• Con Ong nhà tôi từ khi sinh ra đã có những vết bớt đỏ ở cổ tay, trông như vết máu bầm. Một hôm, cô giáo ở nhà trẻ hỏi tôi, "sao tôi thường xuyên thấy vết này ở tay cháu? Ở nhà có ai làm cháu đau không?".

    1. Dạo nọ, bỗng dưng đứa con gái lớn của chúng tôi trở nên cáu gắt, thường quên bài tập về nhà, điểm kém. Cô giáo bộ môn mời phụ huynh tới trường nói chuyện.

    Thông báo tình hình của con xong, cô hỏi, thế gia đình anh chị dạo này vẫn ổn chứ? Vợ chồng có gì lục đục không? Liệu có vấn đề gì khiến cho con bé bị bất ổn tâm lý không?

    Cô lại còn hỏi, con bé này là con đẻ hay con nuôi của anh chị?

    Tôi không cho rằng cô giáo có tính tọc mạch. Tôi hiểu cô đang cần thông tin để đánh giá vấn đề. Tôi cảm ơn cô đã không coi con tôi là một đứa trẻ hư khi nó không làm những điều cô dặn.

    co giao phap
    Ảnh minh hoạ

    2. Con Ong nhà tôi từ khi sinh ra đã có những vết bớt đỏ ở cổ tay, trông như vết máu bầm. Có những ngày vết đó chỉ mờ mờ thôi, nhưng có những ngày nó hiện lên mồn một.

    Một hôm, cô giáo ở nhà trẻ giơ tay con Ong ra hỏi tôi, sao tôi thường xuyên thấy vết này ở tay cháu? Ở nhà có ai làm cháu đau không?

    Ối tôi phải giải thích với cô rằng từ cha sinh mẹ đẻ ra nó đã thế, các chị nó toàn những đứa hiền lành nên ko ai đánh nó đâu. Cô gật đầu nhưng tôi nghĩ cô cũng ngầm ngầm theo dõi thêm một thời gian. Nếu chẳng may có vết bầm chỗ khác thì cô bốc máy gọi cơ quan bảo trợ xã hội ngay trong vòng một nốt nhạc. Muốn trình bày thì lên phường, nhá.

    Bạn tôi ở Na-uy cũng gặp chuyện tương tự. Con bạn có vết bớt thâm ở mông, cái mà bọn Tây hình như chả bao giờ có. Cô giáo chả đợi phụ huynh giải thích, gọi luôn cho cơ quan bảo trợ xã hội. May sau rồi cũng giải quyết ổn thoả chứ không tự dưng mất toi đứa con.

    3. Bạn tôi, cũng là hàng xóm, kể rằng tối nọ tao nghe dưới nhà tao, 2h sáng mà vợ chồng họ còn cãi cọ ầm ĩ, bát đĩa loảng xoảng. Tao phải ra ban công hét lên, ông mà không im mồm đi tôi gọi cảnh sát bây giờ! Có thế chúng nó mới im. Nhưng tao thật ra không ngủ đâu, tao nghe ngóng xem con vợ có la hét gì không để còn gọi cảnh sát. Hôm sau còn xuống kiểm tra tình hình xem thế nào.

    4. Lại một câu chuyện nghe được ở Bắc Âu. Mẹ cấm con chơi điện thoại. Con cãi láo. Mẹ tịch thu điện thoại chắc tiện tay oánh nó một phát, mắng thêm vài câu. Con lu loa gọi cảnh sát. Thế là bà mẹ bị doạ tước quyền nuôi con. Mấy đứa con kiểu này phải cho nó đến foster home để biết là ở với bố mẹ còn sướng chán. Nhưng kiểu của Tây là thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót, anh em người Việt bảo nhau là có “dạy” con thì nhớ kéo rèm và be bé cái mồm thôi. Nói vậy chứ dạy vừa chứ dạy quá tay thì còn nhà trường, còn hàng xóm không qua mắt được.

    5. Người quen của mẹ tôi đi làm trông trẻ (chui) ở Anh. Đang yên đang lành tháng đút túi cả ngàn bảng thì bị cảnh sát hốt cả nhà lên đồn. Hoá ra con bé lớn nhà đấy bị bố mẹ mắng, nó tức, nó cào mặt rồi đến bảo với thầy giáo là bị mẹ đánh. Kết quả là người quen của mẹ tôi bị áp tải ra máy bay trả về nước vì cư trú quá thời hạn. Còn quan hệ mẹ con nhà kia thế nào thì tôi cũng ko quan tâm lắm. Đây, nuôi dạy con bên Tây nó cũng rách việc lắm cơ.

    6. Cũng đứa lớn nhà tôi. Bữa nọ làm bài kiểm tra toán vừa làm vừa khóc (tôi đã kể ở bài trước). Khi nó nộp bài, cô giáo hỏi, con khóc vì sợ điểm kém à? Nó gật. Điểm kém thì bố mẹ mắng à? Nó gật. Xong cô cho nó ra về.

