• Tối ngày 6-9 (giờ Mỹ), tàu Boeing Starliner đã tách khỏi Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), bỏ lại 2 phi hành gia NASA trong sứ mệnh bị kéo dài bất đắc dĩ.

    Theo Reuters, hai phi hành gia Butch Wilmore và Suni Williams của NASA hiện vẫn ở lại ISS với 7 phi hành gia khác trong khi tàu Boeing Starliner khởi hành trở về mà không đủ an toàn để chở theo họ.

    Tàu vũ trụ Boeing Starliner đã tự động rời trạm lúc 18 giờ 4 phút ngày 6-9 theo giờ miền Đông nước Mỹ. Dự kiến nó sẽ mất 6 giờ để về đến địa cầu.

    Boeing Starliner
    Tàu vũ trụ Boeing Starliner trong quá trình chế tạo - Ảnh: NASA

    Hai phi hành gia của NASA đã phải tạm biệt tàu vũ trụ của họ, sau khi các sự cố về hệ thống đẩy khiến nhiệm vụ thử nghiệm tàu kéo dài 8 ngày của họ trở thành ít nhất 8 tháng.

    NASA và Boeing đã nhiều lần xem xét về sự cố xảy ra với Boeing Starliner và cuối cùng NASA tuyên bố con tàu này không đủ khả năng để đưa các phi hành gia trở về an toàn, sau nhiều lần thông báo hoãn ngày về.

    Năm trong số 28 động cơ đẩy cơ động của Starliner đã bị hỏng, khiến hai phi hành gia NASA phải cố gắng xoay sở ngay trong chuyến tiếp cận ISS hồi tháng 6. Hệ thống đẩy cũng gặp sự cố rò rỉ khí heli nhiều lần.

    Kể từ đó, các kỹ sư của Boeing đã tải phần mềm mới lên tàu vũ trụ này, cho phép nó quay trở lại mà không cần phi hành đoàn bên trong.

    Chuyến trở về sẽ là một bài kiểm tra quan trọng về khả năng điều khiển của Starliner.

    Tàu vũ trụ sẽ sử dụng hệ thống đẩy cơ động để dần dần hạ thấp quỹ đạo và quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất vào khoảng 11 giờ 17 phút ngày 7-9 (giờ Việt Nam).

    Sau đó tàu sẽ hạ cánh bằng dù vào lúc 12 giờ 3 phút tại Cảng vũ trụ White Sands, một địa điểm thử nghiệm quân sự khô cằn ở New Mexico - Mỹ.

    Theo một thông báo trước đó từ NASA, ông Wilmore và bà Williams sẽ quay trở lại trái đất trên một tàu vũ trụ khác của SpaceX vào tháng 2-2025. Họ cũng được trang bị thêm thực phẩm và vật dụng.

    Theo nld

  • Bộ Quốc phòng Anh ngày 17.8 thông tin đã lần đầu phóng vệ tinh quân sự có khả năng ghi lại hình ảnh ngày và đêm ở bề mặt trái đất.

    Theo thông cáo từ Bộ Quốc phòng Anh, vệ tinh mang tên Tyche sẽ hỗ trợ các hoạt động của lực lượng vũ trang Anh cũng như quan sát các thiên tai, cung cấp thông tin và theo dõi tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Vệ tinh cũng sẽ tăng cường năng lực tình báo, do thám và trinh sát của Anh.

    Vệ tinh Tyche nặng 150 kg và có vòng đời 5 năm, được thiết kế và chế tạo tại Vương quốc Anh theo hợp đồng trị giá 22 triệu bảng Anh được trao cho Công ty Surrey Satellite Technology (có trụ sở tại Anh). Đây cũng là vệ tinh đầu tiên do Bộ Quốc phòng Anh sở hữu hoàn toàn, theo chương trình xây dựng mạng lưới vệ tinh hỗ trợ mặt đất đến năm 2031.

    anh phong ve tinh len troi
    Tên lửa Falcon 9 của SpaceX mang theo vệ tinh quân sự Anh được phóng vào ngày 16.8. Ảnh: TÀI KHOẢN X SPACEX

    Các tín hiệu đầu tiên từ Tyche được nhận vài giờ sau khi phóng vào tối 16.8, xác nhận vụ phóng thành công từ căn cứ Vandenberg của quân đội Mỹ (bang California, Mỹ) trên tên lửa Falcon 9 do Công ty SpaceX chế tạo.

