• Một số trang tin của Hàn Quốc hôm 16 Tháng Năm đồng loạt đưa tin về vụ một cô dâu Việt Nam bị chính chồng mình tố cáo âm thầm bán d.âm cho 600 đàn ông.

    Khi tường thuật lại câu chuyện, các trang tin như Mk.co.kr, News.mt.co.kr, Donga.com đều giữ kín danh tính của người đàn ông Hàn Quốc, 42 tuổi, ở thành phố Namyangju-si, tỉnh Gyeonggi-do, cũng như của người vợ 23 tuổi, quê Hải Phòng.

    co dau hai phong 1
    Người đàn ông Hàn Quốc (trái) và cô dâu Việt Nam mà ông ta cưới qua dịch vụ môi giới hôn nhân. (Hình: Chụp qua màn hình)

    Theo các bản tin, hồi Tháng Chín, 2022, người đàn ông Hàn Quốc được một công ty môi giới hôn nhân giới thiệu hình ảnh của 15 phụ nữ Việt Nam và sau đó quyết định chọn cô gái Hải Phòng vì người này thông thạo tiếng Hàn hơn những cô còn lại.

    Người đàn ông sau đó qua Việt Nam, làm đám cưới và lo thủ tục cho cô gái đến Hàn Quốc định cư vào Tháng Ba, 2023. Người phụ nữ sau đó làm tại một cơ sở giải trí ở Namyangju-si.

    Bảy tháng sau, cô dâu Việt đột nhiên than rằng mình bị đau bụng dưới và được bác sĩ phụ khoa chẩn đoán bị nhiễm bốn bệnh lây truyền qua đường t.ình d.ục. Người chồng cũng được xác nhận bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường t.ình d.ục.

    Ông chồng bắt đầu đặt dấu hỏi vì giấy khám sức khỏe của vợ mình khi làm thủ tục định cư Hàn Quốc không có ghi chú về bệnh tình của cô này.

    Tiếp đó, cô dâu Việt bị chồng phát giác nói dối về chuyện “ngủ lại nhà chị gái thân thiết” nhưng thực tế là đi ngoại tình với một người đàn ông.

    Do nghi ngờ, ông chồng đến cơ sở giải trí mà vợ làm việc tìm hiểu sự tình và được nhìn thấy sổ chấm công cho thấy cô ta bán d.âm cho 600 người đàn ông.

    Theo đó, cô ta bán d.âm từ 2 giờ chiều đến 9 giờ đêm mỗi ngày, với tần suất sáu ngày một tuần kể từ Tháng Năm năm ngoái cho đến khi bị chồng phát giác.

    co dau hai phong 1
    Sổ chấm công của cô dâu Việt Nam tại cơ sở giải trí mà người phụ nữ này làm việc. (Hình: Chụp qua màn hình)

    Ông chồng liền đem bằng chứng này đệ đơn ly hôn vợ kèm yêu cầu cô ta bồi thường. Cô dâu Việt Nam sau đó cắt đứt liên lạc với ông chồng và trốn khỏi nhà.

    Người đàn ông Hàn Quốc cho biết: “Tôi không nghĩ mình nên giữ kín câu chuyện này dù rất đau lòng. Nếu người phụ nữ này còn tiếp tục ở Hàn Quốc, tôi nghĩ sẽ có nhiều nạn nhân khác ngoài tôi. Trước đây, bản thân tôi đã tận mắt thấy vợ mình giả làm sinh viên du học để tiếp cận nhiều nam sinh viên Hàn Quốc tại thư viện mà không hiểu cô ấy hành xử như thế để làm gì.”

    Theo Người-Việt

  • Sau 2 tiếng tìm kiếm bệnh viện nhưng không được chấp nhận điều trị, sản phụ 31 tuổi người Việt Nam sinh con trai trên xe cứu thương.

    Một thai phụ người Việt Nam chuyển dạ tại Sân bay quốc tế Incheon (Seoul, Hàn Quốc) đã sinh con trên xe cứu thương sau 2 tiếng liên lạc nhưng không có bệnh viện nào tiếp nhận, Korea Times đưa tin hôm 17/3.

    Theo Sở cứu hỏa Incheon, người phụ nữ 31 tuổi ngất xỉu tại nhà ga số 1 của sân bay vào khoảng 12h20 trưa 16/3.

    Dịch vụ cấp cứu sau đó chuyển cô đến Bệnh viện Đại học Inha ở Incheon, nhưng bệnh viện từ chối điều trị với lý do thiếu bác sĩ sản khoa. Trước đó, cô đã bị 13 bệnh viện từ chối.

    Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hàn Quốc đang trong tình trạng khủng hoảng khi hàng nghìn bác sĩ mới ra trường tiến hành đình công kể từ tháng 2/2024. Họ phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y để giải quyết tình trạng thiếu hụt bác sĩ chuyên khoa nhi, sản khoa, cấp cứu và phẫu thuật lồng ngực của chính phủ.

    benh vien han quoc
    Một chiếc xe cấp cứu đậu trước bệnh viện ở Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Shutterstock.

    Cuộc đình công gây ra sự gián đoạn đáng kể trong các dịch vụ bệnh viện, dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc hẹn khám và thường xuyên bị từ chối tại các phòng cấp cứu.

