• nguoi viet canada mua nha 0

    Căn biệt thự của cặp vợ chồng Việt sinh sống tại Canada có diện tích lên đến 500m2 cộng với khu vực sân vườn khoảng 450m2. Chủ nhân của căn hộ này cho biết căn nhà có giá 3,3 triệu đô-la Canada (61 tỷ đồng) này là thành quả sau 7 năm làm việc và phấn đấu của cả hai người.

    Xem đến 50 căn nhà trước khi "chốt sổ" được không gian sống mơ ước

    Theo gia đình sang sinh sống tại Canada từ năm 15 tuổi, Tristan Trí Nguyễn (36 tuổi) đã học tập và làm việc tại xứ Phong Đỏ cũng ngót nghét 20 năm. Trước khi bén duyên với ngành bất động sản, anh từng làm quản lý kinh doanh tại một số doanh nghiệp. Thích nhà đẹp và decor nội thất, anh đã chuyển hướng sang làm chuyên viên bất động sản ở khu vực Greater Toronto Area.

    nguoi viet canada mua nha 1
    Vợ chồng anh Trí đã sinh sống ở Canada được 20 năm. Ảnh: NVCC

    Tristan Trí Nguyễn cho biết nhờ làm việc trong lĩnh vực bất động sản với kinh nghiệm của bản thân anh có cơ hội tìm mua được căn nhà này đúng với mong ước của cả 2 vợ chồng. Anh chia sẻ trước đây hai vợ chồng sống trong một căn chung cư, sau đó đổi sang một căn nhà độc lập nhỏ trước khi tạo dựng được căn nhà mơ ước.

    Thời điểm tìm mua căn nhà này, anh cho biết trùng với khoảng thời gian nhu cầu thị trường nhà đất ở Canada tăng cao. "Số lượng nhà bán ra không đáp ứng đủ nhu cầu. Khi một căn hộ vừa đưa ra thị trường sẽ bán hết chỉ trong vòng 2-3 ngày và phải đấu giá căng thẳng để mua được", Tristan Trí Nguyễn chia sẻ.

    nguoi viet canada mua nha 1
    Biệt thự của vợ chồng anh Trí được ốp đá trắng sang trọng. Ảnh: NVCC

    Thêm nữa anh cho rằng nhà ở Canada đa phần xây sẵn nên để mua một căn nhà ưng ý khá khó. Vậy nên để sở hữu không gian sống này, vợ chồng anh đã phải đi xem khoảng 50 căn trong vòng 4 tháng.

    "Khi bước vào căn nhà này, vợ chồng tôi đã phải ngỡ ngàng, kiểu như love at the first sight (yêu từ cái nhìn đầu tiên). Sau đó càng đi vào trong, chúng tôi đều cảm nhận đây thực sự là căn nhà dành cho gia đình mình. Vì vậy chúng tôi đã quyết định mua lại trong ngày luôn nên mới có cơ hội sở hữu căn nhà này", anh kể.

    Chia sẻ thêm về căn nhà của mình anh cho biết do chủ cũ là kiến trúc sư người Italy nên kiến trúc từ bên ngoài đến bên trong đều được tính toán và thiết kế hài hoà. Sau khi mua, vợ chồng anh không cần cải tạo mà chỉ việc decor theo phong cách yêu thích.

    nguoi viet canada mua nha 1
    Khung cảnh căn nhà về đêm. Ảnh: NVCC

    "Sau khi mua xong, là chuỗi ngày hai vợ chồng tôi đi khắp Toronto (Canada) để lựa chọn và đặt mua nội thất, vật dụng trang trí. Toàn bộ, nội thất và trang trí trong nhà đều do chúng tôi lên ý tưởng, mua sắm và sắp xếp", anh Trí chia sẻ.

    Căn nhà được vợ chồng anh Trí Nguyễn decor theo phong cách tân cổ điển châu Âu với tone màu trắng kem. Không gian sinh hoạt gồm 3 tầng với tầng hầm gồm một phòng ngủ master dành cho khách, quầy bar, phòng kỹ thuật và nhà kho; tầng 1 gồm phòng làm việc, bếp, phòng ăn, phòng khách và phòng giặt; tầng 2 là 4 phòng ngủ và 3 WC.

    nguoi viet canada mua nha 1
    Quầy bar ở tầng hầm. Ảnh: NVCC

    nguoi viet canada mua nha 1
    Toàn bộ không gian phòng khách với thiết kế theo phong cách châu Âu - tân cổ điển với những đường nét chạm khắc tinh tế từ cột nhà, lò sưởi đến trần nhà. Ảnh: NVCC

    nguoi viet canada mua nha 1
    Phòng làm việc. Ảnh: NVCC

    nguoi viet canada mua nha 1
    Gian bếp với phong cách mở. Ảnh: NVCC

    nguoi viet canada mua nha 1
    Phòng ăn chính của gia đình, nơi đây vợ chồng anh Trí dùng để đãi tiệc và tiếp đãi bạn bè. Ảnh: NVCC.

    nguoi viet canada mua nha 1
    Phòng giải trí. Ảnh: NVCC

    nguoi viet canada mua nha 1
    Phòng của con gái anh Trí. Ảnh: NVCC

    nguoi viet canada mua nha 1
    Phòng ngủ của hai vợ chồng. Ảnh: NVCC

    Ngôi nhà là tâm huyết của 2 vợ chồng nên từng góc nhỏ trong nhà đều được chăm chút tỉ mỉ. Góc bàn ăn sáng và góc cầu thang là hai không gian anh Trí yêu thích nhất trong căn nhà của mình. 

    "Tôi thích góc bàn ăn sáng vì khi ngồi đây đọc tin tức hay thưởng thức cafe thì vẫn có thể nhìn thấy được vợ nấu ăn trong bếp, con gái đang chơi trong phòng khách và cả khu vườn phía sau nhà. Cảm giác được nhìn thấy mọi thứ thân thương khi bắt đầu ngày mới nó rất khó tả, nói chung là hạnh phúc. Còn góc cầu thang thì dù nhìn từ dưới lên hay từ trên xuống thì tôi sẽ thấy được sự xuyên suốt, độ sâu của ngôi nhà". Anh Trí cười nói.

    nguoi viet canada mua nha 1
    Góc ăn sáng có view bể bơi và những bông hoa bung nở. Ảnh: NVCC

    Chia sẻ về giá của căn nhà này, anh cho biết được mua với mức 3,3 triệu đô Canada (khoảng 61 tỷ đồng) cộng thêm chi phí nội thất, decor khoảng 100.000 đô Canada (khoảng 1,8 tỷ đồng).

    nguoi viet canada mua nha 1
    Bể bơi khuôn viên sau vườn. Ảnh: NVCC

    "Cả nhà tôi rất vui và hạnh phúc khi dọn về căn nhà này. Niềm vui này không chỉ vì là được ở trong căn nhà đẹp. Mà niềm vui này còn có một chút xíu tự hào vì đây là thành quả sau bao năm nỗ lực làm việc của 2 vợ chồng. Riêng với con gái nhỏ của tôi, tuy bé chưa biết thể hiện thành lời nhưng mình nghĩ bé cũng rất thích vì có một căn phòng riêng rộng rãi với nhiều đồ chơi và không gian trong nhà cũng đủ rộng để bé có thể chạy nhảy thoả thích!", anh Trí chia sẻ.

    Theo Kênh 14

  • Hồi mới sang Canada để chăm sóc thằng con đi du học, tôi đã nghe nhiều người Việt kể về những ngày đầu khởi nghiệp trên xứ lá phong. Bắt giun là nghề gây ám ảnh với tôi nhiều nhất. Có lẽ nó là nghề hợp pháp mang tính thử thách lớn nhất cho lòng can đảm của người Việt (mà nghe đâu nghề này được truyền lại từ người Italy và Bồ Đào Nha).

    Khi trái tim của Toronto đang phập phồng vì dịch bệnh và biểu tình thì Kiên đang làm việc trong các nông trại ở Hamilton, cách Toronto chừng hơn 1 giờ lái xe. Vốn là một kỹ sư công nghệ thông tin, anh chấm dứt hợp đồng lao động với một tập đoàn du lịch, giải trí và bất động sản lớn nhất nhì nước để sang Canada đoàn tụ cùng vợ con. Nếu không vì đại dịch, anh có thể đã nhận được “Giấy phép lao động” để kiếm việc làm phù hợp. Để tồn tại, ông bố hai con người Hà Nội vốn chỉ biết học và học ấy nay trở thành một nông dân ngày ngày đi bẻ cành nho – một công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại là thách thức với một người “đầu to, mắt cận” như anh.

