• Tờ The Guardian dẫn nguồn tin cho biết dấu vết cocaine được tìm thấy sau các buổi tiệc của cựu Thủ tướng Anh Liz Truss.

    The Guardian trong bài viết ngày 16.12 cho rằng chất bột màu trắng đã được tìm thấy hồi tháng 8 và tháng 9 tại nhà Chevening, dinh thự được chính quyền cấp làm nơi nghỉ dưỡng cho ngoại trưởng Anh ở vùng nông thôn thuộc hạt Kent đông nam nước này.

    Chất bột được tìm thấy sau bữa tiệc do bà Liz Truss, khi đó là ngoại trưởng Anh và đang tranh cử chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, tổ chức và kết quả kiểm tra của nhân viên cho thấy que thử đổi màu, xác nhận chất đó là cocaine.

    liz truss cocaine 1
    Nhà Chevening, nơi được cấp cho ngoại trưởng Anh nghỉ dưỡng ở Kent. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH THE NATIONAL NEWS

    Bà Truss tổ chức một buổi tiệc vào dịp cuối tuần 19-21.8 khi chiến dịch tranh cử của bà đang trong giai đoạn cao trào. Một buổi tiệc nữa được tổ chức từ 2-4.9 và nhiều đồng minh chính trị của bà Truss tham dự hai sự kiện này.

    Bà Truss làm thủ tướng từ ngày 6.9-25.10. Bà từ chức sau khi kế hoạch ngân sách của chính quyền tung ra khiến thị trường rơi vào hỗn loạn.

    Các nguồn tin riêng cho biết chất tương tự cũng được tìm thấy tại các văn phòng ở Số 10 phố Downing - trụ sở của Thủ tướng Anh, sau hai buổi tiệc được tổ chức vào đợt phong tỏa Covid-19 lúc ông Boris Johnson làm thủ tướng. Tuy nhiên, ông Johnson được cho là không có mặt tại hai buổi tiệc này.

    Không có dấu hiệu nào về việc bà Truss hay ông Johnson có sử dụng chất cấm hoặc có biết về việc sử dụng chất này tại các sự kiện trên.

    liz truss cocaine 1
    Bà Liz Truss tại Nhà Chevening hồi tháng 10.2021. Ảnh: REUTERS

    Báo cáo điều tra của bà Sue Gray, quan chức Anh được bổ nhiệm điều tra về các buổi tiệc của phủ thủ tướng và tại các văn phòng chính phủ, không nhắc đến việc sử dụng ma túy.

    Một phát ngôn viên của bà Liz Truss gọi thông tin của The Guardian là không chính xác và không có bằng chứng gì. “Nếu có bằng chứng về hoạt động như cáo buộc này đã xảy ra trong quá trình bà ấy sử dụng nhà Chevening, bà Truss đáng lẽ đã được thông báo và cơ quan hữu quan đã điều tra thích hợp”, người phát ngôn nói.

    Phát ngôn viên của ông Boris Johnson tỏ ra ngạc nhiên về cáo buộc và nhắc đến báo cáo của bà Sue Gray.

    Văn phòng thủ tướng Anh cũng ra thông báo nói rằng The Guardian không đưa ra bằng chứng cho những cáo buộc và nếu có vấn đề quan trọng thì nên được thông báo cho cảnh sát.

    Theo Thanh Niên

  • Dù từ chức thủ tướng Anh chỉ sau một tháng rưỡi cầm quyền, bà Truss có thể yêu cầu khoản trợ cấp lên tới 115,000 bảng Anh mỗi năm đến cuối đời.

    Đây là một phần của chương trình Trợ cấp Chi phí Nhiệm vụ Công (PDCA), vốn được chính phủ Anh đưa ra từ năm 1990 để “giúp đỡ các cựu thủ tướng vẫn công tác trong đời sống cộng đồng”, CNN cho biết.

    ba liz truss nhan tro cap suot doi

    Khoản tiền này sẽ bồi hoàn cho các cựu thủ tướng, để họ trả chi phí hành chính cho các hoạt động vì nhiệm vụ cộng đồng.

    “Số tiền chỉ được chi trả dựa trên chi phí thực tế của việc tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cộng đồng”, một trang web của chính phủ Anh cho biết. “Mọi cựu thủ tướng đều đủ điều kiện tham gia PDCA”.

    Từ năm 2011, số tiền tối đa mà PDCA chi trả cho một cá nhân được quy định là 115,000 bảng Anh. Con số này được thủ tướng Anh xem xét hàng năm.

    Bên cạnh đó, các cựu thủ tướng cũng có thể đòi hỏi khoản trợ cấp cho nhân viên, miễn là không vượt quá 10% giá trị của PDCA.

    Trong giai đoạn 2020-2021, các cựu Thủ tướng Theresa May, David Cameron, Gordon Brown, Tony Blair và John Major đều được cấp tiền, theo báo cáo thường niên của Văn phòng Nội các Anh.

    Dù vậy, nhiều người Anh đã lên tiếng kêu gọi bà Truss không nhận khoản trợ cấp này. “Bà ấy nên từ chối”, lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer nói với ITV. “Bà ấy không thực sự có quyền nhận khoản tiền này, bà ấy nên từ chối và không nhận tiền”.

    “Rõ ràng một vị thủ tướng chỉ tại vị 45 ngày không xứng đáng được chi trả 115,000 bảng/năm suốt đời. Đây là sự bất công tồi tệ, nếu xét đến sự hỗn loạn kinh tế mà bà tạo ra cho đất nước”, ông Hugo Tagholm, Phó chủ tịch tổ chức phi chính phủ Oceana tại Anh, nói với Evening Standard.

    Zing (theo Metro)

  • Rau diếp đã trở thành hình ảnh biếm họa về nhiệm kỳ ngắn ngủi của Thủ tướng Anh Liz Truss, chỉ chưa đầy 45 ngày.

    Chỉ kéo dài chưa đầy hai tháng tại vị, bà Liz Truss trở thành Thủ tướng Anh có nhiệm kỳ ngắn nhất lịch sử. Bà Truss quyết định từ chức vào ngày 20/10, khi nội các của Thủ tướng Anh không có đủ năng lực đưa London vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt lẫn lạm pháp.

    35d06da0 5093 11ed afed 1d88cd9aae6e

    Chính sách giảm thuế gây tranh cãi của bà Liz Truss là một trong những nguyên nhân chính khiến bà phải rời Số 10 Phố Downing. Tin tức bà Truss từ chức đã trở thành đề tài được bán tán nhiều nhất ở Anh, trên mạng xã hội thậm chí nó còn biến thành một trò đùa và là một sự kiện đặc biệt.

    Việc bà Truss từ chức không phải là bất ngờ lớn đối với nhiều người dân Anh bởi đây là điều sớm muộn, nhưng lại được các nhà cái ở “xứ sở sương mù” đưa ra đặt cược với tỷ lệ cược 6-1. Thậm chí thời gian bà Truss phải rời nhiệm sở còn được cược nhanh hơn cả thời gian rau diếp (xà lách) hỏng.

    Khá nhiều người dùng mạng xã hội đã đùa cợt và ăn mừng tin tức này.

    Cụ thể, Daily Star - một tờ báo cánh tả của Anh, đã hỏi độc giả rằng liệu họ có nghĩ rằng Thủ tướng Truss sẽ mất chức trước khi gói rau diếp này bị hỏng hay không.

    Tờ báo này đã thiết lập một video trực tiếp và đặt một tảng băng bên cạnh bức ảnh của bà Truss. "Liệu cây rau diếp nào sẽ tồn tại lâu hơn?", tờ báo đặt câu hỏi trong một bài đăng video trên Twitter đã được phát trực tiếp từ ngày 14/10, thu hút hàng trăm người xem và bình luận.

    Vào hôm 20/10, rau diếp đã không bị héo trong 6 ngày và đã xuất sắc giành chiến thắng. Đoạn video sau đó đã tuyên bố “rau diếp tồn tại lâu hơn nhiệm kỳ thủ tướng của bà Liz Truss”.

    8d1f6450 4bd7 11ed addf 4ff79b16776e
    Hình ảnh về gói rau diếp của Daily Star "đánh bại" Thủ tướng Anh Truss chỉ sau 6 ngày. (Ảnh: Daily Star)

    Gói rau diếp trên cũng trở nên nổi tiếng quốc tế sau khi Daily Star phát động vụ cá cược nói trên.

    Đề cập đến vụ cá cược của Daily Star, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã viết trên Twitter bằng tiếng Anh rằng: "Tạm biệt, tạm biệt @trussliz, chúc mừng rau diếp".