    Nhưng sau lưng nó, cô gọi bạn nó (một cháu Việt Nam cùng lớp) lại hỏi, theo em, áp lực của bạn V. là do tự bạn tạo cho mình hay do bố mẹ bạn? Cháu kia, theo truyền thống hiếu học của người Việt, đáp luôn, chắc bố mẹ muốn bạn học giỏi.

    Câu chuyện chỉ dừng ở đó chứ nếu cháu nó mà nói kiểu, mỗi lần không được điểm A thì bạn V. bị mẹ vác roi quất vào mông thì thôi tôi xác định được mời lên phường. May mà vợ chồng tôi không ai quất mông nó thật. Mắng thì có nhưng chưa bị tính vào mục bạo hành bằng lời nói.

    7. Hết người thì đến chó nhé mọi người. Chả là nhà tôi có nuôi 1 con chó cũng to to. Năm đó về quê chơi 1 tháng mà không đăng ký được gửi nó nơi đâu, đành nhờ hàng xóm trông hộ. Con chó ở bên nhà tôi, ngày ngày hàng xóm sang cho ăn và dắt đi dạo.

    Ấy thế mà có 1 cụ bà, thấy như thế là vô cùng nhẫn tâm, bèn gọi báo cảnh sát. Mọi người đoán xem tiếp theo sẽ như nào?

    Tạm thời hết chuyện, bao giờ nghĩ ra kể tiếp.

    Nguyên Kan (từ Pháp) / Vietnamnet

  • Nhắc đến châu Âu, nhiều người hình dung đến những thành phố xa hoa, những công trình tráng lệ. Từ góc nhìn của một người Việt sống tại Pháp, Huỳnh Hoa cho rằng sống ở nông thôn có nhiều lợi thế hơn.

    Sự khác biệt văn hóa, nếp sinh hoạt ở các quốc gia khác nhau đôi khi đem lại sự ngỡ ngàng thú vị cho những người nước ngoài đến sinh sống. Ví dụ như ai mà ngờ, thứ thiết yếu như nước sạch ở Pháp lại là thứ siêu đắt đỏ cơ chứ!

    Huỳnh Hoa, một nàng dâu Việt ở Pháp sống cùng bố mẹ chồng trong một nông trang rộng lớn gần rừng, tiết lộ. Cô nàng có một khoảnh vườn để trồng các loại rau trái giống ở Việt Nam, từ bầu hồ lô, bí đao, mướp đắng, các loại rau thơm... 

    Còn bố mẹ chồng Hoa thì trồng khoai lang, cà rốt, khoai tây, hạt dẻ, mận, cherry... nói chung là cơ man rau củ, trái cây trên đất của gia đình. Nhiều người từng chia sẻ, họ ngưỡng mộ sự... giàu có của gia đình Hoa sau khi tự nhẩm tính số tiền nước mà cả nhà dùng để tưới cây.

    cuoc song thieu nuoc o phap 1
    Alex dẫn hai cháu họ đi chơi quanh nhà

    Hóa ra là vì nước sạch ở Pháp có thể coi là một dạng... xa xỉ phẩm, vì rất đắt. Nếu chỉ dùng để sinh hoạt hàng ngày thì có thể cân đối; còn để tưới cây, làm vườn, trồng trọt để đạt được thành tựu như Huỳnh Hoa từng chia sẻ, đó có thể là thách thức.

    Nàng dâu Việt vội đính chính: "Sở dĩ nhà mình có thể sử dụng nước thoải mái, đó là do được thừa hưởng nguồn nước suối khoáng ông nội Alex sở hữu từ khi ông còn trẻ. Ở bìa rừng gần nhà, ông nội của Alex có dẫn về một đường ống nước suối khoáng từ mạch ngầm thiên nhiên.

    Nhà ông nội, nhà ba mẹ chồng và cả nhà riêng của Hoa và Alex sau này cũng sẽ được sử dụng nguồn nước này, thoải mái dùng để ăn uống, tắm giặt và tưới cây. Sau này khi nhà riêng của Hoa và Alex xây xong, nhà sẽ có hai nguồn nước, nước máy của nhà nước và nước khoáng trong rừng của ông nội. 

    Mình biết có một số chỗ, nước đã qua xử lý rồi nhưng vẫn còn có cặn vôi, còn nước ở nhà mình hoàn toàn không có. Nguồn nước nhà mình ngọt và nhiều khoáng chất, thành ra mình đi đâu uống nước chỗ khác cũng không quen, thấy không ngon bằng nước ở nhà".

    cuoc song thieu nuoc o phap 1
    Cánh rừng ở gần nhà Hoa và Alex, nơi có nguồn nước ông nội Alex để lại

    Đó là một phần lý do khiến Hoa và Alex quyết định sống ở nông thôn, thay vì ở thành phố. Alex làm việc trong một công ty có trụ sở chính tại Paris, còn Hoa làm ở siêu thị gần nhà. Hoa cho biết, sống ở nông thôn, gia đình cô được mẹ thiên nhiên ban tặng nhiều thứ. Công việc áp lực đến đâu, về nhà có gia đình ôm ấp vỗ về, có không khí trong lành, cây cối xanh mướt, cô cũng thấy được nạp năng lượng trở lại.

