• Sau nhiều năm trì hoãn, các nạn nhân của một trong những sai lầm pháp lý tồi tệ nhất trong lịch sử Vương quốc Anh cuối cùng được minh oan, nhờ một bộ phim truyền hình.

    an oan buu dien
    Các nhân vật trong phim "Mr. Bates đấu với Bưu điện" trên ITV.

    Hơn 700 người bị kết án với tội lỗi mà họ không hề phạm phải. Đã xảy ra ít nhất 4 vụ tự tử, một phụ nữ bị tống vào tù khi đang mang thai. Nhiều người lâm vào cảnh phá sản, hôn nhân tan vỡ, cuộc đời tan vỡ.

    Những chi tiết gây sốc về một trong những vụ xử án tồi tệ nhất trong lịch sử nước Anh đã được báo cáo trong nhiều năm nhưng vẫn không đủ gây chú ý, bất chấp nỗ lực mạnh mẽ của các nhà vận động và nhà báo điều tra.

    Cho đến tuần trước, một bộ phim truyền hình dài tập hấp dẫn của ITV mang tên “Mr. Bates đấu với Bưu điện”, bắt đầu phát sóng từ ngày 1/1, đã làm được điều mà các chính trị gia lảng tránh suốt một thập kỷ, buộc Chính phủ Anh phải hành động.

    Chương trình thể hiện một cách kịch tính số phận của hàng trăm người điều hành các chi nhánh của Bưu điện trên khắp nước Anh đã bị buộc tội sai về hành vi trộm cắp, sau khi hệ thống công nghệ thông tin Horizon bị lỗi, gây ra những sai sót trong kế toán.

    Xem thêm: Bê bối Bưu điện Anh, 700 nhân viên bị oan sai khiến người phá sản, người tự sát

    Từ năm 1999 - 2015, những người đó bị Bưu điện liên tục đưa ra tòa vì những tổn thất tài chính chưa bao giờ xảy ra. Một số người bị bỏ tù, hầu hết gặp khó khăn về tài chính, nhiều người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần và một số đã tự tử.

    Dưới sức ép của dư luận, ngày 10/1 vừa qua, Thủ tướng Rishi Sunak hứa sẽ ban hành luật mới để minh oan và bồi thường cho tất cả các nạn nhân, nhằm mang lại công lý cho những người nhiều năm chịu án oan.

    Tuần trước, cảnh sát bất ngờ tuyên bố sẽ điều tra các quan chức Bưu điện, những người đã từ chối thừa nhận trong nhiều năm rằng có sai lầm trong hệ thống thống kê.

    Paula Vennells, một trong những ông chủ cũ của Bưu điện, đã trả lại huân chương được Nữ hoàng trao tặng năm 1999, sau khi hơn 1 triệu người ký đơn yêu cầu tước vinh dự này.

    Những cuộc đời bị phá hỏng

    Những diễn biến này đặt ra một câu hỏi: Làm thế nào một chương trình truyền hình làm được điều mà rất nhiều nhà báo và chính trị gia nỗ lực hơn 1 thập kỷ vẫn chưa thành công?

    “Phim truyền hình được thiết kế để chạm tới trái tim bạn. Đó là thứ hiệu quả suốt hàng nghìn năm nay”, Gwyneth Hughes, tác giả kịch bản chương trình “Mr. Bates đấu với Bưu điện” nói.

    Mattias Frey, giáo sư truyền thông tại Đại học London, nói rằng bộ phim cho thấy sức mạnh của truyền hình trong thay đổi nhận thức của công chúng và tạo ra “khoảnh khắc mang tính bước ngoặt” gây tranh luận sôi nổi trong công chúng.

    Ngay cả Patrick Spence, nhà sản xuất chương trình, cũng ngạc nhiên về hiệu ứng mà chương trình tạo ra. Trước khi chương trình lên sóng, Spence nói với nhóm của mình rằng họ không nên nản lòng nếu xếp hạng ở mức khiêm tốn, vì phải cạnh tranh với nhiều chương trình khác.

    Một ngày sau khi bộ phim bắt đầu, ông được một đồng nghiệp thông báo rằng hơn 3,5 triệu người đã xem tập đầu tiên. “Tôi tưởng mình đã nghe nhầm”, Spence nói. Theo ITV, hơn 9 triệu người đã xem bộ phim này.

    Là một tổ chức gắn liền với cuộc sống của người Anh, Bưu điện quen với việc được miêu tả theo cách hiền lành và tử tế như trong chương trình truyền hình nổi tiếng dành cho trẻ em “Người đưa thư Pat”.

    Điều tra chính thức về vụ bê bối bắt đầu từ năm 2020 và hơn 148 triệu bảng Anh đã được bồi thường cho các nạn nhân. Năm 2019, 555 giám đốc chi nhánh bưu điện đã thành công khi kiện Bưu điện lên Tòa án tối cao.

    Tuy nhiên, trong số 700 bản án hình sự, đến nay chỉ có 93 bản án được làm rõ. Tốc độ chậm chạp khiến các nhà hoạt động phẫn nộ.

    Kể từ khi bộ phim của ITV được phát sóng, nhiều nạn nhân đã ra trình báo nhưng hàng chục người khác đã chết trước khi họ kịp nhận tiền bồi thường. Khi Horizon tuyên bố các tài khoản chi nhánh bưu điện bị thâm hụt, những người quản lý phải bù đắp khoản thiếu hụt theo hợp đồng.

    Một số người phải dùng tiền tiết kiệm của mình để tránh bị truy tố, dù họ chắc chắn rằng mình không làm gì sai. Những người khác nhận tội nhẹ hơn để tránh phải ngồi tù dù họ vô tội.

    Lee Castleton, người có hoàn cảnh đặc biệt trong bộ phim, nói với BBC rằng tài khoản Horizon của ông đột ngột chuyển từ lãi sang lỗ và hơn 90 cuộc gọi đến đường dây trợ giúp đều vô ích.

    Khi tin tức về hành vi sai trái của ông lan truyền trong cộng đồng, Castleton và gia đình ông bị nhiều người xúc phạm là kẻ cắp khi họ đi trên phố, con gái ông bị bắt nạt ở trường rồi sau đó mắc chứng rối loạn ăn uống. Ông phải đi xa để tìm việc làm và ngủ trong xe.

    Những câu chuyện như vậy khiến bộ phim “Mr. Bates đấu với Bưu điện” gây xúc động.

    Nhân vật anh hùng Mr. Bates, do Toby Jones thủ vai, là một nhân vật nóng nảy và không biết mệt mỏi. Giống như những nạn nhân khác, Mr. Bates được Bưu điện báo lại rằng ông là người duy nhất báo cáo sai sót của Horizon.

    Mr. Bates tìm kiếm những người khác, lập một nhóm nạn nhân và theo đuổi vụ án với nguồn lực ít ỏi, vượt qua hàng loạt thất bại để đạt được chiến thắng phi thường trước tòa án.

    Fujitsu, một công ty của Nhật Bản đã phát triển hệ thống Horizon, đang chịu áp lực ngày càng lớn khi các chính trị gia muốn hãng này chịu một phần phí bồi thường, khi công ty vẫn còn hợp đồng trị giá hàng tỷ bảng với Chính phủ Anh.

    Tienphong (theo New York Times)

  • Chính phủ Anh đang xem xét miễn tội cho hơn 700 nhân viên phụ trách chi nhánh bưu điện bị kết tội trộm cắp oan sai từ năm 1999 đến năm 2015. Vụ việc gây phẫn nộ trong công chúng nước này trong suốt 1 năm qua.

    post office
    Bưu điện Anh đang dính bê bối nghiêm trọng.

