• Ở Vương quốc Anh, bạn có thể uống nước từ vòi mà không cần đun sôi. Nước này được công nhận là an toàn. Tuy nhiên, chính quyền Anh có một lời khuyên mà rất ít người để ý, và sai sót này có thể khiến họ bị bệnh. 

    Nước rất quan trọng, NHS khuyên bạn uống từ 6-8 ly nước mỗi ngày để cơ thể hoạt động hợp lý. May mắn thay, nước vòi ở UK được đánh giá là an toàn nên bạn không cần phải tốn tiền mua nước đóng chai. Thế nhưng, từ nấu nướng đến uống nước, hóa ra người Việt ở Anh mắc phải một sai lầm lớn khi sử dụng nước vòi. 

    Sai lầm đó là: uống, nấu ăn hoặc đánh răng bằng nước nóng chảy từ vòi. Theo Cơ quan Thanh tra Nguồn nước (Drinking Water Inspectorate - DWI), nước nóng từ vòi có nguy cơ lớn đã bị nhiễm kim loại, chẳng hạn đồng hoặc chì. Những kim loại này sẽ gây bệnh ngay lập tức hoặc ảnh hưởng ngấm ngầm đến sức khỏe.

    uong nuoc tu voi
    Không nên uống nước nóng từ vòi.

    DWI nói: "Hãy nhớ rằng bạn chỉ nên dùng nước lạnh từ vòi trong bếp để nấu ăn hoặc uống. Không nên dùng nước nóng từ vòi để uống vì nước nóng có thể chứa hàm lượng cao kim loại, chẳng hạn đồng, chì. Những kim loại này khiến nước có vị chát".

    "Bạn cũng không nên uống nước vòi trong phòng tắm vì nước này có thể xuất phát từ những bể chứa nước không dùng cho mục đích uống. Tốt nhất bạn chỉ nên uống nước từ các vòi kết nối với nguồn nước chính dùng cho ăn uống, nấu nướng và đánh răng".

    Nếu tiếp xúc với nguồn nước chứa chì, bạn có thể phải đối mặt với một số vấn đề sức khỏe như: tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em, gây bệnh thận và tim mạch ở người lớn. 

    Ở Vương quốc Anh, việc sử dụng kim loại nặng để làm đường ống nước đã bị cấm từ những năm 1970. Nhưng theo DWI, nguồn nước ở một số ngôi nhà vẫn còn dấu hiệu nhiễm kim loại. Đó là lý do các gia đình phải lưu ý vấn đề này.

    Theo DWI, nếu ngôi nhà của bạn được xây dựng trước năm 1970, thì có thể đường ống trong nhà được làm bằng chì. Còn nếu nhà được xây dựng sau năm 1970, thì đường ống hầu hết đều không làm bằng chì. Để biết rõ vật liệu làm đường ống, bạn có thể kiểm tra phần van chặn (phần khóa đường ống - internal stop tap), đó là nơi đầu tiên nước bắt đầu được dẫn vào nhà.

    khoa van 1

    khoa van 1
    Khóa van

    DWI giải thích: "Khóa van này có thể nằm phía dưới bồn rửa bát hoặc gần toilet ở tầng trệt. Những đường ống bằng chì có màu xám xỉn (không sơn), gần đầu vòi có phần u lên. Chì là kim loại mềm, nếu bạn dùng một đồng xu để cạo nhẹ, bạn sẽ thấy một lớp kim loại lấp lánh màu bạc xuất hiện trên đồng xu".

    Nếu nghi ngờ ngôi nhà của bạn có đường ống bằng chì, bạn có thể yêu cầu công ty cấp nước kiểm tra nguồn nước trong vòi nhà bếp.

    khoa van 3
    Phần u lên gần đầu vòi làm bằng chì.

    Viethome (theo Mirror)

  • Bài viết của bạn Linh Nguyen trên nhóm UEVF FORUM, mời bạn đọc cùng tham khảo:

    Sau nhiều năm ở Pháp, mình thấy có 1 vài kinh nhiệm muốn chia sẻ với mọi người, tất nhiên là không áp dụng với tất cả nhưng hy vọng sẽ hữu ích với những người cần. Nếu bạn mới sang Pháp, và quyết định muốn ở lại hoặc là muốn định cư vài năm đi làm sau lại về VN, thì có mấy thứ cần để ý:

    cuoc song o phap

    - Nên xin số thuế riêng của bạn, dù bạn có là sinh viên, không có thu nhập thì cũng nên có số thuế và khai thuế hàng năm (kể cả là thu nhập = 0). Điều này sẽ cho thấy sự nghiêm túc của bạn với chính phủ Pháp. Chính phủ Pháp không đòi đâu, nhưng thật ra là biết hết đấy, nếu bạn chấp hành đúng ngay từ đầu, về sau các bước gì bạn làm cũng dễ hơn rất nhiều. Đặc biệt sau khi đi làm, bạn muốn mua nhà trả góp, nhà Bank sẽ đòi từ 2 đến 3 năm cuối nộp thuế của bạn.

    - Khi còn là sinh viên thì nên học lái xe ô tô từ VN, vì sau đó trong năm đầu tiên bạn đổi titre (giấy phép cư trú) từ sinh viên sang đi làm, hay sinh viên sang titre gia đình hay từ titre đi làm sang titre gia đình,... thì bạn có quyền xin prefecture (sở giao thông) đổi bằng lái VN sang bằng lái Pháp, rất có lợi đúng không.

    Hồi mình mình học lái xe cách đây 10 năm ở VN hết 10 triệu, €800 vé máy bay, về thăm gia đình, trong khi thi bằng lái bên này ít nhất tốn €2000 mà chưa chắc được ngay lần đầu. Nếu sau khi đổi bằng, bạn không tự tin thì có thể tìm thầy giáo trên mạng, giá €20-27/h thay vì auto ecole €52/h.

    Cá nhân mình thấy nên học thêm 10 giờ ở Pháp cho quen môi trường đối với người mới lái, mới có bằng. Theo lý thuyết nếu bạn mới sang Pháp với bằng lái và titre sinh viên, bạn có quyền xin đổi titre năm đầu tiên, nhưng mình chưa quen ai làm vậy nên không khẳng định. 

    - Khi bạn là sinh viên, nếu có điều kiện, bạn nên xin visa đi du lịch Anh, Mỹ, vì thực sự xin visa bên này dễ kinh khủng. Bạn có tiền trong Bank, có trường bảo đảm về học tiếp lấy bằng, bạn sẽ xin được visa. Phí visa Mỹ tẹt ga hết €200, bạn không cần đặt vé, visa 1 năm. Với nước Mỹ, bạn có visa 1 lần đồng nghĩa với việc sau đó 99% bạn xin lại là được ngay, đồng thời có visa Mỹ, bạn được miễn phí visa Hàn Quốc và 1 số nước khác.

    Nếu bạn muốn về VN thì càng nên xin, vì bạn nên biết tỉ lệ đỗ visa Mỹ tại VN ko phải quá lớn (tất nhiên mình không nói những bạn có điều kiện bê tông, xin visa ở đâu cũng dễ). Visa Anh còn dễ hơn visa Mỹ, cũng rẻ hơn, tầm €120 nếu mình nhớ ko nhầm.

    - Về vấn đề giấy tờ bên này, sau nhiều năm kinh nhiệm xương máu, mình đã hiểu ra muốn được việc của mình thì phải mặt dày mày dạn, luôn luôn gọi điện thúc giục giấy tờ từ trường học tới cơ quan nhà nước, nhà bank.... Càng làm phiền chúng nó, chúng nó càng làm nhanh, tất nhiên là phải xin xỏ nhỏ nhẹ, nói liên tục, chứ đùng chửi nhau nhé. Lần nào mình cũng svp, C’est très urgent,...vậy là xong hết, sau đó thì merci, merci bcp , vous êtes très gentil/gentille. Phải như vậy lần sau mình cần, các bạn sẽ lại thật tốt với mình.

    - Khi sang Pháp, có 1 vài giấy tờ bạn luôn phải có bản gốc, giấy tốt nghiệp trung học, (đại học), giấy khai sinh. Dù bạn đã làm dịch công chứng từ VN, nhưng bản gốc rất quan trọng, nhiều lúc bên này nó đòi giấy dịch ra trong khoảng 3 tháng đổi lại. Nếu người nhà bạn tại VN nhanh nhẹn thì không sao, nếu có việc bận thì đúng là bạn sẽ stress.

    Đấy là 1 vài điều mình thấy nếu biết trước thì sẽ tiết kiệm được thật nhiều thời gian vô ích, còn nếu bạn không có làm thì cũng không sao, vì đâu sẽ có đó.

    Nguồn: Linh Nguyen / nhóm UEVF FORUM

  • Nhìn lại quá khứ hồi mới sang Mỹ, làm cật lực 7 ngày/tuần mà chưa đủ tiền thuê bảo mẫu cho con, Tracy Trần cũng tự thấy khâm phục sự vươn lên của mình.

    Tay trắng ôm con sang Mỹ, tan giấc mộng cờ hoa

    Tracy Trần (tên Việt là Trần Thị Thanh Thủy, sinh năm 1985), đặt chân đến đất Mỹ năm 2006. Hồi đó, chị và chồng - một người Mỹ gốc Việt - đã có con chung nên việc làm giấy tờ cũng không quá phức tạp. Tracy ôm theo con trai nhỏ (sinh tại Việt Nam) để theo chồng sang xứ người. Gia đình nhỏ sống ở California, nơi chị làm nail để kiếm sống.

    di my lam nail 1
    Tracy Trần từng có quãng thời gian vất vả trên đất Mỹ.

    Tracy nhớ lại: “Hồi ở nhà mình có học nghề make-up, học nail, nhưng sang Mỹ vẫn rất vất vả. Mình tự nói với mình là chỉ được thi một lần phải đậu liền, vì từ nhà lên chỗ thi phải đi 5 - 6 tiếng, con thì không có ai trông. Thi đậu rồi thì được đi làm, nhưng lương rất thấp. Mình khi đó chưa rành tiếng Anh, chỉ cố cắm đầu làm cho xong để khách khỏi phàn nàn thôi.

    Mình cảm thấy bất lực, cô đơn ở Mỹ. Khi ở nhà, mình sống cùng gia đình, con có người chăm sóc. Sang Mỹ là một bầu trời khác, cuộc sống cực kỳ nhanh, không cho phép ai có thể lười biếng hay nghỉ ngơi, bằng mọi giá phải tìm cách thích nghi. Không biết lái xe, mình đi bộ hoặc xe bus, thấy người ta làm sao thì để ý bắt chước làm vậy.

    Nhiều khi đi một quãng dài xách đồ ở chợ về, thấy con bò ngang bò dọc, mặt mũi lấm lem như con mèo, trong khi ở nhà thì người này người kia ẵm, mình bật khóc. Đã có lúc mình nghĩ thôi về Việt Nam ở, nhưng sau cứ từ từ định hình bản thân, nghĩ cho tương lai của con, mình học cách sống được ở đất Mỹ.”.

    Tracy bảo, thời điểm đó chị gần như cô độc vì chưa kết nối được với cộng đồng người Việt tại đây. Tuần nào Tracy cũng làm việc đủ 7 ngày/tuần, nhưng tiền lương không đủ chi trả cho tiền bảo mẫu trông con (25 đô/ngày), cứ làm hôm nay phải lo ngày mai, chi tiêu chắt bóp.

    2 năm sau, Tracy sinh bé thứ hai. Thu nhập thời điểm đó cũng khá lên chút đỉnh, nhưng vẫn ở mức rất thấp, ít hơn nhiều mức thu nhập tối thiểu được đóng thuế của người Mỹ (khoảng 40.000 đô/năm). Nhưng cuộc sống chưa kịp ổn lên thì tan vỡ đã đến. Tracy và chồng chia tay.

    Bật khóc nhớ lại thời điểm làm mẹ đơn thân, Tracy không thể quên nổi đêm ấy, chồng cũ của cô ôm va li đi ra khỏi nhà, bỏ Tracy và hai đứa nhỏ. “Mình nhớ mãi thời điểm đó không có tiền thuê người dọn, đêm đi làm về là tranh thủ rinh từng cái bàn cái ghế, đồ đạc ra ngoài để trả nhà cho người ta. Từ căn nhà thuê khoảng 800 - 900 đô/tháng, mình xách hai đứa nhỏ đi thuê lại một cái phòng nhỏ xíu, kiểu như ở ké người ta, giá thuê cỡ 250 đô để ba mẹ con ở.

    Cứ sáng mình đi làm, tối về đón con là vô phòng ngủ. Người ta còn nói thẳng là không cho con nít ra ngoài, sợ ồn ào. Mình gọi về nhà, dì mới nói nếu cực quá mang hai đứa nhỏ về mẹ trông cho. Mình cứ nghĩ hoài, nếu để con xa mẹ thế, lỡ có sự cố gì sao mình bay về kịp được.

    Nhưng nghĩ lại nếu để con sống khổ cũng tội, mình gạt nước mắt để đưa con về nhà ngoại. Khi đó nghèo tới mức dì phải gửi tiền cho ba mẹ con bay về. Khi bay lại qua Mỹ, mình phờ phạc như một con điên, nước mắt rơi lã chã suốt chặng bay.”.

    Trở thành bà chủ, thu nhập cao gấp chục lần

    Tracy gọi hơn 1 năm xa cách hai con là thời điểm đen tối nhất trong cuộc đời mình. Chị luôn cầu xin con không có chuyện gì, ám ảnh tới mức tối ngủ cũng kêu tên con. Đi làm về, Tracy ôm điện thoại trò chuyện với con. Mỗi khi con hỏi sao mẹ đi lâu vậy, chị lại nước mắt giàn giụa, dỗ dành đến khi có đủ tiền sẽ đón con sang.

    Tracy chưa từng nghĩ mình sẽ bước thêm bước nữa, cho đến khi gặp chồng hiện tại. Anh cũng là một người Mỹ gốc Việt. Mới đầu anh chỉ là bạn, sau tiến đến tình yêu. Khi lấy nhau thì tay trắng không có tài sản gì, chỉ Tracy có hai đứa con.

    Họ làm tiệc nho nhỏ kỷ niệm đám cưới, rồi anh quyết định giục Tracy về đón con sang. “Anh nói thôi giờ nghèo cũng được, khổ cũng được, em về đón con đi, có gì ăn đó, anh sẽ phụ em lo cho con. Khi đó, mình bầu bé thứ ba khoảng 4 tháng. Hạnh phúc nhất là anh rất thương con mình và các con cũng rất mến anh ngay từ lần đầu gặp gỡ.”.

    Đến năm 2012, hai vợ chồng Tracy thôi làm thuê, mở tiệm của riêng mình. Cuộc sống cũng dần ổn lên. Tới năm 2017, sức khỏe giảm sút, Tracy bỏ nghề nail, chuyển dần sang kinh doanh online. Chồng chị chuyển sang nghề đấu thầu sửa nhà, mua nhà cũ và bán lại.

    Từ năm 2019, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đến nay cũng là lúc công việc buôn bán của Tracy “vào cầu”. Khi tất cả mọi người phải ở nhà, hạn chế ra đường, tiệm nail phải đóng cửa. Tracy đẩy mạnh kinh doanh nhiều mặt hàng, từ đồ ăn vặt quê 

    di my lam nail 1
    Việc kinh doanh thuận lợi đã giúp Tracy trở thành bà chủ "siêu thị online" trên đất Mỹ.

    "Nhiều khi mấy món ăn vặt vãnh ở nhà nhưng qua Mỹ là đặc sản, người Việt mình ở bên đó thèm lắm, nhớ lắm. Những món kiểu ô mai sấu, cóc ngâm, me ngâm… mỗi lần mình nhập hàng trăm ký mà hết nhanh lắm. Rồi mùa Tết, mấy món như măng khô, miến, mứt, củ kiệu… đắt hàng vô cùng. Dần dần khách này giới thiệu khách kia, mình quen người ở khắp các tiểu bang Mỹ luôn; rồi cũng bỏ mối, chỉ cho chị em người Việt mới sang cách bán buôn.

