• Bác sĩ tại các bệnh viện ở California cho biết nhiều cơ sở y tế đang đứng trước bờ vực quá tải, khi lượng bệnh nhân cúm tăng cao.

    California đang phải đối mặt với một mùa cúm nghiêm trọng bất thường trong năm khi số ca nhiễm gia tăng. Các chuyên gia lo ngại dịch bệnh có thể kéo dài trong nhiều tuần. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực Bay Area.

    Tiến sĩ Peter Chin-Hong, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California San Francisco (UCSF), gọi 2025 là "năm của cúm ở Bay Area" và nhấn mạnh ca dương tính tràn vào bệnh viện ảnh hưởng đến các khoa cấp cứu. Tại các phòng khám địa phương, hơn 70% xét nghiệm virus đường hô hấp cho kết quả dương tính với cúm, vượt xa tổng số ca RSV, Covid-19 và cảm lạnh thông thường cộng lại.

    "Chúng tôi liên tục nhận được thông báo rằng bệnh viện đã quá tải. Cúm dường như ở khắp mọi nơi", tiến sĩ Chin-Hong nói.

    Theo Sở Y tế Công cộng California, tỷ lệ xét nghiệm cúm dương tính tăng vọt lên 27,8% vào ngày 1/2, trong khi tỷ lệ RSV giảm xuống 5% và Covid-19 giữ ở mức 2,4%. Giới chức California chưa phát hiện ca cúm gia cầm ở người trong báo cáo tuần mới nhất. Tuy nhiên, cả nước có 68 ca dương tính cúm gia cầm. Trước đó, bang cũng ghi nhận 38 ca nhiễm, hầu hết do tiếp xúc với gia cầm hoặc gia súc mắc bệnh.

    Khi số ca nhập viện do cúm ngày càng tăng, đặc biệt ở các nhóm dân dễ tổn thương như người già và trẻ nhỏ, các chuyên gia y tế kêu gọi hành động khẩn cấp.

    "Hãy tiêm vaccine phòng cúm nếu bạn chưa tiêm - vẫn còn thời gian", Chin-Hong nói.

    Mùa cúm thường kéo dài đến tháng 5, song vaccine cần vài tuần mới phát huy hết tác dụng. Việc tiêm chủng có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ nhập viện và giảm các triệu chứng. Vaccine hiện có bảo vệ người dùng trước ba chủng cúm, trong đó có hai chủng nặng là H1N1 và H3N2.

    "Covid-19 ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến người già. Tuy nhiên, cúm khiến trẻ em mắc bệnh nặng, thậm chí tử vong", tiến sĩ Chin-Hong nói.

    cum california
    Một người dân được tiêm vaccine phòng bệnh cúm. Ảnh: Christina House

    California đã báo cáo ít nhất 10 ca tử vong do cúm ở trẻ em trong mùa này, bao gồm ba ca ở Quận San Diego.

    Tiến sĩ Ankita Kadakia, cán bộ y tế công cộng lâm thời của Quận San Diego nhận định các ca tử vong do cúm gần đây ở thanh thiếu niên là một "thảm kịch và đáng lo ngại".

    Nguyên nhân khiến Mỹ đối mặt đợt cúm mùa tồi tệ nhất 15 năm qua là khí hậu lạnh kéo dài và làn sóng thứ hai của virus cúm. Làn sóng đầu tiên khởi từ tháng 9. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp đáng lo ngại. Trên toàn quốc, chỉ 44,5% trẻ em và 46% người lớn đã tiêm vaccine phòng cúm, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để duy trì miễn dịch trong cộng đồng. Các chuyên gia tin rằng, những ảnh hưởng kéo dài từ đại dịch Covid-19, thay đổi trong hành vi và giảm cảm giác cấp bách về phòng ngừa cúm, có thể là nguyên nhân dẫn đến việc giảm tỷ lệ tiêm chủng.

    Để giảm nguy cơ mắc cúm, các bác sĩ khuyến nghị thực hiện biện pháp phòng ngừa đơn giản như rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang ở những nơi đông người, thông gió kém.

