• Bữa trà chiều xa xỉ ở số 84 đường High Street, quán cà phê đầu tiên của đất nước Anh, ra đời năm 1651.

    tra chieu oxford 1

    Trên chuyến tàu từ ga Paddington trung tâm London đến Oxford, tôi lan man hình dung về thành phố đại học danh tiếng, tính sẵn lộ trình khám phá các công trình kiến trúc, giáo đường, trường đại học, thư viện, dòng sông Cherwell..., tuyệt nhiên không có ý định sẽ tự thưởng cho mình bữa trà chiều xa xỉ, cho đến khi bước chân run rủi đến số 84 đường High Street, quán cà phê đầu tiên của đất nước Anh, ra đời năm 1651.

    tra chieu oxford 1
    Cây "cầu than thở" ở Đại học Hertford.

    Mỗi ngày có đến 168 chuyến tàu đi, về giữa London và Oxford nên hành trình khám phá những dấu ấn vượt thời gian ở thành phố đại học này thật thuận tiện. Vừa ra khỏi ga tàu, hình ảnh ấn tượng dội vào tầm nhìn là những tòa kiến trúc đồ sộ bằng đá vôi kiên cố đều cùng một tông màu xám, đẹp cổ kính, trầm mặc như "ông thầy tu khả kính" đang trong giờ nguyện kinh thường nhật.

    Điểm đến đầu tiên của tôi trong hành trình Oxford là Trường dòng Chúa cứu thế (Christ Church) thành lập từ năm 1546, thuộc Đại học Oxford, nơi đã đào tạo đến 13 vị thủ tướng cho Vương quốc Anh. Quần thể công trình thực sự là một kiệt tác kiến trúc với rất nhiều công năng khác biệt, từ thánh đường, thư viện, tòa tháp, sảnh đường, phòng tranh (bộ sưu tập đồ sộ gồm hơn 2.000 bức vẽ của các danh họa như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael)...

    Dạo qua không gian của Christ Church, mỗi tòa nhà kể lại một câu chuyện lịch sử về sự hình thành, phong cách kiến trúc, trang trí..., tất cả được bảo tồn nguyên vẹn và phô diễn vẻ đẹp đến ngỡ ngàng trong con mắt lữ khách phương xa.

    tra chieu oxford 1
    Tượng điêu khắc trước Nhà hát Sheldonian.

    Điều hấp dẫn khi lang thang ở Oxford là các điểm tham quan liền kề nhau, khi thánh đường, khi trường đại học, khi chỉ là một cây cầu bắc ngang hai tòa nhà..., nhưng tất cả đều ẩn chứa những câu chuyện thú vị đằng sau chúng. Cây "cầu than thở" (Bridge of Sighs) xây dựng từ năm 1914, nối hai tòa nhà của Đại học Hertford ở góc đường Catte là một ví dụ.

    Cầu được xây lên tạo sự thuận tiện cho sinh viên lưu thông qua lại giữa hai tòa nhà, nhưng trong các lần kiểm tra sức khỏe học đường, sinh viên Trường Hertford thường bị nhận xét có thể trạng ục ịch, béo phì hơn sinh viên các trường khác, thế nên nhà trường quyết định đóng cửa cây cầu để sinh viên phải đi xa hơn, tức phải vận động nhiều hơn.

    Tên gọi "cầu than thở" ra đời, mặc dù chuyện mập ốm của sinh viên nay chẳng mấy ai để ý, nhưng hầu hết du khách khi đến Oxford đều tìm đến vị trí cây cầu hiện hữu để nghe lại câu chuyện thú vị và chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc của cây cầu cổ đã hơn trăm năm tồn tại.

    Nói về vẻ đẹp kiến trúc, Oxford còn một danh sách dài các điểm đến hấp dẫn khác, nhưng trong số ấy tôi thích nhất là Nhà hát Sheldonian. không chỉ bởi kiến trúc hình tròn độc đáo, mà điều đặc biệt là bộ tượng 13 bức bán thân đặt trên các trụ đứng án ngữ phần mặt tiền tòa nhà, mỗi tượng miêu tả một thần sắc khác biệt, và bộ râu dài mỗi người một vẻ, do điêu khắc gia danh tiếng William Byrd hoàn tất từ năm 1669, diễn tả gương mặt và thần thái của các nhà hiền triết đương thời. Bộ râu quyến rũ của các vị hiền triết được cho là hội tụ các kiểu dáng đặc trưng trong mốt để râu của học giả, hiền triết thời kỳ trung cổ.

    tra chieu oxford 1
    Không gian lịch lãm và sang trọng trong quán cà phê cổ nhất nước Anh.

    Đi quanh các điểm đến hấp dẫn ở Oxford, mải vui quên cả thời gian, nhìn lại trời đã xế bóng, trở về theo con đường High Street dẫn lối ra ga Oxford, bất chợt nhìn thấy ngôi nhà số 84, tiệm Grand Café, với dòng chữ đầy... thách thức: "Đây là quán cà phê đầu tiên ở Anh từ 1650". Gối đã mỏi, người cũng đã nhừ, tôi quyết định tự thưởng cho mình những giây phút thư giãn trong không gian quán cà phê cổ nhất ở Anh, và khi nhìn qua thực đơn, tên gọi những loại cà phê quen thuộc lại bị lấn át bởi thuật ngữ "trà chiều" (Afternoon Teas).

    Môn thưởng trà chiều ở Anh ra đời sau khi Grand Café được thành lập. Người Anh khi xưa thường ăn 2 bữa mỗi ngày, thế nên khoảng cách từ bữa sáng đến bữa tối có khi dài đến 10 - 12 tiếng, khiến nhiều người đến 3 - 4 giờ chiều là có cảm giác cồn cào đói, chân tay bủn rủn, nữ công tước Anna Maria xứ Bedford cũng trong số ấy, và bà là người đầu tiên khởi xướng món trà chiều ở lâu đài Woburn Abbey vào năm 1830. Bữa trà chiều khi ấy gồm một bình trà dùng kèm với các loại bánh, mục đích ban đầu chỉ là để... chống đói.

    Từ sau đó, thú thưởng trà chiều mở rộng trong giới quý tộc Anh, lan sang tầng lớp bình dân, khiến Anh thành nơi tiêu thụ trà hàng đầu thế giới, đến nỗi người ta thường truyền khẩu câu nói vui rằng, trong một ngày Anh có thể thiếu nữ hoàng nhưng không thể thiếu trà.

    tra chieu oxford 1
    Grand Café trên đường High Street.

    Thực đơn thưởng trà chiều ở Grand Café có 4 lựa chọn gồm: 2 cho trà thông thường ăn kèm với bánh nướng, bơ, mứt, giá 6,50 và 9,50 bảng, và 2 cho trà High Tea đẳng cấp hơn với giá 16,95 và 23,45 bảng. Trong lịch sử trà chiều ở Anh, High Tea khởi phát không mang nghĩa trà cao cấp, mà chính là để phục vụ giới lao động bình dân, những người không đủ thời gian và tiền bạc thưởng thức một bữa tiệc trà chiều thảnh thơi như quý tộc, thay vào đó họ dùng trà trên bàn ăn vào bữa tối (ngồi trên bàn ghế cao, thay vì thư giãn ở salon hay đi lại như uống trà chiều). thuật ngữ High Tea gắn với ngữ cảnh đó. Nhưng càng về sau, trong thực đơn có High Tea thường được du khách quốc tế lựa chọn, có lẽ vì hiểu nhầm rằng đó là trà cao cấp. Đến nay, High Tea đã biến thể, trái ngược với nghĩa ban đầu. Hai món High Tea ở Grand Café có trứng, cá hồi xông khói, bánh kem, bánh mì kẹp, bánh bắp, mứt dâu và cả champagne, không khác gì một bữa ăn thịnh soạn nơi nhà hàng sang trọng.

    tra chieu oxford 1
    Bữa tiệc trà chiều tại Grand Café.

    Sắc màu thời gian ở Grand Café toát lên từ các trụ đá cẩm thạch vân đỏ, vòm trần cao rộng tạo sự sang trọng, lịch lãm, tông màu vàng trầm làm chủ đạo đem lại sự ấm cúng, cảm giác thư thái, khoan khoái đến tức thì khi nhấp từng ngụm trà đen Earl Grey thoảng hương cam quyến rũ, kết lại một ngày dài lang thang ở Oxford với thật nhiều khám phá thú vị. 

    tra chieu oxford 1
    Tòa kiến trúc Meadow trong khuôn viên Trường dòng Chúa cứu thế.

    Theo doanhnhansaigon

  • Nếu bạn muốn khám phá những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của Vương quốc Anh, đừng bỏ qua các chuyến tàu đi từ những tuyến đường sắt đẹp nhất nước Anh dưới đây. 

    Tuyến West Highland, Scotland

    Khởi hành từ Ben Nevis, tàu Jacobite sẽ cho bạn cơ hội chiêm ngưỡng những khung cảnh ấn tượng nhất của nước Anh. Chuyến tàu chạy dọc theo con đường dài 67km, băng qua những sườn đồi núi xuyên qua đường chân trời và hồ lung linh phía xa xa. Tuyến đường sắt đẹp nhất nước Anh này được mở rộng đến Mallaig cách đây hơn một thế kỷ nhằm mục đích tiếp cận được với những vùng sâu, xa xôi hẻo lánh của đất nước, và nó đã tiếp tục thành công khi chạy thẳng đến bờ biển Đại Tây Dương của Scotland.

    duong sat dep nhat nuoc anh 1
    Tàu Jacobite đang vượt qua cây cầu cạn Glenfinnan

    Có lẽ điểm nổi tiếng nhất của cuộc hành trình là cầu cạn Glenfinnan, xuất hiện trong bộ phim Harry Potter. Trong cả hành trình, tàu sẽ dừng tại ga đường sắt phía tây của nước Anh, đi qua con sông ngắn nhất ở Anh, trước khi đến Loch Nevis – hồ sâu nhất châu Âu.

    Hành trình: Bắt đầu từ Fort William và kết thúc tại Mallaig, Scotland.

    Thời gian: 1 giờ 25 phút.

    Tuyến đường sắt Settle - Carlisle băng qua Công viên quốc gia Yorkshire Dales

    Hơn một phần ba tuyến đường từ Settle đến Carlisle đi qua Công Viên Quốc Gia Yorkshire Dales, vì vậy bạn sẽ được chiêm ngưỡng những ngọn đồi thoai thoải, những thung lũng cây xanh tươi tốt, và những nhà kho được xây bằng đá rải rác xung quanh vùng đất cao nguyên.

    duong sat dep nhat nuoc anh 1
    Con tàu băng qua cầu cạn Ribblehead

    Với độ cao 31 mét và chiều dài 400 mét trên vùng đất hoang, cầu cạn Ribblehead tạo nên một phần của tuyến đường sắt Settle - Carlisle đẹp như tranh vẽ, cây cầu này nằm giữa núi Three Peaks, trên biên giới Cumbria và Yorkshire. Cầu cạn Ribblehead gồm 24 vòm đá, băng qua ba đỉnh núi của Yorkshire là Ingleborough, Whernside và Pen-y-ghent. Khi hoàng hôn buông xuống, quang cảnh nơi đây đẹp tuyệt hảo. Ngay cả khi trời mưa, khung cảnh vẫn đẹp đáng kinh ngạc, và mưa như làm cho phong cảnh thiên nhiên hoang sơ mà hùng vĩ, tăng thêm phần quyến rũ.

    Hành trình: từ Settle đến Carlisle.

    Thời gian: 1 giờ 45 phút. 

    Tàu Caledonian Sleeper từ Luân Đôn đến Scotland

    Tàu Caledonian Sleeper sẽ đưa du khách từ thủ đô Vương quốc Anh đến một số địa điểm mang tính biểu tượng nhất của Scotland. Chuyến tàu khởi hành từ ga London Euston sáu đêm mỗi tuần (từ Chủ Nhật đến thứ Sáu), hành khách sẽ nghỉ đêm trên tàu, để đón bình minh tại những nơi có cảnh quan đẹp nhất của Scotland.

    Chuyến tàu đêm là một trong những tuyến tàu có dịch vụ tốt nhất, nơi bạn có thể nhâm nhi chút whiskey hảo hạng tại cabin rộng rãi với khoang giường nằm hạng sang và nhiều tiện nghi hiện đại.

    duong sat dep nhat nuoc anh 1
    Tàu lửa Caledonian Sleeper

    Cho dù bạn đến thủ đô Scotland để ngắm nhìn quang cảnh đồi tuyệt đẹp của Lâu đài Edinburgh hay đi đến vùng đất của những ngọn núi hùng vĩ trên một chuyến phiêu lưu tới Fort William, thì một chuyến đi trên Tàu lửa Caledonian Sleeper là một trải nghiệm đáng nhớ.

    Hành trình: từ  London Euston đến Aberdeen/ Edinburgh/ Fort William/ Glasgow/ Inverness.

    Thời gian: 10 giờ 5 phút (Aberdeen), 8 giờ 10 phút (Edinburgh), 12 giờ (Fort William), 7 giờ 30 phút (Glasgow), 11 giờ 5 phút (Inverness).

    Snowdonia, miền Bắc xứ Wales

    Nếu đi bộ lên đỉnh ngọn núi cao nhất của xứ Wales khiến bạn kiệt sức thì hãy để cho chuyến tàu Snowdonia giúp bạn.

    duong sat dep nhat nuoc anh 1
    Chuyến tàu đến núi Snowdon

    Khởi hành từ ga Llanberis, chuyến tàu bắt đầu chuyên chở hành khách lên đỉnh núi Snowdon từ năm 1896 bằng cách sử dụng một cơ chế khổ, rack và bánh răng hẹp. Tàu sẽ dừng lại khoảng 30 phút để hành khách thỏa sức phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh quan ngoạn mục, bao la xung quanh, nơi có núi và hồ trải dài trước mắt từ độ cao 1.085 mét so với mực nước biển. Và đừng quên thưởng thức một ly cà phê ngọt ngào ngay trên đỉnh núi nhé!

    Hành trình: Bắt đầu từ đỉnh núi Snowdon.

    Thời gian: 1 giờ.

