• Bước vào quán gà nướng, anh Kent Murphy đặt con gái Aoife xuống để cô bé chập chững vài bước rồi sà vào lòng một người phục vụ.

    Người phụ nữ đón cô bé tóc vàng bằng hai tay, nhấc bổng lên trong khi một nam nhân viên phục vụ khác tiến đến vẫy tay làm "mặt xấu" cho Aoife cười.

    "Đó là cách con bé kết bạn với hàng trăm người Việt Nam", anh Murphy, ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, nói.

    Cảnh tượng khiến ông bố người Anh nhớ lại thời điểm 9 tháng trước đã vô cùng sốc trước việc người lạ vuốt má, ôm con gái mình - điều trái ngược với văn hóa người Anh.

    Vợ chồng Murphy là chủ một doanh nghiệp nhỏ ở London. Năm 2024, khi con gái 6 tháng tuổi họ quyết định làm việc từ xa để đưa con đi "ngao du thế giới". Điểm đến đầu tiên là Dubai (UAE). Dù môi trường sống thuận lợi, cái nóng khắc nghiệt giữa sa mạc khiến gia đình rất ít ra ngoài. Anh Murphy bàn với vợ chuyển đến Đông Nam Á để con được gần thiên nhiên, khí hậu ôn hòa.

    Ban đầu họ chọn Thái Lan, nhưng vài tuần trước chuyến đi, một video về Việt Nam thu hút sự chú ý khiến cả hai đổi hướng, quyết định đến Đà Nẵng, nơi có đủ biển, núi và được gọi là "thành phố đáng sống".

    nuoi con o vn 1
    Anh Murphy và con gái Aoife ở quán cà phê TP Đà Nẵng, tháng 4/2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Tháng 9/2024, gia đình anh đến Việt Nam, không có kế hoạch cụ thể, chỉ với mục đích khám phá. Vợ chồng họ bắt đầu trải qua những bất ngờ.

    Đầu tiên, Murphy nhận thấy giao thông ở Việt Nam "rất hỗn loạn" nhưng "có tổ chức". Xe máy ở khắp nơi, không có làn đường rõ ràng, mọi người đi theo đủ hướng. Trong hai tuần đầu, họ cố tìm ra "nguyên lý ngầm" mà bằng cách nào đó, người ta vẫn sang đường được. Một người bạn đã chỉ anh hòa vào dòng người bằng cách đi chậm rãi và tự tin rằng người Việt vẫn luôn chú ý lẫn nhau ở lòng đường.

    Ở quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, anh quan sát đời sống người dân bản địa và thích thú với sự gắn kết mạnh mẽ của cộng đồng. Hàng xóm tụ họp ăn uống, chủ cửa hàng thì nhớ tên Murphy, khiến anh có cảm giác "thực sự thuộc về nơi này".

    Điều khiến vợ chồng anh bất ngờ nhất là cách người Việt tương tác với trẻ em. Người đầu tiên là nhân viên bảo vệ ở tòa nhà mà họ sống. Mỗi lần nhìn thấy bé, ông đều cười và tiến đến đập tay. Khi họ đi ngang cửa hàng, vài người níu vợ chồng Murphy lại để "mượn" Aoife ôm và tặng cô bé ít trái cây. Người đi đường không quen biết cũng dừng lại chào hỏi, vuốt tóc và các nhân viên nhà hàng thường dẫn cô bé đi quanh bếp.

    "Ban đầu tôi có chút lo lắng và bất an", Murphy nói. Ở Anh, người lạ hiếm khi tương tác với trẻ em vì điều đó bị xem là kỳ lạ, chỉ người thân trong gia đình mới làm vậy.

    Nhưng họ không "đòi" lại con, chỉ đứng cạnh quan sát bởi Aoife không tỏ ra sợ hãi. Cô bé bật cười, tỏ ra thích thú. Murphy lên mạng, tìm hiểu nguyên nhân, nhận ra đây là một phần của văn hóa Việt Nam, mọi người tốt bụng và luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến trẻ em.

    Những điều chứng kiến ở Việt Nam khiến ông bố người Anh nhớ đến câu "Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ". "Người Việt đã thay đổi quan điểm dạy con trong tôi", Murphy nói.

