• Bạn Tan Phan ở Seattle, Washington (Mỹ) đã chia sẻ một vài kinh nghiệm kiếm tiền cho cộng đồng người Việt chúng ta. Rất hữu dụng và thâm tình, mời các bạn tham khảo nhé:

    ''Năm 2015 mình có một người bạn rất thân về Việt Nam luôn và anh này có dư một chiếc Toyota RAV4 còn payment mỗi tháng 400$. Lúc đó bản thân mình đã có 1 chiếc xe payment rồi và còn đi học nên không thể giúp anh ấy được, nhưng cũng không muốn anh bị bad credit hay bị kéo xe. Nên mình lên mạng tìm tòi cách giải quyết chiếc xe này đi. Thì mình tìm được app tên là GetAround (ứng dụng cho thuê xe giữa cá nhân với cá nhân với nhau).

    Lúc đầu làm cho có thôi vì cũng mong đủ trả payment chứ không hơn. Payment thì 400$ nhưng cho thuê tháng đầu mình kiếm được 235$... sang 1 tháng sau thì mùa hè đến thì mình bất ngờ vì full book và thuê được tới 1200$. Lúc này mình thấy chẳng những đủ payment mà còn kiếm được lời nên mình đem chiếc Prius của mình bỏ lên thuê luôn. Từ 2 chiếc mình build lên được một số lượng khá ổn.

    Về GetAround thì nó sẽ cài đặt cho bạn con chip GPS trên xe của bạn và khách tự unlock/lock xe không cần bạn ở đó. Vì thế hầu như bạn chả làm gì cả, bỏ chiếc xe ngay driveway rồi muốn đi đâu thì đi. Cách kiếm tiền như này gọi là passive income tức “thu nhập bị động”. Rental income cũng là “passive income” tức bạn cho thuê nhà, người ta ở bạn kiếm tiền hàng tháng vậy thôi chứ cũng không cần làm gì nhiều. Thu nhập bị động sẽ mang cho bạn lợi nhuận và bạn còn có thời gian để đầu tư cho chuyện khác (học hành, làm ăn, đầu tư kinh doanh éc éc giàu vãi lúa chưa) nên nếu bạn có được những nguồn thu nhập như vậy, bạn có thể về hưu ở tuổi 30 rồi đó (ha ha đùa thôi).

    (Viethome ghi chú thêm: GetAround chỉ phổ biến ở Mỹ, và người anh em của nó ở UK và EU là Drivy. Do đó nếu ở Anh thì bạn có thể truy cập trang drivy.co.uk để bắt đầu cho thuê xe nhé.)

    Cái app này cũng là 1 app thuộc thế hệ mới gọi là Sharing-economy. Thập niên 1960s cụm từ này được sáng tạo ra để chia sẻ giữa cá nhân với cá nhân không thông qua công ty hay doanh nghiệp. Thứ nhất nó giúp tiết kiệm chi phí, giấy tờ thủ tục và thời gian. Do toàn bộ quá trình do 2 người tự deal với nhau.

    Và chuyện cho thuê xe qua app sẽ rất phổ hiến hơn là đứng chờ cả tiếng đồng hồ ở sân bay để thuê xe và kí một đống giấy tờ thủ tục. Vì thế nếu các bạn muốn có một nguồn thu nhập ổn định thì nên đầu tư gửi gắm xe của bạn vào một app car-share nào đó và nên build 1 fleet (nhiều xe), nó sẽ sinh hoa nảy trái cho bạn trong thời gian tới.

    Hiện ở Mỹ đang có 2 ứng dụng cho thuê xe lớn là Turo và GetAround nên mình sẽ viết bài so sánh sau cho bạn dễ theo dõi.

    GetAround:

    - Bảo hiểm linh động làm nhanh gọn lẹ.

    - Mất xe không lo vì GetAround sẽ cài GPS cùng con chip lock/unlock xe trên xe bạn, ai chôm xe bạn cứ bấm lock, có chìa khóa cũng không khởi động xe được. Xem GPS gọi GetAround nó cẩu xe về nhà miễn phí cho.

    - Customer service là cái mình thích nhất, nó chỉ có 1 department làm tất cả nhiệm vụ A-Z từ tiền bạc tới quản lí xe, bảo hiểm... Deal với 1 người đỡ mệt mỏi.

    - Tiền gửi vào Paypal ngày 15 hàng tháng. 

    - Có chi nhánh Bellevue, đội ngũ nhân viên linh động đẹp giai đẹp gái, có gì chạy lên mắng vốn được.

    - Nếu bạn đưa xe lên GetAround qua agent thì GetAround cho bạn 200$ tiền gửi vào nhà bank xài chơi.

    Turo

    - Bảo hiểm linh động làm nhanh gọn lẹ.

    - Mất xe thì khóc tiếng miên, nào là chờ cảnh sát, chờ claim department của nó. Tới khi kiếm được xe lại phải deal với police để clear record mệt mỏi.

    - Có quá nhiều department đi, phone menu rất là confuse. Mình đếm thử nhé: customer service department, billing department, trust and safety department, claim department, escalation lead team department, head quarter department, legal department… Hãy dùng cả thanh xuân để transfer nhé :)) hahaha

    - Tiền gửi 3 ngày là có.

    - Không có chi nhánh ở đâu cả ngoài San Francisco.

    - Sửa xe nhanh, claim làm ok nhanh hơn GetAround, về claim thì 2 công ty đều rất fair. Bao luôn chi phí trầy xước không khấu trừ.

    - Không có tiền thưởng gì cả khi bỏ xe lên Turo.

    Mình không thích Turo ở chỗ nó bắt đầu hình thức độc quyền Monopoly. Nếu bạn dùng Turo thì nó không cho bạn dùng platform khác (như kiểu lái uber thì không được lái lyft). Nền kinh tế dựa vào chia sẻ thì nên cởi mở, nếu khép kín và độc quyền như vậy vì làm mất đi hình thức hay của nó''.

    Viethome (theo Facebook Tan Phan)

  • Cũng làm nghề may nhưng họ không biến những tấm vải đơn điệu để cho ra các bộ quần áo đủ kiểu, mà họ dùng bàn tay khéo léo của mình biến những bộ quần áo từ bình dân đến hàng đắt tiền như Louis Vuitton, Gucci… trở nên hợp với vóc dáng của khách hàng theo kiểu “đo ni đóng giày.”

    Nghề sửa quần áo ở Little Saigon tồn tại bền bỉ hàng chục năm qua đã làm đẹp cho biết bao người, trong đó có không ít nghệ sĩ nổi tiếng cũng chọn những cửa tiệm này để sửa trang phục diễn của mình.

    Bà Hà Nguyễn sửa áo cho khách, bên cạnh là hàng loạt chỉ may đặt riêng từ hãng. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

    Khi tôi đến tiệm sửa quần áo Liên Hương, góc đường Garden Grove và Cannery, Garden Grove, cũng là lúc ca sĩ Mai Tiến Dũng của trung tâm Thúy Nga đang được bà chủ tiệm Huệ Nguyễn đo quần áo để chỉnh sửa. Từng chiếc kim tây được ghim vào tay áo, hông áo, mông quần, ống quần… cốt làm sao để trang phục diễn của ca sĩ vừa vặn, “không một tí thừa” như lời bà Hà Nguyễn, em gái bà Huệ, cùng làm chủ cửa tiệm này, nói.

    “Ngoài hát hay, Mai Tiến Dũng rất chăm chút bề ngoài, đó cũng là cách tôn trọng khán giả. Sửa đồ không thể đo người mà sửa được, mà khách muốn sửa cái gì, phải mặc đồ đó vào người, tôi nhìn sẽ biết chỗ nào cần sửa. Cứ thế mà dùng ghim để bóp lại những chỗ rộng, tay áo dài thì lên cho vừa… Phải ghim để khách hình dung được dáng áo quần sau khi sửa, sau đó tôi mới sửa theo cái ghim đó,” bà Hà giải thích.

    Sửa mọi loại quần áo

    Bà Hà cho biết: “Sửa quần áo không phải hàng hợp đồng, mà là hàng khách, nên không theo một mẫu cố định, mà theo hình thể của mỗi người. Vì vậy, vóc dáng mỗi người có chỗ nhỏ, chỗ to khác nhau nên phải làm theo hình thể của khách. Đặc biệt của sửa quần áo là như vậy. Trong khi hãng thì may theo một chuẩn nhất định, còn mình thì sửa đồ của hãng theo vóc dáng người mặc. Chẳng hạn, người có ngực nhưng eo lại nhỏ, thế thì phải bóp phần eo một chút, nếu không thì mặc thùng thình rất xấu.”

    “Phải nói là người ta sửa mọi thứ, từ áo sơ mi, áo vest, váy, đầm, đồ cưới… thậm chí đồ lót cần giúp thì tôi cũng làm được. Xu hướng thời trang hiện nay thay đổi xoành xoạch, nên khi nhận những đồ của các hãng nổi tiếng, mình còn học được các kiểu may mới nữa. Chẳng hạn, đồ của hãng Louis Vuitton không những thiết kế đặc biệt mà còn may rất lắt léo, nên phải suy nghĩ một chút trước khi sửa. Đồ càng hàng hiệu càng khó, nó không đơn giản, nó cầu kỳ lắm. Vì khó hơn, thời gian làm lâu hơn nên tiền khách trả cho tôi đương nhiên phải tương ứng,” bà nói.

