• Thụy Điển được ví như "thiên đường" của những người sắp làm cha mẹ nhờ chế độ nghỉ thai sản "đáng quý" dành cho các bậc cha mẹ.

    Từ lâu, hình ảnh Thụy Điển trong mắt của mọi người trên khắp thế giới luôn là một đất nước bình yên, sung túc về mọi mặt. Quốc gia Bắc Âu này nhiều năm liền vẫn luôn có tên trong bảng xếp hạng những đất nước hạnh phúc nhất thế giới.

    Cũng không có gì ngạc nhiên bởi những điều kiện về kinh tế, xã hội, chính sách phúc lợi mà người Thụy Điển được hưởng. Đặc biệt, bản thân họ luôn đề cao sự bình đẳng, sống cân bằng, giản dị, hòa hợp với thiên nhiên...

    Mới đây, chị Phương Thảo, một phụ nữ Việt sống ở Thụy Điển đã đưa ra một khía cạnh ít người biết cho thấy sự bình đẳng của đàn ông và phụ nữ Thụy Điển trong cả việc chăm sóc con cái.

    Chị Phương Thảo cho biết ở quốc gia Bắc Âu này, nếu người vợ sinh con, người chồng được 'nghỉ thai sản' 240 ngày để ở nhà chăm con và vẫn có tiền trợ cấp.

    sinh con o thuy dien

    Phương Thảo nói trong video đăng trên tài khoản TikTok @thaothuydien: "Hình ảnh người đàn ông Thụy Điển ở nhà nấu cơm, cho con ăn và tắm cho con thực sự không còn xa lạ đối với thế giới nữa. Đó cũng chính là lý do tại sao đàn ông Thụy Điển lại nổi tiếng trên thế giới về mức độ đảm đang như vậy".

    Cô trích dẫn câu chuyện từ năm 1974. Theo đó, Thụy Điển đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có chế độ nghỉ thai sản cho cả đàn ông và phụ nữ.

    Bố và mẹ của em bé mới chào đời có chế độ nghỉ thai sản 480 ngày và sẽ chia đều cho cả 2 người. Tùy vào hoàn cảnh của từng gia đình mà 2 người sẽ lấy chế độ thai sản cùng nhau hoặc thay phiên.

    Nếu muốn, họ có thể lấy 30 ngày nghỉ thai sản cùng nhau để ở nhà chăm sóc cho con. Nếu người bố bận công việc có thể nhường ngày nghỉ thai sản cho người mẹ. Nhưng người bố vẫn phải nghỉ "bắt buộc" 60 ngày đẻ ở nhà chăm con mà không được viện bất kỳ lý do gì.

    Phúc lợi tài chính khi nghỉ thai sản ở Thụy Điển

    Danh mục này được chia làm 2 trường hợp khác nhau:

    - Thu nhập của cha mẹ.

    - Thu nhập không cố định mỗi ngày của cha mẹ.

    Nhìn chung, các cặp vợ chồng sẽ được nhận 80% thu nhập trước khi sinh con và có thể linh hoạt về mặt thời gian. Chẳng hạn, một phụ nữ có thu nhập khoảng 39.000 USD/năm (950 triệu VNĐ) sẽ được nhận 2.500 USD/tháng (60 triệu VNĐ) trong vòng 6,5 tháng. Cô cũng có thể lựa chọn nhận một nửa số tiền trợ cấp trên và kéo dài thời gian nghỉ đến 13 tháng hoặc nghỉ dài hơn với mức trợ cấp thấp hơn.

    Chị Phương Thảo cho biết: "Nguồn gốc của việc đàn ông Thụy Điển có chế độ nghỉ thai sản như thế là bắt nguồn từ quyền bình đẳng giới giữa nam và nữ. Chính vì thế mà đàn ông Thụy Điển có thể làm việc nhà, chăm sóc con cái một cách rất tự nhiên, không có cảm giác gượng ép. Phụ nữ Thụy Điển có thể mạnh mẽ, độc lập, xây dựng sự nghiệp riêng và khẳng định vị trí của mình trong xã hội".