    Cornwall Sleeper, từ London Paddington đến Penzance

    Trước đây chuyến tàu được biết đến với tên gọi Penzance Sleeper, tuyến tàu lửa London đến Cornwall được khởi động lại với tên gọi của Night Riviera vào năm 1983. Chuyến tàu mới được tân trang lại, chạy sáu đêm mỗi tuần, khởi hành từ London Paddington lúc 23:45 các ngày trong tuần và 23:50 vào Chủ Nhật. Điểm dừng của chuyến tàu bao gồm Reading, Taunton và Exeter, trước khi tiếp tục đến Cornwall, nơi nó sẽ dừng lại các địa điểm khác nhau, bao gồm Plymouth, Newquay và Falmouth, trước khi kết thúc tại Penzance.

    duong sat dep nhat nuoc anh 1

    Hành khách có thể chọn cho mình một chỗ ngồi kiểu trên máy bay hoặc ngồi riêng trong một cabin, bữa sáng đặc trưng kiểu địa phương được phục vụ miễn phí và được tự do đi lại giữa các khoang. Tuy nhiên, bạn phải đặt trước dịch vụ khi mua vé.

    Hành trình: từ London Paddington đến Penzance.

    Thời gian: 8 giờ 10 phút.

    Flying Scotsman, từ Luân Đôn đến Edinburgh

    Khởi hành từ trung tâm London, tàu Flying Scotsman đi qua nhiều địa danh nổi tiếng dọc theo tuyến đường 630km tới thủ đô của Scotland chỉ trong 4 giờ 20 phút. Hành trình từ Luân Đôn đến Edinburgh đem đến cho hành khách sự thư giãn và thú vị khi băng qua các cánh đồng quê, các thành phố muôn màu muôn vẻ và bờ biển Northumberland đầy quyến rũ.

    duong sat dep nhat nuoc anh 1
    Đầu tàu Flying Scotsman

    Thật khó để bỏ lỡ tượng điêu khắc The Angel of the North gần Newcastle (Thiên thần của miền Bắc), với đôi cánh dài 54 mét. Flying Scotsman từng là con tàu hơi nước đạt tốc độ kỷ lục thế giới là 125,88mph, được ghi lại vào ngày 3/7/1938.

    Hành trình: từ London King’s Cross tới Edinburgh Waverley.

    Thời gian: 4 giờ 20 phút.

    Dawlish, South Devon

    Từng bị phá hủy bởi một cơn bão ven biển vào năm 2014, tuyến đường tàu tuyệt đẹp Dawlish đã được đưa trở lại vận hành để giới thiệu cảnh biển tuyệt đẹp phía tây nam hạt Devon. Cuộc hành trình khởi hành từ thành phố Exeter nhộn nhịp đến thị trấn ven biển kỳ lạ Dawlish trong khoảng 11 phút, chạy song song với cửa sông Exe và dừng lại ở rìa con kênh.

    duong sat dep nhat nuoc anh 1
    Bờ biển Dawlish, phía nam Devon

    Cửa sông Exe là địa điểm nổi tiếng với các gia đình vào kỳ nghỉ, nước biển trong veo của con sông là môi trường sống quan trọng đối với các loài động vật hoang dã. 

    Hành trình: từ Exeter đến Dawlish, Devon.

    Thời gian: Từ 11 đến 30 phút.

    Trên đây là những tuyến đường sắt đẹp nhất nước Anh mà du khách nhất định phải thử một lần. Chúng sẽ đưa bạn đi mọi góc phố, chiêm ngưỡng mọi cảnh đẹp núi non trùng điệp, những cánh đồng cỏ rộng mênh mông và những loài động, thực vật phong phú. 

    Viethome (theo Báo Du lịch)
  • Nếu có dịp đến Anh, bạn hãy ghé thăm những khách sạn dưới đây để tận hưởng hàng loạt dịch vụ hạng sang và ngủ trong những căn phòng với nội thất thuộc hàng cao cấp.

    khach san o anh quoc 1
    Cliveden House - địa điểm lưu trú lý tưởng cho khách du lịch Anh quốc. Ảnh: Booking

    Trong bảng xếp hạng trong giải thưởng hàng năm Condé Nast Traveller, khách sạn Cliveden House tại hạt Berkshire ở phía Đông Nam nước Anh được bình chọn là điểm đến được yêu thích nhất.

    Được công tước Buckingham thứ hai xây dựng vào năm 1666 như một món quà cho người tình của mình, Cliveden House luôn có những cách khác nhau để quyến rũ du khách thập phương.

    Toàn bộ nội thất tại đây đều là đồ cổ. Tuy nhiên, vừa qua, ban quản lý khách sạn đã tân trang hàng loạt chi tiết khiến cho khách sạn trở nên sang trọng hơn bao giờ hết.

    Khi đi du lịch Anh quốc, một đêm lưu trú tại Cliveden House có giá từ 445 Bảng Anh với nhiều hoạt động độc đáo dành riêng cho du khách đến đây như đi dạo trong vườn hay tham quan mê cung.

    Cliveden House cũng từng là địa điểm gắn liền với một trong những vụ tai tiếng lớn nhất trong lịch sử chính trị Anh.

    Vụ ngoại tình của Bộ trưởng Chiến tranh John Profumo vào năm 1961 đã góp phần khiến Thủ tướng Anh Harold Macmillan (1894 - 1986) từ chức vào tháng 10.1963 khi còn một năm nữa mới đến kỳ tổng tuyển cử.

    Ông Profumo bị cho là có quan hệ ngoài luồng với một người mẫu tên Christine Keeler, khi đó mới 19 tuổi. Họ gặp nhau tại một bữa tiệc được tổ chức ở Cliveden, khi đó vẫn còn là một ngôi nhà riêng.

    Trong khi đó, Mandarin Oriental Hyde Park tại London được bình chọn là khách sạn lý tưởng nhất dành cho doanh nhân với vị trí thuận tiện, phòng ngủ mang lại cảm giác cực kỳ thư giãn và thức ăn hấp dẫn.

    Danh sách 10 khách sạn tuyệt nhất nước Anh, thích hợp để bạn lưu trú khi đi du lịch Anh quốc:

    1. Cliveden House, Berkshire

    2. Soho Farmhouse, Oxfordshire

    3. Chewton Glen Hotel & Spa, Hampshire

    4. Ham Yard Hotel, London

    5. The Pig, New Forest

    6. Lucknam Park Hotel & Spa, Wiltshire

    7. The Soho Hotel, London

    8. Coworth Park, Berkshire

    9. The Gleneagles Hotel, Perthshire

    10. The Gainsborough Bath Spa

    khach san o anh quoc 1
    Mandarin Oriental Hyde Park tại London được bình chọn là khách sạn lý tưởng nhất dành cho doanh nhân với vị trí thuận tiện, phòng ngủ mang lại cảm giác cực kỳ thư giãn và thức ăn hấp dẫn.

    khach san o anh quoc 1
    Cliveden House luôn có những cách khác nhau để quyến rũ du khách thập phương.

    khach san o anh quoc 1
    Ban quản lý khách sạn đã tân trang hàng loạt chi tiết khiến cho khách sạn Cliveden trở nên sang trọng hơn bao giờ hết.

    khach san o anh quoc 1
    Phòng ngủ sang trọng tại Cliveden House.

    khach san o anh quoc 1
    Một đêm lưu trú tại Cliveden House có giá từ 445 Bảng Anh với nhiều hoạt động độc đáo dành riêng cho du khách đến đây như đi dạo trong vườn hay tham quan mê cung.

    khach san o anh quoc 1
    Cliveden House cũng từng là địa điểm gắn liền với một trong những vụ tai tiếng lớn nhất trong lịch sử chính trị Anh.

    London được bình chọn là thành phố tuyệt vời nhất tại Anh năm thứ bảy liên tiếp nhờ các buổi triển lãm nghệ thuật hàng đầu thế giới và những tay pha chế rượu đầy sáng tạo. Thành phố Glasgow và Edinburgh lần lượt giữ vị trí thứ hai và thứ ba. Vì thế, du lịch Anh quốc luôn là lựa chọn hàng đầu với những du khách muốn khám phá châu Âu.

    Theo Tuổi Trẻ

  • New Malden là một khu sôi động dành cho người Hàn Quốc ở thủ đô, dù nơi này không có ga tàu điện ngầm. Khách châu Á đi du lịch Anh quốc thường hay ghé đây.

    new malden london han quoc 2
    New Malden là khu vực thu hút ngày càng nhiều người đến sinh sống. Ảnh: Colin Smith

    new malden london han quoc 2
    Siêu thị Hàn. Ảnh: ethniclondon

    Cư dân ở khu phố Hàn Quốc thu nhỏ cho biết nơi đây có những trường học tuyệt vời và hệ thống giao thông rất thuận tiện. Nhưng họ cảnh báo giá nhà đã tăng điên cuồng trong những năm gần đây. Và ở đây sẽ còn tuyệt hơn nữa nếu có một ga tàu điện ngầm. 

    New Malden được biết tới là Koreantown của London, tập trung người Hàn nhiều nhất ở châu Âu. Phần lớn là người Nam Hàn (Hàn Quốc). 

    Người Hàn tới đây vào những năm 1970 sau khi Đại sứ quán Hàn Quốc chuyển về đây, cùng với trụ sở tại châu Âu của Tập đoàn Samsung. 

    Giá nhà ở New Malden tăng khá nhanh. Giá nhà trung bình vào năm 2022 là £728,901. Nhìn chung giá đã tăng 6% so với năm trước đó và tăng 9% so với mức giá đỉnh năm 2017 là £668,029.

    pho han quoc o london 1
    Kevin Hong, 48 tuổi, từ Hàn Quốc chuyển đến sống tại ngoại ô London cách đây 10 năm. Ảnh: Darren Pepe

    pho han quoc o london 1
    Ga xe lửa New Malden chỉ cách phố lớn vài phút đi bộ. Ảnh: Darren Pepe

    Dù giá nhà không rẻ, nhưng nhiều người vẫn bị thu hút đến đây vì giao thông đi lại khá thuận tiện và có những trường học tốt. Anh Kevin Hong 48 tuổi, đã từ Hàn Quốc chuyển đến đây cùng vợ cách đây 10 năm.

    Anh nói: "Nơi đây giống như một ngôi làng Hàn Quốc, đó là lý do chúng tôi chọn khu ngoại ô này. Khu vực này ngày càng phát triển, rất nhiều người Hàn đến đây, họ thấy nơi đây thoải mái. Trường học cũng rất tốt".

    Sunmi Kim bắt đầu làm việc tại cửa hàng thời trang Hàn Quốc MACE từ tháng 9-2022. Cô gọi khu vực này là "tiềm năng" và thân thiện, dễ dàng giao tiếp với người xung quanh. Người phụ nữ 37 tuổi cho biết: "Mấy năm trước đây không có nhiều nhà hàng, không có nhiều quán cà phê phong cách Hàn Quốc. Nhưng giờ thì nhiều lắm. Nhiều người sẵn sàng tới đây và chờ 45 phút để ăn món Hàn".

    new malden london han quoc 2
    Đường Queens Road rất nhiều shop Hàn Quốc. Ảnh: ethniclondon

    Sinae Song và chồng Yongsham Lim, đều 28 tuổi, rất thích đi ăn nhà hàng trên phố. Cô Song từ Hàn Quốc đến Anh vào năm 2021, còn anh Lim đã đến đây vào năm 2013 khi trở thành sinh viên của Đại học Kingston. 

    Anh Lim nói: "Ở đây rất dễ tìm những món đồ mang văn hóa Hàn Quốc, nơi đây rất thuận tiện". Nhưng cô Song lại nói nơi đây sẽ tuyệt hơn nếu có một ga tàu điện ngầm. 

    Một cư dân khác là cô Jane Lim thì cho rằng đường phố ở đây sôi nổi hơn so với Kingston. Cô nghĩ New Malden là thị trấn thuận tiện nhất bên ngoài central London. Cô nói: "Ở đây rất an toàn, đây là một thị trấn rất dễ chịu... giao thông tuyệt vời. Chỉ cần đi tàu hỏa 15 phút là vào đến central London".

    Một thay đổi lớn mà Lim nhận thấy là ngày càng có nhiều người Hàn Quốc đến thăm New Malden, nhờ sự bành trướng của ẩm thực và văn hóa Hàn, cùng với những người nổi tiếng quảng bá hình ảnh Hàn Quốc trên mạng xã hội. "Ngày càng nhiều người biết New Malden là địa điểm hot để khám phá văn hóa Hàn Quốc", cô nói. 

    pho han quoc o london 1
    Sinae Song cho biết New Malden nên có một ga tàu điện ngầm. Ảnh: Darren Pepe

    Mối quan hệ giữa người Hàn Quốc và Triều Tiên ở khu vực này cũng đã thay đổi. Lim cho biết: "Cách đây 5-10 năm mọi người bị phân chia theo giai cấp. Chủ doanh nghiệp xếp trên nhân viên. Nhưng giờ mọi người đối xử với nhau bình đẳng hơn vì có rất nhiều người Triều Tiên đang làm chủ doanh nghiệp".

    Tuy nhiên New Malden chủ yếu vẫn chỉ có nhà hàng, quán cà phê kiểu Hàn. Cô muốn nhìn thấy nhiều loại hình doanh nghiệp hơn, chẳng hạn các công ty văn phòng. Các công việc văn phòng sẽ thu hút nhiều người trẻ đến đây sống hơn.

    Nhưng cô nghĩ "nước Anh đã bớt hấp dẫn đối với những người hoạt động trong các lĩnh vực khác". Cô nhận ra nhiều cư dân và chủ doanh nghiệp đã rời bỏ New Malden vì 2 lý do chính. 

    "Một phần vì luật nhập cư đang thắt chặt không chỉ đối với người Hàn mà cả người dân nước khác. Thứ hai là vì Brexit, khiến cho người nhập cư khó có cơ hội việc làm hơn. Trước đây khi Anh còn thuộc EU, mọi thủ tục xuất nhập khẩu rất dễ dàng. Nhưng hiện tại thuế tăng rất cao. Nếu bạn muốn nhập hàng từ Hàn Quốc, tốt hơn là bạn nên sống ở EU thay vì ở Anh quốc", cô nói.

    pho han quoc o london 1
    Các con phố ở New Malden được cho là sôi động hơn so với Kingston. Ảnh: Darren Pepe

    Cô cảm thấy hơi trống rỗng, vì không có những điều kiện nền tảng để giữ người ta ở lại New Malden. "Họ có thể đến đây vì K-pop, K-culture đang ở đỉnh cao danh tiếng, nhưng khi bong bóng vỡ, chuyện gì sẽ xảy ra?", Lim băn khoăn.

