• 34 năm là bạn thân, hóa ra lại là chị em song sinh. Có chuyện hi hữu đến vậy sao?

    Chuyện này bắt đầu từ năm 1972. Lúc đó Vương Linh Hà và Mãi Xảo Linh không hề quen biết nhau nhưng thực chất gia đình họ đều ở hai ngôi làng bên kia sông tại Lạc Dương (Hà Nam, Trung Quốc).

    Vương Linh Hà kể rằng bắt đầu từ năm cô 14 tuổi, có rất nhiều chuyện xảy ra. Xung quanh nhiều người nói đã từng gặp cô ở đâu rồi, còn xuất hiện một cô gái giống hệt mình.

    chi em song sinh 1
    Vương Linh Hà (trái) và Mãi Xảo Linh (phải)

    Cơ duyên xuất hiện khi Lưu Tuấn Lệ, chuyển đến trường của Vương Linh Hà vào năm 1972, phát hiện có điều kỳ lạ giữa người bạn học mới Vương Linh Hà và bạn học cũ Mãi Xảo Linh, hai người hoàn toàn giống nhau.

    Lưu Tuấn Lệ thấy hai người giống nhau nên đưa Vương Linh Hà đến nhà Mãi Xảo Linh. Hai cô gái cũng sửng sốt không thôi, đối chiếu CMND thì phát hiện họ cùng tuổi, nhưng sinh lệch nửa năm.

    Tuy nhiên, môi trường trưởng thành của hai người hoàn toàn khác nhau, Vương Linh Hà từ nhỏ đã được cha mẹ yêu thương, không thiếu cơm ăn áo mặc. Nhưng Mãi Xảo Linh thì khác, cô xuất thân từ một gia đình khó khăn với công việc đồng áng làm không xuể từ nhỏ đến lớn, còn anh trai và chị dâu thì không tốt với cô.

    Trước đây Mãi Xảo Linh chưa bao giờ nghi ngờ thân phận của mình, nhưng sau này nghe những lời phong phanh của bà chị dâu độc miệng và thái độ của gia đình đối xử với mình, cô mới sinh nghi bản thân không phải con ruột.

    Kể từ lần gặp đầu tiên, hai người thường xuyên liên lạc với nhau, đồng thời cũng hỏi thăm khắp nơi trong làng vì nghi ngờ họ là chị em ruột. Bố mẹ Vương Linh Hà thừa nhận là “nhặt” cô về nuôi, nhưng công sức nuôi con từ nhỏ đến lớn, có chết cũng không chịu buông tay cô con gái này.

    Nghe được lời cầu xin của cha mẹ nuôi, Vương Linh Hà quyết định không tìm hiểu quá khứ nữa mà vẫn giữ liên lạc với Mãi Xảo Linh và trở thành bạn thân. Hai cô gái sau này trở thành bạn tri kỷ, cùng giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

    chi em song sinh 1

    Xét nghiệm ADN

    Kể từ khi Vương Linh Hà và Mãi Xảo Linh gặp nhau, cả hai vẫn giữ liên lạc cho đến khi cả hai cùng đi làm, kết hôn và sinh con. Chồng của Vương Linh Hà là tài xế lái tàu, còn chồng Mãi Xảo Linh là tài xế xe buýt. Mãi Xảo Linh cũng rất thân thiết với bố mẹ Vương Linh Hà, coi họ như cha mẹ của mình.

    Cứ như vậy, 34 năm đã trôi qua, cha mẹ nuôi của Vương Linh Hà lần lượt qua đời, chồng cô cũng qua đời vì bệnh ung thư. Sau đó Vương Linh Hà sống một mình, tuy có con nhưng cô không thích sống chung. Song ít nhiều cũng thấy cô đơn, nhưng may mắn thay, cô luôn có Mãi Xảo Linh bên mình.

    Tuy nhiên, khi con người đến tuổi trung niên, họ luôn có ý tưởng quay về cội nguồn nên càng muốn tìm lại người thân của mình. Cô đã liên hệ với Lữ Thuận Phương, người đại diện của tổ chức tìm kiếm người thân cộng đồng, giúp mình tìm lại gia đình.

    Theo Afamily

  • tim nguoi mat tich 0

    Bạn có nhận ra người đàn ông này?

    Chuyên gia tái tạo hình ảnh của chúng tôi, Hew Morrison, đã tái tạo lại khuôn mặt người đã mất như trong hình đính kèm.

    Thi thể của người đàn ông này được tìm thấy ở Lewisham, London lúc 9h29 tối ngày 01 tháng Tư năm 2010. Anh ta không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào và cũng không có ai đứng ra nhận thi thể của anh ta từ đó đến nay.

    Trên cơ thể của anh ta có mấy hình xăm đính kèm bên dưới.

    tim nguoi mat tich 0

    tim nguoi mat tich 0
    Hình xăm trên bả vai phải

    tim nguoi mat tich 0
    Hình xăm trên bả vai trái

    tim nguoi mat tich 0
    Hình xăm trên đùi

    Xin hãy liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ email: appeals@locate.international

    Hoặc gửi tin nhắn qua Facebook Mesenger https://www.facebook.com/LocateInternational

    Hoặc liên hệ với cha Anton Trí tại Nhà Thờ Việt Nam ở London hoặc đại diện truyền thông anh Lê Tiến Tới.

    Chỉ một tin nhắn hoặc một sự chia sẻ, bạn có thể giúp một gia đình đang mòn mỏi mong tin người thân biết được tin này.

    Xin hãy chia sẻ thông tin này!

    Hãy truy cập vào trang web của chúng tôi để tìm hiểu xem chúng tôi có thể giúp gì nếu bạn có người thân mất tích tại Vương Quốc Anh https://locate.international/

    Nguồn: Locate International 

  • Từ bức ảnh con gái lúc 4 tuổi, người cha nhờ họa sỹ phác họa chân dung cô gái tuổi 20 và đăng lên mạng xã hội, nhờ đó tìm được đứa con bị bắt cóc 17 năm trước.

    Cô Zhong Jinrong (22 tuổi) được đoàn tụ với cha mẹ ruột sau 17 năm bị bắt cóc nhờ nhìn thấy bức phác họa chân dung của chính mình mà cha cô đăng lên mạng xã hội Douyin. Người cha đã nhờ một họa sỹ chuyên nghiệp vẽ bức phác họa mô tả Jinrong của thời điểm hiện tại dựa trên chân dung của cô thời thơ ấu.

    Năm 2006, khi mới 4 tuổi rưỡi, Jinrong lạc cha mẹ và bị bắt cóc trên một con phố ở Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Cô bị bán cho cha mẹ nuôi và lớn lên ở Ba Trung, Tứ Xuyên, cách nơi sinh ra khoảng 300km.

    Cha ruột cô - Zhong Rengui, đã tìm kiếm con gái mình trên khắp Trung Quốc suốt 17 năm qua. Ông nghỉ việc và phải gánh những khoản nợ khổng lồ chỉ để tìm con. “Cách duy nhất để tôi có thể cảm thấy mình là một người cha chính là tiếp tục tìm kiếm con gái mình”, ông Zhong Rengui nói.

    Ngoài Jinrong, ông Rengui còn có hai người con khác nữa. Cả nhà luôn tích cực tìm kiếm thành viên mất tích. Họ kể cho bất cứ ai chịu nghe về người con gái thất lạc của gia đình.

    Năm 2018, ông Rengui nhờ Lin Yuhui, một họa sỹ có tiếng - vẽ chân dung mô phỏng con gái mình ở tuổi 20. Chỉ nhờ một bức ảnh của Jinrong trước khi mất tích, họa sỹ này đã vẽ được chân dung của cô ở thời điểm hiện tại. Hình ảnh này rất giống với diện mạo của Jinrong ngoài đời thực.

    tim nguoi thanh nho anh phat thao 1
    Chân dung mô phỏng do họa sỹ vẽ và Zhong Jinrong ngoài đời thực. (Ảnh: Douyin)

    tim nguoi thanh nho anh phat thao 1
    Bức ảnh Zhong Jinrong hồi bé. (Ảnh: Douyin)

    Sau đó, ông Rengui sử dụng bức phác họa này để tìm kiếm con gái mình. Vào tháng 9/2023, Jinrong tình cờ nhìn thấy bức họa đó trên mạng xã hội. Vì biết mình là con nuôi nên khi nhận thấy những điểm tương đồng giữa mình và bức chân dung trên, cô đã liên lạc với ông Rengui.

    Hai người xét nghiệm ADN để xác nhận mối quan hệ huyết thống, kết quả khẳng định họ chính là cha con ruột. Ngày 2/11/2023, sau 17 năm thất lạc, Jinrong đã được đoàn tụ cùng gia đình.

    “Con gái tôi đã được tìm thấy. Cảm ơn mọi người đã quan tâm và cố gắng giúp đỡ gia đình tôi suốt những năm qua!" , người cha viết trên trang cá nhân. Quá hạnh phúc, ông đặt làm một tấm áp phích khổng lồ để chia sẻ tin vui, đặt nó gần đường cao tốc thay vào vị trí bảng tin tìm đứa con thất lạc trước đây.

    Jinrong hiện làm công nhân ở tỉnh Quảng Đông. Cô đã lấy chồng và có một cậu con trai.

    tim nguoi thanh nho anh phat thao 1
    Cha mẹ bé gái bị bắt cóc đã được đoàn tụ với con gái vào ngày 2/11. (Ảnh: Douyin)

    Câu chuyện này được đăng tải một lần nữa làm dấy lên sự bức xúc của dư luận Trung Quốc về vấn nạn bắt cóc trẻ em. Đương nhiên, rất nhiều người chúc mừng, chia sẻ niềm vui với cô gái vì đã được đoàn tụ với cha mẹ ruột.

    “Những kẻ buôn người phải bị trừng phạt nghiêm khắc!”; “Cô bé thật may mắn khi gặp được cha mình; nếu không có mạng xã hội, chắc chắn hai cha con sẽ không bao giờ được đoàn tụ"; "Rất cảm động với sự kiên nhẫn của người cha suốt 17 năm, cuối cùng cũng gặp lại con, may mắn luôn mỉm cười với người tốt" ... là những bình luận trên mạng xã hội.

    Ở Trung Quốc có rất nhiều câu chuyện cảm động về việc tìm con bị bắt cóc. Một người đàn ông cũng đã dành 24 năm đi xe máy khắp nơi để tìm kiếm đứa con trai bị bắt cóc, cho đến năm 2021 mới đoàn tụ. Trong những năm ông chưa tìm được con trai, câu chuyện đã được cộng đồng biết đến và gây xúc động mạnh, thậm chí còn được dựng thành bộ phim nổi tiếng "Lost and Love".

    Bộ phim này do diễn viên Lưu Đức Hoa đóng vai chính, công chiếu năm 2015. Tài tử này khiến khán giả rơi nước mắt khi hóa thân thành ông bố nông dân nghèo khổ, quê mùa lái chiếc xe máy cà tàng, lang thang khắp Trung Quốc mong tìm lại cậu con trai thất lạc.

    Phải đến 6 năm sau khi bộ phim ra mắt, ông bố này mới tìm được con mình.

    Kênh 14 (Nguồn: SCMP)

  • Nhiều lần mơ thấy cây lê và gương mặt của một người đàn ông vừa quen thuộc vừa xa lạ, chàng trai cuối cùng đã phát hiện ra sự thật về danh tính của mình.

    Tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, có một chàng trai tên Dương Tuấn liên tục thấy một cây lê xuất hiện trong giấc mơ của mình, bên cạnh cây lê là một người đàn ông với gương mặt vừa quen thuộc vừa xa lạ, đang hái lê cho một bé trai ăn. Sau nhiều năm tìm kiếm, cuối cùng anh Dương Tuấn đã tìm thấy cây lê đó, đồng thời tìm ra sự thật về danh tính của mình.

    Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1995, khi ấy Dương Tuấn mới 5 tuổi. Vì sắp tới Tết Nguyên đán, anh được bố dẫn lên thị trấn để tham gia hội chợ, mua sắm đồ đạc. Nào ngờ, do quá đông người, Dương Tuấn đã rời khỏi vòng tay bố và bị lạc. Đứng giữa đám đông, anh liên tục gọi tên bố nhưng không thấy trả lời. Một số người nhận ra Dương Tuấn bị lạc nên đã hỏi xem bố anh tên gì, ở đâu để giúp đỡ tìm kiếm nhưng anh không thể nhớ được.

    Một lúc sau, một người đàn ông hổn hển chạy đến bên Dương Tuấn, nói: "Thì ra cháu ở đây, bố cháu tìm cháu nãy giờ, đi theo chú". Dương Tuấn ngờ nghệch đi theo người đàn ông này lên xe buýt nhưng càng đi càng thấy con đường trở nên xa lạ. Khi Dương Tuấn hỏi, người đàn ông chỉ nói rằng họ sẽ đi tới làng bên để tìm bố. Thực tế, Dương Tuấn đã bị những kẻ buôn bán người bắt đi.

    tre em bi lac 1

    Dương Tuấn đã bị bán cho một gia đình ở huyện Cố An, thành phố Lang Phường, tỉnh Hồ Bắc. Cặp vợ chồng già này mãi chưa có con nên đã bỏ nhiều tiền để mua Dương Tuấn về làm con nuôi. Họ đối xử với Dương Tuấn như con đẻ, hết sức yêu thương và chiều chuộng. Dương Tuấn được đi học đầy đủ, vào đại học, cuộc sống rất yên ả. Sau khi tốt nghiệp, anh quay về huyện Cố An làm việc, lấy vợ và sinh con, hoàn toàn không nhớ gì về những chuyện xảy ra trước năm 7 tuổi.

    Cho đến một ngày, một người hàng xóm say rượu, vô tình nói với Dương Tuấn rằng anh đã được nhận nuôi. Khi ấy, trong đầu Dương Tuấn đột nhiên xuất hiện những ký ức mơ hồ về việc từng bị bắt cóc. Anh biết gia đình đã nuôi dưỡng mình chỉ là bố mẹ nuôi nhưng không nhớ bất cứ thông tin gì về bố mẹ ruột.

    Kể từ đó, Dương Tuấn liên tục mơ thấy cùng một giấc mơ. Anh nhìn thấy một cây lê trước sân ngôi nhà cũ, có một bé trai đang chơi đùa xung quanh gốc lê và một người đàn ông đang hái lê cho cậu bé ăn. Dương Tuấn tin chắc rằng người đàn ông đó là bố mình, còn bé trai chính là anh. Vì thế, Dương Tuấn hạ quyết tâm phải tìm bằng được gia đình ruột thịt.

    Đến năm 2022, Dương Tuấn đã trở thành một người đàn ông 34 tuổi nhưng vẫn chưa tìm được bố mẹ ruột. Trong ký ức không rõ ràng của mình, anh bị những kẻ buôn người bắt từ huyện bên đến huyện Cố An, vì vậy anh đã tìm kiếm khắp các huyện xung quanh nhưng không có thông tin gì. Cuối cùng, Dương Tuấn quyết định đăng ảnh và câu chuyện của mình lên một trang web hỗ trợ truy tìm người thân của những đứa trẻ bị bắt cóc từ nhỏ.

    tre em bi lac 1

    Ba tháng sau, Dương Tuấn nhận được tin từ tỉnh Tứ Xuyên, một người đàn ông cho rằng anh có thể là con trai thất lạc của ông ấy. Dương Tuấn hết sức ngạc nhiên, anh vốn bị bắt cóc từ huyện bên cạnh, sao lại có người bố ở tận Tứ Xuyên được? Chẳng lẽ gia đình anh đã chuyển đến Tứ Xuyên? Với những nghi ngờ đó, anh Dương Tuấn đã tới thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên để tìm câu trả lời.

    Khi đến nơi, anh Dương Tuấn đã gặp được ông Diêu An Tâm, 70 tuổi. Vừa nhìn thấy anh, ông đã chạy nhào tới ôm chầm, bật khóc gọi tên con trai Diêu Tuấn. Anh Dương Tuấn nhìn ông Diêu An Tâm có chút ngạc nhiên, bởi gương mặt ông trông rất giống người đàn ông anh nhìn thấy trong giấc mơ với cây lê.

    Hóa ra, ông Diêu An Tâm đã bị lạc mất con trai Diêu Tuấn vào năm 1995. Suốt nhiều năm sau đó, ông bạc tóc đi tìm kiếm con trai nhưng không có tung tích gì. Một số người cho rằng Diêu Tuấn đã chết, cũng có người động viên rằng có thể anh ấy bị bắt cóc, biết đâu vẫn đang sống ở một nơi nào đó.

    Cho tới năm 2022, nhân viên của trang web hỗ trợ tìm kiếm người thân nhận thấy một số thông tin mà anh Dương Tuấn đăng lên khá khớp với thông tin của ông Diêu An Tâm, duy chỉ có địa chỉ không khớp. Biết chuyện này, ông Diêu An Tâm đã xin được xem ảnh của anh Dương Tuấn và lập tức nhận ra đó chính là cậu con trai thất lạc của mình.

    tre em bi lac 1

    Ban đầu, những người con khác của ông Diêu An Tâm không tin anh Dương Tuấn chính là Diêu Tuấn vì địa chỉ của đôi bên đưa ra không khớp nhau. Tuy nhiên sau đó, họ đã tìm thấy điểm chung, đó chính là câu chuyện về cây lê. Hóa ra, đó không phải là giấc mơ hão huyền mà thực sự là một phần ký ức tuổi thơ còn sót lại trong tâm trí anh Dương Tuấn, vì vậy anh mới liên tục mơ thấy nó khi nghĩ về bố. Ông Diêu An Tâm đã đưa anh Dương Tuấn về ngôi nhà cũ của họ, xác nhận trước sân có một cây lê mà anh từng rất thích ăn.

    Sau đó, nhờ có sự hỗ trợ của cảnh sát thành phố Lang Phường, ông Diêu An Tâm và anh Dương Tuấn đã được xét nghiệm ADN để so sánh, chứng thực họ chính là bố con ruột. Sau 27 năm xa cách, cuối cùng họ đã được đoàn tụ với nhau.