    “Mấy ngày nay anh ấy không bẻ cành nho nữa mà là đi bắt giun chị ạ”. Hồng gọi điện kể làm tôi giật nảy người. Đầu tháng 4, chính tôi là người kể cho Hồng nghe (mà tôi cũng nghe lại từ những người quen, bạn bè) về cái nghề đối với tôi là khủng khiếp nhất này. Nghe xong chuyện tôi kể, Hồng nói dứt khoát: “Em sẽ để anh ấy đi bắt giun”. Tôi hoảng hốt: “Làm sao mà nó đi bắt giun được. Nó dân văn phòng mà”. Hồng nói qua điện thoại, giọng lạnh tanh: “Đến em còn sẵn sàng đi bắt giun, vì sao anh ấy lại có quyền từ chối?!”. Đúng là Kiên không thể từ chối được.

    nghe san trun o canada

    Em gái tôi là dân ngoại ngữ, đã làm trong các tổ chức nước ngoài cả chục năm, sang Toronto tu nghiệp sau đại học 2 năm, đã tốt nghiệp và vừa làm việc tại một văn phòng luật sư được 6 tháng thì mất việc vì dịch. Tôi đã chứng kiến em vốn mảnh mai, sang chảnh khi xưa, giờ lái xe tải chuyển đồ chạy băng băng trên các con phố ở Toronto. Vì cuộc sống nơi đất khách, có nghề nào hợp pháp, kiếm được tiền mà em lại không dám làm?!

    Ở Mỹ và Canada, người ta gọi bắt giun là nghề “săn trùn” hay còn gọi là “nghề lượm đô la”. Mùa săn trùn từ giữa tháng 4 đến hết tháng 9. Vào những ngày mưa, giun trong lòng đất chui lên nhung nhúc, con nào con nấy to và dài như chiếc đũa. Các chàng trai, cô gái, bà nông dân hay anh luật sư khi làm nghề bắt giun thì như nhau cả. Trán đeo đèn pin như bác sĩ tai mũi họng, quần áo mưa, lưng đeo bình sạc pin, tay đi bao, một bên chân đeo lon như lon sữa bột loại to, chân kia đeo lon cám để xoa vào tay chống trơn trượt.

    Cả đêm, các “batgiuner” (một cách gọi vui) cúi lom khom trên mặt đất để vơ giun cho vào lon. Mỗi lon chừng 420 con, giá chừng trên dưới 20 đô la Canada một lon. Cao thủ trong nghề thì bắt được 60-70 lon, người “kém tắm” cũng chừng 40 lon. Cái giá của mỗi đêm kiếm được 300 đến cả ngàn đô la cũng không hề rẻ. Người mới vào nghề thì sau một đêm đi bắt giun, ngày hôm sau chỉ bò mà không thể đứng thẳng. Có người đầu hàng ngay sau buổi đầu tiên. Người khác thì vượt qua nỗi sợ hãi – sợ giun, sợ bẩn vì đất bùn trộn lẫn phân bò nhơ nhớp, khi đỡ đau lưng lại quyết tâm nhập cuộc. Tôi quen rất nhiều người đồng hương sau này trở thành chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh, có con cái thành đạt... đều khởi nghiệp từ nghề bắt giun như thế.

    Nào, ta cùng đi bắt giun

    Một cô tôi quen tên Giang, nghiện bắt giun đến nỗi bỏ cả cơ sở làm ăn ở Việt Nam để sang Canada làm farm, nuôi con du học. Cô kể: “Em làm farm nhưng chỉ để chờ đến mùa bắt giun. Em mê và nhớ bắt giun đến nỗi, chưa tới mùa săn trùn mà khi ngủ em đã mơ thấy giun bò khắp giường. Nhìn thấy chúng bò mà em sướng run người, cứ nghĩ đến con học hành thành đạt, mình lại có lưng vốn, còn giúp được cả bố mẹ anh chị em mà sướng”.

    “Sao em gan vậy?”. Tôi gợi chuyện. “Hồi đầu em cũng sợ, sau em cứ lẩm nhẩm đếm,một lon là 20 đô, 10 lon là 200 đô... thế là quên sợ chị ạ”. Cô vừa cười vừa khóc kể.“Có một anh cũng đi bắt giun nhưng lại thích em. Thế là anh ấy cứ bò lê kéo càng bên cạnh em cả đêm để bắt giun.

    Hôm nào em mệt, anh ấy bốc giun bỏ vào lon cho em. Có hôm đèn pin của em bỗng bị tắt, trong cơn say bắt giun, em giằng phắt đèn pin trên trán của anh ấy... thế là hai người chung nhau một cái đèn, em lom khom đi hướng nào, anh ấy lom khom theo hướng đó”. Cô lại cười váng nhà.

    Bạn của Giang tên Chúc, chủ một tiệm nail cũng từng là một “batgiuner” nổi tiếng góp chuyện: “Ở nhà em là công chúa chị ạ. Thấy giun là em nhảy lò cò, hét lên vì sợ. Sang bên này em không còn đường lui, thế là theo bạn bè đi bắt giun. Hồi đầu em sợ đến độ sau mỗi đêm đi bắt giun là em ốm, sốt cao đến mê sảng. Sau quen. Cứ đếm tiền bán giun trong giấc ngủ, quên hết cả nỗi sợ”. Những đồng tiền từ công việc săn trùn này đã mang lại cho Chúc ngôi nhà, tiệm nail, nuôi hai con khôn lớn và giúp được bố mẹ ở Quảng Ninh.

    Săn trùn đã mở lối cho Kiên bước vào, Hồng em tôi thì gửi con cho một bà bác sĩ răng hàm mặt (sang Canada chăm con du học) để đi bắt giun cùng chồng. Em gái Hồng là Trang – một dịch giả có tên tuổi ở Việt Nam, theo kế hoạch cũng sang Canada vào giữa tháng Tư. “Nếu nó mà sang rồi thì đợt này em cũng đưa đi bắt giun chị ạ. Không làm lấy gì mà ăn. Mọi việc tính sau”. Hồng quả quyết.

    Tôi đã qua cái tuổi có thể gập người bắt giun để mưu sinh vì chắc chắn tiền làm ra không lại được với tiền viện phí. Tôi chỉ có thể “kính nhi viễn chi”, nếu có ngắm những cặp môi tô son thì sẽ nghĩ ngay đến “những người bắt giun ”ở xứ lá phong huyền diệu. Đó là vì, giun được bán cho người sản xuất mỹ phẩm, trong đó có son môi.

    Nguồn: thuonggiaonline

  • “Đi làm trong tủ lạnh không? Việc nhiều, lương cao”. Đến xứ tuyết Canada lạnh tê tái, tôi lại trố mắt khi nghe rủ đi làm trong... tủ lạnh. Thôi thì..., tôi đã xác định qua đây “cày” vì con...

    Tương tự VN, việc làm ở các thành phố lớn Canada rất nhiều nhưng chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Nhiều người Việt về thành phố nhỏ để an phận. Anh chị họ tôi đã chọn Saint John, bờ đông Canada có nhiều hãng cá đầy việc làm.

    nguoi viet o canada xu tuyet trang
    Thợ may Việt ở Canada - Ảnh: HẢI YẾN

    Làm trong... tủ lạnh

    "Không thấy mặt trời, 4h sáng tôi dậy lo thức ăn, 5h lái xe hơn một tiếng mới đến chỗ làm. Nhiệt độ trong hãng luôn đặt 7 độ âm lạnh tê tái để bảo quản cá tươi, nên thợ phải mặc ít nhất 3 lớp đồ ấm nặng nề, rồi còn phải đeo 2 lớp găng tay thép lẫn cao su. Nghe thì ghê vậy, nhưng làm ăn lương sản phẩm mê lắm, đua nhau cắt đầu cá, lạng philê" - chị họ Huyền Thanh của tôi tâm sự.

    Những người mới qua hay hỏi sao không đi thành phố lớn để thoát cái... tủ lạnh khổng lồ đó? Chị trả lời: "Ở đâu quen đó, làm ở đây để dành được tiền vì không có mấy thứ để xài. Con cái lớn muốn đi thành phố thì đi. Mình mọc rễ ở đây cho khỏe, đâu cũng "cày" thôi".

    Tương tự làm hãng cá, công việc ở các hãng gia súc, gia cầm... cũng đòi hỏi công nhân có sức khỏe và chịu lạnh. Người có tay nghề cao, lương theo sản phẩm có khi còn được gấp đôi lương minimum (sàn) theo quy định, như bang Québec là 12,10 CAD (đôla Canada) mỗi giờ.

    Công việc phụ nhà hàng cũng khá phổ biến. Hầu như mọi người đều có thể làm được nếu chịu khó. Nhà hàng thường chuẩn bị thức ăn trước cho cả tuần nên cần người phụ việc. 

