• Một cô gái đã bị cảnh sát bang Texas (Mỹ) bắt sau khi trộm xe của tài xế Uber trên đường tới sân bay, vì thấy tài xế "lái quá chậm".

    Neusha Alexandra Afkami, 27 tuổi, hôm 10/12 đặt xe Uber để di chuyển từ khách sạn đến sân bay Quốc tế Austin-Bergstrom ở thành phố Austin, bang Texas. Trên đường đến sân bay, tài xế Uber nhận thấy Afkami có vẻ khó chịu do thời gian di chuyển lâu.

    Cô này sau đó giật lấy điện thoại của tài xế, ném ra ngoài cửa sổ xe. Khi tài xế dừng lại và ra khỏi xe để lấy điện thoại, Afkami lái xe đi, bỏ lại tài xế giữa đường.

    cuo xe cong nghe
    Neusha Alexandra Afkami, cô gái cướp xe của tài xế Uber ở bang Texas ngày 10/12. Ảnh: Cảnh sát thành phố Austin

    Cảnh sát nhận được tin báo về sự việc và xác định chiếc xe của tài xế Uber bị bỏ lại trước nhà ga sân bay. Afkami bị cảnh sát bắt trước khi kịp lên máy bay.

    Khi bị cảnh sát thẩm vấn, Afkami khai rằng cô và tài xế Uber đã cãi vã về thời gian di chuyển. "Tôi cần phải đến sân bay nên tôi sẽ lấy cái xe này và trả nó ở trước quầy làm thủ tục của hãng Southwest Airlines", Afkami nói với tài xế.

    Afkami cũng lấy cắp ví của tài xế Uber và sử dụng thẻ tín dụng để mua một số món đồ với tổng trị giá gần 130 USD, tại cửa hàng bên trong sân bay. Cô ta bị bắt vì cáo buộc cướp xe và sử dụng thẻ tín dụng dù không được sự đồng ý.

    Afkami đã phải trình diện nhà tù hạt Travis và nộp số tiền bảo lãnh là 16.000 USD.

    VnExpress (theo Fox)

  • Nhiều tài xế chạy xe ôm công nghệ chỉ qua năm thứ ba, thứ tư bắt đầu đổ bệnh, phần lớn là thoát vị đĩa đệm, bệnh về hô hấp và mắt vì khói bụi.

    xe om cong nghe 1
    Nhiều tài xế đối diện với tình trạng sức khỏe bị suy giảm sau thời gian dài chạy xe ôm công nghệ. Ảnh: Hữu Chánh

    Sức khoẻ lao dốc

    Năm hôm kể từ khi nhận kết quả bị thoát vị đĩa đệm, anh Nguyễn Văn Ngọc (trọ ở Bình Tân, TPHCM) vẫn chưa bỏ được thói quen thức giấc từ 5h sáng.

    Người đàn ông quê Tiền Giang cho biết, 5 năm qua, trừ ngày ốm không gượng dậy nổi, còn lại phải cố gắng dắt xe ra đường để đi làm, bởi 4 người trong gia đình đều trông vào số lương hơn chục triệu đồng từ việc chạy xe ôm công nghệ của anh.

    “Để kiếm 10-15 triệu đồng một tháng, tôi sẽ phải dành ra tối thiểu 12 tiếng làm việc mỗi ngày. Có lúc đi làm từ tờ mờ sáng, trở về khi các con đã ngủ say” - nam tài xế nói và thừa nhận, chạy GrabBike cướp đi sức khỏe, song chấp nhận đánh đổi để có tiền trang trải cho chi phí ở một thành phố đắt đỏ.

    Vài tháng trở lại đây, mỗi tối về nhà, cơ thể anh mệt rã rời. Những cơn đau ê ẩm vùng cổ, vai, gáy bắt đầu xuất hiện và tần suất ngày càng dày đặc. Điều này khiến nam tài xế nhiều đêm không ngủ được.

    Lo lắng cho sức khoẻ, người đàn ông 35 tuổi đến thăm khám tại một bệnh viện ở TPHCM. Anh Ngọc được các bác sĩ chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và bắt đầu bước vào giai đoạn nghiêm trọng.

    "Khi lên cơn đau, tôi gần như chỉ muốn nằm một chỗ, bị hạn chế mọi hoạt động. Đặc biệt với nghề chạy xe, chấn thương cột sống nặng gần như sẽ phải bỏ việc" - anh Ngọc nói.

