• Mặc dù hoàng gia chắc chắn gắn liền với nhận thức quốc tế về nước Anh, nhưng điều này không thể khẳng định rằng liệu một gia đình hoàng gia trị vì có thực sự cần thiết cho du lịch hay không…

    du lich nuoc anh hoang gia 1

    Không thể nào phủ nhận gia đình hoàng gia là một trong số những biểu tượng nổi tiếng nhất của nước Anh. Các cửa hàng lưu niệm tràn ngập hình ảnh hoàng gia, các tờ báo trên khắp thế giới thảo luận về gia đình hoàng gia và các bộ phim truyền hình dựa trên cuộc sống của họ chưa bao giờ… hết “hot”. 

    Và bất cứ khi nào người dân chỉ trích gia đình hoàng gia, thì phản hồi thường được lặp đi lặp lại luôn là: “Hãy nghĩ đến ngành du lịch nước Anh!”. 

    Đây là câu nói đặc biệt phổ biến trong thời gian gần đây, khi nhiều người tỏ ra thắc mắc rằng làm thế nào mà một quốc gia đang phải đối mặt với các cuộc đình công hàng loạt và khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng lại có thể chi trả đến 100 triệu bảng Anh cho lễ đăng quang của Vua Charles Đệ Tam.

    Trong một cuộc thăm dò gần đây của YouGov, 51% tin rằng lễ đăng quang không nên do người đóng thuế chi trả. Đối với những người trẻ tuổi, con số này thậm chí còn cao hơn, ở mức 62%. Nhưng những người ủng hộ hoàng gia thường sử dụng ngành công nghiệp du lịch để biện minh cho những khoản chi xa xỉ. 

    Bởi có thể nói, gia đình hoàng gia “kéo” du lịch đến với Vương quốc Anh. Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh ước tính, lễ đăng quang vừa qua sẽ mang đến 337 triệu bảng Anh cho nền kinh tế, phần lớn đến từ các khoản chi tiêu du lịch và quán rượu.

    Nhưng nếu gia đình hoàng gia biến mất, liệu ngành du lịch nước Anh có đột ngột sụp đổ?

    du lich nuoc anh hoang gia 1

    Hoàng gia có thực sự quan trọng cho ngành du lịch?

    Một nghiên cứu vào năm 2011 của Visit Britain cho thấy khoảng 60% khách du lịch đến Vương quốc Anh có khả năng đến thăm những địa điểm gắn liền với gia đình hoàng gia. Mặc dù không có dữ liệu cụ thể nào cho những năm gần đây, nhưng vào năm 2022, Visit Britain nhận thấy lịch sử và di sản là hai yếu tố thu hút khách du lịch lớn nhất.

    Và mặc dù nhận thức quốc tế về nước Anh chắc chắn gắn liền với gia đình hoàng gia, nhưng điều này không cho chúng ta biết liệu một gia đình hoàng gia trị vì có thực sự cần thiết cho du lịch hay không. 

    Rốt cuộc, lịch sử xung quanh chế độ quân chủ và những địa điểm gắn liền với họ sẽ vẫn sẽ tồn tại ngay cả khi hoàng gia không còn nữa. Các cung điện Ottoman ở Istanbul vẫn là những điểm tham quan cực kỳ nổi tiếng sau 100 năm kể từ khi vương quốc Hồi giáo sụp đổ, cũng như các lâu đài hoàng gia của Pháp hay các cung điện hoàng gia của Trung Quốc.

    Thiếu đi gia đình hoàng gia dường như cũng chẳng ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của các quốc gia này, với mỗi quốc gia đều thu hút nhiều khách du lịch hàng năm hơn hẳn Vương quốc Anh.

    Trên thực tế, Mỹ là thị trường du lịch lớn nhất của Anh và khách du lịch Mỹ có xu hướng thích thú với những thứ liên quan đến hoàng gia. Nhưng điều này có thể thay đổi với dưới thời trị vì của một quốc vương mới. 

    Trong một cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 2/2021, trước khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, 68% người Mỹ đánh giá rất cao Nữ hoàng và tầm ảnh hưởng của bà. Cuộc thăm dò tương tự lại cho thấy chỉ 34% có thiện cảm với Vua Charles - nhưng điều này đã thay đổi theo hướng có lợi hơn một chút cho Vua Charles sau khi ông đăng quang. Mặc dù vậy 62% người dân ở Mỹ cho biết họ không quan tâm lắm đến việc này. 

    Bên ngoài nước Mỹ, các nhóm khách du lịch lớn tiếp theo của Vương quốc Anh thường ít quan tâm hơn đến hoàng gia. Công ty du lịch Travelzoo đã phát hiện vào năm 2016 rằng chỉ 19% người Đức, 15% người Pháp và 10% du khách Tây Ban Nha muốn đến Vương quốc Anh vì chế độ quân chủ và gia đình hoàng gia Anh.

    Điểm thu hút của du lịch nước Anh 

    Thông thường, khi các nhà bình luận thảo luận về những đóng góp của hoàng gia Anh cho du lịch, họ nói về các sự kiện quan trọng như đám cưới, lễ kỷ niệm, lễ đăng quang và đám tang. Mặc dù những sự kiện này thu hút rất nhiều đám đông, nhưng chúng hiếm khi xảy ra và không mang tính đại diện cho toàn ngành du lịch. 

    Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đám cưới hoàng gia cải thiện đáng kể hình ảnh và nhận thức về thương hiệu của một quốc gia, nhưng không thể so sánh với các sự kiện thể thao lớn như Fifa World Cup, Super Bowl của Mỹ hay Thế vận hội Olympic. 

    Mặc dù các địa điểm hoàng gia rất nổi tiếng, nhưng chúng lại rải rác và cách xa các điểm tham quan nổi tiếng nhất của nước Anh. Trong số mười điểm tham quan miễn phí và trả phí được ghé thăm nhiều nhất ở Anh vào năm 2021, không có điểm nào là địa điểm hoàng gia. Trong đó, điểm tham quan hoàng gia được xếp hạng cao nhất là Tháp Luân Đôn (Tower of London) nhưng chỉ đứng thứ 17 trong danh sách.

    Thậm chí, Sở thú Chester còn thu hút được nhiều du khách hơn là Lâu đài Windsor hay Cung điện Buckingham, mặc dù những thống kê này không phân biệt giữa khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong cuộc khảo sát du khách gần đây nhất của Windsor, phần lớn khách tham quan đến từ nước ngoài.

    du lich nuoc anh hoang gia 1

    Một nhóm các thành viên Đảng Cộng hoà phản đối chế độ quân chủ đã tranh luận về con số được viết đến rộng rãi rằng hoàng gia đã tạo ra 500 triệu bảng thu nhập du lịch cho nước Anh hàng năm, nhưng bản thân chỉ là một phần nhỏ trong nền kinh tế du lịch trị giá 127 tỷ bảng của Anh.

    Nhóm cũng đặt câu hỏi tại sao gia đình hoàng gia lại hầu như không xuất hiện trong các chiến dịch hoặc quảng cáo du lịch của Anh, nếu họ quan trọng đến như vậy đối với nền kinh tế du lịch.

    Không thể phủ nhận rằng gia đình hoàng gia làm tăng thêm sức hấp dẫn của Vương quốc Anh như một yếu tố du lịch mang đậm nét lịch sử và di sản nổi tiếng toàn thế giới. Tuy nhiên, điều được thắc mắc ở đây là liệu một chế độ quân chủ trị vì có thực sự cần thiết để duy trì sức hấp dẫn của nước Anh hay không?

    Theo thuonggiaonline

  • Hiệp hội các điểm đến du lịch hàng đầu Vương quốc Anh (ALVA) ngày 18/3 cảnh báo việc Chính phủ bỏ quy định mua sắm miễn thuế đối với du khách nước ngoài đã 'gây tổn hại kinh tế' trong bối cảnh số liệu mới nhất cho thấy lượng khách tại các điểm tham quan nổi tiếng ở Anh vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch.

    du lich anh kem hap dan
    Người dân mua hàng tại London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

    Giám đốc điều hành ALVA, Bernard Donoghue, cho rằng quyết định của Chính phủ bỏ chính sách bán hàng miễn thuế VAT cho khách du lịch vào năm 2021 khiến Vương quốc Anh trở thành điểm đến kém cạnh tranh và kém hấp dẫn, khi du khách đang rút ngắn thời gian lưu trú ở Anh để tận hưởng việc mua sắm ở Paris, Milan, Rome hoặc Madrid. Ông kêu gọi Chính phủ khôi phục lại quy định này và mở rộng việc áp dụng đối với du khách đến từ Liên minh châu Âu (EU).

    Ông Bernard Donoghue đưa ra cảnh báo khi số liệu mới nhất của ALVA cho thấy lượng khách du lịch đến các điểm đến hàng đầu của Anh vẫn chưa phục hồi mức trước đại dịch. Trong năm 2023, lượng du khách tham quan 374 điểm du lịch nổi tiếng nhất của đất nước đạt 146,6 triệu, tăng 19% so với năm 2022, song vẫn giảm 11% so với năm 2019, với số khách từ châu Âu và Trung Quốc thấp hơn so với mức trước đại dịch.

    Hội đồng du lịch VisitBritain dẫn dự báo của tổ chức Oxford Economics cho biết mặc dù mức độ phục hồi về lượng du khách đến Anh trong năm 2023 so với năm 2019 tương đương các quốc gia Tây Âu khác, đến năm 2028, thị phần du lịch của Anh sẽ giảm so với các nước này.

    Theo VisitBritain, đến năm 2028, lượng du khách tới Anh sẽ chỉ tăng 19% so với mức trước đại dịch, so với mức 26% ở Tây Âu.

    Giám đốc điều hành VisitBritain, Patricia Yates, cho rằng việc mất thị phần là do hoạt động thu hút du khách châu Âu kém hiệu quả, một phần do giờ đây du khách EU đến Anh phải có hộ chiếu trong khi trước đây họ chỉ cần thẻ căn cước.

    Để thu hút du khách, ngành khách sạn, du lịch và bán lẻ đã kêu gọi Chính phủ khôi phục quy định mua sắm miễn thuế cho du khách quốc tế. Anh hiện là quốc gia lớn duy nhất ở châu Âu không áp dụng quy định này.

    Các doanh nghiệp cũng cho rằng việc tạo điều kiện cho công dân EU được mua sắm miễn thuế sẽ giúp thúc đẩy du lịch. Trước Brexit (Anh rời EU), chỉ du khách đến từ các nước ngoài EU mới được hoàn thuế VAT. Sau Brexit, chính phủ đã quyết định bỏ toàn toàn chính sách này thay vì mở rộng việc áp dụng đối với du khách EU.

    Trong báo cáo ngân sách mùa Thu hồi tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt cam kết sẽ xem xét các số liệu thuế, trong đó có chi phí thuế VAT. Tuy nhiên, ông đã không đề cập đến chính sách trong báo cáo ngân sách mùa Xuân công bố hồi đầu tháng.

    Baotintuc (PV TTXVN tại London)

  • Dù là những điểm đến không thể thiếu trong giấc mơ của nhiều người nhưng tháp đồng hồ Big Ben, tượng Nữ thần Tự do hay Vạn Lý Trường Thành vẫn phải nhận không ít đánh giá 1 sao vì những lý do hết sức hài hước.

    1. Big Ben: Từ khi được xây dựng vào năm 1859, Big Ben trở thành biểu tượng của thủ đô London nói riêng và nước Anh nói chung.

    "Thực sự là chẳng có gì đặc biệt. Cái đồng hồ này giống hệt chiếc ở nhà bà giúp việc của tôi, chỉ là nó lớn hơn 10 lần", du khách tên Leon N chia sẻ trên Tripadvisor.

    big ben 1

    Lapidus, đại diện eShores, một công ty du lịch tại Anh, cho biết Big Ben không chỉ đơn giản chỉ là chiếc đồng hồ lớn nằm bên trong tháp Elizabeth mà nó còn là địa danh lịch sử. Bên cạnh đó, bao quanh Big Ben là những địa danh có bề dày văn hóa đáng chú ý khác như Tòa nhà Quốc hội Anh hay Tu viện Westminster.

    "Du khách nên khám phá toàn bộ khu vực, hòa mình vào không khí lịch sử và kiến trúc tuyệt đẹp nơi đây", Lapidus nói.

    2. Ben Nevis: Nằm ở Scotland, Ben Nevis là ngọn núi cao 1.345 m. Đây cũng đồng thời là ngọn núi cao nhất thuộc Vương quốc Anh, mỗi năm thu hút tới hơn 130.000 du khách ghé thăm, theo John Muir Trust.

    big ben 1

    Một du khách có tên người dùng là 'Mountaingoatee_22' đã chấm nơi này 1 sao trên Tripadvisor vì "quá dốc" và "không có cửa hàng nào từ chân đến đỉnh núi"

    "Không thể đăng nhập vào các trang mạng xã hội. Tại sao họ không lắp cột wifi trên đỉnh núi, thế kỷ 21 rồi", một du khách có tên 'Tris G' bình luận thêm.

    Lapidus, đại diện eShores, một công ty du lịch tại Anh cho biết Ben Nevis là địa điểm có vẻ đẹp tự nhiên nên sẽ không có các cửa hàng, tiện nghi trên núi. "Hãy mang theo thứ bạn cần", Lapidus cho biết.

    3. Điện Buckingham: Niềm tự hào của người dân London, bị chấm 1 sao vì "chỉ là một ngôi nhà lớn".

    big ben 1

    Theo website chính thức của Hoàng gia Anh, với hơn 700 phòng, điện Buckingham là nơi ở chính thức của Vua Anh ở London từ năm 1837. Ngày nay đây là trụ sở hành chính của Vua Charles III.

    Du khách từ khắp thế giới khi đến London đều đổ về đây để chiêm ngưỡng sự tráng lệ của công trình kiến trúc có bề dày lịch sử này.

    Lapidus cho biết nếu đến thăm cung điện hãy tới trước 11h các ngày thứ 2,4,6, Chủ Nhật để xem lễ đổi gác. Khi Vua Charles III không ở trong cung điện vào khoảng cuối tháng 7 đến 9, một số phòng tại điện Buckingham được mở để đón khách tham quan.

    4. Tượng Nữ thần Tự do: Đứng ở cảng New York từ năm 1886, Tượng Nữ thần Tự do là biểu tượng cho sự tự do và dân chủ của đất nước, theo Cơ quan quản lý Vườn quốc gia Mỹ.

    big ben 1

    Tuy nhiên, một số du khách cho biết họ đã "bị sốc" vì khi đến nơi mới phát hiện ra đây chỉ là "một bức tượng" và "nhỏ đến mức đáng thất vọng".

    "Nó chỉ là một bức tượng xung quanh là nước. Không lớn như tôi vẫn nghĩ. Đi đến tượng cũng rất tốn kém", du khách có tên Georgie Joan G bình luận và chấm 1 sao. "Tượng Nữ thần Tự do không phải là bức tượng thì là gì?", một người để lại bình luận phản đối.

    Theo Lapidus bức tượng có thể không lớn nhưng điều quan trọng ở đây là lịch sử phong phú mà Tượng Nữ thần Tự do đại diện. "Chúng tôi khuyên mọi người nên đặt những tour có hướng dẫn viên để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của địa danh mang tính biểu tượng của nước Mỹ này", Lapidus nói.

    5. Vạn Lý Trường Thành: Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc là một trong những công trình kiến trúc có quy mô lớn nhất từng được thực hiện với phần được bảo tồn tốt nhất trải dài tới 8.850 km.

    big ben 1

    Di sản Thế giới được UNESCO công nhận này có lịch sử khoảng 2.000 năm. Nhưng với một số du khách, chiều dài thời gian như vậy là không tưởng.

