• Được mệnh danh là "cây cầu rung lắc", cầu Millennium sẽ cần được trùng tu toàn diện. 

    cau millennium bridge
    Cầu Millennium nối giữa Nhà thờ St Paul's và Trung tâm triển lãm Tate Modern. Ảnh: PA

    Cây cầu Millennium Bridge ở London sẽ được đóng cửa 3 tuần để phục vụ cho yêu cầu sửa chữa khẩn cấp và lau dọn. City Bridge Foundation, quỹ từ thiện quản lý các cây cầu lớn bắt qua sông Thames ở London cho biết một phần cấu trúc của cây cầu đã có dấu hiệu xuống cấp. 

    Một lớp màng cần được thay thế, sau đó cây cầu sẽ được vệ sinh tổng thể. Cầu Millennium Bridge nối giữa Nhà thờ St Paul's Cathedral ở City of London với Bảo tàng Tate Modern ở South Bank.

    Nó được khánh thành rình rang vào năm 2000 nhưng người ta phát hiện cây cầu thường "rung lắc" trong gió. Do đó nó phải đóng cửa và tái mở cửa vào năm 2002. Từ đó, tình trạng cây cầu nhìn chung không gặp vấn đề gì. 

    Sau đợt trùng tu mới nhất này, cây cầu sẽ mở cửa lại sớm nhất là vào ngày 5 tháng 11. Tổ chức City Bridge Foundation cho biết lớp màng chia tách cấu trúc thép của cây cầu với phần bề mặt cầu làm bằng nhôm.

    Chủ tịch của tổ chức, ông Shilson cho biết cây cầu đang bắt đầu lão hóa. Ông nói: "Lớp màng chia tách phía dưới bề mặt cầu đang bắt đầu xuống cấp, gây ra một số tổn hại trên bề mặt, đòi hỏi phải khắc phục ngay".

    "Thay thế lớp màng này là một quá trình tốn kém thời gian, do đó chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là phải đóng cửa cây cầu trong 3 tuần và chạy đua với thời gian để sửa chữa càng nhanh càng tốt".

    Cây cầu cũng sẽ được vệ sinh sạch sâu để bảo đảm nó trông như mới. 

    Viethome (theo Evening Standard)

  • Cây cầu có thiết kế uốn lượn và có ghế ngồi ở những khúc quanh.

    cay cau song thames 1
    Chỗ uốn lượn của cây cầu được lắp đặt thêm ghế ngồi nghỉ chân. Ảnh: Newham Council

    Cư dân ở East London đã ủng hộ kế hoạch xây dựng một cây cầu chỉ dành cho người đi bộ và đi xe đạp gần sân bay London City Airport, vì nó sẽ giúp người dân dễ di chuyển tới đường Elizabeth Line và Docklands Light Railway (DLR). 

    Tập đoàn Silvertown Partnership LLP muốn xây 1 cây cầu bắc qua vịnh Royal Victoria Dock ở Newham, nơi người dân có thể qua lại 24/7. 

    Những hình ảnh phác họa mới nhất cho thấy cây cầu có hình chữ S và rất thuận tiện cho người khuyết tật và trẻ ngồi xe đẩy vì không có các bậc tam cấp lên xuống. Ngoài ra ở những khúc quanh uốn lượn của cây cầu còn có các băng ghế dài, nơi người đi bộ có thể dừng chân nghỉ ngơi.

    Cây cầu sẽ giúp cư dân và du khách di chuyển từ 2 bên phía cảng Royal Victoria Dock. Kế hoạch này đã được các quan chức quy hoạch ở Newham khen ngợi, vì nó tạo tiện ích thuận lợi cho cả bến cảng và khu vực Silvertown Quays, giúp khu vực dân cư xung quanh trở nên hấp dẫn, thuận tiện di chuyển. 