    Chị Hồ Thị Vân (33 tuổi, vợ tài xế Ngọc) cho biết, chị phải nghỉ nghề may thuê để ở nhà trông con nhỏ. Mọi chi phí đều chờ đợi ở chồng, tiền sữa bỉm cho con nhỏ, tiền rau cháo mỗi ngày và tiền học mẫu giáo cho con gái lớn. "Giờ chồng bệnh tình phải nghỉ làm để điều trị, tôi chỉ còn biết cầu trời cho anh khỏe lại" - chị Vân cho hay.

    Đứng ngồi không yên khi sức khỏe của chồng đi xuống, chị tính toán gia đình sẽ quay về quê ở Tiền Giang tìm cách khác mưu sinh. Dù tương lai còn mù mịt, song sức khỏe của chồng phải được đặt lên hàng đầu.

    Tương tự, anh Nguyễn Văn Hoàng (quê Bình Dương) mới đây cũng xuất hiện những dấu hiệu bất thường về sức khoẻ sau nửa năm dầm mưa dãi nắng chạy GoRide bán thời gian.

    Đến bệnh viện, nam sinh viên được chẩn đoán bị viêm dạ dày, viêm họng và viêm mũi dị ứng do thường xuyên tiếp xúc với bụi, khói, ô nhiễm không khí.

    Anh Hoàng cho hay, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên phải vừa đi học vừa đi làm thêm để kiếm tiền trang trải sinh hoạt. Thu nhập không được như kỳ vọng, trong khi sức khỏe có dấu hiệu đi xuống khiến thanh niên 21 tuổi tìm hướng quay đầu.

    "Sau lần này, tôi sẽ tìm công việc khác, cân đối giữa việc học và làm thêm để không ảnh hưởng đến sức khỏe" - anh Hoàng nói.

    Căn nguyên của những cơn đau

    Theo bác sĩ Trịnh Quang Anh - Trưởng Đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp và y học thể thao tại Bệnh viện 1A (TPHCM), những người hành nghề xe ôm có đặc thù phải ngồi nhiều, do đó đối diện với nguy cơ đau cổ vai gáy.

    Điều này xuất phát từ mất cân bằng cơ thân trên, nhóm cơ vùng cổ, vai và trước ngực dẫn đến tình trạng lệch vẹo, căng cơ, mỏi cơ.

    Đặc biệt, trong một số trường hợp, kéo vai xệ xuống gây áp lực chèn ép mỏm cùng vai, hoặc thần kinh và mạch máu cùng dưới xương đòn. Bệnh nhân đau tê từ vai xuống tay thường có khả năng bị áp lực chèn ép tại xương đòn.

    xe om cong nghe 1
    Tài xế xe ôm công nghệ giờ đây ngán ngẩm vì ế cuốc.

    Ngoài ra, nguyên nhân đau từ gáy xuống tay có thể xuất phát từ việc thoát vị đĩa đệm hoặc sự chèn ép dây thần kinh do cột sống cổ. Khi xảy ra mất cân bằng, trọng tâm và áp lực trên bề mặt khớp thay đổi, gây ra sự phình to và lồi ra của đĩa đệm.

    "Nếu phát hiện kịp thời và thực hiện tập luyện trong giai đoạn này, tình trạng có thể được cải thiện. Tuy nhiên, nếu để lâu, khi sự xơ hoá ở giai đoạn vòng xơ dưới đĩa đệm đã xảy ra, khả năng phục hồi đĩa đệm sẽ khó khăn" - bác sĩ Quang Anh nói.

    Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần cân đối thời gian làm việc, bảo đảm giấc ngủ, hạn chế các chất kích thích. Thường xuyên vân động thể dục thể thao, ăn uống hợp lý, khám chữa bệnh kịp thời để tránh các biến chứng nặng nề...

    Theo Lao Động

  • Nhiều hôm tôi phải chạy xe liên tục 12 tiếng mới kiếm được 300.000 đồng, không dễ như nhiều người nghĩ.

    Tôi là tài xế mới đăng ký chạy xe ôm được gần hai tháng. Cho đến nay, tôi đã hoàn thành hơn 200 chuyến đi. Từ khi bắt đầu công việc này, tôi thường xuyên nhận được những câu hỏi của khách hàng như: “Mỗi ngày chạy xe ôm có kiếm được 500.000 – 600.000 đồng không?”, hay “Lái xe công nghệ bây giờ kiếm được nhiều lắm không?”. .ơ, hơn nhân viên văn phòng?”. Thực tế, sau một thời gian trực tiếp trải nghiệm, tôi phải thừa nhận rằng làm xe ôm không “ngon ăn” như nhiều người vẫn nghĩ.