    Bà Maria Eagle, quan chức phụ trách mua sắm quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Anh, cho biết vệ tinh Tyche sẽ cung cấp thông tin tình báo thiết yếu cho các hoạt động quân sự cũng như hỗ trợ các nhiệm vụ rộng hơn cho chính phủ. Tờ Telegraph đưa tin những hình ảnh do vệ tinh Tyche thu thập sẽ được chia sẻ với các đồng minh của London.

    Tư lệnh lực lượng vũ trụ Anh Paul Tedman cho biết việc phóng thành công vệ tinh Tyche cho thấy Bộ Tư lệnh vũ trụ Anh và các đối tác trong lĩnh vực quốc phòng có thể nhanh chóng hiện thực hóa ý tưởng xây dựng năng lực vệ tinh trên quỹ đạo.

    Theo Thanh Niên

  • Tầng ozon là một loại “vành đai” bao quanh Trái đất được tạo thành từ các phân tử khí. Nó bảo vệ mọi sinh vật bằng cách hấp thụ hai loại bức xạ cực tím từ Mặt trời. Đó là một tấm khiên mạnh mẽ nhưng cũng rất mỏng manh.

    Năm 1985, các nhà khoa học phát hiện ra sự mất mát lớn tầng ozon ở Nam Cực. 40% lớp này đã tiêu tan, tạo ra một “lỗ hổng”.

    Vấn đề lớn nhất là clo từ một hợp chất nhân tạo có tên là Chlorofluorocarbons, hay CFC. Trên mặt đất, CFC không có hại. Nhưng một khi chúng nổi lên đến tầng bình lưu, Mặt trời phân hủy chúng thành clo. Chúng liên kết với ozon để tạo ra oxy và clo monoxit. Sau đó, các nguyên tử oxy lỏng lẻo đẩy nguyên tử clo ra ngoài, giải phóng nó để phá hủy nhiều phân tử ozon hơn. Và điều đó gây ra phản ứng dây chuyền.

    Một nguyên tử clo có thể phá hủy gần 100.000 phân tử ozon. CFC có thể tồn tại khoảng từ 50 đến 150 năm trong bầu khí quyển. Chúng được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp và có thể được sử dụng làm chất làm lạnh, chất tạo bọt, chất tẩy rửa, v.v. Trong thế kỷ trước, việc sử dụng các hợp chất như vậy trong công nghiệp là rất phổ biến.

    lo thung tang ozon

    Để ngăn chặn sự phá hủy thêm tầng ôzôn, năm 1987, Liên hợp quốc đã mời hơn 20 quốc gia ký Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng oôzn (ODS). Kể từ khi Nghị định thư có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 1989, mức tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ozon bao gồm CFC đã giảm mạnh.

    Ngày nay, hơn 30 năm sau khi Nghị định thư Montreal được ký kết, lỗ thủng tầng ozon đã ngừng gia tăng và hiện đang thu hẹp lại. Và người ta dự đoán vào năm 2065 tầng ozon có thể phục hồi hoàn toàn. Nhưng còn nhiều việc phải làm.

    Sau lệnh cấm CFC, nhiều nước bắt đầu sử dụng Hydrofluorocarbon hoặc HFC. HFC không làm suy giảm tầng ozon nhưng chúng là một loại khí nhà kính mạnh góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Và nó là thứ phát triển nhanh nhất. Vì vậy, vào năm 2016, Nghị định thư Montreal đã được sửa đổi để bao gồm HFC và hiện tại chúng cũng đang bị loại bỏ dần.

    Nói cách khác, hiện tượng lỗ thủng tầng ozon vẫn tồn tại, nhưng mức độ nghiêm trọng của nó đang giảm dần và không cần phải “căng thẳng” như trước nữa, điều này là do sự nỗ lực chung của toàn thế giới và nó có thể được khôi phục.

    Theo VOX

  • Các nhà nghiên cứu đang xem xét thiết kế module thu thập và truyền năng lượng mặt trời đến Trái Đất, dự kiến thử nghiệm năm 2035.

    nha may dien mat troi

    Hơn 50 tổ chức công nghệ của Anh, bao gồm hãng hàng không Airbus, Đại học Cambridge và nhà sản xuất vệ tinh SSTL cùng tham gia Sáng kiến năng lượng không gian Anh, được khởi xướng vào năm ngoái nhằm khám phá khả năng phát triển một nhà máy điện mặt trời trong vũ trụ.

    Theo sáng kiến này, việc truyền điện từ không gian có thể giúp Anh đáp ứng mục tiêu không thải khí nhà kính vào năm 2050 theo cách tiết kiệm hơn nhiều công nghệ hiện nay. Yêu cầu ngừng thải khí carbon hoàn toàn vào giữa thế kỷ nằm trong nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu theo lộ trình vạch ra tại hội nghị thượng đỉnh COP 26 của Liên Hợp Quốc diễn ra ở Glasgow vào tháng 11/2021.