    Đáp lại bình luận chê bai phía trên, Lapidus cho biết điều quan trọng khi tới một điểm đến là du khách "phải hiểu được sức nặng lịch sử mà nơi đó đại diện" thay vì chỉ thích check in "sống ảo" đăng Instagram.

    6. Grand Canyon: Công viên quốc gia Grand Canyon ở Arizona, Mỹ, bao gồm 447 km sông Colorado và vùng cao liền kề.

    big ben 1

    Theo eShores, địa danh được UNESCO công nhận này là 'một trong những ví dụ ngoạn mục nhất về sự xói mòn trên thế giới'.

    Tuy nhiên, một du khách có đánh giá 1 sao trên Tripadvisor lại cho rằng Grand Canyon đã bị thổi phồng quá mức và cũng chỉ là một 'vùng đất ngập đất cát'.

    7. Angkor Wat: Được Kỷ lục Guinness công nhận là công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhất thế giới, nhưng Angkor Wat lại bị một du khách bày tỏ sự thất vọng khi đến đây và nói nơi này "cần được dọn dẹp sạch sẽ".

    big ben 1

    "Những gì tôi tìm thấy là một loạt ngôi đền cổ đang bị hư hỏng nghiêm trọng, đổ nát", "Chúng cần được tu sửa", một số người để lại bình luận.

    Các chuyên gia du lịch trên Tripadvisor cho biết điều quan trọng khách cần nhớ là ngày nay Angkor Wat vẫn là địa điểm thờ cúng". "Cần nghiên cứu lịch sử trước khi đến nơi này để cảm nhận được vẻ đẹp và giá trị của Angkor Wat", một khách du lịch khác bình luận.

    8. Nhà hát Opera Sydney: Nhà hát mở cửa vào tháng 10/1973 và là nơi tổ chức các buổi biểu diễn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Sting, Bob Dylan và Prince, đồng thời thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

    big ben 1

    Nhưng với một số du khách, nơi này chỉ đáng "1 sao" vì "kiến trúc bi thảm", "trông giống một bức tranh sơn dầu bình thường", "ánh sáng bên trong mờ".

    Các chuyên gia du lịch tại eShore cho biết nếu du khách muốn cảm nhận hết vẻ đẹp của nhà hát "nên tham gia tour có hướng dẫn". "Hướng dẫn viên sẽ kể cho bạn nghe về lịch sử, chia sẻ một số bí mật về Nhà hát lớn này", Lapidus nói.

    Vietnamnet (theo Dailymail)

  • Tại trung tâm hạt Yorkshire (Anh) xuất hiện sừng sững 3 cột đá thẳng đứng, cao lần lượt 5,5 – 6,7 và 6,8m. Chúng xếp thành một hàng, dọc theo hướng Đông Nam – Tây Bắc. Từ năm 1709, Anh đã tích cực khai quật và lý giải các cột đá này. Đến nay, họ vẫn chưa làm sáng tỏ được bất cứ điều gì. 

    cot da tien quy 1
    Hàng tiễn quỷ với 3 cột đá dựng đứng, cao sừng sững.

    Mũi tên của quỷ

    Theo tư liệu từ Anh, 3 cột đá ở Yorkshire có khả năng là phần còn lại của một hàng gồm 4 - 5 cột đá. Nó nằm gần thị trấn Aldborough, Yorkshire, cách đường cao tốc A1 chưa tới 200m.

    Niên đại của 3 trụ đá này khá xa, thuộc thời kỳ đồ đá mới hoặc đồ đồng (khoảng năm 1200 TCN). Đây là bộ đá đứng cao nhất ở Anh quốc, được người dân địa phương gọi bằng nhiều cái tên. Ví dụ như Chốt quỷ (Devil’s Bolts), Ba chị em (Three Sisters), Ba con chó săn (Three Greyhounds)... nhưng phổ biến nhất vẫn là Tiễn quỷ (The Devil’s Arrows).

    Thần thoại thế kỷ XVII Yorkshire kể rằng, có một cư dân ở Aldborough đã chọc giận ác quỷ. Trong lúc nổi máu điên, con quỷ nhổ các trụ đá to dài trong làng How Hilltop gần kề làm mũi tên, phóng vào Aldborough. Nhờ thiên thần nhanh tay ngăn cản (hoặc ác quỷ nhắm không chuẩn), mũi tên đá trật mục tiêu, rơi xuống cắm thành hàng rìa Aldborough.

    Tiễn quỷ thứ nhất cao hơn 6,8m so với mặt đất, lừng danh trụ đá đứng cao thứ 2 ở Anh (xếp sau trụ đá cao 8m ở Rudston). Nó có tiết diện 1,4 x 1,2m, đứng trên vạt đất trống trải mọc cỏ dại.

    Tiễn quỷ thứ 2 cách xa 110m, cao 6,7m, tiết diện 1,5 x 1,2m và hơi nghiêng về phía Nam. Tiễn quỷ thứ 3 tiếp tục cách 60m, cao 5,5m, tiết diện 2,6 x 1,4m.

    Người dân Yorkshire cũng đồn đại, nếu đi quanh tiễn quỷ ngược chiều kim đồng hồ 12 vòng, ma quỷ sẽ hiện hình. Có lẽ, mê tín này xuất hiện vào thời trung cổ, trong khoảng thời gian Cơ đốc giáo loại trừ ngoại giáo. Nhà thờ cố ý liên kết các cột đá kỳ lạ ở Aldborough với Satan, xem như quỷ môn quan.

    Khai quật

    cot da tien quy 1
    Dấu tích rãnh và vết lõm trên thân tiễn quỷ có thể do con người, cũng có thể do phong hóa.

    Theo ghi chép sử của Anh, năm 1709, Yorkshire tiến hành đợt khai quật tiễn quỷ đầu tiên. Họ vạch đường bao cách cột đá đứng giữa 2,7m, đào sâu xuống lòng đất.

    Ở 1,5m dưới mặt đất, người ta phát hiện có rất nhiều đá, sỏi, đất sét lèn quanh cột đá. Bên dưới lớp hỗn độn này lộ chân cột đá là phiến phẳng vuông vức. Có vẻ như, cột đá được đẽo gọt, tạo đế và mài nhẵn rồi mới chôn chân, gia cố bằng đá vụn và lấp đất lên trên cùng.

    Năm 1876 và 1881, Yorkshire lần lượt khai quật chân 2 tiễn quỷ còn lại. Họ phát hiện, chúng đều được “trồng” cùng cách với cột đứng giữa. Trong đó, cột thấp chôn nông hơn (1,4m) và cột cao chôn sâu hơn (1,8m).

    Cả 3 tiễn quỷ cùng một loại đá mạt chuyên làm cối xay (millstone grit). Ở Anh, đây là dạng đá phổ biến, nhưng đặc biệt không sẵn có tại Aldborough. Trải qua thời gian, các tiễn quỷ đều bị thời tiết bào mòn. Tuy nhiên, chúng vẫn giữ được dấu vết tạo hình ban đầu. Đó là các rãnh dọc, sâu kéo dài từ đỉnh xuống và vết lõm bao quanh thân.

    Nhận định khác cho rằng, các rãnh dọc và vết lõm do nhiên tạo. Đá mạt cối xay không quá bền cứng. Nó hoàn toàn có thể bị phong hóa nặng do mưa gió, hình thành những dấu tích như thể có bàn tay con người can thiệp.

    Cột đá thứ 4

    Nhiều người cho rằng, hàng tiễn quỷ ở Aldborough phải có 4 cột đá. Họ trích dẫn báo cáo của nhà thám hiểm trung đại John Leland, viết trong khoảng thập niên 1530. Leland ghi rõ ràng, có 4 cột đá xếp thành 1 hàng.

    Khoảng 30 năm sau, nhà thám hiểm trung đại khác là William Camden báo cáo, cột đá thứ 4 đã bị những kẻ săn lùng kho báu đào phá. Họ tưởng bên dưới các tiễn quỷ giấu vàng bạc, nên đã đốn ngã và bới tung 1 cột tìm thử.

    Có khá nhiều suy đoán về số phận của tiễn quỷ thứ 4. Một số người nhận định, khi xây dựng cầu bắc qua sông Tutt, cư dân ở Aldborough đã tận dụng nó làm vật liệu. Vài khu vườn địa phương cũng tuyên bố, họ đang giữ tàn tích của tiễn quỷ này. Một chủ trang viên ở Aldborough lại khẳng định, cột đá thứ 4 đang ngủ sâu dưới lòng đất của họ.

    Dân gian Yorkshire lưu truyền, hàng tiễn quỷ bao gồm 5 cột đá trở lên. Nếu họ đúng, không gian của tiễn quỷ sẽ cực rộng. Thẳng hướng Tây Bắc theo hàng tiễn quỷ Aldborough dẫn tới sông Ure. Rất có khả năng, các cột đá là 1 phần của cảnh quan nghi lễ thời tiền sử khổng lồ trên thung lũng sông này.

    Quay trở lại với 3 tiễn quỷ Aldborough, khảo cổ Anh vẫn hoài nghi. Họ không biết chúng được “trồng” vào lúc nào, do ai và vì mục đích gì.

    Hiện, có 2 giả thuyết khá hợp lý về tiễn quỷ Aldborough. Thứ nhất, đó là tượng đài kỷ niệm chiến thắng của người La Mã. Thứ 2, đó là đài quan sát mặt trăng, phục vụ mục đích tôn giáo nào đó.

    Giaoducthoidai (theo Ancient-origins)

  • kham pha york nuoc anh 1

    Bên cạnh thành phố Bath (phía Tây Nam nước Anh), nơi nổi tiếng với hệ thống tắm nước nóng độc đáo được xây dựng từ thời La Mã cổ đại, thành phố York ở phía Bắc xứ sương mù cũng làm say đắm một du khách đam mê lịch sử như tôi, thông qua các kiến trúc thành cổ đầy mê hoặc, những nhà thờ có từ thời Trung Cổ, và khu phố cổ Shambles. Tất cả đều đẹp như một kiệt tác và góp phần tạo nên một trong địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của Vương quốc Anh nói chung và vùng Yorkshire nói riêng.

    Sau khoảng hơn 1 giờ đồng hồ đi tàu từ thành phố Sheffield, nơi tôi đang học tập và sinh sống, tôi đã đặt chân đến ga York. Đây là một trong những ga tàu trung chuyển lớn ở phía Bắc nước Anh, khi là điểm xuất phát hoặc dừng chân của các chuyến tàu từ thủ đô London đến thành phố Edinburgh (Scotland), cùng những chuyến tàu đi xuống phía Nam, đi qua thành phố công nghiệp Birmingham.

    kham pha york nuoc anh 1
    Một số đường tàu tại ga tàu York.

    Ra khỏi ga tàu, tôi và người bạn đồng hành rảo bước về trung tâm thành phố York, trong tiết trời lạnh khô và nắng đẹp hiếm hoi của xứ sở sương mù. Sau khoảng 15 phút đi bộ, Nhà thờ York Minster dần hiện ra trước mặt chúng tôi, với một tòa tháp cao giống hệt những gì tôi từng được chiêm ngưỡng ở Điện Westminster, nơi đặt trụ sở Quốc hội Anh.

    Khi đến trước mặt chính của nhà thờ này, tôi như sững người trước một trong những thánh đường vĩ đại nhất thế giới này. Được khánh thành từ năm 627, Nhà thờ York Minster đã trở thành trung tâm của đạo Cơ đốc giáo phía Bắc nước Anh kể từ thế kỉ thứ 7. Hiện nay, hằng ngày ở đây vẫn tổ chức các hoạt động tôn giáo, cũng như thu hút nhiều du khách đến tham quan và chụp ảnh.

    kham pha york nuoc anh 1
    Con đường dẫn đến Nhà thờ York Minster.

    kham pha york nuoc anh 1
    Mặt trước của nhà thờ.

    kham pha york nuoc anh 1
    Phía bên trái nhà thờ.

    kham pha york nuoc anh 1
    Mặt sau của nhà thờ York Minster.

    Sau khi dạo quanh một vòng nhà thờ York Minster, chuyến tham quan thành phố "Anh nhất nước Anh" tiếp tục khi chúng tôi tản bộ ở khu phố Shambles, cũng thuộc khu trung tâm thành phố.

    Được biết, đây là con phố Trung cổ được bảo tồn tốt nhất ở châu Âu với niên đại hơn 900 năm tuổi. Vào cuối thể kỉ 19, khu phố này là nơi tập trung của 31 cửa hàng buôn bán thịt sống, tuy nhiên hiện không còn cửa hàng nào tồn tại đến ngày nay. Hiện, bên cạnh một số cửa hàng mua sắm cũng như quán cà phê theo hơi hướng Trung cổ, du khách từ các nước trên thế giới đổ về đây để tham quan hiệu sách cổ trong bộ phim nổi tiếng Harry Potter.

    kham pha york nuoc anh 1
    Đường đến khu phố Shambles.

    kham pha york nuoc anh 1

    kham pha york nuoc anh 1
    Một số cửa hàng ở khu phố Shambles.

    kham pha york nuoc anh 1
    Nhà số 10-11 phố Shambles, du khách thường gọi đây là số nhà 9 3/4 (số hiệu đường tàu trong phim Harry Potter), nơi tái hiện một bối cảnh trong bộ phim đình đám này.

    Bên cạnh hai địa điểm trên, di tích dãy tường thành bao quanh thành phố York (York City Walls), được phục chế từ thế kỉ 19, cùng với đó là con đường đi dạo dọc bờ sông Ouse chảy qua thành phố này, và dinh thự từng là nơi ở của vua James VI cũng như một số quý tộc của vùng Yorkshire (King's Manor), là một số địa điểm mà tôi đã có cơ hội ghé qua nhân chuyến đi trong ngày đến thành phố cổ kính này.

    kham pha york nuoc anh 1
    Di tích dãy tường thành bao quanh thành phố York (York City Walls), đây cũng là tường thành dài nhất hiện được gìn giữ ở Vương quốc Anh.

    kham pha york nuoc anh 1
    Một trong những cây cầu bắc qua dòng sông Ouse chảy qua thành phố York.

    kham pha york nuoc anh 1
    Khung cảnh bên bờ dòng sông Ouse.

    Tiền Phong / Việt Long (từ Sheffield, Vương quốc Anh

  • Từ những hẻm núi sâu đến những khu rừng cổ tích, những kỳ quan thiên nhiên ở Vương quốc Anh đẹp nhất sẽ được liệt kê dưới đây.

    Có rất nhiều điểm tham quan ở Vương quốc Anh đáng để ghé thăm. Nhưng nếu bạn đang theo đuổi sự hoành tráng, ngoạn mục, thế giới khác và siêu phàm, thì bạn nên ghé thăm nước Anh với những kỳ quan thiên nhiên ở đó. Dưới đây là 12 kỳ quan thiên nhiên ở Vương quốc Anh hùng vĩ và đáng chiêm ngưỡng.

    1. Durdle Door, England

    Được tìm thấy ở một nơi hẻo lánh trên bờ biển kỷ Jura 140 triệu năm tuổi của Dorset, vòm đá vôi cao 61 mét này được hình thành khi các hang động ở hai bên của tảng đá bị khoét rỗng do xói mòn. Nó đã trở thành một điểm đến cực kỳ nổi tiếng, với 200.000 người đi bộ sử dụng lối đi bộ giữa Lulworth Cove và Durdle Door mỗi năm.

    ki quan thien nhien nuoc anh 1
    Durdle Door

    Khách du lịch thường đến thăm Di sản Thế giới để thu thập các hóa thạch rơi xuống các bãi biển khi đá bị xói mòn nhẹ bởi gió và biển.