    Theo Kênh 14

  • Sau nhiều năm làm việc trong ngành tài chính của Trung Quốc, Helen Wang cảm thấy gần như kiệt sức. Cô chán ngấy với những giờ làm việc mệt mỏi và việc phải trực điện thoại ngay cả trong khoảng thời gian nghỉ ngơi quý báu của mình. Cô gái 28 tuổi muốn tìm một con đường mới, con đường mà cô có thể "nằm yên" một thời gian.

    Sau đó, một người bạn đưa ra gợi ý rằng Helen nên chuyển đến Thụy Điển, một quốc gia nằm ở phía Bắc Âu. Trên các nền tảng mạng xã hội tại Trung Quốc, những nước thuộc khu vực Bắc Âu thường được miêu tả là nơi "hạnh phúc nhất thế giới", nơi quyền của phụ nữ được tôn trọng, cha mẹ của những đứa trẻ nhỏ nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ chính phủ. Bên cạnh đó, văn hóa làm việc của người dân nơi đây cũng tương đối thoải mái, là nơi hoàn hảo để một người có thể có một "cuộc sống mới".

    Ngay khi nhận được lời đề nghị này, Helen đã bắt đầu theo dõi một số người Trung Quốc sinh sống tại Thụy Điển và lập tức đưa ra quyết định. Cô bỏ việc, chuyển đến thành phố Stockholm và bắt đầu học thạc sĩ tại thành phố này.

    Tuy nhiên, sau khi học tiếng Thụy Điển được một thời gian, Helen nhận ra đây là chương trình học khó nhất mà cô từng trải qua. Vào dịp Giáng sinh, sau khi hoàn thành việc học tại trường, Helen cũng chẳng thể tận hưởng kỳ nghỉ đông của mình và chưa có cơ hội đi du lịch ở bất cứ đâu.

    "Tôi không thích cuộc sống của mình ở đây" - Helen Wang chia sẻ với Sixth Tone.

    song o thuy dien 1
    Nhiều người trẻ gặp khó khăn khi di cư đến Thụy Điển sinh sống

    Không chỉ riêng Helen, nhiều người trẻ Trung Quốc cũng chia sẻ nỗi lòng tương tự sau một thời gian di cư đến Thụy Điển. Trước khi lên đường, nhiều người lý tưởng hóa đất nước Bắc Âu này như một "liều thuốc giải độc" cho mọi vấn đề mà họ phải đối mặt. Dù vậy, chỉ sau một thời gian, họ thừa nhận rằng cuộc sống ở đây phức tạp hơn những gì họ thấy trên mạng xã hội.

    Theo đuổi "giấc mơ Bắc Âu"

    Trong những năm gần đây, số lượng cư dân Trung Quốc tại Thụy Điển đã tăng hơn gấp 4 lần so với thời điểm những năm 2000 khi có tới 38.000 người Trung được ghi nhận đang sinh sống tại đây vào năm 2022.

    Lý giải cho xu hướng này, nhiều người cho rằng các phương tiện truyền thông xã hội đã đóng một vai trò quan trọng. Trên các nền tảng của Trung Quốc, nhiều người trẻ gọi Scandinavia (cụm từ chỉ lối sống, kiến trúc,...thuộc Bắc Âu) là "ngôi nhà thứ hai lý tưởng" của họ.

    Đối với người trẻ Trung Quốc, các chính sách của Thụy Điển như cho phép các cặp vợ chồng nghỉ phép 480 ngày để chăm sóc con hay số ngày nghỉ phép hàng năm lớn là thứ mà họ luôn mong muốn để có thể cân bằng cuộc sống. Bên cạnh đó, hầu hết người trẻ Trung Quốc đều bày tỏ sự ngưỡng mộ thực sự đối với Thụy Điển khi quốc gia này có nhận thức đúng đắn về cộng đồng LGBT và không cho họ cảm giác bị đối xử khác biệt với phần còn lại.

    Những người trẻ Trung Quốc sống ở Thụy Điển nói với Sixth Tone rằng nhiều khía cạnh của cuộc sống ở đây đã đáp ứng được kỳ vọng của họ, đặc biệt là sự văn minh của đất nước này. Trái lại, cũng có một số điều không thể lường trước được khiến "giấc mơ Bắc Âu" của họ phần nào sứt mẻ.

