 13 Ngô Văn Sở để phá cỗ cùng ông bà và các em". 

    Càng ngày, hai người chị gái vẫn nghĩ cùng mẹ khác cha, càng thấy Đạt giống cha đẻ của họ. Linh tính mách bảo cả ba có chung dòng máu. Cuối năm 2019, để xóa bỏ nhưng băn khoăn trong lòng, Đạt tìm về Hải Phòng, xin được kiểm tra ADN. Nhận được điện thoại của trung tâm xét nghiệm xác định huyết thống, Đạt bần thần. Cuối cùng, cậu cũng đã tìm được đáp án cho câu hỏi lớn nhất đời mình: "Nguồn cội của mình ở đâu?". Họ của ông khác với họ mẹ đặt, nên hai người không nghĩ họ là cha con. Hóa ra khi chia tay bố Đạt, mẹ cậu có thai nhưng không biết nên lên Hà Nội sinh sống.

    Đạt bấm điện thoại gọi cho bố. Từ khi là đứa bé 3 tuổi bị bỏ rơi ở gầm cầu Long Biên đến nay, được ai giúp đỡ, cậu cũng gọi họ là "bố", là "mẹ" để tỏ lòng biết ơn, nhưng chưa bao giờ Đạt thấy tiếng "bố" thốt ra có sức nặng đến vậy.

    Tết Canh Tý vừa rồi, lần đầu tiên Đạt được thắp hương lên bàn thờ gia tiên, ăn Tết với những người ruột thịt. Cậu được bố đưa đi từng nhà anh em họ hàng để chào hỏi. Cảm giác lạ lẫm, hồi hộp "như gái mới về nhà chồng". "Từ bây giờ, tôi đã có một mái nhà để ngày lễ, ngày Tết mà về", cậu nói.

    Tìm được bố đẻ, Nguyễn Tiến Đạt có ý định đổi sang họ bố nhưng cậu vẫn đang phân vân không biết nếu lần thứ ba thay tên, đổi họ, cuộc đời cậu có thêm sóng gió nào không.

    hai lan doi ten 1
    Tiến Đạt (cầm loa) làm quản trò trong chuyến du xuân của trường Nguyễn Văn Tố khi thực tập tại công ty du lịch năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Hiện tại, Tiến Đạt đang vừa học, vừa làm ở một tiệm bánh mỳ. Ông Vũ Tiến dự định sẽ mở một trung tâm dạy làm bánh cho trẻ mồ côi, khó khăn. "Cậu bé Vũ Long Biên" của ông sẽ trở thành một trong những người dạy nghề cho các em đồng cảnh ngộ - bên cạnh những thợ lành nghề khác. Chưa bao giờ, cậu thấy cuộc sống của mình trọn vẹn đến vậy.

    "Có những lúc cực khổ quá, tôi tự hỏi bố mẹ sinh ra mình để làm gì? Nhưng rồi tôi lại nghĩ, được sinh ra lành lặn, khỏe mạnh đã là một đặc ân. Quan trọng là phải sống thật tử tế, xứng đáng với công lao của ông bà nuôi dành cho mình", cậu nói.

    Theo VnExpress

  • Nguyễn Dũng (biệt danh Dũng "điên) từng là tay “anh chị” trong giới con lai. Từng cướp giật, móc túi, đánh nhau ở Việt Nam, qua Mỹ cũng làm đại ca xã hội đen, lãnh án tù treo nhưng nay, Dũng “gác kiếm", hoàn lương.

    giang ho khet tieng ben xe mien dong 1
    Nguyễn Dũng làm việc sữa chữa ô tô ở Mỹ.

    Một người phụ nữ ở Việt Nam rất am hiểu về giới con lai tiết lộ với tôi về cuộc đời như phim của Nguyễn Dũng. Đề nghị chị giúp kết nối để tìm hiểu anh ta, chị nói: “Cuộc đời của người đàn ông này “dữ dội” quá, không dễ gì anh đồng ý lên báo”. Song chị vẫn tự tin mình "thuyết phục được”.

    Vì lẽ, chị đã góp phần kéo Dũng “điên” ra khỏi vũng lầy tội lỗi, nay họ thành đôi bạn rất thân. Cuối cùng, tôi cũng liên hệ được với Nguyễn Dũng và phải  thuyết phục rất nhiều anh mới mở lòng.

    Chuyện tình phi công Mỹ và cô gái Việt

    Gương mặt Dũng “điên” nhìn khá “lạnh”, nhưng nụ cười rất hiền. Luận về nhân tướng, không ai nghĩ rằng Dũng là tay giang hồ khét tiếng một thời làm mưa làm gió tại Việt Nam và trên đất Mỹ.

    Dũng kể: “Tôi là kết quả mối tình của mẹ với người cha phi công Mỹ đóng quân ở sân bay Cam Ranh, Nha Trang”. Thời kỳ đó, bà Trần Thị Hoa (mẹ ông) làm việc giặt ủi cho binh lính Mỹ. Nhiều lính Mỹ mê bà Hoa vì bà rất xinh đẹp. Ba ông có “số má” hơn nên mới “cưa đổ”.

    Chàng phi công đẹp trai rất yêu cô tình nhân trẻ đẹp, mua tặng căn nhà ở đường Trần Phú, TP. Nha Trang, cho lính dưới quyền bảo vệ, đưa đón bằng xe Jeep.

    giang ho khet tieng ben xe mien dong 1
    Cuộc đời Dũng "điên" rẽ sang trang khác khi mẹ bán ông khi ông khoảng 7 tuổi.

    Năm 1969, Nguyễn Dũng ra đời. Sau đó ba ông mãn hạn quân nhân phải về nước. Ông cũng tha thiết đưa mẹ con bà Hoa về Mỹ, nhưng bà Hoa lại không muốn rời xa Việt Nam.

    Chiến tranh kết thúc, những đứa con lai và mẹ chúng lâm vào khó khăn, nghèo túng. Bà Hoa phải bán căn nhà ở Nha Trang, bán luôn Nguyễn Dũng lúc khoảng 7 tuổi cho một gia đình ở Quảng Ngãi. Còn bà bắt đầu một cuộc chạy trốn để che giấu thân phận, tránh điều tiếng.

    Tuổi thơ dữ dội của đứa con lai

    “Tuổi thơ “dữ dội” của tôi bắt đầu từ đây. Hàng ngày tôi đi chăn trâu, cắt cỏ... Thế mà gia đình nuôi vẫn bỏ đói. Nhiều hôm đào trộm khoai ăn sống để cầm hơi. Những trận đòn roi tê tái thịt xương cũng không tránh khỏi”, giọng buồn buồn ông kể.

    Đến năm 11 tuổi, một người bạn của mẹ rỉ tai: “Mày là con lai. Mẹ mày vào Nam rồi. Mày sống khốn khổ như vậy sao không đi tìm mẹ?”. Nhiều đêm, Dũng khóc thầm vì nghĩ đến mẹ, vì tủi thân bị hành hạ. Cậu cũng muốn chạy trốn khỏi ngôi nhà “địa ngục”, nhưng chẳng biết tìm mẹ phương trời nào.

    Một ngày đi chăn trâu, bụng đói meo, Dũng bẻ trộm mía để ăn. Bị phát hiện, những trận đòn roi kinh hoàng hơn trút xuống. Sau một đêm thức trắng, Dũng quyết định chạy trốn.

    “Đi bộ từ Quảng Ngãi vô đến Đồng Nai mất hết hơn một tháng rưỡi. Dọc đường xin ăn, tối ngủ ở hiên nhà người ta. Tôi cũng không biết bao giờ mới gặp được mẹ giữa mênh mông trời đất này”, ông kể.

    Thật kỳ lạ, sau đêm ngủ thiếp dưới hiên nhà xa lạ, sáng ra có người lay anh dậy và kêu lên: “Trời! Thằng lai (tên mọi người thường gọi Dũng khi nhỏ), con bà Hoa!”. Hóa ra, người này bạn của bà Hoa ở quê vào đây lập nghiệp. Mẹ ông cũng ở cách đó ba căn nhà.

    giang ho khet tieng ben xe mien dong 1
    Dũng kể, 17 tuổi, ông đã sống bất cần đời, trở thành một tay anh chị của nhóm con lai Đồng Nai.

    “Bà ấy qua nhà gọi mẹ tôi đến. Mẹ nhận ra tôi nhưng không dám gọi con mà bảo gọi dì, rồi gửi tôi cho người bạn này nuôi, vì mẹ đã lấy chồng khác”, Nguyễn Dũng bùi ngùi.

    Đến lúc người chồng của mẹ mất, Dũng được mẹ đem về nhà sống với những đứa em khác cha. Nhà mẹ nghèo rớt mồng tơi, ông bắt đầu ăn xin về nuôi những đứa em nhỏ hơn mình...

    Giang hồ ở Bến xe miền Đông và đất Mỹ

    17 tuổi, ý thức khá đầy đủ về thân phận mình, lại gia nhập nhóm con lai có cảnh ngộ tương tự, Nguyễn Dũng trở nên lì lợm, sống bất cần đời, trở thành một tay anh chị của nhóm con lai Đồng Nai.

    “Tôi xuống bến xe Miền Đông móc túi mang tiền về cho các em lai trong nhóm sống lây lất qua ngày. Tôi sẵn sàng đánh nhau, thậm chí đâm chém nếu ai động đến anh em lai. Tôi có biệt danh Dũng “điên” từ đó”, Nguyễn Dũng không giấu diếm.

    Có lần nhóm con lai của Dũng “điên” bị ném lựu đạn nhưng chưa kịp nổ, không hề do dự Dũng cầm quả lựu đạn ném xuống cống cứu sống hàng chục con lai. Sau sự kiện này, anh em trong nhóm con lai càng nể phục. Những băng nhóm khác khi nói đến Dũng “điên” cũng xanh mặt. 

    Khoảng năm 1981, bà Hoa lại bán ông cho một gia đình để họ làm giấy tờ đi Mỹ. Cuối cùng, năm 1986, Dũng được Lãnh sự quán Mỹ cấp visa định cư. Đến Mỹ, Dũng được gặp cha. Trớ trêu người cha vẫn nhận ông là con, nhưng kiên quyết không chấp nhận vào dòng họ.

    “Có lẽ, ông nghĩ tôi sẽ làm ô uế dòng họ, hoặc gánh nặng thêm tài chính khi ông đã nghỉ hưu. Đó là niềm vui chưa trọn vẹn của tôi. Tôi đã khóc rất nhiều”, Dũng nói.

    Ở Mỹ, ban đầu không có việc làm, “ngựa quen đường cũ”, Dũng “điên” lại gia nhập băng nhóm tội phạm ở Bắc Cali. “Tôi đi đòi nợ thuê. Thậm chí đâm chém với các băng nhóm khác. Rồi tôi bị án tù. Ra tòa, xét nhiều yếu tố, tòa cho phép tôi hưởng án treo", ông kể.

    Dũng "điên" hoàn lương

    Cuộc đời Dũng còn có thêm một vết thương lòng lớn, đẩy ông vào cảnh éo le hơn. Cô vợ, người được anh bảo lãnh sang Mỹ, chia tay để lại hai đứa con. Dũng phải lao vào làm việc cật lực để nuôi con, cho chúng ăn học.

    giang ho khet tieng ben xe mien dong 1
    “Tình phụ tử thiêng liêng đã kéo tôi về từ cõi chết", Dũng "điên" nói về biến cố giúp ông thức tỉnh.

    “Tôi đi đánh cá. Sau đó phụ việc ở hãng sửa chữa, tân trang xe hơi. Tìm tòi học hỏi dần cũng lên thợ chính. Đời tôi quá khổ, thiếu tình thương cả cha lẫn mẹ và đen tối. Tôi không muốn con giống mình. Chúng phải được ăn học đàng hoàng, sống có ích cho xã hội”, ông ngậm ngùi.

