• Hơn 10,000 người London đã rời bỏ thủ đô để đến sống lâu dài ở Manchester. 

    don den manchester 1
    Manchester đang trở thành London thứ 2. 

    Khi Rue và gia đình quyết định từ London dọn đến Manchester vào mùa thu năm 2020, đó là thời điểm phong tỏa và họ đang bị nhốt trong một căn hộ ngột ngạt gần sông Thames. Sau khi cân nhắc chuyện rời đi, họ hướng tầm nhìn đến Manchester - nơi được mệnh danh là London phương Bắc. 

    "Giá cả là một phần lý do khiến chúng tôi rời đi", Rue thừa nhận, "Nhưng trước khi chuyển đi chúng tôi đã xuống Manchester 1 lần và nhìn thấy những tòa chung cư này, nên chúng tôi thăm dò xem sao. Chúng tôi được dẫn đi xem 1 căn hộ ngay trong ngày, giá rẻ hơn nhiều so với London với các tiện ích tuyệt vời, chẳng hạn sân thượng và phòng gym".

    Đường chân trời ở Manchester đang bùng nổ hơn bao giờ hết, cùng với âm nhạc và ẩm thực, những thắng cảnh đẹp như Peak và Lake District cũng không xa lắm. Đó là một vài lý do khiến London mất đi những cư dân đáng quý của nó.

    Hơn 350,000 đã rời bỏ London. Trong đó 10,000 đã chuyển đến sống hẳn tại Manchester trong 3 năm qua. Họ muốn giá rẻ hơn, đi lại thuận tiện và sống vui vẻ hơn. 

    don den manchester 1
    Rue chọn Manchester làm nơi ổn định cuộc sống.

    Rue chia sẻ trải nghiệm của mình với tư cách là 1 phụ nữ da đen. "Nơi tôi sống không có nhiều người da đen, nhưng khi gặp nhau chúng tôi cố gắng kết nối với nhau. Khi bạn sống trong một cộng đồng chỉ có ít thành viên, bạn sẽ cố gắng hòa đồng hơn với họ. Nhưng điều này không xảy ra ở London vì có rất nhiều người da đen ở London", cô nói.

    "Đối với những người ngoài 20 tuổi, nếu thích đến sống tại Manchester thì bạn cứ mạnh dạn đi. Cân nhắc nguồn tài chính của bạn, cân nhắc người đồng hành với bạn rồi lên đường", cô nói.

    Cũng giống như Rue, anh Simon 37 tuổi, dọn đến Manchester trong thời điểm đại dịch năm 2021. Ban đầu anh và bạn gái sống ở Deansgate Square, sau đó họ tìm được căn penthouse mơ ước ở Castlefield.

    "Chúng tôi chuyển đi vì muốn sự phiêu lưu. Ở London chúng tôi có nhà. Khi rời đi chúng tôi cho thuê căn nhà đó. Ban đầu chúng tôi chỉ định đi trong 1 năm, nhưng khi dạo quanh khu phức hợp cao cấp Deansgate Square, chúng tôi nhìn lên tòa nhà mình đang thuê và ước gì chúng tôi có một căn nhà ở đó. Ở London bạn không bao giờ dám mơ đến một căn penthouse, vì thế chúng tôi quyết định sẽ mua nhà ở Manchester", anh nói.

    don den manchester 1
    Simon và bạn gái cảm thấy hạnh phúc khi sống ở Manchester. Ảnh: Kenny Brown | Manchester Evening News

    Họ đủ tiền để mua một căn penthouse 3 phòng ngủ với giá £690,000 và dọn đến ở vào tháng 12/2021. Căn hộ của họ nằm ở trung tâm thành phố, đối diện Deansgate Square và Beetham Tower. 

    Chỉ khi ở Manchester, Simon mới có thể phát triển công ty thiết kế nội thất của mình. "Tôi có rất nhiều dự án ở trung tâm thành phố. Mọi thứ đều rất tốt. Nếu ở London, tôi chắc chắn sẽ không thành công như vậy. London quá bão hòa, có quá nhiều người. Ở Manchester, tôi thấy nơi này nhỏ hơn và mọi người đều được chào đón. Ai cũng tốt với tôi và chúng tôi làm việc cùng nhau. Tôi không cảm thấy đông đúc chật chội như ở London", anh nói.

