• Một người đến Bảo tàng Anh đã mở chiếc hộp đựng bình lưu niệm và tráo đổi bằng một bình nước đã qua sử dụng. Du khách này được cho là đến từ Trung Quốc, theo SCMP.

    trao binh nuoc
    Bình nước cũ bị đánh tráo được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc bởi có in các ký tự tiếng Trung giản thể. Ảnh: Weibo.

    Đoạn video về vụ việc nêu trên được lan truyền trên mạng xã hội vào giữa tháng 3. Theo đó, một du khách người Trung Quốc bày tỏ bức xúc khi phát hiện bên trong vỏ hộp đựng bình lưu niệm mới lại là một chiếc bình đã qua sử dụng. Sản phẩm này được bày bán trong cửa hàng của Bảo tàng Anh (London, Vương quốc Anh).

    Một số cư dân mạng cho rằng người tráo bình đến từ Trung Quốc bởi chiếc bình cũ có in cả chữ tiếng Anh và tiếng Trung giản thể, theo SCMP. Các ký tự tiếng Trung này cho thấy chai nước là sản phẩm thuộc Ngân hàng Jinzhou ở tỉnh Liêu Ninh, phía Đông Bắc Trung Quốc và có thể được tặng miễn phí cho khách hàng như một công cụ tiếp thị.

    Vụ việc nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và gây ra làn sóng chỉ trích từ cư dân mạng Trung Quốc vì bôi nhọ danh tiếng người khách du lịch của nước này.

    Người dùng mạng Xiaohongshu bình luận: "Nhiều người chỉ đến thăm Bảo tàng Anh một lần trong đời. Hãy tưởng tượng bạn mua trúng món quà lưu niệm đó và mở hộp ra chỉ để phát hiện chiếc bình bẩn đã qua sử dụng. Bạn sẽ nghĩ gì? Hơn nữa, chiếc bình không hề đắt tiền. Đừng làm điều này một lần nữa. Đó thực sự là hành vi không thể chấp nhận!".

    Trong hai thập kỷ qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường xuyên đưa ra thông báo nhắc nhở công dân chú ý đến cách ứng xử.

    Tháng 9/2023, chính phủ Trung Quốc gửi đi thông báo: "Khi ở Rome, vui lòng ứng xử như cách của người bản địa. Hãy hành động phù hợp, hòa đồng với người dân địa phương và thể hiện hình ảnh tốt đẹp của khách du lịch Trung Quốc".

    Thông điệp nêu trên được đưa ra trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh của Trung Quốc diễn ra vào tháng 10, giai đoạn cao điểm du lịch quốc tế.

    Theo website chính thức của Bảo tàng Anh, chiếc bình lưu niệm trong sự việc kể trên được bán với giá khoảng 15 USD.

    Theo ZNews

  • hanh vi bi ghet khi di tau 1

    4 triệu người đi lại bằng tàu điện ngầm mỗi ngày ở London, một số người có thể khá thô lỗ hoặc thiếu ý thức, chẳng hạn như để túi xách lên ghế trên một chuyến tàu đông đúc, ho mà không che miệng. 

    Tờ MyLondon đã nhờ độc giả bình chọn những hành vi mà họ thấy phản cảm nhất khi đi tàu. Có hơn 2,310 người đã tham gia bầu chọn. Đứng ở vị trí quán quân - hành vi khiến nhiều người ghét nhất khi đi tàu chính là: "xem video hoặc nghe nhạc mà không đeo tai nghe". 

    Có 746 người đã bầu chọn cho câu trả lời này, chứng tỏ đây là hành vi khiến người ta chán ghét nhấn, chiếm hơn 30% tổng số lượt bầu chọn.

    hanh vi bi ghet khi di tau 1
    Kết quả bầu chọn Những Thói quen đi Tàu đáng ghét nhất do MyLondon tổ chức.

    Xếp ở vị trí thứ 2 là hành vi: "ho mà không che miệng", với 479 người bình chọn. Sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 và những làn sóng bệnh hô hấp liên tiếp xảy ra cho thấy thói quen này không những vô ý thức mà còn vô cùng nguy hiểm. 

    Xếp ở vị trí thứ 7 là hành vi: "la hét trong khoang tàu" với chỉ 73 người bình chọn. Đây là hành vi kém duyên, bất lịch sự, xâm phạm không gian yên tĩnh của người khác. 

    Ngoài ra, có 216 người (hơn 10%) tỏ ra không thích việc "người khác ngồi kế bạn khi xung quanh còn nhiều chỗ trống". Điều đó cho thấy đa phần hành khách muốn được yên tĩnh khi đi tàu và không muốn tiếp xúc, bắt chuyện với người lạ.

    Dưới đây là kết quả bầu chọn tạm thời Những thói quen đi Tàu đáng ghét nhất:

    1. Xem video hoặc nghe nhạc mà không đeo tai nghe - 746 bình chọn

    2. Ho mà không che miệng - 479 bình chọn

    3. Đặt túi xách lên ghế trên chuyến tàu đông đúc - 325 bình chọn

    4. Ngồi kế bên người khác khi xung quanh còn nhiều chỗ trống - 216 bình chọn

    5. Đứng bên trái thang cuốn - 170 bình chọn

    6. Ăn trên tàu - 137 bình chọn

    7. La hét trên tàu - 73 bình chọn

    8. Ý kiến khác

    Viethome (theo MyLondon)

  • Rác thải ngày một nhiều, chi phí tăng và lợi nhuận giảm khiến các công ty bán hàng trực tuyến ở Anh đang vắt óc tìm biện pháp ngăn chặn tình trạng người mua trả hàng ồ ạt.

    Ngày 10-11, báo Guardian cho biết vào thời điểm nước Anh chuẩn bị bước vào mùa mua sắm cuối năm, các nhà bán lẻ trong nước đang khá lo lắng vì thời gian qua họ chứng kiến một xu hướng không mong muốn: khách mua hàng online đã trả lại hàng triệu món đồ.

    mua hang asos
    Asos, nhà bán lẻ thời trang trực tuyến của Anh, là một trong nhiều công ty lo lắng vì “cơn nghiện trả hàng” của khách ở Anh - Ảnh: Reuters

    Vì sao mua rồi lại trả?