    Kỳ quan thiên nhiên ở nước Anh này nằm ngay trên bãi biển, nó tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp cho một ngày vui chơi dưới ánh mặt trời của bạn. Bạn sẽ tìm thấy địa chất độc đáo hơn tại Lulworth Cove, hải sản ở cảng cá cũ Swanage và những bãi biển từng đoạt giải thưởng ở vịnh Studland, tất cả đều có thể đến một cách dễ dàng.

    ki quan thien nhien nuoc anh 1
    Khung cảnh ngoạn mục ở Durdle Door, Anh @richies_incredible_britain

    2. Pistyll Rhaeadr, Xứ Wales

    Được nhiều người coi là thác nước cao nhất ở xứ Wales và được chia thành ba tầng, Pistyll Rhaadr là một trong những thắng cảnh ngoạn mục nhất của đất nước. Với chiều cao đáng kinh ngạc 73 mét và cây cầu nhô ra ở giữa, bạn sẽ có cảm giác như đang ở Trung Địa từ Chúa tể của những chiếc nhẫn. Nếu từng có một nơi để đánh giá lượng mưa ở xứ Wales, thì đây chính là nơi đó. Khu vực xung quanh cũng là nơi tuyệt vời để đi bộ đường dài, vì vậy khi bạn đã nhìn thấy thác nước, hãy khám phá thêm vẻ đẹp tự nhiên của xứ Wales trên con đường mòn gần đó.

    ki quan thien nhien nuoc anh 1
    Pistyll Rhaeadr, Xứ Wales

    Pistyll Rhaeadr thường được gọi là một trong Bảy kỳ quan xứ Wales. Phía trên thác nước là một hồ nước tên là Llyn Luncaws. Chuyện kể rằng trong hồ này có một con rắn có cánh, cứ vài ngày lại bay xuống thung lũng đến làng và bắt trẻ em, phụ nữ hoặc động vật, mang chúng trở lại hồ để ăn tươi nuốt sống.

    ki quan thien nhien nuoc anh 1
    Thác Pistyll Rhaeadr @achim_klotz

    3. Hẻm núi Cheddar, England

    Điều đầu tiên gây ấn tượng với bạn khi đi qua hẻm núi Cheddar là nó rộng lớn như thế nào. Nằm ở rìa phía nam của đồi Mendip của Somerset, kỳ quan đá vôi này là một trong những địa điểm tự nhiên quan trọng nhất của nước Anh. Cách tốt nhất để khám phá khu vực là đi bộ. Đi lang thang qua hẻm núi bằng cách đi bộ đường dài hoặc trèo xuống hang động hoặc leo núi đá. Hẻm núi nằm ngay trên con đường từ làng Cheddar, nổi tiếng với pho mát Cheddar của nó. Bạn có biết rằng công ty pho mát Cheddar gốc đã sản xuất pho mát từ năm 1870.

    ki quan thien nhien nuoc anh 1
    Hẻm núi Cheddar @quipita

    ki quan thien nhien nuoc anh 1
    @bondaliza

    4. An Lochan Uaine, Scotland

    Kỳ quan thiên nhiên ở nước Anh này được phát hiện khi bắt đầu chuyến đi qua Cao nguyên Scotland. Vẻ ngoài màu xanh lục của hồ có thể là do ánh sáng phản chiếu từ những hàng cây dọc theo nó, mặc dù truyền thuyết cho rằng hồ có màu đó là do các tiên nữ giặt quần áo của họ trong đó. Mặt khác, khoa học nói rằng gỗ mục nát dưới đáy hồ tạo ra tảo làm cho nước có màu xanh lục. Để tận mắt chứng kiến màu nước tuyệt đẹp này, hãy đỗ xe gần Trung tâm Du khách Công viên Rừng Glenmore và đi bộ từ đó, qua Glenmore Lodge. Với khoảng 40 phút mỗi chiều, đó là một cuộc đi bộ khá dễ dàng, đưa bạn qua những ngọn đồi phủ đầy cây thạch nam và thỉnh thoảng có thỏ chạy qua. Ngoài ra, hãy đi theo hướng dẫn bằng biển báo và thuê một vài chiếc xe đạp từ In Your Element tại Rothiemurchus Pavilion để đi dạo ở đây.

    An Lochan Uaine chắc chắn là một trong những điểm bơi lội hoang dã nổi bật nhất ở Scotland, với làn nước màu ngọc lam tuyệt đẹp, vùng nước này là nơi hoàn hảo để ngâm mình sau khi đi dạo qua những khu rừng thông xung quanh.

    ki quan thien nhien nuoc anh 1
    An Lochan Uaine, Scotland

    ki quan thien nhien nuoc anh 1
    Làn nước trong xanh ở An Lochan Uaine, Scotland @x_theyorkshireway_x

    5. Vịnh Malham, Anh

    Nếu bạn đang đến thăm Công viên Quốc gia Yorkshire Dales, đừng bỏ lỡ Malham Cove – một kỳ quan thiên nhiên ở nước Anh là khối đá vôi cong được tạo ra bởi một thác nước băng mạnh mẽ vào cuối Kỷ Băng hà cuối cùng. Bây giờ không có thác nước, nhưng nó không kém phần ấn tượng. Kỳ quan này rất lớn - mặt thẳng đứng của vách đá cao khoảng 80 mét, khiến nó trở thành một địa điểm nổi tiếng đối với những người leo núi có kinh nghiệm. Nếu bạn muốn leo lên đây, tốt nhất nên chọn một ngày nhiều mây. Vách đá hướng về phía nam và nó có thể cực kỳ nóng dưới ánh nắng mặt trời. Với những con đường được duy trì tốt ở trên cùng và dưới cùng, thật đáng để đi bộ để tận dụng cả hai điểm ngắm cảnh này. Nếu bạn từng thấy vịnh này trông quen thuộc, thì đó là vì nó từng là bối cảnh cho một số chương trình truyền hình và phim, bao gồm Harry Potter và Bảo bối Tử thần: Phần 1 và Đồi gió hú.

    ki quan thien nhien nuoc anh 1
    Vịnh Malham, England

    ki quan thien nhien nuoc anh 1
    Khung cảnh yên bình và tươi đẹp ở Vịnh Malham @earthstaysuk

    6. Cầu Xanh, xứ Wales

    Cầu Xanh nằm không xa Pembroke và lâu đài của nó. Tương tự như Durdle Door ở Anh, Cầu Xanh là một vòm đá vôi khổng lồ nằm dọc theo bờ biển lởm chởm của xứ Wales. Nó ít phổ biến hơn và do đó ít đông đúc hơn so với một số kỳ quan thiên nhiên ở nước Anh được liệt kê ở đây và vẫn đáng để ghé thăm. Hãy chú ý đến vị trí quan sát để có được vẻ đẹp của vòm này. Sau khi quan sát, hãy tận hưởng chuyến đi bộ về phía đông từ đây để ngắm nhìn những địa điểm đẹp khác như Elegug Stacks, The Cauldron và Flimston Bay.

    ki quan thien nhien nuoc anh 1
    Cầu Xanh, xứ Wales

    7. High Force, England

    Tên của thác nước này là rất hợp lý, vì nó thực sự là một sức mạnh đáng kinh ngạc của tự nhiên và là một thác nước có từ 300 triệu năm trước. Nằm ở North Pennines, có vẻ như nó thuộc về một khu rừng rậm hơn là ở biên giới Yorkshire và County Durham. Đó là một trong những thác nước cao nhất nước Anh. Để đến đó, hãy đỗ xe tại Trung tâm Du khách Bowlees và tản bộ trong rừng. Trong điều kiện lạnh giá, thác nước có thể đóng băng, tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục.

    ki quan thien nhien nuoc anh 1
    High Force, England

    ki quan thien nhien nuoc anh 1
    Sức mạnh của nước ở High Force @natureinbritain

    8. Gaping Gill

    Gaping Gill là một trong những căn phòng ngầm lớn nhất được biết đến ở Anh. Trên thực tế, kỳ quan thiên nhiên ở nước Anh này là nơi sâu nhất được biết đến cho đến khi Titan ở Derbyshire được phát hiện vào năm 1999. Gaping Gill vẫn giữ kỷ lục về thác nước không bị phá vỡ cao nhất ở Anh và khoang ngầm lớn nhất mở tự nhiên lên bề mặt.

    ki quan thien nhien nuoc anh 1
    Gaping Gill @atlasandboots

    9. Giant's Causeway

    Giant's Causeway là một khu vực có khoảng 40.000 cột đá bazan lồng vào nhau. Nó đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1986 và là một trong những kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng nhất ở Vương quốc Anh.

    Các cột tạo thành bậc đá dẫn từ chân vách đá và biến mất dưới biển. Bề mặt phẳng trên đỉnh các cột có hình lục giác, mặc dù một số có bốn, năm, bảy hoặc tám cạnh.Những cột cao nhất khoảng 12 mét và dung nham đông đặc trong vách đá dày 28 mét.

    ki quan thien nhien nuoc anh 1
    Giant's Causeway

    10. Hang động Fingal

    Fingal's Cave là một hang động trên biển trên hòn đảo không có người ở Staffa. Giống như Giant's Causeway ở Bắc Ireland, hang động được hình thành từ các cột đá bazan nối hình lục giác. Du khách có thể hạ cánh trên đảo và đi bộ vào hang qua một đường đắp cao.

    Nhà soạn nhạc người Đức Felix Mendelssohn đã đến thăm Staffa vào năm 1829 và được truyền cảm hứng để sáng tác Hebrides Overture sau khi nghe thấy tiếng sóng vang vọng trong kỳ quan thiên nhiên ở nước Anh này.

    ki quan thien nhien nuoc anh 1
    Hang động Fingal

    11. Suilven

    Suilven ở Sutherland chỉ cao 731m, nhưng hình dạng đặc biệt của nó khiến nó trở thành một trong những đỉnh núi đẹp nhất và là một trong những kỳ quan thiên nhiên ở nước Anh. Nằm ở một khu vực hẻo lánh ở phía tây của Sutherland, nó mọc lên gần như thẳng đứng từ một cảnh quan hoang dã của vùng đất hoang, đầm lầy và hồ.

    Đỉnh núi có sườn dốc dài hơn một dặm. Điểm cao nhất, được gọi là Caisteal Liath (Lâu đài Xám trong tiếng Gaelic Scotland), nằm ở cuối phía tây bắc của sườn núi này. Có hai đỉnh khác: Meall Meadhonach ở điểm trung tâm của sườn núi và Meall Beag ở cuối phía đông nam.

    ki quan thien nhien nuoc anh 1
    Đỉnh Suilven

    12. Seven Sisters

    Các vách đá phấn của Seven Sisters - Bảy chị em đã được sử dụng làm địa điểm trong một số bộ phim bao gồm Robin Hood: Prince of Thieves và Atonement.

    Chúng thường được so sánh với vách đá trắng Dover nổi tiếng hơn vì chúng tương đối không bị ảnh hưởng bởi sự phát triển hiện đại và được phép xói mòn tự nhiên, giúp duy trì màu trắng sáng của chúng. Ngược lại, Vách đá Trắng của Dover được bảo vệ nhờ cảng và do đó đang phủ xanh do thảm thực vật ngày càng tăng.

    ki quan thien nhien nuoc anh 1
    Seven Sisters

    Theo luhanhvietnam

  • Tháp Eiffel, Mắt London, Đấu trường La Mã đứng đầu danh sách bị du khách phàn nàn nhiều nhất vì phải đợi quá lâu, xếp hàng dài.

    Tripadvisor dựa vào hơn 10,7 triệu đánh giá của du khách về 100 điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới để tìm ra những nơi bị chê nhiều nhất. Phàn nàn của du khách hầu hết đều chứa cụm từ "xếp hàng dài" hoặc "đợi quá lâu".

    Đứng đầu danh sách là tháp Eiffel, biểu tượng của Paris và nước Pháp với gần 5.000 lời phàn nàn "phải xếp hàng đợi lâu". Xếp vị trí thứ hai là Mắt London tại Anh và Đấu trường La Mã của Italy.

    dia diem du lich bi nem da
    10 điểm đến nổi tiếng thế giới bị khách phàn nàn nhiều nhất do đợi quá lâu mới đến lượt. Ảnh: Hawaiian islands

    "Tháp Eiffel chấm 5 sao nhưng một sao dành cho đám đông khổng lồ và hàng dài người xếp hàng chờ đến lượt", một du khách để lại bình luận trên Tripadvisor. Một người khác gợi ý nên mua vé trực tuyến hoặc đặt tour có hướng dẫn viên để được hưởng chính sách không phải xếp hàng chờ.

    Mắt London cũng nhận được bình luận tương tự. Điểm du lịch nổi tiếng của nước Anh có 32 cabin với sức chứa 800 khách cho mỗi một lần khởi động. Dù vậy, thời gian chờ đợi của mỗi khách vẫn có thể lên đến gần một tiếng với hàng chờ dài, di chuyển nhích từng chút một.

    Các điểm đến nổi tiếng tiếp theo nằm trong danh sách không mong muốn này là Công viên giải trí Legoland Windsor Resort ở Anh, nhà thờ Sagrada Familia ở Tây Ban Nha, Tòa nhà Empire State tại Mỹ. Khu nghỉ dưỡng Alton Towers tại Anh xếp thứ 7, công viên nước Siam Park Tây Ban Nha đứng thứ 8. Disneyland Paris đứng thứ 9 và Universal Studios Singapore vào top 10.

    Nhận xét về Empire State, một du khách cho biết điểm trừ chính là việc xếp hàng quá lâu. Khách mất 15-20 phút để xếp hàng trên đường trước khi đợi 10-15 phút nữa để đợi đến lượt qua cửa kiểm tra rồi đợi thời gian tương tự để vào được thang máy.

    10 điểm đến nằm trong top 20 bị phàn nàn nhiều nhất

    11. Tháp London, Anh
    12. Victoria Peak, Hong Kong, Trung Quốc
    13. Bảo tàng Louvre, Pháp
    14. Tháp Burj Khalifa, Dubai, UAE
    15. Thorpe Park, Anh
    16. Bảo tàng sáp Madame Tussauds London, Anh
    17. Khu phức hợp giải trí Chessington World of Adventures Resort, Anh
    18. Bảo tàng Van Gogh, Hà Lan
    19. Đài quan sát Top of the Rock, Mỹ
    20. Phim trường Warner Bros. Studio Tour London - The Making of Harry Potter, Anh

    VnExpress (theo Tripadvisor, DM)

  • 0 unnamed 2
    Ông bố 3 con Paul Nickerson sốc khi nhận được báo giá £71,000 cho 1 tuần thuê nhà nghỉ dưỡng ở Cornwall

    Một ông bố đã nổi giận sau khi nhận được báo giá cho kì nghỉ 7 ngày tại Cornwall. Anh Paul Nickerson đã hy vọng sẽ thuê được 1 căn nhà nghỉ dưỡng khiêm tốn cho 2 vợ chồng và 3 đứa con dưới 5 tuổi. 

    Tuy nhiên, chủ một căn nhà 3 phòng ngủ ở St Ives, Cornwall, đã đưa ra mức giá tới £10,232/đêm. Paul cảm thấy kinh tởm với mức giá này, vì nó gấp đôi mức lương thu nhập bình quân £31,000/năm ở London. 

    Paul là một ủy viên hội đồng thuộc Đảng Bảo Thủ, khu vực Minster and Woodmansey ở Beverley, East Yorkshire. Anh cho biết: "Bọn họ đang lợi dụng sự mâu thuẫn giữa cung và cầu. Rất nhiều người ở UK muốn đi du lịch, nhưng lại không có nhiều tiền, mà nhà nghỉ dưỡng lại không đủ nguồn cung".