    Việc kinh doanh đồ bộ cũng là từ nhu cầu của bản thân và của mấy chị em bên đó. Ở Mỹ nhiều khi kiếm đồ bộ không ra hoặc mặc không hợp. Ban đầu mình nhập hàng may sẵn, sau thì mày mò về Việt Nam chọn vải, tìm xưởng may rồi gửi sang Mỹ bán, với tiêu chí các kiểu đẹp, điệu nhưng vẫn thoải mái. Có khách mỗi lần ra mẫu mới là lấy mười mấy bộ mặc và đem tặng luôn!”, Tracy khoe. Chị cũng tiết lộ, mỗi đợt chị đặt may chừng 3.000 bộ, bán trong khoảng 2 tuần lễ là hết. Giá mỗi bộ đồ khoảng 18 - 25 đô/bộ, cỡ 2 - 3 tô phở ở Mỹ.

    Hiện tại, thu nhập từ việc kinh doanh của Tracy khoảng hơn 300.000 đô/năm, gấp gần 8 lần mức thu nhập được khai thuế tại Mỹ (khoảng 40.000 đô/năm). So với thu nhập cỡ mười mấy ngàn đô/năm thời mới sang Mỹ, chị thấy tự hào vì những nỗ lực của mình.

    Mình nghĩ sống ở nước ngoài phải luôn chăm chỉ, phải lao động cật lực vì vòng quay cuộc sống không cho phép nghỉ ngơi, con người rượt theo thời gian chứ thời gian không đợi mình đâu. Không thể làm biếng được nếu muốn có cuộc sống ổn định. Mình nhiều con nên càng phải cố gắng hơn.

    Mẹ 5 con đang có gia đình ấm êm tại Mỹ.

    Tracy cũng tâm sự, cuộc sống hiện tại của chị khá ổn, gia đình chồng, chồng và các con rất hòa thuận. Chồng của Tracy rất yêu con, chăm sóc 5 đứa trẻ của gia đình rất cẩn thận. Lũ trẻ cũng rất tự giác làm việc nhà theo đúng lứa tuổi.

    Mình không đặt áp lực cho con phải học giỏi, không kỳ vọng trở thành bác sĩ kỹ sư, chỉ cần con cố gắng hết sức của chúng thôi. Các con mình, may mắn cũng ngoan và hiểu chuyện, không mấy khi đòi hỏi, vòi vĩnh gì ba mẹ cả. Thương lắm, nhiều khi mua cái gì mắc tiền cho con mà nó xúc động rớt nước mắt luôn đó.”.

    Theo Tổ Quốc

  • Nỗ lực vận động để Slovakia công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số thứ 14 ở nước này được bắt đầu từ đầu năm ngoái và trải qua nhiều bước đánh giá.

    Quyết định công nhận cộng đồng người gốc Việt là dân tộc thiểu số thứ 14 được chính phủ Slovakia đưa ra trong cuộc họp ngày 7/6, theo khuyến nghị của Hội đồng Chính phủ Slovakia về nhân quyền, dân tộc thiểu số và bình đẳng giới cũng như ý kiến chuyên gia.

    "Tôi cảm thấy tự hào và hãnh diện khi chính quyền và người dân Slovakia đã đánh giá cao sự hội nhập sâu rộng, đóng góp của cộng đồng người Việt đối với sự phát triển xã hội ở nước này", ông Phương Võ, chủ tịch Hội người Việt Nam ở Slovakia, nói với VnExpress.

    Hội người Việt Nam ở Slovakia đã nỗ lực vận động chính phủ nước này trong gần một năm rưỡi qua, bắt đầu bằng đơn đề nghị công nhận gửi tới Bộ Tư pháp Slovakia hồi tháng 2/2022.

    nguoi viet o slovakia
    Đại diện cộng đồng người Việt trả lời họp báo về quyết định được công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14 tại Bratislava, Slovakia hôm 7/6. Ảnh: TASR

    Sau khi nhận được đơn đề nghị, Hội đồng Chính phủ Slovakia về Nhân quyền, Dân tộc thiểu số và Bình đẳng giới đã yêu cầu Viện Dân tộc học và Nhân chủng Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Slovakia đưa ra đánh giá chuyên môn về cộng đồng người Việt ở nước này.

    Cộng đồng người Việt Nam ở Slovakia có khoảng 10.000 người, trong đó 3.000 người đã có quốc tịch, số còn lại được cấp quy chế thường trú và tạm trú. Người gốc Việt tập trung đông nhất ở tỉnh Bratislava với hơn 1.100 người và thứ hai là tỉnh Kosice với gần 600 người.

    Tháng 7/2022, Viện Hàn lâm Khoa học Slovakia trình báo cáo chuyên gia với những đánh giá "hoàn toàn tích cực", cho rằng cộng đồng người gốc Việt đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí về số lượng, đã sinh sống ở Slovakia gần 70 năm và thế hệ thứ ba đã hòa nhập hoàn toàn vào xã hội.

    Hội đồng Chính phủ về Nhân quyền, Dân tộc thiểu số và Bình đẳng giới tháng 12/2022 kiến nghị chính phủ Slovakia công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số. Trong cuộc họp hai tháng sau, các bộ ngành chính phủ Slovakia thảo luận và thống nhất, trước khi ra quyết định công nhận.

    Ông Phương Võ, người đứng đầu nhóm phụ trách vận động, cho biết rất vui mừng vì kết quả đạt được, bởi cộng đồng người Việt từ nay được hưởng quyền lợi như các dân tộc thiểu số khác ở Slovakia.

    "Một trong số đó là được nhận ngân sách từ Quỹ hỗ trợ văn hóa các dân tộc thiểu số, nhằm gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa, truyền thống, tập tục và tiếng mẹ đẻ", ông nói.

    Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Slovakia cho biết cộng đồng có thể tận dụng nguồn ngân sách này cho các hoạt động như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, lễ hội văn hóa Việt Nam hay tổ chức các lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em.

    Tuy nhiên, quyền sử dụng tiếng Việt tại công sở, cơ quan nhà nước Slovakia hiện chưa được áp dụng, bởi cộng đồng chưa đáp ứng tỷ lệ dân số tối thiểu là 15% ở từng địa phương.

    "Chúng tôi phải tăng cường hội nhập cho các cá nhân và gia đình mới định cư, giúp các cháu nhỏ biết tiếng Slovak để có thể tham gia chương trình giáo dục ở nước sở tại", ông Phương nói.

    Cộng hòa Slovakia là một quốc gia Đông Âu với dân số hơn 5 triệu người và diện tích khoảng 49.000 km2. Nước này có chung biên giới với Cộng hòa Czech, Áo, Ba Lan, Ukraine và Hungary.

    Nhiều thành viên cộng đồng người Việt ở Slovakia đã bày tỏ niềm vui với quyết định của chính phủ nước này và gửi lời chúc mừng tới kết quả mà nhóm vận động đã đạt được. "Điều này sẽ tạo dựng nền tảng vững chắc hơn cho cộng đồng người Việt Nam tại đây sống tự tin hơn", tài khoản Facebook Vui Východná Medicína, người Việt sống ở Slovakia, viết.

    Theo VnExpress

  • “Ở Việt Nam làm công, kiếm tiền đồng, bao giờ mới xây được nhà to thế? Biệt thự ở đây toàn xây bằng tiền Tây gửi về”.

    Người Việt ở nước ngoài đã gửi gần 16 tỷ USD kiều hối về Việt Nam trong năm 2018, cao gấp đôi gấp đôi thặng dư thương mại. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, kiều hối đã tăng 130% trong thập kỷ qua.

    Một người tìm cách đi Tây trước, sau đó tìm cách đón người thân, gia đình theo sau. Dân từ nhiều làng quê nghèo kéo nhau di cư ra nước ngoài lập nghiệp, có những gia đình ba, bốn đứa con cùng đi. Tiền từ nước ngoài gửi về, người ở nhà sắm xe, xây cả biệt thự.

    Có thể nói là “Một người đi Tây, cả họ được nhờ”.

    Ông Nguyễn Văn Hà, một người dân ở làng “đại gia” Đô Thành, Nghệ An tâm sự:

    Hoạt động xuất khẩu lao động ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1980 dưới hình thức hợp tác lao động với các nước Xã hội chủ nghĩa, trong tình hình kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Từ khi cơ chế thay đổi năm 1991, hoạt động này phát triển mạnh mẽ, mở rộng thị trường ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Bước sang thế kỷ XXI, có sự tăng đột biến lượng lao động Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài, nhiều nhất tại ba thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc.

    di tay
    Ảnh minh họa: Unsplash

    Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, nếu tính cả xuất khẩu lao động không chính thức, con số tổng lao động của người Việt Nam xuất cảnh (và nhập cảnh) sang các quốc gia hàng năm có thể đạt hơn 9 triệu người – tương đương với khoảng 10% dân số. Những người rời đi thường ở trong độ tuổi lao động, từ 20-40 tuổi, với phụ nữ có tỷ lệ thấp hơn nam giới một chút.

    Nhiều người cũng tìm được công việc hợp pháp, bao gồm ở châu Âu, Hoa Kỳ và gần nhà hơn ở Nhật Bản, Đài Loan và nước láng giềng Lào. Người dân từ vùng Bắc Trung bộ như Nghệ An và các tỉnh phía Bắc chiếm đa số lao động nhập cư theo hợp đồng có thời hạn.

    Các điểm đến hàng đầu là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Ả Rập Saudi. Nhìn chung, người di cư làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hưởng mức lương cao hơn so với các việc làm tương tự trong nước. Chỉ riêng tỉnh Nghệ An thu về khoảng 255 triệu USD hàng năm từ Việt kiều.

    Nhưng cũng có những lao động di cư không chính thức, họ thường làm những công việc mang lại nguồn tiền lớn hơn, nhưng cũng nhiều rủi ro hơn. Khoảng 70% các vụ buôn người Việt ở Anh trong giai đoạn 2009-2016 bị bóc lột sức lao động, bị dụ dỗ trồng cần sa trái phép và làm việc trong các tiệm làm móng, truyền thông Anh cho biết vào năm ngoái.

    Tại Nghệ An, giáp biên giới với Lào, GDP bình quân đầu người ở mức 1.636 USD, thấp hơn mức trung bình quốc gia của Việt Nam là 2.540 USD, nên họ dễ bị dụ dỗ bởi những lời mời gọi và hứa hẹn về tương lai ở nước ngoài.

    “Tôi không có đủ tiền để ra nước ngoài, nên tôi vào Sài Gòn (TP.HCM)”, anh Bùi Văn Diệp, một thợ hàn nói. Anh từng sống trong một cái lán nhỏ ở Đô Thành. Anh họ của Diệp, Bùi Chung, sống trong một biệt thự rộng lớn, xa hoa bên cạnh – có đủ chỗ còn lại để đỗ chiếc BMW của anh ấy.

    Bùi Chung rời Đô Thành sang Anh năm 2007, và khi về nước, anh xây nhà và bắt đầu kinh doanh buôn thép.

    “Tôi đã rời Việt Nam sang Pháp một cách hợp pháp, nhưng từ Pháp sang Anh thì lại đi phi pháp, thông qua chiếc xe container”, Chung nói. “Tôi đã chọn đến Anh vì mức thu nhập rất hấp dẫn và rất nhiều người từ Đô Thành đã sống ở đó”.

    Chung trồng cần sa ở Anh, và tại một tiệm làm móng do người Việt điều hành, nơi anh nói rằng anh kiếm được khoảng 500 GBP (640 USD) mỗi tuần. “Cộng đồng người Việt sống ở đó giúp đỡ những người mới tìm việc làm”, Chung nói. “Đó là lý do tại sao nhiều người ở đây sẵn sàng bán nhà bán đất của họ, để kiếm đủ tiền đi”.

    Theo thống kê từ Bộ dữ liệu Điều tra mức sống hộ gia đình (VHLSS) khoảng 7% đến 8% hộ gia đình ở Việt Nam nhận kiều hối từ nước ngoài. Trên thực tế, dòng chuyển tiền quốc tế cao hơn so với hỗ trợ phát triển từ nước ngoài, trong đó Việt Nam cũng nằm trong top 10 nước nhận hàng đầu.

    “Con số thực tế về kiều hối có thể cao hơn so với báo cáo, nếu tính cả tiền được chuyển qua các phương thức không chính thức, chẳng hạn như tiền mặt hoặc hàng tiêu dùng, thì không được tính”, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng nói với Reuters.

  • Hồi mới qua Mỹ tui nghe ai cũng doạ, sống ở Mỹ càng lâu là nợ càng nnhiều. Càng ngày càng thấy thấm thía. Hầu hết nguời ta sẽ ôm mấy cái nợ cơ bản: nợ tiêu dùng hàng ngày từ tivi tủ lạnh điện thoại, nợ bill viện phí, nợ vay ăn học , nợ mua nhà góp, nợ xe...

    Một người khoẻ mạnh như tui cả đời không tốn tiền bịnh viện, đùng cái cũng ôm cái bill viện phí dài như sớ táo quân, đọc tới đâu mù tới đó. Tuy chi phí chưa thấm thía vào đâu so với người ta, nhưng so với 1 người chưa bao giờ biết tốn tiền bịnh, thì là cũng là một cục nợ phải nhịn ăn mà trả dần . Được cái bill này không sinh lãi, thôi thì cứ phải ráng gồng cho sáng mắt chó ra.

    Bảo hiểm y tế Mỹ là bài toán chi li phức tạp. Phần ai nấy biết việc ai nấy hiểu. Người đóng ít có cái giá của đóng ít, đóng cao thì hiển nhiên sẽ đỡ về sau. Phải vô cuộc rồi mới thấm thía cái giá của công ăn việc làm. Đi làm cho mấy chủ mà không mua bảo hiểm cho nhân viên, khi đụng chuyện là sáng mắt cả họ. Thấy nhiều người than sao kiếm nhân viên khó quá à. Tiền trả 1 đồng, việc giao 1 đống, mà đau ốm tự chúng mày xoay sở, ai làm?

    bill benh vien
    Ảnh minh họa

    Nhiều người quen tui họ kể bill bệnh viện của họ cả triệu đô hoặc hơn rồi. Nhiều quá muốn đắp chiếu nằm trốn nhưng cũng phải ráng sống mà trả nợ chứ chạy đường trời. Người đi làm hãng lớn, thường được bảo hiểm tốt hơn hãng nhỏ. Đụng chuyện thì mới thấy đỡ khoản tiền viện phí này lắm. Ở Mỹ sơ sảy cái vô bệnh viện, sơ sơ là chục ngàn, hơi hơi là vài chục, vài trăm ngàn ngon ơ. Mổ xẻ, chữa các bịnh kiểu ung thư vẫn rạng ngời đẹp như tài tử phim hàn, bill vài triệu. Nhìn đẹp nhiều nợ nhiều, xấu xấu như tui, nợ ít hơn.

    Tiền học vấn cũng là cái cục trời giáng. Học trường miễn phí thì cũng chen chúc giành nhau, or thuộc dạng trường không mấy ai ham học. Học ra cái bằng rẻ có giá của rẻ, lương cũng không phải là bèo nhưng vẫn là bọt. Trường có giá trị chút thì tự vay mà học, học sơ sơ y tá thì vay cũng cỡ 100k trở lên. Nhiều người ham học quá quên không dám nhìn sổ nợ, ra trường ôm cục nợ vài trăm ngàn. Kiếm đứa nào lãnh nợ giùm cũng là một phim dài nhiều tập, vô tập nào biết tập đó không biết kết thúc là sao luôn.

    Biết là cuộc đời lạ lùng có nhiều người may mắn, siêu may mắn, số đẻ chui ra từ bọc điều lớn lên giẫm thảm đỏ. Họ sẽ thấy cuộc đời đẹp quá má ơi mọi thứ mở sẵn ra xơi.

    Tóm lại là ai mới qua Mỹ, nên kiếm hãng xưởng lớn mà làm, làm vất vả chút không chết đâu, tư bản nó tính hết rồi, muốn chết với nó cũng không dễ. Vất vả chút nhưng ít ra đỡ được cái bill bệnh viện cho mình và người thân, còn lại tính tiếp. Đi làm, là giải quyết được 95% rắc rối của đời sống. Còn lại 5% mình tưng tửng chút sống trên mây chút, muốn nổ banh nhà lồng cũng còn có đất dưới chân mà hạ cánh.