    Đầu tiên, để trở thành tài xế xe ôm, ngoài các giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của hãng xe, bạn còn phải bỏ tiền mua đồng phục và mũ bảo hiểm (tổng gói thấp nhất là 400.000 đồng). Đó là 2 điều bắt buộc mà bất kỳ tài xế nào cũng phải có, nếu không sẽ vi phạm quy định của hãng và không được hoạt động hoặc bị phạt.

    lai xe cong nghe

    Nói về thu nhập thực tế, một người chạy xe ôm kiếm được 10 triệu đồng một tháng là rất khó, bởi không thể duy trì mức thu nhập 300.000 – 400.000 đồng mỗi ngày. Có khi phải chạy liên tục 12 tiếng mới đủ tiền. Trung bình một cuốc xe khoảng 2 km hết 13.000 đồng, trong đó tài xế lấy hơn 8.000 đồng, chưa tính tiền xăng, vừa tăng 1.000 đồng lên hơn 9.000 đồng.

    Nếu chạy hơn 20 km, giá vé hơn 100.000 đồng, sau khi hãng trừ thuế và chiết khấu, tài xế còn lại 70.000 đồng, trừ tiền xăng còn lại khoảng 50.000 đồng, chưa tính khấu hao khác (dầu, xăng). , v.v.) hao mòn đĩa xích, lốp xe, v.v.). Tất nhiên, trong cuộc đua cạnh tranh giữa các hãng hàng không, giá càng rẻ sẽ càng có nhiều khách, đồng nghĩa với việc thu nhập của tài xế cũng buộc phải thấp nhất có thể.

    Không biết các bác xe ôm khác cảm thấy thế nào về công việc này, nhưng cá nhân tôi đôi khi thấy rất mệt mỏi. Cứ 10 hành khách thì có một nửa lên xe và liên tục hối hả chạy. Trong khi đó, trước đó, khi tôi đến đón thì khách vẫn ở trong nhà, buộc tài xế phải đợi đâu đó 5 phút. Nếu không chiều ý họ, không nhận khách, tài xế lập tức bị đánh giá một sao, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập.

    Nguyên tắc của tôi là dù khách hàng có bức xúc đến đâu thì an toàn khi lái xe luôn là ưu tiên số một. Tôi sẽ cố gắng chạy nhanh hơn một chút khi khách yêu cầu vì có việc gấp, nhưng tôi sẽ không bất chấp vượt ẩu, phóng nhanh, bởi tôi không hy sinh sự an toàn của bản thân và khách hàng chỉ vì mấy chục ngàn đô la. cho một chuyến đi.

    Tôi cũng mong hành khách nào thấy tài xế đi quá nhanh, ẩu, vi phạm luật giao thông thì lập tức yêu cầu tài xế lái xe an toàn, cẩn thận hơn. Tôi không tin tài xế nào có thể từ chối yêu cầu chính đáng này. Đây cũng là cách để hình ảnh người xe ôm đẹp hơn trong mắt mọi người.

    Theo VnExpress

  • Bỏ chức giám đốc, anh chàng chuyển qua làm nhân viên giao hàng và không ngờ lại kiếm được số tiền ngoài sức mong đợi. 

    Gần đây, mình có đọc được câu chuyện của anh chàng tốt nghiệp ngành Kỹ thuật sinh học nhưng đời đưa đẩy, cuối cùng trở thành nhân viên giao hàng và kiếm được rất nhiều tiền nhờ chăm chỉ. 

    Cụ thể, anh chàng tên Trương Phong sau khi tốt nghiệp đại học đã về quê, hợp tác cùng bạn bè để kinh doanh nông sản hữu cơ. Anh gom tiền tiết kiệm và vay mượn người thân được khoảng 1 tỷ để đầu tư với bạn. Thời gian đầu, công việc suôn sẻ và Trương Phong giữ chức giám đốc. Tuy nhiên, anh bị bạn bè lừa và mất hết 1 tỷ đồng đầu tư, chưa kể còn gánh thêm khoản nợ gần 1,4 tỷ đồng. 

    shipper kiem tien ti 1
    (Ảnh: Sohu)

    Trắng tay và còn bị bạn bè thân thiết lừa lọc, anh chàng bất đắc dĩ phải làm nhân viên giao đồ ăn để kiếm tiền sinh sống cũng như trả khoản nợ không hề nhỏ. Vì áp lực cuộc sống, Trương Phong rất chịu khó làm việc, mỗi ngày anh chỉ ngủ tầm 5-6 tiếng và thời gian còn lại là chạy ngược xuôi ngoài đường để giao hàng. Nhờ chăm chỉ, có tháng cao điểm là anh chàng nhận về gần 70 triệu đồng. 

