• Mức bồi thường bảo hiểm đối với trường hợp du khách tử vong trong đánh bom ở Ai Cập là 2,4 tỉ đồng/người.

    Chiều 3-1, Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist đã có thông tin chính thức về chính sách bảo hiểm cho các nạn nhân tử vong trong vụ khủng bố tại Ai Cập. Lữ hành Saigontourist là công ty tổ chức tour cho đoàn khách Việt sang Ai Cập và bị trúng bom khủng bố.

    Chiếc xe chở du khách Việt bị đánh bom ở Ai Cập.

    Theo đó, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, đối tác cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho lữ hành Saigontourist đã chính thức gửi thông báo về mức bảo hiểm đối với các du khách.

    Cụ thể, đối với trường hợp tử vong: khoản tiền trả 1 lần là 2,4 tỉ đồng/người; dịch vụ hồi hương thi hài, chi trả toàn bộ chi phí phát sinh; 1 vé khứ hồi tối đa 120 triệu đồng/người/lượt.

    Đối với trường hợp bị thương điều trị tại Ai cập và Việt Nam. Chi phí y tế theo chi phí y tế thực tế phát sinh tối đa 2,4 tỉ đồng/người. Chi phí y tế cho nạn nhân tiếp tục điều trị tại Việt Nam do hậu quả của vụ tai nạn này trong vòng 30 ngày bao gồm trong giới hạn chi phí y tế là 2,4 tỉ đồng/người. Trợ cấp nằm viện: 1,2 triệu đồng/ngày, tối đa 24 triệu đồng/vụ. Dịch vụ thăm thân: Trường hợp nằm viện 5 ngày, cung cấp 1 vé khứ hồi cho người thân sang chăm sóc.

    Nhóm du khách đầu tiên (ngồi) về nước tối 1-1 sau vụ đánh bom ở Ai Cập. Ảnh: Linh Anh

    Trước đó, ngay sau khi nhận tin về đoàn khách Việt Nam bị khủng bố tại Ai Cập, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã nhanh chóng phối hợp với Saigontourist cùng các bên liên quan tại Ai Cập để tiến hành công tác thẩm định vụ việc.

    Về việc đưa những người tử vong về nước: Lữ hành Saigontourist cho biết đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt và các bên liên quan để hoàn tất thủ tục đưa ba nạn nhân tử vong về Việt Nam.

    Chuyến bay sẽ rời Ai Cập vào trưa 4-1 và dự kiến sẽ hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 1 giờ 5 ngày 6-1.

    Ngay sau đó, công ty sẽ tiến hành các thủ tục để đưa người tử vong về với gia đình tại TP HCM, Nha Trang và Bình Thuận; hỗ trợ chi phí tổ chức tang lễ cho các nạn nhân. 

    Trước đó, tối 1-1, nhóm du khách đầu tiên trong đoàn khách đi tour ở Ai Cập gặp nạn đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Vụ đánh bom xảy ra lúc 18 giờ 15 phút giờ địa phương (23 giờ 15 phút giờ Việt Nam) ngày 28-12-2018. Xe buýt chở du khách Việt Nam đã trúng bom cài trên đường El-Maryoutiya, quận Haram, Cairo. Trên xe có 18 người, gồm 15 du khách Việt Nam và 3 công dân Ai Cập. Vụ tấn công khiến 3 người Việt Nam và 1 hướng dẫn viên du lịch người Ai Cập thiệt mạng, 9 du khách Việt bị thương.

    Viethome (theo Người Lao Động)

  • Vụ đánh bom xảy ra lúc 18h15 (giờ địa phương) ngày 28/12 trên phố El Maryoutiya thuộc quận Haram, tỉnh Giza, Ai Cập khiến đoàn du lịch Việt Nam tới thăm kim tự tháp Giza hứng chịu sự tàn phá của vụ nổ. Sự việc để lại nỗi ám ảnh lớn với người thân các nạn nhân, đặc biệt qua những cuộc gọi điện thoại ngắt quãng.

