• Ông James Dyson mua penthouse 5 phòng ngủ tại tháp cao nhất Singapore, sau khi công ty ông quyết định dời trụ sở từ Anh đến quốc đảo này.

    Căn penthouse tại Trung tâm Tanjong Pagar.

    Một tài liệu về quyền sở hữu bất động sản cho thấy tỷ phú Anh James Dyson và vợ Deirdre là người thuê chung căn penthouse trong 99 năm. Mặc dù tài liệu này không nêu giá, truyền thông địa phương đưa tin Dyson đã chi 73,8 triệu đô Sing (54 triệu USD).

    Căn penthouse nằm ở ba tầng trên cùng của tòa tháp cao nhất Singapore Trung tâm Tanjong Pagar (64 tầng, cao 290 m), nằm trong tổ hợp Wallich Residence. Căn hộ có diện tích 1.960 m2, có 5 phòng ngủ, hầm rượu chứa được 600 chai, hồ bơi, bể sục, vườn và khu ngắm cảnh tại tầng 62 với tầm nhìn rộng khắp Singapore. Căn penthouse từng được rao bán với giá 100 triệu đô Sing (73,6 triệu USD).

    Bên trong căn penthouse. Ảnh: Wallich Residence

    Dyson, 72 tuổi, là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất nước Anh với khối tài sản ước tính 5,4 tỷ USD. Ông sáng lập doanh nghiệp thiết bị điện mang tên mình với các sản phẩm như máy hút bụi, máy sấy tay và quạt. Công ty năm nay thông báo họ sẽ chuyển trụ sở từ Anh sang Singapore để gần thị trường châu Á hơn.

    "Với quyết định đặt trụ sở tại Singapore và định hướng tập trung phát triển của doanh nghiệp trong khu vực, tất nhiên James Dyson phải mua bất động sản ở đó", phát ngôn viên công ty Dyson cho biết.

    73,8 triệu đô Sing là mức giá cao nhất từng được trả cho một căn hộ ở Singapore, vượt qua mức 60 triệu USD mà người đồng sáng lập Facebook Eduardo Saverin đã chi để sở hữu một căn penthouse vào năm 2017.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Đằng sau tin đồn gia đình tỷ phú Mukesh Ambani sẽ định cư ở nước ngoài là câu chuyện ngày càng nhiều người thuộc tầng lớp lắm tiền ở Ấn Độ tìm cách rời khỏi đất nước.

    Hai tuần trước, người dân Ấn Độ xôn xao với tin đồn ông Mukesh Ambani - người giàu nhất đất nước kiêm tỷ phú giàu nhất châu Á - chuẩn bị định cư sang Anh cùng gia đình, theo South China Morning Post.

    Nơi ở mới của gia tộc Ambani được đồn đoán là khu đất trị giá 57 triệu bảng Anh (77 triệu USD) mà tập đoàn Reliance Industries do ông Mukesh sở hữu mua hồi đầu năm nay. Sau đó, người đại diện của tập đoàn đã lên tiếng đính chính, gọi tin đồn nhà Ambani sẽ chuyển khỏi Ấn Độ là vô căn cứ.

    gioi sieu giau an do chuyen toi anh 1
    Nhà Ambani đã lên tiếng phủ nhận tin đồn họ sẽ chuyển sang Anh sinh sống. 

    Bản thân gia đình vị tỷ phú cũng đang sinh sống trong một tòa nhà cao 27 tầng mang tên Antilia, tọa lạc ở thành phố Mumbai. Đây vẫn thường được gọi là một trong những tư dinh đắt đỏ nhất thế giới, với chi phí xây dựng trong khoảng 1-2 tỷ USD.

    Trên thực tế, người dân Ấn Độ có lý do để quan tâm và bàn tán về tin đồn kể trên, khi làn sóng tầng lớp giàu có lũ lượt chuyển ra nước ngoài đang theo chiều hướng đi lên.