    Dù ẩn mình hơn lúc mới qua Mỹ, tuy nhiên, Nguyễn Dũng vẫn là thủ lĩnh trong bóng đêm của dân xã hội đen. Nhưng, sau cơn đau tim chìm vào hôn mê sâu, rồi tỉnh dậy bởi nghe tiếng kêu khóc thảm thương của đứa con gái, ông bắt đầu thức tỉnh.

    “Tình phụ tử thiêng liêng đã kéo tôi về từ cõi chết. Vậy phải sống đàng hoàng hơn vì con. Tôi quyết làm lại cuộc đời”. Nguyễn Dũng “gác kiếm”, rời khỏi băng nhóm tội phạm.

    Người bạn của ông Dũng ở Việt Nam cho biết, sau này có một người phụ nữ xinh đẹp, con nhà gia thế ở Việt Nam yêu ông. Nhưng khi Dũng "điên" về Việt Nam đặt vấn đề cưới thì cha cô kia kịch liệt phản đối. Ông ta quăng một cọc tiền lớn nói: “Anh mua con tôi bằng chừng này tiền không?”. Nguyễn Dũng khẳng khái: “Cháu không mua tình yêu bằng đồng tiền, cũng không coi trọng đồng tiền bằng tình nghĩa”.

    Sau đó, Dũng khuyên cô gái chấm dứt tình yêu, dù rằng trong lòng còn thương. Đem chuyện này hỏi Nguyễn Dũng, ông giải thích: “Nếu vì tôi mà cô đó và cha mẹ đoạn tuyệt nhau thì không muốn”. Đến bây giờ, Nguyễn Dũng vẫn gà trống nuôi con.

    * Vì lí do riêng tư, tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

    Theo Thanh Niên

  • Vannessa liền liên lạc với Berni. Họ so sánh nhiều hồi ức. Cô vừa mừng vừa tủi khi đoàn tụ, bởi đã trễ mất 6 năm, không thể gặp được mẹ.

    Berni Slowey và em gái Rose Slowey có mẹ người Sài Gòn, cha là lính Mỹ. Họ được đưa khỏi Việt Nam trong những ngày cuối cùng của chiến tranh. Nhưng ở sân bay, Rose, 2 tuổi lạc khỏi chị gái Berni, 4 tuổi và mẹ. Người mẹ điên cuồng tìm kiếm con nhưng vô ích. Cuối cùng, bà phải đưa ra quyết định khó khăn khi ra đi mà không có con gái nhỏ.

    Tại Mỹ, gia đình sống ở Denver, tiểu bang Colorado và sinh thêm 3 người con khác nhưng không bao giờ nhắc tới Rose. Berni biết, bố mẹ luôn thấy tội lỗi khi bỏ lại em gái cô.

    Berni Slowey, một doanh nhân, đạo diễn thành đạt, đã làm nhiều cách tìm em gái, một trong số đó là nói về em trên chương trình TED talks năm 2016. Ảnh: Frontporchne.

    Năm 1995, cô cùng mẹ trở về Việt Nam tìm Rose nhưng ra về tay không. Người mẹ qua đời năm 2012 vì biến chứng tiểu đường. "Nhưng tôi cũng tin bà mất một phần vì quá đau lòng. Điều cuối cùng bà nói trước lúc mất là ước tìm thấy Rose", Berni, một nữ doanh nhân và nhà sản xuất phim tài liệu, đã kết hôn và có hai con trai, nói.

    Trong nhiều năm qua, Berni luôn cố gắng nói về em gái thất lạc của mình khắp mọi nơi. Trong một bài nói chuyện trên chương trình TED talks năm 2016, cô đã đặt chủ đề về Rose, hy vọng nhiều người biết cô đang tìm em.

    Tại quận Cam, California tháng 5/2018, mẹ của Vannessa Phạm qua đời. Trước lúc mất bà tiết lộ điều con gái nghi ngờ bao năm, rằng cô là con nuôi. Hoá ra mùa thu năm 1975, Rose, cô bé 2 tuổi lang thang trên phố Sài Gòn và được bà cưu mang. Năm 11 tuổi, gia đình qua Mỹ, sống ở Dallas, Texas, sau đó ở nhiều thành phố khác nhau thuộc bờ Tây.

    "Tôi đã khóc rất nhiều, nhưng thật nhẹ nhõm. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là cần tìm gia đình của mình, tìm mẹ tôi, bởi bà có thể đang tìm tôi", Vannessa, người đã kết hôn và có 3 con, nói.

    Vannessa Phạm thời trẻ luôn băn khoăn về nguồn gốc của mình nhưng chỉ biết mình là Rose Slowey trước lúc mẹ nuôi qua đời. Ảnh: Cbslocal.

    Một ngày tình cờ cô biết tới bộ dụng cụ xét nghiệm ADN quảng cáo trên truyền hình với giá 99 đôla (2,2 triệu đồng), Vannessa đặt mua, dù không thực sự tin có kết quả khả quan. Chẳng ngờ chỉ sau vài ngày cô biết có một chị gái ruột, các em ruột, em cùng cha khác mẹ, cháu trai, chú... ở cách cô 8.000 dặm (hơn 12.000 km).

    Vannessa liền liên lạc với Berni. Họ so sánh nhiều hồi ức. Cô vừa mừng vừa tủi khi đoàn tụ, bởi đã trễ mất 6 năm, không thể gặp được mẹ.

    Vào ngày 4/1/2019, Vannessa bay từ Quận Cam, California tới Denver gặp chị gái sau 44 năm cách biệt. Tháng sau, Berni lại tới California gặp gia đình em. Cha của hai cô - người đã tái hôn - được kết nối với con gái, nhưng ông cần thời gian để chấp nhận vì "tin tức này đến như một cú sốc quá lớn".

    Vannessa (trái) gặp lại chị Berni tại sân bay lần đầu tiên tháng 1/2019. Ảnh: Frontporchne.

    Vannessa nói rằng câu chuyện của cô đã truyền cảm hứng cho những người con lai khác bỏ tiền làm xét nghiệm ADN tìm lại gia đình. Giờ cô và chị gọi cho nhau mỗi ngày và đang có kế hoạch trở về Việt Nam cùng nhau xem nơi họ sinh ra, nơi họ lạc nhau, cũng như kết nối với những người họ hàng khác. Câu chuyện của họ được đưa lên truyền thông mới đây.

    "Đây là một giấc mơ và tôi sợ phải thức dậy. Tôi đã đi quá lâu, 43 năm đơn độc. Nay tôi đã tìm được đường về nhà", Vannessa Phạm, hiện dùng tên Vannessa Rose nói.

    Theo VnExpress

  • Dưới đây là những dòng tâm sự của bà Lê Mỹ Hương, một phụ nữ lớn lên tại Úc, nay đã 49 tuổi, với nhật báo The Mirror đăng ngày 22 tháng 9, 2019, về việc bà bị nhận lầm mẹ trước khi biết ra sự thật và hội ngộ với mẹ ruột của mình. Câu chuyện của bà Hương cũng là một trong những dư âm đau thương còn xót lại từ cuộc chiến tương tàn Việt Nam.

    Bà Lê Mỹ Hương và mẹ ruột thật sự của mình (The Mirror)

    Tôi không bao giờ quên chuyến xe ra khỏi ngôi làng bị chiến tranh tàn phá ở Việt Nam. Lúc đó tôi mới năm tuổi và mẹ tôi, bà Cẩn, nói với tôi và em trai tôi rằng chúng tôi đang được đi chơi, nhưng khi ôm tạm biệt chúng tôi, bà ấy bắt đầu khóc nức nở đến nỗi toàn thân run rẩy.

     Bà Hương ngày nay ở Việt Nam (The Mirror)

    Tôi nắm chặt tay em trai nhỏ của mình khi nhìn ngôi làng nhỏ bé ngày càng nhỏ hơn ở phía sau cửa xe. Giống như nhiều trẻ em Việt Nam khác, chúng tôi được một gia đình người Úc nhận nuôi. Đó là một thời gian đáng sợ, cô đơn và khó hiểu, và tôi nhớ gia đình ruột của mình khủng khiếp. “Khi nào con về nhà?” Tôi hỏi tới hỏi lui câu đó bằng tiếng Việt nhưng không ai trả lời vì họ không hiểu tôi nói gì.

    Bà Hương cùng mẹ ruột Hồ Thị Ích và hai con trai sống tại Việt Nam. (The Mirror)

    Tôi hỏi về mẹ ruột của mình thường xuyên đến nỗi cha mẹ mới của tôi nói với tôi rằng bà ấy đã chết. Tôi đã khóc thầm hằng đêm cho đến năm mình tám hoặc chín tuổi gì đó. Gia đình cha mẹ nuôi của tôi bị xáo trộn và cuộc sống gia đình rất khó khăn. Năm tôi 15 tuổi, mẹ nuôi tôi qua đời. Sau đó, tôi tìm thấy trong tủ hồ sơ của cha nuôi một lá thư cũ, có dấu bưu điện Việt Nam.

    Tôi cảm thấy phấn khởi khi nhận ra lá thư đó là từ mẹ tôi. Ngay lập tức, tôi đã viết một lá thư thật dài gửi đến địa chỉ bà ấy cho trong thư, giải thích tôi là ai và hỏi liệu bà Cẩn có còn sống!?

    Ngay sau đó, tôi nhận được một bản fax đơn giản, nói rằng, “Mẹ vẫn còn sống, rất vui khi nghe tin con.”

    Trái tim tôi như vỡ òa khi đọc được những lời của bà ấy. Trong vài năm tiếp theo, tôi trao đổi thư từ với bà ấy và rất vui mừng khi cuối cùng cũng liên lạc được với bà. Nhưng thời gian trôi qua, thư từ trở nên quá nhiều và bà ấy bắt đầu đòi tôi gởi tiền.

    Chỉ mới 15 tuổi, điều đó là quá sức với tôi và tôi đã ngừng trả lời, xé những lá thư và tìm cách tiếp tục cuộc sống của mình. Cho đến nhiều năm sau, lúc tôi cảm thấy sẵn sàng để thử liên lạc lại. Đó là vào năm 2004, khi tôi 34 tuổi, tôi đã không gặp những người trong gia đình ruột thịt của mình cũng đã gần 30 năm.

    Tôi đã quyết định đặt một chuyến bay đến Việt Nam và quyết định gặp mẹ mình. Tôi theo chân một người bạn của gia đình ở thành phố quê tôi, Cần Thơ. Trong vòng 10 phút sau khi hay tin tôi đã về tới Cần Thơ, mẹ tôi đã đến, và tôi đã hồi hộp chờ đợi bà ấy. Tôi nhận ra khuôn mặt của bà ngay lập tức khi bà ấy tiến về phía tôi, khóc nức nở.

    Bà ấy trông giống như khi tôi rời đi. Tôi đã ôm bà thật chặt. Còn bà thì lặp đi lặp lại rằng, “Con đã quay về.”

    Bà đưa tôi đi gặp những người thân của tôi ở Phong Điền, cả làng đã đón tôi về nhà. Nhìn thấy khuôn mặt của họ, những ký ức rời rạc về thời thơ ấu của tôi ở Việt Nam tràn về và tôi nhận ra mình không thể rời đi một lần nữa. Tôi chuyển về sống ở Việt Nam, mua nhà và mời bà Cẩn đến sống cùng tôi. Tôi đã biết các thân nhân trong gia đình mà tôi đã bỏ lại, và thậm chí còn hỗ trợ tài chính cho nhiều người trong số họ.

    Tôi không bao giờ đặt câu hỏi rằng đây có phải là gia đình của tôi? Bởi lẽ tôi không có lý do để bao giờ nghi ngờ. Tôi đã nhận nuôi hai cậu con trai xinh đẹp của tôi, Daniel và Sam vào năm 2007, và rồi sự rạn nứt bắt đầu lộ ra.