    Việc đi lại cũng rất khác nhau giữa Manchester và London. "Ở thủ đô đi lại rất mất thời gian. Uber thì rất đắt. Cuộc sống ở đây hiệu quả và năng suất cao hơn vì bạn không mất nhiều thời gian di chuyển. Do đó bạn sẽ có một ngày dành cho công việc thay vì 1 ngày lăn lộn ngoài đường", anh nói.

    "Điều tôi ngại nhất chính là mưa ở Manchester. Tôi không thích mưa và cảm giác lạnh lẽo, nhưng ở London cũng không khá khẩm hơn", anh chia sẻ.

    don den manchester 1
    Căn penthouse của Simon có 3 phòng ngủ. Ảnh: Kenny Brown | Manchester Evening News

    Nhưng rõ ràng khi người ta bắt đầu đổ đến Manchester, giá cả ở nơi này chắc chắn sẽ tăng lên. Simon đã bắt đầu nhìn thấy điều đó. "Từ khi tôi dọn đến đây, giá nhà ở Deansgate Square đã tăng gần gấp đôi. Khi tòa nhà St. Michael's khánh thành, nó sẽ đẩy giá nhà ở Manchester lên cao hơn nữa. Điều này giúp thu hút những người có tiền đến với thành phố". 

    Viethome (theo manchestereveningnews)

  • Giá cả ở thành phố này vô lý đến mức như thể có những thỏi nam châm ở cửa của mỗi cửa hàng sẵn sàng hút tất cả đống tiền lẻ từ túi của bạn và xóa sạch tài khoản trong thẻ ghi nợ của bạn.

    London được thừa nhận rộng rãi là thành phố đắt dỏ nhất Vương quốc Anh. Thỉnh thoảng, một bảng xếp hạng về chi phí, thường được thực hiện bởi Oxford sẽ xuất hiện và London lại là cái tên ngự trị top 1. Nhưng các bảng xếp hạng này thường đo lường giá cả tương đối so với thu nhập, chứ không chỉ là số liệu thô.

    Dù London gần như chắc chắn là thành phố đắt nhất của Vương quốc Anh, nhưng lý do tại sao lại không rõ ràng ngay lập tức. Xét cho cùng, giá cả được quyết định dựa trên quy luật cung – cầu, và London thì không hề thiếu các quán rượu hay quán cà phê. Vậy tại sao tất cả họ đều không cố gắng cạnh tranh với nhau bằng cách dìm giá xuống?

    Có vẻ ngoài nguyên lý cung – cầu, còn có những yếu tố khác giúp áp đặt giá ở thành phố này.

    life in london

    Yếu tố thứ nhất là chi phí mà những khách hàng sẵn sàng và có thể trả. Ví dụ, bạn từ chối trả 5 bảng cho một cốc bia sẽ không khiến các quán rượu giảm giá, miễn là có nhiều khách hàng khác sẵn sàng trả mức giá này.

    Thêm vào đó, mức mà các cửa hiệu khác đang tính phí. Một quán rượu bán một cốc bia với giá 5 bảng khó có thể tồn tại ở một thành phố nơi những người khác đang tính phí 3 bảng. Tuy nhiên, ở London, các quán rượu bán với giá cắt cổ có thể yên tâm vì hiệu ứng bầy đàn (ai cũng bán đắt như mình cả).

    Một yếu tố khác góp phần vào việc định giá một sản phẩm hoặc dịch vụ là chi phí thực sự để cung cấp nó – và ở London, những chi phí này có xu hướng cao hơn những thành phố khác.