    Sở hữu hàng loạt bất động sản đắt tiền

    Vào tháng 4, Reliance Industries mua lại khu đất Stoke Park, cách London 40 km để "bổ sung vào hoạt động kinh doanh đang phát triển nhanh của tập đoàn”. Động thái này đưa nhà Ambani vào danh sách tài phiệt Ấn Độ sở hữu bất động sản lớn ở châu Âu.

    Nằm giữa công viên và những khu vườn đồng quê kiểu Anh, điền trang Stoke Park gồm một dinh thự 49 phòng ngủ, khu vườn riêng rộng 140.000 m2, 13 sân tennis, 1 khách sạn 5 sao, 3 nhà hàng, 1 trung tâm spa và thể dục và 1 sân golf 27 lỗ. Nó cũng đã từng làm bối cảnh cho nhiều bộ phim, trong đó có các phần phim về điệp viên James Bond.

    Lakshmi Mittal, chủ tịch của tập đoàn khai thác và thép trị giá 53 tỷ USD ArcelorMittal, cũng sở hữu ba dinh thự ở London.

    Cơ ngơi lớn nhất tại Anh của ông nằm tại đại lộ Bishops, còn được ví von là đường tỷ phú, một trong những khu phố giàu nhất thế giới.

    Một bất động sản khác của ông Mittal được lát bằng đá cẩm thạch nhập khẩu từ cùng một mỏ đá được sử dụng để xây dựng đền thờ Taj Mahal nổi tiếng ở quê nhà. "Cung điện mùa hè" này có phòng tắm theo phong cách Thổ Nhĩ Kỳ, phòng khiêu vũ cùng nhiều tính năng xa xỉ khác.

    gioi sieu giau an do chuyen toi anh 1
    Khu đất Stoke Park thuộc sở hữu của nhà Ambani.

    Năm 2008, ông trùm giàu có này chi tiền mua tặng con trai một dinh thự 12 phòng ngủ và tặng cho con gái món quà tương tự. Cả hai bất động sản đều ở Anh.

    Bốn anh em nhà Hinduja - Srichand, Gopichand, Prakash và Ashok - sở hữu tập đoàn Hinduja Group xuyên quốc gia với tổng tài sản trị giá 31,7 tỷ USD theo tạp chí Forbes, cũng sở hữu những ngôi nhà sang trọng ở London. Bốn ngôi nhà 6 tầng liền kề nhau trị giá khoảng 500 triệu USD.

    Năm nay, Adar Poonawalla, Giám đốc Viện Huyết thanh Ấn Độ, đã chuyển từ thành phố Pune đến một biệt thự rộng 2.300 m2 ở Mayfair, London. Ông Adar được cho là thuê lại từ một tỷ phú Ba Lan với giá 69.000 USD/tuần.

    Trước khi bị bắt, Vijay Mallya (65 tuổi), cựu chủ sỡ hữu hãng hàng không Kingfisher Airlines của Ấn Độ, cũng sống trong một ngôi nhà sang trọng ở khu Cornwall Terrace, London, nhìn ra công viên Regent - nơi được gọi là ốc đảo cho giới siêu giàu.

    Rời khỏi đất nước để dễ làm giàu

    Theo Sushil Aggarwal, nhà tư vấn của công ty bất động sản Purple Bricks có trụ sở tại Anh, các bất động sản đắt tiền ngày càng thu hút sự quan tâm của khách hàng Ấn Độ.

    "Chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi từ nhóm siêu giàu Ấn Độ. Họ bị thu hút bởi chất lượng sống và dịch vụ cao cấp ở Anh", ông Sushil cho biết.

    gioi sieu giau an do chuyen toi anh 1
    Việc di chuyển qua lại giữa Anh và Ấn Độ mất 8 tiếng bay không phải là vấn đề lớn với giới siêu giàu, nhất là khi nhiều người có phi cơ riêng.

