• Một người đàn ông đã bị bắt khi đang cố đưa hơn 100 con rắn sống vào Trung Quốc đại lục bằng cách nhét chúng trong quần.

    buon lau ran
    Những con rắn sống với đủ loại hình dạng, kích cỡ và màu sắc mà người đàn ông giấu trong quần - Ảnh: CNN

    Thông tin từ Hải quan Trung Quốc, nhân viên hải quan đã chặn một nam du khách tìm cách từ đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) vào thành phố Thâm Quyến.

    Khi kiểm tra, các nhân viên hải quan phát hiện trong các túi quần của nghi phạm có 6 túi vải có dây rút và được dán kín bằng băng keo. Sau khi mở ra, hải quan phát hiện mỗi túi đều chứa rắn sống với đủ loại hình dạng, kích cỡ và màu sắc.

    Cơ quan chức năng đã thu giữ tổng cộng 104 con thuộc loài bò sát có vảy, trong đó có rắn sữa và rắn ngô, cùng nhiều con không phải là loài bản địa.

    Hải quan nhấn mạnh những người vi phạm quy định pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, song không nêu rõ hình thức xử lý đối với đối tượng nói trên.

    Những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã có những biện pháp mạnh chống lại các hoạt động buôn bán trái phép động vật.

    Luật an toàn sinh học, ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, được thông qua năm 2020, cấm người dân đưa các loài không có nguồn gốc bản địa vào Trung Quốc.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Hơn 100kg vàng được cho là liên quan đến một băng đảng ma túy đã bị lực lượng chức năng tịch thu trên một phi cơ riêng.

    buon lau vang heathrow 1

    Sự việc đáng chú ý xảy ra vào năm 2019. Theo đó, lực lượng an ninh tại sân bay Heathrow (London, Anh) đã tịch thu lô vàng thỏi trị giá gần 5 triệu USD, được cho là có liên quan đến các băng đảng ma túy ở Nam Mỹ.

    Theo báo cáo, lô vàng bị bắt giữ ở London (Anh) khi đang được vận chuyển từ quần đảo Cayman đến Thụy Sĩ trên một phi cơ riêng của Venezuela.

    Lô vàng nặng 103kg, có giá trị gần 5 triệu USD (tương đương hơn 127 tỷ đồng theo tỉ giá hiện tại).

    buon lau vang heathrow 1

    Cơ quan tội phạm quốc gia Anh (NCA) nghi ngờ đây có thể là một vụ rửa tiền. “Chúng tôi tin rằng lô hàng này liên quan đến các băng đảng ma túy ở Nam Mỹ”, quan chức sân bay Heathrow nói. “Mô hình hoạt động của các tổ chức tội phạm kiểu này chủ yếu bao gồm việc chuyển tiền qua biên giới để tiếp tục đầu tư vào các hoạt động phi pháp.”

    Nick Jariwalla, giám đốc cơ quan xuất nhập cảnh tại Heathrow, nhấn mạnh rằng việc tịch thu một lượng vàng lớn là đòn giáng mạnh vào túi tiền của các nhóm tội phạm có tổ chức. Số vàng trên sẽ là một phần trong cuộc điều tra về hoạt động rửa tiền quốc tế do giới chức quần đảo Cayman dẫn đầu, với sự hỗ trợ từ NCA.

    Thực tế, những trường hợp phát hiện số vàng khủng ở sân bay hoặc trên máy bay không phải là hiếm.

    Cùng năm 2019, cơ quan chức năng ở Bangladesh đã phát hiện số vàng lớn trên chuyến bay mang số hiệu 128 của hãng hàng không Binman Airlines đi từ Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tới sân bay quốc tế Hazrat Shahjalal ở Dhaka, Bangladesh.

    Tổng cộng 106 thỏi vàng nặng gần 12kg đã bị thu giữ sau khi được tìm thấy bên trong phòng vệ sinh của một máy bay Boeing 777 thuộc hãng hàng không Biman Airlines của Bangladesh.

    Số vàng được gói lại bằng băng keo, dính chặt vào mặt sau của một tấm gương soi trong phòng vệ sinh máy bay.

    Theo phỏng đoán của giới chức Bangladesh, đây có thể là số vàng được buôn lậu qua đường hàng không.

    Phó giám đốc Cơ quan Hải quan Bangladesh Othello Chowdhury cho biết, với sự hỗ trợ của Cục Tình báo An ninh Quốc gia, cơ quan này đã phát hiện và thu giữ toàn bộ số vàng trên, ước tính giá trị gần 500.000 USD (hơn 12 tỷ đồng).

    Dựa trên phân tích dữ liệu chuyến bay từ Flight Aware, chiếc Boeing 777-300 mang số hiệu 128 cất cánh từ UAE đã đáp xuống Chittagong, Bangladesh trước đó, rồi sau đó mới tiếp tục bay tới Dhaka cách đó 273 km.