    Chi phí của các nguyên liệu thô để làm cocktail hoặc bánh sandwich có thể khá giống nhau ở Islington (London) hay Ilkley (West Yorkshire). Nhưng tiền lương chủ doanh nghiệp cần phải trả để thuyết phục ai đó phục vụ cho bạn gần như chắc chắn sẽ cao hơn ở Islington. Một phần vì mặt bằng lương ở London cao hơn, buộc các quán rượu và quán cà phê phải trả nhiều hơn để tuyển dụng nhân viên, và cũng bởi vì chi phí sinh hoạt ở thủ đô cao hơn.

    Và chi phí lớn nhất mà tất cả các doanh nghiệp lớn và nhỏ phải đối mặt ở London chính là giá thuê mặt bằng. Giá thuê cửa hàng và giá thuê nhà ở London cao vì cùng một lý do: nhu cầu lớn nhưng nguồn cung thì hạn hẹp. Có nhiều cách giải thích cho điều đó: giá đất cao, những hạn chế trong quy hoạch, những sai sót trong mô hình kinh doanh của các nhà buôn bán bất động sản, nguồn vốn đổ vào nhiều đổ thổi phồng bong bóng bất động sản kể từ sau vụ khủng hoảng tài chính…

    Hệ quả của tất cả những yếu tố này là các cửa hàng phải tính phí khách hàng cao hơn, chỉ để tạo ra doanh thu cần thiết để trang trải tiền thuê mặt bằng. Nếu không làm như vậy, họ sẽ phá sản.

    Theo Thời Đại

  • Bãi biển nằm ẩn mình ở West London, là nơi lý tưởng để tắm nắng vào mùa hè.

    Ruislip Lido 1
    Di chuyển hết đường Central Line nghe có vẻ "khó nuốt", nhưng bãi biển này rất đáng để ngắm nhìn. Ảnh: pawopa3336/Getty

    Những người London sẵn sàng ngồi đến hết các tuyến đường đôi khi sẽ được tưởng thưởng cho nỗ lực của họ. Nếu chỉ đi loanh quanh giữa Zone 1 và Zone 3 bạn sẽ dễ dàng quên mất London rộng đến nhường nào, hệ thống tàu điện ngầm kéo dài ra sao. 

    Thực tế tàu điện ngầm London vươn đến cả những ngóc khách ít ai đặt chân tới ở London. Từ Harry Potter Studio Tour ở hướng đông cuối đường Metropolitan tại Watford, đến Công viên Stanmore Country Park xin đẹp cuối đường Jubilee Line ở phía bắc, và khu rừng hoang dại Thames Chase ở cuối đường District Line về phía đông. 

    Đối với đường Central Line, nằm cuối đường ở phía đông là rừng Epping Forest với rất nhiều hươu nai. Còn ở hướng ngược lại về cực tây là bãi biển Ruislip Lido.

    Ruislip Lido 1
    Ruislip Lido nằm ở rìa khu rừng Ruislip Woods tại Hillingdon, là một điểm tham quan thú vị ở ngoại thành London. Ảnh: Yasin Ikram/Getty

    Ý tưởng ngồi hơn 1 tiếng trên tàu Central Line để đến đây có thể khiến bạn hơi oải, nhưng khi đáp xuống ga West Ruislip, bạn chỉ cần đi thêm 1 chuyến xe buýt ngắn (hoặc đi bộ nửa tiếng nếu thời tiết đẹp) là đến bãi biển xinh đẹp duy nhất ở London. Bãi biển này rất nhiều người còn chưa từng nghe tên. 

    Ruislip Lido nép mình ven khu rừng Ruislip Woods, giáp với Công viên Colne Valley Regional Park. Đây là bãi biển đầy cát với những du khách mặc bikini, một tuyến xe lửa mini hoạt động ở bên ngoài, một hồ nước rộng 60 héc-ta cho bạn cảm giác như đang ở Địa Trung Hải chứ không phải Hillington. 

    Bãi biển này không bao giờ đóng cửa, do đó bạn có thể đến bất cứ thời điểm nào trong ngày đều được. Vào cao điểm mùa hè hay những cuối tuần bank holiday, ở đây cũng khá đông đúc. Nhưng nếu đến đây vào lúc thấp điểm, bạn sẽ yêu thích hòn ngọc bí ẩn này. 

