• Hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình tại các thành phố trên khắp nước Pháp bao gồm nhân viên đường sắt, giáo viên, nhân viên bệnh viện trong cuộc đình công được xem là có quy mô lớn nhất từ năm 1995 trở lại đây.

     

    Hơn 800.000 người biểu tình ngày 5/12 đã tham gia vào cuộc đình công được xem là có quy mô lớn nhất trong nhiều thập niên, theo nhận định của BBC. (Ảnh: Getty)

    Clip: Pháp tê liệt vì cuộc đình công quy mô lớn nhất trong 24 năm

    Chính quyền Paris đã dựng hàng rào bên ngoài dinh tổng thống và triển khai 6.000 cảnh sát làm nhiệm vụ. Trong khi đó, những người biểu tình, phần nhiều trong đó mặc áo vàng, tập hợp lại nhằm gây áp lực buộc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ bỏ kế hoạch cải cách hưu trí. (Ảnh: Getty)

    Giới công chức nhà nước ở Pháp lo ngại rằng chính sách cải cách hưu trí mới của ông Macron sẽ khiến họ làm việc nhiều hơn và cắt bớt quỹ lương của họ. Đây cũng là một trong những kế hoạch gây tranh cãi khi một số lĩnh vực ủng hộ ông Macron, nhưng một số phản đối mạnh mẽ dẫn tới biểu tình và đình công quy mô lớn. (Ảnh: EPA)

    Cảnh sát buộc phải dùng hơi cay để trấn áp những phần tử bạo loạn đã châm lửa đốt cháy phương tiện và ném gạch đá vỡ cửa sổ gần khu vực quảng trường Place de la Republique. Truyền thông cho biết, một chiếc xe tải xây dựng đã bị lật và bị đốt cháy, tạo nên một cột khói lớn trên trời, trong khi một số người đội mũ trùm đầu đốt lửa, cướp phá các cửa hàng và ném pháo hoa về lực lượng hành pháp. (Ảnh: AFP)

    Cảnh sát nói rằng tính riêng ở Paris, số người biểu tình là 65.000 người và khoảng 90 người đã bị bắt ở đây. Ở Nantes, cảnh sát dùng hơi cay và bắt những phần tử có hành động quá khích. Những cảnh tương tự cũng xuất hiện ở Rennes và Bordeaux với những ngân hàng bị tấn công. (Ảnh: AFP)

    Theo Dailymail, nhân viên vận tải, giáo viên, nhân viên giao hàng, nhân viên cứu hỏa, y bác sĩ và ngay cả luật sư cũng xuống đường tham gia cuộc đình công lớn nhất từ năm 1995 tới nay. Trường học bị đóng cửa, các chuyến bay bị tạm dừng, giao thông công cộng tới trung tâm Paris cũng bị gián đoạn, gây ra tình trạng tê liệt. Trong ảnh: Biểu tình ở Marseille. (Ảnh: AP)

    Nhiều người đã xin nghỉ làm để tránh tình trạng hỗn loạn được dự đoán sẽ tiếp tục kéo dài tới hôm nay. (Ảnh: Reuters)

    Bộ trưởng Nội vụ Christopher Castaner cảnh báo về tình trạng bạo lực đường phố và cho biết khi xảy ra bạo loạn, lực lượng hành pháp sẽ hành động ngay tức thì. (Ảnh: AFP)

    Lực lượng “Áo vàng” được xem đã tổ chức những cuộc biểu tình có gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nước Pháp trong nhiều tháng trở lại dây. Theo Dailymail, các cuộc biểu tình đã gây thiệt hại hàng triệu USD, tàn phá các công trình lịch sử như Khải Hoàn Môn, các cửa hiệu, ngân hàng, nhà hàng tại đại lộ Champs Elysée. (Ảnh: EPA)

    Du khách tới Pháp đã gặp khó khăn khi 9/10 tuyến tàu cao tốc TGV bị hủy. Nhà vận hành đường sắt SNCF cũng thông báo hủy 70% các chuyến tàu vào ngày 6/12. Nhiều du khách cho biết họ bị lôi kéo vào những cuộc đụng độ giữa những người không quen biết trong khi nhiều người mô tả tình hình Paris hiện là “ác mộng” để du lịch. (Ảnh: AFP)

