Trung Sơn tiết kiệm được gần 10 triệu đồng mỗi tháng nhờ chịu khó tự nấu ăn, mua đồ đã qua sử dụng và ở trong ký túc xá thay vì thuê nhà.
Tháng 11/2021, Nguyễn Trung Sơn trở thành sinh viên năm nhất ngành Quản lý Kinh doanh Thể thao tại Manchester Metropolitan University, thành phố Manchester, Anh. Trước khi sang đây, nam sinh Sài Gòn đã tìm hiểu kỹ về phí sinh hoạt ở Anh. Sơn quan tâm tới vấn đề này vì dù nhận được học bổng, em vẫn phải chi trả phần lớn chi phí. Sau nửa năm ở Anh, Sơn có nhiều kinh nghiệm chi tiêu, giúp cuộc sống du học trở nên dễ dàng hơn.
Theo Sơn, để được cấp visa du học, bạn phải trải qua thủ tục chứng minh tài chính, rằng mình có đủ 1.023 bảng (hơn 30 triệu đồng) mỗi tháng để trang trải chi phí cho những thành phố ngoài London, 1.330 bảng (gần 40 triệu đồng) mỗi tháng ở London, tổng cộng một năm 285 triệu đồng. Thực tế, Sơn có cách sắp xếp để chi phí sinh hoạt rẻ hơn mức này.
Chi phí sinh hoạt được Sơn ghi chép cẩn thận từng tháng, từng mục để cân đối và điều chỉnh. Ảnh chụp màn hình
Nam sinh chia các khoản chi tiêu thành ba loại: Chi phí cố định; chi phí ăn uống; chi phí mua sắm, di chuyển và tận hưởng. Trong những khoản này, phí cố định gồm tiền nhà, giặt đồ, điện thoại... là khó thay đổi nhất. Thay vì thuê nhà (16 -19 triệu đồng/ tháng), Sơn chọn ký túc xá của trường và chia sẻ cùng bảy bạn khác nên mỗi tháng chỉ tốn 460 bảng (13,7 triệu đồng). Cộng thêm tiền điện thoại và phí giặt đồ, em tốn khoảng 14,5 triệu đồng mỗi tháng.
Tiền ăn uống là khoản có thể điều chỉnh. Mỗi lần ăn ngoài, Sơn tốn 7-11 bảng, tuy nhiên, chịu khó đi chợ và nấu ăn sẽ tiết kiệm hơn. "Tiền chợ hết khoảng 115 bảng một tháng và đó là mức hoàn toàn chấp nhận được. Siêu thị ở Anh có những đồ ăn rẻ hơn hoặc bằng Việt Nam như thịt, sữa, trứng, trái cây", Sơn nói.
Theo Sơn, chi tiêu cho mua sắm, di chuyển và tận hưởng phụ thuộc nhiều vào thói quen, sở thích cũng như điều kiện tài chính từng người. Nếu mua những đồ thiết yếu, mỗi tháng em chi 20-30 bảng. Ban đầu, Sơn mất nhiều tiền để mua sắm đồ mới, sau đó, em biết cách tham khảo một số kênh để tìm đồ đã qua sử dụng nhưng chất lượng còn tốt. Nam sinh cũng gợi ý nên mua đồ trong nhóm Facebook của các du học sinh ở Anh. Tại đó, nhiều anh, chị sắp rời Anh sẽ thanh lý đồ dùng với giá rẻ.
"Mẹo để tiết kiệm là tính kỷ luật, chỉ mua khi mình thật sự cần", Sơn chia sẻ.
Ở Anh, Sơn chủ yếu đi bộ, xe buýt, xe điện và tàu lửa (nếu đi liên thành phố). Mỗi lần đi bus hết 1,5- 2,5 bảng, tùy chặng. Nếu phải di chuyển nhiều, nam sinh gợi ý nên mua vé ngày hoặc tháng.
Để cân bằng giữa việc học tập, làm việc và thư giãn, hàng tháng Sơn cũng dành ra một khoản cho tận hưởng. "Đây là chi phí không bắt buộc. Có tháng em đi xem bóng đá sẽ tốn nhiều tiền hơn nhưng nếu chỉ ăn uống cùng bạn bè và đi chơi thể thao thì hết 20-30 bảng. Tổng cộng mỗi tháng em tiêu 700 bảng (khoảng 21 triệu đồng)", Sơn tính toán.
Sơn đi xem bóng đá ở Manchester mới đây. Ảnh: Nhân vật cung cấp
700 bảng một tháng là mức hợp lý, biết cách chi tiêu, theo anh Đặng Hữu Phước, giám đốc một công ty tư vấn du học tại TP HCM. Anh Phước cho hay, Anh là một trong những nước có chi phí du học đắt đỏ bậc nhất thế giới.
"Trong các khoản, tiền thuê nhà chiếm phần lớn, ví dụ ở London là 600-1.000 bảng (18-30 triệu đồng). Du học sinh tại London tự nấu ăn thường hết 300-400 bảng (9-12 triệu đồng), trong khi nơi khác từ 200 đến 300 bảng (6-9 triệu đồng)", anh Phước - cũng là cựu du học sinh ở Anh - cho biết.
Chuyên gia có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và tư vấn du học chia sẻ, rất khó tiết kiệm các phí cố định nhưng các em có thể đi làm thêm để trang trải. Du học sinh được phép làm thêm 20 tiếng mỗi tuần trong thời gian đi học và 40 tiếng mỗi tuần vào thời gian nghỉ lễ.
Ngoài tiền nhà, tiền học được gia đình hỗ trợ, Sơn có thể tự trang trải phí sinh hoạt nhờ đi làm thêm bán thời gian. Hiện Sơn cũng có kênh YouTube về du học, với mục đích chia sẻ kinh nghiệm học tập và cuộc sống ở Anh.
Theo VnExpress