    Vợ chồng anh quyết định ở lại Việt Nam lâu dài.

    Aoife sinh ra ở Trung Đông, vốn quen với thời tiết nóng ẩm nên hoàn toàn thích nghi với khí hậu Việt Nam. Nhưng trong giai đoạn ăn dặm, vợ chồng Murphy lo lắng và được khuyên cẩn thận với ngộ độc thực phẩm.

    Ở Anh, khi gọi món gà, họ chỉ dùng cánh, đùi hoặc ức, nhưng tại Việt Nam, họ nhận được cả đầu, chân và tim. Lúc đầu, vợ chồng anh đều sốc nhưng vẫn thử và sau hai tháng, nó trở thành món ăn bình thường với cả nhà.

    Họ học theo phong cách dạy con của người Việt rằng "không bao giờ làm phức tạp mọi thứ". Aoife ăn những gì bố mẹ ăn, rau củ và thịt mua ở chợ, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn. "Chúng tôi an tâm bởi chúng rất tươi và được trồng ở địa phương", anh nói. Họ mở rộng vị giác cho cô bé bằng cách ăn đa dạng, thậm chí thử sầu riêng, món ăn "rất khó nuốt" với người phương Tây.

    Khi Aoife chập chững tập đi, vợ chồng Murphy kết bạn với nhiều người Việt hơn một cách ngẫu nhiên, bất ngờ.

    Họ thường đi ngang quán cà phê nhỏ, nơi một gia đình bốn thế hệ sống cùng nhau. Lần đầu, Murphy ngồi uống nước, chủ quán mang ra ít trái cây cho Aoife thử và tặng cô bé món đồ chơi. Vài ngày sau, Murphy mang bánh quy sang, họ cùng ngồi ăn trên bàn tròn, dùng Google dịch để trò chuyện. Trong lần thứ ba, anh ngạc nhiên khi gia đình này mời nhà anh ăn bánh canh. Và cuối cùng, họ nói "Hãy xem chúng tôi như gia đình của anh".

    nuoi con o vn 1
    Anh Murphy và con gái Aoife ở Đà Nẵng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Sau nửa năm ở Đà Nẵng, người đàn ông Anh nhận ra gia đình là điều quan trọng nhất của người Việt. Trẻ con quê hương anh thường chơi điện thoại và xem TV. Nhưng ở đây, công viên đầy trẻ em chơi ngoài trời, các ông bố, bà mẹ kiên nhẫn đợi chúng.

    Murphy vẫn nhớ ở Anh, việc để con khóc nơi công cộng có thể khiến bố mẹ chúng xấu hổ và lo lắng. Trên Tik Tok, anh vẫn nhận được nhiều bình luận nói rằng họ không bao giờ muốn đi du lịch hay lên máy bay với em bé bởi điều đó gây phiền hà. "Nhưng ở Việt Nam, nếu con bạn khóc, mọi người sẽ đến giúp đỡ", Murphy kể. Họ mỉm cười, cố gắng dỗ dành đứa trẻ giúp cha mẹ chúng khiến Murphy rất ngạc nhiên.

    Những điều đó khiến vợ chồng anh tự tin đăng ký cho con học ở trường mẫu giáo địa phương, nơi cô giáo và các bạn đều nói tiếng Việt.

    Ban đầu, họ gặp khó khăn bởi giờ học ở Việt Nam bắt đầu khá sớm. Murphy nhận ra mình bắt đầu giống các ông bố Việt, dậy sớm đưa con đến trường rồi ngồi quán cà phê, cách trường vài km làm việc và canh đúng giờ đón con về.

    Aoife đã tập đi và tập nói những từ đầu tiên ở Đà Nẵng. Hai tuần trước, lúc tan trường gặp bố, cô bé bập bẹ câu "đi về".

    "Ngôn ngữ con bé pha lẫn tiếng Anh và tiếng Việt nhưng chúng tôi hài lòng với điều đó", anh nói. "Con bé hạnh phúc và tự tin hơn bởi được hàng chục người Việt xem như con của họ".