    Về việc tại sao địa chỉ mà anh Dương Tuấn đưa ra không khớp với địa chỉ ở quê hương, cảnh sát cho rằng một phần do khi bị bắt cóc, anh còn quá nhỏ, ký ức không hoàn chỉnh. Trong thời gian bị bắt cóc, Dương Tuấn nửa tỉnh nửa mê, lại bị những kẻ buôn người nói dối rằng chỉ đưa đến làng bên nên đã gây hiểu lầm về địa chỉ.

    Theo Nguoiduatin

  • Sau gần 22 năm bôn ba nhiều nơi để tìm kiếm con trai bị bắt cóc, một người cha ở tỉnh Hồ Nam cuối cùng đã nhận được kết quả viên mãn.

    Theo trang tin Sina, ông Lôi Vũ Trạch sinh sống ở thành phố Nhạc Dương thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc gần đây đã tìm lại được người con trai bị bắt cóc 22 năm về trước.

    “Vào ngày 9/10/2001, con trai tôi Lôi Nhạc Xuyên, tên ở nhà gọi là Xuyên Xuyên, khi đó mới chỉ 3 tuổi, được tôi để một người hàng xóm đưa đi chơi. Trong một phút người hàng xóm bất cẩn, một kẻ xấu đã bắt cóc con tôi. Từ đó, con tôi bặt vô âm tín”, ông Lôi kể lại.

    de con ngoai duong 1
    Ông Lôi Vũ Trạch. Ảnh: Sina

    “Trong suốt 22 năm qua, tôi đã dùng hơn 70% số thời gian bản thân sắp xếp được chỉ để đi tìm con. Mỗi cuộc hành trình tìm con đều diễn ra trong khoảng 10-20 ngày. Chỉ cần phát hiện được thông tin về trẻ con bị bắt cóc nghi có liên quan tới Xuyên Xuyên, tôi liền sắp xếp thời gian tới chỗ đó nhanh nhất có thể. Nhưng những gì tôi nhận được chỉ là là sự buồn bã và thất vọng tràn trề”, ông Lôi kể thêm.

    Theo ông Lôi, bản thân ông đã đi tìm con trong suốt hàng chục năm ròng rã nên dù tinh thần cũng như thể lực không còn tốt như lúc còn trai tráng, nhưng ông vẫn kiên trì và nỗ lực để tìm được đứa con trai thân yêu bị thất lạc. Nhiều lúc tưởng chừng như tất cả hy vọng đã lụi tàn, nhưng ông vẫn kiên trì tìm kiếm.

    “Tôi đã liên lạc với nhiều bậc phụ huynh có cùng hoàn cảnh với mình, chia sẻ với họ câu chuyện của bản thân, cũng như tìm được sự đồng cảm và an ủi lẫn nhau. Mỗi lần chứng kiến những người cha, người mẹ tìm thấy con của họ, điều đó tiếp tục thắp cháy lòng quyết tâm tìm người thân của tôi”, ông Lôi cho biết.

    de con ngoai duong 1
    Ảnh: Sina

    Những nỗ lực tìm kiếm con trai trong hàng chục năm qua của ông Lôi đã được đền đáp vào tháng trước, khi cảnh sát Trung Quốc hôm 19/6 thông báo rằng họ phát hiện một thanh niên trạc độ tuổi với Xuyên Xuyên, đang làm việc tại thành phố Thâm Quyến thuộc Quảng Đông, có DNA “được cho” là khớp với ông. 

    “Sau khi nhận được thông báo từ cảnh sát, tôi lập tức sắp xếp thời gian tới Thâm Quyến để có thể gặp gỡ cậu thanh niên đó, và cùng cậu ấy tiến hành thử DNA. Kết quả xét nghiệm cho thấy, DNA của tôi và cậu ấy hoàn toàn khớp. Cuối cùng, tôi đã tìm kiếm được người con trai Lôi Nhạc Xuyên bị mất tích gần 22 năm qua, tức gần 7.900 ngày”, ông Lôi mừng rỡ nói. 

    Theo trang tin Sina, Xuyên Xuyên sau khi gặp được người cha ruột đã vô cùng mừng rỡ, và đồng ý với ông Lôi rằng cậu sẽ sắp xếp thời gian để có thể nhanh chóng về thăm gia đình và họ hàng ở Nhạc Dương, Hồ Nam.

    Theo Vietnamnet

  • Bé gái hơn 2 tuổi đang ở nhà bỗng nhiên mất tích một cách bí ẩn. Sau nhiều ngày tìm kiếm trong vô vọng, vợ chồng trẻ treo thưởng 100 triệu đồng cho người phát hiện, tìm được con cho mình.

    tim con 1
    Anh Hòa cho biết, bé Hân rất lanh lợi, da ngăm và cắt tóc ngang. 

    Mất tích bí ẩn

    Bất chấp cái nắng cháy da, anh Nguyễn Thanh Hòa (37 tuổi, ấp Bình Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vẫn lang thang trên những tuyến đường trong ấp. Anh rong ruổi khắp nơi với hy vọng tìm thấy con gái Nguyễn Ngọc Hân hơn 2 tuổi mất tích nhiều ngày qua.

    Trong nghẹn ngào, đau đớn, anh Hòa nói, bây giờ bản thân như người không hồn. Anh không thiết ăn uống, làm việc, nói cười. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền (31 tuổi) cũng khóc ngất nhiều ngày, chỉ mong có chút tin tức về con.

    Trước đó, ngày 17/5, anh Hòa và bố ra vườn làm việc. Chị Hiền ở nhà trông bé và nấu cơm chiều. Khoảng 16h, chị Hiền vào bếp nấu cơm. Bé Hân ngồi ở nhà trước xem tivi. Chị Hiền có thể quan sát con thông qua cửa sổ nên yên tâm làm bữa.

    Tuy nhiên, sau đó ít phút, chị quay ra nhìn con thì không thấy bé Hân đâu. Chị hốt hoảng tìm kiếm khắp nơi trong nhà, ngoài sân nhưng không thấy bé.

    tim con 1
    Chị Hiền đăng thông tin, treo thưởng, nhờ cộng đồng mạng chia sẻ, lan tỏa với mục đích tìm con. (Ảnh chụp màn hình).

    Sau đó, các thành viên gia đình chia nhau đến nhà hàng xóm xung quanh tìm bé. Tuy vậy, không ai nhìn thấy hoặc biết bé Hân đã đi đâu, gặp sự cố gì. Lo có chuyện chẳng lành, người dân địa phương đến hỗ trợ vợ chồng anh Hòa tìm con.

    Mọi người lục tìm ở nhiều khu vực xung quanh nhà anh Hòa. Do nhà anh chỉ cách sông Xẻo Sình một con đường nên nhiều người nghi bé gái tự ra khỏi cổng, băng qua đường rồi không may ngã xuống sông.

    Nhiều người chia nhau xuống bến sông mò tìm. Tuy vậy, không ai tìm thấy bất cứ tung tích gì của bé. Lúc này, gia đình anh Hòa quyết định trình báo cơ quan chức năng.

    Anh Hòa nghẹn ngào: “Nhận tin báo, lực lượng chức năng địa phương cho người đến hỗ trợ tìm kiếm. Đội tìm kiếm cứu nạn của Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Đồng Tháp cũng đến hỗ trợ, mò tìm dưới sông trước nhà tôi nhưng không thấy gì.

    Chúng tôi cũng trích xuất camera an ninh nhà dân xung quanh nhưng hình ảnh mờ quá nên không có kết quả. Thời điểm bé mất tích, trên đường có nhiều người di chuyển vì đúng vào giờ học sinh tan trường. Nhưng không ai thấy con tôi”.

    Đến lúc này, anh Hòa và gia đình vẫn không thể lý giải được nguyên nhân bé gái mất tích. Nhà anh có hàng rào và cổng sắt kiên cố. Anh quả quyết lúc bé gái ở nhà, cánh cổng sắt đã được đóng và chốt ngang bằng thanh sắt bẻ cong hình chữ U.

    Chốt khóa này cao quá đầu bé gái. Bé gái cũng không thể chui lọt qua các khe hở giữa các song sắt trên cửa cổng.

    tim con 1
    Chị Hiền và bé Hân trước khi xảy ra vụ việc.

    Khi phát hiện bé mất tích, gia đình anh Hòa kiểm tra cửa cổng và phát hiện chốt cửa hình chữ U đã được mở. Tuy vậy, cánh cổng vẫn khép hờ. Điều này khiến gia đình anh và người dân xung quanh dấy lên nghi vấn bé gái bị bắt cóc.

    Mòn mỏi tìm con

    Bé Hân là con gái đầu lòng nên được vợ chồng anh Hòa hết mực thương yêu. Khi phát hiện bé gái mất tích không rõ nguyên nhân, vợ chồng anh Hòa khóc cạn nước mắt.

    Ngoài vợ chồng anh, ông bà nội của bé Hân cũng sống trong tâm trạng âu lo, buồn bã. Ông Nguyễn Văn Hưng (ông nội bé Hân) buồn đến quên ăn, quên uống. Trong khi đó, vợ ông lo lắng đến đổ bệnh nhiều ngày.

    “Ông cháu tôi quen thủ hỉ với nhau rồi. Mỗi sáng, thấy tôi ngồi uống nước là bé chạy đến, đòi ông dùng muỗng đút sữa cho mình. Chiều, tôi đẩy xe vào nhà, bé cũng chạy đến đòi đẩy giúp… Giờ nhớ lại hình ảnh ấy, tôi đau lòng lắm”, ông Hưng chia sẻ.

    Trước nỗi đau con mất tích, suốt nhiều ngày qua, mọi thành viên gia đình anh Hòa đều nỗ lực tìm kiếm. Ngoài việc rong ruổi khắp nơi trong ấp, xã, vợ chồng anh Hòa còn đăng tin tìm con lên mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube…

    Cả hai hy vọng với sự lan tỏa nhanh chóng của mạng xã hội, kỳ tích sẽ xảy ra. Thậm chí, gia đình anh quyết định treo thưởng 100 triệu đồng cho người phát hiện, tìm thấy bé gái. Thông tin trên được vợ chồng anh Hòa đăng tải công khai trên mạng xã hội.

    Thông tin có đoạn: “Hiện tại, gia đình vẫn chưa tìm được bé. Mong cộng đồng chia sẻ. Ai thấy bé ở đâu xin chỉ giúp gia đình. Gia đình chân thành cảm ơn và hậu tạ.

    Ai biết tin tức chính xác địa chỉ của bé, gia đình hậu tạ 100 triệu đồng. Nếu đưa được bé về tận nhà, gia đình xin hậu tạ thêm”.

    Anh Hòa nói trong nước mắt: “Bé Hân rất lanh lợi. Cháu tóc ngắn, da ngăm. Lúc mất tích, bé mặc áo dây màu vàng, quần màu xanh lá cây. Chúng tôi vẫn tìm kiếm bé từng ngày. Mấy ngày qua, không có lúc nào chúng tôi không nghĩ về con.

    Bé là tài sản quý nhất của chúng tôi. Lúc này, chúng tôi chỉ mong có kỳ tích xuất hiện, cha mẹ, con cái được đoàn tụ. Tôi mong nếu ai nhìn thấy hay có thông tin gì về bé hãy liên hệ với gia đình qua số điện thoại: 0932998377 hoặc 0939133008. Chúng tôi vô cùng biết ơn”.

    Theo Vietnamnet

  • Mei Zhiqiang được gọi là "phúc nhi bẩm sinh" (có phúc từ nhỏ) vì bị bắt cóc khỏi bố mẹ đẻ triệu phú nhưng được nuôi lớn bởi cặp vợ chồng tỷ phú.

    Năm 1997, cậu bé Mei 28 tháng tuổi bị bắt cóc trước sân nhà ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Cha mẹ của anh, ông bà Mei Xianhua và Pan Chang gần như phát điên trong quá trình tìm kiếm con trai. Nhà có điều kiện, họ cũng đã chi hàng trăm nghìn tệ cho quá trình này nhưng 25 năm vẫn trong vô vọng.

    Cuộc tìm kiếm kết thúc vào tháng 06/2022. Một người quen của gia đình tên Du Xiaohua, vốn cũng đang tìm con bị bắt cóc 12 năm trước, đã phát hiện ADN của ông Mei khớp với ADN của chàng trai tên Mei Zhiqiang, đang sống cùng cha mẹ nuôi giàu có ở tỉnh Phúc Kiến. Ngày đoàn tụ, trên tay chàng trai 27 tuổi là đồng hồ Rolex hàng chục nghìn USD.

    con bi bat coc 1
    Sau khi đoàn tụ, Mei Zhiqiang đã chọn trở về với gia đình ruột thịt. Ảnh: Weibo

    Gia đình đầu tiên mua Mei từ bọn bắt cóc 25 năm trước, nhưng sau đó họ bỏ rơi đứa trẻ vì "quá gầy và bé". Mei được một gia đình giàu có ở Phúc Kiến nhận làm con nuôi, lớn lên cùng ba con ruột của họ.

    Tốt nghiệp phổ thông, Mei không thi vào đại học mà đến bệnh viện của cha mẹ nuôi làm việc. Sau đó, anh tự ra kinh doanh riêng.

    Trong khi đó, cha mẹ ruột của anh ở Côn Minh "không được đón cái Tết nào tử tế" từ khi con trai mất tích dù sau đó họ có thêm một con gái và hai con trai. Mỗi năm, họ đều tổ chức sinh nhật cho Mei Zhiqiang, thậm chí mua nhà cho anh, với niềm tin con sẽ trở lại.

    con bi bat coc 1
    Mei Zhiqiang đoàn tụ với cha mẹ vào tháng 6/2022. Ảnh: Weibo

    Sau cuộc đoàn tụ, Mei cho biết không thấy lạ lẫm khi ở bên cha mẹ ruột và các chị em, do "thấy được tình cảm cha mẹ dành cho tôi". Chàng trai quyết định chọn trở về với cha mẹ đẻ. "Tiền không mua được hạnh phúc", Mei nói.

    Hiện anh làm việc tại công ty cung cấp dịch vụ cho khách sạn của cha mẹ ruột. Ông Mei Xianhua cho biết sẽ dạy con cách làm ăn, sau đó giao lại công ty. "Cha mẹ nuôi của con có giàu đến đâu thì tình cảm cũng khác tình cảm của cha mẹ ruột", ông Mei Xianhua nói.

    Chàng trai chia sẻ câu chuyện của mình với mong muốn để tiếp thêm hy vọng cho các gia đình đang trong quá trình tìm con, cũng như những đứa con thất lạc tìm về với tổ tiên.

    VnExpress (theo SCMP)

  • Nhờ một bức ảnh, chị Thảo đã được trở về trong vòng tay của gia đình, điều mà chị khao khát suốt 43 năm trời.

    lac con gai 3 tuoi 1

    Cha lâm bệnh vì thương nhớ, bán tài sản tìm con đi lạc

    Tháng 3/1975, cả gia đình ông Châu và bà Hồ Thị Mót từ Kon Tum chạy xuống Nha Trang, Khánh Hòa lánh nạn khi chiến tranh tràn tới. Khi đi, ông bà gửi 2 con trai lớn nhờ họ hàng chăm sóc, chỉ dẫn theo 3 đứa con nhỏ, từ 1-5 tuổi.

    Chạy đến đoạn sông Ba thì cây cầu gãy, ông Châu xuống sông xách nước, bà Mót trải chiếu cho 3 đứa con nằm rồi lên xe lấy bộ quần áo cho con gái là Nguyễn Thị Thu Nga (khi ấy 3 tuổi) thay. Thế nhưng vừa quay đi quay lại, bà Mót hốt hoảng không thấy Nga đâu nữa.

    Cầu thông, xe chở đoàn người xuống Nha Trang. Trong 2-3 ngày ở đây, ông bà đi tìm con khắp các trại tị nạn nhưng không thấy. Sau đó ông Châu, bà Mót trở lại Kon Tum, tiếp tục tìm con gái mà không có kết quả.

    lac con gai 3 tuoi 1
    Bức ảnh bé Nga ngày nhỏ.

    Hai vợ chồng bán hết tài sản trong nhà để lấy tiền đi tìm con, song bé Nga bé bỏng lạc đi đâu, câu trả lời bị bỏ ngỏ. Quá thương nhớ con, ông Châu đau buồn đến phát bệnh. Ông đã phải giấu đi bức ảnh duy nhất của Nga.

    Sau khi đi tìm con nhiều ngày mà không được, ông bà động viên nhau cố gắng vực dậy tinh thần, lo làm ăn để nuôi các con. Sau này, bà Mót sinh thêm được 6 người con nữa.

    Nhờ bàn tay của ông Châu mà kinh tế gia đình ông bà cũng ổn định. Ngày nay, 10 người con của ông bà đều được bố mẹ chia cho lô đất rộng 5 mét, liên tiếp nhau ở mặt đường. Ông Châu đã qua đời mà chưa kịp thực hiện ước nguyện tìm lại cô con gái thất lạc năm nào.

    lac con gai 3 tuoi 1
    Chị Nga (giờ có tên là Hàng Trúc Thảo) được gia đình của mẹ nuôi đưa sang Mỹ định cư.

    lac con gai 3 tuoi 1
    Chị đã có chồng, con, nhưng nhiều năm qua vẫn cảm thấy trống trải, khao khát hơi ấm của mẹ.

    Các con của bà Mót đều đã lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái, đại gia đình gần 40 người sống rất thuận hòa. Dẫu vậy suốt bao nhiêu năm qua, bà Mót vẫn đau đáu nghĩ về đứa con gái thiệt thòi: "Đông con nhưng mất một đứa con tôi đau lắm. Lúc nào con cũng ở trong lòng mình, cứ nằm xuống là nghĩ về nó".

    Tìm được người thân nhờ một bức ảnh

    Từ tiểu bang Iowa (Mỹ) chị Hàng Trúc Thảo, một người con từng bị thất lạc vào năm 1975 đã viết thư gửi về chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" để đăng ký tìm thân nhân, sau khi được một người bạn giới thiệu.

    "Theo lời kể của mẹ nuôi tôi, tháng 3/1975, dòng người từ Tây Nguyên đổ xuống Nha Trang để lánh nạn chiến tranh. Lúc đó quá nhỏ, tôi không nhớ nổi, hình như có một chú tốt bụng, thấy tôi ngồi một mình ven đường nên đã bồng tôi chạy đến trại tạm cư là trường tiểu học ở khóm Vĩnh Điềm, phường Ngọc Hiệp, Nha Trang.