    Thực tế phũ phàng khiến nhiều người "vỡ mộng"

    Đối với Wang, một người trẻ Trung Quốc, một trong những ngạc nhiên lớn nhất với cô khi chuyển đến sinh sống tại Thụy Điển là chi phí sinh hoạt cao. Cô cho biết, khi còn ở Trung Quốc, từ chi phí đi ăn ngoài, đến mua cà phê cô đều không cần quá tính toán nhưng giờ đây những thói quen này đều cần cắt giảm để tiết kiệm tiền và gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cô.

    Ở Trung Quốc, Wang thường xuyên đi ăn với bạn bè và khao khát có thời gian ở một mình. Ngày nay, cô tự nấu ăn ở nhà hầu hết các ngày.

    "Chi phí đi ăn ngoài ở Thụy Điển rất cao nên thường không ai muốn đi ăn cùng tôi" - cô nói.

    Ngoài việc chi phí cao, đối với nhiều thanh niên Trung Quốc, việc làm quen với ẩm thực Thụy Điển cũng là một thách thức lớn. Cindy Zhao (22 tuổi) đến từ Thượng Hải kinh hoàng nhớ lại chuyến đi siêu thị gần đây của cô ở Stockholm.

    Cô kể rằng sau khi lang thang trên các dãy hàng, cô đã phát hiện ra những quả cà chua như hồi còn ở Trung Quốc. Dù vậy, cô cũng chẳng dám đặt vào giỏ hàng vì giá của những trái cà chua này cao gấp 5 lần so với ở Thượng Hải.

    Liang Yajun (26 tuổi) đến từ tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc cho biết các món cá và thịt nguội tại Thụy Điển không hề hợp với khẩu vị của cô. Do đó, khi nhớ những món ăn ngon của Trung Quốc, đôi khi cô còn bay đến tận các thành phố khác như Barcelona (Tây Ban Nha) hay Paris (Pháp) và các thành phố châu Âu khác có đông người Trung Quốc sinh sống mới có thể tìm lại được "hương vị quê nhà".

    song o thuy dien 1
    Mùa đông đêm dài - ngày ngắn khiến sức khỏe tinh thần của nhiều người bị ảnh hưởng

    Ngoài những vấn đề cơ bản trên, mùa đông ở Thụy Điển cũng là thử thách của những người Trung Quốc xa xứ sống ở đây. Vào tháng Giêng, mặt trời lặn trước 3 giờ chiều ở Stockholm. Việc thiếu ánh sáng ban ngày khiến cơ thể tiết ra ít melatonin hơn, điều này có thể dẫn đến chứng mất ngủ và trầm cảm.

    Wang cho biết mặc dù đã bổ sung vitamin D nhưng cô vẫn cảm thấy lo lắng và chán nản trong suốt những tháng mùa đông và thường ăn thật nhiều để đối phó với sự lo lắng dù nó chỉ giúp cô cảm thấy đỡ hơn đôi chút.

    Đối với Yuan Zhiqian (37 tuổi), đã sống ở Thụy Điển trong 3 năm, anh cảm thấy những ngày mùa đông không phải vấn đề lớn nhưng việc nhịp sống quá thoải mái tại Thụy Điển đang làm anh ấy chậm lại và dần khiến anh "lạnh lùng và lười biếng".

    Lựa chọn giữa "cân bằng cuộc sống" và "khao khát trải nghiệm"

    Người Thụy Điển được biết đến với việc làm mọi thứ chậm lại với phong cách sống "lagom", một thuật ngữ có nghĩa là "không quá nhiều cũng không quá ít". Cuộc sống lagom cân bằng, nhẹ nhàng và không quá bận rộn. Nó khác xa sự hối hả không ngừng của những thành phố lớn nhất Trung Quốc như Thượng Hải và Bắc Kinh.