    "Tôi không biết có ai dư dả đến mức chi ra £71,000 để thuê nhà nghỉ dưỡng trong 1 tuần. Tất cả mọi thứ đều tăng giá 50% so với giá thông thường. Vì nhà đông con nên chúng tôi không thể đi du lịch trong ngày, mà thường phải nghỉ lại qua đêm".

    "Bình thường giá cả không hề quá đáng thế này, tôi đã bị sốc. Tôi nghĩ là họ nhầm lẫn, nhưng khi khảo sát giá của những căn nhà xung quanh, tôi nhận ra khồng hề có sự nhầm lẫn. Giá cả đã bị đội lên tới trời".

    St Ives thu hút khoảng 220,000 khách du lịch nghỉ lại qua đêm mỗi năm. Nhưng khảo sát cho thấy đây là một trong những địa điểm nghỉ dưỡng đắt nhất Anh quốc, với giá thuê trung bình £124/đêm.

    Paul chỉ trích những người chủ nhà và các công ty du lịch đã lợi dụng việc thiếu nhà nghỉ cũng như thiếu điểm đến để ăn chặn của khách du lịch. 

    Hiện số người sở hữu căn nhà thứ 2 ở St Ives đang trên đà tăng. Giá nhà trung bình ở đây là £430,000 theo Zoopla. 

    Căn nhà mà Paul tính thuê được mô tả là một ngôi nhà "đương đại, lý tưởng cho gia đình, nội thất đầy đủ với tiêu chuẩn cao cấp. Ngôi nhà chỉ cách ga tàu đi St Ives 200m, và cách bãi biển chỉ 10 phút. Khu vườn rộng lớn là nơi lý tưởng cho trẻ em chơi đùa và tổ chức tiệc BBQ". 

    Hiện tại Paul đã từ bỏ ý định tìm nhà nghỉ dưỡng ở Cornwall. Có thể anh sẽ cắm lều dựng trại ở bãi biển South Bay tại Bridlington, East Yorkshire.  

    Viethome (theo cornwalllive)

  • Adelphi ở Liverpool từng là khách sạn hàng đầu của thành phố. Tuy nhiên, những căn phòng "tồi tàn, buồn tẻ và hôi hám" là đánh giá của du khách khi trải nghiệm nơi đây.

    Theo The Guardian, khách sạn Adelphi được mệnh danh là một trong những chuỗi khách sạn tồi tệ nhất của Vương quốc Anh, sau khi đứng cuối trong cuộc khảo sát người tiêu dùng năm thứ 10 liên tiếp.

    Tập đoàn Britannia có hơn 60 khách sạn trên khắp Vương quốc Anh, nhiều khách sạn có lịch sử lừng lẫy. Chẳng hạn khách sạn Adelphi ở Liverpool, Winston Churchill là một trong số những vị khách nổi tiếng của tập đoàn.

    Tuy nhiên, nhiều vị khách đã nhận thấy những khách sạn khác xa với hạng nhất. Cuộc khảo sát về khách sạn mô tả Adelphi là "mệt mỏi và tồi tàn", với cảm giác "tạm chấp nhận được". Khách đã đánh giá khách sạn với điểm trung bình 2 sao ở mọi hạng mục, đạt tổng điểm hài lòng của khách hàng chỉ là 56%.

    khach san te nhat nuoc anh 1
    Cơ sở vật chất trong phòng khách sạn Adelphi bị đánh giá là tồi tàn. Ảnh: Tripadvisor.

    Bảng xếp hạng khách sạn tốt nhất dựa theo đánh giá của người tiêu dùng trên gần 4.500 lượt lưu trú tại 35 chuỗi, những người được hỏi được mời đánh giá trải nghiệm của họ theo 10 hạng mục, bao gồm mức độ sạch sẽ, tiện nghi trên giường, đồ ăn, dịch vụ khách hàng và giá trị đồng tiền.

    Hơn 1/4 (28%) những người từng ở khách sạn Adelphi không hài lòng với ít nhất một khía cạnh nào đó trong thời gian lưu trú của họ, hơn một nửa trong số đó (54%) nhận thấy vấn đề về sự sạch sẽ. Một vị khách mô tả căn phòng của họ "hoàn toàn tồi tàn, buồn tẻ và bốc mùi", trong khi một người khác phàn nàn về bụi bẩn và nấm mốc.

    Guy Hobbs - biên tập viên của tờ Which? Travel -cho biết: "Mức giá trung bình của một lần lưu trú tại khách sạn ở Anh hiện cao hơn 1/5 so với năm ngoái. Khách du lịch muốn họ chắc chắn được trải nghiệm những thứ tốt nhất so với số tiền bỏ ra".

    2 chuỗi khác - Mercure và tập đoàn Jurys Inn & Leonardo Hotels - cũng hoạt động kém trong cuộc khảo sát, đạt điểm hài lòng của khách hàng là 58%. Trong khi nhiều khách ca ngợi Mercure về các khách sạn "có vị trí thuận tiện" và "nhân viên thân thiện", họ lại mô tả cơ sở vật chất là "cơ bản".

    khach san te nhat nuoc anh 1
    Jurys Inn & Leonardo Hotels với nội thất trong phòng chỉ ở mức cơ bản nhưng lại có vị trí thuận tiện. Ảnh: Leonardo hotels.

    Jurys Inn & Leonardo Hotels cũng đưa ra phản hồi tương tự, với một khách mô tả kỳ nghỉ của họ là "tuyệt, nhưng không có gì đặc biệt so với mức giá". Tuy nhiên, nhiều người ca ngợi chuỗi này vì các cơ sở có vị trí thuận tiện và "dịch vụ tốt".

    Premier Inn là chuỗi khách sạn tốt nhất về tổng thể, với số điểm khách hàng là 78%, được xếp hạng cao về sự sạch sẽ, thoải mái và dịch vụ khách hàng. Khách ca ngợi chuỗi khách sạn này là "đáng tin cậy" và cung cấp "dịch vụ chất lượng", với nhiều người được hỏi cho biết họ là khách quay lại vì thương hiệu luôn tốt trên tất cả địa điểm.

    Premier Inn là chuỗi khách sạn giá rẻ thứ 2 trong bảng, phân tích sâu hơn của Which? Travelnhận thấy giá của một đêm lưu trú trung bình tại các cơ sở kinh doanh của họ đã tăng 35% so với năm 2021 - cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn quốc (21%). Sự gia tăng đó khiến nhiều vị khách đánh giá cho khách sạn chỉ 2 sao.

    Trong số các chuỗi khách sạn nhỏ, Warner Hotels đứng đầu với số điểm của khách hàng là 77% và được khen ngợi về các phòng "hiện đại, tiện nghi", "sự chào đón thân thiện".

    khach san te nhat nuoc anh 1
    Warner Hotels đứng đầu với số điểm của khách hàng là 77%. Ảnh: Warner Leisure Hotels.

    Được đánh giá là một trong những chuỗi khách sạn đắt đỏ hơn, với giá phòng trung bình là 205,1 USD/đêm, nhưng Warner Hotels đã đạt được 4 sao về giá trị đồng tiền, với một số khách nhận xét việc bao gồm dịch vụ giải trí, bữa sáng và bữa tối khiến kỳ nghỉ đáng giá hơn với mức giá phải trả.

    Malmaison cũng hoạt động tốt trong số các chuỗi nhỏ hơn, với số điểm khách hàng là 76%. Khách ca ngợi trải nghiệm "dịch vụ tuyệt vời" và "sang trọng thuần túy", cho 5 sao về sự sạch sẽ, chất lượng phòng và trải nghiệm đúng như mô tả.

    Theo tcdulichtphcm

  • Gia đình tôi vừa có một chuyến du ngoạn ở xứ sở sương mù đúng vào thời điểm châu Âu bước sang tiết lập Đông. Thời tiết ở Anh lúc này rất đỏng đảnh, thất thường.

    Sau hơn 2 năm “đóng cửa” vì đại dịch Covid- 19, bây giờ mới trở lại thời kỳ thỏa sức được vi vu trên bầu trời thế giới…

    Gia đình tôi vừa có một chuyến du ngoạn ở xứ sở sương mù đúng vào thời điểm châu Âu bước sang tiết lập Đông. Thời tiết ở Anh lúc này rất đỏng đảnh, thất thường.

    Vương quốc Anh là một quần đảo nằm ở phía Tây Bắc của lục địa châu Âu trải dài hơn 1.000km từ Bắc xuống Nam. Mỗi một vùng miền đều mang đặc điểm khí hậu riêng; tuy không phải lúc nào thời tiết cũng lý tưởng nhưng khí hậu ôn hòa và dễ chịu quanh năm. Ở bất cứ nơi đâu trên xứ sở này, người ta đều bắt gặp vô số không gian công viên xanh và những thảm cỏ rộng lớn. Nếu như ở các đô thị lớn trong nước Anh đâu cũng chen chúc những lâu đài, cung điện sầm uất nguy nga thì ở vùng nông thôn lại tràn ngập không gian xanh mướt hòa trong quần thể những làng mạc cổ tạo nên những bức phong cảnh vô cùng xinh đẹp và quyến rũ…

    cam dong nuoc anh 1
    Tác giả ở Luân Đôn

    Và trên mọi cung đường từ thủ đô Luân Đôn đến Scotland cổ kính đều đưa du khách đến với muôn vàn cảm xúc. Từ những lâu đài nguy nga tráng lệ tới những làng cổ êm đềm ta cảm nhận rõ một xứ sở yên bình diệu kỳ …

    Sau cuộc du ngoạn hơn nửa tháng trời trở về đến tận hôm nay vẫn đong đầy cảm xúc. Bỗng đêm qua, con gái điện về thông báo có 2 việc khiến tôi thấy bất ngờ và xúc động về lối hành xử của người Anh.

    Câu chuyện thứ nhất: Chuyến đi Anh quốc gia đình đã thực hiện một cuộc hành trình dọc từ Nam lên Bắc (Luân Đôn đến Scotland), ở thành phố nào con gái cũng đã thuê căn hộ sẵn, duy có đến Manchester là ở khách sạn. Một buổi tối tôi xuống lễ tân phàn nàn về việc phòng tôi ở hôm nay có vài chi tiết chưa ổn. Cô lễ tân nói bây giờ phục vụ phòng đã nghỉ và xin thông cảm. Tôi tỏ thái độ thiếu hài lòng. Sau đó rồi chuyện này cũng đi vào quên lãng. Con gái báo tin rằng khách sạn ở Manchester vừa hoàn trả 50% tổng số tiền những ngày gia đình đã lưu trú. Điều này quả thực đã khiến tôi thấy bất ngờ và xúc động trước sự hành xử chu đáo của khách sạn đối với du khách…

    Câu chuyện thứ hai: Từ Scotland trở về Luân Đôn gia đình tôi đã chọn đi bằng tàu điện. Hành trình này thời gian ấn định là 4 giờ đồng hồ.

    Dọc đường do có sự cố của nhà ga phía trước nên tàu phải dừng đợi. Khi về đến Luân Đôn hành trình chậm mất một 1 giờ. Cả gia đình tôi coi chuyện đó là bình thường và không hề để tâm gì cả. Nhưng, thật bất ngờ sau đó con gái nhắn tin: “Chuyến nhà mình đi từ Scotland về Luân Đôn hôm đó đã được hoàn trả lại 100% tiền vé vì tàu bị chậm 1 giờ đồng hồ”.

    Chuyện nhỏ ở xứ người khiến tôi cứ băn khoăn, xao xuyến…

    cam dong nuoc anh 1
    Quang cảnh Thủ đô của Scotland<

    Về vương quốc này, người Anh rất coi trọng việc giữ phép lịch sự khi giao tiếp. Một trong những ví dụ phổ biến nhất của điều này là nói lời xin lỗi ngay cả khi bạn không nhất thiết phải xin lỗi về một điều gì đó. Phép lịch sự cũng bao gồm những điều như luôn quan tâm việc xếp hàng, nói lời cảm ơn hoặc thứ lỗi. Lời nói không mất tiền mua là một yếu tố quan trọng trong văn hóa hành xử ở Vương quốc Anh...

    Được biết, trung bình mỗi năm nước Anh có khoảng 450.000 du học sinh quốc tế đến từ nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó có khoảng 11.000 du học sinh Việt Nam. Một trong những lý do mà sinh viên Việt Nam quyết định lựa chọn Anh quốc trong kế hoạch du học là bởi chi phí hợp lý (học phí và ăn ở) phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và là một con đường đi ngắn, tiết kiệm được thời gian. Nhiều thành phố lớn tại Anh đã thu hút được các nhân tài từ khắp nơi trên thế giới tới sinh sống và làm việc.

    Với lịch sử gần 800 năm, nền giáo dục Vương quốc Anh là một trong những nền giáo dục được đánh giá cao và thành công nhất, có ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống giáo dục toàn cầu!

    Theo Công Thương / Việt Phương Khanh

  • Người ta cho rằng, đây là thành quả làm việc của một… người khổng lồ!

    Giant’s Causeway (tạm dịch: Con đê của người khổng lồ) nằm ở Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh. Đây là điểm thu hút rất nhiều du khách bởi nơi này có khoảng 40.000 cột đá bazan khổng lồ màu đen được xếp vô cùng ngay ngắn.

    Giants Causeway 1
    Những cột đá bazan xếp ngay ngắn như được sắp đặt từ trước. (Ảnh: Perspectives)

    Điều lý thú ở nơi này chính là các cột bazan phần lớn đều có hình lục giác (một số cột khác có từ bốn đến tám cạnh). Cột cao nhất ở đây lên tới 12 mét. Nhiều nhà địa chất học khẳng định, cảnh quan ở khu vực này được hình thành do hoạt động núi lửa từ Kỷ Đệ Tam (khoảng 50-60 triệu năm về trước).

    Giants Causeway 1
    Cận cảnh những khối đá hình lục giác. (Ảnh: National Trust)

    Con người từng định cư tại Giant’s Causeway từ thế kỷ 19, thế nhưng bây giờ khu vực này không còn ai sinh sống vì nó đã biến thành khu bảo tồn thiên nhiên từ năm 1961. Năm 1986, con đê khổng lồ này được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.

    Nơi đây là nhà của khoảng 50 loài chim và hơn 200.000 loài thực vật khác nhau. Và dù không còn người dân sinh sống nhưng điểm du lịch này vẫn đón hơn 300.000 lượt du khách mỗi năm, bởi những truyền thuyết bí ẩn xung quanh nó.

    Giants Causeway 1
    Giant’s Causeway là một trong những Di sản Văn hóa Thế giới. (Ảnh: National Trust)

    Một truyền thuyết kể lại rằng, một người khổng lồ xứ Ireland tên là Finn McCool đã tự mình xây nên con đê này để vượt qua biển Ireland chiến đấu với kẻ thù - một người khổng lồ xứ Scotland tên Benandonner. Kết quả là Benandonner thua và chạy ngược về Scotland, khiến cho con đê bị tan nát và phần còn lại là những gì ta thấy ngày nay. Khu vực này có một tảng đá lớn có hình đôi giày, và nó được cho là chiếc giày mà người khổng lồ làm rơi khi đi xây con đê khổng lồ.

    Giants Causeway 1
    Theo truyền thuyết, Giant’s Causeway là dấu tích của người khổng lồ để lại. (Ảnh: Internet)

    Trong một phiên bản khác của câu chuyện, Finn McCool xây con đê không phải để chiến đấu, mà là để đến với người yêu của mình ở bờ bên kia. Vì sợ đứa cháu yêu bỏ đi mãi mãi không về, bà của McCool đã làm phép để sóng gió quật vỡ tan con đê vào ban đêm, thời điểm mà cháu bà đi ngủ để dưỡng sức.

