• Câu trả lời được vợ chồng VĐV bóng rổ Phú Vinh tiết lộ khiến cư dân mạng bật cười.

    Sự chênh lệch chiều cao giữa các cặp đôi luôn là đề tài được cư dân mạng chú ý. Đây chính là lý do mà những chuyện tình “đũa lệch” nhận về nhiều sự quan tâm và bản thân các cặp đôi cũng thường thoải mái chia sẻ với mọi người.

    Mới đây, Nguyễn Huỳnh Phú Vinh (sinh năm 1998) - VĐV bóng rổ của CLB Saigon Heat và ĐT Việt Nam đã tiết lộ sự hài hước do chênh lệch chiều cao khi đưa vợ đi du lịch. Được biết anh chàng cao 2m03 còn vợ - Thúy Uyên cao 1m62, tức là cặp đôi chênh nhau 41cm.

    chenh lech chieu cao 1
    Sự khác biệt của cặp đôi khi đi xe đạp

    chenh lech chieu cao 1
    Phú Vinh và Thúy Uyên

    Trong clip được Phú Vinh đăng tải, anh chàng quay vợ đi xe đạp với góc nhìn từ trên xuống, trông rất nhỏ nhắn dễ thương. Ngược lại khi Thúy Uyên quay chồng thì phải hướng camera lên phía trên vì anh chàng quá cao. Cũng vì chiều cao và đôi chân quá dài mà vóc dáng đi xe đạp của Phú Vinh khá buồn cười.

    Phía dưới chia sẻ này, cư dân mạng đã để lại nhiều bình luận tò mò và thích thú. Đồng thời mọi người cũng khen cặp đôi dễ thương, đề nghị ra thêm nhiều video về nội dung chênh lệch chiều cao này hơn.

    Ngoài chuyện đi xe đạp, Phú Vinh cũng tiết lộ thêm tình huống khi đi máy bay. Vì chân dài nên đầu gối anh chàng chạm hẳn vào ghế của người ngồi trước, muốn thoải mái hơn chỉ còn cách là tranh thủ duỗi chân ra ngoài lối đi. Khi có cư dân mạng hỏi có đụng trần máy bay khi đứng thẳng lên hay không, Phú Vinh quay clip ngay trên máy bay và đùa: “Chưa đụng trần, tính ra mình vẫn còn thấp lắm”.

    chenh lech chieu cao 1
    Sự khác biệt khi cặp đôi ngồi trên máy bay

    chenh lech chieu cao 1
    Một số hình ảnh của cặp đôi trong chuyến du lịch

    Được biết, vợ chồng Phú Vinh và Thúy Uyên, cặp đôi đã có tình yêu đẹp từ khi học chung trường cấp 3. Chàng cầu thủ cầu hôn vợ vào tháng 9/2022, khi Saigon Heat vô địch VBA 2022 và cả hai chính thức về chung một nhà vào tháng 3/2023. Tính đến hiện tại, cặp đôi đã ở bên nhau được hơn 7 năm.

    Theo suckhoedoisong

  • Không tự tin với chiều cao 1,65 m, Dynzell Sigers 27 tuổi, quyết định chi 80.000 USD để phẫu thuật kéo dài chân thêm 17 cm.

    Chàng trai đi đến quyết định này sau khi bị nhiều phụ nữ chê thể hình thấp bé. "Tôi luôn là đứa trẻ nhút nhát, dè dặt và sợ phải là chính mình, sợ bị đánh giá hoặc không được chấp nhận", anh nói, cho biết bị các cô gái từ chối với lý do "quá lùn" dù vẫn thấy anh hấp dẫn.

    Phẫu thuật kéo dài chân là phương pháp điều trị giúp tăng chiều cao ở xương cánh tay hoặc chân của bệnh nhân, đồng thời kéo dài các cơ, gân và dây chằng xung quanh.

    Các bác sĩ sẽ cắt xương thành hai đoạn, gắn một thiết bị giãn xương vào giữa hai đoạn cắt, gồm dụng cụ cố định bên ngoài hoặc thanh thép y tế bên trong, theo Cleveland Clinic. Thiết bị này định kỳ sẽ được bác sĩ điều chỉnh khiến hai đoạn xương ngày càng giãn rộng hơn. Hai đầu xương chân dần tách ra, kích thích xương mới phát triển và lấp đầy hai khoảng trống được tạo ra. Quá trình này thường mất hai tháng.