    "Đối với người trẻ, nếu có nhiều cơ hội việc làm hơn, tôi nghĩ họ sẽ chuyển đến đây vì chi phí ở đây thấp hơn so với central London và giao thông thuận tiện. Nhưng nhiều người trẻ vẫn thích ở central London vì ở đó có nhiều thể loại công việc, chứ không chỉ là bồi bàn hay đầu bếp", cô nói. 

    new malden london han quoc 2
    Giá nhà ở đây rẻ hơn Kingston và Wimbledon. Ảnh: Tim Clarke

    new malden london han quoc 2
    Có rất nhiều nhà hàng Hàn Quốc. Ảnh: Tim Clarke

    new malden london han quoc 2
    Các chuỗi cửa hàng và shop độc lập. Ảnh: Tim Clarke

    new malden london han quoc 2
    Công viên Beverley Park nơi người dân dắt chó đi dạo và chơi thể thao. Ảnh: Tim Clarke

    new malden london han quoc 2
    New Malden nằm ở Zone 4. Ảnh: Tim Clarke

    new malden london han quoc 2
    Một con phố ở New Malden. Ảnh: ethniclondon

    new malden london han quoc 2

    new malden london han quoc 2
    Đầy món Hàn nhập khẩu. Ảnh: ethniclondon

    Viethome (theo MyLondon)

  • Bên cạnh những thành phố sôi động và thôn quê xinh đẹp, nước Anh cũng có những ngôi làng hoang vắng đầy ám ảnh bị lịch sử bỏ quên.

    Nhắc đến Anh, du khách thường liên tưởng đến những thành phố sôi động, nhiều màu sắc như London, Birmingham, Manchester, hoặc những vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa và lịch sử như Edinburgh, Glasgow, Oxford,... Ít người biết rằng, tại Anh cũng tồn tại những ngôi làng “ma” bị bỏ hoang và quên lãng trong lịch sử, đi kèm với những câu chuyện đầy ám ảnh và rùng rợn.

    thi tran ma o anh 2
    Một chuyến xe buýt hiếm hoi đi ngang qua những ngôi nhà hoang tại ngôi làng “ma” Imber, Salisbury Plain, Wiltshire (Ảnh: PA Media)

    Đa số những thị trấn không người này là những khu vực bị bỏ hoang sau một đại dịch lớn, như sự kiện “Cái Chết Đen”, khi dịch hạch hoành hành khắp lãnh thổ châu Âu và xóa sổ dân cư của hàng trăm ngôi làng. Norfolk và Suffolk là hai vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi chúng là nơi đậu đỗ của những con thuyền buôn mang mầm bệnh đầu tiên.

    thi tran ma o anh 2
    Tàn tích của nhà thờ Dunwich trên bờ biển Suffolk chụp vào năm 1908, sau một thời gian bị xói mòn khiến công trình này đổ sập xuống biển (Ảnh: Hulton Archive)

    Một lý do khác khiến những ngôi nhà tại những nơi này ngày một hư hại và dần biến mất đó là hiện tượng xói mòn diễn ra tại các bờ biển. Dunwich đã từng là một hải cảng có tiếng tăm và phát triển mạnh, có quy mô tương đương với London vào thế kỷ 14, trước khi bị sụt lở nghiêm trọng xuống biển, bao gồm cả toàn bộ 8 nhà thờ trong khu vực. Chính vì điều này mà ngày nay người ta còn ví von Dunwich như là “nền văn minh đã bị xóa sổ” - Atlantis của nước Anh.

    Ngoài những ngôi làng bỏ hoang đã hoàn toàn biến mất trên bản đồ, một số địa điểm vẫn còn lưu lại dấu tích và là những cái tên hấp dẫn trí tò mò của những kẻ gan dạ. Vào thời điểm Chiến tranh Thế giới Thứ hai nổ ra, Bộ Quốc phòng Anh đã ra lệnh chuyển hóa một số ngôi làng thành các khu vực rèn luyện và diễn tập. Làng Imber thuộc hạt Wiltshire là một trong những địa điểm được chọn lựa đó và đến bây giờ vẫn còn được quân đội sử dụng.

    thi tran ma o anh 2
    Một bảng cảnh báo của quân đội gắn trước cánh đồng Seagram tại làng Imber, vùng Salisbury Plain, Wiltshire

    Vào những ngày mở cửa không có hoạt động quân sự, du khách có thể vào đi dạo trong những con đường vắng lặng không bóng người thường, với hai bên đường là những ngôi nhà trống trải không dân cư, cùng một nhà thờ và một quán rượu cũ kỹ đã rất lâu rồi chưa được sử dụng.

    thi tran ma o anh 2
    Nhà thờ St. Giles' Church ở làng Imber (Ảnh: PA Media)

    Ngôi làng Tyneham tại hạt Dorset cũng là một địa danh không kém phần u ám. 6 ngày trước thời điểm Giáng sinh năm 1943, ngôi làng này đã được trưng dụng để làm bãi tập cho một cuộc đổ bộ quan trọng trong Chiến tranh Thế giới Thứ Hai theo chỉ thị của cố Thủ tướng Winston Churchill.

    Vào ngày dọn đi khỏi làng, các cư dân đã dán một mẩu giấy lên cửa nhà thờ với lời nhắn: “Chúng tôi đã từ bỏ mái ấm của mình, nơi rất nhiều thế hệ đã sinh sống tại đây, để giúp quân đội giành chiến thắng trong cuộc chiến… Một ngày nào đó chúng tôi sẽ quay trở lại, xin cảm ơn những ai đã đến đây và đối xử tốt với ngôi làng này”.

    thi tran ma o anh 2
    Cỏ và cây tầm ma mọc xung quanh một dãy nhà tranh bị bỏ hoang tại “ngôi làng ma” ở Tyneham, hạt Dorset (Ảnh:Jerry Harmer)

    Tuy vậy, ngày tái ngộ đó chưa bao giờ trở thành hiện thực, không một ai được phép quay trở lại ngôi làng. Kể từ đó, quân đội là đơn vị duy nhất nắm quyền kiểm soát và quản lý Tyneham. Ngày nay, người ta thậm chí có thể tìm thấy trong các phòng học bỏ hoang là những tập vở còn mở sẵn từ những tiết học cuối cùng.

    thi tran ma o anh 2
    Nhà thờ St Mary's Church ở Tyneham, nơi dân làng dán mảnh giấy nhắn với kỳ vọng về ngày được trở lại quê hương không thành (Ảnh: Jerry Harmer)

    Balsdean, nằm ở vùng South Downs gần Brighton, cách Tyneham khoảng một trăm dặm, cũng từng là một ngôi làng nhỏ với một vài trang viên, một nhà thờ và một nhà thương điên. Nơi này mang số phận tương tự với Imber và hiện tại chỉ còn sót lại những căn nhà hoang vắng của các gia đình làm nông một thời.

    Các ngôi làng bị bỏ mặc hay sụt lở xuống đại dương này là nguồn gốc cho nhiều câu chuyện ma quỷ, rùng rợn được truyền lại. Shirley Collins, một ca sĩ địa phương, đã từng kể rằng mình nhìn thấy những chiếc bóng kỳ lạ xuất hiện tại Balsdean. Người ta cho rằng, ở Dunwich vẫn có tiếng chuông ngân phát ra từ dưới biển vào nửa đêm, cũng như có tiếng trẻ em vang vọng trong những căn nhà trống vắng trong làng.

    Theo VTV

  • Ngày 29/7/1987, Nữ hoàng Anh Elizabeth II và cựu Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đã chính thức ký hiệp ước Anh-Pháp cho phép xây dựng Đường hầm qua eo biển Manche, góp phần hiện thực hóa giấc mơ nhiều thế kỷ nối liền Pháp và "xứ sở sương mù" bằng đường hầm chạy ngầm dưới biển.

    Đường hầm eo biển Manche hay Đường hầm eo biển Anh là đường hầm dưới biển dài nhất thế giới với chiều dài 50,5 km (bao gồm 3,3km dưới đất bên phía Pháp; 9,3 km ngầm bên phía Anh và 37,9 km ngầm dưới biển) đi qua eo biển Manche nối Folkestone, Kent ở Anh với Coquelles gần Calais ở phía bắc Pháp. Đường hầm gồm hai hầm đường sắt và một đường hầm dịch vụ, được hoàn thành vào năm 1994 sau 6 năm nỗ lực xây dựng với sự hợp tác của hai quốc gia Anh và Pháp. 

    duong ham qua eo bien anh ky quan the gioi
    Tàu cao tốc hãng Eurostar chính thức chạy qua đường hầm.

    Eo biển Manche với chiều rộng 34 km, đã chia cắt hai quốc gia Anh và Pháp từ nhiều thế kỷ trước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thế giới, nhu cầu giao lưu kinh tế toàn châu Âu trở nên cấp thiết, thì eo biển Manche vô tình đã trở thành điểm cản trở giao lưu nghiêm trọng. 

    Ý tưởng giúp Anh chấm dứt những tháng ngày là một hòn đảo cô độc giữa đại dương thông qua việc đào một đường hầm tới Pháp đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 18. Nhưng phải đến khi Anh và Pháp ký hiệp ước Canterbury ngày 12/2/1986, về khởi công xây dựng Đường hầm qua eo biển Manche và đến ngày 29/7/1987, Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Tổng thống Pháp Francois Mitterrand chính thức ký hiệp ước Anh - Pháp cho phép xây dựng Đường hầm qua eo biển Manche, thì người ta mới có thể tạm yên tâm về “giấc mơ nhiều thế kỷ” sẽ không “mãi chỉ là giấc mơ”.

    Tháng 12/1987, công trình chính thức được khởi công. Với sự góp sức của 12.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân lao động, sau 6 năm xây dựng, với tổng chi phí là 21 tỷ USD, con đường hầm đường sắt ngầm dưới biển dài nhất thế giới đã được hoàn tất. 

    Ngày 6/5/1994, Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Tổng thống Pháp François Mitterrand đã chính thức cắt băng khánh thành công trình đường hầm vĩ đại có một không hai trên hành tinh từ trước đến nay. 

    Đường hầm qua eo biển Manche đã làm toại nguyện giấc mơ hàng thế kỷ của người Châu Âu về việc nối liền Vương quốc Anh với phần còn lại của châu lục này. Không chỉ là một đường hầm, nó còn là sự kết hợp tuyệt vời của hệ thống kết cấu vững chắc và máy móc rất đồ sộ dưới lòng đại dương, biến tham vọng ngoài sức tưởng tượng của loài người thành sự thật. Chạy xuyên qua hai nhánh chính của đường hầm (thành đường hầm dày 1,5 m) là những con tàu điện hai tầng lớn nhất trên thế giới, có chiều ngang thân tàu tới 4,2 m với tốc độ lên tới 300 km/h. 

    Theo đánh giá của các chuyên gia xây dựng trên thế giới, công trình đường hầm qua eo  biển Manche được coi là đỉnh cao của kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng, đưa con người xuyên qua lòng biển hay những dãy núi hùng vĩ một cách dễ dàng. Công trình này không chỉ nổi tiếng bởi các yếu tố kinh phí đầu tư, quy mô xây dựng mà còn được đánh giá cao bởi những giá trị to lớn nó mang lại cho hai cường quốc Anh – Pháp nói riêng và cũng như châu Âu và thế giới nói chung.

    Sáu tháng sau lễ khai trương, chuyến tàu cao tốc đầu tiên Eurostar chính thức được đưa vào phục vụ khách đi các tuyến Paris - London và London - Brussels. Hành khách đi tàu chuyến Paris - London mất khoảng 3 tiếng 6 phút, trong đó thời gian qua đường hầm này khoảng 20 phút, trong khi hành khách đi chuyến London - Brussels mất khoảng 3 tiếng 15 phút. Các tàu chạy chặng ngắn cũng được đưa vào hoạt động để vận chuyển xe ô tô con, xe buýt và xe tải qua hầm. 

    Đường hầm qua eo biển Manche khai thông là thành công lớn đối với người Pháp và người Anh, song thành công không phải lúc nào cũng được nối tiếp bởi thành công. Sau năm 1994, tuyến đường hầm này đã trải qua nhiều khó khăn về tài chính, nhiều lúc tưởng “nhấn chìm” Eurotunnel - hãng ký hợp đồng vận hành đường hầm này tới năm 2086. 

    Tuy nhiên, mọi khó khăn - từ trận cháy trên đoàn tàu chở xe hồi tháng 11/1996 khiến đường hầm bị đóng cửa một phần trong một thời gian, sự kiện hàng trăm người nhập cư ở trại tị nạn Sangatte ở Calais đã cố gắng vượt đường hầm này để vào Anh trong dịp Giáng sinh năm 2001 gây bất đồng nhỏ về ngoại giao, việc dịch vụ vận tải qua đường hầm này thỉnh thoảng bị hủy và thường xuyên bị chậm, đến những ý kiến cho rằng kinh tế Anh, Pháp có thể tăng trưởng tốt hơn nếu không phải đầu tư xây dựng đường hầm - đều không thể cản trở triển vọng tươi sáng của con đường hầm thế kỷ. 

    Nếu như vào năm 1994, có tới 75% người Anh nói rằng họ không có ý định sử dụng tuyến đường ngầm dưới biển này để tới Pháp, thì tới năm 2013, ước tính đã có gần 325 triệu lượt khách đi qua đường hầm, trong đó riêng năm 2013 đón trên 20 triệu lượt khách. Trong khi đó, dịch vụ vận chuyển chặng ngắn của Eurotunnel đã chuyên chở 2,5 triệu lượt ô tô và 1,4 triệu lượt xe tải.

    Năm 2013, Eurotunnel có tổng cộng 3.700 nhân viên và thu về khoản lợi nhuận ròng 101 triệu euro (140 triệu USD). Lần đầu tiên từ trước tới nay, doanh thu của hãng cán mốc 1,1 tỷ euro trong năm 2013. Trong báo cáo công bố vào tháng 3/2014, Giám đốc điều hành Eurotunnel đã phải thốt lên: “Lần đầu tiên trong lịch sử nhiều trắc trở của Eurotunnel, tình hình hoạt động của hãng là rất đáng hài lòng và chúng tôi tin tưởng vào tương lai". 