    Anh Yuan cảm thấy như "lagom" cũng đã dần len lỏi vào cuộc sống của anh khi anh ở Thụy Điển. Dù Yuan đã trở lại Trung Quốc hơn một thập kỷ nhưng anh cho biết lối sống này vẫn tồn tại trong anh.

    song o thuy dien 1
    Lối sống "lagom" tại Bắc Âu làm nhiều người cảm thấy như "chững lại"

    Trước khi trở về Trung Quốc vào năm 2011, Yuan đã nghĩ đến việc tiếp tục sống và làm việc ở Thụy Điển. Nhưng anh đã chọn quay lại vì anh cảm thấy mình còn khao khát trải nghiệm cuộc sống thú vị hơn. Cuối cùng, anh quay lại Trung Quốc và chọn sống ở Thượng Hải, làm việc trong ngành công nghệ thông tin trong 6 năm trước khi chuyển sang làm nghề tự do.

    "Thụy Điển khá chậm rãi. Nếu tôi sống ở đó, tôi vẫn sống cuộc sống như cũ khi tôi ở tuổi 60" - anh nói.

    Dù vậy, khi nhìn lại quãng thời gian ở Thụy Điển, Yuan cho biết những mô tả về đất nước này trên mạng xã hội Trung Quốc là "đúng". Cuộc sống bình yên và thoải mái như mọi người vẫn nói nhưng vấn đề duy nhất là Yuan muốn một thứ gì đó hơn thế nữa.

    Khi bận làm việc ở Trung Quốc, Yuan đôi khi nghĩ về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống mà anh ấy có thể có ở Thụy Điển. Anh ấy ước mình có thể được hưởng chế độ nghỉ phép dành cho cha mẹ theo kiểu Thụy Điển sau khi con gái anh ấy chào đời. Nhưng anh không hối hận khi rời đi, anh nói.

    "Ngay cả khi Trung Quốc rất tốt, tôi vẫn sẽ nhớ Thụy Điển. Rất ít quốc gia có thể sao chép mô hình của Thụy Điển. Nó đã đạt được sự bình đẳng theo nghĩa chân thật nhất" - Yuan kết lại.

    Thể thao Văn hóa (theo Sixth Tone)

  • Dưới đây là bài chia sẻ của bạn Do Nam - admin group Cộng đồng Việt Nam tại Thụy Điển. Những bạn có mong muốn định cư Thụy Điển có thể tham khảo:

    Trẻ em sinh ra ở Thụy Điển có nghiễm nhiên được nhập quốc tịch Thụy Điển hay không?

    Hộ chiếu Thụy Điển mang lại nhiều lợi ích cho người sở hữu và quốc gia này cho phép giữ hai quốc tịch. Vậy còn các trẻ em nước ngoài sinh ra ở Thụy Điển hoặc người nước ngoài có con với người mang quốc tịch Thụy Điển thì có những quy định gì?

    Trẻ em sinh ra ở Thụy Điển có nghiễm nhiên được nhập quốc tịch Thụy Điển không?

    Thụy Điển cho phép hai quốc tịch, nghĩa là người nước ngoài có thể nhập tịch Thụy Điển mà không phải từ bỏ quốc tịch mà họ đang mang, nếu quốc gia gốc của họ cũng cho phép giữ hai quốc tịch. Có một số lợi ích mà chỉ công dân Thụy Điển mới có, chẳng hạn như được mọi quyền sống và làm việc trong nước, gia nhập cảnh sát hoặc lực lượng vũ trang và quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử quốc hội Thụy Điển.

    Ngoài ra, công dân Thụy Điển cho phép họ có quyền tự do đi lại ở các quốc gia thành viên EU, giúp họ dễ dàng sinh sống và làm việc ở các khu vực khác trong khối.

    Bài liên quan: Chạnh lòng thân phận người Việt ở Thụy Điển

    quoc tich thuy dien

    Sinh ra ở Thụy Điển

    Không giống như các quốc gia khác như Hoa Kỳ, những người sinh ra ở Thụy Điển không tự động có quốc tịch Thụy Điển.

    Quyền công dân Thụy Điển được cấp khi mới sinh cho những đứa trẻ có ít nhất cha hoặc mẹ là người Thụy Điển, bất kể đứa trẻ đó có được sinh ra ở Thụy Điển hay không, cũng không xét yếu tố sambo hay phải có đăng ký kết hôn. Điều này cũng áp dụng cho con cái của người Thụy Điển chẳng may đã qua đời. Nghĩa là, nếu cha hoặc mẹ của đứa trẻ là công dân Thụy Điển khi họ qua đời, đứa trẻ đó vẫn có quyền có quốc tịch Thụy Điển.