    Anh Tiến, người đã làm việc này hơn 3 năm, nhớ lại: "Ngày đầu đi làm bị sốc. Ông quản lý đưa 20kg hành tây biểu xắt nhỏ, nước mắt chảy ròng ròng vì hơi cay mà phải ráng. Vừa xong, ổng lại kêu đi tập cuốn chả giò, cuốn cái nào bể cái đó mà vẫn phải tập cho được. Nhưng quen rồi lại thấy dễ. Vừa được ăn ngon, nhà hàng dư thức ăn còn được đem về cho vợ con".

    Trong khi đó, nghề nail có lẽ tiền bạc rủng rỉnh vì ngoài lương chia với chủ còn có tiền tip. Thợ nào nhiều khách thì sống khỏe, và đã có tay nghề thì không lo thất nghiệp vì các tiệm nail tuyển thợ liên tục.

    Bản thân tôi từng học nail ở VN để thủ thân do nghe nói dễ kiếm sống nơi xứ người. Qua Canada, tôi cũng định làm nail, nhưng cuối cùng nghề không chọn tôi. Bởi lúc tan sở khách mới đi làm đẹp. Ngày nghỉ của họ là ngày cao điểm của thợ. Nghĩ lại, mình ra đi vì con cái mà giờ qua đây cắm đầu "cày", bỏ bê con đang tuổi lớn liệu đáng không?

    Cô thợ may Việt

    Đang phân vân thì hãng may tuyển người, thế là tôi một bước thành... cô thợ may. Việc hãng làm rất dễ vì không phải may nguyên cái áo, cái quần, chỉ là ráp từng khâu để thành phẩm. Hãng thiếu người khâu nào nhân sự sẽ cho vào khâu đó, chứ không phân chia theo tay nghề bởi tuyển người vào họ sẽ đào tạo.

    Người không cần biết may vẫn có thể tự tin nộp đơn. Nếu làm giỏi và "đạt job" (lượng hãng đưa ra) có thể cao hơn lương minimum từ 1-3 CAD/giờ. Lương cơ bản trong hãng không cao, nhưng được bảo hiểm cho cả nhà gồm tiền thuốc, vệ sinh răng và thay tròng kiếng hằng năm. 

    Nhiều người không thích làm hãng chỉ vì bị trừ thuế quá cao. Luật quy định người đi làm sẽ đóng 3 loại thuế mỗi tháng, trong đó bao gồm thuế thu nhập (Income tax), CPP (Canada Pension Plan - tiền già) và EI (Employment Insurance - bảo hiểm thất nghiệp).

    Hãng Peerless tôi làm việc năm nay tròn 100 tuổi, được người Việt biết với tên gọi hãng 4 số 8 (vì địa chỉ hãng là 8888 boul. Pie IX). Đây là "bến đầu" cho nhiều người Việt mới qua, vì hãng lớn có nguồn hàng ổn định. Hiện tôi là một trong khoảng 1.400 công nhân đang làm ở đây. 

    Ngoài VN còn có nhiều người đến từ Campuchia, Lào, Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Nam Mỹ... Chỉ một ít là dân Canada.

    Tôi làm việc mỗi tuần 39 giờ. Trung bình mỗi tháng kiếm 2.000-2.500 CAD chưa trừ thuế. Bên này mức thuế tùy theo thu nhập, thấp nhất là 15%. Hãng có căngtin bán cà phê và thức ăn trưa với các món xúp, mì, salad, khoai tây chiên, gà chiên... giá mềm hơn nhiều so với quán ăn bên ngoài, nhưng hơn nửa công nhân thường mang thức ăn từ nhà đến.

    Hãng cho nghỉ 3 tuần vào mùa hè và 2 tuần vào dịp Noel - Tết dương lịch. Tôi sẽ làm đến già móm vì 65 tuổi mới được về hưu. Những người từng đi làm sẽ lãnh lương hưu, những người không đi làm vẫn được hỗ trợ tiền già. Người không có nhà sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà. Chính phủ sẽ xem xét từng trường hợp để bảo đảm người dân sống tương đối đầy đủ khi về già.

    Ở Canada, tốn nhất là tiền nhà và tiền điện vào mùa đông. Tính sơ tiền thuê nhà khoảng 800 CAD, tiền điện 200 CAD, điện thoại và Internet 100 CAD, tiền chợ 800 CAD, bảo hiểm xe, bằng lái, bảng số xe... xăng xe 300 CAD.

    Vợ chồng cùng làm công nhân, tiết kiệm lắm cũng xài mất 70% thu nhập. Muốn dư dả phải làm thêm, phổ biến nhất là lãnh hàng về may buổi tối, đi làm nhà hàng hoặc làm nail cuối tuần.

    Trẻ em phải học gần nhà

    Làm vất vả, nhưng tôi có niềm vui về con mình. Quyền lợi trẻ em là ưu tiên hàng đầu ở Canada. Ngoài học miễn phí, trẻ còn được học rất nhiều ngoại khóa thú vị. Đầu năm học trước, con trai 8 tuổi của tôi đi học về hào hứng kể: "Hôm nay trường có các cô chú police đến chơi. Cô chú cho tụi con lên xe police ngồi, rồi còn cho đội nón police nữa. Bạn nào cũng thích".

    Nhờ buổi ngoại khóa mà cậu nhóc đã tự giải quyết vấn đề rất nhanh. Chiều đó, lúc đi làm về, tôi thấy con chó lạ đứng ngay hè nhà mình. Tôi không biết phải làm sao với nó vì không thấy đeo tên và số điện thoại của chủ. 

    Đang loay hoay thì cậu nhóc gọi ngay 911 rồi khuyên tôi: "Cái gì không bình thường mình đều gọi 911 được hết". Vài phút sau, hai xe police và cứu thương đến mang chú chó đi mà không quên cảm ơn cậu nhóc.

    Trẻ bắt buộc đi học tại trường học gần nhà. Cuối năm, trường đều phát giấy đề nghị kê khai nếu đổi địa chỉ. Trường cách nhà trên 1km, học sinh sẽ được đi school bus. Con trai và hai cháu tôi hằng ngày đều đi bộ đến trường vì chỉ cách nhà 500m. 

    Trên đường, mỗi ngã tư đều có ông bà thiện nguyện cầm bảng stop giơ lên cho xe dừng để đưa các cháu qua đường. Ngày nào cũng có người đứng ngã tư chờ học sinh đi, về và giúp đưa hết tốp này đến tốp khác qua đường an toàn.

    Nhờ có sự giúp đỡ đó mà vợ chồng tôi rất an tâm "thả" con cháu tự đi học để cha mẹ lo làm việc...

    Người cao tuổi cũng được hưởng nhiều quyền lợi ở Canada mà không phân biệt dân di cư hay bản xứ. Ngoài việc khám - chữa bệnh tại bệnh viện, bệnh nhân cao tuổi về nhà còn được CLSC (trung tâm y tế địa phương) cử người đến chăm sóc riêng nếu họ không thể tự chăm sóc bản thân.

    Nếu bệnh nhân ở một mình, trí nhớ có vấn đề, người của CLSC còn đến tận nhà bệnh nhân giúp họ uống thuốc đúng liều, đúng giờ.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Cắt giảm ăn hàng, hai vợ chồng chị Ngọc ở Canada chỉ tốn khoảng 200 đôla tiền ăn mỗi tháng, ít hơn khi sống ở Sài Gòn.

    Dưới đây là chia sẻ của chị Anh Ngọc, 28 tuổi, hiện sinh sống ở Ontorio, Canada về chi phí dành cho việc ăn uống mỗi tháng. Chị Ngọc chia sẻ trước khi sang đây định cư cùng chồng, anh chị từng sống hai năm ở Sài Gòn, nhưng tiêu tiền nhiều hơn khi sang Canada.

    Tôi đã sang Canada, quê chồng, định cư được gần một năm. Thời gian đầu, tôi ở nhà cơm nước, dọn dẹp nhà cửa và tranh thủ đi học thêm tiếng Anh. Vì chỉ có chồng đi làm nên tôi cố gắng tiết kiệm mọi thứ hết mức có thể, từ tiền ăn uống tới shopping, đi chơi…

    Thời còn ở Sài Gòn, tôi từng chi khoảng 8 triệu – 9 triệu cho việc ăn uống hàng tháng. Buổi sáng hai đứa thường ra hàng ăn cùng nhau, sau đó mới đi làm. Chi phí của hai người dành cho bữa sáng dao động 50 – 70 nghìn đồng tùy bữa, từ thứ hai tới thứ 6. Thứ 7, chủ nhật, hai vợ chồng sang chảnh hơn một chút, vừa đi ăn vừa cà phê lượn lờ, nên tốn kém hơn, khoảng 200.000 đồng… Tổng lại, bữa sáng của gia đình tôi mỗi tháng vào khoảng 2 triệu.