    Ủa, quay lại chuyện Việt Kiều về nước, Việt Kiều bỏ job bên này lâu quá rồi ai nuôi Việt Kiều, đau bịnh thì chui vào đâu, ai trả bill tháng, viện phí... Này hỏi thiệt, tại tui thấy tui mất job là tui chết liền đó, chó nó thương. Thấy mấy anh Việt Kiều về gái bu quá trời, thương mấy anh quá trời, thấy mắc ghiền.

    Nguồn: FB Tran Thi Thanh Loan

  • Rất nhiều Việt kiều cho rằng về VN cưới vợ giống như đánh bài 50/50 mà người đánh lúc nào cũng thua trắng tay. Cưới được vợ giàu thì qua đây thể nào ''em cũng bỏ mình theo thằng khác ngon hơn'', còn cưới vợ nghèo thì phải lo cho cả dòng họ nhà vợ.

    Đàn ông Việt kiều về VN cưới vợ 10 trường hợp thì cũng có đến 8 trường hợp ly dị. Có anh về VN chọn vợ, chọn hết cô này cô kia. Được một cô đeo dính anh như sam không rời nửa bước. Sau anh đưa ra nước ngoài ở với nhau có 2 con, rồi anh mua cả nhà cho vợ. Nhưng sau này cô đi làm, cô ra ngoài xã hội thì bắt đầu trở chứng, nói ''em đến với anh quá vội vã''. Rồi cô dắt luôn 2 đứa con theo tình mới, để lại anh một mình, bỏ luôn cái nhà cho bank kéo. Giờ anh vẫn đi thuê phòng ở như hồi chưa có vợ. 

    Cũng có anh cưới vợ lần 2, lần 3 rồi vẫn bị bỏ. Cuộc đời không như là mơ, đặc biệt nếu lúc đến với nhau không đủ thành thật.

    ve VN lay vo

    Việt Kiều già nghèo xấu cứ thích lấy vợ hoa hậu 18-20 tuổi

    Không thiếu những trường hợp Việt Kiều tóc rụng gần hết, răng thì đếm trên đầu ngón tay, chân bước 1 trong 1 ngoài quan tài rồi mà vẫn về VN cưới em 20 tuổi. Thế là tối ngày ghen tuông lo giữ vợ trẻ, càng giữ càng khó vì gái trẻ thì thích bay nhảy nên có điều kiện là bay luôn.

    Cũng có ý kiến vui cho rằng cưới được em trẻ đẹp thì cứ cưới đi, ''cũng xài được 2-3 năm chứ có bị bỏ ngay đâu mà lo. Tính rẻ mỗi ngày 4-5 triệu (đồng) với giá thị trường hiện nay thì 3 năm là bao nhiêu tiền rồi. Lời chứ không lỗ đâu. Hỏi mấy ông chuyên đi bia ôm ấy''.

    Lại nói đàn bà con gái Việt ở hải ngoại cũng đầy, sao không tìm hiểu rồi cưới mà cứ thích về VN tìm gái lạ. Chẳng phải mấy ông ở Anh, ở Mỹ bị gái chê nên mới phải về VN nổ banh trời. Các anh thích nổ thì lại gặp các em thích tiền. Nên khi bảo lãnh qua biết rõ ''bản mặt'' các anh rồi thì mấy em lại thất vọng, nên có giấy tờ rồi là dọt lẹ, tranh thủ tuổi xuân mà kiếm anh ngon hơn.

    Muốn bền thì phải yêu đương tìm hiểu kỹ càng, phải nói thật đừng nổ với các em

    Duyên nợ, gặp người ở đâu hay hoàn cảnh nào chăng nữa, phải duyên rồi thì sẽ đến với nhau. Nhiều người khi dễ phụ nữ ở VN mà họ quên rằng họ cũng từng ''ở VN”. Nếu sinh ra và lớn lên ở hải ngoại thì ít ai nghĩ đến chuyện về VN lấy vợ. Việt kiều có this, có that thì gái VN cũng vậy. 

    Nhiều người cứ đổ lỗi cho lấy vợ bên VN. Họ vẫn chưa nhận ra mình sai ở đâu mà cứ mang vợ ra đổ lỗi. Tại sao ai cũng nghĩ vợ VN là hư thân mất nết trong khi mấy anh chồng còn mất nết hơn. Khi chọn vợ thì toàn chọn cái gì không thuộc về mình. Như quá trẻ quá xinh mà biết trước không hợp với tương lai. Họ chưa hiểu cuộc sống là cả hai đi làm thì về cả hai cùng nhau làm việc nhà chứ không phải để cho cô làm hết rồi anh nằm ườn coi TV. Rồi qua đây cũng chỉ cho các cô học tiếng Anh qua loa đại khái. Các cô không thấy tương lai gì nên có bến ngon hơn là các cô tranh thủ nhảy.

    Hơn nữa gái VN lấy chồng ra nước ngoài xong cũng ngán ngẫm, cày hơn con trâu gồng gánh trong đơn độc, thiếu cảm thông từ người thân bên VN lẫn ông chồng. Mấy người có can đảm đổi chồng là may mắn và mạnh mẽ. Số phận, vợ chồng như bèo nước gặp nhau, có giữ nhau được hay không tùy cách ăn ở của mỗi người. Có thích có yêu thì cưới, yêu bản thân hơn thì khỏi cưới, ở vậy cho khỏe.

    Có nhiều ông chồng cưới vợ VN qua, lúc cô phải sinh con nuôi con, không làm ra tiền thì các anh hoạch họe, chửi bới người ta ăn bám, đối xử với người ta không ra gì. Đến lúc người ta trầy trật biết tiếng, có việc làm, có giấy tờ, đủ lông đủ cánh thì họ bỏ đi trút hận là đúng rồi. Gieo nhân nào gặt quả nấy. Vì suy cho cùng, chẳng có phụ nữ nào dại dột mà đi bỏ người chồng tốt. 

    Có những thứ trên đời càng tính càng trật lất, nên vạn sự tùy duyên, nếu đã vô duyên thì sự nào cũng không thành. Đàn ông Việt kiều muốn giữ vợ bên mình thì nên tìm người thành thật mà quen, đừng lựa hết cô này cô kia thư thay tấm áo tấm quần. Đưa được người ta sang thì lại tính toán chi li, kể công kể nợ. Dùng tiền mua vợ chỉ khổ cả hai. 

    Viethome

  • Trạm Cuối Cuộc Đời Bên Mỹ - Tác giả: Chú Chín Cal(FB Hue Nguyen chia sẻ trên group Người Việt Cali)

    Câu chuyện rất buồn, tôi không muốn đưa lên; nhưng nghĩ rằng sự thật cần biết để chuẩn bị. Đây là một bài mới tác giả viết về tâm trạng của con cái khi phải đưa cha mẹ già vào nursing home. Tác Giả tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015, được giải danh dự trong năm đầu (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” (Á khôi) năm 2017. Ông về hưu, đang định cư tại Orange County.

    ''Sống ở Mỹ khá lâu nên tôi ít nhiều cũng bị ảnh hưởng tư tưởng của người Mỹ nên không có ý định nhờ vả con cái khi tuổi về chiều. Một ngày nào đó khi thấy mình không còn khả năng để tự lo cho mình được nữa tôi sẽ vào sống trong các “Boarding care” để có người chăm sóc, nếu tệ hơn sẽ được hưởng những phúc lợi dành cho người cao niên và được bảo vệ bởi hệ thống an ninh xã hội Mỹ. Ở Mỹ có “Nursing Home” được trang bị đầy đủ phương tiện, kỹ thuật và nhân sự chuyên môn để chăm sóc những người không còn khả năng tự lo cho mình, có “Hospice Service” chăm sóc vật chất lẫn tinh thần cho các bịnh nhân không thể sống hơn sáu tháng, giúp họ ra đi trong yên bình và giúp gia đình họ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

    Nhưng tư tưởng lạc quan này đã hoàn toàn thay đổi từ khi tôi thật sự đối diện với tử thần và nếm mùi bịnh viện sau khi trải qua một cơn bạo bịnh phải nhập viện trong 10 ngày. Tuy đã được thoát chết, vết thương mổ xẻ đã lành, nhưng những đau đớn về thể xác và vết thương tâm thần mà bịnh viện để lại vẫn còn hằn sâu trong ký ức không bao giờ lành. Từ đấy tôi bắt đầu thấy sợ bịnh viện, sợ luôn cả nursing home vì đây chẳng qua chỉ là một hình thức khác của bịnh viện, bịnh viện của người già.

    trai duong lao 2
    (Ảnh minh họa)

    Từ tâm trạng sợ hãi này tôi liên tưởng đến 4 năm hãi hùng mà nhạc mẫu tôi phải trải qua trong nursing home trước khi bà mất. Từ đấy những quảng cáo đẹp về nursing home với hình ảnh những cụ già vui chơi hạnh phúc được thay thế bằng những hình ảnh đau khổ của nhạc mẫu tôi và của những cụ già ngồi xe lăn ủ rủ, nghiêng ngả, cong queo, nhễu nhão, những gương mặt mếu máo, những ánh mắt vô thần.

    Chúng tôi may mắn được sống chung với cha mẹ vợ vì bà xã tôi là con gái út. Lúc còn khỏe ông bà nhạc của tôi quán xuyến hết mọi chuyện trong nhà để vợ chồng tôi được rảnh tay lo chuyện ngoài xã hội. Hai con tôi gần gũi với ông bà ngoại nhiều hơn với cha mẹ chúng. Đi học về vừa đến cổng nhà là đã réo gọi ông bà ngoại. Tuy nuôi con nhưng thật ra tôi chưa biết thay tã hay cho con bú! Kể cả tiếng Việt chúng nói đều nhờ ông bà dạy từ ngày chúng bập bẹ tập nói.

    Nhưng cuộc sống hạnh phúc chấm dứt từ khi nhạc mẫu tôi ngã bịnh. Năm 78 tuổi, sau chuyến du lịch Việt Nam về, mẹ nằm suốt trong phòng, than mệt. Ngoài bịnh tiểu đường loại 2 mãn tính, mẹ thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiểu, đau cột sống, ho kinh niên và sau đó khám phá ra bị ung thư phổi. Từ đấy bà ra vào bịnh viện như đi chợ. Thiếu bàn tay của mẹ, gia đình tôi rối loạn lung tung, con cái đi học trể, cơm nước thất thường, nhà cửa bề bộn. Vợ chồng tôi phải tập lại từ đầu cách quán xuyến gia đình, nuôi con, thêm nuôi mẹ già trong bịnh viện. Bố cũng yếu chỉ hụ hợ chuyện lấy thơ, đổ rác, đóng cổng là đã than mệt rồi.

    Bác sĩ ung thư khuyến cáo không nên mổ xẻ hoặc trị liệu gì cho mẹ vì ung thư đã di căn đến não.. Hơn nữa tuổi mẹ đã quá cao lại bị bịnh tiểu đường nên vết mổ không lành. Hãy để cho thiên nhiên quyết định vận mệnh của mẹ. Tôi dấu nhẹm lời bác sĩ bảo rằng mẹ chỉ sống tối đa là sáu tháng. Mẹ được cho về nhà với lời khuyên “thích ăn cái gì cho bà ăn cái nấy”. Nhưng “còn nước còn tát” chúng tôi không chịu thua, chạy chữa bịnh cho mẹ bằng thuốc nam. Ai bày thuốc gì ở đâu tôi cũng tìm cho được. Khi lái xe mắt tôi cũng láo liên nhìn bên lề đường, dọc theo các hàng rào tìm cây cỏ “Dandelion” để hái lá cho mẹ ăn. Nghe nhà ai có cây nha đam chúng tôi cũng tìm đến xin hay mua cho bằng được. Bà xã tôi cầu nguyện cho mẹ hàng ngày không xao lãng.

    Như được một phép nhiệm màu, bịnh ung thư của mẹ tôi thuyên giảm dần dần và sau mấy tháng khối u trong phổi tự nhiên biến mất.. Bác sĩ gia đình rất vui bảo “đừng thắc mắc, hãy cứ tin là như vậy đi”. Nhạc mẫu tôi thì tin là mình đã hết bịnh thật, còn vợ chồng tôi thì gần như kiệt lực, mong sao phép lạ sẽ kéo dài. Bịnh ung thư không thấy trở lại, nhưng bịnh đau cột sống làm mẹ đau đớn không ăn ngủ được nên sinh ra khó tính. Mẹ lại quên trước quên sau. Mẹ không còn kiểm soát được tiêu tiểu nữa nhưng nhất định không chịu mang tã. Bố cũng già mệt mỏi, suốt ngày ngủ trong phòng. Ông bà lại không biết tiếng Mỹ, không dùng điện thoại, nên khi vợ chồng tôi đi làm lúc nào cũng phập phòng lo sợ.

    Bác sĩ gia đình đề nghị nên cho mẹ vào nursing home để dễ bề chăm sóc. Vợ chồng tôi đồng ý ngay nhưng gặp sự phản khán quyết liệt của nhạc mẫu tôi. Suốt đời mẹ không bao giờ xa gia đình nửa bước nói chi chuyện cách ly vĩnh viễn! Đối với mẹ, mất gia đình là mất tất cả. Chúng tôi nể mẹ nên không dám nói chuyện nursing home nữa, chỉ sợ làm mẹ buồn ảnh hưởng đến sức khỏe.

    Nhưng sức khỏe của mẹ càng lúc càng tệ. Sau lần cấp cứu cuối cùng vì bị ngất xỉu, bác sĩ đề nghị phải đưa thẳng mẹ vào nursing home, vì theo ông, đó là cách tốt nhất để bác sĩ có thể theo dõi bịnh tình và giữ an toàn cho mẹ.

    Ngày đầu tiên vào nursing home không ai nỡ bỏ mẹ một mình nên quấn quít bên bà cho đến tối rồi cũng phải ra về. Đó là ngày đầu tiên trong cuộc đời mẹ phải sống lẻ loi một mình bên những người xa lạ. Tôi còn nhớ rõ gương mặt thẫn thờ của mẹ nhìn theo con cháu đang bỏ bà mà đi. Tôi không dám nhìn mẹ lâu hơn vì tôi thấy mẹ khóc, một điều rất lạ đối với nhạc mẫu tôi vốn là người đàn bà can cường và cứng rắn. Bố thấy tội nghiệp đòi mỗi ngày chở bố vào nursing home để ông chăm sóc cho mẹ. Được mấy tuần rồi tôi cũng chịu thua vì chuyện đón đưa hàng ngày thật là bất tiện. Còn nếu để bố đi xe bus nếu có chuyện gì xảy ra thì ai lo cho bố đây!

    Từ ngày mẹ vào nursing home vợ chồng tôi thở phào nhẹ nhõm, không còn phải lo lắng như xưa khi bỏ mẹ ở nhà. Chúng tôi yên tâm là mẹ được theo dõi và chăm sóc 24/7. Tan sở vợ chồng tôi chở bố vào thăm mẹ, thấy mẹ sạch sẽ thơm tho, giường nệm trắng tinh, kẻ qua người lại tấp nập vui vẻ lắm. Yên tâm chúng tôi dần dần xao lãng việc thăm viếng. Cả hai cháu cũng không còn đòi đi thăm ngoại nữa, nhiều khi phải bắt chúng mới chịu đi. Chúng không thích cái mùi trong nursing home.

    Từ ngày sống trong nursing home mẹ hoàn toàn thay đổi, trở nên trầm lặng, ít nói, khác hẳn với mẹ trước đó “quậy” tưng bừng trong bịnh viện. Mẹ chịu mang tã, nằm yên trên giường, không có ý kiến chuyện chung quanh, không đòi hỏi gì, không còn than phiền đau lưng nhức gối, hay càu nhàu vì thiếu ngủ, mất ăn như lúc ở nhà. Sau này mới biết bà đã được cho dùng thuốc an thần và thuốc đau nhức nồng độ cao nên lúc nào bà cũng ở trạng thái lờ đờ lim dim ngủ. Có lúc tỉnh táo, mẹ chỉ nhìn qua khung cửa sổ với đôi mắt vô thần. Hỏi mẹ có đau đớn gì không, mẹ lắc đầu. Hỏi có thích ăn uống đồ ăn Việt Nam không mẹ lắc đầu, tuy tôi biết là mẹ rất ghét đồ ăn Mỹ nhất là khẩu phần cho bịnh nhân tiểu đường và cao máu nhạt nhẽo không sao nuốt nỗi. Mẹ chịu đưng, sống âm thầm không một lời than thở.