    Có 5 đứa trẻ tuổi từ 11 trở xuống, không có thân nhân bên cạnh, mà tôi là bé nhất. Ông trưởng thôn Vĩnh Điềm về thông báo cho bà con trong xóm biết. Mẹ nuôi tôi độc thân, chạy đến, tôi đã không theo những người khác, mà lại chạy ra ôm bà nên bà thương tôi nhiều, đưa về nuôi. Hòa bình đến, 4 đứa trẻ khác đều được người thân đến đón về cả, riêng tôi không có ai đi tìm".

    lac con gai 3 tuoi 1

    lac con gai 3 tuoi 1

    lac con gai 3 tuoi 1

    lac con gai 3 tuoi 1
    Chị Thảo trở về với mẹ và các anh chị em sau 43 năm xa nhà.

    Chị Thảo nói, chị vô cùng may mắn khi được sống cùng với mẹ nuôi là bà Hàng Thị Tư. Nhưng đến năm 13 tuổi, mẹ nuôi của chị mất vì bệnh nan y. Chị bơ vơ thêm 12 năm nữa rồi mới gặp anh Lâm - người chồng mang lại hạnh phúc cho chị. Nhiều năm sau, anh chị được người thân của mẹ nuôi bảo lãnh sang Mỹ. Chị Thảo hiện tại có một gia đình hạnh phúc, có một công việc, cuộc sống ổn định.

    Khi viết thư đến chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" để tìm gia đình, chị Thảo không hy vọng quá nhiều vì thông tin quá ít ỏi. Nhưng chị vẫn nhen nhóm, mong một ngày nào đó có thể gặp lại người thân.

    Con gái út của bà Mót xem tivi, thấy câu chuyện của chị Thảo cùng bức ảnh thuở bé của chị đã mừng rỡ báo cho gia đình. Được chương trình kết nối, chị Thảo và bà Mót đã được lấy mẫu để xét nghiện ADN. Kết quả, chị Thảo chính là cô bé Thu Nga bị lạc năm xưa.

    Năm 2020, sau 43 năm xa cách, chị Thảo đã được trở về quê nhà, về bên mẹ và các anh chị em, được thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, cho người cha đã khuất.

    lac con gai 3 tuoi 1
    Chị Thảo (váy đen) dành nhiều thời gian ở bên mẹ trước khi quay về Mỹ.

    "Con quá mừng, quá hạnh phúc, không nghĩ chuyện này có thể xảy ra vì con đã xa cách mẹ suốt 43 năm. Nhưng nó đã xảy ra, đúng là một câu chuyện cổ tích trong đời thường, con rất là hạnh phúc.

    Con cảm thấy không còn trống trải trong cuộc sống này nữa. Mặc dù con cũng có chồng, có con, nhưng con thiếu đi tình thương của gia đình, của mẹ, của các anh chị em. Giờ thì con đã có được điều đó, con rất hạnh phúc", chị Thảo nghẹn ngào.

    Chị Thảo ở lại Việt Nam một thời gian, sau đó trở về Mỹ. Chị mua tặng mẹ một chiếc Ipad để bà cập nhật tin tức và nói chuyện với chị mỗi ngày, đồng thời lên kế hoạch đón mẹ sang Mỹ du lịch.

    Cafebiz (nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly)

  • Sau 5.500 ngày tìm kiếm, chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly đã tìm được hơn 2.600 trường hợp thất lạc, tổ chức đoàn tụ cho 1.800 đại gia đình với những khoảnh khắc gặp gỡ vô cùng xúc động.

    Chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly đã trải qua hành trình 15 năm hoạt động chuyên nghiệp trong cả 2 lĩnh vực: Tìm kiếm, đoàn tụ người thất lạc miễn phí; Kể những câu chuyện nhân nghĩa bằng hình. 

    Suốt hành trình này, chương trình đã có gần 5.500 ngày sống cùng hơn 80.000 cảnh ngộ ly tán. Trong số này, chương trình đã tìm được hơn 2.600 trường hợp thất lạc và tổ chức đoàn tụ cho 1.800 đại gia đình.

    nhu chua he co cuoc chia ly 1
    Như chưa hề có cuộc chia ly sẽ tổ chức đêm gala với chủ đề Quanh ta có phép màu và phát sóng vào tối 30 Tết.

    Để đánh dấu chặng đường 15 năm hoạt động, Như chưa hề có cuộc chia ly sẽ tổ chức đêm gala với chủ đề Quanh ta có phép màu. Đêm gala này sẽ phát sóng đúng tối 30 Tết Quý Mão trên VTC.

    Trong đêm đánh dấu chặng đường 15 năm hoạt động của Như chưa hề có cuộc chia ly, khán giả sẽ được chứng kiến những cuộc đoàn tụ vô cùng đặc biệt. Đó là cuộc đoàn tụ mẹ con, anh em sau 23 năm đến 67 năm thất lạc.

    Nhà báo Thu Uyên, người sáng lập chương trình cho biết: “Chương trình muốn gửi gắm đến những tâm hồn đang chênh vênh, giúp họ có thêm niềm tin, động lực, hi vọng một ngày nào đó có thể đoàn tụ với người thân. 

    Đây cũng là cơ hội để cộng đồng có thể nghe thấy những nỗi đau thất lạc, nhìn thấy những cảnh khổ đang phải chịu sự ly tán để từ đó giúp lan tỏa những phép màu, tạo nên nhiều cuộc đoàn tụ kỳ diệu”.

    nhu chua he co cuoc chia ly 1
    Suốt 15 năm qua, chương trình đã tổ chức đoàn tụ cho 1.800 đại gia đình.

    Nữ nhà báo cũng chia sẻ rằng, suốt 15 năm qua, bản thân chị và ê-kip của mình không xem Như chưa hề có cuộc chia ly là một chương trình. Ngược lại, chị luôn xem đây là một hoạt động thiện nguyện. 

    Cách nhìn nhận này giúp những người thực hiện chương trình hết lòng, say mê với công việc tìm kiếm, giúp những trường hợp thất lạc đoàn tụ với gia đình một cách ấm áp, xúc động nhất. 

    Tuy vậy, nhà báo Thu Uyên cũng không giấu giếm những khó khăn khách quan mà chương trình đang gặp phải. Đó là vấn đề kinh phí. Do đó, chương trình công khai kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng thông qua quỹ “Ổ bánh mì”.

    Chị nói: “Như chưa hề có cuộc chia ly tìm kiếm người thất lạc, tạo điều kiện cho họ được gặp lại người thân. Nhưng chính cộng đồng, xã hội là nhân tố quyết định chương trình tìm kiếm, đoàn tụ được bao nhiêu trường hợp thất lạc".

    nhu chua he co cuoc chia ly 1
    Nhà báo Thu Uyên mong mỏi chương trình có đủ kinh phí ổn định để tiếp tục sứ mệnh tìm người và đoàn tụ những cuộc chia ly.

    "Muốn làm việc thiện thì cần phải có một số tiền lớn. Chúng tôi không thể lạm dụng lòng tử tế của một số ít người để nuôi chương trình. Như chưa hề có cuộc chia ly là một hoạt động, một công việc của xã hội thì do xã hội nuôi.

    Chúng tôi mong rằng chương trình Gala 15 năm có thể chạm tới hạt giống trắc ẩn, tình thương thường trực sẵn trong mỗi người. Thông qua việc góp mỗi người chỉ “1 ổ bánh mì -20.000 đồng” mỗi tháng nhưng đều đặn, chương trình hoàn toàn có thể có đủ kinh phí ổn định để tiếp tục sứ mệnh tìm người và đoàn tụ những cuộc chia ly”, Thu Uyên cho biết thêm.

    Gala 15 năm Như chưa hề có cuộc chia ly mang tên "Quanh ta có phép màu" sẽ được phát sóng trên 14 kênh truyền hình thuộc Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.

    Chương trình diễn ra trong khung giờ trước giờ giao thừa bước sang năm mới, từ 21h đến 23h20 đêm 30 Tết.

    Theo Vietnamnet

  • Vào một ngày cách đây 40 năm, cô Lan nhận tin con đã cùng gia đình ra nước ngoài. Người phụ nữ tội nghiệp chỉ biết đứng khóc trong bất lực.

    Chuyện tình nữ giúp việc với thiếu gia nhà giàu

    Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cô Lê Thị Ngọc Lan (sinh năm 1955, người gốc ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) phải đi làm giúp việc kiếm tiền phụ giúp gia đình.

    Tuổi mười tám đôi mươi, cô Lan đến làm việc cho một gia đình nhà giàu có 9 người, một bà mẹ già, 2 ông bà chủ và 6 người con - 3 trai, 3 gái. Trong quá trình làm việc tại đây, cô Lan và cậu Hai có tình cảm với nhau.

    Khi cô Lan mang thai, vì muốn giấu gia đình chủ nên cô quyết định xin nghỉ việc, quay về nhà ở. Thời gian sau đó, cậu Hai vẫn qua lại thăm nom và chu cấp tiền bạc cho cô.

    lac con 40 nam 1
    Cô Lan xúc động kể lại câu chuyện của mình

    Qua 9 tháng 10 ngày thai nghén, cô Lan hạ sinh một bé trai. Cậu Hai đặt tên cho bé là Trương Thanh Long và đích thân đi làm giấy khai sinh cho con. Sau này, cuộc sống của cô Lan quá khó khăn, không có ai nương tựa, nhà cửa cũng không có nên cô xin đi làm kinh tế mới, bồng theo cả con trai. Thỉnh thoảng, ba của Long vẫn gửi tiền chu cấp cho hai mẹ con.

    Nhưng đến khi Long được khoảng 4-5 tuổi, cậu bị ốm liên miên. Cô Lan thương con đau ốm, sống với mẹ quá cực khổ, phải nằm ngủ ở vỉa hè, nắng mưa rát mặt. Suy nghĩ kỹ càng, cô dắt con tới nhà ông bà chủ, nói cho bà chủ biết sự thật về thân thế của Long. Vài ngày sau, bà chủ qua nhà, nói với cô Lan hãy để bà chăm sóc Long. Bà chủ cho cô Lan một ít tiền, đồng ý để cô được qua thăm con trai 1 tháng/lần.

    "Chuyện chỉ có tôi, ba của Long và bà chủ biết. Khi đưa Long về, bà chủ nói với cả nhà rằng nhận Long làm con nuôi. Long gọi ông bà chủ là bố mẹ, gọi ba là anh Hai. Mỗi khi tôi qua thăm, bà chủ cũng dặn tôi không được xưng mẹ - con với Long mà chỉ được xưng là chị Hai. Ông bà chủ làm lại giấy khai sinh cho Long với tên mới là Trương Hữu Phúc", cô Lan kể.

    lac con 40 nam 1
    Tấm ảnh duy nhất của con trai mà cô Lan có được khi nhờ người xin giúp.

    lac con 40 nam 1
    Mảnh giấy ghi địa chỉ của con cũng được cô giữ gìn cẩn thận.

    Mẹ con mất liên lạc 40 năm và cuộc gọi lúc 22h đêm

    Vào một ngày năm 1981, cô Lan đến hẹn được thăm con nên tới nhà bà chủ. Tuy nhiên lúc này, cô mới được hàng xóm xung quanh cho biết cả gia đình họ đã sang Đức. Người phụ nữ hiền lành chỉ biết đứng ở cửa ngôi nhà giàu mà khóc trong bất lực. Cô mất liên lạc với con trai từ đó đến nay.

    Trong 40 năm xa cách, cô Lan đã có gia đình mới, sinh thêm 2 người con gái nhưng trong lòng vẫn luôn cố gắng tìm đủ mọi cách để biết thông tin về đứa con trai thất lạc. May mắn, gia đình ông bà chủ vẫn còn một người chị gái ở Sài Gòn, đó là cô Nhàn. Thông qua cô Nhàn, cô Lan mới biết được chút ít về tình hình của Phúc (gọi theo tên mới - PV).

    "Nhờ cô Nhàn làm cầu nối, tôi biết con trai vẫn khỏe mạnh. Cô Nhàn cũng cho tôi một tấm ảnh và địa chỉ của Phúc ở bên Đức. Nhưng khi tôi năn nỉ, muốn được nói chuyện với con thì bà chủ nhắn lại với cô Nhàn là không đồng ý. Bà nói gia đình giấu, không muốn cho Phúc biết thân phận thật. Bà muốn Phúc tập trung học hành. 

    Tôi cũng biết thêm thông tin là ba của Phúc bị tai nạn nên đã mất. Sau này cô Nhàn mất thì tôi cũng không biết thêm gì về Phúc nữa", cô Lan kể thêm.

    Ở cái tuổi gần đất xa trời, cô Lan cùng chồng hiện đang ở trọ tại quận 12, hàng ngày mưu sinh nhờ quán cơm Tấm nho nhỏ. Sức khỏe ngày một yếu dần nên nguyện vọng lớn lao nhất của cô là sớm được gặp lại con trai. Bởi vậy cô muốn chia sẻ rộng rãi câu chuyện của mình, mong con trai có thể xem được hoặc cộng đồng người Việt ở Đức kết nối, giúp đỡ cô tìm được Phúc.

    lac con 40 nam 1
    Người mẹ già bật khóc vì xúc động và hạnh phúc khi nhận được cuộc gọi của con trai.

    Trong rất nhiều những ông bố, bà mẹ đang ngày đêm tìm con thất lạc, cô Lan may mắn hơn rất nhiều khi mong ước bao năm qua đã trở thành hiện thực.

    "Hôm đó là 22h đêm, có một người gọi điện cho tôi hỏi: 'Cô có phải là cô Lan không?'. Tôi nói đúng rồi, thì bên kia đáp: 'Con là Phúc đây'. 

    Tôi không biết phải nói gì, lúc đầu cũng sợ nhầm nên hai mẹ con hỏi han thêm một số thông tin để khẳng định lại thì tất cả đều trùng khớp. Tôi mừng lắm, hạnh phúc lắm, tưởng đâu mất con luôn rồi mà lại có một ngày được nói chuyện với con như thế. Hai mẹ con khóc rất nhiều. Tôi nghe tiếng con nói mà cứ cảm giác như con đang ở bên cạnh mình. 

    Phúc nói gia đình bên đó cũng đã nói cho con biết sự thật nên con gọi cho tôi ngay. Phúc đã có gia đình rồi và đang ở riêng. Phúc làm trong nhà nước, khá bận. Hai mẹ con nói chuyện hơn 1 tiếng đồng hồ. Tôi nhắn con nếu có thể hãy về thăm mẹ, tôi rất nhớ con. Nếu Phúc về, chắc tôi sẽ bỏ bán hàng rồi ôm con suốt ngày", cô Lan nghẹn ngào.  

    Câu chuyện của cô Lan đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người. Ai cũng mong anh Phúc có thể sắp xếp, sớm về Việt Nam thăm mẹ, trọn vẹn cuộc đoàn tụ với đấng sinh thành.

    Theo Guufood

  • 50 năm qua, Thanh Hồng thường xuyên mơ một bé gái với tay chạy theo một người phụ nữ, gọi 'Mẹ, mẹ ơi', nhưng chưa bao giờ nhìn thấy mặt người đó.

    Giấc mơ xuất hiện từ khi Nguyễn Thị Thanh Hồng còn là một cô bé chừng 6 tuổi, làm con nuôi một gia đình Mỹ. Ngày đầu tiên về, cô bé bị đánh vì cởi giày làm bẩn tường. Đêm đó Hồng mơ thấy mẹ và giấc mơ thường xuất hiện mỗi khi cô buồn tủi.

    "Tôi phải ăn cơm một mình dưới bếp. Những lúc đó tôi ước giá như mình có mẹ. Tôi mơ rằng bà đã chăm sóc mình cho đến khoảng ba tuổi, sau đó đưa vào một trại trẻ mồ côi danh tiếng vì biết cơ hội đến Mỹ lớn hơn", chị Hồng, hiện khoảng 53 tuổi, sống ở Burlington, bang Vermont, Mỹ chia sẻ.

    tim nguoi than o my 1
    Chị Thanh Hồng khi khoảng 7 tuổi và hiện tại. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Năm 15 tuổi Hồng rời gia đình cha mẹ nuôi, ra ngoài tự mưu sinh. Năm 18 tuổi chị tìm đến giáo hội Công giáo bảo lãnh mình sang Mỹ, nhận lại toàn bộ giấy tờ về nhân thân. Các tài liệu cho thấy Hồng bị bỏ rơi bên ngoài chung cư trên đường Gia Long xưa, nay là đường Lý Tự Trọng, TP HCM. Một xơ nhặt được Hồng đưa về Cô nhi viện Hòa Bình - Gia Định, ở quận Gò Vấp. Ngày 15/4/1975, cô bé rời khỏi Việt Nam theo Chiến dịch không vận Babylift. Vì bị bỏ rơi nên Hồng không có giấy khai sinh, không có chút thông tin nào về mẹ.

    Ở tuổi đôi mươi, người con lai Việt - Mỹ này lập gia đình rồi lần lượt sinh ba con. Cuộc sống cuốn theo cơm áo gạo tiền nhưng chưa bao giờ chị Hồng thôi khát khao tìm mẹ. "Bố con tôi ủng hộ cô ấy tìm lại gốc gác của mình, nhưng ngày đó chỉ có biết hỏi thăm qua người này người kia chứ không thể làm gì hơn", anh Quốc Châu, 58 tuổi, chồng chị Hồng nói.

    Năm 2016, Thanh Hồng lần đầu trở về Việt Nam sau hơn 40 năm. Đặt chân xuống mảnh đất quê hương, trong chị là một cảm giác vô cùng thân thuộc, dù rằng mọi thứ chỉ là những ký ức chắp vá, mông lung.

    Tìm về địa chỉ năm xưa mình bị bỏ rơi và Cô nhi viện Hòa Bình, người ký giấy cho chị đi Mỹ là ông Chu Văn Tăng, nay đã mất. Những người sống ở chung cư trước 1975 đều không còn ai. Mọi manh mối tìm mẹ đi vào ngõ cụt.