    Chittagong là thành phố nhỏ 2,5 triệu dân của Bangladesh, trong khi số dân tại thủ đô Dhaka là hơn 14,4 triệu người. Việc một chiếc máy bay cỡ lớn như Boeing 777-300 dừng chặng ngắn như vậy là điều bất thường.

    Ông Othello Chowdhury cho biết số vàng được quan chức hải quan phát hiện nhờ thông tin từ lực lượng tình báo quốc gia Bangladesh.

    Trước đó, vào năm 2018, một nhân viên vệ sinh cũng đã bất ngờ phát hiện 7 thỏi vàng (mỗi thỏi nặng 1kg) trong thùng rác tại sân bay Incheon (Hàn Quốc).

    Theo tờ Korea Times, số vàng trên được nhân viên vệ sinh giấu tên tìm thấy trong thùng rác tại sân bay quốc tế Incheon hôm 26/4.

    Bảy thanh vàng (mỗi thanh nặng 1kg) được định giá lên tới 350 triệu won.

    Cảnh sát cho rằng việc số vàng được gói kĩ trong giấy báo cho thấy chúng có thể đã bị chủ nhân ném đi vội vàng vì sợ bị bắt.

    Nếu không ai đứng ra nhận số vàng này trong vòng 6 tháng kể từ khi phát thông báo, nhân viên vệ sinh may mắn nói trên có thể sẽ được hưởng toàn bộ tài sản theo quy định hiện hành của Hàn Quốc. Ngay cả khi chủ nhân xuất hiện, người nhặt được tài sản vẫn có thể được chia 5-20 % giá trị số vàng.

    Tuy nhiên, trong trường hợp cảnh sát chứng minh được đây là tài sản tích trữ phạm pháp hoặc có liên quan đến hành động hình sự, thì người tìm thấy số vàng nói trên sẽ không được phép nhận chúng.

    Theo Nguoiduatin

  • nu tiep vien 3 WQLJ

    Một nữ tiếp viên đã bị bắt tại sân bay sau khi bị phát hiện giấu lượng lớn vàng trong người.

    Những ngày qua, Ấn Độ xôn xao trước thông tin một nữ tiếp viên hàng không nước này bị bắt tại sân bay với cáo buộc buôn lậu. Theo Tổng cục tình báo Tiền tệ Ấn Độ (DRI), lực lượng chức năng phát hiện người này giấu 960g vàng dạng hỗn hợp trong trực tràng. Dù việc buôn lậu vàng qua đường hàng không vốn không hiếm tại Ấn Độ nhưng đây là lần đầu tiên nghi phạm bị phát hiện giấu vật phẩm này trong cơ thể.

    Truyền thông Ấn Độ cho biết nữ nghi phạm của vụ việc là Surbhi Khatun, 26 tuổi, đến từ Kolkata. Cô này nổi tiếng xinh đẹp và thường xuyên chia sẻ những hình ảnh về cuộc sống sang chảnh lên MXH. Trang TV9hindi dẫn lời nguồn tin từ cơ quan chức năng cho biết Khatun đã nhiều lần buôn lậu vàng trong quá khứ, cũng dùng thủ pháp tương tự. Nếu trót lọt, cô này sẽ nhận được một khoản tiền công nhất định.

    giau vang
    Surbhi Khatun thường xuyên chia sẻ những hình ảnh sang chảnh về cuộc sống

    Hiện tại, Khatun đã bị chuyển đến một nhà tù dành riêng cho nữ, bị tạm giam trong vòng 14 ngày. Nhiều khả năng sau khi thời hạn này kết thúc, một lệnh tạm giam mới dành cho Khatun sẽ được ban bố.

    Cảnh sát vẫn đang mở rộng điều tra để xác định thêm các nghi phạm liên quan. Nguồn tin từ DRI mới đây cho biết đã bắt được một mắt xích quan trọng của đường dây buôn lậu vàng liên quan đến Khatun.

    Người đàn ông này có tên Suhail, được cho là kẻ chủ mưu đứng sau vụ việc. Kẻ này đã thực hiện hơn 20 vụ buôn lậu vàng thông qua tiếp viên hàng không. Cơ quan chức năng đang tiếp tục khai thác lời khai từ Suhail.

    Kênh 14 (theo phunumoi)

  • Kiểm tra hành lý của người phụ nữ này, nhân viên an ninh sân bay không thấy có điểm gì lạ. Sau khi xem hộ chiếu, một điều khiến họ chú ý là lịch trình di chuyển dày đặc của nữ hành khách.

    so bo kho 1
    Vụ việc đã diễn ra từ năm 2017, song mới đây nó tiếp tục được chia sẻ trở lại và thu hút sự chú ý của nhiều người.