    cuoc song thieu nuoc o phap 1
    Hoa và Alex thu hoạch táo

    Một lý do khác nữa là khi nghĩ đến việc có con, Hoa và Alex đều muốn nuôi dạy con trong môi trường thanh thuần mà họ đang sống. Hoa khá thân thiết với hai em bé cháu họ của Alex, và mỗi lần chúng đến chơi, hai vợ chồng sẽ làm bảo mẫu, nghĩ ra các trò chơi cùng cháu. Họ cùng nhau bày ra các trò chơi, tận dụng hoa trái quanh nhà như đi hái hạt dẻ, hái hạt óc chó, quả mâm xôi, chơi với ngựa... cả ngày cũng chưa hết trò.

    cuoc song thieu nuoc o phap 1
    Alex và Hoa yêu trẻ và muốn thế hệ sau lớn lên cùng với thiên nhiên

    "Chúng mình đều muốn con được gần gũi với thiên nhiên, được vui chơi thoải mái những trò vận động mà hạn chế sử dụng đồ công nghệ. Ở nông thôn vẫn có nhiều hoạt động vui chơi giải trí như hái trái cây, chơi suối, vào rừng... Lâu lâu tụi mình có thể đi lên thành phố ăn hàng, tham quan, như vậy sẽ thấy vui hơn là sống luôn ở thành phố. 

    Mình nghĩ quan trọng nhất là con cái có môi trường tốt để phát triển thể chất, kỹ năng, học cách yêu thiên nhiên, làm vườn. Và các bé lại được sống gần ông bà, họ hàng nữa. Sau này tụi mình cũng chăm sóc ba mẹ dễ hơn khi ba mẹ về già", nàng dâu Việt chia sẻ.

    cuoc song thieu nuoc o phap 1
    Các em bé cũng rất thích thú việc hòa mình với cây cỏ...

    cuoc song thieu nuoc o phap 1
    ... và háo hức với những trò chơi vận động cô chú bày ra

    Nếu có gì "bất lợi" phải kể ra khi sống ở nông thôn, Huỳnh Hoa cho rằng với những người ưa náo nhiệt, sống ở nông thôn hơi buồn một chút. Hàng xóm đều thân thiện và dễ chịu, nhưng nơi Hoa ở khá vắng vẻ, thành thử cơ hội tụ tập giao lưu cũng không nhiều. 

    Sống ở nông thôn cũng ít cơ hội nghề nghiệp hơn thành phố một chút. Mặt khác, dịch vụ ở nông thôn cũng không quá đa dạng, mọi người đều phải tự làm mọi việc chứ khó mà thuê. Như mảnh vườn của gia đình Hoa, từ việc làm đất, gieo hạt, chăm sóc và thu hoạch thành quả đều do ba mẹ chồng và vợ chồng Hoa tự đảm nhiệm. Điều này đòi hỏi sự chăm chỉ và kiên nhẫn rất lớn, chứ không hề dễ dàng. 

    cuoc song thieu nuoc o phap 1
    Sau khi cân nhắc, Hoa và Alex đều hài lòng với lựa chọn sống ở miền quê nước Pháp

    Theo Afamily

  • Bài chia sẻ của bạn Moon Nguyen trên nhóm Hội Bà Mẹ Việt Nam tại Pháp:

    "Em thấy có một số người Việt cho rằng sang Pháp kiếm tiền khó, dịch vụ không đa dạng, cơ sở vật chất kém mà đồ ăn cũng không ngon. Em không khen đâu, vì đúng là ở đây không có bún riêu mà em thích, đi spa không hề tiện, cũng không có hàng gội đầu massage rẻ như ở nhà. Nhưng nếu các chị muốn nghe góc nhìn của người lương 100 triệu/tháng ở Việt Nam sang Pháp thấy thế nào, thì em sẽ mạn phép chia sẻ.

    LƯƠNG - THUẾ - BẢO HIỂM

    Từ năm 2018 khi em 28 tuổi, lương gross của em ở VN là 100 triệu (đã bao gồm lương tháng thứ 13 và chưa tính thưởng + tăng lương hàng năm). Công ty phát thẻ taxi cho đi làm, chi phí ăn nhà hàng tiếp khách cũng không giới hạn, và có bảo hiểm y tế tư cho cả gia đình. Nói chung là tiền lương lĩnh về chỉ đóng học cho con hay thi thoảng đi chợ.