    Giants Causeway 1
    Nơi đây gắn liền với nhiều truyền thuyết. (Ảnh: Internet)

    Quá buồn rầu vì công sức bỏ ra bị phá hết, Finn McCool quyết định làm cả ban đêm, bất chấp sóng gió từ bùa phép tấn công mình. Về sau, anh đã đến nơi, nhưng vì quá kiệt sức sau một đoạn trường sóng gió, mà anh đã gục ngã trong vòng tay người yêu và ra đi mãi mãi, để lại phía sau là cơn sóng bão đang đánh vỡ con đê lần cuối cùng.

    Giants Causeway 1
    Cảnh hùng vĩ của Giant’s Causeway thu hút hàng trăm lượt khách du lịch mỗi năm. (Ảnh: Canstock Photo)

    Tuy có nhiều phiên bản khác nhau nhưng truyền thuyết được nhiều người tin chắc rằng đây có thể là con đê đã được một người khổng lồ xây nên, và nó là một trong những kỳ quan, điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng của Vương quốc Anh.

    Theo VTC

  • Đến Anh Quốc vào tháng 09/2020, khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, song Hiền Thu đã có cơ hội khám phá 20 thành phố ở Vương Quốc Anh, nhiều điểm ở Bắc Ireland, toàn bộ xứ Wales và Scotland.

    du lich kham pha anh quoc 1

    Có niềm đam mê du lịch, nên bất cứ khi nào có thời gian Lê Hiền Thu (24 tuổi, đang theo học khóa Thạc sĩ ngành Quan hệ Công chúng và Truyền thông tại Đại học Leeds Beckett, Anh) đều sẵn sàng cùng bạn bè lên đường thăm thú đó đây.

    Đến Anh Quốc vào tháng 09/2020, khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, song Hiền Thu đã có cơ hội khám phá 20 thành phố ở Vương Quốc Anh, nhiều điểm ở Bắc Ireland, toàn bộ xứ Wales và Scotland

    Cô cũng kịp đặt chân tới 5 địa danh xinh đẹp của Ý là Venice, Pisa, Cinque Terre, Rome và Florence vào tháng 08 vừa qua, ngay khi Vương Quốc Anh dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

    Điều đặc biệt, hầu hết các chuyến đi của Thu đều theo thiên hướng khám phá, trải nghiệm chứ không phải du lịch nghỉ dưỡng.

    du lich kham pha anh quoc 1
    Hiền Thu (áo trắng) chụp ảnh bên bạn bè

    Thu cho biết, trước đây, khi ở Việt Nam cô thường đi du lịch với gia đình hay bạn bè. Tuy nhiên, người thân và bạn bè đều khá rụt rè, không ưa thích mạo hiểm nên Thu ít có cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm có tính thử thách, kịch tính.

    Khi sang Anh du học, cô có cơ hội tiếp xúc với nhiều người bạn bản địa và những người Việt đồng hương sống ở đây lâu năm. Họ chia sẻ với Thu về sự khác biệt giữa “adventure” (khám phá) và “travel” (du lịch).

    "Đối với bạn bè mình tại Anh, khi nói đến travel, họ sẽ chú trọng vào “destination” (điểm đến cuối cùng) để có thể nghỉ ngơi và tận hưởng, trong khi đó, với adventure, bạn được tận hưởng và khám phá cho đến tận điểm destination”, Thu cho biết.

    Sau chia sẻ của những người bạn, Thu bắt đầu tham gia những chuyến khám phá. Cô biết được cảm giác tự mình tìm ra những địa điểm đẹp, rất ít người biết đến, được trực tiếp chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt vời, hiểu hơn về cuộc sống của người dân bản địa, và đặc biệt chi phí còn rất rẻ.

    “Hầu hết, mình đi cùng nhóm bạn, có cả người Việt lẫn người nước ngoài với chuyến đi nhiều nhất là 4 ngày 3 đêm, có khi chỉ đi trong ngày. Chúng mình thường trekking, leo núi, dựng lều cắm trại ở một quả đồi hay đơn giản là một buổi picnic nhẹ nhàng bên bờ kênh sau những ngày học căng thẳng. Cũng có lúc đã xác định được điểm đến, nhưng khi phát hiện được điểm thú vị trên đường đi, cả nhóm lại quyết định dành thêm thời gian mò mẫm, khám phá, xoay chuyển kế hoạch”, cô cho biết.

    du lich kham pha anh quoc 1
    Buổi Picnic bên bờ sông Bourton giúp cô thư giãn sau những ngày chạy deadline ở trường

    "Hú hồn" khi sa đầm lầy vì nghe lời "bác Google"

    Hơn một tháng sau khi tới Anh, cô nhanh chóng cùng nhóm bạn đến địa điểm nổi tiếng được xuất hiện trong bộ phim Harry Porter. Đây được coi là chuyến đi mở màn hành trình khám phá của Hiền Thu, nhưng cũng đã khiến cả nhóm và cô một phen hú hồn.

    “Kế hoạch của bọn mình là check-in tại đường tàu chạy bằng hơi nước Jacob steam train, Scotland thế nhưng cả nhóm đã đi lạc rất xa do mất sóng 4G dọc đường.

    Trên xe, mọi người thay đổi kế hoạch sang khám phá những địa điểm khác tiện đường về nhà. Và chúng mình quyết định tìm kiếm địa điểm theo chỉ dẫn của Google”, Thu nhớ lại.

    Khi được "bác Google" giới thiệu về địa điểm vào thác Steall, ở thị trấn Fort William, cả nhóm hào hứng lên đường, lòng ngập tràn háo hức.

    Thế nhưng, khi đến nơi, các bạn trẻ tá hỏa khi không thấy đường núi đẹp đẽ, cũng chẳng thấy cỏ khô trải thảm dưới chân... mà trước mắt chỉ toàn bùn lầy và những vũng nước ứ đọng.

    du lich kham pha anh quoc 1
    Suốt quãng đường dài đi bộ, cả nhóm thấp thỏm sợ trượt ngã hay trật chân, rơi lọt xuống hố thì nguy hiểm

    “Mọi người khá thất vọng và có ý định bỏ cuộc, nhưng lại động viên nhau đã phi lao thì phải theo lao, tiếp tục lội bùn để xem nơi bác Google chỉ có đẹp như lời đồn, và lần nữa, chúng mình bị “lừa”. Chả có thác nước nào ở ngoài đời cả, chỉ thấy xung quanh là những khối đá trơ trọi, cây cối xơ xác mùa thay lá”, Thu kể.

    Trải qua trekking vùng lầy gần 5 km, một cái kết có hậu đã xuất hiện khi họ liên tục được chiêm ngưỡng những khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời. Cô nàng 9x đam mê mạo hiểm cho biết, đây là lần đầu tiên được chứng kiến những cảnh đẹp như thế, khiến lúc ấy cô ngỡ mình đang mơ.

    du lich kham pha anh quoc 1
    Hiền Thu check in tại Falls of Foyers cách hồ Lochness, Scotland không xa.

    “May mắn thiên nhiên không làm mình thất vọng, mình được gặp một bầy hươu rừng đang uống nước bên bờ suối, cảnh tượng y trong phim vậy. Bầy hươu rất đẹp, chỉ tiếc khi chúng mình lại gần để chụp hình thì cả đàn đã bỏ chạy vào rừng, chỉ biết lưu lại bằng mắt thường và giữ trong ký ức mãi thôi”, cô nói.

    du lich kham pha anh quoc 1
    Tuy bị Google "lừa" nhưng Thu và nhóm bạn vẫn có cái kết viên mãn

    Mắc kẹt trong cơn mưa tuyết ở ngọn núi "không bóng người"

    Tháng 04/2021, Thu vô tình xem được một bài chia sẻ trên mạng xã hội về con đập màu xanh như ngọc, nằm giữa rừng thông xanh rì. Cô nàng nhanh chóng bị "mắc bẫy". Thu và người bạn thân nhanh chóng xách balo lên và đến con đập nhân tạo Brombil Reservoir ở xứ Wales ngay lập tức.

    Đây là chuyến đi đầu tiên không có kế hoạch kĩ càng từ trước mà hoàn toàn "tự phát", cũng là chuyến đi “để đời” trong hành trình khám phá của Thu tại Anh Quốc.

    du lich kham pha anh quoc 1
    Hiền Thu trên đỉnh núi ở con đập Bombil trước khi mưa đá và tuyết

    "Mình đọc thông tin và được biết, nước trong con đập này sẽ thay đổi màu theo từng mùa và đây là khoảng thời gian có màu xanh ngọc đẹp nhất năm. Mình và bạn lên đường vào lúc 2h chiều và đến Wales sau hơn 1 tiếng di chuyển. Khi leo tới đỉnh núi cũng là lúc bắt đầu hoàng hôn. Khung cảnh thật sự khiến chúng mình thấy mãn nguyện. Tuy nhiên, hạnh phúc chưa bao lâu, chỉ 20 phút sau, chúng mình đã rơi vào trạng thái hoàn toàn đối lập: sợ hãi đến phát khóc", Thu nhớ lại.

    Hai cô gái không ngờ, một cơn mưa đá và tuyết lớn ập tới. Họ bỗng nhiên bị mắc kẹt ở đỉnh núi thuộc con đập Brombil, Wales. Lúc này, trên đỉnh núi chỉ có đúng 2 người, không thấy bất cứ một ai khác để có thể nhờ hỗ trợ.

    Đây là địa điểm mới nên không đủ thông tin về cứu trợ, sóng điện thoại và 4G đều không có. Thu và bạn bắt đầu nghĩ đến việc, họ sẽ phải ở lại đây suốt đêm, hy vọng ngày mai thời tiết thuận lợi hơn. "Nhưng chúng mình lục tìm trong balo thì không có đủ đồ ăn cho bữa tối cũng không có đồ để trú lại ban đêm. Cơn mưa xối xả, tuyết rơi không ngừng, càng ngày càng dày khiến chúng mình sợ hãi", Thu nói.

    Nhưng với kinh nghiệm từ những chuyến đi trước, hai cô gái cố gắng vững tin, xem đây chỉ là thử thách. Thu và bạn lấy hết can đảm để mò mẫm xuống núi trong ánh đèn flash điện thoại.

    “Lúc đó chúng mình rất sợ nhưng vẫn cố gắng giữ bình tĩnh để có thể xử lý mọi thứ đúng đắn, an toàn nhất. May mắn, cả hai đã tìm được đường và xuống núi sau 2 tiếng vật vã, có những đoạn gần như dùng cả tay để bám đường, tránh trượt ngã. Quãng đường hơn 2km dài và đáng sợ khủng khiếp. Khi xuống tới nơi, trời đã tối hẳn, người mình ướt sũng, đôi sneaker bị bao quanh bởi 10cm bùn. Hai đứa vừa mệt vừa ngồi cậy bùn để có thể tiếp tục đi về nhà”, cô kể.

    du lich kham pha anh quoc 1
    Con đập Bombil nước xanh như ngọc dưới ánh hoàng hôn

    Hiền Thu chia sẻ, đối với các bạn lựa chọn du lịch khám phá thì cần chuẩn bị các đồ dùng như giày trekking, chống trượt, đồ bảo hộ, đèn pin, nạp đầy pin điện thoại, máy ảnh. Bên cạnh đó, cần lưu lại số điện thoại hỗ trợ như cảnh sát, cấp cứu hay quản lý khi du lịch và đề phòng tránh các trường hợp móc túi, cướp giật dọc đường.

    “Sau lần này, muốn đi đâu, ngoài tra các thông tin cần thiết, mình cũng phải dò thật kỹ dự báo thời tiết, và đi cùng nhiều bạn bè để có thể giúp đỡ nhau khi không may gặp rủi ro”, cô cho biết.

    Mỗi chuyến đi của Hiền Thu và các bạn rơi vào khoảng 100 đến 250 bảng Anh (khoảng 3 tới 8 triệu đồng), gồm chi phí ăn uống, thuê lều, trại và xăng dầu cho xe. “Chúng mình tìm hiểu rất kỹ về địa điểm trên mạng, các trang web du lịch, sau đó là giá cả của các hãng tàu, xe cùng các ưu đãi cho sinh viên để tối ưu nhất chi phí”, cô nhấn mạnh.

    du lich kham pha anh quoc 1
    Hình ảnh một trong những cây cầu cổ bằng đá được xây dựng từ những năm 1654 ở Bourton on the Water thuộc làng cổ Cotswolds

    du lich kham pha anh quoc 1
    Cô bạn rất thích leo núi và ghi lại cảnh đẹp bằng máy ảnh film (ảnh chụp tại Llangattock, Powys, Wales)

    du lich kham pha anh quoc 1
    Chèo thuyền ở Luss Pier để ngắm nhìn những hòn đảo quanh Loch Lomond, Scotland

    du lich kham pha anh quoc 1
    Những góc nhỏ xinh ít người để ý tới lại là địa điểm lý tưởng để Thu "sống chậm lại và tận hưởng cuộc sống" (ảnh Hiền Thu tại Venice, Italy)

    du lich kham pha anh quoc 1
    Thành quả sau quãng đường leo núi vất vả là một góc view đẹp tựa tranh vẽ - Cinque Terre, Italy

    du lich kham pha anh quoc 1
    Thu check-in tại ngôi làng ven biển đầy màu sắc Burano, Italy

    Theo Vietnamnet

  • 3 du khách người Mỹ rất sốc khi bị tính phí 205 bảng Anh (tương đương hơn 6 triệu VNĐ) cho một chuyến đi xích lô kéo dài 5 phút.

    Theo tờ tin tức My London, sự việc xảy ra vào ngày 14 tháng 10 mới đây tại một khu phố ở thủ đô London (Anh). Cô Nicole Kramer và 2 người bạn, đến từ thành phố Los Angeles (Mỹ), có ý định di chuyển từ nhà hàng nổi tiếng Sexy Fish đến địa điểm ăn uống khác có tên Sketch. Họ biết rằng mình có thể đi bộ trong 7 phút vì đoạn đường chỉ dài khoảng 500m nhưng lại muốn thử trải nghiệm đi xe xích lô vì trời đang mưa.

    xich lo london 1
    Xích lô ở London được coi như xe ngựa kéo, không có luật cụ thể cho phương tiện di chuyển này.

    Nicole Kramer đã đăng một video lên mạng xã hội TikTok để kể về tình huống của mình. Video nhanh chóng thu hút được hơn 3 triệu lượt xem và 184.000 lượt thích.

    Mở đầu video, người ta thấy Nicole và những người bạn đang tận hưởng chuyến đi bằng xe xích lô, nhưng sau đó khuôn mặt cả nhóm "biến sắc" khi được thông báo giá. Đoạn video có chú thích: "Khi bạn nghĩ đi xe xích lô sẽ vui hơn đi taxi thì người ta sẽ tính bạn 250 USD cho 5 phút".

    xich lo london 1
    Du khách người Mỹ Nicole Kramer (ảnh) và 2 người bạn đã ở West End, London vào ngày 14 tháng 10. Họ sốc khi bị tính phí 205 bảng Anh cho chuyến xích lô ngắn ngủi.

    Trong video, có thể nghe thấy tiếng Nicole thốt lên "không, thật điên rồ" khi nói chuyện với tài xế về giá cả. Cuối cùng, Nicole cho biết bạn cô đã cố gắng mặc cả giá xuống còn 49 bảng Anh (tương đương hơn 1,4 triệu VNĐ).

    Nicole giải thích trong phần bình luận rằng cô đã hỏi tài xế về giá cả từ trước khi ngồi lên xe. Cô viết: "Chúng tôi thậm chí còn hỏi anh ta 'liệu chuyến xe này có giá khoảng 100 USD không' và anh ta khẳng định là không. Chúng tôi lên xe và khi xuống xe, anh ta nói số tiền phí là 250 USD. Chúng tôi ngạc nhiên, không thể nào, điều đó thật điên rồ. Tôi có cảm giác chúng tôi bị lừa từ trước khi sử dụng dịch vụ này".

    xich lo london 1
    Nhóm du khách đi từ Sexy Fish đến Sketch, quãng đường chỉ khoảng 500m.

    xich lo london 1
    3 bạn trẻ đã có trải nghiệm "nhớ đời" ở London.

