• Bang New South Wales, Úc mới đây thông báo sẽ ngừng nhận học sinh phổ thông từ 4 tỉnh thành Việt Nam.

    bang uc cam du hoc sinh viet
    Du học sinh phổ thông tại New South Wales (Úc) - Ảnh: BCHS

    Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện một số trung tâm tư vấn du học cho biết đã nhận được thông báo qua email của DE International, là đơn vị quốc tế của Bộ Giáo dục bang New South Wales (Úc).

    Theo đó, Bộ Giáo dục bang New South Wales (Úc) cho rằng do "những lo ngại liên quan đến việc không tuân thủ các quy định từ học sinh" của một số địa phương Việt Nam, nên Bộ Giáo dục bang New South Wales sẽ "ngừng tiếp nhận hồ sơ học sinh từ các tỉnh sau: Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Ninh và Hà Tĩnh".

    Cũng theo nội dung trong email, cơ quan này sẽ hoàn trả phí xử lý cho các hồ sơ đã nộp vào cho các kỳ nhập học kỳ 2 và kỳ 3 năm 2024 của các học sinh từ những địa phương trên. Bộ phận nhập học của đơn vị sẽ liên hệ các đơn vị tư vấn du học ở Việt Nam để hoàn tất thủ tục.

    DE International gửi lời xin lỗi các đối tác và bày tỏ mong muốn các đối tác thông cảm trước quyết định này.

    Một đơn vị tư vấn du học tại Việt Nam cho biết quyết định này áp dụng với những học sinh muốn sang New South Wales du học bậc phổ thông (lớp 1 đến 12).

    Còn ở bậc cao đẳng, đại học, tiến sĩ Mai Viết Thủy, hiệu trưởng Trường University Preparation College (New South Wales), chia sẻ với Tuổi Trẻ Online chính quyền không cấm, nhưng khuyến cáo các trường cẩn trọng khi xem xét hồ sơ của sinh viên từ những địa phương này. 

    Trước đây, học sinh từ nhiều địa phương miền Trung Việt Nam luôn nằm trong danh sách "nguy cơ cao" khi xem xét visa du học.

    Một số du học sinh tại Úc mất tích

    Không chỉ bang New South Wales, trước đó, vào tháng 2-2024, Bộ Giáo dục bang Nam Úc cũng tạm dừng nhận đơn đăng ký của học sinh ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình vào các trường phổ thông công lập.

    Quyết định được đưa ra khi đầu năm 2024, một số học sinh từ các địa phương này đang du học bậc phổ thông tại Úc bỗng "mất liên lạc". Tuy nhiên, sau khi điều tra, cơ quan chức năng xác nhận các học sinh này "dường như chủ động lẩn trốn chính quyền" và có dấu hiệu ở lại làm việc trái phép.

    Theo Tuổi Trẻ

  • 132.000 người Việt đã đi du học, cao hơn so với Malaysia, Indonesia, Thái Lan.

    Mới đây, Acumen, Tổ chức tư vấn giáo dục quốc tế dẫn thống kê của UNESCO cho thấy Việt Nam có hơn 132.000 du học sinh trong giai đoạn 2021-2022. Xếp ngay sau là Malaysia và Indonesia, mỗi nước có khoảng 56.000 du học sinh. Xếp ở vị trí thứ 3 là Thái Lan, khoảng 32.000 du học sinh.

    vn du hoc nhieu 1

    Trước đây, Mỹ, Úc, Canada được xem là thị trường du học truyền thống của người Việt. Song đến thời điểm hiện tại, du học sinh Việt đang ngày càng đổ về các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.

    Theo dữ liệu của UNESCO, Úc là quốc gia có số lượng sinh viên Indonesia du học cao nhất, theo sau là Malaysia, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Sinh viên Malaysia quan tâm đến Vương quốc Anh, Úc, Mỹ. Tuy nhiên, du học sinh Việt Nam lại tập trung nhiều ở Nhật Bản, Hàn Quốc.

    vn du hoc nhieu 1

    Theo ICEF, việc lựa chọn du học tại các quốc gia trong khu vực châu Á vừa giúp tiết kiệm chi phí do gần về vị trí địa lý, vừa được lựa chọn học tập tại các trường đại học top đầu. Theo thống kê của Times Higher Education, năm 2024, 33 trường đại học của châu Á được lựa chọn vào bảng xếp hạng này (tăng từ 28 lên 33 trường). Dẫu Hoa Kỳ là quốc gia có số lượng các trường nằm trong bảng xếp hạng này nhiều nhất. Tuy nhiên chi phí cho việc học tập tại đây khá đắt đỏ.

    Minh chứng cho điều này, công ty công nghệ giáo dục ApplyBoard (Canada) đã thống kê rằng học phí ở Anh, Mỹ dao động 300 triệu-1,2 tỷ đồng/năm, cao nhất trong các nước có nhiều sinh viên quốc tế nhất (bao gồm: Úc, Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…)

    Cụ thể, tại Mỹ, để theo học chương trình cử nhân (4 năm), bạn sẽ phải chi trả 12.000-50.000 USD/năm (295 triệu đồng - 1,2 tỷ đồng). Theo số liệu của tổ chức xếp hạng đại học USNews, từ 2003 đến 2023, học phí các đại học công lập ở Mỹ tăng 141% với sinh viên nước ngoài. Ở các đại học tư, học phí tăng 134%.

    Tại Anh, với chương trình đại học (3-5 năm), du học sinh sẽ phải số tiền khoảng 11.000-25.000 GBP/năm (343 - 781 triệu đồng).

    Trong khi đó, với chương trình cử nhân tại trường đại học quốc gia và công lập sinh viên Việt Nam du học ở Nhật Bản sẽ phải chi trả khoảng 540.000 JPY/năm (khoảng 88 triệu đồng). Với các trường đại học tư thục, mức giá cao hơn, khoảng 700.000-875.000 JPY/năm (114-143 triệu đồng).

    Đối với những bạn chọn Hàn Quốc là điểm đến để theo học chương trình cử nhân, chi phí ước tính 20.000-25.000 USD/năm (493-616 triệu đồng).

    ICEF khẳng định Việt Nam nằm trong top 10 thị trường hàng đầu thế giới về sự dịch chuyển của sinh viên ra nước ngoài. Người Việt trong top 5 về số sinh viên quốc tế ở Mỹ, top 2 ở Nhật, top 6 ở Úc, số 1 ở Đài Loan (Trung Quốc).

    Xu hướng du học của sinh viên Việt Nam phổ biến đến mức các trường đại học trải dài từ Phần Lan đến Hàn Quốc đều coi Việt Nam là quốc gia chiếm tỷ lệ lớn nhất về số lượng sinh viên. Thậm chí Quốc hội Mỹ còn đưa ra một chương trình học bổng, Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) vào năm 2003 để thu hút sinh viên.

    Theo CafeBiz

  • Một vài du học sinh Việt tại Adelaide lần lượt mất tích vào những thời điểm khác nhau trong hơn một tháng qua, dấy lên nỗi lo về nguy cơ bị bắt cóc và buộc cảnh sát Úc vào cuộc điều tra.

    nu sinh viet mat tich tai uc
    Chân dung Sunnie Nguyễn, nữ sinh được cho là mất tích bí ẩn tại Úc. Ảnh: 7NEWS

    Thông tin từ đài 7News của Úc cho biết, 5 du học sinh Việt đến học tại Trường trung học Hamilton (TP.Adelaide) theo diện trao đổi đã lần lượt "biến mất không dấu vết" vào những thời điểm khác nhau, trong đó có trường hợp đã không thể liên lạc được hơn 4 tuần qua. Chưa rõ có mối liên hệ nào giữa các em hay không.

    Sunnie Nguyễn (17 tuổi) là trường hợp mới nhất trong vụ du học sinh Việt mất tích bí ẩn, sau khi em không trở về nhà gia đình giám hộ người bản xứ (host family) ở South Plympton hôm 8.1. Điện thoại của nữ sinh này hiện đã bị ngắt liên lạc và các tài khoản mạng xã hội cũng bị xóa sạch.

    "Tôi mong nếu cháu có thể nghe được tin này, hãy gọi và báo tôi rằng cháu vẫn bình an", bà May Zervaas, chủ nhà của Sunnie Nguyễn, nói với đài truyền hình địa phương. Theo bà Zervaas, nữ sinh hạnh phúc khi sống ở Adelaide và không có lý do gì phải bỏ chạy hay trốn lại vì thị thực vẫn còn hiệu lực trong 3 năm tới.

    Hiện là thời gian các trường ở Úc cho học sinh nghỉ hè. "Thế nên, tôi hy vọng đây chỉ là trường hợp những đứa trẻ 17 tuổi muốn tụ tập đi đâu đó mà không báo cho ai biết", bà Lien Nguyen-Navas, người phát ngôn của Hội Phụ nữ Việt Nam tại Úc, cho hay.

    Trả lời tờ Daily Telegraph, một phát ngôn viên của cảnh sát Úc thông tin rằng gia đình giám hộ đã trình báo về việc các thiếu niên Việt Nam mất tích vào tháng 12.2023 và tháng 1.2024. "Tất cả các hướng điều tra hiện tại cho thấy một số em có thể đã đến tiểu bang khác và vẫn còn ở đó. Cũng không có thông tin nào cho thấy các em đang gặp nguy hiểm", người phát ngôn nói.

    nu sinh viet mat tich tai uc
    Chân dung Sunnie Nguyễn, một trong những du học sinh Việt đang mất tích bí ẩn tại Úc. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH FACEBOOK

    Để lại phần lớn tư trang

    Sunnie Nguyễn tên thật Nguyễn Hoàn Ngọc Anh. Nữ sinh được báo cáo đã ăn tối cùng gia đình giám hộ người bản xứ (host family) vào khoảng 19 giờ ngày 8.1, sau đó về phòng nghỉ ngơi. Đến khi nữ chủ nhà May Zervaas kiểm tra phòng vào khoảng 23 giờ, Sunnie đã biến mất cùng ba lô, laptop, một ít quần áo và vài giấy tờ tùy thân quan trọng. Căn phòng không có dấu hiệu bị đột nhập và phần lớn tư trang của em vẫn còn nguyên.

    Bà Zervaas sau đó cố gắng liên lạc với Sunnie, nhưng điện thoại của em tắt nguồn và các tài khoản Instagram, Snapchat, TikTok cũng bị xóa sạch. 30 phút sau, gia đình đã trình báo cảnh sát về việc nữ sinh mất tích. "Tôi đã ngồi trực điện thoại suốt đêm, lo lắng chờ đợi một cuộc gọi từ Sunnie", Mary, con gái của bà Zervaas, nói với tờ Daily Mail.

    Theo chị Mary, Sunnie không thành thạo tiếng Anh và thường phải nhờ người khác dịch giúp ý muốn nói. "Em ấy có 5 ba lô, nhưng chỉ rời đi với một cái. Em ấy cũng mang theo những vật dụng quan trọng như laptop, hộ chiếu, rất có thể để chứng minh danh tính, cùng một số quần áo và hai đôi giày. Nhưng em ấy đã để lại mọi thứ khác ở đây, kể cả thuốc men", chị Mary kể.

    nu sinh viet mat tich tai uc
    Bà May Zervaas (trái) cùng con gái Mary lo lắng về sự an nguy của nữ du học sinh Việt Sunnie Nguyễn. Ảnh: ẢNH CHỤP MÀN HÌNH 7NEWS

    Chưa thể liên lạc với gia đình tại Việt Nam

    Như bao thiếu nữ khác, Sunnie thích hát, nhảy múa, dành thời gian với bạn bè, và cả Taylor Swift. Trong 6 tháng sống với gia đình Zervaas, lịch trình của em xoay quanh việc đi học, về nhà, sau đó dành buổi tối để cười đùa, nhảy múa và làm video cùng hai du học sinh khác chung nhà. Nếu không có vụ mất tích, em sẽ bắt đầu học lớp 11 vào năm sau.