    Tại Paris, chỉ có một vài tuyến trên tổng số 16 chuyến tàu điện ngầm hoạt động gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đi lại của người dân trong điều kiện thời tiết lạnh buốt. Hơn 100 chuyến tàu và xe buýt của hãng Eurostar từ Anh tới Pháp cũng bị hủy tới tuần sau. Ngoài ra, các chuyến tàu đi tới các khu vực khác ở châu Âu cũng dự đoán sẽ bị “ảnh hưởng nghiêm trọng”. (Ảnh: Reuters)

    Các hãng hàng không Easyjet, British Airways và Ryanair cũng tính hủy nhiều chuyến bay từ Pháp. (Ảnh: EPA)

    Theo Dân Trí

  • Những người biểu tình áo vàng hôm nay (16/3) đã cướp phá các cửa hàng tại đại lộ Champ Elysees ở thủ đô Paris, Pháp.

    Theo báo Evening Standard, các vụ đập phá và cướp bóc diễn ra sau khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát.

    Người biểu tình dùng bom khói và gạch đá ném về phía cảnh sát, buộc lực lượng an ninh phải dùng vòi rồng đáp trả. Hôm nay là tuần thứ 18 liên tiếp các cuộc biểu tình của những người mặc áo khoác vàng diễn ra tại Pháp.

    Đụng độ diễn ra gần Khải Hoàn Môn. Sau đó, người biểu tình đập phá các cửa hàng trên đại lộ nổi tiếng ở thủ đô của Pháp. Họ tập trung bên ngoài chi nhánh của các hãng Cartier và Mont Blanc.

    Theo AP, tuần này Paris huy động nhiều cảnh sát hơn các tuần trước nhằm dẹp bất ổn. Có ít nhất một xe ô tô bị người biểu tình phóng hoả. Cuộc biểu tình sau đó trở thành bạo loạn.

    Ban đầu, biểu tình của những người mặc áo khoác vàng nổ ra để phản đối kế hoạch thuế nhiên liệu (hiện đã được hoãn) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

    Những người tổ chức biểu tình cho biết, họ muốn cuộc tuần hành hôm nay là tối hậu thư với chính phủ và những người có quyền lực.

    Cảnh sát đã bắn hơi cay và xịt nước khi cuộc biểu tình chuyển thành bạo lực.

    Một chi nhánh của ngân hàng Tarneaud bị phóng hoả, nhưng đã được lính cứu hoả dập lửa. Hai quầy báo ở đại lộ Champs Elysees cũng bị đốt. Người biểu tình ném gạch đá về phía cảnh sát chống bạo động ngay trước Khải Hoàn Môn.

    Đến chiều 16/3, cảnh sát đã bắt giữ hơn 80 người biểu tình. Có khoảng 1,400 cảnh sát đã được huy động trong ngày 16/3.

    Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết, nhóm biểu tình cuối tuần này ít hơn so với vài tuần trước đó, chỉ khoảng 8,000 người tham gia ở Paris. Tuy nhiên, theo quan chức này, trong số 8,000 người lại có 1,500 người đặc biệt bạo lực. 

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Hơn 10.000 người đã tham gia tuần hành hòa bình tại thủ đô Paris để phản đối những cuộc biểu tình dai dẳng, gây mất ổn định cuộc sống của những người thuộc phe 'áo vàng”. 

    Theo hãng tin Quartz, ngày 27-1 tại Paris lại có thêm một cuộc biểu tình quy mô lớn, nhưng lần này không phải của những người áo vàng, mà của những người mang khăn quàng cổ màu đỏ (foulards rouges). Họ xuống đường sau khi cảm thấy quá mệt mỏi với phong trào biểu tình kéo dài của những người áo vàng (gillets jaunes).

    Những người tham gia phong trào tuần hành phản đối phe áo vàng tại Paris ngày 27-1 - Ảnh: REUTERS

    Hơn 10.000 người đã tham gia phong trào "khăn quàng màu đỏ" với thông điệp chính của cuộc tuần hành là: "Dừng lại đi, như vậy là đủ rồi" gửi tới những người "áo vàng".

    Theo tuyên bố trên trang Facebook của những người thuộc phong trào "khăn quàng màu đỏ", mục đích chính trị của họ không có gì nhiều hơn là được trở lại với cuộc sống bình thường.

    "Những người mang khăn quàng cổ màu đỏ chỉ yêu cầu một chuyện, đó là khôi phục trật tự công cộng và những quyền tự do cá nhân…. Cuộc sống phải bắt đầu lại trên đất nước chúng ta, với sự bình yên và tôn trọng", trang Facebook của phong trào này nêu rõ. 