    Bài đăng của Nicole đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều cư dân mạng. Những người dùng TikTok đã nhanh chóng chia sẻ câu chuyện của riêng họ về những chiếc xe xích lô ở London. Trong đó một người kể: "Tình huống này đã xảy ra với tôi! Người ta nói với tôi 50 USD (khoảng 1.2 triệu VNĐ) và khi chúng tôi đến nơi, anh ta nói 'mỗi người 50 USD chứ không phải cả đoàn'".

    Một người khác gắn thẻ bạn mình vào video và nói: "London! Nhớ hồi họ tính giá tiền bằng cả tháng lương của chúng ta để đi vòng quanh góc phố!".

    Một người nhớ lại: "Tôi cũng từng đi xe này chưa đầy 10 phút và phải trả 150 bảng Anh (tương đương 4,4 triệu VNĐ)!".

    Năm 2022, có thông tin cho rằng các áp phích đã được dán lên ở các khu vực công cộng để cảnh báo khách du lịch tránh bị lừa đảo.

    Hội đồng thành phố Westminster, trực thuộc thành phố London, đã phát động chiến dịch cảnh báo người dân và khách du lịch khi sử dụng dịch vụ xe xích lô.

    Các nhà chức trách hiện đang làm việc với Cục Giao thông vận tải London để xây dựng các quy định mới đối với xe xích lô.

    Các tờ rơi đã được phát khắp London nhằm kêu gọi mọi người hãy cẩn thận khi lên xe xích lô và cảnh báo về giá cước quá cao. Các áp phích cũng nhằm khuyến khích mọi người sử dụng taxi, xe buýt và tàu điện ngầm thay vì đi xích lô.

    Theo luật Victoria, xích lô (còn được gọi là xe kéo), được coi như xe ngựa ở Anh. Do đó, không có quy định cụ thể với phương tiện di chuyển này.

     

    Xích lô có thể hoạt động ở London với tư cách là xe ngựa theo Đạo luật vận chuyển công cộng đô thị năm 1869 và có thể tính giá vé riêng tùy quãng đường và thỏa thuận với khách.

    Xe xích lô thường được nhìn thấy ở các địa điểm du lịch nổi tiếng bao gồm Quảng trường Leicester, Covent Garden, Soho, Khu phố Tàu, Mayfair, Phố Oxford và Marble Arch.

    Kênh 14 (Nguồn: My London)

  • Theo trang CNBC, lạm phát kéo dài, dịch Covid-19, chi phí năng lượng cao ngất ngưởng, tình trạng thương mại liên quan đến vấn đề Brexit và diễn biến suy thoái đã gây ra khó khăn đối với kinh tế Anh trong thời gian qua. Ngân hàng Anh đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 4,5% trong tháng 5, đây là lần tăng lãi suất thứ 12 liên tiếp trong nỗ lực chống lại tình trạng giá cả tăng cao.

    Trong khi đó, theo cuộc khảo sát thường kỳ của công ty dữ liệu ECA International mới đây, Vương quốc Anh vẫn là điểm đến đắt đỏ nhất cho người nước ngoài, với mức lương và phúc lợi trung bình của người nước ngoài làm việc tại nước này là 441.608 USD vào năm 2022. Phúc lợi cho nhân viên cũng đã tăng 4% lên 167.594 đô la và đắt nhất thế giới. Người nước ngoài ở Anh hiện đang có xu hướng chuyển đến các quốc gia như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để tận hưởng chi phí sinh hoạt thấp hơn.

    Trong bối cảnh châu Âu đang trải qua một mùa hè khắc nghiệt, nước Anh đã trở thành một trong những địa điểm hút khách du lịch nước ngoài tìm kiếm một kỳ nghỉ hè mát mẻ hơn. Các doanh nghiệp trong ngành du lịch Anh đang báo cáo lượng khách quốc tế có dấu hiệu tăng lên, nhiều khách sạn và hãng hàng không thông báo lượng đặt phòng hay đặt vé "giờ chót" tăng vọt. Đa phần trong số này là du khách Mỹ - những người dự định đến khu vực phía nam của châu Âu, nhưng đã lựa chọn thay thế bằng Anh hoặc Ireland để tránh nóng.

    du lich anh quoc dat do
    Vương quốc Anh sẽ tiến hành thu phí đối với các đối tượng được cấp ETA vào nước này từ đầu năm 2024.

    Ở chiều ngược lại, kể từ khi các quy định thông hành mới sau Brexit được áp dụng, số lượng du khách Pháp và Đức tới Anh lại bắt đầu giảm mạnh. Các công ty dịch vụ du lịch cũng đang lo ngại về kế hoạch triển khai việc xin trên mạng giấy phép du lịch điện tử (ETA), bắt đầu có hiệu lực kể từ tháng 10/2023. Mô hình này tương tự như hệ thống ESTA của Hoa Kỳ, ngay cả thành phần khách du lịch không cần phải xin thị thực nhập cảnh trước khi tới Anh cũng sẽ phải nộp phí trực tuyến để xin giấy phép du lịch điện tử ETA.

    Trước mắt, theo đánh giá của nghiệp đoàn Tourism Alliance, hệ thống ETA sẽ làm cho mọi thứ càng trở nên rắc rối phức tạp hơn, ít nhất là trong thời gian đầu thiết lập hệ thống này, khi du khách nước ngoài vẫn còn chưa quen với thủ tục mới. Công báo Nhà nước Vương quốc Anh và Bắc Ireland vừa đăng tải thông tin, cho biết sẽ tiến hành thu phí đối với các đối tượng được cấp ETA vào nước này, chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2024 tới.

    “Giấy phép ETA thuộc dạng du lịch miễn thị thực. Tuy nhiên, ETA không chỉ nhằm thu phí mà còn để kiểm soát chặt chẽ những đối tượng vào Vương quốc Anh, cũng là việc cần thiết trong bối cảnh dòng người di cư ngày càng gia tăng - song hành với những nguy cơ của tội phạm và khủng bố”, người phát ngôn Bộ Nội vụ Anh giải thích.

    Các thủ tục mới khiến số lượng du khách tại châu Âu tới Anh giảm mạnh, còn những khách du lịch quốc tế khác thì phàn nàn rằng một số điểm đến hàng đầu của Vương quốc Anh như "con bò sữa" kiếm tiền từ du khách. Từ Lake District đến Stonehenge, Vương quốc Anh có nhiều địa điểm du lịch đáng kinh ngạc, nhưng có một vài điểm nóng khiến du khách giờ đây than phiền "hoàn toàn không xứng đáng với chi phí bỏ ra".

    Một khách du lịch có tài khoản đăng ký mang tên JLaw118 đã viết trên nền tảng Reddit: “Tôi vừa trở về từ Anh trong một chuyến du lịch, và tôi bị vắt kiệt theo đúng nghĩa đen. Bãi đậu xe đắt tiền, quán cà phê, cửa hàng quà tặng đều tăng giá. Thậm chí, mỗi khi tôi muốn dừng lại để chụp một bức ảnh là lại thấy một tấm biển báo muốn tính phí! Tôi đành chụp một bức ảnh lén lút và rời đi. Du lịch như vậy hoàn toàn không đáng tiền”.

    Land's End là một mũi đất ở phía tây Cornwall, điểm cực tây của lục địa Anh. Đây là một trong những địa danh hàng đầu của nước Anh và khách du lịch có thể nhìn thấy Quần đảo Scilly từ đỉnh vách đá vào một ngày đẹp trời. Tuy nhiên, cột mốc chính đã bị du khách xô đổ khi khách du lịch bị thu phí khi chụp ảnh với biển báo. Bên dưới bài đăng, rất nhiều khách du lịch đã đua nhau đề cử một số địa danh khác ở châu Âu như là giải pháp thay thế.

    Chưa hết, một nghiên cứu mới đã tiết lộ sự khác biệt về chi phí giữa việc di chuyển trên một chuyến tàu ít carbon hoặc một chuyến bay thải nhiều khí thải ở Vương quốc Anh cao hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu. Báo cáo được công bố vào đầu tháng này bởi Tổ chức môi trường quốc tế Hòa bình Xanh (Greenpeace) cho hay các chính phủ châu Âu đang tích cực khuyến khích người dân đi du lịch theo cách ít phát thải nhất có thể, do đó đã khuyến khích tái thiết trở lại nhiều tuyến đường sắt cũng như tour du lịch tàu hỏa. Nhưng không nơi nào ở châu Âu có sự chênh lệch về chi phí giữa đường sắt và đường hàng không rõ rệt hơn ở Anh.

    Theo đó, trên khắp lục địa, giá vé các chuyến tàu đắt gấp đôi so với đi máy bay của các hãng hàng không giá rẻ, nhưng ở Vương quốc Anh, chúng đắt gấp bốn lần. Để đưa ra kết luận của mình, Greenpeace đã so sánh chi phí vé tàu và máy bay cho 112 tuyến đường giữa các thành phố lớn ở 27 quốc gia châu Âu. Các chuyến bay luôn rẻ hơn so với vé tàu trên tất cả 12 tuyến đường của Vương quốc Anh đã được đưa vào nghiên cứu, bao gồm các tuyến nội địa giữa London và Scotland và các tuyến quốc tế đến Paris, Berlin, Barcelona, Marseille và Amsterdam.

    Ví dụ, đi từ Barcelona đến London bằng tàu hỏa trung bình đắt gấp 10 lần so với đi máy bay. Chênh lệch giá còn gia tăng hơn nữa đối với những vé đặt trong thời gian ngắn, với vé tàu trong một số trường hợp đắt gấp 30 lần vé máy bay. Tương tự, hành trình giữa Edinburgh và London cũng được cho là "rẻ hơn một cách có hệ thống nếu lựa chọn máy bay", dẫn đến 3,4 triệu hành khách mỗi năm di chuyển giữa hai thành phố bằng đường hàng không, mặc dù có hàng chục chuyến tàu mỗi ngày.

    Hiện Greenpeace đang kêu gọi Vương quốc Anh cấm các chuyến bay đường ngắn khi có giải pháp thay thế đường sắt hợp lý - một chính sách như vậy đã được áp dụng vào đầu năm nay ở Pháp - và chấm dứt trợ cấp cho các hãng hàng không và sân bay, bắt đầu bằng việc loại bỏ dần việc miễn thuế cho dầu hỏa và việc áp dụng phí khách hàng thường xuyên. Tổ chức này cũng kêu gọi các chính phủ châu Âu ban hành "vé khí hậu" - vé dài hạn đơn giản có giá trị trên tất cả các phương tiện giao thông công cộng ở một quốc gia hoặc khu vực.

    Theo SMoney

  • dong ho Balmoral scotland 1

    Tới Edinburgh vào bất kỳ hôm nào thì bạn cũng yên tâm là chắc chắn có những thứ bạn sẽ luôn ngắm được.

    Đó là toà lâu đài hoàng gia với kiến trúc Gothic đẹp như trong truyện cổ tích được xây bít trên mỏm núi lửa đã tắt. Đó là những đoạn phố, ngõ ngách bí hiểm có từ thời Trung cổ, là những sân trước nhà thờ và những tháp xoắn vươn cao trên vách đá ba-zan, tất cả trông như thể được tạo ra bởi một vị thần điên loạn.

    Nhưng còn một thứ nữa không thể bỏ lỡ ở thủ phủ của Scotland, nằm ngay giữa phố Princes Street, trục phố chính chạy từ phía đông sang phía tây thành phố, nối Leith với khu West End. Tháp đồng hồ nằm trên nóc Khách sạn Balmoral luôn báo giờ sai. Chính xác là luôn sai chẵn ba phút.

    Câu chuyện về tháp đồng hồ là truyền kỳ ở Edinburgh, nhưng vẫn là điều mới lạ với rất nhiều người lần đầu tới đây.

    Với những cặp mắt không tinh quái lắm thì địa điểm đáng chú ý cao 58m này đơn giản chỉ là một phần của tòa nhà bề thế nếu như ta nhìn xuống từ đồi Carlton Hill, nơi đắc địa ở ngay giữa trung tâm để ngắm thành phố.

    Nó nằm về phía bên trái của Đài tưởng niệm Dugald Stewart, trông giống như một dấu chấm than sừng sững phía trên mái lợp của bến xe lửa Waverley Train Station.

    Tương tự, tháp xây bằng đá sa thạch trông huy hoàng không kém khi nhìn từ phía các đoạn thành lũy chỉ huy phía bắc của Lâu đài Edinburgh.

    Nó được đặt ở nơi vô cùng trung tâm của thành phố, ngay giữa khu Phố Cổ và Phố Mới, chịu ảnh hưởng của mọi hoạt động kinh doanh cũng như của đời sống. Tất nhiên, trừ việc kim giờ và kim phút của chiếc đồng hồ chạy không khớp với giờ chuẩn GMT.

    Nó là sự sai lệch có tính toán nhằm giúp thành phố luôn đúng giờ

    Sự bất thường rõ rệt này, trên thực tế lại là một sự cố ý, được đưa ra lần đầu tiên là hồi năm 1902, khi toà nhà có từ thời Edward này được khai trương với danh tính Khách sạn Nhà ga Phương Bắc Anh quốc (North British Station Hotel).

    Khi đó, cũng như bây giờ, nó nhìn xuống các sân ga và các hộp tín hiệu trong ga Waverley, và khi các phu khuân vác mặc áo khoác đỏ đón hành khách vừa xuống khỏi tàu, đưa họ từ sảnh đặt vé ở sân ga tới quầy lễ tân nằm ở tầng hầm của khách sạn, chủ sở hữu Công ty Hoả Xa Bắc Anh Quốc muốn đảm bảo rằng mọi hành khách của hãng và cả những người dân vội vã của Edinburgh sẽ không bị lỡ tàu.

    Đẩy đồng hồ chạy nhanh lên ba phút, theo họ, thì các hành khách sẽ có thêm thời gian để lôi vé trong túi ra, đến được chỗ gửi đồ và lấy hành lý trước khi người gác ga thổi còi cho tàu rời bến.

    Cho đến tận ngày nay, đây vẫn là một sự sai giờ có tính toán nhằm giúp cho thành phố luôn đúng giờ.

    dong ho Balmoral scotland 1
    Ngày cuối năm là lúc duy nhất chiếc đồng hồ được chỉnh cho đúng giờ phục vụ lễ đếm ngược truyền thống tới lúc Giao thừa

    Bầu trời u ám, không khí lạnh thấu xương vào cái hôm tôi tới nơi và được nghe kể từ viên quản lý an ninh của khách sạn, Iain Davidson.

    Sau phần giới thiệu ngắn, tôi bước theo ông vào các bậc dẫn lên tháp gạch được hắt sáng lờ mờ, một sự chuyển đổi khi ta di chuyển từ phía trước ra phía sau toà nhà.

    Ở nơi nằm giữa các căn phòng sang trọng ở tầng sáu, chúng tôi bước vào một cánh cửa trông như thể sẽ dẫn tới khoang đựng đồ vệ sinh.

    Phía trên đó, bên trên những bể chứa nước, một cầu thang xoắn màu đen xoáy dốc lên trên, dẫn tới phần mái của toà tháp bằng một loạt các bậc thang gỗ. Mỗi bậc đi lên là một bước lùi về quá khứ.

    "Nếu mà nhìn thì đây là một trong những địa điểm thú vị nhất của Scotland, chưa kể còn là bí mật nữa," Davidson nói và bước lên bậc cao nhất, nơi ánh sáng ban ngày chan hoà, làm hiện rõ khoang tháp xây bằng gạch có bốn mặt đồng hồ cân đối.