    Cho đến nay, đường hầm qua eo biển Manche vẫn là một công trình đường hầm vĩ đại có một không hai trên thế giới và được coi là một trong 7 kỳ quan của thế giới hiện đại do Hiệp hội Kỹ sư Mỹ bình chọn (Seven Wonders of the Modern World - by American Society of Civil Engineers).

    Theo Tuổi Trẻ

  • Căn bệnh lạ đã càn quét giới thượng lưu tại Anh và gây ra cái chết bí ẩn cho hàng nghìn người.

    Cuối thế kỷ 15, một căn bệnh bí ẩn bùng phát tại Anh, khiến hàng nghìn người chết, gây ra nỗi kinh hoàng khắp khu vực. Căn bệnh được gọi là đổ mồ hôi Anh, hiện chỉ còn là một phần nhỏ được ghi chép trong lịch sử y văn. Căn bệnh lây lan thành 5 đợt, vẫn là câu hỏi lớn của y học.

    Tỷ lệ tử vong của bệnh ước tính là khoảng 30% đến 50%. Nhiều bệnh nhân có các triệu chứng đầu tiên vào tối hôm trước và qua đời ngay trong sáng hôm sau. Các chuyên gia cho biết người bệnh thường sẽ qua khỏi nếu sống sót trong 24 giờ.

    Bệnh chỉ giới hạn ở Anh, hiếm khi vượt qua biên giới Scotland, Wales, hoặc Ireland. Châu Âu ghi nhận một số trường hợp, nhưng không đáng kể.

    can benh do mo hoi Anh 1
    Tranh vẽ minh hoạ người mắc bệnh đổ mồ hôi.

    Giới khoa học hoảng sợ trước căn bệnh lạ

    Đổ mồ hôi Anh bùng phát thành 5 đợt chính, vào các năm 1485, 1508, 1517, 1528 và 1551. Các đợt dịch trải dài trong các triều đại của ba vị vua Anh thuộc Hoàng gia Tudor, gồm Henry VII (1485–1509), Henry VIII (1509–547) và Edward VI (1547–1553).

    Bắt đầu từ năm 1485, người ta tình nghi là do binh lính người Pháp được cha Vua Henry VIII thuê trong Cuộc chiến tranh hoa hồng 1487 mang đến. Thay vì bảo vệ ngai vàng cho Henry, những người này lại gieo rắc dịch bệnh khiến triều đại của Vua Anh bị "toát mồ hôi và tử vong hàng loạt".

    Theo lời Thomas More - cố vấn của Vua Henry VIII thì ở chiến trường người ta còn cảm thấy an toàn hơn ở thành phố khi bệnh bùng phát.

    "Sợ lây nhiễm nên các quan chức triều đại của Vua Henry liên tục phải di chuyển. Nhà vua phải mang theo cả hoàng tộc lẫn những người thân tín đi xa, đã có lúc phải giải tán triều đình", Thomas More còn lưu lại.

    Sau khi đoàn quân của Henry chiến thắng trở về London, dịch bệnh bùng phát, giết chết 15.000 người trong vòng 6 tuần. Năm 1502, Hoàng tử Arthur Tudor, con trai của Henry VIII, là người thừa kế ngai vàng qua đời vài tháng trước sinh nhật lần thứ 16, có thể vì bệnh đổ mồ hôi Anh.

    can benh do mo hoi Anh 1
    Vua Henry VIII sợ hãi dịch đổ mồ hôi trong suốt những năm trị vì. Ảnh: History

    Tháng 11/1485, căn bệnh thuyên giảm. Đến năm 1508, nó bùng phát trở lại song không lan rộng, chỉ giới hạn ở Anh, do đó cướp đi sinh mạng của ít người hơn. Tháng 10/1508, căn bệnh tiếp tục biến mất.

    Đợt dịch thứ ba xảy ra vào năm 1517, vào cuối tháng 6, chủ yếu giới hạn ở London. Các tài liệu sử học và y khoa không có nhiều thông tin về đợt bùng phát này.

    Năm 1528, căn bệnh một lần nữa trở lại London, lây truyền mạnh và lan sang châu Âu, đến tận phía Đông của Nga.

    Đợt dịch cuối cùng diễn ra năm 1551, mang đến nỗi kinh hoàng cho toàn nước Anh, giết chết khoảng 1.000 người. Dù vậy, mầm bệnh một lần nữa chỉ giới hạn trong nước.

    "Trong thời kỳ này, tất cả các tầng lớp xã hội, từ người nghèo đến hoàng tộc đều dễ nhiễm bệnh. Nếu người thuộc tầng lớp hoàng gia và quý tộc bị bệnh quá nhiều, chính trị bị ảnh hưởng. Chứng bệnh đổ mồ hôi dường như đặc biệt lây lan ở đàn ông trẻ tuổi. Điều này rất nghiêm trọng vì họ là những tầng lớp thống trị trong tương lai", Elma Brenner, nhà sử học tại Thư viện Wellcome ở London, cho biết.

    Triệu chứng và cái chết khó tránh khỏi

    Sở dĩ được xem là căn bệnh bí ẩn vì ngay cả các bác sĩ thời trung cổ cũng không xác định được mầm bệnh. Triết gia Francis Bacon - người viết tiểu sử Vua Henry VII đã gọi vị vua này là người “cai trị trong đau đớn” bởi không thể kiểm soát được dịch bệnh, lý do đơn giản là không hiểu rõ nó từ đâu đến cũng như nguyên nhân gây bệnh.

    Dường như nó không lan truyền qua máu hoặc dịch tiết của cơ thể nên có người không tin bệnh lây từ người sang người. Có người lập luận là do “tạp chất ngoại lai gây ra”. Đặc biệt, trái ngược với hầu hết đợt dịch thời Trung cổ, bệnh đổ mồ hôi Anh không tấn công người già, trẻ nhỏ, mà lây lan chủ yếu ở thanh thiếu niên, trung niên, đặc biệt là nam giới giàu có, ở tầng lớp thượng lưu.

    Sau này, có giả thiết cho rằng những đợt bùng phát “Đổ mồ hôi Anh” trùng với sự khởi đầu của thời kỳ nguội dần của các núi lửa ở Indonesia. Cũng có ý kiến bệnh bùng phát sau lũ lụt, mưa nhiều, khi loài gặm nhấm tăng mạnh, thủ phạm lan truyền dịch bệnh. Khoa học hiện đại coi “Đổ mồ hôi Anh” thuộc bệnh truyền nhiễm do Hantavirus gây ra.

    Bệnh đổ mồ hôi Anh khởi phát nhanh chóng và không có dấu hiệu báo trước, thường biểu hiện vào ban đêm hoặc sáng sớm. Các triệu chứng đầu tiên là ớn lạnh và run rẩy, tiếp theo là sốt cao, suy nhược cơ thể. Bệnh nhân thường bị đổ mồ hôi, phát ban.

    Giai đoạn ớn lạnh có thể kéo dài từ nửa tiếng đến ba giờ, sau đó tới giai đoạn nóng bức cơ thể và đổ mồ hôi. Mồ hôi tiết nhiều và không rõ nguyên nhân. Người bệnh có cảm giác nóng, nhức đầu, mê sảng, mạch nhanh và khát dữ dội.

    Trong giai đoạn cuối, bệnh nhân kiệt sức và suy sụp tổng thể, thường buồn ngủ. Diễn biến bệnh rất dữ dội, đôi khi gây tử vong trong vòng vài giờ.

    Tỷ lệ tử vong khác nhau ở các tài liệu, song hầu hết ghi nhận từ 30% đến 50%. Một số văn bản y khoa khác cho biết nguy cơ tử vong lên tới 80-90%. Lý do có sự khác biệt này là trình độ chuyên môn của bác sĩ thời kỳ đó.

    Theo tiến sĩ Thomas Le Forestier, thời gian ủ bệnh đổ mồ hôi Anh là từ một đến 29 ngày, đôi khi lên tới 44 ngày.

    Giải mã bí ẩn

    Để giải mã căn bệnh, vào năm 2002, các nhà khoa học đã khai quật thi thể của Vua Arthur ở Nhà thờ Worcester. Tuy nhiên, họ không thể tìm ra bất cứ manh mối nào.

    Một số người phỏng đoán bệnh lây lan do những thay đổi ở xã hội Anh sau khi cuộc chiến Hoa hồng kết thúc. Khi ấy, khí hậu mát mẻ, sự thịnh vượng của đất nước và việc mở rộng xây dựng đã tạo điều kiện cho chuột phát triển.

    "Vào thời điểm đó, mọi thứ đang thay đổi. Người ta bắt đầu chặt phá rừng trên quy mô lớn. Theo phỏng đoán của tôi, một loại virus trong rừng đã lây lan sang người", Yosi Rimmer, nhà sử học y khoa tại Maccabi Health Services ở Haifa, Israel, cho biết.

    can benh do mo hoi Anh 1
    Căn bệnh càn quét giới thượng lưu tại Anh

    Một số nhà khoa học cho rằng triệu chứng của đổ mồ hôi Anh giống với Đại dịch cúm năm 1918, cũng lây lan thành từng đợt trong hai năm và sau đó biến mất. Dù vậy, hầu hết chuyên gia không tin rằng hai căn bệnh này là một. Nhiều người nhận định đổ mồ hôi Anh chính là bệnh than hoặc bệnh lao.

    Bệnh đổ mồ hôi ở Anh bỗng dưng biến mất vào năm 1551 và đến năm 1718, một bệnh tương tự có tên đổ mồ hôi Picardy lại bùng phát tại Pháp, sau đó là các đợt bùng phát hạn chế, lẻ tẻ kéo dài đến năm 1861.

    Năm 2014, các nhà nghiên cứu ở Bệnh viện Quân đội Queen Astrid, Brussels, Bỉ lập luận Hantavirus là thủ phạm gây bệnh, do dơi, động vật gặm nhấm, đặc biệt là chuột lan truyền. Đây là loại virus RNA gram âm thuộc họ Bunyaviridae. Con người có thể nhiễm virus này qua phân, nước bọt hoặc tiếp xúc với loài gặm nhấm.

    Cafef (Nguồn: Discover Magazine, NIH, History)

  • Giao lộ Gravelly Hill ở Birmingham là một trong những nút giao thông phức tạp nhất hành tinh với 5 tầng, 559 cột bê tông và chiều cao lên tới hơn 24m. Nó cũng là giao lộ đầu tiên trên thế giới được đưa tên vào từ điển Oxford.

    giao lo Gravelly Hill birmingham 2

    Khánh thành vào ngày 24/5/1972, Gravelly Hill nổi tiếng với hình dáng độc đáo giống đĩa mỳ Ý. Cái tên Giao lộ Spaghetti chính thức được ra đời sau khi phóng viên Roy Smith ví von như vậy trên tờ Birmingham Mail. Cụm từ Giao lộ Spaghetti (Spaghetti Junction) thậm chí còn được đưa vào từ điển Oxford như một niềm tự hào.

    Đây là giao lộ chạy thẳng đầu tiên mà không có đèn giao thông hoặc vòng xuyến tại Anh. Gravelly Hill là phần quan trọng trong dự án Midland Links nối các đường cao tốc M1 (London - Yorkshire), M5 (Birmingham - South Wales) và M6 (Birmingham - Preston). Những tuyến đường này là 3 nhánh chính trong Mạng lưới đường cao tốc quốc gia của Anh.

    giao lo Gravelly Hill birmingham 2
    Giao lộ "mỳ Ý" nhìn từ trên cao. Ảnh: ChrisHepburn/iStock

    Năm 1958, Bộ Giao thông chỉ định công ty Sir Owen Williams and Partners làm kỹ sư tư vấn để tìm hiểu phương án nối 3 tuyến đường. Nhóm kỹ sư quyết định đường thẳng sẽ kết nối tốt hơn với các khu dân cư chính thay vì đường vành đai dài hơn để tránh vùng có mật độ xây dựng cao. Để hạn chế số lượng và chi phí phá dỡ cần thiết để tạo ra tuyến đường thẳng, họ quyết định sử dụng những tuyến sẵn có đi qua các kênh đào, sông ngòi và cầu đường.

    Công trình bao gồm 69 km đường cao tốc đi qua ngoại thành, 37 km đường cao tốc đi qua đô thị và 17 giao lộ. Nhóm kỹ sư phụ trách dự án còn xây dựng 21,3 km cầu cạn bắc qua sông Tame. Đồng thời, họ còn tạo ra cầu cạn liên tục dài nhất ở Anh với chiều dài 5,6 km giữa Gravelly Hill và Castle Bromwich.

    giao lo Gravelly Hill birmingham 2
    Ảnh: Wikimedia Commons.

    Quá trình xây dựng giao lộ kéo dài 4 năm từ năm 1968 và mở cửa vào năm 1972. Chi phí xây dựng công trình lên tới 12 triệu USD vào thời điểm đó. Đây là một giao lộ vô cùng phức tạp với nhiều làn đường giao thông và bao gồm 5 tầng. Các kỹ sư đã sử dụng tổng cộng 13.000 tấn thép và 134.000 m3 bê tông. Giao lộ có 559 cột bê tông đỡ, trong đó cột cao nhất là 24 m.

    Khi khánh thành, lưu lượng xe trung bình chạy qua giao lộ Gravelly Hill là 40.000 xe/ngày. Con số tăng lên 140.000 xe vào năm 2002 và hơn 210.000 xe vào năm 2012. Theo Ủy ban Đường cao tốc Quốc gia, công trình được thiết kế để tồn tại 120 năm.

    Năm 2007, những tài xế đã từng đi qua giao lộ này còn bình chọn cho nó là nơi để ngắm nhìn quang cảnh nổi tiếng nhất trong giao thông đường bộ của Anh. John Lloyd, cựu Giám đốc Cty TNHH Mô tô Cướp biển, người đã chạy xe qua đây 12 lần/ngày từ khi nó được khánh thành cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng việc chạy xe qua một giao lộ lớn lại thú vị đến như vậy”.

    giao lo Gravelly Hill birmingham 4
    Việc xây dựng giao lộ của 6 tuyến đường này kéo dài đến 10 năm

    Thậm chí, người ta còn tổ chức các tour du lịch để giới thiệu khách đến khách tham quan về vẻ đẹp của giao lộ Spaghetti. Quản lý một công ty phục vụ dịch vụ đó, John Holmes cho biết, mỗi ngày họ tổ chức từ 5 đến 6 chuyến tham quan giao lộ với chi phí khoảng 10 bảng Anh cho 1 lần.

