• Cựu chủ tịch hãng chế tạo ô tô Nhật Bản Nissan Carlos Ghosn được cho là đã trốn trong một thùng carton và di chuyển bằng máy bay tư nhân đến Lebanon để tránh bị xét xử tại Nhật Bản.

    Cựu chủ tịch Nissan Carlos Ghosn (Ảnh: Getty)

    Trước khi bị bắt và bỏ trốn, Carlos Ghosn, cựu chủ tịch hãng chế tạo ô tô Nissan, được coi là “người khổng lồ” trong ngành ô tô ở Nhật Bản.
    Ông Ghosn, 64 tuổi, bị cáo buộc sử dụng tiền của công ty vào mục đích cá nhân và có những hành vi sai phạm khác như làm giả báo cáo chứng khoán. Ông bị Nissan sa thải và bị bắt vào tháng 11/2018.

    Sau khi chi 1,5 tỷ Yên (13,8 triệu USD) tiền bảo lãnh tại ngoại, ông Ghosn bị quản thúc tại nhà riêng ở Tokyo và bị giám sát an ninh chặt chẽ trước khi bị đưa ra xét xử trong năm 2020. Để phòng trường hợp cựu chủ tịch Nissan bỏ trốn, giới chức Nhật Bản đã tịch thu 3 hộ chiếu của ông này và chuyển cho luật sư biện hộ giữ. Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp đề phòng và giám sát an ninh nghiêm ngặt, ông Ghosn tuyên bố đã an toàn ở Lebanon.

    Nhất cử, nhất động bị giám sát

    Ông Carlos Ghosn bị quản thúc suốt 7 tháng qua tại nhà riêng ở Tokyo. Đó là một căn nhà cao tầng, rộng rãi và khá gần quận trung tâm Roppongi, nơi khá quen thuộc với các nhà ngoại giao, giới doanh nhân phương Tây. Khu vực này luôn có cảnh sát tuần tra, giám sát bởi khá gần ít nhất một đại sứ quán và nhà riêng của các nhà ngoại giao.

    Hana Takeda, một người sống trong căn hộ cạnh nhà của Ghosn, cho biết thỉnh thoảng cô vẫn nhìn thấy ông Ghosn ra ngoài cùng với một trong ba cô con gái. Một người hàng xóm sống ở đây 9 tháng qua cũng cho biết, có một chiếc xe hơi thường xuyên xuất hiện ở cuối con đường gần nhà của Ghosn. “Ông ấy rất kín tiếng. Thường có một chiếc xe hơi đậu ở gần nhà ông ấy. Ông ấy bị giám sát 24/24”, người này cho hay.

    Ngôi nhà nơi ông Ghosn bị quản thúc tại Tokyo (Ảnh: Reuters)

    Ban công của ngôi nhà được gắn 3 camera an ninh không dây trong khi các cửa sổ thường được che kín rèm Theo các điều khoản tại ngoại, ông Ghosn buộc phải lắp camera ở các lối ra vào nhà. Giới chức năng cũng giám sát và hạn chế các hoạt động và liên lạc như không được dùng điện thoại, máy tính kết nối internet, để đề phòng ông Ghosn bỏ trốn hoặc tìm cách hủy bằng chứng.

    Cuộc đào tẩu bằng thùng carton?

    Hiện chưa rõ bằng cách nào ông Ghosn có thể chạy sang Lebanon mặc dù bị giám sát an ninh nghiêm ngặt và bị tịch thu toàn bộ hộ chiếu. Giới chức Lebanon xác nhận, ông Ghosn đã tới nước này bằng hộ chiếu Pháp và hoàn toàn hợp pháp.

    Truyền thông Lebanon đăng tải thông tin nói rằng, ông Ghosn đã trốn ra ngoài bằng cách chui vào một thùng carton đựng nhạc cụ sau một buổi biểu diễn âm nhạc tại nhà riêng mới đây. Theo Thời báo phố Wall, ông Ghosn đã lên một máy bay tư nhân từ Nhật Bản đến Thổ Nhĩ Kỳ sau đó sang Lebanon. Phi công lái máy bay thậm chí không hề biết sự hiện diện của ông Ghosn trên máy bay.

    Dữ liệu trên trang web Flightradar24 cho thấy, một máy bay tư nhân xuất phát từ Osaka (Nhật Bản) đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) sau đó tiếp tục đến Lebanon trùng thời điểm ông Ghosn được cho là đã đặt chân an toàn đến quốc gia này hôm 30/12/2019. Bộ Ngoại giao Lebanon hôm 31/12 đã ra thông cáo nói rằng: “Ông Carlos Ghosn đã đến Lebanon hợp pháp vào rạng sáng hôm qua. Chi tiết xung quanh việc ông ấy từ Nhật Bản đến Beirut ra sao vẫn chưa được rõ và đây hoàn toàn là vấn đề cá nhân”. Hiện Nhật Bản và Lebanon không có hiệp ước dẫn độ.
    Junichiro Hironaka, luật sư của ông Ghosn nói rằng, để có thể chạy ra nước ngoài, ông Ghosn chắc chắn đã được sự hậu thuẫn của “một tổ chức lớn”.

