• Hai giảng viên kiện ĐH Oxford vì đã tuyển họ làm nhân viên hợp đồng, khiến họ không có một số quyền cơ bản tại nơi làm việc, theo Guardian.

    Hai giảng viên Alice Jolly và Rebecca Abrams được ĐH Oxford tuyển dụng theo hợp đồng cá nhân có thời hạn trong vòng 15 năm. Tuy nhiên, đến năm 2022, hợp đồng đã không được gia hạn.

    "Chúng tôi kiện ĐH Oxford thay mặt cho hàng trăm giảng viên như chúng tôi, những người được tuyển dụng theo những hợp đồng đáng ngờ về pháp lý. ĐH Oxford thật tệ khi đang "Uber hóa" giáo dục đại học, với gần 70% nhân viên trường đang làm việc với các hợp đồng bấp bênh. Điều này không tốt với giáo viên và học sinh", cô Abrams nói.

    Cô Jolly cho hay ĐH Oxford thường sử dụng CV của các giảng viên hợp đồng để làm truyền thông cho các khóa học của họ. Tuy nhiên, đối với các giảng viên, họ không đảm bảo lượng công việc và đôi khi trả ít nhất 25 bảng/giờ.

    dh oxford ko tra luong
    70% nhân viên của ĐH Oxford được cho biết đang làm việc với hợp đồng bấp bênh. Ảnh: unsplash

    Theo công ty luật Leigh Day, đơn vị đại diện pháp lý cho 2 giảng viên, ĐH Oxford từng cho hay sẽ đưa ra những hợp đồng phù hợp hơn cho các giảng viên hồi tháng 4/2022, nhưng 2 tháng sau, hợp đồng của Jolly và Abrams không được gia hạn. Hai người tin rằng 4 năm vận động công đoàn của họ có thể đã góp phần vào quyết định này, khiến họ tuyên bố bị sa thải một cách bất công.

    Họ cho biết ĐH Oxford đã không trả lương đầy đủ cho họ vào các ngày lễ như trong hợp đồng quy định.

    "Đây là nền kinh tế biểu diễn. Ở đây hoàn toàn chỉ có sự bấp bênh, cán cân quyền lực giữa người sử dụng lao động và người lao động chênh lệch rất lớn", ông Ryan Bradshaw - luật sư đại diện của 2 giảng viên - cho hay.

    Theo ông, những học giả có học thức cao và được kính trọng lại buộc phải chấp nhận các điều khoản hợp đồng ảnh hưởng quyền lợi của họ.

    "Người làm chủ sẽ tìm cách bóc lột công nhân hết mức có thể. Điều bất ngờ là nó xảy ra trong môi trường giáo dục, tại ĐH Oxford", ông Bradshaw nói.

    Đơn khiếu nại đã được đệ trình lên tòa án việc làm Watford hôm 16/11. Theo dự kiến, trường sẽ phản hồi lại vào tháng 1 và giải quyết sự việc vào mùa hè.

    Ông Bradshaw cho rằng nếu vụ kiện này thành công có thể tạo động lực cho hàng nghìn giảng viên có hoàn cảnh tương tự nộp đơn khiếu nại. Theo ông, họ cũng có thể giải quyết tranh chấp qua công đoàn từ sớm để giảm chi phí.

    Trong những năm gần đây, các giảng viên đã đình công hàng loạt vì hợp đồng không đảm bảo, mức lương và điều kiện làm việc thấp. Theo ông Bradshaw, việc này là do các trường đại học tăng "tài chính và thị trường hóa", khiến các trường tập trung vào lợi nhuận.

    Về trường hợp của hai giảng viên Alice Jolly và Rebecca Abrams, ĐH Oxford từ chối bình luận do vụ việc đang được giải quyết.

    Theo Zing

  • dieu tra khoan tai tro cua vietjet air voi truong oxford 1
    Linacre College được thành lập vào năm 1962 và được đặt theo tên của học giả thế kỷ 16 - Thomas Linacre.

    Chính phủ Anh đang điều tra một khoản tài trợ trị giá 155 triệu bảng Anh cho một trường trực thuộc Đại học Oxford từ một công ty Việt Nam, BBC đưa tin.

    Các mối quan ngại đã được nêu ra tại Hạ viện Anh đối với biên bản ghi nhớ (MoU) của Linacre College với Tập đoàn SOVICO. Bản ghi nhớ này nói tới kế hoạch đổi tên Linacre College thành Thao College sau khoản tiền đầu tiên trị giá 50 triệu bảng Anh được chi trả.