    Theo chị Mary, Sunnie sống hạnh phúc, hòa thuận với gia đình và thị thực du học của em vẫn còn thời hạn tới 3 năm. Thế nên, họ không tin em đã bỏ trốn. Ở thời điểm hiện tại, mẹ con nhà Zervaas, bạn chung nhà và cả bạn thân người Việt của Sunnie đều "đau lòng, bàng hoàng và bối rối" trước sự biến mất của nữ sinh, vì mọi thứ trong cuộc sống của em dường như "hoàn toàn bình thường".

    Chị Mary cho biết thêm, các cơ quan chức năng ở Úc đang nỗ lực liên lạc với bố mẹ của Sunnie tại tỉnh Quảng Bình, nhưng đến nay vẫn chưa kết nối được. Nhà Zervaas cũng tìm đến bạn bè của Sunnie song chỉ nhận tin em đã không liên lạc với bất kỳ ai kể từ khi mất tích. "Chúng tôi rất lo lắng. Em ấy sẽ phải vật lộn một mình", chị Mary bộc bạch.

    nu sinh viet mat tich tai uc
    Sunnie Nguyễn (bìa trái) chụp chung với bạn cùng nhà. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH FACEBOOK

    Bà Mi Trần, chủ tiệm Mi and Co The Nail and Beauty Bar, cho biết nữ sinh Sunnie đã không đến làm việc vào ca của mình hôm 10.11. Bà Mi mô tả Sunnie là một nhân viên đáng tin cậy, luôn báo trước nếu đến muộn hoặc không thể làm việc. "Tôi rất may mắn khi có em ấy trong đội của mình. Chúng tôi đều rất lo lắng và không thể an giấc từ khi nhận tin em mất tích. Sunnie chính là em út của chúng tôi", bà Mi nói.

    Đồng nghiệp của Sunnie cũng cho biết họ đã gửi tin nhắn cho em nhưng chưa nhận được phản hồi.

    Giới chức Úc hôm 11.1 tuyên bố đã tìm thấy một trong số những du học sinh Việt mất tích. Song, vẫn còn 4 trường hợp chưa có tin mới. "Chúng tôi đang phối hợp với cảnh sát liên bang để tiếp tục định vị các em", phát ngôn viên cảnh sát nói thêm. Cảnh sát Úc cũng đang kêu gọi ai có thông tin gì hãy đến trình báo và hỗ trợ công tác điều tra.

    Sinh viên còn gặp khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Anh

    Chị Mary cho biết, Sunnie có "trái tim thuần khiết" và là người "tốt bụng", song gia đình cũng cực kỳ lo lắng về sự an nguy của nữ sinh vì em được cho là rất rụt rè và gặp khó khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Nhà Zervaas cũng không biết Sunnie có phải là bạn bè hay có mối liên hệ gì với những du học sinh Việt đã mất tích trước đó hay không.

    "Em ấy không thể nói tiếng Anh thời điểm mới đến Úc. Bây giờ em ấy đã mở lòng hơn với chúng tôi và các bạn khác trong nhà, nhưng khi ra ngoài, Sunnie vẫn phải nhờ người khác nói thay mình. Chúng tôi đã hết lòng giúp em ấy học tiếng Anh cũng như khuyến khích nói tiếng Anh ở nhà. Sunnie đã cải thiện rất nhiều, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ", chị Mary chia sẻ.

    Theo Thanh Niên

  • Từng có hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục tại Mỹ, giảng dạy tại nhiều trường ở bang California (trong đó có ĐH San Francisco, Mỹ), GS Chung Hoàng Chương cho biết du học sinh Việt đã tạo được nhiều dấu ấn và được các GS, chuyên gia trên thế giới đánh giá cao.

    GS Chung Hoàng Chương cho biết trong những du học sinh Việt theo học lớp của ông, có nhiều bạn mặc dù sự chuẩn bị còn hạn chế, như việc khi rời VN chưa có đủ khả năng, nhưng nhờ tinh thần ham học hỏi, các bạn đã hội nhập và học rất giỏi.

    "Có những em rất hay, có các sáng chế ghi dấu ấn và nhiều em thành công trong những lĩnh vực nghiên cứu, hay trong ngành khoa học. Nhìn chung khi du học sinh Việt có định hướng đúng đắn, biết tận dụng những điều kiện học tập ở môi trường nước ngoài thì các em rất thành công", GS Chương nhìn nhận.

    du hoc sinh viet tai gioi
    GS Chung Hoàng Chương trong lần trò chuyện với sinh viên tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ảnh: Nữ Vương

    Là một GS người Việt, ông Chương rất tự hào với nhiều du học sinh của đất nước mình. Không những vậy, GS Chương còn tự hào kể rằng các GS, chuyên gia trên thế giới đánh giá rất cao du học sinh Việt. "Họ nhìn nhận sinh viên VN mình rất chịu học. So với sinh viên của các quốc gia phát triển khác thì mình cũng ngang ngửa, không hề thua kém. Mặc dù điều kiện của những quốc gia như Singapore rất đầy đủ, hay sinh viên Nhật Bản qua bên Mỹ du học thì cũng có sự chuẩn bị rất tốt…, nhưng du học sinh VN không thua kém gì, chỉ cần có được người cố vấn đầy đủ thì các bạn sẽ tiến bộ rất nhanh", GS Chương chia sẻ.

    Nói về khả năng hội nhập của du học sinh Việt, GS Chương đánh giá rất cao. Vị GS này cho rằng du học sinh Việt có một năng lượng rất lớn; bên cạnh đó, tiềm năng để tìm tòi, tiếp nhận những cái mới của người trẻ VN rất cao.

    Tuy nhiên, để việc hội nhập không bị cuốn theo những điều tiêu cực, GS Chương cho rằng mỗi sinh viên VN cần có căn bản vững, nhà trường cũng phải trang bị thêm cho các em những kỹ năng mới. Chẳng hạn như kỹ năng đánh giá, tổng hợp, phân tích và tiếp nhận thông tin. Khi có những kỹ năng này cộng lại thì các em sẽ lọc được cái phù hợp và gạt bỏ được những điều không tốt cho mình, từ đó đủ tự tin để tiếp nhận các xu hướng, thông tin mới và vững vàng hội nhập.

    GS Chương cũng cho biết hiện nay nhiều gia đình có điều kiện nên khi con mới học THCS đã cho đi du học. "Họ nghĩ rằng như vậy sẽ tốt cho con, nhưng không phải. Vì lúc này con chưa đủ khả năng để đương đầu với những tình huống mới, không có cha mẹ bên cạnh hướng dẫn, nên tôi thấy rất nhiều trường hợp đã thất bại. Theo tôi, ít nhất các em nên học hết lớp 12, hoặc học đến năm 2 ĐH theo những chương trình có sự hỗ trợ về ngôn ngữ… rồi hãy cho đi du học. Có như vậy khi qua nước ngoài các em mới hội nhập nhanh hơn", GS Chương nêu quan điểm.

    Đồng thời, GS Chương cũng cho rằng một trong những rào cản của sinh viên VN là đến từ giáo dục của gia đình. Phụ huynh thường cưng chiều, sợ hoặc không cho con tiếp xúc nhiều. Ở nước ngoài khi khách đến nhà thì sẽ gọi con cái ra chào, có sự trao đổi giữa con với khách, nhưng người Việt mình lại bảo con đi vào trong vì cho rằng nhỏ thì biết gì, sự chia cắt này sẽ khiến đứa trẻ rụt rè hơn. Từ đó cũng dẫn đến thực tế là sinh viên ở các nước khác khi thấy một vấn đề gì đó thường ồ lên "ôi hay quá", còn một bộ phận bạn trẻ Việt thì lại e dè.

    Theo Thanh Niên

  • Con trai học ngành Khoa học máy tính năm 3 ở Mỹ, chăm chỉ, GPA cao, năng động, chơi với nhiều bạn nước ngoài nhưng ba mùa hè rồi không xin được vị trí thực tập nào. Không có vị trí thực tập nào trong CV thì ra trường khả năng cao là sẽ không xin được việc để ở lại Mỹ. Nhà lại không có đủ điều kiện tài chính để cho con học lên thạc sĩ, đã đổ hết tiền lực vào cho cháu để đi học, giờ rất sợ con sẽ phải về Việt Nam và canh bạc gia đình bỏ ra sẽ tan tành mây khói. Đó là câu chuyện được một phụ huynh chia sẻ mới đây trong một diễn đàn du học, hiện đang "viral" trên mạng xã hội.

    Chị cho biết, giờ đây lần nào gọi về con cũng khóc, bảo rằng khả năng quay về Việt Nam là rất cao.

    "Con bảo các bạn xin được thực tập năm 2, nhất là các bạn xin vào được những công ty lớn, thường phải là người xuất chúng và đã học code từ nhỏ. Còn các bạn bình thường như con thì chỉ mong năm 3 có thực tập ở một chỗ nho nhỏ rồi mới bắt đầu mơ đến những chỗ đó được. Con bảo thực tập bên Mỹ khó lắm, ngoài trình độ ra còn phải nắm rõ về quy trình tuyển sinh, nộp đơn và đôi khi còn phải là quen đúng người, chỉ giỏi trong sách vở thôi là chưa đủ.

    Giờ bạn bè con đã dần ổn định chỗ thực tập cho hè sau, nhìn con khóc mà em đau xót ruột. Nước Mỹ không phải màu hồng", phụ huynh này chia sẻ.

    du hoc o lai my
    Ảnh minh họa

    "Cha mẹ và con càng không nên làm con bạc khát nước"

    Đọc tâm sự của người mẹ này, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Yến Khanh, Giảng viên Đại học Erasmus University Rotterdam (Hà Lan), đồng thời là quản trị viên của Pathfinders cho rằng, chị thấy thương cho đứa con. Con được bố mẹ đầu tư cho ăn học nhưng phải gánh trên vai hòn đá tảng, chính là kỳ vọng của cha mẹ, rằng cha mẹ bỏ ra khoản tiền lớn đến vậy thì con phải cố mà ở lại được nước Mỹ.

    "Chẳng có gì tan thành mây khói cả. Nếu học xong mà không xin được việc, con có chí thì tự trau dồi chuyên môn để quay lại Mỹ. Không quay lại được cũng vẫn có thể sống tốt. Gia đình kỳ vọng quá càng gây áp lực cho con, dù bố mẹ có nói ra hay không", chị nói.

    Theo một số liệu, chỉ có 10,2% du học sinh Việt nam tại Mỹ tìm được việc làm thực tập Optional Practical Training (OPT). Tất nhiên, có OPT cũng không phải là sự đảm bảo để ở lại Mỹ. Một Giáo sư Việt tại Mỹ từng cho biết, tỷ lệ du học sinh Việt Nam ở lại được Mỹ chỉ chiếm 3% tổng số du học sinh. Con nhà mình có xuất sắc ở nhóm 3% đó không thì hãy kỳ vọng con ở lại.

    Theo TS Nguyễn Yến Khanh, cha mẹ cho con đi du học thì hãy mong con học hành nghiêm túc, có trải nghiệm văn hóa, hiểu biết xã hội để mở rộng nhãn quan, ở lại được thì tốt, không ở lại được thì về Việt Nam cũng nhiều cơ hội.

    Một số người bình luận dưới bài viết của phụ huynh trên, nói rằng du học không phải một canh bạc, cha mẹ và con càng không nên làm con bạc khát nước, không tìm được việc ở Mỹ thì tìm việc ở các nước khác, hoặc về Việt Nam cũng không có gì là bất ổn cả.

    Nghiên cứu của Nielsen cách đây mấy năm cho biết, người Việt dành tới 35% chi tiêu gia đình cho giáo dục. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, người Việt buộc phải thắt lưng buộc bụng đầu tư tới tận 47% chi tiêu gia đình cho giáo dục. Tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục ở nhiều gia đình cho con du học có lẽ còn cao hơn mức trung bình nói trên.

    Học ở Việt Nam cũng không hề thua kém

    Thực ra nếu gia đình không thật dư giả thì nên cho con học đại học ở Việt Nam. Bây giờ ở Việt Nam cũng có rất nhiều lựa chọn tốt. RMIT đã chứng minh sự thích ứng và phù hợp với nhu cầu đào tạo và môi trường lao động ở Việt Nam hơn 20 năm, hai đại học quốc tế khác cũng khá tốt. Các chương trình liên kết đào tạo ở các đại học lớn cũng có những chương trình ổn.