    Theo Sohu vào năm 2017, trong lúc làm nhiệm vụ, Dương Tứ Linh, nhân viên an ninh tại một sân bay quốc tế của Trung Quốc bất ngờ phát hiện nữ hành khách di chuyển khó khăn trong khu vực sân bay. Cô ta đi khập khiễng như thể sắp ngã. Theo yêu cầu của công việc, nữ nhân viên an ninh lại gần nhằm ngỏ ý giúp đỡ. Tuy nhiên, người này lại tỏ ra không cần và nói rằng bản thân vẫn ổn.

    Đi được vài bước, cô ta ngã khuỵu xuống. Nhận thấy không ổn, Tứ Linh đến gần để dìu hành khách đến ghế ngồi gần đó. Từ đây, cô bắt đầu hỏi chuyện người phụ nữ này.

    Nữ hành khách cho biết chân cô bị đau do ngã xe. Hiện cô đang chờ chuyến bay để di chuyển sang Ấn Độ.

    Với nghiệp vụ nghề nghiệp, Dương Tứ Linh có nhiều nghi ngờ về người phụ nữ này. Chính vì thế, cô yêu cầu được kiểm tra hành lý và hộ chiếu của hành khách.

    Lật giở cuốn hộ chiếu, Từ Linh nhận thấy người này có lịch trình di chuyển dày đặc từ Trung Quốc đi các nước trong khu vực châu Á. Chỉ cách đó 3 ngày, người phụ nữ này mới trở về từ Hàn Quốc.

    Khi được hỏi đang làm công việc gì, người này ấp úng nói rằng mình đang mở công ty. Lịch trình di chuyển nhiều như vậy là để gặp gỡ đối tác ở nước ngoài. Tuy nhiên, khi được hỏi thêm công ty đang kinh doanh gì, nữ hành khách im lặng, không nói gì thêm. Kiểm tra thêm hành lý, Tứ Linh không phát hiện ra điều gì bất thường.

    Lúc này, nữ hành khách dường như không thể chịu được cơn đau ở phần chân. Cô liên tục ôm đùi bên phải và kêu đau. Tuy nhiên, cô lại không cho bất kỳ ai động vào.

    Dựa theo kinh nghiệm trước đó, nhân viên an ninh sân bay cho rằng chắc chắn người phụ nữ này đang vận chuyển 1 mặt hàng cấm nào đó. Ngay lập tức, đội y tế và an ninh của sân bay có mặt để can thiệp. Họ yêu cầu người phụ nữ di chuyển qua máy kiểm tra an ninh.

    Hình ảnh hiển thị trên màn hình phát hiện 1 bên đùi của người phụ nữ này có một vật thể lấp lánh được kẹp dưới da giữa các cơ đùi.

    so bo kho 1

    Ban đầu, người phụ nữ không nói đó là thứ gì. Cô khẳng định mình không biết gì. Để không mất thời gian của đôi bên, nhân viên an ninh yêu cầu bộ phận y tế của sân bay làm nhiệm vụ lấy vật thể đó ra ngoài để kiểm tra.

    Những nhân viên y tế của của sân bay đã đưa người phụ nữ này đến bệnh viện gần đó. Sau khi xử lý để lấy chiếc túi ra, một vị bác sĩ cho biết thật may mắn khi phát hiện kịp thời. Nếu không, người phụ nữ lên máy bay sẽ bị xuất huyết và nguy hiểm đến tính mạng do áp suất trên cao. Còn về chiếc túi giấy bạc trong người phụ nữ, họ phát hiện bên trong là 1kg bột vàng nhão.

    Theo quy định của luật pháp Trung Quốc, hành khách mang vàng với trọng lượng vượt quá 50g ra khỏi lãnh thổ phải khai báo với hải quan. Vàng là kim loại quý, có vai trò quan trọng đối với kinh tế quốc gia, đặc biệt là sự ổn định của thị trường tài chính. Vậy nên, bất kỳ ai trốn tránh sự kiểm soát của hải quan để mang kim loại quý ra nước ngoài đều bị xem là hành vi buôn lậu bất hợp pháp và phải chịu sự hình phạt trước pháp luật.

    Nạn buôn vàng lậu ngày càng gia tăng với nhiều mánh khóe, bao gồm việc biến thứ kim loại quý này thành dạng bột nhão để thuận lợi cất giấu. Bột vàng nhão này được tạo ra bằng cách nấu nóng chảy vàng nguyên chất ở nhiệt độ cao và pha thêm tạp chất để tạo thành hỗn hợp đặc sệt. Sau đó, muốn chiết xuất được vàng, hỗn hợp đặc sệt này sẽ được chuyển thành dạng bột khô và rửa bằng dung dịch hóa chất. Toàn bộ quá trình này có thể mất đến 9-12 tiếng.