    Có điều, trong mức lương 100 triệu đó, nhà nước chỉ cho đóng bảo hiểm trên mức 29.8tr/tháng, có nghĩa là nghỉ thai sản hay sau này thất nghiệp, lương hưu…em được lĩnh khoảng 23.4tr – 29.8tr/tháng thôi ạ. Số còn lại là vào thuế hết. Nên lúc nào cũng phải bán mình cho tư bản không dám nghỉ ngơi.

    nguoi viet luong 100 trieu sang phap
    Ảnh minh họa: globonaut

    Năm 2017, được thưởng doanh số 41.000 euro mà em phải đóng hơn 300 triệu tiền thuế thu nhập cá nhân (mức cao nhất 35% mà). Mỗi tháng em cũng đóng rất nhiều thuế, mà số tiền này chả biết nó sẽ đi về đâu. Đầu tư công thì thua lỗ suốt, cán bộ cũng chỉ tự kiểm điểm sâu sắc chứ chẳng thấy khắc phục gì.

    Tới 2023 thì em bỏ việc sang Pháp cùng chồng. Sang đây 3 tuần thì em đi làm công ty luôn, lương tất nhiên là cao hơn ở Việt Nam. Các loại bảo hiểm đóng theo mức trên 100% gross, nên thuế ít hơn VN đấy ạ. Có nghĩa là sau này em sẽ được hưởng lương hưu cao hơn, về già cũng đỡ lo chút đỉnh.

    Công ty phát cho ô tô để đi lại, có thể dùng vào việc cá nhân và chỉ phải đổ xăng. Không phải bỏ tiền mua xe, bảo dưỡng, bảo hiểm…cũng tiết kiệm được 1 mớ. Mỗi lần công ty cử đi công tác, lại tranh thủ ở lại du lịch luôn. Còn lại thì em làm việc ở nhà, không tốn tiền quần áo makeup, công ty cũng trang bị cho 1 mini office tại gia.

    ĐẦU TƯ KIẾM TIỀN

    Với mức lương hưu ở VN thì sau này khó mà đủ sống, lại phải cân não đem tiền đi đầu tư chứ gửi ngân hàng thì mất giá lắm. Có lần em đi rút tiền mà mãi ngân hàng không cho mặc dù sổ đã đáo hạn. Nào là PGD hết tiền, sếp đi vắng không làm được giấy tờ, rồi gạ mua trái phiếu, … Nhiều tỷ phú gửi tiết kiệm còn bị nhân viên ngân hàng giả mạo rút mất đấy ạ. Bảo sao người ta đổ xô vào BĐS, em lại không có kiến thức về mảng này. Nói chung là vừa đi làm cho bây giờ, vừa phải cày cho sau này.

    Ở Việt Nam kinh doanh dễ, là do nhân công còn quá rẻ. Tức là chủ nhanh giàu chứ nhân viên thì buồn lắm. Cũng có nghĩa là nếu con mình không làm chủ được, nó cũng sẽ chịu bất công như vậy. Bên này thuê giúp việc chăm con theo giờ cũng phải khai đủ thứ cho người ta. Đó là cái giá của sự bình đẳng. Em cũng từng kinh doanh riêng ở VN ngoài giờ làm, tiền không dễ kiếm đâu ạ. Thi thoảng lại có công an, thuế, thanh tra vào làm việc… Có lô hàng nhập đủ giấy tờ vẫn bị giữ kiểm soát, tới sát ngày sản phẩm hết hạn mới được thả ra. Vài lần như thế thì vốn nào trụ nổi ? Đến nhà cho thuê cũng nay bị công an phường hỏi, mai có phòng cháy chữa cháy thăm. Nói chung là cũng phiền muộn lắm.

    Ở VN mình không được sở hữu nhà đất, mình chỉ được sở hữu Quyền sử dụng mà thôi. Nên để sinh lời thì đầu tư mua bán, còn để giữ tài sản thì mọi người chuyển sang nước ngoài mua là nhiều.

    CHẾ ĐỘ

    Ở đây 1 tuần làm 35h, hết giờ làm là tuyệt nhiên không có ai gọi. Ở VN thì sau 40h hành chính, còn phải nhậu nhẹt tiếp khách, làm thêm giờ. Từ khi sang đây, em mới trải nghiệm được cảm giác hết giờ làm là đi chợ nấu cơm cho gia đình. Em có tận 25 ngày nghỉ phép năm + 11 ngày RTT, ở VN có 12-14 ngày thôi ạ. Xin nghỉ nhiều sếp còn khó chịu, chứ bên này còn phép là nghỉ thôi chả cần xin ai. Mới đầu năm đã phải gửi kế hoạch nghỉ phép cho cả năm rồi ạ. Công ty hay có coupon giảm giá đây đó, khuyến khích gia đình đi chơi nữa, nói chung là nhịp sống cân bằng. Em từng làm việc ở châu Á, châu Úc và giờ là châu Âu, thì trải nghiệm ở châu Âu là dễ chịu nhất đấy.

    Mình có ít tuổi thì cũng chẳng phải sợ ai, có năng lực thì thăng tiến đều. Em có đòi mấy ông già ở châu Âu nộp báo cáo thì người ta cũng vui vẻ bình thường. Ở Pháp mới có chuyện 34 tuổi lên Phó Thủ Tướng, ở mình thì không biết bao giờ mới có. Nên là em vẫn chọn ở bên này. Ít nhất là sau này có thể yên tâm rằng con cái mình có không làm chủ được thì cũng ít gặp bất công, còn có năng lực thì không ai cản bước tiến của nó hết.