    Tuy nhiên, chính vì quy mô khổng lồ của công trình mà việc bảo trì nó cũng vô cùng vất vả. Đội bảo trì của giao lộ này mỗi ngày phải đi từ 12 đến 15 dặm để kiểm tra kết cấu và xử lý khoảng 20 vụ tai nạn mỗi tuần do các tài xế mất lái khi qua đường vòng và xoắn.

    giao lo Gravelly Hill birmingham 4
    Công việc bảo trì giao lộ vô cùng vất vả với việc đi bộ 12 đến 15 dặm mỗi ngày để kiểm tra kết cấu

    VnExpress (Theo Interesting Engineering)

  • Sương mù đã trở thành một phần không thể thiếu của London, tuy nhiên, không nhiều người biết về "Màn sương khói khổng lồ" (The Great Smog) năm 1952, đã cướp đi sinh mạng 12,000 người mà bí ẩn của nó chỉ được giải mã sau hơn 60 năm.

    MỘT SỰ KIỆN ĐẶC BIỆT

    Ngày 5/12/1952, khi thủ đô London chật kín người mua sắm chuẩn bị đón Giáng sinh và năm mới, màn sương khói dày đặc xuất hiện làm hạn chế tầm nhìn chỉ còn 10m. Ở khu vực Isle of Dogs, sương mù dày đặc đến nỗi người ta không thể nhìn thấy chân mình. Đặc biệt là khói mù có mùi kinh khủng, một số người mô tả mùi của nó giống như mùi trứng thối. Có thông tin khói độc ô nhiễm đến mức đã khiến những con bò chết ngạt trên cánh đồng.

    suong mu london 1952 1
    Màn sương khói khổng lồ năm 1952 đã gây ra nhiều tổn thất cho London (Nguồn: Historyofyesterday)

    Mọi người không quá chú ý vì nghĩ chỉ là thời tiết xấu và mùi hôi sẽ trôi qua nhanh. Nhưng không phải vậy, sáng 6/12, London thức dậy với bầu trời xanh ngắt, sương khói càng đậm và mùi còn kinh khủng hơn. Ngày 7/12, sương khói dày đặc, không khí trở nên nặng nề hơn, rất khó thở khi ở ngoài trời. Những người có vấn đề về phổi đã phải đến bệnh viện vì khó thở hoặc bị những cơn ho kéo dài.

    Đến ngày 9/12, sương khói bắt đầu phân tán nhanh chóng sau khi thời tiết thay đổi, nhưng đến thời điểm đó đã có hơn 150,000 người phải nhập viện và hơn 12,000 người đã tử vong do các biến chứng về sức khỏe. Không chuyên gia nào có thể xác định điều gì đã gây ra sương mù và chỉ suy đoán trong không khí có chất gì đó rất độc hại.

    suong mu london 1952 1
    Nguyên nhân màn khói chết chóc chỉ được giải mã sau hơn 60 năm (Nguồn: Historyofyesterday)

    NGUYÊN NHÂN HÉ LỘ SAU 60 NĂM

    Một loạt bài báo học thuật trong ngành y tế đã được đăng tải vào những năm 2000 mô tả chính xác nguyên nhân gây ra sương mù năm 1952 và những tác động của nó đến sức khỏe đối với những người bị di chứng và những người đã qua đời. 

    Điều đã xảy ra là một khối không khí lạnh khổng lồ từ phía Bắc đã xâm nhập bầu khí quyển London và kết hợp với tất cả các yếu tố như nhiệt lượng và khói, bụi từ số lượng lớn các ống khói đang hoạt động hết công suất trong tháng 12 (năm 1952), đã khiến khối không khí ô nhiễm này lưu lại trên mặt đất.

    Trong khi các loại than chất lượng cao được ưu tiên cho xuất khẩu để trả các khoản nợ trong Thế chiến II, sau chiến tranh, than sử dụng nội địa chủ yếu là loại chất lượng thấp, có nhiều muối (tương tự như than non) làm tăng lượng lưu huỳnh Dioxit trong khói. Ngoài ra còn có rất nhiều nhà máy nhiệt điện than ở khu vực Đại London, bao gồm Fulham, Battersea, Bankside, Greenwich và Kingston trên sông Thames, cũng làm tăng thêm ô nhiễm.

    Thời tiết vào tháng 11 và đầu tháng 12/1952 rất lạnh, tuyết rơi dày khắp vùng. Để giữ ấm, người dân London đã đốt một lượng lớn than trong nhà để sưởi. Trong điều kiện bình thường, khói sẽ bốc lên bầu khí quyển và phân tán nhưng do thời tiết, các quá trình vật lý và hóa học tạo ra sự đảo ngược. Hỗn hợp không khí khói bụi ngưng tụ bị đẩy xuống dưới, gần mặt đất, trong khi không khí ở gần mặt đất sẽ mát hơn không khí ở trên cao. Vì vậy, khi thoát ra khỏi ống khói, khói ấm đã bị mắc kẹt.

    Bên dưới sự đảo ngược của nghịch lưu, gió rất nhẹ khuấy động không khí bão hòa tạo thành một lớp sương mù dày 100-200m. Sự đảo ngược năm 1952 cũng giữ lại các hạt và khí thải ra từ các ống khói của nhà máy ở khu vực London, cùng với ô nhiễm do gió từ phía Đông mang lại từ vô số ống khói các khu công nghiệp. 

    Không những thế, ô nhiễm và khói từ khí thải của phương tiện giao thông, đặc biệt là từ đầu máy hơi nước và xe buýt chạy bằng nhiên liệu diesel đã thay thế hệ thống xe điện bị bỏ rơi. Các ngành công nghiệp khác và thương mại cũng góp phần gây ô nhiễm không khí.

    suong mu london 1952 1
    Để tránh lịch sử lặp lại, Anh đã áp dụng nhiều quy định mới để đảm bảo chất lượng không khí. Nguồn: wikipedia.org

    Các hợp chất sinh ra từ việc đốt than chất lượng thấp đã bị không khí lạnh biến thành axit sulfuric thông qua một quá trình được kích thích bởi azote dioxide, rất nguy hiểm nếu con người hít phải nó. Hàng ngàn vạn ống khói vẫn nhả khói vào bầu trời, những cột khói đen đặc, nồng độ bụi khói gấp 10 lần bình thường, nồng độ SO2 gấp 6 lần, Fe2O3 trong khói tác dụng với CO2 trong không khí tạo ra bọt H2SO4, ngưng đọng trong bụi khói thành những đám axit.

    Toàn bộ quá trình này khiến không khí ở London trở nên rất độc hại và những người không đeo khẩu trang ngoài trời hoặc có vấn đề về phổi sẽ bị chết mà không hề hay biết. Phải mất hơn 60 năm khoa học mới gỡ rối thành công mớ hỗn độn này.

    BÀI HỌC KHÔNG BAO GIỜ CŨ

    Trong suốt thời gian xảy ra sương mù, một lượng lớn tạp chất đã được giải phóng vào bầu khí quyển. Mỗi ngày trong thời kỳ sương mù, các chất ô nhiễm sau đã được thải ra gồm khoảng 1,000 tấn hạt khói, 2,000 tấn carbon dioxide, 140 tấn axit clohydric và 14 tấn hợp chất flo. 

    Có lẽ nguy hiểm nhất là 370 tấn sulfur dioxide chuyển đổi thành 800 tấn axit sulfuric. Sương mù cuối cùng đã gây ra thiệt hại nặng nề về người, chưa kể nhiều người bị các vấn đề về hô hấp và giao thông bị gián đoạn trong nhiều ngày.

    Màn sương khói khổng lồ được coi là sự kiện ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong lịch sử Vương quốc Anh, có tác động lớn nhất trong nghiên cứu môi trường và nâng cao nhận thức của công chúng về mối quan hệ giữa chất lượng không khí và sức khỏe. 

    Để tránh lịch sử lặp lại, Anh đã áp dụng một số thay đổi bao gồm Đạo luật Không khí sạch 1956 và 1968, sử dụng rộng rãi hệ thống sưởi trung tâm và chuyển sang sử dụng nhiên liệu không khói... Tuy vậy, vào năm 1962, sương mù độc đã cướp đi sinh mạng của 750 cư dân London, dù quy mô thiệt hại kém xa "Màn sương khói khổng lồ năm 1952".

    Theo Soha

  • bieu tuong su tu anh 1
    Ảnh: Pinterest

    Chắc hẳn bạn cũng đã từng bắt gặp hình ảnh, bức tượng sư tử khắp nơi trong những chuyến du lịch Châu Âu hay những hình ảnh thông qua phim và báo chí tại các nước này. Có phải là vì người châu Âu yêu quý loài động vật này hay vì một lý do nào khác.

    Biểu tượng Sư tử – đặc trưng của Châu Âu

    Có thể bạn chưa biết, trong số 50 quốc gia châu Âu ngày nay thì đã có 17 quốc gia sử dụng sư tử như một phần biểu tượng quốc gia theo nhiều phong cách khác nhau. Nhiều nhất là nước Bỉ với 13 con sư tử trên quốc huy, xếp sau là các nước như Bungaria, Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan. Không chỉ vậy, sư tử còn nằm trên trang bìa hộ chiếu nước Anh.

    bieu tuong su tu anh 1
    Quốc huy của Bỉ có 13 con sư tử. Ảnh: Wikipedia.

    bieu tuong su tu anh 1
    Hình tượng Sư tử trên bìa hộ chiếu Anh. Ảnh: Unsplash.

    Một số nơi khác như Latvia, Luxembourg, Montenegro, Hà Lan, Na Uy, Romania, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Vương quốc Anh thì sư tử cũng chiếm phần nhiều spot-light đứng canh cổng ở các tòa nhà chính phủ lớn hoặc các cung điện nguy nga.

    Ở những nơi này thì sư tử thường được thể hiện cực kì tinh tế trong tư thế ngậm giữ tay nắm cửa hoặc ngậm chuông cửa. Đầu sư tử thậm chí còn được điêu khắc phía trên các ô cửa và dọc theo các cạnh của tòa nhà để tăng lên nét uy nghiêm cho các công trình kiến trúc.

    Theo một số thông tin, truyền thống này đã tồn tại từ 1600 năm trước Công Nguyên, thời điểm tồn tại một nền văn minh Hy Lạp cổ đại được gọi là Mycenae, đây được coi là nhóm người cổ xưa nhất từng được biết đến vì đã để lại các di vật ở rải rác khắp châu Âu và tượng đài cổ nhất còn sót lại của họ được gọi là ‘cổng sư tử’.

    bieu tuong su tu anh 1
    Cổng sư tử Mycenae. Ảnh: Greece Travel Ideas.

    Cùng chiêm ngưỡng công trình điêu khắc hơn ba nghìn năm tuổi này, chúng ta thấy được hình ảnh hai con sư tử trên cùng một cổng vào, điều này khẳng định mức độ phổ biến của nó dọc suốt bề dày nghệ thuật, kiến trúc Châu Âu thời cổ đại và giá trị lịch sử mà hình tượng sư tử đem lại.

    bieu tuong su tu anh 1
    Tượng đài Sư tử, Lion Monument – Lucerne – Thụy Sỹ.

    bieu tuong su tu anh 1
    Tượng Sư tử Belfort ở Paris.

    Theo dòng thời gian, hình tượng sư tử không hề bị lãng quên mà còn trở thành biểu tượng lịch sử. Ngoài ra, ngày nay hình tượng sư tử còn được sử dụng làm biểu tượng thương hiệu cho các công ty trên khắp Châu Âu như hãng xe Peugeot, ngân hàng ING, hãng bia lowenbrau,..

    bieu tuong su tu anh 1
    Logo sư tử của hãng xe Peugeot.

    Và cho dù có trải qua bao nhiêu thời gian đi nữa thì chúng sẽ vẫn là một phần đặc trưng của châu lục này trong nhiều năm tới.

    Vì sao Sư Tử là biểu tượng của nhiều nước Châu Âu?

    Nhưng điều thú vị tôi muốn đề cập đến trong bài viết này đó là mặc dù lấy Sư tử làm biểu tượng nhưng trong số hơn 50 quốc gia ở châu Âu, chưa từng ghi nhận sự xuất hiện của loài sư tử trong tự nhiên, chúng hầu như là không sinh sống ở đây từ thời tiền sử cho đến tận ngày nay.

    Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả những đàn sư tử còn sống sót đến ngày nay được tìm thấy hoàn toàn ở châu Phi. Tuy nhiên có một điều khó lý giải là loài động vật quá đỗi xa lạ này lại xuất hiện trên một số hình ảnh quan trọng như quốc huy và quốc kì của một số quốc gia Châu Âu.

    Vậy tại sao hình ảnh của những con sư tử Châu Phi lại xuất hiện trên khắp Châu Âu như vậy? Câu hỏi này thực sự có đến hai câu trả lời, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé.

    Châu Âu đã từng có Sư tử sinh sống trong tự nhiên

    Đầu tiên, là việc châu Âu không có sư tử bản địa thì ngày nay những khảo sát cổ học cho thấy điều này không hoàn toàn đúng nữa. Trên thực tế, ít nhất hai loài sư tử đã từng sống trên phạm vi lãnh thổ châu Âu cùng thời điểm với sự xuất hiện của con người tại đây.

    bieu tuong su tu anh 1
    Ảnh: Getty.

    Loài “Panthera Leo” là loài sư tử châu Phi hiện đại được chứng minh đã từng sống xung quanh phía tây và nam châu Âu, lãnh thổ của chúng còn được phát hiện nới rộng ra toàn bộ châu Phi và tiến sâu sang Châu Á đến tận mũi phía nam của Ấn Độ.

    bieu tuong su tu anh 1
    Sư tử châu Âu Panthera Leo. Ảnh Wikipedia.