    Những người "khăn quàng cổ màu đỏ" khẳng định họ ủng hộ nền cộng hòa. Họ lên án sự coi thường chính quyền và tình trạng bạo lực mà những người thuộc phe áo vàng đã gây ra trong suốt 11 tuần biểu tình liên tiếp vừa qua.

    Viethome (theo Tuổi Trẻ)

  • Đường phố Thủ đô Paris của Pháp ngày 29/12 đã chìm trong khói lửa khi người biểu tình Áo vàng tiến hành bạo động.

    Cuộc biểu tình kéo dài từ ngày 29/12, họ đốt phá suốt đêm tại Paris rồi tiếp diễn các hành động bạo lực đến ngày 30/12.

    Kênh truyền hình LCI của Pháp đã trích dẫn nguồn thông tin chưa được kiểm chứng, đưa ra con số người biểu tình là khoảng 12.000 người tính riêng tại Paris.

    Những hình ảnh đáng sợ nhất được diễn ra tại Paris, khi đoàn người biểu tình tụ tập hô vang các khẩu hiệu yêu cầu ông Macron từ chức. Chỉ chưa đến một giờ đồng hồ, các hành động từ ôn hòa thành bạo lực nhanh chóng diễn ra.

    Hàng loạt ô tô đã bị lật ngửa, đập phá và phóng hỏa trên khắp các con phố ở trung tâm Paris. Dưới chân ngọn tháp Effiel - biểu tượng của nước Pháp, người biểu tình chất kín lốp xe, ô tô rồi phóng hỏa.

    Toàn bộ tháp Eiffel chìm trong biển khói lửa tạo ra một hình ảnh kinh hoàng.

    Cả tòa tháp bị bao phủ trong khói đen, tiếng còi xe cứu hỏa, xe cứu thương cùng với tiếng hò hét của hàng nghìn người tạo ra một khung cảnh vô cùng hỗn loạn.

    Cảnh sát chống bạo động của Pháp đã phải hoạt động hết công suất. Họ sử dụng vòi rồng, hơi cay bắn vào đám người. Hàng chục người có hành vi quá khích đã bị bắt giữ.

    Không chỉ dừng lại ở các hoạt động đốt phá, người biểu tình đã tấn công lại cảnh sát bằng bom khói, gạch đá, gậy gộc. Họ dùng những tấm bảng hiệu bằng kim loại làm lá chắn, nhiều người tựa lưng vào nhau và đứng đối đầu với vòi rồng.

    Biểu tình áo vàng đốt cháy các xe ô tô bên đường ở Paris.

    Vài trăm người mặc chiếc áo gile màu vàng có vạch phản quang đã tụ tập quanh văn phòng của một số đài truyền hình nhà nước và kênh truyền hình BFM TV ở trung tâm Thủ đô Paris, hô vang khẩu hiệu "tin giả" và đòi Tổng thống Emmanuel Macron từ chức. Các vụ phóng hỏa tập trung nhiều nhất tại bên ngoài báo Le Parisien.

    Những người biểu tình này đã lật đổ các ô tô và đốt cháy chúng giữa đường phố. Hàng trăm người cũng tràn xuống các ga tàu điện ngầm và tấn công cảnh sát.

    Người biểu tình kéo dài các hành động bạo động đến ngày 30/12.

    Không dừng lại ở Paris, các cuộc biểu tình và bạo động cũng diễn ra tại Nantes, miền Tây nước Pháp. Tại thành phố Marseille, khoảng 1.000 người đã xuống đường đòi ông Macron từ chức. Các thành phố Lyon, Bordeaux, Toulouse cũng gặp các tình trạng tương tự.

    Cảnh sát phải dùng đến lựu đạn hơi cay để trấn át các cuộc biểu tình.

    Những người biểu tình tại thành phố Rouen đã châm lửa đốt cửa ra vào trụ sở Ngân hàng Pháp, khiến khu vực này bị hư hại rất nhiều. Được biết, họ đã mang rác thải đến trước cửa ngân hang và châm lửa đốt.

    Xung đột dữ dội giữa cảnh sát và người áo vàng.

    Truyền thông địa phương ghi nhận, có khoảng 800 người đã xuống đường tham gia cuộc biểu tình ở Rouen.

    Tổng con số người tham gia biểu tình ở Paris ước tính khoảng 12.000 người, giảm đáng kể so với lần biểu tình thứ sáu hôm 22/12 là hơn 30.000 người. Tuy nhiên, tính chất bạo động đã được gia tăng nghiêm trọng hơn.

