• Túi xách là minh chứng thể hiện rõ nét tay nghề thủ công tinh xảo của nhà mốt xa xỉ nước Pháp.

    Túi xách Chanel là một trong những phụ kiện được khao khát sở hữu nhất thế giới. Với kiểu dáng thanh lịch, thiết kế sang trọng, nhiều mẫu túi của nhà mốt Pháp trở thành món đồ đắt giá, giúp nâng tầm mọi trang phục khi kết hợp.

    tui xach chanel ban chay 1

    Tháng 2/1955 được xem là dấu mốc định mệnh của thời trang. Vào thời điểm này, nhà thiết kế kiêm người sáng lập Chanel - Gabrielle Chanel - ra mắt chiếc túi xách có dây đeo đầu tiên trên thế giới, với tên gọi 2.55. Túi 2.55 giống như cuộc cách mạng về phong cách, giúp phụ nữ rảnh tay, thuận tiện hơn trong nhiều công việc hàng ngày (Ảnh: Getty).

    tui xach chanel ban chay 1

    Bên ngoài túi xách 2.55 được may chần bông, lấy cảm hứng từ miếng đệm chèn dưới yên ngựa. Lúc sinh thời, cưỡi ngựa là bộ môn thể thao Gabrielle Chanel yêu thích. Lớp lót bên trong túi màu đỏ tía giống với màu đồng phục bà mặc ở tu viện lúc còn nhỏ. Chìa khóa tạo âm thanh leng keng của các nữ tu mang đến gợi ý để nữ nhà thiết kế sáng tạo nên dây đeo mắt xích kim loại. Khóa xoay phía trước túi xách 2.55 được đặt tên "Mademoiselle" nhằm nói về tình trạng chưa kết hôn của Gabrielle Chanel (Ảnh: Fashionphile).

    tui xach chanel ban chay 1

    Năm 1983, Karl Lagerfeld giữ cương vị giám đốc sáng tạo tại Chanel. Bằng nỗ lực khơi dậy tầm ảnh hưởng của thương hiệu đã tạm lắng sau khi Gabrielle Chanel qua đời, Lagerfeld thực hiện vài thay đổi nhỏ trên túi 2.55. Ông thay thế khóa Mademoiselle thành khóa xoay hình logo Chanel gồm hai chữ C lồng ghép vào nhau. Dây đeo 100% bằng kim loại chuyển thành dây đeo đan xen kẽ giữa da và mắt xích kim loại. Mẫu túi mới này có tên Classic Flap với mã số kiểu dáng A01112, viết tắt là 11.12 (Ảnh: Getty).

    tui xach chanel ban chay 1

    Classic Flap trở thành một trong những mẫu túi được thèm muốn nhất trên thế giới. Bên cạnh da cừu, túi còn sử dụng khá nhiều chất liệu khác nhau tùy theo mùa như da bê, da bê hạt, vải tweed, denim… Đến ngày nay, túi Classic Flap vẫn giữ vị thế chủ chốt ở nhiều bộ sưu tập theo mùa của Chanel (Ảnh: Getty).

    tui xach chanel ban chay 1

    Ở bộ sưu tập Thu - Đông 2011, Karl Lagerfeld ra mắt túi Chanel Boy. Tên gọi túi xách gợi liên tưởng đến Arthur "Boy" Capel - người tình và chàng thơ của Gabrielle Chanel. Túi Chanel Boy mang phom dáng vuông vức và cứng cáp. Dây đeo dạng mắt xích kim loại được trang bị kèm dải da nhằm tạo sự êm ái khi đặt túi trên vai hay khủyu tay (Ảnh: Sotheby's).

    tui xach chanel ban chay 1

    Túi Gabrielle có hình dáng khác biệt đáng kể so với những thiết kế khác tại Chanel. Mang phong cách hobo "uể oải", túi Gabrielle tạo nên cú hích lớn cho nhà mốt vào năm 2017. Túi được trang bị dây đeo đôi, thu hút sự chú ý bởi vẻ ngoài hiện đại và mới mẻ (Ảnh: SACLÀB).

    tui xach chanel ban chay 1

    Giống như cách đặt tên cho mẫu túi 2.55, túi Chanel 19 có tên gọi dựa trên năm ra mắt - năm 2019. Tương tự phiên bản tiền nhiệm cổ điển, túi 19 sử dụng kỹ thuật may chần bông. Phần nắp được cố định bởi khóa hình logo chữ C kép. So với túi 2.55 hay Classic Flap, đường khâu chần bông trên túi 19 tạo hoa văn hình học lớn hơn. Dây đeo đan xen kẽ giữa da và mắt xích kim loại gồm hai màu vàng và bạc, kết hợp miếng đệm da nhỏ (Ảnh: Getty).

    tui xach chanel ban chay 1

    Túi xách Chanel Kelly có hình dáng nữ tính với tay cầm trên cùng. Túi được đặt theo tên Công nương Grace Kelly vì bà từng yêu thích mẫu túi này lúc sinh thời. Túi Chanel Kelly hiện không còn được sản xuất (Ảnh: Getty).

    tui xach chanel ban chay 1

    Chanel Vanity Case có cấu trúc chặt chẽ hơn các mẫu túi xách khác từ thương hiệu Pháp. Túi được sử dụng với công năng như hộp đựng đồ trang điểm, vật dụng cá nhân khi đi du lịch. Một số fashionista (người am hiểu về phong cách) biến chiếc túi thành món phụ kiện thời thượng để mang theo những thứ cần thiết hàng ngày (Ảnh: Getty).

    tui xach chanel ban chay 1

    Chanel Camera Case ra mắt lần đầu tiên vào những năm 1990. Về sau, túi được phát hành lại đi kèm một số thay đổi về hình dáng để trông tinh tế, hiện đại hơn. Túi có thiết kế vuông vức, miệng túi sử dụng khóa kéo (Ảnh: Getty).

    Theo Dân Trí

  • “Tiền khó ló nhà băng” - Quá dễ vay tiền từ ngân hàng khiến thanh niên nuông chiều bản thân

    Theo một báo cáo đăng trên CNBC, những người mua sắm hàng xa xỉ đang ngày càng trẻ hơn, với lượng mua hàng của một số người tiêu dùng mới nhất dự kiến sẽ tăng nhanh gấp ba lần so với thế hệ cũ trong thập kỷ tới.

    Theo báo cáo từ công ty theo dõi thị trường Bain & Co, chỉ riêng năm 2022, thế hệ Millennials và GenZ chiếm toàn bộ mức tăng trưởng của thị trường hàng xa xỉ. Trong số đó, người tiêu dùng thuộc thế hệ GenZ đang bắt đầu mua hàng hiệu ở tuổi 15, sớm hơn từ 3-5 năm so với thế hệ Millennials.