    Nhiều bệnh viện đã hỏi đội cứu hộ xem sản phụ người Việt mang thai được bao nhiêu tuần, nhưng do rào cản ngôn ngữ, thông tin này không có sẵn, khiến họ từ chối cho cô nhập viện.

    Trong khi chờ đợi bên trong xe cứu thương trước Bệnh viện Đại học Inha, người phụ nữ bắt đầu cảm thấy đau bụng dữ dội và vỡ nước ối.

    Kết quả là lính cứu hỏa đã chuẩn bị cho ca sinh khẩn cấp trên xe cứu thương. Sản phụ hạ sinh bé trai an toàn vào lúc 14h33 chiều cùng ngày.

    Hiện vẫn chưa rõ liệu người phụ nữ này là du khách hay thường trú nhân tại Hàn Quốc.

    "Do cơn đau chuyển dạ dữ dội của sản phụ, chúng tôi đã tiến hành hộ sinh khẩn cấp trên xe cứu thương trong khi tìm kiếm các bệnh viện khác. Người mẹ và đứa trẻ sơ sinh sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đại học Inha để điều trị", một viên chức tại trụ sở cứu hỏa Incheon cho biết.

    Theo Zing

  • Do cha mẹ Việt Nam nhập cư bất hợp pháp, nhiều đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Hàn Quốc vẫn không thể nhập tịch, thậm chí không thể đi bệnh viện vì thiếu giấy tờ.

    bo me nhap cu bat hop phap
    Những đứa trẻ là con của người nhập cư bất hợp pháp không thể đi bệnh viện, mất đi nhiều cơ hội học tập do thiếu giấy tờ. Ảnh: Hankyoreh.

    A. (23 tuổi) và hai em gái của anh có 2 cái tên, một tên tiếng Hàn và một tên tiếng Việt.

    Tên tiếng Hàn của anh em A. được cha mẹ người Việt đặt khi cả hai mới chào đời, còn tên tiếng Việt được đặt sau đó với mục đích cư trú hợp pháp tại Hàn Quốc khi trưởng thành.

    A. và em gái đều sinh ra và lớn lên ở Hàn Quốc, được hưởng nền giáo dục công lập ở nước này và sử dụng tiếng Hàn như tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, cả ba đều không được công nhận là người Hàn Quốc do cha mẹ đều là người nhập cư bất hợp pháp.

    Khó đủ đường vì không có giấy tờ

    A. sinh ra trong gia đình có cha mẹ là người Việt Nam, đến Hàn Quốc vào năm 2002 với tư cách là thực tập sinh nhưng sau đó bỏ trốn vì điều kiện ở nơi làm việc quá kém.

    Vì thế, dù sinh ra ở Hàn Quốc, A. vẫn phải sống như một công dân "không có giấy tờ" cho đến khi trưởng thành.

    Đối với những đứa trẻ như A., cảnh sát là nỗi ám ảnh, có thể làm đảo lộn cuộc sống. Anh cũng không thể đến bệnh viện dù mắc bệnh nặng.

    Cuộc sống yên bình ở Hàn Quốc của A. bị phá vỡ khi anh lên lớp 3. Khi đó, bạn bè trong lớp bắt đầu đồn thổi những tin không hay về anh và hỏi rằng: "Mày là người nhập cư bất hợp pháp à".

    "Lúc đó, tôi thậm chí còn không hiểu điều đó nghĩa là gì. Tôi hỏi cha mẹ nhưng họ chỉ dặn tôi đừng gây chú ý. Họ sợ rằng nếu tôi gây rắc rối, tôi sẽ bị đuổi khỏi Hàn Quốc", A. kể lại.

    Chia sẻ về những lẫn bị "nhầm lẫn danh tính" vì là một đứa trẻ nhập cư không có giấy tờ, A. nói với Kukmin Ilbo rằng nhiều khi anh bị mọi người đối xử như người nước ngoài. Những lúc đó, anh lại thấy lạc lõng và bắt đầu tự đặt câu hỏi: "Mình là ai?"

    Thông thường, người quen của A. gọi anh bằng tên tiếng Hàn và nghĩ anh là người Hàn Quốc. Dù vậy, anh vẫn phải dùng tên tiếng Việt trên thẻ đăng ký người nước ngoài mỗi khi thực hiện các thủ tục hành chính, làm giấy tờ...

    Một lần, chàng trai 23 tuổi tổn thương khi bị một người bạn cùng lớp đại học trêu chọc bằng tiếng Hàn ngay trước mặt chỉ vì nghĩ cậu là người Việt, không nghe hiểu tiếng Hàn. Dù vậy, những người bạn cấp 3 vẫn ủng hộ A. và tin rằng cậu là người Hàn Quốc.

    A. cũng phải từ bỏ rất nhiều thứ khi còn nhỏ, bởi vì anh là một đứa trẻ nhập cư không có giấy tờ. Hồi đó, anh từng giành giải thưởng lớn tại một cuộc thi hợp xướng ở địa phương và có cơ hội du học, nhưng do không có giấy tờ, hộ chiếu, A. đành phải từ bỏ.

    Khi học THPT, A. theo học ngành Âm thanh sân khấu tại một trường trung học ở địa phương. Tài năng của anh được một giáo sư đại học ở Seoul công nhận. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp trung học, do không thể xin được visa, A. mất cơ hội du học để theo đuổi ngành học mơ ước.