    Nghe qua số tiền thấy nhiều nhưng thực tế Trương Phong phải làm việc quần quật, đôi khi kiệt sức. Thời gian đầu, anh chàng chưa quen với công việc, chạy xe chưa rành cũng như sức khỏe yếu nên nhận được không nhiều tiền. Dần dần, quen với công việc nên Trương Phong nhận thêm đơn hàng vào buổi tối nên thu nhập ngày càng tăng. 

    "Sau 21h, nhiều đơn đặt hàng phải chạy hơn 5km, nhưng vì buổi tối không tắc đường, phí ship lại cao, tôi vẫn quyết định nhận đơn", anh shipper cho biết.

    Thành quả sau 5 năm làm shipper của anh chàng này khiến nhiều người bất ngờ. Trương Phong đã trả được khoản nợ 1,4 tỷ và thậm chí còn mua được căn nhà có giá khoảng 1 tỷ. Đây có lẽ là điều mà anh chàng còn chưa tưởng tượng được nhưng sau bao nỗ lực đã gặt hái ngoài mong đợi. 

    Điều đặc biệt hơn nữa, Trương Phong còn gặp được một nửa của đời mình trong thời gian đi giao hàng. Trùng hợp thú vị là cô vợ cũng làm công việc giống chồng nên cả hai có thể san sẻ, hiểu cho đối phương. 

    shipper kiem tien ti 1
    (Ảnh: Sohu)

    Câu chuyện của anh chàng bỏ chức giám đốc chuyển qua làm shipper và kiếm được khoản tiền lớn đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng mạng. Có ý kiến cho rằng anh chàng đã uổng phí những năm học đại học, để giờ làm công việc trái ngành trái nghề và thậm chí công việc này không cần phải có bằng cấp cao. 

    "Tôi nghĩ không có nghề nào cao quý hay thấp hèn. Giá trị của bản thân là do tự chúng ta tạo ra, chứ không phải ở tấm bằng đại học", anh chàng lên tiếng chia sẻ quan điểm cá nhân. 

    Anh còn cho biết thêm, bản thân từng phải đối diện với những ánh mắt phán xét của hàng xóm khi cất tấm bằng cử nhân để đi làm nhân viên giao hàng. "Hầu hết mọi người đều có cái nhìn phiến diện về shipper. Bản thân tôi cũng từng bị hàng xóm chê cười vì từ chủ doanh nghiệp chuyển sang giao đồ ăn. 

    Tuy nhiên, tôi biết có rất nhiều người đồng nghiệp của mình cũng xuất thân từ trường đại học có tiếng, học đến Thạc sĩ, làm đến cấp Quản lý nhưng vẫn chọn ngành này. Tôi không nghĩ việc học đại học của mình là lãng phí. Học đại học giúp ta trưởng thành và có đầu óc hơn, còn việc thành công hay không là do chính mình lựa chọn!", Trương Phong chia sẻ. 

    Anh chàng cho biết sẽ tiếp tục gắn bó với công việc này và gia đình cũng ủng hộ lựa chọn của anh. Mình nghĩ đôi khi cuộc đời đưa đẩy, dẫn ta đến với những ngã rẽ vô cùng bất ngờ. Quan trọng là bản thân có thích nghi, có làm tốt hay không. Nếu công việc hiện tại giúp anh chàng kiếm ra tiền, lại lương thiện chẳng hại ai thì không có cớ gì phải từ bỏ. 

    Còn câu chuyện làm “trái ngành trái nghề” của nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp là vấn đề không đơn giản, nếu để giải quyết phải liên quan đến nhiều bên. Do đó, thay vì cứ cố chấp phải làm đúng công việc đã được đào tạo ở trường, tại sao không linh động và mạo hiểm thử sức với lĩnh vực mới? Như anh chàng shipper có chia sẻ, anh cảm nhận 4 năm ở đại học không hề uổng phí mà nó giúp anh trưởng thành hơn, biết suy nghĩ sâu sắc hơn.