    Buổi tối, mỗi bữa tôi chi hết khoảng 120 – 150 nghìn đồng. Số tiền còn lại là đi ăn hàng. Tôi rất thích ra quán ăn hoặc mua đồ sẵn ngoài chợ vì tiện, đỡ phải nấu nướng nhiều, vì thế khá tốn kém. Mỗi tháng vợ chồng tôi ăn hàng khoảng 6 lần, toàn vào quán ăn nước ngoài (anh thích pizza và những món Tây), trung bình khoảng 500.000 đồng/bữa. Tiền ăn tiêu tốn của hai chúng tôi gần 1/3 tổng thu nhập.

    Khi sang Canada, học theo thói quen của mọi người, chúng tôi hầu như chỉ ăn sáng ở nhà. Mỗi sáng, chúng tôi thường chỉ ăn bánh mỳ nướng, hoặc yến mạch. Chồng tôi thích ăn ngũ cốc với sữa. Tôi mua loại 5 đôla một hộp ăn trong vòng 1 tuần. Sữa thì 4 đôla uống cũng khoảng 8 ngày, vì chồng tôi uống sữa thay nước. Bánh mỳ bố mẹ chồng tôi hay làm nên chúng tôi hay sang đó mang về. Như vậy, bữa sáng tôi tiêu tốn hết khoảng 36 – 45 đôla/tháng. 

    Chồng tôi buổi trưa ăn ở chỗ làm nên chúng tôi chỉ ăn chung với nhau bữa tối. Thường tôi sẽ nấu món Việt, còn anh thích ăn các món kiểu Tây anh sẽ tự vào bếp nấu. Vì nhớ quê nên tôi tự mày mò làm nhiều món như phở, bánh bột lọc… thay đổi mỗi ngày. Tôi cũng làm cho anh một số món Tây đơn giản như mỳ spaghetti, gà hầm… Chồng tôi thích làm món thịt xông khói cuộn gà rồi bỏ vào lò nướng, ăn chung với khoai tây nghiền, thỉnh thoảng nấu gà pasta hoặc mấy món Mexico như ớt nhồi phô mai với bò xay các kiểu… Bữa trưa chỉ có một mình tôi thường ăn qua loa hoặc hâm lại đồ còn từ tối hôm trước. 

    Tiền thực phẩm một tháng tôi chi ra trên dưới 200 đôla (tầm 4 triệu). Một tháng hai vợ chồng tôi đi ăn ngoài 2 lần, rẻ nhất là khoảng 10 đôla, mắc nhất khoảng 30 đôla… để thay đổi không khí.

    Để tiết kiệm tiền mua thực phẩm hơn, tôi tải một ứng dụng mua sắm khá nhiều người dùng bên này. Khi nào muốn mua đồ thì lên app kiểm tra siêu thị có sản phẩm nào nếu mua sẽ được dồn tiền. Ví dụ hôm nay tôi muốn đi siêu thị tên No frills, tôi lên app và search No Frills! Sau đó app sẽ cho tôi biết nếu mua trái cây thì sẽ được cộng dồn 1 đôla, mua dầu ăn được cộng dồn 2,50 đôla… mua nhiều thì tích lũy nhiều.

    Sau khi mua xong giữ lại hoá đơn rồi đưa vào màn hình điện thoại cho app quét. Sau đó tiền sẽ tự động được cộng dồn từ những thứ mua có trong danh sách. Lần sau đi chợ mua nếu mình muốn dùng số tiền tích lũy thì dùng, không thì cứ dồn đó khi cần. Một chiếc thẻ có thể dùng cộng dồn cho nhiều siêu thị, cây xăng… nên rất tiện. Những khoản cộng dồn tưởng ít nhưng nó cũng giúp tôi tiết kiệm được kha khá. 

    Như vậy mỗi tháng tôi tiêu tốn khoảng 260 đôla cho chi phí ăn uống, gồm cả ăn sáng, bữa tối và ăn hàng. So với số tiền ăn phải bỏ ra khi ở Việt Nam, tôi bớt được khá nhiều. Ở bên này, người ta thường ít khi đi ăn hàng, và tự nấu ở nhà những món có thể làm, nên tôi thấy ăn uống đảm bảo hơn. Thói quen hơi tí là chạy ra ăn hàng, tiện mua đồ có sẵn của tôi ở Việt Nam gần như biến mất khi sang đây.

    Mỗi tháng chúng tôi cần phải trả một khoản tiền lớn hơn là 750 đôla cho tiền thuê nhà hàng tháng, nên tiền ăn tôi chỉ cho phép tiêu ở mức đó. Nếu hồi ở Việt Nam mà tôi nấu ăn sáng ở nhà, và chỉ đi ăn hàng 2 lần/tháng như bên này, tôi cũng đã tiết kiệm được một khoản không nhỏ.

    Nhiều người vẫn nghĩ ở nước ngoài tốn kém lắm, nhưng bạn đều có thể kiểm soát và tiết kiệm trong khả năng của mình. Tự làm những thứ có thể làm, tiết kiệm từ những thứ nhỏ, ghi chép lại để so sánh sẽ giúp bạn nhận ra cái gì hợp lý, chưa hợp lý trong cách chi tiêu để có thể điều chỉnh kịp thời.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Bài viết của tác giả Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Công Nghĩa từ Đại học Waterloo, Ontario, Canada.

    Gió lạnh thổi hun hút trong một chiều thứ Bảy cuối mùa thu dọc con phố Ottawa, thành phố Kitchener (bang Ontario, Canada).

    Khoảng 5 giờ chiều thì trời đã bắt đầu tối và vắng người qua lại. Ở sân sau căn nhà số 311, trong ánh đèn mờ đục, một người đàn ông chừng 50 tuổi lúi húi bật bếp chiếc lò nướng ngoài trời, đặt lên đó 2 miếng burger. Thêm vài chai bia, đó là bữa tối BBQ cuối tuần lý tưởng cho người đàn ông độc thân như George.

    Trong căn bếp nhà số 319 cùng dãy phố, Rob cũng chừng 50 tuổi đang khui mấy thứ đồ hộp cho vào lò vi sóng. Đó là bữa tối của anh và con chó béo tròn Khloe. Anh cũng sống độc thân hơn 10 năm sau ngày ly dị vợ và xa con gái.

    Căn nhà chúng tôi nằm giữa, một cặp vợ chồng người Việt cùng 3 đứa con, cũng đang chuẩn bị bữa tối và chờ thêm vài người khách đồng hương. 

    co don tren tung con pho
    Câu hỏi "liệu Canada có cần một Bộ trưởng cô đơn giống như ở Anh?" đã trở thành vấn đề nổi bật nhận được nhiều sự quan tâm trong năm qua.

    Tưởng như cởi mở mà lại cô đơn và khép kín

    Hình ảnh người Canada sống độc thân (hộ gia đình 1 người) không có gì lạ. Tổng điều tra dân số cho biết có 28% người Canada trưởng thành sống một mình, cao nhất kể từ khi lập quốc năm 1867, và cao nhất so với các nhóm hộ gia đình còn lại. Cơ quan Thống kê Canada cũng báo cáo rằng cứ 4 trong 10 cặp kết hôn ở Canada kết thúc bằng ly hôn (cao nhất ở Quebec là 5/10), và tỷ lệ hộ gia đình không có con đã vượt trên tỷ lệ hộ gia đình có con.

    Nghiên cứu mới đây năm 2017 trên các trường đại học cao đẳng toàn quốc đưa ra con số 66% sinh viên "cảm thấy rất cô đơn" trong năm qua, 30% "cảm thấy rất cô đơn" trong 2 tuần trước, và sự cô đơn ở sinh viên nữ nhiều hơn nam.

    Nhận xét về điều này, David Ness, giám đốc tư vấn cho sinh viên trường Đại học Manitoba phát biểu, "Có tới 30,000 sinh viên trong khu học xá, cùng vài ngàn cán bộ nhân viên. Người đông đến vậy, nhưng nhiều sinh viên vẫn thấy hoàn toàn cô đơn. Họ phải có các kỹ năng cá nhân để kết nối với ai đó".

    Khách du lịch và những người lần đầu đến Canada có thể cảm nhận rằng cuộc sống có màu sắc văn minh lịch sự, và mọi thứ dường như rất ổn. Người Canada gặp nhau trên đường dù không quen biết vẫn hỏi thăm nhau một câu kinh điển "Hi! How are you?" (Xin chào, anh/chị khỏe không?) và câu trả lời cũng luôn kinh điển "I am good. Yourself?" (Tôi ổn, bạn thế nào?).

