• Một vệt đen dưới móng tay tưởng chừng vô hại có thể là dấu hiệu của ung thư hắc tố nguy hiểm. Phát hiện sớm có thể cứu sống, bỏ qua có thể trả giá bằng cả ngón tay.

    Dù hiếm gặp, ung thư móng – đặc biệt là ung thư hắc tố dưới móng – lại cực kỳ nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nhiều người thường nhầm lẫn các dấu hiệu ban đầu với chấn thương nhẹ hoặc nấm móng, khiến bệnh âm thầm tiến triển và dễ di căn. Việc nhận diện đúng các biểu hiện bất thường là chìa khóa quan trọng để bảo vệ sức khỏe và tính mạng.

    Biểu hiện nào ở móng tay là tín hiệu báo động?

    Một đường sọc nâu hay đen dọc dưới móng tay – đặc biệt ở ngón cái hoặc ngón chân cái – đôi khi bị xem nhẹ vì nghĩ là do va đập hoặc móng bị kẹt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm, đây lại là biểu hiện sớm của ung thư hắc tố dưới móng (subungual melanoma) – một dạng ung thư da nguy hiểm, có khả năng di căn và gây tử vong.

    ung thu mong 1
    Hình ảnh vệt đen dưới móng cảnh báo u hắc tố – dấu hiệu thường bị nhầm với chấn thương. Ảnh minh họa

    Theo thống kê từ các tổ chức y tế quốc tế và bệnh viện chuyên khoa tại Việt Nam, ung thư hắc tố dưới móng chiếm khoảng 0,7–3,5% các trường hợp u hắc tố trên toàn thế giới. Tuy hiếm gặp, nhưng đây là căn bệnh có tiên lượng xấu nếu phát hiện muộn, với tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ còn khoảng 15–20% khi đã có di căn.

    Phân biệt với các tổn thương lành tính

    Có nhiều tình trạng khiến móng thay đổi màu sắc hoặc hình dạng như:

    • Chấn thương móng: Gây tụ máu bầm dưới móng, thường đau, màu sậm đều, và tự khỏi theo thời gian.
    • Nhiễm nấm: Làm móng dày, vàng, giòn nhưng không gây sọc màu đen dọc móng.
    • U lành tính ở móng như onychomatricoma (u mầm móng) hoặc onychopapilloma cũng có thể làm móng biến dạng, dày, có sọc trắng hoặc đỏ.

    Tuy nhiên, ung thư móng – đặc biệt là u hắc tố – có một số dấu hiệu nhận diện riêng biệt:

    • Vệt sọc nâu/đen xuất hiện dọc theo móng, không biến mất sau vài tuần.
    • Màu sắc không đồng nhất, đậm nhạt khác nhau, có thể lan ra vùng da quanh móng (gọi là dấu hiệu Hutchinson).
    • Móng tách khỏi giường móng, dễ gãy, đau hoặc chảy máu.
    • Không có tiền sử chấn thương, đặc biệt ở người lớn tuổi hoặc da sẫm màu.

    Những dạng ung thư có thể xảy ra ở móng

    1. U hắc tố dưới móng (Subungual Melanoma)

    Là loại thường gặp nhất trong nhóm ung thư móng. Xuất phát từ các tế bào tạo sắc tố dưới móng. Thường bị nhầm với chấn thương hoặc tụ máu dưới móng nên dễ bỏ sót.

    2. Ung thư biểu mô tế bào vảy (Squamous Cell Carcinoma – SCC)

    Tổn thương thường loét, dày, có vảy, dễ chảy máu. Có thể xâm lấn xuống xương, gây đau và biến dạng móng. MRI là công cụ hỗ trợ đánh giá mức độ xâm lấn hiệu quả.

    3. Ung thư biểu mô tại chỗ (Bowen Disease)

    Là tổn thương tiền ung thư, biểu hiện như mảng đỏ bong vảy kéo dài ở quanh móng. Cần sinh thiết để xác định và xử lý sớm.

    Chẩn đoán ung thư móng

    Để xác định một tổn thương móng có phải ung thư hay không, các bác sĩ da liễu sẽ:

    • Soi da bằng dermatoscope: Đánh giá các đặc điểm vi thể về sắc tố, rìa móng, và biểu hiện lan ra vùng da quanh móng.
    • Chụp MRI vùng ngón tay/chân: Xác định mức độ xâm lấn của tổn thương vào xương, mô mềm.
    • Sinh thiết móng: Là phương pháp chẩn đoán xác định duy nhất, giúp phân biệt u hắc tố, SCC hoặc tổn thương lành tính.

    ung thu mong 1
    So sánh móng tay bình thường và móng bị ung thư hắc tố với sọc sắc tố bất thường và loét. Ảnh minh họa

    Điều trị ung thư móng

    Với ung thư hắc tố dưới móng hoặc SCC, phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ tổn thương. Nếu đã xâm lấn sâu, có thể phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ ngón.

    Trong trường hợp tổn thương lan rộng, bệnh nhân có thể cần xạ trị, hóa trị hoặc điều trị miễn dịch tùy thuộc giai đoạn bệnh.

    Đối với các khối u lành tính như onychomatricoma, phẫu thuật bóc tách đơn giản sẽ giúp khôi phục hình dạng và chức năng móng.