    Người dân địa phương cũng đã chia sẻ quan điểm ủng hộ của họ đối với cây cầu mới. Một người nói: "Phải nhấn mạnh rằng tôi rất mong mỏi cây cầu này. Nó sẽ giúp bạn dễ di chuyển đến đường Elizabeth Line và DLR".

    cay cau song thames 1
    Cây cầu được bật đèn vào buổi tối. Ảnh: Newham Council

    Một người khác nói: "Đúng vậy, chúng tôi cần cây cầu này càng sớm càng tốt, đặc biệt trẻ em trong khu vực đang ngày càng tăng. Chúng tôi có thể dễ dàng đẩy chúng bằng xe nôi. Những cây cầu hiện tại đều không thích hợp. 

    Một người khác nói: "Tôi rất vui vì người đi xe đạp sẽ có lối đi riêng. Tôi cũng ủng hộ việc đập bỏ cầu tàu cũ và biến nó trở nên đẹp đẽ hơn".

    Tuy nhiên, hình dạng chữ S có thể khiến quảng đường qua cầu trở nên dài hơn. "Hình dạng uốn lượn này sẽ khiến hàng ngàn người dân phải đi bộ lâu hơn, tại sao không làm một đường thẳng", một người thắc mắc. 

    "Một đường thẳng, vuông góc sẽ hiệu quả hơn cho tất cả", người khác nói.

    Được biết, cây cầu này sẽ hoạt động 24/7 cho mọi người đi bộ và xe đạp. Nếu kế hoạch được thông qua vào ngày 16 tháng 5, 35% việc xây dựng cây cầu sẽ được giao cho lao động địa phương, 7 vị trí học nghề cũng được cấp cho lao động địa phương tuổi từ 18-30.

    Cũng sẽ có 3 vị trí thực tập dành cho cư dân Newham, được trả lương tối thiểu theo bậc London. 

    Viethome (theo MyLondon)

  • Chi phí tháo dỡ cầu London tốn 2,5 triệu USD, trong khi chi phí di dời công trình từ nước Anh sang Mỹ mất tới 7 triệu USD.

    London Bridge chắc hẳn là một cái tên quen thuộc với nhiều người trên thế giới. Đây chính là cây cầu được sử dụng trong mật mã "Cầu London đã sập" để ám chỉ việc Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời. Nó thường bị nhầm lẫn với cầu tháp London (Tower Bridge) - biểu tượng của thủ đô Anh quốc. 

    Cầu London chỉ là một cây cầu có kiến trúc bình thường nằm cách cầu tháp London vài trăm mét, bắc qua sông Thames với mục đích chính là phục vụ giao thông, không phải điểm đến du lịch. Thế nhưng lịch sử của cây cầu này lại vô cùng thú vị. Cây cầu hiện tại đang nằm ở thủ đô nước Anh là phiên bản mới được xây dựng từ năm 1973. Còn cầu London thực sự trước đó thì đang nằm ở... nước Mỹ.

    ban london bridge 1
    Cầu London ngày nay ở thủ đô Anh quốc mới được xây dựng không lâu

    Cuộc đàm phán bán cây cầu cũ

    Vào đầu những năm 1960, các quan chức ở Anh đã phát hiện ra một điều đáng lo ngại: Cầu London đang bị sập. Nhịp cầu dài 1.000 foot đã tồn tại hơn 130 năm và sống sót sau khi bị đứt gãy trong Chiến tranh Thế giới thứ II, nhưng nó không còn đủ sức để phục vụ cho lưu lượng giao thông hiện đại và đang dần chìm xuống sông Thames với tốc độ một inch sau 8 năm.

    Việc cải tạo được cho là không thực tế vì tốn quá nhiều chi phí. Vì vậy chính quyền London đã quyết định xây dựng phá bỏ cầu và xây dựng thay thế một công trình hiện đại, thân thiện với xe hơi hơn. 

    ban london bridge 1

    ban london bridge 1
    Ảnh chụp cây cầu London vào thế kỷ 19

    Như một lẽ hiển nhiên, cây cầu London cổ gần 200 năm tuổi đã xuống cấp được dự định sẽ bị phá bỏ và đem ra bãi phế liệu. Thế nhưng một ủy viên hội đồng thành phố tên Ivan Luckin đã thuyết phục các đồng nghiệp của mình rằng có thể bán cây cầu này. Năm 1968, ông đến tận nước Mỹ ở bên kia đại dương để tiếp thị, tìm khách hàng tiềm năng.