    Cúm lây lan qua các giọt nhỏ li ti, được giải phóng khi người nhiễm nói chuyện, hắt hơi, ho hoặc cười. Giọt bắn dễ rơi trên các bề mặt như tay nắm cửa, truyền sang người khác khi họ chạm vào chúng rồi đưa tay lên mặt. Đối với những người có triệu chứng nhiễm cúm, bác sĩ khuyến nghị chủ động tránh tiếp xúc với người khác và đi khám tại bệnh viện.

    Các triệu chứng cúm thường xuất hiện trong vòng một đến 4 ngày sau khi tiếp xúc, lây nhiễm cho người khác trước khi các triệu chứng xuất hiện. Biểu hiện thường gặp bao gồm sốt, ớn lạnh, ho, đau đầu, đau cơ và mệt mỏi. Thời gian lây nhiễm là khoảng một tuần.

    Đối với những người mắc bệnh cúm, tiến sĩ Chin-Hong khuyến nghị sử dụng các loại thuốc kháng virus, chẳng hạn như Tamiflu. Ông lưu ý, chúng hiệu quả nhất nếu được dùng trong vòng 48 giờ đầu tiên xuất hiện triệu chứng.

    Trên toàn quốc, số lượt đến phòng cấp cứu do cúm ở mức cao, các trường hợp RSV vẫn ở mức trung bình và ca mắc Covid-19 ở mức thấp, theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

    Kể từ tháng 10, Mỹ đã báo cáo ít nhất 24 triệu người bệnh cúm, tối đa 650.000 ca nhập viện, mức cao nhất kể từ năm 2017, hàng chục nghìn người tử vong. Nhiều nơi trên cả nước ghi nhận mức dịch cúm "cao" hoặc "rất cao". Ít nhất 10 bang tạm thời đóng cửa trường học do bùng phát dịch bệnh.

    VnExpress (Theo San Francisco Chronicle)

  • Tổng thống Trump cuối tuần trước chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ dừng đúc xu 1 cent, do chi phí đúc lớn hơn giá trị đồng tiền và nhiều người dân không thực sự sử dụng chúng.

    "Suốt thời gian dài, Mỹ đã đúc xu 1 cent với chi phí hơn 2 cent. Việc này quá lãng phí! Tôi đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính dừng sản xuất xu mới. Hãy loại bỏ sự lãng phí ra khỏi ngân sách tuyệt vời của chúng ta, dù chỉ từng cent một", Tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 9/2.

    Đây không phải lần đầu tiên giới chức Mỹ muốn cải cách đồng 1 cent. Tranh luận xoay quanh việc giữ hay bỏ xu mệnh giá nhỏ nhất đã kéo dài nhiều thập kỷ. Ông Barack Obama khi đương nhiệm năm 2013 cũng bày tỏ ủng hộ loại bỏ đồng xu mệnh giá thấp.

    "Chính phủ không hẳn sẽ tiết kiệm được một khoản lớn, nhưng bất cứ khi nào chúng ta chi nhiều tiền hơn cho thứ mà người dân không thực sự sử dụng, thì điều đó cần điều chỉnh", ông Obama nói.

    loai bo dong cent 1
    em>Các đồng 1 cent được chụp tại New York ngày 10/2. Ảnh: AFP

    Những đồng xu đầu tiên ở Mỹ được đúc năm 1793, do Sở Đúc tiền thuộc Bộ Tài chính phụ trách, một năm sau khi quốc hội thông qua Đạo luật Tiền xu. Đạo luật nhằm chuẩn hóa tiền tệ tại Mỹ, khi đó sử dụng hỗn hợp cả xu trong nước lẫn nước ngoài sau giai đoạn thuộc địa và Chiến tranh Cách mạng.

    Quốc hội Mỹ chọn đúc xu nửa cent và 1 cent bằng đồng, 5 cent, 10 cent, 25 cent, 50 cent và 1 USD bằng bạc. Xu 2,5 USD, 5 USD và 10 USD bằng vàng. Xu nửa cent bị loại bỏ năm 1857, tiếp đó là xu 2,5 USD và 5 USD vào năm 1929. Xu 10 USD bị loại bỏ năm 1933. Năm 2011, phó tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ dừng đúc xu 1 USD.