    Theo VnExpress

  • Từ tháng 4, Việt Nam chính thức nhập khẩu tôm hùm và cua nâu từ Anh. Ngành thủy sản nước này kỳ vọng thu về khoảng 25,8 triệu USD trong 5 năm tới.

    nhap khau cua nau anh
    Việt Nam chính thức cho phép nhập khẩu cua nâu Anh. Ảnh: The Fish Society.

    Ngành thủy sản Vương quốc Anh đã ghi nhận một bước tiến quan trọng khi Việt Nam chính thức cấp phép nhập khẩu thủy sản tươi sống từ nước này, bao gồm tôm hùm và cua nâu, theo Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn (DEFRA).

    Hợp tác này là kết quả của quá trình đàm phán giữa DEFRA, Bộ Kinh doanh và Thương mại (DBT) Anh cùng với cơ quan chức năng Việt Nam. Việc Việt Nam mở cửa thị trường cho thủy sản tươi sống của Anh sẽ tiếp tục góp phần tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy hợp tác thương mại hiệu quả giữa 2 nước.

    Theo DEFRA, thủy sản Anh xuất khẩu sang thị trường Việt Nam đã ghi nhận đà tăng trưởng tích cực thời gian qua. Trong 9 tháng đầu năm 2024, các mặt hàng tươi sống, đông lạnh và chế biến xuất khẩu sang Việt Nam đã tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023.

    Hiệp hội Thủy sản có vỏ Vương quốc Anh (SAGB) kỳ vọng việc tiếp cận thị trường Việt Nam sẽ giúp ngành thủy sản nước này thu về 20 triệu bảng Anh (tương đương khoảng 25,8 triệu USD) trong 5 năm tới.

    Còn thị trường Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá giàu tiềm năng, với mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, khoảng 37 kg/năm.

    Theo số liệu của Cục Hải quan, năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 34,5 triệu USD thủy sản tươi, đông lạnh và đã qua chế biến từ Anh, tăng 11% so với năm 2023. 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu tăng hơn 15% so với cùng kỳ, đạt gần 5,4 triệu USD.

    Ở chiều ngược lại, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Anh đạt hơn 311,4 triệu USD, tăng 8% so với năm 2023. Trong 2 tháng đầu năm nay, nước này đã chi 41,5 triệu USD để nhập khẩu thủy sản Việt Nam, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Ông Daniel Zeichner - Quốc vụ khanh DEFRA đánh giá việc Việt Nam mở cửa thị trường nhập khẩu là một thắng lợi to lớn cho ngành thủy sản ước này.

    “Bằng việc đảm bảo quyền tiếp cận thị trường hải sản tươi sống đầy tiềm năng của Việt Nam, chúng tôi đang mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp Anh, đồng thời hỗ trợ việc làm trên khắp Vương quốc Anh như một phần trong Kế hoạch Thay Đổi (Plan For Change) của chúng tôi”, ông Daniel Zeichner nhấn mạnh.

    Theo ông David Jarrad - Tổng giám đốc điều hành SAGB, việc mở thêm một thị trường mới cho ngành thủy sản của nước này là một tin tốt, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với các loại động vật có vỏ tươi sống chất lượng cao từ Vương quốc Anh trên thị trường toàn cầu.

    Theo ZNews

  • Từng đi nhiều nơi trên thế giới, cặp vợ chồng trẻ người Anh quyết định sống ở Hà Nội suốt 2 năm qua vì thích văn hóa ở đây và chi phí sinh hoạt rất rẻ.

    Celine Diffin (29 tuổi) và chồng là Matthew (34 tuổi) đến từ Armagh, quận Armagh, Bắc Ireland, Vương quốc Anh. Họ đã đi nhiều nơi trên thế giới và quyết định chuyển đến sống ở Hà Nội cách đây 2 năm vì yêu thích văn hóa thân thiện và lối sống tiết kiệm ở Việt Nam. Họ có một con gái 6 tháng tuổi tên là Eábha.