    Sau khi bị phanh phui, nhân viên an ninh đã chuyển vụ việc này cho cảnh sát để lấy lời khai. Người phụ nữ này thú nhận về hành vi của mình. Cô cho biết trước đây từng đi làm thuê tại các cửa hàng ăn. Tuy nhiên, công việc này có lương thấp trong khi áp lực tài chính quá lớn. Nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, cô dấn thân vào con đường vi phạm pháp luật này.

    so bo kho 1

    Người này cho biết mỗi phi vụ thành công, cô có thể được trả thù lao cao gấp 10 lần mức lương làm việc tại nhà hàng trước đó. Đối tượng cũng tiết lộ 1 người đàn ông họ Hứa là chủ đường dây này.

    Dựa vào 1 vài manh mối do người phụ nữ này cung cấp, đội cảnh sát đã bắt giữ được 50 đối tượng có liên quan, trong đó có những người chuyên vận chuyển như người nữ này, số khác chỉ làm giấy tờ, hộ chiếu…

    Tính đến thời điểm bị phát hiện, đường dây này đã vận chuyển trót lọt hơn 100 lần buôn lậu với tổng số lượng lên đến hơn 200kg vàng, trị giá hơn 30 triệu NDT (khoảng 105 tỷ đồng).

    Nhịp sống Thị trường (theo Sohu)

  • tich thu vang o heathrow 1
    Trước đó số vàng đã được vận chuyển từ Venezuela tới quần đảo Cayman bằng máy bay riêng. Ảnh: National Crime Agency

    Các băng đảng ma túy Nam Mỹ chuẩn bị rửa số vàng trị giá 4 triệu bảng nhưng âm mưu của chúng đã bị chặn đứng ở Heathrow. Việc vận chuyển số vàng nặng 104kg bị phát hiện vào tháng 6-2019 trong một chuyến hàng trên máy bay tư nhân.

    Máy bay này xuất phát từ Venezuela đến quần đảo Cayman, sau đó đến Thụy Sĩ thông qua Heathrow. Cảnh sát thuộc Cục chống Tội phạm Quốc gia (NCA) đã làm việc chặt chẽ với chính quyền đảo Cayman và phát hiện các giấy tờ đã được làm giả để che giấu nguồn gốc của số vàng từ Venezuela. 

    Những người liên quan đến việc tổ chức và vận chuyển số vàng này đều liên quan đến tội phạm có tổ chức. 

    tich thu vang o heathrow 1
    Vàng được vận chuyển từ quần đảo Cayman đến Thụy Sỹ thông qua sân bay Heathrow. Ảnh: National Crime Agency

    NCA đã xin được lệnh phục hồi dân sự hơn 80% số vàng theo luật Proceeds of Crime Act (trưng thu tài sản phạm tội). 20% vàng còn lại sẽ được trả về cho các công ty có lợi ích tài chính liên quan. 

    Một chỉ huy thuộc NCA, ông Andy Noyes cho biết: "Tội phạm rất quan tâm đến vàng vì đây là một cách để lưu thông ma túy và tiền bẩn vì chỉ cần một lượng vàng nhỏ cũng có giá trị rất cao. Cuộc điều tra của chúng tôi cho thấy việc vận chuyển vàng có liên quan đến các băng đảng ma túy ở Nam Mỹ, nhưng chúng tôi đã chặn đứng âm mưu này trước khi vàng cập đến Thụy Sỹ. Việc này giúp chặn đứng kế hoạch kết nối giữa các băng đảng Nam Mỹ với các băng đảng hải ngoại".

    Bài liên quan: Ly kỳ vụ hải quan phá âm mưu buôn lậu 225kg vàng ở sân bay

    Theo Đài RT (Nga) ngày 19-8, Cơ quan Hải quan Liên bang Nga (FTS) cho biết họ vừa ngăn chặn thành công âm mưu buôn lậu 225kg vàng trị giá 760 tỉ rúp (12,7 triệu USD) qua sân bay ở thủ đô Matxcơva.

    buon lau vang
    Tổng cộng 71 thỏi vàng được tìm thấy trong vụ buôn lậu qua sân bay ở Matxcơva - Ảnh: FTS

    Vụ buôn lậu vàng nói trên diễn ra hôm 11-8 tại sân bay quốc tế Vnukovo ở Matxcơva, có sự tham gia của 2 nhóm du khách, mỗi nhóm gồm 3 người.

    Nhóm đầu tiên, gồm 3 công dân Armenia, nhét vàng vào vali và đưa số vàng này đến sân bay. Do Armenia là thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), nhóm này không chịu sự kiểm soát của hải quan.

    Sau khi vào bên trong sân bay, nhóm này trao đổi vali với nhóm thứ hai gồm 3 công dân Nga mang theo các túi trống. Những người Nga này lúc đó đang chuẩn bị lên đường tới Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

    Tuy nhiên, các nhân viên hải quan theo dõi camera an ninh của sân bay đã nhận thấy điều kỳ lạ khi phát hiện nhóm hành khách người Armenia chật vật kéo những chiếc vali có bánh xe.

    Bắt đầu theo dõi nhóm hành khách người Armenia và thấy họ trao đổi hành lý với nhóm người Nga, các nhân viên hải quan quyết định kiểm tra trực tiếp nhóm hành khách Nga.