    Theo các số liệu về tình trạng trả hàng ồ ạt ở Anh được Guardian dẫn lại, có tới một nửa số quần áo mua online đã bị gửi trả. Năm ngoái, số hàng bị trả lại tăng 26% so với năm 2021, và ngày trả lại nhiều nhất là 28-11-2022, tức vài ngày sau siêu hội giảm giá "Thứ sáu đen tối".

    Các chuyên gia tại Công ty phân tích dữ liệu GlobalData chỉ ra: người mua hàng ở Anh đã trả lại số quần áo mua online trị giá tới 4,1 tỉ bảng Anh (5 tỉ USD) trong năm ngoái. Họ ước tính con số này sẽ tăng 16,7% trước năm 2027.

    Có những trường hợp khách đặt nhiều món cùng lúc để lựa chọn, nên khi nhận hàng, họ sẽ chỉ giữ lại món ưng ý rồi gửi trả số còn lại. Tỉ lệ những người này năm nay đã tăng lên 46%, cao hơn mức 33% của năm 2021, theo Công ty chuyên xử lý trả hàng ZigZag.

    Đối với các công ty áp dụng chính sách trả hàng miễn phí, việc khách cứ đặt mua rồi trả ồ ạt như vậy sẽ khiến lợi nhuận của họ bị giảm, trong lúc chi phí vận chuyển và giá lao động đang tăng. Ngoài ra, người ta cũng ngày càng lo ngại hơn về hệ lụy với môi trường của rác thải từ những kiện hàng bị trả lại do chúng cần được tái xử lý và bán lại.

    Có một sự thật thú vị là trong thời kỳ phong tỏa vì đại dịch COVID-19, tỉ lệ trả hàng ở Anh giảm khi nhiều người chọn mua loại quần áo co giãn, thoải mái, không cần vừa vặn cơ thể. Nhưng sau đó khi các văn phòng mở lại và có nhiều hoạt động xã hội trực tiếp, tỉ lệ trả hàng trực tuyến cao hơn khi người ta quan tâm hơn tới mẫu mã và kích thước quần áo.

    Những người thường mua sắm online trong đại dịch giờ đây đã quen với việc mua nhiều sản phẩm có kích cỡ khác nhau để thử tại nhà trước khi quyết định chọn cái nào và trả cái nào.

    Thay đổi chính sách

    Chi phí xử lý hàng trả lại ở Anh đã tăng lên khi tiền trả cho nhân viên giao hàng và kho bãi cũng như giá năng lượng và xăng dầu tăng. Ngoài ra, các công ty bán lẻ còn phải xử lý sạch sẽ các món hàng thay vì đưa chúng đến bãi rác hoặc đốt bỏ.

    Trước thực trạng khách "nghiện trả hàng", giới bán lẻ ở Anh đang tìm cách ngăn chặn việc này. Hãng thời trang trực tuyến Asos đầu tháng này nhấn mạnh cuộc chiến chống ồ ạt trả hàng là một phần quan trọng trong nỗ lực cắt giảm chi phí của họ trong năm tới.

    Asos và Next nằm trong số các nhà bán lẻ đang thực hiện chính sách gửi cảnh báo tới "những khách hàng có vấn đề" rằng tài khoản mua hàng của họ đang bị giám sát. Những người này là trường hợp đã trả lại tới hơn 9/10 số hàng đặt mua trong một thời gian dài. Những ai bị phát hiện tiếp tục "lạm dụng" hệ thống mua hàng có thể bị Asos vô hiệu hóa tài khoản, dù số này chiếm tỉ lệ rất nhỏ.

    Hồi tháng 9, H&M trở thành nhà bán lẻ mới nhất trong danh sách các công ty tính phí trả hàng trực tuyến, sau động thái tương tự của các đối thủ như Zara, New Look, Boohoo, Uniqlo và Next. Họ buộc phải thay đổi chính sách sau khi nhiều người trả hàng, chi phí vận chuyển và xử lý các đơn hàng trả lại gia tăng.

    Hiện Asos vẫn áp dụng chính sách trả hàng miễn phí, coi đây là công cụ tiếp thị ở Anh. Nhưng họ cũng đang thử nghiệm việc tính phí trả hàng ở những nơi khác như Mỹ và một số nước châu Âu là Ba Lan, Bỉ hoặc Bồ Đào Nha, nếu khách trả hàng sau 14 ngày. Ở một số nước như Úc, việc trả lại hàng đều bị tính phí, trừ khi hàng bị lỗi hoặc giao sai.

    Không nên lạm dụng

    The Information, trang kinh doanh tập trung vào ngành công nghệ của Mỹ, gọi thói quen đặt rồi trả hàng liên tục của một số người là "nghiện trả hàng". Trong bài viết hồi tháng 6 năm nay, trang này có bài: "Amazon đang chế ngự cơn nghiện trả hàng của khách như thế nào?".

    Theo The Information, Công ty Amazon của Mỹ đã coi việc trả hàng miễn phí là tiêu chuẩn cho mua sắm trực tuyến, và trong đại dịch COVID-19 tỉ lệ khách trả hàng của họ đã tăng vọt, gây thiệt hại cho công ty. Giờ đây Amazon cũng đang tìm cách ngăn chặn tình trạng này.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Theo báo cáo, nhiều lỗ hổng pháp lý đã bị lợi dụng nhằm che giấu quyền sở hữu 2/3 bất động sản do các công ty vỏ bọc nước ngoài nắm giữ ở Anh và Xứ Wales.

    ke bien tai san
    Một khu dân cư tại thủ đô London, Anh - Ảnh: AFP

    Phân tích từ báo cáo của các nhà nghiên cứu từ Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London (LSE), Đại học Warwick và Trung tâm Dữ liệu công cộng chỉ ra những sai sót đáng kể trong luật ngăn chặn các tài phiệt che giấu tài sản/bất động sản.

    Tháng 8-2022, ngay sau khi cuộc chiến tại Ukraine được phát động, Chính phủ Anh công bố danh sách đăng ký các tổ chức nước ngoài, cho thấy nỗ lực “loại bỏ việc rửa tiền thông qua tài sản tại Vương quốc Anh của giới tinh hoa tham nhũng”.