    “Sửa quần áo không đơn giản là lên lai, bóp ống, lên tay… mà sửa tất tần tật. Mở tiệm mà chỉ lên lai đơn giản thì không có khách mấy. Bởi vì bây giờ người Việt mình qua đây đông lắm, nên họ sửa được những gì đơn giản ở nhà, như mẹ sửa cho con, bà sửa cho cháu. Nếu chỉ lên lai chắc tôi đóng cửa dẹp tiệm từ lâu rồi,” bà nói thêm.

    Bà Huệ Nguyễn đo quần, còn bà Hà Nguyễn sửa áo vest cho ca sĩ Mai Tiến Dũng. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

    Tiệm Phi’s Alterations, góc đường Beach và McFadden, trong khu chợ Thuận Phát, Westminster, của ông Trần Công Phi tuy là một tiệm nhỏ nhưng có đến năm thợ thay phiên nhau nhận và sửa đồ cho khách.

    “Thường khách đến tiệm để lên lai và sửa đồ vest nhiều. Tuần nào cũng mấy chục bộ vest, quần thì không tính nổi. Lên lai thì khách chỉ cần đi vòng vòng trong chợ chừng 15-20 phút thì lấy liền. Còn áo soiree thì chừng 2-3 tiếng, cũng có những áo cưới phải làm vài ngày mới xong,” ông cho biết.

    “Tôi nhận sửa mọi loại quần áo. Đồ của hãng nào cũng vậy, làm như thường thôi. Cứ coi theo đúng nguyên bản mà sửa. Đồ rẻ tiền mình cũng làm ngần ấy công, mà đồ mắc tiền cũng làm ngần ấy công, chứ không phải thấy đồ mắc tiền thì lấy công cao. Phương châm của tôi là đẹp, rẻ, lẹ, và cần nhất đúng hẹn thì sẽ giữ được chân khách. Có lẽ vì vậy mà nhiều nghệ sĩ của trung tâm Thúy Nga như Bằng Kiều, Lương Tùng Quang, Hồng Đào… cũng chọn tiệm để sửa đồ,” ông giới thiệu.

    Khiêm tốn hơn, tiệm Phương, góc đường Westminster và Magnolia, trong tiệm Launderland Water thuộc chợ Mỹ Thuận, Westminster, tuy nhỏ và chỉ một mình bà chủ tiệm Phương Nguyễn nhận và sửa đồ, nhưng bà làm việc không ngừng tay.

    “Tôi không giới hạn gì từ khách, cái gì cũng làm hết, từ may đồ mới đến may áo gối, đương nhiên sửa đồ vẫn là chính. Nói chung, đến với nghề may thì làm cái gì cũng được hết. Chỉ trừ khách mua cái áo hay cái quần được giá rẻ, nhưng tiền khách sửa còn mắc hơn tiền mua, mà sửa lại thì đồ cũng không đẹp nên tôi mới bàn với khách đừng làm tốn tiền. Mặc dù tôi làm kiếm sống là chính, nhưng trong kiếm sống đó mình cũng phải có cái để khách hàng đi rồi cũng vui vẻ trở lại lần sau,” bà cho hay.

    Nghe đến đây, bà Thúy Trần, cư dân Garden Grove, một khách hàng của tiệm, tiếp lời: “Cái này tôi xác nhận, tôi sửa quần áo ở đây hai năm nay và thấy chị Phương làm nhưng không vẽ vời. Đồ của khách thấy cần sửa chị mới nhận sửa, vì sợ khách mất tiền. Chị làm bằng lương tâm của mình. Trước đây tôi cũng sửa vài nơi nhưng giá cao, và họ làm hay nói quá về việc làm của mình. Còn ở đây, khách mang đồ đến còn nhờ bà chủ góp ý, nên chị Phương còn kiêm luôn tư vấn cho khách. Đặc biệt tôi phục chị ở chỗ, chỉ cần khách đến một lần thì lần sau chị không những nhớ tên khách mà còn nhớ cả đồ khách mang đến là gì.”

    Nghề “làm dâu trăm họ”

    Theo các chủ tiệm sửa quần áo, trước khi đi sửa, nếu quần áo chỉ giặt khô thì không nói, còn lại đều phải giặt và sấy trước. “Bởi vì có nhiều loại vải rút dữ lắm, nên giặt trước để giữa hai bên không hiểu lầm nhau. Tôi thường hỏi khách là đồ này có giặt máy chưa, nếu chưa thì mang về giặt để sửa cho chính xác. Có những cái tôi nhìn thấy khách mặc sẽ vừa khi đồ đã được giặt. Vì vậy, khách cứ giặt đi rồi tính sau,” bà Hà Nguyễn nói.

    “Làm nghề này cũng như ‘làm dâu trăm họ’ vậy, khách hàng cũng người này người kia, có người khó tính, có người dễ. Chẳng hạn, sửa xong rồi thì có rắc rối, không phải do sửa bị hư, mà khi tôi dùng ghim để làm dấu những chỗ sẽ sửa thì lúc đó khách đồng ý, nhưng khi làm xong thì khách muốn chật hơn hay rộng hơn thì đó mới là vấn đề. Có thể khách không hình dung được khi tôi ghim kim, chứ sửa thì phải có kỹ thuật, không thể sai được.’ 

    “Bây giờ phần lớn đồ rộng sửa vô. Cứ 20 người khách thì có một người muốn sửa ra, nhưng phải cho phép có vải thì mới sửa ra được. Đó là kiểu nối vải, tuy xấu nhưng họ mặc được thì thôi. Nối vải thường nối lưng quần nhiều. Chỉ may ở tiệm tôi đều đặt từ hãng mà không làm chỉ thường hay mua ở chợ. Do vậy mà chỉ rất bóng và đẹp. Chỉ jean cũng đặt ở hãng nên quần jean lên lai chỉ không khác chỉ của quần jean nguyên thủy,” bà nói thêm.

    Nhận xét về tiệm, bà Theresa Hà, cư dân Anaheim, cho hay: “Hai cô có tay nghề rất cao, cái gì sửa cũng được, rất khéo và có trách nhiệm, không để khách phàn nàn, bởi vì có nhiều tiệm chỉ hứa rồi để khách đợi. Còn ở tiệm này, mặc dù 10 giờ 30 sáng mới mở cửa nhưng sáng sớm 6-7 giờ hai cô đã ra đây sửa, rất đúng hẹn với khách. Nói vui vui là ‘Cột gãy, trứng chim bể gì cũng làm lại được hết.’ Quần áo gì hai cô cũng làm được, mà giá cả lại phải chăng, chứ vô tiệm Mỹ là ‘chém đứt cổ’. Có lẽ vì vì vậy mà khách ở đây không chỉ là người trẻ, mà khách ngoại quốc cũng nhiều.”

    Bà Phương Nguyễn với cả “núi” quần áo cần sửa. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

    Trong khi đó, bà Phương Nguyễn cho biết: “Sửa đồ cho khách chỉ là đẹp hay không đẹp theo ý mình muốn thôi. Nghề này nếu làm tám tiếng thì không đủ sống. Làm ít nhất một ngày phải mười mấy tiếng mới được. Nên khi về nhà tôi mang theo để làm vào buổi tối. Còn mỗi sáng cứ 4 giờ đều dậy để làm tiếp. Làm nghề này phải chịu làm nhiều giờ thì mới sống được.”

    “Nhiều lúc vô tình may vô ngón tay thì có, chứ đồ của khách thì không hư. Nghề kiếm sống của mình mà,” bà cười nói.

    Ông Trần Công Phi nhận định: “Tôi gặp vài trường hợp khách hàng đòi phải chọn chỉ may đúng với chỉ nguyên bản, nhưng làm sao mà có được. Làm nghề dịch vụ mà, khó có thể làm vừa lòng hết tất cả mọi người.”

    “So sánh với Mỹ thì mình làm lẹ lắm rồi, không khi nào giao đồ cho khách cỡ một tuần lễ đâu, bởi vì những đồ đòi hỏi cần nhiều thời gian thì tôi còn mang về nhà làm đêm cho kịp. Khách hàng ở tiệm là người ngoại quốc cũng ngang ngửa với người mình, bởi vì so sánh giá Mỹ thì mình rẻ hơn một nửa. Chẳng hạn họ lên lai là $12 thì mình chỉ lấy giá $5,” ông nói.

    Tâm huyết với nghề!

    Đến nay, theo nhẩm tính của ông Phi, với 73 tuổi đời, ông có hơn 50 năm làm nghề may. “Lúc mới sang đây tôi cũng không nghĩ làm nghề nào khác mà bắt đầu từ nghề may. Vậy là năm 1976 tôi mở tiệm may Hoàng trên đường Brookhurst. Sau đó khi thương xá Phước Lộc Thọ khánh thành thì tôi là một trong những người đầu tiên kinh doanh trong đó, và mở tiệm may Văn Quân,” ông kể.

    “Tiệm Văn Quân ở đó được 23 năm thì tôi sang tiệm vì tiền thuê cao quá, với lại tôi cũng muốn nghỉ hưu. Nhưng ở nhà chưa được bao lâu thì ngứa ngáy tay chân nên tôi xin vào làm ở một tiệm may của Mỹ. Thấy làm ở tiệm này mất tự do quá, nên tôi quyết định mở tiệm Phi’s nho nhỏ này ở chợ Thuận Phát. Vậy mà tới nay cũng bảy năm rồi,” ông tâm sự.