    Thời gian mở của của quán cafe Woodlands Centre và tuyến đường xe lửa thay đổi theo từng tháng, do đó bạn nên kiểm tra trước khi đến. Giờ mở cửa bãi đỗ xe cũng thay đổi theo từng mùa. Vào mùa hè từ tháng 4 - tháng 8, bãi đỗ xe hoạt động từ 8h sáng đến 9h tối.

    Kiểm tra giờ hoạt động bãi đỗ xe tại đây: https://www.ruisliplido.co.uk/ruislip-lido-car-park-opening-hours

    Kiểm tra giờ hoạt động của tuyến xe lửa tại đây: https://www.ruisliplido.co.uk/

    Kiểm tra giờ hoạt động của quán cafe: http://ruisliplidocafe.co.uk/?ourcafeifr.htm

    Lưu ý: Về nguyên tắc, bạn không được phép bơi ở Ruislip Lido vì nước biển ở đây được cho là không sạch, có thể gây ngứa và các bệnh ngoài da. Hơn nữa nước ở đây rất lạnh, có thể gây sốc. Mực nước cũng khá sâu và thay đổi khó đoán.

    Viethome (theo MyLondon)

  • Với giá hơn 6 triệu USD/căn và con số kỷ lục 15 căn được bán cho người giàu chỉ trong tháng 1, nhu cầu sở hữu bất động sản xa xỉ ở quận Mayfair, London có vẻ sẽ tiếp tục tăng.

    mayfair london 1
    Mayfair là nơi trú ẩn an toàn về kinh tế cho người giàu - Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

    Bà Camilla Dell, quản lý của Công ty tư vấn và dịch vụ mua bất động sản Black Brick Property Solutions, tiết lộ: “Mayfair là nơi trú ẩn an toàn cho những người giàu có đang tìm cách đổ tiền vào bất động sản ở London. 

    Hiện nay có sự thiếu hụt trầm trọng về nguồn cung và khách hàng hỏi chúng tôi liên tục”.

    Quận Mayfair là nơi sinh sống của một số người thuê nhà giàu có nhất ở London. Tại đây có cả các nhà bán lẻ hàng xa xỉ, phòng trưng bày nghệ thuật và quỹ đầu tư.

    Với giá 6 - 18 triệu USD/căn, bà Dell cho biết cứ 6 khách hàng của bà có 1 người tìm mua nhà ở Mayfair. 

    mayfair london 1
    Mayfair có nhiều bất động sản sang trọng, là một khoản đầu tư an toàn cho người giàu - Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

    Bà Dell cho biết thêm, những người mua tiềm năng bao gồm những người Mỹ giàu có đang tìm mua nhà nghỉ dưỡng trong khu vực này, thay vì thường xuyên đặt phòng khách sạn với giá hàng nghìn bảng Anh một đêm.

    “Nhiều khách hàng của chúng tôi đến đây vào thời gian cao điểm - mùa hè và Giáng sinh - và dành tới 90 ngày để thăm London. 

    Do đó, với những người giàu có, việc mua một căn nhà ở Mayfair sẽ giúp họ tiết kiệm tiền thuê nhà rất lớn. Quan trọng hơn, còn sở hữu một tài sản sẽ tăng giá trị theo thời gian”.

    Mặt khác, sự suy yếu của đồng bảng Anh so với đồng USD đang thu hút nhiều người mua quốc tế đến với các bất động sản xa xỉ của thành phố London.

    mayfair london 1
    Mặt tiền nhà 47 Park Street, quận Mayfair, thủ đô London - Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

    Bà Jo Eccles, giám đốc điều hành đại lý mua bán bất động sản Eccord, cho biết nhu cầu sở hữu những nhà cao cấp nhất ở London vẫn tiếp tục kéo dài đến hết năm 2023. 

    Một khách hàng của Eccord - một công ty gia đình ở Anh - đã bán ngôi nhà ở Mayfair trong danh mục cho thuê của họ với giá khoảng 73,6 triệu USD vào tháng 12-2022. 