    Cho đến một hôm mẹ nắm tay nhà tôi, nước mắt rưng rưng mẹ van xin:

    - Mẹ muốn chết con à. Con xin người ta cho mẹ chết đi!

    Bà xã tôi sững sờ, ôm mẹ năn nỉ:

    - Mẹ đừng nói kỳ vậy, phải ráng lên chớ, con biết phải làm sao bây giờ?

    Rồi vợ tôi cũng khóc. Tôi chỉ đứng nhìn. “Chúng tôi biết phải làm sao bây giờ”?

    Vợ chồng tôi đều nghĩ rằng đã tìm được giải pháp tốt nhất cho mẹ rồi. Mẹ thì đã “ráng” quá nhiều, ráng đến mõi mòn, đến kiệt quệ nên muốn bỏ cuộc. Đã bốn năm dài đăng đẵng mẹ sống nơi đây như cái xác không hồn.

    Có lúc chúng tôi vào thăm mẹ vào giờ ăn trưa thấy mẹ ngồi gục đầu trên xe lăn như một em bé ngoan, mắt nhắm nghiền, đợị đến phiên mình há mồm được đút cho ăn. Mẹ không còn thiết tha gì nữa.

    Những tháng cuối cùng mẹ nằm trên giường đưa mắt nhìn con cháu, không cử động hoặc nói năng gì. Hình như có điều gì u uẩn trong lòng mà mẹ không nói được hay mẹ có tâm sự gì nhưng muốn giấu kín trong lòng.

    Một buổi sáng sớm, tôi nhận được cú điện thoại từ nursing home báo tin là mẹ chúng tôi đã mất đêm qua. Bà mất lúc nửa đêm nên không ai hay biết cho đến sáng ngày hôm sau. Bà âm thầm ra đi không một lời từ giã, không một giọt nước mắt tiễn đưa. Chắc mẹ cô đơn lắm lúc trút hơi thở cuối cùng. Suốt đời mẹ lo cho chồng, cho con, cho cháu, ngày mẹ ra đi chỉ có một mình, trong cô đơn. Có ai biết rằng không phải mẹ chỉ cô đơn trong giây phút ra đi mà mẹ đã chết từ lâu rồi, kể từ ngày mẹ bước chân vào ngưỡng cửa nursing home, một nhà tù không cần đóng cửa. Tôi chợt hiểu được tại sao mẹ đã khóc ngày đầu tiên đến nursing home. Ngày ấy mẹ chấp nhận bản án tử hình không văn tự vì muốn hy sinh cho con cái. Ngày ấy mẹ đã khóc lời vĩnh biệt các con cháu rồi.

    Chúng tôi vội vã vào nursing home vừa kịp lúc nhìn mẹ lần cuối cùng trước khi người ta phủ kín mặt mẹ với tấm trải giường màu trắng rồi mang xác mẹ đi. Mọi người đứng nhìn theo chết đứng, ngỡ ngàng, đớn đau, nhưng không ai khóc thành lời. Chúng tôi đã biết là ngày này sẽ đến với mẹ, và hôm nay nó đã đến.

    Cái chết của nhạc mẫu nhắc tôi nhớ lại chuyện cổ tích về chuyện người tiều phu đẩy xe chở mẹ vào rừng cho thú hoang ăn thịt vì bà đã quá già. Tôi có khác gì người tiều phu đó, đã đưa nhạc mẫu tôi vào nursing home để chết. Đến một ngày nào sẽ đến lượt con tôi chở tôi đi như vậy sao?

    Tôi lại nhớ đến chuyện con voi già biết mình sắp chết, nó âm thầm đi vào cái “nghĩa địa voi” là cái hang động cho voi đến để chết. Nó âm thầm gục chết một mình bên cạnh những đống xương voi già đã chết trước nó. Tôi chợt nghĩ nếu con người làm được như con voi già thì con cháu không phải cực khổ vì cha mẹ già, không phải khổ tâm vì mặc cảm là đã làm một hành động bất nhân, bất hiếu, như tâm trạng hối hận của tôi bây giờ đối với nhạc mẫu của tôi.

    Nursing home. Cái trạm cuối của cuộc đời mấy ai tránh khỏi!

    Bạn đã chọn cho mình cách đến chưa?''

    Trạm Cuối Cuộc Đời Bên Mỹ - Tác giả: Chú Chín Cal(FB Hue Nguyen chia sẻ trên group Người Việt Cali)

  • Câu chuyện ''Người dưng'' của anh Jimmy Nguyen Nguyen đăng trên nhóm Kết Nối Việt:

    ''Chị mới 63, thua tui bốn tuổi, mới mất hôm qua. Trước khi chị mất hai ngày, tui có đến thăm. Người dưng, mà nghe tin vậy cũng buồn cả ngày, không làm lụng gì được. Cái tuổi của tui mà nghe tin ai mất là... run lắm. Chị bị một cục cứng cứng nhỏ như cái mụn cóc ở dưới nách. Ai ngờ nó là ung thư.

    Chỉ vài năm nó lan vào trong, tàn phá gan và lan lên đến ngực. Sau Tết chị mê man và đưa vào bệnh viện. Chị chợt hồi sinh và có vẻ khỏe lại. Nhưng bác sĩ biết và cho về. Gia đình vội đưa về VN ngay ngày hôm sau. Chị mất trong vòng tay yêu thương của thân nhân.

    Hôm tui tới thăm, nét mặt chị hồng hào nhưng than cổ họng bị đau, uống nước cũng khó. Tui nói nhiều câu an ủi nhưng biết ung thư đã lan đến cổ. Chị luôn hỏi tui : em có qua khỏi không vậy anh Jim?. Chị vẫn muốn sống, khát khao sự sống.

    giay phut cuoi doi
    (Ảnh minh họa)

    Câu hỏi này chị hỏi hoài và tui lại nói không sao đâu mà dù biết mình nói dối. Khi đang chữa chạy, nước da của chị luôn tái xanh. Hôm nay nó đỏ hồng. Ngọn nến sắp tắt nó vậy. Thời cơ để lên máy bay về xứ nên các con không bỏ lỡ, chớ để yếu là không thể.

    Hai năm trước được con của chị gọi đến để sửa nhà. Tui có làm một số hạng mục, trong đó có một cái nhà tắm ở nhà dưới. Thường nhà hai tầng ở Úc, mọi phòng ngủ đều ở tầng trên và phòng tắm cũng vậy. Khi nhà có người già, cái cầu thang lên xuống là cả một hành trình khó khăn nên nhu cầu làm thêm phòng ngủ ở tầng dưới đang là xu hướng. Tui bỏ công làm rất đẹp từng chi tiết . Ở tiểu bang tui cư ngụ, bệnh viện ung thư tuyến cuối đẹp lộng lẫy. Bệnh nhân vào đây là cuối cùng nên chính phủ thiết kế một bệnh viện đầy tính nhân văn, vô là thích... ở lại.

    Khi tui đến làm là chị lăng xăng với đồ ăn sáng, ăn trưa và đồ ăn mang về. Chị là fan cứng của tui và cứ ngạc nhiên hỏi tưởng " nhà văn " là người... sạch sẽ , tao nhã.... Đâu ngờ là ông thợ xây. Chị có nhờ làm một bàn thờ ngay bếp vì chị dành phần lớn thời gian ở đây. Tui cũng làm. Dính bịnh này thì chỉ còn cách cầu nguyện chớ tui biết ít ai qua khỏi dù y tế Úc rất hiện đại.

    Chị người miền An Giang, nấu ăn rất ngon. Có món cơm tấm và dưa cải chua tui thích lắm, khen hoài. Chồng chị mất khá lâu, chị ở vậy nuôi một con ruột và 3 đứa con nuôi. Đã trưởng thành nên đưa thêm vài cháu ngoại để chị... nuôi tiếp . Tui hay nói đùa là để tui... làm mai bạn tui cho. Chị cũng tâm sự rằng chị sẵn sàng bảo lãnh ai đó. Chị nói giúp được ai thì giúp vì mình không còn sống bao lâu. Ngày cuối cùng còn gặp chị, tui nói chị phải khoẻ để gặp bạn tui nhé. Tiếc rằng cái số của tui chưa.... mai mối thành công lần nào hết.

    Sự sống là quý giá mà không tiền bạc nào mua nổi. " Em có qua khỏi không anh Jim?".... Câu hỏi ám ảnh tui suốt ngày hôm nay. Thà không biết trước cái chết phải không bà con. Viết bài này xin bà con một lời cầu nguyện cho chị,dù đó chỉ là....người dưng.

    Nguồn: FB Jimmy Nguyen Nguyen / nhóm Kết Nối Việt

  • kinh nghiem mua nha o my

    Dưới đây là bài chia sẻ kinh nghiệm chọn mua nhà của anh Louis Le, đăng trên group SEA Lean In Circle - Điểm Tựa. Bài này lấy bối cảnh ở Mỹ nhưng có thể áp dụng cho kiều bào ở mọi nơi trên thế giới:

    Mình muốn viết lại cách mua nhà vì nhiều người còn thấp thỏm vì sợ nhà cứ tiếp tục lên, và tiền lãi cũng lên luôn. Phải nhớ lãi suất lên, nhà sẽ đứng và cắm đầu đi xuống khi mọi người chen nhau bán và tụi đầu tư bán vì sợ lỗ.

    Bây giờ hãy nói về nhà cửa, chỗ ở, mỗi nơi có cái tốt khác nhau. VN mới qua, thích ăn đồ VN, thích ở trong cộng đồng VN, đối với mình “too close for comfort”, mình thích ở xa hơn nhưng không xa quá để có thể cuối tuần đi chỗ VN chơi khi cần.

    Chỗ nào an toàn và hàng xóm tốt để gia đình mình được hưởng. Chắc chắn là khu Mỹ trắng có học, họ rất là tốt mặc dù thấy da màu, nhưng những chỗ này rất đắt để những người ít tiền không vào được thì an ninh hơn và cảnh sát được trả tiền nhiều hơn và bảo vệ tốt hơn. Còn một chỗ nữa là dân Á Đông có học, có tiền, cũng ở riêng, thì chỗ này cũng tốt vì người Á Đông có tiền cũng đàng hoàng mặc dù có nhiều thứ tính không nhẹ nhàng như Mỹ trắng. Bây giờ kiếm chỗ có nhiều Ấn Độ, Tàu mà ở vì nó lành và rẻ hơn. Những chủng tộc Á Đông lo cho con học hành và dạy dỗ tụi bé một cách chu đáo nên tụi nhỏ cũng không hư. Con cái đi học không bị bullying và bạn bè rất dễ thương.

    Có nhiều thành phố lúc trước không tốt nhưng khi dân Á Đông bắt đầu đi vào và từ từ làm nó tốt lên, bây giờ vào được thì khi nó lên thì giá nhà sẽ lên và mình được hưởng cả sự an toàn và tiền lời của nhà. Đi vào đây mà tìm hiểu, cứ nhiều Á Đông mà vào. Location, Location.

    http://www.city-data.com/zips/94539.html

    Tại UK, bạn có thể vào link https://data.london.gov.uk/london-area-profiles/ hoặc https://data.gov.uk/ để tìm hiểu về thông tin dân số, tỉ lệ việc làm, tỉ lệ phạm tội, độ tuổi...của các quận nội thành, cũng như các tỉnh ngoài London.

    Bây giờ nói về mua nhà và đi mướn, cái nào lợi và tốt hơn. Bây giờ tiền lãi thấp nên giá nhà cao, nhưng khi tiền lãi lên, giá nhà sẽ đứng và có thể đi xuống, cái quan trọng là mình phải tính tiền như thế nào cho lợi mà không chật vật, lo lắng, khổ sở “fail to plan, plan to fail”.

    Hãy tính tiền cho trung thực, điều quan trọng là công việc mình có vững chắc hay không, cái này dính tới tính tốt của mình có nhiều hay không, tính tốt thì công việc lúc nào cũng vững chắc, gia đình êm thấm vui vẻ thì không trời nào làm mình mất việc, phải tin như thế. Bây giờ nói về mua nhà, giá đang cao, hãy dùng $1M để tính. Tiền này gọi là tiền chết mỗi tháng, ít thay đổi mà phải có.

    - Tiền down với credit score tốt là $200k để khỏi bị PMI.

    - Nếu lấy được tiền lãi tốt bây giờ là 3.9% cho 30 năm, mỗi tháng trả $4981.

    - Tiền thuế đất 1.1% = $1083.

    - Tiền insurance = $125.

    - Tiền điện, nước, rác = $300-500.

    - Tiền xe insurance = $260.

    - Tiền xe registration 2 chiếc = $30.

    - Tiền Phones = $200.

    - Tiền Internet = $96.

    - Tiền ăn = $2000.

    Tổng số là cỡ $9175 một tháng. Muốn sống nhẹ nhàng không lo lắng thì tiền lương gia đình nên bằng $9175x3 = $27525 x 12 = $330k một năm. Đừng nghe lời người bán nhà mà mua nếu mình làm ít tiền, mình chết chứ người ta không chết. Tiền chết này chưa tính xe hư, bánh xe mòn, thắng mòn, tiền xăng, giá bây giờ lên trên $5 rồi, nên không có xe điện đi làm là một thiếu sót lớn, hãng mình cho charge điện không tốn tiền nên năm ngày đi làm không tốn một đồng nào.

    Tính tiền đi mướn:

    - Nhà 4 phòng khu tốt.

    - Tiền tháng $4000-5000.

    - $200k để invest, mỗi năm 20% = $40k = $3333 một tháng.

    Kinh tế đổi, thời thế đổi, nhưng vấn đề mua nhà vẫn chỉ có mấy điều quan trọng mà mình thấy cần phải để ý, phải tham khảo kỹ lưỡng vì mua nhà không như mua xe, mua lộn, bán đi lỗ vài ngàn. Đây là cách mình mua nhà và nhà nào mình và gia đình cũng thích từ hồi độc thân tới giờ.

    1. Mình chỉ mua nhà vừa túi tiền của mình, là sao? Sau khi đóng escrow, tổng số tiền ra cửa hàng tháng chỉ tới 1/3 tiền lương của mình. Tính làm sao? Tiền mặt sẽ mất là tiền ăn, tiền nhà, tiền thuế đất, tiền insurance, tiền điện nước, tiền rác, tiền điện thoại, tiền xe cộ (tiền trả xe nếu còn nợ và registration) và tiền bỏ vào 401k (lương hưu) hàng tháng. Thiệt ra, nếu liệt kê tất cả những điều kiện này thì ít ai mua được nhà LOL, nhưng nếu làm được thì đời sống làm chủ một căn nhà rất thoải mái và nhẹ nhàng.

    2. Location, location, location, cái khu mình ở rất quan trọng vì sự an toàn cho gia đình và giá cả lên xuống trong tương lai. Mua nhà là một sự đầu tư lớn cho cuộc đời, nhiều người dùng căn nhà như để dành tiền cho khi về hưu. Location trên đất Mỹ, cái tiêu chuẩn giống nhau mặc dù khác tiểu bang, khác luật thuế má. Nó đi theo county, rồi tới city, rồi tới zip codes. Ngay cả trong một county tốt, có thể có city dỏm, trong city tốt có thể có zip codes dỏm, chuyện của mình là phải kiếm zip code tốt cho mình ở.

    A. Zip code tốt: phải đọc statistic data cho cái zip code mình muốn mua, mình lựa gì? chủng tộc nào nhiều, lương trung bình là bao nhiêu, số người ở tuổi tác là bao nhiêu, nếu mình có con nhỏ, mình muốn tuổi tác không già thì con mình sẽ có bạn chơi cùng lứa tuổi, tổng số người có bằng đại học là bao nhiêu, high school là bao nhiêu và nghề ngỗng thuộc loại gì, white collar hay labor? Trường học từ mẫu giáo cho tới high school vào hạng nào, crime rate như thế nào?