    Bệnh nhân trải qua phẫu thuật kéo dài chân sẽ không thể đi lại ngay lập tức và cần tập vật lý trị liệu. Họ thường mất một năm để phục hồi hoàn toàn.

    chang trai keo dai chan
    Dynzell Sigers thay đổi chiều cao sau hai lần phẫu thuật, từ 1,65 m (trái) lên 1,82 m (phải). Ảnh: Dynzell Sigers

    Tháng 12 năm ngoái, Sigers tới Live Life Taller - một bệnh viện và trung tâm phục hồi chức năng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ - để phẫu thuật kéo chân. Anh cho biết các bác sĩ chỉ có thể giúp anh tăng thêm 7,5 đến 10 cm. Anh trải qua hai ca phẫu thuật, mỗi lần trị giá 40.000 USD và phải học cách đi lại sau đó.

    Kết quả, Sigers hiện cao 1,82 m, tức tăng 17 cm chiều cao. Anh ghi lại quá trình hồi phục của mình và đăng trên TikTok. Trong một số video, người ta thấy anh trải qua liệu pháp vật lý trị liệu cường độ cao, xây dựng lại cơ chân và cải thiện khả năng vận động. Anh cho biết cơn đau "khá dữ dội nhưng có thể chịu đựng được".

    "Cả cuộc đời, tôi vật lộn với việc bị coi là người nhỏ bé. Kéo dài chân cho tôi cơ hội thay đổi cuộc sống, cách nhìn nhận cuộc sống nói chung. Tôi không hối tiếc và quyết định chia sẻ hành trình của mình với thế giới, để những người đàn ông cùng hoàn cảnh biết rằng họ có sự lựa chọn khác", anh chia sẻ.

    VnExpress (theo NY Post)

  • Sau khi chi 27.000 USD để phẫu thuật kéo chân, Ibrahim Alğan thấy bản thân thu hút và tự tin hơn. Anh mở dịch vụ tư vấn cho những người có nhu cầu cải thiện chiều cao như mình.

    keo dai chan 13cm 1
    Algan cao 1,57 m trước khi trải qua 2 ca phẫu thuật kéo dài chân. Ảnh: Wannabetaller

    Là nhà tham vấn học đường, công việc của Ibrahim Algan (30 tuổi), đến từ thành phố Adana, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, là giúp học sinh giải quyết vấn đề của họ. Tuy nhiên, anh không thể tháo gỡ mối bận tâm của chính mình: cảm giác tự ti về chiều cao 1,57 m.

    “Mọi người thường không coi trọng một cá nhân thấp bé như những người cao to”, anh nói với Insider. Algan tin rằng sự thu hút là một trong những phẩm chất cần phải có của người lãnh đạo. Nếu thiếu, họ sẽ luôn gặp bất lợi.

    Đồng nghiệp đùa cợt về chiều cao của Algan ít nhất một lần/tuần. Anh cảm thấy những người có lợi thế về chiều cao xung quanh mình nổi tiếng và có nhiều cơ hội hơn, cả về mối quan hệ cá nhân lẫn trong công việc.

    Algan không bao giờ quên bạn gái đầu tiên từng nói rằng cô ước anh cao hơn. Những lời chế nhạo cũng giống như vết thương khó lành trong anh. Vì vậy, Algan đã nghiên cứu các phương pháp được cho là giúp con người cao hơn. Anh uống thuốc tăng trưởng chiều cao, chơi bóng rổ, bơi lội và bật cao.

    “Hầu như đêm nào tôi cũng treo mình trên xà vài phút trước khi đi ngủ. Tôi cũng từng sử dụng miếng lót bấm huyệt được cho là có tác dụng kích thích tăng chiều cao”.

    Không có phương pháp nào hiệu quả, ngoại trừ đôi giày độn đế giúp Algan cao hơn 8 cm. Nhưng bấy nhiêu là không đủ. “Nó giống như một giấc mơ hão huyền vì mỗi lần cởi giày ra, tôi lại phải đối mặt với thực tế. Nỗi ám ảnh của tôi ngày càng lớn hơn”, anh nhớ lại.

    Bài liên quan: Ngoại hình 'bất ngờ' của Khoa Pug sau 1 năm kéo chân

    Mục đích sống

    Sau 2 lần phẫu thuật kéo dài chân, Algan cao thêm gần 13 cm. Tuy nhiên, lần đầu tiên lên bàn mổ vào tháng 2/2015, anh không nói với ai vì sợ họ không hiểu.

    Algan cao thêm hơn 6 cm. Khi mọi người chú ý, anh nói rằng mình bị dị tật xương và cần phẫu thuật để chỉnh hình. Algan trải qua ca phẫu thuật thứ 2 vào tháng 3/2020, giúp anh cao thêm hơn 6 cm nữa.