    Con giỏi và chịu khó tìm kiếm cơ hội thực tập thì học Bách Khoa, Kinh tế, Ngoại thương còn giỏi hơn đi du học. Con học mấy ngành Marketing, Truyền thông, PR hay Kinh doanh thì có khi học chương trình tốt ở trong nước thì còn phù hợp với môi trường Việt Nam hơn học ở nước ngoài vì sẽ được học case study từ Việt Nam, trên thực tế kinh doanh, luật pháp và văn hóa Việt Nam.

    "Tôi đã dạy và làm việc với đủ cả sinh viên học đại học quốc tế tại Việt Nam và du học sinh Anh, Mỹ, Canada và Úc. Có bạn du học về cũng vào làm vị trí "í ẹ" ở công ty "í ẹ", không học hỏi được gì từ quản lý và đồng nghiệp nhưng cũng cứ yên vị ở đó mãi cho yên thân.

    Nếu cha mẹ có mức tài chính trung bình thì nên cân nhắc cho con học tại một số nước châu Âu như Đức, Bỉ, Pháp, Ý, Áo hay Hà Lan. Các nước này có nhiều chương trình trong ngành Khoa học máy tính và Kinh doanh dạy bằng tiếng Anh, mà học phí thì giao động từ 0 tới khoảng 15 ngàn euro/năm.

    Hà Lan là nước có học phí đắt nhất trong các nước nhắc tới ở trên, nhưng học phí ngành Khoa học máy tính hay Trí tuệ Nhân tạo cũng thường dao động trong khoảng 8-17 ngàn euro/năm, các ngành khác thường có học phí thấp hơn", TS Khanh cho biết.

    Theo TS, nếu đầu tư cho con du học 4 năm đại học là quá sức của gia đình thì cha mẹ nên cho con học ở Việt Nam. Đi làm 2 năm, rồi xin học bổng hoặc đầu tư cho con học thạc sĩ, ở Anh chỉ 1 năm, ở các nước khác thì 2 năm vẫn là sự đầu tư hiệu quả hơn. Khi đã có kinh nghiệm làm việc và học thạc sĩ, du học sinh sẽ tối ưu hóa lợi ích của chương trình học hơn, và khả năng xin được việc có thể cao hơn. Kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam, nếu ở các vị trí tốt, tại các công ty lớn cũng rất có giá trị.

    Du học rất căng thẳng, du học sinh không cần phải gánh thêm hòn đá tảng là kỳ vọng của gia đình nữa.

    Theo Kênh 14

  • Gần mười năm về nước, bạn của con tôi có công ty riêng, mua được căn hộ cao cấp giá trên 10 tỷ đồng, thu nhập vượt xa ở Mỹ.

    Những năm gần đây, số du học sinh tại nước ngoài quay về nước làm việc ngày một nhiều, nhất là các bạn làm việc trong các ngành nghề kinh tế, tài chính , y học, kỹ thuật (trừ một số bạn làm ở các viện nghiên cứu khoa học hoặc ngành nghề đặc thù mà điều kiện trong nước chưa phát triển). Theo tôi có mấy nguyên nhân chính:

    Thứ nhất, chính sách cởi mở hội nhập cao đưa nền kinh tế đất nước ta phát triển vượt bậc, tiệm cận với các nước phát triển, thu hút nhiều vốn đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp PDI ngày một nhiều, các ngành nghề, việc làm mới xuất hiện giúp các bạn du học sinh có nhiều cơ hội việc làm phù hợp... Doanh nghiệp tư nhân ngày một phát triển, lớn mạnh nên cần lực lượng lãnh đạo kế thừa, vì vậy sau khi học tập và làm việc, có kinh nghiệm đủ chín, các bạn du học sinh có thể quay về kế nghiệp gia đình. Bên cạnh đó, nhà nước cũng có nhiều chính sách, điều kiện tạo thuận lợi cho các bạn trẻ khởi nghiệp.

    tu bo thu nhap cap

    Thứ hai, tình hình chính trị, kinh tế, cơ hội việc làm tại các nước trên thế giới đang ngày một khó khăn, làm cho sự cạnh tranh việc làm của người bản địa và người nhập cư ngày một cao. Nếu so sánh, cuộc sống của các bạn về nước tốt hơn hẳn so với ở nước ngoài. Thu nhập nhiều lĩnh vực trong nước giờ cao tương đương nước ngoài, nhưng giá cả sinh hoạt thấp, tinh thần tình cảm thoải mái, gần gũi người thân, bạn bè, không bị phân biệt đối xử văn hóa, lối sống phù hợp... nên cuộc sống tại quê nhà hạnh phúc hơn, tích lũy tài sản cũng nhiều hơn.

    Tuần vừa rồi, tôi có dự buổi họp mặt mừng nhà mới của người bạn học của con tôi bên châu Âu. Cháu cũng là bác sĩ tư vấn sức khỏe cho tôi hiện tại. Nhìn cháu, tôi mới thấy được việc các bạn trẻ quay về nước là đúng đắn. Trước khi về nước, hai vợ chồng cháu đều có công việc đáng mơ ước: chồng là tiến sĩ bác sĩ có uy tín làm việc tại một bệnh viện lớn; vợ là thạc sĩ làm việc cho một công ty tài chính của Mỹ. Thu nhập của hai vợ chồng cháu gần 200.000 USD/năm, nhưng đời sống vật chất và tinh thần đều rất áp lực.

    Ngoài nhà cửa, cơm áo gạo tiền, tình cảm người thân, quê hương, cách cư xử, hòa nhập văn hóa chủng tộc cũng là điều đáng trăn trở. Dù làm việc 10 đến 12 tiếng một ngày nhưng hai vợ chồng vẫn không tiết kiệm được nhiều. Thế nhưng, gần mười năm về nước, cháu đã có công ty y khoa riêng với quy mô hoạt động và thu nhập rất tốt, mua được một căn hộ cao cấp giá trên 10 tỷ đồng, công việc ổn định, thu nhập vượt xa hồi ở Mỹ. Ngoài là giảng viên của một trường đại học y nổi tiếng trong nước, cháu còn tham gia khám bệnh ở hai bệnh viện lớn tại thành phố.

    Có lẽ cách giáo dục tại các nước tiên tiến đã giúp các cháu có tư duy logic khoa học, phong cách sống và làm việc ưu việt, hiệu quả cao nên dù công việc nhiều nhưng không áp lực, thời gian dành cho gia đình, vui chơi giải trí, cũng rất hợp lý, hài hòa. Hầu như tất cả nhóm bạn "du học" của con tôi ai cũng có sự nghiệp, kinh tế ổn định các con đều học ở các trường quốc tế "xịn". Mọi người đều rất mãn nguyện tràn đầy hạnh phúc, cách nói chuyện trao đổi, cư xử thể hiện tình cảm với nhau rất lịch thiệp nhã nhặn vô cùng thoải mái, cởi mở.

    Các cháu hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: tài chính, công nghệ, logistic, trung tâm giáo dục đào tạo, y khoa, quản lý sự nghiệp gia đình... Đa số đều làm nhiều việc một lúc, và công việc đều phù hợp với chuyên môn, sở trường của mình. Một người có nhiều năm lăn lộn và cũng có chút thành tựu như tôi cũng phải nể phục.

    Viết ra những dòng này, tôi rất mong các bạn trẻ đang học tập, làm việc tại các nước tiên tiến, hãy tham khảo thêm để có cái nhìn thực tế về đất nước mình hiện tại, từ đó lựa chọn hướng đi hợp lý cho mình.

    Nguyen Huong VT / Theo VnExpress

  • Giá thuê nhà ở Anh khoảng 15-30 triệu đồng mỗi tháng, tùy vị trí và loại phòng, du học sinh cần cân nhắc ưu - nhược cũng như đọc kỹ hợp đồng trước khi thuê.

    Nguyễn Phương Anh hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Quy hoạch và Quản trị hàng không, Đại học Nottingham, và quản trị trang Chevening Việt Nam - Học bổng chính phủ Anh của Đại sứ quán Anh, với hơn 10.000 thành viên.

    Theo Phương Anh, du học sinh có thể tìm nhà qua nhiều nguồn như website của trường, nếu ở ký túc xá; các đại lý, ký túc xá tư nhân; hội nhóm sinh viên tại nơi học hoặc người quen ở Anh.

    Tiền thuê nhà chiếm khoảng 50% chi phí sinh hoạt hàng tháng của du học sinh. Giá thuê trung bình ở London là 500-1.000 bảng (gần 15-30 triệu đồng) một phòng, phụ thuộc vào cơ sở vật chất và khu vực sống (zone). London được chia thành 9 zone, khu 1, 2 là trung tâm nên giá thuê sẽ đắt hơn. Nếu ở các thành phố khác, với khoảng 500 bảng mỗi tháng là du học sinh có thể tìm được nhà.

    Giá nhà thường tính theo tuần, nên người thuê cần nhân với 52 tuần rồi chia cho 12 tháng nếu muốn tính mỗi tháng cần trả bao nhiêu tiền.

    thue nha du hoc sinh anh 1
    Phương Anh trong chuyến đi chơi ở Peak District, Anh, hồi tháng 7. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    4 kiểu nhà cho sinh viên thuê ở Anh:

    Ký túc xá của trường: Đây là lựa chọn an toàn, thường được các du học sinh nghĩ đến đầu tiên nếu không có nhiều kinh nghiệm hay không muốn mất thời gian.

    Ưu điểm của ký túc xá là thường nằm trong khuôn viên trường, xuống tầng là thư viện, hợp đồng rõ ràng, môi trường an toàn, lành mạnh, nội thất, dịch vụ đầy đủ, có thể chọn tự nấu ăn hoặc có bữa ăn sẵn. Đây cũng là môi trường tốt để giao lưu với bạn bè quốc tế.

    Nhược điểm của ký túc xá là đắt hơn so với thuê ngoài và diện tích thường chỉ 9-12 m2 mỗi phòng đơn. Nếu muốn ở ký túc xá trường, bạn cần lưu ý hạn nộp đơn để tránh hết phòng.

    Ký túc xá tư nhân: là loại nhà trọ xây dành riêng cho sinh viên, nhưng không thuộc quản lý của trường đại học nào. Do đó, bạn cùng nhà của bạn có thể học bất cứ trường nào loanh quanh.

    Nhược điểm lớn nhất của ký túc xá tư nhân là giá cao hơn so với những loại hình khác. Bù lại, bạn có thể tìm nhà một cách nhanh chóng, an toàn. Ngoài ra, những khu vực sinh hoạt chung như nhà bếp, hành lang luôn được dọn dẹp sạch sẽ.

    Thuê nhà riêng của người dân: Chủ nhà có thể là người bản địa, người nước ngoài, thậm chí người Việt ở Anh lâu năm. Tùy theo tình trạng căn nhà, bạn có thể ở chung với chủ hoặc không.

    Trong thời gian ở London, tôi từng thuê dạng phòng kiểu này. Một lần tôi ở chung nhà với chủ, còn một lần thì không. Ở Anh, cuộc sống riêng tư được coi trọng và mọi thứ được ghi rõ ràng trong hợp đồng nên bạn không cần lo lắng nhiều.

    Ưu điểm là giá phòng thường thấp hơn so với các loại hình khác. Ngoài ra, đây là cơ hội để trải nghiệm văn hóa đáng cân nhắc.

    Thuê nhà nguyên căn và ở chung một nhóm: Đây là lựa chọn phổ biến nhất. Bạn có thể chuyển đến một phòng trong căn hộ cùng với những người khác, hoặc cùng bạn bè, người quen của mình thuê riêng một căn.