    Ông Medvedev còn nói đùa rằng, Thủ tướng Anh Truss sẽ nhận được giải Nobel vì sáng kiến phá hủy nền kinh tế một quốc gia nhanh nhất từ trước tới nay.

    VTC (Nguồn: Sputnik)

     

  • Mỹ, Pháp, Ireland bày tỏ mong muốn Anh sớm ổn định và tái khẳng định mối quan hệ khăng khít, trong khi Nga hoan nghênh tin bà Truss từ chức.

    "Mỹ và Vương quốc Anh là những đồng minh bền chặt và người bạn vĩnh cửu, thực tế đó sẽ không bao giờ thay đổi. Tôi cảm ơn Thủ tướng Liz Truss vì sự hợp tác của bà trong loạt vấn đề, bao gồm việc buộc Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ Anh để cùng nhau đối phó những thách thức toàn cầu", Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong một tuyên bố ngày 20/10.

    biden truss

    Bình luận của ông Biden được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Truss tuyên bố từ chức trong bối cảnh phải chịu nhiều áp lực. Bà thừa nhận không thể thực hiện những lời hứa khi tranh cử lãnh đạo đảng Bảo thủ và đã đánh mất sự tín nhiệm của đảng dành cho bà.

    "Đất nước chúng tôi luôn có mối quan hệ đặc biệt với Vương quốc Anh, không liên quan việc tổng thống của chúng tôi thuộc đảng nào hay các vấn đề chính trị của thủ tướng Anh ra sao. Mối quan hệ đó sẽ được duy trì bất kể nước Anh chọn ai làm thủ tướng tiếp theo của họ", Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain cho hay.

    Klain dẫn một số vấn đề mà hai nước cùng quan tâm, bao gồm chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. "Chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với bất kỳ ai kế nhiệm Thủ tướng Truss", ông nói.

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chúc nước Anh nhanh chóng trở lại ổn định giữa bối cảnh hỗn loạn chính trị và kinh tế. Theo ông Macron, ông đã có một số cuộc điện đàm với bà Truss khi bà tại nhiệm và rất vui khi gặp bà ở Prague, Cộng hòa Czech.

    "Tôi muốn nói rằng Pháp, với tư cách một quốc gia và người bạn của người dân Anh, mong muốn trên hết là sự ổn định cho đất nước họ", ông nói, nhấn mạnh bối cảnh chiến sự Ukraine và khủng hoảng giá năng lượng. "Nhưng với cá nhân tôi, tôi luôn buồn khi chứng kiến một đồng nghiệp rời chức vụ theo cách này. Tôi mong sự ổn định sẽ sớm trở lại".

    Thủ tướng Ireland Micheal Martin cho rằng Anh phải bổ nhiệm thủ tướng mới "càng nhanh càng tốt" để đảm bảo sự ổn định chính trị và tài chính.

    "Tôi nghĩ sự ổn định rất quan trọng, trong bối cảnh các vấn đề địa chính trị khá nghiêm trọng mà châu Âu phải đối mặt, như chiến sự ở Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng", ông nói với phóng viên ở Brussels, Bỉ.

    Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bày tỏ lấy làm tiếc khi bà Truss từ chức. "Chúng tôi có chung quan điểm về nhiều vấn đề và tôi mong muốn được làm việc với người sẽ kế nhiệm bà ấy", ông cho hay.

    Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga hoan nghênh sự ra đi của bà Truss, cho rằng bà là "nỗi hổ thẹn" và sẽ bị nhớ đến vì "sự thiếu hiểu biết thảm họa".

    "Người ta sẽ nhớ đến sự thiếu hiểu biết đến thảm họa và đám tang Nữ hoàng ngay sau khi bà tiếp Liz Truss. Nước Anh chưa có một thủ tướng đến đáng hổ thẹn đến vậy", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đăng Telegram.

    Bình luận của bà Zakharova dường như đề cập chuyến thăm Moskva của bà Truss khi là ngoại trưởng Anh, ngay trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trong cuộc gặp khi đó với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, bà dường như đã nhầm lẫn giữa hai khu vực của Nga với Ukraine.

    Trong phát biểu từ chức, bà Truss nói rằng đã gặp Chủ tịch Ủy ban 1922 Graham Brady và thống nhất rằng cuộc bầu cử lãnh đạo mới sẽ được hoàn thành trong tuần tới. Ủy ban 1922 là cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ. Ông Graham cho biết cuộc tranh cử để thay thế bà Truss làm thủ tướng và lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ kết thúc ngày 28/10.

    Cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak, đối thủ từng bị bà Truss đánh bại, lãnh đạo Hạ viện Penny Mordaunt và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace là những ứng viên có thể trở thành lãnh đạo tiếp theo của đảng Bảo thủ.

    VnExpress (Theo AFP, Reuters)

  • bang anh tang gia tro lai liz truss tu chuc
    Thủ tướng Liz Truss đã từ chức sau 44 ngày tại vị đầy bi kịch. Ảnh: EPA

    Đồng bảng Anh lại tăng giá so với đồng USD sau tuyên bố từ chức của bà Liz Truss. Theo đó, 1 bảng Anh đổi được $1.13 ngay trước khi thông tin chính thức được công bố, vì thị trường hy vọng bà sẽ nhanh chóng từ chức. Sau đó đồng bảng giảm nhẹ 0.04% còn ở mức $1.126.

    Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Anh đã giảm nhẹ. Vào hôm nay Thứ Năm, lợi suất trái phiếu 30 năm của chính phủ đã giảm khi mệnh giá tăng, lợi suất giảm 0.44% xuống còn 3.86%.

    Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh thậm chí còn giảm sâu hơn ngay trước tuyên bố từ chức, vào khoảng 1h30 chiều trước khi tăng nhẹ.  

    {Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm trực tiếp làm giảm chi phí đi vay của chính phủ và gián tiếp làm giảm lãi suất đi vay của các hộ gia đình và doanh nghiệp}.

    Thủ tướng có nhiệm kỳ ngắn ngủi nhất lịch sử nước Anh

    Chỉ với 44 ngày tại nhiệm, Thủ tướng Liz Truss đã trở thành nhà lãnh đạo có nhiệm kỳ ngắn ngủi nhất lịch sử nước Anh, sau khi thông báo từ chức hôm 20/10.

    Bà Truss cho biết đã đệ đơn từ chức lên Vua Charles III và một cuộc bầu cử lãnh đạo sẽ diễn ra trong vòng một tuần, CNN đưa tin.

    Trong phát biểu từ chức, bà Truss tuyên bố chính phủ ngắn ngủi của bà đã cắt giảm bảo hiểm quốc gia, chi trả hóa đơn năng lượng cho người dân, và "đặt ra tầm nhìn về một nền kinh tế tăng trưởng nhanh trên nền tảng thuế thấp".

    "Dù vậy, tôi thừa nhận đã không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao khi được đảng Bảo thủ lựa chọn", bà Truss nói.

    Chỉ mới nhậm chức được sáu tuần, Thủ tướng Truss đã phải đấu tranh cho chiếc ghế của mình. Nhiều đảng viên Bảo thủ yêu cầu bà Truss phải từ chức sau khi gây ra sự sụp đổ của đồng bảng Anh.

    Bà cũng bị buộc phải nhiều lần thay đổi chính sách của mình và sa thải đồng minh chính trị thân cận nhất của bà - ông Kwasi Kwarteng.

    Bà cũng là thủ tướng nhận được mức độ tín nhiệm thấp nhất trong lịch sử các cuộc thăm dò dư luận của Anh. Một cuộc thăm dò của YouGov trong tuần này cho thấy chỉ 10% số người được hỏi có quan điểm ủng hộ bà.

    Một ngày trước khi từ chức, thủ tướng Anh đã tự mô tả mình là "một chiến binh, chứ không phải là một kẻ bỏ cuộc" hôm 19/10, khi bà phải đối mặt với sự giận dữ từ chính đảng Bảo thủ về kế hoạch kinh tế của mình.

    “Tôi là một chiến binh, không phải là một kẻ bỏ cuộc”, bà Truss nói với các nhà lập pháp.

    Trước bà Truss, vị thủ tướng Anh có nhiệm kỳ ngắn ngủi nhất là ông George Canning. Ông đã qua đời năm 1827 sau 119 ngày tại vị.