    Theo ABC, đêm 9-1 (giờ Việt Nam), bà Paula Vennells, cựu Giám đốc Bưu điện thuộc sở hữu nhà nước của Anh đã quyết định giao lại tước hiệu cao quý – Tư lệnh đế chế Anh (CBE) được Hoàng gia trao tặng vào năm 2018 - trong bối cảnh cơn thịnh nộ của dư luận ngày càng tăng lên do trách nhiệm của bà trong những vụ kết án sai khiến hơn 700 nhân viên bưu điện bị buộc tội trộm cắp một cách oan uổng.

    Thủ phạm thực sự là lỗi của phần mềm kế toán có tên Horizon do công ty công nghệ Nhật Bản Fujitsu cung cấp. Vì lỗi hệ thống, máy tính của Bưu điện đã liên tục hiển thị số tiền bị thiếu ở các chi nhánh.

    Trước đó, một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi tước bỏ danh hiệu của bà Vennells đã thu hút hơn 1,2 triệu người ủng hộ.

    Bà Paula Vennells, đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Bưu điện Anh từ năm 2012 đến năm 2019 nói: “Tôi thực sự xin lỗi vì những tổn hại đã gây ra cho những người phụ trách bưu điện và gia đình họ, những người mà cuộc sống của họ đã tan nát vì oan sai và bị truy tố do lỗi của hệ thống Horizon. Tôi sẽ tiếp tục hợp tác với nhà chức trách trong cuộc điều tra để làm rõ vụ bê bối”.

    Trong nhiều năm, nhà lãnh đạo Bưu điện Anh luôn khẳng định dữ liệu từ Horizon là đáng tin cậy và cáo buộc các nhà quản lý chi nhánh không trung thực. Nhiều người đã phá sản sau khi bị buộc phải trả số tiền lớn cho bưu điện, một số bị kết án tù. Một số đã tự sát.

    Sau nhiều năm các nạn nhân và luật sư theo đuổi kháng án, Tòa phúc thẩm Anh đã hủy bỏ 39 bản án vào năm 2021. Một thẩm phán cho biết Bưu điện biết có những vấn đề nghiêm trọng về độ tin cậy của Horizon và đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng trong quá trình điều tra.

    Trước đó, từ cuối năm 2019, bưu điện đã đồng ý giải quyết khiếu nại và trả 58 triệu bảng trong một thỏa thuận với 555 phó bưu cục. Trong năm này, Vennells, người đã nhận được hơn 4,5 triệu bảng tiền lương và tiền thưởng trong suốt nhiệm kỳ 7 năm của mình đã từ chức.

    Đến nay, khoảng 138 triệu bảng đã được trả cho hơn 2.700 người yêu cầu bồi thường theo 3 chương trình riêng của bưu điện. Tuy nhiên, nhiều người quản lý chi nhánh bưu điện vẫn chưa nhận được tiền bồi thường hoặc chưa được xóa án tích.

    Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết, chính phủ của ông đang xem xét miễn tội cho những người quản lý bưu điện bị kết án oan, đồng thời gọi vụ bê bối là "sự sai lầm kinh khủng của công lý".

    Nhà chức trách nước này cũng đang tiến hành một cuộc điều tra độc lập và công khai, thu thập bằng chứng từ các nhân viên bưu điện, chính phủ, Fujitsu... Cuộc điều tra dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay.

    Cảnh sát Thủ đô London cũng xác nhận đang tiến hành cuộc điều tra riêng đối với Bưu điện Anh về các hành vi gian lận tiềm ẩn phát sinh từ các vụ truy tố sai trái.

    Theo hanoimoi

  • Một người đàn ông ban đầu chỉ bị tuyên án 15 tháng tù vì tội ăn cắp, nhưng 18 năm sau anh ta mới được bước ra khỏi song sắt nhà tù. 

    Danny Weatherson, 35 tuổi, đến từ Newcastle, đã bị bỏ tù vào năm 17 tuổi. Tòa án nói rằng anh chỉ phải đi tù 15 tháng vì tội trộm cắp 1 chiếc áo khoác và 1 chiếc điện thoại. 

    di tu 18 nam 1
    Danny Weatherson mới 17 tuổi khi bị bỏ tù. Ảnh: NCJ Media

    Tuy nhiên, anh sau đó lại bị khép vào Khung hình phạt IPP (Imprisonment for Public Protection - Bị giam giữ để bảo vệ cộng đồng). Nghĩa là một hội đồng tạm tha (Parole Board) sẽ tùy ý quyết định xem anh có phải là mối nguy cơ với công chúng hay không. Và án tù của Danny đã rơi vào tình trạng không xác định ngày ra .

    Mãi 18 năm sau, anh mới được phóng thích. Sau khi ra tù, anh nói với ITV News rằng anh muốn một lời xin lỗi và bồi thường. 

    Anh nói: "Tôi muốn được xin lỗi và tôi nghĩ mình xứng đáng được bồi thường. Họ cần phải giúp đỡ những người đã bị tuyên án theo khung hình phạt IPP. Không chỉ thả ra khỏi tù là xong, chúng tôi ngồi tù oan và phải được bồi thường. Chúng tôi không đáng bị giam lâu như thế. Họ đã thừa nhận rằng họ làm sai. Luật IPP đã bị bãi bỏ vào năm 2012, vậy sao đến giờ nhiều người vẫn còn bị giam oan uổng?".

    Bộ Tư pháp cho biết họ đang tiếp tục thúc đẩy việc phóng thích những người bị giam theo diện IPP, nhưng bảo vệ công chúng mới là ưu tiên số một của họ. 

    Người phát ngôn Bộ Tư Pháp tuyên bố: "Chúng tôi đã giảm 2/3 số phạm nhân IPP kể từ khi luật này bị bãi bỏ vào năm 2012, và chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ những người còn lại. Sự an toàn của công chúng là ưu tiền hàng đầu của chúng tôi, và chúng tôi đang cân nhắc xem nên áp dụng thêm những phương pháp nào để đảm bảo tù nhân được thả ra không tiềm ẩn nguy hại với người dân".

    di tu 18 nam 1
    Danny Weatherson tin rằng anh nên được xin lỗi và bồi thường cho khoảng thời gian thụ án vô lý. Ảnh: ITV Tyne Tees

    Khi được hỏi anh có phải là mối nguy với cộng đồng không, Danny nói: "Đương nhiên là không rồi. Tôi chỉ là một đứa trẻ phạm phải mội lỗi lầm ngu ngốc. Lúc đó hay bây giờ tôi đều không hề nguy hại. Thật kinh tởm. Thật khủng khiếp, cái cách họ giam cầm tôi khiến tôi cảm thấy mình chẳng khác gì ác quỷ".

    Bố của anh, ông Maurice Stevens, cho biết bản án đã cướp mất một nữa cuộc đời Danny, và đã giáng một đòn nặng nề vào gia đình. "Chúng tôi không biết ngày nào con mới được thả. Liệu có phải nó sẽ bị giam cả đời? Cuộc đời chúng tôi cũng hoàn toàn bị kéo lùi. Cứ mỗi lần nó ra tòa tạm tha, hội đồng lại từ chối thả nó", ông nói.

    di tu 18 nam 1
    Anh Danny đã được đoàn tụ với bố sau 18 năm.

    Người phát ngôn của Parole Board nói: "Quyết định của Parole Board chỉ dựa trên việc tù nhân có khả năng gây nguy hại cho cộng đồng sau khi được thả hay không. Chúng tôi sẽ căn cứ vào rất nhiều bằng chứng, bao gồm chi tiết của việc phạm tội ban đầu, những thay đổi của tù nhân, ảnh hưởng của hành vi phạm tội đối với nạn nhân. Chúng tôi đã nghiền ngẫm hàng trăm trang bằng chứng và báo cáo trước khi đưa ra quyết định. Bằng chứng từ những người chứng kiến, chẳng hạn nhân viên cai ngục, bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học, nhân viên quan sát phạm nhân trong tù, các tuyên bố của nạn nhân trước tòa. Hội đồng luôn xem xét kỹ lưỡng mọi thông tin. Bảo vệ công chúng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi".