    Những câu hỏi đáp này mang đầy tính xã giao, áp dụng mọi nơi, mọi lúc, người quen, đồng nghiệp hay chưa từng gặp, và nó không có nghĩa sẽ bắt đầu cho một cuộc hội thoại cởi mở hơn. Hầu hết sẽ đi vào ngõ cụt ngay, bởi các chủ đề hội thoại là rất giới hạn.

    Những chủ đề cá nhân như việc làm, thu nhập, con cái, hôn nhân, sinh hoạt gia đình, đảng phái là tuyệt đối cấm kỵ trừ khi rất thân thiết hoặc ai đó tự mở lòng. Đồng nghiệp hay hàng xóm chỉ nói với nhau những thứ vô thưởng vô phạt về thời tiết, vật nuôi, cắm trại mùa hè, trượt tuyết mùa đông, và tốt nhất thì đừng phàn nàn gì. Canada không có gì nổi trội về khoa học, văn hóa, thể thao hay giải trí nên việc bình luận về một bộ phim hay, một chương trình TV tốt, một nghệ sĩ hay chính trị gia được yêu mến là điều hiếm khi xảy ra.

    Canada là một đất nước của sự tĩnh lặng, ở mọi khu dân cư, ngoại trừ khu vực downtown của các thành phố lớn. Có lẽ phong cách Anh (Canada đang thuộc chế độ quân chủ lập hiến của nữ hoàng Anh), khí hậu lạnh và dân cư thưa thớt có những ảnh hưởng nhất định ở đây. Nhân viên công sở, nhà nước, trường học tương đối kiệm lời.

    Phong cách công sở của Canada đề cao làm việc nhóm, nhưng lại yêu cầu không tạo ra mâu thuẫn, nên các cuộc họp thường không có tranh cãi gay gắt, mang đầy tính thỏa hiệp với các giải pháp an toàn, trách nhiệm tập thể.

    Văn hóa công sở và cũng như ngoài đời, người Canada kiên nhẫn và ít phản biện, vì thế các đề nghị đột phá nhìn chung ít khi được chấp thuận. Khá giống với Việt nam, cuối mỗi năm cán bộ nhân viên đều phải nộp những nhận xét lẫn nhau lên bộ phận nhân sự, nên tốt nhất là không tạo ra mâu thuẫn với bất kỳ ai. 

    Joe Ruelle (áo cam), blogger người Canada khá được yêu thích tại Việt Nam (Ảnh: Joe.vn)

    Các sinh viên nước ngoài, nhất là từ châu Á, khi du học Canada đừng quá trông đợi sự cởi mở, thân thiện của các bạn sinh viên bản xứ và cả thầy cô giáo. Họ lịch sự vừa đủ, lặng lẽ và khép kín. Sẽ rất ít khi thấy người Canada bộc lộ suy nghĩ thực và thẳng thắn về một điều gì đó, ngay cả của chính họ. Các lớp học trong trường phổ thông Canada cũng hiếm khi ồn ào, lũ trẻ trông ngoan, ít mơ mộng, tự tạo những rào chắn trong giao tiếp và không thích lắm những trò đùa cợt thường thấy. 

    Lớp học trong trường đại học thường kết thúc bài giảng đúng giờ, bởi các sinh viên không ham tranh luận. Người Mỹ thường bộc lộ tính cách và cảm xúc của họ tức thời và mãnh liệt khi chứng kiến một điều gì đó khác thường hay một sự kiện rất vui, thì ngay cả khi được hỏi, người Canada có thể nói "Tôi rất vui" với một giọng chậm rãi và thờ ơ.

    Trong văn hóa châu Á, gia đình là thành lũy và chỗ dựa quan trọng cho mọi thành viên, nên ít nhiều những người bước vào tuổi trưởng thành thường ỷ lại. Người Canada cũng như nhiều quốc gia khác, coi trọng sự tự lập và thường bắt đầu năm 18 tuổi, bao gồm cả tự lập tài chính. Điều đó mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng mang đi rất nhiều mối dây liên hệ với gia đình.

    Cha mẹ không trợ giúp nhiều và không can thiệp cuộc sống riêng của con, nên nhiều sự kiện quan trọng như đổi chỗ làm, lập gia đình, sinh con, mua nhà đều là riêng tư và có thể tùy chọn để chia sẻ. Vì công việc, vì địa lý, các thành viên trong gia đình có khi chỉ gặp nhau một lần mỗi năm, hay nhiều năm. Thay vào đó là văn hóa gửi thiệp trong mọi sự kiện, những tấm thiệp màu sắc, ghi sẵn những dòng chữ yêu thương kinh điển, nhưng vô cảm.

    Sự cô đơn nguy hiểm

    Cô đơn mang tới nhiều hệ lụy.

    Bộ y tế Canada đưa ra cảnh báo rằng cô đơn còn nguy hiểm hơn cả béo phì ở quốc gia này, và nó mang tới tình trạng rối loạn tâm thần, trầm cảm, và lạm dụng các chất gây nghiện. Trung tâm nghiện chất và sức khỏe tâm thần của Canada đưa ra con số rằng ở bất kỳ năm nào, cứ 1 trong 5 người Canada đã hay đang mắc rối loạn tâm thần, và ở tuổi 40, 1 trong 2 người Canada đã hay đang mắc rối loạn tâm thần.

    Khoảng 4,000 người Canada tự tử mỗi năm, và chỉ trong năm 2017, 3 sinh viên tại đại học Waterloo của tôi đã tự tử theo cùng một cách: nhảy từ lầu cao xuống đất.

    Trong lứa tuổi phổ thông, 34% học sinh trung học tại tỉnh bang Ontario được xác nhận là có rối loạn tâm lý (lo lắng hay trầm cảm) ở mức độ vừa đến nặng. Con số mới nhất từ trung tâm nghiên cứu Đại học Waterloo cho biết 76% học sinh trung học Canada (lớp 9-12) đã từng uống rượu (nam nữ bằng nhau), và 36% học sinh trung học Canada đã từng sử dụng cần sa (nam nhiều hơn nữ). Một đất nước phát triển không hề đảm bảo rằng cuộc sống của các cá nhân là lành mạnh. 

    Các chương trình và giải pháp được công bố rầm rộ trên thông tin đại chúng nhưng tình trạng vẫn không hề được cải thiện. Thời gian chờ đợi trung bình ở Ontario cho việc được nhận tư vấn và liệu pháp điều trị là 6 tháng đến 1 năm. 75% trẻ em rối loạn tâm thần ở Canada không nhận được dịch vụ điều trị chuyên khoa.

    Khi cô đơn thành "đặc sản"

    Cô đơn ở Canada đã là một đặc sản, một thuộc tính cố hữu. Sự cô đơn ở Canada có thể mường tượng như khi bạn nghe bài hát "Hey You" của nhóm Pink Floyd về những người giam mình trong bốn bức tường.

    Thậm chí còn hơn thế, sự cô đơn dễ thấy ngay cả trong dòng người đông nghẹt đang đi trên phố, hay trong siêu thị mua bán. Họ đi qua nhau, và như không có bất kỳ sự liên hệ nào.

    Những người Canada có cơ hội sống ở nước ngoài, như Jesse Peterson đang ở Việt Nam làm giáo viên và nhà báo, đều tìm thấy niềm vui và hạnh phúc mà họ chưa hề có. Bạn đọc anh ấy xem.

    Joe Ruelle, blogger nổi tiếng người Canada từng sống ở Việt nam với nickname Dâu, tác giả 2 cuốn sách tiếng Việt, nói rằng người Việt nam có thể dạy rất nhiều cho người Canada về cuộc sống gần gũi của gia đình, tận hưởng hạnh phúc đang có và sự gắn kết thành viên trong cộng đồng.

    Jesse và Joe không khen xã giao, họ nói đúng sự thật thôi.

    Viethome (theo Thời Đại)

  • Mọi thứ Việt kiều có, người ở Việt Nam còn có nhiều hơn thế. Giờ Việt kiều chỉ đơn giản là người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.

    Bài viết của tác giả Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Công Nghĩa từ Đại học Waterloo, Ontario, Canada.

    Bạn muốn khởi nghiệp và sau đó làm giàu? Làm điều đó ở Việt Nam dễ hơn. Bạn muốn có một vị trí, chỗ đứng trong xã hội và nhận được sự kính trọng? Làm điều đó ở Việt Nam dễ hơn. Bạn thích cuộc sống sôi động hàng ngày, gần gũi và gắn kết gia đình và người thân? Điều đó bạn tìm thấy ở Việt Nam, không phải ở đây.
     