    Theo báo cáo, các lỗ hổng pháp lý được lợi dụng nhằm che giấu danh tính chủ sở hữu của hơn 87% tài sản nắm giữ bởi các công ty “vỏ bọc” nước ngoài. Trong đó, có 6-9% tài sản được sở hữu bởi các công ty cố tình phớt lờ việc đăng ký danh tính, số tài sản còn lại thuộc diện “hồ sơ cũ hoặc ghi chép kém”.

    Nhiều cơ quan giám sát tham nhũng và nghị sĩ cũng đã lên tiếng cảnh báo việc hơn 152.000 tài sản nắm giữ bởi các công ty nước ngoài thiếu thông tin chủ sở hữu sẽ biến nước Anh, nhất là thủ đô London, thành thiên đường cho dòng tiền thu được từ việc phạm tội và tham nhũng.

    Báo cáo cũng chỉ ra rằng các quỹ tín thác nắm giữ 63% tài sản loại này đều che giấu danh tính chủ sở hữu. 

    “Không có ích gì khi xây một con đập giữa sông. Những lỗ hổng này đang đe dọa tính hiệu quả của toàn bộ hệ thống đăng ký (tài sản), chính phủ nên ‘đóng’ chúng lại ngay khi có cơ hội”, phó giáo sư Andy Summers của LSE cho biết.

    Báo Guardian dẫn một lá thư được Chính phủ Anh gửi cho Lord Agnew - một bộ trưởng đã từ chức vào tháng 1-2022 vì thất vọng khi chính phủ thiếu hành động nhằm ngăn chặn gian lận - cho rằng việc xử lý các lỗ hổng trong vấn đề quỹ tín thác sẽ khởi đầu một thách thức pháp lý khi ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người ủy thác.

    “Chúng tôi vẫn không thể biết liệu những cá nhân bị trừng phạt, những kẻ rửa tiền hoặc những cá nhân tham nhũng khác có thể được hưởng lợi từ những tài sản/bất động sản này hay không”, Guardian trích phân tích từ báo cáo.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Cặp đôi lừa đảo khiến chủ nhà hàng nghi ngờ nhân viên. Chỉ khi xem camera, người chủ mới ngã ngửa phát hiện toàn bộ chiêu trò tinh vi.

    Tom Croft, 32 tuổi là chủ nhà hàng ở Blackburn (Anh). Anh vô cùng tức giận khi nghe khách hàng tố trong đĩa thức ăn có tóc người. Anh lập tức hoàn tiền bữa ăn cho 2 vị khách, trị giá khoảng 16 USD (hơn 385.000 VNĐ).

    Anh nghi ngờ nhân viên làm việc không cẩn thận dẫn đến sự việc. Tuy nhiên, khi kiểm tra hình ảnh từ camera giám sát, anh bị sốc vì hành động lừa dối tinh vi của khách hàng, theo Metro.

    Sau khi thì thầm điều gì đó với người đàn ông ngồi bên cạnh, người phụ nữ lấy sợi tóc của mình rồi bỏ lên đĩa ăn. Sau đó, họ gọi nhân viên nhà hàng tới và phàn nàn về sự việc. Người phụ nữ tố nhân viên nhà hàng đã làm rơi sợi tóc vào món ăn và đòi hoàn tiền hóa đơn.

    but toc 1

    but toc 1
    Khách hàng bứt tóc của mình cho vào dĩa đồ ăn.

    "Chúng tôi xem lại camera để tìm hiểu xem nhân viên nào gây ra lỗi. Tôi cho rằng có thể nhân viên không buộc tóc khi phục vụ bữa ăn hoặc bất cứ điều gì khác. Tuy nhiên, tôi thực sự bị sốc và tức giận khi thấy đoạn video ấy. Có người chỉ vì bữa ăn trị giá khoảng 16 USD mà đổ lỗi cho nhân viên của chúng tôi", Tom cho biết.

    Nhà hàng của Tom đã hoạt động hơn 5 năm. Anh chưa bao giờ gặp thực khách như vậy trong suốt những năm mở nhà hàng.

    "Nếu không có hình ảnh từ camera, chắc chắn danh tiếng của nhà hàng bị ảnh hưởng. Chúng tôi được xếp hạng an toàn vệ sinh thực phẩm 5 sao, luôn tuân thủ tất cả hướng dẫn về an toàn thực phẩm. Tôi chưa bao giờ gặp phải trường hợp như vậy", Tom chia sẻ.

    Anh chia sẻ câu chuyện của mình với hy vọng cảnh báo những nhà hàng khác để họ nâng cao cảnh giác.

    Theo Vietnamnet

  • Gia đình 5 thành viên đang gây xôn xao dư luận Malaysia khi vụ việc họ đi ăn lẩu buffet và gọi tới 600 đĩa thịt bị phanh phui. Trong đó, phần lớn số thịt bị nhóm khách lén mang về nhà.

    Một gia đình 5 người ở Sarawak, Malaysia, bị cáo buộc gọi 600 đĩa thịt khi tới nhà hàng lẩu buffet dùng bữa. Đáng nói ở chỗ, nhóm khách chỉ sử dụng một phần nhỏ lượng thức ăn tại chỗ, còn phần lớn số thịt bị lén đóng gói mang về nhà.

    Sau khi kiểm tra các đơn hàng trong ngày, chủ nhà hàng bất ngờ vì lượng thức ăn quá nhiều. Người này phải kiểm tra camera giám sát xem điều gì đã xảy ra.

    Tối cùng ngày, chủ nhà hàng đã chia sẻ vụ việc "chưa từng xảy ra trước đó" và nhận định đây là "hành vi vô đạo đức của người tiêu dùng".

    di an lau
    Ăn lẩu dạng buffet đang là hình thức được nhiều thực khách yêu thích (Ảnh minh họa: L.A Taco).

    "Tôi không biết phải nói về vụ này thế nào. Gia đình 5 người trong đó có 2 con nhỏ, gọi 600 đĩa thịt và ăn trộm khi ở cùng các con. Những gì họ làm rõ ràng được tính toán trước", chủ nhà hàng lẩu buffet phân tích.

    Cũng theo vị này, thời điểm nhóm khách gọi đồ, nhà hàng trong tình trạng đông khách nên nhân viên phục vụ không thể quan sát kỹ càng. Theo hóa đơn, nhóm khách gọi 250 đĩa thịt lợn và 350 đĩa thịt cừu. Các nhân viên mang lên 5 đĩa/lượt cho gia đình này. Do ăn theo suất buffet với mức giá cố định, nên tổng thanh toán là 163 Ringgit Malaysia (hơn 800.000 đồng).