    Quanh chúng tôi, phần mái thoáng đãng có những cửa sổ kéo đẩy, khiến ta có thể ngắm được quang cảnh khu vực trung tâm mua sắm thương mại của Edinburgh từ độ cao ngang với Lâu đài Edinbugh và những ống khói ở đoạn phố Royal Mile.

    "Mọi người khi đứng dưới phố kia ai cũng luôn tò mò muốn biết sẽ thế nào khi họ đứng ở đây. Thật tuyệt vời phải không?"

    Mọi người ai cũng dựa vào độ sai số của chiếc đồng hồ

    Trong lúc tôi khám phá các xó xỉnh, Davidson giải thích rằng sự thay đổi lớn duy nhất xảy ra trong suốt 116 năm qua là chiếc động hồ từng được lên dây cót theo cách thủ công cho tới tận thập niên 1970, rồi từ đó việc này được thay thế bằng điện. "Điều đó có nghĩa là là toà tháp này giờ đây không có nhiều khách lên tham quan như mọi người nghĩ nữa."

    Nói rằng chiếc đồng hồ đó ngày nào cũng sai trong suốt cả năm về mặt kỹ thuật là không chính xác.

    Thời gian mà nó thể hiện thì phục vụ cho một sự kiện thường niên. Vào đêm 31/12, mà người Scotland gọi là Hogmanay, toà tháp sẽ có một tiếng đồng hồ đặc biệt, là lúc một kỹ sư sẽ được cử tới để chỉnh giờ cho khớp với giờ thực.

    "Đơn giản là đồng hồ cần phải chạy đúng giờ để phục vụ cho việc đếm ngược giờ rất truyền thống, để chuông đổ vào đúng lúc giao thừa," Davidson nói và dẫn nhóm khách gồm hai người chúng tôi xuống khu sảnh rộng rãi của khách sạn. "Ngoài lúc đó ra thì ai cũng biết là đồng hồ này khi nào cũng chạy chênh giờ."

    Tuy đồng hồ trên tháp vẫn luôn chênh giờ từ cả thế kỷ nay, nhưng khách sạn đương nhiên đã đi theo kịp thời gian.

    Sau Thế chiến II và cuộc quốc hữu hóa hệ thống hỏa xa Anh Quốc hồi 1948, thời hoàng kim của đầu máy hơi nước đã hết, và đi xuống cùng nó là khách sạn thuộc sở hữu của ngành hỏa xa.

    Nơi từng có 112 khách sạn trên bản đồ vào năm 1913 thì nay chỉ còn có vài điểm.

    Về phần mình, Khách sạn Nhà ga Phương Bắc Anh Quốc đã giảm mạnh quan hệ với ngành hỏa xa vào thời đầu thập niên 1980, trước khi đổi thương hiệu thành The Balmoral vào năm 1990.

    Khách sạn đã trải qua hai lần cải tạo nâng cấp với tổng chi phí 30 triệu bảng và tiếp theo đó là việc đổi chủ sở hữu sang tay tập đoàn Sir Rocco Forte, nhưng thời gian thể hiện trên chiếc đồng hồ thì vẫn được giữ nguyên như trước.

    dong ho Balmoral scotland 1
    Tháp đồng hồ được đặt ngay trên Khách sạn Balmoral ở con phố chính The Princes Street của thành phố Edinburgh

    Để tìm hiểu thêm, tôi đã liên hệ với Smith of Derby, một gia đình sản xuất đồng hồ đã qua năm thế hệ và là nơi bảo dưỡng đồng hồ trên tháp trong suốt gần một thế kỷ qua thông qua công ty con đóng tại Broxburn có tên là James Ritchie & Son.

    Trong số các đồng hồ nổi tiếng thế giới khác do gia đình này coi sóc có chiếc trên nóc Thánh đường St Pault và chiếc trên tòa nhà Nhà ga St Pancras, cùng ở London, và chiếc đồng hồ tháp cao 64m ở Majlis Oman, tòa nhà quốc hội ở thủ phủ Muscat.

    Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất của Smith of Derby là chiếc đồng hồ cơ khí lớn nhất, với đường kính 12,8m, tác phẩm chạy bằng quả lắc được dùng để trang điểm cho Tháp Đồng hồ ở Cám Châu, Trung Quốc.

    "Chúng tôi coi sóc cho 5.000 tháp đồng hồ khác nhau trên toàn thế giới, và nếu nói rằng chiếc đồng hồ ở The Balmoral là đặc biệt thì là vẫn là nói quá khiêm tốn," Tony Charlesworth nói với tôi. "Khó mà tin, nhưng quả đó là chiếc đồng hồ duy nhất chúng tôi được trả tiền để giữ cho nó chạy sai giờ."

    Charlesworth cũng kể cả các câu chuyện khác nữa.

    Vào năm 2012, chiếc đồng hồ chạy chậm tới 90 phút sau sự cố mất điện do các nhân viên sửa chữa đường xe điện gây ra. Đó là lúc phố Princes Street chứng kiến sự trở lại của các đường ray xe điện.

    Một lần khác, xảy ra trước đó hai năm, khiến đồng hồ lần đầu tiên trong suốt 108 năm đã ngừng chạy một cách không thể lý giải nổi.

    Còn với những người lãng mạn thì chuyện kể rằng chiếc đồng hồ chạy nhanh hơn khiến những người đang yêu phải chia tay sẽ dành cho nhau một hôn dài hơn trước khi nói lời tạm biệt.

    "Chưa bao giờ chúng tôi nhận được yêu cầu là phải làm cho nó chạy đúng," Charlesworth nói.

    "Mọi người tất nhiên đều có điện thoại thông minh, có đồng hồ đeo tay, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy họ dựa vào đồng hồ công cộng nhiều tới mức nào, nhất là khi vội vã. Người ta vẫn cần đến nó, và trong tương lai tới đây thì nó cũng sẽ vẫn chạy sai giờ."

    Ngày nay, chiếc đồng hồ chạy sai giờ là điều được coi là đương nhiên ở Edinburgh, bởi người ta đã quen thế rồi. Ít nhất thì đó cũng là theo cách nhìn của Charlesworth. "Công chúng sẽ phản ứng dữ dội nếu như chỉnh cho nó chạy đúng giờ," ông nói. "Nên nhớ rằng đây là Scotland. Mọi người sẽ không muốn chỉnh lại chiếc đồng hồ."

    Trong một thành phố được quy hoạch tỉ mỉ, phụ thuộc nhiều vào du khách và các kỳ lễ hội hàng năm, thì bạn có thể cất đồng hồ của mình đi được rồi. Ba phút tặng thêm tiết lộ cho bạn mọi điều về cuộc sống ở đây, vào lúc này.

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Đây là những thành phố ven biển được đánh giá là đẹp nhất Vương quốc Anh. Qua những bức ảnh, phong cảnh biển nơi đây cũng khiến du khách bị hút hồn. Những thành phố này đáp ứng mọi đòi hỏi của khách du lịch, từ những túp lều trên bãi biển đẹp lung linh cho đến những cầu tàu nhô ra biển...

    thanh pho ven bien anh 1

    Portree, Inner Hebrides: Portree là một trong những cảng hấp dẫn nhất ở Scotland. Bến cảng này có rất nhiều thuyền đánh cá với các ngôi nhà nhiều màu sắc và những nhà hàng ngon tuyệt vời. Portree cũng là nơi tổ chức lễ hội Skye Live hằng năm đầy sôi động với các ban nhạc trong nước và quốc tế.

    thanh pho ven bien anh 1

    Aberystwyth, Ceredigion: Những ngôi nhà kiểu Georgia có màu sắc nhẹ nhàng nằm dọc lối đi và cầu tàu Hoàng gia thế kỷ 19 - Aberystwyth để lại dấu ấn của một khu nghỉ mát bên bờ biển truyền thống của Anh.

    thanh pho ven bien anh 1

    Pittenweem, Fife: Ngôi làng xinh đẹp này phát triển mạnh nhờ hoạt động thương mại du lịch ổn định. Các nghệ sĩ cũng rất thích tới đây bởi một lễ hội nghệ thuật diễn ra vào đầu tháng 8 hằng năm, với hàng chục người dân địa phương biến ngôi nhà của họ thành phòng trưng bày tạm thời.

    thanh pho ven bien anh 1

    Vịnh Robin Hood, Yorkshire: Ngôi làng biệt lập này được biết đến như một nơi buôn bán nhộn nhịp nhất của bờ biển Yorkshire vào thế kỷ 18. Đi bộ xuống đồi, du khách có cảm giác như quay ngược thời gian lại nhiều thế kỷ trước với những ngôi nhà cũ kỹ nằm chen chúc xung quanh.

    thanh pho ven bien anh 1

    Crosby, Merseyside: Trải dải trên 3km đường bờ biển, các hình nộm bằng kim loại của nghệ sĩ Antony Gormley được dựng lên khiến nơi này có khung cảnh vô cùng ấn tượng, nhất là vào những buổi hoàng hôn.

    thanh pho ven bien anh 1

    Gardenstown, Aberdeenshire: Thị trấn Gardenstown tuyệt đẹp với những ngôi nhà bằng đá nằm quanh một vịnh nước xinh xắn cùng những tảng đá lớn bị rêu xanh phủ kín.

    thanh pho ven bien anh 1

    Tenby, Pembrokeshire: Thị trấn Pembrokeshire có một cụm các ngôi nhà cổ kính với màu sắc tươi sáng, được bao quanh bởi những bức tường đá từ thời trung cổ và bãi biển Blue Flag xinh đẹp là điểm khởi đầu cho nhiều chuyến đi bộ ven biển đầy thú vị.

    thanh pho ven bien anh 1

    Lochinver, Scotland: Lochinver có bầu không khí nhẹ nhàng, dễ chịu với những đỉnh núi đặc biệt như Suilven khiến du khách thấy thích thú.

    thanh pho ven bien anh 1

    Folkestone, Kent: Folkestone có những bãi biển tuyệt vời với dải cát vàng trải dài. Vào tháng 9, triển lãm nghệ thuật thường niên của thành phố sẽ trưng bày các tác phẩm đương đại ấn tượng trên khắp các góc phố, trung tâm cộng đồng và trên các bãi biển.

    thanh pho ven bien anh 1

    New Brighton, Merseyside: Đối với những người đam mê nhiếp ảnh, New Brighton là một thánh địa với các nhà hàng và quán bar đẹp long lanh cùng bãi biển Thurstaston có phong cảnh rất ấn tượng.

    thanh pho ven bien anh 1

    Margate, Kent: Margate là thị trấn bên bờ biển rất tuyệt. Khu phố cổ là trung tâm với quảng trường chính và các ngõ hẹp tập trung nhiều cửa hàng thú vị.

    thanh pho ven bien anh 1

    Portmeirion, Gwynedd: Portmeirion là một khu nghỉ mát phong cách Địa Trung Hải lộng lẫy. Đây là thành quả của kiến ​​trúc sư Clough Williams-Ellis, người đã xây dựng ngôi làng này với quảng trường, hiên lớn và những ngôi nhà mái bằng đất nung, tất cả đều có màu sắc tươi sáng.

    thanh pho ven bien anh 1

    Filey, North Yorkshire: Thị trấn ven biển nhỏ bé này có những quán rượu nhỏ, nhiều cửa hàng kỳ quặc nhưng ấn tượng và tầm nhìn tuyệt vời ra bãi cát màu cam khổng lồ.

    thanh pho ven bien anh 1

    St Ives, Cornwall: St Ives từ lâu đã gắn liền với khung cảnh nghệ thuật sôi động của địa phương. Cảnh quan nơi đây tuyệt đẹp với biển xanh và bãi cát trắng và những con phố nhỏ rải sỏi.

    thanh pho ven bien anh 1

    Salcombe, Devon: Salcombe chắc chắn là một trong những thị trấn ven biển dịu dàng nhất Devon. Những ngôi nhà màu pastel nằm trên sườn đồi cùng con đường quanh co tràn ngập các cửa hàng nhỏ, quán rượu cổ cùng quán cà phê hiện đại, đem tới khung cảnh vô cùng ấn tượng.

    thanh pho ven bien anh 1

    Plockton, Ross và Cromarty: Plockton là một trong những khu định cư ven biển đẹp nhất của bờ biển phía Tây cao nguyên Scotland, với những ngôi nhà nằm sau một bến cảng nhỏ có thể phóng tầm nhìn ra khắp làng Lochcarron.

    thanh pho ven bien anh 1

    Brighton, Sussex: Brighton không chỉ là thiên đường cho cộng đồng người đồng tính, nơi tổ chức các lễ kỷ niệm hằng năm lớn nhất nước Anh, mà bãi biển của nó cũng rất đẹp. Bãi biển Brighton có nhiều sỏi nhưng khi thủy triều xuống, cát trắng mịn màng trải dài đem đến khung cảnh đầy ấn tượng.

    thanh pho ven bien anh 1

    Porthmadog, Gwynedd: Bến du thuyền Porthmadog là một trong những hình ảnh tuyệt vời của Gwynedd, Wales. Đến đây, du khách không chỉ ngồi trên du thuyền ngắm cảnh đẹp mà còn được khám phá Black Rock Sands, một bãi biển lớn là nơi trú ẩn kỳ diệu của các sinh vật biển.

    thanh pho ven bien anh 1

    Stromness, Orkney: Thị trấn cổ hấp dẫn này nằm ở bờ biển phía tây nam xa xôi. Stromness có bờ sông đẹp như tranh vẽ với những cầu cảng bằng đá sa thạch nhỏ và những mái nhà bằng đá phiến nép mình bên dưới ngọn đồi Brinkies Brae xanh tươi.

    thanh pho ven bien anh 1

    Llandudno, Quận Conwy: Llandudno là một thị trấn đầy quyến rũ với những bãi biển dài đầy cát trắng, các ngôi nhà kiểu Victoria, đường đi dạo trải dài và nhiều khách sạn sang trọng...

    Theo Baogiaothong

  • Cư dân trên con đường dốc nhất England không thể nào gọi giao hàng, và họ phải mang giày đinh vào mùa đông. Tuy nhiên họ vẫn không muốn chuyển đi nơi khác.

    Những người dân sống trên đường Vale Street ở Bristol - con đường dốc nhất England - cho biết họ đã quen với góc nghiêng 22 độ. Dù cho các tài xế giao hàng từ chối lái xe lên con dốc này, các chủ nhà ở đây vẫn cảm thấy "view này rất xứng đáng".

    con duong doc nhat 1
    Vale Street ở Bristol được gọi là con đường dốc nhất ở UK. Ảnh: SWNS

    con duong doc nhat 1
    Benji Appleby-Tyler, 45 tuổi, thích sống trên đồi. Ảnh: SWNS

    con duong doc nhat 1
    Người dân cho biết họ không thể gọi tài xế giao hàng vì đường quá dốc. Ảnh: SWNS

    Họa sĩ Benji Appleby-Tyler, 45 tuổi, đã sống trên phố Vale Street suốt 9 năm. Anh nói: "Mọi chuyện nhìn chung là ổn, trừ mùa đông. Mùa đông con đường này rất trơn nên chúng tôi phải mang giày đinh khi rời khỏi nhà. Có rất nhiều người đến đây để ngắm con đường này. Đặc biệt vào thời điểm phong tỏa, từng nhóm người đi xe đạp và chạy bộ chạy lên chạy xuống con đường này. Chúng tôi cũng không cảm thấy phiền".

    "Nhưng giao hàng thì hơi khó. Khi mua máy giặt mới, chúng tôi phải tự vận chuyển về và mang lên nhà. Các tài xế giao hàng takeaway cũng không tới tận cửa, chúng tôi thường gặp họ ở phía cuối con đường". 