    Những điều này có thể bạn đã đọc hay nghe qua, và không tin lắm. Nhưng đó chính là sự thật, và nhiều người trong cuộc đã dũng cảm nói lên sự thật ấy.
     
    Gần 20 năm lăn lộn học tập và làm việc tại Mỹ và Canada cho tôi một cái nhìn công bằng về cuộc sống người Việt tại các quốc gia này, và có sự so sánh với Việt Nam. Trong những bài viết trước, Mỹ, Úc hay Canada đều chẳng phải thiên đường ngay với dân bản xứ, thì điều đó càng xa vời đối với Việt kiều.

     viethome tiem nail

    Nghề chính của các Việt Kiều tại Canada. (Ảnh minh họa: Dailymail)

    Việt kiều tại Canada
     
    Những năm 90 của thế kỷ trước, khi đất nước còn nghèo, một cục xà bông thơm còn là món quà có ý nghĩa, Việt kiều ở các nước này hay châu Âu, khi về quê nhà mang theo hình ảnh bảnh bao, vật chất no đủ, thì từ 10 năm trở lại đây, hình ảnh ấy không còn quyến rũ nữa, khi Việt Nam đã phát triển hơn nhiều. Mọi thứ Việt kiều có, người ở Việt Nam còn có nhiều hơn thế. Giờ Việt kiều chỉ đơn giản là người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.
     
    Nếu so với các sắc dân châu Á khác tại Canada, cộng đồng người Việt với số dân 300.000 người chỉ thua cộng đồng Trung Quốc, Ấn Độ hay Philippines. Khi mới tới, để mưu sinh, người Việt bắt đầu bằng các công việc của nghề làm móng (nail), làm công nhân trong các hãng xưởng, và muộn hơn ít năm thì làm các công việc dịch vụ trong cộng đồng người Việt như môi giới nhà đất, bán bảo hiểm hay mở quán ăn Việt Nam.
     
    Mỗi sắc dân châu Á nhập cư lại chiếm lĩnh đặc trưng ngành nghề riêng và nhóm khác rất khó chen chân, như người Hoa thì buôn bán, mở hàng ăn, siêu thị thực phẩm, người Ấn Độ thì làm chủ các trạm xăng và cửa hàng tiện lợi, còn người Việt theo đuổi nghề làm nail, người Thái làm massage, người Philippines làm giúp việc và chăm sóc người già, là những nghề nghiệp ở thang bậc thấp trong xã hội, cho dù chúng ta vẫn khẳng định là bất cứ nghề nào kiếm sống chân chính cũng đáng quý.
     
    Thu nhập trung bình của người Việt ở khoảng 25.000 tới 40.000 USD/năm sau thuế trong các nghề này. Mức thu nhập nếu so với Việt Nam thì có vẻ cao, nhưng chỉ ở dạng trung bình thấp ở Canada, và tằn tiện thì cũng đủ chi phí cho cả gia đình tiền nhà (thuê hoặc mua trả góp), thuế đất, tiền xe ô tô, bảo hiểm, ăn uống, điện nước, và các loại hóa đơn khác.
     
    Sau chừng 10-15 năm tiết kiệm, có thể mua được căn nhà nhỏ. Khi đã mua nhà, xe trả góp, hay tiêu bằng thẻ tín dụng, tất cả vướng ngay vào vòng quay của bẫy thu nhập trung bình và áp lực kiếm tiền hàng tháng để trả nợ hiện diện từng giờ từng phút mỗi ngày.
     
    Những dịp đi ăn uống bên ngoài, chỉ một vài lần mỗi tháng, với người Việt Nam thì đơn giản, nhưng với Việt kiều thì phải chắt bóp nhiều khoản khác. Mua đồ hiệu phải cực kỳ cân nhắc và đợi đến khi hàng giảm giá.
     
    Người Việt chi tiêu tằn tiện, vun vén cho gia đình và con cái, hy vọng thế hệ con cái được hưởng nền giáo dục ở đây có thể mang lại nghề nghiệp tốt hơn trong tương lai như luật sư, kỹ sư, bác sĩ và một vị trí được tôn trọng hơn trong xã hội như nhân viên nhà nước. Nhưng đời không như là mơ. Ba mươi năm sau, thế hệ Việt kiều mới dù có được hưởng nền giáo dục tốt hơn và có nhiều bằng cấp hơn, những ngành nghề chính của người Việt thế hệ sau này vẫn vậy, đó là làm móng, công nhân hãng xưởng, và dịch vụ cho người Việt. 
     
    Không đủ can đảm hay năng lực theo đuổi tới cùng giấc mơ học thức, khó tìm việc làm, sự kỳ thị thiểu số và cạnh tranh đáng kể từ sắc dân da trắng là những lực cản khiến cho thế hệ Việt kiều mới lại quay về những nền tảng đã cũ mà cha mẹ họ gây dựng nên.
     viethome tiem nail 2

    Nail vẫn là nghề chính của thế hệ Việt Kiều F2. (Ảnh minh họa: kcet)

    Với những người khác, tìm được một công việc và giữ được công việc cũng đã là một giấc mơ đáng kể rồi. Canada công khai những người thu nhập trên 100.000 USD/năm trên Sunshine List như ở Ontario, nên một số rất ít người Việt có thu nhập cao thì không khoe, vì thuế rất cao, những người khoe thì lại là giả.
     
    Rất rất ít những cái tên người Việt nổi lên ở Canada trong một vị trí đại loại như quan chức, một nhà khoa học, một nghệ sĩ tài năng hay chủ một doanh nghiệp lớn. Người Việt ở Canada không có nhiều tiếng nói, không hẳn chỉ vì thiểu số, cũng không đủ tiềm lực để tạo nên một dấu ấn cộng đồng như Little Saigon ở quận Cam, California hay một trung tâm Eden ở Virginia.
     
    Đằng sau những giấc mơ
     
    Phải có một thần kinh thép để sống tại một quốc gia chậm chạp, kiên nhẫn, và bảo thủ như Canada này. Cho dù chính phủ Canada cố gắng xây dựng một xã hội đa văn hóa, sự kỳ thị (tiếng Anh và người châu Á) và tính cách lạnh lẽo của người Canada bản xứ, cùng với mặc cảm thiểu số khiến cho một số sắc dân, trở nên co cụm trong cộng đồng của riêng họ như một cách phòng vệ tự nhiên.
     
    Người Việt cũng vậy, hầu hết đều sống rất hiền lành, an phận, và cố gắng tránh xa mọi rắc rối với luật pháp. Các mâu thuẫn trong cộng đồng Việt rất nhỏ, không khi nào có bạo lực nhưng cũng rất khó giải quyết. Ví dụ là sự kỳ thị Nam Bắc, kỳ thị của những người Việt cùng hãng hay cùng tiệm nail chỉ vì làm thêm giờ, hay giành khách. Những hội nhóm sinh hoạt chung thì thường dành cho người cao tuổi và dưới màu sắc tôn giáo tồn tại được lâu hơn cả, còn các quan hệ khác thường là hời hợt. Gia đình là hạt nhân quan trọng nhất, và thành lũy cuối cùng để bảo vệ và che chở người Việt, nhưng cũng rất mỏng manh dễ vỡ dưới tác động của cuộc sống sòng phẳng đến tàn nhẫn, ít cảm xúc nơi này.
     
    Người già Việt kiều hay nói “cái xứ này nó không có tình người”, còn người trẻ thì không quan tâm bởi rào cản ngôn ngữ với tiếng mẹ đẻ và bởi họ được dạy rằng “đời ai người nấy lo”. Những mâu thuẫn trong gia đình và giữa các thế hệ cũng rất khó giải quyết bởi không có những can thiệp, chia sẻ, an ủi hay tư vấn từ họ hàng bà con, hàng xóm, hay hội đoàn, cái mà tưởng như rất phiền phức tại Việt Nam, nhưng lại hữu dụng mà chẳng có ở đây.
     
    Mùa đông thì lạnh ngắt, ngày thì dài lê thê. Không khí gia đình bà con ấm cúng, chào hỏi thân quen là những giấc mơ bình dị mà hiếm hoi có được. Văn hóa Việt phai mờ ở phần lớn người Việt trẻ ở thế hệ thứ hai, không được duy trì tốt như người Nhật, Hàn hay Trung Hoa.
     