    Tuy nhiên, rắc rối xảy đến khi người trẻ không có đủ tài chính nhưng vẫn chi tiêu nhiều tiền cho hàng hóa xa xỉ.

    Theo tờ Nhân Dân Nhật báo, tiêu dùng đã trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra khi triển vọng đầy hứa hẹn này một phần được thúc đẩy bởi nợ nần? Theo đó, nhiều người trẻ tại quốc gia này đang chật vật khi phải trả trước cho các khoản vay ngân hàng, tổ chức tín dụng và cả những dịch vụ cho vay nhỏ lẻ vì thói quen mua sắm hàng hiệu. Với họ, khi có tâm lý mong muốn sự hài lòng ngay lập tức, việc mắc nợ để sở hữu trước một món đồ xa xỉ cao cấp mà họ chỉ có thể mua được trong tương lai chắc chắn là điều có thể chấp nhận được.

    con no chanel
    Ảnh minh họa

    Khảo sát của dịch vụ cho vay Rong 360 cho thấy 53% sinh viên đại học vay tiền để mua sắm các vật dụng đắt tiền như điện thoại iPhone, túi xách và mỹ phẩm. Nhiều sinh viên xem đây là “những vật dụng cơ bản cần có để hòa nhập với bạn bè”.

    Tại Hàn Quốc và một số quốc gia châu Á khác, tình trạng tương tự cũng đang diễn ra. Ngày càng nhiều người trẻ tạm gác chuyện chuẩn bị tài chính cho tương lai để tìm cách chiều chuộng bản thân bằng những món hàng hiệu. Tình trạng tiêu dùng quá mức ở giới trẻ cũng xảy ra tại Úc, khi các chuyên gia cảnh báo về xu hướng “mua trước, trả sau” đang khiến các khoản nợ mua hàng hiệu gia tăng.

    Tại sao người trẻ sẵn sàng gánh nợ để mua hàng hóa xa xỉ?

    Điều gì thúc đẩy những người trẻ ưa chuộng mua sắm hàng hóa xa xỉ với số lượng cao, bất chấp gánh nặng nợ nần?

    - Ảnh hưởng bởi mạng xã hội và người nổi tiếng

    Một trong những cách tiếp cận mới để sản phẩm xa xỉ đến gần hơn với nhóm đối tượng trẻ tuổi là thông qua các nền tảng mạng xã hội và người nổi tiếng. Lý do khiến các thương hiệu không thể không tham gia chiêu bài này bởi sức thu hút mạnh mẽ đối với người tiêu dùng. Sự ảnh hưởng từ phong cách thời trang của các ngôi sao từ mạng xã hội mang đến cho các người trẻ một hình mẫu về lối sống xa xỉ.

    Ở diễn biến khác, dưới sự phát triển của mạng xã hội và tâm lý peer pressure, nhiều người tăng nhu cầu “flex" sự giàu có và sang trọng của họ lên mạng xã hội. Càng lâu dần, người dùng có xu hướng đăng những thứ họ nghĩ bạn bè thích và điều chỉnh bản thân theo những gì người xem mong muốn và khát khao.

    - Việc vay nợ dễ dàng hơn bao giờ hết

    Theo Business Insider, sở dĩ người trẻ có thể mua sắm không phanh vì 3 động lực là thu nhập gia tăng, mạng xã hội và tín dụng tiêu dùng. Dưới thời đại của thẻ tín dụng như hiện nay, chưa bao giờ người trẻ lại dễ dàng “thanh toán trước trả tiền sau” với mọi mặt hàng, kể cả hàng hóa xa xỉ. Bên cạnh đó, công nghệ số đã giúp họ thuận lợi tiếp cận hơn với những khoản cho vay tín dụng, đáp ứng nhu cầu và mong muốn tiêu dùng tức thời.

    Mặt khác, thế hệ này còn trẻ, tiếp cận được với nhiều cơ hội việc làm và là lực lượng lao động chủ chốt mà các tổ chức, doanh nghiệp ưa thích. Do đó, họ không ngại chi tiền mua đồ hiệu dù vượt quá khả năng chi tiêu vì quan điểm còn nhiều sức khoẻ và thời gian để đi trả nợ.

    Bên cạnh thẻ tín dụng, một hình thức thanh toán được bắt nguồn từ các nước châu Âu và đang lan sang châu Á là mua ngay trả sau (Buy Now Pay Later - BNPL). Các thương hiệu xa xỉ đang thúc đẩy BNPL để nhắm đến đối tượng trẻ tuổi. Họ có thể đáp ứng nhu cầu mong muốn sở hữu túi hiệu nhanh, nhưng được kéo dài thời gian chi trả.

    Marie Driscoll (Giám đốc điều hành về thời trang và xa xỉ tại Coresight Research, New York) chia sẻ: “Việc chia một lần mua hàng giá cao thành nhiều lần thanh toán cho phép khách hàng mua các sản phẩm họ muốn mà không gây áp lực lên các nhà bán lẻ”.

    - Mua hàng xa xỉ giúp khẳng định vị thế xã hội

    Các mặt hàng có giá cao luôn dễ dàng thu hút người tiêu dùng. Cho dù đôi khi tài chính không cho phép, nhiều người vẫn có thể quyết định mua một mặt hàng bằng mọi cách để đạt được cảm giác nhất định, ví dụ như sự tự thưởng hay thành tựu, hoặc tạo tâm lý mình đang giàu sang.

    Theo McKinsey, Gen Z sẵn sàng chi tiền cho những thứ xa xỉ nhằm sở hữu những món đồ độc đáo giúp họ trở nên khác biệt và chứng tỏ sự độc bản của bản thân. Sasha Skoda (Giám đốc chuyên mục Phụ nữ tại The RealReal) cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng giữa những người mua và người gửi hàng cao cấp thuộc Gen Z nhiều hơn bao giờ hết, đặc biệt khi những người mua sắm này săn lùng những món đồ độc đáo hơn để thể hiện phong cách cá nhân của họ”.

    Theo CafeF

  • Trên eBay, các túi giấy mua sắm của Chanel, Smythson, Hermes được bán với giá hàng chục, thậm chí hàng trăm USD. Nhiều fashionista nổi tiếng như Kim Kardashian cũng đang lăngxê xu hướng túi giấy.

    tui giay hang hieu 1Fashion blogger Maria Rosaria Rizzo mang túi giấy Chanel trên đường phố Paris, Pháp như một phụ kiện thời trang hồi tháng 2/2023. (Ảnh: Getty Images)

    Túi giấy mua sắm của các nhãn hiệu thời trang cao cấp đang trở thành món đồ thịnh hành, xuất hiện ở khắp mọi nơi.