    Luckin biết rằng cầu London có thể là một "sản phẩm" vô cùng khó bán. Được hoàn thành vào năm 1831 từ một thiết kế của kỹ sư John Rennie, nó có kiến trúc bình thường, kém hào nhoáng hơn nhiều một số cầu vượt khác ở cả nước Anh lẫn nước ngoài. Người dân London coi cây cầu chỉ là công trình công cộng để qua sông, nhưng sau khi đến Mỹ, Luckin đã quảng bá nó như một "nhân chứng" thời gian. 

    "Cầu London không chỉ là một cây cầu, nó là người thừa kế 2.000 năm lịch sử từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, đến thời kỳ La Mã Londinium", ông tuyên bố trong một cuộc họp báo ở New York.

    Quả thật, sau đó chính trị gia này đã tìm được người mua, đó là doanh nhân người Mỹ Robert P. McCulloch. Ông vốn là một tỷ phú xuất thân bần hàn, sau đó thành công nhờ thành lập các công ty bán dầu, động cơ và cưa máy. McCulloch luôn được gọi là một tỷ phú lập dị và có nhiều phi vụ ít ai ngờ tới, thích theo đuổi các kế hoạch kinh doanh "trên trời".

    ban london bridge 1
    Robert P. McCulloch đứng trên Cầu London trước khi nó được tháo dỡ. Ảnh chụp ngày 18/4/1968

    Kế hoạch mua cầu London của tỷ phú nước Mỹ được suy tính một cách bài bản. Vào năm 1963, ông đã mua hàng nghìn mẫu đất gần Hồ Havasu ở Arizona, một vùng nước bị cô lập do một con đập trên sông Colorado tạo ra.

    McCulloch đã thành lập cộng đồng Thành phố Hồ Havasu tại địa điểm này và ông mộng biến nó thành một ốc đảo du lịch nổi tiếng. Nhưng ông vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hút du khách. Khi nghe đến phi vụ bán cầu London của nước Anh, Robert P. McCulloch ngay lập tức cho rằng cây cầu này có thể sẽ là thứ mình cần để biến thành phố của mình thành một địa điểm đặc sắc. 

     "Tôi đã có ý tưởng nực cười là mang nó đến sa mạc Arizona. Tôi cần cây cầu, nhưng ngay cả khi tôi không cần nó để làm du lịch, tôi có thể vẫn sẽ mua nó thôi", ông từng nói đùa với Tạp chí Chicago Tribune. 

    Các cuộc đàm phán được tiến hành nhanh chóng trong suốt mùa xuân năm 1968. Theo McCulloch, phần khó khăn nhất là quá trình ra giá bán với chính quyền Thành phố London. Cuối cùng, sau khi biết rằng việc tháo dỡ cây cầu sẽ tiêu tốn 1.200.000 USD, McCulloch đề nghị trả giá gấp đôi số tiền đó. Vào tháng 4 năm 1968, với mức giá cuối cùng là 2.460.000 USD, Robert McCulloch đã trở thành chủ nhân của "món đồ cổ lớn nhất thế giới".

    Hành trình di dời công trình 10.000 tấn

    Cây cầu London đã được tháo rời và đưa lên tàu chở hàng, đi qua kênh đào Panama đến Long Beach, California. Từ đó, nó được chở đến thành phố Hồ Havasu. Nó được lắp ráp lại từng mảnh và khánh thánh một lần nữa vào tháng 10 năm 1971.

    Chi phí vận chuyển được ước tính gấp gần 3 lần phí mua cầu - 7 triệu USD. Khi đến "nhà mới" cầu được sửa sang để không bị đổ sập. Các yếu tố chịu lực của cây cầu là một cấu trúc mới, nhưng đá từ cây cầu ban đầu được giữ nguyên vẹn. 