    Tiệm Phi’s của ông có lẽ là tiệm duy nhất đưa bảng giá hẳn hoi. Tiệm mở cửa từ 8 giờ 30 phút sáng đến 6 giờ chiều mỗi ngày, trừ Chủ Nhật nghỉ.

    Ông Trần Công Phi với 50 năm gắn bó cùng nghề may. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

    Theo bà Phương Nguyễn, bà đến với nghề may chỉ vì gia đình không có tiền cho đi học nên bà phải học lấy một nghề để mưu sinh. “Vậy mà học từ từ rồi tôi thấy thích hẳn nghề may. Từ năm 1990 học xong thì tôi ra tiệm luôn.”

    “Tôi sang đây năm 2003, lúc đầu có đi học nail nhưng bị dị ứng, không học nữa. Sau đó tôi đi làm cho một tiệm áo cưới trên đường Bolsa. Nhưng làm mệt quá, cuối cùng tôi học nail trở lại để lấy bằng, thế mà lấy bằng thì không đi làm,” bà cười nói.

    “Lúc đó tôi có cô bạn làm ở tiệm giặt khô và được rủ về làm cùng. Biết tôi biết may, cô nhận đồ của khách về cho tôi sửa. Sau đó cô khuyến khích tôi mở tiệm và đến nay tiệm mở cũng gần 10 năm. Trước khi mở tiệm, vợ chồng tôi có ra thành phố để xin giấy phép. Cũng mất gần hai năm tôi mới có được khách, cũng nhờ người này giới thiệu người kia,” bà kể.

    “Nghề này giúp tôi rèn được tính kiên nhẫn, tỉ mỉ. Tuy nhiên, nghề may là nghề nghèo, nhưng sống được. Nghề này ở đâu cũng vậy, chẳng bao giờ đói, lúc nào cũng có việc hết. Bước vô nghề may thì ổn định, bình an, không phải lo lắng gì nhiều. Giàu thì không giàu, chỉ bình bình vậy thôi, vì làm nghề bình dân mà,” bà nói và cho hay tiệm không có giá cả từng loại mà tùy vào yêu cầu của khách. Tuy vậy, vẫn có giá cho những loại mà khách hay làm.

    Với 20 năm trong nghề, trong đó tám năm mở tiệm tại đây kể từ ngày chị em bà Huệ Nguyễn và Hà Nguyễn đến Mỹ. “Nghề này phải làm suốt ngày. Tôi sang đây hồi gần 40 tuổi, mắt còn sáng trưng, mà làm mới 7-8 năm nay nhưng mắt đã loạn, bỏ kính ra không thấy đường. Người ta nói nghề này ‘rung đùi là có tiền’ mà sao tôi không thấy tiền đâu, chỉ biết ‘tai làm hàm nhai’ thôi,” bà Hà cười nói.

    Bà Huệ cho biết: “Nghề này giống như nấu ăn vậy, bỏ hết tâm huyết vào thì món đồ mới đẹp. Còn nếu làm cho xong việc thì không cách nào đẹp hết. Đó là cái nghề, cái nghiệp mà người làm phải chịu. Làm bỏ công rất nhiều nhưng tiền không bao nhiêu. Nghề này không cách nào nhiều tiền hết, vì không có tiền tip, không thể tính bằng giờ bởi vì có những món đồ chỉ làm trong năm phút, nhưng có món đồ phải làm hàng giờ mới xong.”

    “Tôi qua đây đã lỡ thời nên làm, chứ tôi không yêu nghề may như Hà. May cứ ngồi yên một chỗ làm, đầu không nặng, nhưng cực quá mà tiền cũng không ổn định,” bà kể.

    “Rồi chị em tôi hợp tác mở tiệm này để kiếm tiền nuôi con ăn học, vì ít ra nghề sửa quần áo cũng đủ sống, và có thời gian chăm sóc gia đình. Nhưng thú thật, kiếm tiền để sống bằng nghề này rất cực, phải cạnh tranh không chỉ với người mình mà cả người Mỹ, Nam Hàn…” bà cho biết.

    Bà Hà nói thêm: “Khách của tôi ở đây ít khách Bolsa, mà khách ở xa tới, nhờ vậy mới sống được. Vì vậy chúng tôi chỉ biết cố gắng gửi hết tâm huyết vào sản phẩm để khách vui vẻ trở lại lần sau. Mùa này vắng, chứ vào mùa cưới thì rất bận rộn. Giá cả không biết chừng, vì phải nhìn đồ cần làm mới định giá được, chỉ có giá lên lai thì cố định $5.”

    Theo các chủ tiệm, nghề sửa quần áo cũng có “ngày hạn.” Cứ vào sau Tết Âm Lịch, Tháng Tư khai thuế và Tháng Tám tựu trường thì khách sửa đồ chậm lại. Thời điểm đắt khách là từ Tháng Bảy đến Tháng Mười Hai, trong đó tháng đón Giáng Sinh là túi bụi vì vào mùa cưới.

    Viethome (theo Người Việt)

  • Những ai phải trải qua cay đắng mới biết giá trị đích thực của cuộc sống. Tôi cũng vậy. Hạnh phúc, tiền bạc, danh vọng, và bộ mặt đã làm tôi như quay cuồng.

    Cũng chỉ vì “lấy chồng Việt Kiều” và “có rể Việt Kiều” đã làm cho “thằng chồng Việt Kiều” của tôi điêu đứng và tôi suýt bỏ rơi anh ta khi mới bắt đầu qua đây.

    Có lẽ tôi quá cay đắng nhưng tôi đã hối hận rất nhiều. Tôi vốn ở Biên Hòa, được cho là xinh đẹp từ nhỏ. Tôi được gia đình cưng chiều nhưng không có hư đốn. Tôi vào được Đại Học Sư Phạm nghành Anh Văn và học xong.

    Trong thời gian làm kiếp sinh viên, gia đình tôi đi xuống và lam lũ. Tôi trở thành sinh viên nghèo phải bươn chãi kiếm sống vì gia đình tôi không thể chu cấp mọi chi phí.

    Ở xóm, có nhiều người lấy chồng Việt Kiều và có tiền xây nhà cao ráo. Ai cũng nói tôi có học và có sắc tại sao không kiếm được chồng Việt Kiều cho gia đình đỡ khổ. Cuộc sống khốn khổ như vậy khiến cho tôi nghĩ đến chuyện “lấy chồng Việt Kiều” để cưu mang gia đình. Tôi nghĩ đơn giản như vậy, chính vì đơn giản đó đã làm hại một người, đó là thằng chồng Việt Kiều của tôi.

    Với ý nghĩ đơn giản, tưởng rằng ở nước ngoài ai cũng ăn sung mặc sướng dễ kiếm ra tiền. Tôi có đọc sách báo thì thu nhập trung bình hàng năm của người Mỹ là 24 ngàn đô-la. Nếu thằng chồng làm 24 ngàn đô-la thì mình xin 6-7 ngàn có sao đâu.

    Nhưng thánh thần ơi, đó là thu nhập, chưa tính thuế, tiền xăng, ăn uống, chi tiêu, nhà cửa, điện nước,…

    Cái ý nghĩ ngu xuẩn chỉ cần 6-7 ngàn mỗi năm đó lan truyền vào gia đình tôi và gia đình tôi tưởng bở và thật.

    Cũng chính vì tôi có sắc và có thân hình đẹp nên tôi kiếm được một thằng Việt Kiều hiền lành nhưng có chút khờ trong những Việt Kiều về thăm.

    Hắn hồi ở Việt Nam chỉ học tới lớp 9, sau đi làm phụ hồ, và theo gia đình đi Mỹ theo diện HO. Qua đó hắn chỉ biết đi làm. So về trình độ học vấn thì chênh lệch với tôi do đó khó nói chuyện. Tôi biết không hạp lắm nhưng giả nai để được đi Mỹ.

    Tôi nhanh chóng trao sự trinh tiết cho hắn và bắt hắn phải chịu trách nhiệm và cưới. Hắn hứa cưới. Tôi ra giá là trước khi tôi qua Mỹ thì gia đình tôi cần 20 ngàn đô để xây nhà mua xe (vì nhà tôi ọp ẹp và không có xe gắn máy).

    Hắn trở lại Mỹ, và gởi tiền đều đều, hắn làm gì tôi không quan tâm vì tôi chẳng yêu, thấy tiền là tôi thích. Tôi cố gắng học cho xong 4 năm đại học để phòng khi không qua được Mỹ thì tôi có bằng cấp và dạy học Anh Văn cũng có tiền.

    Khi nhà cửa tôi xây xong, xe có 2 chiếc thì hắn về. Trông hắn tiều tụy và ốm sau 2 năm và tôi cũng vừa tốt nghiệp Đại Học. Đám cưới tổ chức linh đình. Gia đình tôi nở mặt nở mày với hàng xóm.

    Trong khi chờ đợi qua Mỹ, tôi học thêm đủ thứ nghề từ thêu may đến vi tính, uống tóc đến móng tay,… Hắn chu cấp vài trăm đô mỗi tháng.

    Khi đến Mỹ tôi thật sự thất vọng. Thằng chồng tôi ốm yếu và bịnh hoạn. Tôi biết sự thật là sau khi gặp tôi, hắn làm 2 việc để có tiền gởi theo yêu cầu tôi. Mỗi ngày hắn chỉ ngủ được 4 giờ. Cuối tuần làm thêm. Nhà thì ở nhà mướn chứ không như tôi nghĩ là nhà riêng có bãi cỏ đẹp. Xe hơi thì xe cà tàng cũ xì chứ không bóng lộn như tôi thấy ở tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai.