    Đây là điều khá lạ lẫm đối với những người không cập nhật tin tức về thời trang và nếu bắt gặp, có thể họ cho rằng các tín đồ thời trang có xu hướng “dậy sớm đi làm” với các túi giấy đựng… bữa trưa.

    Xu hướng này mang đến một ý nghĩa hoàn toàn mới cho thuật ngữ “túi thiết kế.” Thậm chí Kim Kardashian – một “fan cứng” của dòng túi Birkin cũng bị bắt gặp mang một chiếc túi giấy tại buổi trình diễn của Balenciaga tại Los Angeles, Mỹ

    Trên các trang bán lẻ thương mại điện tử như eBay, những chiếc túi giấy rỗng của các thương hiệu xa xỉ như Chanel hay Balmain được bán với giá lên tới 65 bảng Anh (hơn 82 USD); giá cho một chiếc túi Hermes là 45 bảng Anh (57 USD), trong khi hộp đựng có giá khởi điểm lên tới 200 bảng (253 USD).

    Tương tự, một chiếc túi Smythson bán kèm khăn giấy có giá 40 bảng (50,6 USD), trong khi một combo túi giấy của 8 thương hiệu khác nhau, bao gồm Gucci, Burberry và La Mer, có giá khởi điểm từ 114 bảng (144,2 USD).

    tui giay hang hieu 4
    Kim Kardashian mang túi giấy cùng với em gái Kendall Jenner tham dự sự kiện Balenciaga Fall 24 Show tại Los Angeles, California. (Ảnh: Getty Images)

    Chiếc túi giấy mà Kardashian mang trong sự kiện của Balenciaga là sự hợp tác giữa Balenciaga và Erewhon – một cửa hàng tạp hóa hữu cơ đắt tiền ở Mỹ, được mệnh danh là “thiên đường” cho những người quan tâm đến sức khỏe và chế độ ăn uống.

    Đây chính là một ví dụ nổi bật cho sự kết hợp giữa các thương hiệu lớn ở những lĩnh vực khác nhau, cũng như sự thúc đẩy của thị trường hàng “second-hand” trong hoạt động mua bán các sản phẩm thời trang.

    Trong một chiến dịch quảng cáo của thương hiệu Bottega Veneta, rapper người Mỹ A$AP Rocky, chồng của nữ ca sỹ Rihanna, đã mang một chiếc có tên “Medium Brown Bag” trông giống hệt một chiếc túi giấy siêu thị, được làm từ da bê lót da lộn màu nâu, bên trong chứa đầy củ cải xanh và hoa cúc.

    Chiếc "túi siêu thị" này của Bottega Veneta được bán với giá lên tới 1.800 bảng (2.277 USD).

    Túi "Medium Brown Bag" của Bottega Veneta được lấy cảm hứng từ chiếc túi "Little Brown Bag" của chuỗi cửa hàng bách hóa Bloomingdale's, ra đời vào năm 1973. Thời điểm đó, nó đã trở thành biểu tượng cho một lối sống đầy khát vọng của người Mỹ. Phiên bản bằng nhựa PVC của "Little Brown Bag" ra đời vào năm 1995.

    Có rất nhiều lý do giải thích tại sao người tiêu dùng ngày nay lại chạy theo xu hướng mua túi giấy của các hãng thời trang xa xỉ.

    Một số người mua với mục đích sưu tập, một số khác lại dùng để “flex” ở nơi công cộng hay trên mạng xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh trên các nền tảng như Instagram hay TikTok ngày nay tràn ngập các video “đập hộp” hàng hiệu, thu hút lượng tương tác “khủng.”

    Một số người tiêu dùng mua sản phẩm của một thương hiệu nổi tiếng từ một trang web bán hàng cũ và muốn có một túi giấy đựng đi kèm phù hợp.

    Thậm chí trên TikTok còn có những mẹo để biến chiếc túi giấy hàng hiệu trở nên bền và sử dụng được lâu dài hơn bằng cách bọc bên ngoài bằng một lớp nhựa.

    tui giay hang hieu 1Một người mua hàng mang túi của Selfridges trên phố Oxford, London, Anh. (Ảnh: AFP/Getty Images)

    Vào năm 2021, một nghiên cứu đã cho thấy giá trị và sự ưa chuộng của khách hàng đối với nhãn hiệu Chanel, khi 17 chiếc túi giấy Chanel đen trắng được bán với giá 265 bảng (335 USD).

    Theo quan điểm của Isabelle Szmigin, Giáo sư chuyên ngành Marketing tại Đại học Birmingham, túi giấy gắn liền với hình ảnh cá nhân. Bà nói: “Sở hữu những chiếc túi giấy từ các thương hiệu lớn ngụ ý rằng bạn có mối liên hệ với thương hiệu đó và sẽ tạo ra dấu ấn cá nhân, đặc biệt trên mạng xã hội - khi mọi người thường xuyên chia sẻ hình ảnh và trải nghiệm của bản thân tới cộng đồng.”

    Một người dùng eBay là khách hàng VIP của Harrods cho biết và trong thời gian cách ly do đại dịch COVID-19, cô đã bắt đầu nghề tay trái của mình bằng việc đăng bán những chiếc túi giấy cũ phiên bản giới hạn của các thương hiệu xa xỉ và chúng đặc biệt được ưa chuộng.

    Một người dùng eBay khác tên Helen Pacey gần đây đã bán một chiếc túi giấy và hộp quà đựng nước hoa của Christian Dior với giá 85 bảng (107,5 USD).

    Cô cho biết: “Nhu cầu sử dụng loại túi giấy này ngày một tăng cao do các quy định và thuế đánh vào túi nhựa được áp dụng. Không chỉ đơn thuần là một vật dụng để đựng thông thường, nhiều người cho rằng đây là một vật phẩm xa xỉ. Những chiếc túi được in nổi logo thương hiệu và trang trí ruybăng tạo cảm giác sang trọng cho người đeo chúng”.

    Theo Vietnamplus

  • chanel show manchester 1
    Show thời trang thường niên Chanel Métiers d'Art lần đầu được tổ chức tại thành phố miền bắc Anh quốc. Ảnh: Manchester Evening News

    Manchester sẽ trở thành trung tâm thời trang cao cấp khi nhà mốt xa xỉ Chanel quyết định tổ chức show diễn thường niên Métiers d'Art tại trung tâm thành phố.

    Manchester từ lâu đã được xem là đại diện của tính sáng tạo, là nơi sinh ra những huyền thoại âm nhạc như anh em nhà Noel và Liam Gallagher, The Stone Roses và Joy Division.