    Celine tiết lộ về chi phí của họ khi sống ở Hà Nội: Tiền thuê nhà khoảng 432 bảng Anh (hơn 14 triệu đồng) một tháng, tiền mua sắm hàng tuần là 40 bảng Anh (khoảng 1,3 triệu đồng); một lần đổ xăng hoặc một chiếc bánh sandwich chỉ khoảng 1 bảng Anh (hơn 30 nghìn đồng).

    gia dinh anh song o vn 1
    Celine và Matthew đi du lịch cùng con gái nhỏ. (Ảnh: Celineabroad95/Tiktok)

    Celine hiện là giáo viên mẫu giáo ở Hà Nội. Hai vợ chồng khẳng định số tiền họ kiếm được ở Việt Nam có thể chi tiêu thoải mái vì một bữa ăn ngoài chỉ tốn 2 bảng Anh (khoảng 65 nghìn đồng), một cốc bia chỉ tốn 40 xu (khoảng 13 nghìn đồng); rượu mạnh cùng đồ uống pha chế có giá 2 bảng Anh.

    Khi còn sống ở Bắc Ireland, Celine phải trả 650 bảng Anh (khoảng 21 triệu đồng) để có một chỗ ở dành cho sinh viên. Con số này cao gấp rưỡi giá tiền thuê căn hộ hai phòng ngủ của gia đình họ tại Hà Nội hiện nay.

    Chia sẻ với The Sun, cô giải thích: "Ở Việt Nam có rất nhiều loại trái cây và rau tươi rẻ hơn nhiều so với ở đất nước tôi. Thỉnh thoảng tôi và Matthew đi ăn tối ở nhà hàng Việt Nam và số tiền chúng tôi chi là 2 bảng Anh (khoảng 65 nghìn đồng). Tôi thấy mọi người thường ra ngoài ăn tối vì giá rất rẻ".

    gia dinh anh song o vn 1
    Vợ chồng Celine thường xuyên đi ăn tối ở ngoài vì rất rẻ. (Ảnh: Celineabroad95/Tiktok)

    Năm 2024, Việt Nam được vinh danh là quốc gia có chi phí sinh hoạt rẻ nhất cho người nước ngoài trong 3 năm liên tiếp, theo InterNations, một công ty tư vấn du học có trụ sở tại Thụy Sỹ. Nhìn chung, 65% người nước ngoài cho biết họ hài lòng với tình hình tài chính của mình tại Việt Nam, không chỉ vì chi phí sinh hoạt thấp. Khoảng 20% số người nước ngoài tại Việt Nam cho biết họ kiếm được 150 nghìn USD (khoảng 3,8 tỷ) mỗi năm tại đất nước này.

    Celine tiết lộ rằng lối sống Việt Nam cũng thoải mái hơn nhiều so với châu Âu vì các doanh nghiệp đóng cửa hàng để nhân viên ngủ trưa. Người mẹ trẻ cho biết cô rất vui vì đã ở lại Hà Nội để sinh con.

    Điều cô không hài lòng nhất khi sống ở Việt Nam là tình trạng ô nhiễm không khí. Hà Nội đông dân, mức độ ô nhiễm cao làm tăng nguy cơ hen suyễn và nhiều bệnh lý khác.

    Theo IQAir, công ty công nghệ chất lượng không khí của Thụy Sỹ, Hà Nội đang bị ô nhiễm bụi mịn kích thước PM2.5 (những hạt hoặc giọt nhỏ có đường kính dưới 2,5 micromet, vô hình với mắt thường và mọi người hít vào mà không hề hay biết). Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các hạt bụi mịn này đủ nhỏ để xâm nhập vào máu qua phổi.

    gia dinh anh song o vn 1
    Celine hưởng thụ cuộc sống tại Việt Nam. (Ảnh: Celineabroad95/Tiktok)

    Người mẹ Anh lo ngại về chất lượng không khí trong khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 3 vì thời tiết lạnh cóng và mọi người phải đốt lửa để giữ ấm, làm tăng thêm ô nhiễm. Cô liên tục đeo khẩu trang khi ra ngoài để bảo vệ phổi.

    Ngoài vấn đề không khí, Celine cho biết khi sống ở Hà Nội, cô phải mất một thời gian để đối phó với rào cản ngôn ngữ, và Google Dịch đã trở thành người bạn tốt nhất của cô.