    Nếu thuê nguyên căn nhà, bạn có một đặc quyền mà ba lựa chọn trên không có là được chọn người mình muốn ở cùng và chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, bạn cũng phải tự "gánh" tiền điện, nước, Internet, tự dọn dẹp nhà cửa. Ngoài ra, nếu ở cùng một nhóm sinh viên Việt Nam, dù có nhiều cái tiện, bạn cũng bỏ lỡ cơ hội được hòa mình vào môi trường quốc tế.

    thue nha du hoc sinh anh 1
    Phòng đôi ở zone 1 của London mà Phương Anh và bạn thuê với giá hơn 38 triệu đồng, năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Sáu lưu ý khi thuê nhà:

    Các chi phí trong hợp đồng

    Phần này cần xác định rõ khi thuê nhà. Nếu mọi chi phí điện nước, ga, Internet đã bao gồm, bạn chỉ cần trả tiền nhà hàng tháng đúng ngày là xong. Nếu bạn không nấu cơm nhiều thì có thể cân nhắc chi phí này.

    Hai kiểu đại lý để thuê nhà

    Đại lý cũng là một kênh an toàn để tìm nhà. Có hai kiểu đại lý.

    Thứ nhất là chủ bất động sản, ví dụ các ký túc xá tư nhân. Họ xây với mục đích kinh doanh, có website, địa chỉ liên lạc và bộ phận marketing, quản lý riêng.

    Thứ hai, đại lý là trung gian kết nối người thuê và người cho thuê. Qua đại lý kiểu này sẽ mất thêm một khoản phí hoa hồng nhưng họ nhiều thông tin. Nếu có vấn đề gì, ví dụ chủ nhà không chịu trả tiền cọc, bạn cũng sẽ có một liên hệ để đòi.

    Thời hạn hợp đồng

    Hợp đồng thuê nhà ở Anh thường có thời gian 44 tuần hoặc 51 tuần. Thông thường, hợp đồng 51 tuần sẽ tốt hơn vì nếu bạn bắt đầu năm học từ tháng 9 mà thuê 44 tuần thì phải trả nhà tầm tháng 7. Đây là mùa thi, mùa khóa luận nên tìm nhà sẽ khá vất vả.

    Đọc kỹ hợp đồng và kiểm tra tình trạng nhà

    Trước khi thuê nhà, sinh viên phải đặt cọc khoảng 300 bảng (hơn 8,9 triệu đồng). Bạn có thể chuyển tiền từ Việt Nam qua các ngân hàng, hoặc nhờ người quen ở Anh chuyển khoản giúp.

    Đến nhận phòng, quản lý nhà sẽ đưa ra danh sách đồ đạc (tủ, bàn, ghế, chăn ga...) và đề nghị xem xét tình trạng phòng. Hãy kiểm tra kỹ đồ đạc xem có thiếu hoặc hỏng hóc hay không (tường bong tróc, nứt hay bẩn không...), rồi mới nhận nhà, tránh trường hợp bị trừ tiền đặt cọc sau này.

    Ưu điểm khi dùng chung bếp, nhà tắm

    Tùy điều kiện, nhu cầu và tính cách, bạn có thể cân nhắc thuê nhà chung bếp, nhà tắm hay riêng.

    Tôi không thích ở phòng studio (nhà bếp, nhà tắm riêng khép kín), vì phòng tầm 1.000 bảng mỗi tháng trở xuống khá nhỏ, sẽ ám mùi đồ ăn vào chỗ học và ngủ. Dùng chung bếp là lựa chọn tốt, vì nhà bếp thường rất rộng, tủ lạnh to. Hơn nữa, các bạn nước ngoài thường không nấu ăn và dùng nhiều đến bếp. Vì thế, bạn có thể mời bạn bè đến ăn uống thoải mái sau khi nói trước với bạn cùng nhà.

    Trước khi du học, tôi cũng ngại dùng chung nhà tắm, nhà vệ sinh khi ký túc xá có cả nam, nữ. Nhưng khi vào ở ký túc xá 10 người, chung hai nhà tắm, hai nhà vệ sinh, tôi thấy không vấn đề gì. Bạn đừng lo chuyện xếp hàng đi tắm mỗi ngày vì giờ tắm của các bạn nước ngoài thường là sáng sớm hoặc trưa hay tối muộn nên không trùng giờ.

    Bên cạnh đó, ở ký túc xá có người dọn dẹp không gian chung hàng tuần, thêm nước rửa bát và giấy vệ sinh thường xuyên. Đây cũng là một lợi thế cần cân nhắc, vì nhiều khi tình bạn đổ vỡ chỉ vì chuyện chia nhau cọ rửa nhà tắm.

    Thuê nhà gần trường, ga tàu

    Gần nghĩa là bạn có thể đi bộ đến trường, trong bán kính 2 km đi bộ khoảng 30 phút là ổn. Ở gần trường, bạn sẽ có những buổi sáng thanh thản, không cần phải chen qua tàu điện ngầm hay chờ xe bus. Trong khi nếu ở xa, bạn tốn thời gian và chi phí tàu xe. Khu quanh trường cũng an toàn, sạch sẽ hơn.

    Để tiết kiệm thời gian và hạn chế đi bộ một mình quá xa nếu về muộn buổi tối thì nhà thuê gần bến xe, tàu là điều cần cân nhắc.

    Nguyễn Phương Anh / VnExpress

  • Tháng 3 đầu năm nay, Phần Lan lần thứ 6 liên tiếp giữ vị trí đầu bảng trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới hàng năm do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc công bố. 

    Đây không phải là kết quả quá lạ với một đất nước mà chất lượng dịch vụ công luôn được đánh giá cao, hệ thống giáo dục và an sinh xã hội tốt, tỷ lệ tội phạm thấp và tình trạng bất bình đẳng ít khi xảy ra...

    du hoc phan lan 1
    Phần Lan đã 6 năm liên tiếp đứng đầu danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới.

    Có rất nhiều ưu điểm của Phần Lan được bản thân người dân nước này và du khách đánh giá cao. Vậy trong mắt một người Việt mới đến quốc gia vùng Bắc Âu này, có điều gì lạ kỳ? 

    Câu trả lời đã được một bạn du học sinh người Việt Nam trả lời bằng những trải nghiệm cá nhân thực tế khi mới sang Phần Lan học tập.

    Trong một đoạn video đăng tải trên tài khoản TikTok có tên @huungao, anh chàng sinh viên tên Danh Hữu đã có những chia sẻ thú vị về cuộc sống ở quốc gia luôn đứng đầu trong bảng xếp hạng hạnh phúc nhất thế giới. Đoạn video đã thu hút 8,1 triệu lượt xem, hơn 650.000 lượt thích và 1.500 lượt bình luận.

    Hữu chú thích video bằng một câu hài hước: "Những cú sốc đầu đời khi mới qua Phần Lan". 

    Trong đó, anh chàng kể rằng: "Ở Phần Lan, khi thuê nhà, chủ nhà chỉ cho mình một chiếc chìa khóa duy nhất thôi. Muốn xin thêm chiếc dự phòng cũng không được. Ra ngoài cũng không có mấy ông thợ đánh thêm chìa khóa cho mình đâu. Hành vi đó bị cấm.

    Cho nên nếu bị khóa trái cửa hay chẳng may mất chìa khóa thì phải gọi công ty chuyên sửa khóa cửa tới giúp. Chi phí thì đắt mà 'hết dám ăn cơm luôn'".

    du hoc phan lan 2
    Theo lời kể của Hữu, khi thuê nhà, chủ nhà chỉ cho mình một chiếc chìa khóa duy nhất.

    Bản thân Hữu cũng đã rơi vào tình huống này khi anh chàng vừa tắm xong, chưa kịp mặc đồ chỉnh tề đã bước ra khỏi phòng trọ và đóng cửa sầm lại rồi mới nhớ ra quên chìa khóa. Thật là một kỷ niệm không thể nào quên.

    Điều thứ hai mà anh chàng sinh viên này thấy ngạc nhiên khi mới đến Phần Lan là các loại sữa tươi bán ở đây đều không có đường. Chỉ có các loại sữa như sữa ít béo, sữa thêm vị yến mạch, sữa chua... Bên cạnh đó, mỗi lần muốn mua sữa bạn phải mua hộp thể tích 1 lít trở lên thay vì hộp sữa nhỏ có ống hút như ở Việt Nam.

    du hoc phan lan 2
    Đi mua sữa, bạn phải mua cả hộp to.

    Điều thứ ba Hữu nhận thấy là các phương tiện giao thông đường bộ ở Phần Lan lúc nào cũng phải ưu tiên và nhường cho người đi bộ. Lúc mới sang, anh chàng không biết nên cố né và nhường cho xe ô tô vượt qua nhưng sau đó Hữu nhận ra các tài xế luôn dừng thành hàng dài để nhường đường cho người đi bộ.

    Sau một thời gian sống ở đây, anh chàng mới biết, trong luật của Phần Lan, người đi bộ và xe đạp luôn được ưu tiên.

    du hoc phan lan 1
    Các phương tiện giao thông luôn ưu tiên cho người đi bộ.

    Điều thứ tư khiến anh chàng ngỡ ngàng ở Phần Lan chính là khi vào siêu thị, không ai được cho túi nilon để đựng đồ mang về. Mặc định là tất cả mọi người phải nhớ mang theo túi của mình nếu không có thì tự bỏ tiền ra mua túi nilon hoặc túi vải. Anh chàng hài hước kể: "Lúc mới qua mình đâu có quen, đi siêu thị lúc nào cũng tốn tiền mua túi nilon ấy".

    du hoc phan lan 2

    Anh chàng sinh viên thừa nhận rằng sự chênh lệch về tỷ giá tiền tệ khá lớn nhưng anh chàng vẫn bị choáng mỗi lần đi siêu thị. Hữu lấy ví dụ thực tế khi đi siêu thị ở Phần Lan: Sả 900.000 VNĐ/kg, thịt bò 600.000 VNĐ/kg, mua kính cận/viễn thì 5 triệu VNĐ/cặp, áo khoác gió 3 triệu VNĐ, bộ vỏ chăn và gối 600.000 VNĐ.

    Anh chàng nói vui: "Bây giờ, bí quyết của mình là không nhẩm tính sang tiền Việt nữa, mắt không thấy thì tim không đau".

    Điều thứ năm anh chàng cảm thấy thú vị khi ở Phần Lan là ở lớp học, giữa thầy và trò rất bình đẳng. Muốn gọi thầy cô thì gọi thẳng tên luôn, không cần phải Mr, Ms, Sir hay Madam. Khi muốn bày tỏ ý kiến, sinh viên có thể đứng lên nói mà không cần giơ tay xin phép.

    Theo Afamily

  • Sau khi Pearson thông báo hủy bỏ kết quả một số bài thi tiếng Anh PTE Academic Online (phiên bản thi tại nhà) vì nghi ngờ gian lận, nhiều trường ĐH Anh lập tức có động thái cấm khiến hàng trăm thí sinh đối diện nguy cơ 'lỡ hẹn' du học.

    huy chung chi PTE 1
    PTE là bài thi tiếng Anh quốc tế ra mắt năm 2009 và đang là lựa chọn phổ biến cho mục đích du học, định cư, bên cạnh những chứng chỉ lâu đời như TOEFL, IELTS. Ảnh: Pearson

    Hủy bỏ tư cách nhập học

    PTE (Pearson Test of English) là bài thi tiếng Anh quốc tế ra mắt năm 2009 và đang là lựa chọn phổ biến cho mục đích du học, định cư, bên cạnh những chứng chỉ lâu đời như TOEFL, IELTS. Tuy nhiên, bài thi PTE học thuật tại nhà (PTE Academic Online) mới đây phải thu hồi hoặc hủy bỏ kết quả của một số thí sinh vì nghi ngờ gian lận, theo trang The PIE News.

    Cụ thể, vào đầu năm 2023, một số trường ĐH Anh đã bày tỏ lo ngại khi nhiều sinh viên quốc tế nộp kết quả thi PTE Academic Online với số điểm cao, thậm chí đạt mức tối đa là 90 điểm (tương đương khoảng 8.5 IELTS).

    Đáp lại vấn đề này, tập đoàn giáo dục Pearson, đơn vị tổ chức bài thi, thông tin rằng các đánh giá gần đây đối với một số thí sinh thi PTE Academic Online cho thấy có vi phạm trong quá trình làm bài. Ngay khi phát hiện ra vấn đề, Pearson đã lập tức thu hồi hoặc hủy bỏ điểm thi của các thí sinh liên quan.