    Chủ nhà hàng cho biết, trong suốt 8 năm kinh doanh, anh chưa từng gặp phải trường hợp nào như vậy. Vụ việc xảy ra vào giai đoạn kinh doanh khó khăn khiến anh càng phẫn nộ.

    "Lẩu buffet chỉ có thể ăn tại chỗ. Đừng lén đóng gói đồ ăn rồi mang ra ngoài", người chủ nói.

    Sau khi vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận nước này, chủ nhà hàng cho biết, anh được một người tự xưng là thành viên trong gia đình muốn liên hệ để bồi thường tổn thất. Tuy nhiên người chủ nói rằng "đây không phải là câu chuyện về tiền bạc".

    "Tôi không biết họ sẽ giáo dục con cái thế nào trong một gia đình như vậy. Tôi đang cân nhắc có nên báo vụ việc tới cảnh sát hay không", chủ nhà hàng lẩu cho biết.

    Theo Dân Trí

  • Antalya 3

    Nhóm du khách bị phát hiện đã lấy trộm 35kg thực phẩm gồm trái cây sấy khô, đồ ăn nhẹ, đồ uống có ga cùng nhiều món lặt vặt khác từ nhà hàng buffet ở thành phố Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.

    Vụ việc đang gây xôn xao dư luận, diễn ra tại một khách sạn ở thành phố Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Được biết, nhân viên khách sạn bất ngờ phát hiện thấy nhóm du khách ngoại quốc "lẳng lặng" mang đồ ăn từ nhà hàng buffet của khách sạn về phòng suốt một thời gian khá dài.

    Sau khi kiểm tra phòng của khách, các nhân viên rất sốc khi tính tổng số lượng thực phẩm bị lấy trộm lên tới 35kg. Trong đó chủ yếu là trái cây khô, đồ ăn nhẹ, đồ uống có ga, trái cây tươi, một số gói đường, nhiều túi trà và các sản phẩm khác.

    Khi chuẩn bị "vận chuyển" số thực phẩm ra ngoài, cả nhóm đã bị phát hiện. Đoạn video đăng tải trên mạng xã hội ghi cảnh các nhân viên "tịch thu" sản phẩm bị lấy trộm. Họ phát hiện rất nhiều món đồ được cất giấu trong hành lý của khách, tủ lạnh tại khách sạn.

    Antalya 2
    Nhóm khách nước ngoài trộm 35kg thực phẩm từ nhà hàng buffet để ăn dần).

    Trong đoạn video, vị khách nữ đã phân trần với nhân viên rằng, họ định trả lại số đồ ăn này, nhưng sau đó lại định mang chúng đi làm đồ ăn nhẹ dọc đường.

    Hiện vụ việc đang được cảnh sát phối hợp với khách sạn điều tra làm rõ. Danh tính của nhóm khách chưa được chính quyền địa phương tiết lộ.

    Được biết, theo quy định của phần lớn các nhà hàng buffet trên thế giới, thực khách tuy được ăn không giới hạn nhưng chỉ được dùng bữa tại chỗ và tuyệt đối không mang đồ ra ngoài. Nếu vi phạm hoặc cố ý lãng phí đồ ăn, khách có thể bị phạt. 

    Antalya 2
    Từ lâu, Antalya đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách nước ngoài khi tới Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: News).

    Vụ việc xảy ra tại khách sạn ở thành phố Antalya. Nơi này vốn là một trong những thành phố du lịch hút khách nước ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ.

    Antalya nằm bình lặng bên bờ biển Địa Trung Hải thơ mộng, đồng thời từng là một cột mốc quan trọng trên "con đường tơ lụa" huyền thoại. Đây cũng là thành phố biển rất quan trọng với kinh tế, du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng và vùng Tiểu Á nói chung.

    Do có những hoạt động giao thương sầm uất suốt hàng nghìn thế kỷ, nên văn hóa của thành phố cổ được pha trộn nhiều vùng miền, tạo thành vùng đất đa màu sắc.

    Nơi đây ngập tràn những di tích cổ xưa với tuổi đời hàng trăm, thậm chí cả nghìn năm tuổi như đền thờ La Mã, lăng mộ cổ, nhà hát Termessos hay lâu đài Pamukkale...

    Theo Dân Trí

  • Nhóm du khách nữ vui vẻ, hào hứng tự tay cấy lúa cùng bà con nông dân, song đoạn clip đã gây tranh cãi nặng nề.

    Một đoạn clip ghi lại cảnh nhóm các cô gái mặc bikini lội xuống ruộng trong lúc bà con nông dân ở Bali, Indonesia đang cấy lúa đã "gây bão" trên mạng xã hội. Người đăng tải đoạn clip viết: "Mặc bikini trên ruộng lúa là chuyện bình thường hiện nay".

    Theo đoạn clip, trong lúc chị em phụ nữ là nông dân ở Bali đang bì bõm dưới bùn để cấy lúa, nhóm du khách nữ cũng lội xuống ruộng để trải nghiệm. Họ cầm từng bó mạ rồi cấy xuống ruộng. Có lẽ, đây là lần đầu tiên các cô gái làm công việc này, nhưng ai cũng vui vẻ và phấn khích.

    nhom du khach mac bikini
    Hình ảnh các nữ du khách mặc bikini lội ruộng gây tranh cãi (Ảnh cắt từ clip).

    Khi xem đoạn clip có thể thấy tiếng cười đùa, trò chuyện thoải mái giữa nhóm nông dân và các nữ du khách. Nhận thấy sự hào hứng của các du khách, chị em nông dân không ngần ngại trao từng bó mạ non để các cô gái thử sức với công việc khá vất vả trên đồng ruộng.

    Sự việc thú vị đã nhận được nhiều chú ý của những người dân xung quanh. Hiếm khi họ chứng kiến các du khách thích thú với công việc chân lấm tay bùn.

    Tuy vậy, sau khi đoạn clip được đăng tải đã làm dấy lên nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, việc mặc bikini lội xuống ruộng là sự thiếu tôn trọng với văn hóa bản địa.