    Những người biểu tình đã tự trang bị mặt nạ phòng độc cho họ trong cuộc xuống đường lần này.

    Trước khi cuộc biểu tình diễn ra vài tiếng, Sunghe Chalencon - một trong những nhà lãnh đạo của phong trào biểu tình "áo vàng" ở Pháp đã tuyên bố phong trào này không còn dừng ở các cuộc biểu tình đơn thuần.

    Cả Paris chìm trong khói lửa.

    "Chúng tôi đã thành lập một thực thể chính trị để đối đầu trực tiếp với chính quyền của Tổng thống Macron. Mọi thứ sẽ chỉ được giải quyết khi ông Macron từ chức. Chúng tôi có đại diện khắp nước Pháp và đang xây dựng các trụ sở chính trị của riêng mình" - ông Chalencon khẳng định.

    Trong khi đó, Bộ Nội vụ Pháp đã đưa ra các cáo buộc về một tư tưởng cực đoan đang lan tỏa trong những người "áo vàng". "Bạn có thể thấy họ đã giảm đáng kể về số lượng người tham gia biểu tình, nhưng tính chất phạm pháp lại gia tăng không ngừng. Họ là những người không thể thỏa hiệp và không biết bao nhiêu là đủ" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp cho biết hôm 23/12.

    Trước đó, ngày 22/12, Tổng thống Pháp và Quốc hội nước này đã thông qua hàng loạt biện pháp nhằm xoa dịu người biểu tình, trong đó có việc giảm giá nhiên liệu, tăng mức lương cơ bản, không đánh thuế giờ làm thêm, giải quyết các vấn đề nhà ở xã hội và nhu cầu y tế của người dân có thu nhập thấp...

    Tuy nhiên, người biểu tình áo vàng vẫn cho rằng những biện pháp đó chỉ mang tính tạm thời. Họ muốn có một sự thỏa hiệp cao hơn, tự quyết dân chủ cao hơn và yêu cầu ông Macron từ chức.

    Ngoài ra, người biểu tình áo vàng cũng gửi đi các khẩu hiệu yêu cầu ông Macron đưa nước Pháp rút khỏi liên minh quân sự NATO, cũng như đảm bảo các quyền tự quyết của nước Pháp trước sự áp đặt chính trị của Mỹ.

     

    Viethome (theo Báo Đất Việt)

  • Thiệt hại hàng tỉ euro

    Ngay tại Paris, không khí không còn căng thẳng quá mức như hai cuộc diễn ra hai tuần trước, nhưng vẫn là những cuộc tụ tập từ lời kêu gọi lan truyền trên mạng xã hội. Lực lượng an ninh lại được triển khai với mức độ cao như tuần trước, theo lời cảnh sát trưởng Paris, tức đến cả 8.000 cảnh sát (trong tổng số gần 90.000 cảnh sát cả nước) và hơn chục xe thiết giáp của lực lượng hiến binh.

    Vào mùa mua sắm Giáng sinh và đầu năm mới, những cuộc biểu tình tập trung vào các khu vực trung tâm, không chỉ ở Paris mà ở nhiều thành phố tỉnh lỵ đã khiến các chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng thiệt hại quá mức.

    Các con số chưa thể thống kê đầy đủ vì biểu tình vẫn tiếp tục nhưng theo Đài LCI, ít nhất 700 doanh nghiệp đã phải cho 19.000 nhân viên nghỉ việc thời gian ngắn. Riêng với ngành vận tải và ngành giao hàng, thiệt hại ước tính lần lượt là 800 triệu và 1 tỉ euro chỉ sau bốn đợt biểu tình đầu tiên.

    Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhỏ kinh doanh cửa hàng ở khu vực trung tâm Paris rơi vào tình cảnh khó khăn thật sự khi hai tháng cuối năm thường có doanh thu cao nhất. Nhiều người đã đề cập đến chữ "phá sản". Báo Le Parisien đã ghi nhận vài trường hợp như ông Nicolas Rubio, chủ cửa hiệu chuyên về trang trí nội thất bếp, có cửa hàng ở quận 8 của Paris đã 10 năm qua.