    Tôi lúc đầu nghĩ rằng hắn lừa dối tôi để được tôi nên tôi giận quá bỏ hắn qua người dì. Hắn sụp đổ tinh thần và vào bịnh viện tôi chẳng cần quan tâm. Tôi luôn nghĩ cuộc sống của hắn ở Mỹ phải tốt, phải như thiên đường….. Nào ngờ chỉ là dân lao động nghèo nàn không biết Anh Văn.

    Dì tôi nói là nếu không trở lại sống với hắn thì về Việt Nam vì nếu tôi bỏ hắn thì tôi bị trục xuất. Dì tôi không dám chứa chấp tôi sợ liên lụy. Dì tôi cho tôi 10 ngày suy nghĩ.

    10 ngày đó tôi tìm hiểu cuộc sống ở Mỹ. Tôi thấy ai cũng cố gắng đi làm để có tiền chứ không dễ hái ra tiền. Khác với ở Việt Nam là làm việc ở đây dù tiền ít vẫn không bị đói. Môi trường sống tốt hơn, học hành miễn phí, có biết tiếng Anh xin làm dễ hơn,....

    Tôi nghĩ về thằng chồng tôi không yêu nhưng lấy chồng vì tiền. Tôi dần dần thấy tội nghiệp hắn. Vì mê sắc đẹp tôi mà hắn phải hao tổn sinh lực làm 2 việc để có hơn 24 ngàn đô-la gởi về cho tôi trong lúc bản thân hắn chẳng có gì.

    Tôi dần dần động lòng trắc ẩn thằng chồng không yêu. Tôi thấy tội nghiệp quá. Đã tốn sinh lực kiếm tiền cho tôi và sau đó bị tôi bỏ đi. Tôi ứa nước mắt ân hận.

    Sau một tuần tôi trở lại và xin lỗi. Những giọt nước mắt hạnh phúc trong thân hình tiều tuỵ của hắn làm tôi thêm đau lòng. Tôi thề với Trời Phật tôi không bỏ hắn và sẽ lo cho hắn.

    Tôi dễ dàng kiếm việc và hắn nghỉ 3 tuần dưỡng sức vì mới ra viện. Tôi ráng bươn chãi thêm việc cuối tuần để hòng giúp hắn có tiền mua xe khác và cho tôi một chiếc xe cũ nào đó vì sống ở Mỹ thiếu xe không thể xin việc làm tốt hơn.

    Tôi giải thích cho gia đình tôi hiểu và tôi chỉ sẽ chu cấp 100 đô mỗi tháng mà thôi. Gia đình tôi dĩ nhiên không hiểu và giận tôi và nói rằng tôi đi Mỹ bị Mỹ hoá không biết lo cho gia đình. Tôi thấy 100 đô đủ rồi, gia đình tôi kiếm thêm chứ làm sao tôi phải nuôi chồng và nuôi 6 người bên Việt Nam.

    Hắn từ từ hồi phục nhưng do lao lực quá nên lúc nào cũng ốm ốm và không có sung sức. Cuộc sống tình dục vợ chồng rất thưa thớt vì hắn yếu sức. Tôi muốn có con với hắn để hắn yên lòng vì thế tôi và hắn phải nhịn 6 tháng để hòng hắn có đủ sức lực theo lời bác sĩ.

    Trời Phật thương tôi và tôi có thai. Hắn hạnh phúc và sức khoẻ dần dần tốt hơn. Do có vốn tiếng Anh, tôi có việc trong ngân hàng và lương khá. Hắn chỉ đi làm việc nhẹ và tôi gánh vác mọi thứ. Tôi chỉ mong hắn khoẻ mạnh trở lại chứ trong gia đình ai đi làm chính cũng vậy thôi.

    Con tôi ra đời khoẻ mạnh, tôi mừng khôn xiết, người mừng vui hơn tôi là hắn.

    Giờ gia đình tôi ổn định. Tôi làm việc có lương gấp 3 lần chồng vì chồng chỉ lao động bình thường và khó lòng vươn lên vì trình độ bị giới hạn. Tôi dần dần có được hạnh phúc gia đình, tình cảm vợ chồng, cũng như được thoả mãn tình dục do chồng tôi hồi phục được sức khoẻ.

    Tôi đã sai và sửa sai.

    Hy vọng các chị muốn lấy chồng Việt Kiều hiểu rõ hoàn cảnh của ông chồng tương lai để tránh nhiều chuyện đau lòng nơi xứ người.

    Viethome sưu tầm

  • Trung tâm thương mại Hòa Bình nổi tiếng của người gốc Việt tại thành phố Philadelphia (Mỹ) sắp bị dẹp bỏ khiến nhiều cửa hàng đối diện nguy cơ đóng cửa.

    Trung tâm thương mại Hòa Bình Plaza - Ảnh chụp màn hình WHYY

    Theo trang Curbed Philadelphia, trung tâm thương mại Hòa Bình nổi tiếng có nhiều cửa hàng Việt ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania sắp bị dẹp bỏ để xây dựng dự án nhà ở.

    Đây được cho là một trong số nhiều dự án phát triển quy mô lớn tại thành phố nhằm thay đổi diện mạo của khu vực có nhiều nhà xưởng, nhà kho này.

    Hòa Bình Plaza mở cửa vào năm 1990 và được coi là một trong những trung tâm thương mại đầu tiên của cộng đồng người Việt tại Philadelphia.

    Tuy nhiên, cũng giống như nhiều tòa nhà bên cạnh, giới chủ của Hòa Bình Plaza đã bán khu đất này cho các công ty phát triển giữa lúc nhu cầu nhà ở tăng cao.

    Theo đài WHYY, chủ nhân của Hòa Bình Plaza đã bán khu đất này cho công ty phát triển địa phương Streamline trong khi cách đó vài dãy nhà, khu đất đặt nhà máy chocolate Frankford có từ năm 1865 cũng bị bán cho một công ty bất động sản để xây nhà ở.

    Chủ tiệm bánh mì Nam Son Bakery, ông Thomas Sinnison tỏ ra lo lắng cho công việc kinh doanh vì khó có thể tìm ra nơi nào phù hợp để thuê mở cửa tiệm sau khi rời khỏi Hòa Bình Plaza.

    “Thật sự thì tôi không giận vì đây là điều tốt cho thành phố. 20 năm trước, khu vực này rất tệ nhưng giờ nó đã an toàn hơn. Tuy nhiên tôi buồn vì việc kinh doanh sẽ suy sụp”, ông Sinnison nói.

    Trong khi đó, khi được hỏi về tương lai của những cửa hàng trong trung tâm thương mại, Phó chủ tịch Streamline Steve Kosloski trả lời thẳng thừng rằng công ty này không chịu trách nhiệm.

    “Họ đều là người thuê hằng tháng chứ không phải lâu dài. Vậy nên việc chọn nơi nào khác để kinh doanh là việc của họ”, ông Kosloski tuyên bố.

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • Jinny Liên Ngô đã quyết định chọn cho mình một hướng đi mới với nhiều thử thách hơn trên đất nước Nga, thay vì cuộc sống ổn định của con gái một nhà ngoại giao.  

    Jinny Liên Ngô (Ảnh: RBTH)

    Jinny Liên Ngô đã dành một nửa khoảng thời gian của mình sống ở nước ngoài. Năm ngoái, cô tới Nga và tìm cho mình một hướng đi mới.

    Lẽ ra, cô gái Hà Nội 29 tuổi có thể lựa chọn cho mình cuộc sống ổn định với xuất thân là con gái của một nhà ngoại giao. Tuy nhiên, Jinny Liên Ngô đã quyết định bắt đầu gây dựng quán cà phê mang dấu ấn riêng của mình tại đất nước Nga xa xôi.

    Trong một chuỗi bài viết về những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Nga, tạp chí Russia Beyond (Nga) đã dành một trang để đăng tải câu chuyện của Jinny Liên Ngô cũng như hành trình của cô gái trẻ trên đất Nga.

    Dưới đây là phần dịch bài viết trên Russia Beyond với tựa đề “Người Nga yêu Phở bò”: Chủ quán cà phê Việt Nam kể lại câu chuyện của mình.

    Mọi chuyện bắt đầu từ bố mẹ tôi, những người theo học tại Đại học Quốc gia Moscow khi còn trẻ. Bố tôi học ngành luật còn mẹ tôi học ngành ngôn ngữ.

    Tôi lớn lên, được nghe những câu chuyện của bố mẹ về nước Nga, về nước Nga rộng lớn và xinh đẹp như thế nào, về con người Nga tốt bụng ra sao. Thậm chí một phần trong tên của tôi, Jinny Liên Ngô, cũng có nghĩa là “Nga”: Đó là chữ Liên trong từ Liên Xô.

    Năm 2018, bố tôi trở thành Đại sứ Việt Nam tại Nga, vì vậy tôi đi cùng bố tới Nga. Trước đó, tôi theo học ngành kinh tế tại Trường Đại học London (UCL), tốt nghiệp năm 2011 và bắt đầu đi làm. Ban đầu tôi làm việc cho một hãng đầu tư tại London, sau đó tôi chuyển tới Tây Phi để bắt đầu công việc kinh doanh riêng của mình là xuất khẩu gỗ và hạt điều về Việt Nam.