    Mọi thứ diễn ra đúng như kỳ vọng và thay đổi quan điểm của Algan đến mức anh bỏ công việc ở trường học, mở phòng khám riêng chuyên cung cấp dịch vụ phẫu thuật kéo dài chân. Algan là người điều hành chính. Nhóm của anh chủ yếu bao gồm những người đã trải qua phẫu thuật kéo chân.

    “Tôi nhận thấy có rất nhiều người mong muốn thực hiện loại phẫu thuật này ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, họ không có nhiều cơ hội để được tư vấn hoặc tìm hiểu thêm về quy trình”, anh nói.

    keo dai chan 13cm 1
    Algan từng giấu mọi người đi phẫu thuật kéo chân vì sợ rằng họ không thể hiểu và cảm thông cho mình. Ảnh: Wannabetaller

    Phòng khám của Algan tính phí 23.850-51.850 USD tùy thuộc vào việc bệnh nhân muốn cao thêm 7-13 cm.

    Algan không nghĩ đến việc điều hành một cơ sở kéo dài chân trước khi phẫu thuật. “Mục tiêu duy nhất của tôi, thậm chí có thể gọi là mục đích sống, là trở nên cao hơn”, anh kể.

    Thay đổi tích cực

    Phẫu thuật kéo dài chân là chủ đề nóng gần đây. Ban đầu, phương pháp này được sử dụng để điều trị cho những người có đôi chân bị tật dài ngắn khác nhau, nhưng hiện nay, nó sử dụng cho cả người muốn trở nên cao hơn.

    Kevin Debiparshad, bác sĩ phẫu thuật được đào tạo tại Đại học Harvard (Mỹ), một trong số các bác sĩ phẫu thuật kéo dài chi và chân hàng đầu thế giới, cho biết quy trình này bao gồm việc cắt xương chân, xương đùi (xương chân trên) hoặc xương chày (xương chân dưới).

    “Tôi rạch 4-6 vết nhỏ ở chân, tạo ra ‘cửa sổ’ để tiếp cận phần rỗng của xương. Đây là nơi tôi chèn thiết bị phản ứng có điều khiển từ xa mà bệnh nhân sẽ điều chỉnh tại nhà để tăng 1mm/ngày mà không gây đau đớn”, ông nói.

    Theo Debiparshad, việc tăng cường đưa tin trên các phương tiện truyền thông cũng như giảm bớt sự kỳ thị xung quanh phẫu thuật thẩm mỹ đã mở ra cơ hội cho nhóm bệnh nhân mới.

    “Phần lớn bệnh nhân của tôi là nam giới trẻ tuổi, thấp bé muốn cải thiện chiều cao. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rất nhiều bệnh nhân lớn tuổi, người có chiều cao trung bình, nữ giới, thậm chí người có nhu cầu phẫu thuật giảm chiều cao. Nhóm thứ 2 này bao gồm những người đang chuyển đổi giới tính và muốn cơ thể của họ phù hợp hơn với cách nhìn nhận về bản thân”, ông cho hay.

    Algan cho biết cuộc sống của anh đã thay đổi đáng kể kể từ khi trở nên cao hơn.

    “Khi mặc vest, tôi từng thấy mình như một cậu nhóc, nhưng bây giờ, tôi thấy mình là người lớn thực sự. Tôi nghe lời khen ‘trang phục này hợp với bạn’ thường xuyên hơn và điều đó ảnh hưởng tích cực đến tôi trong nhiều khía cạnh của cuộc sống”.

    Algan thích việc không phải nhìn lên khi nói chuyện với người khác. Nhờ đó, anh suy nghĩ lành mạnh và đưa ra quyết định sáng suốt hơn.

    Với Algan, công việc điều hành phòng khám có điểm tương đồng với vai trò tham vấn cũ: “Tôi hỗ trợ những người gặp khó khăn về tâm lý trong việc phát triển chiều cao”.

    “Mọi người không còn đùa cợt về chiều cao của tôi nữa. Tôi không nghĩ có điều gì quý giá hơn sự tự tin mà bản thân đang có bây giờ”, anh nói.

    Theo Zing

  • Quy trình kéo dài chân ở Anh có thể tốn tới 83.000 bảng nhưng phẫu thuật này đang thu hút ngày càng nhiều người trẻ bởi định kiến xã hội.