    Dự án độc nhất vô nhị của tỷ phú McCulloch được cho là đã thành công. Sau vụ mua bán được cả thế giới quan tâm và đưa tin, nhiều người đã đến mua đất ở thành phố Hồ Havasu. McCulloch đã thu hồi lại vốn chi phí mua và lắp ráp lại cây cầu. Ngày nay, thành phố ghi tên cây cầu là "điểm thu hút du lịch lớn thứ hai của Arizona, sau Grand Canyon.

    ban london bridge 1

    Cầu London cho đến ngày hôm nay vẫn đang ở nước Mỹ và vẫn được sử dụng. Tuy nhiên, một vụ tai nạn giao thông gần đây đã làm hỏng một đoạn của cây cầu. Ngay sau đó, nó đã được sửa chữa và một loạt các sự kiện, lễ hội đặc biệt vẫn được tổ chức trên và xung quanh cây cầu hàng năm. 

    ban london bridge 1
    Cầu London nổi tiếng hơn khi được di dời sang bên kia đại dương

    Kênh 14 (nguồn: History)

  • Nằm giữa tiên cảnh bao la hùng vĩ, cây cầu với kiến trúc mái vòm được chống đỡ bởi 18 cột đá cao 38m là một công trình lịch sử có giá trị văn hóa và kinh tế vô cùng to lớn đối với người dân xứ Wales.

    cau dan nuoc Pontcysyllte wales 1

    Pontcysyllte là cây cầu dẫn nước dài nhất và cao nhất ở Vương quốc Anh. Vắt qua con sông Dee ở thị trấn Wrexham (bắc xứ Wales), cây cầu này được xếp hạng công trình di tích quốc gia hạng I và được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2009.

    Cây cầu dài 307m và cao 38m so với mực nước sông. Đây là một trong những công trình lớn đầu tiên của kiến trúc sư và công trình sư Thomas Telford. Ông là một trong những người tiên phong thiết kế cầu đường hiện đại. Ông đã thiết kế hàng loạt cầu, đường và kênh đào tại nước Anh vào thế kỉ 19.

    cau dan nuoc Pontcysyllte wales 1
    Ca nô băng qua cầu Pontcysyllte. Ảnh: ITV Wales News

    Lịch sử xây dựng cây cầu

    Cây cầu này là một dự án tham vọng và đột phá được khởi công vào năm 1795. Thời điểm đó, cầu dẫn nước thường có cấu trúc bằng gạch với phần đáy được làm bằng đá kết dính bởi đất sét để chống thấm nước. Ít có cây cầu nào cao quá 10m so với mặt đường hoặc mặt sông.

    Kế hoạch của ông Telford là sử dụng một máng xối làm bằng gang để dẫn nước và tàu thuyền băng qua thung lũng. Cây cầu này cao gấp 3 lần chiều cao của những cây cầu dẫn nước thời bấy giờ.

    Công trình này được thiết kế và xây dựng trong suốt 20 năm từ 1790-1810. Đây cũng là thời đại mà người ta xây dựng rất nhiều kênh đào ở England và xứ Wales. Có tới 1.900km kênh đào đã được hoàn thiện trong thời gian này.

    cau dan nuoc Pontcysyllte wales 1
    Cây cầu gồm 18 cột đá cao 38m. Ảnh: canalrivertrust

    Theo bản vẽ, các công nhân phải xây dựng 18 cây cột đá cao 38m để chống đỡ thân cầu. Để giảm tải trọng và tiết kiệm vật liệu, từ độ cao 21m trở lên thì thân các cây cột này hoàn toàn rỗng.

    Nước kênh được dẫn qua máng xối làm từ các tấm gang đặt ngang. Máng xối rộng 3,7m và sâu 1,7m. Kiến trúc 18 mái vòm bằng đá đủ chắc chắn để vận tải nước cùng tàu bè. Bề rộng của cây cầu đủ cho một chiếc tàu nhỏ hoặc ca-nô đi qua, ngoài ra còn có một lối đi dành cho người đi bộ.

    Vữa dùng để xây cầu là hỗn hợp của vôi, nước và máu bò. Máu bò vốn được dùng trong ngành xây dựng từ thời cổ đại, ít tốn kém mà lại rất vững chắc.