    Những vị khách nước ngoài tới quán cà phê bán đồ ăn Việt Nam (Ảnh: RBTH)

    Khi tôi tới Nga, đồ ăn Việt Nam đã phổ biến, nhưng các nhà hàng khá giống nhau và chủ yếu phục vụ các món ăn tương tự nhau. Chúng tôi muốn làm cái gì độc đáo và thủ công. Vì vậy chúng tôi bắt đầu mở một quán cà phê nhỏ có tên “Em Oi”.

    Chúng tôi phục vụ phở bò, tom yum và xoài lắc. Ngoài ra, quán cũng có phở bò xào, thịt nướng, cơm vịt nướng và tôm chua ngọt.

    Tôi mở quán nhưng không nói với bố mẹ tôi. Chúng tôi mới mở quán vào tháng 1 năm nay. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là giữ chân khách hàng.

    Trong hai tuần đầu tiên, chúng tôi đón rất nhiều người Nga tới quán. Nhưng vì đồ ăn của chúng tôi ban đầu không ngon nên họ chỉ đến một lần và không quay lại.

    Một số món ăn trong thực đơn của quán "Em Oi" tại Nga. (Ảnh: RBTH)

    Chỉ mới hai tháng trước đây, khi chúng tôi gặp được bếp trưởng hiện tại, mọi thứ bắt đầu khởi sắc. Bây giờ mọi người thường kể cho bạn bè về quán của chúng tôi và chúng tôi đón 60-70 khách vào mỗi ngày bình thường. Phần lớn trong số họ là các sinh viên nước ngoài từ châu Á.

    Khoản đầu tư ban đầu để mở một quán cà phê nhỏ tại Nga khoảng 20.000-30.000 USD. Vấn đề duy nhất là tiền thuê nhà với mức giá khá cao. Một người có thể phải trả từ 5.000 rúp (76 USD) tới 14.000 rúp (214 USD) trên mỗi m2 thuê nhà tại thủ đô Moscow.

    Nhóm chúng tôi tuy còn trẻ nhưng rất mạnh. Tôi cực kỳ may mắn khi biết họ vì công việc này không thể làm một mình. Đội ngũ nòng cốt của chúng tôi gồm 6 người và tôi là người lớn tuổi nhất.

    Đầu bếp năm nay 27 tuổi và những người còn lại trong nhóm chỉ mới ngoài 20 tuổi. Chúng tôi làm việc rất chăm chỉ, đôi khi lên tới 13 giờ/ngày, và rất tận tâm. Tôi nghĩ mọi người có thể cảm nhận được điều đó khi họ đến quán.

    Bên trong quán cà phê của người Việt tại Nga. (Ảnh: RBTH)

    Phần lớn mọi người trong nhóm đều nói tiếng Nga, nhưng tôi thì không. Việc không biết tiếng Nga cũng không gây ra vấn đề quá lớn đối với tôi. Tuy nhiên đôi khi tôi thực sự muốn giao tiếp với các khách hàng Nga và gặp khó khăn trong chuyện này vì nhiều người không biết tiếng Anh.

    Tôi biết một cụm từ trong tiếng Nga là “ochen vkusny” (có nghĩa là rất ngon). Vì thế khi tôi nghe thấy tiếng này, tôi biết họ thích đồ ăn của chúng tôi.

    Phở bò là món ăn rất phổ biến ở quán và một trong những điều kỳ lạ nhất đó là có rất nhiều khách Nga tới đây từ những ngày đầu chỉ để ăn phở bò. Có 3 nhóm khách đến ăn phở bò hàng ngày, ngoại trừ cuối tuần khi họ không đi làm. Có ngày chúng tôi hết phở bò và họ rời đi mà không thử thêm bất kỳ món nào khác của quán.

    Đội ngũ của quán cà phê "Em Oi" đều là những người còn rất trẻ. (Ảnh: RBTH)

    Chúng tôi có một vị khách rất quen thuộc. Ông ấy đến đây hàng ngày, vì vậy khi nào không thấy ông ấy đến, chúng tôi hiểu rằng ông ấy đang đi du lịch. Nhưng cứ khi nào ông ấy có mặt ở đây, ông ấy sẽ ăn phở bò. Điều này thật thú vị, đồng thời cũng rất an ủi khi biết rằng ngay cả vào những ngày tồi tệ nhất, những vị khách này vẫn ủng hộ chúng tôi.

    Chúng tôi rất may mắn khi tìm thấy những nhà cung cấp Nga đáng tin cậy và chúng tôi thường duy trì mối quan hệ tốt đẹp với họ. Ban đầu chúng tôi cũng hơi khó chịu khi các đối tác phản hồi email rất chậm. Dần dần, chúng tôi bắt đầu gọi điện cho họ để duy trì liên lạc. Ngoài ra, ở châu Á, mọi người thường quen với việc giao hàng nhanh chóng trong một ngày, nhưng ở đây có thể mất vài ngày, thậm chí ngay cả khi bạn đặt hàng ở trong cùng một thành phố.

    Trước khi kinh doanh tại Nga, có 3 điều bạn cần xem xét.

    Thứ nhất, bạn cần ai đó ở đây đã lâu. Họ hiểu các khía cạnh pháp lý cũng như văn hóa khi bắt đầu công việc kinh doanh tại Nga. Khi vấn đề pháp lý ổn thỏa, bạn có thể tập trung vào những mặt khác.

    Thứ hai, bạn không nên đánh giá thấp thị trường. Bạn cần chắc chắn rằng sản phẩm của bạn có chất lượng tốt, giá cả hợp lý và biết đối tượng khách hàng mục tiêu là ai. Bạn không thể nghĩ đơn giản rằng một quán cà phê mở ra và mọi người sẽ đến đó.

    Thứ ba, kiên nhẫn. Bạn phải kiên nhẫn với bất kỳ thứ gì bạn gây dựng, đặc biệt ở Nga khi nền kinh tế hiện tại không thực sự quá ổn.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Tại CH Czech và Ba Lan, những quốc gia có chính sách cứng rắn về người nhập cư, cộng đồng người Việt vẫn phát triển mạnh mẽ và được đánh giá cao.

    Trung tâm thương mại Sapa nổi tiếng của người Việt tại Prague. Ảnh chụp màn hình Fin Nomads

    Vấn đề người tị nạn và nhập cư, đặc biệt là từ Syria, đang là một trong những thách thức lớn nhất về an ninh và xã hội đối với châu Âu. Nhiều thành viên EU quyết liệt phản đối các chính sách của khối về tiếp nhận thêm người nhập cư và tị nạn.

    Trong đó, các chính phủ cánh hữu và trung hữu tại Ba Lan và CH Czech đưa ra một số biện pháp cứng rắn, còn cư dân sở tại cũng có cái nhìn không thiện cảm đối với người nhập cư, theo tờ The Economist. Trong bối cảnh này, riêng cộng đồng người Việt vẫn phát triển thịnh vượng, có nhiều đóng góp cho nước sở tại.

    Ba Lan và CH Czech là những quốc gia có tỷ lệ người Việt sinh sống cao nhất châu Âu. Ước tính hiện có khoảng 40.000 - 50.000 người Việt tại Ba Lan. Con số này ở CH Czech là gần 65.000 người mang quốc tịch Việt và hơn 25.000 người CH Czech gốc Việt, theo ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Người VN tại châu Âu, đồng thời là Chủ tịch danh dự của Hội Người VN tại CH Czech.

    Đặc biệt, từ tháng 7.2013, chính phủ CH Czech đã công nhận cộng đồng người VN là dân tộc thiểu số thứ 14 của nước này. Trả lời Thanh Niên, ông Thắng nhận định đây là sự ghi nhận về năng lực hội nhập và những đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt với xã hội sở tại.

    Tại cả hai quốc gia, người Việt đều hội nhập tốt, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn và phát huy mối quan hệ truyền thống giữa hai dân tộc VN - CH Czech và VN - Ba Lan.

    Phần lớn người Việt ban đầu do gặp rào cản ngôn ngữ nên làm các công việc như buôn bán hàng thực phẩm, mỹ phẩm, giày dép và hàng may mặc… Một số người năng động đã mở các trung tâm thương mại hoặc thiết lập các chuỗi bán buôn, bán lẻ.

    Không ít người đã gặt hái thành công lớn như doanh nhân Tào Ngọc Tú, đến Ba Lan từ thời sinh viên. Ông hiện là chủ một công ty chuyên nhập khẩu gia vị châu Á vào Ba Lan và có tên trong danh sách những người giàu nhất ở nước này. Doanh nhân Nguyễn Thái Ngọc là chủ Sportisimo, công ty bán đồ thể thao lớn nhất CH Czech với hơn 100 cửa hàng tại nước này và nhiều quốc gia khác ở châu Âu.

    Bên cạnh thế hệ người Việt nhập cư đầu tiên trong thập niên 1980, thế hệ thứ hai tại hai nước cũng hội nhập và phát triển tốt, với nhiều người trở thành luật sư, giáo sư, bác sĩ… Cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt là sự xuất hiện của những ngôi chùa và trung tâm văn hóa mang đậm nét Việt. Phở và chả giò là các món ăn đang rất được ưa chuộng ở Warsaw và Prague.

    Nhờ những thành quả này, người dân địa phương cũng có thái độ cởi mở đối với cộng đồng người Việt hơn so với những người nhập cư khác, theo The Economist.

