• Lanoue, 70 tuổi, bị cáo buộc sát hại bé gái gốc Việt Anne Phạm năm 1982, sau khi các điều tra viên Mỹ dùng chứng cứ ADN lật lại vụ án.

    Cáo buộc sát hại bé gái gốc Việt 5 tuổi Anne Phạm được các điều tra viên đưa ra với Robert John Lanoue ở Reno, bang Nevada, miền tây nước Mỹ, tuần trước. Lanoue trình diện tòa án ở hạt Washoe hôm 11/7 để điều trần về việc dẫn độ ông này tới hạt Monterey ở California phục vụ điều tra.

    Anne Phạm mất tích vào ngày 21/1/1982 khi đang đi bộ tới lớp mẫu giáo tại trường Highland ở Seaside, California. Hai ngày sau đó, thi thể của bé gái gốc Việt được tìm thấy tại Fort Ord, cơ sở quân sự ở Vịnh Monterey.

    be gai 5 tuoi goc viet bi bat coc1
    Bé Anne Phạm và nghi phạm Robert John Lanoue. Ảnh: AP.

    Các điều tra viên ở California kết luận Anne Pham bị bắt cóc, tấn công tình dục và bóp cổ tới chết, nhưng không tìm được nghi phạm và vụ án rơi vào bế tắc suốt 18 năm sau đó.

    Đến năm 2020, Đội chuyên trách Các vụ án chưa có lời giải thuộc Phòng Công tố hạt Monterey quyết định lật lại trường hợp này. Họ đã phối hợp với Sở Cảnh sát Seaside đưa bằng chứng trong vụ án đi giám định ADN.

    Văn phòng công tố hạt Monterey cho biết loại xét nghiệm ADN kiểu mới đã giúp các điều tra viên xác định được Lanoue là nghi phạm sát hại Anne Pham.

    "Bằng chứng từ kết quả giám định ADN trong vụ án này rất vững chắc. Nghi phạm sống cách gia đình Anne Pham chưa tới hai dãy nhà", cảnh sát trưởng Seaside Nick Borges nói.

    Lanoue bị buộc tội giết người cấp độ một với các tình tiết nghiêm trọng là đã sát hại Anne Pham trong lúc thực hiện hành vi bắt cóc và có hành vi dâm ô với trẻ dưới 14 tuổi. Hiện không rõ nghi phạm có luật sư hay không.

    VnExpress (theo CBS)

  • Vụ rò rỉ số tài liệu khổng lồ đã tiết lộ cách thức các chính khách hàng đầu bí mật giúp hãng xe taxi công nghệ Uber. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những người bị gọi tên trong "Hồ sơ Uber".

    ho so uber
    "Hồ sơ Uber" cho rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hỗ trợ chiến dịch vận động hành lang của Uber - Ảnh: THE GUARDIAN/GETTY IMAGES

    Ngày 10-7, một loạt tài liệu nội bộ của Hãng Uber đã bị rò rỉ cho báo The Guardian (Anh) và được chia sẻ với Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cũng như hàng chục hãng tin khác cho thấy các chiến lược của công ty này để mở rộng ra toàn cầu, ngay cả khi công ty không tuân thủ các quy định.

    Vụ rò rỉ được gọi là "Hồ sơ Uber", bao gồm hơn 124.000 tài liệu kéo dài từ năm 2013 - 2017. Theo The Guardian, các tài liệu đã "tiết lộ câu chuyện bên trong về cách gã khổng lồ công nghệ Uber lách luật, lừa cảnh sát, lợi dụng vấn đề bạo lực với các tài xế, và bí mật vận động các chính phủ trong quá trình mở rộng quy mô toàn cầu".

    Trong đó, vụ rò rỉ đã "cho thấy cách Uber cố gắng tăng cường sự ủng hộ bằng cách bí mật tiếp cận các thủ tướng, tổng thống, tỉ phú, nhà tài phiệt và các ông trùm truyền thông".

    Ngoài các bản ghi nhớ, bài thuyết trình, sổ ghi chép và các tài liệu khác, vụ rò rỉ còn bao gồm "các email, cuộc trao đổi qua WhatsApp giữa các giám đốc điều hành cấp cao nhất ở Thung lũng Silicon".

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những người bị gọi tên trong "Hồ sơ Uber". The Guardian cho biết ông Macron đã "hỗ trợ chiến dịch vận động hành lang của Uber nhằm giúp họ phá vỡ ngành công nghiệp taxi của Pháp" khi ông còn là bộ trưởng kinh tế từ năm 2014 - 2016.

    Theo hồ sơ, ông Macron thậm chí còn nói với công ty công nghệ này rằng ông đã làm môi giới cho một "thỏa thuận" bí mật với các đối thủ trong nội các Pháp.

    The Guardian cho biết hồ sơ cho thấy "ông Macron đủ thân thiết với các nhà quản lý của Uber trong hai năm ông làm việc tại Bộ Kinh tế Pháp, để họ (Uber) không phải đắn đo về việc liên hệ ông ấy để được giúp đỡ" khi Uber đối mặt với vấn đề thuế và các vấn đề khác.

    Theo Hãng tin AFP, phản ứng với hồ sơ nói trên, các nghị sĩ đối lập tại Pháp đã chỉ trích về "sự hợp tác chặt chẽ" giữa ông Macron và Uber vào thời điểm công ty này cố gắng lách quy định nghiêm ngặt của chính phủ đối với lĩnh vực của họ.

    Đại diện của Uber tại Pháp đã xác nhận với Hãng tin AFP rằng ông Macron và Uber từng liên lạc với nhau. Nhưng họ cho biết các cuộc gặp với ông Macron là điều bình thường vì chúng liên quan tới công việc của ông khi làm bộ trưởng.

    Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Macron giải thích rằng vào giai đoạn nói trên, ông Macron - với tư cách là bộ trưởng kinh tế - đã tiếp xúc "một cách tự nhiên" với "nhiều công ty liên quan đến sự thay đổi sâu sắc trong các dịch vụ đã xảy ra trong những năm đó".

    Theo Tuổi Trẻ