    Quyết định này của Pearson không chỉ ảnh hưởng đến những trường hợp gian lận, mà còn tác động đến ít nhất hàng trăm du học sinh khác đã thi lấy chứng chỉ này. Lý do là vì các ĐH Anh đang tiến hành cấm bài thi PTE Academic Online và hủy bỏ tư cách nhập học của những ứng viên nộp loại chứng chỉ này.

    huy chung chi PTE 1
    Thông báo cấm chứng chỉ PTE Academic Online của ĐH Edinburgh. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

    Theo đó, một số trường như ĐH Edinburgh, ĐH Sussex thông báo ngừng chấp nhận các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thi theo hình thức tại nhà. Các trường ĐH khác thì rút lại thư mời nhập học của những ứng viên có điểm thi PTE Academic Online bị thu hồi. Có trường thậm chí không chấp nhận kết quả bài thi này khi ứng viên nộp qua Clearing (hệ thống ghép đôi du học sinh chưa trúng tuyển với trường ĐH còn chỗ trống).

    Tình cảnh trên khiến nhiều sinh viên quốc tế phải tính đến phương án tham gia kỳ thi khác. Ngoài ra, một số ĐH cũng đang tạo điều kiện cho các thí sinh bị ảnh hưởng bằng cách phỏng vấn bổ sung hay cho làm bài kiểm tra thay thế. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng các hoạt động này sẽ không thể hoàn tất trước khi bắt đầu kỳ học tới vào mùa thu năm nay.

    Tại sao có quyết định cấm?

    Bà Ula Tang-Plowman, đại diện ĐH Nottingham, cho biết tất cả trường ĐH Anh đều đang thực hiện nghiêm túc việc đánh giá bổ sung đối với ứng viên dùng điểm thi PTE Academic Online hoặc hủy bỏ tư cách nhập học và yêu cầu ứng viên thay thế bằng kết quả khác. "Việc tuân thủ quy định là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", người này chia sẻ.

    Đại diện ĐH Southampton thì lý giải rõ hơn rằng quyết định cấm nhằm tuân thủ các yêu cầu về thị thực của Anh, cũng như đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ ngôn ngữ giúp sinh viên quốc tế có thể phát triển. "Chúng tôi đang liên lạc từng ứng viên để thảo luận về hoàn cảnh và lựa chọn cụ thể của họ", người này chia sẻ.

    huy chung chi PTE 1
    Thông báo tạm thời ngưng chấp nhận bài thi PTE Academic Online của ĐH Sussex. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

    Trả lời The PIE News, Pearson nói không thể cung cấp số lượng thí sinh bị ảnh hưởng bởi quyết định thu hồi hoặc hủy bỏ kết quả PTE Academic Online trong giai đoạn này, nhưng cho biết đã tiến hành liên lạc, trao đổi. "Chúng tôi đang gửi voucher miễn phí cho những thí sinh bị ảnh hưởng để thi trực tiếp tại một trong 446 điểm thi trên thế giới", Pearson chia sẻ.

    Mặt khác, công ty tư vấn du học New Oriental Vision Overseas tại Trung Quốc cho hay có khoảng 200 học sinh, sinh viên của đơn vị này bị tác động bởi quyết định của Pearson và những ĐH Anh. Trong khi đó, đại diện của các trường ĐH Anh cho hay không chỉ Trung Quốc, nhiều du học sinh từ Nam Á cũng đang đối diện vấn đề tương tự.

    Pearson không phải đơn vị duy nhất hủy bỏ kết quả bài thi khi nghi ngờ gian lận. Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên hồi tháng 10.2022, Hội đồng Anh và IDP, hai đơn vị đồng tổ chức bài thi IELTS, khẳng định thường xuyên phân tích bài làm và kết quả trước khi thông báo điểm đến thí sinh.

    Nếu phát hiện vi phạm, kết quả thi sẽ được giám sát kỹ lưỡng và điều tra lại. Bảng điểm của các thí sinh này cũng bị tạm giữ trong trường hợp cần điều tra và có thể bị cấm thi trong thời gian điều tra. Ngoài ra, phần lớn trường hợp gian lận sẽ bị hội đồng khảo thí hủy kết quả thi, kể cả sau khi nhận bảng điểm, theo Hội đồng Anh và IDP.

    huy chung chi PTE 1
    Sinh viên quốc tế theo học tại ĐH Southampton, một trong những đơn vị cũng không công nhận kết quả bài thi PTE Academic Online. Ảnh: ĐH SOUTHAMPTON

    PTE phổ biến ra sao?

    PTE là bài thi tiếng Anh trên máy tính, có hai phiên bản chính là học thuật (Academic) và làm việc phi học thuật (General), với hình thức chủ yếu là làm kiểm tra trực tiếp tại điểm thi. Riêng với bài thi học thuật, hiện thí sinh đã có thể thi tại nhà. Đây là hình thức mới ra mắt từ cuối năm 2021.

    Trên trang chủ, Pearson cho rằng PTE được hơn 3.300 tổ chức giáo dục trên toàn cầu công nhận, trong đó có những trường danh giá như ĐH Oxford, ĐH Yale, Trường Kinh doanh Harvard. Con số này gần bằng 1/3 so với IELTS (hơn 11.000 đơn vị chấp nhận). PTE cũng được chính phủ các quốc gia Úc, Anh và New Zealand sử dụng cho mục đích thị thực.

    Theo Thanh Niên

  • Một phụ huynh vừa liên hệ với tôi nhờ tìm hướng giải quyết cho con của chị. Sau vài tháng sang nước ngoài học đại học, con chị cảm thấy không hòa nhập được với môi trường mới, nằng nặc đòi về nước.

    Tám năm trước, tôi cũng từng chứng kiến con trai một người bạn bị nhà trường báo động vì kết quả học tập sa sút. Sau năm rưỡi du học, cậu về nhà làm sinh viên một đại học quốc tế trong nước. Dù vậy, cậu cũng mất nhiều năm chật vật mới có thể tốt nghiệp do lạc nhịp và mất phương hướng sau thời gian ở nước ngoài.

    Những chuyện như thế vẫn thường xảy ra trong cộng đồng du học sinh, dù các gia đình đã đầu tư tài chính, quan tâm sát sao; phần lớn những đứa trẻ đều có ý thức và trình độ ngoại ngữ tốt. Tại sao bấy nhiêu sự đầu tư vẫn là chưa đủ?

    Trước hết, trong quá trình chuẩn bị du học, du học sinh và gia đình ít khi được nghe nói về triết lý sư phạm của trường mà mình muốn đến. Triết lý sư phạm của nhà trường rất quan trọng, cho phép mỗi sinh viên nhận thấy đây có phải là cơ hội phù hợp để phát triển bản thân hay không.

    hu than khi du hoc

    Tuần trước, tôi phỏng vấn một sinh viên vừa hoàn tất chương trình đại cương tại nơi khác và muốn dự tuyển vào chương trình đào tạo kỹ sư tại trường chúng tôi. Ứng viên này có bảng điểm rất ấn tượng và mục tiêu rõ ràng về công việc muốn phát triển sau khi tốt nghiệp. Đồng nghiệp - phụ trách bộ phận quan hệ giữa nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên - tham gia buổi phỏng vấn cùng tôi, rất thích ứng viên này. Lúc đầu tôi có cùng ấn tượng tốt như vậy. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ, tôi quyết định không chọn. Triết lý sư phạm của chúng tôi không phù hợp với bạn ấy. Nếu trở thành sinh viên của trường, trong ba năm học kế tiếp, bạn sẽ rất khổ sở khi bắt buộc phải hoàn tất 100% chương trình học bằng các dự án nhóm, dưới sự giám sát của giảng viên và hệ thống tài liệu hỗ trợ. Chúng tôi không đưa ra lời giải mà chỉ giúp sinh viên được tự do sáng tạo với những giải pháp họ tự đưa ra, và họ phải chịu trách nhiệm cho lời giải của chính mình. Trong khi đó, sinh viên này thừa nhận em khó hòa hợp trong một nhóm học tập, làm việc.

    Kế đến, trong xã hội Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung, gia đình có sự đầu tư chu đáo về giáo dục thường đồng nghĩa với gia đình ít nhiều bao bọc con trẻ. Hệ quả của sự bao bọc là trẻ khi đến tuổi gần trưởng thành hoặc vẫn luôn mang tư tưởng dựa dẫm, hoặc mang mầm mống nổi loạn. Trong cả hai trường hợp, khi một người vừa bước vào tuổi trưởng thành bắt đầu ngay cuộc sống du học xa nhà sẽ dễ gặp những rắc rối nhất định: hoặc không tự giải quyết được các vấn đề cá nhân, hoặc có sự bùng nổ tự do dẫn đến đánh mất kỷ luật bản thân. Đứa trẻ ở nhà cùng cha mẹ là một đứa trẻ ngoan, nhưng khi bước ra thế giới tự chủ, sự "ngoan" có thể không duy trì được nữa.

    Song song đó, khi còn ngồi ghế nhà trường phổ thông, học sinh hầu như chỉ tập trung vào nhiệm vụ học tập. Khi sống xa nhà với tư cách là một người trưởng thành, họ không chỉ đối mặt với việc học mà còn phải giải quyết nhiều vấn đề trong mối quan hệ chính trị - xã hội tại địa phương đang du học. Một lượng lớn công việc đòi hỏi người xử lý phải có kỹ năng quan sát, thích ích nhanh và phương pháp làm việc hiệu quả, hoặc có sự hỗ trợ ban đầu của những người, tổ chức nhiều kinh nghiệm.

    Xưa nay, nhiều người vẫn đánh đồng khả năng hòa nhập, thích nghi với xã hội mới là khả năng sử dụng ngôn ngữ. Sau hàng chục năm mở cửa hội nhập với thế giới, học sinh sinh viên Việt Nam ngày càng có kỹ năng ngoại ngữ tốt hơn, nhất là tiếng Anh. Tuy nhiên, ngôn ngữ chỉ là phương tiện giao tiếp. Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng kiến thức về văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của học sinh - sinh viên nước ta còn nhiều hạn chế hơn so với bạn bè đồng trang lứa ở các nước phát triển. Chính vì vậy, du học sinh Việt Nam còn gặp rào cản trong giao tiếp, kết thân với bạn bè quốc tế, ảnh hưởng đến sự hòa nhập với môi trường.

    Đầu tư tài chính vào giáo dục, cụ thể là cho con cái đi du học ở các nước tiên tiến là một sự đầu tư cho tương lại. Ngoại ngữ là công cụ quan trọng để mọi người tiến lại gần nhau hơn. Tài chính và ngoại ngữ là những điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ để du học thành công.

    Du học là quyết định bước chân vào một môi trường mới, mà ở đó, tiếp nhận tri thức chỉ là một phần. Cuộc sống du học là sự thực hành khả năng tự lập và thích ứng của những đứa trẻ bắt đầu vào tuổi trưởng thành. Sốc hay không sốc văn hóa khi du học phụ thuộc vào sự chuẩn bị, không chỉ tài chính và ngoại ngữ, mà quan trọng là kỹ năng, tâm thế đối diện để xử lý tốt các rủi ro khó dự báo.

    Nếu không, du học có thể làm tổn thương du học sinh và gia đình, phá vỡ ước mơ của họ.

    Theo VnExpress

  • Đơn đăng ký tăng mạnh đồng nghĩa với việc bộ phận tuyển sinh có rất ít thời gian để đọc các luận của học sinh.

    Thời gian, công sức học sinh bỏ ra để viết bài luận cá nhân để nộp hồ sơ vào các trường đại học ở Vương quốc Anh có thể sẽ trở thành công cốc. Số liệu đưa ra cho thấy nhiều bài luận hầu như không được cán bộ tuyển sinh đọc đến, theo The Guardian.