    "Những kẻ buôn lậu với số hàng hóa có giá trị đã bị lực lượng hải quan sân bay Vnukovo bắt giữ sau khi nhóm này đã lên máy bay" - FTS thông tin, và cho biết họ đã phát hiện hàng chục thỏi vàng khi kiểm tra túi của các nghi phạm trên máy bay.

    Báo Kommersant sau đó cho biết tổng cộng số vàng được vận chuyển trái phép là 71 thỏi, trong đó 14 thỏi có trọng lượng 12kg/thỏi và 57 thỏi có trọng lượng dưới 1kg/thỏi.

    Các công tố viên cho biết nhóm nghi phạm có thể bị buộc 3 tội danh, trong đó có buôn lậu hàng hóa. Một tòa án ở Matxcơva đã ra lệnh giam giữ 3 công dân Armenia đến ngày 11-9, còn nhóm 3 công dân Nga đã được thả trong lúc chờ xét xử sau khi họ ký cam kết không rời khỏi Matxcơva.

    Viethome (theo ITV News)

  • xe sang bi danh cap 1
    Một chiếc xe Range Rover suýt nữa thì bị buôn lậu sang nước ngoài. Ảnh: SWNS

    Hơn 600 chiếc xe, trong đó có cả Range Rover, đã bị cắt làm đôi với những phụ tùng như vô lăng, đèn pha, cản xe... Tất cả đều được nhét vào những thùng container để chuẩn bị xuất sang nước ngoài. 

    Hơn 600 chiếc xe sang trị giá hơn 14 triệu bảng đã bị cảnh sát tịch thu. Cảnh sát cho biết nhiều trong số đó đã bị ăn trộm để xuất sang nước ngoài bán với giá cao.

    Cảnh sát đã tịch thu được con số kỷ lục là 626 phương tiện và nhiều phụ tùng trị giá hơn 14 triệu bảng trong năm 2022, tăng 30% so với năm 2021. 

    Chiếc xe đắt nhất bị tịch thu là một chiếc Rolls-Royce Dawn trị giá 350,000 bảng. Nó được nhét trong container để đưa đến Dubai vào tháng 1-2021. Trong container còn có phụ tùng được lấy từ 8 chiếc Range Rover khác.

    xe sang bi danh cap 1
    Một chiếc Range Rover đã bị cắt làm đôi. Ảnh: SWNS

    Chiếc Range Rover Sport mất trộm được tìm thấy trong container

    Chiếc Range Rover Sport bị mất cắp thuộc sở hữu của cặp vợ chồng sinh sống ở Essex (Anh) đã được tìm thấy trong một container tại bến cảng, ngay trước khi nó được vận chuyển ra nước ngoài.

    Chiếc SUV đã biến mất khỏi garage của cặp đôi Anthony và Danielle Wilson vào một ngày đầu tháng 7/2022. Theo những gì do camera an ninh ghi lại, những tên đạo chích chỉ mất khoảng 63 giây để mở khóa và lái chiếc Range Rover ra khỏi cửa nhà.

    Cảnh sát tin rằng vợ chồng Wilson có thể đã bị bọn trộm theo dõi một thời gian khá dài trước khi chúng tiến hành vụ đột nhập và lấy đi chiếc Range Rover.

    “Có thể bọn chúng đã sao chép chìa khóa, hoặc bằng cách nào đó đột nhập được vào nhà và lấy cắp chiếc xe”, bà Danielle Wilson lo lắng.

    xe sang bi danh cap 1
    Chiếc Range Rover Sport mất cắp được tìm thấy trong container tại bến cảng ngay trước khi bị vận chuyển sang châu Phi.

    Về phần mình, ông Anthony Wilson tỏ vẻ bất ngờ và khá ngạc nhiên khi biết rằng toàn bộ sự việc chỉ xảy ra trong vỏn vẹn hơn một phút đồng hồ.

    Nguồn tin từ BBC cho hay hệ thống chống trộm trên chiếc Range Rover Sport đã phát đi cảnh báo khi mẫu SUV này di chuyển ra khỏi phạm vi của chiếc chìa khóa, vốn vẫn nằm trong túi của ông Anthony Wilson.

    Khoảng một tháng sau, chiếc Range Rover Sport được tìm thấy đang nằm trong một container tại cảng Tilbury, cách không xa vùng Essex về phía nam. Nếu không được cảnh sát phát hiện, chiếc xe trị giá 100.000 bảng Anh có thể đã bị đưa sang châu Phi để tiêu thụ.

    Cảnh sát vùng Essex cho biết nạn trộm cắp ôtô tại xứ sở sương mù đang có dấu hiệu gia tăng. Trong năm 2021, lực lượng chức năng đã thu hồi thành công khoảng 480 ôtô bị đánh cắp, còn số liệu này của năm vừa rồi là 626 xe.