    Viethome (theo Metro)

  • Truyền thông Anh đưa tin Thủ tướng Liz Truss tuyên bố từ chức. Nữ lãnh đạo thừa nhận đã không thể hoàn thành nhiệm vụ khi được đảng Bảo thủ lựa chọn.

    thu tuong anh tu chuc
    Bà Truss trở thành nhà lãnh đạo có nhiệm kỳ ngắn ngủi nhất lịch sử nước Anh. Ảnh: Reuters.

    Tuyên bố từ chức được Thủ tướng Truss đưa ra ngày 20/10 bên ngoài văn phòng làm việc tại số 10 phố Downing. Bà Truss trở thành nhà lãnh đạo có nhiệm kỳ ngắn ngủi nhất lịch sử nước Anh.

    Trước khi từ chức, bà Truss đã có cuộc thảo luận với Phó thủ tướng Therese Coffey, Chủ tịch đảng Bảo thủ Jake Berry và nhóm nghị sĩ đảng Bảo thủ tại Hạ viện.

    Thủ tướng Truss cho biết nhiệm kỳ của bà bắt đầu giữa bất ổn kinh tế và chính trị quốc tế. Bà khẳng định đã được đảng Bảo thủ lựa chọn với nhiệm vụ thay đổi sự trì trệ của nền kinh tế Anh.

    Bà Truss tuyên bố chính phủ ngắn ngủi của bà đã cắt giảm bảo hiểm quốc gia, chi trả hóa đơn năng lượng cho người dân, và "đặt ra tầm nhìn về một nền kinh tế tăng trưởng nhanh trên nền tảng thuế thấp".

    "Dù vậy, tôi thừa nhận đã không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao khi được đảng Bảo thủ lựa chọn", bà Truss nói. Thủ tướng Truss nói bà đã trao đổi với Vua Charles III thông báo về quyết định từ chức.

    Bà cũng cho biết các lãnh đạo đảng Bảo thủ đã nhất trí sẽ tổ chức bầu cử để lựa chọn người kế nhiệm vị trí lãnh đạo đảng, tức thủ tướng Anh, trong tuần tới.

    Nữ lãnh đạo cho biết sẽ giữ chức vụ thủ tướng cho tới khi người kế nhiệm được chính thức lựa chọn.

    Ngay sau tuyên bố từ chức của bà Truss, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer và lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Ed Dave đã kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm. Công đảng và đảng Dân chủ Tự do là hai đảng đối lập lớn nhất tại Anh.

    Động thái từ chức của thủ tướng Anh không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia cũng như các nhà quan sát chính trường Anh.

    Trước đó, trao đổi về tương lai của bà Truss cũng như những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng hiện nay đến nền chính trị Anh, tiến sĩ Craig Prescott - giảng viên và chuyên gia về luật hiến pháp và chính trị Anh của Trường Luật thuộc Đại học Bangor, tin rằng bà Truss khó có thể bám trụ với ghế thủ tướng.

    “Việc bà Truss phải rời ghế thủ tướng chỉ là vấn đề thời gian. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu bà ấy có thể ‘sống sót’ đến tháng 11. Vị thế của đảng Bảo thủ đã bị tổn hại đến mức khó có thể phục hồi”, tiến sĩ Craig Prescott nói.

    Theo Zing

  • Bà Suella Braverman nhấn mạnh trong lá thư gửi cho Thủ tướng Liz Truss rằng "từ chức là việc cần làm khi phạm sai lầm". Sáng ngày 19/10, Thủ tướng Liz Truss đã gửi lời xin lỗi công khai đến các nghị sĩ trong cuộc họp Hạ viện đầu tiên kể từ khi các chính sách kinh tế của bà bị Tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt bác bỏ. 

    bo truong noi vu tu chuc

    Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman đã từ chức khỏi chính phủ của bà Liz Truss sau khi dùng email cá nhân của mình để gửi đi một tài liệu chính thức. Khi quyết định rời Bộ Nội Vụ, Bà Braverman cũng đã ngụ ý nhắn nhủ đến Thủ tướng về "điều đúng nên làm".

    Trong lá thư từ chức gửi tới Thủ tướng vào muộn ngày 19/10, "cựu" Bộ trưởng Nội vụ thừa nhận mình đã vi phạm luật an ninh chính phủ. Trong thư có câu "Tôi đã phạm sai lầm; Tôi nhận trách nhiệm; Tôi từ chức".

    Cựu ứng viên lãnh đạo Đảng Bảo Thủ cũng bày tỏ "sự lo lắng về đường hướng của chính phủ". "Chúng ta không chỉ thất hứa với những người đã bầu chúng ta, mà tôi còn lo lắng chính phủ sẽ không thể thực hiện các chủ trương của Đảng, chẳng hạn như giảm số lượng người nhập cư, ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp qua eo biển", bà Braverman viết. 

    Văn phòng Thủ tướng sau đó xác nhận cựu bộ trưởng giao thông Grant Shapps đã được chỉ định là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Phát biểu bên ngoài văn phòng Bộ Nội vụ sau khi được chỉ định, ông Shapps thừa nhận đây là "thời kỳ sóng gió đối với chính phủ" nhưng ông sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mới của mình "bất chấp điều gì đang diễn ra ở Westminster".

    Trong lá thư gửi cho Thủ tướng Liz Truss, bà Braverman cũng nhấn mạnh "từ chức là việc cần làm khi phạm sai lầm". Tuyên ngôn của bà xuất hiện giữa thời điểm bà Liz Truss đang cố gắng bám trụ tại số 10 phố Downing. Ngày càng nhiều nghị sĩ Đảng Bảo Thủ kêu gọi bà từ chức. 

    Bà Braverman viết: "Sáng hôm nay, tôi đã gửi một văn bản chính thức từ email cá nhân của mình đến một đồng nghiệp thân cận trong quốc hội nhằm mục đích thu thập thêm sự ủng hộ cho chính sách nhập cư của chính phủ. Tôi hiểu điều này là vi phạm quy tắc (dùng email cá nhân cho việc công)".

    Bà viết tiếp: "Ngay khi nhận ra sai lầm, tôi đã ngay lập tức báo cáo sự việc trên các kênh chính thức, và thông báo với thư ký nội các. Là Bộ trưởng Nội vụ, tôi tự đặt ra những tiêu chuẩn cao nhất cho mình, do đó từ chức làm việc nên làm".

    Bà tiếp tục viết: "Sự vận hành của chính phủ dựa vào những người biết nhận trách nhiệm đối với sai lầm của mình. Giả vờ như mình không hề mắc sai lầm, tiếp tục tại vị như thể không ai nhìn thấy sai lầm của mình với hy vọng phép màu sẽ xảy ra và mọi việc sẽ tốt trở lại. Đó không phải là tư cách của một chính trị gia".

    Hồi đáp lá thư của bà Braverman, Thủ tướng Liz Truss nói: "Tôi chấp nhận thư từ chức của bà Braverman và tôn trọng quyết định của bà. Điều quan trọng là các thông tin mật của nội các phải được tôn trọng và bảo vệ".

    Bà Braverman mới được Thủ tướng Liz Truss chỉ định làm Bộ trưởng Nội vụ 43 ngày. Sự rời ghế đột ngột của bà đến sau việc sa thải Cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng vào thứ Sáu tuần trước. 

    Bộ trưởng Nội vụ Đảng đối lập, bà Yvette Cooper cho rằng "chính phủ đang tan đàn xẻ nghé". Bà nói: "Mới bổ nhiệm rồi lại sa thải cả Bộ trưởng Tài chính và Nội vụ trong vòng 6 tuần quả là một cơn ác mộng. Không cách nào điều hành một chính phủ như thế này. Vấn đề không chỉ nằm ở 1-2 bộ trưởng. Nếu Đảng Bảo thủ không thể quản trị những điều cơ bản, họ nên tránh qua một bên và trao quyền cho người có thể".

    Viethome (theo Sky News)

  • Ngay cả khi không có cơ chế chính thức nào để loại bỏ bà Truss khỏi vị trí lãnh đạo, vẫn có những cách các nhà lập pháp có thể thay thế bà.

    Khả năng bà Liz Truss bị đẩy ra khỏi ghế thủ tướng Anh đang mỗi lúc một tăng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có cơ chế buộc bà rời khỏi chức vụ. Tuy nhiên, vẫn có một số kịch bản có thể xảy ra có thể làm lung lay nghiêm trọng vị trí thủ tướng của bà.

    1. Có đủ nghị sĩ tán thành việc loại bỏ bà

    Hơn một chục nghị sĩ đảng Bảo thủ đã công khai rằng họ có thể sẽ kêu gọi thủ tướng từ chức.