    Giao dịch này mở đường cho một loạt giao dịch có giá trị cao trong những tháng sắp tới.

    mayfair london 1
    Các bất động sản ở Mayfair đang bán đắt như tôm tươi - Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

    Mayfair là một quận giàu có nằm ở Westminster, rìa phía đông giáp công viên Hyde, thuộc địa phận West End của nước Anh. Đây là một trong những quận có giá thuê bất động sản đắt nhất ở London và thế giới.

    Hoạt động kinh tế tại đây chủ yếu là thương mại, với nhiều ngôi nhà được chuyển đổi thành văn phòng. Bên cạnh đó là trụ sở các công ty, các tổng lãnh sự quán và cả các doanh nghiệp sở hữu quỹ bất động sản và quỹ đầu tư.

    Ngoài ra, còn có một số lượng đáng kể bất động sản dân cư cao cấp, cửa hàng, nhà hàng và các khách sạn sang trọng dọc theo đường Piccadilly và Park Lane.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Các cuộc bạo loạn ở Kazakhstan có liên quan mật thiết đến việc của cải của đất nước không ngừng “chảy” tới các thành phố như London, Anh.

    Vào năm 2016, Cựu Thủ tướng Anh David Cameron cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh Chống tham nhũng rằng sẽ chấm dứt tình trạng người nước ngoài coi Anh là nơi cất giữ tài sản bí mật. Nhưng kể từ đó đến nay, vẫn chưa có đề xuất nào về việc hạn chế chủ sở hữu ngoại quốc đối với bất động sản ở Vương quốc Anh được đưa ra.

    Quan chức Anh David Lammy cho biết: “Chính phủ đã thất bại trong việc nắm bắt vai trò của Vương quốc Anh trong vấn nạn rửa tiền, tham nhũng và tài chính bất hợp pháp. London hiện là điểm đến ưa thích của giới tinh hoa trên thế giới để tích trữ tài sản bất minh”.

    nguoi giau Kazakhstan chuyen tai san sang Anh 1
    Công viên Sunninghill ở Berkshire được nhà tài phiệt Timur Kulibayev, con rể của Cựu Tổng thống Kazakhstan, mua vào năm 2007. (Ảnh: INS)

    Khối tài sản khổng lồ ở Anh

    Một phần lớn khối tài sản được giới thượng lưu Kazakhstan đưa sang Vương quốc Anh. Chúng gồm số bất động sản trị giá hàng trăm triệu bảng Anh ở London và miền Nam nước Anh.

    Theo một báo cáo do công ty Thinktank Chatham House công bố vào tháng trước, giới thượng lưu Kazakhstan đã thu mua 34 bất động sản trị giá khoảng 530 triệu bảng Anh (tương đương với khoảng 719,6 triệu USD) kể từ năm 1998 đến năm 2002. Không chỉ vậy, các chuyên gia cho rằng danh mục đầu tư hiện có rất có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, vì nhiều công ty ở Anh không tiết lộ chủ sở hữu của bất động sản.

    Tác giả của báo cáo, giáo sư John Heathershaw tại đại học Exeter, cho biết phần lớn số bất động sản này liên quan đến các thành viên thuộc giới cầm quyền thân cận với họ.

    Các bất động sản mà giới thượng lưu Kazakhstan mua trong nhiệm kỳ của Tổng thống Nazarbayev bao gồm nhà riêng của Hoàng tử Andrew, công viên Sunninghill ở Berkshire - được mua vào năm 2007 với giá 15 triệu bảng Anh (khoảng 20,3 triệu USD) bởi nhà tài phiệt Timur Kulibayev, con rể của Cựu Tổng thống Kazakhstan. Đầu năm 2020, con gái của ông Nazarbayev là Dariga Nazarbayeva và cháu trai Nurali Aliyev sở hữu khối tài sản trị giá ít nhất 80 triệu bảng Anh (108,6 triệu USD) ở London. 