    Lực lượng an ninh Lebanon bên ngoài cổng ngôi nhà được cho là nơi ông Ghosn ẩn náu ở thủ đô Beirut, Lebanon. (Ảnh: Reuters)

    Dư luận Nhật Bản bất ngờ và giận dữ

    Vụ bỏ trốn để tránh bị xét xử của ông Ghosn đã khiến dư luận ở Nhật Bản xôn xao. Luật sư Hironaka cho biết với phóng viên rằng, việc bỏ trốn của thân chủ là “hoàn toàn bất ngờ”. “Chúng tôi rất bàng hoàng và khó hiểu”, ông Hironaka cho biết khi muốn nói rằng giới chức năng vẫn không thể hiểu lý do ông Ghosn đào tẩu thành công khi tất cả hộ chiếu đều bị tịch thu.

    Masahisa Sato, một nghị sĩ đảng Dân chủ tự do, bình luận: “Đây là một vụ bỏ trốn phạm pháp, một cuộc đào tẩu, một tội danh”. Nghị sĩ này cũng nói thêm: “Liệu có một quốc gia nào đã hậu thuẫn (Ghosn)? Đây là vấn đề rất nghiêm trọng khi hệ thống luật pháp, an ninh của Nhật Bản để một vụ xuất cảnh phi pháp diễn ra dễ dàng”.

    Các công tố viên Nhật Bản đã rút lại quyết định bảo lãnh tại ngoại đối với ông Ghosn ngay sau khi ông này bỏ trốn. Nếu trở lại Nhật Bản, ông Ghosn sẽ bị bắt giữ.

    Tại Pháp, nơi ông Ghosn từng làm việc, chính phủ Pháp cho biết họ “vô cùng bất ngờ” khi ông Ghosn bỏ trốn khỏi Nhật Bản. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Agnès Pannier-Runacher nhấn mạnh, Ghosn “không có quyền đứng trên pháp luật” và rằng “nếu một công dân nước ngoài bỏ trốn khỏi Pháp để chạy tội, chúng tôi sẽ rất giận dữ”.

    Về phần ông Ghosn, sau khi đặt chân đến Lebanon, ông này tuyên bố: “Tôi chạy trốn khỏi sự bất công”. Ông cũng muốn gặp gỡ với báo chí vào tuần sau và đây có thể là dịp ông Ghosn hé lộ về cách thức bỏ trốn khỏi Nhật Bản.

    Dân Trí (theo Reuters, NHK)

  • Tương ớt Sriracha của “vua tương ớt” người Mỹ gốc Việt đã bị thu hồi tại Australia do lo ngại nguy cơ phát nổ.

    Doanh nhân David Tran và tương ớt Sriracha (Ảnh: Getty)

    Báo Sydney Morning Herald ngày 26/12 đưa tin Australia đã ban hành lệnh thu hồi sản phẩm tương ớt Sriracha hiệu Huy Fong của doanh nhân người Mỹ gốc Việt David Tran trên toàn quốc.

    Lệnh thu hồi sẽ áp dụng đối với những chai tương ớt có hạn sử dụng trước tháng 3/2021. Tương ớt Sriracha với thể tích 502 ml và 828 ml đang được bày bán rộng rãi trong nhiều cửa hàng trên khắp Australia.

    Các nhà chức trách Australia cảnh báo khách hàng không sử dụng tương ớt Sriracha, vì lượng axit lactic tích tụ trong chai khiến chai phồng lên trong khi quá trình lên men vẫn tiếp tục diễn ra. Theo đó, chai tương ớt Sriracha có thể phát nổ khi người dùng mở nắp chai.

    Người tiêu dùng được khuyến cáo không nên mở nắp chai tương ớt Sriracha. Thay vào đó, họ nên mang các sản phẩm này tới nơi bán để được hoàn tiền.

    Axit lactic đóng vai trò như chất bảo quản, đồng thời cũng là tác nhân tạo mùi vị. Tương ớt Sriracha hiệu Huy Fong là sản phẩm kết hợp giữa ớt đỏ, giấm, tỏi, muối và đường.

    Tương ớt Sriracha là sản phẩm được yêu thích tại nhều nước. (Ảnh: Guardian)

    Tương ớt Sriracha không chỉ là sản phẩm được yêu thích tại Australia, mà còn được bán tại nhiều siêu thị ở Mỹ, châu Âu và các nước châu Á. Mỹ và châu Âu tháng trước cũng đã thu hồi tương ớt Sriracha với lý do tương tự Australia.

    Tương ớt Sriracha được sản xuất bởi công ty thực phẩm Huy Fong Foods do ông David Tran, một triệu phú người Mỹ gốc Việt, thành lập từ năm 1980 tại thành phố Los Angeles, Mỹ.

    Ngay từ đầu, ông Tran đã bán tương ớt trong những chai nhựa trong suốt với logo in hình gà trống với nắp màu xanh. Cho tới giờ, diện mạo chai tương ớt Sriracha vẫn y nguyên như cách đây 39 năm.

    Trong vài năm trở lại đây, mỗi năm, có hơn 20 triệu chai tương ớt Sriracha bán ra tại thị trường Mỹ, thu về doanh số 60 triệu USD. Nhiều chuỗi nhà hàng lớn ở Mỹ khi lựa chọn loại tương ớt để phục vụ thực khách cũng đều chọn Sriracha là thương hiệu gắn bó lâu năm.

    Năm 2010, tạp chí ẩm thực Bon Appétit (Mỹ) từng vinh danh tương ớt Sriracha là nguyên liệu của năm. Tạp chí ẩm thực Cook’s Illustrated (Mỹ) gọi Sriracha là tương ớt ngon nhất năm 2012.

    Bài liên quan: Vua tương ớt gốc Việt hơn 30 năm nhuộm đỏ nước Mỹ như thế nào?

    Theo Dân Trí