    Bên này đi khám rắc rối hơn ở VN, nhưng lại được free. Em đi làm ngay sau khi sang nên thủ tục hành chính nào cũng ổn thỏa, vitale carte có sau đúng 1 tháng, giấy gọi đi tầm soát đủ thứ gửi về nhà. Em mua mutuelle theo công ty nên nghe nói được chi trả nhiều. Mới đóng tiền được 5 tháng thì đi khám mắt, được free hẳn cái gọng kính Versace 250 euro nữa, đúng là nhiều thật ạ.

    Con đi học ngay gần nhà, cũng không mất tiền gì ngoài ăn trưa với mua đồ dùng học tập. Học miễn phí mà được như vậy là vui rồi. Tự dưng thấy mình mắc nợ nước Pháp nhiều ghê. Mới nhập cư mà được khám xét, đi học văn hóa đủ thứ à.

    Mọi người chê đồ ăn Pháp thì em thấy oan quá. Đi nhà hàng từ nhỏ tới lớn em đều thấy sạch sẽ mà, họ bày biện cầu kỳ, nhiều kỹ thuật nấu nướng trên 1 đĩa thức ăn, còn ngon hay không thì tùy khẩu vị mỗi người thôi. Đi siêu thị thì cái gì cũng có, không cần chạy quanh nhiều chợ. Giá cả hàng hóa so với thu nhập bình quân ở đây thì còn thấp hơn ở VN nhé. Ai cầu kỳ thì đi các shop cao cấp hơn, chất lượng mê li luôn.

    Đồ Á ở đây cũng dễ tìm, em ở tỉnh mà còn tìm được đủ thứ nữa là. Trong các thị trường xuất khẩu thực phẩm, châu Âu vẫn khó tính hàng đầu, ai làm XNK sẽ hiểu rõ các loại giấy tờ chứng nhận họ đòi hỏi. Khoản này rõ ràng là an tâm hơn ở VN rồi. Người Pháp lại rất cởi mở chuyện ăn uống, không quá quy củ như người Ý, hay khó tính như Hàn/Nhật. Họ thử được đồ Á thì mình cũng ăn được đồ Âu chứ nhỉ.

    Nếu phải chê 1 điểm gì thì em chê…tiếng Pháp. Nó rườm rà 1 cách không cần thiết. Đây là ngoại ngữ thứ 4 mà em học, em thấy mình hoàn toàn có cơ sở để chê. Nên chỉ cố được 6 tháng để lấy bằng A2, xong là em bỏ, chưa nhét gì thêm được vào đầu.

    Em thì yêu VN lắm, ở đó có bạn bè, có đồng nghiệp… 10 năm trước từng bỏ việc ở Úc để về VN chỉ vì nhớ quê hương. Nhưng 10 năm sau thì tự bản thân đã suy nghĩ khác đi. Có con rồi, cũng phải cho con 1 môi trường phù hợp để phát triển. Cũng đừng so sánh hơn-kém, nơi nào cho mình sự thoải mái, hợp với mục đích sống ở thời điểm hiện tại thì mình ở. Rồi hàng năm đưa gia đình về thăm, đem ngoại tệ về tiêu làm giàu cho quê hương chẳng hạn. Lúc đó tha hồ đi biển, ăn đồ Việt, đi gội đầu, đi spa… thoải mái rồi mình lại sang.

    Nguồn: MOON NGUYEN / nhóm Hội Bà Mẹ Việt Nam tại Pháp

  • Hôm nay 10.4, gia đình vợ chồng nha sĩ Lan Bui và Celine Bui ở làng Quarouble miền Bắc Pháp, gần biên giới với Bỉ, đã cùng nhau đến tòa thị chính để bỏ phiếu bầu người sẽ lãnh đạo nước Pháp trong 5 năm tới.

    bau cu tong thong phap 1
    Anh Linh Bui bỏ lá phiếu vào thùng phiếu. Ảnh: THỤY MIÊN

    Chủ nhật 10.4 là một ngày đẹp trời ở Quarouble. Dân số tại đây gần 3.800 người. Đến 12 giờ trưa (giờ địa phương), tỷ lệ cử tri ở đây đi bỏ phiếu vòng bầu cử sơ bộ tổng thống Pháp năm 2022 đã lên đến 55%, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ 25% của thủ đô Paris vào cùng thời điểm.

    Đối với gia đình nha sĩ Lan Bui, đi bầu là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân Pháp. Vài ngày trước bầu cử, cả nhà cùng nhau ngồi lại và phân tích 12 ứng viên tham gia vòng một. Đa số thành viên trong gia đình quyết định chọn Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron (đảng Cộng hòa Tiến lên - LREM) vì cho rằng chính sách của ông tạm ổn so với những người còn lại.