    Viethome (theo ITV News)

  • Ngày 21/11/1974, hai quả bom phát nổ trong hai quán rượu ở Birmingham (Anh), giết chết 21 người. 6 người đàn ông đã bị bắt ngay sau đó. Sau 16 năm ngồi tù, họ được minh oan bởi một nhà báo.

    an oan birmingham six 1
    John Walker, Paddy Hill, Hugh Callaghan, Richard McIlkenny, Gerry Hunter và William Power, sau khi kháng cáo thành công, được tuyên vô tội. Nhà báo Chris Mullin, ân nhân của họ, là người đứng giữa.

    Năm 1974, khi biết Hugh Callaghan nhút nhát và rất sợ chó, cảnh sát đã đưa chó nghiệp vụ vào phòng giam của Hugh Callaghan và ra lệnh cho chúng tấn công ông, chỉ giữ chúng lại ở những giây phút cuối cùng. 

    Hugh Callaghan là một trong 6 người đàn ông bị kết án oan trong vụ án oan sai được cho là "nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Anh". Giờ đây khi đã 92 tuổi, ngồi trong ngôi nhà yên bình ở London cùng người bạn đời của mình, nhớ lại giây phút đó, ông Hugh Callaghan dường như vẫn còn nguyên nỗi sợ: "Tôi vẫn gặp ác mộng về chuyện đó".

    Vợ ông, bà Adeline, chia sẻ, có nhiều đêm ông ấy thức dậy nhiều lần và la hét. Đến giờ, nếu gặp một con béc-giê trên đường, Callaghan sẽ tìm mọi cách trốn nó.

    Đây chỉ là một trong nhiều chi tiết khủng khiếp của vụ án Birmingham Six, trong đó, 6 người đàn ông (gồm John Walker, Paddy Hill, Hugh Callaghan, Richard McIlkenny, Gerry Hunter và William Power) đã phải ngồi tù suốt 16 năm vì một tội ác mà họ không hề thực hiện.

    Điều gây sốc không chỉ là 16 năm tù oan mà còn là nỗ lực không mệt mỏi của cảnh sát, một số thẩm phán và cả truyền thông trong việc tìm mọi cách ép cung, liên tục kết tội 6 người này suốt hơn một thập kỷ, bất chấp việc xuất hiện ngày càng nhiều bằng chứng khẳng định họ vô tội.

    Những thông tin sai lệch từ cảnh sát và truyền thông đã khiến dư luận tin rằng 6 người đàn ông này thực sự là thủ phạm vụ đánh bom gây chấn động nước Anh gần 50 năm trước.

    an oan birmingham six 1
    Hugh Callaghan chụp ảnh tại nhà riêng ở tuổi 92 (Ảnh: The Observer).

    Vụ đánh bom quán rượu

    Ngày 21/11/1974, hai quả bom đã phát nổ trong hai quán rượu ở trung tâm Birmingham (Anh), giết chết 21 người và làm bị thương 182 người. Đây là một trong những vụ tấn công tồi tệ nhất trong lịch sử nước Anh.

    Callaghan khi đó đang uống rượu ở một quán bar khác gần đó, đã bị bắt ngay trước cửa nhà vào tối hôm sau. Ông cùng 5 người còn lại đã bị cảnh sát đánh đập và đe dọa, không cho ăn, không cho ngủ, ép cung cho đến khi chịu ký nhận tội.

    Năm 1975, cả 6 người đàn ông bị đưa ra xét xử dù họ liên tục kêu oan. Callaghan khăng khăng nói ông đã bị ép cung, thậm chí cảnh sát còn bịa đặt lời khai của ông, nhưng thẩm phán không hề nghe ông nói.

    Đầu tiên Callaghan bị đưa đến nhà tù Winson Green. "Nhà tù đó là một nơi khó sống. Tôi bị đánh vài lần bởi quản ngục. Những tù nhân khác cũng không thích tôi vì họ tin rằng tôi thực sự là kẻ đã gây ra vụ đánh bom đẫm máu đó", người đàn ông kể ông bị hất trà nóng và bị ném lon thức ăn vào mặt.

    Sáu người đàn ông mang tội đánh bom sau đó được giam tách biệt để tránh sự bạo hành của các tù nhân khác. Sau này, khi có tin đồn rằng cả 6 người đang chịu án oan, các tù nhân khác đã đối xử với họ tốt hơn.

    an oan birmingham six 1
    Hình ảnh 6 người đàn ông bị bắt vào năm 1974 (Ảnh: PA).

    Một nhà báo đi tìm sự thật

    Câu chuyện Birmingham Six không chỉ là một vụ án oan sai cho thấy những hành vi sai trái cực đoan của cảnh sát. Điều khiến nó trở nên khủng khiếp hơn là hành động của một bộ phận những người làm trong ngành tư pháp thời đó, những người dường như quan tâm đến việc duy trì danh tiếng của hệ thống tư pháp hơn là đi tìm kiếm sự thật.

    Nhưng có một người luôn kiên định tin vào sự vô tội của 6 người đàn ông này và miệt mài đấu tranh cho sự thật. Đó là cựu nghị sĩ, nhà báo Chris Mullin.

    Năm 1987, Mullin đã đưa ra hàng loạt chứng cứ chứng minh sự vô tội của 6 người đàn ông trong loạt phim tài liệu World in Action của Granada TV. Nhờ đó vụ án được đưa trở lại tòa phúc thẩm. Những sai sót trong quá trình điều tra của cảnh sát và pháp y được nêu ra song điều này là chưa đủ đối với chánh án Lord Lane. "Vụ án này càng kéo dài, tòa án càng tin chắc rằng phán quyết của bồi thẩm đoàn là đúng", ông này nói.

    Nhà báo Mullin không nản chí. Ông tiếp tục đi tìm kiếm những nhân chứng và bằng chứng mới. Cuối cùng cả 6 người được minh oan. Tháng 3/1991, 6 người cùng với nhà báo Mullin bước ra khỏi Tòa án Hình sự Trung ương, tay giơ cao, ngất ngây trong niềm vui đòi được công lý.

    Năm 1993, một vụ án chống lại 3 trong số các cảnh sát điều tra 6 người đã bị hủy bỏ một cách đầy tranh cãi. 

    Trong khi đó, cảnh sát vẫn không có bất kỳ bước tiến nào trong việc tìm ra thủ phạm thực sự của vụ đánh bom. Cảnh sát bám lấy Mullin, buộc ông phải tiết lộ danh tính của một trong những kẻ đánh bom thực sự, người mà ông đã hứa giữ bí mật hoàn toàn về danh tính để đổi lấy thông tin giúp minh oan cho sáu người đàn ông bị tù oan.

    Mullin từ chối bằng lập luận rằng việc bảo vệ các nguồn tin là điều cần thiết đối với nghề báo, và nếu không có điều đó thì ông đã không thể khám phá ra sự thật về vụ án oan này.

    Năm 2019, cảnh sát đã đệ đơn xin lệnh của tòa án đối với Chris Mullin, kiện ông tội không tiết lộ danh tính thật sự của kẻ đánh bom. Tuy nhiên phiên tòa vào tháng 3/2022 đã ra phán quyết chấp thuận cho Mullin được phép giữ kín danh tính nguồn tin của mình, bất kể đó là ai.

    an oan birmingham six 1
    Chris Mullin bên ngoài tòa án sau khi bảo vệ thành công quyền được giữ kín nguồn tin (Ảnh: PA).