    Cuối cùng, A. đành phải chuyển ngành và học đại học tại Hàn Quốc. Dù tốt nghiệp với điểm số xuất sắc, A. vẫn gặp khó khăn khi tìm việc vì người nước ngoài bị hạn chế nhiều mặt khi ứng tuyển. Toàn bộ 50 công ty mà A. nộp đơn ứng tuyển đều không phản hồi.

    A. nói thêm rằng anh cảm thấy bất công khi nghe tin những người bạn có thành tích kém hơn lại tìm được việc làm. Trong vòng 3 năm, nếu không tìm được việc làm, có thể A. sẽ bị trục xuất khỏi Hàn Quốc.

    Vấn đề giấy tờ cản trở cơ hội của những đứa trẻ nhập cư. Ảnh minh họa: Kyunghyang Shinmun.

    Tìm cách để có quốc tịch Hàn Quốc

    Trước đây, khi không đủ điều kiện cư trú, những người nhập cư phải chứng minh số dư trong tài khoản ngân hàng để được ở lại Hàn Quốc. Tuy nhiên, gia đình A. không có nhiều tiền và không được làm việc hợp pháp để kiếm tiền.

    Cuối cùng, anh phải khiếu nại lên Bộ Tư pháp để được giảm điều kiện chứng minh tài chính, đồng thời vay tiền từ người khác để có đủ số dư trong tài khoản ngân hàng. Anh cũng từng làm việc bất hợp pháp để kiếm tiền nhằm đảm bảo quyền cư trú.

    Cuộc sống của A. ở Hàn Quốc gần như là cuộc chiến sinh tồn, nhưng anh vẫn tìm cách để được công nhận là người Hàn Quốc.

    Để có được quốc tịch Hàn, A. phải sống ở đất nước này trong 4 năm theo thị thực lao động, từ đó lấy thị thực cư trú. Sau đó, anh phải sống thêm 5 năm theo diện visa cư trú để có được thường trú. Ngay khi có visa thường trú, A. vẫn phải đợi 5 năm mới có thể nộp đơn xin nhập tích.

    "Có thể tôi sẽ mất ít nhất 14 năm nữa. Đã có lúc tôi nghĩ đến việc từ bỏ, nhưng không muốn 20 năm sống ở Hàn Quốc sụp đổ trong chớp mắt", A. tâm sự.

    Theo ZNews

  • Cảnh sát Busan truy quét 9 vũ trường, quán karaoke do người Việt điều hành, bắt 90 nghi phạm bị cáo buộc buôn bán, sử dụng ma túy.

    Cảnh sát Đô thị Busan hôm nay thông báo bắt 90 người trong chiến dịch truy quét ma túy quy mô lớn từ tháng 9 đến tháng 12/2024, nhắm vào 9 vũ trường, quán karaoke do người Việt Nam điều hành tại thành phố ở đông nam Hàn Quốc.

    Toàn bộ nghi phạm bị bắt đều mang quốc tịch Việt Nam, trong đó 7 người bị cáo buộc tuồn ma túy từ nước ngoài vào Hàn Quốc, 8 người bán ma túy tại chỗ và ba chủ vũ trường bị tạm giam để thẩm vấn. 66 người còn lại bị bắt với cáo buộc sử dụng ma túy, một nửa trong số đó là người nhập cư bất hợp pháp và đã bị trục xuất khỏi Hàn Quốc.

    han quoc viet nam
    Cảnh sát Hàn Quốc khám xét vũ trường do người Việt điều hành ở Busan. Ảnh: Cảnh sát Busan

    Cảnh sát Busan mở chiến dịch truy quét sau khi phát hiện đường dây buôn lậu ma túy tại các vũ trường ở Sejong, Cheonan, Asan, Jincheon và Daegu.

    Theo cảnh sát, các nghi phạm nhập ma túy theo chỉ thị từ ông trùm qua Telegram, để tuồn thuốc lắc, ketamine vào Hàn Quốc, ngụy trang bằng cà phê hoặc vitamin.

    Nhóm này đã đưa thành công số ma túy trị giá hơn một tỷ won (718.000 USD) vào Hàn Quốc và đã phân phối được hơn 480.000 USD cho bên trung gian là các chủ vũ trường. Các nghi phạm liên lạc qua mạng xã hội và sử dụng tiền ảo để giao dịch.

    Cảnh sát đã tịch thu số ma túy còn lại, gồm 1,5 kg cỏ Mỹ, 139 viên thuốc lắc, 48 gram ketamine. "Chúng tôi đang phân tích dữ liệu trên điện thoại di động của các nghi phạm, có thể tiến hành thêm các vụ bắt trong thời gian tới", cảnh sát Busan cho biết.

    VnExpress (Theo Yonhap, KBS)

  • Giới chức Hàn Quốc tìm tung tích nhóm 38 du khách Việt Nam nhập cảnh vào đảo Jeju theo diện miễn visa nhưng cắt liên lạc, không lên chuyến bay khứ hồi.