    Nha sĩ Celine Bui, vợ của ông Lan Bui, bày tỏ lo lắng khi kết quả khảo sát gần đây cho thấy 1/3 dân số Pháp tỏ ra đồng tình với các chính sách của hai ứng viên cực hữu là bà Marine Le Pen của đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN) và ông Éric Zemmour, đại diện đảng Tái chinh phục. Chính sách của cả hai đều đặc biệt khắt khe về vấn đề di dân và có quan điểm kỳ thị người Hồi giáo và Ả Rập.

    bau cu tong thong phap 1
    Bà Celine Bui với lá phiếu cử tri mới, có mã QR. Ảnh: THỤY MIÊN

    Trong khi đó, anh Linh Bui, con trai của ông bà Bui, cũng ủng hộ ông Macron vì cho rằng chính sách đối ngoại của vị tổng thống đương nhiệm góp phần gia tăng vị thế của nước Pháp ở Liên minh châu Âu (EU). Theo anh, ông Macron đang nỗ lực để nâng tầm nước Pháp, cho phép có vị thế ngang hàng và độc lập trước các nước như Mỹ, Nga và Trung Quốc.

    Còn bà Celine Pham, bạn thân của gia đình nha sĩ Bui, cho hay mình sẽ bỏ phiếu cho bà Nathalie Arthaud, đại diện của đảng cực tả Đấu tranh vì Công nhân (LO). Bà Arthaud, hiện là giáo viên một trường trung học, được đánh giá có nghị trình rõ ràng, thật sự muốn đấu tranh vì lợi ích của người dân nước Pháp.

    bau cu tong thong phap 1
    Nha sĩ Lan Bui thực hiện quyền công dân. Ảnh: THỤY MIÊN

    Dù bà Arthaud không nhận được sự ủng hộ cao trong các cuộc khảo sát trước bầu cử, bà Pham vẫn quyết định bỏ phiếu cho nữ ứng viên của đảng LO.

    Tại Quarouble, thời gian đóng cửa phòng phiếu là 18 giờ địa phương. Dự kiến vào 20 giờ cùng ngày (giờ Pháp, tức 1 giờ ngày 11.4, giờ Việt Nam), kết quả sơ bộ bầu cử tổng thống Pháp vòng 1 sẽ được công bố.

    Theo Thanh Niên

  • Dưới đây là tâm sự của bạn M.D đăng trên group UEVF - Union des Etudiants Vietnamiens en France, xin chia sẻ cùng bạn đọc:

    Ở lại Pháp hay về VN?

    Mình (28 tuổi) theo chồng Pháp (34 tuổi) qua Pháp vào tháng 10/2019. Vừa mới qua thì mình đi làm shushi, đi làm chưa được bao lâu thì dịch bùng phải bắt buộc nghỉ. Vậy là thất nghiệp.

    Chồng mình cũng hết hợp đồng làm việc trong thời gian bắt đầu dịch và bọn mình quyết định chuyển nhà từ Bắc xuống Nam ở cùng với gia đình bên chồng (nhà chồng chỉ còn chú và vài anh chị em, ba mẹ chồng mình mất sớm) sau khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa đầu tiên (tháng 5/2020).

    Về quê thì cũng không có việc làm, kiếm việc nhỏ cũng không ra. Vậy là chồng mình hưởng trợ cấp thất nghiệp nuôi mình (thuê nhà + ăn uống). Mình thì thử làm việc bất động sản nhưng không khả thi và bán hàng online song song nhưng chồng mình không đồng ý cho bán, vậy là cũng không thành.

    mua dong o phap

    Tháng 3/2021 thì mình mới kiếm ra việc ở một thành phố khác (nơi chị chồng sống) và lên ở cùng với chị chồng. Bi kịch xảy ra là chị chồng khó tính và không hợp với cách sống của mình nên nhiều lần làm khó, và đỉnh điểm là chị chồng mình không muốn mình ở chung nữa.

    Vậy là 2 vợ chồng mình lại cuốn gói đi trong cảnh không nhà không người thân. May mắn thay ở phía Bắc cũ có ông chủ cũ của chồng đề nghị giúp đỡ để chồng mình đi làm. Lúc đó tụi mình đang ở ngã 3 đường để chọn:

    1. Chọn theo phía Bắc và đi làm.

    2. Ở lại thành phố phía nNm và tiếp tục kiếm nhà, nhưng thật sự rất gấp rút vì tụi mình cần có mái nhà che thân

    3. Lên Paris vi lúc đó có chị kết nghĩa chơi chung giới thiệu công việc tốt và người ta đang cần người

    Nhưng cuối cùng tụi mình chọn phương án 1 vì phương án đó mới có nhà để ở, nhưng dọn lên thì công việc không như giao kèo ban đầu. Và xảy ra sự cố 1 lần nữa.