    Trong cuộc bầu cử năm ngoái, cử tri CH Czech tiếp tục bầu cho Tổng thống Milos Zeman, người có quan điểm nghi ngại đối với người nhập cư. Kết quả thăm dò dư luận của Tổ chức nghiên cứu Pew, có trụ sở tại Mỹ, cũng cho thấy gần một nửa số người được hỏi ở nước này cho rằng nên hạn chế người nhập cư. Tuy nhiên trong nhiều bài phát biểu, Tổng thống Zeman thường đánh giá cao sự hội nhập của cộng đồng người Việt vào xã hội Czech và cho rằng đây là mẫu mực của sự hội nhập giữa hai nền văn hóa khác nhau.

    Nhiều người Việt sống ở CH Czech và Ba Lan cũng cho biết theo thời gian, người dân hai nước này đã xem họ là nhóm người nhập cư “an toàn”. Chị Anh Tuyet Nguyen, một chủ quán cà phê ở Prague, kể chị thường nghe nhiều người dân bản địa nói rằng người Việt “chăm chỉ”, để so sánh với các nhóm nhập cư khác bị họ cho là “đang ăn bám nhà nước”.

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • “Thôi cô đừng chụp hình tui, đừng đưa tui lên báo nha cô. Tui không muốn người ta biết rằng tui lượm ve chai, nhất là anh em bà con tui ở bên Việt Nam. Nói gì thì nói, bên ấy người ta tưởng đi Mỹ thì làm kỹ sư bác sĩ mới đáng, chứ làm cái nghề lượm ve chai như tui, mà lên báo thì chỉ tổ để người ta khi dễ mình thêm.”

    Bà Tư Hiền, cư dân ở Midway City, vừa xua tay vừa thoăn thoắt dẫm chân lên các vỏ lon bia, để làm cho nó bẹp dúm, rồi ném vào những túi nylon màu đen, trên vỉa hè trước căn nhà single house ở góc đường Madison và đường Park Ln, cách nhà bà ở chỉ vài block.

    “Dẫm bẹp thế này để cho nó gọn. Mình chỉ có cái xe đạp cà tàng, phải làm sao để chở được nhiều nhất. Nhưng cũng có những loại vỏ chai, tôi phải nâng niu kẻo nó móp một xíu là mình bán thiệt lắm,” bà giải thích.

    Sang Mỹ từ năm 2012 do con gái bảo lãnh, bà Tư ở nhà trông cháu cho con đi làm. Tranh thủ lúc sáng sớm, khi cháu còn chưa dậy đi học, bà đạp xe đi lượm ve chai. Bà phân bua: “Tui sang đây không có xin được trợ cấp gì ngoài MediCal. Tui cũng cần có chút tiền tiêu vặt, rồi còn gửi về quê nhà lo việc ma chay cúng giỗ tổ tiên, tui đâu nỡ xin con hoài được. Dù con tôi, nó không muốn tôi làm công việc này, nó kêu tui cần nhiêu nó sẽ chu cấp. Nhưng nó còn khó khăn, tôi không muốn phiền nó.”

    “Thấm thoắt cũng bảy năm rồi. Nhớ lần đầu tiên không biết, tôi đi bới thùng rác, thấy vỏ chai nào tôi cũng nhặt, đầy một xe mà chỉ bán được có $5. Là vì có nhiều thứ vỏ chai lọ, người ta không thu mua như ở Việt Nam. Sau này tôi biết lựa cái gì bán được giá mới lấy. Thấy tôi bới thùng rác hôi hám từ sáng sớm, nhiều người đồng hương Việt ở đây họ thương, họ tự động để riêng ve chai ra một túi rồi gọi mình tới lượm. Lâu rồi tôi không phải đi bới thùng rác nữa.”

    Bên trong chiếc xe hơi thu gom sách báo và ve chai của bà Hồng Lê. (Hình: Tâm An/Người Việt)

    Mới 6 giờ sáng, trong tiết trời cuối Ðông chỉ vào khoảng 40 độ F, chiếc xe đạp của bà đã đầy ắp những bịch ve chai màu đen, màu trắng, buộc chằng chịt từ trước tới sau. Phía trước xe là hai bịch vỏ bia đã đập dập, được buộc vào ghi đông, phía sau yên xe, bà buộc thêm 2 bịch vỏ chai nước suối, bà không đập dập, để nguyên, buộc phồng lên như chùm bóng bay.

    “Tôi đem về nhà gom lại ở góc sân, cứ Chủ Nhật đem đi bán một lần. Mỗi tuần chăm chỉ thì tôi cũng kiếm được chừng vài ba trăm đồng, cũng gọi là đủ tiền trang trải cuộc sống.”

    “Bây giờ tôi phải về, còn đưa cháu đi học.” Nói rồi bà tất tả đạp đi, dáng bà nhỏ bé, lọt thỏm trong cái “không gian” toàn ve chai “di động.”

    Muốn lượm được nhiều ve chai phải để người ta thương mến

    Tại một tiệm thu mua ve chai ở góc đường Westminster và Golden West, chúng tôi gặp được bà Hồng Lê, cư dân Westminster, đang xếp hàng chờ bán ve chai. Sang Mỹ từ năm 1989 do người chồng hơn 25 tuổi bảo lãnh, bà đã làm đủ thứ việc chân tay và cả lượm ve chai, để phụ chồng nuôi bốn người con. Bà chia sẻ: “Các con tôi đều đi làm ở tiểu bang xa, chúng có cuộc sống của chúng. Vợ chồng già phải nương tựa vào nhau. Tôi cũng 70 tuổi rồi, tuy có tiền già nhưng ốm đau suốt nên cũng không có dư giả gì.”

    Vừa tâm sự bà vừa rơm rớm nước mắt, bà nói tiếp: “Ông xã tôi đã 95 tuổi rồi, hiện đang nằm trong nursing home. Bác sĩ nói rằng ông ấy có thể đi bất cứ lúc nào.Tôi vẫn phải lượm ve chai để kiếm thêm, đặng có tiền lo an táng cho ông ấy nếu ông ấy có qua đời. Tôi mới đi hỏi ở Nhà Tang Lễ đằng kia, chi phí làm lễ tang hỏa thiêu, thấp nhất cũng là $3,000.”

    Những chai có chữ ‘CA CRV’ luôn được thu mua theo quy định của chính phủ tiểu bang California.” (Hình: Tâm An/Người Việt)

    Đỡ hơn bà Tư Hiền ở chỗ, bà Hồng biết lái xe. Chiếc xe Toyota Corolla từ đời 2002 của bà đã lăn bánh trên 250,000 dặm, máy móc lúc hỏng lúc không. Bà dùng nó để cất trữ đủ thứ từ sách báo cũ đến chai lọ nhựa, thủy tinh… chờ tới khi số lượng nhiều nhiều mới bõ công đi bán.

    Bà chia sẻ: “Trong nghề lượm ve chai này, cũng phải biết xử sự, làm sao cho người ta thương mình, tin mình thì mới sống được. Ai cho gì tôi cũng xin, cho dù thứ đó có không bán được, như vỏ bình sữa tươi, vỏ đồ hộp… nhưng người ta đã gom nó cho mình, tôi không muốn mếch lòng họ, tôi lượm hết, về nhà phân loại sau.”

    “Đi bới thùng rác, tôi không làm vương vãi dù một cái rác nhỏ ra ngoài, nên chủ nhà họ không phiền lòng. Trái lại nhiều nhà còn tự nguyện để ve chai riêng ra rồi họ gọi mình tới lấy,” bà nói tiếp.

    Nói về niềm an ủi trong nghề lượm ve chai, bà hồi tưởng lại những năm tháng còn “thịnh vượng” trước đây, bà kể: “Vui nhất là nhiều người thương, họ còn gọi vào nhà hỏi chuyện, rồi họ cho hết những gì họ không cần. Nào là đồ dùng trẻ em, đồ điện gia dụng… cũng có khi là cả chiếc xe đạp còn mới. Tôi nhặt về đem bán garage sale, kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó.”

    “Rồi có người nhờ tôi dọn nhà theo giờ, ẵm cháu dùm hay giúp họ vài việc vặt khác như tưới cây, cắt cỏ. Tôi làm tất cả, không ngại việc gì. Mỗi giờ công họ cũng trả tôi chừng $10-$15, có khi còn tip thêm. Mỗi tháng tôi cũng có thêm được $700 đến $1,000, chưa tính tiền lượm ve chai,” bà kể thêm.

    Chợt nhớ ra hiện tại, giọng bà lại trùng xuống, thở dài: “Nhưng giờ thì ông xã tôi bệnh nặng rồi, tôi cũng yếu rồi. Tôi chỉ tranh thủ đi được vài giờ rồi lại phải về canh chừng ông ấy. Nên chỉ có ai cho ve chai, thì họ gọi tôi đến lấy. Chứ tôi không đi làm giúp việc hay la cà chuyện trò gì được. Vì thế mà chỉ còn kiếm được có vài chục đồng tiền bán ve chai mỗi tuần.”

    Bán ve chai, cũng phải có ‘mánh’

    Ông Tám Huỳnh, 73 tuổi, cư dân ở Westminster cũng đang xếp hàng chờ bán ve chai như bà Hồng. Mái tóc dài bạc phơ, xơ xác, chẳng thèm chải cắt, chiếc áo lính đã cũ mèm, rách tả tơi, ông vẫn cười vui vẻ như thể ông thây kệ mọi sự trong đời.