    Theo Webtretho

  • Ca làm việc kéo dài 17 tiếng, chỉ dám ăn một bữa để kịp giao 65 đơn hàng của nam shipper người Trung Quốc khiến nhiều người bị sốc.

    vat va giao hang
    Ảnh minh họa

    Một nhân viên giao hàng ở miền trung Trung Quốc được mệnh danh là “nhân viên mẫn cán nhất” trong ngành, sau khi câu chuyện anh này làm việc 17 tiếng/ngày để đảm bảo tần suất giao 4 món hàng/giờ, không dám nghỉ ngơi và chỉ ăn 1 bữa trong ca làm việc được hé lộ.  

    Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), lịch trình làm việc dày đặc của nam shipper được tiết lộ lên mạng xã hội trong cuộc điều tra dịch tễ học của ban phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 quận Định Tương thuộc tỉnh Sơn Tây. 

    Các nhà điều tra y tế địa phương đã công khai chi tiết lịch trình làm việc một ngày của anh Zhang, sau khi anh này được xác định có tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19. Chính quyền địa phương cũng hối thúc người dân báo cáo nếu như có tiếp xúc gần với anh Zhang. 

    Vào ngày 2/11, anh Zhang bắt đầu ca làm việc vào lúc 6h20’ và kết thúc vào lúc 22h53’. Theo Red Star News, nam shipper đã hoàn thành giao 65 đơn đặt thực phẩm, nhưng chỉ dành 10 phút để ăn, và vài phút để tham gia làm xét nghiệm Covid-19. 

    Chính quyền địa phương hy vọng việc công khai lịch trình làm việc và sinh hoạt của anh Zhang sẽ giúp tìm ra những người có tiếp xúc gần với nam shipper từ đó yêu cầu tự theo dõi tại nhà. 

    shipper nhin an giao hang
    Ca làm việc kéo dài 17 tiếng của shipper Zhang được hé lộ trong quá trình chính quyền địa phương điều tra dịch tễ. (Ảnh: SCMP)

    Trong khi đó, anh Zhang đang trải qua đợt cách ly một tuần trong khách sạn. Chia sẻ với dư luận, anh Zhang cho biết với nhiều người, làm việc 17 tiếng là kiệt sức nhưng đó lại là tần suất làm việc thường xuyên của mình. Anh Zhang đã tham giao vào lĩnh vực giao hàng được 3 năm. 

    “Tôi không có thời gian để ăn uống, bởi tôi muốn giao được càng nhiều đồ ăn thì càng kiếm được nhiều tiền. Nếu tôi ngồi ăn trưa, tôi sẽ lãng phí mất một tiếng đồng hồ. Tôi không muốn rơi vào cảnh khi mình đang ăn thì nhận đơn đặt hàng của khách mà họ thì hy vọng sớm nhận được đồ ăn, trong khi tôi không thể giao hàng”, anh Zhang nói. 

    Cũng theo nam shipper, mỗi đơn hàng giao thành công anh kiếm được 48 cent và hoàn thành giao 1.500 đơn mỗi tháng. Anh vừa mới làm đám cưới và chuẩn bị có con. 

    “Tôi hy vọng mình có thể kiếm thêm tiền mua sữa. Tôi cũng mong bố mẹ mình sức khỏe đã yếu sẽ không còn phải làm việc vất vả nữa”, anh Zhang chia sẻ. 

    Theo người quản lý, trong số 40 nhân viên giao hàng, anh Zhang là người đứng đầu trong nhóm 4 nhân viên có năng suất làm việc cao nhất. 

    “Các nhân viên giao hàng của chúng tôi thực hiện giao từ 60 – 70 đơn hàng mỗi ngày. Thông thường, họ quá bận rộn để có thể ăn uống đầy đủ”, người quản lý họ Yang cho biết. 

    Sự chăm chỉ và năng suất làm việc đáng kinh ngạc của anh Zhang đã nhận được sự ngưỡng mộ từ phía cộng đồng mạng. 

    “Nhìn lịch trình làm việc là tôi đã muốn khóc. Đấy đúng là cuộc sống của một người ở dưới đáy xã hội. Nhưng tôi muốn nhắc bạn rằng hãy ăn uống đủ bữa để không làm hại dạ dày. Bạn có vợ và con cần được chăm lo, nên bạn phải chú ý tới sức khỏe của mình”, một bình luận trên Weibo viết. 

    “Tôi ngả mũ trước shipper giao đồ ăn chăm chỉ như thế này”, người khác viết. 