    Linacre College ký bản ghi nhớ MoU với Tập đoàn SOVICO vào ngày 31/10/2021. Việc đổi tên - cần được Hội đồng Cơ mật (Privy Council) thông qua - là để vinh danh bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn SOVICO, Tổng giám đốc VietJet Air và là Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank.

    Người phát ngôn của Linacre College cho biết họ đã thực hiện các bước để đảm bảo các khoản tài trợ sẽ "phù hợp với hướng dẫn và luật pháp của chính phủ Anh".

    Người này cho biết thêm rằng kế hoạch hành động của họ đã được cơ quan chủ quản và ủy ban của trường phê duyệt để rà soát các khoản tài trợ và cấp tiền để nghiên cứu, và cả hai khoản này đều tuân theo một quy trình độc lập, mạnh mẽ.

    dieu tra khoan tai tro cua vietjet air voi truong oxford 1
    Giáo Sư Nick Brown, đại diện Linacre College và bà Nguyễn Thị Phương Thảo trao biên bản ghi nhớ nhân sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Scotland tháng 11/2021.

    Chính phủ Anh nói gì?

    Quốc vụ khanh phụ trách mảng đại học Vương quốc Anh, bà Michelle Donelan nói với các dân biểu rằng bà đang "tích cực điều tra" vấn đề này và sẽ cung cấp thông tin cập nhật trong vòng vài ngày nữa. Bà Donelan trả lời sau khi dân biểu Julian Lewis nêu lên quan ngại về khoản tài trợ này trong phiên thảo luận tại Quốc hội.

    Ông Lewis hỏi bà Donelan rằng liệu bà có chia sẻ mối quan ngại của ông "về món quà được đề xuất trị giá 155 triệu bảng Anh từ nữ tỷ phú, chủ tịch của một công ty Việt Nam cho Linacre College … với điều kiện tên trường được đổi thành tên của nữ chủ tịch công ty mà cực kỳ thân cận với nhà cầm quyền Việt Nam".

    Ông Lewis chỉ ra rằng Hội đồng Cơ mật là nơi sẽ quyết định chấp thuận việc đổi tên và hỏi rằng liệu Chính phủ Anh có quan điểm gì về việc này hay không. Bà Donelan cho biết bà chỉ mới được "cảnh báo" về khoản tài trợ này.

    Dân biểu Lewis, hiện là chủ tịch Ủy ban Tình báo và An ninh nhưng nói thêm với tư cách cá nhân với Telegraph rằng: "Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các cường quốc ở phương Đông đã thành công hơn rất nhiều trong việc khuynh đảo các xã hội phương Tây bằng cách sử dụng những khoản tiền khổng lồ để luồn sâu vào vị thế kiểm soát."

    Dự luật 'chống ảnh hưởng'

    Chính phủ Anh vào hôm thứ Hai 12/06 đã đưa ra đề xuất sửa đổi mới cho Dự luật Tự do Ngôn luận nhằm hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài đối với các trường học ở Anh. Theo đó các trường đại học sẽ bị trừng phạt nếu họ cho phép các tổ chức nước ngoài tác động đến những gì được nói trong trường.

    Các trường sẽ phải trình báo mối quan hệ tài chính của họ với các cá nhân hoặc tổ chức từ nước ngoài, bằng không sẽ bị phạt theo các đề xuất sửa đổi để đảm bảo rằng quyền tự do ngôn luận đối chọi với các chế độ độc tài được bảo vệ.

    Bộ trưởng Giáo dục Anh Quốc Nadhim Zahawi vào tuần này nói rằng ông không muốn các trường đại học cảm thấy "bị áp lực" phải thỏa hiệp về quyền tự do học thuật vì sự tài trợ từ các quốc gia như Trung Quốc.

    Linacre College

    Trước đó, Linacre College cho biết khoản tài trợ 155 triệu bảng sẽ giúp xây dựng một trung tâm đào tạo mới và cấp học bổng sau đại học. Trường đào tạo sau đại học Linacre được thành lập vào năm 1962 và được đặt theo tên của học giả thế kỷ 16 - Thomas Linacre.

    Đại học Oxford thực chất là một liên minh các viện nghiên cứu (institutes) và 39 colleges, còn gọi là học viện, hoặc trường. Các college tồn tại độc lập, có quyền tự chủ tài chính, quản lý, trong hệ thống mang tính liên minh bình đẳng (federal structure) của mô hình 'collegiate university'.

    Trong hàng trăm đại học Anh, truyền thống 'collegiate university' (đại học lớn gồm các học viện chuyên ngành), hiện chỉ còn được duy trì ở Oxford, Cambridge, Durham...và phần nào còn được áp dụng tại Đại học London (Confederation) và một số nơi khác ở Anh.