    Nhà tư vấn này nói thêm rằng sự sụt giảm giá của các biệt thự sang trọng ở London do sự kiện Brexit, cùng mối quan hệ thương mại đang phát triển giữa Ấn Độ và Anh, cộng với việc nới lỏng các quy định về thị thực giữa hai quốc gia, đang tiếp tục thúc đẩy xu hướng này.

    Theo báo cáo tài sản năm 2019 của công ty bất động sản Knight Frank, London là điểm đến ưa thích của 74% người giàu Ấn Độ. Báo cáo cũng ghi nhận số công dân Ấn Độ chi tiền để mua các khu biệt thự, dinh thự đã tăng 11% so với một năm trước đó.

    Pradeep Sethi, một chủ ngân hàng đầu tư, người rời Mumbai và chuyển đến London cách đây 20 năm, cho biết khả năng kinh doanh dễ dàng ở Anh là điểm thu hút lớn.

    "Tôi không có cảm giác xa lạ khi có nhiều người đồng hương sống cùng khu. Trong trường hợp cần bay về nhà gấp, chuyến bay đến Ấn Độ cũng chỉ mất 8 tiếng", người đàn ông 53 tuổi nói.

    "Hàng nghìn gia đình Ấn Độ gửi con của họ đến Anh để hưởng nền giáo dục tiên tiến hơn. Điều này phần nào thúc đẩy lớp phụ huynh quan tâm hơn vào đầu tư bất động sản địa phương".

    gioi sieu giau an do chuyen toi anh 1
    Lakshmi Mittal (71 tuổi) - chủ tịch tập đoàn thép và khai thác khoáng sản ArcelorMittal.

    Cuộc di cư của giới siêu giàu Ấn Độ hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

    Gần 5.000 triệu phú - tức khoảng 2% tổng số cá nhân có khối tài sản giàu nhất Ấn Độ - đã rời đất nước vào năm ngoái trong nỗ lực “toàn cầu hóa cuộc sống và tài sản của họ”, theo báo cáo Đánh giá Di trú Tài sản Toàn cầu của Ngân hàng AfrAsia.

    Dịch Covid-19 đóng vai trò là động lực lớn. Theo khảo sát mới nhất của công ty tư vấn Henley & Partners có trụ sở tại London, Ấn Độ cũng đứng đầu danh sách những nước có công dân xin cấp visa hoặc quốc tịch Anh bằng cam kết đầu tư.

    Bộ máy hành chính ngột ngạt là ý do khác khiến nhiều doanh nhân Ấn Độ chọn chuyển đi. Năm 2019, ông trùm khai khoáng và kim loại Anil Agarwal cho biết trong quá khứ, ông buộc phải rời khỏi Ấn Độ vì cảm thấy thất vọng khi không thể thực hiện tham vọng kinh doanh của mình.

    Đến Anh vào năm 2003, Agarwal đã có thể phát triển Vendata Resources của mình trở thành công ty Ấn Độ đầu tiên niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán London, từ một doanh nghiệp khiêm tốn trở thành một đế chế trị giá hàng tỷ USD.

    Theo Zing

  • Các gia tộc Hoa kiều nức tiếng ở Việt Nam đã tạo tạo những thương hiệu quen thuộc với người Việt và nắm trong tay khối tài sản đồ sộ.

    Gia tộc Vạn Thịnh Phát

    Trong số những gia tộc Hoa kiều lâu đời ở Việt Nam, Trương gia tộc với tập đoàn Vạn Thịnh Phát chính là cái tên khiến nhiều người phải kiêng dè.

    Người đứng đầu Vạn Thịnh Phát là bà Trương Mỹ Lan (còn có tên gọi khác là Trương Muội) sinh năm 1956, là nữ doanh nhân người Việt gốc Hoa. Bà Trương Mỹ Lan là Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát, doanh nghiệp đang sở hữu nhiều khu đất vàng tại TP HCM.

    gia toc hoa kieu 1Gia tộc họ Trương nổi tiếng với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Internet

    Chồng bà Trương Mỹ Lan là ông Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân bất động sản mang quốc tịch Hồng Kông. Vợ chồng bà Lan có hai người con gái là Chu Duyệt Hằng (sinh năm 1994) và Chu Duyệt Phấn (sinh năm 1995).