    Nhưng nếu sinh ra ở Việt Nam, đứa trẻ cần phải làm 1 loạt các thủ tục pháp lý như chứng thực (xét nghiệm DNA), sau đó xác nhận tư pháp rồi đem nộp kết quả này lên ĐSQ Thụy Điển tại Việt Nam, đương nhiên các giấy tờ trên cần hợp pháp hóa lãnh sự để các giấy tờ Việt Nam hợp pháp khi tới tay ĐSQ hay ra nước ngoài.

    Trẻ em dưới 12 tuổi được công dân Thụy Điển nhận nuôi sẽ tự động có quốc tịch Thụy Điển nếu đáp ứng các tiêu chí sau:

    • quyết định áp dụng chính thức được đưa ra ở Thụy Điển hoặc một quốc gia Bắc Âu khác
    • đứa trẻ được nhận nuôi thông qua quyết định nhận con nuôi nước ngoài được phê duyệt bởi Luật gia đình và Cơ quan hỗ trợ cha mẹ (MFoF) của Thụy Điển
    • việc nhận con nuôi có giá trị pháp lý ở Thụy Điển

    Điều này áp dụng cho các trường hợp nhận con nuôi xảy ra sau ngày 30 tháng 6 năm 1992. Trẻ em trên 12 tuổi vào thời điểm nhận con nuôi phải nộp đơn xin quốc tịch Thụy Điển.

    Bài liên quan: 3 chị em người Việt bị trục xuất khỏi Thụy Điển

    Vậy, con của người nước ngoài sinh ra có cần giấy phép cư trú không?

    Trẻ em của công dân nước ngoài sinh ra ở Thụy Điển sẽ không tự động có quốc tịch Thụy Điển. Điều này còn tùy thuộc vào quốc tịch của cha mẹ họ, trong vài trường hợp, có thể cần phải xin giấy phép cư trú để sống hợp pháp ở Thụy Điển.

    Câu trả lời là KHÔNG, nếu trẻ em có quốc tịch EU có ít nhất cha hoặc mẹ có quyền cư trú của EU tại Thụy Điển ( uppehållsrätt ) không cần giấy phép cư trú để sống ở Thụy Điển, vì chúng được thừa hưởng quyền cư trú của cha mẹ khi sinh.

    Câu trả lời là Có, nếu một đứa trẻ sinh ra ở Thụy Điển có cha mẹ không thuộc EU sẽ cần giấy phép cư trú để sống ở Thụy Điển. Khi đó, sở Di trú sẽ liên hệ với cha mẹ, thay mặt đứa trẻ nộp đơn xin giấy phép cư trú.

    Sau khi được cấp, giấy phép cư trú của trẻ sẽ có hiệu lực không quá hai năm và cha mẹ sẽ phải nộp đơn xin lại sau khi hết hạn.

    Để được cấp giấy phép cư trú tạm thời, người nộp đơn phải có hộ chiếu hợp lệ, nghĩa là cha mẹ không có quốc tịch EU nên nộp đơn xin hộ chiếu thay cho con của họ càng sớm càng tốt sau khi đứa trẻ được sinh ra. Nghĩa là, bạn có thể xin giấy phép cư trú cho trẻ ngay cả khi trẻ chưa được cấp hộ chiếu Việt Nam.

    Khi nào con tôi có thể nhập quốc tịch Thụy Điển?

    Một đứa trẻ có thể nhập quốc tịch Thụy Điển sau khi chúng có quyền cư trú, thẻ cư trú hoặc giấy phép cư trú lâu dài ở Thụy Điển và khi chúng đã sống ở Thụy Điển ít nhất ba năm (hai năm nếu đứa trẻ không có quốc tịch).

    Cả hai người giám hộ của trẻ (hoặc một người giám hộ, nếu trẻ chỉ có một) phải nộp đơn thay cho trẻ và trẻ phải ký tên vào đơn nếu họ trên 12 tuổi.