    Đến năm 2018, chị Hồng làm xét nghiệm ADN và gửi lên thư viện Ancester.com và tìm thấy người cha Mỹ. "Tôi có ý định tìm mẹ, nhưng rồi lại tìm được cha. Cuộc hội ngộ thật tuyệt vời", chị cho hay.

    tim nguoi than o my 1
    Chị Hồng cùng bố và em trai, trong một lần hội ngộ năm 2019, ở bang Oregon, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Người cha Mỹ là lính không quân tham chiến ở Việt Nam từ 3/3/1967 đến 4/3/1968. Mỗi cuối tuần ông qua lại với một phụ nữ khác nhau nên không có mảy may ký ức nào về mẹ của chị. "Dựa theo thời gian ông ở Việt Nam thì tôi không thể sinh ngày 30/11/1969 như trong giấy tờ. Cha bảo tôi sinh năm 1968", chị Hồng cho biết.

    Từ đó, "đứa trẻ Babylift" thường xuyên tìm kiếm thông tin về mẹ trên các trang ADN, cũng như các hội nhóm con lai. Đầu năm nay, chị chia sẻ câu chuyện tìm mẹ trên một kênh YouTube, chỉ sau nửa ngày đã có một gia đình ở Đồng Nai liên hệ làm xét nghiệm.

    So sánh hình ảnh ngày nhỏ và hiện tại của Hồng với người phụ nữ tên Văn Thị Huế, sinh năm 1937, cùng các con cháu của bà, dễ dàng nhận ra nhiều nét tương đồng giữa họ. Gia đình này cũng đang tìm kiếm một người con tên Hồng thất lạc từ nhỏ. Hy vọng bùng lên trong lòng chị Hồng.

    Chỉ sau vài ngày trao đổi thông tin, chị gửi tóc và móng tay về Việt Nam để làm xét nghiệm ADN. Những ngày chờ kết quả, chị ăn ngủ không yên nhưng rồi bao nhiêu hy vọng tan vỡ vì kết quả không trùng khớp.

    "Nửa tôi muốn khóc nửa không. Tôi trấn an rằng tìm được cũng tốt, nếu không sẽ giúp gia đình đó tìm con của họ", chị nói. Chị đang làm lại xét nghiệm lần nữa.

    Tuần trước, con dâu chị Hồng từ Mỹ về Việt Nam cũng trở lại chung cư và cô nhi viện năm xưa để tiếp tục hỏi thăm. Chị Hồng cũng đang rất muốn câu chuyện của mình được đăng tải trên nhiều kênh thông tin của Việt Nam để tăng cơ hội tìm mẹ.

    "Nếu mẹ e ngại xuất hiện công khai, tôi sẽ tạo điều kiện làm ADN cùng mình. Nếu ai biết được thông tin hãy nói giúp người mẹ đó đi xét nghiệm, tôi sẽ hậu tạ", chị bày tỏ.

    Chị Hồng cho biết thêm, dưới dái tai trái của mình có một chiếc bớt. Trong phân tích gene có một chút dòng máu người Hoa, rất có thể dòng dõi của mẹ chị là người gốc Hoa. "Tôi ước tất cả những phụ nữ Việt có con lai sẽ có ADN trên trang Ancester.com. Nơi đó họ có thể sẽ tìm ra những đứa con đã thất lạc và tôi cũng có thể tìm được mẹ mình", Hồng nói.

    Đối với Thanh Hồng, khát khao tìm mẹ cháy bỏng theo thời gian, đặc biệt sau khi tìm thấy cha. Mặc dù cách nhau hơn 4.000 km, chị thường sắp xếp thời gian đi gặp ông. Do di chứng của chiến tranh nên giờ ông rất ốm. Hai người con trai của ông nói rằng cha vốn ít cười, nhưng khi có Hồng ở đó lúc nào ông cũng vui vẻ.

    Bước qua hơn nửa đời người và đã có con cháu đề huề, chị Thanh Hồng không trách mẹ bỏ rơi mình. Chị chỉ có một ước mong tìm được và đón bà qua Mỹ phụng dưỡng.

    "Tôi đã tìm kiếm mẹ từ khi còn là một cô bé. Tôi thường mơ và khóc về mẹ. Càng lớn, tôi càng muốn có mẹ hơn. Khi ngày càng già đi, tôi thường tự hỏi về dòng máu châu Á chảy trong mình", chị giãi bày.

    "Bao năm qua trong tim tôi có một lỗ hổng. Tìm được cha chỉ lấp được một nửa. Một khi tìm được mẹ sẽ lấp đầy lỗ hổng trong tim tôi", chị nói thêm.

    Theo VnExpress

  • Lên Sài Gòn tá túc trước ngày làm thủ tục đi Mỹ, buổi trưa đó, bà Ba tỉnh dậy không thấy con đâu, và bặt vô âm tín tới nay. 

    Bao nhiêu năm qua, cứ nằm ngủ là bà Phạm Thị Ba, 77 tuổi, quê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk lại mơ thấy cậu bé Thịnh gọi mẹ. Mở mắt ra, chẳng thấy con đâu, người mẹ ấy lại luống cuống gọi tên, lục tung khắp nhà tìm kiếm rồi chỉ biết lặng lẽ ngồi khóc, cầu mong một phép màu xảy ra song vô vọng. 

    Một ngày giữa năm 1990, vợ chồng bà Ba ông Thi đưa năm người con, ba trai, hai gái, từ Đắk Lắk xuống Sài Gòn phỏng vấn chuẩn bị sang Mỹ định cư. Anh Nguyễn Kim Thịnh là con trai thứ tư, sinh năm 1982, khi đó mới 8 tuổi.  Cả nhà họ tá túc mấy ngày tại nhà một người quen trong con hẻm 183 đường 3/2, phường 11, quận 10, TP HCM.

    Bé Thịnh lúc đó đòi mẹ cho đi chơi nhưng không được. Giữa trưa, mẹ con bà cùng ngủ ở phòng khách một lúc cho khỏe để chiều đi làm giấy tờ. Tỉnh dậy, chẳng thấy Thịnh đâu, bà vô cùng bàng hoàng. “Thằng bé mới từ quê xuống đây biết chỗ nào đâu? Nó mới nằm ngủ bên tôi có một lúc, sao có thể đi đâu nhanh vậy”, bà Ba buồn bã nhớ lại. 

    giac ngu trua cuop mat con 1
    Mỗi khi nhớ Thịnh, bà Ba chỉ biết mang hình ra ngồi ngắm rồi lặng lẽ khóc. Ảnh: Phan Thân.

    Thời điểm mất tích, Thịnh học lớp ba, da trắng, bụ bẫm, mặt sáng, mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay sọc caro nhiều màu. Dù nói ngọng nhưng em biết rất nhiều và vô cùng nghịch ngợm. “Tôi nghĩ thằng bé bị người ta bắt cóc và giấu đi rồi, nếu không, nó đi đâu phải biết tìm về với ba mẹ. Tôi đau lòng nhất là người ta làm việc đó ngay cả khi mẹ con tôi đang nằm ngủ trong nhà”, nước mắt ngắn dài, bà Ba giãi bày.

    Rồi ngày cả gia đình sang Mỹ định cư cũng đến. Chân bước lên máy bay nhưng lòng vợ chồng ông Thi nóng như lửa đốt, trái tim như để lại ở quê hương. “Lúc trước, nghe mẹ bảo được đi Mỹ, thằng bé thích lắm. Nó đi khoe khắp xóm, cho các bạn ở lớp. Về nhà, nó vẽ chiếc máy bay rồi bảo mẹ ‘có phải qua Mỹ là phải như bay lên trời’!”, bà Ba nghẹn ngào nhớ lại.

    Từ đó, ngoài nhờ các anh em trong gia đình giúp đỡ, vợ chồng bà cứ đều đặn một năm hai lần về quê tìm con. Nghe ở đâu có trẻ đi lạc là ông bà lại tìm đến hoặc liên lạc với họ hỏi thông tin. Vợ chồng bà thậm chí tìm đến cả thầy bói, để mong có thể tìm được một địa chỉ cụ thể, nhưng đều thất vọng.  

    giac ngu trua cuop mat con 1
    Cậu bé Thịnh mất tích là niềm đau đáu khôn nguôi của ông Thi, bà Ba suốt gần 30 năm qua. Ảnh: NVCC.

    Hơn 8 tháng trước, trước khi mất vì tuổi cao, sức yếu, ông Thi chỉ có một tâm nguyện với vợ là tìm được cậu con trai thứ tư. Lo hậu sự cho chồng xong, bà Ba lại tức tốc bay về nước tìm đến nơi nghe em trai báo, có một cậu thanh niên giống như anh Thịnh. “Ngồi trên máy bay, tôi cứ chập tay lại cầu mong đó là con mình. Đến nơi thì hay tin, cậu thanh niên ấy đã tìm thấy mẹ rồi”, giọng bà buồn bã. Bà tìm đến căn nhà ngày xưa mình được cho tá túc, ngồi chờ con suốt gần một tháng qua.

    “Thằng bé thích nghịch mấy món đồ điện tử, thấy mẹ la thì ngồi im lặng, nhưng mắt cứ liếc liếc tỏ vẻ nuối tiếc. Đi chơi đầu bị bẩn, về nó nói ngứa đòi mẹ tắm mà tôi nghe không rõ con nói gì nên cứ thế mặc thằng bé”, bà Ba nghẹn ngào, xót xa nhớ lại kỷ niệm với con.

    Suốt 27 năm qua, người mẹ ấy sống trong dằn vặt, nhớ con khôn nguôi và tự trách mình. "Nếu hôm đó, tôi đừng ngủ quên thì con trai không rời xa vòng tay bố mẹ. Giờ thằng bé lưu lạc phương nào, sướng khổ ra sao, vẫn là nỗi đau day dứt tôi mỗi ngày”, bà Ba nói. 

     Viethome (theo VnExpress)

  • nguyen be lory 1

    Năm 2015, Nguyễn Bé Lory tròn 21 tuổi và chính thức trở thành chủ nhân của khối tài sản lên đến 100 triệu USD.

    Năm 1995, đại gia Mỹ - Larry Hillblom - qua đời trong một vụ tai nạn máy bay. Ngay sau đó, dư luận thế giới xôn xao vì cuộc chiến pháp lý tranh chấp khối tài sản khổng lồ kéo dài. Trong số những đứa con của đại gia này, có một đứa trẻ người Việt được thừa kế khối tài sản lên đến 100 triệu USD, cậu bé có tên là Nguyễn Bé Lory.

    Không hề hay tin gì về người bố đại gia

    Larry Hillblom vốn nổi tiếng là một đại gia đào hoa và là chủ của Công ty chuyển phát nhanh DHL. Ông sở hữu khối tài sản lên đến 600 triệu USD. 

    Sau thập niên 1980, ông chuyển sang kinh doanh thêm lĩnh vực khách sạn, sân golf ở một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

    nguyen be lory 1
    Đại gia Mỹ Larry Hillblom (Ảnh: Internet)

    Năm 1993, sau nhiều lần ghé thăm mảnh đất hình chữ S, Larry quyết định mua lại khách sạn Vĩnh Thủy để nâng cấp thành một khách sạn 4 sao vì phát hiện ra tiềm năng giàu có về du lịch biển ở thành phố này. Ngoài ra, ông còn xây dựng một sân golf 18 lỗ được xem là đẹp nhất châu Á khi ấy và xây dựng nhiều cơ sở kinh doanh khác ở Lâm Đồng, Bình Thuận, Quảng Ninh, Quảng Nam.

    Trong thời gian này tại Phan Thiết, Larry Hillblom gặp và có mối tình chớp nhoáng với cô hầu phòng Nguyễn Thị Bé. Cô Bé không nói được tiếng Anh còn ông Larry chỉ biết một vài từ tiếng Việt. Ông thường mặc quần jeans và áo phông nên cô cũng không biết ông là một đại gia. Khi mang bầu, cô Bé cũng không dám thú nhận điều đó với ông chủ và lẳng lặng quay về Tân Xuân sinh con. 

    Tên cậu bé là Nguyễn Bé Lory, vốn dĩ là tên được ghép từ tên của mẹ và người bố. Thế nhưng khi đi làm khai sinh cho cháu, cha cô ghi lộn chữ Larry thành Lory. Nghe tin cô Bé sinh con, một người bạn của cô đã đến chụp cô và bé Lory rồi gửi lên Đà Lạt cho người thân cận chuyển đến Larry. Nhờ những tấm ảnh này, Larry mới biết mình có con rơi ở Việt Nam.

    Năm 1995, một thanh niên đến làm thuê ở gần nhà xót thương hoàn cảnh của hai mẹ con nên đã ngỏ lời cầu hôn cô Bé. Cứ thế, cậu bé Lory sống yên bình bên mẹ và cha dượng mà không hề hay tin gì về người bố của mình.

    Cuộc đời thay đổi

    Tháng 5 năm 1995, đại gia Larry tử nạn trong một tai nạn máy bay khi đi quan sát núi lửa ở đảo Saipan, nơi có ngôi biệt thự ông đang sinh sống. Sau cái chết của vị đại gia đào hoa bạc mệnh, hàng loạt "đứa con rơi" ở nhiều nơi trên thế giới xin được chia một phần tài sản trong số 600 triệu USD của ông.

    nguyen be lory 1
    Cô Nguyễn Thị Bé và con trai (Ảnh: Internet)

    Sau khi hay tin về cái chết bất ngờ của Larry, chị Bé đã liên lạc với một người bạn từng làm ở khách sạn Vĩnh Thủy, thông báo đứa con mình chính là con của ông chủ khách sạn. Người này lập tức liên lạc với luật sư John Veague, đặc trách vấn đề chia tài sản của Larry.

    Theo đó, cùng với Lory còn có hơn 10 đứa trẻ được cho là con rơi của ông đã đứng ra tranh chấp khối tài sản khổng lồ. Cuộc chiến pháp lý để tranh giành quyền thừa kế này đã gây rúng động thế giới trong một thời gian dài.

    Theo luật của đảo Saipan (thuộc nước Mỹ) nơi đại gia cư trú: Sau khi cha mẹ chết, bất kể là con có hôn thú hay không, khi chứng minh được đúng là con thật thì sẽ được chia gia tài. Tuy nhiên, việc xét nghiệm ADN trở nên vô cùng khó khăn do không tìm được xác của vị đại gia xấu số, ngoài ra những vật dụng cá nhân của ông ở những nơi từng lui đến cũng biến mất một cách kỳ lạ.

    Rất may sau đó, Tổ chức giám định của Mỹ đã lấy chính máu của mẹ của Larry để xét nghiệm. 

    Kết quả cho thấy trong hơn 10 đứa trẻ tự nhận, chỉ có 4 đứa trẻ thực sự là máu mủ của ông, gồm Nguyễn Bé Lory, một người nữa ở đảo Guam và hai người con ở Philippines.

    Triệu phú trẻ với cuộc sống giản dị

    Theo thỏa thuận, Lory được hưởng khối tài sản lên đến 30 triệu USD. Đến năm 2015, Nguyễn Bé Lory tròn 21 tuổi và chính thức trở thành chủ nhân của số tiền thừa kế khổng lồ, ước tính gần 100 triệu USD bao gồm tiền gốc và tiền lãi.

    Số tiền này ban đầu được cất giữ tại một trương mục ký thác của Mỹ chuyên dành cho trẻ em. Hiện cả hai mẹ con bé Nguyễn Bé Lory đã được nhập quốc tịch Mỹ và sinh sống tại thị trấn Mariana, thuộc đảo Saipan của nước Mỹ.

    Lẽ ra, Lory được đứng tên sở hữu số tài sản vào năm 2012, nhưng vì còn đi học nên hai mẹ con đã đồng ý để những người quản lý đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác để tăng thêm số tài sản khổng lồ này. Năm 2012, gia đình Lory cũng đã chuyến trở về thăm quê mẹ, song chuyến hồi hương này đã được giữ bí mật.

    nguyen be lory 1
    Nguyễn Bé Lory giờ đã trưởng thành. (Ảnh: Internet)

    Có thông tin cho rằng, Nguyễn Bé Lory đã tốt nghiệp một trường cao đẳng cộng đồng và hiện đang sống ở Los Angeles, Mỹ. Qua những hình ảnh được chia sẻ có thể thấy cậu bé năm nào nay đã trưởng thành, cao lớn, sống khá giản dị và kín tiếng dù là một triệu phú trẻ sở hữu số tài sản khổng lồ.

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Gần 17 năm trước, khi vợ chồng chị Hope Ettore nhận Nguyễn Lê Hùng làm con nuôi, cậu bé nhỏ xíu, người đầy ghẻ và gần nửa khuôn mặt bị khối u che kín.

    Bây giờ Hùng (tên mới là Samuel) đã là một thanh niên 18 tuổi khỏe mạnh, khuôn mặt thanh tú. "Con đã tốt nghiệp cấp ba và sắp sửa vào đại học", chị Hope, 51 tuổi, ở San Diego, California, nói. Hành trình 17 năm nuôi dạy một đứa trẻ bình thường đã không ít gian nan, với vợ chồng chị, khó khăn ấy nhiều hơn gấp bội. Ngày Samuel mới sang Mỹ, các bác sĩ từng nói cậu bé sẽ không thể nói chuyện hay đi học bình thường.

    cau be di dang 4
    Samuel, tên tiếng Việt là Nguyễn Lê Hùng khi mới được bố mẹ người Mỹ nhận nuôi, năm 2005. Ảnh: Hope Ettore

    Những năm 1990, chị Hope là nhà dịch tễ học sang Đông Nam Á làm việc. Tiếp xúc hàng ngày với những đứa trẻ nghèo đói, ốm yếu, mong ước của chị là một ngày nào đó có thể nhận một trong số chúng về nuôi.

    "Tôi luôn cầu nguyện Chúa dẫn đường cho mình. Vào một đêm, tôi mơ thấy mình đang đi bộ ở TP HCM", chị kể. Nghĩ giấc mơ này là tín hiệu, năm 2005, chị và chồng là anh John Ettore liên hệ với trại trẻ mồ côi ở quận Gò Vấp, TP HCM nêu nguyện vọng muốn nhận con nuôi. Trại trẻ giới thiệu cho vợ chồng chị một cậu bé bị u máu và nhiều vấn đề sức khỏe khác, tên Nguyễn Lê Hùng, 16 tháng tuổi. Xem bức ảnh cán bộ trại trẻ gửi đến, vợ chồng Hope choáng váng, không nghĩ tình trạng con nghiêm trọng đến vậy.