    Dân Trí (theo Guardian)

  • Bất chấp việc có chứng cớ ngoại phạm, Richard Jones vẫn phải ngồi tù oan trong suốt 17 năm trời chỉ vì ngoại hình của mình.

    Vào năm 1999, một vụ trộm túi xách của người phụ nữ tại một bãi đậu xe của Walmart ở Roeland Park, Kansas, Mỹ đã được thông báo cho cảnh sát. Ngay sau đó, cảnh sát đã xác định được nghi phạm là Richard Jones và lập tức tiến hành lấy lời khai của nhân chứng.

    ngoi tu oan 17 nam 1
    Richard Jones bị kết tội dù có bằng chứng ngoại phạm

    Bất chấp việc Jones có bằng chứng ngoại phạm khi anh ở cùng bạn gái ở Thành phố Kansas trong thời điểm vụ án xảy ra và không có bất kì dấu vết nào cho thấy anh xuất hiện ở hiện trường, những nhân chứng của vụ việc lại đưa ra lời khai hoàn toàn khác.

    Theo đó, nhân chứng mô tả kẻ tấn công là một người đàn ông gầy, da sáng, là người da đen hoặc gốc Tây Ban Nha với mái tóc sẫm màu hoàn toàn phù hợp với Jones. Sau khi xem ảnh chụp, các nhân chứng đều xác định rằng Jones chính là nghi phạm gây án.

    Sau đó, anh lập tức bị kết án cướp giật có vũ khí bởi cảnh sát và phải chịu ngồi tù. Dù đã nhiều lần cố gắng kháng cáo nhưng đều không được chấp thuận. Phải đến khi The Midwest Innocence Project (tạm dịch: Dự án Vô tội Trung Tây) và Trường Luật Đại học Kansas cùng kết hợp để lật lại vụ án của Jones, mọi chuyện mới thực sự vỡ lở.

    ngoi tu oan 17 nam 1
    Không thể phân biệt được đâu là Richard Jones và Ricky Amos

    Trong quá trình điều tra, các chuyên gia này phát hiện ra rằng tại nhà tù mà Jones đang thụ án có một "doppelgänger" (tạm dịch: song trùng, chỉ hai người có diện mạo y hệt nhưng không chung huyết thống) của anh và người này tên Ricky Amos.

    Khi đặt bức hình chụp Richard Jones và Ricky Amos cạnh nhau, ngay cả thẩm phán và các nhân chứng đều không thể phân biệt được hai người họ.

    Dù không có vật chứng, DNA hay dấu vân tay nào có thể khẳng định Amos dính líu tới tội ác năm 1999 ngoài việc họ xác định được Amos sống gần địa điểm gây án vào thời điểm đó nhưng Amos vẫn bị kết án thay cho Jones. Tuy nhiên, do thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đã kết thúc nên tên này sẽ không phải đối mặt với việc truy tố tội danh.

    ngoi tu oan 17 nam 1
    Richard đoàn tụ với gia đình sau 17 năm ngồi tù oan

    Về phía người bị đi tù oan suốt 17 năm (2000-2017), sau khi được xóa bỏ tội danh, thả tự do và đoàn tụ với gia đình, anh xúc động chia sẻ:

    "Đối với các con tôi, đó là hành trình khó khăn, nhưng giờ chúng đã đủ khôn lớn để có thể hiểu được".

    Đồng thời, để đền bù cho quãng thời gian bị oan cũng như tổn thất mà anh phải chịu đựng, Jones đã được chính phủ bồi thường số tiền khổng lồ lên tới 1 triệu USD.

    "Tôi không tin vào may mắn. Tôi nghĩ là mình đã được ban phước lành" - Jones nói với Kansas City Star.

    Chia sẻ về trường hợp hy hữu này, một luật sư tham gia bào chữa trong vụ án cho biết: "Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên bởi họ trông quá giống nhau".

    Thể thao Văn hóa (theo Ladbible)

  • John Galvan bị phạt tù chung thân với cáo buộc châm điếu thuốc vào vũng xăng, gây hỏa hoạn khiến hai người chết. Bộ phim khoa học John tình cờ xem trong tù đã chứng minh điều này bất khả thi.

    Tháng 9/1986, hai anh em nhà Jorge thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tại một căn hộ ở Tây Nam Chicago (Mỹ). Hai người em của họ may mắn thoát khỏi đám cháy và sau đó khai với cảnh sát rằng nghi thủ phạm là một phụ nữ hàng xóm. Anh trai cô ta vừa bị một băng đảng đường phố giết, và cô ta nghi cho băng đảng của anh em Jorge, luôn nuôi ý định trả thù.

    Khi cảnh sát thẩm vấn, người phụ nữ phủ nhận mọi liên quan và tố cáo John Galvan, khi đó 18 tuổi, cùng anh trai John và một hàng xóm khác. Cảnh sát cũng phỏng vấn nhiều hàng xóm và họ đều bảo khả năng John là thủ phạm rất cao.

    John thực tế đã ngủ tại nhà bà nội vào đêm xảy ra vụ cháy và cũng không có bằng chứng vật chất nào khác cho thấy liên quan đến vụ cháy, song cuối cùng vẫn bị bắt giữ.

    an oan 35 nam 1
    Những bức ảnh của John Galvan trước khi vào tù. Ảnh: ATI

    Thanh niên 18 tuổi này bị cảnh sát thẩm vấn bằng vũ lực và được thuyết phục nếu nhận tội có thể được trở về nhà với cha mẹ. Trái lại, John có thể bị tử hình. John nghe theo và ký vào lời thú tội viết sẵn, thừa nhận đã cùng hai đồng phạm ném một chai xăng vào nhà hàng xóm và sau đó ném một điếu thuốc cháy dở vào vũng xăng trước hiên nhà với ý đồ gây hỏa hoạn.

    Nhưng tất nhiên John không được về nhà. Ba thanh niên 18, 20 và 22 tuổi bị tuyên ba án tù chung thân không ân xá vì tội Giết người cấp độ một. John ngơ ngác giữa phòng xử, cảm thấy bị lừa dối và hét lên rằng bị ép cung, bị đánh đập, nhưng quá muộn.

    Hy vọng nhen nhóm nhờ tình cờ xem phim tài liệu khoa học

    21 năm sau, trong phòng giam, John khi này đã 39 tuổi, tình cờ bật kênh Discovery và thấy những người dẫn chương trình MythBusters (một chương trình truyền hình giải trí khoa học) phải vật lộn liên tục để đốt một vũng xăng bằng một điếu thuốc đang cháy nhưng không thành công.

    Dựa trên nhiệt độ bốc cháy của xăng và khoảng nhiệt độ của điếu thuốc đang cháy, ban đầu, những người dẫn chương trình đưa ra giả thuyết rằng, một điếu thuốc đang cháy có thể đốt cháy một vũng xăng, như những gì hay thấy trong phim.

    Nhưng sau nhiều nỗ lực không thành công trong việc châm lửa, bao gồm cả việc lăn một điếu thuốc đã cháy trực tiếp vào một vũng xăng, nhóm nghiên cứu xác định: Việc thả một điếu thuốc vào xăng gây ra hỏa hoạn, là điều hoang đường.

    John như bừng tỉnh.

    "Tôi đã rất phấn khích và vô cùng hạnh phúc. Tôi cảm thấy như cuối cùng phép màu đã xuất hiện với tôi", John sau này nhớ lại. Anh lập tức xin liên lạc với luật sư và kể lại mọi chuyện.

    an oan 35 nam 1
    Jamie Hyneman (trái) và Adam Savage, hai chuyên gia kiêm người dân chương trình "huyền thoại" của loạt phim tài liệu giải trí khoa học MythBusters. Ảnh TV Guide

    "Thực sự tôi rất sốc. Hầu như ai trong chúng ta cũng từng xem nhưng bộ phim có cảnh người ta ném điếu thuốc vào một chiếc ôtô tẩm xăng và tất cả nổ tung. Chính tôi cũng mặc định điều đó là hoàn toàn có thể. Khi tôi xem tập phim Mythbusters này, với tư cách là một luật sư, tôi nhận ra rằng có những điều phải xem xét thật sâu sắc, đừng để phim ảnh chi phối bạn", Tara Thompson, luật sư của John chia sẻ.