    Phát biểu tại một hội nghị tổ chức ở London hôm 27/4, Martin Soltau, chủ tịch sáng kiến, cho rằng mọi công nghệ cần thiết để phát triển nhà máy năng lượng mặt trời trong vũ trụ đã có sẵn. Thách thức là quy mô của dự án. Sáng kiến phát triển kế hoạch dựa trên nghiên cứu kỹ thuật do công ty tư vấn Frazer-Nash tiến hành vào năm ngoái.

    Các chuyên gia thiết lập kế hoạch phát triển 12 năm để xây dựng một nhà máy điện thử nghiệm lắp ráp bằng robot trên quỹ đạo, truyền hàng gigawatt điện từ không gian tới Trái Đất sớm nhất vào năm 2035. Họ cũng đang nghiên cứu một thiết kế dạng module có tên CASSIOPeiA (for Constant Aperture, Solid-State, Integrated, Orbital Phased Array) do công ty kỹ thuật Điện quốc tế của Anh phát triển.

    Thiết kế module của nhà máy điện trên quỹ đạo có nghĩa dự án có thể mở rộng sau giai đoạn thử nghiệm. Tuy nhiên, ngay cả module thử nghiệm cũng có kích thước khổng lồ, rộng vài kilomet và cần 300 lần phóng bằng tên lửa lớn cỡ tàu Starship của SpaceX để đưa hàng hóa lên quỹ đạo. Nhà máy sẽ quay ở độ cao cách mặt đất 36.000 km.

    Theo Soltau, chức năng của nhà máy là thu thập năng lượng mặt trời qua những tấm gương lớn siêu nhẹ, tương tự như trên Trái Đất. Chúng sản xuất điện trực tiếp, sau đó điện được chuyển thành vi sóng qua bộ khuếch đại công suất tần số vô tuyến và truyền theo chùm vi sóng tới Trái Đất.

    Tuy nhiên, CASSIOPeiA sẽ sản xuất nhiều điện hơn bất kỳ nhà máy điện mặt trời nào cùng quy mô trên Trái Đất. So với một tấm pin mặt trời ở Anh, pin mặt trời tương tự trong vũ trụ có thể thu nhiều năng lượng gấp hơn 13 lần. Ngoài ra, nhà máy điện mặt trời trong vũ trụ cũng không bị ảnh hưởng bởi vấn đề gián đoạn hoạt động như trên Trái Đất do Mặt Trời không chiếu sáng liên tục.

    Để thu năng lượng từ vũ trụ, hệ thống cần một ăngten khổng lồ trên Trái Đất, gọi là rectenna. Ăngten này nhận bức xạ vi sóng truyền từ không gian và biến đổi thành điện một chiều dùng để truyền qua đường dây cao thế. Soltau chia sẻ rectenna sẽ giống một tấm lưới lớn với nhiều ăngten lưỡng cực nhỏ. Nó sẽ có kích thước 7 - 13 km.

    VnExpress (theo Space)

  • Vụ phóng tên lửa của SpaceX, mang theo hai phi hành gia của NASA dự kiến diễn ra vào tối ngày 27/5, giờ GMT. Đây được coi là sự kiện lịch sử, vì là lần đầu tiên Mỹ đưa phi hành gia lên vũ trụ từ chính đất nước mình, kể từ năm 2011.

    Tuy nhiên, chỉ 17 phút trước giờ dự kiến, vụ phóng tên lửa đã phải hủy bỏ do thời tiết xấu.

    spacex
    Vụ phóng tên lửa lịch sử đã bị hoãn vì thời tiết không ủng hộ. Ảnh: SpaceX.

    Thời tiết không thuận lợi

    Theo New York Times, từ sáng quanh khu vực mũi Canaveral, Florida, nơi diễn ra vụ phóng tên lửa đã có mưa nhỏ. Đến đầu giờ chiều, mưa ngừng và bầu trời bắt đầu quang đãng.

    Tuy nhiên, trước giờ phóng tên lửa mây đen dày đặc đã kéo đến. Trời nhiều mây là điều rất nguy hiểm, bởi khi tên lửa đang bay lên, nếu gặp sấm sét thì thiệt hại sẽ rất lớn. Thậm chí, việc phóng tên lửa, khiến không gian dày đặc các tia điện, có thể tạo ra sấm sét, theo mô tả của Giám đốc NASA Jim Bridenstine.

    Trước đó, nhóm tổ chức dự tính trời sẽ bớt mây khoảng 10 phút trước giờ phóng. Dù vậy, thời tiết đã không ủng hộ vụ phóng tên lửa lịch sử.