    Hai vợ chồng quyết định đến tận nơi thăm Hùng. Theo giấy tờ, cậu bé sinh năm 2004, quê ở Đồng Phú, Bình Phước. Tên bố được lưu lại là Lê Xuân Hùng, mẹ là Nguyễn Thị Liên. Mười sáu tháng tuổi, đáng lẽ biết đi nhưng Hùng lọt thỏm trong cũi như một đứa trẻ sơ sinh.

    Cán bộ trại trẻ mồ côi kể, Hùng là đứa trẻ sinh non cùng với một người anh em sinh đôi khác. Vì cậu bị bệnh nên bố mẹ gửi trại trẻ, chỉ giữ lại đứa trẻ lành lặn.

    Họ từng vài lần quay lại trại trẻ để thăm con, định đón về nuôi vì quá nhớ thương nhưng cán bộ nói nếu không được chăm sóc y tế Hùng sẽ chết, khuyên gia đình nên để con ở lại, tìm người nhận nuôi để được sang nước ngoài điều trị.

    Lần đầu thấy cậu bé, chị Hope tiến lại gần hỏi chuyện. "Khoảnh khắc con nhoẻn miệng cười in đậm trong tim tôi, nhắc tôi phải cứu giúp con bằng được", chị nói.

    Vợ chồng chị đón Nguyễn Lê Hùng về nuôi, đổi tên thành Samuel Ian Ettore. Hai tuần sau khi về Mỹ, chị sinh con gái út. Gia đình bốn người nay có thêm ba thành viên, cô bé mới sinh, Samuel và một cậu bé con nuôi khác, cũng 16 tháng tuổi, từ Ethiopia.

    Bước đầu, vợ chồng Hope bổ sung dinh dưỡng, chữa bệnh nhiễm trùng, giúp Samuel có sức khỏe tốt nhất cho cuộc phẫu thuật loại bỏ khối u. Nhưng vài tháng đầu, thằng bé ốm dặt dẹo, liên tục quấy khóc.

    Khối u của Samuel chứa đầy các mạch máu, nên nguy cơ chảy máu gây tử vong luôn hiện hữu. Vợ chồng chị Hope bế con đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ, gặp hàng chục bác sĩ, nhưng không ai dám phẫu thuật cho Samuel. Sau những nỗ lực, vợ chồng chị Hope vỡ òa trong nước mắt khi một bác sĩ gật đầu đồng ý.

    Vì khối u quá lớn, các nhân viên y tế phải chia thành từng giai đoạn phẫu thuật. Tổng cộng, cậu bé Việt trải qua 5 lần phẫu thuật mặt, hai lần phẫu thuật mắt để lấy lại thị lực và vẻ ngoài bình thường.

    Khó khăn không dừng lại ở đó. Samuel chậm nói, chậm đi, tiếp thu cũng chậm. Cậu bé được bố mẹ cho vật lý trị liệu, tập vận động, trị liệu ngôn ngữ, thực hành các liệu pháp hành vi để chữa chứng chậm phát triển. Đã có lúc, vợ chồng chị Hope nghi ngờ lòng kiên nhẫn của chính họ. "Tôi tự hỏi, có khi nào con sẽ phải sống phụ thuộc chúng tôi cả đời hay không", người mẹ nuôi nhớ lại.

    Hàng ngày, ngoài đưa con đến các cơ sở điều trị, vợ chồng chị và các thành viên khác trong gia đình chung sức giúp Samuel thay đổi định mệnh. "Không chỉ phải bỏ ra chi phí điều trị khổng lồ, cha mẹ và các anh chị tập cho tôi đi, dạy cho tôi nói, đọc sách cho tôi nghe... Nhờ họ, tôi trưởng thành như một đứa trẻ bình thường", Samuel, nay đã tìm được một công việc có thu nhập, nói.

    cau be di dang 4
    Samuel ở tuổi 18, sau khi được cha mẹ nuôi yêu thương, chăm sóc và giúp chữa trị. Ảnh: Hope Ettore

    Dốc lòng chữa trị cho con nhưng vợ chồng chị Hope đồng thời thẳng thắn nói với Samuel về nguồn gốc của cậu. Là thành viên châu Á duy nhất trong gia đình, Samuel hay nhìn vào gương, thấy mình khác biệt. Nhưng sống ở nơi không có nhiều người gốc Á, cậu ít cơ hội khám phá văn hóa quê nhà.

    Sợ con trai mất kết nối với cội nguồn, chị Hope dẫn cậu bé đến các lễ hội truyền thống được người Việt tổ chức ở Mỹ, mua những cuốn sách về Việt Nam tặng con. "Mẹ kể với tôi, bố mẹ đẻ vì muốn tôi có cơ hội chữa trị mới cho tôi đi", Samuel nói.

    Hơn hai năm trước, gia đình chị Hope đã kết nối được với bố đẻ của con trai nuôi người Ethiopia. Duyên đoàn tụ của cậu con trai thứ tư càng giúp chị Hope có động lực tìm kiếm gia đình cho Samuel.

    Người mẹ nuôi biết, dẫu ít kết nối với cộng đồng châu Á, nhưng hình hài, sở thích của Samuel gắn với dòng máu đang chảy trong người cậu. "Thằng bé bảo với tôi rất muốn tìm lại cha mẹ. Chắc chắn họ cũng nhớ con như con khát khao tìm họ. Con cũng rất thích ăn các món Việt, đặc biệt là phở", người mẹ kể.

    cau be di dang 4
    Gia đình chị Hope chụp ảnh lưu niệm năm 2022. Samuel đứng thứ hai từ trái sang cùng mẹ nuôi (thứ ba từ phải sang) và các anh chị em khác. Ảnh: Hope Ettore

    Những năm qua, chị nhiều lần nhờ một người Việt sống ở Mỹ trên nhóm Kids Without Borders (Trẻ em không biên giới) tìm người thân cho con. Nhưng ngoài tên và quê quán, họ chẳng còn chút manh mối nào.

    Gần đây, bác sĩ nói chị Hope không còn nhiều thời gian khi ung thư vú đã di căn. Qua một người bạn Việt Nam thời đại học, chị đưa thông tin tìm cha mẹ ruột cho con nuôi Việt lên mạng, bằng hai ngôn ngữ, chia sẻ khắp các hội nhóm.

    Hôm 26/5, một phụ nữ quê Bình Phước đã liên hệ với người bạn Việt Nam của chị Hope, nhận là mẹ của Samuel. Bạn bè đang giúp chị Hope và Samuel kết nối với người này, tiến hành làm xét nghiệm ADN. "Tôi kỳ vọng sẽ có một kết quả như mong đợi. Lúc đó, tôi có thể tặng cho Samuel món quà ý nghĩa nhất của tuổi 18", chị Hope hào hứng nói.

    Nếu kết nối được con với ruột thịt của mình, chị Hope sẽ cùng Samuel sang Việt Nam, chứng kiến cảnh đoàn tụ. Người mẹ nuôi cho biết, điều chị muốn khi gặp bố mẹ đẻ Samuel là nói lời cảm ơn họ, vì đã nén nỗi đau xa con để cậu được chữa trị.

    Dù nuôi con, giúp con vượt qua những ngày khó khăn nhất cuộc đời, nhưng với chị, Samuel - Nguyễn Lê Hùng là phước lành to lớn.

    Theo VnExpress

  • Jade Hallyday danh ca nguoi phap nhan nuoi 1

    Cái tên Bùi Thị Hòa được đổi thành Jade Hallyday, và cũng kể từ đó, một câu chuyện như cổ tích thời hiện đại bắt đầu được viết ra qua từng ngày lớn lên của em bé người Việt.

    Có những sự gặp gỡ, dù là tình cờ hay sắp đặt, người ta gọi là duyên phận. Duyên phận dù ngắn dù dài, dù thoáng qua hay gắn bó bên nhau mãi mãi cũng để lại cho người ta những cảm xúc thật không thể nào quên được. Với cô bé người Việt Nam tên Bùi Thị Hòa (quê ở Thanh Ba, Phú Thọ), duyên phận đã đưa em đến với một người cha, người mẹ tuyệt vời mà ngỡ rằng cả đời em chẳng bao giờ có được.

    Câu chuyện cuộc đời của cô bé vẫn luôn như một tia sáng rực rỡ để người ta có niềm tin vào tình thương yêu, lạc quan và cả hy vọng.

    Jade Hallyday danh ca nguoi phap nhan nuoi 1

    Năm 2004, ở trại trẻ mồ côi thuộc huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ (Việt Nam), có một em bé xíu xiu mới 3 tháng tuổi đã bị bố mẹ ruột bỏ rơi. Em ấy là Bùi Thị Hòa (sinh năm 2004). Những tưởng cuộc đời em sẽ đầy chông gai khi phải lớn lên mà không có người thân chăm sóc cũng như thiếu vắng tình thương của cha mẹ, thế nhưng, như một cơ duyên trời định, cô bé ấy đã trở thành con nuôi của danh ca đình đám nước Pháp lúc bấy giờ - Johnny Hallyday. 

    Cái tên Bùi Thị Hòa được đổi thành Jade Hallyday (Jade mang nghĩa là viên đá quý xinh đẹp), và cũng kể từ đó, một câu chuyện như cổ tích thời hiện đại bắt đầu được viết ra qua từng ngày lớn lên của em bé người Việt...

    Người cha nuôi lừng danh của nước Pháp

    Danh ca Johnny Hallyday, tên thật là Jean-Philippe Smet, là một trong những nghệ sĩ lừng danh của Pháp, được xem như ca sĩ quan trọng đặt nền móng cho Rock and Roll nước này. Ở thời điểm đỉnh cao của sự nghiệp, ông được ví như "biểu tượng quốc gia" của nước Pháp và đến nay, cái danh ấy vẫn không hề lu mờ trong ký ức của nhiều người. 

    Jade Hallyday danh ca nguoi phap nhan nuoi 1

    Johnny Hallyday có công truyền bá thể loại nhạc Rock and Roll từ Mỹ tới cộng đồng những người nói tiếng Pháp nói riêng và cả châu Âu nói chung.

    Johnny thường được ví như "Elvis của nước Pháp" vì chịu ảnh hưởng nhiều từ huyền thoại Elvis Presley của Mỹ. Nhưng dẫu sao đi nữa, đối với người châu Âu, Johnny vẫn có một chất nhạc riêng, không thể lẫn với bất kỳ ai.

    57 năm cống hiến cho nền âm nhạc Pháp và cả châu Âu, Johnny đã để lại "gia tài đồ sộ" gồm 50 album phòng thu, 29 album ghi trực tiếp và bán được trên 100 triệu bản trên thế giới. Ông là nghệ sĩ Pháp bán số lượng album nhiều nhất trong lịch sử. Ngoài ra, Johnny còn tham gia diễn xuất trong một số bộ phim, trong đó có phim của đạo diễn nổi tiếng Jean-Luc Godard.

    Jade Hallyday danh ca nguoi phap nhan nuoi 1

    Có sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy nhưng Johnny lại gặp trắc trở trong hôn nhân và cả đường con cái. Ông kết hôn 4 lần nhưng chỉ có 2 con chung với 3 người vợ đầu. Người vợ thứ 4 của danh ca này là Laeticia Boudou - nữ diễn viên người Pháp, kém ông 29 tuổi.

    Sau khi kết hôn, Laeticia Boudou đã rất mong ngóng có con nhưng dường như số phận đã an bài khiến cô không thể mang thai vì sảy hết lần này đến lần khác. Laeticia còn mắc chứng biếng ăn và trầm cảm suốt 10 năm.

    Sau thời gian đắn đo suy nghĩ, cuối cùng vợ chồng Johnny và Laeticia Hallyday đã quyết định nhận con nuôi và Việt Nam là điểm đến trong lựa chọn của họ. 

    Thế rồi, cơ duyên giúp họ gặp được bé Jade. Cô bé lập tức được cha mẹ nuôi làm thủ tục đưa về Pháp. Ai mà ngờ được, một đứa trẻ mồ côi chẳng ai thân thích, chỉ một thời gian ngắn sau đã xuất hiện cùng bố mẹ nuôi nổi tiếng trên tờ bìa tạp chí Gala, trong bộ đồ trẻ em của Christian Dior. Thời điểm ấy, báo chí Pháp gọi em là "một ngôi sao mới ra đời".

    Jade Hallyday danh ca nguoi phap nhan nuoi 1

    4 năm sau đó, vợ chồng Johnny và Laeticia Hallyday tiếp tục trở lại Việt Nam và nhận nuôi một bé gái nữa là Mai Hương (sinh năm 2008). Sau đó Hương được đổi tên mới là Joy (nghĩa là niềm vui). Bé Joy có mẹ đỡ đầu là bà Hélène Darroze - nữ đầu bếp lừng danh của Pháp và là bạn thân của gia đình Hallyday. Bà Hélène Darroze cũng làm mẹ nuôi của hai trẻ mồ côi người Việt.

    Tình yêu thương xóa nhòa mọi ranh giới

    Là người nổi tiếng với hàng ngàn người theo dõi "nhất cử nhất động" nhưng vợ chồng Johnny và Laeticia Hallyday luôn sống cuộc sống giản dị, không chút màu mè và tình yêu thương họ dành cho con cái cũng vậy, giản dị mà sâu sắc. 

    Có một điều mà tất cả công chúng đều có thể dễ dàng nhìn thấy là Jade và Joy, dù là con nuôi, nhưng vẫn được hưởng tình yêu thương chân thành của cha mẹ. Những khoảnh khắc gia đình của họ cho thấy dường như không có bất kì khoảng cách nào trong mối quan hệ của những con người không cùng màu da, huyết thống. 

    Jade Hallyday danh ca nguoi phap nhan nuoi 1

    Johnny còn có 1 con trai và 1 con gái với những người vợ trước, David và Laura Smet, nhưng ông luôn đối xử công bằng, yêu thương các con như nhau. 

    Đặc biệt, lo sợ con gái có tâm lý e dè và tự ti vì nghĩ mình chỉ là đứa trẻ được nhận nuôi, vợ chồng danh ca người Pháp rất để ý đến cảm xúc của bé Jade. Năm con 2 tuổi, ông Johnny thậm chí còn viết tặng riêng cho con một bài hát xúc động có tên "Noel đẹp nhất đời", với ý nghĩa Jade chính là Noel đẹp nhất với ông. Trên cánh tay ông cũng xăm tên con gái bằng chữ Hán.

    Jade Hallyday danh ca nguoi phap nhan nuoi 1

    Trên mạng xã hội, họ thường xuyên chia sẻ những hình ảnh đời thường cho thấy không có bất kỳ sự khác biệt đối xử nào vì là con nuôi hay con ruột trong gia đình Hallyday. Em bé Jade được bố mẹ đặc biệt cưng chiều, thường xuyên cùng họ đi du lịch tới nhiều nước trên thế giới.

    Jade Hallyday danh ca nguoi phap nhan nuoi 1

    18 năm trôi qua, Jade lớn lên trong tình yêu thương, che chở của cha mẹ nuôi. Cô bé đã hoàn toàn "lột xác" thành một thiếu nữ xinh đẹp, trẻ trung, năng động và vui tươi đúng như tuổi của mình. Jade sở hữu trang Instagram có tới 155.000 lượt theo dõi. Ở đó, cô bé thường xuyên đăng tải những bức ảnh thể hiện cá tính và thời gian gần đây, người ta còn thấy Jade đăng ảnh cùng bạn trai người Pháp. Có lẽ, Jade bé bỏng năm nào đã lớn thật rồi!

    Jade Hallyday danh ca nguoi phap nhan nuoi 1

    Được biết, Jade lớn lên giữa Pháp và Mỹ nhưng dành phần lớn thời gian ở Los Angeles, nơi cô học tại một trường trung học. Là thành viên của dàn hợp xướng trường học, cô bé rất đam mê ca hát và nhảy múa, đặc biệt là nhạc cổ điển.

    Jade Hallyday danh ca nguoi phap nhan nuoi 1

    Tháng 8/2020, Laeticia Boudou đã đăng tải video bữa tiệc sinh nhật của con gái Jade trên tài khoản Instagram của mình cùng những chia sẻ đầy yêu thương: "16 năm đã trôi qua. Mẹ vẫn chưa thể quên được cảm xúc khi được làm mẹ của con, cách con bước vào cuộc đời bố mẹ và thay đổi mọi thứ. Mẹ hạnh phúc khi thấy nụ cười của con và rơi nước mắt khi nhận ra con gái mẹ là đứa trẻ quá xinh đẹp! Mẹ tự hào về con, con chính là hơi thở và cuộc đời của mẹ, mẹ yêu con không lời nào tả hết được!".

    Cú sốc khi bố qua đời

    Năm 2017, cả gia đình nhà Hallyday trải qua cú sốc tinh thần lớn khi Johnny qua đời. Jade đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho mẹ nuôi, luôn cạnh bên an ủi để cô có thể bình tâm sau sự ra đi của người chồng nhiều năm. Tình thân mẹ con lại càng bền chặt và gắn kết.

    Jade Hallyday danh ca nguoi phap nhan nuoi 1

    Năm 2019, 2 năm sau khi bố qua đời, Jade chia sẻ cảm xúc: "Bố đã đi xa được 2 năm rồi. Không ngày nào con không nhớ bố, con yêu bố không có ngôn từ nào diễn tả hết được. Bố là người tuyệt vời nhất và con thật may mắn khi được làm con của bố. Con biết bố vẫn luôn ở bên cạnh che chở cho chúng con. Con yêu bố!".

    Tháng 12/2018, Laeticia Hallyday đưa hai con gái của cô, Jade và Joy trở về quê hương Việt Nam. Thời điểm đó, truyền thông Pháp cũng đồng loạt dẫn lại thông tin và hình ảnh cùng các đoạn clip video của Laeticia Hallyday đăng tải trên tài khoản Instagram của cô thể hiện sự xúc động khi quay lại Ba Vì (Hà Nội).

    Trước đó, đã nhiều lần Laeticia tính đưa Jade và Joy về quê nhà nhưng vì nhiều lý do chương trình cứ bị dời lại, đặc biệt là khi Johnny qua đời vào đầu tháng 12/2017.