    Cơ quan quản lý du lịch đảo Jeju của Hàn Quốc hôm nay xác nhận 38 trong số 90 du khách Việt Nam đến đảo trên một chuyến bay charter ngày 14/11 đã đột ngột cắt liên lạc và biến mất tại điểm tham quan cuối cùng theo lịch trình ngày 17/11.

    Nhóm du khách này đến Jeju từ Nha Trang, theo chương trình miễn visa, một phần trong đạo luật phát triển du lịch địa phương của đảo. Chương trình cho phép người nước ngoài từ 64 quốc gia, trong đó có Việt Nam, lưu trú tại đảo Jeju tối đa 30 ngày mà không cần visa.

    san bay han quoc
    Sân bay quốc tế Jeju, Hàn Quốc, tháng 5/2020. Ảnh: Reuters

    Sau khi 38 du khách không lên chuyến bay khứ hồi, công ty lữ hành đưa nhóm người Việt đến Jeju đã không báo cáo cho giới chức trong vòng 14 ngày theo quy định, cơ quan quản lý du lịch đảo Jeju cho hay.

    Sở Di trú Jeju đang trích xuất hình ảnh từ camera an ninh để tìm kiếm nhóm du khách. Những người này sẽ bị coi là cư trú bất hợp pháp sau ngày 14/12, thời điểm hạn lưu trú miễn visa 30 ngày kết thúc.

    VnExpress (Theo Korea JoongAng Daily, Korea Times, Yonhap)

  • Chiều 28-7, bà ngoại (71 tuổi) người Việt Nam và cháu trai (3 tuổi) thiệt mạng thương tâm trong vụ hỏa hoạn tại tỉnh Chungcheong Nam, phía tây Hàn Quốc.

    ba chau han quoc
    Hiện trường vụ cháy thương tâm khiến bà ngoại người Việt và cháu trai thiệt mạng ở tỉnh Chungcheong Nam, Hàn Quốc hôm 28-7 - Ảnh: DONGA ILBO

    Báo Dongahôm 29-7 đưa tin một cụ bà (71 tuổi) người Việt Nam và cháu trai (3 tuổi) thiệt mạng trong nhà bếp khi đám cháy bất ngờ bùng phát tại ngôi nhà ở huyện Cheongyang, tỉnh Chungcheong Nam, phía tây Hàn Quốc lúc 17h30 ngày 28-7.

    Sở Cứu hỏa tỉnh Chungcheong Nam cho biết họ đã cử một đội cứu hỏa đến hiện trường vụ cháy ngay sau khi nhận được tin báo, đồng thời huy động thêm khoảng 100 người và 12 xe cứu hỏa để hỗ trợ dập lửa.

    Ngọn lửa bị dập tắt hoàn toàn sau bốn giờ bùng lên dữ dội, thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà 68m2.

    Hàn Quốc đang trải qua những ngày hè nắng nóng khiến hỏa hoạn càng dễ bùng phát và dễ lan rộng hơn.

    Theo kết luận ban đầu của cảnh sát và lực lượng cứu hỏa địa phương, đám cháy bùng lên từ khu vực bếp, sau đó lan nhanh và thiêu rụi ngôi nhà.

    Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân chính xác của vụ hỏa hoạn, đồng thời tiến hành khám nghiệm tử thi.

    Nạn nhân 71 tuổi thường xuyên đi lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc kể từ khi cháu nhỏ chào đời vào tháng 12-2021, để phụ các con chăm cháu ngoại, đặc biệt là vào mùa xuân và mùa hè, khi Hàn Quốc bước vào mùa canh tác nông nghiệp.

    Những người dân sống gần ngôi nhà bị cháy cho hay cụ bà đến Hàn Quốc từ tháng 2 vừa qua. “Ngày nào bà ấy cũng đón cháu mỗi khi thằng bé tan học và dạo chơi ở nhà văn hóa làng” - ông Seo, một người dân sống gần nhà nạn nhân, kể lại.

    Thời điểm xảy ra vụ cháy thương tâm, cha cháu bé là ông Kim (61 tuổi, người Hàn Quốc) và mẹ cháu (46 tuổi, người Việt Nam) đều đang làm việc ở ruộng ớt gần nhà.

    Hai vợ chồng ông bà kết hôn vào năm 2008 và sinh bé trai đầu tiên vào tháng 12-2021 bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm sau nhiều năm hiếm muộn.

    Cha mẹ cháu bé kiếm sống bằng việc trồng lúa và ớt trên mảnh ruộng 13.223m2 thuê từ một người khác.

    “Tôi đã hứa với thằng bé tôi sẽ là người cha tốt nhất có thể của nó”, ông Kim nói trong nước mắt. Sau khi vụ hỏa hoạn được dập tắt, người dân trong làng đã hỗ trợ gia đình hai nạn nhân lo hậu sự.

    “Mẹ cháu bé cùng các em dì, các cậu thằng bé đã khóc suốt một giờ đồng hồ”, ông Kim, một người dân trong làng, kể.

    Từ tháng 4 vừa qua, chị gái, hai em gái và hai em trai của vợ ông đã từ Việt Nam sang Hàn Quốc làm ruộng với mong ước kiếm thêm thu nhập.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Hyeon, một phụ nữ Việt Nam đã ly hôn với chồng Hàn, dựng lều sống 5 năm dưới gầm cầu ở Seoul vì "muốn ở gần con", trước khi bị cảnh sát bắt.