    "Người Bali rất lịch sự và thân thiện. Việc mặc bikini ở ngoài đường như vậy liệu có được chấp nhận không, đó là vấn đề tôn trọng văn hóa địa phương", một cư dân mạng nói.

    "Những cô gái mặc bikini không tôn trọng người dân Bali", một người khác bày tỏ.

    "Mặc bikini ở biển thôi, vui lòng đừng mặc bikini tại ruộng lúa. Chúng tôi coi trọng ruộng lúa của gia đình và còn làm đền thờ nhỏ ở đó. Đây không phải là chuyện đùa", một cư dân mạng sống ở Bali bày tỏ.

    Với người Bali, ruộng lúa và đền, núi là địa điểm được coi trọng (Ảnh: Sky).

    Một cư dân mạng khác gay gắt: "Nếu họ muốn giúp đỡ nông dân nên mặc quần áo lịch sự, không phải nơi nào ở đảo này cũng được mặc bikini".

    Bên cạnh đó, có những người nhìn nhận sự việc theo góc độ đơn giản và không quá phức tạp.

    "Không có vấn đề gì cả, trông họ vui vẻ mà", một cư dân mạng nêu ý kiến.

    Một người khác cho rằng: "Dù gì đi nữa, họ cũng đang giúp đỡ nông dân cơ mà".

    Đến nay, chính quyền Bali chưa lên tiếng về sự việc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cơ quan chức năng của hòn đảo đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt. Nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều du khách ăn mặc hở hang hoặc có hành động trái với thuần phong mỹ tục.

    Hồi tháng 6, thống đốc tỉnh Bali Wayan Koster đã ban hành 12 điều nên và không nên làm để du khách lưu ý khi du lịch tới đây.

    Trong đó, có quy định mặc quần áo, trang phục phù hợp, ứng xử ở các địa điểm thờ cúng linh thiêng, tôn trọng nghi lễ truyền thống. Bộ quy định này sẽ được in và phát cho hành khách ngay tại sân bay quốc tế Denpasar - nơi đón hàng triệu hành khách đến mỗi năm.

    Ngoài ra, cơ quan chức năng Bali đã ban hành lệnh cấm du khách leo lên 22 ngọn núi và núi lửa ở đảo này do đây là các địa điểm linh thiêng. 

    Sau khi có nhiều du khách coi thường pháp luật, lái xe máy gây ảnh hưởng giao thông, cơ quan chức năng Bali đã cấm việc cho thuê xe máy với khách du lịch. 

    Theo Dân Trí

  • Làn sóng khách Tây xuất hiện trên đường phố để xin tiền du lịch đã xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

    Tháng 3/2023, mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh của nam du khách đứng trên vỉa hè TP Đà Nẵng, cầm biển xin tiền.

    Nội dung tấm biển được thể hiện bằng tiếng Việt, nêu rõ mục đích: "Tôi đang du lịch mà không có tiền, xin vui lòng hỗ trợ chuyến đi của tôi". Hình ảnh trên đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

    Cách đó 2 tháng, nhóm du khách từ Nga cũng đã từng xin người dân địa phương hỗ trợ chuyến du lịch của họ. Ba người đàn ông đã cầm biển đứng trước chợ Dương Đông, TP Phú Quốc kêu gọi ủng hộ tiếp tục hành trình, bởi họ "không có tiền".

    Cũng tại Phú Quốc, một cô gái Nga đã từng ngồi thiền "bất động" để xin tiền từ những người xung quanh.

    khach tay sang viet nam xin tien 1
    Cô gái người Nga ngồi thiền xin tiền đi du lịch (Ảnh: Facebook)

    Trào lưu "begpacker" được định nghĩa là du lịch bụi bằng cách ăn xin, xuất hiện phổ biến tại các quốc gia châu Á khoảng 10 năm trở lại. Thông thường, những người này sẽ cầm biển xin tiền, đứng ở các đường phố, vỉa hè khu trung tâm. Họ mong muốn được thực hiện chuyến đi với "tiền quyên góp" từ những người xa lạ.

    Tại Việt Nam, hiện tượng này cũng đã xuất hiện tại các thành phố du lịch như TPHCM, Đà Nẵng, Phú Quốc… Tuy nhiên, nhiều người Việt đã bày tỏ phản ứng gay gắt, cho rằng trào lưu "xấu xí" này cần được xóa bỏ, không nên giúp đỡ, cổ súy cho những khách du lịch lười lao động.

    Anh Dy Khoa, người sáng tạo nội dung trong lĩnh vực du lịch, cho biết ở các quốc gia châu Á mà anh ghé qua, những người khó khăn thường không ăn xin mà họ trở thành người bán hàng. Họ có thể bán vé số, bán gói khăn giấy nhỏ... Hình ảnh này sẽ "dễ chịu" hơn khách ăn xin.

    Bản thân anh cũng không chấp nhận cũng như không đồng tình với những người du lịch nhưng hóa thân thành người ăn xin, ngửa tay xin tiền người bản địa hoặc những du khách khác.

    "Đây là một việc rất phản cảm. Tôi nghĩ chúng ta cần bài trừ hiện tượng này để trả du lịch về đúng ý nghĩa của nó, là góp phần gia tăng kinh tế cho địa phương sở tại. Hình ảnh du khách ăn xin sẽ tác động ít nhiều đến con mắt của các du khách khác.

    Bởi thông qua đó, du khách có quyền đánh giá trình độ quản lý của quốc gia, mức độ an toàn cho người dân và khách du lịch. Thậm chí, nếu bị người ăn xin chèo kéo thì du khách có thể hoảng sợ bởi các hành vi đụng chạm cơ thể khi chưa được phép", anh nói.

    khach tay sang viet nam xin tien 1
    Khách Nga xin tiền tại Phú Quốc (Ảnh: Facebook).

    Dy Khoa cho biết thêm trong những tình huống bí bách như cạn tiền dự phòng, một số backpacker đã trở thành những nghệ sĩ đường phố. Họ biểu diễn ca múa, vẽ tranh, bán ảnh... để có thêm bữa ăn trước khi về nước.

    Anh chia sẻ: "Tôi ủng hộ việc trở thành một người làm việc phi văn phòng cố định, bạn có thể làm ở bất kỳ đâu nhưng vẫn được một công ty trả lương hằng tháng. Như vậy sẽ đảm bảo nguồn thu cũng tạo thêm cho bạn cơ hội khám phá vùng đất mới".