    Ngoài “Panthera Leo”, cũng có một loài sư tử tên là “Panthera spelaea” được mệnh danh là sư tử hang động Âu-Á, chúng được ví như phiên bản mùa đông của sư tử thường, tương tự như cách chúng ta có thể coi voi ma mút là phiên bản thời tiết mùa đông của loài voi thông thường ngày nay.

    bieu tuong su tu anh 1
    Sư tử châu Âu Panthera spelaea. Ảnh Wikipedia.

    Những con sư tử này không có bờm quanh cổ và có kích thước lớn hơn 10% so với loài sư tử hiện tại cùng với lớp lông tơ dày đặc, những con sư tử này có khả năng di cư khắp lục địa Á-Âu ngay cả trong kỉ băng hà và thời tiết lạnh giá khắc nghiệt nhất dọc từ châu Âu đến Nga, thậm chí chúng có thể vượt qua rìa của châu lục này nhờ vào băng tuyết và lấn sang châu Mỹ.

    Điều này lý giải tại sao ở các địa điểm như Lascaux của nước Pháp, có thể tìm thấy những bức tranh vẽ bằng gậy rất cổ xưa nhưng được bảo quản cực kì tốt, chúng thể hiện hình ảnh của sư tử bên cạnh những con vật phổ biến hơn như nai, tê giác, ngựa, heo rừng và những bức tranh này có tuổi đời 17.000 năm trước. Đây được xem như là bằng chứng về sự tương tác giữa con người với sư tử ở châu Âu.

    Thậm chí người ta còn tìm thấy một bức chạm khắc bằng ngà voi ở Đức mô tả đầu sư tử gắn trên cơ thể người. Tượng điêu khắc này được tính toán tuổi đời ít nhất là 35.000 năm trước, gần giống với thời kì sơ khai của con người khi bắt đầu sinh sống ở châu Âu.

    Hình tượng thân người đầu sư tử cổ xưa về mặt nhân loại học đến nỗi nó thực sự được coi là một phiên bản gốc để đánh dấu sự ra đời của nghệ thuật điêu khắc hình dạng động vật. Đây là một sinh vật nửa sư tử nửa người đến từ châu Âu, điều này có nghĩa là sư tử không chỉ hiện diện mà đã từng rất phổ biến trên khắp lục địa giống hệt như ở châu Phi ngày nay.

    Tuy nhiên, loài này được cho là bắt đầu tuyệt chủng ở châu Âu khoảng 14.000 năm trước ngay khi con người bắt đầu tái nhập vào châu Âu sau lần cực đại băng hà cuối cùng.

    Cùng chung số phận như các loài động vật lớn khác như voi ma mút hay hổ răng kiếm, tất cả đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khí hậu thay đổi và sự xâm lấn của con người, “Panthera spelaea” đã không thể tồn tại được nữa. Trái lại, loài sư tử hiện đại “Panthera Leo” đã thích nghi hơn với khí hậu ấm áp và phần lãnh thổ của “Panthera Leo” ở đây cũng bị hạn chế phần lớn là do sự hiện diện của con người.

    Nhưng đến khoảng 1 năm đầu tiên sau Công Nguyên, người ta vẫn tìm thấy dấu tích của sư tử ở Nam và Tây châu Âu. Và đây chính là nơi chúng ta tìm ra nguyên nhân thứ hai để lý giải vì sao hình ảnh sư tử ngày nay rất phổ biến trên toàn châu Âu.

    Sư tử: biểu tượng sức mạnh và quyền lực của đế chế La Mã

    Trong khi người Hy Lạp và những bộ lạc cổ xưa khác chắc chắn đã tạo ra hình ảnh sư tử ở những nơi có thể tìm thấy chúng, thì người La Mã mô tả sư tử qua những câu chuyện ngụ ngôn và sự tích. Họ đã sử dụng hình ảnh con vật này như một biểu tượng của sức mạnh và quyền lực, họ đặt chúng trước các cung điện và trong không gian công cộng để gây ấn tượng với những vị khách đến thăm khi nhìn thấy chúng.

    bieu tuong su tu anh 1
    Ảnh: Tepapa.

    Và như một quy luật tất yếu, người La Mã cũng bắt đầu tìm kiếm sư tử từ các vùng nằm trong sự cai trị dưới để chế khổng lồ lúc bấy giờ của họ và mang chúng đến thành Rome. Đó là những con sư tử được đem vể từ Hy Lạp được sử dụng trong các đấu trường để giao đấu với các đấu sĩ của họ, trong khi những con khác mang về từ các vùng lãnh thổ phía bắc châu Phi dùng để để chiến đấu với một hoặc nhiều con chó khác cho đến chết chỉ với mục đích giải trí.

    bieu tuong su tu anh 1
    Ảnh: Wikipedia.

    Theo đó, đế chế La Mã đã truyền bá biểu tượng sư tử của họ như một sự bành trướng quyền lực mặc dù loài vật này chỉ tồn tại thưa thớt ở một vài nơi trong lãnh thổ của họ. Hình ảnh sư tử dần trở nên phổ biến ở bất cứ nơi nào người La Mã đặt chân lên, kể cả những nơi không thực sự tồn tại sư tử.

    Sau đó, khi các bộ lạc người ở châu Âu phát triển “Panthera Leo” tiếp tục bị tuyệt chủng ở những khu vực còn sót lại, cụ thể là chúng đã xuất hiện lần cuối cùng ở Bungari vào năm 400 trước công nguyên và ở Hy Lạp vào những năm 300 sau Công Nguyên.

    Ngày nay, điều duy nhất còn sót lại của những con sư tử ở Châu Âu thời cổ đại đó là một biểu tượng của sức manh, quyền lực và lòng trung thành được tạo ra bởi người La Mã. Mặc dù thực tế là chủng loài này đã bị tiêu diệt hoàn toàn tại lục địa.

    bieu tuong su tu anh 1
    Ảnh: Fineartamerica.

    Cho dù vậy thì Di sản của sư tử châu Âu vẫn còn in đậm dấu ấn trên các bờ tường, quốc huy và quốc kì của châu lục xinh đẹp này như một lời nhắc nhở rằng chỉ một thứ có thể thay thế loài sinh vật mạnh mẽ này là chính loài người chúng ta. Và đây cũng như một kinh nghiệm qua hàng ngàn năm mà con người vẫn đang chật vật để đúc kết trong việc giữ gìn sự đa dạng loài trong thiên nhiên và bảo tồn các loài động vật hoang dã.

    Với bài viết này, tôi hy vọng đã mang đến cho bạn những thông tin về biểu tượng sư tử này. Nếu bạn có dịp đến châu Âu, bạn hãy nhớ ghi lại những khoảnh khắc đẹp với các bức tượng hoặc ảnh sư tử nhé.

    Bài viết được Menback tổng hợp từ video “Tại sao hình tượng Sư tử có ở khắp Châu Âu?” trên kênh PSMH. Các bạn hãy xem video dưới đây để ủng hộ kênh và tác giả nhé.

    Theo Menback

  • Dài hơn 4.500 km, đường hầm ngầm xây dựng cách đây 12.000 năm này nối từ Scotland đến tận Thổ Nhĩ Kỳ.

    Cách đây 12.000 năm, người cổ xưa đã biết xây dựng một đường hầm ngầm xuyên lục địa, kéo dài từ châu Âu (Scotland) sang tận lục địa Âu-Á (Thổ Nhĩ Kỳ), bằng một kỹ thuật khiến nhiều học giả hiện đại vô cùng ngạc nhiên.

    Không ai biết tại sao và làm thế nào đường hầm ngầm dài hơn 4.533 km này được xây dựng "thần kỳ" như vậy.

    Mục đích của những đường hầm trải khắp châu Âu này là gì? Phải chăng, người cổ đại xây để thực hiện các nghi thức tôn giáo? Hay nó là nơi trú ẩn an toàn trước những loài săn mồi dữ tợn? Hay đường hầm xuyên lục địa này là nơi để bảo vệ họ trước thảm họa toàn cầu nào đó?

    Để trả lời cho những nghi vấn này, nhóm các nhà khảo cổ học từ các nước châu Âu lên đường khám phá đường hầm kỳ lạ.

    duong ham xuyen luc dia chau au 1
    Hàng nghìn đường hầm ngầm dưới đất đến nay vẫn còn nhiều ẩn số với các nhà khoa học. Ảnh: Ancient-code

    Cách giải thích thứ nhất

    Tiến sĩ khảo cổ học người Đức Heinrich Kush (thuộc trường Đại học Karl-Franzen, Áo) tin rằng, hệ thống đường hầm ngầm dài hơn 4.533 km này được người xưa xây dựng để giúp họ đi lại, giao thương với người dân các nước châu Âu, giống như đường cao tốc thời chúng ta vậy.

    Trong cuốn sách "Secrets Of The Underground Door To An Ancient World " (Tạm dịch: "Bí mật của cánh cửa dẫn đến thế giới cổ xưa"), tiến sĩ Heinrich Kush cung cấp bằng chứng cho thấy hệ thống đường hầm ngầm được xây dựng ở rất nhiều nơi khắp châu Âu.

    "Có hàng nghìn đường hầm ngầm "khủng" như thế trải khắp châu Âu, từ miền bắc của Scotland đến tận Địa Trung Hải xa xôi. Trên đoạn đường dài hàng nghìn km ấy, có rất nhiều các trạm dừng chân, phòng nhỏ, phục vụ cho việc nghỉ ngơi giữa hành trình.", ông Heinrich Kush nói.

    duong ham xuyen luc dia chau au 1
    Hình ảnh các nhà khảo cổ học khám phá đường hầm ngầm bí ẩn. Nguồn: Ancient-code.

    Các nhà khoa học còn phát hiện điều khó tin rằng, những người thực hiện các công trình này còn biết cách xây đường hầm theo kỹ thuật zig-zag, giúp đường hầm có khả năng chịu được trọng lực lớn. Những đường hầm xây theo kỹ thuật này được tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Hungary, Anh, Bosnia.

    Điều khiến tiến sĩ ngạc nhiên là, những đường hầm hàng chục nghìn năm tuổi này vẫn tồn tại đến tận ngày nay. Rất nhiều trong số chúng còn ẩn chứa nhiều bí mật hấp dẫn giới khảo cổ châu Âu.

    Cách giải thích thứ hai

    Một số chuyên gia lại có cách lập luận khác về hệ thống đường hầm dài hơn 4.533 km xuyên lục địa của người xưa.

    Họ cho rằng, rất có thể, cách đây hàng chục nghìn năm, người xưa phải đối mặt với những nguy hiểm to lớn ở thế giới bên ngoài. Do đó, việc xây dựng đường hầm là cách họ tự bảo vệ mình, và dùng đường hầm này để di trú đến nơi an toàn hơn.

    Không chỉ có mặt ở châu Âu, hệ thống đường hầm ngầm bí ẩn còn được giới khảo cổ tìm thấy trên toàn thế giới. Riêng đối với công trình đường hầm ngầm dài 4.533 mét, giới khoa học vẫn chưa giải thích được tại sao các công trình này gần như còn nguyên vẹn mặc cho sức tàn phá khốc liệt của thời gian hàng chục nghìn năm.

    Đó là lý do, cho đến nay, chưa có bất cứ giải thích nào làm thỏa mãn các nhà khảo cổ châu Âu khi đề cập đến hệ thống đường hầm ngầm "khủng" ở châu Âu, và xuyên lục địa Âu-Á.

    Mặc dù có nhiều giải thích khác nhau về ý nghĩa của những công trình cổ đại với kỹ thuật tiên tiến, đáng ngạc nhiên này, song các nhà khảo cổ học phải công nhận một điều: Hàng chục nghìn năm trước, khi con người thời đó không chỉ có săn bắt và hái lượm là chủ yếu, họ còn có khả năng xây dựng những công trình khổng lồ, đòi hỏi kỹ thuật đáng ngạc nhiên nhằm mục đích riêng biệt.

    Quần thể đại kim tự tháp Giza (ở Ai Cập), bãi đá Stonehenge (Anh), thành phố kim tự tháp Teotihuacan (Mexico) đến công trình hầm ngầm dài 4.533 km đều là minh chứng cho kỹ thuật xây dựng khiến khoa học vừa ngạc nhiên vừa "điên đầu" giải mã.

    Soha (Nguồn: Ancient-code)

  • vien kim cuong koh i noor 1

    Viên kim cương Koh-i-Noor là một nỗi kinh hoàng thực sự, khi hầu như bất kì ai chạm vào nó đều có kết cục thảm khốc.

    Koh-i-Noor (tiếng Ba Tư nghĩa là: Núi ánh sáng) khi chưa được mài giũa có trọng lượng 793 carat. Viên kim cương này đã chứng kiến sự xâm chiếm và sụp đổ của đế quốc Anh ở tiểu lục địa Ấn Độ.

    Nhà sử học Anh William Dalrymple, đồng tác giả cuốn sách "Kohinoor: Câu chuyện về viên kim cương ô nhục nhất thế giới", đã nói:

    "Đó là một câu chuyện bạo lực đến khó tin. Hầu như tất cả những người từng sở hữu nó hoặc chạm vào nó đều đi đến một kết cục khủng khiếp".

    vien kim cuong koh i noor 1
    Viên kim cương Koh-i-Noor.

    Những nạn nhân bị ngộ độc, bị tra tấn dã man, có người bị đập đầu bằng gạch, một người mù vì cây kim nóng. Một sự kiện khủng khiếp khác là người ta đã đổ chì nóng chảy lên vương miện của một hoàng tử Ba Tư, để ép anh ta khai ra vị trí của viên kim cương.

    Các sử gia cho rằng viên kim cương được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ dưới vương triều Mughal. Ngày nay, nó được gắn trên vương miện của hoàng thái hậu Anh, đang được trưng bày ở Tháp Luân Đôn.

    Vụ việc đầu tiên liên quan đến Koh-i-Noor xảy ra vào khoảng năm 1750, sau khi vua Ba Tư là Nader Shah xâm lược thủ đô Delhi của vương triều Mughal. Ông vua này đã cướp phá thành phố, lấy đi những kho báu huyền thoại như Peacock Throne, trong đó có viên kim cương Koh-i-Noor.

    vien kim cuong koh i noor 1

    Peacock Throne là một cái ngai vàng, món đồ nội thất xa hoa nhất từng được làm ra. Nó giá trị gấp bốn lần ngôi đền Tal Mahal và được tạo nên từ những viên đá quý tốt hơn mà vương triều Mughal đã thu thập trên khắp Ấn Độ.