    Cảnh sát quận Dongdaemun ở thủ đô Seoul ngày 22/4 thông báo Hyeon, 44 tuổi, một phụ nữ Việt Nam nhập cư, đã bị bắt với cáo buộc phá hoại tài sản công cộng sau nhiều năm sống vô gia cư dưới gầm cầu Jungnang.

    Theo cảnh sát, Hyeon đến Hàn Quốc kết hôn với người chồng Hàn bị thiểu năng trí tuệ. Hai người có một con chung, song ly hôn vào năm 2016. Hyeon cho hay cô thường xuyên bị mẹ chồng bạo hành tinh thần vì "không chăm sóc tốt chồng con" và kém tiếng Hàn.

    Hyeon chuyển đến sống tại trung tâm chăm sóc phụ nữ vô gia cư trong hai năm, nhưng cho biết bị bắt nạt tại đây nên quyết định dựng một túp lều dưới gầm cầu Jungnang bên sông cùng tên, vốn là một nhánh sông Hàn, từ năm 2019 cho đến khi bị bắt.

    Trong 5 năm, do sống ở lều và không có địa chỉ cụ thể, Hyeon không nhận được trợ cấp cơ bản, sống nhờ tiền xin từ người qua đường.

    lay chong thieu nang
    Gầm cầu Jungnang nơi Hyeon dựng lều sống trong 5 năm qua. Ảnh: Korea Daily

    Giới chức quận Dongdaemun từng đề xuất đưa Hyeon tới trung tâm dành cho người vô gia cư, cũng như giúp cô học tiếng Hàn, nhưng cô từ chối. "Chúng tôi nhiều lần tìm cách thuyết phục cô ấy rời đi, nhưng cô ấy không chịu, khiến việc cung cấp chính sách trợ cấp gặp nhiều khó khăn", một quan chức chính quyền quận cho hay.

    Chính quyền đã yêu cầu Hyeon rời khỏi căn lều, nhưng người phụ nữ này không chấp hành. Ngày 26/3, Hyeon dùng búa đập phá và châm lửa đốt một chiếc máy trong nhà kho tại văn phòng quận. Đám cháy được kiểm soát sau 20 phút, không có thương vong về người.

    "Tôi tức giận với những người dọn dẹp sông Jungnang. Họ dán giấy yêu cầu tôi rời lều, còn chụp ảnh tôi nữa", Hyeon cho hay. "Tôi không muốn quay lại trung tâm dành cho người vô gia cư để tiếp tục bị bắt nạt. Tôi muốn sống gần con".

    Hyeon sẽ phải hầu tòa vào tháng sau.

    Phụ nữ Việt Nam kết hôn với chồng Hàn nhiều nhất trong số các cô dâu nước ngoài, chiếm 33,5%. Nhiều phụ nữ Việt chọn nhập tịch Hàn Quốc sau khi lấy chồng bản địa. Truyền thông nước này gần đây cho hay số lượng phụ nữ Việt kết hôn với đàn ông Hàn để lấy quốc tịch rồi ly hôn đang tăng vọt.

    VnExpress (theo Hankyung)

  • Người đàn ông 40 tuổi được miễn tố về hành vi lái xe khi say rượu vì bác sĩ xác nhận cơ thể anh ta mắc hội chứng "lên men tự động".

    Luật sư Anse Ghesquiere ngày 22/4 cho hay tòa án cảnh sát thành phố Bruges (Bỉ) đã tuyên trắng án cho thân chủ của cô sau khi thẩm phán xác định anh không có triệu chứng say rượu mà chỉ mắc hội chứng "lên men tự động" (ABS), tình trạng cực kỳ hiếm gặp khi cơ thể tự sản xuất rượu do nồng độ ethanol trong máu cao.

    Ba bác sĩ độc lập xác nhận anh này mắc chứng ABS. Trùng hợp là thân chủ của Ghesquiere cũng làm việc trong nhà máy bia, theo nữ luật sư. Trên thế giới chỉ có 20 người mắc bệnh này.

    Người đàn ông này đã bị cảnh sát kiểm tra vào tháng 4/2022 và có kết quả đo nồng độ cồn trong hơi thở là 0,91 mg/1 lít khí thở. Một tháng sau đó, anh lại bị kiểm tra và phát hiện nồng độ cồn là 0,71 mg.

    Bỉ quy định nồng độ cồn cho phép là 0,22 mg/1 lít khí thở, tương ứng với nồng độ cồn trong máu là 0,5 gram/lít. Vào năm 2019, người đàn ông từng bị phạt tiền và treo giấy phép lái xe dù khẳng định mình không uống rượu.

    uong ruou lai xe
    Cảnh sát Bỉ kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Ảnh: Belga

    Người đàn ông đã không biết về hội chứng của mình trước khi có các kết quả kiểm tra gần đây. Anh đang theo chế độ ăn ít carbohydrate để tránh cho dạ dày sản xuất nhiều cồn hơn.

    Lisa Florin, nhà y sinh học lâm sàng tại bệnh viện AZ Sint-Lucas, cho hay người mắc chứng ABS tự sản sinh cồn giống như trong đồ uống có cồn nhưng ít bị tác động hơn. Đây không phải chứng bệnh bẩm sinh mà bệnh có thể phát triển khi người mắc bệnh đường ruột. Bệnh nhân có thể biểu hiện các triệu chứng như ngộ độc rượu gồm nói ngọng, đi đứng không vững, mất chức năng vận động, chóng mặt và ợ hơi.