    Cặp đôi người Anh bắt đầu học tiếng Việt nhưng họ thừa nhận rằng ngôn ngữ này rất khó học.

    VTC News (Nguồn: Daily Mail)

  • Uống "đen đá" trong chuyến du lịch TP HCM, khách Anh Ben Maguire nói đây là lần đầu thử loại cà phê có thể "đánh thức cả quá khứ, hiện tại và tương lai cùng lúc".

    Ben Maguire cho biết anh có chuyến du lịch một mình đến TP HCM từ hôm 21/2. Trong một tuần trải nghiệm thành phố, Ben bị cà phê "hạ gục" cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Nam du khách Anh không nhớ nổi đã uống bao nhiêu ly cà phê và ví von rằng lượng caffeine anh nạp vào trong chuyến đi này "có lẽ đủ để cung cấp điện cho một thành phố nhỏ".

    khach tay cafe 1
    Ben Maguire check in trước chung cư cà phê 42 Nguyễn Huệ. Ảnh: Ben Maguire

    Ben từng nghe nhiều nhận xét từ bạn bè cà phê Việt đậm và mạnh, nên đã thử một ly "đen đá" để kiểm chứng ngay ngày đầu đến thành phố. Nam du khách sau đó chia sẻ trải nghiệm cảm giác say cà phê lên mạng xã hội và nhận được gần 400.000 lượt xem, gần 15.000 lượt tương tác.

    Trong bài đăng, Ben miêu tả ngụm cà phê đầu tiên ngon tuyệt. Uống đến ngụm thứ hai có cảm giác hồn lìa khỏi xác. Hết ngụm thứ ba, anh như thấy được quá khứ, hiện tại và tương lai. Ben suy nghĩ đến chuyện khởi nghiệp, tranh cử tổng thống và học tiếng Việt trong 10 phút. Anh thậm chí trải qua cảm giác "tìm cách thở" trong lúc quan sát những người dân địa phương xung quanh nhâm nhi cà phê bình thản.

    Dưới bài chia sẻ của Ben, nhiều du khách nước ngoài đồng tình cà phê Việt có vị đậm và mạnh, khiến họ xây xẩm trong lần đầu uống thử và bật cười mỗi lần nhớ lại.

    khach tay cafe 1
    Ly cà phê đen du khách Anh uống thử. Ảnh: Ben Maguire

    khach tay cafe 1
    Cà phê sữa đá trong bộ sưu tập các loại cà phê Ben thử ở TP HCM. Ảnh: Ben Maguire

    Ingrid Baghag, du khách Pháp, ví độ mạnh của cà phê Việt ngang ngửa năng lượng hạt nhân. Dickie Suzuki, đến từ Hong Kong, uống một lúc hai ly sữa đá trong lần đầu thử cà phê Việt và phải vội về khách sạn vì người "run bần bật". Dickie đi qua đi lại trong phòng suốt ba tiếng đồng hồ mới hết cảm giác bồn chồn.

    David Poppinga, du khách Mỹ, cũng từng uống hai ly cà phê trứng ở Hà Nội cùng lúc vì thấy ngon và mất nguyên một ngày mới hết choáng váng.

    Ben Maguire cho hay anh thường xuyên uống cà phê nhưng không ngờ lại bị cà phê Việt hạ gục bởi độ mạnh và hương vị đậm đà.

    "Cà phê Việt Nam không phải dạng vừa, đậm đà, mạnh mẽ và chắc chắn khiến nhiều người mới thử bị sốc", Ben nói và cho rằng uống cà phê Việt còn là một trải nghiệm thú vị.

    Theo nam du khách Anh, cách pha bằng phin khiến mỗi ly cà phê trở thành một nghi thức hơn là đồ uống đơn thuần. So với cà phê các nước khác, cà phê Việt nổi bật nhờ giá trị hương vị từ hạt Robusta.

    Trong một tuần ở Sài Gòn, Ben đã thử cà phê đen, sữa đá ở những quán vỉa hè, cà phê trứng trong những quán núp hẻm và cà phê muối "vị lạ". Ấn tượng từ ngụm cà phê đầu tiên khiến anh không thể quên.