    Bà Hương lúc mới qua Úc khoảng năm tuổi (The Mirror)

    Mẹ Cẩn bắt đầu làm phiền tôi vì tiền, và bà ấy trở nên ghen tị với hai đứa con trai của tôi. Vì vậy, sau bốn năm chung sống với tôi, bà bỏ đi và chúng tôi bắt đầu có một khoảng cách từ đó. Mối quan hệ của chúng tôi càng tệ hơn cho đến khi chúng tôi không còn nói chuyện.

    Mười bốn năm sau khi trở về Việt Nam, một ngày nọ, lúc tôi đang tập thể dục tại một phòng gym địa phương thì điện thoại của tôi bắt đầu reo chuông. Tôi đặt điện thoại ở chế độ yên lặng, cho đến khi nhận được một tin nhắn lạ: “Bà Hồ Thị Ích là mẹ thật của bạn.”

    Ngay khi tôi về đến nhà, điện thoại của tôi bắt đầu reo lại. Tôi biết có điều gì đó không ổn, vì vậy tôi đã đưa nó cho em họ của tôi xem giùm.

    Khi em họ tôi cúp máy, cô ấy đã bị sốc và chỉ nói, “Chị không phải là chị họ của em và bà Cẩn, không phải là mẹ của chị.” Đầu óc tôi quay cuồng, không còn cảm giác.

    Tôi gọi cho dì mình ngay lập tức và tra hỏi bà ấy nhiều câu, hỏi bà ấy đã từng thấy bà Cẩn mang thai tôi hay không.

    Khi dì tôi nói không, em họ tôi gọi cho bà Cẩn và khuyên bà ấy thú tội, nói với bà ấy rằng tôi sẽ làm xét nghiệm DNA. Cuối cùng, bà thú nhận.

    Bà kể 48 năm trước, bà đã đưa tôi rời khỏi cha mẹ ruột của tôi. Bà Hồ Thị Ích, một góa phụ có hai đứa con khác, lúc đó đang suýt chết và đề nghị giúp đỡ nên bà Cẩn đã nuôi tôi giùm.

    Nhưng khi bà Ích khỏe lại và hỏi thăm con, không ai có thể nói cho bà biết con gái bà đã đi đâu. Bà Cẩn đã mang tôi trốn đi mất.

    Bà Hương được một gia đình nhận làm con nuôi ở Úc. (The Mirror)

    Tôi đã khóc suốt ba ngày, không phải vì bà Cẩn không phải mẹ của tôi, mà vì sự dối trá và lừa dối. Toàn bộ thế giới của tôi đã sụp đổ. Tất cả mọi thứ tôi nghĩ rằng tôi biết chỉ là một lời nói dối.

    Trong 14 năm qua, người phụ nữ này đã lừa dối tôi, và tôi rất muốn gặp người mẹ thực sự của mình. Trong khi đó, bà Hồ Thị Ích đã mất nhiều năm tìm tôi thông qua các phương tiện khác nhau. Cuối cùng, bà mới có được số điện thoại của tôi.

    Ngày hôm sau bà đã thực hiện một chuyến đi dài bảy tiếng để gặp tôi. Ở tuổi 75, bà trông yếu đuối và nhỏ bé. Bà vuốt tóc tôi và hôn lên mặt tôi một cách nhẹ nhàng.

    “Má rất vui khi được gặp lại con trước khi chết,” bà vừa nói vừa khóc. Bà nói với tôi rằng bà đã tìm kiếm tôi trong nhiều năm, trước khi khám phá ra tôi đã được đưa đến Úc. Bà đã dành gần 50 năm cuộc đời để chờ tôi trở về và bà không bao giờ từ bỏ hy vọng.

    Sau cuộc đoàn tụ đầy cảm động của chúng tôi, tôi trở lại để đối diện với người mẹ giả của mình. Tôi rất tức giận vì bà ấy đã cướp mất 14 năm của tôi với người mẹ thực sự của mình, nhưng bà Cẩn không đưa ra một lời hối lỗi nào.

    Đã gần một năm kể từ khi tôi biết được sự thật và tôi không bao giờ muốn gặp bà Cẩn nữa. Tôi không hiểu tại sao bà ấy đánh cắp tôi, chỉ để năm năm sau đó lại cho tôi đi. Khó hiểu nổi sự lừa dối và phản bội. Nhưng tôi rất sung sướng khi cuối cùng cũng gặp lại mẹ thật của mình. Bà ấy yêu thương hai đứa cháu của mình và thương tôi hơn bất cứ điều gì. Tôi rất biết ơn về điều đó.

    Theo Viendongdaily

  • Sau 14 ngày ở bên bạn gái, khuya ngày 26/9, ông Ken Reesing được bạn gái Thuý Lan tiễn ra sân bay về lại Mỹ. 

    Ông Ken Reesing năm nay 72 tuổi, là cựu binh Mỹ. Năm 1968, ông quen bà Thuý Lan (tên thật là Vũ Thị Vinh) làm phục vụ ở quán bar trong căn cứ Long Bình (Biên Hoà, Đồng Nai) - nơi quân đội Mỹ đóng quân. Cũng tại đây họ yêu nhau. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, khi trở lại Mỹ ông Ken không thực hiện được lời hứa đến Việt Nam gặp bạn gái.

    Họ lạc nhau suốt hơn 50 năm. Suốt thời gian đó, ông Ken tìm bạn gái nhưng không được. Đến tháng 6 vừa qua, câu chuyện ông tìm được bà Thuý Lan làm nhiều người ngưỡng mộ, cảm phục vì tình yêu của người đàn ông Mỹ dành cho mối tình đầu.

    Ngày 26/9, sau hai tuần đến Việt Nam thăm bạn gái, ông Ken phải quay về nước để tiếp tục công việc. Bà Lan cùng người thân làm bữa tiệc nhỏ để chia tay người tình.

    8 giờ tối, bà cùng cháu ngoại, mấy anh em trong gia đình thuê chiếc xe đưa ông Ken ra sân bay Tân Sơn Nhất. Cựu binh Mỹ cho biết, những ngày ở bên bạn gái ông thấy rất tuyệt vời.

    10 giờ khuya, ông Ken cùng gia đình bạn gái có mặt ở sân bay. Sau khi làm thủ tục xong, ông quay trở ra khu vực dành cho thân nhân đưa tiễn chào bạn gái và các anh em bà Lan bằng cái ôm theo kiểu người Mỹ.

    Hai người ở bên nhau trong suốt những ngày ông ở Việt Nam.

    Họ cùng thăm lại những nơi từng đến và cùng nhớ về những kỷ niệm xưa. 

    Nụ hôn chia tay người tình 50 năm của cựu binh Mỹ tại sân bay Tân Sơn Nhất.

    Ông Ken và bà Lan quấn quýt bên nhau không muốn rời.

    Chuyến bay cất cánh vào lúc 23 giờ 15 phút, nhưng 22 giờ 35 ông Ken mới vào trong phòng chờ.

    Ông chia tay những người bạn mới quen tại Việt Nam.

    Hai người nắm tay nhau đến trước cửa sân bay.

    Giây phút phải chia xa, ông nắm chặt tay bạn gái, miệng mỉm cười và không muốn rời đi. Phải đến khi các em bà Thuý Lan nhắc hãy vào trong để không bị trễ chuyến bay ông mới chịu nói lời chào. ‘Nhất định tôi sẽ quay lại Đồng Nai gặp em’, ông Ken nói.

    Hai người vẫn ôm chặt nhau không muốn rời xa mối tình năm cũ.

    Khi ông Ken vào bên trong làm thủ tục check in, bà mới yên tâm. ‘Ông ấy lớn tuổi rồi, đi đường dài lại một mình sẽ vất vả lắm’, bà Lan lo lắng cho người tình. Phải đến khi bạn trai nhắn tin báo đã bước lên máy bay, bà mới cùng cháu ngoại và các em lên xe về lại Biên Hoà, Đồng Nai.

    Bà Lan dõi theo bóng ông Ken đến khi khuất dần. Hai người cũng nghĩ đến chuyện đám cưới nhưng bà Lan cho biết, cứ để từ từ mọi việc ổn định đã, vì chỉ mới gặp lại nhau nên còn nhiều bỡ ngỡ. Bà Lan tâm sự.

    Bà Thúy Lan và ông Ken Reesing thời trẻ.

    Theo Vietnamnet

  • Tha thiết mong tìm lại mẹ ruột người Việt Nam sau 23 năm xa cách, cô gái Bỉ gốc Việt đã nhờ đến sự trợ giúp từ… Google dịch. Tuy vậy, tìm người thân thời công nghệ 4.0 không phải bao giờ cũng hoàn hảo.

    Lauren Herremans có tên khai sinh là Đinh Thị Hồng, sinh ngày 14 tháng 1 năm 1996 tại Phòng Khám Đa khoa khu vực Gia Lâm, Ninh Bình. Cô được một gia đình người Bỉ nhận nuôi từ lúc 3 tháng tuổi và sinh sống ở nước ngoài từ đó đến nay. Cô bắt đầu hành trình đi tìm mẹ ruột.

    Dòng địa chỉ và cái tên giả

    Theo những giấy tờ mà cha mẹ nuôi của Lauren còn giữ thì trong giấy khai sinh của cô, mẹ ruột cô tên là Đinh Thị Phúc và bà sinh Lauren lúc bà 20 tuổi, chưa kết hôn. Theo biên bản xác nhận trẻ em bị bỏ rơi, bà Phúc sinh con vào khoảng 20 giờ ngày 14.1.1996 và sáng hôm sau, bà Phúc để lại đứa bé ở phòng khám, không đến nhận lại.

    Giấy khai sinh của Lauren với cái tên Đinh Thị Hồng - Ảnh: NVCC

    Phòng khám/ bệnh viện đa khoa Gia Lâm đã cử người đi xác minh nhưng địa chỉ Xóm Lội, xã Lạc Vân, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Binh do bà Phúc để lại nhưng không tìm thấy. Cái tên Đinh Thị Hồng trong giấy khai sinh của Lauren cũng là do bệnh viện đặt cho cô.

    Ngoài một số thông tin ít ỏi mà mẹ để lại, Lauren đi tìm mẹ ruột không có thêm bất kỳ thông tin nào về bố mình. Dù địa chỉ mẹ cô để lại không đúng và có thể cái tên Đinh Thị Phúc của bà cũng là giả nhưng Lauren vẫn nuôi hy vọng mẹ cô có thể thực sự đã và đang sinh sống đâu đó ở khu vực Nho Quan, Ninh Bình.

    Biên bản xác định trẻ em bị bỏ rơi do bệnh viện lập - Ảnh: NVCC

    Tha thiết muốn tìm mẹ ruột, Lauren đã chia sẻ câu chuyện của mình lên Facebook. Để nhiều người Việt Nam có thể hiểu hoàn cảnh của mình, Lauren nhờ đến Google dịch vì không rành tiếng Việt. Tuy vậy, tìm người thân thời công nghệ 4.0 không phải bao giờ cũng hoàn hảo. Bản dịch tìm mẹ của Lauren dù lủng củng và có những lỗi ngữ pháp khó hiểu nhưng những thông tin quan trọng nhất được Google dịch trợ giúp lại khá chính xác. Rất nhiều người đã chia sẻ câu chuyện của Lauren và cầu chúc cô sớm tìm thấy mẹ.