    Trong những năm gần đây, Machester đã trở thành trung tâm điện ảnh và truyền hình với sự bùng nổ của Trung tâm phức hợp Media City rộng 200 hec-ta, và sự dịch chuyển của các doanh nghiệp truyền thông về đây. 

    Giờ đây, thành phố vừa chào đón 600 khách quý đến tham dự show Chanel, hứa hẹn một show thời trang đỉnh cao bùng nổ. 

    chanel show manchester 1
    Nữ người mẫu trình diễn tại show Chanel ở Manchester. Ảnh: Christopher Thomond/The Guardian

    Thời gian:Sự kiện diễn ra từ 5h chiều - 8h tối ngày 7 tháng 12/2023

    Địa điểm: Đường Thomas Street ở Northern Quarter

    Đây là sự kiện chỉ dành riêng cho những người nhận được thư mời từ Chanel. Sau show diễn là tiệc tối tại Victoria Baths. Nơi đây đã được mở cửa cho công chúng vào ngày 8/12 nhằm chiếu lại sự kiện Chanel vừa diễn ra hôm trước.

    chanel show manchester 1
    Kristen Stewart có mặt tại Manchester trước thềm sự kiện. Ảnh: MEN Media

    Các khách mời VIP

    Ngôi sao của sự kiện năm nay vẫn là Kristen Stewart - đại sứ của Chanel suốt 10 năm qua. Cô đã có mặt tại Manchester vào hôm thứ 4. Kristen Stewart là gương mặt không thể thiếu trong các chiến dịch thời trang của Chanel. 

    Show diễn còn chào đón nhà thiết kế Alexa Chung, nữ diễn viên Jenna Coleman, nam diễn viên nổi tiếng Hugh Grant và đặc biệt là sự có mặt của nữ diễn viên gạo cội người Anh, Tilda Swinton. Bà là chủ nhân tượng vàng Oscar và đã có mặt trong nhiều bộ phim bom tấn như Doctor Strange 2016, Avengers: End Game 2019, cũng như nhiều bộ phim độc lập khác.

    chanel show manchester 1
    Chanel đã trưng dụng đường Thomas Street ở Northern Quarter để tổ chức Runway. Ảnh: MEN Media

    chanel show manchester 1
    Nữ diễn viên người Anh, Jenna Coleman. Ảnh: Vianney Le Caer/Invision/AP

    chanel show manchester 1
    Người dẫn chương trình, nhà thiết kế Alexa Chung. Ảnh: Vianney Le Caer/Invision/AP

    chanel show manchester 1
    Vợ chồng tài tử Hugh Grant và nữ diễn viên gạo cội Tilda Swinton (thứ 3 từ trái qua) . Ảnh: Vianney Le Caer/Invision/AP

    chanel show manchester 1
    Kristen Stewart cá tính với thiết kế Chanel. Ảnh: Vianney Le Caer/Invision/AP

    chanel show manchester 1
    Hai con trai của Liam Gallagher là Gene (trái) và Lennon Gallagher đều mặc đồ Chanel tham gia show. Ảnh: Vianney Le Caer/Invision/AP

    Viethome (theo Manchester Evening News)

  • Với kinh nghiệm chơi hàng hiệu của mình, cô cho rằng không có chuyện mua hàng hiệu mà có lời.

    giay chanel 1

    Xung quanh món đồ hiệu có lắm câu chuyện mà những người đã sở hữu hay có mong muốn sở hữu trong tương lai rất quan tâm. Hàng hiệu có thật sự tốt không? Có phải món nào đắt cũng “xắt ra miếng”? Mua đồ hiệu để đầu tư có còn là suy nghĩ thức thời?

    Trong số rất nhiều những người làm nội dung về hàng hiệu, Như Lan (28 tuổi), chủ một bệnh viện thẩm mỹ ở TP.HCM đồng thời cũng là thành viên BGK Miss Grand International 2023 (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế), đã có những chia sẻ thu hút sự quan tâm của dân tình mê và quan tâm đến đồ hiệu.

    giay chanel 1
    Như Lan

    Thu hút sự chú ý khi chia sẻ “kiếp nạn” dùng đồ hiệu

    Trên kênh TikTok có 66k người theo dõi, Như Lan thu hút sự chú ý khi chia sẻ loạt “kiếp nạn" khi dùng đồ hiệu của mình. Đáng chú ý là lời than phiền do đôi sandal Chanel gây ra. Đôi giày này được yêu thích và phổ biến đến nỗi cá là dù kinh tế của bạn chỉ đủ order hàng “sọp pe” thì cá là bạn cũng đã từng nhìn thấy hội diễn viên, rich kid và chân dài siêu mẫu nào đó từng mang đôi này.

    Đôi này có giá 43 triệu đồng vào thời điểm hot nhất, khi mang đôi giày sandal này đi trời mưa, đến khi tháo ra thì chân bị nhuộm đen sì.

    Câu chuyện không dừng lại ở đó. Sau khi đã lấy giấy khô, cẩn thận lau đôi giày thì cô tiếp tục đối mặt với vấn đề mới, đó là chà xà bông rồi mà phần màu đen vẫn bám vào chân. “Hình như phần màu nó nhuộm vô da, bây giờ đụng vô nước nó lại càng dính vô chân, da giày với da chân như nhau. Trời ơi dã man quá! Kiếp nạn quá à!” - Như Lan kêu trời.

    giay chanel 3
    "Kiếp nạn" đến từ đôi sandal Chanel

    Trước đó, cô cũng tiết lộ nhiều tình huống khó đỡ khi dùng đồ hiệu. Chẳng hạn như trang sức từ những thương hiệu đắt đỏ như Louis Vuitton, Chanel, Hermès,... đều có giá vài chục triệu cho mỗi chiếc vòng hay đôi khuyên tai. Nhưng chỉ một thời gian sau khi sử dụng, những món đồ này đều dễ bị bong tróc, trầy xước đến mức chính chủ phải so sánh “trang sức hàng hiệu như hàng si”.

    “Phụ kiện hàng hiệu không chất lượng như mọi người vẫn tưởng đâu… Nếu mình mua chiếc nhẫn vàng 3 chỉ thì vẫn còn đó 3 chỉ, theo thời gian vàng lên giá mình bán còn có lời. Còn mấy món đồ này bây giờ mình mua 15 triệu mà giờ mất hột, cũ đi là bán 3 triệu không ai mua hết” - Như Lan nói.

    giay chanel 1
    Những món trang sức hàng chục triệu đồng bị hư hỏng sau khi sử dụng một thời gian

    Chuyện bảo quản đồ hiệu cũng rất tốn kém và mất công sức. Ví như với chiếc áo len Thom Browne, khi mua về cô không đọc kỹ hướng dẫn là không được giặt nước nên vẫn giặt như thường. Kết quả là chiếc áo len bị co lại, kích thước chỉ còn 1 nửa so với ban đầu.