    Trên thực tế, các shipper ở Trung Quốc phải chịu áp lực rất lớn từ phía người quản lý và khách hàng trong quá trình họ làm việc. 

    Như hồi tháng Bảy, một đoạn video gây bão mạng xã hội Trung Quốc cho thấy khách hàng từ chối để shipper sử dụng hệ thống thang máy của tòa chung cư, mà thay vào đó yêu cầu nhân viên giao hàng leo thang bộ. Tới khi nhận đồ, khách hàng còn đổ cả tô mỳ nóng lên người nữ shipper. 

    Theo Infonet

  • Dậy từ 4 giờ sáng để làm việc tới tối muộn, ít ai ngờ, phía sau gia cảnh có vẻ nghèo ấy, lại là người đàn ông sở hữu khối tài sản khủng: hơn chục căn biệt thự và dàn xe sang đời mới.

    Theo thông tin đăng tải, anh Lưu Tam Kha, người Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, một thời từng rất nổi tiếng với màn giả nghèo giả khổ, gây sốt khắp mạng xã hội Trung Quốc.

    Nếu không phải một lần nhờ bạn tới dọn nhà, có lẽ thân phận thật sự của anh chẳng bao giờ bại lộ. Bởi lẽ, suốt 7 năm, anh Kha làm tại công ty chuyển phát nhanh, tỏ ra là một người đàn ông chăm chỉ, nỗ lực kiếm từng đồng để nuôi con ăn học.

    Cho tới khi, vì có việc, anh Kha nhờ đồng nghiệp giúp đỡ dọn nhà. Đến lúc này, đồng nghiệp của anh “ngã ngửa” khi phát hiện anh là một tỷ phú giàu có, nhiều bất động sản trải dài khắp Hồ Bắc. Chưa kể, dàn siêu xe hoành tráng mà bất cứ ai cũng mơ ước của anh khiến đồng nghiệp một phen “mắt tròn mắt dẹt”.

    gia lam shipper
    Tỷ phú giả làm nhân viên giao hàng suốt 7 năm - Ảnh: CNT

    Theo lời hàng xóm kể lại với đồng nghiệp của anh Kha, ngoài căn biệt thự anh đang ở, còn khoảng chừng 10 căn khác đang cho thuê hoặc khai thác kinh doanh. Lý do anh đến với công việc giao hàng nhanh là bởi tiện đưa con gái đi học.

    Nhưng khi bắt tay với nghề, anh làm việc rất nghiêm túc. Ví dụ, 5 giờ sáng có hàng cần giao, 4 giờ sáng anh Kha đã có mặt. Nhờ đó, anh Kha luôn đạt được danh hiệu "Nhân viên giao hàng 5 sao" của công ty.

    Có thêm động lực, và nhận thấy đây là công việc mới mẻ, tạo nhiều hứng thú cho bản thân, anh không ngại trở thành người giao hàng chuyên nghiệp, dù tài sản chẳng thiếu thứ gì.

    Anh Kha tiết lộ với bạn bè, sở dĩ anh có được sản nghiệp lớn như vậy, là nhờ khi còn trẻ buôn bán kiếm được chút vốn, liền bắt tay đầu tư bất động sản. Khi đã có tuổi, anh cũng chưa muốn dừng lại, rong chơi, mà thích được tiếp tục làm việc, được hoạt động mỗi ngày.

    Nói về công việc giao hàng nhanh, anh nói: “Dù là công việc không mang lại quá nhiều tiền, nhưng tôi được gặp gỡ nhiều người. Tôi luôn đặt cái tâm, sự chỉn chu của mình vào tất cả công việc. Có lẽ vì thế, dù làm 7 năm, tôi vẫn chưa bao giờ thấy chán công việc của một nhân viên giao hàng”.

    Theo Thể thao Văn hóa

  • shipper khoe bang luong 20 trieu dong

    Nhiều người cho rằng, làm shipper tuy lương cao nhưng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, còn làm văn phòng có thể thu nhập thấp hơn nhưng đổi lại sự ổn định, an toàn.

    Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện bảng lương của một nhân viên giao hàng khiến nhiều người chú ý. Theo đó, bảng lương ghi rõ các khoản gồm lương cứng, thưởng năng suất, phạt... Mức tổng lương tạm tính là hơn 18 triệu đồng/tháng.