    Renato Schipani – sĩ quan tình báo chuyên về mảng điều tra tội phạm đánh cắp phương tiện tại Anh – cho biết những chiếc xe bị mất cắp ở quốc gia này sẽ được vận chuyển đến một số nước châu Phi như Kenya, Uganda hay Sudan để tiêu thụ.

    Renato Schipani lý giải điều này xuất phát từ sự tương đồng về chiều lái xe trên đường phố cũng như cách đặt vô lăng nằm về bên phải xe.

    Ở chiều hướng ngược lại, các nước Tây Phi như Nigeria hay Ghana lại được biết đến như là điểm tập kết chính cho những chiếc xe bị đánh cắp từ Bắc Mỹ và Tây Âu.

    Viethome (theo Metro)

  • Sau 9 năm trốn chạy, Sarah Panitzke, người phụ nữ “bị truy nã gắt gao nhất nước Anh” đã lãnh án tù 8 năm vì tội buôn lậu điện thoại, rửa tiền.

    Sarah Panitzke đã xuất hiện tại tòa án Kingston Crown ở London vào hôm 10/6, sau khi bị bắt ở Catalonia, Tây Ban Nha và dẫn độ về nước vào đầu năm nay, Guardian đưa tin. Thẩm phán Sarah Plaschkes cho biết lệnh trừng phạt Panitzke sẽ bắt đầu ngay sau khi cô ra hầu tòa.

    buon lau dien thoai
    Sarah Panitzke, người phụ nữ “bị truy nã gắt gao nhất nước Anh” đã bị bỏ tù 8 năm vì tội buôn lậu điện thoại, rửa tiền. Ảnh: Cơ quan Thuế và Hải quan Anh.

    Trước đó, Sarah Panitzke (48 tuổi) bị truy nã suốt 9 năm sau khi bỏ trốn trong phiên tòa xét xử vào tháng 5/2013 vì tội buôn lậu điện thoại, lừa đảo thuế lên tới hơn 1,2 tỷ USD.

    Cô trở thành người phụ nữ duy nhất trong danh sách những kẻ đào tẩu bị truy nã gắt gao nhất của Cơ quan Tội phạm Quốc gia sau khi trốn khỏi Anh đến Tây Ban Nha.

    Panitzke bị cáo buộc là thành viên của một băng nhóm tội phạm có tổ chức, chuyên mua điện thoại di động giá rẻ ở nước ngoài và sau đó bán lại ở Anh mà không nộp thuế giá trị gia tăng (VAT). Cảnh sát cho biết thông qua gian lận thuế VAT, băng nhóm này đã kiếm lời hàng tỷ USD.

    Một bồi thẩm đoàn đã buộc tội Panitzke âm mưu chiếm đoạt tài sản trong phiên tòa cô vắng mặt vào năm 2013 và kết án 8 năm tù.

    Gần 9 năm sau khi bị kết án, cô bị bắt vào tháng 2 trong một chiến dịch phối hợp với cảnh sát Tây Ban Nha, giữa lúc đang dắt chó đi dạo vùng Tarragona ở nước này.

    "Theo các nhà điều tra Anh, Sarah Panitzke là người chịu trách nhiệm hợp pháp hóa khoản lợi nhuận mà băng nhóm có được thông qua các công ty của cô ta tại Tây Ban Nha, Andorra và Dubai. Có thời điểm, băng nhóm của Panitzke bán nhiều điện thoại hơn tất cả cửa hàng hợp pháp ở Anh cộng lại", ​​theo thông báo của lực lượng cảnh vệ dân sự Tây Ban Nha.

    Phó giám đốc quốc tế Tom Dowdall của Cơ quan Tội phạm Quốc gia cho biết Panitzke đã nằm trong danh sách bị truy nã gắt gao nhất của họ trong một thập kỷ và việc cô bị bắt là kết quả của “nhiều năm làm việc chăm chỉ”.

    Theo Zing

  • Nhập lậu bánh trung thu trứng chảy giá chỉ vài chục ngàn, về trong nước bán 150.000-250.000 đồng/hộp. Vì buôn bán siêu lợi nhuận, các đối tượng thường xuyên xé lẻ hàng vận chuyển, thay đổi điểm tập kết để qua mặt cơ quan chức năng.

    Chiều ngày 16/8, Đội 6 phòng PC05 phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành 389 số 2 thành phố kiểm tra điểm tập kết hàng hoá tại số 46, ngõ 93/47 Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) do Phạm Ngọc Ánh làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng đã thu giữ 4.440 bánh trung thu do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

    Trước đó, vào tối 14/8, Đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường và Đội QLTT 13 (Cục QLTT Hà Nội) cũng tiến hành kiểm tra kho hàng của Nguyễn Hữu Cương tại số 26 ngách 64 ngõ 99 phố Đinh Công Hạ (Hoàng Mai) và thu giữ 55 thùng bánh trung thu (tương đương 3.300 chiếc), hơn 300kg sữa bột của Nga không rõ nguồn gốc xuất xứ.