    Lối đi bộ được làm cao hơn mặt nước một chút để nước không bắn lên khi tàu bè đi qua, ngoài ra còn có lan can an toàn. Trong khi phía thành cầu còn lại thì khá thấp và không có lan can, tạo cảm giác như đang ở rìa vực thẳm.

    cau dan nuoc Pontcysyllte wales 1
    Người dân đi dạo, du lịch. Ảnh: black-prince

    cau dan nuoc Pontcysyllte wales 1
    Địa điểm này rất thích hợp để chèo thuyền. Ảnh: wrexham

    Khi cây cầu hoàn thành, các kĩ sư dẫn nước vào máng xối và ngâm trong 6 tháng để kiểm tra độ chống thấm nước của công trình.

    Cứ mỗi 4 năm, hai đầu cầu lại được niêm phong vào tháng 1 và tháng 2 để xả nước từ trên máng xối xuống sông Dee bên dưới. Nước cạn, các chuyên gia mới có thể tiến hành kiểm tra và bảo dưỡng cầu.

    cau dan nuoc Pontcysyllte wales 1
    Cây cầu xả nước để bảo dưỡng 4 năm 1 lần. Ảnh: bordercountiesadvertizer

    cau dan nuoc Pontcysyllte wales 1
    Nước trên cầu xuôi xuống con sông bên dưới. Ảnh: Unesco

    Giá trị của cây cầu

    Cầu Pontcysyllte được xây dựng để vận chuyển kênh Llangollen qua thung lũng Dee. Con kênh này nối liền ngành công nghiệp ở đông bắc xứ Wales với hệ thống kênh đào xuôi xuống miền nam tới vùng trung du của nước Anh.

    Cây cầu giúp người ta thuận lợi thông thương hàng hóa từ Wales tới England, kích thích nền kinh tế địa phương phát triển và tạo cơ hội giao lưu với các thị trường mới.

    Cầu được sử dụng trong 200 năm, trong đó 130 năm đầu tiên dùng vận chuyển than, sắt, đá, hàng hóa... Sau này nó trở thành địa điểm du lịch thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm.

    cau dan nuoc Pontcysyllte wales 1
    Cây cầu thật hùng vĩ khi nhìn từ trên cao. Ảnh: canalrivertrustwaterfront

    Mỗi cây cầu đều là một công trình có ý nghĩa thông thương và kết nối, giúp tiết kiệm thời gian và tài nguyên của con người. Đặc biệt ở những vùng hẻo lánh, giao thông trắc trở, một cây cầu chắc chắn bắc qua sông suối có ý nghĩa vô cùng to lớn, mở ra nhiều cơ hội kinh tế lẫn du lịch với người dân địa phương.

    Còn bạn, bạn có ấn tượng ra sao với chiếc cầu độc đáo này? Cùng chia sẻ ý kiến với chúng tôi nhé!

    Nguồn: ICE - Institution of Civil Engineers

  • Ba cây cầu chính trên sông Thames không cho phép ôtô qua lại. Một cầu thậm chí không đủ an toàn với người đi bộ còn cầu Tháp nổi tiếng phải đóng cửa hai ngày hồi tháng trước.

    Từng người một, họ bước ra để kể câu chuyện của mình.

    Trẻ em đột nhiên phải mất hai giờ để đến trường và hai giờ nữa để quay về. Những cuộc hẹn hàng tuần với bác sĩ của người về hưu trở thành chuyến đi nửa ngày đầy gian khổ. Công việc kinh doanh của chủ cửa hàng bị tê liệt vì những người đi làm mỗi ngày biến mất.

    Tất cả chỉ vì cầu Hammersmith - cây cầu treo từ thế kỷ 19 nối quận Barnes với phần lớn London - bị ăn mòn nghiêm trọng, phải đóng cửa vào tháng trước do vấn đề an toàn.

