Tài xế đổ bệnh sau vài năm dầm mưa dãi nắng chạy xe ôm công nghệ

Nhiều tài xế chạy xe ôm công nghệ chỉ qua năm thứ ba, thứ tư bắt đầu đổ bệnh, phần lớn là thoát vị đĩa đệm, bệnh về hô hấp và mắt vì khói bụi.

xe om cong nghe 1
Nhiều tài xế đối diện với tình trạng sức khỏe bị suy giảm sau thời gian dài chạy xe ôm công nghệ. Ảnh: Hữu Chánh

Sức khoẻ lao dốc

Năm hôm kể từ khi nhận kết quả bị thoát vị đĩa đệm, anh Nguyễn Văn Ngọc (trọ ở Bình Tân, TPHCM) vẫn chưa bỏ được thói quen thức giấc từ 5h sáng.

Người đàn ông quê Tiền Giang cho biết, 5 năm qua, trừ ngày ốm không gượng dậy nổi, còn lại phải cố gắng dắt xe ra đường để đi làm, bởi 4 người trong gia đình đều trông vào số lương hơn chục triệu đồng từ việc chạy xe ôm công nghệ của anh.

“Để kiếm 10-15 triệu đồng một tháng, tôi sẽ phải dành ra tối thiểu 12 tiếng làm việc mỗi ngày. Có lúc đi làm từ tờ mờ sáng, trở về khi các con đã ngủ say” - nam tài xế nói và thừa nhận, chạy GrabBike cướp đi sức khỏe, song chấp nhận đánh đổi để có tiền trang trải cho chi phí ở một thành phố đắt đỏ.

Vài tháng trở lại đây, mỗi tối về nhà, cơ thể anh mệt rã rời. Những cơn đau ê ẩm vùng cổ, vai, gáy bắt đầu xuất hiện và tần suất ngày càng dày đặc. Điều này khiến nam tài xế nhiều đêm không ngủ được.

Lo lắng cho sức khoẻ, người đàn ông 35 tuổi đến thăm khám tại một bệnh viện ở TPHCM. Anh Ngọc được các bác sĩ chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và bắt đầu bước vào giai đoạn nghiêm trọng.

"Khi lên cơn đau, tôi gần như chỉ muốn nằm một chỗ, bị hạn chế mọi hoạt động. Đặc biệt với nghề chạy xe, chấn thương cột sống nặng gần như sẽ phải bỏ việc" - anh Ngọc nói.

Chị Hồ Thị Vân (33 tuổi, vợ tài xế Ngọc) cho biết, chị phải nghỉ nghề may thuê để ở nhà trông con nhỏ. Mọi chi phí đều chờ đợi ở chồng, tiền sữa bỉm cho con nhỏ, tiền rau cháo mỗi ngày và tiền học mẫu giáo cho con gái lớn. "Giờ chồng bệnh tình phải nghỉ làm để điều trị, tôi chỉ còn biết cầu trời cho anh khỏe lại" - chị Vân cho hay.

Đứng ngồi không yên khi sức khỏe của chồng đi xuống, chị tính toán gia đình sẽ quay về quê ở Tiền Giang tìm cách khác mưu sinh. Dù tương lai còn mù mịt, song sức khỏe của chồng phải được đặt lên hàng đầu.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Hoàng (quê Bình Dương) mới đây cũng xuất hiện những dấu hiệu bất thường về sức khoẻ sau nửa năm dầm mưa dãi nắng chạy GoRide bán thời gian.

Đến bệnh viện, nam sinh viên được chẩn đoán bị viêm dạ dày, viêm họng và viêm mũi dị ứng do thường xuyên tiếp xúc với bụi, khói, ô nhiễm không khí.

Anh Hoàng cho hay, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên phải vừa đi học vừa đi làm thêm để kiếm tiền trang trải sinh hoạt. Thu nhập không được như kỳ vọng, trong khi sức khỏe có dấu hiệu đi xuống khiến thanh niên 21 tuổi tìm hướng quay đầu.

"Sau lần này, tôi sẽ tìm công việc khác, cân đối giữa việc học và làm thêm để không ảnh hưởng đến sức khỏe" - anh Hoàng nói.

Căn nguyên của những cơn đau

Theo bác sĩ Trịnh Quang Anh - Trưởng Đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp và y học thể thao tại Bệnh viện 1A (TPHCM), những người hành nghề xe ôm có đặc thù phải ngồi nhiều, do đó đối diện với nguy cơ đau cổ vai gáy.

Điều này xuất phát từ mất cân bằng cơ thân trên, nhóm cơ vùng cổ, vai và trước ngực dẫn đến tình trạng lệch vẹo, căng cơ, mỏi cơ.

Đặc biệt, trong một số trường hợp, kéo vai xệ xuống gây áp lực chèn ép mỏm cùng vai, hoặc thần kinh và mạch máu cùng dưới xương đòn. Bệnh nhân đau tê từ vai xuống tay thường có khả năng bị áp lực chèn ép tại xương đòn.

xe om cong nghe 1
Tài xế xe ôm công nghệ giờ đây ngán ngẩm vì ế cuốc.

Ngoài ra, nguyên nhân đau từ gáy xuống tay có thể xuất phát từ việc thoát vị đĩa đệm hoặc sự chèn ép dây thần kinh do cột sống cổ. Khi xảy ra mất cân bằng, trọng tâm và áp lực trên bề mặt khớp thay đổi, gây ra sự phình to và lồi ra của đĩa đệm.

"Nếu phát hiện kịp thời và thực hiện tập luyện trong giai đoạn này, tình trạng có thể được cải thiện. Tuy nhiên, nếu để lâu, khi sự xơ hoá ở giai đoạn vòng xơ dưới đĩa đệm đã xảy ra, khả năng phục hồi đĩa đệm sẽ khó khăn" - bác sĩ Quang Anh nói.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần cân đối thời gian làm việc, bảo đảm giấc ngủ, hạn chế các chất kích thích. Thường xuyên vân động thể dục thể thao, ăn uống hợp lý, khám chữa bệnh kịp thời để tránh các biến chứng nặng nề...

Theo Lao Động