    Trong nhiều thập kỷ qua, bài luận là một phần của quy trình tuyển sinh. Người nộp đơn sẽ viết một bài luận khoảng 600 từ, giới hạn trong 4.000 ký tự. Tuy nhiên, số lượng đơn đăng ký vào trường tăng mạnh đồng nghĩa với việc cán bộ tuyển sinh chỉ còn rất ít thời gian để đọc bài luận - sản phẩm được học sinh viết, đôi khi có sự hỗ trợ của cha mẹ, giáo viên hay thậm chí là các nhà tư vấn viết luận.

    Một khảo sát đối với nhân viên tuyển sinh do Viện Chính sách Giáo dục Đại học (Hepi) thực hiện cho thấy thời gian trung bình dành cho việc đọc một bài luận cá nhân là hai phút. Cứ 5 bài lại có 2 bài chỉ được đọc trong một phút hay thậm chí ít hơn.

    du hoc anh kho khan
    Bài luận được học sinh chăm chút rất kỹ nhưng cán bộ tuyển sinh ở Anh chỉ đọc qua. Ảnh: Pixabay

    Cán bộ tuyển sinh tại các trường đại học thuộc Russell Group trung bình chỉ dành 90 giây cho mỗi bài luận. Một cán bộ tuyển sinh cho biết họ kiểm tra tất cả bài luận nhưng phần lớn không đọc hết mà chỉ đọc lướt qua. Những người làm ở bộ phận tuyển sinh khi được Hepi khảo sát đều cho biết quyết định cho thí sinh đậu hay trượt chủ yếu dựa trên điểm thi.

    Tom Fryer, một nhà nghiên cứu tại Đại học Manchester, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết điều họ nhận thấy là những lời bài luận cá nhân thường được đọc rất nhanh và nó không quan trọng như phụ huynh, học sinh và giáo viên mong đợi.

    Thậm chí, con số 2 phút cho một bài luận vẫn được cho là quá mất thời gian. Năm 2022, Đại học London nhận được hơn 76.000 đơn đăng ký. Với số lượng hồ sơ đó, bộ phận tuyển sinh sẽ cần 2.500 giờ hoặc hơn 63 tuần để đọc hết tất cả bài luận.

    Báo cáo được đưa ra khi cơ quan tuyển sinh UCAS đang xem xét các thay đổi đối với hình thức của các bài luận cá nhân - điều bị chỉ trích là gây căng thẳng và thiên vị thí sinh.

    UCAS cho biết bài luận có thể bị thay thể bằng loạt câu hỏi ngắn gồm 6 chủ đề. Tuy nhiên, khảo sát của Hepi nêu một vấn đề là trong số 6 chủ đề này, các cán bộ tuyển sinh cho rằng 2 chủ đề trong đó là "Sẵn sàng học tập" và "Phong cách học tập" không thực sự quan trọng.

    Thay vào đó, khảo sát đề xuất rằng mẫu đơn ứng tuyển của UCAS cần có chỗ trống để thí sinh trình bày về trường hợp đặc biệt của bản thân vì các cán bộ tuyển sinh sẽ xem xét thông tin này.

    Theo Zing

     

  • Đại học Kinh doanh Oxford (Oxford Business College) và nhiều trường tương tự khác ở Anh đã kiếm được hàng triệu USD, chủ yếu nhờ tuyển sinh viên nhập cư.

    oxford business college 1

    Các nhân viên tuyển sinh đến khu phố của dân nhập cư, gõ cửa hoặc bắt chuyện với mọi người ở trung tâm mua sắm. Họ lăng xê giá trị của chương trình giáo dục tại một trường kinh doanh và đính kèm ưu đãi đáng ngạc nhiên: Học viên mới sẽ được tặng tiền.

    Tin tức về cơ hội này đã lan truyền rộng rãi với sự góp sức của các nhóm Facebook và lời truyền miệng. Nhiều gia đình đã ghi danh, qua đó giúp biến một trường dạy nghề gồm 41 học viên trên đỉnh một nhà hàng Trung Quốc thành tổ chức giáo dục vì lợi nhuận, hiện có vài cơ sở và hơn 8.000 sinh viên.

    Hồ sơ của ngôi trường ấy, có tên Oxford Business College, cho thấy quá trình chuyển đổi đó đã mang lại hàng triệu USD cho chủ sở hữu. Nhưng dù trong tên có chữ "Oxford", cơ sở giáo dục này không có liên quan tới ngôi trường danh giá của Anh.

    Những thay đổi theo hướng thị trường tự do trong nhiều năm đối với giáo dục đại học của Anh đã tạo cơ hội cho các trường vì lợi nhuận như Oxford Business College. Nhưng cách những ngôi trường này kiếm doanh thu tạo ra một số lo ngại, theo New York Times.

    "Cứ cho anh ta đỗ"

    Thông qua thỏa thuận hợp tác còn không rõ ràng với các trường đại học nhận tài trợ từ chính phủ, các trường vì lợi nhuận như Oxford Business College có thể cấp bằng đại học và nhận được hỗ trợ sinh viên từ chính phủ Anh.

    Một số trường được quảng cáo là con đường lấy bằng cấp dễ dàng và là cách kiếm tiền nhanh, dưới dạng khoản vay chính phủ khoảng 16.000 USD/năm để sinh viên trang trải chi phí sinh hoạt.

    “Hãy ghi danh vào một trường đại học để nhận được tới 18.500 bảng Anh (23.000 USD), không yêu cầu bằng cấp”, một quảng cáo trên Facebook viết. Hàng chục bài đăng ẩn danh tương tự xuất hiện trên các nhóm Facebook dành cho người Đông Âu ở Anh.

    Các chuyên gia giáo dục đại học nhận định sự hợp tác giữa các trường đại học công và các trường vì lợi nhuận như Oxford Business College có thể giúp những sinh viên lớn tuổi và sinh viên ở những khu vực kém phát triển có được sự nghiệp tốt hơn.

    Một số sinh viên cho biết trường đại học Oxford Business College mang đến những cơ hội mà họ lẽ ra không thể có. Một cuộc khảo sát sinh viên toàn quốc cho thấy tỷ lệ ủng hộ cao dành cho ngôi trường này.

    Theo New York Times, nhiều quan hệ đối tác chỉ mới được xác lập nên rất khó để xác định liệu chúng có giúp sinh viên kiếm được việc làm được trả lương cao hơn sau khi tốt nghiệp hay không. Dữ liệu nhìn chung là chưa rõ ràng.

    Nhưng điều hiển hiện ở đây là việc nhiều ngôi trường kiếm ra tiền nhờ tham gia vào một khu vực đang phát triển nhanh trong hệ thống đại học nổi tiếng của nước Anh, nhưng khu vực này hiện chưa được giám sát chặt chẽ. Điều đó khiến hệ thống dễ bị trục lợi, các nhà quản lý nhận định.

    oxford business college 1
    Con phố nơi một cựu nhân viên tuyển sinh từng đi qua và kêu gọi mọi người ghi danh vào trường Oxford Business College. Ảnh: New York Times.

    Oxford Business College có ít nhất ba thỏa thuận hợp tác với các trường đại học công. Đối với mỗi sinh viên mới được nhận theo các thỏa thuận này, cả trường đại học và đối tác đều được hưởng lợi từ học phí sinh viên chi trả.

    Điều đó đã tạo ra động lực rất lớn để tuyển sinh. Các nhân viên tuyển sinh cho biết họ được trả tiền dựa trên số sinh viên ghi danh. Thậm chí, một số sinh viên nói tiếng Anh trầy trật cũng vẫn được nhận vào trường, theo nhiều nguồn tin.

    Ngay cả những ứng viên đã đạo văn câu trả lời trong các bài kiểm tra đầu vào cũng được trao cơ hội thứ hai hoặc thậm chí được đi bước tiếp theo trong quy trình tuyển sinh.

    “Anh ta đã sao chép câu trả lời từ nguồn trực tuyến”, một người phỏng vấn - người chịu trách nhiệm kiểm tra tiếng Anh của sinh viên - viết trong tin nhắn gửi tới người giám sát.

    “Cứ để anh ta đỗ”, người giám sát trả lời.

    Nhiều sinh viên cho biết họ rất vui khi có cơ hội học các nguyên tắc kinh doanh và cải thiện tiếng Anh. Tuy nhiên, nhiều người khác tự hỏi làm thế nào họ có thể trả các khoản vay và liệu trường có chuẩn bị đầy đủ hành trang để họ có công việc tốt.

    Trong câu trả lời bằng văn bản, Oxford Business College cho biết họ cung cấp các cơ hội giáo dục cho một nhóm sinh viên đa dạng. Padmesh Gupta, giám đốc của trường, nói rằng họ có các tiêu chuẩn tuyển sinh chặt chẽ, phù hợp với các đối tác và từ chối 60% số sinh viên nộp đơn.

    Trong một bản ghi nhớ vào tháng 10/2022, Văn phòng Sinh viên Anh - cơ quan quản lý giáo dục đại học - khẳng định các thỏa thuận hợp tác đó có nguy cơ bị lợi dụng. Sinh viên cũng có thể bỏ túi các khoản vay để trang trải chi phí sinh hoạt mà không có ý định học tập thực sự.

    Oxford Business College còn tặng cho sinh viên của mình một “tấm vé vàng” trị giá 250 bảng (khoảng 310 USD) với mỗi người ghi danh qua lời giới thiệu của sinh viên ấy. Trong khi đó, cách làm này bị cấm ở một số nước, như Mỹ.

    Một sinh viên cho biết cô đã giới thiệu hàng chục người, bao gồm cả chồng cô. Người chồng cho biết mình không lên lớp học và chỉ ghi danh để nhận hỗ trợ sinh viên của chính phủ. Bài vở ở trường của anh do vợ làm hộ.

    Theo New York Times, mô hình kinh doanh như trên chủ yếu thành công nhờ cách thức nước Anh tài trợ cho giáo dục đại học. Giáo dục đại học từng được miễn phí phần lớn do được chính phủ tài trợ trực tiếp. Điều đó đã dần được thay thế bằng học phí và các khoản vay sinh viên.

    Những khoản vay đó bao gồm học phí và chi phí sinh hoạt. Sinh viên chỉ được yêu cầu hoàn trả số tiền đó sau khi kiếm được 34.000 USD/năm.

    Lợi nhuận tăng mạnh

    Mối quan hệ đối tác với Đại học New Buckinghamshire vào năm 2019 đã thúc đẩy quá trình lột xác của Oxford Business College. Trường New Buckinghamshire lúc này cho biết họ “không thấy có chứng cứ về hành vi sai trái”, nhưng sẽ tạm dừng tuyển sinh thông qua trường đối tác.

    Họ cũng sẽ chỉ định nhân viên giám sát các chương trình tuyển dụng và học tập của Oxford Business College.

    Trong khi đó, Đại học West London, một đối tác khác, cho biết họ tự tin rằng sinh viên của mình tại Oxford Business College đáp ứng các tiêu chuẩn nhập học tương tự.

    Từ nhiều năm trước, trường đại học công và các trường khác ở Anh đã có thể xác lập quan hệ đối tác, còn được gọi là thỏa thuận nhượng quyền thương mại.

    Nhưng phải tới gần đây, dạng thỏa thuận ấy mới sinh lời lớn cho các trường cao đẳng và là cứu tinh của các trường đại học, chuyên gia đánh giá.

    Lý giải cho hiện tượng ấy, New York Times chỉ ra nguyên nhân nằm ở chỗ viện trợ trực tiếp của chính phủ hầu như đã cạn kiệt và học phí bị áp mức trần theo luật. Do đó, các trường đại học, đặc biệt là những trường không thể thu hút sinh viên quốc tế, phải chật vật tìm doanh thu.

    oxford business college 1
    Doanh thu của Oxford Business College tăng nhanh. Ảnh: New York Times.

    Mark Leach, người sáng lập tổ chức nghiên cứu giáo dục đại học Wonkhe, cho biết: “Thị trường đã trở nên cạnh tranh và khốc liệt hơn rất nhiều”. Ông gọi sự gia tăng gần như không kiểm soát của các trường học vì lợi nhuận thông qua nhượng quyền thương mại là một thất bại chính sách.