    Chỉ cần chai hơi móp méo là chiếc máy đếm chai tự động có thể từ chối không tính tiền, muốn bán được phải nâng niu, thậm chí thổi lên cho khỏi móp. (Hình: Tâm An/Người Việt)

    Ông Tám cười sảng khoái, nói bâng quơ như an ủi tất cả mọi người đang đứng chờ bán ve chai xung quanh ông, rằng: “Ở Mỹ này thì chẳng đói được đâu, ở đâu cũng có đồ ăn từ thiện, còn chưa hết hạn, mà có hết hạn cũng chẳng sao, vẫn còn tốt. Tuổi như tôi lại có tiền già nữa, làm sao mà đói cho được. Nhưng tôi vẫn phải lượm ve chai là vì tôi lỡ dại vay nợ lãi cao người ta. Lúc đầu có $1,000 thôi, 5 năm rồi không trả được, lãi mẹ đẻ lãi con, giờ thành nợ $5,000 nên có bao nhiêu tiền già đành để trả tiền lời hết. Tất cả lỗi tại mình, thì mình phải trả giá thôi, phải lượm ve chai mà sống''.

    Nói rồi ông cười nhạt, cúi người phân loại những chai lọ dưới chân ông. Chỉ tay vào dòng chữ đỏ in trên bao bì một cái vỏ chai nhựa, Ông Tám nói: “Gặp những chai có chữ ‘CA CRV’ như thế này, thì yên tâm là người ta sẽ thu mua.”Theo giải thích của anh Kenvin Calderom, nhân viên tại cơ sở thu mua rác tái chế của hệ thống công ty Replanet, thì chữ ‘CA CRV’ là chữ viết tắt của cụm từ “California Refund Value” có nghĩa là “Giá trị hoàn tiền theo luật ở California.” Đây là số tiền quy định của tiểu bang, được trả lại cho người tiêu dùng khi họ đem tái chế các chai lọ tại các cơ sở thu mua rác tái chế. Chai lọ nào có chữ này, buộc các công ty phải chấp nhận, cho dù là chai lọ đó có đựng đồ thực phẩm.

    Là một người đầy kinh nghiệm bán ve chai, ông Tám cho biết: “Cứ chai lọ nào dày, nặng thì bán theo cân ký sẽ có lợi hơn. Ngược lại những chai mỏng, nhỏ và nhẹ, mà lại dung tích lớn hơn 24 oz, thì nên bán theo kiểu đếm số lượng, mỗi cái 10 xu, chứ nếu bán theo kiểu cân ký sẽ rất thiệt.”

    Ông làm một phép tính để chứng minh điều mình vừa nói: “Chỉ 10 vỏ chai như này là cân nặng chừng 1lb rồi, bán theo cân nặng sẽ được $1.6 trong khi nếu bán theo số lượng thì chỉ được 10 xu/chai x 10 chai = $1 mà thôi.”

    “Nhưng hôm nào lượm được toàn vỏ chai nước suối loại nhỏ xíu chỉ 8 oz (250 ml) thì tôi lại bán theo kiểu đếm, mỗi chai 5 xu, 100 chai được $5, trong khi nếu lỡ để nó móp phải bán theo ký, không biết có nổi $3 không.”

    Ở điểm thu mua thường có máy đếm vỏ chai tự động bằng công nghệ scan theo dung tích chai. Vỏ chai chỉ cần móp một chút, là máy có thể sẽ đẩy ra không tính tiền, buộc người ta phải bán theo cân ký.

    Đó là lý do vì sao, những người nhặt ve chai, có khi thì cố đập cho các vỏ chai thật bẹp, có khi thì nâng niu để “hàng” khỏi bị móp méo.

    Một cái Tết nữa sắp đến, nhưng với những người lượm ve chai như ông Tám, bà Hồng hay bà Tư Hiền, họ đều vui khấp khởi không phải vì Xuân về, mà vì sẽ có nhiều nhà ăn tiệc, sẽ có “ve chai” cho họ nhiều hơn.

    *Chú thích: Theo yêu cầu, tên nhân vật đã được thay đổi.

    Viethome (theo Người Việt)

  • Trong phòng chờ hạng thương gia ở sân bay Nội Bài, một ngày cuối tháng 3, giữa những hành khách ăn mặc sang trọng thì có khoảng 30 người Việt trông rất bình dân. Tay xách nách mang, gương mặt phờ phạc vì thiếu ngủ. Họ đã gây nên sự tò mò, hiếu kì cho những người xung quanh.

    “Khách VIP” ship cả gừng, riềng, sả, ớt…

    Trên chuyến bay mang kí hiệu SU-291 của hãng hàng không Aeroflot, tôi may mắn được ngồi gần với các vị khách Việt “bình dân” và cũng vô cùng đặc biệt này. Máy bay cất cánh được khoảng 30 phút, tôi lân la bắt chuyện với người phụ nữ ngồi ngay bên cạnh. H, cô gái có khuôn mặt trái xoan, tương đối niềm nở, thấy tôi tò mò, H. hóm hỉnh: “Em làm shipper Việt-Nga, chuyên xách giai qua đường hàng không anh ạ”.

    Đôi mắt chân chim, lộ rõ sự vất vả nhưng H. vẫn tỏ ra vô cùng thoải mái và chia sẻ mọi chuyện với tôi. Em cho biết, shipper Việt là nghề mới của người Việt tại Nga mới rộ lên vài năm trở lại đây, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2018 vừa rồi. Đó là một cách gọi mĩ miều, thực chất là nghề buôn chuyến, mang hàng từ Việt Nam sang Nga và hàng từ Nga về Việt Nam bằng đường hàng không. Hàng thì thượng vàng hạ cám từ rau sống, bánh kẹo, trái cây đến ớt, sả, mỹ phẩm, rượu Vodka…

    Những thùng hàng được các shipper vất vả đóng gói vận chuyển từ Nga về Việt Nam.

    Theo H., mỗi chuyến bay có khoảng từ 30 người chuyên nghiệp (thường xuyên bay) và khoảng vài người bán chuyên (tiện công việc ở nhà, thỉnh thoảng mới bay). Tiếng là đi buôn, tay xách nách mang nhưng hầu hết các “đầu mối” chuyên nghiệp do “bay như đi chợ” nên ai cũng như khách VIP, đi cửa ưu tiên, sở hữu thẻ đen (kim cương), thẻ vàng, thẻ bạc, thẻ titan…của Aeroflot.

    H. tâm sự, phần lớn những người này đã sang Nga từ lâu, buôn bán trong các khu chợ, khu thương mại của người Việt tại Nga. Vài năm trở lại đây, khách mua giảm đi, buôn bán khó khăn, đi chợ bán hàng không đủ chi phí cho việc thuê nhà, nộp thuế…nên ai ít vốn, không có đủ điều kiện đành phải nghỉ bán hàng.

    “Cách đây 5-6 năm, chỉ có vài người làm nghề này thôi, họ thu nhập cao lắm vì không có cạnh tranh nên lãi lắm. Gần đây, ở Việt Nam, người ta đã quen dùng một số sản phẩm của Nga và ngược lại, người Việt sống ở Nga cũng rất muốn sử dụng những hàng hoá quê nhà. Chính vì vậy nghề buôn chuyến này mới nở rộ như vậy. Đầu tiên vài người đi, sau đó rủ thêm bạn bè, người nhà, “buôn có bạn, bán có phường mà anh”, H. chia sẻ.

    Một nét thoáng đượm buồn trên khuôn mặt, H. cởi lòng với tôi khi cho biết, mình quê Hải Phòng, sang Nga từ năm 2000. Số không may mắn, buôn bán toàn thất bại, sau đó đi làm thêm đủ mọi việc, lúc thì giúp việc gia đình cho chủ người Việt, lúc đi phụ bán hàng khô…. Số phận đưa đẩy, kết hôn với chồng lái xe cho một xưởng may ở ngoại ô. Gần 7 năm trời hai vợ chồng mới sinh được một cháu gái.

    “Bọn em không đủ điều kiện nuôi cháu bên này nên đành gửi ông bà ở Việt Nam nuôi giúp. Nhiều lúc nhớ con cồn cào mà chẳng có tiền về thăm, cũng may có chị bạn chỉ giúp nghề này, vất vả một chút nhưng thỉnh thoảng được về với con anh ạ”, H. vui vẻ nói.

    H. chỉ là một trong số nhiều phụ nữ gốc Việt ở Nga có hoàn cảnh như vậy. Những biến động của chính sách kinh tế, môi trường kinh doanh của Nga buộc họ phải chuyển mình, mưu sinh. Con nhỏ, chân yếu tay mềm không làm được việc nặng, nghề kiếm ra tiền ít đi, nên việc “buôn chuyến” qua đường hàng không trở thành lối thoát cho cuộc sống vốn đầy rẫy bế tắc.

    Song để đi được một chuyến hàng như vậy rất vất vả, thậm chí tủi hổ. Mỗi lần chuẩn bị bay từ Việt sang Nga, các shipper Việt lại phải “bắn tin” qua bạn bè, người quen đến giật status lên Facebook… xem có ai gửi gì không thì nhận. Nếu chuyến nào ít người gửi lại phải đi mua hàng cho đủ số lượng.

    Lịch trình của một shipper được V., một cô gái người Ninh Bình vẽ lại như sau: "Bay về Việt Nam, gặp con được một lúc lại phải tranh thủ đi trả hàng, đợt nào rỗi rãi thì ở nhà với con được vài ngày, khi nào nhu cầu hàng hoá cao, tranh thủ ở nhà được vài tiếng lại đi mua hàng để mang sang. Thượng vàng hạ cám, ớt, xoài, gừng, riềng, lá chuối, mít, đu đủ, chôm chôm… Tóm lại những gì người Việt thích thì mang theo tuốt".