    Sau khi nói chuyện với John, nữ luật sư quyết định tự kiểm chứng thí nghiệm 3 lần liền và nhận ra rằng, John đã đúng. Cô quyết định làm hồ sơ xin lật lại vụ án với bằng chứng khoa học mấu chốt này.

    Cùng năm, Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ (ATF) đã thực hiện hơn 2.000 lần thử đốt xăng bằng điếu thuốc lá đang cháy, trong nhiều điều kiện khác nhau. Các thí nghiệm của nhà chức trách thậm chí còn bao gồm một máy hút chân không nhằm làm tăng nhiệt độ cực đại của điếu thuốc có thể đạt được và phun sương xăng trực tiếp lên điếu thuốc đang cháy. Tất cả nỗ lực đều không thành công.

    Richard Tontarski, nhà khoa học pháp y và sau đó là trưởng nhóm nghiên cứu hỏa hoạn của ATF cho biết: "Bất chấp những gì bạn thấy trong các bộ phim hành động, việc thả một điếu thuốc đang cháy vào vệt xăng sẽ không làm bùng cháy nó, trong điều kiện mức oxy bình thường, thậm chí với các điều kiện chuẩn phòng thí nghiệm".

    Năm 2017, khi John cuối cùng được điều trần về những tuyên bố sau khi bị kết án, Tara Thompson và cộng sự đã chứng minh việc thân chủ bị ép cung. Cô thuyết phục được 7 người ra tòa làm nhân chứng cho việc, từng bị nhóm cảnh sát điều tra vụ hỏa hoạn này, đánh đập ép cung trong các vụ án khác nhau.

    Tara cáo buộc cảnh sát đã bịa đặt lời thú tội để bắt thân chủ mình. Một chuyên gia của ATF cũng làm chứng rằng lời thú tội khống của John là phi khoa học.

    Vào năm 2019, tòa phúc thẩm đã cho John giảm nhẹ án sau khi đã bị kết án, với lý do "thực sự vô tội", một điều hiếm gặp ở Mỹ. "Nếu không có lời thú nhận sai trái của John, bị đưa ra một cách ép buộc, thì vụ án này không tồn tại", bản án phúc thẩm nêu.

    Cuối cùng, năm 2022, sau những lần kháng cáo liên tiếp, hai người bị cáo buộc là đồng phạm với John cũng được hủy án.

    Ngày 21/7, sau khi ba người ngồi tù tổng cộng 105 năm vì tội danh mà họ không phạm phải, họ đều được thả tự do và tuyên vô tội. Văn phòng Biện lý Quận Cook cũng tuyên bố không theo đuổi vụ án nữa.

    an oan 35 nam 1
    John Galvan (phải) và luật sư Tara Thompson, trong ngày John được ân xá, 21/7/2022. Ảnh: Innocence Project

    Trong 3 tháng qua, John đã thích nghi với sự tự do và cuộc sống như một người trưởng thành bên ngoài những bức tường nhà tù. Dù rất vui khi được tự do, nhưng John không che giấu những khó khăn xảy đến với những thay đổi lớn mà mình đang thích nghi.

    Trong 35 năm bị giam giữ oan sai, "thế giới đã chuyển động với tốc độ chóng mặt", John cay đăng nói. John đã mất liên lạc với bạn bè và các thành viên trong gia đình, một số người đã qua đời khi John đang ở trong tù.

    "Thật khó khăn, tôi cảm thấy lạc lõng, có rất nhiều thứ để học và tôi không biết mình phải ở đâu. Tôi không biết phải làm gì," John nói, đoạn đời đẹp nhất của một người, đã bị John nếm trải trong tù.

    *Vì mục đích an toàn, độc giả không nên làm theo thí nghiệm đề cập trong bài

    VnExpress (Theo Innocence Project, ATI)

  • an oan Timothy Evans 2

    Timothy Evans bị kết án, chịu hình phạt treo cổ khi tòa không có bằng chứng buộc tội, chỉ vì anh ta có vẻ ngoài kém tin cậy hơn so với hung thủ thực sự.

    Timothy Evans có chỉ số IQ ở ngưỡng kém phát triển và mắc chứng bệnh lao xương, kết hôn với Beryl Thorley ngày 20/9/1947 sau tiếng sét ái tình trong bữa tiệc. Cặp vợ chồng trẻ sống tại căn hộ trên cùng của tòa Rillington ở Notting Hill.

    Tháng 10/1948, những rạn nứt bắt đầu xuất hiện. Các cuộc tranh cãi và thậm chí có cả bạo lực đã trở thành một phần trong cuộc sống vợ chồng họ. Trong khi Timothy chán nản với người vợ suốt ngày ngồi nhà và yêu cầu tiền bạc mà không chăm chút cho nhà cửa, Beryl thất vọng khi chồng nghiện rượu, không thể cho cô cuộc sống đầy đủ như hứa hẹn khi mới gặp.

    Cuối năm 1949, Beryl thông báo mang bầu con thứ hai, do tình hình tài chính eo hẹp nên sẽ phá thai. Thời đó, đây là hành vi bất hợp pháp. Timothy ban đầu không đồng ý, tranh cãi nhưng sau đành chấp nhận.

    Ngày 30/11/1949, Timothy báo cảnh sát rằng vợ chết trong hoàn cảnh bí ẩn. Nhưng mỗi lần thẩm vấn, Timothy lại kể nội dung khác nhau khiến cảnh sát nghi ngờ.

    Lúc đầu, Timothy thú nhận đã pha chế thuốc phá thai cho vợ uống và vô tình khiến cô thiệt mạng. Anh ta vì thế phi tang ở cống cần đó. Nhưng cảnh sát khám xét khu vực này không tìm thấy dấu vết gì.

    Khi bị thẩm vấn lại, Timothy thay đổi câu chuyện, nói John Christie, người hàng xóm tầng dưới, đã đề nghị phá thai cho Beryl. Timothy giải thích không khai ra John trong cuộc thẩm vấn đầu tiên là để bảo vệ anh này.

    an oan Timothy Evans 2
    Gia đình Timothy Evans và một người bạn (bìa phải). Ảnh: Crime Magazine

    Timothy cho biết ban đầu vợ chồng đều cân nhắc nhưng sau đó chấp nhận lời đề nghị của John. Hôm 8/11, Timothy đi làm về và được John thông báo đã thực hiện không thành công. Beryl đã chết. John nói sẽ vứt xác và khuyên Timothy nên rời London trong thời gian chờ đợi.

    Bị cảnh sát thẩm vấn, John mực phủ nhận và cho rằng Timothy nói dối để che đậy tội ác.

    Trong khi mọi việc chưa ngã ngũ, một cảnh sát tìm thấy xác của Beryl bọc trong chiếc khăn trải bàn tại nhà vệ sinh phía sau ngôi nhà số 10 Rillington, bên cạnh là thi thể con gái lớn. Cả hai bị siết cổ.

    Những người hàng xóm cho biết, Timothy nghiện rượu và thường xuyên đánh đập vợ, còn John sống kín tiếng và sống thân thiện. Cảnh sát càng có niềm tin Timothy là hung thủ.