    Lệ phí nộp đơn xin quốc tịch cho trẻ em là 175 kr ( luật năm 2022, 2023 chưa update).

    Nguồn: Do Nam - admin group Cộng đồng Việt Nam tại Thụy Điển

    Bài liên quan: Vì sao nước Thụy Điển vốn nhân ái nay ngày càng kỳ thị người nhập cư?

  • Làn nước lạnh giá dưới hồ Ravalen đóng băng không làm Elton nao núng, cậu bé 11 tuổi lao xuống trong tiếng vỗ tay của các bạn học.

    Tại khu dân cư Sollentuna, miền bắc Stockholm, 40 học sinh ngày 7/2 tham gia "isvaksovning", bài học giáo dục thể chất tại trường, huấn luyện cách sinh tồn nếu rơi xuống một trong nhiều hồ băng ở Thụy Điển.

    Ba tuần một lần, 750 học sinh lớp 5 ở trường Vaxmora sẽ thay phiên nhảy xuống chiếc hố có kích thước khoảng 2x4 m giữa hồ băng. Các tiết học này rất phổ biến ở quốc gia Bắc Âu.

    Đối với các học sinh Thụy Điển, nhảy xuống hồ băng không bắt buộc, nhưng không em nào "ngán", tất cả đều lao mình xuống làn nước buốt giá.

    Ngẩng đầu trên mặt nước giữa cái lạnh 1 độ C, Elton, 11 tuổi, chộp lấy dụng cụ chống trượt đeo quanh cổ, đâm chúng vào lớp băng và tự kéo mình ra khỏi hố.

    Nếu không có dụng cụ này, trèo lên khỏi mặt băng mà không bị trượt trở lại là rất khó khăn. Nhiều người Thụy Điển không bao giờ bước lên mặt băng nếu thiếu bộ dụng cụ như vậy.

    tre em thuy dien 1
    Một học sinh cắm dụng cụ chống trượt lên mặt băng, cố gắng trèo lên bờ, trong tiết học giáo dục thể chất ở Sollentuna, Thụy Điển, ngày 7/2. Ảnh: AFP.

    "Lạnh hơn nhiều so với cháu nghĩ", Elton nói khi sưởi ấm quanh đống lửa cùng các bạn cùng lớp. "Nhưng cháu vẫn trụ được 30 giây".

    Marie Ericsson, mẹ Elton, đã đến để quay lại khoảnh khắc đó. "Tiết học này cực kỳ quan trọng, là một kiến thức tốt, giúp phụ huynh chúng tôi cảm thấy an toàn hơn vì bọn trẻ thường xuyên chơi quanh khu vực có nhiều hồ", cô nói.

    Trước khi nhảy xuống hồ, những đứa trẻ mặc đầy đủ quần áo, đội mũ, đeo găng tay, đi ủng. Chúng cũng đeo ba lô lớn, giúp giữ cơ thể nổi, và được buộc một sợi dây bảo hiểm do giáo viên thể dục Anders Isaksson cầm.

    Một số hét lên khi nhảy xuống làn nước lạnh. "Tốt lắm! Bình tĩnh hít thở nào", giáo viên Isaksson nhắc nhở các em.

    Hầu hết học sinh tỏ ra ngần ngại khi đến lượt mình, nhưng một khi hoàn thành thử thách, các em bình thản một cách đáng ngạc nhiên, dù lạnh cóng và ướt sũng. Chúng chạy vào bờ để thay quần áo khô và quây quần bên một đống lửa.

    tre em thuy dien 1
    Một học sinh trèo lên bờ sau khi ngâm mình trong nước lạnh ở Sollentuna, Thụy Điển, ngày 7/2. Ảnh: AFP.

    Các tiết học này đã chứng minh vai trò quan trọng trong những năm gần đây, khi các vụ tai nạn trên băng gia tăng. Theo Hiệp hội Cứu hộ Thụy Điển, 16 người đã thiệt mạng sau khi rơi xuống hồ băng vào năm 2021, so với 10 người một năm trước đó, hầu hết là người cao tuổi. Khoảng 100 vụ tai nạn khác với hồ băng cũng được báo cáo.