    Ngoài bà Trương Mỹ Lan, gia tộc họ Trương còn có hai doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là cha đẻ – ông Trương Chí Trung và cháu – Trương Huệ Vân (sinh năm 1988). Trường Huệ Vân được công chúng biết đến là vợ của ca sĩ Thanh Bùi.

    Vạn Thịnh Phát được bà Trương Mỹ Lan thành lập vào năm 1992, đến nay doanh nghiệp này có vốn điều lệ 13.000 tỷ đồng. Vạn Thịnh Phát cùng với các công ty con sở hữu hàng loạt dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại TP HCM như Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton...

    Gia đình "Vua giày dép" Vưu Khải Thành

    Gia đình "Vua giày dép" Vưu Khải Thành là một trong những doanh nghiệp gia đình gốc Hoa nổi tiếng tại Việt Nam. Thương hiệu Biti’s được gia đình ông Vưu Khải Thành thành lập từ những năm đầu thập niên 80.

    Tiền thân của Biti’s là 2 tổ hợp sản xuất Bình Tiên và Vạn Thành năm 1982 tại đường Bình Tiên, quận 6, TP HCM với 20 công nhân chuyên sản xuất các loại dép cao su đơn giản.

    gia toc hoa kieu 1Gia đình "Vua giày dép" Vưu Khải Thành được biết đến với thương hiệu Bitis's. Ảnh: Internet

    Khoảng đầu thập niên 1990, Biti's chuyển hướng tập trung sang thị trường nội địa và gây được thiện cảm của người dùng Việt nhờ câu “Nâng niu bàn chân Việt”.

    Biti’s cũng là thương hiệu được Forbes Việt Nam định giá hơn 17 triệu USD.

    Gần 40 năm trên thương trường, vợ chồng ông Vưu Khải Thành bắt đầu chuyển giao công việc kinh doanh cho các con. Hiện, con gái của ông, Vưu Lệ Quyên đang nắm giữ chức vụ CEO của Biti’s, trong khi ông Vưu Khải Thành là Chủ tịch HĐQT công ty.

    Gia tộc “Vua gốm sứ” Lý Ngọc Minh

    Là thương hiệu lớn ở cả trong và ngoài nước, Minh Long được mệnh danh là công ty gốm sứ số 1 Việt Nam. Thành lập từ năm 1970 bởi doanh nhân gốc Hoa Lý Ngọc Minh và một người bạn, sản phẩm Minh Long hiện đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới.

    Tình yêu gốm sứ trong doanh nhân nhân Lý Ngọc Minh được truyền lại từ đời ông nội, vốn là người Phúc Kiến, Trung Quốc.

    gia toc hoa kieu 1Doanh nhân Lý Ngọc Minh. Ảnh: Internet

    Sau này, Minh Long tách thành Minh Long 1 và Minh Long 2, trong đó ông Dương Văn Long đi theo hướng sứ công nghiệp, còn ông Lý Ngọc Minh đi theo hướng gốm sứ mỹ nghệ.

    Đáng chú ý, ông Lý Ngọc Minh không phải là người duy nhất trong gia đình theo đuổi nghiệp gốm sứ. Những người em của ông cùng con cái cũng theo đuổi nghiệp kinh doanh.

    Các con của doanh nhân Lý Ngọc Minh là Lý Huy Sáng, Lý Huy Đạt, Lý Kha Trân, Lý Huy Bửu đều tham gia vào các hoạt động điều hành của Minh Long 1.