    Khi còn là thiếu niên, Lewis đạt tới chiều cao 1m63 và dừng lại ở đó, không tăng thêm chút nào. Anh thấp hơn gần 10cm so với đàn ông Anh trưởng thành. Thậm chí, 9 trên 10 người đàn ông sẽ cao hơn anh. Khi gom đủ can đảm để bước ra ngoài, anh buộc mình phải đi giày độn.

    cao nhu tay 0

    Anh cũng căm ghét cả cách mà các ứng dụng hẹn hò trực tuyến khuyến khích sự phân biệt chiều cao. "Anh là một chàng trai tốt - anh xứng đáng được cao hơn" - một người phụ nữ từng nhận xét. Có thời điểm, Lewis từng phải sử dụng thuốc chống trầm cảm.

    Lewis có bài phỏng vấn với phóng viên tờ The Guardian vào ngày sau khi Rishi Sunak - một người có chiều cao chỉ 1m68 - bước chân lên cương vị Thủ tướng Anh. Lewis đã thấy đủ loại đùa cợt trên Twitter và những nơi khác về chiều cao đó.

    "Tôi tin rằng nó là một trong những loại định kiến cuối cùng còn được coi là chấp nhận được" - anh nói, "Thật thú vị là mọi người tập trung vào thứ gì đó bạn không thể thay đổi… Chà, ít nhất thì tôi từng nghĩ là người ta không thể".

    Vài năm trước, Lewis đã trả một bác sĩ phẫu thuật hàng chục nghìn bảng để (nói một cách thô nhất) phá bỏ xương chân mình và làm chúng dài ra. Anh biết quy trình sẽ rất rủi ro, đau đớn. Nhưng anh cũng biết rằng, nếu mọi chuyện đều ổn, anh sẽ vượt qua nó cùng với 7,5cm chiều cao nữa.

    "Hôm trước cuộc phẫu thuật tôi đã thực sự lo sợ, nhưng đó là điều tôi thực sự muốn". Lewis không muốn lộ tên thật hay chi tiết về cuộc phẫu thuật, bao gồm cả chi phí cụ thể.

    Nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ kéo dài chân, còn gọi là phẫu thuật tăng chiều cao đang lớn dần, đặc biệt là trong nhóm đàn ông trẻ. Các công nghệ tiến bộ, sự thay đổi thái độ đối với phẫu thuật thẩm mỹ, cũng như việc các bác sĩ chỉnh hình ngày càng hứng thú với kinh doanh, là những yếu tố chính thúc đẩy phẫu thuật này phổ biến ở các phòng khám khắp thế giới.

    cao nhu tay 0
    Phẫu thuật kéo dài chi yêu cầu bệnh nhân ngồi xe lăn và bất động thời gian dài - Nguồn: Scottish Rite.

    Tất nhiên vẫn có những lo ngại về ngành công nghiệp này. Đó là những câu hỏi mấu chốt: Tại sao xã hội chúng ta vẫn khiến những người có khả năng bị tổn thương "xếp hàng" thực hiện một cuộc đại phẫu chỉnh hình, và điều gì thúc đẩy các bác sĩ tiến hành nó cho những người có nhu cầu?

    "Động lực chính, đáng buồn, là tiền", theo bác sĩ Dror Plaley, một chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình tại Florida với kinh nghiệm dày dặn với phẫu thuật kéo dài chi. Mỗi ngày, ông nhận được tới nửa tá yêu cầu tham vấn từ những người có yêu cầu, trong khi mới 5 năm trước con số đó chỉ là 1. Cũng theo vị bác sĩ, đây là lần đầu tiên các bác sĩ chỉnh hình có một phần "miếng bánh" trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng đáng tiếc là các bệnh nhân thường xuyên bị lợi dụng và tìm đến ông với các biến chứng tồi tệ.

    Hành trình "chân cứng đá mềm"

    Trên thực tế, loại phẫu thuật này là một thành tựu đáng kể của kỹ thuật y tế. Kỹ thuật và thiết bị thực hiện rất đa dạng, nhưng phiên bản của bác sĩ Paley sử dụng các loại đinh và nẹp giống với loại được sử dụng cố định các vết gãy nặng. Khi khoan khoang tủy xương để đưa đinh vào, ông cũng phải cắt phần xương chân ra làm hai.

    Sau đó, một kỹ thuật khá hiện đại được áp dụng cho việc kéo dài chân: bằng cách sử dụng một nẹp cố định vào chân và lực hút nam châm để điều chỉnh tốc độ kéo 2 phần xương ra khoảng 1mm mỗi ngày - trong khi đó, cơ thể sẽ tự tạo ra mô xương mới để "lấp" vào khoảng trống mới.