    Bản dịch với những lỗi cười ra nước mắt của Google - Ảnh: NVCC

    "Tôi từng nghĩ ba mẹ ruột của mình đã chết"

    Lúc còn nhỏ, tôi không hề biết mình là con nuôi. Ba mẹ nuôi đối xử với tôi và em trai hoàn toàn giống nhau, không có bất kỳ khác biệt nào. Khi tôi bắt đầu học tiểu học, bạn bè hỏi tôi rằng tôi có phải người Trung Quốc không, tôi có phải con nuôi không và tôi không hiểu sao họ lại hỏi như thế. Khi tôi nói về vấn đề này với ba mẹ nuôi, họ bảo rằng mẹ ruột của tôi không đủ điều kiện để chăm sóc nên đã để tôi đến một nơi tốt đẹp hơn và thú thật, lúc đó tôi chẳng hiểu điều này có ý nghĩa gì, có lúc tôi còn nghĩ họ đã chết", Lauren đi tim mẹ ruột, chia sẻ.

    Lauren vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm tiểu học ở Bỉ - Ảnh: NVCC

    Hiện tại, Lauren đã là một thiếu nữ xinh đẹp và có năng khiếu nghệ thuật. Cô vừa tốt nghiệp đại học Odisee Brussels (ở Bỉ) chuyên ngành sư phạm tiểu học và hiện tại đang học lên thạc sĩ chuyên ngành tâm lý học. Với Lauren, cuộc sống ở Bỉ của cô trong suốt 23 năm qua thực sự là may mắn quá lớn khi cô có ba mẹ nuôi yêu thương, được tạo đầy đủ điều kiện để học tập và phát huy hết năng khiếu nghệ thuật. Nhưng tất cả tình yêu thương và vật chất đó vẫn chưa đủ để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn của cô gái gốc Việt đi tìm mẹ ruột.

    "Năm 2011, cô giáo của chúng tôi giao bài tập viết về những đặc điểm, tính cách, năng khiếu mà chúng tôi được thừa hưởng từ ba mẹ. Tôi biết mình có năng khiếu vẽ, hát, chơi đàn và học ngoại ngữ nhưng tôi không biết mình thừa hưởng nó từ ai. Và khi các bạn xung quanh bắt đầu viết về họ, tôi đã bật khóc. Khoảnh khắc đó thôi thúc tôi phải tìm bằng được mẹ ruột của mình.

    Tôi từng nghe nói rằng ở các nước châu Á, việc có con lúc chưa kết hôn là một điều xấu hổ. Tôi nghĩ rằng mẹ ruột của tôi thật dũng cảm khi đã lựa chọn mang thai tôi 9 tháng bất chấp mọi chỉ trích; dũng cảm khi dám rời bỏ tôi để mang đến cho tôi cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ đó là lựa chọn khó khăn nhưng là lựa chọn tốt nhất mà bà ấy có ở thời điểm đó". Lauren tâm sự.

    "Mẹ đừng sợ con giận hay trách móc mẹ"

    Sau 23 năm sinh sống ở Bỉ, sắp tới Lauren sẽ có lần đầu tiên trở lại Việt Nam. Đây cũng là chuyến đi mà Lauren mong muốn sẽ tìm được mẹ ruột của mình.

    "Tôi hoàn toàn cảm thông nếu mẹ sợ gặp lại tôi. Có thể vì bà ấy nghĩ tôi sẽ giận hoặc bà ấy sợ gia đình chồng hiện tại của bà ấy sẽ không thích điều đó. Nhưng tôi tin rằng tình yêu sẽ dẫn lối cho tôi tìm được bà ấy. Tôi chưa bao giờ giận, ghét hay trách móc mẹ. Tôi tin rằng mẹ rời bỏ mình chỉ vì bà không còn sự lựa chọn nào khác. Chưa có một ngày nào mà tôi không nghĩ đến bà ấy.

    Bạn đọc nếu có bất kỳ thông tin nào có thể liên lạc trực tiếp với lauren qua email: lau.herremans@gmail.com để giúp Lauren (Đinh Thị Hồng) sớm tìm được mẹ ruột.

    "Nếu gặp lại mẹ tôi muốn biết mẹ sống như thế nào trong những năm chúng tôi xa cách? Mẹ có nghĩ đến tôi vào ngày sinh nhật tôi không? Mẹ có bao giờ tưởng tượng đến ngày gặp lại tôi không? Tôi có anh chị em không và gia đình hiện tại của mẹ có biết đến sự tồn tại của tôi không? Tất cả những câu hỏi đó chỉ có mẹ mới giải đáp được. Và chuyến trở lại Việt Nam sắp tới sẽ là khởi đầu cho hành trình đi tìm câu trả lời của tôi", cô gái Bỉ gốc Việt đi tìm mẹ ruột tâm sự.

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • Một gia đình người tị nạn Việt Nam định cư ở Anh vừa được hội ngộ vị thuyền trưởng đã giải cứu họ ở Biển Đông 40 năm trước.

    Linh Thị Thùy Spear cùng cha mẹ và ba anh em trai của bà là 6 trong số 1.003 người có mặt trên hai chiếc thuyền đánh cá được con tàu SS Sibonga cứu lên vào tháng 5 năm 1979.

    ''Tôi phải cảm ơn rất nhiều người'', chị Linh Thị Thùy Spear chia sẻ.

    Bà Spear, hiện đang sống ở Somerset, cho biết họ "bị lạc trên biển nhiều ngày" và "may mắn" được giải cứu. Giờ đây, họ đã được gặp lại Thuyền trưởng Healey Martin để cảm ơn ông vì đã cứu mạng họ.

    Bà Spear lên bảy tuổi khi bà và gia đình, đến từ thành phố Hồ Chí Minh, rời khỏi Việt Nam sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.

    Cuộc khủng hoảng tị nạn leo thang khi Trung Quốc xâm chiếm đất nước vào năm 1979 và hàng trăm ngàn "thuyền nhân" đã liều mạng tìm cách thoát khỏi cuộc xung đột.

    Gia đình họ bị nhồi nhét giữa hàng trăm người tị nạn trên một chiếc thuyền mỏng manh mà không có thức ăn hoặc nước uống. Bà Trinh Le, mẹ của bà Spear, mô tả đó là một trải nghiệm "đáng sợ, đau buồn và khủng khiếp".

    Vượt biên là ký ức đáng sợ đối với tất cả các thuyền nhân.

    Trả lời phỏng vấn của BBC vào thời điểm đó, ông Martin nói: "Tôi nghĩ rằng rất nhiều trẻ em đã chết trong vòng khoảng 48 giờ. Khi được chúng tôi đưa lên máy bay, một vài em đã bất tỉnh và hoàn toàn kiệt sức."

    Ông Martin, hiện đã ngoài 80 tuổi, sống tại một viện dưỡng lão ở Dungannon, Bắc Ireland.

    Bà Spear và gia đình, cùng với những người tị nạn khác, đã bay tới Bắc Ireland thăm nom và cảm ơn vị ân nhân của mình nhân kỷ niệm 40 năm ngày được giải cứu.

    Bà nói khi gặp lại vị cựu thuyền trưởng, ông Martin vẫn "rất minh mẫn" và "nhớ được rất nhiều chi tiết".

    "Cảm xúc đầu tiên của tôi khi nhìn thấy ông ấy giữa tất cả những người ở đó là vô cùng xúc động," bà nói.

    "Chúng tôi xem ông ấy như người nhà và nói lời cảm ơn. Tôi muốn ông ấy được nhìn thấy di sản của mình - rằng ông ấy đã giúp đỡ và mang đến những khởi đầu mới cho rất nhiều người."

    Tuấn Le, em trai của bà Spear, mới chỉ bốn tháng tuổi tại thời điểm được giải cứu, nói thêm: "Chúng tôi muốn đền đáp cơ hội chúng tôi nhận được."

    Vị thuyền trưởng đã cứu sống đứa bé 4 tháng tuổi và rất nhiều người khác.

    Ông Martin cảm ơn tất cả mọi người đã đến thăm ông và nói: "Tôi rất vui vì các bạn đã rất thành công và vì các bạn đã di chuyển đường xa đến vậy để tới đây.

    "Các bạn đều đã làm rất tốt, chúng ta có bác sĩ, bác sĩ phẫu thuật, kế toán viên, nhà hóa học và tôi nghĩ đó đều là những con người tuyệt vời."

    VietHome (Theo BBC)

  • Người mẹ Trung Quốc đoàn tụ với cậu con trai bị bắt cóc cách đây hai thập kỷ, sau khi các thám tử sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt tiên tiến để truy tìm cậu sinh viên từ tấm ảnh chụp lúc 5 tháng tuổi.

    Wang Hua, đến từ Thâm Quyến, Quảng Đông, vô cùng đau buồn khi người thuê nhà họ Zhou âm mưu cùng những kẻ buôn bán trẻ em để bắt cóc đứa con mới sinh của cô vào tháng 5/1999.

    Trong nhiều năm, cô và chồng đã đi khắp đất nước trong tuyệt vọng, tìm kiếm đứa con trai mất tích. Cô nói: “Tôi luôn mang theo những bức ảnh chụp con trai mình trong suốt 20 năm, hỏi thăm mọi người về nó ở bất cứ nơi nào chúng tôi đến”.

    Suốt 20 năm, người mẹ vẫn luôn đem theo những tấm ảnh kỷ niệm bên mình để hỏi thăm tin tức về con trai.

    Mặc dù cảnh sát đã bắt được Zhou và đồng bọn, họ không thể truy tìm tung tích của cậu bé. Vì thế, Wang và chồng cô đã cung cấp những bức ảnh của chính họ, cũng như của đứa con trai lúc nhỏ để đưa vào hệ thống nhận dạng khuôn mặt.

    Đáng chú ý, phần mềm nhận diện khuôn mặt mới của cảnh sát có khả năng sàng lọc số lượng lớn dữ liệu đang quản lý, nhằm chọn ra đối tượng phù hợp với hình ảnh bé Wang. Kết quả chỉ đến một sinh viên sống cách đó vài km, cũng ở tỉnh Quảng Đông.

    Suốt 20 năm, người mẹ vẫn luôn đem theo những tấm ảnh kỷ niệm bên mình để hỏi thăm tin tức về con trai.

    Xét nghiệm DNA đã xác nhận chàng trai 20 tuổi này là con ruột của Wang Hua, và cặp đôi vừa đoàn tụ vào thứ Tư 24/7. Chàng sinh viên đại học nói rằng cuộc hội ngộ 'rất xúc động', nhưng thừa nhận anh cảm thấy vô cùng 'bối rối trong lòng'.

    Gia đình họ cuối cùng đã được đoàn tụ.
    Nhờ công nghệ nhận diện khuôn mặt và xác định gen, cuối cùng người mẹ cũng tìm được con trai sau hai thập kỷ chờ mong.

    Năm 2018, cảnh sát phát hiện người phụ nữ tên Zhou, nghi phạm chính, ở thành phố Urumqi, thuộc vùng Tân Cương xa xôi.

    Zhou và năm kẻ bắt cóc đã bị theo dõi và bắt giữ sau khi bán cậu bé với giá tương đương 1.450 USD. Cha mẹ nuôi hoàn toàn không nhận thức được hoàn cảnh nghiệt ngã về nguồn gốc của cậu bé.

    Bị bắt cóc hơn 20 năm tìm lại được cha mẹ nhờ phần mềm nhận diện khuôn mặt

    Anh Fu Gui (33 tuổi) đã liên lạc lại với bố mẹ đẻ vào hôm 1/4 sau khi sử dụng 'Baby come home', một trang web của Trung Quốc giúp đỡ tìm kiếm trẻ em thất lạc.

    Anh Fu Gui nói chuyện qua mạng với bố mẹ đẻ.

    Theo People's Daily, cha của Fu Gui, ông Fu Guangyou và các thành viên trong gia đình đã không ngừng tìm kiếm Fu Gui trong suốt 27 năm qua. Ông Guangyou nhớ lại, Fu Gui sinh ra ở Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, vào năm 1984 và mất tích vào năm 1990.