    B. Khi mua nhà, mình chỉ lựa cái nhà nhỏ hoặc trung bình trong khu mình muốn ở, tại sao? Khi mình cần bán gấp, giá nhà mình sẽ rẻ nhất trong khu, khi thị trường xuống, nhà mình sẽ xuống thấp nhất và lên cao nhất mà vẫn được hưởng mọi sự tốt lành trong khu tốt của mình. Không bao giờ mua cái nhà lớn nhất, đắt nhất trong khu vì mình không biết bao giờ mình phải bán gấp để ra đi.

    C. Khi kiếm được một căn nhà tốt muốn mua, phải coi địa điểm nó như thế nào, có gần freeway nghe tiếng xe chạy hay không, có gần ngay đường rày xe lửa nó chạy trong đêm khuya không, có gần chợ búa hay không, có gần trường học cho con mình hay không, có nhiều chỗ đậu xe khi bạn bè, gia đình muốn tới thăm hay không. Mình luôn luôn đi tới thăm nhà mình muốn mua cả tuần, ngày thường, weekend, ban ngày, ban đêm coi có xe đậu đầy đường hay không, người đi bộ mỗi buổi chiều như thế nào.

    D. Điều này thật ra là điều quan trọng nhất khi mua nhà, neighbors là ai, như thế nào, sống cả chục năm mà gặp neighbors dỏm là khổ cả đời. Khi mình tới thăm nhà mình muốn mua, mình hỏi brokers coi hai người bên cạnh, sau nhà, trước nhà, mình tới gõ cửa hỏi thăm luôn. Đừng ham nhà rẻ, tốt mà quên người hàng xóm mà mình sẽ phải chung sống với cả nhiều năm, họ sẽ giúp đỡ mình và mình sẽ giúp đỡ họ, in harmony. Khi phải làm hàng rào, hoặc cây cối rớt qua nhà mình, họ sẽ sẵn sàng cộng tác với mình để giải tỏa vấn đề. Khi đi đâu xa, họ sẽ coi nhà cho mình, không chỉ nhà bên cạnh, trước sau cả sáu bảy nhà chung quanh mình. Ai cũng biết mặt gia đình mình thì khi có xe nào tới dọn nhà họ sẽ gọi cho mình hoặc cảnh sát. Mình nghe chuyện bạn mình mà rùng mình, nó (ăn trộm) đem xe truck tới dọn nhà hai lần mà không làm gì được, hỏi có quen hàng xóm không, thì nói tao ghét tụi nó, thế là xong. Cả sáu nhà có phone number của nhau, có gì nhắn cả băng luôn, vui lắm. Mình là cột trụ nối mọi người với nhau LOL. Đi đâu cũng xí xọn, bà xã ghét lắm nhưng vui trong bụng.

    3. Tình trạng nhà và financing. Ai cũng nghỉ mua nhà rẻ về sửa, cũng tốt, nhưng nếu mình làm lấy, khi mình phải mướn thợ thì thượng vàng hạ cám, muốn rẻ thì thợ dỏm, thợ tốt thì đắt tiền, nhiều khi gặp nhà hư từ cột trụ ra ngoài mà phải làm lại căn nhà mới. Mình cùng bà xã sửa nhà nên mình biết, làm được thì ra đẹp theo ý mình mà rẻ nhưng rất tốn công, mướn người thì bị nó bôi bác nên chỉ bị một lần thôi, gặp Mỹ thì nó charge vô tội vạ.

    Financing, bây giờ tiền lời còn thấp, nếu mượn tiền thì phải mượn fixed 30 năm, không nên đi adjustable ngắn hạn, tới giờ phải refinance mà tiền lãi lên thì khổ đời. Khi nói tới tiền lãi thì luôn luôn hỏi APR là bao nhiêu vì nhiều khi nó nói 3.9% nhưng APR có thể tới 4.25%. APR là tiền của cả cái loan sau khi cộng hết tiền lời, tiền fees, tiền points.

    Còn ngày xưa khi mình mua cái duplex và fourplex, thì không biết bây giờ sao vì người đi thuê quá nhiều, nhưng mình vẫn nghĩ vacancy factor phải thấp, multiple tiền rent phải cao và rent control không được quá khắt khe.

    Thời nào cũng vậy, mua nhà gọi là định cư, an cư lạc nghiệp, nhưng bên Mỹ này, công việc thay đổi, hãng bỏ đi, nhiều khi việc tốt mình phải đi theo qua tiểu bang khác, county khác, nhiều người phải mướn nhà trọ trong tuần đi làm rồi lái xe hoặc bay về thăm gia đình mỗi cuối tuần. Coi lại công việc mình như thế nào, có dễ kiếm việc khi hãng đi (phá sản) hay không, tiền bạc có để dành được tốt hay không, đừng nhắm mắt làm liều, tiền mất gia đình không êm thấm vì không tính kỹ lưỡng. Mình không bao giờ ham hố cái tiếng làm chủ nhà, mình và bà xã ở thuê trong một cái condo 800SQ 4 năm cho tới khi mọi thứ vào tiêu chuẩn thì mới mua nhà. Cái condo mình ở cũng trong một cái Zip code rất tốt và an toàn. Chúc mọi người thành công trong công việc mua nhà.

    - Thống kê theo zipcode / địa phương:

    US: http://www.city-data.com/zips/94539.html hoặc http://zipwho.com

    UK:  https://data.london.gov.uk/london-area-profiles/ hoặc https://data.gov.uk/

    - Thông tin trường học:

    US: https://www.greatschools.org

    UK: https://www.get-information-schools.service.gov.uk/Search?SelectedTab=Establishments

    Viethome (theo FB Louis Le / group SEA Lean In Circle - Điểm Tựa)

  • Tôi đặt chân đến châu Âu trong trạng thái không nơi đi, nơi đến. Tôi lang thang một mình giữa đất trời bao la và xung quanh là những con người xa lạ, bất đồng ngôn ngữ.

    Thời gian bắt đầu cuộc đời mới của tôi tại châu Âu là những chuỗi ngày gian khổ và đầy nước mắt, không người thân, không tiền, không giấy tờ hợp pháp, tôi đã sống chui lủi trong một năm trời và cuối cùng may mắn đạt được nguyện vọng là được nhận định cư hợp pháp ở một nước châu Âu.

    Sau khi có giấy tờ hợp pháp, tôi nghĩ là cuộc sống và tương lai của tôi từ này sẽ tốt đẹp hơn, nhưng điều đó chỉ là hoang tưởng và là giấc mơ không có thật, sẽ không bao giờ thành sự thực với những người sống ở châu Âu như tôi – không bằng cấp và học vấn theo tiêu chuẩn ở đây.

    buon o chau au

    Đồng lương ít ỏi mà những người như tôi kiếm được hằng tháng chỉ đủ trả tiền nhà, bảo hiểm và tất cả những khoản chi phí tối thiểu nhất trong cuộc sống hằng ngày.

    Tôi cũng đã gặp biết bao người Việt Nam ở đây, đã đến từ 10 hay 20 năm trước. Công việc của họ thường là dọn dẹp, lau chùi trong các nhà hàng, nhà xưởng, khách sạn, nhà ga và những nơi công cộng. Nhiều người trong chúng tôi sau 8 đến 10 giờ làm việc trong ngày, còn phải tranh thủ làm thêm cho nhà dân bản xứ đến 4 hay 5 giờ mỗi tuần với giá 5 euro một giờ, để mong dành dụm thêm chút tiền.

    Nỗi ám ảnh trong cuộc sống của chúng tôi là phải làm sao lo được cuộc sống của bản thân, con cái mình tại đây, rồi một mối lo lớn nhất nữa là gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Tôi từng chứng kiến những đêm mất ngủ, những thảm kịch đau lòng, thấy những người mắc bệnh nan y ở những người quanh tôi.

    Tôi giờ đã 40 tuổi, cũng làm việc vất vả lam lũ để vươn lên trong cuộc sống khó khăn ở đây, dành dụm những đồng tiền cuối cùng để giúp đỡ gia đình ở quê nhà.

    Tôi chỉ mong sao một phần ít ỏi trong các bạn đọc đọc được bài này của tôi, nhất là các bạn đang có người thân sinh sống ở hải ngoại hãy tìm hiểu một chút thêm về cuộc sống của thân nhân mình ở xứ người. Như thế bạn sẽ phần nào thông cảm và với họ, bớt đi cho họ những căng thẳng lo toan, đỡ phải nghĩ rằng bằng mọi cách phải có tiền cho cả gia đình ở đây lẫn ở nhà.

    Người Việt ở nước ngoài cũng có nhiều nỗi khổ, nhưng họ thường chỉ được nhắc đến bằng hai chữ Việt kiều mà thôi. Tôi không thích cái mác đó, chỉ mong cố gắng dành dụm tiền để sớm có ngày trở về quê nhà sinh sống.

    Sưu tầm

  • Nhiều người khi đưa con sang Mỹ du học, thay vì cho chúng ở nhà host, hoặc đưa vào dorm (dormitory-ký túc xá), lại muốn gửi họ hàng, bà con, vì quan niệm rằng ‘sống chung với họ hàng, vẫn hơn’. Với tấm lòng bao dung, không hề tính toán, nhiều người ở Mỹ đã nhận làm ‘guardian’ (người giám hộ), để rồi….

    nhan nuoi con chau
    Những mẩu chuyện có thật dưới đây đem lại những kết cục buồn.

    Câu chuyện thứ nhất: Tình anh em chấm dứt từ đây!

    Ông, bà Minh Nguyễn định cư ở đã được Mỹ hơn 20 năm, nhưng mới chuyển về California được 5 năm. Những lần về Việt Nam chơi, ông bà được người em họ đưa rước, săn đón rất chu đáo.

    Lần mới nhất vào năm 2010, khi ông bà Minh về VN chơi, người em…’gợi ý’:”Chúng em muốn đưa con bé Lan, con gái lớn của em, sang Mỹ du học, nhưng nó mới 14 tuổi, cần người giám hộ (guardian). Bạn bè em thì có nhiều, nhưng nếu cháu được ở chung với anh chị vẫn hơn, dù sao cũng là họ hàng”. 

    Cảm kích trước sự nồng nhiệt trước đó của người em, lại không có con, nên ông bà Minh nhận lời nuôi cháu cho đến khi nó 18 tuổi. Thấy vậy, người em …tiến thêm một bước:”Anh chị đã lo ăn ở, vậy anh chị nhận cháu làm con nuôi luôn, để chúng em đỡ khoản học phí, vì nếu là sinh viên ngoại quốc du học thì học phí mắc lắm!”

    Ông bà Minh cho biết trước mắt chỉ có thể làm guardian (người bảo hộ) cho đứa cháu, vì Chính phủ Mỹ đã ngưng chương trình con nuôi (Intercountry Adoptions) từ mấy năm nay. 

    “Dù sao thì đặt chân đến nước Mỹ mà có người lo cho là ok rồi!” Người em nghĩ vậy, và hăng hái lo thủ tục cho con gái.

    Nghe nói kể từ sau vụ tai tiếng ở Lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn (cựu nhân viên Lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn Michael T. Sestak gian lận visa và nhận hối lộ), việc cấp visa trở nên khó khăn hơn, ông Minh rất lo lắng. May mắn, đứa cháu có kết quả phỏng vấn được cấp visa du học.

    Đi làm ở sở, công việc bận rộn, nhưng cứ đến cuối tuần, ông lại lo đi mua giường mới, bàn mới, mền gối mới, và chuẩn bị trang hoàng căn phòng bỏ trống xưa nay, dành riêng cho cô cháu. Biết cháu từ VN sang sẽ chưa chịu được cái lạnh vào sáng sớm và tối của Cali, bà Minh chuẩn bị trước nào áo ấm, giày boot,…không thiếu thứ gì. “Nó mà dễ thương, sau này Chính phủ mở lại chương trình con nuôi, mình nhận nó, có đứa thủ thỉ, cũng vui, ông nhỉ”, bà Minh nói với chồng.

    Theo thông tin của người em, chuyến bay sẽ đáp tại LAX vào lúc 9:30 PM, nhưng mới 9:00 PM, ông bà Minh đã có mặt. Thời gian làm thủ tục hải quan khá lâu, nhưng cuối cùng, ‘bác-cháu’ cũng gặp nhau.

    Cô cháu gái học tại một trường tư thục. Buổi sáng, ông Minh đi làm, đưa cháu đi học, chiều trên đường từ sở làm về thì ghé trường đón cháu. Bà Minh là chủ một tiệm nail, cứ rảnh tay, bà lại lo đi chợ để tối về cơm nước cho cháu.

    Đưa đón cháu đi học hàng ngày. Hình minh hoạ.

    Không lâu sau ngày đón nhận cô cháu gái từ VN sang, ông bà Minh bắt đầu xảy ra các cuộc cãi cọ, mà chủ đề luôn bắt nguồn từ ‘cô cháu gái”. Khởi đầu là chuyện cô cháu gái luôn kè kè cái iPad bên mình, hết nói chuyện với bà ngoại, bố mẹ, đến nghe nhạc, chơi game,…bà Minh muốn ‘huấn luyện’ cho cháu từ những việc lặt vặt như quét nhà, tưới cây,…nhưng ông Minh lại cho rằng:”Nó còn nhỏ, mà chuyện chẳng đáng, kêu nó làm, lại mang tiếng bên VN là nó sang đây bị hai bác bắt làm việc.”

    Cô cháu không thèm dùng chiếc phone cũ mà ông Minh đã nạp sẵn tiền để “có chuyện gì gấp thì liên lạc với bác”, mà đòi mua iPhone. Chiếc laptop hiệu HP thì cô cháu gái chê là ‘máy cũ, chạy chậm lắm’, và đòi mua Macbook. Ông bà Minh không đồng ý, nói:”Cái phone chỉ dùng để liên lạc, còn muốn vào Internet thì cháu đã có iPad, thì cần gì iPhone? Cháu còn đi học, cần gì máy Mac?” Nhưng vài tuần sau, cô cháu gái nhận được một chiếc iPhone, và một cái laptop, và một laptop mới do người bố từ Việt Nam nhờ bạn bè ở Mỹ mua đem đến.

    Ông bà Minh quen ăn tối trễ, nhưng cô cháu thì lại…đói bụng sớm, nên ‘cả nhà’ không ăn cơm chung. Thêm nữa, cô cháu chỉ thích ăn thịt mỡ, mắm kho, và các món ăn Việt Nam, còn ông Minh thì bị cholesterol cao nên chỉ ăn cá, thịt nạc, rau các loại. Thấy tình hình ăn uống…căng thẳng, lại lo cô cháu ăn uống không quen, bị bệnh, thì ông bà còn khổ hơn, nên ông Minh quyết định:”Sắp tới cháu muốn ăn món gì thì viết ra giấy, bác đi chợ mua cho, rồi tự nấu mà ăn!.” Sau đó, cứ đến cuối tuần, ông Minh lại nhận được một cái list, nào: thịt heo ba rọi, mắm, rau muống, sữa lon đóng hộp,…Ông Minh nghĩ bụng:”May mà nhà mình ở Little Saigon, mới có những món này!”

    Chuyện ở sở bận rộn, nhiều tuần ông Minh phải đi làm over time vào thứ bảy, nên không có thời gian đi chợ cho cô cháu, nhưng trong tủ lạnh thì không thiếu món gì, nào là gà nạc, pizza, rau cải, trái cây, kem, sữa chua,…Bỗng một hôm, ông Minh nhận được email của người em, cho biết mới gửi sang $1,000 để ‘phụ tiền cơm nước’. Nghĩ người em cho rằng ông bà ‘bỏ đói’ cô cháu, nên mới gửi tiền sang, ông bà không nhận, mà trả lại.

    Chuyện ăn uống, ông bà Minh chịu đựng được, nhưng chuyện con gái mà ‘lười chảy thây’, có khi cả tuần không thấy mặt mũi nó đâu vì nó cứ ru rú trong phòng riêng, thậm chí không chịu clean up cái rest-room mà chỉ có nó sử dụng, thì ông bà không chấp nhận được. Ông Minh bèn viết email gửi cho người em, trong đó ngoài những câu chuyện về cô cháu gái ‘dở chứng’.