    Để theo dõi những tài sản trên, Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh đã áp dụng lệnh về tài sản không giải thích được đối với một biệt thự ở Đại lộ Bishops, một căn hộ ở Chelsea và một dinh thự ở Highgate, phía Bắc London. Tuy nhiên các lệnh này bị một thẩm phán bác bỏ vì NCA không chứng minh được tính bất minh của các tài sản.

    nguoi giau Kazakhstan chuyen tai san sang Anh 1
    Giới thượng lưu Kazakhstan đã thu mua 34 bất động sản trị giá khoảng khoảng 719,6 triệu USD tại Anh. (Ảnh: Getty Images)

    London - nơi giấu tài sản lý tưởng

    Theo phân tích của giáo sư Heathershaw, thủ đô London của Anh là địa điểm tẩu tán tài sản phổ biến của giới tinh hoa cầm quyền bởi nơi này là một trung tâm tài chính và quốc tế toàn cầu. Tại London, người mua có thể dễ dàng tìm được hàng loạt công ty cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín. Thành phố này cũng đem lại cơ hội hợp tác với nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong giới chính trị, hoàng gia và doanh nhân.

    London thực sự rất quan trọng đối với giới tinh hoa cầm quyền ở Kazakhstan, bao gồm các mối quan hệ mà họ phát triển được với những nhân vật như Tony Blair và Hoàng tử Andrew”, giáo sư Heathershaw nói.

    Chuyên gia kinh tế Oliver Bullough cho rằng các cuộc bạo loạn ở Kazakhstan có liên quan mật thiết đến việc của cải của đất nước không ngừng “chảy” tới các thành phố như London, đặc biệt là khi chỉ 162 người kiểm soát tới một nửa tổng tài sản của Kazakhstan.

    Giới tinh hoa của Kazakhstan đã khai thác một lượng lớn của cải và để lại rất ít cho những người bình thường, và cơ sở giúp họ khai thác của cải là Vương quốc Anh”, ông Bullough nói.

    nguoi giau Kazakhstan chuyen tai san sang Anh 1
    Thủ đô London của Anh là địa điểm tẩu tán tài sản phổ biến của giới tinh hoa cầm quyền. (Ảnh: Shutterstock)

    Ben Cowdock, trưởng nhóm điều tra tại Tổ chức chống tham nhũng Minh bạch Quốc tế Vương quốc Anh, cho biết Anh cần xem xét việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các tầng lớp cầm quyền Kazakhstan có khả năng đã hưởng lợi từ các khoản tiền bất chính. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại rằng sẽ rất khó để thực hiện điều này bởi Kazakhstan về cơ bản đã hợp pháp hóa tham nhũng - giới cầm quyền tại quốc gia này nắm quyền kiểm soát tất cả tài sản của đất nước.

    Phát ngôn viên của chính phủ Anh cũng lên tiếng về vấn đề Kazakhstan. Theo đó, chính phủ sẽ thiết lập một sổ đăng ký quyền sở hữu dành cho các thực thể ngoại quốc sở hữu bất động sản ở Vương quốc Anh - đây là biện pháp nhằm chống rửa tiền và nâng cao sự minh bạch trên thị trường bất động sản Anh: “Sổ đăng ký phải cân bằng giữa việc cải thiện tính minh bạch và giảm thiểu gánh nặng đối với hoạt động thương mại hợp pháp”.

    Theo VTC

  • London (Anh) được biết đến là thành phố du lịch sầm uất bậc nhất thế giới. Dưới chân thành phố này có những địa điểm cực kì thú vị, thu hút du khách.
    viethome duoi long dat London 1
    Nhà ga Aldwych Tube: Nhà ga Aldwych Tube ở London, Anh, mở cửa năm 1907 và đóng cửa năm 1994 do doanh thu thấp hơn chi phí sửa chữa và hoạt động. Tuy nhiên, địa điểm này vẫn xuất hiện trong nhiều bộ phim nổi tiếng bởi lối kiến trúc cổ kính, bí ẩn.
    viethome duoi long dat London 2
    Nơi đây được chọn làm bối cảnh của một số sản phẩm giải trí như MV âm nhạc Firestarter của The Prodigy, phim Superman 4 và bộ phim Zombie 28 Weeks Later. Nhà ga Aldwych Tube cũng là nơi chứa các hiện vật từ Thế chiến thứ 2.
    viethome duoi long dat London 3
    Nghĩa trang Kensal Green: Nghĩa trang này bắt đầu hoạt động từ tháng 1/1833, là một trong những khu mai táng công cộng lâu đời nhất nước Anh.
    viethome duoi long dat London 4
     