    Quá trình kéo dài này mất nhiều tuần và yêu cầu bệnh nhân gần như bất động trong thời gian dài, thêm thời gian ngồi xe lăn và hàng tháng trời tập vật lý trị liệu để cơ bắp thích nghi. Một khi quá trình kéo dài chi hoàn thành, các đinh mới được tháo bỏ.

    Các bệnh nhân thực hiện thường kéo dài cả 2 xương đùi thêm tới 8cm. Cơn đau không xuất hiện từ việc kích hoạt nam châm kéo giãn, mà từ tác động của cuộc phẫu thuật và vết gãy ở cả 2 chân. Xương ống chân cũng có thể kéo dài lên tới 5cm.

    Bác sĩ Paley thực hành cho khoảng 1 tá bệnh nhân tại Anh mỗi năm và thu mỗi ca 83.000 bảng cho 2 xương đùi và thậm chí 275.000 bảng để kéo dài cả 4 xương chân giúp tăng chiều cao tối đa tới 16cm. Một vài bác sĩ khác tại Anh cũng cung cấp dịch vụ với mức giá từ 50.000 tới 70.000 bảng cho 2 xương đùi.

    Mức giá có thể bằng nửa mức đó ở một số quốc gia chuyên loại phẫu thuật thẩm mỹ này như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, tùy thuộc vào thiết bị sử dụng.

    Một người đàn ông Mỹ 32 tuổi giấu tên muốn kéo dài cả 4 phần xương chân để tăng chiều cao từ 1m73 lên 1m83. Chia sẻ với tờ The Guardian, anh cho biết mình phải trả khoảng 50.000 đô (gần 1,25 tỷ đồng) cho một phòng khám ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) - ¼ mức giá anh có thể phải trả ở Mỹ. Để chi trả, anh phải làm việc 80 giờ/tuần và vay thêm.

    Thứ làm bác sĩ Paley lo lắng không phải sự cạnh tranh trong ngành mà là việc ngày càng nhiều các bác sĩ chỉnh hình tổng quát đang tự quảng cáo bản thân là chuyên gia phẫu thuật kéo dài chi mà không có đủ kinh nghiệm, cơ sở vật chất và nhận thức về các biến chứng - bao gồm nhiễm trùng, đông máu, trật khớp hay thậm chí các ca nguy hiểm chết người khi phổi bị nhiễm mỡ đẩy ra từ cuộc phẫu thuật.

    cao nhu tay 0
    Phẫu thuật này yêu cầu việc cắt đứt phần xương để kéo dài - Nguồn: Panortho.

    "Anh có thể làm một bệnh nhân thành tàn tật - việc này phải được xem xét một cách vô cùng nghiêm túc". Ông dẫn chứng thêm việc Trung Quốc đã cấm phẫu thuật này từ 2006 sau hàng loạt các ca bất thành.

    Bác sĩ chỉnh hình và chấn thương Hamish Simpson, cũng là giáo sư tại Đại học Edinburgh không cung cấp loại phẫu thuật này, nhưng liên tục nhận được câu hỏi từ các bệnh nhân và ông luôn cố thuyết phục họ bỏ lựa chọn đó. Theo ông ước tính, khả năng xảy ra biến chứng kể cả khi được thực hiện bởi các chuyên gia giỏi nhất cũng gấp đôi so với phẫu thuật thay đầu gối.

    "Ước gì mọi người tử tế hơn một chút"

    Người đầu tiên có công phổ biến kỹ thuật này là bác sĩ Liên Xô Gavriil Ilizarov vào thập niên 50, nhưng suốt vài chục năm sau đó, kỹ thuật này ban đầu không phải phẫu thuật thẩm mỹ mà để chữa chấn thương hay điều trị lệch chi. Tới cuối những năm 80, phẫu thuật này thu hút được sự chú ý của những người tự ti về chiều cao và đã ngày càng phổ biến và tiên tiến hơn từ đó đến nay.

    Kể từ khi đại dịch nổ ra và các phòng khám hay du lịch phẫu thuật bị đóng cửa tạm thời, nhu cầu đã dồn ứ và bùng nổ khi các lệnh phong tỏa kết thúc. Theo bác sĩ Paley, yêu cầu tham vấn tăng chiều cao đã gia tăng từ con số 1 lần/tháng từ năm 2013 lên 40/tháng vào năm 2017 và 200/tháng vào thời điểm hiện tại.

    Tổng số ca phẫu thuật của ông hiện là 100 mỗi năm, và 84% số bệnh nhân là đàn ông.

    cao nhu tay 0
    Phẫu thuật kéo dài chân có thể giúp bệnh nhân cao thêm tới hơn 10cm.