    "Đáng tiếc, chúng ta sẽ không phóng vào hôm nay", tổ điều khiển thông báo với hai phi hành gia Robert Behnken và Douglas Hurley, theo CNN.

    spacex
    Hai phi hành gia Robert Behnken và Douglas Hurley trước khi lên tàu vũ trụ của SpaceX. Ảnh: AP.

    Chỉ cần lùi 10 phút, tên lửa sẽ phóng lên suôn sẻ mà không lo thời tiết. Tuy nhiên, NASA chỉ có hai lựa chọn: phóng tên lửa vào đúng 16h33 theo kế hoạch ban đầu, hoặc hủy phóng. Thời gian này đã được tính toán chuẩn xác để tên lửa có thể gặp Trạm vũ trụ quốc tế khi nó bay qua Trái Đất.

    Theo New York Times, việc các vụ phóng tên lửa bị hủy khi phóng đi từ Florida không phải là lạ, vì khí hậu nơi này thường gặp bất lợi với gió to, nhiều mây. NASA có những tiêu chuẩn phức tạp để xác định liệu vụ phóng có phải bị hoãn vì thời tiết hay không.

    Vụ phóng sẽ được thực hiện lại vào chiều ngày 30/5.

    Vẫn chờ đợi vụ phóng tên lửa lịch sử

    Trước đó, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó tổng thống Mike Pence đều đã có mặt tại trung tâm điều khiển của NASA để chứng kiến vụ phóng tên lửa lịch sử. Đây là lần đầu tiên một công ty hàng không vũ trụ như SpaceX cung cấp dịch vụ đưa người lên không gian cho NASA với tên lửa Falcon 9.

    Falcon 9 là tên lửa tái sử dụng của công ty này, và đã được dùng để mang các loại hàng hóa, hành lý lên vũ trụ nhiều năm nay. Tuy nhiên, Falcon 9 chưa bao giờ được dùng để đưa người lên vũ trụ. SpaceX và Boeing là hai công ty được NASA lựa chọn để phát triển các tàu vũ trụ có thể mang theo phi hành gia và phóng từ Mỹ.

    Kế hoạch này sẽ giúp NASA tiết kiệm rất nhiều tiền so với tự phát triển tàu vũ trụ mới để thay thế tàu con thoi.

    spacex
    Hai phi hành gia chụp ảnh cùng Elon Musk và Giám đốc NASA Jim Bridenstine trước khi lên tàu vũ trụ Crew Dragon. Ảnh: NASA.

    Kể từ khi ngừng hoạt động các tàu con thoi vào năm 2011, NASA phải phụ thuộc vào tàu vũ trụ Soyuz của Nga để đưa người lên trạm vũ trụ ISS. Theo báo cáo của NASA công bố cuối năm 2019, mỗi năm NASA mua quyền đưa khoảng 70 người lên vũ trụ, và phải trả cho cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) từ 3-4 tỷ USD. Tính trung bình, chi phí để đưa mỗi phi hành gia lên vũ trụ là hơn 55 triệu USD.

    Hai phi hành gia được lựa chọn cho nhiệm vụ này, Robert Behnken và Douglas Hurley, đều từng làm phi công quân đội và đã lên không gian nhiều lần. Họ được chọn vào năm 2018 để trở thành những người đầu tiên lên vũ trụ bằng tàu Crew Dragon của SpaceX.

    Sau khi vụ phóng tên lửa đã bị hủy, cả hai phi hành gia vẫn phải ngồi trong khoang tàu thêm 1 giờ để bơm xăng ra ngoài, đảm bảo an toàn cho họ.

    Tàu Crew Dragon có đủ không gian cho 7 người ngồi, nhưng với các nhiệm vụ của NASA sẽ được điều chỉnh lại còn 4 người. Theo kế hoạch, nếu vụ phóng tên lửa hôm nay thành công, NASA sẽ đưa thêm 4 phi hành gia lên trạm không gian vào cuối năm.

    Vụ phóng tên lửa đã bị lùi nhiều lần, so với kế hoạch ban đầu là năm 2019 bởi quá trình phát triển tàu của SpaceX, Boeing đều gặp khó khăn. Do sự trì hoãn, hai phi hành gia dự kiến sẽ phải ở lại Trạm vũ trụ quốc tế tới 1 tháng để làm nhiệm vụ, thay vì 2 tuần như kế hoạch ban đầu.

    Zing (tham khảo https://www.independent.co.uk/life-style/gadgets-and-tech/news/spacex-nasa-launch-cancelled-weather-delay-when-astronauts-a9535771.html)