    Tình nghĩa ‘anh-em’ bắt đầu rạn nứt, vì người em ở VN không ‘thông cảm’, mà quay sang ‘chỉ trích’ ngược lại người đã cho con gái mình ăn, ở, bỏ công đưa rước đi học, rồi lại ‘lên lớp day dỗ’, nào là ‘cháu còn nhỏ, trẻ người non dạ, hai bác phải nói với chàu thế này, thế nọ…’, ‘con em em biết, cháu rất ngoan, không biết nói dối,…’, ‘vì anh chị nhận nuôi, nên em mới cho cháu ở Little Saigon, chứ nếu không em đã gửi cháu sang tiểu bang khác’,…

    Sau nhiều ngày suy nghĩ, nhận thấy không thể ‘hoà hợp’ với cô cháu gái, thậm chí ông bà có nguy cơ dẫn đến ly dị, vì cứ cãi nhau liên tục, ông Minh quyết định chỉ nuôi cô cháu đến hết niên học, và không nhận làm guardian sau niên học nữa. Thấy tình hình ‘không êm’, người em chọn đúng dịp con được nghỉ đông, mua vé bay sang, để tìm nơi nương tựa khác cho con. Qua tận nơi chứng kiến con mình được nuôi nấng đàng hoàng, nhà cao cửa rộng, được đưa đón đi học mỗi ngày, ăn uống không thiếu món gì, mà chợ Việt Nam lại sát bên nhà, đâu đến nỗi bị bỏ đói. Biết mình sai, nhưng người em vẫn không một lời xin lỗi, mà nghĩ rằng có thể tìm được chỗ khác ‘tốt hơn’ để nhờ vả.

    Sau hơn 2 tuần dẫn con đi các nơi họ hàng xa gần, bạn bè, cuối cùng không ai nhận nuôi con mình cả, người em trở về xin ‘anh chị cho cháu ở thêm 1 năm nữa’. Nhưng ông bà Minh đã dứt khoát ‘vì không muốn cháu lỡ dở việc học, nên chúng tôi đã quyết định lo cho cháu đến hết niên học. Chú có họ hàng bên vợ, rồi bạn bè đông, thì nhờ họ giúp. Tháng Sáu sang đây rồi đưa cháu đi. Cứ thế mà làm nhé!’

    Kể từ ngày đưa ra quyết định mới, ông bà Minh bớt những cuộc cãi vã, cảm thấy thoải mái trong đầu hơn, nhưng tình cảm với người em họ thì…chấm dứt từ đây.

    (Câu chuyện có thật được ‘người trong cuộc’ kể lại. Nhân vật trong bài đã được đổi tên)

    Câu chuyện thứ hai: “Tiêu tan niềm hy vọng”

    Vì tình nghĩa chị em họ hàng với ông Trương là con ông chú ruột, bà Trinh nhận chăm sóc con của ông Trương từ Việt Nam gửi sang đi học. Cô cháu mới 17 tuổi, nên vẫn cần người giám hộ.

    Bà Trinh Pham, sống tại tiểu bang Texas, định cư cùng người chồng Mỹ từ năm 1973, sau đó ông bà ly dị. Bà Trinh một mình nuôi hai con cho đến khi chúng trưởng thành. Hai con của bà đã lập gia đình, ra ở riêng, nên căn nhà trở nên trống vắng. Bà đồng ý cho con của ông Trương sang ở cho ‘vui cửa, vui nhà’. “Nhà còn phòng trống, mà cháu gái ăn uống bao nhiêu!”, bà nghĩ.

    Ba Trinh tìm được một trường trung học tư nhân ở gần nhà, lo thủ tục cho cháu nhập học. Sau khi nhận được I-20, bà tức tốc gửi về VN để cô Linh xin visa đi Mỹ. Cô Linh được cấp visa.

    Ngày ra phi trường đón cháu, bà Trinh đã rất vui, vì cô cháu xinh đẹp, trắng trẻo, ăn mặc giản dị, lại lễ phép, chào hỏi đàng hoàng, chứ không chỉ ‘say “Hi!”’ như thanh thiếu niên bên này.

    Trước đó, bà Trinh cũng đã sửa sang lại căn phòng bỏ trống, thay mới toàn bộ đồ đạc trong phòng, tạo điều kiện tốt nhất, với mong muốn cháu học hành thành tài, nên người, để ba mẹ cháu nở mặt nở mày với họ hàng bên Việt Nam.

    Thời gian đầu, cô Linh siêng năng cùng bà Trinh đi chợ, nấu nướng. Tôn trọng chốn riêng tư của cháu gái, bà Trinh không bao giờ vào phòng cô cháu, kể cả khi cháu đi học, lẫn khi cháu có mặt ở nhà.

    Thấy cháu chỉ đi học, rồi về nhà, mà ít khi đi chơi, bà Trinh thỉnh thoảng hỏi:”Cháu có bạn bè nhiều không? Nếu thấy buồn, có đứa nào thân cứ mời về nhà chơi. Bác không cấm cản gì, nhưng phải thật thân mới mời về nhé!”

    Dù đã nghỉ hưu, nhưng bà Trinh không ngừng hoạt động xã hội. Ngoài thời gian giúp việc trong nhà thờ, bà còn tham gia nhiều chương trình volunteer khác, nên cũng hay vắng nhà. Thấy cô Linh ngoan ngoãn, bà yên tâm, có khi giao nhà cho cháu, mà đi chương trình từ thiện, hoặc đi thăm bạn bè xuyên bang cả tuần mới về.

    Năm đầu tiên trôi qua, yên ả. Sang năm thứ hai, cô Linh thủ thỉ:”Bác cho cháu đi làm thêm, kiếm tiền tiêu vặt. Để bác cho hoài thế này, cháu ngại lắm!” Bà Trinh nghĩ: chắc là cháu tìm được một việc gì trong trường, chứ ai dám nhận sinh viên nước ngoài vào làm việc. Mà cũng phải, nó lớn, lại là con gái, có nhiều thứ để tiêu, $200/tháng của mình đâu có đủ cho nhu cầu của cô gái mới lớn.’ Thế là bà đồng ý cho cô Linh đi làm với điều kiện không được xao lãng chuyện học hành.

    Thời gian cô Linh đi làm, bà hay thấy cháu hay về khuya, có khi 10 giờ đêm bà vẫn còn phải thức chờ cửa. Lý do cô cháu nêu ra là ‘phải làm over time’. “Ừ, công việc mà, có chịu khó làm thêm việc thì mới được nhận chứ!”, bà Trinh nghĩ vậy, và thấy thương cho cô cháu.

    Một hôm ngồi ăn chung, bà Trinh phát hiện thấy đôi móng tay của cô cháu…là lạ, sao nó dài bất thường, mà lại còn vẽ loè loẹt trên đó. Thấy bà nhìn ‘đôi móng’ của mình, cô Linh nhanh nhẹn giải thích:”Mẫu mới nhất đấy bác ạ. Cháu làm thử để khách thấy thích mà làm theo!”

    Ôi trời, bà Trinh tá hoả, thì ra cháu bà đi làm nail, chứ có phải làm gì trong trường đâu! Rồi cô tiếp tục phân bua:”Cái móng này là móng giả, bác ạ. Cháu có thích thế đâu, nhưng mình phải làm mẫu, khách thấy làm ra đẹp thì họ mới chịu làm.”

    Dù không hài lòng, bà Trinh cũng đành im lặng, nhưng bứt rứt trong người lắm!

    Một ngày nọ, sau chuyến đi làm từ thiện 2 ngày, bà Trinh về đến nhà từ 9 giờ tối, nhưng mãi 11 giờ đêm mà vẫn chưa thấy cô cháu về, gọi phone thì không cháu không nghe máy, bà lên phòng cô cháu, lấy chìa khoá dự phòng, mở ra.

    Một lần nữa, bà tá hoả. Căn phòng xinh đẹp của con gái bà, vào tay cô cháu gái, nay bị biến thành cái…gì, bà không diễn tả được. Chăn mền, quần áo thì lung tung trên giường. Bàn học không có sách vở, giấy bút mà la liệt nào đồ ăn thức uống dở dang, lotion, đồ trang điểm, vài chai sơn móng,…Một mùi…khó tả xông lên. Bà Trinh nhìn xuống gầm giường, một đống chén dĩa với thức ăn dư thừa đã thiu, ôi, có thứ khô quánh lại. Chịu không nổi, bà đóng sập cửa lại.

    Tối hôm ấy bà Trinh không ngủ được. Đã lâu lắm rồi bà không dùng đến viên thuốc ngủ nào, nhưng đêm đó bà phải dùng đến nó, định bụng ngày mai, là thứ bảy, cô Linh nghỉ học, bà sẽ ‘làm cho nó một trận, tới đâu hay tới đó.’

    7g sáng hôm sau, bà Trinh thức dậy nhìn ra ngoài, thấy một chiếc xe hơi lạ park trước ngay nhà mình. Cửa phòng cô cháu vẫn im thin thít. Bà tìm chiếc phone, lật đật gọi cho cháu, sợ có chuyện gì xảy ra. Đầu dây bên kia, một giọng còn..ngái ngủ:”Có chuyện gì vậy Bác, cháu đang ngủ ở nhà nè.”

    Không còn nể nang gì nữa, bà đập cửa phòng cô Linh. Cửa phòng mở ra, bà nhìn ngay lên giường, giật mình thấy một…đôi chân lạ. Bà Trinh bắt đầu…hoa mắt:

    -Đứa nào kia?

    -Dạ bạn cháu, nó ngủ nhờ có 1 đêm thôi mà.

    -Nó là…con gái…hay…con trai mà…chân cẳng lông lá…thế kia!

    -Bác sao vậy? Cháu ngủ chung với con gái, chẳng lẽ cháu là lesbian à!

    -Ai cho cháu mang trai về nhà bác, hả?

    -Thì bác từng bảo có đứa nào thân thì mời nó về chơi thôi. Thằng này thân nhất với cháu, nó đang thất nghiệp, nhưng được cái là người Mễ quốc tịch Mỹ.

    -Người Mễ thì sao?

    -Thì nó có quốc tịch, mới bảo lãnh được cho cháu khi chúng cháu lấy nhau. 

    -Nhưng cháu mới 18, đang đi học, mà nó lại đang thất nghiệp, chúng mày cưới, lấy gì ăn?

    -Ôi giời, Bác lo gì! Ở Mỹ mà, không sợ chết đói đâu, bác ạ!

    Đến lúc này, bà Trinh cảm thấy…ù tai, choáng váng.

    Bà Trinh đem chuyện kể cho người em. Lúc đầu, ông Trương trách móc bà Trinh:“Chỉ tại chị thôi, sao chị không dạy cháu, để nó giao du với mấy cái thằng Mễ, em ở bên này, có biết gì đâu!”. Nhưng cuối cùng ông Trương cũng thú thật:”Em đưa nó qua đấy học để sau này bảo lãnh cho cả nhà. Giấc mộng của em là thế. Giờ nó kiếm được đứa để ở lại, chị cứ để nó muốn làm gì thì làm.”

    Kết cục của câu chuyện này, là cô Linh chuyển ra ngoài, ở chung với ‘thằng bạn thân người Mễ’. Nghe đâu chỉ vài tháng sau, cô Linh lại quen với ‘một thằng bạn thân’ khác. Về phía ông Trương, kể từ ngày con ông ra khỏi nhà người chị, ông xem bà như ‘người dưng nước lã’ vì đã làm ông tiêu tan niềm hy vọng.

    Lỗi của ai? Với hai nền văn hoá khác nhau, sự giáo dục khác nhau, và cả mục đích sống khác nhau, không thể đổ lỗi ở phía người nhận nuôi, cũng khó mà trách người gửi con sang Mỹ với mong muốn chúng được học tập ở một đất nước có nền giáo dục tốt đẹp, được sống trong một xã hội văn minh, tiến bộ. 

    Thực tế không phải cứ gửi con sang cho họ hàng ở Mỹ chăm sóc là không tốt. Song hai mẩu chuyện trên, ít nhiều cũng là những kinh nghiệm, và giúp những ai đang có ý định nhận con, cháu của người thân từ VN gửi sang nhờ chăm sóc với lý do ‘họ hàng vẫn hơn’ nên suy nghĩ kỹ, đừng để làm ơn có khi mắc oán. Mất lòng trước, được lòng sau!

    (Câu chuyện có thật được ‘người trong cuộc’ kể lại. Nhân vật trong bài đã được đổi tên)

    Nguồn: Người Việt

  • Maymunah, hay còn gọi là Mây, cô gái Việt sinh ra ở Huế, kể cho tôi nghe về cuộc sống như một người Hồi giáo của cô hơn ba năm qua ở London.

    Tôi đến thăm Mây và gia đình cô ở Stanmore, phía Tây Bắc London, vào một ngày đầu tháng Năm, khi hơn 1.8 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới đang chuẩn bị đón tháng Ramadan.

    Mây cùng chồng Mohamed và con gái Maryam ở biển Thuận An, Huế. Hình chụp năm 2017.

    Ramadan là tháng thứ chín, cũng là tháng linh thiêng nhất trong lịch Hồi giáo. Vì lịch Hồi giáo dựa trên chu kỳ mặt trăng nên tháng Ramadan theo dương lịch thay đổi hằng năm, không có ngày thống nhất.

    Năm nay, ở Anh, hơn ba triệu người Hồi giáo đón lễ Ramadan từ tối Chủ nhật, 5/5 đến hết ngày thứ Ba, 4/6.

    "Đây là thời gian người Hồi giáo 'fasting', nghĩa là mọi người sẽ nhịn ăn, nhịn uống, không hút thuốc và không quan hệ tình dục từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn", Mây giải thích cho tôi hiểu về tục 'fasting' trong tháng Ramadan.

    "Khi mặt trời lặn, mọi sinh hoạt sẽ trở lại bình thường. Một bữa ăn được gọi là 'iftar' sẽ kết thúc thời gian 'fasting' trong ngày.

    "Người ốm, phụ nữ mang thai, và phụ nữ mới sinh không cần 'fasting' trong tháng Ramadan, nhưng họ phải 'fasting' đủ 30 ngày sau đó, khi điều kiện sức khoẻ cho phép hoặc làm từ thiện.

    "Trẻ em vẫn sẽ ăn uống bình thường. Chúng chỉ phải 'fasting' khi bắt đầu tuyên thệ theo đạo Hồi, lúc lên chín tuổi đối với bé gái và 15 tuổi đối với bé trai", Mây vừa nói vừa lắc nôi ru con ngủ.

    Đó là một bé trai kháu khỉnh vừa tròn ba ngày tuổi. Trước đó, cô và chồng người Anh gốc Tanzania, Mohamed, đã có với nhau một cô con gái đáng yêu tên là Maryam.

    Anh Mohamed và bé Maryam chụp trong chuyến du lịch đến Úc năm 2018.

    Vì yêu mà theo đạo Hồi

    Mây gặp chồng khi theo học chương trình Thạc sĩ ngành quản trị du lịch tại trường đại học Westminster ở trung tâm London.

    Ấn tượng đầu tiên của cô về chồng là một người đàn ông hiền lành và dễ mến.

    "Khi biết anh ấy là người Hồi giáo, tôi đã rất đắn đo. Tôi suy nghĩ nhiều lắm. Đây là một điều hoàn toàn mới mẻ đối với tôi", Mây kể.

    "Tôi quyết định chia tay anh ấy một thời gian để tìm hiểu về đạo Hồi. Tôi muốn biết mình có thể sống như một người Hồi giáo hay không."

    Thế là vào tháng Ramadan năm 2015, Mây quyết định 'fasting' như người Hồi giáo.

    "Tôi nhịn ăn, nhịn uống, và đến nhà thờ của người Hồi giáo cầu nguyện khi mặt trời lặn. Tất nhiên, tôi phải choàng khăn trùm đầu khi đến đó.

    "Ban đầu tôi sợ lắm. Tôi sợ nếu người ta phát hiện ra mình không phải là người Hồi giáo thì họ sẽ đuổi tôi đi.

    "Nhưng mọi người ở đó rất thân thiện. Họ chuẩn bị thức ăn và phát miễn phí cho những ai có mặt ở nhà thờ. Chúng tôi cùng nhau ăn uống vui vẻ."