    Theo Zing, chị Quỳnh cùng chồng là anh Minh bắt đầu chuyến du lịch tới Ai Cập từ ngày 22/12. Theo lịch trình, ngày 28/12, anh chị kết thúc chuyến đi nhưng tai nạn đột ngột xảy đến khiến việc quay về Việt Nam không còn như kế hoạch.

    Một vụ nổ bom nhắm vào xe chở du khách Việt Nam xảy ra vào ngày cuối cuộc hành trình, chị Quỳnh bị thương nặng, bất tỉnh, được đưa vào viện cấp cứu, anh Minh bị thương nặng cánh tay phải.

    Đại sứ Trần Thành Công thăm nạn nhân bị thương trong vụ đánh bom. Ảnh: VOV.

    Cuộc gọi lúc 1h ngày 29/12 khiến anh Vũ (47 tuổi, trú tại Vũng Tàu) tỉnh giấc. Phía bên kia đầu dây, tiếng người nói ồn ào, tiếng còi xe cấp cứu vang vọng.

    Sóng điện thoại chập chờn, phải mất vài phút anh Vũ mới nhận ra giọng nói nghẹn ngào của anh rể. Tin dữ ập đến, hai vợ chồng người chị gái Nguyễn Thị Quỳnh (56 tuổi, chị gái anh Vũ) đều có mặt trên chuyến xe gặp nạn tại Ai Cập.

    Sau khoảng thời gian lấy lại bình tĩnh, anh Vũ liên tục tìm kiếm thông tin về vụ nổ từ các trang báo trong, ngoài nước. Số người tử vong từ 2 người, sau đó được nâng lên 3 càng khiến anh thêm bất an.

    Anh cố gắng tìm mọi cách liên lạc với đại sứ quán Ai Cập tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, các kênh trợ giúp người Việt tại nước ngoài. Vì ngoài giờ làm việc của cả 2 nước, mọi nỗ lực của anh đều vô vọng. Giữa đêm tĩnh mịch, cách nơi xảy ra vụ nổ 5 múi giờ, anh chỉ biết cầu mong cho những người thân của mình sẽ bình an.

    Khoảng 7h sáng, chuông điện thoại của anh Vũ vang lên. Cuộc gọi liên tục bị ngắt quãng bởi tín hiệu không ổn định. Tin dữ từ anh rể đã dập tắt mọi hy vọng. Chị gái anh đã không qua khỏi. Chuyến du lịch định mệnh của 2 người chỉ còn anh Minh có thể trở về.

    “Người nhà và các con của anh chị đã biết tin. Anh Minh nói sẽ làm đám tang cho chị bên đó”, anh Vũ nghẹn ngào.

    Anh Thể, một người họ hàng sẽ đi cùng anh Vũ trong chuyến đi.

    22h ngày 29/12, chuyến bay đưa anh Vũ cùng người nhà các nạn nhân sang một đất nước lạ để gặp lại người thân. Cách đây ít ngày, anh đã vui vẻ chào tạm biệt, tiễn chị gái đi. Hôm nay, anh đi để đón chị mình về.

    Báo Thanh Niên đưa tin, chia sẻ về nỗi đau trước việc em trai Nguyễn Trọng Tiến, hướng dẫn viên của Công ty du lịch Saigontourist bị tai nạn đánh bom ở Ai Cập, chị Nguyễn Thị Châu Thy buồn rầu nhưng vẫn rất tỉnh táo kể về câu chuyện về em trai mình.

    Chị Châu Thy đang kể chuyện cho PV Thanh Niên nghe về người em trai của mình

    Theo chị Châu Thy, do mẹ chị bị huyết áp cao, nên gia đình vẫn giấu, chỉ nói là Tiến bị thương nhẹ. “Chờ đến khi nào đưa em về đến sân bay thì gia đình mới báo cho mẹ biết” - chị gái của Tiến nói.

    Chị Châu Thy kể rằng, cách đây đúng 10 ngày Tiến về thăm mẹ và cho tiền cho mẹ. Không ngờ đây cũng là dịp cậu ấy về thăm gia đình lần cuối cùng. Tiến có kể về thăm mẹ xong sẽ vào Sài Gòn để đi Ai cập với một đoàn khách tour khoảng hơn 20 người.