    "Cà phê thêm ngon hơn nhiều khi ngồi nhâm nhi trên một chiếc ghế nhựa bé tí bên đường, ngắm nhìn thành phố chuyển động", Ben nói.

    Không riêng Ben, nhiều du khách nước ngoài xây xẩm trong lần đầu uống cà phê Việt, nhưng lại mê mẩn thức uống này. Du khách Mỹ Hilary Hilton thương nhớ vị đậm đà của cà phê sữa đá sau chuyến du lịch Việt Nam năm ngoái và nói đùa rằng đồ uống này không dành cho những người yếu tim.

    Tháng 2/2023, chuyên trang ẩm thực Taste Atlas xếp hạng cà phê sữa đá Việt Nam ở vị trí thứ 2 trong top 10 loại cà phê ngon nhất thế giới, với số điểm trung bình 4,6/5, chỉ sau cà phê Ristretto của Italy. Tháng 2, Taste Atlas cũng xếp hạng cà phê sữa đá, cà phê đen, cà phê trứng và sữa chua cà phê của Việt Nam trong danh sách 63 loại cà phê ngon nhất thế giới.

    Anh Cường Phạm, chủ một quán cà phê tại phố cổ Hà Nội, cho hay từng gặp trường hợp du khách nước ngoài bị say khi uống cà phê trứng pha bằng hạt robusta. Cà phê Việt Nam nổi tiếng đậm đà và mạnh, nguyên nhân chủ yếu từ loại hạt sử dụng. Ở Việt Nam, chủ yếu trồng hạt Robusta, loại có hàm lượng caffeine cao gần gấp đôi hàm lượng caffeine của Arabica.

    Đặc trưng của cà phê Việt là thường được pha chung với sữa đặc hoặc trứng đánh bông. Loại hạt phù hợp nhất để kết hợp là Robusta, có vị đắng mạnh, hậu vị kéo dài, giúp cân bằng với độ béo ngậy của sữa đặc và trứng. Arabica có vị chua nhẹ, khi pha với sữa đặc hoặc trứng, vị chua sẽ không hòa hợp mà còn làm mất đi sự mượt mà của đồ uống.

    Anh Cường chia sẻ thêm cây cà phê tự nhiên chứa caffeine như một cơ chế chống sâu bệnh. Những cây trồng ở vùng thấp, dễ bị sâu bệnh như Robusta sẽ sản sinh nhiều caffeine hơn để tự bảo vệ. Giống Arabica thường được trồng ở vùng cao, ít sâu bệnh hơn nên có hàm lượng caffeine thấp hơn.

    "Phần lớn khách nước ngoài quen uống cà phê từ hạt Arabica trồng tại các đồn điền ở châu Phi như Ethiopia, Kenya, sang Việt Nam dễ bị sốc với độ mạnh của cà phê pha từ hạt Robusta", anh Cường nói.

    Để tránh khách bị say, anh Cường thường trộn hai loại hạt, tư vấn trước khi pha và điều chỉnh độ đậm theo yêu cầu của khách.

    Theo VnExpress

  • Nhân viên pha chế của một nhà hàng tại thành phố Hội An sử dụng cồn y tế 70 độ pha với nước lọc, vỏ chanh và đường để tạo thành rượu rồi giao cho 2 du khách. Sau khi uống, cả 2 bị trúng độc, tử vong.

    Ngày 7/2/2025, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Lê Tấn Gia (SN 1979, trú tại phường Cẩm Nam, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) để điều tra về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

    Trước đó, ngày 26/12/2024, cơ quan công an nhận được tin báo về việc 2 người nước ngoài tử vong bất thường tại một biệt thự trên địa bàn thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam).

    con y te
    Bị can Lê Tấn Gia bị bắt tạm giam (Ảnh: Công an tỉnh Quảng Nam).

    Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ để điều tra nguyên nhân vụ việc. Kết quả điều tra xác định, 2 nạn nhân tử vong do trúng độc methanol từ một loại rượu mà họ đã sử dụng trước đó.