    Một năm trước khi hai bên ký thỏa thuận hợp tác, Oxford Business College chỉ có khoảng 25.000 bảng trong ngân hàng, trong khi Buckinghamshire hoạt động thua lỗ.

    Một năm sau đó, Oxford Business College có trong tay hơn một triệu bảng và Buckinghamshire hoạt động có lãi, nhờ chiến lược tăng trưởng bao gồm nhượng quyền thương mại. Theo những thỏa thuận này, sinh viên theo học Oxford Business College sẽ tốt nghiệp với bằng cấp từ một trường đại học đối tác.

    New York Times cho biết rất khó để đánh giá kết quả của một chương trình giáo dục đại học tại Oxford Business College do sinh viên nhập học vào năm 2019 chỉ mới vừa tốt nghiệp.

    Ngôi trường này đang hoạt động tốt. Vào năm 2022, họ kiếm được khoảng 6 triệu bảng Anh và có khoảng 15 triệu bảng Anh trong ngân hàng, hồ sơ cho thấy.

    Trả lời phỏng vấn, một số sinh viên Oxford Business College nói họ hài lòng với giáo viên và chương trình của trường. Nhưng nhiều người khác cho biết thật khó để phát triển bản thân khi các bạn cùng lớp dường như đi học chỉ vì tiền hoặc thậm chí nói tiếng Anh còn kém.

    “Hồi đầu, một số người trong lớp không nói được tiếng Anh. Đây là trường đại học kiểu gì vậy”, Lidia Lei, sinh viên năm ba đến từ Đông Timor, đặt câu hỏi.

    Lei chuẩn bị tốt nghiệp năm nay với bằng quản lý kinh doanh của Đại học New Buckinghamshire. Cô đặt câu hỏi liệu trình độ học vấn của mình có xứng đáng với món nợ đó hay không và liệu nó có giúp cô có được sự nghiệp tốt hay không.

    Theo Zing

  • Nếu không chủ động dùng tiếng Anh trong học tập, giao lưu, khả năng ngoại ngữ của bạn vẫn kém sau vài năm du học.

    Với du học sinh, thành thạo ngoại ngữ trong công việc và cuộc sống là một trong những mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người sau khi về nước vẫn không thể sử dụng ngoại ngữ hiệu quả như kỳ vọng.

    Từ trải nghiệm của mình, Bùi Minh Đức, 29 tuổi, Hà Nội, du học sinh bậc thạc sĩ tại Đại học Clark theo học bổng toàn phần Fulbright của chính phủ Mỹ chỉ ra ba nguyên nhân chính.

    du học nuoc ngoai noi tieng viet
    Minh Đức khi còn ở Việt Nam, năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Không bước ra khỏi vùng an toàn ngôn ngữ

    Nhiều người tưởng rằng khi du học, bạn phải nói tiếng Anh 100%. Đây là quan điểm không thực sự chính xác, nhất là khi bạn học tại các thành phố có nhiều người Việt.

    Ở thành phố Worcester, bang Massachusetts (Mỹ) - nơi tôi đang theo học thạc sĩ, người Việt rất đông nên không khó để tìm được một siêu thị, nhà hàng do người Việt làm chủ. Với tâm lý nương vào nhau mà sống, nhiều du học sinh sang nước ngoài vẫn chọn thuê nhà của người Việt, thường xuyên đi các siêu thị Việt Nam và chủ yếu kết bạn, giao lưu với du học sinh Việt. Điều này chỉ tốt khi bạn có thể cân bằng thời gian sử dụng tiếng Việt - tiếng Anh hợp lý hoặc tự tin về vốn tiếng Anh của mình.

    Tôi đã trải qua những ngày nói tiếng Việt 100% dù ở nước ngoài: Ở nhà nói chuyện với chủ, lên trường, thư viện chỉ gặp sinh viên, đều là người Việt. Những giao tiếp khác khi đi siêu thị, sử dụng phương tiện công cộng rất hạn chế.

    Nhiều du học sinh tập trung học hay làm thêm, không có thời gian để tham gia câu lạc bộ, hoạt động ở trường, các cuộc thi, những cơ hội tốt để bạn trò chuyện nhiều và đưa ngôn ngữ vào các tình huống cuộc sống cụ thể. Nếu bạn không chủ động tìm cơ hội để trò chuyện nhiều hơn với người bản xứ, khả năng cao việc du học không giúp bạn bước ra khỏi vùng an toàn mà chỉ mở rộng vùng an toàn của mình, ít nhất trong khía cạnh ngôn ngữ.

    Rụt rè, không dám phát biểu trong lớp học

    Trong các lớp cử nhân hay thạc sĩ, dễ nhận thấy sinh viên châu Á thường là nhóm ngại chia sẻ phát biểu hơn. Lớp thạc sĩ của tôi có 20 sinh viên nhưng chỉ ba người châu Á, còn lại là người Mỹ và châu Âu. Tôi quan sát thấy nhóm sinh viên Mỹ thường tích cực nêu ra quan điểm, chia sẻ và phản biện trong giờ giảng. Lớp của tôi có thể không đại diện cho sinh viên châu Á và sinh viên Việt Nam nói riêng tại Mỹ, nhưng đây là vấn đề thường được nhắc tới trong cách học của học sinh châu Á.

    Có nhiều lý do để du học sinh ngại chia sẻ: rào cản ngôn ngữ; không hiểu ngữ cảnh giảng viên đang nói; giảng viên không để ý đến nhịp độ, nói quá nhanh hoặc sử dụng nhiều từ khó; hoặc đơn giản là ngại phát biểu sai.

    Lớp học là môi trường lý tưởng để bạn trau dồi khả năng nói tiếng Anh. Khi bị đặt trong các tình huống học thuật, bạn phải làm hai việc cùng lúc: tư duy và phản hồi kịp thời. Sinh viên Việt Nam thường tự tin với đọc và viết nên không gặp khó khi làm bài luận. Ngược lại, thuyết trình, tranh biện, phát biểu... sẽ trở thành nỗi sợ nếu bạn không tương tác trong lớp nhiều hơn.

    Giảng viên đại học của tôi chia sẻ để có thể tự tin nói trong lớp học, bạn cần ba điều: đọc bài trước và nắm chắc kiến thức; sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, nói chậm và từ tốn, không nhất thiết phải bắt chước tốc độ nói hay ngôn ngữ phức tạp như sinh viên bản địa; gạch dàn bài ngắn gọn cho những điều mình định nói. Một khi đã nói đúng và đủ ý, bạn sẽ tự tin hơn để làm chủ phần phát biểu.

    Nghĩ rằng du học là tiếng Anh đã đủ tốt

    Không ít du học sinh cho rằng du học và hiểu những điều giảng viên nói đồng nghĩa với việc tiếng Anh đủ tốt. Những ngày đầu mới sang Mỹ, tôi rất ngượng ngùng khi vài người bạn sửa phát âm của mình ở những từ đơn giản nhất như "girl" (con gái), "woods" (cánh rừng)... Đây đều là những từ quen thuộc nhưng phát âm đúng không hề dễ.

    Không phải cứ thả người học trong một môi trường tiếng Anh thì khả năng ngoại ngữ sẽ tăng lên. Nếu bạn không thực sự chú tâm vào việc thay đổi và cải thiện bản thân, khả năng cao sau vài năm du học, bạn vẫn gặp phải những lỗi tương tự như khi mới sang nước ngoài.

    Theo VnExpress

  • Tài năng là một con đường dài được đánh giá thông qua những giá trị họ tạo ra sau này, chứ không phải là 4, 5 năm học tập và sinh sống ở nước ngoài. 

    Hôm trước, tôi hỏi một cậu bạn: “Nếu trả lương cao để mày về quê làm thì mày có về không?”. Nó trả lời dứt khoát trong vòng chưa đầy một giây: “Không, kể cả làm ở Hà Nội chỉ đủ sống, tao cũng phải bám trụ chứ không về quê".

    Tôi thắc mắc hỏi nó tại sao, vì làm ở Hà Nội hay ở quê cuối cùng cũng chỉ để kiếm tiền, trong khi lương ở quê cao hơn, lại được gần gia đình. Nó trả lời: “Làm ở Hà Nội mới có cơ hội phát triển. Về quê để ngu người à?”. 

    Chủ đề du học sinh "nên về nước lập nghiệp hay không" nhận được nhiều sự quan tâm. Nhiều người chỉ trích họ không trở về trong khi đất nước đang cần người tài, rồi quy chụp họ không có "lòng yêu nước".

    Tôi cực ghét những người mang luận điệu "lòng yêu nước" ra để kết án người khác một cách đầy phiến diện. Nó giống như kiểu lấy cái chết ra để đe dọa đồng ý yêu vậy. Có được thể xác nhưng mãi mãi sẽ chẳng thể có được tâm trí họ ở bên. 

    Tôi không coi những người đi du học là tài năng, họ chỉ giống như tôi mà thôi. Cơ hội để học hỏi từ bên ngoài, có thể tích cực mà cũng có thể tiêu cực, quan trọng là họ biết chắt lọc để tiếp thu thế nào nhằm phát triển bản thân mà thôi. Còn tài năng là một con đường dài, được đánh giá qua những giá trị họ tạo ra sau này chứ không phải chỉ đánh giá qua 4, 5 năm học tập và sinh sống ở nước ngoài. 

    Việc đóng góp, phát triển đất nước bắt nguồn từ chính những việc đổi thay của mỗi cá nhân, chứ không thể chỉ phụ thuộc từ những người tài năng và giỏi. Bản thân mỗi người tốt lên vậy là đủ rồi. Mỗi cá nhân trong xã hội tốt lên, ắt cả xã hội sẽ đi lên. 

    du hoc sinh khong phai nguoi tai nang
    Các du học sinh có ý định ở lại nước ngoài hãy cứ làm ở lại, kiếm thật nhiều tiền vào.

    Những du học sinh đều có quyền được mưu cầu phát triển bản thân, mong mỏi những điều tốt đẹp đến với mình. Con người là vậy, luôn mong muốn tiến tới những môi trường tốt nhất để mỗi ngày hoàn thiện mình. Vậy cớ sao việc họ ở lại một nơi có môi trường tốt hơn lại là việc đáng lên án?

    Dĩ nhiên, họ đi bằng chính tiềm lực tài chính gia đình thì họ sẽ chẳng bị ràng buộc bởi trách nhiệm phải trở về sau khi tốt nghiệp. Và tôi tin rằng ai cũng đều mong muốn được đóng góp, dựng xây đất nước.

    Tôi từng đọc được một bài báo đề cập đến nguồn lực tài chính từ hơn 4,5 triệu USD mà Việt kiều gửi về đất nước còn lớn hơn cả nguồn vốn ODA. Những năm gần đây, số tiền đổ về gần 15 tỷ USD, chiếm gần 10% GDP. Đó là họ mới chỉ gửi một khoản tiền nhỏ mà thôi, nếu về Việt Nam, có lẽ con số gần 15 tỷ USD  mỗi năm sẽ chẳng bao giờ có được để đóng góp.

    Thế nên, các du học sinh có ý định ở lại nước ngoài hãy cứ ở lại làm, kiếm thật nhiều tiền vào. Biết đâu ngày nào đó Việt kiều còn đóng góp GDP hơn cả của đất nước. Ấy chẳng phải đáng mừng sao?

    Về làm gì khi miếng cơm còn tranh nhau thì của đóng góp lấy đâu ra?

    Nguyễn Viết Thủy (Theo VnExpress)

  • Chính phủ Anh vừa quyết định áp dụng trở lại chính sách cho phép sinh viên nước ngoài ở lại Vương quốc Anh trong hai năm sau khi tốt nghiệp.

    Theo các quy tắc được quyết định bởi bà Theresa May khi còn là Bộ trưởng Nội vụ, sinh viên quốc tế hiện chỉ được phép ở lại Anh trong tối đa bốn tháng sau khi hoàn thành việc học.

    Chiến lược mới vừa được Thủ tướng công bố có mục đích thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập tại Anh.

    Từ năm 2021, sinh viên quốc tế đăng ký các khóa học đại học, sau đại học hoặc tiến sĩ ở Anh sẽ có thể ở lại trong hai năm sau khi tốt nghiệp.