    Vận động viên thể hình Victor Egonu, hiện làm quản lý một phòng khám tại Baltimore, Hoa Kỳ là bảo chứng cho việc nhu cầu ngày càng gia tăng trong ngành. Từng thực hiện phẫu thuật này vào năm 2012 đẻ điều trị chứng lệch độ dài chi do một tai nạn hồi nhỏ, kênh YouTube chuyên về kéo dài chân của anh hiện có hơn 1 triệu lượt xem và nhận tới 30 tin nhắn mỗi ngày từ các khách hàng tiềm năng, đại đa số là nam giới trẻ.

    Không có thống kê cụ thể về tổng số ca toàn thế giới, nhưng Egonu ước tính con số phải lên tới hàng ngàn ca/năm và anh quan sát được 95% trong số đó là đàn ông. Nhưng phụ nữ cũng hứng thú - gần đây, anh nhận được yêu cầu từ một cô gái 20 tuổi có chiều cao 1,4m và chán ngấy việc bị đối xử như một đứa trẻ.

    Một vấn đề mà anh hết sức quan tâm là định kiến phân biệt đối với những người có chiều cao không lý tưởng. "Mọi người nói việc phá bỏ chân mình để cao lên là dã man và không bao giờ nên làm thế, nhưng khi nghe những nỗi bất hạnh đối diện với các bệnh nhân mỗi ngày họ thức dậy, bạn mới hiểu được".

    Một người cha giấu tên nói với tờ The Guardian rằng gần đây con trai tuổi teen của ông đang tin rằng cậu cần được thực hiện phẫu thuật này. "Nó nói không ai coi trọng mình nếu nhỏ con và con gái cũng không thích nó" - người cha chia sẻ. Ông đổ lỗi cho mạng xã hội và sự sùng bái vẻ đẹp cơ thể.

    "Lũ trẻ đều muốn cằm chẻ, da láng mịn, mái tóc xuất sắc và cao 1m83. Nhưng chiều cao có vẻ thực sự quan trọng với thằng nhóc và bạn bè nó. Khi nói chuyện qua mạng với con gái, câu hỏi đầu tiên chúng nhận được sau khi được xin ảnh bản thân là ‘Cậu cao bao nhiêu thế?’".

    "Thử xem Love Island (một chương trình truyền hình thực tế về đề tài hẹn hò) mà xem" - Lewis nói, "Trong mùa chiếu năm 2020, thí sinh Nas (cao 1m7) bị trêu hết từ ngoài đến trong căn biệt thự. Trong cùng chương trình, một thí sinh nữ tên Amy Hart chế ra một trò đùa trong cuộc phỏng vấn về điểm khiến cô từ chối một mối quan hệ. ‘Bạn gọi một anh chàng thấp hơn 1m78 là gì? Một người bạn!’".

    Người cha nói trên mong rằng kết quả chụp X-quang có thể cho con trai mình thấy cậu bé vẫn còn tiềm năng phát triển khi sụn tiếp hợp chưa đóng. Tuy nhiên, ông mong con có thể vượt qua được định kiến và nhấn mạnh rằng nhiều gia đình khác cũng đang trải qua vấn đề tương tự.

    Trong một xã hội đang nỗ lực đấu tranh vì bình đẳng, chiều cao vẫn là một thành kiến được chấp nhận và trở thành tiêu chuẩn ngoại hình chủ chốt đối với nhiều người, và đàn ông chịu áp lực đặc biệt lớn.

    Ngoài những ca rối loạn mặc cảm ngoại hình, áp lực xã hội và tâm lý khiến người ta ngày càng muốn tìm đến loại phẫu thuật cần hy sinh rất nhiều này. Lewis cho biết cách mọi người đối xử với anh rất khác biệt khi anh đã cao hơn dù anh vẫn là con người cũ, thậm chí cả việc hẹn hò cũng trở nên dễ dàng hơn trước nhiều.

    Anh kể, trong một lần đi hẹn hò cùng cô gái nọ, anh thấy cô ta thốt ra một câu đùa vô duyên về một người thấp hơn. Lewis phản bác lại và nói rằng anh cũng từng thực hiện phẫu thuật kéo dài chân, trước khi "sốc" khi cô này tuyên bố "Ồ, anh đâu cần làm thế!".