    Qua điều tra, công an xác định, lúc 15h30 ngày 24/12/2024, Lê Tấn Gia - nhân viên pha chế của một nhà hàng tại thành phố Hội An - đã sử dụng cồn y tế 70 độ (loại chỉ dùng để sát khuẩn, không được uống hay sử dụng trong chế biến thực phẩm) pha với nước lọc, vỏ chanh và đường cát trắng để tạo thành 2 chai rượu, sau đó giao cho hai du khách.

    Sau khi uống, cả 2 nạn nhân bị trúng độc methanol nghiêm trọng, dẫn đến tử vong.

    hoi an anh 1
    Cô Greta Marie Otteson và hôn phu Els Arno Quinton (Ảnh: ViralPress)

    Như Dân trí đã đưa tin, vào chiều 26/12/2024, tại khu biệt thự du lịch H.C. (thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An), nhân viên biệt thự du lịch phát hiện cô Otteson Greta Marie (SN 1991, quốc tịch Anh) ở phòng 101, tử vong trên giường. Tại phòng 201, công an cũng phát hiện anh Els Arno Quinton (SN 1988, quốc tịch Nam Phi) tử vong trong tư thế nằm ngửa trên giường.

    Greta Marie Otteson đang tận hưởng kì nghỉ ở Việt Nam với hôn phu Els Arno Quinton. Cả hai chỉ vừa mới đính hôn trước khi được tìm thấy thiệt mạng vào ngày Boxing Day năm 2024.

    Nhân viên resort khi tới dọn phòng đã tìm thấy họ tử vong tại 2 căn phòng khác nhau. Greta nằm trên giường trong phòng 101. Cảnh sát đã phá cửa phòng khóa trái của Arno và tìm thấy anh cũng đã tắt thở. 

    Người phát ngôn Cảnh sát tỉnh Quảng Nam cho biết: "Không hề có dấu hiệu xáo trộn tại hiện trường. Đồ đạc và điện thoại của 2 nạn nhân vẫn còn nguyên. Cũng không có dấu hiệu xô xát hay chấn thương trên cơ thể nạn nhân". Sau đó cảnh sát đã mang những chai rượu rỗng trong phòng về để phân tích. 

    Báo chí địa phương cho biết cặp đôi đã ở cùng nhau trong căn biệt thự từ ngày 4 tháng 7. Họ đính hôn vào tháng 12. Greta là một người đam mê du lịch, trước đây cô từng sống ở Dubai và đã đi qua nhiều nước Đông Nam Á trước khi ổn định nhiều tháng ở VN. 

    hoi an anh 1
    Arno chụp ảnh ở Phú Quốc. Ảnh: ViralPress

    Cô là một chiến lược gia kỹ thuật số điều hành một mạng xã hội. Ngoài ra cô còn điều hành một công ty marketing có tên gọi là Not Sorry Socials. Còn Arno là một chuyên gia pha chế cafe, một nhạc sĩ và streamer. 

    Chỉ vài ngày trước khi chết, họ đã đăng tải một video trên YouTube công bố thông tin đính hôn. Đoạn video cho thấy cặp đôi đang đi dạo ở Hội An, Greata mặc áo đầm trắng và cả hai nắm tay nhau. Cả hai gặp nhau lần đầu tiên tại Trung Đông trước khi di chuyển tới Việt Nam. 

    Trước khi chết chỉ vài tiếng, Arno còn gửi voice message cho một người bạn thân, nói rằng anh cực kì hạnh phúc.

    Theo Dân Trí

  • Greta Marie Otteson, 33 tuổi, đang tận hưởng kì nghỉ ở Việt Nam với hôn phu Els Arno Quinton. Cả hai chỉ vừa mới đính hôn trước khi được tìm thấy thiệt mạng vào ngày Boxing Day năm 2024.

    hoi an anh 1
    Greta Marie Otteson và hôn phu Els Arno Quinton (Ảnh: ViralPress)

    Một phụ nữ Anh và hôn phu người Nam Phi được phát hiện tử vong trong một biệt thự nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Hiện cảnh sát vẫn đang điều tra vụ việc. 