    Nhiều người cho rằng bà Truss càng giữ chức lâu bao nhiêu, cơ hội sửa chữa những thiệt hại mà bà gây ra cho danh tiếng của đảng Bảo thủ càng ít.

    Ủy ban năm 1922 - chịu trách nhiệm về điều lệ của đảng Bảo thủ - có thể cúi đầu trước áp lực thay đổi quy tắc nội bộ của đảng và cho phép bỏ phiếu bất tín nhiệm khi số lượng thư kêu gọi bỏ phiếu tăng lên, vượt quá ngưỡng 15%, tương đương 54 nhà lập pháp.

    Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban năm 1922, người thường xuyên họp với bà Truss, có thể đến gặp bà lần chót - như đã làm với ông Boris Johnson và bà Theresa May - để khuyên thủ tướng lựa chọn giữa từ bỏ hoặc bị loại bỏ, theo Guardian.

    kich ban loai bo ba liz truss 1
    Thủ tướng Anh Liz Truss trong một buổi họp báo ngày 14/10 ở London. Ảnh: Reuters.

    2. Halloween không kẹo cho bà Truss

    Với việc tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt chỉ trong vài ngày cầm quyền đã xoay xở để xoa dịu thị trường đang hỗn loạn và sự lo lắng của hầu hết nghị sĩ, mọi con mắt đều đổ dồn vào những biện pháp lớn mà ông sẽ công bố vào ngày 31/10.

    Ông đã tuyên bố rõ ràng về việc có thể cắt giảm chi tiêu và gợi ý về khả năng tăng thuế để lấp đầy một phần lỗ đen tài khóa ước tính 70 tỷ bảng Anh.

    Những động thái đó là dấu hiệu cho thấy đất nước có thể quay lại thời kỳ thắt lưng buộc bụng, kéo căng hơn nữa dịch vụ công vốn đã rất căng thẳng vào thời điểm ngân sách đang chịu áp lực với mức lạm phát cao.

    Bà Truss đã bị buộc phải đảo ngược hầu hết điều khoản trong gói cắt giảm thuế sâu mà bà công bố hồi cuối tháng 9. Nếu chính sách không cắt giảm chi tiêu công của bà cũng bị buộc phải đảo ngược trong ngày 31/10, nhiều nghị sĩ có thể không tìm thấy lý do để ủng hộ bà Truss ở lại.

    Tương tự, nếu Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách dự báo một bức tranh ảm đạm về mùa đông sắp tới và quy trách nhiệm cho gói mini-budget (ngân sách ngắn hạn) của bà Truss, các nghị sĩ có thể quyết định quay lưng với bà.

    Trong khi nhiều cải cách cho các nhà cung cấp mà bà Truss hứa hẹn vẫn có khả năng được công bố, một số trong số này - bao gồm việc nới lỏng quy hoạch gây tranh cãi và giảm bớt biện pháp bảo vệ môi trường - có thể khiến các nghị sĩ lo ngại.

    3. Bầu cử bổ sung

    Tin đồn đang lan tràn ở Westminster về việc các nghị sĩ đảng Bảo thủ xem xét từ chức trong quốc hội và nhảy việc trước khi họ bị đẩy vào một cuộc bỏ phiếu tiềm năng có thể khiến đảng này bị hạ bệ.

    Họ tin rằng giá trị của họ vẫn còn tương đối cao trong khi đảng Bảo thủ nắm quyền. Tuy nhiên, nếu mức tín nhiệm của đảng này rơi vực và Công đảng lên nắm quyền thì giá trị của họ đối với các nhà tuyển dụng - đang tìm kiếm mối quan hệ chính trị và nhân sự có hiểu biết về chính sách - sẽ giảm đáng kể.

    Với suy nghĩ đó, một số người đang cân nhắc kích hoạt cuộc bầu cử bổ sung (byelection, chỉ cuộc bầu cử chọn người thay thế cho một nghị sĩ vừa từ chức, từ trần hoặc bị bãi miễn - PV), và điều này có thể khiến bà Truss đau đầu hơn nữa.

    Với việc xếp hạng cá nhân của bà Truss gần như chạm đáy, và đảng Bảo thủ đang bị tụt lại 30 điểm trong hầu hết cuộc thăm dò, các nghị sĩ lo ngại rằng hàng trăm ghế của họ có thể bị mất trong tổng tuyển cử tiếp theo.

    kich ban loai bo ba liz truss 1
    Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, bên cạnh Thủ tướng Liz Truss và Lãnh đạo Hạ viện Penny Mordaunt, tại một cuộc họp của Hạ viện, London, Anh, ngày 17/10. Ảnh: Reuters.

    Kết quả bỏ phiếu kém từng góp phần vào sự sụp đổ của ông Johnson, với Chủ tịch đảng Oliver Dowden, một trong những người từ chức nội các sớm nhất sau khi bầu cử bổ sung chứng kiến chiến thắng của đảng Dân chủ Tự do ở Tiverton và Honiton, và Công đảng ở Wakefield.

    Hiện chỉ có một cuộc bầu cử bổ sung sắp tới ở Tây Lancashire, với ghế an toàn dành cho Công đảng. Bất kỳ một chiến thắng nào nữa của Công đảng ở các khu vực trước đây có xu hướng ủng hộ đảng này, hoặc khu vực có truyền thống ủng hộ Bảo thủ, sẽ khiến vị trí của bà Truss rơi vào tình thế nguy hiểm một lần nữa.

    4. Bầu cử địa phương

    Nếu bà Truss may mắn tránh được bất kỳ rủi ro tức thời nào, bà cũng không thể tránh chúng mãi mãi.

    Các cuộc bầu cử địa phương từng là một điểm nguy hiểm đối với ông Johnson. Đảng của ông đã có một đêm thảm hại, thậm chí mất quyền kiểm soát hội đồng hàng đầu của mình là Wandsworth ở London.

    Nhiều hội đồng quận huyện có thể sẽ bị đoạt khỏi tay đảng Bảo thủ vào tháng 5/2023.

    Một nghị sĩ đảng Bảo thủ cấp cao của chính quyền địa phương cho biết: “Các ủy viên hội đồng biết rằng ghế của họ đang gặp rủi ro trong năm tới, và bà Liz Truss chính là lý do”. Một người khác thừa nhận: "Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần mất quyền kiểm soát”.

    Các cuộc bầu cử địa phương là nền tảng và là tín hiệu cảnh báo sớm cho kết quả cuộc tổng tuyển cử. Vì vậy, một màn trình diễn kém cỏi trong mùa xuân có thể đặt một lời nguyền khác cho bà Truss.

    Theo Zing

  • Thủ tướng Anh Liz Truss hôm 17/10 bị cáo buộc “trốn tránh" sau khi bà từ chối trả lời các câu hỏi và cử bà Penny Mordaunt phát biểu thay mình tại Hạ viện.

    Thủ tướng Truss đã im lặng suốt ba ngày và từ chối trả lời yêu cầu từ Công đảng để trình bày trước Quốc hội về quyết định sa thải cựu Bộ trưởng Kwasi Kwarteng, Independent đưa tin.

    Thay vào đó, nhà lãnh đạo Anh đã cử bà Penny Mordaunt để trả lời câu hỏi của đảng đối lập, phố Downing xác nhận.

    “Chúng tôi đang có một khoảng trống”, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer cho biết. “Đã đến lúc người lãnh đạo phải đứng ra chỉ đạo. Nhưng thủ tướng đâu rồi? Bà ấy đang trốn đi, né tránh câu hỏi, sợ bóng sợ gió".

    Trong khi đó, nghị sĩ đảng Dân tộc Scotland Kirsten Oswald nói rằng: "Nếu (Thủ tướng Truss) thậm chí còn không có đủ can đảm để xuất hiện ở đây vào ngày hôm nay, thì liệu có lý do nào để bà ấy xuất hiện tại đây thêm lần nào nữa không?”.

    "Thời gian đã hết, bà ấy cần phải từ chức và để mọi người quyết định", nghị sĩ Oswald nói thêm.

    liz truss thieu ban linh
    Thủ tướng Anh Liz Truss hôm 17/10 đã cử bà Penny Mordaunt phát biểu thay mình tại Hạ viện. Ảnh: Reuters.

    Quyết định cử bà Mordaunt - người từng thua bà Truss trong cuộc đua vào ghế thủ tướng - có thể sẽ đặt ra thêm câu hỏi về thẩm quyền của thủ tướng.