    “Sau chuyến đi Ai Cập trở về sẽ là chuyến đi Mỹ với đoàn khách khác. Hai chị em tiễn nhau ở ga xe lửa Phan Thiết mới 10 ngày nay.

    Nó đưa khách đi hầu hết tất cả các nước Trung Đông và Mỹ. Thậm chí như Iran, Iraq em ấy cũng đi hai ba lần rồi. Hôm trước ngày xảy ra sự cố, nó còn gọi video cho tôi giới thiệu cho chị xem đây là sông Nile để chị biết sông Nile nó thế nào. Trước đó một ngày, nó cũng gọi cho mẹ tôi khi chờ khách tham quan ở Kim Tự Tháp và giới thiệu cho mẹ biết về điểm tham quan này ở Ai Cập” - chị Châu Thy ngậm ngùi kể.

    Chị Châu Thy kể: “Em ấy từng dẫn mẹ đi Singapore năm kia, năm ngoái dẫn mẹ đi chơi Thái Lan. Năm nay cậu ấy hứa hè về lại đưa mẹ đi chơi Campuchia, nhưng không ngờ…”- chị Châu Thy rớm nước mắt nói.

    Trong gia đình chỉ có Tiến là người theo đạo Thiên chúa giáo. Do vậy gia đình đang liên hệ với Linh mục ở Bà Rịa- Vũng Tàu để nhờ Linh mục ở Bình Thuận giúp đỡ tổ chức tang lễ cho em theo phong tục người Công giáo.

    Theo chị Châu Thy, hiện nay chồng chị đã vào TP.Hồ Chí Minh để cùng với Công ty Saigontourist bay sang Ai Cập, dự kiến chuyến bay sẽ cất cánh lúc 21h đêm 30/12. Cho nên gia đình bây giờ rất rối, không biết phải làm gì. Tất cả trông chờ vào người nhà bay sang bên Ai Cập để có thông tin cụ thể.

    Theo báo Dân Trí, một nhóm gia đình các nạn nhân trong vụ đánh bom xe chở du khách Việt tại tỉnh Giza đã đến thủ đô Cairo, Ai Cập vào sáng nay, 30/12, báo chí địa phương đưa tin.

    Theo Egypt News, 5 thân nhân của các nạn nhân đã đến sân bay quốc tế Cairo trên một chuyến bay của hãng hàng không Turkish Airlines mang số hiệu 690 từ thành phố Istanbul và được Phó đại sứ Việt Nam ra đón.

    Các đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Du lịch Ai Cập cũng đón các thân nhân để trợ giúp họ làm các thủ tục sân bay.

    Trước đó, TTXVN cho biết Bộ trưởng Du lịch Ai Cập Rania Al-Mashat khẳng định bộ này sẽ phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập để tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình của những khách du lịch bị thương trong vụ nổ bom ở tỉnh Giza đến nước này.

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Trần Thành Công xác nhận 8 trong số 12 người Việt Nam bị thương trong vụ đánh bom ở Cairo đã hoàn toàn bình phục và có thể trở về nhà.

    Thông tin trên được Đại sứ Trần Thành Công tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với TTXVN. Vụ tấn công xảy ra lúc 18h15 ngày 28/12 (giờ địa phương) nhằm vào một chiếc xe buýt chở 15 khách du lịch Việt Nam sau chuyến đi đến một kim tự tháp và đang trên đường đến sân bay để trở về nước.

    Ba du khách Việt Nam đã thiệt mạng trong khi 12 người khác bị thương. Trong số 12 người bị thương, 10 người vẫn đang được điều trị tại bệnh viện. Đại sứ Trần Thành Công cho biết đại sứ quán đã nhận thêm hai người nữa để chăm sóc thêm.

    Đại sứ Việt Nam thăm du khách Việt Nam bị thương tại bệnh viện ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: AP

    Các nhân viên đại sứ quán cũng đã đến địa điểm xảy ra vụ đánh bom vào ngày hôm đó và thăm các nạn nhân tại bệnh viện. 