    Nghĩa trang Kensal Green được xây dựng phức tạp, bao gồm khu chôn cất và hỏa táng. Nơi đây có rất nhiều lối đi dẫn vào các hầm mộ đặt dưới lòng đất.
    viethome duoi long dat London 5
     
    Đường sắt bưu điện Mail Rail: Tuyến đường sắt bưu điện gần 100 tuổi từng vận chuyển 4 triệu lá thư mỗi ngày giữa hai đầu thành phố London, được xem là huyết mạch trong hệ thống thư tín quốc gia của Anh.

    viethome duoi long dat London 6

    Việc vận chuyển thư ở London dưới thời Nữ hoàng Victoria rất chậm do gặp khó khăn về giao thông. Kể từ năm 1850, ngành bưu điện đã nghĩ ra cách dùng đường hầm ngầm đưa thư. Mãi tới năm 1927, hệ thống này mới bắt đầu đi vào vận hành và thực hiện chuyến tàu điện không người lái đầu tiên trên thế giới.

    viethome duoi long dat London 7

    Sông ngầm Fleet: Vào thời La Mã, Fleet là con sông lớn nhất và quan trọng nhất London. Nhưng trong cuộc cách mạng công nghiệp, phần lớn nước của sông được sử dụng cho hoạt động sản xuất của các nhà máy. Vào cuối thế kỷ 19, sông Fleet bị thu hẹp, buộc phải chảy qua đường hầm ngầm tại thành phố London trước khi chảy vào sông Thames.

    viethome duoi long dat London 8

    Đấu trường La Mã cổ: Di tích từ thời La Mã này hiện nằm bên dưới trung tâm triển lãm nghệ thuật Guildhall trên đường Gresham (London). Phần tàn tích của đấu trường được tìm thấy năm 1985. Các nhà khảo cổ cho rằng, đấu trường từng có sức chứa hơn 7.000 khán giả để xem những trận đấu ngoài trời của thú hoang và tù nhân La Mã cổ.

    viethome duoi long dat London 9

    Phòng Nội các chiến tranh London: Khu vực bí mật này là nơi Thủ tướng Churchill điều hành Nội các của mình trong Chiến tranh thế giới 2. Phòng Nội các này được xây dựng vào năm 1939. Mùa hè năm 1945, phòng Nội các chiến tranh bị bỏ hoang sau khi Nhật đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện. 40 năm sau khi Chiến tranh thế giới 2 kết thúc, phòng Nội các chiến tranh được mở cửa đón công chúng vào tham quan. Nơi đây dần trở thành một địa điểm du lịch hút khách ở London.

    viethome duoi long dat London 10

    Đường hầm sông Thames: Đường hầm này được xây dựng từ giữa năm 1825-1843, bên dưới sông Thames (London), nối quận Rotherhithe và quận Wapping. Đường hầm nằm ở độ sâu 23 m bên dưới bề mặt sông. Đây là đường hầm đầu tiên được xây dựng dưới con sông có các phương tiện tàu, bè... hoạt động.

    Viet Home (theo Zing)

  • Vẫn là một mô típ đối thoại quen thuộc: một người bạn ở nơi khác lên London chơi và thực sự sốc khi biết rằng mọi thứ ở đây rất đắt đỏ. Sau đó họ ca ngợi mọi thứ ở thành phố nơi họ đang sinh sống bao gồm cả việc mức sống rẻ hơn so với London. Bạn đồng ý với việc thủ đô thường đắt đỏ, nhưng mặt bằng lương ở khu vực này lại cao hơn nhiều.