    Với mức thu nhập này, nhiều người tỏ ra khá bất ngờ bởi tổng lương của shipper có khi còn cao gần gấp đôi so với các công việc văn phòng. Tuy nhiên, khi được hỏi có nên nghỉ việc để đi làm shipper, thu nhập cao hơn, đa số nhân viên văn phòng đều trả lời là không.

    bang luong shipper
    Số tiền nam shipper kiếm được mỗi tháng rất lớn, lên đến hàng chục triệu đồng. (Ảnh: FB Beatvn)

    Không dễ để có 20 triệu đồng/tháng khi làm shipper

    Nhiều người vẫn cho rằng, shipper là một công việc đơn giản, dễ làm hay ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Nếu bạn không phải người chăm chỉ, kiên nhẫn hay có tính chịu thương, chịu khó, bạn chắc chắn không thể trở thành một shipper.

    Không phải tự nhiên mà những người làm công việc này có thể đạt được mức 20 triệu/tháng. Hơn nữa, theo bảng lương mà nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội gần đây, mức lương cứng của shipper chỉ gần 4 triệu/tháng. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu bạn muốn lương cao, bạn phải nhận nhiều đơn, giao hàng bất kể thời tiết và đương nhiên, không có cả ngày nghỉ.

    Đánh giá về mức lương này, Thu Hằng (23 tuổi) đang làm marketing tại Hà Nội cho biết: “Nghe 20 triệu/tháng, nhiều người sẽ trầm trồ vì mức lương cao nhưng với mình thì ngược lại. Mình cảm thấy không bất ngờ bởi về bản chất, thu nhập của họ không được cố định mà sẽ tùy thuộc vào năng suất.

    Hơn nữa, ai cũng biết shipper là một công việc hết sức vất vả, trời nắng 40 độ vẫn đi làm, mưa ngập lụt cũng vẫn giao hàng... Còn chưa kể, công việc của họ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, rủi ro. Về mặt phúc lợi xã hội, mình không rõ họ có được bảo hiểm về tai nạn, sự cố... hay không nhưng với cá nhân mình thấy, mức thu nhập này không phải quá cao so với những gì họ bỏ ra”.

    Anh Thi (23 tuổi, TPHCM) đang làm nhân viên văn phòng cũng đồng tình với quan điểm trên. Cô bạn cho rằng, bản thân là người hay đặt đồ ship nên dễ dàng nhận thấy bất kể giờ nào, shipper cũng trong trạng thái sẵn sàng làm việc.

    shipper khoe bang luong 20 trieu dong
    Công việc giao hàng có thể mang đến thu nhập 20 triệu/tháng nhưng rất vất vả và gặp nhiều rủi ro

    “Có khi mình nhận được hàng từ sáng sớm, hôm lại nhận lúc 8h tối, cuối tuần... Bên cạnh đó, nếu là shipper giao đồ ăn, có thể phải làm việc thêm cả khung giờ tối muộn, đêm. Mình không biết mức lương này đã bao gồm trừ các khoản chi phí như điện thoại, xăng xe... chưa nhưng nếu chưa, mình thấy gộp lại 20 triệu đồng không xứng đáng với công việc mệt nhọc như vậy”, Anh Thi nói.

    Điều khác biệt giữa công việc shipper và nhân viên văn phòng là tính ổn định

    Với tính chất công việc của shipper, nhiều người đã lựa chọn dù lương thấp hơn nhưng vẫn tiếp tục làm nhân viên văn phòng. Ngoài ra, lý do mà họ đưa ra là bởi đi làm văn phòng có tính ổn định và an toàn hơn về lâu, về dài so với shipper.

    Anh Thi chia sẻ: “Điều khác biệt giữa nhân viên làm văn phòng và shipper có lẽ là tính ổn định. Công việc giao hàng rất hại sức khỏe, khá mệt mỏi, thường xuyên phải đi ngoài đường và thường được cho là không có lộ trình thăng tiến rõ ràng. Ngược lại dân văn phòng thường sẽ làm ở trong công ty, mùa hè có điều hòa, mùa đông gió rét không tới người. Hơn thế nữa, công việc này hầu hết đều có lộ trình thăng tiến, có thể bứt phá, học hỏi nhiều hơn”.

    Anh Quân (25 tuổi, Hà Nội), mỗi tháng có mức thu nhập cơ bản khoảng 8 - 10 triệu/tháng từ công việc văn phòng, so với mức lương shipper 20 triệu/tháng chỉ bằng một nửa nhưng anh thẳng thừng từ chối nếu có ai đó rủ bỏ việc đi làm shipper.