    “Bây giờ, em cần thức dậy lúc 6h15, mỗi ngày, sáu ngày một tuần”, bé Aston Jenkins, 10 tuổi, cho biết. Câu chuyện này thu hút sự đồng cảm của đám đông tức giận nhưng đang biểu tình một cách cực kỳ lịch sự gần cây cầu.

    cau hammersmith 1
    Biểu tình phản đối việc đóng cửa cầu Hammersmith. Ảnh: New York Times.

    Mặc dù các vấn đề về kết cấu của cầu Hammersmith đặc biệt nghiêm trọng, đây không phải cây cầu duy nhất ở London bị xuống cấp.

    Hai cây cầu chính ở trung tâm London - cầu Vauxhall và cầu London - không cho ôtô đi qua vì đang được sửa chữa khẩn cấp. Cầu Tháp London, biểu tượng của thành phố, phải ngưng hoạt động trong hai ngày vào tháng trước sau khi trục trặc máy móc làm cầu không thể hạ xuống.

    Tại đám đông biểu tình, Mary Janes, nữ sinh trẻ, khua biểu ngữ với dòng chữ nói lên sự thật không thể tránh khỏi: "Những cây cầu ở London đang sụp đổ!".

    Nước Anh không thể xây cầu mới

    Philip Englefield - ảo thuật gia chuyên nghiệp sống ở Barnes - chỉ ra rằng khi cầu treo ở Genoa, Italy, bị sập vào năm 2018 khiến 43 người chết, Italy đã cố gắng không mệt mỏi, ngay cả khi phải chiến đấu với Covid-19, để xây dựng cây cầu thay thế. Cây cầu đó được khánh thành vào tháng trước.

    "Tại sao chúng ta không thể làm điều đó?", ông Englefield hỏi đám đông. “Không thể tin đây là nước Anh”.

    Đó chính là vấn đề. Cầu Hammersmith là phép ẩn dụ cho thấy nước Anh thay đổi sau một thập kỷ thắt lưng buộc bụng về kinh tế, nhiều năm chiến tranh chính trị vì Brexit và nhiều tháng đóng cửa để chống lại Covid-19. Vấn đề cuối cùng trong số đó đã làm tiêu hao quỹ công vốn chịu nhiều áp lực của Anh.

    Như những con đường và cây cầu khác ở London, cầu Hammersmith bị bỏ bê trong nhiều thập kỷ. Việc sửa chữa hoàn toàn cây cầu này sẽ tiêu tốn khoảng 187 triệu USD. Đây là số tiền mà cả Hội đồng Hammersmith & Fulham - bên sở hữu cây cầu - cũng như cơ quan giao thông vận tải của London, không có.

    cau hammersmith 1
    Cầu Hammersmith, công trình từ thời Victoria, không cho cả người đi bộ qua lại vì vấn đề an toàn. Ảnh: New York Times

    Cục Vận tải London - nơi điều hành hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt và một số tuyến đường chính - phải thương lượng khoản cứu trợ gần 2 tỷ bảng Anh (khoảng 2,6 tỷ USD) từ chính phủ để bù đắp doanh thu bị thiếu hụt sau khi lượng hành khách giảm mạnh trong thời gian phong tỏa. Ngoại trừ giờ cao điểm, tàu điện ngầm ở London vẫn giống như những chuyến tàu ma.

    Hammersmith đã kêu gọi sự giúp đỡ từ Thủ tướng Anh Boris Johnson. Song, ông Johnson thắng cử bằng việc hứa chi tiền cho các dự án tầm cỡ như đường sắt cao tốc trị giá hơn 130 tỷ USD, chứ không phải cho di tích bằng gang của thời Nữ hoàng Victoria.

    Ông Johnson cũng muốn mang lại sự giàu có cho vùng Trung du và phía bắc - hai khu vực đang gặp thách thức về kinh tế của Anh - chứ không phải giải cứu một vùng đất giàu có của London.

    “Chính phủ sợ chi tiền vào London vì việc này sẽ đe dọa kế hoạch ‘nâng cấp’ của họ”, Tony Travers, chuyên gia về các vấn đề đô thị tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE), nói với New York Times. “Hứa hẹn xây dựng những thứ sáng bóng cho tương lai nghe hấp dẫn hơn việc sửa cầu hay vá đường”.