    Nếu Lewis có bất kỳ sự hối tiếc nào, đó chính là việc xã hội đã khiến anh phải cảm thấy thế nào khi còn là một người thấp bé. Dù cảm thấy tốt, anh không thể tránh khỏi cảm giác nuối tiếc vì đã dành cả gia tài nhỏ cho một phẫu thuật rủi ro. "Tôi thấy buồn mỗi khi nhớ lại việc mình bị khiến cho cảm thấy vô giá trị đến mức nào. Tôi ước gì mọi người đã, anh biết đấy, tử tế hơn một chút".

    Thể thao & Văn hóa (theo Guardian)

  • Người đàn ông vay ngân hàng 75.000 USD để kéo dài chân thêm 8cm khẳng định không hối hận khi đưa ra quyết định dù phải chịu đau đớn kéo dài.

    Tạp chí GQ đưa tin một người đàn ông ở Mỹ đã vay số tiền 75.000 USD để tiến hành phẫu thuật kéo dài chân thêm gần 8 cm. Theo đó, người này sẽ phải trả 1.200 USD/tháng cả tiền gốc lẫn lãi trong vòng 5 năm tới. 

    Giải thích lý do quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật kéo dài nhiều tháng và vô cùng đau đớn, anh John Lovedale hơn 40 tuổi giải thích rằng, "Tôi thấy những người cao làm gì cũng dễ dàng. Thế giới dường như cúi người trước họ”. 

    keo dai chan
    Kéo dài chân hiện là một trong những phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng phổ biến. (Ảnh minh họa)

    Ngay khi biết thông tin về phẫu thuật kéo dài chân, anh Lovedale đã quyết tâm tăng chiều cao thêm 3 inch (7,6 cm). Trước khi làm phẫu thuật, anh Lovedale cao 1m74, trong khi chiều cao trung bình của đàn ông ở Mỹ là 1m75. 

    Để hiện thực hóa ước mơ thay đổi diện mạo, anh Lovedale vay tiền của ngân hàng SoFi. Chi phí phẫu thuật kéo dài chân là từ 70.000 – 150.000 USD, phụ thuộc vào việc bệnh nhân muốn tăng chiều cao thêm bao nhiêu cm, theo tạp chí GQ. 

    Dù mỗi tháng phải trả cả gốc lẫn lãi 1.200 USD trong vòng 5 năm tới, nhưng nam kỹ sư mạng khẳng định không hối hận về quyết định của mình. 

    “Khi bạn cao, mọi người sẽ nhìn bạn theo cách khác. Tôi nhận được nhiều ánh nhìn khi tới phòng tập”, anh Lovedale chia sẻ. 

    Trước đây, lần đầu tiên anh Lovedale biết về phẫu thuật kéo dài chân là từ trang Facebook của bác sĩ Kevin Debiparshad. 

    Ông Debiparshad hiện là một trong số ít chuyên gia phẫu thuật ở Bắc Mỹ thực hiện kéo dài chân. Vị bác sĩ đã cho thành lập Viện LimbplastX ở Las Vegas vào năm 2016. Nói với GQ, ông Debiparshad cho biết hoạt động kinh doanh của bệnh viện ăn nên làm ra trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 lây lan. 

    Kéo dài chân ban đầu là phương pháp phẫu thuật giúp các bệnh nhân có bệnh lý như dị tật bẩm sinh hay chấn thương sau tai nạn, nhưng nay nó lại là một trong những phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng phổ biến. Song quá trình làm phẫu thuật đòi hỏi vô cùng tỉ mỉ. Các bác sĩ cần mổ cắt xương, đặt đinh cà khung, sau đó kéo dài dần dần. Những đinh chốt này được nới rộng ra từ từ mỗi ngày trong vòng 3 tháng bằng nam châm điều khiển từ xa. 

    Ông Debiparshad nhấn mạnh phải mất nhiều tháng phần xương mới dần dần được kéo dài ra thêm và vết thương được lành. 

    “Bạn cần phải có kỷ luật tinh thần. Nó giống như chuyện đào tạo một vận động viên marathon”, ông Debiparshad nói với GQ. 

    Vị bác sĩ tiết lộ rất nhiều bệnh nhân của ông là nhân viên công nghệ làm việc cho các tập đoàn lớn như Google, Amazon, Microsoft và Meta.

    Trên thực tế, phẫu thuật thẩm mỹ không còn là lĩnh vực chỉ có nữ giới quan tâm mà ngày càng nhiều nam giới cũng đang thực hiện để tăng sự tự tin. Theo thông tin được Washington Post đăng tải hồi tháng 1/2020, nam giới đang thực hiện tất cả loại phẫu thuật thẩm mỹ giống như nữ giới. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới xu hướng này là sự kỳ vọng khi sở hữu ngoại hình ưa nhìn, con đường sự nghiệp công danh cũng sẽ rộng mở. 