    Và sau đó mình xin chị kết nghĩa chọn lại phương án 3 và tụi mình hiện tại đang ở coloc gần Paris để chờ việc (vì vừa lên thì sếp bị covid nên phải chờ huhu số đen). Và nhờ có gia đình người chị này giúp đỡ, tụi mình mới tồn tại và có cho mượn 1 số vốn nhỏ để bắt đầu lại.

    NHƯNG sau chừng đó biến cố, mình và chồng suy sụp tinh thần trầm trọng. Nhất là chồng mình, chồng mình sức khỏe yếu không có khả năng làm việc nặng cũng không có bằng cấp vì ba mẹ mất nên cũng không học hành được, nên bên cạnh không còn bất cứ người thân nào tin tưởng ngoài chị ruột đã cho tụi mình ở nhưng cuối cùng cũng có chuyện.

    Nên giờ chồng mình không muốn ở Pháp nữa (chồng mình đi đi về về Vn nhiều lần từ năm 2003 đến 2019, có gia đình ở VN nhưng đã mất hết còn vài người) và chồng mình nói Pháp đã biến chất toàn bộ không còn như trước kia. Chồng mình không muốn ở coloc nữa quá chán rồi. Và chồng mình không có khả năng để mình phát triển và mình đi làm thì cũng chỉ lương Smic và càng ngày người ta càng đòi hỏi về thuê nhà nên tụi mình không có khả năng thuê. Nên muốn về VN vì chồng mình là người sống theo chủ nghĩa gia đình, muốn gần gũi người thân (ba mẹ mình thương chồng mình lắm).

    Mình thì muốn cố gắng nữa, mình vẫn còn sức còn động lực còn niềm tin, cứ chờ công việc xem sao, mới qua mà về. Mình đi qua đây chưa bao giờ mình nghĩ sẽ về khi không có gì trong tay, tệ nhất là phải có cái quốc tịch. Nhưng nếu muốn có phải chờ ít nhất 3 năm và titre của mình chưa chắc được renouvelé vì tụi mình toàn đi ở nhờ người khác nên xin khó.

    Giờ 2 vợ chồng mỗi người một ý nên mình rất buồn, mình cố lấy đủ lý do để khuyên chồng nhưng thật sự chồng mình đã quá chán ghét Pháp, vậy mình phải làm gì đây? 😞

    Cảm ơn các bạn !

    Trên đây là tâm sự của bạn M.D đăng trên group UEVF - Union des Etudiants Vietnamiens en France, xin chia sẻ cùng bạn đọc.

    Viethome

  • Rút các thiết bị điện không sử dụng, mặc nhiều áo ấm trong nhà, tránh nấu ăn vào giờ cao điểm... là những cách người Việt tại châu Âu áp dụng trong thời khủng hoảng năng lượng

    "Mùa đông... hơi lạnh" là chia sẻ có phần hài hước hóa tình hình của chị Hoàng Oanh, đang sinh sống và làm việc tại TP Vejle - Đan Mạch, khi cho biết về thông báo mới nhất của nơi mình làm việc - sẽ hạ nhiệt độ sưởi còn 19 độ C, thay vì 21 độ C, theo đúng quy định của chính phủ đối với các tòa nhà hành chính, với mục đích tiết kiệm năng lượng.

    nguoi viet chau au that lung buoc bung 1
    Chồng chị V.K chuẩn bị máy sưởi chạy bằng nước nóng cho mùa đông Ảnh: YẾN LAM

    Né giờ cao điểm

    Do ảnh hưởng từ việc ngừng nguồn cung cấp khí đốt của Nga, cùng với lạm phát, giá năng lượng ở Đan Mạch đang ở mức cao kỷ lục và chi phí cao dự kiến sẽ kéo dài trong suốt mùa đông.

    Theo chị Oanh, người dân tại khu vực chị sinh sống thời gian qua nhận được hóa đơn tiền điện khá cao, gấp từ 2-4 lần tùy mức sử dụng của mỗi gia đình và tùy thuộc nguồn cung cấp năng lượng của địa phương. Có gia đình phải trả đến 30.000 krone (khoảng 93 triệu đồng) tiền điện, khí đốt trong một quý (3 tháng).

    Tuy Đan Mạch không phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt Nga như Đức và Ý (vì dân số ít và có hệ thống điện gió cực lớn) nhưng từ nhiều tháng nay, chính phủ nước này đã phát động chính sách tiết kiệm triệt để năng lượng.

    "Chính phủ Đan Mạch có hướng dẫn chung, kêu gọi người dân rút các thiết bị sạc không sử dụng và chỉ dùng hệ thống sưởi vào những ngày nhiệt độ xuống thấp, không bật lò sưởi quá nóng, tăng cường mặc đồ ấm trong nhà như mang tất, mặc áo len và tránh nấu ăn giờ cao điểm" - chị Oanh kể.

    Đáng chú ý, giá điện và nước nóng tăng gấp đôi vào giờ cao điểm, khoảng 6 giờ và 19-20 giờ. Do đó, nếu muốn tiết kiệm thì người dân cần nấu ăn sớm hơn hoặc trễ hơn, tương tự với việc sử dụng hệ thống lò sưởi, giặt đồ và máy sấy hiệu quả.