    Bản thân viên kim cương Koh-i-Noor không quá nổi bật vào thời đó, vì những người thuộc vương triều Mughal ưa thích những viên đá quý màu sắc như hồng ngọc hơn loại trong suốt. Nó chỉ thực sự nổi tiếng sau khi bị người Anh chiếm lấy.

    Sử gia William Dalrymple nhận xét: " Người ta biết đến Koh-i-Noor chỉ vì người Anh tạo ra rất nhiều phiền phức xung quanh nó".

    Sau khi giành được độc lập năm 1947, Ấn Độ đã cố gắng trong vô vọng để lấy lại viên kim cương. Koh-i-Noor là chủ đề thường xuyên được nhắc đến khi quan chức hai nước gặp nhau.

    Iran, Pakistan, thậm chí cả tổ chức Taliban ở Afghanistan cũng tuyên bố quyền sở hữu với viên kim cương, biến nó thành một rắc rối ngoại giao cho chính phủ Anh.

    Trong những thế kỷ sau sự sụp đổ của vương triều Mughal, Koh-i-Noor đã được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như đồ chặn giấy của một học giả tôn giáo Đạo Hồi, hay gắn liền với chiếc băng đeo tay lấp lánh của một vị vua Sikh.

    vien kim cuong koh i noor 1

    Viên kim cương sang tay người Anh vào giữa thế kỷ XIX, khi Anh giành kiểm quyền kiểm soát vương quốc của người Sikh ở Punjab, hiện vùng đất này bị chia giữa Ấn Độ và Pakistan.

    Vua Sikh là Ranjit Singh đã giành được Koh-i-Noor từ một nhà lãnh đạo người Afghanistan, khi ông này đến Ấn Độ xin trú ẩn. Sau khi Ranji Singh qua đời năm 1839, chiến tranh giữa người Sikh và Anh nổ ra.

    Người thừa kế của vua Ranjit, lúc đó mới 10 tuổi, đã giao viên kim cương cho người Anh như một phần của hiệp ước hòa bình chấm dứt chiến tranh. Sau đó, nó được trưng bày tại Đại Triển lãm Luân Đôn năm 1851 và lập tức nổi tiếng.

    Với người Anh dưới thời đại Victoria, Koh-i-Noor trở thành biểu tượng cua sự chinh phục thuộc địa Ấn Độ. Kể từ khi nữ hoàng Victoria qua đời năm 1901, không có vị vua nước Anh nào mang viên kim cương được cho là bị nguyền rủa này.

    Viên kim cương sau đó được gắn lên vương miện của hoàng hậu Alexandra, hoàng hậu Mary trước khi chuyển sang vương miện của hoàng thái hậu Elizabeth, tức là mẹ của nữ hoàng Elizabeth II.

    Lần cuối cùng viên kim cương Koh-i-Noor ra khỏi lồng kính ở Tháp Luân Đôn là trong đám tang của hoàng thái hậu Elizabeth năm 2002, khi đó nó được đặt lên quan tài của bà.

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Phơi quần áo vào ban đêm dường như là một việc hết sức bình thường, nhưng điều này lại bị cấm ở khu Beverley.

    Cư dân ở khu Westwood Park, Beverley bị cấm phơi phóng quần áo ở ngoài trời vào ban đêm và lệnh cấm này được nêu rõ trong giao kèo. Và đây chỉ là một trong những luật lệ kỳ lạ đang được áp dụng ở nhiều vùng trên khắp nước Anh. Bạn đã vi phạm bao nhiêu trong số những luật lệ sau đây.

    cam phoi quan ao

    1. Bật chuông chống trộm

    Đạo luật Vệ sinh Môi trường và Khu dân cư 2005 quy định bật chuông chống trộm và rời khỏi nhà nếu không giao chìa khóa cho một người khác để có thể vào tắt chuông chống trộm là bất hợp pháp. Vì thế, nếu bạn quên không gửi chìa khóa cho một người hàng xóm, bạn có thể phải đứng trước vành móng ngựa cùng với tên trộm.

    2. Hỏi mượn người lạ tiền lẻ để trả phí đỗ xe

    Chúng ta đều làm vậy cả - đỗ xe xong rồi phát hiện ra không mang theo đủ tiền lẻ để mua vé. Nhưng hỏi mượn tiền một người lạ vẫn được xếp vào hành vi ăn xin theo đạo luật về người lang thang ra đời năm 1824 và vi phạm luật này đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đi cải tạo trong vòng một tháng.

    3. Hóa trang thành một người lính

    Theo đạo luật 1906 về những hành vi sai trái của thủy thủ và binh lính, hành vi cải trang thành một thành viên của lực lượng vũ trang là vi phạm pháp luật. Vì thế, hóa trang thành sỹ quan trong một bữa tiệc có thể khiến bạn đối mặt ba tháng tù giam.

    4. Uống say trong quán rượu

    Theo điều 12, đạo luật 1872 về buôn bán bia rượu, “bất cứ ai bị tìm thấy trong tình trạng say rượu trên đường cao tốc hoặc các địa điểm công cộng khác, dù có công trình xây dựng hay không, hoặc ở bất cứ địa điểm kinh doanh rượu bia nào” cũng sẽ bị phạt 200 bảng. Vì thế, dù muốn hay không, bạn cũng sẽ phạm pháp nếu uống say trong quán rượu.

    5. Mang các loại đồ tự chế về nhà

    Theo điều 54 đạo luật cảnh sát đô thị 1839, “đẩy hay mang vác bất cứ loại thùng tôn, bồn, thùng gỗ, hoặc bánh xe, hoặc các loại thang, ván, cột, bảng hiệu, tranh cổ động, trên bất cứ lối đi hoặc lối qua đường nào, trừ mục đích dỡ hoặc chất hàng lên xe kéo,” đều là phạm luật. Vì thế, mang ít gỗ hay thang từ B&Q về có thể khiến bạn bị phạt 500 bảng.

    6. Mang xách cá hồi trong hoàn cảnh đáng ngờ

    Theo điều 32 đạo luật về cá hồi năm 1986, hành vi mang xách cá hồi trong hoàn cảnh đáng ngờ là vi phạm pháp luật. Những kẻ câu trộm, hãy cẩn thận. 

    7. Gõ cửa rồi chạy trốn

    Đạo luật cảnh sát đô thị 1854 quy định hành vi “cố ý trêu đùa và làm phiền nơi có dân cư cư trú bằng cách kéo hoặc rung chuông cửa hoặc gõ cửa mà không có lý do hợp lý” là phạm pháp. Vì thế, những đứa trẻ nghịch ngợm có thể bị phạt đến 500 bảng.

    8. Mang khoai tây Ba Lan đến Anh

    Điều luật về khoai tây Ba Lan 2004 nêu rõ việc “nhập khẩu vào Anh loại khoai tây mà người nhập biết rõ hoặc có lý do nghi ngờ là khoai tây Ba Lan” là việc làm phạm pháp. Điều luật này ra đời sau khi xuất hiện hiện tượng khoai tây bị sâu và thối tại nhiều trang trại khoai tây ở Ba Lan.

    9. Chơi bóng đá trên đường phố

    Đạo luật cảnh sát đô thị 1839 quy định việc “thả diều hoặc chơi bất cứ trò chơi nào gây phiền toái đến cư dân hoặc người qua đường trên phố” là hành vi trái pháp luật. Vì thế, trẻ em chơi bóng đá ngoài đường có thể bị phạt 500 bảng.

    10. Không mang theo túi đựng phân chó dự trữ

    Hội đồng Daventry, Northamptonshire, quy định mức phạt lên đến 100 bảng cho những người dẫn chó đi dạo mà không mang theo túi đựng phân chó. Điều đó có nghĩa, nếu họ đã dùng hết một túi, họ vẫn sẽ bị phạt nếu bị bắt gặp không mang theo thêm một chiếc dự phòng.

    11. Tham gia chuyện phiếm

    Các nhân viên ở hội đồng thành phố Carlisle bị cấm nói chuyện về bất cứ đề tài gì khác ngoài công việc. Một bức email gửi tới 31 nhân viên vào năm 2011 cảnh báo họ “cần nhận thức rõ lý do họ đang ở đây, đó là để làm việc chứ không phải coi văn phòng là nơi cắm trại nghỉ ngơi”.

    12. Làm sạch thảm trải trước cửa

    Theo điều 60 của đạo luật cảnh sát đô thị 1839, đập thảm trải cửa lên đường phố sau 8 giờ sáng là vi phạm pháp luật. Đập thảm vào bất cứ thời điểm nào trong ngày đồng nghĩa với 500 bảng tiền phạt.

    VietHome (Theo News Republics)

  • Đằng sau vẻ hào nhoáng, thủ đô London (Anh) ẩn chứa nhiều sự thật đáng sợ mà chắc hẳn ít người biết đến.

    nhung su that it biet ve thu do london1

    Ở cửa sông Thames, bạn sẽ nhìn thấy xác con tàu Mỹ USS Richard Montgomery dài 134 mét. Được biết, con tàu chở 1.440 tấn bom đạn đã bị "mắc kẹt" ở đây năm 1944. Các chuyên gia không biết liệu con tàu này có phát nổ hay không hoặc khi nào nó sẽ phát nổ. Đây là một trong những sự thật ít biết về thủ đô London.

    nhung su that it biet ve thu do london2

    Vào thập niên 1960, sông Thames ở thủ đô London bị ô nhiễm nặng đến mức nhiều loài sinh vật trú ngụ trong thành phố được cho là đã bị tuyệt chủng, trong đó có loài cá mút đá hút máu. Tuy nhiên, năm 2009, xác một con cá mút đá bất ngờ được phát hiện. Điều này có thể cho thấy những con cá mút đá vẫn “ẩn mình” ở sông 

    nhung su that it biet ve thu do london3

    Vào mùa hè năm 1858, cả trung thâm thủ đô London chìm trong mùi hôi thối do chất thải của con người không qua xử lý đổ vào sông Thames. Sự kiện đó còn được gọi là “The Great Stink”.

    nhung su that it biet ve thu do london4

    Năm 1976, một con dao găm của Đức Quốc xã từ Thế chiến II được tìm thấy ở sông Thames, thủ đô London. Loại vũ khí này gợi nhớ đến cuộc chiến tranh khốc liệt hàng chục năm trước. Vào đầu những năm 1940, Đức Quốc xã oanh kích thành phố London và nhiều địa điểm khác ở nước Anh trong nhiều ngày liên tiếp. 

    nhung su that it biet ve thu do london5

    Tháp London được xây dựng vào thế kỷ 11. Khi đó, đây là nơi giam giữ nhiều tù nhân như Anne Boleyn, King John Balliol, hay Guy Fawkes. Được biết, trong tháp này có nhiều bức graffiti do các tù nhân từng bị tra tấn viết. “Chết còn tốt hơn là sống”, tù nhân William Rane viết vào năm 1559. 

    nhung su that it biet ve thu do london6

    Các băng đảng ở khu East End của London “nổi tiếng” vào những năm 1960 về sự tàn bạo. Khu rừng Epping ở phía đông bắc thành phố là nơi các băng đảng tội phạm “xử lý” nạn nhân. Không ai biết chính xác bao nhiêu thi thể đã được chôn trong khu rừng này. 

    nhung su that it biet ve thu do london7

    Nhiều người tin rằng ga tàu điện ngầm British Museum bỏ hoang ở thủ đô London bị ma ám từ những năm 1930. 

    nhung su that it biet ve thu do london8

    Vào giữa thế kỷ 17, London bị dịch hạch hoành hành. Chỉ trong hai năm, 15% dân số ở thủ đô của nước Anh chết vì bệnh dịch này. Thi thể được chôn cất tập thể khắp London. 

    Bài liên quan: Bí ẩn "Cái chết đen": Hai ngôi sao chổi xuất hiện trên bầu trời London mở màn cho thảm kịch của toàn nhân loại

    cai chet den 1

    Năm 1347, "Cái chết đen" đã cướp đi sinh mạng của 200 triệu người, giết chết 60% dân số châu Âu và 33% dân số nước Anh. 10 năm sau, "thần chết" tiếp tục quay trở lại…

    Khi nền văn minh nhân loại phát triển và dân số bùng nổ theo từng ngày cũng là lúc môi trường xuống cấp. Từ vệ sinh nhà cửa, cách ăn uống của con người cũng không còn "trong lành" như xưa.

    Những động vật dễ gây bệnh như chuột, rơi, chấy rận...sinh sôi nảy nở, sống chung với con người. Cùng với sự giao thương mở cửa giữa các quốc gia đã mở lối cho hàng loạt dịch bệnh khủng khiếp ra đời. Trong đó có dịch hạch – "Cái chết đen" của nhân loại.

    Sự xuất hiện kỳ bí của hai ngôi sao chổi

    Nghị sĩ Samuel Pepys, một lãnh đạo của Hải quân Anh đồng thời là thành viên Quốc hội nổi tiếng thế giới bởi những cuốn nhật ký của mình.

    cai chet den 1
    Cuốn nhật ký của Samuel Pepys được xem là tư liệu lịch sử quý giá về dịch hạch.

    Ông từng ghi chép lại tỉ mỉ 3 sự kiện quan trọng bậc nhất lịch sử nước Anh đó là dịch hạch năm 1665 – 1666; Đại hỏa hoạn năm 1666 và chiến tranh Anh – Hà Lan giai đoạn 1665 – 1667.

    Trong cuốn nhật ký, ông từng nhắc đến hai ngôi sao chổi xuất hiện trên bầu trời London. Một ngôi sao chổi hiện vào cuối năm 1664 và một xuất hiện vào đầu năm 1665. Thời bấy giờ, các nhà chiêm tinh học đã cho rằng đó là dấu hiệu của ma quỷ sắp giáng xuống nước Anh. Song, ít ai hiểu được rằng, đó không phải là ma quỷ mà là "thần chết" mang tên dịch hạch đang chuẩn bị tới cướp đi mạng sống của không chỉ người dân Anh mà còn của cả Châu Âu.

    Nguồn gốc về "Cái chết đen"

    3 trong số những đại dịch chết chóc nhất đều được ghi nhận từ một loại vi khuẩn gây ra- Yersinia pestis hay còn gọi là vi khuẩn dịch hạch.