    Đại sứ cho biết ông cũng đã làm việc với Bộ Ngoại giao Ai Cập để yêu cầu giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất để các nạn nhân Việt Nam sớm trở về nhà trong khi chăm sóc những người đang điều trị tại bệnh viện và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để hồi hương thi thể ba nạn nhân đã chết.

    Ông cho biết các cơ quan liên quan của Ai Cập cho biết họ đang nhanh chóng điều tra để đưa thủ phạm ra ánh sáng càng sớm càng tốt.

    Ngoài nhóm khách du lịch Việt Nam nói trên, những người khác cũng đang đến thăm Ai Cập. Ông đã cảnh báo họ tuân theo lộ trình của chuyến đi và khuyên các công ty du lịch nên cân nhắc thời điểm nhạy cảm này.

    Viethome (theo Zing)

  • Tới chiều ngày 29-12 theo giờ Việt Nam, danh tính 3 du khách người Việt Nam bị thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ở quận Haram, Cairo (Ai Cập) đã được xác định. 

    Theo phóng viên VOV thường trú tại Cairo (Ai Cập), tới 11 giờ trưa ngày 29-12 (giờ địa phương, tức 16 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam), sau khi rà soát thông tin tại bệnh viện, danh tính 3 người Việt Nam bị thiệt mạng trong vụ đánh bom khủng bố ở quận Haram, Giza, Ai Cập chiều tối ngày 28-12 đã được xác định. Đó là các nạn nhân:

    1- Ông Trần Hóa Khánh, sinh năm 1961, nơi sinh Thanh Hóa.

    2- Bà Nguyễn Thúy Quỳnh sinh năm 1962, nơi sinh Hà Nội.

    3- Ông Nguyễn Trọng Tiến, sinh năm 1989, nơi sinh Bình Thuận và là hướng dẫn viên du lịch người Việt của đoàn.

    Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập,Trần Thành Công, thăm hỏi các nạn nhân - Ảnh: VOV

    12 người còn lại bị thương, trong đó có 3 người bị thương nặng nhưng không nguy kịch và đã được các bác sĩ điều trị kịp thời. Hiện nay, những người này đều tỉnh táo và minh mẫn. Những người còn lại cũng đang được chăm sóc tận tình tại bệnh viện Sheikh Zayed. Dù tâm lý hơi hoang mang và lo lắng nhưng tới thời điểm này họ đã cơ bản ổn định.

    Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Trần Thành Công cho biết sức khỏe những nạn nhân đang được điều trị tại bệnh viện về cơ bản đã ổn định, 2 trường hợp nặng nhất là bị gãy chân.

    Đại sứ đã làm việc với các cơ quan chức năng, Bộ Ngoại giao, Bộ Du lịch và Bộ Y tế Ai Cập để sớm đưa những trường hợp đủ sức khỏe về nước trong thời gian sớm nhất, còn những người nặng hơn sẽ được tích cực điều trị và sẽ được về nước sau khi khá hơn.

    Đối với những trường hợp mà thân nhân họ muốn sang Ai Cập, đại diện Đại sứ quán Việt Nam đã làm việc với các cơ quan chức năng Ai Cập để cấp visa ngay và đáp ứng tối đa yêu cầu của họ.

    Đại sứ Việt Nam cho biết hiện giờ còn các tour du lịch của Việt Nam ở Ai Cập. "Trong thời gian trước mắt vẫn có thể xảy ra những vụ việc như vậy, nên người Việt nên cân nhắc kỹ các tour đến Ai Cập, vì thời điểm này không thuận lợi. Tôi khuyến cáo các tour du lịch cần tuân thủ lịch trình đã được các cơ quan an ninh sở tại giám sát chặt chẽ, việc thay đổi lịch trình có thể dẫn đến nguy hiểm nhất định"- ông Công nói.

    Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, vào lúc 18 giờ 15 ngày 28-12-2018 (23 giờ 15 giờ Việt Nam), Đoàn xe chở 15 khách du lịch Việt Nam của Saigontourist đã trúng bom cài ven đường trên phố Mariyutiya ở quận Al-Haram, gần khu vực Kim tự tháp Giza (thủ đô Cairo, Ai Cập), làm 3 người Việt Nam tử vong, 12 người bị thương, trong đó 10 người bị thương nặng hiện đang điều trị tại bệnh viện và 2 người bị thương nhẹ đã được đưa về trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập chăm sóc.