    Để tìm con trai mình, người đàn ông này đã tải thông tin của Fu Gui lên Baby come homevà đính kèm ảnh Gui khi còn nhỏ. Trong năm 2009, Gui cũng đi tìm kiếm gia đình thực sự của mình và đăng một bức ảnh thời thơ ấu lên cùng trang web đó.

    Cha Gui gửi ảnh con trai lúc 4 tuổi (trái) lên mạng, còn anh Gui thì đăng bức ảnh khi anh 10 tuổi (phải) lên mạng.

    Tuy nhiên Fu Gui đã được cha mẹ nuôi đổi tên thành Hu Kui. Trong hồ sơ của mình, Hu Kui khai sinh năm 1986 và bị lạc mất bố mẹ năm 1991. Vì vậy mà mất cả thời gian dài hai bên vẫn không tìm thấy nhau.

    Cho đến khi Baby come home sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Baidu thì số phận mới mỉm cười với Fu Gui và gia đình anh. Với sự trợ giúp của công nghệ AI, Baby Come Home có thể phân tích nhanh 60.000 hình ảnh trong cơ sở dữ liệu.

    Các bước phân tích, nhận dạng khuôn mặt của Baby come home.

    Trước tiên hệ thống sẽ so sánh các khuôn mặt, sau đó chọn ra 30 hồ sơ phù hợp nhất với nhận dạng. Trong trường hợp của Fu Gui, hình ảnh thời thơ ấu của anh được chọn bởi hệ thống cho rằng đó là một trong số 30 hồ sơ gần giống Hu Kui nhất. "Từ lần đầu xem hồ sơ của Fu Gui, chúng tôi đã có cảm giác đó có thể chính là anh ấy. Họ không chỉ trông giống nhau trên ảnh mà tên cũng na ná", một nhân viên của Baby come home cho biết.

    Một cuộc xét nghiệm ADN được tiến hành vào ngày 1/4 để so sánh thông tin sinh học của Fu Gui và bố mẹ, kết quả cho thấy họ có quan hệ huyết thống. Sự đoàn tụ của Fu Gui và cha mẹ đánh dấu trường hợp đầu tiên ở Trung Quốc mà gia đình có thể tìm được con thất lạc nhờ sự trợ giúp của công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

    Cha của Fu Gui, mặc áo đen đứng phía sau đã mong chờ ngày này suốt 27 năm qua.

    Hệ thống này đang trở thành niềm hy vọng mới cho Trung Quốc, nơi có hàng triệu trẻ em bị bắt cóc.

    Viethome (theo Ngôi sao/Báo Phụ nữ)

  • Bị bắt cóc từ năm 3 tuổi và phải sống dưới một cái tên khác nhưng người phụ nữ chưa một ngày nào nguôi nỗi nhớ gia đình thật của mình.

    Tháng 2/1989, cô con gái 3 tuổi của ông Tang Weiqi và bà Tang Shuqin đã bị bắt cóc một cách bí ẩn tại thị trấn Sihushan, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Suốt 3 thập kỷ sau đó, cặp vợ chồng vẫn còn đau đớn và mong mỏi tìm được đứa con. Năm 2007, một tổ chức phi lợi nhuận có tên Baby Back Home đã tiến hành tìm kiếm những đứa trẻ bị mất tích, giúp hơn 2.000 trẻ em tìm được gia đình, trong đó có trường hợp của gia đình ông bà Tang.

    Vào thời điểm con gái của ông bà Tang mất tích, nghi phạm chính được cho là một người đàn ông họ Hu, 68 tuổi, làm việc tại trang trại của gia đình Tang trong hơn một tháng để xay dựng ao cá. Người đàn ông này đã dẫn hai đứa con gái của ông bà Tang đi ăn đám cưới nhưng chỉ có bé gái 3 tuổi đồng ý đi cùng, sau đó thì mất tích. 

    Người phụ nữ đoàn tụ với bố mẹ sau 30 năm xa cách.

    Bà Tang Shuqin chia sẻ: "Lúc bị bắt cóc, con bé mặc một chiếc yếm và bím tóc hai bên. Mất con khiến cả thế giới của tôi như sụp đổ. Tôi đã không rời khỏi nhà suốt 15 tháng và dành cả ngày ngồi trong nhà, nhìn vào những bộ quần áo mà con gái tôi đã mặc".

    Về phía cô con gái, sau khi bị bắt cóc, cô đã bị bán cho một gia đình cách nhà mình hơn 480 km và sống dưới một cái tên mới là Wang Shanshan. Ngay từ nhỏ, Shanshan đã biết mình được nhận nuôi vì bố mẹ nuôi đã nói với cô sự thật. Tuy nhiên, Shanshan không biết rõ rằng mình bị bỏ rơi hay bị bắt cóc.

    Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt.

    Shanshan nói rằng bố mẹ nuôi đối xử với cô rất tốt. Cô cũng hòa thuận với các anh chị em trong nhà nhưng cảm giác là một đứa con nuôi sống trong một gia đình xa lạ luôn khiến cô bị mặc cảm và sợ hãi. "Tôi luôn mơ ước được trở về nhà với bố mẹ ruột của mình nhưng không thể nhớ nổi mặt mũi họ trông như thế nào", Shanshan nói.

    Việc tìm kiếm bố mẹ ruột của Shanshan bắt đầu từ năm 2009, sau khi cô đọc được một bài báo nói về việc một gia đình được đoàn tụ với đứa con mất tích 20 năm. Shanshan đã tìm đến tổ chức Baby Back Home để được giúp đỡ, đồng thời đi sang các tỉnh lân cận để tìm bố mẹ. 

    Shanshan nhớ lại: "Tôi đã đưa mẫu ADN của mình cho chính quyền tới 3 lần nhưng cảnh sát vẫn bảo tôi phải kiên nhẫn. Tôi vô cùng mong muốn tìm lại bố mẹ ruột dù biết hy vọng là rất nhỏ nhoi".

    Sự kiên trì của cô Shanshan đã được đáp trả.

    Tới tháng 5/2019, các nhà điều tra đã tìm thấy mẫu ADN của cô Shanshan trùng khớp với một cặp vợ chồng bị mất con gái 30 năm trước. Đó chính là ông bà Tang. Cặp vợ chồng này cũng đã gửi mẫu ADN của mình để tìm kiếm con gái.

    "Vào ngày 5/7, cảnh sát thông báo với tôi rằng tuần sau tôi có thể gặp bố mẹ. Tôi đã gần như không ngủ suốt một tuần. Trong suốt 30 năm qua, tôi đã không hề đặt chân đến tỉnh Hồ Nam, thậm chí không còn bất cứ ký ức nào về bố mẹ mình", Shanshan chia sẻ.

    Những nghi phạm trong vụ bắt cóc 30 năm trước bị bắt giữ.

    Hôm 11/7 vừa qua, cô Shanshan đã được gặp lại bố mẹ ruột của mình. Cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt sau 30 năm xa cách của cặp vợ chồng già với đứa con gái khiến bất cứ ai có mặt ở đó đều xúc động, nghẹn ngào. Cô Shanshan đã bật khóc nức nở, ôm chặt lấy mẹ mình rồi nói: "Mẹ ơi, con đã không ngừng tìm mẹ suốt 30 năm". Giờ đây, cô Shanshan đã có gia đình riêng với hai đứa con nhỏ và cô hiểu rõ hơn hết về tình mẫu tử ruột thịt.

    Theo thông tin từ cảnh sát, từ ngày 8 đến ngày 13/5/2019, họ đã bắt giữ 3 nghi phạm nam và một nghi phạm nữ có vai trò trung gian trong việc buôn bán cô Shanshan. Tuy nhiên, nghi phạm chính cũng là kẻ đã trực tiếp bắt cóc cô Shanshan vẫn chưa bị bắt do sự việc đã xảy ra quá lâu, không còn thông tin chính xác.

    Viethome (theo Khám phá)

  • Vậy là sau gần 2 thập kỷ đi tìm nhau, 4 anh em đã có một cái kết viên mãn nhờ sức mạnh kết nối không tưởng của mạng xã hội.

    Anastasiya Lubichenko, Ivan Telbezekov, Uriy Lubichenko và Maxim là 4 anh em ruột được sinh ra tại Nga vào những năm 1980 và 1990. Khi mẹ đẻ của họ qua đời, 4 đứa trẻ không nơi nương tựa được gửi đến trại trẻ mồ côi.

    Thế nhưng, một biến cố xảy ra khi có gia đình người New Zealand muốn nhận cậu em út Maxim làm con nuôi. Điều đó đồng nghĩa với việc cậu bé phải theo cha mẹ nuôi về tận một nơi xa xôi khác sinh sống. Cả 4 anh chị em khi đó còn quá nhỏ để ý thức được sự chia cắt như vậy. Khi trưởng thành, 3 anh chị Anastasiya, Ivan và Uriy mong muốn được gặp lại em trai nhỏ của mình nhưng họ không biết phải bắt đầu từ đâu...

    Hình ảnh Anastasiya, Ivan và Uriy khi còn nhỏ, lúc này Maxim đã được đưa đến một nơi khác.

    Thế rồi, tình cờ họ biết trang Facebook có tên "Tôi đã được nhận nuôi" do chàng thanh niên cũng là con nuôi của gia đình người New Zealand, Alex Gilbert, 27 tuổi, lập ra với mục đích kết nối những người con có gốc Nga và được đưa về New Zealand sống.

    Vậy là Anastasiya (hiện 31 tuổi), Ivan (28 tuổi) và Uriy (30 tuổi) đã liên lạc với Alex để nhờ giúp đỡ.

    Ivan Telbezekov, 28 tuổi, Anastasiya Lubichenko, 31 tuổi, Uriy Lubichenko, 30 tuổi.

    Anastasiya viết trong bài đăng trên nhóm Facebook: "Mẹ của chúng tôi bị bệnh nặng và qua đời. Thật không may, tôi còn quá nhỏ và không thể chăm sóc các em của mình. Vì lý do này, anh em chúng tôi được đưa vào một trại trẻ mồ côi. Tôi có thông tin rằng vào năm 2002, em trai út của tôi Maxim đã được một gia đình từ New Zealand nhận nuôi. Xin hãy giúp tôi tìm em trai! Tôi muốn được nói đôi lời với em và muốn biết rằng liệu em có đang sống ổn định, hạnh phúc. Tôi muốn nói với Maxim rằng em còn có chị gái và cả 2 anh trai nữa".

    Biết được câu chuyện của 4 anh em, Alex Gilbert đã hết lòng giúp đỡ để họ nhanh chóng tìm được người em trai thất lạc của mình.

    Alex kể: "Tôi đã tự mình tìm được gia đình ở Nga. Sau khi gặp họ, tôi đã nảy ra ý định lập trang Facebook "Tôi đã được nhận nuôi" để giúp những người khác kết nối và chia sẻ câu chuyện của họ. Biết đâu đấy, một chi tiết nhỏ cũng sẽ vô cùng có ích. Anastasiya đã liên lạc với tôi vào ngày 30 tháng 7. Tôi đã chia sẻ câu chuyện rồi nhưng sau đó lại muốn đích thân giúp đỡ. Vì vậy, tôi liên hệ với cơ quan nhận con nuôi và họ xác nhận Maxim đang sống ở Auckland, New Zealand. Họ nói chuyện riêng với anh ấy và Maxim đồng ý nói chuyện với tôi. Tôi đã gọi cho Maxim để giải thích rằng có 3 người ở Nga đang tìm kiếm anh ấy. Tôi đã nhận được rất nhiều lời cảm ơn chân thành từ họ, chính Maxim còn không thể tin được vào những chuyện đã xảy ra".

    Alex là người có công lớn giúp 4 anh chị em tìm thấy nhau.

    Maxim chia sẻ với Daily Mail rằng anh biết mình có anh chị và thường tự hỏi họ đang làm gì nhưng anh cảm thấy quá bế tắc trong việc tìm kiếm họ và cũng không biết phải bắt đầu từ đâu.