    "Những tiết học này rất quan trọng, bởi Thụy Điển là quốc gia mà hoạt động ngoài trời là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người", giáo viên Isaksson nói.

    Đối với một số học sinh, trải nghiệm này cũng là cơ hội để kiểm tra lòng dũng cảm. Siri Franzen, 11 tuổi, đã ngâm mình hai phút rưỡi dưới nước lạnh, trước khi tự bước ra khỏi hồ.

    "Tôi rất tự hào về cháu", Louise, mẹ cô bé, nói. "Cháu vừa đánh bại kỷ lục của anh trai mình cách đây 4 năm".

    VnExpress (theo AFP)

  • Khác với nhiều quốc gia đề cao việc sở hữu khối tài sản lớn, Thụy Điển đặt ra luật ngầm Jantelagen nhằm hạn chế mọi người khoe khoang về tài sản của mình.

    Tại Östermalm - khu vực thịnh vượng nhất của thành phố Stockholm (Thụy Điển), có thể dễ dàng bắt gặp những quán bar trên mặt nước, các du thuyền cá nhân sang trọng neo đậu ở bến cảng, những người đeo kính râm hàng hiệu đang thưởng thức cocktail.

    Có thể thoái mái bắt chuyện với họ về mọi chủ đề, trừ khi ai đó hỏi về sự giàu có.

    “Tôi sẽ không nói cho bạn biết tôi kiếm được bao nhiêu. Chả có lý do gì khiến tôi phải làm điều đó cả”, Robert Ingemarsson (30 tuổi), một nhân viên cao cấp ngành marketing, nói.

    Ở nhiều quốc gia, thu nhập cao luôn là thước đo đầy tự hào về sự thành công. Nhưng người Thụy Điển lại có ác cảm sâu sắc khi bàn về điều này. Ngay cả những người trẻ tuổi cũng không thoải mái khi bàn về ví tiền của họ.

    nguoi thuy dien khong khoe giau 1
    Người Thụy Điển không muốn nói chuyện về khối tài sản của họ. Ảnh:Benoit Derrier.

    Văn hóa Jantelagen

    Lola Akinmade Åkerström là một nhà nghiên cứu văn hóa Thụy Điển đã sống tại Stockholm hơn 10 năm.

    Theo cô, tài sản và thu nhập là chủ đề không phù hợp để trò chuyện tại nơi này, đặc biệt là với người lạ, “trong khi họ rất thoải mái khi bàn về đời sống tình dục”.

    Tương tự, Stina Dahlgren - một nhà báo người Thụy Điển đã sống vài năm tại Mỹ - cho biết: “Thật kỳ lạ khi người Mỹ kể cho nhau nghe về lương của họ và nhận lại những lời động viên. Tuy nhiên, nếu làm vậy tại quê hương của tôi, họ sẽ cho rằng bạn thật kỳ cục”.

    Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng điều cấm kị kỳ lạ này xuất phát từ Jantelagen - một từ cổ Bắc Âu, mang hàm ý: “Đừng bao giờ nghĩ bạn giỏi hơn bất kỳ ai”.

    “Jantelagen là một quy tắc bất thành văn tồn tại lâu đời trong xã hội Thụy Điển và một số quốc gia Bắc Âu khác”, Åkerström giải thích. “Đó là cách sống không khoe khoang vô tội vạ. Điều này sẽ giữ sự bình đẳng và tránh gây căng thẳng trong các mối quan hệ”.

    Jantelagen tôn vinh sự khiêm tốn, trái với Tall poppy syndrome (tạm dịch: Hội chứng cây anh túc cao) - một thuật ngữ nổi tiếng tại New Zealand và Australia chỉ những người thích khoe khoang tiền tài và địa vị xã hội.

    nguoi thuy dien khong khoe giau 1
    Andreas Kensen không thích chia sẻ thu nhập của mình với người lạ. Ảnh:Benoit Derrier.

    Tuy nhiên, Jantelagen còn liên quan đến các chuẩn mực văn hóa ở Thụy Điển và các quốc gia Bắc Âu khác.