    Trong cuộc họp tại Hạ viện, bà Mordaunt cho biết bà lấy làm tiếc rằng các kế hoạch của chính phủ đã "làm tăng thêm mối lo ngại" về "sự biến động lớn" trong nền kinh tế, nhưng nói rằng có "lý do nghiêm trọng" cho sự vắng mặt của Thủ tướng Truss mà không nêu cụ thể.

    Những tiếng hét "bà ấy ở đâu?" có thể được nghe thấy sau khi bà Mordaunt xuất hiện tại vị trí của thủ tướng ở Hạ viện.

    Một số tiếng cười lớn và chế nhạo đã được nghe thấy từ băng ghế của các thành viên Công đảng khi bà Mordaunt nói với các nghị sĩ rằng thủ tướng không thể ngay lập tức trả lời câu hỏi cấp thiết về cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay vì bà đang bị "cầm chân bởi đống công việc khẩn cấp".

    Vị trí Thủ tướng của bà Truss đang gặp nguy hiểm và bà đã không phát biểu công khai kể từ cuộc họp báo kéo dài 8 phút vào hôm 14/10 sau khi sa thải bộ trưởng của mình.

    Thủ tướng Truss tuần trước đã sa thải ông Kwasi Kwarteng chỉ 38 ngày sau khi ông đảm nhiệm vai trò này, giữa lúc thị trường phản ứng dữ dội sau thông báo về chương trình cắt giảm thuế.

    Sau đó, bộ trưởng Tài chính mới Jeremy Hunt vào sáng 17/10 đã tuyên bố đảo ngược gần như toàn bộ kế hoạch giảm thuế của người tiền nhiệm, đồng thời xem xét lại chính sách giá nhiên liệu.

    Văn phòng thủ tướng khẳng định rằng bà Truss vẫn đang điều hành đất nước và đã "làm việc chặt chẽ với bộ trưởng vào cuối tuần qua để đồng ý cách tiếp cận này".

    Tuy nhiên, nghị sĩ Roger Gale của đảng Bảo thủ nói với Sky News rằng: "Tôi nghĩ ông Jeremy Hunt là thủ tướng trên thực tế vào lúc này".

    "Tôi thực sự không nghĩ rằng bà ấy có thể tiếp tục giữ vị trí của mình lâu hơn nữa. Và tôi rất buồn khi phải nói điều đó", nghị sĩ Angela Richardson nói với Times.

    Zing (Theo Independent/Times)

  • Thủ tướng Liz Truss lên tiếng xin lỗi vì những sai lầm thời gian đầu nhiệm kỳ làm ảnh hưởng niềm tin của giới đầu tư, song bà tuyên bố sẽ không từ chức.

    Hôm 17/10, Thủ tướng Anh Liz Truss cho biết: "Tôi thực sự muốn nhận trách nhiệm, nói lời xin lỗi về những sai lầm đã gây ra. Tôi chỉ muốn giúp đỡ người dân đang phải chịu hóa đơn năng lượng cao bằng chính sách cắt giảm thuế, nhưng chúng tôi đã quá vội vàng".

    "Sẽ là vô trách nhiệm nếu tôi không hành động vì lợi ích quốc gia bằng tất cả những gì tôi có. Thay đổi chính sách là hướng đi đúng", Thủ tướng Liz Truss cho biết thêm.

    ba liz truss khong tu chuc
    Thủ tướng Anh Liz Truss. (Ảnh: Getty)

    Lãnh đạo Anh nhấn mạnh, chính phủ của bà đang tìm cách để giúp "người dễ bị tổn thương nhất sẽ được bảo vệ trong mùa đông năm nay".

    Bên cạnh đó, bà Liz Truss cũng tuyên bố không từ nhiệm. "Tôi bám trụ vì tôi được bầu ra để phục vụ đất nước. Đó là điều tôi quyết tâm thực hiện", bà nói.

    Tháng trước, bà Liz Truss giành được quyền lãnh đạo đảng Bảo thủ và trở thành Thủ tướng Anh với hứa hẹn cắt giảm thuế bằng cách tăng ngân sách vay nợ. Hiện bà đang phải nỗ lực giữ ghế sau khi rút lại một số nội dung quan trọng trong chiến lược kinh tế mà chính phủ bà đề ra.

    Gói kích thích kinh tế và chương trình cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ bảng được bà Truss cam kết khiến thị trường tài chính Anh phản ứng dữ dội. Các nhà đầu tư liên tục bán tháo trái phiếu, giá trị đồng bảng Anh so với đồng USD tụt xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải vào cuộc và chi hàng chục tỷ bảng mua lại trái phiếu để bình ổn thị trường.

    Dù mới được bổ nhiệm vào vị trí Thủ tướng Anh song bà Truss đang đối diện với nguy cơ bị bãi nhiệm từ chính nội bộ đảng Bảo thủ trong tuần này. Mức độ tín nhiệm với Thủ tướng Truss đã rơi xuống mức thấp nhất so với bất kỳ thủ tướng Anh nào kể từ đầu những năm 1990. 

    Thủ tướng Anh đang thảo luận đàm phán về khủng hoảng với tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt nhằm cố gắng khôi phục kinh tế trước khi thị trường mở cửa trở lại vào đầu tuần.

    Tuần trước, bà Truss thông báo quyết định sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và hủy bỏ nhiều phần trong gói kích thích kinh tế đầy tham vọng mà bà đề ra khi nhậm chức.

    VTC News (theo Reuters)

  • ghe thu tuong anh lung lay
    Dữ liệu: HỒNG VÂN - Đồ họa: N.KH

    Hôm nay, một nhóm các thành viên cấp cao của Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh sẽ họp để thảo luận về tương lai của Thủ tướng Anh Liz Truss mà cụ thể là tìm cách nhanh chóng loại bà khỏi vị trí lãnh đạo Đảng, đồng nghĩa với ghế thủ tướng.

    Theo báo Guardian (Anh), một số cho rằng bà đang "tại nhiệm mà không nắm quyền", một số muốn bà từ chức sớm, và một số dọa sẽ công khai kêu gọi bà từ chức do hậu quả từ kế hoạch cắt giảm thuế mà bà đưa ra.

    Chính sách rung chuyển

    Bà Truss nhận chức thủ tướng vào ngày 6-9, nhưng sự ủng hộ bà trong Nội các Anh đã "bốc hơi" nhanh chóng trong chưa đầy 40 ngày. Sóng gió bắt đầu với kế hoạch cắt giảm thuế bà đưa ra khi vận động tranh cử và bắt tay thực hiện sau khi nhậm chức.

    Trước đó, ngày 23-9 Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng - người mới bị sa thải vào ngày 14-10 - đại diện cho chính phủ của bà Truss công bố kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 45 tỉ bảng Anh (50,4 tỉ USD) cho các tập đoàn và người có thu nhập cao (trên 150.000 bảng (167.000 USD) một năm). Ngoài ra là kế hoạch hỗ trợ tiền khí đốt và điện cho các gia đình và doanh nghiệp trong sáu tháng, bắt đầu từ tháng 10.

    Ngay lập tức, đồng bảng Anh mất hơn 3% giá trị, rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1971. Tỉ giá thấp kỷ lục của bảng Anh so với USD được ghi nhận ở mức 1 bảng đổi 1,0697 USD vào ngày 26-9.

    Thị trường lo ngại kế hoạch kinh tế của chính phủ mới sẽ làm tăng nợ công và đẩy giá năng lượng tăng cao hơn ở Anh. Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp và quyết định chi khẩn cấp 65 tỉ bảng (73 tỉ USD) mua lại trái phiếu chính phủ dài hạn để "bình ổn thị trường", ngăn chặn khủng hoảng kinh tế lan rộng.

    Ngày 3-10, Bộ trưởng Kwarteng muối mặt thông báo trên Twitter rằng sau khi lắng nghe dư luận, kế hoạch cắt giảm thuế cho người giàu sẽ bị xóa bỏ. Đồng bảng tăng lại mức 1 bả,12 USD (mức giá trước ngày 23-9).

    Sao bà còn ở lại?

    Ngày 14-10, bà Truss thông báo sa thải Bộ trưởng Kwasi Kwarteng và rút lại một phần trong gói hỗ trợ kinh tế gây tranh cãi.