    Chị Oanh cũng chia sẻ cách kiểm tra trên ứng dụng điện thoại xem khoảng thời gian nào trong ngày tiền điện được tính thấp nhất để tranh thủ sử dụng các thiết bị điện.

    Trong khi đó, chị Thiên Thư đang sống tại thủ đô Warsaw của Ba Lan cho biết tiền điện đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Một số gia đình đã chuyển sang sử dụng máy bơm nhiệt hoặc lắp các tấm pin năng lượng mặt trời để hạn chế sử dụng khí đốt và tiết kiệm chi phí. Trước mắt, chị Thư chọn cách hạn chế nấu nướng để bớt tiền điện.

    Cũng như nhiều nước châu Âu khác, Đan Mạch và Ba Lan có nhiều chính sách hỗ trợ như giảm thuế năng lượng và trợ cấp nhiên liệu cho người dân và doanh nghiệp.

    Đặc biệt, theo chị Hoàng Oanh, gia đình có trẻ nhỏ ở Đan Mạch được nhận hỗ trợ mỗi 3 tháng và kể từ tháng 1-2023 sẽ được nhận nhiều hơn. Ngoài ra, Đan Mạch cũng vừa thông qua quy định mới cho phép người dân thanh toán chậm và theo từng đợt các hóa đơn năng lượng vượt mức của năm 2021.

    Vì ý thức cộng đồng

    Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu do xung đột Nga - Ukraine cũng khiến mùa đông năm nay ở Pháp trở nên "rất khác", theo dự đoán của chị V.K ở vùng Savoie.

    Chị kể: "Mấy bữa nay vợ chồng tôi gấp rút sửa chữa và lắp chiếc máy sưởi cũ chạy bằng nước nóng vào phòng ngủ, thay cho chiếc máy sưởi điện mới mua năm ngoái. Ông xã nói máy sưởi kiểu cổ điển này được kết nối chung với hệ thống nước nóng trong nhà, cho phép tiêu thụ ít điện năng hơn và giữ ấm được lâu hơn".

    Theo chị K., lời kêu gọi tiết kiệm năng lượng của Tổng thống Emmanuel Macron hồi đầu tháng 9 dường như chạm đến toàn thể dân Pháp. Nhà chị cũng vậy. Nhiệt độ trong nhà dự kiến sẽ được để ở mức 19-20 độ C thay vì mức 22-23 độ C như hằng năm. "Chỉ những ai từng trải qua cái lạnh của mùa đông châu Âu mới hiểu được ý nghĩa của việc giảm đi 1 độ C là thế nào" - chị nói.

    Không chỉ tiết giảm năng lượng tiêu thụ mà người Pháp còn được khuyến cáo về thời điểm sử dụng điện hợp lý. Theo đó, họ sẽ hạn chế dùng điện vào giờ cao điểm (từ 8 đến 12 giờ) để tránh nguy cơ cúp điện do quá tải.

    Chị Hàn Linh ở thủ đô Paris cho biết tại khu nhà chị, nhân viên ban quản lý đã bắt đầu đến từng hộ để kiểm tra hệ thống sưởi và dặn mọi người tiết kiệm điện, mặc dù chưa có quy định cụ thể.

    Ý thức được về khả năng lạnh hơn trong mùa đông này, chị Linh chia sẻ biện pháp khắc phục: "Mọi năm mùa đông nhà tôi vẫn mặc đồ thoáng mát bình thường nhưng năm nay sẽ sắm quần áo dày hơn. Vợ chồng tôi cũng gia cố kỹ hơn các khe cửa để tránh khí lạnh, trang bị rèm cửa dày để giữ ấm".

    Sống ở vùng Haute-Savoie của Pháp nằm giáp ranh Thụy Sĩ, chị Kim Toàn quan sát thấy làng xóm mình đã bớt thắp sáng hơn. Các thành viên gia đình chị không còn quên tắt điện khi rời khỏi phòng nữa. "Việc mình tắt đi một cái bóng đèn không cần thiết dù không giảm được bao nhiêu trên hóa đơn điện nhưng đó cũng là ý thức cộng đồng" - chị Kim Toàn nói.

    Trong khi đó, chị Hoàng Oanh cho biết người dân Đan Mạch ủng hộ các quyết định của chính phủ về việc tránh phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga và chấp nhận chờ đợi châu Âu xây dựng nguồn cung năng lượng riêng hoặc tìm nguồn cung thay thế khác.

    Còn theo chị Thiên Thư, chính phủ Ba Lan đã thông báo tăng tiền điện vào tháng 11 tới và chi phí có thể tiếp tục tăng đến đầu năm sau. Dù chính phủ đến nay vẫn bảo đảm được đầy đủ nguồn cung khí đốt và điện cho người dân song chị hy vọng giữa cuối năm sau tình hình sẽ được cải thiện và tiền điện sinh hoạt sẽ giảm xuống. 

    Theo Afamily