    London

    Nhưng, bạn có thực sự đủ khả năng tài chính để sinh sống tại London. Dưới đây là những phép toán mà bạn nên biết:

    Chi phí sinh hoạt

    Điều đầu tiên mà chúng ta cần quan tâm đó là chi phi sinh hoạt cơ bản tại mỗi thành phố, bao gồm tiền thuê nhà, điện nước, internet, thẻ giao thông hàng tháng và một thẻ hội viên phòng gym. Điều đáng lưu ý ở đây là tiền thuê nhà tại London được tính trên một căn hộ một phòng ngủ nằm ngoài trung tâm, trong khi tại những thành phố khác, chi phí này được tính dựa trên một căn hộ một phòng ngủ trong trung tâm thành phố.

    basic cost of livinlg per city

    Chi phí sinh hoạt cơ bản tại mỗi thành phố. 

    Cũng không có gì quá ngạc nhiên, vì chúng ta đều biết rằng London, Cambridge và Oxford có mức sống vô cùng đắt đỏ. Vậy chúng ta so sánh với mức lương trung bình ở những nơi khác như thế nào?

    Mức thu nhập

    Hãy cùng nhìn vào mức thu nhập sau thuế để hiểu thêm về vấn đề này. 

    average monhtly income

    Biểu đồ bình quân thu nhập theo tháng so sánh với mức sống trung bình tại mỗi thành phố.

    Một điều khá thú vị ở đây có đó là mức lương trung bình có vẻ không tương quan với chi phí sinh hoạt tại mỗi thành phố. Chúng ta có thể thấy rõ ràng khoảng cánh giữa mức lương và chi phí sinh hoạt tại Edinburgh cao hơn tất cả những khu vực còn lại, trong đó có London.

    Chi phí giải trí

    Trước khi đưa ra kết luận, chúng ta nên ghi nhớ rằng những thứ mà bạn có thể mua được với cùng một khoản tiền phụ thuộc rất nhiều vào nơi bạn sinh sống. Nếu tôi có 300 bảng ở London và 300 bảng ở Glasgow, thì chắc chắn rằng với 300 bảng tại Glasgow tôi sẽ mua được nhiều thứ hơn so với cùng số tiền đó tại London.

    Hãy so sánh giá của một bữa ăn đủ 3 phần, 4 cốc bia và một vé xem phim cho người lớn tại mỗi thành phố theo mức lương trung bình cả nước là 43.11 bảng.

    cost of leisure

    Biểu đồ so sánh chi phí dành cho các hoạt động giải trí và mức trung bình toàn quốc

    Căn cứ theo biểu đồ trên đây, giá có một bữa ăn đủ 3 phần, 4 cốc bia và một vé xem phim tại London (58 bảng) cao hơn mức lương trung bình 35%.

    Mức thu nhập được quyền sử dụng

    Vậy là chúng ta đã cùng tìm hiểu chi phí sinh hoạt cơ bản, thu nhập trung bình, mức thu nhập được quyền sử dụng còn lại và đã điều chỉnh chúng để phản ánh chi phí giải trí ở mỗi thành phố. Vậy có phải sống London thì tình hình tài chính của chúng ta tốt hơn không?

    disposable income

    Mức thu nhập được sử dụng sau khi trừ chi phí sinh hoạt cơ bản và điều chỉnh chi phí giải trí.

    Đáp án là chưa hẳn là vậy. Theo những tính toán trên, sống tại Edinburgh còn tốt hơn gấp 3 lần, hay sống tại Cardiff, Sheffield hoặc Belfast tốt hơn gần hai lần so với việc sinh sống tại London.

    Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần cân nhắc đến những yếu tố khác: mức thất nghiệp ở mỗi nơi, sự phân hóa giàu nghèo ở London và những giá trị không thể tính toán được khi sinh sống tại thành phố bạn yêu thích.

    Vậy, sau khi đọc bài báo này, bạn hãy chớ vội vàng mua ngay một chiếc vé một chiều tới Edinburgh. Nhưng lần tới, khi đề cập đến vấn đề nên sống ở đâu, chúng ta sẽ cùng tranh luận trên những khía cạnh khác nữa bên cạnh mức thu nhập cao.

    VietHome (Theo Londonist)