    Trong cuộc họp báo rất căng thẳng với các phóng viên sau đó, các nhà báo chất vấn vì sao bà vẫn còn ngồi ghế thủ tướng khi đã từ bỏ cam kết đưa ra lúc tranh cử. Một câu hỏi khác khó không kém nói rằng bà là tác giả của kế hoạch cắt giảm thuế, bà cùng cựu bộ trưởng tài chính của mình lên kế hoạch này nhưng tại sao bà có thể ngồi đây trong khi ông ấy bị sa thải. Với cả hai câu hỏi, bà Truss giải thích sự thay đổi về chính sách và việc mình ở lại là để giúp ổn định nền kinh tế đất nước vốn là ưu tiên lớn nhất lúc này.

    Tuy nhiên, ngày 15-10 trang nhất của nhiều tờ báo Anh đặt vấn đề "đã hết thời gian" với vai trò lãnh đạo của bà Truss. Một cựu quan chức nội các nhận định "khả năng bà Truss nắm quyền đến Giáng sinh là 50 - 50".

    Về cuộc họp dự kiến diễn ra hôm nay (17-10), theo báo Guardian, sẽ có từ 15 - 20 cựu bộ trưởng và các nghị sĩ cấp cao được mời. Cuộc họp do những người ủng hộ ông Rishi Sunak, đối thủ chạy đua ghế thủ tướng với bà Truss trước đây, tổ chức nhằm lên kế hoạch khi nào và làm thế nào để bà Truss mất ghế.

    Tuy nhiên, không phải bà Truss không còn đồng minh nào. Những người thân cận còn lại của bà Truss trong nội các đang tìm cách bảo vệ bà. Họ cảnh báo Đảng Bảo thủ sẽ gặp rủi ro nếu thay lãnh đạo thứ hai chỉ trong vài tháng.

    Trong trường hợp có người tiếp cận để thuyết phục bà Truss rời ghế lãnh đạo, những người ủng hộ muốn bà chọn ra đi sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thay vì đồng ý từ chức.

    Các cựu thủ tướng Theresa May và Boris Johnson đều đã được ông Graham Brady - chủ tịch Ủy ban 1922, cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo Đảng Bảo thủ - thuyết phục từ chức.

    Một số người cho rằng bà Truss có thể vẫn có cơ may lãnh đạo nước Anh tùy vào phản ứng của thị trường, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Anh ngừng can thiệp khẩn cấp để ổn định giá trái phiếu dài hạn và bảo vệ quỹ lương hưu từ ngày 14-10.

    "Số phận của bà ấy giờ đây nằm trong tay thị trường. Dù có còn là thủ tướng hay không, toàn bộ chương trình nghị sự của bà ấy và khả năng theo đuổi các chương trình nghị sự này thực sự nằm ngoài tầm tay của bà ấy", bà Jill Rutter, thành viên cấp cao tại Viện Chính phủ - một tổ chức nghiên cứu chính sách tại London - nhận định.

    Kế hoạch thắt lưng buộc bụng

    Tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt bác bỏ phần lớn kế hoạch kinh tế của bà Truss và thay bằng kế hoạch thắt lưng buộc bụng. Cụ thể, ông sẽ tăng một số loại thuế và cắt giảm chi tiêu công. Theo Đài BBC, ông Hunt cho biết "rất nhiều điều mà mọi người đang hy vọng sẽ không xảy ra", nhưng chính sách của ông sẽ "rất nhạy cảm với nhu cầu" của các gia đình nghèo nhất.

    Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey cho biết để ổn định thị trường cần một "phản ứng mạnh mẽ hơn" mà cụ thể là tăng lãi suất do "áp lực lạm phát".

    Theo Tuổi Trẻ

  • Ngày 14/10, Thủ tướng Anh Liz Truss sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và huỷ bỏ nhiều phần trong gói kinh tế mới, để có thể cứu vãn sinh mệnh chính trị của bà, chỉ chưa đầy 40 ngày sau khi lên cầm quyền.

    Trong bối cảnh thị trường tài chính chao đảo, bà Truss nói rằng bà chấp nhận rằng kế hoạch của chính phủ về cắt giảm thuế không hỗ trợ đã “đi xa hơn và nhanh hơn” nhận định của các nhà đầu tư.

    sinh menh chinh tri

    “Hôm nay tôi đã hành động dứt khoát vì ưu tiên của tôi là bảo đảm ổn định kinh tế cho đất nước. Tôi muốn thành thực, đây là việc khó. Nhưng chúng ta sẽ đi qua cơn bão này”, bà Truss nói tại cuộc họp báo tại Phố Downing.

    Đồng bảng và trái phiếu Chính phủ Anh biến động mạnh sau phát biểu của Thủ tướng Truss. Các nhà kinh tế học và giới đầu tư cho rằng việc bà đảo ngược kế hoạch giảm thuế trị giá 20 tỷ bảng vẫn chưa đủ để khôi phục ổn định.

    Nước Anh đang chìm trong khủng hoảng chính trị tương tự cuộc chiến công nghiệp trong những năm 1970, sự sụp đổ của đồng bảng trong đầu những năm 1990 và giai đoạn hỗn loạn hậu Brexit. Từ khi Anh bỏ phiếu chọn cách rời khỏi Liên minh châu Âu năm 2016, ba thủ tướng đã ra đi và nước này đánh mất uy tín như một thành viên dễ đoán của trật tự kinh tế quốc tế.

    “Việc này cho thấy lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, ít nhất kể từ những năm 1990, thị trường tài chính buộc chính phủ của một nước lớn phải đầu hàng trước những tham vọng tài chính”, các nhà phân tích tại hãng tư vấn Evercore đánh giá.

    Trước khi có bài phát biểu, bà Truss đã sa thải bộ trưởng tài chính và cũng là người bạn thân, ông Kwarteng, sau khi ông vội trở về từ London từ cuộc họp của IMF ở Washington (Mỹ), nơi những biến động mạnh gần đây của Anh trở thành một nội dung chính được bàn đến.

    Để thay thế ông, bà Truss bổ nhiệm ông Jeremy Hunt, cựu bộ trưởng y tế và ngoại giao và là người đã ủng hộ đối thủ Rishi Sunak của bà trong cuộc chạy đua trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ vừa qua. Ông Hunt là bộ trưởng tài chính thứ tư của Anh trong mấy tháng qua, khi hàng triệu người dân đang chật vật với khủng hoảng giá tiêu dùng.

    Ông Kwarteng trở thành bộ trưởng tài chính tại nhiệm ngắn nhất kể từ khi một bộ trưởng tài chính đột tử năm 1970.

    Vị thế của bà Truss cũng đang bị đe doạ.

    Tháng trước, bà chiến thắng để trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ với lời hứa sẽ cắt giảm thuế mạnh và giảm bớt những quy định mà bà cho rằng đang kìm hãm nền kinh tế. Chính sách mới mà ông Kwarteng đưa ra vào ngày 23/9 là để thực hiện tầm nhìn đó.

    Tuy nhiên, những phản ứng dội ngược từ thị trường mạnh đến mức Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp để ngăn nguy cơ các quỹ lương hưu rơi vào hỗn loạn, chi phí vay và thế chấp ngân hàng cũng tăng mạnh.

    Các cuộc thăm dò cho thấy ủng hộ dành cho đảng Bảo thủ đã sụp đổ, gây ra sự hoảng loạn trong chính đảng lớn của Anh và lại mở đường cho việc tìm cách buộc bà Truss phải rời nhiệm sở.

    Theo Tiền Phong

  • Daily Mail đưa tin, hôm 2/10, số điện thoại di động của Thủ tướng Anh Liz Truss và các thành viên trong nội các của bà đã bị rò rỉ trên mạng.

    Theo đó, trên trang web của tội phạm mạng, bạn có thể tìm thấy địa chỉ liên hệ của Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace

    Thủ tướng Hành chính Kwazi Kwarteng, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace, Bộ trưởng Ngoại giao James Cleverly, Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman và các quan chức khác - tổng cộng có 26 người. Bất kỳ ai cũng có thể mua cơ sở dữ liệu này với giá 6,49 bảng Anh.

    thu tuong liz truss lo so dien thoai
    Thủ tướng Anh Liz Truss. (Ảnh: Reuters)

    Sau khi dữ liệu bị tin tặc tấn công, Chính phủ Anh đã thông báo bắt đầu một cuộc điều tra và làm rõ rằng số dữ liệu không còn phù hợp. Tuy nhiên, các nhà báo đã tiến hành cuộc điều tra của riêng họ và kết luận số điện thoại bị rò rỉ thực sự đã được bà Truss sử dụng từ năm 2011.

    “Khi phóng viên của chúng tôi thêm số điện thoại vào WhatsApp một bức ảnh của thủ tướng được chụp vào Giáng sinh năm ngoái đã xuất hiện trong hồ sơ”, Daily Mail viết. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia bảo mật và tội phạm mạng đã bày tỏ lo ngại.