    “Bạn có thể bàn về việc mua một ngôi nhà thứ hai trong rừng để nghỉ dưỡng với hệ thống sưởi được lắp đặt dưới sàn nhà. Mọi người không có vấn đề gì bởi đó là một điều khá phổ biến tại Bắc Âu. Tuy nhiên, nếu cùng một số tiền ấy mà bạn mua hai chiếc xe Lamborghini thì người ta sẽ cười cợt bạn”, Tiến sĩ Stephen Trotter, một học giả về Scotland - Na Uy chia sẻ.

    Tuy nhiên, nguyên tắc Jantelagen cũng có thể thay đổi. Việc khoe khoang dễ chấp nhận hơn trong môi trường những người có cùng địa vị. Ví dụ như giữa những người giàu với nhau, họ sẽ thoải mái hơn khi nói về những ngôi nhà nghỉ dưỡng hay siêu xe của họ.

    “Tôi chắc chắn sẽ kể với bạn mình về những chuyến du lịch của tôi hoặc tôi sẽ đăng tải trên mạng xã hội như Facebook hay Instagram. Nhưng không có nghĩa tôi sẽ nói những điều đó với một người lạ vừa mới gặp mặt”, Andreas Kensen (33 tuổi) giải thích.

    Sự phản ứng dữ dội từ giới trẻ

    Số lượng những người Thụy Điển trẻ tuổi lên tiếng chỉ trích văn hóa Jantelagen ngày càng nhiều. Họ kêu gọi xã hội hãy cởi mở hơn về sự giàu có và thành công của bản thân.

    nguoi thuy dien khong khoe giau 1
    Nicole Falciani mong muốn văn hóa Jantelagen biến mất khỏi xã hội Thụy Điển. Ảnh:@nicolefalciani.

    Một trong số đó là Nicole Falciani.

    Cô bắt đầu sự nghiệp với việc viết blog từ rất sớm và hiện là một influencer lớn với hơn 354.000 lượt theo dõi trên Instagram.

    Trong một buổi chụp hình quảng cáo cho một hãng trang sức, cô chia sẻ thẳng thắn về số tiền mình kiếm được - khoảng 20.000 USD cho mỗi chiến dịch như thế này.

    Cô đã sở hữu một căn hộ tại trung tâm thành phố khi mới chỉ 22 tuổi.

    “Ước gì Jantelagen biến mất. Tôi nghĩ điều đó sẽ tốt hơn cho xã hội Thụy Điển. Mọi người sẽ cởi mở với nhau hơn khi có thể thoải mái nói chuyện về tiền bạc”, Nicole nói. “Khi bạn làm việc chăm chỉ và kiếm nhiều hơn người khác, bạn có quyền tự hào về điều đó”.

    "Mạng xã hội đã tạo ra sự thay đổi lớn, Akinmade cho biết, "Kể từ khi việc khoe tài sản trở nên phổ biến trên Facebook và Instagram, người dân nơi này dần thoải mái hơn khi công khai thành tựu và thành tích cá nhân của mình".

    nguoi thuy dien khong khoe giau 1
    Mạng xã hội có tác động lớn tới văn hóa Jantelagen. Ảnh: Daniela Kocevska.

    “Có nhiều người tài giỏi bị văn hóa Jantelagen đè nén nhưng nhờ có mạng xã hội, họ đã tự tin hơn”, cô chia sẻ.

    “Jantelagen sẽ dần dần biến mất sớm thôi. Nhiều chương trình truyền hình Mỹ và văn hóa từ những người nước ngoài du nhập vào Thụy Điển sẽ thay đổi xã hội này”.

    Trong khi đó, một số người nhập cư đến Thụy Điển cho biết họ rất thích văn hóa Jantelagen. “Điều tôi thích nhất ở vương quốc này chính là Jantelagen. Sự khiêm tốn thực sự quan trọng”, Natalia Irribara, một người Chile chuyển tới Stockholm sống được 3 năm.

    “Chile là một quốc gia đề cao những thành tựu cá nhân như trình độ học vấn, ngoại hình, xe hơi…”, cô nói. “Tại đây, tôi cảm thấy thực sự thoải mái khi sống mà không cần để ý đến những điều này.

    Theo Vietnamnet