    “Đầu tiên, bản thân mình cảm thấy công việc giao hàng có rất nhiều khó khăn, vất vả mà mình không thể đảm nhận được. Thứ hai, mình luôn quan niệm bất kể công việc nào cũng đều đáng trân trọng, chỉ là mỗi người sẽ phù hợp với một ngành nghề riêng. Thứ ba, mình ưu tiên cho sự ổn định hơn, nhất là nếu tính xa về tương lai. Mức lương hiện tại của mình, mình thừa nhận không cao bằng với lương của các bạn shipper kiếm 20 triệu/tháng. Tuy nhiên mình vẫn lựa chọn làm văn phòng và hài lòng bởi thời gian, công sức mình bỏ ra xứng đáng với những gì được nhận”, Anh Quân chia sẻ.

    Nếu chỉ lấy số lương ra để so sánh là không công bằng

    Đối với Thu Hằng, Anh Thi và Anh Quân, việc nhiều người chỉ lấy mức lương ra để so sánh công việc giao hàng với những ngành nghề khác là khá phiến diện và không công bằng.

    Anh Thi bày tỏ: “Mình thấy đây là một sự so sánh không cần thiết. Có những người đi làm văn phòng 8 tiếng nhưng chỉ làm 2-3 tiếng nhận mức lương 7 triệu, chia ra số giờ họ làm vậy là xứng đáng. Mặt khác, như mình quan sát, công việc shipper không có thời gian nghỉ trong giờ hành chính hay ngoài giờ, do vậy, chia thu nhập trên số giờ họ làm việc, như vậy là bình thường.

    Hơn thế nữa, mình nghĩ công việc nào cũng sẽ có những khó khăn riêng. Bản thân mỗi người phải làm công việc đó mới có thể hiểu hết được những khó khăn và lợi ích từ đó. Nếu chỉ nhìn từ lương hay bề nổi rất khó để có thể đưa ra những so sánh chính đáng”.

    Thu Hằng cũng cho rằng không thể chỉ lấy con số ra so sánh bởi mức lương này không thể đánh giá được hoàn toàn một công việc nào đó. Cô cũng cho rằng đi làm, dù ngành nghề gì, làm bao nhiêu sẽ nhận được mức lương tương ứng bấy nhiêu. Vì vậy, rất khó để nhận xét làm shipper giàu hơn nhân viên văn phòng.

    shipper khoe bang luong 20 trieu dong
    Muốn so sánh phải xem rằng để đạt được mức lương đó, các shipper đã phải “cày cuốc” vất vả thế nào

    Còn đối với Anh Quân, anh vẫn giữ quan điểm muốn so sánh phải xem xét kỹ, để đạt được mức lương đó, shipper phải “cày cuốc” thế nào. “Mình không đồng tình với những bình luận cho rằng làm shipper còn giàu hơn làm văn phòng. Mình thấy đó là so sánh phiến diện. Công việc nào cũng sẽ có ưu điểm và cả những hạn chế và mức lương, thu nhập vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm, khó để so sánh”.

    Shipper nói gì về mức lương 20 triệu/tháng và được cho là nghề giàu nhất?

    Mai Văn Nam (31 tuổi) hiện đang làm nhân viên giao hàng cho biết công việc này có thể đạt mức lương 20 - 25 triệu/tháng, thậm chí cũng có những người đạt trên mức này. Tuy nhiên, anh chàng cũng cho biết để có số thu nhập đó, shipper phải làm việc bận rộn từ sáng đến tối muộn.

    "Chẳng có ai làm shipper chạy buổi sáng, chiều về ngủ mà lương tháng đạt được mức như vậy cả. Mọi người thử làm sẽ hiểu, quần quật từ sáng đến muộn, trên xe lúc nào cũng mấy tải hàng nặng trịch. Rủi ro của công việc này mình nghĩ mọi người đều có thể nhìn ra.

    Không nói đến những vấn đề liên quan đến sức khoẻ hay chẳng may gặp nạn trên đường, riêng việc ứng xử với khách hàng thôi cũng rất khó khăn rồi. Khách khó tính hoặc bùng hàng, bùng tiền... chúng mình đều phải trải qua hết. Nên nếu mọi người đánh giá đây là công việc "giàu" nhất thì cũng nên nhìn nhận đó là công việc "khổ" nhất", Mai Văn Nam bày tỏ.

    Theo Phụ nữ Việt Nam