    Việc nghị sĩ Zac Goldsmith thuộc đảng Bảo thủ của ông Johnson - người đại diện cho khu vực bao gồm Barnes - mất ghế trong cuộc bầu cử vừa qua, cũng không giúp ích gì. Ông Goldsmith đã cam kết sửa cây cầu trong chiến dịch tranh cử.

    Người kế nhiệm của Goldsmith, Sarah Olney của đảng Dân chủ Tự do, cho biết bà không nhận được bất kỳ câu trả lời nào từ các bộ trưởng cho những lá thư xin giúp đỡ.

    London đã tránh được thảm họa

    Michael White, cựu biên tập viên chính trị tại tờ Guardian sống ở bờ bắc sông Thames, chỉ ra vấn đề của sự bất đối xứng. Quận Barnes ở bờ nam cần cây cầu hơn quận Hammersmith ở bờ bắc.

    Rất nhiều cư dân Barnes băng qua cây cầu này mỗi ngày để đến ga tàu điện ngầm gần nhất. Chiều ngược lại có ít người hơn. Điều này làm hoạt động sửa chữa tốn kém khó chấp nhận với các quan chức ở Hammersmith, khu vực kém giàu có hơn.

    Tuy nhiên, lãnh đạo của Công đảng trong hội đồng - Stephan Cowan - nhấn mạnh rằng Hammersmith sẽ sửa chữa cây cầu nếu tìm được sự hỗ trợ tài chính. Ông cũng nói hội đồng đã ngăn được thảm họa khi thuê kỹ sư đến kiểm tra cây cầu vào năm 2014. Họ đã tìm thấy mạng lưới các vết nứt nhỏ trên bệ đỡ bằng gang của cây cầu, kết quả của nhiều năm bị ăn mòn.

    Tháng 4/2019, nhà chức trách ngưng cho ôtô đi qua cây cầu này. Tuy nhiên, người đi bộ và đi xe đạp vẫn được phép qua lại.

    cau hammersmith 1
    Cầu Tháp bắc qua sông Thames bị kẹt, khiến giao thông hỗn loạn ở London vào ngày 22/8. Ảnh: AP

    Sau đợt nắng nóng gần đây, các vết nứt rộng ra. Vì gang giòn hơn thép, những thay đổi đó làm tăng nguy cơ các bệ đỡ bị vỡ và khiến cây cầu sụp xuống sông Thames. Hội đồng lập tức không cho phép đi lại trên cầu.

    “Nếu không xem xét lại cây cầu, tôi tin rằng chúng tôi có thể đã gặp phải một thảm họa”, ông Cowan nói.

    Không chỉ phương tiện trên cầu, cơ quan cảng London còn cấm tàu ​​thuyền đi lại bên dưới cầu Hammersmith. Điều đó sẽ làm gián đoạn cuộc đua thuyền hàng năm giữa Đại học Oxford và Cambridge.

    Trong thư gửi thủ tướng vào tháng trước, ông Cowan đánh vào ý thức lịch sử của ông Johnson. Sẽ rất “khủng khiếp” nếu để công trình tiên phong về kỹ thuật trong thế kỷ 19 này “sụp xuống sông Thames, ngay trung tâm thủ đô của chúng ta”, ông Cowan viết.

    Trên thực tế, thiết kế khác biệt từ lâu đã khiến cây cầu này dễ gặp các vấn đề về kết cấu và chất liệu bằng gang khiến việc sửa chữa khó và tốn kém hơn nhiều, ông Cowan cho biết.

    Cây cầu thoát khỏi sự phá hủy trong gang tấc vào năm 1996 khi hai khối chất nổ dẻo của Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) đặt dưới nó không phát nổ. Bốn năm sau, phe khác của IRA phá hủy cầu này bằng một quả bom. Cây cầu phải dừng hoạt động để sửa chữa trong hai năm.

    Người dân có thể phải chờ trong khoảng thời gian tương tự hoặc thậm chí lâu hơn. Theo ông Cowan, ngay cả các phương án thay thế tạm thời cũng rất tốn kém.