    Ngoài ra Như Lan còn gặp một số tình huống khác như mua một chiếc kính Celine qua seller, bị bán cho hàng fake. Đến khi mua thêm một chiếc khác nữa là hàng auth để so sánh và đòi tiền seller thì bị người này block.

    Với kinh nghiệm chơi hàng hiệu của mình, Như Lan cho rằng không có chuyện mua hàng hiệu mà có lời.

    Lấy ví dụ cho nhận định của mình, cô nói về một túi Chanel 22 khá hot trong vài năm gần đây. Ở thời điểm ra mắt giá chiếc túi mua ở store là 120 triệu đồng còn hiện tại đã lên giá đến 150 triệu, tăng 30 triệu trong 2 năm. Điều này không có nghĩa là người mua lời 30 triệu. Theo Như Lan chiếc túi của mình nếu bán đi chỉ được khoảng 100 - 110 triệu vì đã qua sử dụng và túi càng cũ thì càng rớt giá.

    “Các bạn mua 1 chỉ vàng thì khi vàng lên giá, cầm vàng đó đi bán sẽ bán được với giá thị trường. Các bạn mua nhà mà BĐS khu đó lên giá, kéo theo ngôi nhà đó cũng lên giá thì mới gọi là có lời. Nên không bao giờ có chuyện đồ hiệu tăng giá là có lời đâu mọi người. Xài đồ hiệu chắc chắn sẽ lỗ và hao mòn theo thời gian” - nữ doanh nhân kết luận.

    giay chanel 1
    Chiếc túi Chanel 22 được Như Lan đề cập đến

    Về chuyện hay lên mạng chê bai đồ hiệu mà không phải flex BST của mình như nhiều người khác, Như Lan giải thích: “Mình chỉ muốn chia sẻ góc nhìn của bản thân đến với mọi người về đồ hiệu theo hướng chân thật nhất, không phải khoe mẽ gì”

    giay chanel 1
    Như Lan cùng với những chiếc túi đắt đỏ của mình

    Túi hiệu mua về bán lại rớt giá, có người vẫn kiếm lời nhanh chóng: Lý do vì sao?

    Quan điểm này lập tức gây ra tranh luận, netizen cho rằng họ từng nghe rất nhiều vợ đại gia, tiểu thư, doanh nhân khẳng định rằng mua túi hiệu là một dạng đầu tư, kiếm lời không thua kém chứng khoán hay BĐS.

    Đơn cử như Hoa hậu Hương Giang, ca nương Kiều Anh hay Ngọc Thanh Tâm. Cả ba đều khẳng định: Túi hiệu mua dùng rồi vẫn có lời!

    Hồi tháng 4/2022, Hương Giang hé lộ chuyện mua 20 chiếc túi hiệu và cho biết mình mua để đầu tư: “Thật ra mọi người nói Giang mua rất là nhiều nhưng thực sự Giang đang đầu tư. Đây là một sự đầu tư không bao giờ lỗ, mà thậm chí còn lên giá. Thực sự thì đây không phải là một khoản phung phí, giống như đầu tư mua đất, mua nhà vậy đó”. Cô còn khẳng định mua túi hiệu thật ra còn có thanh khoản tốt hơn cả vàng và kim cương.

    Lấy ví dụ cho nhận định này, Hương Giang cho biết tiết lộ, vào năm 2021, cô mua một chiếc Hermès màu đen với giá 14.500 USD và đến 2022, chiếc túi này tăng giá dao động lên đến 25.000 - 26.000 USD. Tức là nếu bán chiếc túi lúc đó, cô nàng có thể bán được với giá gần gấp 2 lần, sinh lợi 80% giá trị ban đầu.

    giay chanel 1
    Hoa hậu Hương Giang và những chiếc túi của mình

    Ở trường hợp của Kiều Anh cô từng đập hộp 2 chiếc túi (Chanel và Hermès) có tổng giá trị gần 800 triệu vào đầu năm 2022 và cho biết mình mê mẩn Chanel vì "Chanel càng ngày càng lên giá... Các tín đồ gom túi như gom cổ phiếu, gom bất động sản".

    Và cô chỉ rõ ra rằng mẫu Chanel cũ bán ra vẫn lời là loại classic!

    "Khi mua hàng hiệu, đặc biệt là Chanel thì mình không mua sẵn, chấp nhận chờ đợi để order vì mình nghĩ đây không chỉ là việc sở hữu một item thời trang, một item đắt giá, đây là món đồ có thể đầu tư được. Khi mà đã xác định mua túi classic của Chanel, nó không phải là chuyện giữ giá nữa mà nó còn tăng giá... Vừa khó mua vừa lên giá thì tội gì mà không mua đúng không?", Kiều Anh nói.

    Theo ước tính của Kiều Anh, mỗi năm Chanel lên giá khoảng 20 - 30%, từ hơn 100 triệu rồi 150 triệu rồi lên đến 16x, 17x. Với chiếc túi của ca nương, cô muốn mua từ khi nó có giá 180 triệu nhưng nghĩ đắt giá nên không và ở thời điểm cô tậu về là đã 200 triệu.

    giay chanel 1
    Ca nương Kiều Anh

    Ngọc Thanh Tâm dù không phải là dân đầu tư kiếm lời nhưng ở thời điểm giá túi hiệu tăng vọt, cô cũng tìm hiểu và không khỏi ngỡ ngàng khi thấy nhiều chiếc túi mình mua đã tăng giá gấp đôi. “Khi mua túi, thì đúng là tôi mua vì sở thích, xác định khi sử dụng sẽ thành tiêu sản. Nhưng hoá ra có một số món đồ mình mua nó là tài sản. Người ta thậm chí còn nói khi mình mua Hermès, số tiền đầu tư đó nó còn tăng nhiều hơn là vàng nữa” - Ngọc Thanh Tâm nói.

    Bên cạnh đó, Ngọc Thanh Tâm cũng mở rộng vấn đề rằng không phải cứ mua túi hiệu là sẽ có lời. Lấy ví dụ như túi Hermès, Ngọc Thanh Tâm cho biết nếu đó là size to, màu đại trà thì sẽ không tăng giá nhiều thậm chí còn lỗ, chỉ có những dòng hiếm, nhu cầu mua cao thì giá mới tăng.

    giay chanel 1
    Ngọc Thanh Tâm cũng có BST túi khủng

    Theo Kênh 14

  • chanel tang gia tui xach 1

    Theo trang Purse Blog, đây là lần thứ 5 trong 2 năm qua, Chanel có quyết định tăng giá túi xách.