    Theo khuyến cáo của chính quyền, ông đóng cửa hiệu vào những ngày có biểu tình và "thiệt hại 20.000 - 25.000 euro mỗi cuối tuần phải đóng cửa như thế". Chưa kể trong cuộc biểu tình ngày 1-12, cửa hiệu của ông bị ném vỡ kính và phải thay mất gần 18.000 euro. Trong cuộc biểu tình ngày 8-12, để phòng tránh, ông lại phải mất 1.000 euro tiền mua các tấm gỗ về đóng che chắn... 

    Tăng trưởng kinh tế sụt giảm

    Một nạn nhân khác là ông Carlos Mourao - chủ hiệu bán hoa ở quảng trường Ternes (quận 8) từ 12 năm qua. Ông dẫn chứng cụ thể: "Thường thì ngày thứ bảy thứ 2 của tháng 12, tôi bán nhiều cây thông trang trí nhất, khoảng 150 cây. Nhưng hôm 8-12, tôi chỉ bán được đúng hai cây".

    Thậm chí trên tầm mức lớn hơn, thiệt hại vẫn chưa thể đo đếm đầy đủ. Theo kết quả khảo sát với các doanh nghiệp trong khu vực đồng euro của IHS Markit, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tổng hợp của khu vực eurozone đã giảm từ 52,7 điểm trong tháng 11 xuống 51,3 điểm trong tháng 12. Chỉ số trên 50 điểm đồng nghĩa rằng kinh doanh vẫn đang tăng trưởng. Tuy nhiên, IHS Markit cho biết các dòng vốn kinh doanh mới đã gần như đình trệ, trong khi tăng trưởng việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm và sự lạc quan của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng.

    IHS Markit nêu rõ nhu cầu mua sắm ôtô giảm sút mạnh đã khiến tăng trưởng kinh tế bị chững lại và trở nên trầm trọng hơn. Khảo sát tại Pháp cho thấy chỉ số kinh doanh đã giảm mạnh từ 54,2 điểm trong tháng 11 xuống 49,3 điểm trong tháng 12. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp PMI của Đức đã giảm nhẹ xuống 52,2 điểm.

    Viethome (theo Tuổi Trẻ)

  • Làn sóng biểu tình phản đối việc tăng thuế nhiên liệu đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi số người tham gia phòng trào biểu tình "Áo vàng" đã giảm mạnh vào cuối tuần thứ 5 và cũng là tuần mang tính quyết định.

    Theo Bộ Nội vụ Pháp, ước tính 66.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp diễn ra vào ngày 15/12, giảm tới một nửa so so với tuần trước. Tại thủ đô Paris, khoảng 2.200 người tham gia làn sóng biểu tình "Áo vàng" và hơn 8.000 cảnh sát cùng 14 xe bọc thép đã được huy động phòng ngừa nguy cơ bùng phát bạo lực. Lực lượng an ninh chống bạo động đã được triển khai quanh các nhà ga trung tâm và dọc đại lộ Champs-Elysees. 

    Biểu tình tại Italy. (Nguồn: World Bulletin)

    Hơn 20 xe thùng cảnh sát và một xe vòi rồng cũng được bố trí gần đó. Nhiều cửa hàng đóng cửa, nhưng một số cửa hàng lớn như Galeries Lafayette vẫn mở cửa để phục vụ khách hàng mua sắm dịp Giáng sinh. Tính đến cuối ngày 15/12, đã có 168 đối tượng bị bắt, giảm mạnh so với 1.000 người trong tuần trước. 

    "Độ nóng" của cuộc biểu đã giảm đáng kể khi cảnh sát đã không phải dùng nhiều đến đạn hơi cay để giải tán những kẻ quá khích. Một số đụng độ nhỏ giữa cảnh sát và người biểu tình cũng ghi nhận tại các khu vực như Bordeaux, Toulouse, Nantes, Besancon, Nancy, Saint-Etienne và Lyon.

    Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết khoảng 69.000 nhân viên cảnh sát làm nhiệm vụ trong ngày 15/12 và cảnh sát tăng cường sự hiện diện tại các thành phố trên. Ông cho biết thêm đã có 8 người thiệt mạng liên quan đến các vụ biểu tình trong 5 tuần qua, đồng thời kêu gọi những người biểu tình ngừng phong tỏa các tuyến đường trên cả nước. 

    Cùng ngày, hàng nghìn người dân Italy đã xuống đường ở thủ đô Rome để biểu tình phản đối luật nhập cư và an ninh mới vốn đã được quốc hội nước này thông qua hôm 28/11. Những người biểu tình cũng mang áo vàng và dương cao các biểu ngữ với khẩu hiệu: “Hãy đứng lên vì quyền lợi của các bạn.”