    ABS có thể khiến người ta bị phạt nếu bị kiểm tra thổi nồng độ cồn. Hội chứng này được ghi nhận lần đầu vào những năm 1970 ở Nhật Bản, nguyên nhân do nồng độ men ở dạ dày cao bất thường. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa phát hiện lý do nấm men phát triển trong ruột người. Một phụ nữ ở ngoại ô New York năm 2015 cũng được trắng án tội lái xe khi say rượu sau khi được chẩn đoán mắc ABS.

    VnExpress (Theo Reuters)

  • Cơ quan cảnh sát tỉnh Nambu, Hàn Quốc bắt giữ một người Việt nhập cư trái phép ở độ tuổi 20 vì không chịu tuân lệnh dừng xe và lái xe không có giấy phép.

    Theo KBC , cơ quan cảnh sát tỉnh Nambu, Hàn Quốc đã bắt giữ một người Việt Nam nhập cư trái phép ở độ tuổi 20 vì không chịu tuân lệnh dừng xe của cảnh sát và lái xe không có giấy phép.

    nguoi viet o han quoc 1
    Cảnh sát Hàn Quốc dùng trực thăng truy bắt người Việt lái xe 200km/h. (Ảnh: ikbc)

    Cụ thể, vào khoảng 3 giờ chiều 10/2 (giờ địa phương), anh A đang lái xe trên làn đường xe buýt gần đường hầm Yangji theo hướng Gangneung, đường cao tốc Yeongdong ở Yongin, thành phố Kyunggi, thì bỏ qua lệnh dừng xe của cảnh sát và bỏ trốn.

    Khi đó, xe tuần tra của cảnh sát đã không thể tăng tốc đuổi theo do nguy cơ xảy ra tai nạn nếu truy đuổi chiếc xe bỏ chạy. Cuối cùng cảnh sát điều trực thăng và đã bắt kịp người này.

    Qua điều tra của cảnh sát, họ xác định anh A là người Việt nhập cư trái phép, không có giấy phép lái xe và một trong ba hành khách trên cũng là người nhập cư trái phép. Cảnh sát Hàn Quốc đã bàn giao hai người nhập cư trái phép, trong đó có anh A, cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

    nguoi viet o han quoc 1
    Phương tiện vi phạm. (Ảnh: Cảnh sát Hàn Quốc)

    Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc được trang bị nhiều phương tiện bao gồm xe ô tô, xe buýt, xe máy và trực thăng. Xe ô tô bao gồm Hyundai Elantra cỡ trung, Hyundai Sonata cỡ trung và SUV SsangYong Korando C. Trung bình có hai hoặc ba xe ô tô cảnh sát ở mỗi khu vực, tuy nhiên ở những khu vực đông đúc có thể có tới 7 xe. Trong khi đó, các xe máy được sử dụng là loại có dung tích động cơ từ 1.170-1.690cc, chủ yếu cho hoạt động giao thông.

    Cảnh sát Hàn Quốc cũng sử dụng xe buýt cảnh sát. Các mẫu xe hiện đang được sử dụng là Hyundai Universe và Hyundai Super Aero City, và đang chuyển dần sang xe điện.

    Đối với trực thăng, cảnh sát Hàn Quốc sử dụng nhiều loại trực thăng khác nhau như Bell 412, Bell 206L-3, AgustaWestland AW119 Koala, AgustaWestland AW109C, Bell 212, KAI KUH-1 Surion và Mil Mi-172.

    Kênh 14 (Nguồn: KBC)

  • Sau gần 1 năm kể từ khi vụ việc thương tâm, gia đình bé trai vẫn đang nỗ lực đòi lại công bằng cho con của mình.

    Cuối năm 2022, vụ việc liên quan đến bé trai 9 tháng tuổi người Việt nghi bị bảo mẫu tại nhà trẻ ở Hàn Quốc bạo hành đến tử vong đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Theo đó, bé trai được gọi là Cheon sinh vào tháng 3/2022 và là con của một cặp đôi người Việt sinh sống tại thành phố Hwaseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.

    Được biết, cha của bé Cheon sang Hàn Quốc làm việc năm 2011. Hai vợ chồng kết hôn năm 2018 và hạ sinh bé trai vào tháng 3/2022. Do chồng bị bệnh phải nghỉ việc một thời gian, mẹ của bé là chị V.T.N mới buộc phải gửi bé tại một nhà trẻ và tiếp tục đi học, đi làm kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau khi bé Cheon được gửi đến nhà trẻ, vụ việc đau lòng đã xảy ra.