    Sau 10 ngày 'fasting', Mây nhận thấy bản thân có thể thích nghi được. Cô liền liên lạc lại với bạn trai để tìm hiểu về đạo Hồi một cách chính thống.

    Vào tháng Một năm 2016, lễ cưới của Mây và Mohamed theo nghi thức Hồi giáo được tổ chức. Sau đó, cô chuyển về sống cùng gia đình anh ở Stanmore, nơi tập trung nhiều người Hồi giáo theo dòng Shia (Shia và Sunni là hai nhánh chính của đạo Hồi).

    Mây trong lễ nhận bằng thạc sỹ ở London năm 2015.

    'Đạo Hồi không như nhiều người vẫn nghĩ'

    Trong căn phòng khách vương vãi đồ chơi trẻ con ở trên sàn, Mây bắt đầu kể cho tôi nghe về nguồn gốc của đạo Hồi.

    "Đạo Hồi thuộc nhóm tôn giáo Abraham, cùng với đạo Kitô và đạo Do Thái. Người theo đạo Hồi tôn thờ Đức Allah và kinh Qur'an (Koran) là kinh sách quan trọng nhất.

    "Allah có nghĩa là 'Chúa' trong tiếng Ả Rập, như 'God' trong tiếng Anh vậy.

    "Người Hồi giáo không quan trọng cuộc sống vật chất, vì họ tin rằng có cuộc sống khác sau khi chết. Người tốt sẽ được lên thiên đàng, còn người xấu sẽ phải xuống địa ngục. Vì vậy, người Hồi giáo rất chú tâm đến việc làm từ thiện.

    "Thông thường, người Hồi giáo sẽ trích 20 phần trăm số tiền kiếm được mỗi năm, sau khi trừ mọi khoản chi phí tiêu dùng trong năm đó, để làm từ thiện. Ví dụ, hàng năm gia đình tôi đóng góp cho tổ chức Orison một khoản tiền để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ở Pakistan hoặc Bangladesh.

    "Không ai kiểm tra việc làm từ thiện cả, chúng tôi làm vì cảm thấy nên làm mà thôi.

    "Trong tháng Ramadan, chúng tôi làm từ thiện nhiều hơn. Chúng tôi chia sẻ thức ăn, giúp đỡ những người nghèo, dù họ thuộc bất kỳ nhóm tôn giáo nào".

    Khi chỉ còn lại hai người ở trong nhà, Mây cởi khăn trùm đầu và tiếp tục câu chuyện. Phụ nữ đạo Hồi chỉ trùm khăn khi đi ra ngoài, hoặc khi có khách là nam giới đến nhà.

    "Tôi biết nhiều người thường nghĩ đến đạo Hồi theo hướng tiêu cực. Cũng không thể trách họ được, vì những gì họ nghe về đạo Hồi trên truyền thông thường liên quan đến các vụ giết người IS hay đánh bom tự sát.

    "Đó là những phần tử cực đoan trong đạo Hồi", Mây nhấn mạnh.

    "Những hành động đó là vô nhân đạo, và không ai dung túng cho những hành động đó cả.

    "Kinh Koran có 114 chương, và hầu hết những giáo lý trong đó đều hướng con người làm việc thiện. Chúng tôi cầu nguyện năm lần mỗi ngày để biết ơn những gì mình đang có, và mong những điều tốt đẹp cho mọi người."

    Tôi hỏi Mây về thông điệp mà cô muốn gửi đến mọi người thông qua buổi nói chuyện này, và cô nói rằng cô mong mọi người sẽ có cái nhìn khách quan hơn về đạo Hồi.

    "Người Hồi giáo cũng có cấu tạo cơ thể, trái tim, khối óc như những người bình thường. Chúng ta chỉ khác nhau về niềm tin tôn giáo mà thôi, giống như một số người thì theo đạo Phật, một số khác thì theo đạo Thiên chúa ở Việt Nam vậy."

    'Tôi đang sống hạnh phúc'

    Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi sự xuất hiện của Hân, em trai Mây.

    Do quen biết từ trước, tôi hỏi ngay về phản ứng của cậu ấy khi biết chị gái mình quyết định theo đạo Hồi hơn ba năm về trước.

    Không ngoài dự đoán của tôi, với kinh nghiệm chín năm sống và làm việc tại nước ngoài, Hân cười và trả lời rằng cậu ấy cảm thấy bình thường.

    "Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định của chị Mây. Đối với ba mẹ tôi thì có chút khó khăn để chấp nhận thời gian đầu", Hân bộc bạch.

    Ngồi gần đó, Mây gật gù và tiếp lời em trai:

    "Tôi nghĩ đến giờ ba mẹ tôi vẫn còn chút lo lắng. Một phần vì tôi ở xa, một phần ba mẹ cũng chưa hiểu hết về đạo Hồi.

    "Nhưng tôi muốn ông bà biết rằng tôi đang sống hạnh phúc bên chồng, con gái, con trai, gia đình chồng và cộng đồng người Hồi giáo ở đây.

    "Dù theo tôn giáo nào đi chăng nữa, tôi vẫn luôn là Mây, con gái của ông bà."

    Tôi chia tay Mây và gia đình cô bằng cái ôm của mẹ chồng cô, nụ cười thân thiện của Mohamed và nụ hôn gió của Maryam, con gái cô.

    Những điều đó khiến tôi mỉm cười suốt trên đường về.

    Tôi tin cô ấy đang thực sự hạnh phúc.

    Viethome (theo BBC)

  • Dưới đây là chia sẻ của Mỹ Tiên, 30 tuổi, về khoảng thời gian đầu khó khăn khi chuyển tới Nhật sinh sống cùng chồng, anh Masayuki (gọi tắt là Masa). Hai người đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn bắt nguồn từ chuyện tiền nong. Cô chỉ hiểu ra vấn đề sau một lần bỏ đi tới nhà bạn: 

    Mỹ Tiên từng tự ái khi người chồng Nhật nói nên dừng việc uống trà sữa, vì một ly bằng cả bữa trưa của anh ở công ty.

    Đầu tháng 1/2016, tôi bay đến Tokyo đoàn tụ với chồng, sau khi nhận được visa du học. Khi sang đây tôi phải bắt đầu học tiếng trước. Tôi muốn đi làm thêm nhưng chồng không cho vì sợ ảnh hưởng việc học.

    Lúc đó, chồng mới chỉ đi làm được hai năm, không có nhiều tiền để trang trải cuộc sống của cả hai. Vì chiều ý tôi mà anh hay dẫn tôi đi ăn nhà hàng. Tôi khi đó không biết rằng chồng đã phải tiết kiệm rất nhiều để đóng học phí cho tôi, khoảng 120 triệu đồng/năm, vừa lo tất cả các chi phí sinh hoạt và tiền tôi tiêu mỗi tháng.

    Công ty chồng hỗ trợ tiền thuê nhà gần ga Ryogoku, thuộc quận Sumida. Đó là một căn hộ mới toanh, rộng tầm 45 m2, gồm một phòng ngủ, một phòng khách nhỏ, phòng vệ sinh khá rộng và hiện đại... Masa, khi đó là một nhân viên kinh doanh, có lịch trình công tác khá dày đặc, lúc cao điểm có thể đi luôn cả tuần không về hoặc đi sớm về muộn. Tôi bắt đầu làm quen những bữa cơm một mình, những buổi lang thang sau giờ học... Những người bạn cùng học tiếng với tôi cũng dần dần đi tìm việc làm. Đó cũng là lúc tôi nhận ra cuộc sống xứ người không màu hồng như mình nghĩ. 

    Vừa buồn vì cô đơn, tôi còn phải đối diện với áp lực kinh tế. Mồi lửa chiến tranh bắt đầu nhen nhóm từ chuyện tiền nong. Một hôm anh bực dọc nói với tôi rằng: "Em nên dừng việc uống trà sữa mỗi ngày đi. Một ly trà sữa của em, 550 yên (khoảng 110.000 đồng) bằng một bữa trưa của anh đó". Rồi một hôm khác, anh lại nhắc nhở tôi: "Tháng này mình lại xài âm thẻ tín dụng rồi. Anh nghĩ chúng ta nên tiết kiệm hơn".

    Tôi lúc đó hùng hổ nói, từ khi anh góp ý, bữa trưa hàng ngày của tôi chỉ còn 250 yên (khoảng 50.000 đồng) cho một ly trà và một cái bánh bao ở siêu thị. Tôi bắt đầu cảm thấy ức chế khi từ một người chủ động được tài chính, với mức lương cao với nghề sản xuất chương trình ở Việt Nam, giờ phải chờ chu cấp hàng tháng từ chồng.

    Tôi không còn dám tham gia những buổi hẹn ăn tối của lớp vì chi phí một người tầm 1.500 yên (khoảng 300.000 đồng), số tiền đó đủ cho hai vợ chồng ăn một ngày. Tôi cũng không còn uống trà sữa ngoài tiệm nữa mà mua trà sữa gói ở siêu thị về tự pha uống.

    Mỹ Tiên từng gặp nhiều khó khăn thời gian đầu định cư ở Nhật. Ảnh: NVCC.

    Mỗi tháng, tôi được chồng đưa 20.000 yên (khoảng 4 triệu đồng) cho việc chi tiêu vặt hàng tháng. Khoản tiền đó chỉ bằng bốn bữa ăn tối dành cho hai người ở một nhà hàng bình dân tại xứ đắt đỏ này. Số tiền tiết kiệm tôi mang sang đang phải xài vào dần. Tôi nghĩ mình đã tiết kiệm hết mức có thể nhưng chồng vẫn không ngừng than phiền về các hóa đơn tiền điện, nước, gas...

    Quá mệt mỏi và áp lực, tôi quyết định "mất tích" bằng cách tới ở nhà một cô bạn thân. Tôi quan sát căn phòng rộng chưa đến 15 m2 của cô bạn ở Saitama, phía nam Tokyo, cách ga tàu hơn 15 phút đi bộ. Ngoài giờ học, cô ấy tất bật đi làm thêm kiếm tiền tới tối mịt, về nhà chỉ lăn ra ngủ. Rồi tôi nghĩ về căn hộ mới tinh 45 m2 của mình, cách ga tàu chỉ 5 phút đi bộ. Tôi không phải đi làm thêm, được ngủ đủ giấc, luôn có thời gian chăm sóc bản thân, ngâm mình trong bồn vài lần/tuần... Lúc đó tôi mới nhận ra mình hơn mọi người quá nhiều. Tôi biết mình đã nợ Masa một lời xin lỗi. 

    Hôm sau, khi cô bạn vẫn ngủ say, tôi bắt chuyến tàu sớm nhất về. Bước vào nhà lúc 6 giờ sáng, tôi thầm nghĩ chồng đi làm rồi. Nhưng vừa bước vào phòng khách, tôi giật bắn người khi thấy chồng nằm dài thượt trên ghế sofa, trên bàn ngổn ngang vỏ bia lon. Tôi lay nhẹ chồng, gọi anh dậy đi làm. Anh ôm chầm lấy tôi và nói: "Đừng bao giờ làm thế này nữa em nhé, cả đêm anh không thể nào ngủ nổi". Anh nói rồi òa khóc như con nít.

    Sau đó tôi xin lỗi, vì đã gây cho anh áp lực tâm lý. Tôi nhận ra mình vẫn còn phung phí, đáng lẽ phải tiết kiệm hơn để giúp chồng nhẹ gánh tiền bạc. Anh cũng xin lỗi tôi vì cứ nói đi nói lại vấn đề tài chính. Anh nói ý anh không phải tôi xài phí, mà chỉ muốn chia sẻ nỗi lo bản thân, nhưng đã vô tình làm tôi hiểu nhầm ý.

    Để san sẻ áp lực tiền nong với chồng, tôi bắt đầu những chiến thuật tiết kiệm như đạp xe xa hơn một xíu để mua trái cây giá rẻ ở Yaoya (tên gọi chung của cửa hàng bán lẻ chuyên về rau củ, trái cây với mức giá rẻ hơn siêu thị), mua đồ ăn sau 7 giờ tối để được giảm giá, làm thẻ tích lũy điểm để cả năm quy ra quà tặng, tải phần mềm siêu thị để mỗi ngày nhận được giảm giá 100-200 yên (khoảng 20.000 - 40.000 đồng), đem nước lọc theo uống và tự pha trà sữa khi đi học... Việc nấu ăn mỗi ngày vừa giúp tiết kiệm được hẳn chi phí sinh hoạt, vừa giúp cân bằng chế độ dinh dưỡng.

    Sau một tháng áp dụng loạt chiêu thức tiết kiệm, một hôm chồng tôi reo vui: "Em ơi tháng này mình không nợ tín dụng nữa rồi. Cả tháng mà xài chưa hết 50.000 yên tiền chợ (khoảng 10 triệu đồng). Em giỏi quá. Tiền thừa em cứ giữ lại trong thẻ rồi mua mỹ phẩm mà mình thích nhé".

    Masa luôn âm thầm theo dõi và ghi nhận những cố gắng của tôi bằng cách ăn sạch những món tôi nấu với vẻ mặt sung sướng, phụ tôi rửa chén mỗi ngày, chăm chú nhìn rau củ trong tủ lạnh hay những phần thịt có dán tem giảm giá mà tôi mua về... Anh chưa bao giờ tiết kiệm một câu để khích lệ tôi. Đó là điều tôi vẫn trân quý mỗi ngày. 

    Sau giờ học, tôi bắt đầu tìm cách để kiếm thêm thu nhập bằng cách nhận dịch một số tin tức ngắn ở Nhật cho một vài tờ báo ở Việt Nam. Tôi cũng tìm hiểu thị trường mỹ phẩm Nhật thu hút khách Việt Nam, những nơi có thể gửi hàng bảo đảm. Doanh số bắt đầu tăng dần theo từng tháng. Tôi dần kiếm được một số tiền nhỏ đủ để trang trải tiền sinh hoạt phí ở cái xứ đắt đỏ này. Tôi cũng lập một kênh Youtube riêng nói về cuộc sống ở Nhật. Nhờ đó, việc kinh doanh mỹ phẩm dần ổn hơn. Lợi nhuận thu được không nhiều nhưng đủ để tôi bắt đầu mua được những món quà nho nhỏ tặng chồng vào những dịp đặc biệt.

    Viethome (theo VnExpress)

  • “Muốn điền đơn đi làm thì họ yêu cầu mình phải có địa chỉ, có số phone, mà tôi không có tiền để mướn nhà, không đủ điều kiện để xin “phone free” của chính phủ thì làm sao đây?

    Lúc còn đi làm chủ yêu cầu mình phải tắm giặt sạch sẽ, mà chỉ có ở Santa Ana mới có chỗ cho tắm, tôi đâu có tiền để đổ xăng chạy đi chạy về, mà đậu xe luôn ở đó cũng đâu ai cho. Mình không tắm giặt thì họ không cho mình đi làm nữa, thì thành thất nghiệp…

    “Ngôi nhà” hiện tại của chị Ngọc Nguyễn. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

    Người phụ nữ ngoài 55 tuổi dường như được dịp nói không ngừng nghỉ về những bức bối mà chị dồn nén trong lòng hơn năm tháng qua, kể từ lúc thất nghiệp, ngay khi nghe có người hỏi về hoàn cảnh của mình.

    Chị tên Ngọc Nguyễn, sang Mỹ từ năm 1996, “đi làm hãng suốt từ đó giờ, khi thì lương tối thiểu, khi thì có chỗ trả cao hơn, cứ hãng này hết việc thì mình lại nhảy hãng khác.” Hãng cuối cùng chị làm trước khi thất nghiệp là một hãng chuyên về lắp ráp dụng cụ y tế.

    “Tôi xin vô làm chỗ đó là cuối Tháng Năm, 2018, làm được đến Tháng Chín thì nghỉ. Lúc đó làm $12-$13/giờ, mỗi tháng được cỡ $2,000, trừ thuế rồi còn chừng $1,600-$1,700.”

    Thu nhập đó có thể cũng tằn tiện vừa đủ sống, nhưng “con gái tôi gây tai nạn, rồi bị giấy phạt tùm lum, nên bao nhiêu tiền cứ lo trả những vụ đó, đến lúc không còn đủ tiền trả tiền thuê nhà, thì phải sống trên xe.” Và, sống trên xe chính là lý do khiến chị Ngọc mất việc.