    Theo luật của Liên minh châu Âu (EU), học phí cho sinh viên Anh và EU được giới hạn ở mức 9.250 bảng mỗi năm, nhưng không có giới hạn cho mức học phí của sinh viên quốc tế.

    Tiếp nhận sinh viên quốc tế đã trở thành một nguồn thu quan trọng cho các trường đại học, trong đó nhiều trường đã đầu tư số tiền lớn để quảng bá tuyển sinh ở nước ngoài cũng như trả tiền cho các đại lý để họ thúc đẩy việc kinh doanh tại các quốc gia mục tiêu.

    Lãnh đạo các trường đại học đều hoan nghênh động thái này. Ông Alistair Jarvis, giám đốc điều hành tổ chức Universities UK, nói: “Từ lâu, việc thiếu cơ hội làm việc sau học tập ở Anh đã khiến chúng tôi gặp bất lợi trong việc thu hút sinh viên.

    “Chúng tôi rất hoan nghênh sự thay đổi chính sách này, điều này sẽ đưa chúng tôi trở lại nơi chúng tôi thuộc về, là điểm đến giáo dục hàng đầu.”

    Nhưng ông Alp Mehmet, chủ tịch của Migration Watch UK, cảnh báo rằng hành động này là một bước đi không khôn ngoan và thụt lùi.

    Ông nói rằng nó sẽ có khả năng dẫn đến việc các sinh viên nước ngoài tốt nghiệp ở lại để làm các công việc chân tay, như đã xảy ra trước đó.

    Ông bày tỏ: “Các trường đại học của chúng ta vốn đã thu hút được một số lượng kỷ lục sinh viên nước ngoài, vì thế chẳng có lý do gì phải giảm giá trị visa của chúng ta bằng cách biến nó thành một lối đi cửa sau cho mục đích ở lại làm việc.”

    Thông báo của ông Boris Johnson đi ngược hoàn toàn những cải cách được giới thiệu bởi Bộ Nội vụ vào năm 2012, khi bà May loại bỏ visa làm việc sau tốt nghiệp.

    Hiện tại có 460.000 du học sinh cấp bậc đại học ở Anh, tạo ra 20 tỷ bảng mỗi năm thông qua xuất khẩu giáo dục - bao gồm thu nhập từ sinh viên quốc tế, đào tạo tiếng Anh và các giải pháp công nghệ giáo dục được bán ra trên toàn thế giới.

    Một báo cáo được công bố đầu năm nay cho thấy các du học sinh học tại trường đại học ở Anh tiếp tục kiếm được thu nhập nhiều hơn tới 50% so với các bạn cùng lớp người Anh.

    Theo nghiên cứu của Viện Chính sách Giáo dục Đại học, các sinh viên Anh tốt nghiệp ngành toán kiếm được trung bình 33.100 bảng sau 5 năm kể từ khi họ hoàn thành việc học, trong khi các du học sinh quốc tịch ngoài EU cũng tốt nghiệp ở Anh lại kiếm được 48.600 bảng.

    Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế kiếm được trung bình 37.900 bảng sau năm năm nếu họ là người Anh, so với 45.700 bảng nếu họ đến từ nước ngoài. Trong cả hai môn học, sinh viên từ các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) kiếm được nhiều tiền hơn các bạn cùng lớp người Anh nhưng ít hơn so với những người ở ngoài EU.

    Ông Gavin Williamson, Bộ trưởng Giáo dục, cho biết: “Những đóng góp quan trọng của sinh viên quốc tế đối với đất nước chúng ta và các trường đại học nằm ở cả lĩnh vực văn hóa và kinh tế.

    “Các trường đại học của chúng ta đều mong muốn trở thành những cơ sở toàn cầu. Giới thiệu lộ trình sau đại học sẽ giúp đảm bảo ngành giáo dục đại học danh tiếng của chúng ta tiếp tục thu hút được những tài năng tốt nhất từ ​​khắp nơi trên thế giới đến nước Anh.”

    VietHome (Theo Telegraph)

     

  • Nguyễn Huỳnh Diệu Linh được biết đến nhờ ngoại hình xinh xắn, gu thời trang hiện đại và cá tính. 10X sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, hiện là du học sinh tại Anh.

    Với lứa 8X, 9X, có lẽ bạn phải học cách thôi giật mình và thừa nhận rằng bây giờ cuộc chơi đã là của 10X. Đó là những gương mặt biết cách để được chú ý trên mạng xã hội, sở hữu ngoại hình và phong cách không hề thua kém đàn anh, đàn chị, thậm chí tự tin và hiện đại hơn.

    Chưa hết, 10X cũng tô những nét vẽ mới của mình vào quan điểm học hành, thời trang, phong cách sống hay văn hoá, khiến bức tranh trở nên đa chiều và thú vị. 

    Nguyễn Huỳnh Diệu Linh là một trong số những cô nàng 10X được chú ý trên mạng xã hội nhờ gương mặt xinh xắn, gu thời trang phóng khoáng, hiện đại và cuộc sống sang chảnh. Năm 2017, những hình ảnh của Diệu Linh từng được các fanpage đăng tải và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dân mạng.

    Cô bạn sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, hiện là du học sinh Anh Quốc. Sở hữu khá nhiều lợi thế để có thể trở thành hot girl, nổi tiếng và đi theo con đường nghệ thuật, nhưng Diệu Linh đang dành thời gian để tập trung học tập, phát triển bản thân. Cô bạn có hơn 16 nghìn người theo dõi trên trang cá nhân. 

    Mong muốn trở thành BTV Thời sự

    Diệu Linh chính thức xa nhà khi mới 16 tuổi, độ tuổi với nhiều người là còn khá trẻ để có thể sống tự lập. Nhưng với Linh, không khi nào là quá sớm để học hỏi, trải nghiệm và tích lũy vốn sống. Tự đưa ra quyết định du học, cô bạn may mắn khi được bố mẹ ủng hộ.

    Diệu Linh theo học chuyên ngành về tài chính và kinh doanh tại trường Mander Portman Woodward London College (một trong những trường nổi tiếng và uy tín nhất tại Anh cho học sinh phổ thông). Cô bạn mới hoàn thành A-level, một chương trình học dựa trên hệ thống giáo dục của Anh. Bên cạnh những môn học chính tại trường, 10X còn học thêm nhiếp ảnh để thỏa mãn đam mê. 

    Xuất thân là nữ sinh chuyên ngành tiếng Pháp, Diệu Linh đã theo đuổi ngôn ngữ này 12 năm trước khi quyết định đi du học tại Anh. Vì vậy, giao tiếp với người bản ngữ thời gian đầu khiến "Linh cảm thấy thực sự choáng váng". Những lúc như thế, việc duy nhất có thể làm là cố gắng. Cố gắng lên thư viện nhiều hơn, tập nghe và nói tiếng Anh tại nhà.

    "3 tháng đầu mình không dám gọi điện về nhà mà chỉ nói chuyện với bố mẹ qua tin nhắn vì sợ sẽ khóc" - Diệu Linh bày tỏ cảm giác sợ hãi khi lần đầu phải xa gia đình. Cô bạn đã khóc rất nhiều bởi rào cản ngôn ngữ và sự cô đơn khi học tập nơi xa xứ.

    Linh không dám tâm sự với gia đình, một phần vì sợ phụ huynh lo lắng, phần nhiều hơn là cô không muốn những suy nghĩ tiêu cực của bản thân ảnh hưởng tới mọi người.

    "Bố mẹ kỳ vọng vào mình rất nhiều, mình không thể đáp lại sự kỳ vọng đó bằng những câu nói than phiền hay kể khổ vì mình là người chọn con đường này mà" - nữ sinh bày tỏ.

    Khi được hỏi về khác biệt lớn nhất từ khi là du học sinh, câu trả lời của Diệu Linh khiến cô trưởng thành hơn nhiều trong mắt mọi người. 10X khẳng định: "Điều thay đổi lớn nhất trong con người mình là suy nghĩ và hành động. Mình chín chắn, trưởng thành hơn. Đặc biệt là thương bố mẹ nhiều hơn". 

    Tâm sự về ước mơ trong tương lai, Diệu Linh bày tỏ: "Mong muốn lớn nhất của mình là trở thành BTV của Đài truyền hình Việt Nam. Cụ thể là vị trí BTV Thời sự". Linh sẽ về nước trong năm nay khi hoàn tất việc học, sau đó tiếp tục học về chuyên ngành Truyền thông tại ĐH RMIT TP.HCM.

    Sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, nhưng Diệu Linh luôn yêu thích nhịp sống hối hả, náo nhiệt của Sài Gòn. Chính vì thế, cô nàng lựa chọn nơi đây là điểm đến để tiếp tục phát triển con đường học tập cũng như tích lũy kinh nghiệm sống cho tương lai.

    Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ Diệu Linh là người hướng ngoại bởi trông cô bạn rất phóng khoáng. Chia sẻ với Zing.vn về những ấp ủ của bản thân, khá bất ngờ khi 10X luôn mang trong mình dự định về một chương trình từ thiện. Ngoài việc học trên trường, thời gian rảnh Linh thường tìm hiểu về văn hóa, con người Việt Nam với mong muốn phát triển các dự án cộng đồng.

    'Trẻ thường đi đôi với dại'

    So với bạn bè đồng trang lứa, Diệu Linh có gu thời trang trưởng thành hơn khá nhiều. Cô nàng sở hữu chiều cao 1,70 m cùng đôi chân dài, thon gọn. Trong hầu hết trang phục, Linh rất biết cách khoe khéo những điểm nổi bật của cơ thể như đôi chân dài, vòng eo thon quyến rũ.

    Tuy vậy, nhìn ảnh của Diệu Linh, không ít người cho rằng cô bạn đang già trước tuổi. Chia sẻ về vấn đề này, nữ sinh 10X cho hay: "Đối với mình, mặc đẹp là tôn trọng bản thân và tôn trọng người đối diện". Hơn thế, cô nàng có quan điểm khá rõ ràng về thời trang và bày tỏ sẽ theo đuổi phong cách "thanh lịch, kín đáo nhưng lại quyến rũ ngầm".

    Diệu Linh chia sẻ bản thân là người yêu thời trang và thường dùng trang phục để thể hiện tính cách cũng như tâm trạng của bản thân. 10X không quá quan tâm đến những ý kiến xung quanh, điều quan trọng khi lựa chọn trang phục của cô nàng là tính ứng dụng và sự thoải mái.

    Trên trang cá nhân, cô bạn thường đăng tải những hình ảnh về cuộc sống của du học sinh, về thời trang và đồ hiệu. Có thể nói, cuộc sống hiện tại của Diệu Linh là mơ ước của không ít cô gái.

    Tuy còn khá trẻ, Linh cũng đam mê đồ hiệu và rất may mắn khi có mẹ ủng hộ. Vì chưa tự chủ được kinh tế nên hầu hết món đồ đắt tiền tại thời điểm hiện tại của cô bạn đều do mẹ hoặc người thân tặng.

    Diệu Linh tiết lộ cô đã có bạn trai. Cả hai cùng là du học sinh tại Anh và đã bên nhau được nửa năm. Tuy nhiên, với quan điểm chuyện tình cảm là vấn đề tế nhị, nữ sinh hiện chưa muốn công khai quá nhiều.

    10X không ngần ngại bày tỏ suy nghĩ của bản thân về vấn đề tình tứ nơi công cộng của một bộ phận giới trẻ thời gian qua. Dưới góc nhìn của du học sinh, Diệu Linh cho rằng: "Đúng sai đã quá rõ ràng. Các bạn trẻ nên nhìn nhận lại vấn đề một cách đúng đắn".

    Bên cạnh đó, cô nàng bày tỏ: "Trẻ thường đi đôi với dại. Mình hy vọng mọi người có cái nhìn thoáng hơn và cho họ có cơ hội sửa sai". 

    Diệu Linh bày tỏ sẽ theo đuổi phong cách "thanh lịch, kín đáo nhưng lại quyến rũ ngầm".

    Viethome (theo Zing)