    Bất ngờ hơn, trong cơn hoảng loạn và căng thẳng cực độ, Timothy đã nhận tội. Cảnh sát ngay lập tức bắt anh ta.

    an oan Timothy Evans 2
    Timothy Evans khi bị bắt. Ảnh: Daily Express

    Tuy nhiên, trong phiên tòa, anh kêu oan và nói rằng John mới là thủ phạm. Đối chất, John liên tục phủ nhận. Dù có tiền sử phạm tội, John không bị coi là nghi phạm. Việc từng phục vụ trong lực lượng cảnh sát khiến bồi thẩm đoàn cảm thấy lời khai của anh ta đáng tin cậy.

    Phiên tòa diễn ra trong 40 phút mà không có nhân chứng hay bằng chứng pháp y chứng minh Timothy giết vợ con. Tòa cũng bỏ qua luôn việc bị cáo có chỉ số IQ ở ngưỡng kém phát triển về trí tuệ và mắc chứng hoang tưởng.

    Ngày 9/3/1950, Timothy bị treo cổ ở nhà tù Pentomnville. Vụ án oan của Timothy là một trong những bê bối công lý tồi tệ nhất ở nước Anh thế kỷ 20.

    Ba năm sau, John chuyển nhà, vợ anh biến mất với lá đơn ly hôn. Chủ toà nhà cho cặp vợ chồng trẻ thuê lại căn phòng của John ở tòa nhà Rillington. Khách muốn sửa sang lại đôi chút nên phá bỏ vài thứ.

    Trong khi sửa chữa, những mảng tường cũ bong ra, họ phát hiện ba bộ thi thể giấu trong đó. Cảnh sát sau đó tìm thấy ba thi thể thấy dưới sàn.

    Trong 6 thi thể, có người vợ đột ngột biến mất của John.

    an oan Timothy Evans 2
    John Christie và vợ. Ảnh: Daily Mirror

    John ngay lập tức bị bắt, thừa nhận đã gây án trong năm, 1943-1953, thường làm các nạn nhân bất tỉnh bằng khí gas trong nhà.

    Trong thời gian làm cảnh sát, hắn thực hiện vụ đầu tiên vào năm 1943 và nạn nhân đầu tiên là cô gái hành nghề mại dâm. Hắn được cho là đã dụ các nạn nhân đến nhà bằng cách vờ làm người chuyên phá thai.

    Ngày 22/6/1953, John bị xét xử tại cùng tòa án đã xét xử Timothy ba năm trước. Hắn thú nhận sát hại vợ con Timothy, và bị hành quyết ngày 15/7/1953.

    Năm 1966, sau hai lần điều tra chính thức, lệnh ân xá của hoàng gia với Timothy được ban hành. Năm 2003, em gái cùng cha khác mẹ của Timothy nhận được tiền bồi thường vì những sai lầm năm xưa của nhà chức trách.

    Vụ án oan của Timothy cùng với một số sự việc sai sót khác đã trở thành lý do buộc Anh bãi bỏ án tử hình với tội giết người.

    VnExpress (Theo WalesOnline, Medium, Express, The Guardian)

  • Hai anh em da màu thắng vụ kiện đòi bồi thường, sau khi bị tuyên tử hình oan vào năm 1983 và ở tù suốt 31 năm.

    Hãng AP ngày 16.5 đưa tin bồi thẩm đoàn trong vụ án nhân quyền liên bang tại Bắc Carolina (Mỹ) vừa quyết định bồi thường 75 triệu USD (1.733 tỉ đồng) mỗi người cho 2 anh em bị tuyên án tử hình oan và ở tù 31 năm.

    Hai anh em cùng mẹ khác cha Henry McCollum và Leon Brown bị kết án trong vụ hãm hiếp và giết chết một bé gái 11 tuổi vào năm 1983. Mãi đến năm 2014, hai người này mới được tuyên trắng án.

    Theo bồi thẩm đoàn, mỗi người sẽ được nhận 31 triệu USD bồi thường thiệt hại, 1 triệu USD cho mỗi năm ở tù oan và 13 triệu USD tiền bồi thường trừng phạt, tức khoản bồi thường nhằm răn đe những trường hợp oan sai tương tự.

    tuyen an oan
    Hai anh em Henry McCollum và Leon Brown. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH NEWS OBSERVER

    Hai nạn nhân bị thiểu năng trí tuệ McCollum và Brown đã theo đuổi vụ kiện từ năm 2015, cho rằng họ bị vi phạm về nhân quyền khi thẩm vấn nên dẫn đến việc bị kết án.

    Vào năm 2014, cả 2 được thả sau khi các chứng cứ về ADN cho thấy họ vô tội trong vụ án xảy ra tại thị trấn Red Springs (hạt Robeson) vào năm 1983, khi McCollum chỉ mới 19 tuổi còn Brown 15 tuổi.

    Các luật sư biện hộ cho biết 2 thân chủ của họ có chỉ số thông minh thấp, đã quá sợ hãi khi bị thẩm vấn và bị ép cung, trước khi bị tuyên án tử hình.

    Ông McCollum trở thành phạm nhân mang án tử hình có thời gian ở tù lâu nhất ở bang Bắc Carolina. Còn ông Brown bị vấn đề về tâm thần trong thời gian ở tù, cần phải chăm sóc toàn thời gian và đã được giảm xuống án chung thân, trước khi cả 2 được trắng án.

    Văn phòng cảnh sát hạt Robeson, một trong các bị đơn, đã dàn xếp phần bồi thường của mình trong vụ án với khoản tiền 9 triệu USD. Chính quyền thị trấn Red Springs trước đó vào năm 2017 đã chi 1 triệu USD dàn xếp trong vụ kết án tử hình oan trên.

  • Cư dân Ba Lan, Tomasz Komenda, sẽ nhận được gần 13 triệu zloty (khoảng 3,5 triệu đô la) cho 18 năm tù oan của mình.

    25 năm tù cho một người vô tội

    Mười tám năm trước, một cô gái 15 tuổi chết tại một thị trấn nhỏ của Ba Lan bị cưỡng hiếp và bỏ mặc trong giá lạnh. Komenda 23 tuổi bị kết tội, và nhận án 25 năm tù.

    Gần đây, các tình tiết mới đã xuất hiện trong vụ án, đặc biệt là kết quả giám định chứng minh ông vô tội. Kết quả là Tomasz Komenda được tuyên không phạm tội giết người, hiếp dâm và mãn hạn tù sau 18 năm. 

    an oan
    Chàng trai trẻ ngày nào nay đã hơn 40 tuổi, hạnh phúc bên vợ sắp cưới sau 18 năm oan sai.

    1 triệu zloty cho mỗi năm ngồi tù

    Sau khi được thả, Komenda quyết định yêu cầu nhà nước bồi thường và thông qua tòa án yêu cầu trả 18 triệu zloty (khoảng 4,8 triệu USD) - một triệu cho mỗi năm ngồi tù.

    Theo cổng RMF FM, vào hôm thứ Hai, Tòa án khu vực Opole đã quyết định Komenda sẽ nhận được 12 triệu 811 nghìn 533 zloty (khoảng 3,5 triệu USD) tiền bồi thường và hoàn trả. Phiên tòa diễn ra sau những cánh cửa đóng kín.

    Trong khi đó, các cơ quan thực thi pháp luật đã tìm ra hai thủ phạm thực sự gây ra cái chết của cô gái. Cả hai đều bị kết án 25 năm tù mỗi người. 

    Theo Sputnik

  • Để có chỗ dựa cho các con và tiếp tục đi kêu oan cho chồng, Tống Tiểu Nữ đã cưới người khác. 24 năm sau, nỗ lực của chị được đền đáp.

    Vào ngày 24/10/1993, thi thể hai cậu bé, một 6 tuổi và 4 tuổi ở làng Trương Gia, huyện Tiến Hiền, thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây được vớt lên từ một hồ nước. Các bác sỹ pháp y nhận định hai bé chết không phải do đuối nước mà bị bóp cổ. Sau khi điều tra, người hàng xóm tên Trương Ngọc Hoàn khi đó 26 tuổi, là thợ mộc được xác định là thủ phạm.