    Thông qua nhiều hoạt động nhân đạo của tổ chức từ thiện lâu năm này, Jade cùng em gái được mẹ dạy về sự chia sẻ, tình yêu thương, lòng trắc ẩn. "Tôi muốn các con biết hướng về những người còn khó khăn khác với lòng vị tha sâu sắc", cô nói.

    "Đất nước Việt Nam khiến tôi vô cùng xúc động. Mỗi lần rời Việt Nam, tôi lại như để hồn của mình ở nơi ấy. Tôi chỉ có thể cố gắng trong khả năng khiêm tốn của mình trả lại cho Việt Nam những gì đất nước này đã mang đến cho tôi", Laeticia Hallyday chia sẻ trên tạp chí Gala hồi cuối năm 2015.

    Theo Afamily

  • Bà Nguyệt ôm đau buồn mà mất sớm, trước 24 năm khi đứa con gái lạc nhà tìm thấy cha. Bà mất khi tâm nguyện tìm lại bé Nga năm xưa chưa viên thành…

    Cây cầu gãy và phút buông tay chia cắt nửa thế kỷ

    Đầu tháng 4/1975, ông Bùi Văn Tường dẫn vợ con di tản theo Quốc lộ 1 từ Nha Trang về hướng Tháp Chàm. Vợ ông, bà Ngô Thị Thu Nguyệt, là tiểu thư con gái phó giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn, dắt theo con gái nhỏ.

    me buong tay trong chieu chay loan 1
    Chị Nga và ba mẹ thời còn trẻ.

    Thời điểm này ở Ba Ngòi, Cam Ranh cực kỳ hỗn loạn, những trận bom phá hủy cầu đường liên tục nã xuống. Cầu Trà Long cũng bị đánh sập, được đặt tên là cầu gãy.

    Trong hỗn loạn, bà Nguyệt không thể đi qua cầu gãy. Gặp một người đàn ông đi xe Honda 67, ngỏ ý chở bé Nga qua sông giùm cho, bà để con lên xe rồi bơi theo sau. Bơi qua đến bờ sông bên kia thì không còn thấy con đâu, người đàn ông kia cũng mất dạng...

    Ông Tường đi qua cây cầu gãy, không hề biết con gái mình vừa lạc ở đó. Chỉ khi về đến nhà ở Phan Rang, gặp vợ vừa quá giang xe về đến nơi, ông mới hay tin bà Nguyệt làm lạc mất con gái.

    me buong tay trong chieu chay loan 1
    Cầu Trà Long - nơi một cái buông tay thay đổi số phận của cả gia đình.

    Ông bà sốt ruột đi tìm, chờ đến khi chính quyền cách mạng tiếp quản thì lên trình báo, xin ra Nha Trang đi tìm con. “Hơn chục ngày sau tôi đi tìm, hỏi chỗ này chỗ kia xem có ai nuôi con nuôi không, rồi thời gian trôi, tôi nghĩ con tôi chết rồi. Tôi nhớ con bé tóc dợn dợn, mập, thấp thấp. Tôi tìm hỏi hàng ngàn, hàng trăm người mà không ai thấy…”, xúc động, ông Tường nhớ lại.

    Hiện tại, ông Tường sống ở phường Bảo An, thành phố Phan Rang Tháp Chàm, Ninh Thuận, cách nơi lạc con 50km.

    Đứa trẻ lạc nhà được cưu mang

    Gia đình cụ Lưu Địch có 6 người con, 5 gái 1 trai, đã sống lâu đời tại Ba Ngòi, cách cây cầu gãy không xa. Mấy tuần lễ quân Việt Nam cộng hòa liên tục ném bom khu vực Ba Ngòi, người dân chạy trốn, di tản gần hết. Chị Thiện, một trong những người con của cụ Địch đi bộ qua cầu đến nhà dì trú ẩn.

    me buong tay trong chieu chay loan 1
    Chị Nga năm 1976, gần 1 năm sau khi ở với gia đình nuôi.

    Chị gặp một người bạn cũng tới đó, dẫn theo một đứa bé đi lạc. Em bé đó chính là Bùi Thị Nga, năm ấy 6 tuổi. “Em Nga dễ thương vô cùng, nhìn là cưng liền. Khả năng là gia đình cũng khá giả vì Nga khi đó mặc áo đầm. tóc cắt kiểu bum bê, mà tóc nhiều lắm.

    Tôi hỏi thì bạn kể là lượm em Nga ở chợ Ba Ngòi, ngay bến xe Phan Rang. Nó nói là Nga đứng một mình bên đường, khóc thét như kiểu đang tìm cha mẹ. Ngay gần đó có một chiếc xe Jeep có ông lính bị bom chết. Xung quanh bom đạn dữ lắm. Nó thấy tội nghiệp nên dắt Nga theo.

    Không biết con bé là người ở đâu tới, nếu là người ở Ba Ngòi thì chúng tôi biết liền. Tôi ở nhà dì mấy bữa trốn bom rồi đem Nga về nhà nuôi. Gia đình tôi đủ khả năng nuôi, không nghĩ ngợi gì hết.”.

    Năm đó ông Lưu Địch và bà Bùi Thị Bảy đã trên dưới 60, nhận nuôi chỉ vì tình thương với đứa trẻ lạc nhà và với bậc cha mẹ của đứa trẻ mà ông bà không biết mặt. Bé Nga gọi ông Địch, bà Bảy là ngoại, gọi các con ông bà là anh chị.

    me buong tay trong chieu chay loan 1
    Đại gia đình cụ Lưu Địch, ảnh chụp năm 1976.

    Từ khi gia đình nhận nuôi bé Nga, cũng có mấy người đến nhận nhưng Nga không chịu, nói: “Con ở với ngoại à. Đó không phải ba mẹ con. Chừng nào ba mẹ thật đón về thì con nhận.”.

    Theo ký ức của chị Thiện, bé Nga khi đó nhớ tên mình, nói rằng ba tên Tường, mặc đồ lính có rằn ri, mẹ tên Nguyệt làm tóc xoăn, có sơn móng tay, nhà có đèn nhấp nháy. Nga cũng nhớ là được chở bằng xe Honda 67 qua cây cầu gãy nhưng lại nghĩ là ba chở mình trên xe đó. Cô bé 6 tuổi năm ấy cứ băn khoăn mãi, không hiểu sao ba lại để mình ở đầu cầu rồi đi mất...

    Gia đình thương bé Nga lắm. Nga được ngoại cho đi học nhưng học không vào. Chị không muốn học lên vì trong thâm tâm luôn áy náy ngoại phải vất vả nuôi mình. Khi gia đình bán đất chia cho các cô con gái, chị Nga cũng được phần y chang. Chị cứ buồn mãi vì chưa kịp báo hiếu, ngoại đã mất. Năm 1978 ông Địch qua đời, năm 2000 bà Bảy cũng mất.

    me buong tay trong chieu chay loan 1
    Chị Nga (ngoài cùng bên phải) cùng các chị gái ở gia đình nuôi.

    Lớn lên, chị Nga đi làm mành trúc, mành sứ rồi ra Nha Trang ở với chị Thân. Năm 21 tuổi chị lấy chồng, ba mẹ chồng thương chị vô cùng. Chị cũng thương họ, tại từ khi lạc nhà, tới khi đó chị mới được kêu tiếng ba, tiếng má.

    Ba mẹ chồng có miếng đất tại Hòn Xện cũng cho chị, rồi đổi lấy chung cư tại Cồn Giữa. Hai con một trai một gái rất thương mẹ, đã lập gia đình, công việc ổn định. Chị Nga bán nước cũng đủ sống qua ngày.

    me buong tay trong chieu chay loan 1
    Chị Nga của hiện tại, sau gần nửa thế kỷ lưu lạc.

    Ngặt nỗi, chồng chị cũng bỏ chị đi sớm quá. Trong lòng chị Nga là những nỗi buồn chưa được khỏa lấp, từ ngày chị tuột tay mẹ giữa đường. Nỗi buồn ấy, người ta nói tràn ra cả mắt, vì chị có nốt ruồi trái bí ngay bọng mắt, nhìn như giọt lệ sầu. Chị Nga không tin tướng số, mà cũng không muốn phá đi, để làm dấu với hy vọng sau này còn gặp lại ba mẹ.

    Gia đình tan nát sau cuộc phân ly

    Lại nói về ba mẹ ruột chị Nga. Sau giải phóng, ông bà đi làm kinh tế mới cách nhà 20km rồi vào Sài Gòn làm mướn. Họ có thêm con trai, sống ở ga Hòa Hưng, rồi lại về Thị Nghè nhà ông bà ngoại ở ké.

    Từ ngày buông tay lạc mất đứa con đầu lòng, bà Nguyệt chưa bao giờ vực dậy được. Bà không nguôi nhớ bé Nga dù được an ủi khi sinh con thứ hai. Bà rầu rĩ mà lâm bệnh, mất năm 1997, khi mới có 47 tuổi.

    me buong tay trong chieu chay loan 1
    Ông Tường ở tuổi 82, đau đáu nỗi buồn lạc con.

    Đoạn đời sau của ông Tường còn nhiều bất hạnh nữa. Con trai theo bạn bè nghiện ngập, ông xin ba mẹ vợ bán nhà, đưa con về Phan Rang để cứu con. Nhưng sức ông không giữ được, nhà mất, con cũng không từ bỏ, sau này chết trong trại cai nghiện.

    Năm 2000, ông Tường trắng tay, cô độc, sống ở căn nhà bỏ không của người ta, bán vé số tự mình mưu sinh. Ông bằng lòng với cuộc sống nghèo khó, cố sống để mong gặp con. Bao nhiêu biến động xảy ra trong 46 năm xa cách, nhưng ông luôn chấp nhận số phận. Ông viết thư cho chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, mong tìm được núm ruột của mình.

    me buong tay trong chieu chay loan 1
    Căn nhà nơi ông sống trong cô quạnh tuổi già.

    Sau một thời gian dài tìm kiếm, chương trình đã có manh mối về “bé Nga” của ông Tường. Nghe điện thoại, ông run rẩy hỏi: “Đã có tin tức gì về con Nga của tôi chưa? Nó có may mắn không, nó có hạnh phúc không? Nếu có thể gặp con, tôi tưởng như người chết mà sống dậy. Ước vậy chứ tuổi mình càng ngày càng cao, không biết có kịp không…”.

    Ngày đoàn tụ: Gặp con như sống lại

    46 năm qua, chị Nga chưa từng rời xa nơi chị bị rớt lại. 46 năm, dù đi học, đi làm, lấy chồng hay khi đã thành góa phụ, chị cũng chỉ đi đi lại lại một cung đường Nha Trang - Cam Ranh ấy mà thôi.

    Nhiều năm liền, chị tự nghĩ rằng ba mẹ mất rồi nên không đi tìm mình. Đôi khi chị lại linh cảm gia đình mình vẫn còn, và thoáng thất vọng nghĩ là cả đời này không tìm thấy nhau nữa. Trong sâu thẳm, chị vẫn muốn là một người có cội có nguồn, chứ không phải là một cô bé bơ vơ giữa chợ, được định danh bằng một tấm giấy khai sinh danh dự.

    me buong tay trong chieu chay loan 1

    Giữa năm 2021, sau khi khớp nối thông tin, biết chị Nga là con của ông Tường, chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly đã đưa họ về với nhau. Nhìn tấm ảnh bé Nga năm 6 tuổi chụp cùng gia đình cụ Địch, ông bố 82 tuổi bật khóc.

    Khóc vì bé Nga của ông vẫn ở quanh cây cầu Trà Long đó thôi, khóc vì 46 năm chia cách oan uổng, người ta chỉ ông sai chỗ. Khóc vì già nửa cuộc đời đã trôi qua, vì "Bây giờ mà đi gặp con ngoài đường chắc ba không nhận ra, gặp con khi ba còn khỏe còn sống là ba mừng quá. Mong cho hết dịch để cha con có thể gặp nhau, ôm nhau. Ba tưởng con đã mất rồi, đâu còn đến ngày hôm nay.".

    me buong tay trong chieu chay loan 1
    Lạc nhau thuở con lên 6, đến khi con thành góa phụ tuổi trung niên, người cha mới gặp lại.

    me buong tay trong chieu chay loan 1

    Thời điểm đó, cả Nha Trang và Ninh Thuận đều áp dụng giãn cách xã hội, họ chỉ có thể đoàn tụ qua màn hình. Đến tận cuối năm 2021, ba con họ mới thực sự gặp nhau ngoài đời. Chị Nga òa vào vòng tay ba, khóc nức nở.

    Sau khi bà Nguyệt và anh Đỏ mất, ông Tường và gia đình bên vợ không còn liên lạc gì với nhau. Hơn 20 năm, nhân dịp tìm thấy chị Nga, họ mới nối lại trò chuyện. Cậu Tư của chị, mừng mừng tủi tủi gọi video call với cháu, hàn huyên những ngày xa cách.

    me buong tay trong chieu chay loan 1
    Những ký ức đau buồn về bà Nguyệt được ông Tường nâng niu.

    Ông Tư kể, cho đến khi mất, chị gái ông vẫn u ất, buồn đau không ngớt vì đã làm lạc con. Những năm 2000, từng có một sinh viên Mỹ về Nha Trang tìm gia đình thất lạc tháng 3/1975 ở Cam Ranh. Cậu và dì chị Nga hay tin, sang tận Mỹ để nhận mặt, nhưng lại thất vọng ra về.

    Họ đâu có biết, núm ruột lưu lạc của gia đình vẫn ở Nha Trang ngần ấy năm; trong khi họ canh cánh trong lòng nỗi đau của chị gái, muốn tìm cháu cho chị được yên nghỉ.

    Soha (Nguồn tham khảo: Như chưa hề có cuộc chia ly)

  • doan tu voi me o anh 10

    Ánh mắt Vance nhìn bà Anh vằn lên sọc đỏ. Anh không tin cuộc gặp sẽ có thể xóa đi nỗi đau bị kỳ thị, sự trống rỗng của 43 năm bị tách khỏi nguồn cội, hoang mang về bản thân.

    Trong những câu chuyện thất lạc người thân, có những cuộc chia ly là do hoàn cảnh, nhưng cũng có lần “lạc nhà” là chia cách gần nửa thế kỷ. Anh Vance McElhinney (1974, Anh Quốc) đã có một cuộc lưu lạc, bị chia tách khỏi mẹ, khỏi quê hương đất Việt suốt 43 năm. Vance là 1 trong số gần 3.000 trẻ em bị đưa ra nước ngoài theo chiến dịch Operation Babylift (Không vận Trẻ em) của Mỹ, tháng 4/1975.

    Trong số hàng nghìn trẻ em rời Việt Nam sang Mỹ, Úc, Anh, Canada… năm ấy, không phải ai cũng thật sự là trẻ mồ côi. Có những đứa trẻ bị tách rời gia đình, xé khỏi gốc gác, bị thay đổi hoàn toàn số phận để lại sự day dứt cả đời như Vance.

    Khi bị đưa đến nước Anh xa xôi, Vance mới 9 tháng tuổi, với một bức ảnh chụp, lý lịch mồ côi cha mẹ, tên khai sinh: “Van Tan Nguyen” - những giấy tờ mà sau này anh mới biết là chỉ được gán cho mình để dễ dàng lên máy bay không vận.

    doan tu voi me o anh 10
    Bức ảnh chụp Vance McElhinney khi còn ở Việt Nam.

    “Tôi luôn cảm thấy lạc lõng”

    Cậu bé Babylift được đưa sang Anh, rồi lưu lạc đến Bắc Ireland. Khi 18 tháng tuổi, gia đình Cyril và Liz McElhinney ở thị trấn Lurgan và đặt cho đứa trẻ một thân phận mời: Vance McElhinney. Khi gặp cha mẹ nuôi lần đầu, Vance là đứa trẻ Việt duy nhất tại trại trẻ chưa được nhận nuôi. 

    Anh cô độc trong chuyến bay rời khỏi đất nước, cô độc trong trại trẻ mồ côi, nhưng đó không phải là lần cuối Vance ở trong tình cảnh đó. Bố mẹ nuôi của Vance thành đạt và khá giả. Họ có 2 con trai tên là David và Stephen. Cả bố mẹ và hai anh đều yêu quý Vance. Nhưng yêu thương là chưa đủ.

    Vance luôn cảm thấy cô đơn, ý thức được thân phận “ở ngoài rìa”. Từ khoảng 5 - 6 tuổi, anh đã luôn thấy có một khoảng trống lớn trong lòng. Những năm 1970, cộng đồng người ở Bắc Ireland chưa đa văn hóa như bây giờ, chỉ có tầm 3 hay 4 người da màu, trong đó có Vance.

    Năm Vance 13, 14 tuổi, mọi việc tồi tệ hơn nữa. Anh bị bắt nạt, bị đánh, bị lũ trẻ da trắng gào vào mặt: "Cút về Việt Nam đi!". Một số bạn học chửi Vance và gọi anh bằng những từ ngữ thô tục. Anh nhận thức rất rõ: Mình sẽ luôn là thiểu số ở đây.

    doan tu voi me o anh 10

    “Với sự khác biệt về tôn giáo và màu da, lớn lên ở Bắc Ireland thực sự là khó khăn với tôi. Điều đó phần nào biến tôi thành một con người chai lì, không muốn bày tỏ cảm xúc.” - Vance đau đớn nhớ lại.

    Ý niệm “Việt Nam” trong đầu đứa trẻ lạc nhà luôn khiến Vance khổ sở. Mỗi khi nỗi đau, sự kỳ thị ập tới, anh lại tự hỏi, nếu ở Việt Nam, anh có ổn không?

    “Khi bị bố mẹ nuôi mắng, trong tôi càng quặn lên nỗi khó chịu. Tôi quát lại: ‘Ông bà có phải bố mẹ thật của tôi đâu.’. Đó là cách tôi phản kháng, chứ tôi thực sự không có ý nói những lời lẽ như vậy. Mẹ Liz tôi kể lại, năm tôi 13 - 14 tuổi, mối quan hệ của hai mẹ con đã thực sự thay đổi, theo cách tồi tệ hơn. Một phần nào đó trong tôi suy nghĩ rằng tôi muốn trở về Việt Nam.