    Việc ổn định cây cầu đủ để người dân và tàu thuyền đi qua sẽ tốn khoảng 60 triệu USD. Một cây cầu tạm cho người đi bộ và đi xe đạp sẽ tốn khoảng 35,5 triệu USD và mất 6-9 tháng để xây dựng.

    Trong lúc đó, người dân đề xuất những giải pháp khác, như phà hoặc xe buýt đưa đón.

    Với những người lớn tuổi tham gia cuộc biểu tình, sự mong manh của những cây cầu ở London không chỉ đơn thuần như giai điệu trong bài đồng dao nổi tiếng London Bridge is Falling Down. Ông Christopher Morcom - 81 tuổi - kể lại rằng vào năm 1967, doanh nhân người Mỹ Robert McCulloch đã mua lại cây cầu London đổ nát.

    Ông McCulloch sau đó tháo dỡ cây cầu và đem nó đến thành phố Lake Havasu, bang Arizona ở Mỹ. Cây cầu đó trở thành một điểm thu hút khách du lịch giữa vùng sa mạc. (Cầu London đang được xây dựng là phiên bản thay thế cho cây cầu từ thế kỷ 19 đó).

    Câu chuyện này cho ông Morcom một ý tưởng. “Tôi không biết cây cầu cũ này có thể sửa được hay không”, ông nói và chỉ về phía cầu Hammersmith. "Có lẽ chúng ta nên bán nó cho tổng thống Mỹ".

    Theo New York Times

  • Tower Bridge là biểu tượng độc đáo của London. Được xây dựng từ năm 1886 đến 1894, cầu Tower Bridge mất 8 năm với sự tham gia của 5 nhà thầu lớn và 432 công nhân xây dựng làm việc miệt mài mới hoàn thành.

    2 cầu tàu khổng lồ phải được chôn sâu dưới lòng sông, hơn 11.000 tấn thép tạo nên khung của cây cầu cũng như lối đi bộ. 

    Khi việc xây dựng hoàn thành, đây là cây cầu nhấc (bascule bridge) lớn và phức tạp nhất trên thế giới.

    126 năm sau, đây vẫn là biểu tượng của thủ đô và quốc gia. Người ta cho rằng việc nhìn thấy cầu nâng lên sẽ đem lại may mắn, vậy khi nào thì cầu Tower Bridge sẽ nâng lên?

    nang cau tower bridge 1

    Theo website của cầu Tower Bridge, cây cầu được nâng lên khoảng 800 lần mỗi năm cho tàu đi qua. Để việc nâng cầu được tiến hành theo đạo luật City of London (Various Powers) Act 1971, những tiêu chí sau phải được đáp ứng:

    - Con tàu phải có cột buồm hoặc kiến trúc thượng tầng cao trên 9m. 

    - Yêu cầu nâng cầu phải được viết bằng email và gửi tới văn phòng điều hành Tower Bridge ít nhất 24 giờ trước đó. Người gửi email là đại lý của con tàu, chủ hoặc thuyền trưởng của tàu.

    - Nếu con tàu đi kèm với tàu kéo, thì bên điều hành tàu kéo cũng phải gửi kèm email yêu cầu được phép neo đậu và rời đi. 

    nang cau tower bridge 1

    - Phòng kiểm soát cây cầu chỉ bắt đầu hoạt động 30 phút trước giờ nâng cầu. 

    - Nhân viên kiểm soát cầu sẽ cho ngừng giao thông trên cầu, để bắt đầu nâng. 

    - Tàu chỉ được đi qua cầu trong 5 phút vào giờ cao điểm. 

    - Cầu sẽ được nâng lên ở một độ cao phù hợp với loại tàu và kích cỡ tàu.

    Bạn có thể theo dõi lịch nâng cầu ở đây, đừng bỏ lỡ cơ hội ngắm nhìn cây cầu biểu tượng ''nâng lên hạ xuống'' bạn nhé.

    nang cau tower bridge 1

    Viethome (theo MyLondon)