    Theo Kiến Thức

  • Chứng khoán sụt giảm, nhiều kỳ lân bị giảm giá trị và lãi suất tăng là những nguyên nhân khiến những người giàu nhất thế giới phải trải qua một năm đi xuống. Trên toàn cầu, Forbes đã thống kê được có 2.640 người sở hữu tài sản từ mười con số, giảm so với mức 2.668 vào năm ngoái. Tổng cộng, các tỷ phú trên hành tinh hiện có tài sản trị giá 12,2 nghìn tỷ USD, giảm 500 tỷ USD từ so với mức 12,7 nghìn tỷ USD vào tháng 3 năm 2022.

    Đáng nói, gần một nửa những người có trong danh sách hiện “nghèo hơn” so một năm trước, bao gồm cả Elon Musk, người đã tụt từ vị trí số 1 xuống số 2 sau thỏa thuận mua lại Twitter đắt đỏ khiến cổ phiếu Tesla lao dốc.

    ty phu forbes 2023

    Bernard Arnault, người đứng đầu tập đoàn hàng xa xỉ LVMH hiện là nhân vật soán ngôi vị trí người giàu nhất thế giới của Elon Mus. Đây là lần đầu tiên một công dân Pháp dẫn đầu bảng xếp hạng. Mỹ vẫn tự hào là nơi có nhiều tỷ phú nhất, với 735 thành viên trong danh sách, nắm giữ khối tài sản trị giá 4,5 nghìn tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ hai với 562 tỷ phú, nắm giữ 2 nghìn tỷ USD, tiếp theo là Ấn Độ, với 169 tỷ phú nắm giữ 675 tỷ USD.

    Trong danh sách năm nay, Việt Nam góp mặt 6 đại diện gồm ông Phạm Nhật Vượng (4,6 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (2,3 tỷ USD), ông Trần Đình Long (1,8 tỷ USD), ông Nguyễn Đăng Quang (1,2 tỷ USD), ông Trần Bá Dương (1,5 tỷ USD) và ông Hồ Hùng Anh (1,5 tỷ USD).

    Đáng chú ý, Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn chính thức bị xoá tên khỏi bảng xếp hạng năm nay, sau lần đầu tiên được Forbes ghi nhận là tỷ phú đô la vào năm 2022 với tài sản khi đó là 2,9 tỷ USD.

    Điều đặc biệt là trong tấm ảnh bìa công bố danh sách tỷ phú của Forbes năm nay có sự xuất hiện của 1 người gốc Việt là David Tran – nhà sáng lập và chủ sở hữu Huy Fong Foods hiện nắm trong tay khối tài sản 1 tỷ USD. Tháng 12/1978, David Trần, 33 tuổi, bán một phần số vàng tích lũy được, chơi lớn, mua một tòa nhà rộng hơn 200 mét vuông tại khu người Hoa và thành lập công ty Huy Fong chuyên sản xuất loại tương ớt độc nhất có tên Sriracha dựa theo công thức chuẩn người Thái.

    Hơn 4 thập kỷ sau, Sriracha có mặt trên Survivor, Trạm vũ trụ quốc tế và vô số bàn ăn trên toàn thế giới. Theo công ty nghiên cứu thị trường NPD Group, thương hiệu mang logo con gà trống nắp xanh này xuất hiện tại gần như 10% các nhà bếp trên khắp nước Mỹ, đồng thời xếp thứ ba trên thị trường tương ớt trị giá 1,5 tỷ USD . Vượt qua nó là Tabasco thuộc sở hữu của gia đình McIlhenny từ năm 1868 và Frank's RedHot thuộc sở hữu của gã khổng lồ gia vị McCormick & Co.

    Ngày nay Huy Fong trị giá 1 tỷ USD dựa trên doanh thu ước tính 131 triệu USD vào năm 2020, theo công ty nghiên cứu IBISWorld. Điều đó biến ông Trần, người đàn ông năm nay ngoài 70 tuổi, trở thành tỷ phú tương ớt đầu tiên tại Mỹ.

    Cafebiz (Nguồn: Forbes)