    Ngay sau khi nhận được tin về vụ đánh bom khủng bố khiến nhiều du khách Việt Nam thương vong, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất tới các gia đình các nạn nhân của vụ đánh bom nêu trên.

    Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao triển khai ngay các biện pháp cần thiết để bảo hộ công dân Việt Nam tại Ai Cập, hỗ trợ chăm sóc các nạn nhân, đề nghị các cơ quan chức năng của Ai Cập tạo điều kiện thuận lợi nhất để các gia đình nạn nhân sang Ai Cập làm các thủ tục liên quan.

    Việt Nam vô cùng phẫn nộ và cực lực lên án hành động khủng bố làm chết và bị thương nhiều người Việt Nam vô tội và yêu cầu phía Ai Cập sớm mở cuộc điều tra, truy tìm và trừng trị thích đáng những kẻ gây ra vụ tấn công khủng bố này. 

    Việt Nam kêu gọi chính phủ cùng nhân dân các nước đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố một cách không khoan nhượng để xây dựng cuộc sống hòa bình và đi lại an toàn tự do cho người dân lương thiện trên toàn thế giới.

    Việt Nam đánh giá cao nỗ lực hợp tác của Chính phủ và nhân dân Ai Cập trong việc hỗ trợ điều trị và bảo hộ các công dân Việt Nam bị tấn công trong vụ việc này.

    Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, các cơ quan liên quan của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã tích cực triển khai các hoạt động bảo hộ công dân, thăm hỏi, động viên những người bị nạn, làm việc với cơ quan chức năng sở tại và Đại sứ quán Ai Cập tại Việt Nam yêu cầu phối hợp, hỗ trợ cứu chữa người bị nạn, tạo mọi điều kiện, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu trợ giúp của gia đình các nạn nhân Việt Nam, cấp thị thực khẩn cấp cho thân nhân của các khách du lịch bị thiệt mạng và bị thương sang Ai Cập để giải quyết quyền lợi cho các nạn nhân.

    Chiều 29-12, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ và các lãnh đạo Saigontourist đã lên đường sang Ai Cập để phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam , Chính phủ Ai Cập nhanh chóng đưa đoàn du khách Việt về nước.

    Viethome (theo Người Lao Động)

  • Lực lượng an ninh Ai Cập đã tiêu diệt 40 phần tử được coi là "khủng bố" trong các cuộc truy quét tại Giza và Sinai, một ngày sau vụ đánh bom xe chở đoàn du khách Việt Nam.

    Theo Reuters, cảnh sát Ai Cập đã mở các chiến dịch truy quét nhắm vào vị trí ẩn náu của các nhóm vũ trang bị coi là "khủng bố" vào sáng sớm ngày 29/12.

    Tại Giza, cảnh sát Ai Cập đã tiêu diệt 30 phần tử khi tấn công vào nơi trú ẩn của nhóm phiến quân . Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết đây là nơi "các phần tử khủng bố" lên kế hoạch một loạt vụ tấn công nhắm vào các cơ quan chính phủ và ngành công nghiệp du lịch.

    Tuy nhiên, nhà chức trách Ai Cập không cho biết các phần tử bị tiêu diệt tại Giza có quan hệ trực tiếp tới vụ đánh bom làm 4 người chết hôm 28/12 hay không.

    Cảnh sát đặc nhiệm Ai Cập. Ảnh: Egypt Today.

    Trong khi đó, cảnh sát Ai Cập cũng mở cuộc tấn công vào lực lượng phiến quân tại Bắc Sinai và tiêu diệt 10 tay súng được cho là thuộc lực lượng chân rết của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). 

    Bộ Nội vụ Ai Cập hiện chưa công bố bất kỳ thông tin nào về danh tính của những kẻ bị tiêu diệt, cũng như con số thương vong của lực lượng an ninh. Thông báo của bộ Nội vụ Ai Cập cho biết lực lượng an ninh nước này cũng đã triển khai một cuộc truy quét thứ 3, nhưng không đưa ra thông tin cụ thể.