    Theo phóng viên TTXVN tại Rome, những người biểu tình cho rằng luật mới "chống người di cư" này sẽ chỉ làm gia tăng thêm số lượng người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp ở Italy, qua đó khiến tình hình trở nên khó khăn hơn.

    Sắc lệnh trên sẽ nới lỏng các quy định về trục xuất người nhập cư, cho phép tước quyền công dân Italy của người nhập cư nếu bị buộc tội khủng bố. Bên cạnh đó, sắc lệnh cũng bãi bỏ việc cấp giấy phép cư trú vì lý do nhân đạo, thay thế bằng các giấy phép cư trú theo diện "bảo vệ đặc biệt" hay "thảm họa tự nhiên ở quê hương".

    Hiện Italy chỉ cấp quy chế tị nạn cho 25% số người đăng ký, thấp hơn quy định theo luật pháp quốc tế. Trước đó, Thượng viện và Hạ viện Italy đã thông qua sắc lệnh an ninh và kiểm soát nhập cư cứng rắn, do Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini đệ trình, bất chấp sự phản đối của phe cánh tả. Trong năm 2018, đã có hơn 22.000 người di cư đến Italy, giảm hơn 80% so với năm ngoái.

    Trong khi đó, cảnh sát Áo cho biết khoảng 17.000 người đã xuống đường tại thủ đô Vienna của Áo trong ngày 16/12 để tham gia một cuộc biểu tình chống chính phủ. Con số này vượt quá con số ước tính 10.000 người của các nhóm tổ chức biểu tình.

    Những người tham gia biểu tình chủ yếu phản đối chính sách di cư của nhà chức trách Áo, cũng như đề nghị giảm ngày làm việc và bãi bỏ những biện pháp khắc khổ. Cuộc biểu tình đã khiến nhiều tuyến phố tại trung tâm Vienna tắc nghẽn và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của hệ thông giao thông công cộng. Tuy nhiên, không có vụ việc đáng tiếc nào xảy ra.

    Cuộc biểu tình diễn ra đúng dịp kỷ niệm một năm ngày chính phủ liên minh hiện nay của Áo lên nắm quyền vào năm 2017./.

    Viethome (theo Vietnamplus)

  • Một người biểu tình ở Bordeaux, Pháp, bị thương sau khi nỗ lực ném trả lựu đạn cay về phía cảnh sát. 

    Nhóm hoạt động France en colere (Nước Pháp giận dữ) hôm qua đăng video một người biểu tình áo vàng bị chấn thương nặng ở bàn tay trong lúc tham gia cuộc biểu tình phản đối chính phủ Pháp ở thành phố Bordeaux ngày 8/12, theo RT.

    Người biểu tình áo vàng ở Pháp bị nổ nát bàn tay vì cầm lựu đạn cay. Ảnh cắt từ video

    Trong video, một người đàn ông đã chạy về phía nhóm biểu tình sau tiếng nổ lớn với bàn tay dính đầy máu và không còn nhận ra hình dạng. Người này sau đó được đưa tới bệnh viện.

    Công tố viên phó Bordeaux Olivier Etienne xác nhận một trong những người biểu tình bị thương nặng ở bàn tay. Nhật báo Sud Ouest cho biết người đàn ông này đã cố gắng nhặt một quả lựu đạn hơi cay để ném trả về phía cảnh sát thì lựu đạn bất ngờ phát nổ.

    Theo giới chức địa phương, khoảng 4.500 người đã tràn xuống đường phố Bordeaux để tham gia phong trào biểu tình "áo vàng" diễn ra trên khắp nước Pháp vào ngày 8/12. Căng thẳng leo thang khi nhiều người đã ném đá và pháo sáng vào lực lượng an ninh. Trên cả nước Pháp, số người tham gia biểu tình lên tới con số 125.000, hơn 1.700 người đã bị bắt.

    Cuộc biểu tình lớn nhất 5 thập kỷ tại Pháp nổ ra từ ngày 17/11, khi hàng chục nghìn người mặc áo vàng xuống đường kêu gọi chính phủ cắt giảm thuế xăng dầu, điều chỉnh chính sách kinh tế và thể hiện sự phản đối Tổng thống Macron. Họ cho rằng ông Macron không quan tâm tới người dân bình thường mà chỉ đem lại lợi ích cho giới giàu.

    Viethome (theo VnExpress)