    Theo thông tin từ cơ quan chức năng, còn gần một tháng nữa là đến Rằm Trung thu, các đối tượng đang dùng mọi cách để vận chuyển bánh trung thu lậu vào thị trường tiêu thụ. Theo đó, chỉ trong vòng 3 ngày gần đây, phía cơ quan chức năng TP. Hà Nội đã bắt liên tiếp 3 vụ nhập lậu bánh trung thu với số lượng lớn.

    Lực lượng chức năng liên túc bắt giữ các vụ buôn bán bánh trung thu Trung Quốc nhập lậu.

    Ước tính, khoảng hơn 20.000 sản phẩm bánh trung thu nhập lậu bị thu giữ trong những ngày vừa qua. Trong đó, phổ biến nhất là loại bánh có tên nước ngoài là Liu Xin Su (hay còn gọi là bánh trung thu trứng chảy).

    Loại bánh này mới xuất hiện trên thị trường, gây sốt trên “chợ mạng” dịp Trung thu với giá bán dao động từ 150.000-260.000 đồng/hộp 6 bánh. Tuy nhiên, thực tế giá nhập vào chỉ rẻ bằng 1/3 giá bán ra.

    Theo tài liệu trinh sát của cơ quan công an, toàn bộ số bánh này được nhập lậu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch ở Lào Cai để đưa vào nội địa tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện chưa cơ quan nào kiểm tra chất lượng để khẳng định loại bánh trung thu trứng chảy này có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.

    Ông Nguyễn Ngọc Khánh - Đội QLTT số 13 - cho biết, bánh trung thu trứng chảy đang là mặt hàng hot trên thị trường nên các đối tượng tìm đủ cách nhập lậu về rồi bán với giá gấp 2-3 lần so với giá nhập vào.

    Khoảng hơn 20.000 sản phẩm bánh trung thu đã bị thu giữ

    Loại bánh này được nhập về với giá chỉ vài chục ngàn đồng nhưng có thể bán với giá gấp 2-3 lần nên các đối tượng tìm mọi thủ đoạn để tuồn được hàng vào nội địa tiêu thụ.

    Đại úy Phạm Thế Anh - Đội 6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP. Hà Nội) tiết lộ, để buôn bán trót lọt, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, phương tiện vận chuyển được thay đổi biển kiểm soát và thậm chí đổi địa điểm tập kết hàng hóa liên tục. Về đến Hà Nội, các đối tượng lại phân chia, xé lẻ hàng đi ngay chứ không tập kết lâu ở một địa điểm.

    Qua các vụ bắt giữ gần đây cho thấy một thủ đoạn chung các đối tượng thường sử dụng để tiêu thụ hàng lậu là: rao bán trên các trang mạng, khi khách đặt hàng mới bắt đầu gửi ship. 

    Đáng chú ý, để tránh sự chú ý của lực lượng chức năng, thay vì buôn bán rầm rộ, chủ hàng chỉ tập kết với số lượng nhỏ lẻ, trị giá chỉ vài chục triệu đồng nhưng việc nhập hàng diễn ra gần như đều đặn.

    Trước đó, như VietNamNet đưa tin , dù khoảng một tháng nữa mới đến Tết Trung thu, song trên thị trường đã bày bán la liệt các loại bánh trung thu có xuất xứ từ Trung Quốc với giá vô cùng rẻ, chỉ 70.000-80.000 đồng/hộp 6 chiếc nếu lấy sỉ; loại bánh trung thu Hong Kong to như piza, nặng tới gần 1 kg/chiếc giá cũng chỉ 50.000 đồng.

    Các chủ hàng buôn bán bánh trung thu Trung Quốc từng khẳng định họ có nguồn hàng tương đối dồi dào, khách lấy bao nhiêu cũng có và lấy số lượng càng nhiều giá càng rẻ.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Những năm qua, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã để xảy ra nhiều vụ buôn lậu, mua bán hàng cấm do chính phi công và tiếp viên thực hiện. Là hãng hàng không lớn nhất nước, rất tiếc là đã có những thời điểm Vietnam Airlines để lại hình ảnh không mấy sáng sủa trong mắt người dân và bạn bè quốc tế.

    Nhiều vụ buôn lậu, mua bán hàng cấm, hàng trái phép bị phát hiện, nhân viên của Vietnam Airlines cũng đã phải chịu án phạt tù. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng do cách điều hành và quản lý lỏng lẻo của Vietnam Airlines khiến nhân viên hư hỏng?

    Cơ trưởng Vietnam Airlines bị bắt vì buôn lậu nước hoa.