    Theo Vietnamnet

  • Bé trai tại TP HCM 13 tuổi chỉ cao 1,32 m, sau hai năm điều trị tiêm hormone tăng trưởng cao 1,61 m.

    Con trai chị Loan thấp hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa. Chị đưa con đi khám dinh dưỡng một thời gian dài vẫn không cải thiện. Năm 13 tuổi, bé bắt đầu điều trị bằng hormone tăng trưởng tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, sau hai năm tăng thêm 29 cm.

    Bác sĩ Nguyễn Thị Thư Hương, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, mức tăng chiều cao này là do sự kết hợp giữa hiệu quả của tiêm hormone tăng trưởng và sự phát triển của bé trong tuổi dậy thì.

    "Thông thường trong năm đầu tiên điều trị, các bé sẽ tăng 8-12 cm. Năm thứ hai tăng trưởng thường đạt 75-80% so với năm đầu. Những năm sau sẽ giảm hơn so với những năm đầu", bác sĩ Hương phân tích.

    Theo bác sĩ Hương, chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng là bệnh lý tương đối hiếm nên nhận thức trong cộng đồng chưa cao. Nhiều phụ huynh thấy con thấp hơn bạn bè, đưa đi khám bác sĩ nhi tổng quát thì không có bệnh lý, bác sĩ dinh dưỡng cũng khẳng định bé không suy dinh dưỡng. 

    "Chế độ ăn của bé đủ chất, uống sữa đầy đủ, chơi thể thao đều đặn nhưng mãi không cao và phụ huynh không biết phải làm gì nữa", bác sĩ Hương nói.

    Bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám, tư vấn về chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Ảnh: Lê Phương.

    Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên đo chiều cao cho trẻ mỗi 6 tháng hoặc tốt nhất là 3 tháng một lần và vẽ lên biểu đồ tăng trưởng của WHO. Nếu phát hiện chiều cao của bé nằm < -2SD hoặc tốc độ tăng trưởng ≤ 2cm trong 6 tháng nghĩa là đang có dấu hiệu bất thường.

    Nếu đi khám bác sĩ nhi tổng quát, bác sĩ dinh dưỡng xác nhận bé không có bệnh lý, không suy dinh dưỡng thì nên đưa bé đến bác sĩ nội tiết để được thăm khám các bệnh lý về nội tiết, đặc biệt là bệnh thiếu hormone tăng trưởng ảnh hưởng sự phát triển chiều cao.

    Quy trình thông thường là bé sẽ được chụp X-quang xương bàn tay trái, làm các xét nghiệm máu cần thiết, chụp MRI sọ não. Sau khi có kết quả chẩn đoán, phụ huynh được bác sĩ tư vấn cách điều trị và theo dõi.

    Trẻ em thiếu hormone tăng trưởng sẽ chậm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ gãy xương và bệnh tim mạch. Nếu trẻ chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng nhưng không được điều trị kịp thời, chiều cao cuối cùng của trẻ sẽ thấp hơn nhiều so với chiều cao đáng lý trẻ sẽ đạt được khi trưởng thành. 

    Việc điều trị bằng hormone tăng trưởng không chỉ áp dụng cho trường hợp trẻ chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng mà còn được chỉ định trong các trường hợp gây ra do những nguyên nhân khác như hội chứng Turner, bệnh thận mạn, trẻ sinh ra nhỏ hơn so với tuổi thai...

    Cần điều trị đúng thời điểm, đúng liều, tốt nhất là trong khoảng độ tuổi 4-13, trước khi các sụn xương của trẻ đóng lại. Điều trị bệnh lý này là bằng đường tiêm, vì vậy cần tiêm thuốc đều đặn theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

    Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết khi con bị thấp còi, hầu hết phụ huynh nghĩ đến nguyên nhân dinh dưỡng, thậm chí nhiều người tự ý bổ sung canxi hoặc các loại thuốc tăng chiều cao mà chưa có sự tư vấn của bác sĩ, dẫn đến không có hiệu quả hoặc có thể gây hại cho trẻ. 

    Từ năm 2017, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ chưa dậy thì. Sau hai năm, 550 trẻ được khám và tầm soát, có 31 trường hợp chỉ định điều trị. Năm 2019, bác sĩ tư vấn vào sáng thứ bảy, chủ nhật từ ngày 8/6 đến 27/7, đăng ký điện thoại 0774 880 289.

    Viethome (theo VnExpress)