    Theo cảnh sát, vào khoảng trưa 10/11/2022, do bé mãi "không chịu ngủ", Kim (66 tuổi) là bảo mẫu tại nhà trẻ đã đặt gối và đè lên người bé suốt 14 phút. Sau khi thấy bé trai không có phản ứng gì, Kim quay sang xem điện thoại và để mặc bé bị phủ chăn suốt 3 tiếng đồng hồ. Sau khi hết giờ trưa, do không thấy bé trai tỉnh dậy, Kim được cho là đã thực hiện hô hấp nhân tạo cho bé trai nhưng không được nên đã lập tức gọi 911.

    tre bi ba hanh 1
    Hiện trường tại trung tâm giữ trẻ, nơi xảy ra vụ việc thương tâm

    Vào ngày 11/11/2022, nghi phạm Kim đã chính thức bị cảnh sát bắt giữ với tội danh "Ngược đãi và sát hại trẻ em". Tuy nhiên, tội danh của Kim đã được chuyển thành "Bạo hành trẻ em dẫn đến tử vong" với hình phạt 19 năm tù. Ngoài án tù, tòa án còn yêu cầu Kim phải hoàn thành chương trình điều trị lạm dụng trẻ em kéo dài 120 giờ và bị hạn chế làm việc trong các cơ sở liên quan đến trẻ em trong 10 năm.

    Thẩm phán cho biết: "Rất khó để kết luận rằng nghi phạm có ý định phạm tội giết người nếu chỉ dựa vào kết quả cái chết".

    tre bi ba hanh 1
    Phiên tòa tuyên án sẽ được diễn ra vào ngày 22/11 tới đây

    Cầm di ảnh của con trai trước tòa, cha của bé Choen nói: "Đè lên một đứa bé trong 14 phút. Thật vô lý khi tòa cho rằng đây không phải một vụ giết người. Bị cáo cũng chưa từng xin lỗi chúng tôi".

    Trước hình phạt kéo dài 19 năm tù của Kim, gia đình bé Cheon đã quyết định thực hiện kháng cáo với mong muốn mức hình phạt nặng nhất đối với kẻ ác. Tại phiên phúc thẩm hôm 20/9, bên công tố đã giữ nguyên đề nghị như ở phiên sơ thẩm với mức án là 30 năm tù đối với bảo mẫu tại nhà trẻ. Được biết, phiên tòa tuyên án sẽ diễn ra vào ngày 22/11 tới đây.

    Kênh 14 (Nguồn: Daum, Korean Herald)

  • Tờ The Korea Times đưa tin vợ chồng người Việt sinh sống tại Hàn Quốc quyết kháng cáo bản án 19 năm tù giành cho giáo viên nhà trẻ để tìm công lý cho con trai.

    Khi Vo Thi Nhung kết hôn vào năm 2018, chị đang là giáo viên mầm non tại Việt Nam. Năm 2020, chị Nhung mang thai và nghỉ việc để cùng chồng (Tran Anh Dong) sang Hàn Quốc định cư.

    Tháng 3-2021, con trai họ (Tran Viet Bach) chào đời tại TP Hwaseong, tỉnh Gyeonggi. Đến tháng 11-2022, hai vợ chồng gửi con tới nhà trẻ. Thế nhưng 5 ngày sau, bé Bach qua đời tại cơ sở này.

    Theo báo The Korea Times, khám nghiệm tử thi cho thấy cậu bé bị chết ngạt. Cảnh sát điều tra cho biết giáo viên nhà trẻ muốn ép cậu bé ngủ và đã dùng vũ lực đè lên bé trong 15 phút.

    Công tố viên đề nghị mức án cho giáo viên là 30 năm tù. Bởi theo công tố viên, cái chết của em bé là vụ giết người do lỗi bất cẩn nghiêm trọng, trong khi bị cáo nói do "tai nạn". Chủ tọa phiên tòa kết án người này 19 năm tù vào tháng trước.

    Hai vợ chồng đã kháng cáo, cho rằng phán quyết chưa đủ tính răn đe. Anh Tran nói với The Korea Times: "19 năm chẳng có nghĩa lý gì. Bà ấy giết một đứa trẻ mà chỉ phải ngồi tù 19 năm? Chúng tôi đang đấu tranh để bà ấy chịu mức án hơn 19 năm".

    vo chong viet o han quoc 1
    Hai vợ chồng và con trai tại nhà riêng khi bé còn sống. Ảnh: The Korea Times

    Anh Tran vẫn nhớ hình ảnh khỏe mạnh của con trai. "Bé hoàn toàn khỏe mạnh, ăn ngon ngủ tốt. Và con trai tôi đột ngột qua đời. Thật khó chấp nhận" – anh chia sẻ với The Korea Times.

    Dư luận Hàn Quốc nhiều lần rúng động vì những vụ ngược đãi trẻ em. Theo các chuyên gia, việc ngược đãi chủ yếu xảy ra ở nhà, nhưng cũng có những vụ trẻ em bị ngược đãi do giáo viên giữ trẻ.

    Hai vợ chồng anh Tran sống trong cảm giác tội lỗi vì đã gửi con trai đến nhà trẻ.

    Anh Tran cho biết thêm: "Tôi phải phẫu thuật lưng và vợ đi học. Chúng tôi cần sự giúp đỡ và coi cơ sở giữ trẻ vào ban ngày là giải pháp. Nghĩ lại mới thấy chúng tôi thật ích kỷ. Tôi có thể hoãn cuộc phẫu thuật. Vợ đi học sau cũng được".