    Hôm 28/12, một vụ đánh bom xảy ra trên phố El Maryoutiya thuộc quận Haram, tỉnh Giza, cách kim tự tháp lừng danh Giza khoảng 4 km khi chiếc xe chở đoàn du lịch Việt Nam tới thăm kim tự tháp Giza đi ngang qua. Quả bom được giấu phía sau một bức tường đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, trong đó có 3 du khách Việt Nam, và 12 người bị thương.

    Reuters dẫn lời một nữ du khách 41 tuổi tên Lan Le cho biết đoàn du khách Việt Nam đang trên đường tới một buổi trình diễn âm nhạc và ánh sáng tại kim tự tháp Giza.

    Chiếc xe chở đoàn du khách Việt Nam bị phá hủy nghiêm trọng sau vụ đánh bom. Ảnh: Reuters

    Hiện chưa có lực lượng nào đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ tấn công. Trong quá khứ, các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan từng tấn công vào các đoàn du lịch. Một số chuyên gia quân sự nhận định cuộc tấn công có thể do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS hoặc nhóm vũ trang Hồi giáo Hasm thực hiện.

    Vụ đánh bom hôm 28/12 là vụ tấn công đầu tiên nhắm vào du khách tại Ai Cập sau vụ đâm dao tại Hurghada khiến 2 người thiệt mạng tháng 7/2017. Trước đó, 3 du khách châu Âu cũng bị sát hại khi đang trú chân tại một khách sạn 4 sao cũng ở Hurghada hồi đầu năm 2016.

  • Nhận xét về vụ đánh bom hôm 28/12 tại Ai Cập, chuyên gia quân sự Oded Berkowitz từ tập đoàn dịch vụ an ninh Max Security Solution nhận định thiết bị được sử dụng có thể là một loại thiết bị nổ tự chế (IED) dạng mìn định hướng. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đang tranh cãi về lực lượng đứng sau vụ tấn công này, trong các khả năng có tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hoặc phong trào Hồi giáo Hasm.

    Nghi vấn "mìn định hướng mảnh văng" được sử dụng

    "Hư hại gây ra (từ vụ nổ) cho thấy rõ một thiết bị nổ tự chế dạng mìn định hướng phân mảnh được sử dụng", ông Berkowitz viết trên Twitter cá nhân không lâu sau vụ tấn công.

    Mìn định hướng phân mảnh là loại thiết bị chứa nhiều vật thể kim loại nhỏ bên trong, thường là bi thép hoặc đinh sắt. Vùng sát thương chính của loại vũ khí này là vòng cung 60 độ phía trước thiết bị nổ.

    Thân xe có nhiều vết lõm nhỏ, trong khi cửa kính vỡ vụn hoàn toàn sau vụ đánh bom. Ảnh: Euronews.

    Khi phát nổ, những mảnh văng kim loại sẽ phát tán ra xung quanh với tốc độ rất lớn, thường trên 4.000 km/h. Các mảnh văng bắn ra từ mìn định hướng có thể gây tử vong cho sinh vật sống trong phạm vi bán kính 50m. Ở khoảng cách xa tới 250m, người chịu tác động vẫn có thể bị thương tật.

    Hình ảnh về chiếc xe bus chở đoàn du khách Việt Nam cho thấy trên thân xe có nhiều vết lõm nhỏ, trong khi cửa kính vỡ vụn hoàn toàn. Đây là dấu hiệu cho thấy mìn định hướng mảnh văng có thể đã được sử dụng.

    Giả thiết về tổ chức gây ra vụ tấn công

    Tới thời điểm hiện tại, chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công hôm 28/12. Chuyên gia Berkowitz nhận định đứng sau vụ tấn công có thể là phong trào Hồi giáo Hasm, tổ chức khét tiếng từng gây ra nhiều vụ tấn công khủng bố vài năm qua tại Ai Cập.

    "Nhóm vũ trang duy nhất thường xuyên sử dụng các loại thiết bị nổ như vậy trong các vụ tấn công tại Ai Cập thời gian qua là Hasm", ông Berkowitz nhận xét sau khi quan sát thiệt hại mà chiếc xe bus phải chịu sau vụ nổ bom.