    Bi kịch xảy ra vào kì nghỉ Giáng sinh năm 2024. Vào ngày 26/12, Greta Marie Otteson 33 tuổi, đến từ Wales, được tìm thấy tử vong cùng với anh Els Arno Quinton 36 tuổi. Họ được cho là đã uống rượu tại căn biệt thự Hoi An Silverbell villa ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. 

    Vào ngày 26/12, nhân viên resort khi tới dọn phòng đã tìm thấy họ tử vong tại 2 căn phòng khác nhau. Greta nằm trên giường trong phòng 101. Cảnh sát đã phá cửa phòng khóa trái của Arno và tìm thấy anh cũng đã tắt thở. 

    Người phát ngôn Cảnh sát tỉnh Quảng Nam cho biết: "Không hề có dấu hiệu xáo trộn tại hiện trường. Đồ đạc và điện thoại của 2 nạn nhân vẫn còn nguyên. Cũng không có dấu hiệu xô xát hay chấn thương trên cơ thể nạn nhân". Sau đó cảnh sát đã mang những chai rượu rỗng trong phòng về để phân tích. 

    hoi an anh 1
    Arno chụp ảnh ở Phú Quốc. Ảnh: ViralPress

    Báo chí địa phương cho biết cặp đôi đã ở cùng nhau trong căn biệt thự từ ngày 4 tháng 7. Họ đính hôn vào tháng 12. Greta là một người đam mê du lịch, trước đây cô từng sống ở Dubai và đã đi qua nhiều nước Đông Nam Á trước khi ổn định nhiều tháng ở VN. 

    Cô là một chiến lược gia kỹ thuật số điều hành một mạng xã hội. Ngoài ra cô còn điều hành một công ty marketing có tên gọi là Not Sorry Socials. Còn Arno là một chuyên gia pha chế cafe, một nhạc sĩ và streamer. 

    Chỉ vài ngày trước khi chết, họ đã đăng tải một video trên YouTube công bố thông tin đính hôn. Đoạn video cho thấy cặp đôi đang đi dạo ở Hội An, Greata mặc áo đầm trắng và cả hai nắm tay nhau. Cả hai gặp nhau lần đầu tiên tại Trung Đông trước khi di chuyển tới Việt Nam. 

    Trước khi chết chỉ vài tiếng, Arno còn gửi voice message cho một người bạn thân, nói rằng anh cực kì hạnh phúc.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Anh cho biết: "Chúng tôi đang hỗ trợ gia đình một phụ nữ Anh đã thiệt mạng tại Việt Nam. Hiện chúng tôi đang làm việc với chính quyền nước sở tại".

    Viethome (theo Mirror)

  • Một người đàn ông quốc tịch nước Anh được phát hiện tử vong vào trưa 21-5 tại khách sạn ở phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP.HCM.

    Đến chiều 21-5, Công an phường Thảo Điền vẫn đang phối hợp cùng Công an TP Thủ Đức, TP.HCM điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc người đàn ông quốc tịch nước ngoài tử vong tại một khách sạn trên địa bàn.

    nguoi anh o thao dien
    Người đàn ông nước ngoài được phát hiện tử vong trong khách sạn tại địa bàn phường Thảo Điền. Ảnh: TS

    Theo thông tin ban đầu, vào đầu giờ chiều cùng ngày, một nữ quản lý khách sạn có địa chỉ tại đường Trần Ngọc Diện, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức không thấy khách xuống trả phòng nên đi kiểm tra.

    Qua nhiều lần gọi cửa nhưng không thấy ai trả lời, quản lý mở khóa vào kiểm tra thì phát hiện người đàn ông có quốc tịch nước ngoài (65 tuổi) nằm tử vong trên giường.

    Thời điểm nữ quản lý phát hiện, người đàn ông tử vong trong tình trạng cơ thể không mặc quần áo. Vụ việc sau đó được trình báo công an.

    Công an phường Thảo Điền ngay lập tức đã phối hợp cùng Công an TP Thủ Đức khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ việc.

    Bước đầu, danh tính người tử vong được xác định là Ông ALAN BOYD HUMPHREY, 65 tuổi, quốc tịch Anh.

    Theo Plo