    "Tôi rất biết ơn rằng anh chị vẫn được ở cạnh nhau và cố gắng tìm kiếm tôi suốt thời gian qua. Cảm giác thực sự tuyệt vời khi biết anh chị của tôi là ai và được xem hình ảnh của họ. Tôi biết họ đã luôn quan tâm và nghĩ về tôi", Maxim nói.

    Hình ảnh Maxim lúc nhỏ và hiện tại.

    Maxim hiện đang lên kế hoạch trở về quê hương ở Nga để gặp chị gái và 2 anh của mình, nhưng trước mắt anh phải học ngôn ngữ và sẽ làm quen với họ qua mạng xã hội trong thời gian này.

    Viethome (theo Helino)

  • Gặp nhau, chỉ ‘liếc mắt đưa tình’ với cô gái khi đó 17 tuổi nhưng ông Ken Reesing (cựu binh Mỹ) mãi chôn chặt trong tim.

     

    Trước đó, trong lá thư đăng tìm lại bạn gái, ông viết: ‘Xin chào, tôi là Ken Reesing (cựu binh Mỹ), từng đóng quân tại căn cứ Long Bình (Biên Hòa, Đồng Nai) năm 1969. Tại đây, tôi đã quen và yêu một cô gái tên Thúy Lan. Khi đó, cô ấy làm việc tại EM Club trong căn cứ Long Bình.

    Bây giờ, cô ấy có lẽ khoảng 70 tuổi. Tôi chưa bao giờ ngừng nghĩ về cô ấy. Tôi đã hứa với cô ấy sẽ quay trở lại nhưng vì nhiều lý do tôi đã không. Tôi muốn tìm lại cô gái ấy, người luôn hiện hữu trong trái tim tôi, chỉ để biết, cô ấy có còn sống và hạnh phúc không thôi. Tôi sẽ không xen vào cuộc sống của cô ấy’.

    Bà Thúy Lan năm 17 tuổi. Ảnh: NVCC.

    Sau khi được cộng đồng mạng chia sẻ, ông Ken đã tìm được bà Thúy Lan, tên khai sinh là Vũ Thị Vinh, hiện sống tại căn nhà cấp bốn thuộc con hẻm nhỏ ở đường Phan Đình Phùng, phường Thanh Bình, Biên Hòa, Đồng Nai. Hằng ngày, bà cùng con gái mưu sinh bằng nghề bán cháo trắng.

    Sáng ngày 5/7, bà Thúy Lan ở nhà trông cháu ngoại để con gái đi chợ mua đồ chuẩn bị đồ bán cho buổi chiều. Tranh thủ lúc cháu ngủ, bà ngồi nhớ lại câu chuyện của mình 50 năm trước.

    Bố mẹ bà sinh 7 người con nên kinh tế khó khăn. Bà chỉ học đến lớp 5 là nghỉ. 15 tuổi, bà vào căn cứ quân sự Long Bình làm tạp vụ. Hai năm sau, bà làm tiếp viên cho EM Club của căn cứ.

    Ông Ken khi đó 22 tuổi, mới sang Việt Nam nhập ngũ được một thời gian. Những lần đến EM Club chơi, ông để ý cô gái người Việt có mái tóc đen, đôi mắt to, làm việc chăm chỉ và lém lỉnh. ‘Lúc đó, tôi được nhiều người để ý, nhưng tôi chỉ thích ông ấy. Thích, nhưng chúng tôi chỉ ‘liếc nhìn nhau’ khi gặp chứ chưa có gì cả’, người phụ nữ sinh năm 1952 hồi tưởng về quá khứ và cho biết, ông Ken là mối tình đầu của bà.

    Ông Ken hồi còn trẻ. Ảnh: Người Đồng Nai.

    Quen nhau khoảng một năm, ông Ken xuất ngũ về nước. Sau đó, hai ông bà viết thư hỏi thăm nhau. ‘Ông ấy viết thư nhờ bạn trong căn cứ đưa cho tôi. Tôi cũng lấy địa chỉ của căn cứ để gửi thư chứ không cho địa chỉ nơi ở’, bà Thúy Lan giải thích lý do ông Ken phải mất nhiều năm tìm kiếm, vì không biết nơi bà đang ở.

    Khi Mỹ rút quân khỏi căn cứ Long Bình, ông bà không thể viết thư cho nhau nữa. Mẹ bà Lan mang những lá thư và hình ảnh của ông Ken gửi cho con gái đốt hết. Từ đó, bà không còn nhớ gì về mối tình đầu của mình nữa.

    Năm 1984, bà lấy chồng. Hai năm sau, bà sinh con gái. Vì hôn nhân không hạnh phúc, vợ chồng bà chia tay. ‘Tôi với ông ấy quen rồi về sống chung chứ không làm đám cưới, đăng ký kết hôn’, người mẹ một con nói. Sau đó, bà ở vậy nuôi con bằng nghề bán cháo trắng từ năm 1993 đến nay.

    Bà Thúy Lan hồi còn trẻ. Ảnh: NVCC.

    Khi xem hình ông Ken đăng tìm bạn gái, thấy cô gái trong hình giống bà Thúy Lan, mấy người hàng xóm báo cho bà biết. Ban đầu, bà bất ngờ, nghĩ người ta bị nhầm. ‘Tất cả hình ảnh, thư từ, mẹ tôi đốt hết rồi. Tôi đâu còn tấm hình nào của mình ngày xưa nữa’, người phụ nữ quê gốc Hải Dương nghĩ. 

    Bà cho biết, lúc đó, bà cũng nghĩ về chàng trai người Mỹ mà mình yêu thầm năm xưa, nhưng không chắc, vì bà chỉ nhớ mỗi tên ông. Các thông tin như: họ, nơi ở, ông bao nhiêu tuổi bà không nhớ nữa. 

    ‘Hơn 50 năm rồi, biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra’, bà nghi ngờ. Tuy nhiên, con gái và các cháu bà vẫn liên lạc với người đăng tin. Họ nghĩ, biết đâu là định mệnh giúp bà Thúy Lan có thể gặp được người bà yêu năm xưa.

    Ngày 9/6, nhà báo Robert đến nhà bà Thúy Lan xác minh thông tin giúp ông Ken. Được xem lại một lần nữa những tấm ảnh về cô gái giống mình hồi trẻ, kèm sau ảnh là chữ viết và ký tên mình, bà Thúy Lan vẫn không tin. 

    Người phụ nữ năm nay 67 tuổi cho biết, tới đây, khi gặp ông Ken bà mong hai người sẽ có một mối quan hệ tốt. Ảnh: T.A.

    Đúng lúc đó, người em dâu của bà cho biết, còn giữ những tấm hình của chị chồng ngày trẻ nên mang ra đối chiếu. Ở Mỹ, ông Ken gọi video cho nhà báo Robert để đưa ra những tấm hình của ông khi còn trẻ và những tấm hình bà Thúy Lan đã gửi qua. Sau khi xem hình, nghe ông Ken nhắc lại chuyện cũ, bà Thúy Lan mới tin mình là người mà ông Ken tìm kiếm bấy lâu.

    ‘Hơn 50 năm rồi, tôi không ngờ, ông ấy còn nhớ tôi. Những tấm hình tôi gửi qua, ông ấy vẫn giữ, không rách, úa màu. Tôi rất bất ngờ và xúc động’, bà Thúy Lan nói, giọng hạnh phúc. Còn ông Ken giải thích, vì còn yêu, nhớ ánh mắt của cô gái Việt nhìn mình năm xưa nên luôn mong gặp lại.

    Từ đó, cứ 8 giờ tối (giờ Việt Nam) mỗi ngày, hai ông bà lại gọi video nói chuyện với nhau. Với vốn tiếng Anh từ thời con gái, bà không cần phiên dịch. Bà Thúy Lan cũng được các cháu chỉ cho cách nhắn tin trên điện thoại để có thể nói chuyện với ông Ken nhiều hơn.

    ‘Ban đầu, chúng tôi nói chuyện ngượng ngạo lắm. Giờ quen rồi, ngày nào chúng tôi cũng gọi cho nhau, kể về chuyện ngày xưa, ngày hôm nay làm gì, đi đâu, gặp ai’, bà Thúy Lan kể.

    Bà cũng cho biết, tháng 9 tới đây, ông Ken sẽ đến Biên Hòa, Đồng Nai thăm bà. Lúc đó, hai ông bà sẽ nói chuyện nhiều hơn.

    Nhà báo Robert cho biết, trước đây, ông Ken từng đăng thông tin, nhờ các tổ chức tìm bà Thúy Lan giúp nhưng không được. Lúc đó, ông nghĩ bạn gái đang ở căn cứ Long Bình nên không ai biết. Sau đó, đọc được các thông tin về căn cứ Long Bình đã thay đổi rất nhiều so với xưa, ông chuyển sang tìm ở địa bàn rộng hơn.

    Bà Thúy Lan cho biết, tới đây, khi ông Ken sang Việt Nam, bà sẽ đến sân bay Tân Sơn Nhất đón ông. Sau đó, hai người sẽ cùng đi du lịch, thăm căn cứ Long Bình ngày nay, các danh lam thắng cảnh trong nước. 'Trước tiên, chúng tôi sẽ gặp nhau như hai người bạn. Mọi chuyện, sau đó sẽ tùy theo diễn biến tiếp', bà Thúy Lan nói và mong đến ngày được gặp người đàn ông mình từng yêu.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Trước chuyến đi băng qua nước Pháp để sang Anh, ông Hải gọi cú điện thoại cuối cùng về nhà, nhưng từ đó bặt vô âm tín.

    "Ba ơi, 13 năm qua ba ở đâu. Ba có còn tồn tại đâu đó trên cuộc đời này không. Mọi người vẫn đồn nhau ba mất rồi, đừng tìm kiếm ba nữa, nhưng hôm qua trong giấc ngủ, con lại thấy ba. Con thấy ba trở về với chiếc ba lô sờn cũ. Ba ôm lấy con, rồi hai ba con mình cùng khóc...

    Ông Phạm Văn Hải (bên phải) chụp ảnh cùng một người bạn. Ông mất tích ở địa phận nước Pháp, khi đang đi xe từ Đức sang Anh năm 2006. Ảnh: T.V.

    Trái tim con mách bảo rằng ba vẫn còn, ba vẫn cười, ba vẫn tồn tại, chỉ là ba đang ở một nơi nào đó không có con, không có mẹ, không có anh chị, không có họ hàng. Dù là một tia hy vọng nhỏ nhoi, con và anh chị sẽ không bỏ cuộc".

    Đó là những dòng chia sẻ của Phạm Thành Vinh, 24 tuổi, phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, Nghệ An, trong bức thư đăng tải mới đây. Ông Phạm Văn Hải, bố anh, sinh năm 1963, đã mất tích 13 năm trước trên chuyến xe xuyên nước Pháp.

    Từ đó đến nay, nhà Vinh đã đăng hàng trăm mẩu tin trên các page cộng đồng người Việt ở nước ngoài hy vọng có thông tin về ông, nhưng như "mò kim đáy bể".

    Ông Hải đi theo một đường dây sang Đức làm ăn năm 2002, sau nhiều năm ở nhà buôn cá nhưng không dư dả. Bốn năm làm xây dựng ở một công trường gần Berlin, ông cũng gửi được tiền về cho vợ mình, trả gần hết số nợ lo cho ông đi, ước chừng 3.000 đôla.

    Kinh tế dần trở nên khó khăn, ông Hải quyết định tìm cơ hội mới. Một đêm tháng 3/2006, ông lên chuyến xe tải vượt biên từ Đức sang Anh, cùng với 5 người Việt khác, tất cả ngồi sau thùng xe. Nếu trót lọt, xe sẽ tới nơi sau khoảng 6 tiếng.