    Gần 6 tháng sau vụ việc, hai vợ chồng phải phụ thuộc vào thuốc ngủ đi điều trị tâm lý. Anh Tran thú nhận: "Chúng tôi cảm thấy chính mình đã giết chết con". Cả hai không thông báo cho cha mẹ chính xác những gì đã xảy ra. Anh Tran noi: "Chúng tôi chỉ nói cháu đã mất không nói nguyên nhân thực sự. Chúng tôi không muốn nói ra sự thật bởi họ sẽ lo lắng và đổ bệnh mất".

    Hai vợ chồng cũng có cuộc sống không dễ dàng ở Hàn Quốc. Anh Tran bị thương tại nơi làm việc nhưng người chủ Hàn Quốc từ chối trả tiền điều trị. Anh phải tự chi trả tiền phẫu thuật. Hiện tại, hai vợ chồng trang trải cuộc sống dựa vào nguồn thu nhập của chị Nhung. Chị Nhung có thị thực sinh viên, kiếm được chút đỉnh từ công việc bán thời gian.

    Dẫu vậy, anh Tran nói rằng hai vợ chồng "vẫn muốn định cư ở Hàn Quốc và gầy dựng gia đình nhưng không phải bây giờ. Khi chúng tôi có con, chúng tôi sẽ không gửi cháu đến nhà trẻ cho đến khi cháu biết nói".

    Kang Hee-soo, người điều hành một tổ chức phi lợi nhuận, cho rằng đứa bé có thể đã được cứu nếu các nhân viên cẩn thận hơn. Ông nhấn mạnh rằng các luật hiện hành ở Hàn Quốc phải được sửa đổi để phụ huynh có quyền truy cập camera quan sát thường xuyên và dễ dàng. "Chỉ như thế, nhân viên tại các cơ sở giữ trẻ sẽ mới cẩn thận hơn" – ông Kang nói với The Korea Times.

    Theo Người Lao Động

  • Một nhóm người Việt Nam vừa bị cáo buộc làm giả giấy phép lái xe để giúp các đồng hương nhận bằng lái xe tại Hàn Quốc dễ dàng hơn, cảnh sát nước này cho hay.

    Cơ quan Cảnh sát thành phố Busan, Hàn Quốc hôm nay 29/5 thông báo họ đã giam giữ một người đàn ông Việt Nam 28 tuổi và bắt 4 người khác, song không giam giữ, với cáo buộc can thiệp vào dịch vụ công và làm giả giấy tờ tùy thân.

    Cảnh sát Busan cũng triệu tập 26 công dân Việt Nam khác. Đây là những người đã đưa tiền cho nhóm đối tượng trên để lấy giấy phép lái xe Hàn Quốc bất hợp pháp.

    (Ảnh minh họa)

    Trước khi bị bắt, nhóm 5 người Việt Nam đã đăng quảng cáo trên mạng xã hội, hứa hẹn sẽ giúp các đồng hương tại Hàn Quốc nhận bằng lái xe của nước sở tại nếu họ chưa có bằng lái xe của Việt Nam hoặc gặp khó khăn trong việc nhận bằng lái xe của Hàn Quốc.

    Theo quy định hiện hành, Việt Nam là một trong 136 quốc gia ký thỏa thuận với Hàn Quốc, trong đó cho phép những người đã có bằng lái xe của Việt Nam có thể đổi lấy bằng lái xe của Hàn Quốc mà không cần tiến hành thêm các thủ tục hoặc các bài kiểm tra bổ sung.  

    26 công dân Việt Nam đã gửi hộ chiếu, tờ khai đăng ký dành cho người nước ngoài, ảnh chứng minh thư và số tiền từ 700.000 won (khoảng 58,6 USD) - 1 triệu won đến nhóm người trên. Nhóm này sau đó sẽ “phù phép” ra các bằng lái xe giả của Việt Nam và gửi lại cho khách hàng.

    Các khách hàng Việt Nam sau đó tới các trung tâm sát hạch lái xe tại Hàn Quốc để đổi các bằng lái xe giả của Việt Nam lấy bằng lái xe của Hàn Quốc.

    Cảnh sát Hàn Quốc cho biết nhóm đối tượng người Việt thậm chí còn “chế” vé máy bay giả trở về Việt Nam. Các khách hàng mang số vé giả này tới các trung tâm sát hạch để nhận lại bằng lái xe giả của Việt Nam mà họ đã nộp trước đó. Sau đó, họ sẽ xé bỏ các bằng lái giả này để tiêu hủy chứng cứ.

    Điều đáng lưu ý là vì lý do nào đó, các trung tâm sát hạch đã không thu lại các giấy phép lái xe của Hàn Quốc khi trả các giấy phép lái xe của Việt Nam cho nhóm công dân người Việt. Do vậy, ngay cả khi đã được trả lại các bằng lái xe của Việt Nam, 26 người Việt vẫn lái xe tại Hàn Quốc với bằng do nước này cấp.

    Cảnh sát Hàn Quốc đang đề nghị Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) mở cuộc điều tra để phát hiện thêm đồng phạm tại Việt Nam của nhóm làm giả giấy tờ trên. Cảnh sát cũng khuyến cáo Cục Đường bộ Hàn Quốc, cơ quan phụ trách quản lý giấy phép lái xe, khắc phục các lỗ hổng trong chương trình trao đổi giấy phép lái xe dành cho người nước ngoài.

    Viethome (theo Dân Trí)