    Với việc đồng Euro chạm mức thấp nhất trong hai thập kỷ và gần bằng với đồng đô la, nhiều khách du lịch, đặc biệt là người Mỹ, đã có quyết định mua sắm khôn ngoan: bay thẳng tới các nước châu Âu vào mùa hè này để mua túi hiệu cao cấp, vì sự chênh lệch giá lớn và được hoàn thuế VAT.

    Đứng trước thực tế trên, trang Purse Blog cho rằng, sẽ giá túi Chanel ở châu Âu sẽ lại tăng đến 10% ngay trong tuần này.

    Phía Purse Blog cũng cho hay, tin tức bên trên được tiết lộ bởi các nhân viên của Chanel. Cụ thể, đợt tăng giá này sẽ có hiệu lực vào thứ Tư, ngày 10 tháng 8 và thay đổi như sau:

    Bảng giá túi xách Chanel tại châu Âu

    Square Mini: 99,9 triệu đồng.

    Rectangular Mini: 104,9 triệu đồng.

    Small Flap Bag: 203,9 triệu đồng.

    Medium Flap Bag: 216,9 triệu đồng.

    Jumbo Flap Bag: 234 triệu đồng.

    Bag: Giá dao động tuỳ thời điểm

    chanel tang gia tui xach 1

    Nguyên nhân của sự gia tăng này là do chênh lệch ngày càng lớn về giá của một chiếc túi Chanel ở Mỹ so với ở châu Âu. Chanel và các thương hiệu lớn khác, đã lấy lý do rằng đây là một động thái nhằm cân đối giá cả. Họ không muốn các khách hàng ở Mỹ phàn nàn vì sự chênh lệch quá lớn so với giá của túi xách châu Âu.

    Chênh lệch bao nhiêu?

    Hãy cùng nhìn vào giá của mẫu túi Chanel Classic Flap cỡ đại trước khi có đợt tăng giá này. Ở Mỹ, thiết kế này được bán lẻ với giá 9500 đô la (hơn 220 triệu đồng). Thuế suất trung bình ở Florida là 7%, nghĩa là hơn 15 triệu đồng tiền thuế, dẫn đến giá bán sau cùng là khoảng 238 triệu đồng.

    Ở châu Âu, chiếc túi tương tự được bán với giá chưa tới 215 triệu đồng. Trong khi đó, khoản hoàn thuế VAT là 12%, dẫn tới việc giá bán lẻ túi chỉ còn hơn 189 triệu đồng.

    Chênh lệch giá cả là gần 50 triệu đồng chỉ với cùng một thiết kế túi. Chẳng trách người ta lại cất công lặn lội mua hàng như vậy!

    Dù có sự tăng trưởng như vậy, các "thượng đế" sẽ vẫn tiết kiệm được tiền được nhờ có khoản hoàn thuế VAT. Ví dụ, một chiếc túi ban đầu có giá hơn 236 triệu đồng, sau hoàn thuế VAT 12% chỉ còn 201 triệu đồng. Ngay cả khi thuế nhập khẩu cố định là 3%, ví tiền sẽ bớt "đau" hơn là mua hàng ở Mỹ.

    chanel tang gia tui xach 1

    Đây là lần thứ 5 Chanel điều chỉnh giá túi xách trong vòng 2 năm qua. Vào tháng 1/2021, giá của chiếc túi Medium Classic Flap có giá 160 triệu đồng. Nửa năm sau, nó tăng vọt lên 181 triệu đồng và cho tới tháng 6/2022, giá của chiếc túi là 205 triệu đồng, gần ngang với giá của những chiếc túi Hermès Birkin. 

    Hồi tháng 3, Chanel đã thay đổi giá của 4 mẫu túi xách và bộ sưu tập quần áo ready-to-wear Spring thêm 6% ở châu Âu, trong các sản phẩm ở Mỹ vẫn giữ nguyên giá. Theo phát ngôn viên của Chanel, việc tăng giá túi xách là do thay đổi các chi phí sản xuất, biến động tỷ giá hối đoái cũng như để cân bằng giá túi xách trên toàn cầu.

    Còn theo các nhà phân tích và giám đốc điều hành lĩnh vực xa xỉ, đây là chiến lược để Chanel nâng giá trị thương hiệu lên ngang bằng những nhà mốt thượng cấp như Hermès, thay vì ngồi "chung mâm" với Dior hay Versace.

    Kênh 14 (Nguồn: Purse Blog, Vogue Business)

  • chanel tang gia 6 lan 2

    Không chỉ Chanel, nhiều thương hiệu cao cấp khác như Rolex, Hermès, Dior, Prada, Louis Vuitton, Gucci cũng tăng mạnh giá bán để duy trì hình ảnh đắt đỏ và xa xỉ của mình.

    Đầu tháng 3, Chanel tăng giá ví và túi xách trung bình 5%, sau mức tăng trước đó là 17% vào tháng 1. Đây là lần tăng giá thứ 6 của thương hiệu này trong vòng 12 tháng qua, theo Korea Joongang Daily.

    Classic Flap, mẫu túi xách có chiều dài 23 cm và chiều rộng 14,5 cm, hiện có giá hơn 8,050 USD, tăng 36% so với tháng 11/2020 và gần gấp đôi so với 10 năm trước.

    Chanel không phải là thương hiệu cao cấp duy nhất tăng giá. Rolex, Hermès, Dior, Burberry đã thông báo điều chỉnh giá sản phẩm hồi đầu năm. Prada, Louis Vuitton và Gucci cũng lần lượt tăng giá vào tháng 2.

    Ban đầu, suy thoái kinh tế do đại dịch được xem là nguyên nhân thúc đẩy sự tăng giá. Tuy nhiên, hiện tại, dù thị trường đang hồi phục với tốc độ nhanh chóng, các thương hiệu xa xỉ vẫn tiếp tục đẩy giá lên cao hơn.

    Tăng giá liên tục chắc chắn sẽ dẫn đến việc mất khách hàng, nhưng các công ty này dường như ít quan tâm đến điều đó. Họ mong muốn bảo vệ hình ảnh cao cấp của mình để thu hút những khách hàng giàu có, trung thành thay vì chạy theo xu hướng "mua sắm trả thù" hậu đại dịch.

    Quy luật khan hiếm

    Năm 2019, 70% tổng số giao dịch mua hàng xa xỉ của khách hàng Trung Quốc được thực hiện ở Mỹ và châu Âu. Doanh số bán hàng bắt đầu sụt giảm vào năm 2020 do lệnh cấm du lịch và sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.

    Chanel báo cáo doanh thu giảm 18% so với năm 2019, xuống còn 10,1 tỷ USD và lợi nhuận giảm 41%, còn 2 tỷ USD vào năm 2020.