    Hình ảnh của ông Phạm Văn Hải.

    Chiều hôm đi, ông điện về nhà, giọng hồ hởi, dặn mọi người đừng lo, "sẽ về khi kiếm đủ tiền xây nhà 2 tầng cho các con". Nhưng đó là cuộc điện thoại cuối cùng của ông.

    Sau này, có người đi cùng chuyến xe hôm đó kể, trước khi lên xe, họ được dặn dò nếu chủ xe hô có biến, lập tức phải nhảy xuống ngay. Khi tới địa phận nước Pháp, lúc nửa đêm, thấy phía trước ồn ào, nghi có kiểm tra, chủ xe ra tín hiệu, 5 người cùng đoàn vội vã ôm hành lý nhảy xuống, chỉ có ông Hải vẫn ngồi lại, không rõ vì sao.

    Từ đêm đó, thi thoảng bà Thảo, vợ ông, lại nhận được điện thoại lúc 2 giờ sáng, nhưng đầu dây bên kia im lặng. "Một lần nửa đêm, tôi nhấc máy, nghe thấy tiếng rên 'ư ử' trong điện thoại. Tôi vội vàng cúp máy", bà kể. Những cuộc gọi "ma" ấy xuất hiện trong tháng sau ngày ông Hải mất tích, rồi chấm dứt. Trước đây, mỗi tháng ông gọi về nhà 1-2 lần, bằng điện thoại hoặc qua webcam từ quán internet.

    Cả năm trôi qua trong im lặng, bà Thảo và các con vẫn hy vọng ông đang bị ốm, hay xấu nhất là bị giam, và sẽ gọi về sau. Ba người họ hàng ở Đức đã nhờ các mối thân quen ở Anh, Pháp, dò hỏi tin từ các khu lao động, nhập cư, lân la hỏi cả các trại giam..., đều bặt vô âm tín.

    Hình ảnh của ông Phạm Văn Hải.

    "Ban ngày mẹ vẫn cứng rắn, vẫn an ủi động viên chúng tôi ba sẽ về sớm thôi. Nhưng có lần tôi tỉnh giấc, thấy mẹ ngồi khóc giữa đêm, nước mắt rơi nhòe cả 6-7 bức thư ba gửi về trước đó", Vinh, người con út, kể lại.

    13 năm qua, bà Thảo nghe được nhiều luồng thông tin khác nhau: Có người bảo nhìn thấy ông Hải bị mất trí nhớ, lang thang ở bến tàu, gần chân tháp Eiffel, có người lại bảo ông đã lấy vợ khác, cũng có người bảo đừng hy vọng gì nữa... Nhưng mọi thứ vẫn rất mơ hồ, không thể xác thực. 

    Hy vọng ngày càng mong manh, những tờ rơi, thông báo tìm ông Hải trên các cộng đồng Việt ở nước ngoài vẫn đều đặn được gia đình họ phát đi mỗi năm. Không biết ngoại ngữ, Vinh và hai anh chị năm lần bảy lượt nhờ người quen biết dịch hộ sang tiếng Pháp, Anh, Đức, đăng trên các trang mạng xã hội. Anh trai của Vinh vài năm trước đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan cũng đăng lên các fanpage ở đây, hy vọng có ai đó ra nước ngoài từng nhìn thấy cha mình.

    Năm 2016, kỳ vọng sẽ sang châu Âu để tăng cơ hội tìm thấy ba, cậu con trai út Thành Vinh nộp hồ sơ vào một trung tâm du học ở TP HCM. Cậu học tiếng Đức, chuẩn bị mọi thủ tục cùng số tiền 300 triệu đồng. Nhưng một ngày, giám đốc trung tâm người nước ngoài biến mất. Lúc này, Vinh mới biết bị lừa. 

    Số tiền dành dụm của mẹ tan biến, Vinh tuyệt vọng nói hay cho cậu đi vượt biên như cha đợt trước, nhưng mẹ nhất quyết phản đối. Bà sợ con trai sẽ biến mất như chồng.

    Chàng trai 24 tuổi tâm sự vài năm trở lại đây, mẹ cậu theo đạo Phật, ăn chay, để thanh thản hơn. Bà nói "không gặp lại được nhau có lẽ là duyên phận". Nhưng Vinh và hai anh chị không muốn bỏ cuộc. Hình ảnh người cha chở 3 chị em đi ăn kem, lời hứa "sẽ trở về mua cho con quần áo đẹp" vẫn trở lại trong giấc mơ của Vinh, thôi thúc cậu phải làm điều gì đó.

    Khoảng một tháng trở lại đây, Vinh và hai anh chị tiếp tục đăng thông tin tìm cha lên nhiều fanpage.

    "Tôi không thể ngăn các con tìm ba của chúng. Hy vọng ông ấy vẫn còn sống, dù đang ở đâu, làm gì cũng được. Với tôi, đó luôn là người đàn ông tốt nhất, yêu thương vợ con nhất. Nếu ông không liên lạc, chắc hẳn có lý do đặc biệt nào đó", bà Thảo nói.

    Sắp tới gia đình sẽ đăng thông tin lên các trang mất phí ở nước ngoài để tăng khả năng tìm kiếm, dù "có thể sẽ mất thêm nhiều năm nữa, dù chỉ biết một chút thông tin", Vinh nói.

    "Ba ơi, gia đình mình không còn cực khổ, cơ hàn như những ngày xưa. Nhưng khi có tất cả rồi lại chẳng có ba. Con mong đợi một phép màu mang ba trở về. Chúng ta nợ nhau một cuộc đoàn tụ", Vinh viết trong bức thư gửi cho cha.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Vance McElhinney là một trong số hàng nghìn đứa trẻ rời Việt Nam theo chiến dịch ‘Không vận Trẻ em’ vào năm 1975.  Sau 43 năm thất lạc mẹ, kể từ chuyến bay định mệnh, anh mới gặp lại bà.

    Chuyến bay định mệnh

    Tháng 4/1975, quân đội Mỹ thực hiện chiến dịch Operation Babylift (Không vận Trẻ em), đưa hàng nghìn đứa trẻ Việt rời quê hương đến các nước như: Mỹ, Úc, Anh, Canada... bằng số tiền tài trợ của một tổ chức nhân đạo.

    Vance lúc nhỏ và mẹ.

    Gần 30 chuyến bay được sử dụng trong chiến dịch này. Theo lộ trình, máy bay sẽ khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Căn cứ Không quân Clark của Mỹ ở Philippines trước khi đưa đến các quốc gia khác. Theo tài liệu, các phi cơ đã đưa gần 3.000 trẻ em rời Việt Nam.

    Hơn 40 năm sau chiến dịch, chỉ rất ít trong hàng nghìn đứa trẻ tìm được gốc gác của mình.

    Anh Vance McElhinney (SN 1974, Anh quốc) là người may mắn đó. Vance thuộc danh sách 99 đứa trẻ được đưa sang Anh. Khi ấy, anh tròn 9 tháng tuổi, với lý lịch mồ côi cha mẹ, thông tin vỏn vẹn tờ giấy với dòng chữ: ‘Van Tan Nguyen (1974)’.

    9 tháng sau khi lên chuyến bay, thông qua các chương trình nhận con nuôi, anh được cặp vợ chồng Cyril và Liz McElhinney ở thị trấn Lurgan (Bắc Ireland) đến đón về.

    Vance lớn lên trong sự che chở của gia đình bố mẹ nuôi.

    Anh là đứa trẻ cuối cùng trong 99 đứa trẻ từ Việt Nam sang được nhận nuôi. Bố mẹ nuôi đặt cho anh cái tên Vance McElhinney.

    ‘Bố mẹ nuôi của tôi là những người thành đạt và khá giả. Họ có 2 con trai tên là David và Stephen. Hai anh luôn coi tôi như em ruột. Suốt thời thơ ấu, tôi sống trong sự bao bọc, yêu thương của gia đình bố mẹ nuôi.

    Tôi nhận ra sự khác biệt của mình từ khoảng năm 13 tuổi. Vì ngoại hình, màu da và khuôn mặt không giống với mọi người xung quanh. Đến trường, tôi bị bạn bè bắt nạt. Đó là khoảng thời gian tồi tệ. Từ thẳm sâu trái tim, tôi luôn dằn vặt: ‘Tại sao bố mẹ sinh tôi ra, không nuôi dưỡng, lại đưa vào cô nhi viện?

    Tôi đã thẳng thắng hỏi bố mẹ nuôi và được họ kể cho nghe về gốc gác của tôi. Nhiều lúc tôi thử tưởng tượng xem bố mẹ đẻ có khuôn mặt thế nào nhưng bất lực vì ký ức trống rỗng. Tất cả những gì tôi có là giấy khai sinh giả để đưa tôi ra nước ngoài', giọng chậm rãi, Vance kể tiếp.

    Đau đáu nguồn cội

    Vance McElhinney chưa bao giờ nguôi ngoai về quá khứ bí ẩn của mình. Anh tìm đến dự án A Place To Call Home của một cơ quan báo chí địa phương nhờ giúp đỡ tìm kiếm thông tin người thân ở Việt Nam. Manh mối duy nhất là mẩu giấy năm xưa.

    Chương trình lên sóng, anh được nhiều người gọi đến, nhận là bố mẹ. Thế nhưng trực giác mách bảo rằng, họ không phải ruột thịt của anh. Năm 2016 Vance về Việt Nam lần đầu tiên tìm mẹ, nhờ các kênh thông tin báo chí giúp đỡ nhưng không thành công. 

    Vance tiếp tục chờ đợi. Một ngày, anh nhận được tin nhắn của cô gái Việt Nam tên Hương qua facebook và thư điện tử. Trong tin nhắn, Hương gửi cho Vance bức ảnh anh lúc nhỏ, chụp cùng bố mẹ kèm theo một số thông tin ở Quy Nhơn. Theo người này, mẹ Vance tên là Lê Thị Anh.

    Từ nguồn thông tin ít ỏi, năm 2017 Vance bay về Việt Nam lần nữa. Nhờ sự giúp đỡ của bà Nguyễn Nga (giám đốc một trung tâm nhân đạo ở Quy Nhơn) và chị Hương đưa đến gặp mẹ. Sau này, anh mới biết Hương là con gái của cậu ruột - em trai bà Lê Thị Anh.

    ‘Mẹ tôi sống tại Quy Nhơn. Cuộc gặp đầu tiên, bà ôm chầm lấy tôi, bật khóc nức nở, nói tôi giống bố đẻ như đúc.

    Trái tim tôi mách bảo: ‘Mẹ đây rồi’ nhưng từng đó năm xa cách, không có chút liên lạc nào, tôi cảm thấy xa lạ với bà, không vồ vập. Mẹ sốc vì sự xa cách của con trai, tôi sốc vì không dám tin rằng mẹ đẻ đang đứng trước mặt mình’, anh nghẹn ngào kể tiếp.

    Vance từng trách bố mẹ bỏ rơi anh. Chỉ đến khi nghe mẹ ruột kể, từng lớp quá khứ dần được hé mở.

    Tên khai sinh của anh là Nguyễn Thành Châu. Hơn 40 năm bà Anh không ngừng tìm kiếm con trai. Mọi giấy tờ kỉ vật liên quan đến Vance được bà lưu giữ cẩn thận.

    Năm 1975, khi Vance được 8 tháng tuổi, bà Anh bị ốm nặng, nằm viện hai tháng trời. Loạn lạc xảy ra, bố Vance bỏ đi không lời từ biệt. Trong tình thế đó, người thân đưa Vance vào cô nhi viện ở Ghềnh Ráng (Quy Nhơn) nhờ chăm sóc, đợi bà Anh khỏe lại sẽ đón ra.

    Nào ngờ Vance được đưa vào TP. Hồ Chí Minh, di chuyển lên máy bay sang Anh theo chiến dịch ‘Không vận Trẻ em’.