    Việt kiều nữ, với tính cách nhỏ nhẹ, nấu ăn ngon, chăm sóc gia đình, hơn hẳn gái Tây nên nhiều trai theo đuổi và dễ chọn bạn đời, ngay cả khi họ đã từng đổ vỡ. Việt kiều nam không có vị thế như ở Việt Nam, một phần vì văn hóa và bình đẳng giới tại đây, một phần nữa là rất khó tìm vợ. Gái Tây không thích trai Việt, điều đó chắc chắn rồi. Gái Hàn, Nhật thì quá cao, với không tới. Hy vọng vào gái Việt Nam, hay Trung Hoa thì họ cũng luôn được trai Tây hay các sắc tộc khác để ý. Việt kiều nam trông có vẻ bảnh bao nhưng thực trong lòng héo hon vì công ăn việc làm, nợ nần hay cô đơn.
     
    Khả dĩ nhất là về Việt Nam lấy vợ qua mai mối, nhưng sau khi mang được vợ qua, những rắc rối mới lại bắt đầu. Những năm đầu, do không quen lắm và tiếng Anh chưa thạo, người vợ thường ở nhà, làm việc gia đình. Khi vững hơn, họ bắt đầu tìm việc ở ngoài và lại là mục tiêu để ý của nam giới ở đây, bao gồm cả Việt kiều nam khác, và điều đó là khởi đầu những bi kịch đều cùng kịch bản.
     
    Niềm vui sáng nhất của phần lớn Việt kiều có lẽ là thỉnh thoảng ngóng đợi ngày về Việt Nam chơi, sau một thời gian tích cóp. Ở cái xứ sở mà từ đó họ đã ra đi, thực ra lại có mọi thứ và lại là nơi giữ mảnh hồn cuối cùng của họ. Lật đật ra đi, để rồi quay trở lại ngắm mình trong gương tự thấy đã già.
     
    Nếu bạn không là ai, không có gì ở Việt Nam, Canada sẽ cho bạn một cuộc sống tạm đủ, nhưng nếu bạn đã có một cương vị, một cuộc sống tốt, hãy cân nhắc cho thật kỹ. Lớp lớp những người khác, lại tiếp tục đến Canada, bằng mọi giá, bằng nhiều con đường, bỏ lại cả những gì tốt nhất để làm lại từ đầu, và sau nhiều năm những giấc mơ nhỏ dần lại, và thay vào đó là những nuối tiếc.
     
    “Anh tưởng nước giếng sâu, anh nối sợi dây dài
    Ai ngờ giếng cạn, anh tiếc hoài sợi dây…”
    (Ca dao Việt nam) 

    Theo Soha

  • Bài viết của tác giả Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Công Nghĩa từ Đại học Waterloo, Ontario, Canada..

    Chiếc xe buýt màu vàng đặc trưng để chở học sinh phổ thông đừng lại trước một tòa nhà cao tầng trên đường Alexandria, thành phố Kitchener, Canada, mỗi buổi sáng lúc 8 giờ 55 phút.

    Vài chục học sinh, hộ tống bởi chừng đó phụ huynh, lần lượt lên xe để tới trường. Sau khi đưa con ra xe, giơ tay chào vẫy, những phụ huynh lại lặng lẽ trở về căn hộ thuê của họ. Đúng 15 giờ 10 phút, chiếc xe ấy trở lại tòa cao ốc, trả những đứa bé về với cha mẹ đang đợi chúng ở nhà.

    Tại trường cũng thế, lúc vào học cũng như lúc tan trường, hàng trăm phụ huynh đỗ xe đưa đón. Cảnh tượng thường gặp ở mọi nơi trên đất Canada đủ để bạn mường tượng công việc thường ngày của rất nhiều người lớn trong độ tuổi lao động ở đất nước này. Họ thất nghiệp.

    viethome cuoc song o canada 6Đời sống ở Canada đã được tô hồng quá mức. (Ảnh: maclean's)

    Tỉ lệ thất nghiệp "ảo", thị trường việc làm khốc liệt

    Thống kê và báo cáo chính thức của cơ quan nhà nước luôn đưa ra một con số sạch sẽ rằng tỷ lệ thất nghiệp ở các vùng, các thành phố ở Canada dao động quanh mức 5% - 8%, và với người trẻ là 13%.

    Con số này được nói dối theo một cách khác, bởi định nghĩa thất nghiệp là trong vòng 4 tuần trước điều tra, người được hỏi muốn đi làm nhưng không thể tìm được việc làm dù chỉ một giờ, có trả lương.

    Định nghĩa này loại bỏ ít nhất 20% những người không muốn tìm việc do thích nhận phúc lợi xã hội, hoặc không muốn làm các công việc không tương xứng. Định nghĩa này, theo chiều ngược lại, lại bao gồm tất cả những người làm việc bán thời gian, từ vài giờ, cho tới dưới 35 giờ mỗi tuần. Phần lớn người Canada, dù làm rất ít, cũng được xác định là không thất nghiệp. Khi tính đúng, tỷ lệ thất nghiệp hoặc thời gian làm việc không đáng kể của người Canada vào khoảng 35-40%.

    Dù nằm trong nhóm G8 (những nước phát triển công nghiệp hàng đầu), nhưng 75% người lao động Canada đang làm việc trong nghành công nghiệp dịch vụ, và số còn lại trong ngành sản xuất và khai thác tài nguyên. 55% doanh nghiệp Canada có quy mô nhỏ, từ 1-4 người làm. 

    Có được một công việc toàn thời gian ở Canada được coi như trúng số. Hầu hết các doanh nghiệp đều chỉ muốn thuê nhân công bán thời gian để giảm chi phí cho các quyền lợi ngày nghỉ, bảo hiểm, và hưu trí của nhân viên. Khi lương tối thiểu tăng lên 14 dollar/giờ từ ngày 1/1/2018, được dự đoán rằng một đợt sa thải nhân công lớn sẽ bắt đầu do các doanh nghiệp không thể gánh được chi phí.

    viethome viec lam o canadaViệc làm ở Canada quý như tờ vé số độc đắc. (Ảnh: Reuters)

    Năm 2015, sau 2 năm hoạt động, tập đoàn bán lẻ lớn Target của Mỹ đã đóng toàn bộ các cửa hàng trên Canada và sa thải 17,000 nhân viên. Năm 2017, tập đoàn Sears tại Canada tuyên bố phá sản sau 65 năm hoạt động, đóng cửa tất cả 130 cửa hàng và 12,000 nhân viên mất việc. Nhiều thành phố như Hamilton, cảng biển huy hoàng một thuở với trên 500 ngàn dân, nay hoang tàn với số người thất nghiệp hơn một nửa. 

    Chỉ có các công việc ít kỹ năng, cần sức khỏe, không cần bằng cấp tại các hãng xưởng, nhà máy thì còn tương đối dễ kiếm.

    Mọi công việc mang tính văn phòng hơn, có thể bạn chưa biết rằng, có tới 80% thị trường việc làm tại Canada là không được công khai (hidden job), kể cả nhà nước hay tư nhân, dịch vụ hay học thuật (Fred Coon, CEO của công ty Stewart Cooper & Coon). Những công việc này dành cho những người đã rình rập sẵn tại đó nhiều năm trời thông qua các công việc thời vụ nhỏ, hay được giới thiệu bởi chính những người trong cơ sở ấy.

    David M. có hai bằng thạc sĩ về môi trường và phát triển quốc tế đã làm không lương tại một công ty điện ở Cambridge trong hơn 3 năm trời, với hy vọng sẽ được vào một vị trí chính thức. Nhiều giáo viên phổ thông ở Ontario đã làm vị trí giáo viên thay thế (subtitute teacher) trong 10 năm để hy vọng thế chân ai đó về hưu.

    20% việc làm còn lại được thông báo tuyển dụng công khai thì mức độ cạnh tranh là không tưởng tượng nổi. Năm 2012, khi tuyển 03 vị trí bác sĩ nội trú (residency) cho 01 bệnh viện ở Ontario, người ta nhận được 1.400 hồ sơ. Hồ sơ xin việc cho một vị trí bất kỳ nhiều đến mức những người quản trị nhân sự không thể đọc hết, và họ phải sử dụng máy quét, Linkedn, hay Google + để lọc bỏ sơ bộ tới 90%. Chưa tính đến nội dung, bất cứ lỗi chính tả nào trong thư, đều bị loại tức khắc.
     
    Di cư vì việc làm, bằng cấp không nhiều ý nghĩa

    Với sự hỗ trợ của Chính phủ khi đi học sau phổ thông, người Canada thường bước vào tuổi trưởng thành với rất ít sự hỗ trợ của cha mẹ. Sau tốt nghiệp đại học, nỗi lo lắng lớn nhất là việc làm và thanh toán các khoản nợ từ thời sinh viên.

    viethome viec lam o canada 2Muốn có 1 công việc văn phòng, người ta phải chầu chực hàng năm. (Ảnh: mygazeta)

    Holly H., vô cùng sung sướng khi lần đầu nhận được một vị trí nhân viên hành chính hợp đồng, sau 5 năm tốt nghiệp đại học làm đủ nghề từ chạy bàn đến bán hàng thức ăn vật nuôi. Không còn lựa chọn ở những thành phố lớn, bất cứ nơi nào có việc làm, dù tạm thời một hay vài năm, người Canada cũng sẵn sàng di chuyển.