    LVMH - tập đoàn sở hữu khoảng 70 thương hiệu bao gồm Louis Vuitton, Dior - và Kering - tập đoàn sở hữu Gucci và Saint Laurent - đều giảm 16% doanh số bán hàng.

    Năm 2021, các công ty nhanh chóng bù đắp khoản lỗ bằng cách tăng giá sản phẩm khi thị trường bắt đầu phục hồi và nhu cầu mua sắm tăng trở lại ở Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc.

    chanel tang gia 6 lan 2

    chanel tang gia 6 lan 2
    Người Hàn xếp hàng 14 tiếng giữa mùa đông để mua túi Chanel. Ảnh: Bloomberg.

    Theo công ty nghiên cứu Bain & Company, doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu năm ngoái đã vượt qua mức trước đại dịch năm 2019, đạt khoảng 311 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2020.

    Nhưng ngoài nhu cầu tăng mạnh hậu đại dịch, còn một yếu tố khác đẩy giá hàng xa xỉ tăng cao: Quy luật khan hiếm.

    Chanel là một ví dụ điển hình. Khi thương hiệu của Pháp trở nên nổi tiếng vào năm ngoái do xu hướng "mua sắm trả thù" (chi tiêu bốc đồng bị thúc đẩy bởi cảm giác thất vọng và bỏ lỡ cơ hội do Covid-19) và thị trường bán lại hàng xa xỉ phát triển, một số khách hàng giàu có đã quay lưng với Chanel.

    "Tôi quyết định không ghé thăm cửa hàng Chanel nữa sau khi chứng kiến ​​hàng loạt người đứng đợi bên ngoài cửa hàng", khách hàng 43 tuổi ở Hàn Quốc, người đã sử dụng các sản phẩm của Chanel hơn 20 năm qua, cho biết.

    Người tiêu dùng này nói thêm giờ đây khi nhắc đến Chanel, nhiều người Hàn Quốc sẽ chỉ nghĩ đến những thứ như bán lại hoặc "open run" - thuật ngữ chỉ việc xếp hàng thâu đêm trước cửa hàng bách hóa để chờ giờ mở bán vào buổi sáng.

    Chiến lược của Hermès

    Để khiến sản phẩm của mình trở nên hấp dẫn hơn, các thương hiệu cao cấp phải khiến chúng khó tiếp cận, khó sở hữu hơn.

    Giới phân tích thị trường nhận thấy kế hoạch định giá của Chanel tương tự như chiến lược của Hermès, một thương hiệu chỉ nhắm vào những khách hàng giàu có.

    Giá của một chiếc túi Chanel Classic Flap cỡ vừa đã tăng 93% trong thập kỷ qua, từ 6,1 triệu won lên 11,8 triệu won, tốc độ tăng vượt trội so với chỉ số giá tiêu dùng.

    Các thương hiệu được coi là cao cấp nhưng có giá bán thấp hơn so với Rolex, Hermès hay Chanel không tăng giá thường xuyên như vậy. Đối với nhóm này, câu hỏi liệu khách hàng có đủ khả năng để mua sản phẩm hay không là một điều rất quan trọng.

    Mặt khác, khách hàng của Hermès và Chanel phần lớn vẫn không bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả. Thay vào đó, những người này có xu hướng thích những thứ xa xỉ mà người tiêu dùng bình thường không thể tiếp cận được.

    Đó là lý do các thương hiệu cao cấp đang để mắt đến thế hệ trẻ giàu có ở thị trường Trung Quốc. Theo công ty tư vấn Knight Frank, Mỹ đang có số lượng người siêu giàu với tài sản trị giá hơn 30 triệu USD nhiều nhất thế giới, nhưng Trung Quốc lại là nơi có nhiều triệu phú, tỷ phú mới nổi hơn.

    Giới siêu giàu ở Trung Quốc ước tính sẽ vượt quá 100.000 người vào năm 2025.

    Bain & Company nhận định rằng Trung Quốc sẽ chiếm một nửa tổng lượng tiêu thụ hàng xa xỉ trên toàn thế giới vào năm 2025.

    Tuy nhiên một số chuyên gia không cho rằng các thương hiệu có thể tiếp tục đẩy giá bán lên cao hơn nữa.

    Việc tăng giá liên tục có thể gặp phải sự phản kháng nếu chính phủ các nước bắt đầu dỡ bỏ lệnh cấm du lịch và Trung Quốc tiếp tục báo cáo tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến.

    Goldman Sachs dự báo thị trường xa xỉ của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này giảm nhiều so với dự báo tăng trưởng 13,5% trước đó, vì mục tiêu tăng trưởng thấp cũng như cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản tại đất nước tỷ dân.

    Nhà phân tích Luca Solca nói rằng các thương hiệu xa xỉ có thể phải trải qua "những đợt điều chỉnh đau đớn" nếu giá bán tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt như những năm qua.

    Theo Zing

  • Con gái ngôi sao ''Cướp biển vùng Caribbean'' làm người mẫu cho Chanel và đóng vai chính trong nhiều bộ phim như ''The King'', ''Voyagers'', ''Wolf and The Governesses''.

    con gai johnny depp lily rose depp 1

    Phiên tòa xét xử giữa hai ngôi sao hạng A của Hollywood Johnny Depp và Amber Heard kéo dài sáu tuần. Theo Stylecaster, chính Johnny Depp trước đây nói rằng: "Tôi cảm thấy trách nhiệm của mình là phải đứng lên, không chỉ cho bản thân mà còn vì các con".

    Đáng buồn thay, cả Lily-Rose Depp và Jack Depp đều bị những bình luận ghét bỏ vì quyết định giữ im lặng trong suốt thời gian vụ kiện tụng diễn ra.

    Trong khi Jack Depp thích giữ kín cuộc sống, chị gái Lily-Rose Depp lại khác. Nữ diễn viên 23 tuổi, một biểu tượng phong cách và ngôi sao thời trang đang lên, đã tạo dựng được tên tuổi trong làng giải trí.

    con gai johnny depp lily rose depp 1
    Lily-Rose Depp là con gái của Johnny Depp và Vanessa Paradis. Ảnh: Feminity.

    Tuổi thơ chiến đấu với bệnh tật

    Năm 2007, Lily-Rose Depp đã bị chẩn đoán bệnh suy thận. Cô bé 7 tuổi sau đó phải nhập viện trong 9 ngày do ngộ độc thực phẩm. Sau khi "thời kỳ đen tối nhất trong cuộc đời con gái" qua đi, như Johnny Depp nói trong cuộc phỏng vấn trên The Graham Norton Show, anh ấy đã quyên góp 2 triệu USD cho Bệnh viện Great Ormond Street vào năm sau.