    Nghe tin con trai bị đưa sang nước ngoài, bà Anh gần như hóa điên, bỏ đi lang thang khắp nơi tìm con. Hơn 40 năm trời, bà ở vậy, dành công sức nghe ngóng tin đứa con thất lạc năm nào.

    Giấy khai sinh của Vance được mẹ đẻ anh lưu giữ.

    ‘Cuộc gặp đó tôi chưa dám nhận mẹ. Mặc dù mọi thông tin trùng khớp đến 90% thì vẫn còn 10% có thể nhầm lẫn vì chưa có kết quả xét nghiệm ADN.

    Trước khi quay trở lại Anh, tôi xin bà mẫu tóc xét nghiệm. Cũng từ đó, bà học tiếng Anh, dùng điện thoại công nghệ, máy tính bảng để nói chuyện với tôi hàng ngày. Tôi biết bà đã cố gắng để có cơ hội gần tôi hơn. Vì thế tôi cũng học thêm tiếng Việt để trò chuyện với bà’, người đàn ông này kể tiếp.

    Bà Lê Thị Anh (mặc áo dài xanh) trong ngày cưới con trai.

    Ngày nhận kết quả, Vanca vỡ òa vì hạnh phúc, gọi điện ngay cho mẹ ở Việt Nam thông báo. Hai mẹ con đều nghẹn ngào.

    ‘Đây là một phép màu. Trước đó hai mẹ con đã gọi cho nhau hàng trăm cuộc điện thoại nhưng cuộc gặp chính thức khi có kết quả ADN thực sự thiêng liêng. Mẹ khóc không ngừng, tôi đã ôm bà vào lòng, nước mắt trào ra trong cuộc gặp gỡ sau đó’, Vance nói tiếp.

    Từ đó đến nay, năm nào Vance cũng về Việt Nam sống cùng mẹ 3 tuần.

    ‘Mẹ đã lớn tuổi, sức khỏe bà rất yếu. Tôi luôn tranh thủ gần gũi mẹ khi còn có thể. Tôi thích các món ăn mẹ nấu’.

    Anh vui vẻ chia sẻ, hiện anh yêu và đã kết hôn với một cô gái Việt Nam tên Lê Hằng (SN 1990). Hai người gặp nhau khi Vance về Việt Nam tìm mẹ.

    ‘Mẹ tôi đã có cuộc sống không hạnh phúc. Hơn 40 năm qua, điều mẹ mong ước là nhìn thấy con trai lấy vợ. Tôi giới thiệu Hằng với mẹ và bà đã cười đầy mãn nguyện.

    Chúng tôi đã tổ chức đám cưới theo phong tục Việt Nam với sự chứng kiến của mẹ. Vợ tôi đang có thai hơn 2 tháng, mẹ sẽ được bế đứa cháu nội của mình. Cuối cùng ước nguyện của mẹ đã thành sự thực. Cảm ơn mẹ vì tất cả’, Vance nói.

    Sau khi tìm được mẹ ruột, anh Vance quyết định thành lập một quỹ hỗ trợ các trường hợp trẻ mồ côi, khuyết tật. Cùng trung tâm nhân đạo Nguyễn Nga giúp đỡ, chăm sóc những hoàn cảnh đáng thương như một lời tri ân đến cuộc đời.

    Ngoài ra, anh thường xuyên giúp đỡ tài chính cho Quỹ Bursary - một quỹ khuyến học thành lập trên cơ sở đóng góp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức, tài trợ cho các học sinh, sinh viên giỏi có hoàn cảnh khó khăn.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Risch đăng báo tìm cha từ năm 2012, nhưng cách đây vài ngày nhà nội của cô mới đọc được, ngay lập tức họ tìm ngược lại cô.

    Vài ngày sau khi đọc được bài viết "Cô gái Nga tìm cha Việt thất lạc 20 năm'' đăng tháng 11/2012, anh Nguyễn Tiến Dũng đến tòa soạn VnExpress nhờ tìm lại cách liên hệ, vì tin chắc cô gái trong bài báo là con của anh trai mình.

    Ảnh Risch ngày nhỏ và mẹ (anh Dũng nhìn thấy ở nhà mình) và Risch hiện tại. Ảnh: NVCC.

    "Gần đây qua một người bạn của anh trai, tôi mới biết anh còn có một con gái ở Nga và cô ấy thậm chí đã đăng báo tìm cha. Tôi đọc thì tin chắc cô gái tên Risch là cháu mình. Bởi bức hình của Risch và mẹ cô ấy trên báo, tôi từng nhìn thấy một lần tại nhà mình ngày nhỏ. Nó giấu trong một khe vali hẹp", anh Dũng, 40 tuổi, sống ở Lò Đúc (Hà Nội), chia sẻ. 

    Ngay sau đó, anh Dũng liên hệ tòa soạn, đồng thời thông báo cho chị gái ở Ba Lan cùng tìm. Song song, anh nhờ đến các hội du học sinh hoặc người Việt sống tại Nga. "Tôi còn định liên hệ đến các trường mà Risch từng theo học, hoặc các nhà máy ở thành phố Orska để biết về mẹ Risch", anh Dũng cho hay.

    Nhiều người khác biết tin cũng phối hợp tìm, trong đó có anh Nguyễn Văn Lộc (giảng viên Trường kinh tế cao cấp Saint-Petersburg). Có kinh nghiệm kết nối thành công nhiều vụ, anh Lộc đăng thông tin về Risch vào các nhóm có tương tác mạnh, đồng thời xác định nên tìm cô trên Vkontakte - mạng xã hội người Nga dùng chính, sau vài tiếng đã tìm ra trang cá nhân của Risch.

    Thành phố Orska (tỉnh Orenburg Oblast, đông nam Moskva) chiều muộn 11/4, Risch Podyacheva đang chuẩn bị tan sở thì bất ngờ nhận được tin nhắn từ anh Lộc, thông báo gia đình tại Việt Nam muốn tìm cô. "Đã bao lần tôi hình dung ra thời khắc này, vốn nghĩ mãi chỉ có trong tưởng tượng, không ngờ đã thành sự thật", Risch, nhân viên một nhà in ở thành phố Orska, thuật lại. 

    Hơn 8h tối, cô gái 26 tuổi đã lập một Facebook mới tinh để tham gia vào cuộc trò chuyện với anh Dũng, chú mình. Nụ cười không thể che giấu trên môi cô trong buổi trò chuyện kéo dài chừng 3 tiếng.

    Risch không biết tiếng Việt hay tiếng Anh, cuộc trò chuyện được anh Lộc trợ giúp. Hầu hết thông tin Risch muốn biết, hoặc anh Dũng cần hỏi đều được giải đáp, không có khúc mắc nào. Hai người còn trao đổi thêm một số bức ảnh, trong đó có bức hình của ông Nguyễn Thanh Phong (bố Risch) được cô giữ bao năm nay - mà anh Dũng xác nhận là anh trai mình. 

    Rất tiếc ông Phong đã qua đời vào tháng 2/2018, sau vài tháng ốm nặng. "Tôi rất muốn gặp bố nhưng khi được kết nối thì đã quá muộn. Bố tôi đã qua đời. Có lẽ tôi không có duyên được gặp ông", cô nói.

    Bức ảnh có hình ông Phong (khoanh đỏ) được Risch giữ nhiều năm và được mang ra làm bằng chứng để hai bên xác nhận thông tin. Người phụ nữ bên cạnh là người vợ chính thức. Ảnh: NVCC.

    Mẹ Risch quen cha cô khi đến kí túc xá của bạn chơi. Lúc hai người yêu nhau, bà không biết ông đã có gia đình. Đến khi mang bầu thì mối quan hệ của hai người trở nên xa cách. Vì kiên quyết giữ lại cái thai, bà bị gia đình hắt hủi, phải chuyển đến sống cùng ông bà của mình ở một nơi khác, nhưng vẫn trong thành phố Orska. Bà và ông Phong không còn liên lạc từ đó. Sau năm 1996, ông Phong về nước cũng không quay lại Nga lần nào nữa.

    Risch không có ấn tượng nào về cha. Thời thơ ấu in đậm trong cô là hình ảnh người mẹ tần tảo. "Những năm trước đây, cuộc sống của chúng tôi vô cùng khó khăn. Nhất là khi các nhà máy, xí nghiệp bị phá sản và mẹ bị thất nghiệp. Chúng tôi đã lâm vào cảnh nghèo túng nhưng mẹ vẫn cho tôi đến trường để không thua kém bạn bè", Risch nói.

    Tuổi thơ từng rất buồn vì không có cha, song trong thâm tâm Risch chưa một lần trách móc. Năm 15 tuổi cô được mẹ kể về cha. "Năm Risch lên 4 tuổi thì ông Phong đến từ biệt tôi. Ông ấy nhận là người có lỗi trong tất cả mọi chuyện. Thậm chí, ông ấy đã khóc và nói yêu hai mẹ con tôi rất nhiều", mẹ cô từng chia sẻ.

    Từ đó đến nay 11 năm, gặp ai người Việt, cô đều nhờ tìm kiếm. Risch chỉ nghĩ đơn giản "muốn tìm cha, tìm lại cội nguồn của mình". Rất nhiều lần cô quay lại khu chợ trước đây bố từng làm việc nhưng cũng không tìm ra được thông tin. "Có hai người lớn tuổi nói rằng biết bố tôi. Họ hứa khi về nước sẽ đi tìm, tuy nhiên bố đã chuyển đi nơi khác nên họ không tìm thấy", Risch nói. 

    Năm 2012, Risch đã rất hy vọng khi nguyện vọng tìm cha của mình được báo chí Việt Nam đăng tải. Lúc đó cô sắp sinh con, rất muốn khoe tổ ấm bé nhỏ của mình với cha. Nhưng như bao lần trước, những thông tin gửi đi mà không có hồi đáp. Cô nản dần và tưởng như cả đời này không còn được biết gì về một nửa dòng máu trong mình nữa.

    Risch bên chồng và con gái. Cô được đánh giá có nét giống với chú út của mình. Ảnh: NVCC.

    Vợ của ông Phong, bà Hoàng Thị Thanh Hải (53 tuổi) và hai con cũng mới biết về sự tồn tại của Risch vài ngày nay. Bà Hải từng sang Nga làm việc cùng chồng. Năm 1992, bà về nước, còn ông Phong 4 năm sau mới về. "Cho tới trước những ngày mất, anh Phong cũng không trăng trối lại một điều gì", bà Hải nói.

    Bà Hải hiện đã kết nối với mẹ của Risch, mong được một lần nói lời xin lỗi thay chồng mình. "Nhà có thêm người thêm vui. Lỗi của người lớn không nên để con trẻ phải chịu. Tôi mong anh em chúng từ giờ sẽ nhận nhau", bà Hải nói thêm.

    Về phần Risch, dù không gặp được cha nhưng được kết nối với các thành viên nhà nội, cô đã mãn nguyện. Cô hiện có cuộc sống bình yên cùng chồng người Uzbekistan, là một kỹ sư xây dựng và con gái 5 tuổi. Trong tổ ấm của cô còn có mẹ và 3 em. Cô mong muốn đến Việt Nam một lần nhưng vì điều kiện kinh tế nên ý định đó chưa thể thực hiện ngay. Thay vào đó, người cô mới được nối lại của Risch đang sinh sống tại Ba Lan dự định sớm sang thăm cháu.

    Trong cuộc trò chuyện đầu tiên giữa cô gái Nga và nhà nội của mình, Risch hỏi: "Cháu có giống cha không?". Anh Dũng trả lời: "Cháu có nét giống tôi hơn là bố". Risch cười, bao năm qua cô chỉ biết mình hay được khen giống bố và bố cô rất đẹp trai...

    Viethome (theo VnExpress)