    Nhưng tôi thật sự chần chừ trong việc tìm hiểu về gốc gác của mình. Tôi chỉ biết mình bị đưa đi vì chiến tranh, và tôi không dám xem bất cứ bộ phim tài liệu nào về chiến tranh Việt Nam. Tôi sợ nó làm mình tổn thương.”

    doan tu voi me o anh 10
    Cha mẹ nuôi và các anh trai rất yêu quý Vance.

    Cho đến khi bước qua tuổi 40, trải qua 2 cuộc hôn nhân không thành, cảm giác trống trải vẫn choán lấy Vance. Anh không biết gì về quá khứ của mình, nguồn gốc của mình, ngoài 1 bức ảnh chụp tại trại trẻ mồ côi với tấm biển đề chữ M - tên tổ chức phụ trách đưa anh đi - Mercy. Mẹ nuôi Liz cũng đưa cho anh mảnh giấy ghi địa chỉ Quy Nhơn và tên trại trẻ mồ côi anh từng sống - thứ mà bà giữ cẩn thận hơn 40 năm.

    Lênh đênh tìm nguồn cội

    Vance chưa bao giờ nguôi ngoai về quá khứ bí ẩn của mình. Anh đã tìm đến một cơ quan báo chí địa phương nhờ giúp đỡ. Câu chuyện của anh được chú ý, và hãng truyền thông ngỏ ý muốn đi cùng anh về Việt Nam.

    Chuyến đi đầu tiên ấy, Vance không kỳ vọng sẽ tìm được mẹ ngay với lượng thông tin ít ỏi. “Tôi về Việt Nam chỉ để thấy mình có cảm giác thuộc về đa số, đi giữa đường không ai nhìn chằm chằm, ngồi trong quán ăn mà không bị những người xung quanh có cái nhìn khác biệt; hay đơn thuần là ra quán nhậu mà không bị ai chửi, kỳ thị cả.

    Tôi đã sợ mình sẽ phải bỏ cuộc. Tôi đã chuẩn bị sẵn cho khả năng mình sẽ không thể tìm được mẹ, thậm chí đã nghĩ đến việc tự thuyết phục mình rằng bà đã không còn nữa. Ban đầu tôi nghĩ mình chỉ có thể tìm kiếm trong tối đa một năm, nhưng rốt cục đã nó đã kéo dài hơn ba năm.”.

    doan tu voi me o anh 10

    Trong chuyến đi ấy, Vance đã tìm thấy cô nhi viện anh từng ở một vài tuần, giờ đã thành viện dưỡng lão. Anh gặp được các xơ chăm trẻ mồ côi năm xưa, hỏi dò về cái tên “Nguyen Van Tan”. Họ bảo, tất cả cô nhi đều được đặt lại tên mới, làm giấy tờ mới, vì không thực sự biết chúng là con ai, tên gì. Vance sốc vô cùng.

    Một thời gian ngắn sau, cũng trong năm 2016, câu chuyện của Vance được dựng thành phim tài liệu, mọi sự tiến triển từ đó. Khi phim được chiếu, Vance nhận hàng trăm cuộc gọi, hàng nghìn tin nhắn. Anh cố gắng đọc và trả lời hầu hết trong số đó, nhưng trái tim mách bảo họ chỉ là những cha mẹ tuyệt vọng tìm con của mình, ở đâu khác chứ không phải nơi anh.

    Cho đến một ngày, lẫn trong những tin nhắn chờ và email, có một người khăng khăng anh chính là em họ thất lạc của mình. Người phụ nữ ấy gửi cho anh một tấm ảnh kèm theo một số thông tin trùng khớp với những gì anh biết (nhưng chưa công bố). Anh chưa tin, nhưng cũng hẹn năm 2017 sẽ đến gặp thử.

    Nỗi dằn vặt của người mẹ suýt hóa điên vì mất con

    Đầu năm 2017, y lời hẹn, anh về Quy Nhơn. Nhờ sự giúp đỡ của bà Nguyễn Nga (Giám đốc một trung tâm nhân đạo ở Quy Nhơn) và người đã liên lạc với mình, anh đến gặp bà Lê Thị Anh. Vance thấy một người phụ nữ luống tuổi ngồi trong góc phòng, bỗng nhiên đứng bật dậy, ra ngồi cạnh và ôm lấy anh khóc nức nở. Vance bối rối không biết nhìn đi đâu.

    Bà Anh đưa ra tấm ảnh chụp cùng con trai năm xưa, ảnh ba của con trai, kể rằng từ khi lạc con, bà gần như hóa điên, đi lang thang khắp nơi tìm con. Bà nguyện dành cả cuộc đời để kiếm tìm núm ruột của mình.

    “Hồi đó, tôi vào hỏi thăm con thì các xơ bảo nó chết rồi, chết trong chuyến vận chuyển đầu tiên. Tôi buồn lắm, nhưng linh cảm của người mẹ mách bảo con tôi vẫn còn. Tôi lại hỏi các bà xơ ở Ghềnh Ráng là con mình có đi chuyến đó không thì họ nói không phải, con tôi đi chuyến sau.

    Tôi nghĩ, khi đó con tôi 9 tháng tuổi, chắc người ta nuôi được. Tôi cứ băn khoăn con mình nhỏ xíu như vậy, có ai ẵm bồng nó không, có ai làm té nó không, người ta có cho nó học hành không… Tôi cứ nghĩ con mình ở Mỹ. Tôi cũng nhờ rất nhiều người tìm hiểu ở Mỹ mà không thấy thông tin gì cả…” - bà Lê Thị Anh kể, nước mắt giàn giụa.

    doan tu voi me o anh 10
    Bức ảnh bà Anh chụp cùng con trai ngay trước khi bà gặp nạn.

    Vance không tin những ảnh bà Anh đưa ra, những bức ảnh chẳng chứng minh điều gì cả. Nhưng anh bất giác hỏi: “Sao bà đẻ tôi ra mà bà bỏ tôi?”. Trong ánh mắt Vance, bà Anh nhìn thấy vằn lên hận thù, tủi nhục. Bà chỉ biết khóc. 

    Sau câu hỏi ấy, bí mật về cuộc lưu lạc được tháo gỡ. Tên khai sinh của Vance là Nguyễn Thành Châu. Thời điểm đó, bà Anh bị bệnh, chân yếu đi, phải nằm trường kỳ vài tháng ở bệnh viện. Chồng của bà, một người đàn ông vũ phu, nghiện rượu bỏ đi biệt tích. Các em của bà Anh chăm sóc đứa trẻ.

    Khi một bà xơ đến bày tỏ lo ngại cho sự an toàn của bé Châu khi chiến tranh đang khốc liệt, hứa sẽ chăm sóc bé an toàn, những người anh em của bà Anh đã đưa núm ruột duy nhất của bà cho các xơ ở cô nhi viện ở Ghềnh Ráng (Quy Nhơn). Họ không hỏi ý kiến, và bà Anh cũng không hề biết, cho đến khi ra viện.

    Nghe thế, Vance nhận ra bà không hề bỏ rơi con trai, mà là hai mẹ con bị tách nhau. Dù trong lòng vẫn đầy hoài nghi, không chắc mình có nên tin hay không, anh vẫn dặn người thông dịch nói lại: “Hãy bảo với người phụ nữ này, rằng đó không phải lỗi của bà ấy.”

    doan tu voi me o anh 10

    Bà Anh vẫn giữ liên lạc với Vance. Người phụ nữ nông thôn học tiếng Anh, dùng điện thoại công nghệ, máy tính bảng để nói chuyện mỗi ngày, để kết nối với Vance - người mà bà khăng khăng là con trai thất lạc của mình.

    Còn về phần mình, Vance trì hoãn 1 năm mới xét nghiệm ADN với bà Anh, dù thủ tục thực ra chỉ mất 1 tháng. Đó là vì, mẹ nuôi của anh bỗng dưng đổ bệnh trong thời điểm anh về Việt Nam cuối năm 2017. “Để thể hiện lòng tôn trọng với mẹ Liz, tôi không nhắc gì đến việc xét nghiệm ADN hay nhận mẹ ruột. Tôi dành thời gian chăm sóc mẹ Liz. Bà ấy nuôi dạy tôi suốt 43 năm, là mẹ của tôi 43 năm, tôi không muốn làm bà buồn.

    Đến khi lo xong tang lễ cho mẹ Liz, tôi mới mở phong bì xem kết quả ADN. Trùng khớp 100%. Lúc đó tôi kiểu: Ồ, mình tìm được mẹ ruột rồi, giờ sao đây nhỉ?

    Ngày 9/2/2018, chúng tôi gặp lại nhau ở Quy Nhơn. Khoảnh khắc mẹ và con trai rất lạ. Trước đó, chúng tôi đã nói chuyện nhiều, nhưng với thân phận mơ hồ. Mẹ Anh rất gần gũi, bà cầm tay, ôm ấp, vuốt ve tôi. Tôi không quen lắm. Bố mẹ nuôi chưa từng xoắn xuýt với tôi như vậy, và tôi cũng không để họ làm như vậy, kể cả khi còn nhỏ.

    doan tu voi me o anh 10

    Tôi ở lại ăn Tết Nguyên đán với mẹ. Bà sung sướng đem tôi đi giới thiệu khắp nơi, gặp ai cũng khoe. ‘Con trai tôi đó’, bà nói câu đó cả ngàn lần, và đó là câu duy nhất bà nói mà tôi hiểu, không cần phiên dịch.”.

    ***

    Đã 4 năm ngày đoàn tụ với mẹ, khoảng trống trong lòng Vance dần thu gọn lại. Anh đã có vợ tên Lê Hằng (1990), gặp nhau ở thời điểm Vance về Việt Nam tìm mẹ. Họ có với nhau một con gái dễ thương và hiện đang sống chủ yếu tại Anh. Vance là bếp phó làm việc bán thời gian và bán hàng qua mạng.

    doan tu voi me o anh 10
    Anh Vance hạnh phúc bên người vợ Việt Nam.

    Vance thoải mái hơn khi được gọi là Châu - tên mẹ đã đặt cho anh khi lọt lòng. Anh thành lập một quỹ hỗ trợ các trường hợp trẻ mồ côi, khuyết tật, cùng trung tâm nhân đạo Nguyễn Nga giúp đỡ những hoàn cảnh đáng thương.

    “Tôi được cha mẹ nuôi nâng đỡ, yêu thương để có ngày nay, và khi đã ổn, tôi cũng muốn dang tay giúp đỡ người khác như một lời tri ân. Tôi vẫn đang trong hành trình hàn gắn vết thương lòng và khám phá cuộc sống có mẹ sau 43 năm cách xa."

    doan tu voi me o anh 10
    Anh Vance - Châu thành lập một quỹ hỗ trợ để giúp đỡ những trẻ em khó khăn tại Việt Nam.

    Bài liên quan: Con trai bị đưa sang Anh, mẹ Việt hóa điên và cuộc gặp sau 43 năm

    Theo Soha

  • Cô bé người gốc Việt sống cùng gia đình ở Úc, Quanne Diec, mất tích bí ẩn vào năm 12 tuổi.

    Ngày 27/7/2021 đánh dấu 23 năm kể từ ngày cô bé gốc Việt tên Quanne Diec đột ngột biến mất không để lại dấu vết khi đang trên đường đi học. Kể từ đó đến nay, báo chí Úc nói riêng và truyền thông quốc tế nói chung đã tốn nhiều giấy mực cho vụ án mất tích bí ẩn và kéo dài lâu nhất ở Úc này.

    be gai viet mat tich 1
    Thủ phạm “xa tít chân trời gần ngay trước mắt”

    Tất cả manh mối chỉ là cái bóng mờ xuất hiện trong camera

    Quanne Diec sinh ra tại Sydney vào ngày 12 tháng 5 năm 1986. Mẹ em là người gốc Việt và cha là người gốc Hoa. Cả 2 người đến Úc năm 1978 rồi kết hôn và sinh con. Quanne có 2 anh chị – anh trai Sunny và chị gái là Tina.

    Năm ấy, cô bé Quanne vừa tròn 12 tuổi. Em sống cùng gia đình ở một ngôi nhà vùng ngoại ô Granville, thuộc bang New South Wales, phía Tây thành phố Sydney, Úc. Hàng ngày, Quanne đến trường trung học nữ sinh Strathfield bằng cách tự bắt tàu từ Clyde tới Strathfield. Thế nhưng, ngày 27/7/1998 là một ngày định mệnh bởi cô bé đã ra đi mãi mãi mà không hẹn ngày trở về.

    Hôm đó là sáng thứ 2, như mọi ngày, Quanne khoác lên mình bộ đồng phục học sinh, thu dọn đồ ăn trưa, chào tạm biệt chị gái Tina (vẫn còn nằm ngủ trên giường), sau đó mẹ của em, bà Ann, dẫn con gái ra cửa trước để tiễn con đi học. Bà dõi theo bước chân của con cho đến khi cô bé rẽ sang con phố Factory Street.

    Quanne đã đi đến Trung tâm Thư tín Quốc tế Bưu điện Úc cách nhà khoảng 350 mét và chỉ còn cách nhà ga xe lửa Clyde, nơi em sẽ bắt chuyến tàu đến trường, 550 mét. Hình ảnh cô bé đã được một trong những camera CCTV của Trung tâm Thư tín ghi lại ở khoảng cách gần.

    Hôm đó là sáng thứ 2, như mọi ngày, Quanne khoác lên mình bộ đồng phục học sinh, thu dọn đồ ăn trưa, chào tạm biệt chị gái Tina (vẫn còn nằm ngủ trên giường), sau đó mẹ của em, bà Ann, dẫn con gái ra cửa trước để tiễn con đi học. Bà dõi theo bước chân của con cho đến khi cô bé rẽ sang con phố Factory Street.

    Quanne đã đi đến Trung tâm Thư tín Quốc tế Bưu điện Úc cách nhà khoảng 350 mét và chỉ còn cách nhà ga xe lửa Clyde, nơi em sẽ bắt chuyến tàu đến trường, 550 mét. Hình ảnh cô bé đã được một trong những camera CCTV của Trung tâm Thư tín ghi lại ở khoảng cách gần.

    be gai viet mat tich 1
    Cảnh sát New South Wales dựng một ma-nơ-canh tại ga xe lửa Clyde, mặc trang phục như Quanne vào thời điểm cô bé mất tích.

    Cảnh sát bang New South Wales đã nhanh chóng đưa ra thông báo tìm người đối với trường hợp mất tích của Quanne. Hầu hết các phương tiện truyền thông chính thống trong thành phố Sydney đều đưa tin về sự biến mất của Quanne.

    Trong những ngày ngay sau đó, cảnh sát New South Wales cũng dựng một ma-nơ-canh tại ga xe lửa Clyde, mặc trang phục như Quanne vào thời điểm cô bé mất tích (mặc đồng phục của trường Trung học Nữ sinh Strathfield) và phát tờ rơi có ảnh của Quanne cho những người đi đường. Họ cũng thành lập Lực lượng đặc biệt có tên Lyndey, để điều tra trường hợp mất tích bí ẩn của Quanne.

    Vụ mất tích của Quanne đã thu hút sự chú ý của dư luận ở Úc thời điểm đó. Đến nỗi mà, Thủ hiến đương nhiệm lúc bấy giờ của New South Wales, ông Bob Car, thông báo tăng phần thưởng cho người có thông tin về trường hợp của cô bé, từ 100.000 đô la Úc (1,6 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) lên 200.000 đô la Úc (3,3 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại).

    Từng ngày, từng giờ mong con quay trở về

    Đối với ông bà Diec, sự biến mất kỳ lạ của con gái là nỗi đau đớn không thể diễn tả thành lời và bằng mọi giá, ông bà phải tìm được con. Chính vì vậy mà ông Diec sẵn sàng bỏ ra hàng ngàn USD để đi khắp nước Úc với hy vọng nhỏ nhoi là con gái mình chẳng may bị mất trí nhớ nên đi lạc ở đâu đó.

    Bất chấp những hồi ức cứ hiện về rõ mồn một, cả những đồ vật kỷ niệm trong căn phòng ngủ đầy đồ chơi của con gái khiến tim mình thắt lại, ông bà Diec vẫn nhất định không chịu chuyển nhà đi nơi khác vì họ vẫn nuôi hy vọng mãnh liệt rằng một ngày nào đó con gái sẽ trở về an toàn. Họ khẳng định, cho đến khi nhìn thấy thi thể hoặc bất cứ thứ gì liên quan đến con thì họ sẽ không bao giờ từ bỏ hy vọng rằng cô bé có thể vẫn còn sống và sẽ trở về nhà.

    Trả lời phỏng vấn truyền thông, ông Diec nói: “Tôi vẫn cầu nguyện một phép màu sẽ xảy ra và Quanne sẽ trở lại. Tôi đang đợi cảnh sát thông báo với chúng tôi rằng con còn sống. Quanne biết đây là nhà của con bé và chúng tôi đang chờ con ở đây”.

    Bà Ann đau đớn nói: “Nếu con bé trở về mà chúng tôi không đợi ở đây thì con bé sẽ không biết tìm chúng tôi ở đâu”.

    be gai viet mat tich 1
    Mặc cho nỗi mong mỏi của cặp vợ chồng già, 18 năm trôi qua, câu trả lời mà cảnh sát có thể đưa ra chỉ là: “Chúng tôi chưa tìm thấy cô bé”.

    Trong những tháng sau khi Quanne biến mất, cảnh sát đã nhận được một cuộc điện thoại kỳ lạ, kẻ bí ẩn ở đầu dây bên kia nói rằng họ đã bỏ lỡ “manh mối quan trọng” và chỉ dẫn tới một con suối ở Granville. Tháng 1 năm 1999, “nhân vật bí ẩn” ấy lại nói các cảnh sát rằng: “Các ông đang tìm kiếm không đúng chỗ rồi“. Tiếp sau đó, trong một cuộc điện thoại khác, hắn lại chỉ dẫn cảnh sát đến một con đập ở phía Nam vùng ngoại ô.

    Sau gần 20 năm, cảnh sát tốn nhiều công sức, tiền của mà không tìm được thủ phạm thì bất ngờ ngày 20 tháng 11 năm 2016, thủ phạm bắt cóc và giết hại bé Quanne bất ngờ tới đồn cảnh sát Surry Hills đầu thú. Kẻ đó không phải ở đâu xa xôi mà chính là gã hàng xóm, tên Vinzent Tarantino, sống cách nhà Quanne chỉ chừng 700m.