    V. nói thêm với tôi: “Chuyến bay từ Nội Bài sang Matxcova thường cất cánh lúc 10 giờ 45 sáng, về nguyên tắc 8 giờ sáng em đã phải có mặt ở sân bay. Chính vì vậy, hôm nào bay là em phải thức dậy từ 4 giờ, nhẹ nhàng hôn con vì sợ nó tỉnh giấc, rồi nhờ xe ôm chở mấy kiện hàng ra bến xe để lên xe khách ra Hà Nội. Đến bến xe Mỹ Đình mới dám gọi taxi đưa ra sân bay. Phải tiết kiệm từng tý một mới có chút lãi anh ạ”.

    Tôi tiếp tục hỏi chuyện N.T.Ch., một phụ nữ tầm 24 tuổi, người nhỏ nhắn, có gương mặt rất xinh và đôi mắt đen, to như mắt búp bê của Nga. Ch. cũng rất cởi mở trong khi trò chuyện với tôi, theo lời kể, Ch. quê ở Bắc Giang, có một cháu trai đang gửi bà ngoại ở Việt Nam chăm sóc.

    “Vào những tháng cao điểm như những ngày giáp tết, nhu cầu hàng hoá ở hai đầu đều cao, có tháng em đi 8 chuyến anh ạ. Bây giờ hãng hàng không Aerofllot ngày nào cũng có chuyến, nên em bay liên tục, gần như không có thời gian nghỉ ngơi, chỉ chập chờn chợp mắt trên máy bay”, Ch. cho biết.

    Vì coi đây là một nghề chính, nên Ch. bay liên tục, thẻ bạch kim nên được gửi 4 kiện hàng mỗi lần bay. Ngoài ra, do nhu cầu những ngày tết cao, nên các nhà buôn chuyến chuyên nghiệp còn tìm cách mua thêm số kiện hàng để tăng lợi nhuận.

    Theo Ch., có chuyến mang được 20 kiện hàng, chủ yếu mua lại của những người đi công tác, những công nhân sang làm xưởng may, không mang nhiều hàng hoá nên mua lại lợi cả đôi bên. Tuy nhiên, để chuẩn bị đủ từng ấy kiện hàng vô cùng vất vả, mỗi chuyến bay từ Việt Nam sang làm xong mọi thủ tục để ra được và về đến phòng trọ đã 9 giờ tối của Nga, tranh thủ đi giao hàng xong, chỉ còn đúng gần một ngày để đi mua sắm đủ hàng cho 5 giờ chiều ngày hôm sau đã phải có mặt ở sân bay. Thời gian gấp gáp cũng không kịp tắm rửa, nghỉ ngơi. Tranh thủ uống cốc nước chè đen nóng với mấy cái bánh ngọt, lại tất tưởi bắt xe ra chợ đêm để mua hàng theo đơn của các chủ cửa hàng ở Việt Nam: Bánh, kẹo, sữa, giò, pho-mai, bơ, rượu, thuốc lá, mĩ phẩm..

    Chiều ngược lại, gần 4 tiếng làm thủ tục ở sân bay, 9 tiếng đồng hồ trên trời, hạ cánh Nội Bài gần trưa, về đến Hà Nội, giao hàng xong, không có cả thời gian về thăm con, lại phải chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo. Theo Ch., chuyến nào thấy khoẻ thì bay lại ngay vì nhu cầu khách hàng giục giã, không đi sợ bị mất khách, còn chuyến nào mệt quá thì nghỉ ngơi 2 ngày rồi bay tiếp.

    “Cũng may ở Việt Nam dịch vụ rất tốt, mình đặt hàng gì chỉ cần gọi điện, họ đóng gói mang đến tận nhà, nào xoài, mít, gừng, riềng, chôm chôm, rau củ quả các loại… sợ nhất là khâu bảo quản mà không tốt, sang đến nơi rau bị úa nát, quả bị thối nhiều là hết mất lãi”, Ch. chia sẻ thêm.

    Shipper là những phụ nữ nhớ con, chấp nhận đi lại vất vả để về thăm con.

    Vất vả mưu sinh cho những chuyến tàu “hoàng hôn”

    Tiếng loa vang lên trong máy bay yêu cầu hành khách ổn định chỗ ngồi để chuẩn bị phi hành đoàn phục vụ bữa ăn sáng. Với những vị khách đặc biệt người Việt, khẩu phẩn ăn rất khác biệt. Người thì bánh mì, người xôi chả, lại có cả cơm nắm, muối vừng. Suất ăn trên máy bay được đặt trước chỉ có salad và hoa quả. Thấy tôi ngạc nhiên, H nhanh nhảu giải thích: “Bọn em ăn nhiều đồ trên máy bay, bây giờ nhìn thấy đã sợ rồi. Chính vì vậy, chỉ đặt có salad, hoa quả thôi ăn cho nhẹ nhàng anh ạ”.

    Bữa sáng trôi qua thật nhanh, ai cũng vội vã ăn cho xong để tranh thủ chợp mắt – đây là quãng thời gian mà họ có thể nghỉ ngơi, để chuẩn bị sức khỏe chạy hàng cho khách. Với những shipper tại Matxcova, vận chuyển nhanh và đỡ vất hơn, còn những người ở tỉnh xa đó là quãng đường dài đằng đẵng, hết sức mệt nhọc.

    Trò chuyện với S., một cô gái chuyên vận chuyển hàng từ Việt Nam sang một thành phố thuộc tỉnh Chelyabinsk về Việt Nam và ngược lại mới thấy thật cám cảnh cho việc mưu sinh.

    S. kể, mỗi lần ở Việt Nam sang đến sân bay Sheremetryevo, nhận hàng xong lại phải đi gửi tiếp hàng để bay nội địa về thành phố xa. Mỗi lần như vậy phải vạ vật chờ ở sân bay thêm 8 tiếng. Song chiều ngược lại nhọc nhằn hơn nhiều, bởi mỗi ngày chỉ có một chuyến bay tới Matxcova, 8 giờ sáng hạ cánh, chờ thêm 12 tiếng đến 8 giờ tối mới bay về Việt Nam.

    Vì không có vốn để mua hàng hoá, nên S chủ yếu vận chuyển thuê, ai gửi gì cũng nhận, miễn không phải hàng phi pháp. Từ Nga về có sữa tươi, kẹo, nấm saga…; ở Việt Nam sang, người đặt mua cân rau muống, người thì chai mắm Phú Quốc, người cân vải thiều, cân mận…

    “Mọi người gửi và đặt hết được 3 kiện hàng thì còn may nếu không đặt hết, lại phải đi mua gì đó để bù vào cho hết số lượng, sang đến nơi, bán được thì tốt, không bán được thì lỗ to”, S ngán ngẩm. 

    Được bay như VIP, xuất ngoại như… đi chợ, tuy nhiên nghề mới của các shipper người Việt tại Nga mới rộ lên trong khoảng 1-2 năm gần đây cũng sắp đến cảnh lụi tàn . Theo chia sẻ của các tay shipper chuyên nghiệp, trước đây, hãng hàng không Aeroflot tương đối thoải mái với hành lý xách tay, chính vì vậy, mỗi người có thể xách theo vài chục kg (khoản này lãi nhất vì không mất cước phí). Gần đây, để siết chặt, hãng quy định mỗi người chỉ được xách tối đa 10kg, cẩn thận hơn trong mỗi chuyến bay, có cả nhân viên đứng đo kích thước túi xách, cân nặng. Để “lách luật”, một số shipper tranh thủ tài ngoại giao, nhờ hành khách khác xách hộ, nhưng thường sẽ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Số hàng đó, đành bỏ lại tại sân ga, và chấp nhận một chuyến bay lỗ ngay trước mắt.

    Quy định hãng bay khắt khe, lại thêm hiện nay các công ty xuất khẩu của Nga đã nhập cuộc nên cánh cửa của các shipper này đang dần khép lại. Hiện nay, nắm bắt nhu cầu của nhiều người Việt, đặc biệt những người học tập lao động tại Nga, và thị trường rộng lớn các công ty xuất khẩu của Nga đã liên kết với doanh nghiệp trong nước đưa hàng Nga như: váng sữa, giò Nga, đồ lưu niệm, pho-mát, rượu vodka… Hàng đi theo đường biển rất phong phú, dồi dào. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, cộng đồng người Việt ở Nga hiện nay cũng không nhiều, nằm rải rác ở các thành phố nên những chuyến hàng từ Việt Nam sang đa phần chỉ lắt nhắt, lấy công làm lãi, không làm ăn lớn được.

    Máy bay hạ cánh, tôi vẫn dõi theo đoàn người “đặc biệt” ấy. Họ già có, trẻ có nhưng phần đông vẫn là phụ nữ. Họ, những người phụ nữ nhỏ bé nhưng cần mẫn, kiên cường, nhẫn nại… Họ đã “bay” liên tục, với mục đích được thường xuyên gặp các con của mình đang được gửi cho người thân chăm sóc ở Việt Nam và để mưu sinh. Và chính họ đã góp phần công sức không nhỏ để đưa sản phẩm Việt ra nước ngoài và đưa văn hoá ẩm thực Nga đến gần với Việt Nam. Song nghề shipper qua đường hàng không này khiến họ phải nếm nhiều khổ ải, cực nhọc.

    Ngô Tiến Điệp

    (PV đặc phái từ Matxcova)

    Viethome (theo Người Đưa Tin)