    “Việc số điện thoại của thủ tướng và các đồng nghiệp trong nội các của bà có trên mạng là một hiện tượng vi phạm an ninh. Điều này thực sự gây sốc và đáng lo ngại cũng như sẽ gây ra tình trạng bất ổn trong chính phủ”, chuyên gia an ninh kiêm cựu nhân viên tình báo Anh, Đại tá Philip Ingram nói.

    “Nếu bạn có số điện thoại của thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng, thì Chúa mới biết điều gì đang bị rò rỉ”, ông Ingram nói thêm.

    Trước đó, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho có sở thích chia sẻ số điện thoại cá nhân, do đó thông tin liên lạc của nhà lãnh đạo Anh có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng.

    Được biết, ông Johnson được cho đã sử dụng một số điện thoại di động được hơn 15 năm và số điện thoại cá nhân của cựu nhà lãnh đạo Anh có thể dễ dàng được tìm thấy qua Google. Dù văn phòng Tổng thống Anh chưa lên tiếng về sự việc, nhưng số điện thoại được cho của ông Johnson đã bị xóa khỏi internet.

    Theo truyền thông Anh, ông Johnson có thói quen chia sẻ số điện thoại cá nhân cho bất cứ ai mà ông gặp. Ông cũng được cho đã sử dụng số điện thoại này ít nhất là từ năm 2006, 2 năm trước khi trở thành Thị trưởng London và 13 năm trước khi đảm nhận chức vụ thủ tướng Anh. Do đó, thông qua Google, số điện thoại của ông Johnson dễ dàng bị phát hiện.

    Infonet (Theo Daily Mail)

  • Những tuần đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng Anh Liz Truss ngập trong khủng hoảng khi đồng bảng Anh trượt giá kỷ lục giữa lúc chính phủ công bố các chính sách kinh tế mới.

    khoi dau khong the te hon cho ba liz truss 1

    Những tuần đầu tiên của bà Liz Truss trên cương vị thủ tướng Anh gắn liền với hai chữ: Khủng hoảng.

    Bà chỉ chính thức trở thành người đứng đầu văn phòng số 10 phố Downing được 48 tiếng trước khi có tin Nữ hoàng Elizabeth II qua đời. Việc khởi động kế hoạch mới của chính phủ đã bị trì hoãn.

    Khi lễ quốc tang chính thức kết thúc vào hôm 19/9, chính phủ của bà Truss đã tung ra một loạt chính sách quyết liệt, nổi bật nhất là vào hôm 23/9 với việc thông báo gói cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ bảng Anh, tương đương 48 tỷ USD.

    Kế hoạch này bao gồm cả giảm thuế cho nhóm có thu nhập cao nhất, vì thế bị chỉ trích là giúp người giàu hưởng lợi thay vì hàng triệu người dân có thu nhập thấp hơn.

    Dù vậy, theo suy luận của chính phủ Anh, việc cắt giảm thuế cá nhân và thuế doanh nghiệp sẽ kích hoạt sự bùng nổ đầu tư và khởi động lại nền kinh tế.

    Trong cuộc phỏng vấn với CNN vào tuần trước, bà Truss nói rằng chính phủ đang “khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và nó cũng có lợi cho người dân bình thường”.

    Nhưng kế hoạch của tân thủ tướng Anh đã phản tác dụng gần như ngay lập tức. Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 thập kỷ vào đầu tuần này, có thời điểm gần ngang giá với đồng USD.

    Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ phải can thiệp và nâng lãi suất, khiến việc trả nợ khó khăn hơn đối với những người có tài sản thế chấp.

    Hôm 28/9, Ngân hàng Trung ương Anh thông báo họ sẽ mua trái phiếu chính phủ Anh để "khôi phục trật tự thị trường", ngăn chặn sự rối loạn sau sự lao dốc của đồng bảng Anh.

    Theo Reuters, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tối 27/9 thậm chí còn chỉ trích rằng các đề xuất này chỉ khiến bất bình đẳng gia tăng và đặt ra câu hỏi về sự sáng suốt của các kế hoạch trên.

    Sự hỗn loạn xảy ra ngay giữa thời điểm Công đảng Anh tổ chức hội nghị thường niên ở Liverpool trong tuần này. Theo CNN, đảng đối lập đã hưởng lợi và dẫn đầu trong cuộc thăm dò - điều chưa từng thấy kể từ khi cựu thủ tướng Tony Blair, lãnh đạo đảng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử.

    Cơ hội cho Công đảng Anh

    Công đảng đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ khi mất quyền lực vào năm 2010. Hai nhà lãnh đạo trước đây của đảng đã phải vật lộn để giành được sự tín nhiệm trong một loạt vấn đề, từ kinh tế đến an ninh.

    Người lãnh đạo gần nhất của đảng, Jeremy Corbyn, từng phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức. Trong quá khứ, ông đã kết giao với những nhân vật cực đoan nổi tiếng, chống lại NATO và có phát ngôn "lập lờ" về Brexit - được cho là một phần nguyên nhân dẫn tới việc đảng này mất điểm ở chính "sân sau" truyền thống của mình.

    Khi người kế nhiệm Keir Starmer, lên nắm quyền vào năm 2020, công việc của ông là loại bỏ ảnh hưởng của ông Corbyn khỏi đảng và sau đó giao nó cho một nhà lãnh đạo mới, có thể là vào năm 2030.

    Tuy nhiên, tham vọng ấy đã trở nên lớn hơn khi vào tuần này ở Liverpool, đảng của Starmer xuất hiện giống một nhóm chính trị có thể sẽ được bầu để cầm quyền trong tương lai gần.

    Cách đây chưa đầy một năm, ông Boris Johnson vẫn là một “nhà vô địch” trên chính trường Anh.

    Nhưng sau những vụ bê bối khiến ông mất ghế thủ tướng và ảnh hướng đến tỷ lệ ủng hộ của đảng Bảo thủ, nhà lãnh đạo Công đảng Starmer, từ hình ảnh một luật sư khiêm tốn, ăn nói nhẹ nhàng với trang phục không mấy nổi bật, nổi lên như thể ông có thể là thủ tướng tiếp theo của Vương quốc Anh.

    khoi dau khong the te hon cho ba liz truss 1
    Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer tham dự hội nghị thường niên của đảng ở Liverpool, Anh, vào ngày 27/9. Ảnh: Reuters.

    Vương quốc Anh, đặc biệt là Anh nói riêng, có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ. Các chính phủ Công đảng trước đây giành được quyền lực phần lớn là nhờ sự ủng hộ của người Scotland.

    Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2014, khi Scotland bỏ phiếu ở lại Vương quốc Anh với tỷ lệ 55% phiếu chống và 45% phiếu thuận. Điều đó khiến gần một nửa người Scotland bất bình và quay ra ủng hộ đảng Dân tộc Scotland.

    Dù vậy, cuộc khủng hoảng của chính phủ Truss có thể mở ra cơ hội mới. Sau tuyên bố từ IMF, lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer chia sẻ những lời chỉ trích này cho thấy chính phủ hiện tại của bà Truss đã tạo ra một “mớ hỗn độn” đối với nền kinh tế.

    Trong bài phỏng vấn với đài LBC, ông nhận định tuyên bố của IMF cho thấy sự hỗn loạn này là do chính phủ tự gây ra và nó hoàn toàn không cần thiết phải như vậy.

    “Những con bạc liều lĩnh”

    Dù vậy, Công đảng Anh cũng mắc phải những sai lầm không đáng có. Trong khi hội nghị năm nay diễn ra phần lớn mà không gặp trở ngại nào, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng đã bất ngờ xảy ra.

    Hôm 27/9, nghị sĩ Rupa Huq của đảng này được cho là có thái độ phân biệt chủng tộc khi đề cập màu da của bộ trưởng tài chính thuộc đảng Bảo thủ Kwasi Kwarteng.

    Theo Independent, trong đoạn audio được công bố trực tuyến, nữ nghị sĩ đã thảo luận về bối cảnh học tập ưu tú của ông Kwasi Kwarteng, trước khi nói thêm rằng “bạn sẽ không biết ông ấy là người da đen” khi nghe tiếng ông ấy trên đài phát thanh.

    khoi dau khong the te hon cho ba liz truss 1
    Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 thập kỷ vào đầu tuần này. Ảnh: Reuters.