    Tờ The Australian thời điểm đó cho hay, tên Tarantino đã thú nhận với cảnh sát rằng hắn đã bóp cổ và giết hại Quanne. Hãng truyền thông Fairfax cho biết, không ai hiểu được nguyên do vì sao hung thủ lại ra đầu thú sau 18 năm lẩn trốn và giữ im lặng.

    Sau khi đầu thú, Tarantino đã hợp tác với cảnh sát để tìm kiếm thi thể của Quanne trong một bụi rậm ở Bulli Tops gần Wollongong nhưng hài cốt của cô bé không được tìm thấy.

    be gai viet mat tich 1
    Tên Vinzent Tarantino dẫn các thám tử đến địa điểm vứt xác Quanne mà hắn nhớ.

    Cảnh sát đã tìm kiếm suốt 3 ngày tại nhà cũ của Tarantino tại đường Granville với hy vọng có thể tìm lại được đồ đạc còn lại của Quanne. Thi thể của cô bé cũng đang được cảnh sát tiếp tục tìm kiếm theo lời khai của Tarantino. Tuy nhiên, sau 18 năm, rất khó để có thể xác định chính xác vị trí của thi thể.

    Về quá khứ của tên Tarantino, hắn từng là một cầu thủ thể thao được nhiều người hâm mộ. Hắn có một tuổi thơ khá êm đềm nhưng từ sau khi sự nghiệp trượt dốc, hắn chìm vào rượu bia, thuốc lá.

    Khi Quanne mất tích, cảnh sát từng nghi ngờ người đàn ông này nhưng lại không tìm được điểm khả nghi. Thời điểm đó, hắn sống với bố đẻ trong một căn nhà gỗ lụp xụp.

    be gai viet mat tich 1
    Tên Vinzent Tarantino dẫn các thám tử đến địa điểm vứt xác Quanne mà hắn nhớ.

    Trong phiên tòa diễn ra hồi tháng 3 năm 2018, tên Tarantino cho biết hắn đã dụ bé gái 12 tuổi vào trong xe của mình rồi chở về nhà của hắn, chỉ cách nhà cô bé có 700m. Được biết, mục đích ban đầu của tên này là bắt cóc Quanne để lấy tiền chuộc từ bố mẹ của cô bé nhưng vì Quanne liên tục làm ồn và la hét trong nhà của hắn nên hắn đã “lỡ tay” giết chết nạn nhân.

    Nhận thấy Quanne đã chết, hắn cho xác của cô bé vào chiếc thùng rác đặt vào phía sau xe tải màu trắng và lái xe đến một vùng đất vắng vẻ rồi vứt xác ở đó. Cho đến nay, cảnh sát vẫn chưa thể tìm được hài cốt của Quanne bất chấp những cuộc tìm kiếm trên diện rộng.

    Trong một bài đăng vào ngày 19 tháng 4 năm 2021 vừa qua, tờ ABC News cho biết các nhà điều tra chưa có đủ bằng chứng để kết tội tên Tarantino dù hắn tự ra đầu thú. Tuy nhiên, thanh tra thám tử Andrew Mackay xác nhận Tarantino vẫn là một người “đáng quan tâm” trong vụ án. “Việc cô bé Quanne Diec mất tích và nghi ngờ bị giết đến nay vẫn còn là một vụ án mở với cảnh sát New South Wales”, ông Andrew nói.

    Theo giadinh

  • Sau khi nhận kết quả kiểm tra ADN đau lòng và bất ngờ, mọi người đã có cách để biến bi kịch thành câu chuyện ấm lòng.

    Mới đây, 2 cô gái 23 tuổi Caterina Alagna và Melissa Fodera đến từ Sicily, Ý đã chia sẻ câu chuyện trưởng thành đặc biệt của mình trên truyền thông, thu hút nhiều sự chú ý của mọi người vì câu chuyện cảm động.

    Số phận mang Caterina và Melissa trở thành người nhà khi vào năm cả hai 3 tuổi, bà Marinella Alagna - mẹ Melissa đến trường mẫu giáo đón con gái. 

    Bà đã tình cờ nhìn thấy cô bé Caterina trong sân trường và giật mình vì gương mặt đứa trẻ rất giống với 2 cô con gái lớn ở nhà. 

    Nhờ trực giác mách bảo, bà Marinella đã kiên nhẫn ở lại quan sát Caterina một lúc. Và khi nhìn thấy mẹ của cô bé đến đón, bà chết lặng khi nhận ra mình quen biết người phụ nữ đó. 

    Mẹ Caterina chính là sản phụ đã nằm cùng phòng với Marinella trong nhà hộ sinh 3 năm trước.

    phat hien con roi 1
    Caterina và Melissa ngày bé.

    Sau trao đổi thẳng thắn, hai bà mẹ đã đi làm xét nghiệm ADN cho các con. Kết quả đúng như họ nghi ngờ. 

    Caterina và Melissa, lúc này mới 3 tuổi đã bị tráo nhầm trong bệnh viện và đổi gia đình cho nhau. 2 cô bé sinh cách nhau 15 phút tại bệnh viện Mazara del Vallo, Sicily vào đúng đêm giao thừa 31/12/1998. 

    Y tá đã vô tình trao nhầm 2 em bé cho các bà mẹ mà không ai nghi ngờ gì.

    Phát hiện bi kịch đã khiến người lớn đau lòng và bối rối. Trong thời gian đầu chuyển về đúng nhà, hai bà mẹ ngày nào cũng gọi điện cho nhau và khóc lóc.

    Sau 3 tháng, họ đều khẳng định rằng không thể chịu đựng được cảnh rời xa đứa con mình đã nuôi nấng, yêu thương từ bé. Sau tất cả, đôi bên đã đưa ra một quyết định vô cùng đặc biệt và ấm lòng: 4 ông bố bà mẹ sẽ cùng nuôi 2 con, biến Caterina và Melissa thành chị em của nhau.

    phat hien con roi 1
    Mọi người coi 2 cô gái như cặp sinh đôi dù không chung dòng máu.

    Ban đầu, 2 đứa trẻ được đưa về nhà cũ ở vào dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ. Về sau, vì cùng sống trong một thị trấn nhỏ, 2 gia đình chuyển luôn về sống chung dưới một căn nhà lớn để có thể cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng 2 cô bé.

    Các bà mẹ cho biết họ phải vô cùng khéo léo để không làm tổn thương tâm lý non nớt của con trẻ. Họ cũng chưa từng oán trách hay yêu cầu nhà hộ sinh bồi thường mà cho rằng số phận đã cho mình 2 cô con gái một lúc.

    Kể từ đó, Caterina và Melissa đã lớn lên cùng nhau, luôn học cùng lớp và trở thành người nhà thực thụ.

    "Chúng tôi không chỉ đơn thuần là chị em, mà coi mình là một cặp chị em song sinh. Chúng tôi có 8 ông bà, 2 bố, 2 mẹ. Điều đó thật phi thường", Caterina tự hào cho biết.

    Mãi đến năm 8 tuổi, hai bé gái mới được bố mẹ kể cho sự thật.

    Caterina tâm sự: "Nó nghe như một trò chơi vậy và đến nay chúng tôi đều không còn nhớ trước năm 3 tuổi mình đã có cuộc sống thế nào. 

    phat hien con roi 1
    Quyết định đặc biệt của 4 bố mẹ đã giúp 2 cô bé không hề tổn thương tâm lý mà thậm chí còn vui vẻ hơn.

    Cả hai rất hạnh phúc vì có một gia đình lớn và được nhận tình yêu thương vô bờ bến từ mọi người".

    Caterina Alagna và Melissa Fodera đã cùng nhau thực hiện một cuốn sách tên Sisters Forever (Mãi mãi là chị em) và bộ phim tài liệu kể về cuộc đời của mình. Hiện tại, sau 20 năm phát hiện ra nhầm lẫn, hai gia đình Alagna và Fodera đã trở nên gắn kết như người thân.

    Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

  • 8 giờ sáng 29/10, Tana-Julie Bichon thức giấc khi nghe tiếng chuông báo tin nhắn. "Đã tìm thấy mẹ của bạn rồi" - dòng chữ hiện trên màn hình khiến cô gái 24 tuổi bừng tỉnh.

    gap nguoi than truoc gio phong toa 1
    Phương Thảo và em sinh đôi Tú Linh trước khi chia cắt, người ở Việt Nam, người ở Pháp. Lúc này hai chị em khoảng 6 tháng tuổi. Ảnh: Gia đình cung cấp.

    Người gửi là Nguyễn Giang, sinh viên năm nhất ngành Quản trị nhà hàng khách sạn, tại Paris. Ba hôm trước, Giang biết Tana thực ra là một cô gái gốc Việt, được một cặp vợ chồng người Pháp nhận làm con nuôi từ 24 năm trước. Niềm mong mỏi lớn nhất của Tana là tìm lại mẹ ruột và gia đình của mình ở Việt Nam. Giang đã nhận giúp đỡ đăng thông tin lên một trang mạng xã hội có khá đông thành viên ở Việt Nam với hy vọng sẽ có kết quả sớm. Thông tin mà Tana đưa cho Giang khá cụ thể, có cả hình ảnh, tên tuổi và địa chỉ cũ của người mẹ Việt Nam của cô - bà Nguyễn Hoa Đào - nên chỉ sau 15 phút một người phụ nữ Việt Nam đã trực tiếp liên hệ với Giang.

    "Tôi không thể tin vào mắt mình. Mới đêm hôm trước tôi còn chán nản, mà sáng ngủ dậy đã có tin vui", Tana-Julie Bichon, tên tiếng Việt là Nguyễn Phương Thảo chia sẻ. Ngay lập tức cô gọi báo cho bố mẹ nuôi của mình. Cặp vợ chồng người Pháp cũng không thể tin có thể tìm thấy mẹ đẻ của Tana nhanh như vậy.

    Phương Thảo phối hợp với Giang để kết nối với gia đình ở Việt Nam. Ba bên trao đổi các thông tin, giấy tờ để xác thực một lần nữa là đã tìm đúng người. "Thực tế không cần một giấy tờ nào tôi cũng chắc chắn, bởi vì em gái sinh đôi giống tôi như soi gương", Phương Thảo nói, khi nhìn thấy những bức hình thuở nhỏ và hiện tại của em cô, Nguyễn Tú Linh.

    Cuộc đoàn tụ qua video chiều tối 29/10 thực sự là một cuộc chạy đua trước giờ Paris giới nghiêm và phong tỏa trong 4 tuần để ngăn chặn sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19. Dù cũng đang có rất nhiều việc, Nguyễn Giang vẫn ưu tiên phiên dịch cho cuộc đoàn tụ đặc biệt này. Họ hẹn nhau lúc 5h chiều sau khi tan làm tại ga Saint Lazare. Đây cũng chính là nơi họ đã gặp nhau ba ngày trước để dịch tài liệu và quyết định đăng tin lên mạng xã hội.

    Lúc này ở Việt Nam là 11 giờ đêm. Cô em gái Nguyễn Tú Linh từ huyện Thanh Trì lên quận Ba Đình, tụ tập với mẹ và gia đình nhà ngoại. Hơn chục người ngồi nhìn vào màn hình, chờ một cuộc gọi từ bên kia đại dương - cuộc gọi mà mẹ cô mong chờ hơn 20 năm qua.

    Trước lúc ấn nút gọi về Việt Nam, Phương Thảo căng thẳng. Cô biết mình sẽ có rất nhiều cảm xúc và sẽ chỉ có khoảng 40 phút trò chuyện với gia đình. 10 phút đầu họ chỉ chào hỏi nhau và khóc.

    gap nguoi than truoc gio phong toa 1
    Phương Thảo trong cuộc đoàn tụ video, bên kia là em gái Tú Linh và mẹ. Ảnh: Gia đình cung cấp.

    "Sau đó tôi đã hỏi những câu đã khiến tôi day dứt trong hơn 20 năm và cuối cùng tôi đã có câu trả lời, đặc biệt là về mối quan hệ với cha ruột. Nói đơn giản hơn là câu chuyện dẫn đến việc tôi được nhận làm con nuôi", Phương Thảo chia sẻ.

    24 năm trước, bà Nguyễn Hoa Đào, ở quận Ba Đình sinh được một cặp song sinh. Một nách hai con, cha mẹ già yếu, nguồn thu nhập duy nhất là quán nước nhỏ ở cạnh công viên, người phụ nữ trẻ không thể nuôi các con. Cặp sinh đôi Phương Thảo và Tú Linh quấn quýt không rời. Người mẹ thường cứ để con trên mảnh chiếu, tự chơi với nhau để mẹ bán hàng.

    Năm đó, vợ chồng ông Bichon, chủ một doanh nghiệp ở vùng Tours, miền trung nước Pháp, qua Việt Nam tìm xin con nuôi. Một người biết hoàn cảnh bà Đào đơn thân nuôi hai con nên đã khuyên cho đi một đứa. Thấy điều kiện người nhận nuôi khá giả, có thể cho con cuộc sống tốt đẹp, bà Đào đành dứt ruột.

    Không muốn chia cắt cặp song sinh, vợ chồng ông Bichon xin nhận nuôi cả hai bé. "Cả hai con đi thì tôi không sống nổi", người mẹ trẻ nói. Sau cùng, cặp vợ chồng này đã xin nuôi Phương Thảo vì ngay lần đầu gặp cô bé nhoẻn miệng cười.

    Thảo theo cha mẹ nuôi sang Pháp, nơi nổi tiếng với các lâu đài cổ bên sông Loire. Mẹ nuôi nghỉ việc thư ký điều hành doanh nghiệp để ở nhà nuôi dạy con. Phương Thảo đã có một tuổi thơ êm đềm và hạnh phúc.

    Trong khoảng 2 năm đầu, hai gia đình thường xuyên thư từ qua lại. Bức thư cuối cùng ngày 18/12/1998, bà Nguyễn Hoa Đào viết: "Ông bà Bichon kính mến! Đã lâu không nhận được thư của ông bà và bé Phương Thảo. Không biết bên ấy ông bà và bé có khỏe không?". Cuối thư bà bộc bạch: "Tôi rất mong một ngày gần đây, ông bà Bichon bớt chút thời gian cho bé Phương Thảo về Việt Nam chơi. Ở bên này tôi rất buồn vì phải xa cháu". Tuy nhiên sau đó hai bên mất liên lạc. Trong bức thư cuối cùng bà Đào nhận được, cặp vợ chồng Pháp viết một ngày nào đó khi đã trưởng thành con sẽ tự tìm về.

    gap nguoi than truoc gio phong toa 1
    Lá thư năm xưa của bà Đào gửi gia đình nuôi con. Ảnh: Gia đình cung cấp.

    Ngay từ nhỏ, Phương Thảo đã được ông bà Bichon kể chuyện cô được nhận nuôi như thế nào. Họ cũng kể cho cô nghe mọi điều họ biết về Việt Nam và về mẹ đẻ. Khi con 18 tuổi, họ giao lại cho Thảo toàn bộ giấy tờ nhận nuôi, hình ảnh của mẹ, của dì. Trong đó những bức thư của mẹ là điều Thảo ấn tượng nhất. Cô đã cố dịch thư, đọc đi đọc lại nhiều lần.

    "Đến một ngày gần đây tôi hiểu ra trong thư mẹ nói hy vọng có thể gặp tôi vào một ngày nào đó. Tôi quyết định tìm mẹ, dù cho trong lòng lo lắng có thể sau ngần ấy năm mẹ đã thay đổi không muốn gặp tôi nữa", cô gái bộc bạch.

    Gần một tháng trước Thảo chia sẻ với bạn bè mong muốn tìm lại mẹ, qua đó kết nối được với Nguyễn Giang. Với những thông tin rõ ràng đến cả số nhà, Thảo tin là sẽ tìm được mẹ nhưng điều khiến cô gái lo là làm đảo lộn cuộc sống của mẹ, có thể mẹ sẽ không muốn gặp hoặc sẽ từ chối cô vì nhiều lý do khác nhau.

    "Cho nên khi biết chỉ sau 15 phút đã tìm được mẹ và điều bất ngờ hơn là tôi biết mẹ cũng mong ngóng gặp tôi", cô nói.

    Cuộc đoàn tụ video trước đêm phong tỏa toàn quốc chỉ là khởi đầu. Sau đó Phương Thảo và Tú Linh nhắn tin cho nhau mỗi ngày dù một người không biết tiếng Việt, một người không biết tiếng Pháp hay tiếng Anh.

    Thảo nói chuyện với Linh nhiều hơn với mẹ, có thể một phần vì "sợi dây ma thuật giữa các cặp song sinh". Qua các tin nhắn, cô biết em gái "đã kết hôn" và có hai con trai. Tú Linh hỏi chị về bạn trai và cuộc sống bên đó. Sau tất cả họ trở lại nói về những điều cá nhân, như cảm nhận của hai đứa về nguồn gốc của mình, chuyện bố bỏ đi, những điều cả hai đã bỏ lỡ. "Rất nhiều chuyện mà tôi đã khóc và em ấy cũng vậy...", cô tâm sự.

    Về phía Tú Linh, cô cho biết bao năm nay hai mẹ con hay đi chùa và chỉ có cầu mong được đoàn tụ với chị. Cô vốn nghĩ chị gái sẽ chẳng bao giờ tìm về nên đã cố gắng làm lụng, dành dụm tiền, dự định vài năm nữa qua Pháp tìm chị. "Thực sự bố mẹ nuôi của chị quá tốt. Tôi và mẹ sẽ khắc ghi lòng tốt của ông bà", Tú Linh chia sẻ.

    24 năm lớn lên với bao nghi ngờ và rất nhiều câu hỏi, chỉ sau một đêm hầu hết những câu hỏi đã được giải đáp. Những ngày qua Phương Thảo thấy mình may mắn vô cùng. Cô cho biết hiện tại rất vui khi được "khép lại" chương này của cuộc đời, để có thể tiếp tục thực hiện các kế hoạch cá nhân khác. Đầu tiên là lên kế hoạch về thăm lại nơi chôn rau cắt rốn.

    Theo VnExpress