    Mới đây nhất, ngày 11/1/2019, cơ trưởng của Vietnam Airlines đang giao 120 chai nước hoa mang các nhãn hiệu nổi tiếng, như: Bleu De Channel Paris, Allure Home Sport, Channel Chance và 3 điện thoại di động cho Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1960, ngụ quận Gò Vấp) thì bị lực lượng thuộc Đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bắt giữ. Lô hàng ước tính có giá trị vào khoảng 4.300 Euro.

    Tại cơ quan điều tra, cơ trưởng khai về đường “đi thẳng” của lô hàng lậu từ khu vực miễn thuế sân bay Paris Chales De Gaulle (Pháp). Cơ trưởng của Vietnam Airlines đã mang về trên chuyến bay VN19 đáp xuống tại ga Nội Bài (thành phố Hà Nội).

    Sau đó, lô hàng tiếp tục “bay” vào sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN225 với tư cách nhân viên tổ bay.

    Vụ việc chỉ bị phát hiện bởi lực lượng Công an Đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

    Đường đi của lô hàng phải qua 2 chặng bay và qua nhiều khâu kiểm soát, nhưng đều trót lọt. Đó là do kiểm tra, kiểm soát lỏng lẻo hay còn có lý do nào khác? Đây là câu hỏi mà các cơ quan chức năng phải nhanh chóng làm rõ.

    Đây không phải lần đầu tiên nhân viên của Vietnam Airlines mang hàng lậu, hàng cấm.

    Tháng 3/2015, Cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong bị lực lượng chức năng Hàn Quốc bắt giữ sau khi xác định mang tới 4kg vàng vào nước này trái phép.

    Đến tháng 5/2015, hai người này bị kết án treo và bàn giao cho cơ quan xuất nhập cảnh trả về Việt Nam.

    Vào năm 2014 nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc của Vietnam Airlines bị cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) tạm giữ để phục vụ điều tra do nghi ngờ vận chuyển quần áo ăn cắp.

    Vào tháng 9/2013, tiếp viên Bùi Ngọc Tuấn bị nhân viên an ninh sân bay Nội Bài phát hiện mang 50 điện thoại iPhone 5S từ Paris (Pháp) còn nguyên tem mác chưa qua sử dụng, nhưng không khai báo.

    Lực lượng an ninh đã lập biên bản bàn giao vụ việc về Phòng cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) công an Hà Nội để điều tra, làm rõ.

    Vào tháng 6/2011, Vietnam Airlines cũng dính tai tiếng khi tiếp viên Thái Anh Tiến bị khởi tố do liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử, ngoại tệ từ nước ngoài về Thành phố Hồ Chí Minh.

    Sau đó, cơ quan điều tra còn xác định được nhiều tiếp viên của Vietnam Airlines có tham gia buôn lậu.

    Tháng 6/2010, tại Australia có tới 7 tiếp viên của Vietnam Airlines bị bắt giữ để điều tra nghi vấn liên quan vận chuyển một điện thoại iPhone, iPad từ nước này về Việt Nam.

    Năm 2008 cũng là một năm dính tai tiếng rất đáng quên của Vietnam Airlines, khi mà cả phi công và nhiều tiếp viên liên tục vi phạm pháp luật:

    Phi công Lại Quốc Việt bị cơ quan an ninh tại Úc bắt giữ do nghi ngờ liên quan đến đường dây rửa tiền và buôn ma túy tại quốc gia này.

    Đặng Xuân Hợp - cơ phó của Vietnam Airlines bị hải quan Nhật Bản phát hiện có liên quan đến đường dây tiêu thụ hàng phi pháp, như: quần áo, giày dép…

    Mỗi chuyến buôn, Đặng Xuân Hợp được chủ hàng trả 100 USD, nhưng Cơ phó khai với nhà chức trách Nhật Bản, không biết lô hàng trên là đồ phi pháp.

    Cũng trong năm này, 2 tiếp viên Nguyễn Quý Hiển và Nguyễn Hoàng Hương Xuân bị Hải quan Hàn Quốc bắt giữ tại sân bay Incheon. Cả 2 được xác định mang theo 300.000 USD vào Hàn Quốc.

    Vào năm 2006, phi công Trần Đình Đang đã bị bắt giữ tại Úc do vi phạm quy định luật pháp nước này. Theo quy định của Úc thì cá nhân không được phép mang quá 10 nghìn đô la, nhưng Trần Đình Đang đã bị kết án 4 năm 6 tháng tù do vận chuyển trái phép 6,5 triệu đô la Úc.

    Từ một số vụ việc trên cho thấy phi công, tiếp viên của Vietnam Airlines buôn lậu, mang hàng cấm, hàng không có nguồn gốc (thậm chí là hàng trộm cắp)... không phải là sự việc hiếm. Những vụ việc như vậy xảy ra quá nhiều đã làm xấu đi hình ảnh của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines trong mắt người dân trong nước và dư luận quốc tế.

    Sau nhiều vụ việc xảy ra dư luận cũng đã đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý của những người đứng đầu hãng hàng không này.

    Viethome (theo Giáo dục)