    Bệnh dịch hạch xảy ra đầu tiên được cho vào thời kỳ 541 sau Công nguyên tại Constantinople, thủ đô của Đế chế Byzantine (Ai Cập). Sau đó, bệnh dịch đã lan rộng khắp Châu Âu, Châu Á, Bắc Phi và Arab, giết chết ước tính từ 30 đến 50 triệu người, khoảng một nửa dân số thời điểm đó.

    800 năm sau, dịch bệnh này đã quay trở lại và khiến châu Âu điêu đứng trong "Cái chết đen" (Black Death). Cụ thể, tháng 10/1347, khi 12 con tàu từ Biển Đen cập cảng Messina của Sicilia, người dân có mặt lúc đó đã gặp phải một điều kinh hoàng. Hầu hết các thủy thủ trên những con tàu này đã chết, những người còn sống thì cũng đang bị bệnh nặng, toàn thân bao phủ bởi những nhọt đen rỉ máu và mủ.

    Chính quyền Sicilia đã nhanh chóng đưa hạm đội "tàu tử thần" ra khỏi cảng, nhưng đã quá muộn. Dịch hạch đã lan tỏa nhanh chóng, cướp đi sinh mạng của 200 triệu người, tương đương 60% dân số Châu Âu và 33% dân số nước Anh.

    Theo một số ý kiến, chấy và bọ chét được cho là vật mang vi khuẩn dịch hạch Yersinia Pestis ở sóc, thỏ, chuột và gà...Sau khi làm số lượng lớn động vật gặm nhấm chết đi, bọ chét và chấy sẽ mang theo vi khuẩn đi tìm vật trung gian mới, đó chính là con người.

    cai chet den 1
    Tranh mô tả dịch hạch. Ảnh: Getty Images

    Khi "không còn ai để lây nhiễm", người ta tưởng rằng dịch bệnh cũng sẽ theo đó mà "chết" đi. Song, 10 năm sau, từ năm 1348 - 1665 với 40 đợt bùng phát trong vòng 300 năm ở London. Mỗi đợt bùng phát, 20% đàn ông, phụ nữ và trẻ em lại tử vong vì mắc phải dịch bệnh quái ác này.

    Vào đầu những năm 1500, nước Anh đã thực hiện bộ luật đầu tiên yêu cầu tách riêng và cách ly những người bị bệnh. Những gia đình bị dịch bệnh tấn công sẽ được đánh dầu bằng một kiện cỏ được treo trên một cây gậy bên ngoài. Nếu người nào có người thân mắc dịch hạch, người đó sẽ phải mang theo một cây gậy trắng khi đến nơi công cộng.

    Đến năm 1665, đây cũng là đợt bùng phát dịch bệnh cuối cùng nhưng cũng là một trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất kéo dài hàng thế thế kỷ, khiến 100.000 người dân Thủ đô nước Anh thiệt mạng chỉ trong vòng 7 tháng.

    Nghị sĩ Pepys từng viết trong nhật ký, tháng 8/1665, mô tả chuyến đi đến Greenwich: "Dọc đường, tôi nhìn thấy một cỗ quan tài có xác chết ở trong, chết vì bệnh dịch hạch, giữa một cánh đồng thuộc trang trại Coome. Có lẽ xác được thảy ra đấy vào tối qua và giáo xứ đã không chỉ định bất kỳ ai chôn cất nó. Thay vào đó – thật tàn nhẫn - họ cắt đặt 1 người canh chừng cả ngày lẫn đêm, cảnh báo không ai được lai vãng, kể cả gia đình của người chết. Bệnh dịch này làm cho chúng ta trở nên tàn nhẫn với nhau hơn cả loài chó…"

    Tất cả các hoạt động vui chơi giải trí lúc bấy giờ đều bị nghiêm cấm và các bệnh nhân đều bắt buộc phải ở trong. Mặc dù việc "giam" những người bị bệnh trong nhà và chôn các thi thể trong những ngôi mộ tập thể bị coi là dã man nhưng đó là cách duy nhất thời bấy giờ để khiến những đợt bùng phát cuối cùng của dịch bệnh chết chóc này kết thúc.

    Kỳ lạ đồng phục bác sĩ như "thần chết"

    Trong cơn tuyệt vọng bởi dịch bệnh, các nước châu Âu đã thành lập một đội ngũ bác sĩ dịch hạch (plague doctor).

    Họ không cần được đào tạo y khoa hoặc có rất ít kinh nghiệm, họ chỉ cần là những người gan dạ, sẵn sàng lao vào vùng dịch để kiểm đếm số người chết thay vì điều trị bệnh.

    Do suốt một thời gian dài, không ai biết chính xác nguyên nhân gây ra "Cái chết đen" là gì nên người dân thường tin vào ma quỷ hoặc thậm chí ngay chính cả giới y khoa cũng đổ lỗi cho "thuyết chướng khí". Có nghĩa là, dịch hạch lan truyền qua mùi hôi xác chết.

    cai chet den 1
    Tranh vẽ một bác sĩ dịch hạch vào thế kỷ 17. Ảnh: Paul Fürst/Death Scent.

    Điều này đã tạo ra tiền đề cho sự ra đời của bộ đồ bảo hộ kỳ quái sử dụng cho các bác sĩ và trở thành một biểu tượng ám ảnh khi nhắc tới "Cái chết đen".

    Theo đó, bộ đồ được phát minh vào năm 1619 bởi Charles de l'Orme, bác sĩ chính của quốc vương Pháp Louis XIII. Bao gồm một áo choàng trùm đầu dài đến mắt cá chân, quần ống túm, giày, mũ và găng tay. Tất cả đều được làm bằng da dê có tẩm chất thơm và phủ một lớp mỡ động vật cứng màu trắng ở bên ngoài để ngăn dịch cơ thể của nạn nhân thấm qua.

    Đi kèm với bộ đồ bảo hộ còn có một phụ kiện là mặt nạ hình mỏ chim với "cái mũi dài tới 15cm" chứa đầy thảo mộc như đinh hương, bạc hà, long não và nhựa thơm. Mục đích là để khử mùi hôi của xác chết. Hai lỗ hổng ở vị trí mắt được che chắn bằng kính.

    Khi thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ cũng thường cầm theo một cây gậy gỗ dài để kiểm tra các thi thể mà không cần tiếp xúc, hoặc để xua đuổi người khác khi muốn họ giữ khoảng cách.

    Đáng tiếc, bộ đồ được ví như trang phục của thần chết này lại không có tác dụng ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch hạch. Thậm chí, nó còn khiến người mặc cảm thấy nóng, bí và không thấm mồ hôi. Hậu quả là nhiều bác sĩ đã nhiễm bệnh và tử vong.

    Cafebiz (Nguồn: cdc.gov; History; The New York Times)

  • Du khách đến Anh và dạo bước bên dòng sông Thames êm đềm sẽ không khỏi khiếp sợ khi nhìn thấy một dây thòng lọng treo cổ lơ lửng trong gió. Đằng sau nó là một câu chuyện rùng rợn về luật pháp giai đoạn từ thế kỷ 17 đến 19.

    ben tre co o song thames anh quoc 1
    Ảnh: xpgomes10/Flickr

    Sự khiếp sợ của du khách ngày nay khi nhìn thấy chiếc thòng lọng thắt cổ có lẽ chỉ được ví là một phần nhỏ trong nỗi kinh hoàng của người dân thế kỷ 17-19.

    Bởi khi đó, tại bờ sông Thames không chỉ là một mà là hàng chục chiếc thòng lọng cùng những xác chết thối rữa, bị buộc vào lồng sắt. Nhiều người còn ám ảnh với cảnh tượng những chiếc lồng sắt đung đưa trong gió, phát ra những âm thanh chết chóc đủ để khiến bất cứ ai phải rùng mình.

    Đây là những phạm nhân bị hành hình công khai bằng hình thức treo cổ tại Execution Dock (bến hành hình) diễn ra bên bờ sông Thames tại thủ đô London trong suốt hàng trăm năm.

    Đây là thời điểm nước Anh đang tiến hành bành trướng, mở rộng phạm vi ảnh hưởng đế chế của mình, nhằm cạnh tranh với Tây Ban Nha và Pháp. Đế quốc Anh tiến hành mạnh mẽ công cuộc mở rộng thuộc địa tại những nơi xa xôi trên khắp các đại dương.

    Hoạt động giao thương trên biển giữa Anh và các thuộc địa diễn ra một cách nhộn nhịp. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu thiết yếu, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ hàng hóa do nước Anh sản xuất.

    Để hệ thống thương mại này thành công, Anh cần các tuyến hàng hải an toàn.

    ben tre co o song thames anh quoc 1
    Nhiều phim về cướp biển tái hiện lại cảnh treo cổ ở bên bờ sông Thames. Ở đây, một cảnh trong phim Cánh buồm đen (2014). Ảnh: Mischief PR

    Vào thời điểm đó, đặc biệt trong thời gian trị vì của Nữ hoàng Elizabeth I, nạn cướp biển được hoàng gia bảo trợ, và sử dụng như một công cụ hỗ trợ nhằm chống lại các tàu buôn của nước ngoài.

    Tuy nhiên những người kế nhiệm Nữ hoàng Elizabeth I lại không ủng hộ hành động này, việc dung túng cho cướp biển bị bãi bỏ. Việc cướp bóc trên biển được coi là một tội ác, vì nó là một mối đe dọa lớn đối với các tuyến thương mại.

    Hình phạt duy nhất cho tội ác này đó là cái chết.

    Trong giai đoạn này, phần lớn tội phạm chờ thi hành án tử hình sẽ bị giam giữ tại Newgate rồi sau đó được đưa đến Tyburn để treo cổ (vị trí này nay là Marble Arch).

    Cướp biển và các tội phạm hàng hải khác như những kẻ chống đối và buôn lậu, thường bị giam giữ tại nhà tù Marshalsea, sau đó sẽ đưa đến Execution Dock để xử tử công khai.

    Theo truyền thống lịch sử Anh, tội phạm thường bị hành quyết tại nơi gây án, do vậy cướp biển và các tội phạm hàng hải khác sẽ bị xử tử bên bờ sông Thames, bởi con sông này đổ ra biển Bắc.

    Trước khi ra pháp trường, phạm nhân được đưa đi diễu hành qua các con phố từ nhà tù đến Execution Dock, dưới sự giám sát của một vị tướng lĩnh Hải quân Hoàng gia cùng đông đảo người dân.

    Tại khu vực thi hành án và trên đường phố, người dân London thường tụ tập rất đông để theo dõi quá trình áp giải và xử tử. Mọi thành phần từ nam giới đến phụ nữ, già lẫn trẻ, thậm chí còn có cả trẻ em – tất cả tụ tập thành một đám đông khổng lồ với mong muốn được tận mắt chứng kiến tên cướp biển bị treo cổ đến chết.

    Trước khi thi hành án, phạm nhân được hưởng ân huệ cuối cùng đó là uống một cốc bia tại quán rượu mang tên The Turks Head Inn, hiện nay là một quán cà phê. Ngoài ra, tên cướp biển sẽ có cơ hội "nói lời cuối cùng" trước đông đảo dân chúng có mặt tại pháp trường.

    ben tre co o song thames anh quoc 1
    Một bản chạm khắc năm 1795 mô tả cảnh cướp biển bị treo cổ tại Execution Dock. Ảnh: Royal Museums Greenwich

    Để làm cho những tên cướp biển cảm nhận rõ ràng sự đau đớn trước khi chết, dây thòng lọng trên giá treo cổ được rút ngắn hơn so với bình thường đủ để khiến phạm nhân không bị chết ngay do gãy cổ khi rơi.

    Thay vào đó, phạm nhân sẽ cảm nhận cái chết đang đến chậm chạp do dây thừng siết chặt vào cổ. Trong quá trình này, phạm nhân sẽ không thể hô hấp, họ giãy giụa, quằn quại trong đau đớn trước khi chết.

    Việc thi hành án treo cổ luôn diễn ra khi thủy triều xuống thấp. Sau khi phạm nhân chấp hành xong án tử hình, người ta sẽ đợi cho đến khi ba lần thủy triều lên để "cọ rửa" thi thể những tên cướp biển trước khi hạ xuống.

    Riêng những tên cướp biển khét tiếng nhất, thi thể sẽ được "trưng bày" trong lồng sắt và được treo y nguyên trên giá trong thời gian dài hơn để cảnh báo cho tất cả những ai đang có ý tưởng trở thành cướp biển.

    Ví dụ như trường hợp của tên cướp biển khét tiếng, thuyền trưởng William Kidd, bị xử tử vào năm 1701 vì tội giết người và cướp bóc trên biển, thi thể của Kidd bị treo trong lồng sắt suốt ba năm để làm gương cho những tên cướp biển khác.

    ben tre co o song thames anh quoc 1
    Giá treo cổ hiện nay bên ngoài quán rượu Prospect of Whitby. Ảnh: Felix Cohen/Flickr

    Tuy nhiên, không vì thế mà nạn cướp biển suy giảm. Vào khoảng thế kỷ 18, cướp biển đã phát triển nhanh về số lượng đến nỗi gần như không thể áp giải những tên cướp biển sa lưới về London để xử tử vì thiếu nhân lực và sự sụt giảm về kinh tế.

    Sau khi Anh giành được các thuộc địa vùng Caribe, họ quyết định thành lập nên Tòa án Hải quân Hoàng gia tại Port Royal (Jamaica) và thuộc địa ở Bắc Mỹ (Boston, Providence và Charleston) để xử quyết cướp biển.

    Vụ hành hình cướp biển cuối cùng tại Execution Dock diễn ra vào ngày 16/12/1830, kết thúc hàng trăm năm thực thi các biện pháp xử lý cứng rắn của nước Anh đối với nạn cướp biển.

    Ngày nay, không một ai biết chắc chắn vị trí từng là nơi đặt giá treo cổ và hành quyết cướp biển tại Execution Dock ở London.

    Tuy vậy, du khách có thể hình dung về nó khi quan sát một "bản sao" ngay bên ngoài Prospect of Whitby, một quán rượu gần 500 năm tuổi trên phố Katharine's & Wapping bên bờ sông Thames.

    Theo Tuổi Trẻ