    Phong trào Hasm là một nhóm phiến quân Hồi giáo xuất hiện từ năm 2015, hoạt động chủ yếu tại Ai Cập. Cả Anh và Mỹ đều liệt Hasm vào danh sách các tổ chức khủng bố.

    Kho vũ khí chứa mìn định hướng mảnh văng của Hasm bị thu giữ. Ảnh: Twitter.

    Năm 2017, Hasm từng tiến hành một vụ tấn công cũng sử dụng mìn định hướng chứa mảnh văng nhắm vào một đồn cảnh sát ở thủ đô Cairo. Vụ tấn công mà Hasm gọi là đòn trả đũa sau vụ cảnh sát trấn áp người biểu tình đã khiến 1 cảnh sát thiệt mạng và 4 người bị thương.

    Tuy nhiên, chuyên gia từ Max Security Solution cũng cho hay Hasm và các tổ chức phụ thuộc luôn tránh thực hiện các vụ tấn công có thể gây thương vong cho dân thường.

    Ông Berkowitz đánh giá nếu vụ tấn công liên quan tới Hasm, có khả năng tổ chức này đã đánh bom nhầm mục tiêu. Ông cũng đặt ra giả thuyết Hasm thay đổi đường lối hoạt động nhưng cho rằng khả năng này khó có thể xảy ra.

    IS đứng sau vụ tấn công?

    Một tổ chức khác bị nghi đứng sau vụ tấn công là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ông Berkowitz cho biết IS từng sử dụng thiết bị nổ tự chế dạng mìn định hướng trong các vụ tấn công ở Cairo giai đoạn 2015-2016. Tổ chức này cũng từng đánh bom một xe bus chở khách du lịch của Israel.

    Từ năm 2016, IS dường như đã thay đổi chiến thuật các vụ tấn công, chuyển sang xả súng và đánh bom cảm tử, chủ yếu nhắm vào cộng đồng người theo đạo Cơ Đốc ở Ai Cập. Mục tiêu của IS là nhằm kích động hận thù sắc tộc và tôn giáo, làm suy yếu mối quan hệ giữa các cộng đồng dân cư, từ đó gây bất ổn cho Ai Cập.

    Tuy nhiên, chiến lược này của IS đã thất bại hoàn toàn. Dù nhiều cuộc tấn công đã sát hại những nhân vật có máu mặt, gây thương vong lớn cho các cộng đồng dân cư và gây bất bình trong dư luận vì chính phủ không thể duy trì an ninh, IS đã không thể kích động bạo loạn trong đa số dân chúng.

    Một nhóm vũ trang chân rết của IS tại Ai Cập. Ảnh: Al Arabic.

    Chuyên gia an ninh của Max Security Solution đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy có vẻ như IS đang quay trở lại với chiến lược cũ, khủng bố tinh thần người du lịch nhằm gây thiệt hại cho nền kinh tế và hủy hoại hình ảnh quốc tế của Ai Cập, mục đích cuối cùng là gây ra tình trạng bất ổn.

    "Xét về quan điểm lợi ích và tư tưởng, tôi cho rằng đặc điểm của vụ đánh bom xe chở du khách này nhiều khả năng do IS thực hiện hơn", ông Berkowitz kết luận.

    Hiện tại, nhà chức trách Ai Cập đang đẩy nhanh tiến độ điều tra các chi tiết liên quan tới vụ tấn công khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có 3 công dân Việt Nam. 

    Tổng chưởng lý Nabil Ahmed Sadiq đã giao cơ quan Công tố an ninh nhà nước tối cao và văn phòng Công tố Nam Giza điều động lực lượng tới hiện trường vụ tấn công và tiến hành các biện pháp khám nghiệm cần thiết, lấy lời khai của nhân chứng và những người bị thương.

    Ông Sadiq cũng yêu cầu khẩn trương khám nghiệm tử thi, lập báo cáo về nguyên nhân tử vong và các mẫu vật thu được tại hiện trường để xác định những vật liệu nào được sử dụng trong vụ nổ.

    Viethome (theo Zing)