    Lời khuyên của bác sĩ

    Một trong những yếu tố quyết định tiên lượng sống của bệnh nhân là thời gian phát hiện 

    • Nếu phát hiện sớm (giai đoạn tại chỗ): Tỷ lệ sống sau 5 năm lên đến 90–95%.
    • Nếu phát hiện muộn (đã di căn hạch hoặc xa): Tỷ lệ sống giảm còn dưới 20%.

    Các bác sĩ da liễu khuyến cáo:

    • Kiểm tra móng thường xuyên, đặc biệt khi thấy có sọc màu bất thường, vết loét dai dẳng hoặc móng tách rời không do chấn thương.
    • Không nên tự ý điều trị bằng thuốc bôi hoặc cắt móng khi có tổn thương lạ. Cần đến bác sĩ chuyên khoa da liễu hoặc phẫu thuật tạo hình để được chẩn đoán chính xác.
    • Đối với những người có tiền sử gia đình ung thư da hoặc bản thân từng bị u ác tính, hãy đặc biệt chú ý đến mọi thay đổi ở móng và vùng da quanh móng.

    Ung thư móng là một bệnh lý hiếm gặp nhưng nguy hiểm, dễ bị bỏ qua do biểu hiện không đặc hiệu. Phát hiện sớm qua các dấu hiệu bất thường nhỏ ở móng tay/chân là cách hiệu quả nhất để cứu sống người bệnh. 

    Theo Suckhoedoisong

  • Nữ sinh viên đã phải cắt bỏ ngón tay cái của mình sau khi phát triển một dạng ung thư hiếm gặp có liên quan đến thói quen cắn móng tay.

    sec 28358794 2665

    Từ năm 2014, Courtney Whithorn bắt đầu cắn móng tay mỗi khi bị bắt nạt ở trường. Thói quen này của cô trở nên tệ đến mức có lúc cô cắn đứt cả móng tay mà không biết chỉ đến khi thấy ngón tay chảy máu bi thương.

    viethome Courtney Whithorn 2Courtney cho biết thường xuyên cắn móng tay trong vô thức mỗi khi căng thẳng, lo lắng.

     Sau đó, cô gái 20 tuổi nhận thấy ngón cái của mình bắt đầu chuyển sang màu đen nhưng cố gắng giữ bí mật với bạn bè và gia đình trong suốt 4 năm. Cuối cùng, cô sinh viên chuyên ngành tâm lý mới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hiếm gặp gọi là u hắc tố ác tính dưới da và căn bệnh có thể liên quan đến những tổn thương nghiêm trọng gây ra trong quá trình cắn móng tay.

    viethome Courtney Whithorn 6

    Ban đầu chỉ là những tổn thương nhỏ...

    viethome Courtney Whithorn 3

    ...nhưng rồi ngón tay cô bắt đầu chuyển sang màu đen.

    Kể từ khi nhận được chẩn đoán gây sốc vào tháng 7, Courtney đã trải qua 4 ca phẫu thuật để cứu lấy ngón tay mình. Đáng tiếc là mọi chuyện không thành công như mong đợi và dù đã cố gắng loại bỏ các tế bào ung thư nhưng cô vẫn phải cắt bỏ ngón cái vào đầu tháng 9 này.

    viethome Courtney Whithorn 1

    Sau mọi nỗ lực điều trị, Courtney vẫn phải cắt cụt ngón tay.

    "Khi phát hiện ra việc cắn móng tay là nguyên nhân gây ung thư, tôi đã cảm thấy suy sụp. Tôi liên tục nắm bàn tay thành nắm đấm chỉ bởi vì không muốn bất cứ ai nhìn thấy nó, kể cả cha mẹ.

    Do cảm thấy hơi hoảng loạn khi da bắt đầu chuyển sang màu đen nên tôi đã cho họ xem lần đầu tiên trong năm nay. Tôi thậm chí không thể giải thích về hành động vô thức của mình. Tôi luôn luôn sử dụng móng tay giả để che giấu vì móng tay của tôi quá đen. Móng tay giống như giấy khi bắt đầu mọc lại", nữ sinh đến từ Newton Aycliffe, hạt Durham nhưng hiện tại đang sống ở thành phố Gold Coast, Úc, chia sẻ.

    viethome Courtney Whithorn 7

    viethome Courtney Whithorn 4

    Courtney cho biết ban đầu khi đến thăm khám đã được giới thiệu đến gặp một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Bác sĩ nghĩ nên tháo lớp móng tay của cô để loại bỏ màu đen rồi đặt một miếng da ghép lên. Tuy nhiên trước khi phẫu thuật, bác sĩ lại cảm thấy có điều gì đó sai và quyết định làm sinh thiết.
     
    Sáu tuần sau, Courtney được gửi đến một chuyên gia ở Sydney vì các bác sĩ cũng không biết liệu kết quả sinh thiết có phải là ung thư không. Khi đến đó, cô được tiến hành nhiều xét nghiệm hơn và được thông báo đó là một khối u ác tính hiếm gặp, đặc biệt với kích thước của khối u và với một người ở độ tuổi như Courtney.

    viethome Courtney Whithorn 5

    Bạn cùng lớp Tyson Donnelly đã giúp Courtney thoát khỏi sự cô lập và hai người đã hẹn hò được 4 năm.

    Courtney muốn chia sẻ câu chuyện của mình để nâng cao ý thức cho mọi người. Một thói quen xấu cũng có thể là nguyên nhân gây chết người.
     
    Viethome (theo Dân Trí)