    "Họ nói với chúng tôi rằng thận của con bé đã ngừng hoạt động nhưng may mắn đã mỉm cười, con gái tôi vượt qua được. Trong chín ngày, chúng tôi ngồi bên giường của con và không chịu di chuyển cho đến khi con bé vượt qua", Johnny kể vào năm 2015 khi nhớ lại khoảng thời gian khó khăn.

    Lily-Rose Depp cũng phải chịu đựng chứng biếng ăn khi còn nhỏ. Cô ấy nói về cuộc chiến với chứng rối loạn ăn uống lần đầu vào năm 2016.

    Trong một cuộc phỏng vấn, con gái Johnny Depp thừa nhận cô bị quấy rầy bởi những bình luận chỉ trích về ngoại hình trên mạng xã hội. "Điều đó khiến tôi buồn vì tôi còn trẻ. Những ai từng đối mặt với căn bệnh này đều biết rằng nó khó khăn thế nào. Tôi đã cố gắng tăng cân trong một thời gian dài và tôi tự hào về sự tiến bộ của mình", cô nói với Elle Pháp.

    con gai johnny depp lily rose depp 1
    Lily-Rose Depp bị chứng biếng ăn. Ảnh: Lily-Rose Depp, GellertDepp.

    con gai johnny depp lily rose depp 1

    Đại sứ toàn cầu trẻ nhất của Chanel

    Năm 16 tuổi, Lily-Rose Depp được chọn tham gia chiến dịch quảng cáo đầu tiên của Chanel, ra mắt bộ sưu tập kính mắt ngọc trai của thương hiệu.

    Năm 2016, cô được chọn làm gương mặt đại diện cho Chanel No 5 L'Eau, loại nước hoa dành cho thế hệ trẻ mới nhất của thương hiệu cao cấp. Kể từ đó, cô thường xuyên xuất hiện tại các buổi trình diễn thời trang của Chanel và khoe hàng hiệu trên thảm đỏ.

    Tuy nhiên, sự nổi tiếng của cô khiến người cha Johnny Depp có chút lo ngại. "Những gì đang xảy ra với Lily-Rose là khá sớm. Con bé đã bị Karl Lagerfeld chộp được. Khi tôi nhìn thấy con bé trang điểm, tôi thực sự lo lắng vì con gái có vẻ ngoài thu hút", nam diễn viên thú nhận trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Anh.

    con gai johnny depp lily rose depp 1
    Lily-Rose Depp trở thành gương mặt đại diện cho Chanel khi mới 16 tuổi. Ảnh: Lily-Rose Depp.

    con gai johnny depp lily rose depp 1

    Bỏ học để theo đuổi nghệ thuật

    Lily-Rose Depp bỏ trường dự bị độc quyền ở Los Angeles (Mỹ) năm 2016 để dấn thân vào showbiz. Trong một cuộc phỏng vấn, nữ diễn viên trẻ thừa nhận không thể theo đuổi sự nghiệp diễn xuất mà vẫn đồng thời tham gia các lớp học và làm bài tập về nhà.

    Trả lời việc bố mẹ có phàn nàn con gái bỏ học theo đuổi đam mê, cô cho biết: "Bố mẹ tôi đều rời trường khi mới 15 tuổi, vì vậy họ thực sự không thể nói bất cứ điều gì. Tôi chưa bao giờ nghĩ đại học là mục tiêu của mình. Tôi luôn chỉ muốn làm việc và độc lập. Tôi không có bất kỳ động lực nào để tiếp tục vừa học vừa làm. Tôi đọc rất nhiều sách và tự nghiên cứu những thứ mà tôi quan tâm", Lily-Rose nói với Vogue.

    con gai johnny depp lily rose depp 1
    Lily-Rose Depp nghỉ học sớm để theo đuổi tham vọng diễn xuất và người mẫu. Ảnh: Pop Sugar, Vogue, Lily-Rose Depp.

    con gai johnny depp lily rose depp 1

    con gai johnny depp lily rose depp 1

    Gây xôn xao về giới tính

    Trở lại năm 2015, Lily-Rose Depp gây xôn xao khi tuyên bố mình là người thích tình dục và thuộc cộng đồng LGBTQ+.

    Cô giải thích sau phát ngôn trên: "Tôi làm điều đó chỉ để nói rằng bạn không cần phải dán nhãn giới tính cho bản thân. Tuy nhiên, tuyên bố của tôi khiến mọi người hiểu nhầm tôi là người đồng tính. Tất nhiên là không có gì sai với điều đó! Giới tính không quan trọng, đó là việc riêng của mỗi người và tôi sẽ hẹn hò với bất kỳ ai mà tôi muốn".

    Theo People, chiến dịch LGBTQ + của iO Tillett Wright nhằm tôn vinh 10.000 người Mỹ tự tin xác định giới tính thật và Lily-Rose là người thứ 9.958 tham gia dự án. Chiến dịch này cũng có sự góp mặt của người mẫu đồng nghiệp Cara Delevingne và Amber Heard.

    con gai johnny depp lily rose depp 1
    Johnny Depp và con gái Lily-Rose Depp. Ảnh: Platoon19792.

    Johnny Depp không có gì ngoài lời khen ngợi dành cho con gái. Người cha đầy tự hào nói với truyền thông Anh: "Con bé có hàng nghìn lượt người theo dõi trên mạng xã hội và tất cả đều hoàn toàn ngạc nhiên, trừ tôi. Tôi đã biết vì con gái nói với tôi mọi thứ. Con bé không ngại nói bất cứ điều gì với tôi. Mối quan hệ của chúng tôi khăng khít và tôi tự hào về điều đó".

    Từng hẹn hò với Timothée Chalamet

    Lily-Rose Depp và nam diễn viên Timothée Chalamet gây xôn xao vào năm 2019, khi những bức ảnh họ hẹn hò trên chiếc du thuyền ở Italy được lan truyền. Sau đó, họ xác nhận mối tình lãng mạn ngoài đời thực.

    "Tôi đã ở trên chiếc thuyền này cả ngày với người tôi thực sự yêu và nhắm mắt lại, tôi cảm thấy điều đó thật tuyệt vờiKhi tin tức nổ ra, mọi người cho rằng đây là chiêu trò PR cho bộ phim của chúng tôi", Timothée Chalamet nói với GQ sau đó.

    Cả hai được cho là đã chia tay sau hơn một năm hẹn hò, một số hình ảnh khi họ đi mua sắm ở New York (Mỹ) vào năm 2021 xuất hiện khiến người hâm mộ tò mò về chuyện tình của đôi trẻ.

    con gai johnny depp lily rose depp 1
    Bộ đôi làng thời trang gặp nhau lần đầu tiên khi quay phim The King. Ảnh: Vanity Fair.

    Theo Zing