    Tháng 1/1995, Trương bị kết án tử hình vì tội giết người và hoãn thi hành án 2 năm. Trong những năm qua, Trương cùng gia đình liên tục kháng cáo. Những phiên tòa tiếp theo vào các năm 2001, 2018 vẫn giữ nguyên bản án tử hình nhưng tạm hoãn thi hành án. Vào ngày 4/8/2020, tòa án cấp cao tỉnh Giang Tây đã xét xử lại vụ án, hủy bỏ bản án ban đầu và tuyên bố Trương Ngọc Hoàn không có tội. Thời điểm này, Trương đã phải ngồi tù 27 năm, được coi là người chịu án oan lâu nhất Trung Quốc.

    an oan 1
    Trương Ngọc Hoàn và vợ cũ Tống Tiểu Nữ chỉ dám nắm tay nhau sau 27 năm xa cách. Ảnh: sina.

    Trong 27 năm ngồi tù, cuộc sống của gia đình Trương đã hoàn toàn thay đổi. Người đàn ông này từng có một gia đình hạnh phúc với hai cậu con trai nhỏ và người vợ tên Tống Tiểu Nữ.

    Khi chồng bị bắt vì tội giết người, không chịu được sự dèm pha từ làng xóm, Tống đã đưa con đến nhà người thân ở nhờ. Năm 1994, cô gửi hai con trai ở quê cho mẹ chồng và đến Thâm Quyến rửa bát thuê tại các nhà hàng, gửi tiền về nuôi con.

    Những tháng đầu ngồi tù, Trương Ngọc Hoàn sống trong tuyệt vọng. Thậm chí nhiều lần muốn tự sát. Nhưng một lần Tống đã nói với chồng: "Nếu anh chết, gia đình sẽ luôn sống trong bóng tối và mang danh người nhà kẻ giết người. Chỉ khi còn sống, anh mới có hy vọng minh oan cho chính mình". Từ đó Trương mạnh mẽ sống để tìm công lý.

    Nhà nghèo không có tiền thuê luật sư, một người quen nói rằng tốt hơn là viết đơn khiếu nại. Với một phụ nữ mới tốt nghiệp tiểu học, quên mặt chữ, Tống thậm chí không biết bắt đầu từ đâu. Không ai tin Trương vô tội và cũng không ai muốn giúp họ. Để có thể viết được đơn khiếu nại, người phụ nữ này phải dùng đến từ điển, vài ngày mới viết xong một mặt giấy. Một bức rồi hàng chục bức tiếp đó được gửi đi, nhưng không có hồi âm.

    Trong thời gian kêu oan cho chồng, một lần đi khám, các bác sĩ nói rằng Tống bị một khối u, cần phải phẫu thuật. Sợ mình không thể tỉnh dậy trên bàn mổ, hai con sẽ bơ vơ, chị quyết định đi bước nữa với người đàn ông hiểu rõ hoàn cảnh, khuyên cô phẫu thuật và ủng hộ kêu oan cho Trương.

    Trước khi đến với người đàn ông này, Tống đã ký thỏa thuận với 2 điều kiện. Một là phải đối xử với hai con trai cô thật tốt. "Tử cung tôi khi đó có khối u, không biết phẫu thuật thành công hay không. Tôi mong anh đối xử tốt với hai con trai của tôi nếu tôi không còn sống vì chúng đã quá bất hạnh rồi", Tống nhớ lại. Điều kiện thứ hai là cô có thể gặp Trương và thăm mẹ chồng cũ ở Giang Tây bất cứ lúc nào. Tống giải thích vì sao có những điều kiện này: "Vì tôi không tìm chồng mà tìm bố cho hai con trai mình".

    Năm 1999, Tống nói với Trương về việc tái hôn trong tù. Cô nói rằng bản thân làm điều này vì hai đứa con. "Em sẽ không bao giờ quên anh", cô nói trong nước mắt. Cuối cùng Trương đồng ý ly hôn.

    Hơn 20 năm, người chồng mới đã cùng Tống nuôi nấng, tìm việc và lập gia đình cho cả hai người con. Đối với người đàn ông này, Tống luôn tỏ lòng biết ơn. "Anh ấy cho tôi sự bao dung, tin tưởng, quan tâm và tình yêu thương", người phụ nữ này nói. Trong những năm tiếp theo, đúng như cam kết, người chồng mới vẫn để vợ thăm nom và kêu oan cho chồng cũ. Cùng với sự giúp đỡ của người anh cả của Trương, một số luật sư và báo chí, ngày 9/7/2020, tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Giang Tây đã quyết định xét xử lại vụ án và tuyên trắng án cho Trương Ngọc Hoàn.

    an oan 1
    Tống Tiểu Nữ đã mua cho chồng một chiếc điện thoại mới khi ông ra tù. Ảnh: sina.

    Trong những cuộc phỏng vấn trước khi chồng cũ được tuyên vô tội, Tống nói rằng Trương còn nợ cô một cái ôm. "Tôi đã suy nghĩ về cái ôm này trong nhiều năm. Từ khi anh ấy đi, tôi luôn muốn ôm anh ấy. Đến trại giam chỉ nhìn thấy nhau qua bức kính trong suốt, gọi điện cũng chỉ nói được dăm ba câu. Cái ôm này tôi đã chờ đợi quá lâu rồi".

    Khi Trương được thả tự do, Tống đã tức tốc đáp xe từ Phúc Kiến về Giang Tây. Vào ngày 4/8/2020, sau 27 năm chờ đợi, cuối cùng cô cũng được chạm tay vào Trương mà không bị ngăn cản bởi bất kỳ thứ gì. Khoảnh khắc nhìn thấy chồng cũ, vì quá xúc động nên người phụ nữ này đã ngất xỉu, phải cấp cứu tại bệnh viện.

    Ngày hôm sau, khi sức khỏe đã ổn hơn, cô tự lái xe đến gặp Trương, cả hai chỉ nắm chặt tay chứ không ôm nhau. "Tôi sợ cô ấy quá xúc động, ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngay cả một cái ôm đơn giản nhất giờ cũng trở thành một thứ xa xỉ", Trương nói. Ngày hôm đó, Tống cũng đã mua một chiếc điện thoại di động tặng chồng cũ, hy vọng ông sẽ dùng nó để ghi lại những khoảnh khắc đẹp sau khi ra tù.

    Tống cho biết, cách đây ít lâu, cô lại phát hiện buồng trứng có khối u. "Giờ đây tôi có thể an tâm gửi lại hai con cho Trương và toàn tâm toàn ý với người chồng đã gắn bó với mình suốt 24 năm qua". Người phụ nữ này cho hay, những năm qua cô đã nợ người đàn ông này quá nhiều vì vụ án của chồng cũ. "Bây giờ tôi muốn trở về bên anh ấy và đồng hành với nhau tới cuối đời".

    Với Trương, ông hiểu lựa chọn của vợ cũ: "Tống phải về lại Phúc Kiến, dù sao cô ấy cũng đã kết hôn", ông nói.

    Ngày 30/10 vừa qua, Trương Ngọc Hoàn, 53 tuổi, phạm nhân oan sai lâu nhất Trung Quốc, nhận bồi thường gần 5 triệu nhân dân tệ.

    VnExpress (Theo sohu, sina)

  • Những cựu nhân viên bưu điện này nói rằng việc bị buộc tội trộm cắp, gian lận và giả mạo sổ sách đã tàn phá sức khỏe và uy tín của họ.

    Hơn 550 cựu nhân viên của Post Office sẽ nhận được một phần trong 58 triệu bảng tiền bồi thường sau một cuộc dàn xếp ngoài tòa án, chấm dứt cuộc đấu tranh đòi công lý kéo dài suốt 20 năm.