    Mất việc vì “không sạch sẽ”

    “Không có tiền mướn nhà nên phải ở trong xe. Ở trong xe thì không có điều kiện làm vệ sinh thân thể, không giặt giũ được. Ông ‘manager’ thấy sao mình chất đồ đầy trên xe, không sạch sẽ, mấy người làm chung cũng nói như vậy. Mà tôi thì không kể cho mọi người nghe chuyện tôi mang nợ nần nên không có nhà ở, con gái tôi cũng đi mất tiêu.

    Ổng yêu cầu phải mướn phòng ở, phải bỏ đồ trên xe ra hết, phải tắm rửa, giặt giũ sạch sẽ thì mới đi làm, mà tôi không làm được như vậy thì ổng nói không thể tiếp tục mướn nữa, nên tôi phải ‘quit job,’” chị Ngọc giải thích lý do thất nghiệp kèm theo nụ cười gượng gạo.

    Chị Ngọc mất việc từ Tháng Mười, 2018 cho đến nay đã gần 6 tháng. Sáu tháng đó, thức ăn của chị là “mỗi Thứ Bảy chùa Điều Ngự cho ăn miễn phí. Thứ Ba thì nhà thờ chỗ Westminster và Chestnut cho mình ăn. Còn lại những ngày khác thì ăn trái cây của chùa cho. Trái cây bá tánh mang đến cúng, cứ sau một tuần họ dọn xuống cho mình cả giỏ, để dành ăn từ từ.” “Mà tôi là người rất dễ ăn,” chị cười nói.

    Chị cũng cho biết rằng “không có tắm!”

    Cũng bằng cách nói chuyện xem mọi thứ như là bình thường hiển nhiên không có gì phải ngại ngần che giấu, chị giải thích thêm, “Lâu lâu mới tắm. Mỗi lần tắm là ở chỗ gần bưu điện Garden Grove có cái nhà thờ, họ cũng cho ăn miễn phí ngày Thứ Bảy, cho tắm mỗi tuần một lần, nhưng có xăng mới chạy qua đó được, còn ngày thường thì ở chỗ công viên Westminster có restroom, giặt khăn lau mình thôi.”

    Buổi tối, chị chọn đậu xe nơi có đèn sáng, có nhiều xe, và cũng gần mấy tiệm ăn có cho đi nhờ restroom đến 8 giờ tối. Những ngày cuối tuần chị cảm thấy mừng hơn vì 11 giờ đêm tiệm mới đóng cửa, nghĩa là chị có thể “đi nhờ” được đến giờ đó, nếu có “nhu cầu cần giải quyết.” “Bữa tối nào mà cần quá thì ghé tiệm phở V.K vì họ mở cửa đến 3 giờ sáng để xin đi nhờ,” chị kể.

    Đó cũng là lý do mỗi ngày chị Ngọc chỉ cho phép mình uống 3 ly nước nhỏ, và sau 4 giờ chiều thì không dám uống nước nữa. “Chắc mai mốt phải đi lọc thận quá,” chị nói cùng nụ cười khỏa lấp nỗi niềm riêng.

    Chiếc xe chỉ còn một khoảng trống duy nhất để chị Ngọc Nguyễn có thể ngủ… ngồi. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
    Chiếc xe chất đầy vật dụng ngổn ngang. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

    Lấy xe làm nhà

    Little Saigon những ngày tháng qua chìm trong mưa và những cơn lạnh buốt. Chị Ngọc chống chọi lại cái khắc nghiệt của tiết trời bằng cách co rúc trong xe. “Đâu phải lúc nào cũng có xăng để mở máy sưởi, nên cứ lấy mền, áo lạnh mặc vô, mang vớ vô. Nhưng mà chân cẳng vẫn nứt nẻ chảy máu qua trời,” chị nhìn xuống hai bàn chân mình. Sưng phù. Gót chân như mảnh ruộng mùa khô cháy. Cố nông vào trong đôi dép kẹp. Với những móng chân dài thòng, đen thui, dày lên như sừng.

    Chiếc xe trở thành “mái nhà” thu nhỏ cho những người không nhà như chị Ngọc, chất đầy những thứ mà người ta sợ vứt bỏ rồi có lúc không tìm thấy, từ chăn mền, quần áo, thùng cạc tông, báo chí, túi ni lông, cả những hộp nhựa to-go… Chỉ còn một chỗ cho chị ngồi, dù dưới ghế cũng là một xấp báo. “Đâu có chỗ nằm, ngủ cũng phải ngồi,” chị lại cười, đôi mắt ráo hoảnh.

    Có xe, nhưng phải có tiền thì mới có xăng để chạy từ chỗ này qua chỗ khác. Và tiền đó có được là “xin người ta.” “Tôi nói với họ cho xin vài đồng đổ xăng để chạy đến thư viện Westminster coi việc làm thì họ cho. Ngoài ra không chạy đi đâu. Khi đến thư viện thì có thể ‘charge phone’ được, in copy thì chỉ có 15 cent để mình coi kiếm việc làm, ở ngoài tới 25 cent,” chị kể.

    Theo lời chị Ngọc, trong những tháng qua, chị muốn tự mình đi kiếm việc, không muốn trở thành người nhận trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, đến nay đã hơn năm tháng, không công ăn việc làm, chị mới đến nhờ Văn Phòng Giám Sát Viên Andrew Đỗ giúp cho chị xin được tiền ăn “food stamp” và bảo hiểm y tế medicare.

    “Tôi không xin được tiền thất nghiệp vì họ nói do tôi tự nghỉ việc,” chị cho biết thêm. Tuy nhiên, bên cạnh chuyện lo kiếm việc làm, trước mắt, chị Ngọc còn lo “chiếc xe đến đầu Tháng Năm này phải đóng tiền ‘registration’ $188, cuối Tháng Ba thì đến hạn đóng bảo hiểm, không đóng thì làm sao chạy, mà đóng thì tiền đâu đóng. Không có xe thì làm sao đi xin việc?”

    Chị tâm sự, “Đến tuổi này tôi vẫn thích làm việc lắm, cho tôi làm 365 ngày/năm tôi cũng làm, 10 tiếng/ngày cũng làm nữa, tôi thích làm việc lắm, chứ không phải đến tuổi này là làm biếng đâu.” Chị Ngọc cho biết chị đã gửi rất nhiều đơn xin việc, nhưng “người trên 55 tuổi như tôi khó xin việc làm quá! Không ai muốn nhận hết.”

    Mong được tắm rửa, sạch sẽ

    Sống trong cảnh không nhà, chị Ngọc ước muốn, “Tôi đọc trong báo thấy ở San Jose họ làm các xe buýt, có nước nóng nữa cho mỗi người được tắm 15 phút, tuần một lần. Phải chi các nghị viên Westminster, Garden Grove làm cái xe giống như vậy để những người như tôi được tắm rửa sạch sẽ thì mới có cơ hội đi xin việc dễ hơn.” “Hay là mấy ông dân cử làm ơn mua miếng đất rồi để container vô làm nhà cho người ta có chỗ ở tắm rửa thì mới đi kiếm việc làm được, mới giải quyết được chuyện thất nghiệp, chuyện người vô gia cư, chứ bây giờ thấy bế tắc quá,” chị gợi ý.

    “Tôi cũng muốn các ông bà nghị viên gốc Việt đề nghị làm sao có chính sách ưu đãi với những hãng xưởng chịu mướn những người lớn tuổi như tôi thì tụi tôi mới có cơ hội tìm được việc thì cuộc sống mới thay đổi,” chị trăn trở.

    Giúp đồng hương gốc Việt có được một nơi tắm táp, giặt giũ, có được một công việc làm chính đáng, phải chăng là chuyện quá tầm tay của người dân nơi Little Saigon này? Gió chiều cuối Đông phần phật thổi trong lúc chị Ngọc mở cửa nhét mình vào khoảng trống duy nhất còn lại trong xe…

    Nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng

    Sau khi đọc tin này, thị trưởng thành phố Westminster là ông Trí Tạ đã gọi điện thoại cho tác giả bài báo hỏi cách liên lạc với chị Ngọc, cũng như bàn bạc với nhân viên thành phố tìm phương cách giúp đỡ người phụ nữ này một cách nhanh chóng.

    Bên cạnh đó, nhiều độc giả email, gọi điện thoại đến tòa soạn nhờ chuyển tiền giúp chị Ngọc đóng bảo hiểm, lệ phí lưu hành xe, cũng như trang trải cuộc sống trước mắt.

    Chị Ngọc được giúp ở trong motel. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
    Nơi chị có thể tắm rửa hàng ngày. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

    Một độc giả khác thì ngỏ ý sẽ trả tiền ở motel trong sáu tháng cho chị Ngọc để chị có nơi ăn chốn ở an toàn, sạch sẽ trong thời gian tìm việc làm để ổn định cuộc sống lâu dài.

    Một số độc giả thì hỏi cách liên lạc với chị Ngọc để giới thiệu việc làm cho chị, người thì muốn giới thiệu chị vào làm cho một nhà hàng Việt Nam trong vùng Little Saigon, người thì muốn giới thiệu chị đi làm giúp việc nhà bán thời gian.

    Bà Quyên Trần, đại diện văn phòng Thượng Nghị Sĩ Tom Umberg, cũng trong sáng Thứ Tư đã gọi điện thoại cho tác giả để hỏi thăm về trường hợp này.

    Gần 4 giờ chiều Thứ Tư, chị Ngọc gọi cho phóng viên Người Việt để báo tin rằng chị đã dọn vào motel trên đường Golden West, và “đang tính chạy qua thư viện Westminster đọc báo tìm việc.”

    Ngồi nói chuyện trong căn phòng do thành phố Westminster mướn cho, chị Ngọc trông rạng rỡ và tươi tỉnh hơn rất nhiều so với hôm gặp phóng viên tại tòa soạn báo Người Việt.

    Chị khoe, “Mới cắt tóc miễn phí ở Hội Cao Niên Á Mỹ, tôi nhờ họ cắt thật cao lên để không phải đi cắt hoài. Mua thêm chai thuốc nhuộm hết $3.75, nhuộm được ba lần, để nhìn cho trẻ trẻ, người ta dễ mướn.”

    Chị cười luôn miệng, nói, “Hồi sáng này ông Trí Tạ gọi cho tôi hỏi thăm, hứa giúp đỡ, rồi sau đó đến cô Linh cũng làm việc cho thành phố gọi hẹn tôi tới văn phòng. Họ nói mướn cho tôi ở chỗ này bảy ngày, kêu tôi đưa các bản copy giấy tờ xe để đóng tiền bảo hiểm và lệ phí lưu hành xe cho tôi.”

    “Tôi cũng có nói tôi không xin được phone free của chính phủ, chỉ có cái điện thoại đang xài, mỗi tháng trả $20, đến ngày 2 Tháng Tư không trả sẽ bị cắt. Họ nói để họ xem xét. Họ cũng nói sẽ tìm giúp cho tôi một shelter để có thể ở lâu dài hơn,” chị Ngọc kể.

    heo lời chị Ngọc, sau đó có hai người phụ nữ Mỹ trắng đến giúp chị điền giấy tờ xin vào nhà ở tạm “shelter.”

    Chị nói thêm, “Tôi đã đến tất cả các văn phòng dân cử quanh đây để gửi đơn, gửi kiến nghị kêu gọi sự giúp đỡ cụ thể đối với những người vô gia cư. Hôm nay tôi thấy mình may mắn quá, nhưng còn nhiều người khác, như bà Mỹ homeless trước cửa kia, vẫn cần sự giúp đỡ.” Chị Ngọc chỉ tay ra cửa sổ, nơi có một người vô gia cư đang ngồi tựa vào chiếc ghế của trạm xe buýt trong nắng chiều chói chang, với rất nhiều vali chứa đồ đạc đặt xung quanh.

    “Tôi xin được gửi lời cám ơn đến tất cả những người đã quan tâm giúp đỡ tôi. Cám ơn ông Trí Tạ, cám ơn cô Linh và thành phố Westminster, cám ơn báo Người Việt cùng tất cả mọi người,” chị cười nhắn gửi.

    Chia tay chị Ngọc, vừa về đến tòa soạn, tôi nhận được điện thoại của Thị Trưởng Trí Tạ báo cho biết, “Cho đến giờ này, ngoài việc được ở motel bảy ngày, thành phố cũng đã tìm được chi phí giúp chị Ngọc trả tiền bảo hiểm xe, lệ phí lưu hành xe, và cả tiền điện thoại rồi.”

    “Bản thân tôi thì đang suy nghĩ tìm cách giúp chị ấy có được công việc làm ổn định lâu dài,” ông Trí nói thêm.

    Viethome (theo Người Việt)

  • Tôi chia sẻ với quý vị những điều này khi đang ‘tận hưởng’ bữa trưa nhanh gọn ngay trong xe vào một ngày trời lạnh tới âm 11 độ. Dù biết là đồ fastfood không có tốt cho sức khỏe nhưng thi thoảng lu bu công việc hay muốn đổi món, tôi vẫn lựa chọn những thứ này cho một bữa trưa nhanh chóng.

    Bữa ăn của tôi hôm nay gồm 1 miếng pizza, 1 chiếc hotdog kèm theo ly pepsi. Tổng cộng bữa ăn này tính ra là gần $4, mua tại Cosco. Đây là bữa ăn trưa điển hình bên Mỹ, khi văn hóa ẩm thực thuần túy bên này là văn hóa fastfood. Đó là lý do khi người Mỹ qua Việt Nam, họ thường chuộng bánh mì, vì bánh mì cũng là một loại thức ăn nhanh. 

    Có thể khi đọc những điều tôi chia sẻ, quý vị sẽ chợt nghĩ: Sao ăn uống bên này khổ quá vậy, không có chỗ ngồi ăn đàng hoàng mà phải vô xe hơi? Thực ra, chỗ ngồi ăn đương nhiên là có, nhưng bản thân tôi thích lựa chọn ngồi trong xe hơi cho bớt ồn ào và bản thân mình cũng có không gian riêng.

    Thêm nữa, cuộc sống bên Mỹ, đôi khi thời gian ở trong xe hơi còn nhiều hơn thời gian ở nhà. Bản thân tôi khi lu bu công chuyện, vẫn thích những bữa ăn nhanh gọn trong xe hơn, giá cả vừa hợp lý lại vừa tiết kiệm thời gian. Giả sử bây giờ vô quán phở ăn, 1 tô cũng đã 8-9$ rồi, chưa kể ăn xong còn phải tiền tips, lại còn mất thời gian chờ đợi.

    Có thể các bạn sẽ nghĩ tôi sao quá chi li tính toán, nhưng cuộc sống bên Mỹ là như vậy, tiết kiệm là phải tiết kiệm từng cent. ‘Năng nhặt thì chặt bị’, một vài cent có thể không đáng gì, nhưng một tháng gom lại là cũng được một đống tiền rồi.

    Lúc nào bản thân tôi cũng tự tính toán làm sao cho những bữa ăn tiết kiệm nhất, bớt được bao nhiêu thì bớt. Bởi lẽ như câu chuyện lúc trước đã chia sẻ với quý vị, sinh hoạt phí một tháng bên đây nhiều quá trời: tiền ăn, tiền thuê nhà, tiền xăng xe, bảo hiểm, chi phí đi lại. Nếu không biết tiết kiệm ngay trong từng bữa ăn, chi phí hàng tháng sẽ rất khó kiểm soát.

    Tóm lại, những lời trên cũng chỉ là chia sẻ rất ngắn của tôi về một khía cạnh đời sống khi qua Mỹ, tất cả không có dễ như chúng ta tưởng. Lao động cực nhọc vất vả thì tiền cũng chỉ đủ tiêu, nhưng không như vậy thì không có chi phí mà trang trải. Nhưng cuộc sống nó là như vậy, mỗi nơi sẽ một khác, đã chấp nhận sống ở đâu thì phải theo nhịp sống bên đó. Đây không phải là những lời than thở hay kể khổ gì, chỉ là những chia sẻ rất thật của tôi, mong sẽ giúp quý vị hiểu hơn về của cuộc sống bên đất Mỹ này.

    Viethome (Nguồn: Youtube Dương Trung Hiếu)