    Oxford University là đại học cổ nhất trong thế giới nói tiếng Anh, và thuộc nhóm các đại học cổ nhất châu Âu, chỉ sau Sorbonne ở Pháp. Đại học Oxford nhận sinh viên nước ngoài đầu tiên từ năm 1190.

    Về việc đổi tên trường sau tài trợ

    Tại Anh, trường Manchester College, cũng thuộc Đại học Oxford, đã đổi thành Harris Manchester College năm 1996 sau khi nhận tài trợ của doanh nhân Baron Harris.

    Trường New Hall của Đại học Cambridge đổi tên thành Murray Edwards College năm 2008 để vinh danh nhà tài trợ Ros và Steve Edwards, cùng nữ hiệu trưởng đầu tiên của Cambridge, bà Dame Rosemary Murray.

    Theo BBC

  • Đại học Oxford đã từ chối khoản tài trợ 2.6 triệu bảng Anh từ một doanh nhân người Anh gốc Nga sau khi người này phải hứng chịu trừng phạt từ chính phủ Anh.

    Vào cuối tháng Sáu, các bộ trưởng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tỉ phú doanh nhân gốc Nga Said Gutseriev vì hành vi "thu lợi ích, hỗ trợ chính phủ Nga" trong vai trò giám đốc của SFI, một tập đoàn của Nga mà chính phủ Anh cho biết có liên quan đến "lĩnh vực dịch vụ tài chính của Nga, một lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược ”.

    Được biết, từ những năm 2019, ông Gutseriev đã quyên góp cho trường đại học này nhằm thiết lập một quỹ học bổng về khảo cổ học và nhân chủng học. Tên quỹ học bổng là Chingiz Gutseriev – được đặt theo tên người anh quá cố của ông.

    dai hoc oxford tu choi nhan tai tro
    Được biết, khối tài sản của tỉ phú Gutseriev đã bị đóng băng theo các lệnh trừng phạt mới nhất do chính phủ Vương quốc Anh áp đặt. Ảnh: Bloomberg/Getty Images.

    Đại học danh tiếng nhất nhì Vương quốc Anh Oxford cho biết họ sẽ "kiểm tra xem có cần thực hiện thêm bất kỳ hành động nào nữa hay không" đối với khoản quyên góp đề cập trên.

    Trong khi đó, các nhà vận động chống tham nhũng cho rằng các biện pháp trừng phạt mới nhất này sẽ khiến quỹ học bổng của trường Oxford rơi vào bế tắc.

    James Bolton-Jones, cố vấn vận động chính sách tại nhóm vận động Spotlight về tham nhũng, cho biết: “Giữ tiền quyên góp từ một cá nhân nằm trong danh sách trừng phạt của Vương quốc Anh, hơn nữa còn có liên kết chặt chẽ với Điện Kremlin là không thể chấp nhận được, đặc biệt là trong thời điểm hiện tại”.

    “Đại học Oxford nên xem xét kỹ lưỡng việc trả lại số tiền hoặc tốt hơn hết là quyên góp khoản tiền này cho một tổ chức từ thiện hỗ trợ tái thiết Ukraine”, ông chia sẻ.

    Bên cạnh đó, ông Steve Goodrich, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và điều tra tại tổ chức chống tham nhũng Transparency International lại cho rằng: “Việc kêu gọi các nhà tài trợ lớn, mục đích chính là gây quỹ, tạo nguồn tiền chính cho giáo dục đại học, nhưng không phải là không có rủi ro". 

    Ông Steve Goodrich nhận định rằng: "Ngay cả khi họ là cựu sinh viên, việc chấp nhận tài trợ từ những người bị trừng phạt hoặc điều tra không phải là một bức tranh đẹp. Với tần suất xảy ra điều này, các trường đại học ở Vương quốc Anh nên thận trọng hơn về việc họ nhận tài trợ từ ai”.

    Hơn hết, các biện pháp trừng phạt mới nhất đã hạn chế khối tài sản của vị tỉ phú người Nga Gutseriev, ngăn cản ông mua hoặc bán danh mục tài sản ở London trị giá ít nhất 160 triệu bảng Anh, theo tiết lộ của Guardian và các đối tác báo cáo vào tháng trước.

    Người phát ngôn của Đại học Oxford cho biết: “Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đang gây ra một thảm họa nhân đạo ở châu Âu”. Chúng tôi ủng hộ và sẽ tuân thủ tất cả các biện pháp trừng phạt được đưa ra trong cuộc khủng hoảng hiện nay".

    Công Luận (theo Guardian)