    Huỳnh Kiên, tác giả quyển sách du lịch Nhắm mắt đi liều, từng có 1 năm xuyên Việt bằng hình thức "vừa đi, vừa kiếm tiền". Cô chọn cách viết bài cho các website về sản phẩm du lịch.

    Đồng thời, Huỳnh Kiên cũng xin chỗ ở miễn phí trong các homestay bằng việc phụ quét dọn, nấu ăn, đón khách, làm tour guide… Thậm chí, Kiên còn dùng kỹ năng viết bài, làm video của mình để quảng bá cho homestay mà mình lưu trú.

    Kiên kể, cô có anh bạn người Pháp. Chàng trai này đã đi du lịch 6 tháng ở châu Á bằng cách làm việc rất chăm chỉ. Theo cô, việc xin kinh phí sẽ "dễ chịu" hơn nếu bạn là KOLs và mang lại giá trị cho đối phương.

    Tuy nhiên, nếu bạn là người "vô danh", việc xin tài trợ là một hành động thiếu thực tế.

    "Mình cảm thấy trường hợp này rất phản cảm. Thú thật mỗi khi có người bạn làm như vậy, mình lại thấy hình ảnh của những người xê dịch xấu xí đi rất nhiều", Kiên nói.

    Theo Báo Dân Trí

  • Một nhóm thực khách khoảng 20 tuổi đã tiêu thụ lượng thức ăn khổng lồ tại một nhà hàng buffet. Họ bị phản ứng dữ dội trên mạng xã hội sau khi video quay cảnh tượng này được đăng tải.

    tham an buffet 1
    Nhóm thực khách gồm 6 nam, 1 nữ đã tiêu thụ lượng thức ăn khổng lồ trong nhà hàng buffet.

    Cụ thể, nhóm thực khách gồm 6 nam, 1 nữ đã ăn hết hơn 300 con cua, 80 cốc chè tráng miệng, 50 hộp sầu riêng và vô số tôm, cá hồi trong một bữa ăn. Được biết, họ tới nhà hàng ở khu vực Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc vào lúc 5h chiều ngày 3/5 và 9h30 tối mới ra về.

    Video đăng trên mạng xã hội cho thấy cả nhóm thanh niên đã ăn ngấu nghiến, rác thải là hàng trăm vỏ cua và những chiếc cốc đựng đồ tráng miệng rỗng nằm ngổn ngang trên mặt bàn. 

    Zhang - một thành viên trong nhóm cho biết, họ rất thèm ăn và sở dĩ ăn nhiều như thế là vì đang ở tuổi ăn tuổi lớn. Anh cho rằng đó là chuyện rất bình thường, tờ SCMP đưa tin. 

    “Hải sản mùa này rất đắt đỏ. Nhưng cả nhóm đều muốn ăn hải sản nên đã chọn một nhà hàng buffet hải sản” - Zhang chia sẻ. Mỗi người đã trả 160 nhân dân tệ (540 nghìn đồng) cho bữa ăn.

    “Ngoài cua, chè xoài và sầu riêng tráng miệng, chúng tôi còn ăn nhiều cá hồi, tôm, thịt…” - Zhang kể và khẳng định không hề ăn quá no, mà chỉ dừng lại khi đã hết thèm ăn.

    “Chúng tôi tiêu hoá thức ăn rất nhanh. Đến nửa đêm hôm đó, một thành viên trong nhóm đã kêu đói. Cậu ấy lại muốn ra ngoài ăn thêm nhưng vì đã quá muộn nên lại thôi”.

    tham an buffet 1
    Nhóm thực khách cho rằng ăn như thế là bình thường vì họ là thanh niên.

    Phía nhà hàng cho hay, theo quy định, mỗi khách chỉ có thể ngồi ăn tối đa 2 tiếng. Tuy nhiên, vì nhà hàng quá đông khách tối hôm đó nên đã quên kiểm tra thời gian. 

    Cộng đồng mạng sau khi xem video đã rất ngạc nhiên trước khả năng ăn uống của nhóm thanh niên. “Tôi thực sự lo lắng cho các bạn. Các bạn ăn như vậy có bị đau bụng không?” - một người bình luận.

    “Ông chủ nhà hàng thật xui xẻo khi có những khách hàng như các bạn. Nhân tiện, các bạn ăn nhiều vậy có thấy ổn không?”

    Một người khác lại nhận xét: “Các bạn ăn nhiều như vậy cũng không sao. Nhưng việc các bạn khoe vỏ cua và đống rác khiến mọi người thấy phát ốm. Các bạn tự hào vì mình được lợi ư. Như thế là vô đạo đức đấy”.

    tham an buffet 1
    Suất buffet có giá khoảng 540 nghìn đồng/người.

    Cách đây 2 năm, chính phủ Trung Quốc đã thông qua luật Chống lãng phí thực phẩm nhằm hạn chế tiêu thụ thực phẩm quá mức do nguồn cung vẫn trong tình trạng “vừa vặn” vì nhu cầu cao của người dân. 

    Ở các nhà hàng buffet của Trung Quốc, khách hàng thường cố gắng ăn nhiều nhất có thể với hi vọng giá trị của các món họ ăn được sẽ bằng hoặc cao hơn giá vé vào cửa. Điều này dẫn đến tình trạng khách thường quá nhiều thức ăn, sau đó vứt bỏ gây lãng phí. 

    Tháng trước, 2 phụ nữ ở tỉnh Chiết Giang đã bị chính quyền bắt giữ vì lén lút trộm đồ ăn trị giá 400 tệ (hơn 1,3 triệu đồng) ở một nhà hàng buffet.

    Theo Vietnamnet

  • Vị khách này đi ăn một mình nhưng ngồi đến 5 tiếng, gọi 15 phần sashimi, 8 phần gan ngỗng Pháp, 6 phần thịt bò rồi lén bỏ vào túi chuẩn bị sẵn đem về nhà.

    Đủ loại “lách luật” gây phẫn nộ

    Thời gian gần đây, mạng xã hội Trung Quốc bùng nổ bởi tin tức một người phụ nữ họ Hứa ở tỉnh Quý Châu đi ăn buffet suất 218 NDT/suất (hơn 700.000 đồng), 5 bữa/tháng nhưng đã lén mang lượng lớn thức ăn ở nhà hàng về.