    Thế nhưng, trong tình hình rối ren hiện nay, những vấn đề của đảng đối lập cũng không khiến các nghị sĩ đảng Bảo thủ cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

    “Đây là một cuộc khủng hoảng kinh tế. Đó là một cuộc khủng hoảng… đáng nhẽ có thể được giải quyết bởi các nhà hoạch định chính sách nếu họ chọn giải quyết nó”, Charlie Bean, cựu phó thống đốc ngân hàng Anh, nói với BBC.

    Báo chí Anh bắt đầu suy đoán rằng Thủ tướng Truss sẽ phải sa thải ông Kwarteng, người bạn thân và “tri kỷ” trong chính trị của bà, nếu bà muốn giành lại thế chủ động và ngăn tỷ lệ ủng hộ trong cuộc thăm dò giảm sâu hơn nữa.

    “Mọi vấn đề mà chúng tôi gặp phải bây giờ là do chính bản thân gây ra. Chúng tôi trông giống như những con bạc liều lĩnh chỉ quan tâm đến những người có khả năng thua trong canh bạc”, một cựu bộ trưởng của đảng Bảo thủ cho biết.

    Trong bối cảnh đó, một số thành viên Công đảng lo ngại rằng kết quả của cuộc thăm dò hiện tại chỉ phản ánh sự không tán thành với đảng Bảo thủ, thay vì thể hiện thái độ nhiệt tình với đảng đối lập.

    Theo Zing

  • Hồi nhỏ, bà Liz Truss tham gia biểu tình phản đối Thủ tướng Margaret Thatcher của đảng Bảo thủ. Lớn lên, bà chuyển sang ngưỡng mộ nữ thủ tướng đầu tiên của Anh, và giờ bà chuẩn bị bước vào số 10 Phố Downing với nhiệt huyết thay đổi nước Anh.

    tan thu tuong liz truss ba dam thep
    Bức ảnh bà Liz Truss chụp trên xe mô-tô gợi nhớ đến bức ảnh của nữ thủ tướng đầu tiên của Anh Margaret Thatcher (phải). (Ảnh: Getty)

    Ngày 5/9, Ngoại trưởng Truss được chọn người thay thế ông Boris Johnson để trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ và thủ tướng tiếp theo. Đảng này cho biết bà Truss giành được phiếu ủng hộ của khoảng 57% thành viên, trong khi cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak được 43%.

    Bà Truss, 47 tuổi, sẽ trở thành nữ thủ tướng thứ ba của Anh, sau bà Thatcher (lãnh đạo từ năm 1979 – 1990) và bà Theresa May (từ 2016-2019).

    Các thành viên đảng Bảo thủ ủng hộ chủ trương của bà Truss về cắt giảm thuế và khắc phục tình trạng trì trệ quan liêu, đồng thời tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Ukraine. Một số người nhìn thấy sự tương đồng giữa đường lối của “Người đàn bà thép” Thatcher với tầm nhìn của bà Truss về một “mạng lưới tự do khi gắn kết các nền dân chủ khắp thế giới.

    Đối với phe chỉ trích, bà Truss là người thiếu linh hoạt, với những chính sách cánh hữu sẽ không thể giúp Anh vượt qua tình trạng kinh tế khó khăn do đại dịch, Brexit và xung đột ở Ukraine.

    Mark Littlewood, một nhà bình luận biết bà Truss từ hồi đại học, nói rằng nhà lãnh đạo mới của Anh ít bảo thủ hơn một người “cực đoan”, và cũng muốn “thu hẹp sự can thiệp của nhà nước” vào cuộc sống của người dân như tiền bối Thatcher.

    “Tôi cho rằng sẽ có rất nhiều pháo hoa, rất nhiều tranh cãi và nhiều hành động”, ông Littlewood phán đoán.

    Sinh ra tại Oxford năm 1975, bà Mary Elizabeth Truss là con gái của một giáo sư toán học và một y tá. Hồi bé, bà tham gia các cuộc biểu tình phản đối hạt nhân và phản đối các chính sách của Thủ tướng Thatcher khi đó.

    Trong bài phát biểu năm 2018, bà Truss nói rằng bà bắt đầu hình thành quan điểm chính trị từ rất sớm, thường“tranh luận ngược với bố mẹ trong gia đình cánh tả”.

    Gia đình bà sống ở Paisley, Scotland, sau đó chuyển đến Leeds ở miền Bắc nước Anh, nơi bà Truss học trung học – điều khiến bà khác biệt với nhiều đồng nghiệp học trường tư trong đảng Bảo thủ.

    Trong giai đoạn vận động tranh cử, bà Truss nhấn mạnh xuất thân khá khiêm tốn của mình. Tuy nhiên, bà khiến một số bạn học và giáo viên cũ thất vọng khi chê trường “có kỳ vọng thấp, tiêu chuẩn giáo dục thấp và thiếu cơ hội”, dù trường này có những học sinh trở thành nhà nghiên cứu, thẩm phán và nhiều nghị sĩ.

    Bà Truss sau đó học tại ĐH Oxford, ngành triết học, chính trị và kinh tế học – những ngành thường được các chính trị gia lựa chọn, và là chủ tịch nhóm sinh viên thuộc đảng Dân chủ Tự do.

    Littlewood, người cũng là thành viên của nhóm và hiện là giám đốc Viện Kinh tế, nhớ rằng bà Truss là người “cứng đầu, cương quyết và thẳng thắn”.

    Sau khi tốt nghiệp ĐH Oxford, bà Truss gia nhập đảng Bảo thủ “khi nó rõ ràng không hợp thời trang”, bà nhớ lại.

    Bà từng làm việc trong vai trò một nhà kinh tế học cho tập đoàn năng lượng Shell, hai hãng viễn thông Cable và Wireless, sau đó là một viện nghiên cứu và tham gia các hoạt động của đảng Bảo thủ, tán thành với quan điểm tự do thị trường của bà Thatcher. Bà làm việc tại một hội đồng cấp cơ sở ở London rồi ứng cử hai lần vào Quốc hội không thành, trước khi được bầu làm đại diện cho Southwest Norfolk năm 2010.

    Bà giành được một ghế trong đảng Bảo thủ sau một lần vấp ngã vì bê bối có quan hệ tình cảm với một nghị sĩ khác khi cả hai đều đã kết hôn. Bà Truss đã vượt qua bê bối đó. Bà và phu quân Hugh O’Leary (làm nghề kế toán) có hai người con đang ở tuổi niên thiếu.

    Bà lập nhóm Doanh nghiệp tự do của các nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ đường lối Thatcher. Nhóm này đã xuất bản “Britannia Unchained” – học thuyết chính trị nổi tiếng trong đó có ý nói rằng các công nhân Anh “thuộc nhóm những người lười biếng nhất thế giới”.

    Bà trở thành bộ trưởng tư pháp, nhưng bị giáng chức xuống vị trí thấp hơn trong Bộ Tài chính vào tháng 5/2017. Khi bà May phải ra đi vì không thể giải quyết bế tắc Brexit, bà Truss sớm ủng hộ ông Boris Johnson trở thành thủ tướng.

    Khi lên nắm quyền, ông Johnson đưa bà Truss trở thành bộ trưởng tài chính. Tháng 9/2021, bà Truss trở thành ngoại trưởng. Hiệu quả làm việc của bà nhận được những đánh giá trái chiều. Nhiều người khen bà phản ứng cứng rắn khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, bảo đảm thành công trong chiến dịch giúp hai công dân Anh bị giam ở Iran được thả.

    Tuy nhiên, các lãnh đạo EU và những quan chức Anh muốn bà có tiếng nói mềm mỏng hơn trong quan hệ giữa Anh với khối lại cảm thấy thất vọng.

    Bà Truss đôi khi cho rằng việc thường xuyên so sánh với bà Thatcher là phân biệt giới tính, nhưng đôi khi bà khiến mọi người liên tưởng như vậy. Bà chụp ảnh trên một chiếc xe tăng của quân đội Anh ở Đông Âu, gợi nhớ hình ảnh của bà Thatcher trong Chiến tranh Lạnh. Trong cuộc tranh luận trên truyền hình, bà mặc chiếc áo thắt nơ giống như bà Thatcher thường mặc.

    Với việc nhấn mạnh xuất thân khiêm tốn, bà Truss gợi so sánh đến xuất thân của bà Thatcher - con gái của người bán hàng tạp hoá.

    Về cuộc sống riêng của bà Truss, bạn bè kể rằng bà thích hát karaoke, thích nghe các bài hát của Taylor Swift, Whitney Houston và Destiny’s Child.

    Tiền Phong (theo AP)