    Dù nhiều bất lợi như vậy, nhưng Benji vẫn yêu thích con đường, đến nổi anh cho rằng con đường nên được gắn biển xanh vinh danh (blue plaque). 

    Hàng xóm của anh cũng đồng tình dù việc đi lại trên con đường khá khó nhằn. Chuyên gia tư vấn môi trường Kath Haddow, người đã sống ở đây 20 năm cho biết: "Tôi chỉ lái xe xuống dốc. Tôi chưa bao giờ lái lên dốc. Tôi sợ chân ga sẽ bốc cháy, vì vậy tôi thường lái vòng sang đường khác. Nhìn về mặt tích cực thì chúng tôi cũng khá may mắn vì không ai muốn đậu xe trên con đường này cả. Chỉ người sống ở đây mới đậu xe ở đây". 

    "Dù vậy bạn vẫn nên kiểm tra dự báo thời tiết. Bạn phải dời xe đi nơi khác trước khi trời đổ tuyết, nếu không xe bạn sẽ bị kẹt hàng tuần vì băng rất lâu tan. Tôi phải nói rằng những người dọn rác họ rất giỏi. Họ đẩy thùng rác lên đỉnh đồi rồi kéo thùng rác xuống dốc vô cùng khéo léo".

    Người dân lợi dụng độ dốc của con đường để trượt tuyết, thậm chí còn tổ chức cuộc thi lăn trứng thường niên. Những người tham gia sẽ sơn trứng rồi thả chúng lăn xuống dốc. Mọi người ở đây đều biết nhau và họ đã sống ở đây nhiều năm.

    Rouska Lundin, 43 tuổi, là giám đốc một công ty và đã sống trên con đường này suốt 8 năm. Cô nói: "Ở đây có view đẹp tôi rất thích, nhưng tôi chưa bao giờ lái xe lên dốc trong suốt 8 năm qua. Tôi chỉ lái xe xuống dốc thôi. Các tài xế giao hàng bị cảnh báo cấm lái xe lên con đường này".

    con duong doc nhat 1
    Rouska Lundi đã sống ở đây được 8 năm. Ảnh: SWNS

    con duong doc nhat 1
    Người dân phải mang giày đinh vào mùa đông. Ảnh: SWNS

    Viethome (theo The Sun)

  • Làng Whitwell và Paris gần như không có điểm chung nhưng lại trở thành "chị em sinh đôi".

    Rộng chỉ 388 km vuông, Rutland, nằm cách London 160 km về phía bắc, là một trong những hạt nhỏ nhất nước Anh. Với chiều rộng 29 km và dân số chỉ hơn 38.000 người, đây cũng là một trong những khu vực thưa vắng nhất nước Anh. Vì quá nhỏ nên Rutland chỉ gồm hai thị trấn trong đó có ngôi làng như tranh vẽ - Whitwell, nơi tổng dân số là 41 người.

    lang Whitwell 1
    Làng Whitwell là một trong những nơi yên bình của vùng nông thôn nước Anh.

    Tuy nhỏ, nhưng nhiều khách du lịch có dịp lái xe qua Whitwell dọc theo đại lộ A606 từ Nottinghamshire đến Lincolnshire phải ngạc nhiên khi đi ngang qua một tấm biển chào mừng họ đến với Whitwell - ngôi làng sinh đôi với Paris.

    lang Whitwell 1
    Biển báo đánh dấu địa phận "Làng Whitwell, sinh đôi với Paris". Ảnh: Pitch Up

    Vậy làm thế nào mà một trong những ngôi làng nhỏ bé nhất nước Anh với dân số chỉ 41 người lại trở thành chị em sinh đôi với Paris - một trong những đô thị nổi tiếng nhất thế giới với dân số 2,3 triệu người?

    lang Whitwell 1
    Mọi sự bắt đầu từ một quán rượu địa phương.

    Vào đầu năm 1980, một nhóm dân địa phương ở Whitwell gặp nhau tại quán bar duy nhất của làng, Noel Arms. Họ lập kế hoạch kết đôi ngôi làng với một thành phố nổi tiếng. Khái niệm về thành phố song sinh hay thành phố kết nghĩa có từ những năm sau thế chiến thứ hai. Thông thường đó là hai địa điểm liên quan có quy mô hoặc tầm quan trọng tương tự nhau như London được kết nghĩa với New York, Berlin, Rome, Tokyo, Bắc Kinh và Moskva, hoặc cùng chung một số liên kết về lịch sử hoặc văn hóa. Ví dụ, thành phố Whitby, nơi gắn bó với tên tuổi thuyền trưởng Cook - người tìm ra Australia, kết nghĩa với một số địa điểm gắn liền với các chuyến đi của ông, bao gồm Anchorage ở Alaska, Porirua ở New Zealand, và Nuku'alofa, thủ đô của Tonga.

    Tuy nhiên, làng Whitwell và Paris có rất ít điểm chung ngoài cả hai đều ở châu Âu. Đề xuất kết nghĩa với Paris dường như vượt quá khả năng của ngôi làng tí hon. Dù vậy, người dân địa phương vẫn quyết định rằng người đứng đầu Hội đồng Giáo xứ Whitwell nên viết một lá thư đề nghị thị trưởng Paris và Tổng thống Pháp tương lai Jacques Chirac, thời đó đương nhiệm Thủ tướng.

    Thật không may, hai bức thư đầu tiên từ Whitwell gửi đi không nhận được hồi âm. Nhưng, người đại diện Whitwell vẫn kiên quyết viết một lá thư thứ ba với một lời cảnh báo khôn khéo: tuyên bố rõ ràng rằng nếu dân làng không nhận được phản hồi cho đề nghị của họ trước 8h30 tối ngày 13/6/1980, khoảng năm tuần sau các quan chức Paris sẽ được coi là đã đồng ý với lời đề nghị. Tất nhiên, không có bức thư hồi âm nào từ Paris cả, vì vậy mối quan hệ hợp tác đã được tiến hành.

    Người dân Whitwell vui mừng khi trở thành làng sinh đôi với Paris. Ảnh: BBC

    Các bảng hiệu sớm được dựng lên trong làng để đánh dấu, và lễ kỷ niệm được tổ chức tại The Noel Arms để đánh dấu sự kiện long trọng này. Không có một đại biểu nào của Paris đến dự. Mối quan hệ kết nghĩa vẫn duy trì tới giờ kể từ đó - ít nhất là đối với các công dân của Whitwell.

    VnExpress (Theo Mental Floss)

  • Ha-ha là kiểu tường thấp quây quanh những cánh đồng rộng lớn, với tác dụng khiến nhiều người ngạc nhiên.

    Khi đến xứ sở sương mù, khách du lịch có thể bắt gặp những bức tường thấp có niên đại từ thế kỷ 18, bao quanh một khu đất trống rộng lớn. Chúng còn có tên riêng được đánh giá là kỳ quặc: Ha-Ha.

    buc tuong ha ha 1
    Du khách có thể thấy những bức tường ha-ha tại nhiều điền trang khắp nước Anh. Ảnh: Tim Dawson/Flickr

    Ha-ha lần đầu tiên xuất hiện trên tài liệu in vào năm 1709 của Dezallier d’Argenville, một người đam mê làm vườn, trong cuốn sách La Theorie et la Practique du jardhering (Lý thuyết và Thực hành Làm vườn). Theo d’Argenville, và dịch giả người Anh đầu tiên của ông, John James, cho biết cái tên ha-ha bắt nguồn từ ảo ảnh mà những bức tường tạo ra: con mương và bức tường được che giấu kỹ đến mức "gây bất ngờ cho ai đó lại gần, đến mức họ phải thốt lên 'Ah! Ah!'".

    Vậy mục đích của những bức tường có như không này là gì? Trước đây, khi người Anh chưa có máy móc, những đàn gia súc thường được thả tự do để gặm cỏ trên những bãi đất thay máy xén. Một ha-ha bằng gạch hoặc đá thường được xây dựng ở giữa những bãi cỏ mọc hoang và khuôn viên điền trang, để ngăn động vật băng qua các bãi cỏ được cắt tỉa cẩn thận và vườn quanh nhà.

    buc tuong ha ha 1
    Gia súc khó vượt qua ha-ha do con mương cạn quá thấp so với bờ tường. Ảnh: Architessica

    Hàng rào chìm Ha-ha không quá cao, thoai thoải về một phía. Do đó, các con vật có thể dễ dàng băng qua bức tường để lao xuống phía đồng cỏ nếu được dắt từ chuồng nhà ra. Nhưng ngược lại, chúng không thể nhảy qua tường để tự do đi vào vườn nhà.

    Bên cạnh đó, thay vì trồng các bụi cây cao vút làm hàng rào, hoặc đào hào nước, người xưa có lý do để xây tường ha-ha. Chủ những điền trang không muốn tầm nhìn ra khắp đồng cỏ bị cản trở. Cấu tạo của ha-ha giúp họ thấy một khung cảnh lãng mạn với đàn gia súc nhởn nhơ gặm cỏ trên cánh đồng trải dài bất tận.

    buc tuong ha ha 1
    Nhìn từ xa, du khách khó thấy bức tường ha-ha trong khuôn viên của căn nhà cổ Berrington Hall ở Herefordshire, Anh. Ảnh: Stuartan/Dreamstime

    Ngày nay khách du lịch vẫn có thể chiêm ngưỡng những hàng rào chìm đặc biệt này trên khắp nước Anh. Làng Stowe là một trong những nơi có những bức tường ha-ha đầu tiên ở xứ sở sương mù vào những năm 1720 - 1730, trong đó có khu vườn của Công tước Newcastle tại Claremont.

    Những địa điểm khác là công viên tại Petworth với một ha-ha đặc biệt, công viên tại Croome với ha-ha dài hơn 3 km, ngôi nhà xa hoa của gia đình Bankes từ thế kỷ 17 tại Kingston Lacy ở Dorset, nhà cổ Kedleston Hall từ thế kỷ 18 tại Derbyshire... Ngoài ra còn có một bức tường ha-ha được xây dựng đầu những năm 2000 tại Đài tưởng niệm Washington ở thủ đô nước Mỹ.

    VnExpress (Theo National Trust)

  • Ngôi làng nhỏ bé Bamburgh ở Northumberland với bãi biển đầy cát trắng nhìn ra lâu đài sừng sững trên vách đá đã giữ được danh hiệu là điểm đến cạnh bờ biển đẹp nhất nước Anh.

    Great Orme Tram MG 6245
    Đường dành cho xe điện Great Orme ở Llandudno. Ảnh: theoasiswales

    Trong cuộc khảo sát với 4.300 du khách hàng năm của Which - cơ quan giám sát người tiêu dùng về các chuyến lữ hành đến thị trấn, làng mạc và khu nghỉ dưỡng ven biển. Với yêu cầu du khách đánh giá theo thang 100 điểm, dựa trên các yếu tố bao gồm: bãi biển, điểm tham quan, phong cảnh, không gian yên bình và cả chi phí. Bamburgh có dân số hơn 400 người, đứng đầu bảng xếp hạng với tổng điểm lên đến 87%. Du khách khi mô tả về ngôi làng thậm chí còn sử dụng từ "ngoạn mục".

    Trước đây khi giành chiến thắng vào năm 2019 và 2021, Bamburgh đã được trao danh hiệu "Bãi cát vàng trải dài ba dặm", được bao quanh bởi hệ thống cồn cát rộng lớn và được "thống trị" bởi tòa lâu đài Bamburgh hoành tráng.

    Rory Boland - biên tập viên của tờ báo Which?, chuyên mục Du lịch cho biết: “Một mùa hè bận rộn đã được dự đoán sẽ diễn ra trên các bãi biển của Anh, bãi cát trải rộng mênh mông ở Bamburgh cũng không ngoại lệ. Nhờ có gió thổi vào Biển Bắc giúp cho bờ cát trông luôn tươi mới và không có nhiều rác.

    Anh Rory Boland nói thêm: “Đây là một chuyến đi chơi ở biển đơn giản nhất nhưng chất lượng tốt nhất. Bạn sẽ chẳng phải làm gì nhiều ngoài việc đi bộ, chạy hoặc nhâm nhi tách trà trong bình trà của bạn. Thoải mái nghỉ ngơi trên ghế ngồi ngoài trời và ngắm nhìn những con sóng trên Biển Bắc. ”

    Bamburgh 1

    Thị trấn Wales giành được vị trí thứ ba trong số sáu thị trấn ven biển hàng đầu, thị trấn Llandudno có chi phí khá thân thiện giành vị trí thứ hai với tổng điểm là 86%. Điểm thu hút nhất của thị trấn là Great Orme - một mũi đất đá vôi khá nổi tiếng với những người hay leo núi, cao đến hơn 200 mét và tự hào có tầm nhìn “có một không hai”. Những du khách năng động thường thích đi bộ đường dài lên đỉnh, trong khi những người khác chọn đi xe điện hoặc cáp treo.

    Vị trí thứ ba thuộc về thị trấn ven biển St Andrews của Scotland với số điểm 84%. Du khách đã ca ngợi “niềm rung cảm trẻ trung” của thị trấn đại học, những con phố cổ kính và các di tích lịch sử minh chứng cho sự hài hòa của thể thao, văn hóa, du lịch.

    Địa điểm giành chiến thắng thứ tư liên tiếp là Dartmouth ở Devon, nơi du khách thường trải nghiệm tàu hơi nước và thưởng thức hải sản ngon tuyệt.

    Tiếp đến là thị trấn ven biển Tenby ở Pembrokeshire, nơi tập hợp của những ngôi nhà Georgia màu phấn pastel và "bộ sưu tập" các bãi biển năm sao như bãi biển phía Bắc đầy những hồ đá và những tấm chắn gió, bãi biển Castle nằm gọn trong con vịnh nhỏ và cả bãi biển Harbour nhỏ nhắn hơn nữa.

    Đứng đầu bảng là các khu nghỉ dưỡng Skegness, Bognor Regis, Southend-on-Sea, Great Yarmouth và Burnham-on-Sea, tất cả đều có tổng điểm lên đến 51%.

    Mặc dù xếp hạng thấp nhưng những người đi nghỉ dưỡng về đã chia sẻ nhiều điều thú vị nổi bật từ các chuyến đi của họ đến Skegness. Nhiều người đã đề xuất khu bảo tồn hải cẩu Natureland, một du khách gọi nó là “thứ bạn mong đợi sẽ thấy trong một chương trình của David Attenborough”. Trong số đó, những điểm tham quan cổ kính và khu vui chơi dành cho trẻ em đã khiến thị trấn ven biển Lincolnshire trở thành một khu nghỉ mát bên bờ biển của Anh đúng nghĩa trong mắt một số người được hỏi.

    Du khách đến thăm Bognor Regis đã tìm thấy một thị trấn hấp dẫn với khí hậu tuyệt vời ở bờ biển phía nam. Những người làm du lịch nghỉ dưỡng đã bảo rằng khu bảo tồn thiên nhiên Pagham Harbour yên bình và Công viên Hotham là những “viên ngọc bé nhỏ quý giá”. Chúng được khen ngợi bởi lối đi dạo bằng phẳng và có đủ sức chứa cho những du khách bị hạn chế về khả năng vận động.

    Theo cuộc bình chọn của Which, 10 thị trấn ven biển hàng đầu của Anh quốc là:

    (1) Bamburgh, Northumberland

    (2) Llandudno, Conwy

    (3) St Andrews, Fife

    (4) Dartmouth, Devon

    (5) Tenby, Pembrokeshire

    (6) St Davids, Pembrokeshire

    (7) Aldeburgh, Suffolk

    (8) Filey, Bắc Yorkshire

    (9) Conwy, Conwy

    (10) Lyme Regis, Dorset

    Ngaynay (theo Guardian)