    Nhà hàng người phụ nữ này tới là một nhà hàng Nhật Bản có quy định rõ ràng với khách ăn buffet không được đóng gói mang về, lãng phí hơn 1 lạng sẽ bị tính phí. Nhà hàng cho biết cô Hứa mỗi lần đi ăn đều đi 1 mình nhưng ngồi đến 5 tiếng, gọi rất nhiều món. Các nhân viên đã phát hiện người phụ nữ này mang theo rất nhiều túi nhỏ để bỏ thức ăn vào đó.

    “Cô gái này thích gọi nhiều món đắt tiền như sò lông, cá hồi Bắc Cực, gan ngỗng Pháp,... có lần còn gọi đến 15 phần sashimi tôm, 8 phần gan ngỗng Pháp, 6 phần thịt bò”, chủ nhà hàng cho biết.

    goi buffet mang ve 1

    goi buffet mang ve 1
    Hình ảnh người phụ nữ họ Hứa do camera nhà hàng ghi lại. Ảnh: Toutiao

    Sau khi phát hiện sự việc, nhân viên đã nhắc nhở cô Hứa nhưng người phụ nữ này chỉ vội vàng rời đi. Tổng số phần ăn cô Hứa gói mang về lên tới 45.653 NDT (hơn 150 triệu đồng), người phụ nữ này chỉ đồng ý bồi thường 5 suất ăn buffet tương đương hơn 1.000 NDT (hơn 3 triệu đồng). Kết quả là chủ nhà hàng đã đệ đơn kiện người phụ nữ họ Hứa ra tòa.

    Mặc dù suất ăn buffet cho phép khách hàng ăn không giới hạn nhưng quy định “cấm mang về” rất rõ ràng, người biết rõ nhưng cố tình lách luật không chỉ một lần có thể phải nhận cái kết đắng.

    Đây không phải lần đầu tiên mạng xã hội đất nước tỷ dân dậy sóng chỉ vì những chiêu “lách luật”, bỏ tiền ít nhưng muốn hưởng nhiều của các vị khách như cô Hứa. Trước đó, năm 2021, một bà mẹ ở thành phố Hạ Môn đưa 2 con đi ăn lẩu nhưng không gọi lẩu mà chỉ gọi nửa phần mỳ, một bát cơm và một quả trứng.

    Người phục vụ thấy có trẻ con nên còn tặng thêm 2 quả trứng hấp, hoa quả và đồ chơi. Những đứa trẻ còn được chơi trong khu vui chơi nhà hàng, còn bà mẹ đi làm móng miễn phí và chỉ phải bỏ ra 27 NDT (~91.000 đồng). Tuy vậy người phụ nữ vẫn phàn nàn thái độ người phục vụ không tốt, liền bị cư dân mạng chỉ trích vì hành động của mình.

    Một cặp vợ chồng ở tỉnh Giang Tô bị cảnh sát bắt vì liên tục trốn vé tàu cao tốc. Họ thường theo sát người phía trước khi cổng chưa đóng. Cặp đôi bị cảnh sát tạm giữ hành chính và hạn chế đi tàu trong 180 ngày chỉ vì 570 NDT (gần 2 triệu đồng) lách luật.

    Tham lợi nhuận nhỏ, hậu quả lớn gấp trăm lần

    Ai trong chúng ta cũng sẽ ít nhiều gặp phải những tình huống thế này: Trong công việc có người luôn thích chọn phần dễ để phần khó cho người khác. Khi bạn bè đi ăn có người cố tình quên mang tiền nhiều lần, trốn thanh toán hóa đơn chung hay một số người quen không bao giờ chủ động trả lại tiền vay… Có thể người đó nghĩ rằng mình đang tận dụng mọi thứ, nhưng đằng sau mọi tính toán lại là một lần để hình ảnh bản thân xấu đi trong mắt mọi người xung quanh.

    Họ về cơ bản muốn lợi ích thông qua đường tắt mà không muốn đánh đổi quá nhiều, chăm chăm chú ý đến khoản lợi trước mắt. Nhưng trên thực tế, một khoản lợi nhuận nhỏ sẽ không làm cho một người trở nên giàu có, nhưng sự mất lòng tin và sự tôn trọng đối với nó có thể phá hủy tương lai của một người.

    Một kỹ sư tại Trung Quốc từng bị CSGT bắt trên đường cao tốc đầu năm 2022 vì trốn thu phí tại trạm thu phí ETC. Người này phát hiện ra chỉ cần bám sát phía sau phương tiện phía trước thì sẽ không bị tính phí nên tìm cách giảm tốc độ, tắt đèn rồi lao theo xe trước mỗi khi qua trạm. Trong cả năm, anh ta đã trốn trả phí cầu đường 191 lần, với tổng số tiền là 5.463 NDT.

    Trên thực tế, người này có một công việc lương cao ở Thượng Hải, và số tiền đó chỉ bằng nửa tháng lương của anh. Kỹ sư này bị kết án 8 tháng tù giam và nộp phạt 6.000 NDT. Công ty cũng chấm dứt hợp đồng lao động của anh này với lý do vi phạm đạo đức cơ bản của người lao động. Chỉ vì một số tiền nhỏ, anh ta đã tự chuốc lấy án tù và hủy hoại tương lai của mình.

    Một người phụ nữ khác ở Thượng Hải cũng bị bắt giữ sau khi cảnh sát phát hiện cô gian lận khi quét sản phẩm ở quầy tự thanh toán, mang về 75 món đồ trị giá 1.000 NDT. Bản thân người người phụ nữ này là quản lý hành chính của một hãng ô tô, thu nhập không hề thấp, gia đình hạnh phúc nhưng cô đã vì số tiền trên mà làm xấu đi danh tiếng chính mình.

    Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Trương Hằng cho rằng một người khó có thể kiểm soát bản thân trước những sai lầm lớn khi anh ta tính toán về những khoản tiền nhỏ. Người càng nhìn xa trông rộng sẽ không vì chút danh lợi hiện tại mà lãng phí cơ hội tương lai sau này.

    Giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nhà văn Viên Đan từng nói 99% người trên thế giới đều tham lam vì những khoản tiền nhỏ và chịu tổn thất lớn, trong khi những người chiến thắng thường đến từ 1% còn lại.

    Không có gì miễn phí trên thế giới, tất cả món quà đều được hoàn trả bằng cách này hay cách khác. Cuộc đời còn rất dài, không lợi dụng người khác, không tham lam lợi nhuận nhỏ chính là một loại tu luyện vì tương lai bản thân để tránh rơi vào những tính toán nhỏ mọn và so sánh vô nghĩa.

    Theo Thế giới Văn hóa

  • Tuy nhiên, hành động "đấu tranh vì loài gà" của cô gái người Anh lại đang vấp phải sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng mạng trên Twitter.

    Dailymail đưa tin, một cô gái người Anh đã khiến cả mạng xã hội phải ngỡ ngàng vì cắn tay người bán gà để thả tự do cho những chú gà đang bị nhốt trong lồng. Cô gái trẻ không rõ danh tính này vừa cắn tay vừa xô đẩy người bán gà và cố gắng mở lồng trong sự can ngăn từ những người xung quanh. 

    Sau vụ ẩu đả không đáng có, vị khách này đã được giao cho cảnh sát Morocco. Tuy nhiên, thay vì bắt giữ, cảnh sát đã lập tức chuyển cô này đến bệnh viện thay vì tới đồn cảnh sát.

    Đoạn clip ghi lại cảnh cô gái cắn tay người bán gà ở Morocco. (Nguồn: Dailymail) Hình ảnh nữ du khách đòi giải phóng gà trong đoạn clip.

    Hình ảnh nữ du khách đòi giải phóng gà trong đoạn clip.

    Không chỉ cắn, xô đẩy người bán hàng, cô gái này còn sử dụng không ít những lời lẽ khiếm nhã với người bán hàng và thậm chí, cô này còn tỏ ý khinh thường người dân Morocco và gọi họ là "những đứa vô học" trong khu chợ ở Tangier.

    Cô này còn sử dụng không ít lời lẽ khiếm nhã với người dân địa phương.

    Đã có rất nhiều cư dân mạng ở Morocco lên án và chỉ trích hành vi của nữ du khách người Anh và cáo buộc cô về tội áp đặt văn hóa của đất nước này lên đất nước khác. Đoạn clip gần 2 phút này đã thu hút hơn 425.000 lượt xem trên các trang mạng xã hội. 

    Người phụ nữ này cũng đã có thái độ thô lỗ với người quay phim và giơ ngón tay thối trước máy ảnh. Tình hình ngày càng trở nên căng thẳng khi cô này cố gắng mở những chiếc thùng đang khóa để giải thoát cho lũ gà. Khi người bán hàng tìm cách ngăn lại, nữ du khách liền cắn tay anh và đòi đuổi anh này ra chỗ khác.

    Trong trạng thái kích động, cô gái liên tục gào thét "các người không được đối xử với động vật như vậy". Bị cô gái này cắn tay và chửi rủa nhưng người bán hàng đã quyết định không đưa sự việc ra tòa.

    Cô gái đáp trả tất cả những ai ngăn cản mình.

    Trên trang Twitter, cô gái này đã bị người Morocco chỉ trích nặng nề vì hành vi thiếu tôn trọng đối với văn hóa của nước họ.

    -"Đó là văn hóa của nước cô. Không thích thì đừng có đặt chân đến đây."

    - "Ngay cả khi họ để cô giải thoát những con gà, cô biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Cho lũ gà chạy loanh quanh trong thành phố?"

    -"Thay mặt người dân Anh, tôi vô cùng xin lỗi về hành động đáng trách này."

    Viethome (theo Helino)

  • Một bà mẹ trẻ người Anh phải cho con ngồi trên sàn tàu bẩn để “ti sữa”, dù xung quanh khoảng 50 hành khách có chỗ ngồi, nhưng không ai chịu nhường.

    Sophie Molineux, 22 tuổi, cùng chồng, anh Rob Moore, 25 tuổi, và cậu con trai nhỏ Chester đi trên chuyến tàu từ Shropshire đến Ludlow Castle, Anh, hôm 20/8 vừa qua.

    Đó là một chuyến tàu đã chật cứng khách và cả hai vợ chồng chị Sophie đều không có ghế ngồi. Họ phải thay phiên nhau bế con suốt hành trình kéo dài 30 phút.


    Bà mẹ trẻ phải ngồi trên sàn tàu bẩn để cho con bú vì không được ai nhường chỗ ngồi.

    “Chúng tôi lên tàu khi các ghế đều chật cứng, kể cả hàng ghế ưu tiên. Chúng tôi di chuyển tới chỗ đứng ở lối đi, cả 50 hành khách trong khoang đều nhìn thấy, nhưng không ai có ý định nhường chỗ”, bà mẹ 22 tuổi cho biết.

    Khi cậu con trai nhỏ đòi bú, chị Sophie buộc phải ngồi xuống sàn tàu bẩn để cho con “ti sữa”. “Ở tuổi của Chester, thằng bé đòi bú bất cứ lúc nào. Tôi biết sàn tàu bẩn không thích hợp để cho con ti sữa, nhưng chẳng còn lựa chọn nào khác”, vị khách người Anh nói.


    Tuy gặp phải tình huống không mấy vui vẻ, nhưng Sophie khẳng định chuyến du lịch bằng tàu hỏa cùng cả gia đình nhỏ vẫn thú vị.

    Cũng theo Sophie, chỗ cô ngồi ở sát lối đi, nhiều người qua lại để tới nhà vệ sinh. Họ thấy cảnh cô cho con nhỏ bú dưới nền sàn bẩn thỉu, nhưng chỉ lướt qua mà không nói gì, cũng không ai nhường ghế ngồi.

    Sau trải nghiệm không mấy vui vẻ của mình, chị Sophie cho biết chỉ muốn chia sẻ câu chuyện với hi vọng nhiều người sẽ có cách cư xử tốt hơn với nhau. “Tôi chỉ mong mọi người có thể quan tâm tới những người xung quanh hơn một chút. Việc bạn nhường chỗ cho bà mẹ có trẻ nhỏ cũng là lẽ thường phải không”, Sophie nói.

    Viethome (theo Dân Trí)