    Lỗi trong hệ thống kế toán Horizon dẫn đến sự thiếu hụt trong sổ sách của các chi nhánh, khiến nhân viên bị kết án trộm cắp và nhiều người bị bỏ tù.

    Ba cựu nhân viên bị buộc tội trong vụ án oan sai này đã chia sẻ câu chuyện của họ.

    Balvinder Singh Gill nói rằng ông đã phải chịu đựng một "thập kỷ địa ngục" sau khi bị buộc tội ăn cắp 108.000 bảng từ bưu điện.

    Balvinder Singh Gill chuyển đến Oxford từ thị trấn quê nhà của ông sau khi kết hôn vào năm 2003 để "bắt đầu một cuộc sống mới" với tư cách là người đứng đầu chi nhánh Cowley Road của thị trấn.

    Ông nói cuộc sống của mình đã bị hủy hoại sau khi ông bị buộc tội ăn cắp 108.000 bảng từ Post Office.

    "Tôi gặp rắc rối ngay từ ngày đầu tiên," ông nói. Số dư hàng tuần của ông cho thấy một "sự thiếu hụt lớn" và ông không thể cân bằng sổ sách.

    Một buổi sáng, sáu tháng sau, ông bất ngờ bị kiểm toán viên đuổi khỏi văn phòng.

    "Họ trở nên hơi giống một lực lượng cảnh sát giả danh. Họ đã thẩm vấn tôi ở phòng sau. Họ thẩm vấn tôi", ông nói.

    Cuối cùng, ông được thông báo rằng ông phải hoàn trả toàn bộ số tiền trả góp hàng tháng và bị truy đuổi không ngừng bởi những người đòi nợ.

    "Về mặt tài chính, nó thực sự khiến tôi trắng tay. Tôi phải tuyên bố phá sản. Họ nói nếu tôi không trả lại thì họ sẽ đưa tôi vào tù. Họ nói tôi là trường hợp duy nhất", ông nói.

    Vào năm 2009, một đòn đánh thứ hai giáng vào gia đình khi mẹ của ông, bà Kashmir, cũng bị kết tội ăn cắp 57.000 bảng từ cùng chi nhánh, một bản án mà bà hy vọng sẽ được Ủy ban đánh giá các vụ án hình sự (CCRC) đảo ngược.

    Gia đình ông từ chủ doanh nghiệp có uy tín đến cảnh phải làm việc trong nhà bếp địa phương hoặc trạm xăng với mức lương tối thiểu.

    Vợ chồng ông bà Balvinder Singh Gill

    "Danh tiếng của chúng tôi trong cộng đồng đã bị phá hủy hoàn toàn. Gia đình tôi đã chia ly vì điều này... Tôi đã chia tay với vợ tôi vài năm sau đó", ông Gill nói.

    Hiện tại, tin tức về vụ hòa giải đền bù vẫn đang bị dìm xuống.

    "Hơn cả tiền bạc, đó là công lý. Chủ yếu là chúng tôi có thể tiếp tục cuộc sống của mình và chỉ ra cho nhiều người nghĩ rằng chúng tôi là kẻ xấu biết sự thật", ông nói.

    Wendy Buffrey cho biết bà đã bật khóc khi đọc được trên Twitter rằng Post Office đã đồng ý giải quyết.

    Cựu phụ tá của chi nhánh Up Hatherley ở Cheltenham được khuyên nên nhận tội làm sai lệch sổ sách kế toán vào năm 2010 để tránh bị bỏ tù sau khi xuất hiện khoản thiếu hụt 26.000 bảng.

    Không thể giải thích sự sai lệch này, bà đã vay một khoản tiền để trả số tiền chênh lệch và vẫn đang phải trả nợ đến tận ngày hôm nay.

    "Chúng tôi mất công việc kinh doanh. Chúng tôi mất nhà. Tôi phải trả cho Post Office 26.000 bảng", bà Buffrey nói.

    "Chúng tôi đã phải bắt đầu lại. Không có số tiền nào có thể bù đắp cho cách chúng tôi bị đối xử và cách mọi thứ xảy ra với chúng tôi", bà nói thêm.

    Bà đã bị phán quyết 150 giờ phục vụ cộng đồng nhưng luôn bảo vệ sự vô tội của mình và cũng đang chờ phán quyết của CCRC.

    "Tẩy trắng lại tên tuổi của mình có ý nghĩa rất lớn với tôi. Tôi không thích bị gán cho điều gì đó mà tôi không làm.

    "Tôi không thích việc bị kết án hình sự vì những điều tôi không làm. Bạn không bao giờ nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra với mình. Nhưng nó đã xảy ra", bà Buffrey nói.

    "Trong 20 năm, chúng tôi đã bị coi là kẻ trộm và những kẻ lừa đảo trong khi chúng tôi không và chưa bao giờ làm vậy.

    "Việc Post Office công nhận sai lầm là một sự xấu hổ mà họ đã không điều tra ngay từ đầu và chúng tôi lẽ ra không phải chịu đựng việc này."

    Rubbina Shaheen bị buộc tội lấy 43.000 bảng từ chi nhánh của mình - và cuối cùng phải ngồi tù ba tháng.

    Thỏa thuận giải quyết cho bà hy vọng rằng tội danh giả mạo sổ sách tại bưu điện Greenfields ở Shrewsbury của bà sẽ bị hủy bỏ.

    Bà đã bị bỏ tù vào năm 2010 sau khi chấp nhận thương lượng để giảm số tiền trộm cắp.

    "Khi họ nói rằng tôi sẽ vào tù, tôi hoàn toàn suy sụp. Tôi không biết phải nói gì, phải làm gì", bà Shaheen, 54 tuổi, đang chạy thận vì suy thận, bày tỏ.

    Người chồng Mohamed Hami, 65 tuổi, nói thêm: "Cả hai chúng tôi đều được theo dõi vì có ý muốn tự tử. Điều tốt đẹp duy nhất là cả hai chúng tôi vẫn nắm tay nhau."

    Bà Shaheen làm việc quản lý bưu điện trong khi chồng bà điều hành cửa hàng tiện lợi kết nối với bưu điện.

    Ban đầu, bà đã bị trừ tiền từ tiền lương sau khi khoản chênh lệch 8.000 bảng được xác định vào năm 2007, nhưng hai năm sau, hợp đồng của bà đã bị chấm dứt ngay lập tức sau khi 43.000 bảng mất tích.

    Mặc dù bà Shaheen xác định được "ít nhất 11 lỗi" trên hệ thống Horizon, nhưng không ai tin tưởng bà, ông Hami nói.

    Sau khi ra tù, cặp vợ chồng phải sống trong một chiếc xe tải, bị ngân hàng đuổi ra khỏi khu nhà ở của cửa hàng sau khi rơi vào tình trạng nợ nần.

    Cuối cùng, họ rút tiền lương hưu để mua một ngôi nhà vô chủ ở Brockton, Shropshire và ông Hami nhận công việc tại một trường học Shropshire.

    Bà Shaheen không tin rằng mình sẽ được CCRC minh oan. Chồng bà cảm thấy Post Office nên bị trừng phạt vì khiến họ phải đau khổ.

    "Không có gì có thể thay thế sức khỏe của chúng tôi. Hãy chúc phúc cho chúng tôi để chúng tôi có thể đòi lại chút công bằng. Để được ngẩng cao đầu", ông nói thêm.

    CCRC cho biết hiện tại họ đang xem xét tác động của việc hòa giải ngoài tòa án đối với 34 vụ kiện liên quan đến Horizon.

    Post Office mới đây công bố rằng họ công nhận đã có sai sót trong các giao dịch trước đây với một số chi nhánh bưu điện và mong muốn vụ việc sẽ được giải quyết.

    VietHome (Theo BBC)