    Vợ chồng Minaker đều có bằng thạc sĩ đã chuyển đến Timiskaming xa xôi cho một chân quản lý tại một nhà máy nhỏ. Nhiều người cùng gia đình chấp nhận đến sống tại Shibogama sát cực bắc, nơi chỉ là vùng bảo tồn vài trăm người dân tộc trong hàng trăm dặm vuông, và mất tới 5 chuyến bay từ Toronto để tới được đó, để được hưởng đãi ngộ chuyên gia trong vài năm trước khi tìm thấy một công việc nào đó ở thành phố.

    Việc làm, nỗi sợ hãi nhức nhối nhất khiến cho mọi giấc mơ ngày càng nhỏ lại.

    Khái niệm công việc gắn bó cả đời là cực kỳ xa xỉ. Cơ quan thống kê Canada báo cáo rằng, trung bình mỗi người Canada thay đổi công việc của họ 13-17 lần trong đời. Bằng cấp cũng không đem lại nhiều tác dụng, nhất là các chuyên ngành không mang lại lợi nhuận.

    Sarah K. có bằng tiến sĩ tâm lý, làm việc lay lắt bán thời gian tại một trung tâm nghiên cứu nhỏ tại Kitchener có dưới 10 nhân viên với đồng lương chỉ gấp rưỡi lương tối thiểu. Làm cùng trung tâm với Sarah, Kimie G., một thạc sĩ xã hội học, di chuyển 200 km mỗi ngày từ Toronto cho công việc bán thời gian của cô.

    Những người tốt nghiệp với tấm bằng kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh cũng khốn khổ không kém. Daniel S. không thể tìm việc với tấm bằng đại học kinh tế của mình và trở thành thợ lò sưởi. Aruz M., thạc sĩ có bằng MBA, hài lòng chấp nhận vị trí giao dịch viên (teller) ở một ngân hàng.

    Không mơ ước quá xa xôi, mọi cố gắng chỉ tập trung vào việc giữ công việc bằng mọi giá. Bởi cho dù có bằng cấp hay kinh nghiệm, khi bị mất việc do công ty phá sản hay thua lỗ, người lao động cũng ngay lập tức rơi xuống vực thẳm bởi tìm lại một công việc tương tự là quá cạnh tranh.

     viethome thu tuong canadaChính sách khuyến khích nhập cư của thủ tướng Canada đã gây ra quá nhiều hậu họa cho mọi tầng lớp. (Ảnh: Dailystar)

    Cuộc sống của người nhập cư tại Canada không hào nhoáng như quảng cáo

    Tìm việc với người Canada khó khăn đến vậy, thì với người nhập cưsinh viên du học, còn khó gấp bội lần. Gần như không có sự điều hòa nào giữa hệ thống nhập cư của Chính phủ Canada (CICC) và tình hình việc làm thực tại. CICC cho tăng nhập cư liên tục, và số người nhập cư mắc kẹt với cuộc sống cũng tăng liên tục.

    Trên những diễn đàn của những người nhập cư Canada (có cả những diễn đàn của người Việt), việc làm là chủ đề chính và bế tắc.

    Khi tìm việc, người nhập cư vấp phải rào cản về ngôn ngữ, kỳ thị bằng cấp, yêu cầu kinh nghiệm làm việc tại Canada... Sau này, khi người nhập cư thông qua việc đào tạo lại trong môi trường giáo dục Canada cũng không có gì đảm bảo họ có thể kiếm được một công việc, cho dù chỉ là công việc tạm thời, bán thời gian.

    Tỷ lệ người làm tình nguyện ở Canada thuộc hàng cao nhất thế giới, bởi hy vọng mỏng manh về cơ hội chuyển hóa thành việc làm thực. Ở Việt nam, các trung tâm môi giới du học ngày càng leo thang quảng bá về khả năng định cư và làm việc sau khi học, dù chỉ là cao đẳng, với các mức lương tầm chuyên gia. Chỉ đến khi mắc kẹt, nhận ra sự lừa dối của quảng cáo, thì có thể đã quá muộn.

    Siddartha J., một bác sĩ nhi khoa từ Nepal, có bằng tiến sĩ y tế công cộng tại Hàn Quốc, sau nhiều năm không thể tìm việc đã chấp nhận một công việc chân tay tại hãng sản xuất đồ uống.

    Chiangpu M., bác sĩ gây mê hồi sức từ Srilanka đã nhanh chóng nhận ra sự khó khăn, liền chấp nhận học lại 2 năm lấy bằng y tá để được nhận vào làm việc tại phòng cấp cứu bệnh viện.

    Không thiếu những người có bằng cấp, giáo sư, bác sĩ, kỹ sư tại quốc gia của họ ở châu Âu, Á hay Trung Đông sau nhiều vật vã đã trở thành những tài xế Uber, nhân viên quét dọn, chủ cửa hàng tạp hóa bất đắc dĩ. Nhiều trí tuệ bị hoang phí, và nhiều giấc mơ vụn vỡ theo nhiều cách khác nhau.

    viethome bang cap o canada

    Bằng cấp quả thật là một sự uổng phí. (Ảnh: diplomaoutlet)

    Canada mất dần sự quyến rũ

    Lỗi đến không chỉ từ các con số thống kê quan liêu và không chính xác về nhu cầu việc làm và khả năng đáp ứng của thị trường, mà còn từ vô số các tổ chức ăn theo chính sách nhập cư, người nhập cư, và nhận tiền từ chính phủ.

    Trong một thành phố dù không lớn, cũng có đến hàng chục tổ chức hoạt động dưới danh nghĩa trợ giúp người nhập cư ổn định hòa nhập cuộc sống và tìm việc làm thông qua dạy tiếng Anh miễn phí và sửa lý lịch để xin việc, mà kết quả thì cực kỳ khiêm tốn.

    Nhưng người nhập cư cũng sớm nhận ra tình trạng thực tế và lên phương án đối phó theo các tiêu chí riêng cá nhân. Chính phủ kỳ vọng người nhập cư đến các khu vực xa xôi, thì ngược lại, hầu hết họ đổ về những khu vực đã phát triển, khí hậu tốt, công ăn việc làm có thể dễ kiếm hơn, giáo dục và y tế cũng thuận lợi hơn.

    Sự quyến rũ của Canada mất đi dần dần, để lại sự buồn chán sau vài năm không tìm được việc hay công việc bấp bênh, hoặc sau các công việc tình nguyện vô vọng, nhất là những người nhập cư ở diện tay nghề. Họ lùi về tư thế phòng thủ, cố gắng nhận tối đa phúc lợi có thể và để dành số tiền thực của mình. Họ sống ở Canada, nhận phúc lợi, và hồn thì để ở quê nhà.

    Connor P., một người nhập cư gốc Ireland đã trên 20 năm nhưng không nhập quốc tịch Canada, và vẫn ngóng một ngày tuổi già về quê cũ. Ferhad F., một kỹ sư người Kurd và vợ không có việc làm và nguồn thu nhập chính của gia đình đến từ phúc lợi của 6 đứa con mà họ sinh liên tục kể từ khi đặt chân đến Canada.

    Có những làn sóng phản đối nhập cư của người Canada bản xứ. Họ cho rằng chính sách nhập cư bị đẩy đi quá xa, nhằm các mục đích chính trị hơn là lo lắng cho người dân. Người nhập cư thì chỉ trích chính phủ vì đã thổi phồng quá mức về cơ hội việc làm, và chính sách mang con bỏ chợ.

    Việc cho phép nhập cư đa dạng với đủ mọi thành phần đang khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa người bản xứ và người nhập cư, giữa các sắc tộc nhập cư, và ngay trong bản thân các cá nhân nhập cư của sắc tộc đó vì họ cho rằng có quá nhiều sự không công bằng.

    Tuy vậy, những người nhập cư không phải là những người khốn khổ, bởi nhập cư là con đường họ lựa chọn. Chính những công dân Canada mới là những người khốn khổ hơn, đối diện với những khó khăn hiện tại và sự bấp bênh của tương lai, bởi vấn đề nan giải nhất: Việc làm.

    (Còn tiếp)
    * Mọi nhân vật trong bài là người thực, với tên thật, và đồng ý được đưa lên báo.

    Viethome (theo Soha)