    Theo danh sách của Sở Đúc tiền, Mỹ hiện lưu hành các xu 1 cent (penny), 5 cent (nickel), 10 cent (dime), 25 cent (quarter), 50 cent (half) và 1 USD. Nguyên liệu sản xuất cũng thay đổi theo thời gian.

    Đồng 1 cent ngày xưa lớn hơn và được làm hoàn toàn bằng đồng, trong khi xu ngày nay nhỏ hơn và được làm bằng kẽm mạ đồng. Các đồng xu còn lại được đúc bằng hợp kim đồng nickel.

    Penny là xu có số lượng nhiều nhất. Một bài viết trên New York Times tháng 9/2024 ước tính có khoảng 240 tỷ đồng 1 cent tại Mỹ. Năm 2024, Sở Đúc tiền sản xuất 3,2 tỷ đồng 1 cent, chiếm 57% trong tổng 5,61 tỷ xu đúc ra.

    Nỗ lực bỏ đồng 1 cent đáng chú ý đầu tiên là từ nghị sĩ Cộng hòa bang Arizona Jim Kolbe cuối những năm 1980. Ông Kolbe vận động loại bỏ tiền giấy 1 USD và chuyển sang thành xu 1 USD bằng đồng nhằm hỗ trợ cho ngành khai thác đồng tại bang. Ông theo dõi các thăm dò và nhận thấy có xu hướng ủng hộ bỏ đồng 1 cent nên đã kết hợp hai ý tưởng với nhau.

    Dần dần, việc Kolbe muốn loại bỏ đồng 1 cent không còn liên quan ngành khai thác đồng. "Đó là cải cách hợp lý, giúp chính phủ Mỹ tiết kiệm lượng lớn tiền", ông nói.

    Những năm 1990, Kolbe liên tục trình dự luật loại bỏ đồng 1 cent tại mỗi kỳ họp của quốc hội, nhưng vấp phải sự phản đối, như từ chủ tịch Hạ viện Dennis Hastert, đại diện bang Illinois. Illinois là quê nhà tổng thống Abraham Lincoln, người được in hình trên đồng 1 cent. Các thợ mỏ kẽm và công ty cung ứng phôi đúc cũng không đồng tình.

    Trước khi qua đời năm 2022, Kolbe chia sẻ rằng ông "cảm thấy bối rối" khi cầm thêm một penny mỗi lần rời cửa hàng.

    Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS), nhiều nghị sĩ đã tìm cách dừng đúc đồng 1 cent, loại bỏ xu khỏi lưu thông hoặc giải quyết bài toán chi phí. Năm 2017, nghị sĩ Cộng hòa bang Arizona John McCain đồng soạn thảo dự luật đình chỉ sản xuất đồng 1 cent trong 10 năm và chỉ đạo Văn phòng Kiểm toán Chính phủ nghiên cứu tác động. Tuy nhiên, chưa có biện pháp nào trong số này được triển khai.

    Báo cáo năm 2024 của Sở Đúc tiền cho biết chi phí đúc một đồng 1 cent là hơn 3,69 cent, và tình trạng chi phí vượt mệnh giá này đã kéo dài 19 năm. Báo cáo năm 2014 nhấn mạnh "không có hợp kim thay thế nào có thể giúp giảm chi phí sản xuất đồng 1 cent thấp hơn mệnh giá của nó".

    loai bo dong cent 1
    em>Chi phí sản xuất một số đồng xu ở Mỹ qua các năm. Đồ họa: CNN

    Phe phản đối đồng 1 cent còn có lý do khác để nhắm vào đồng xu này. Họ hy vọng loại bỏ penny sẽ giúp Sở Đúc tiền có thêm nguồn lực dành cho những xu có mức độ lưu hành cao hơn. Penny giờ đây không được sử dụng nhiều, bởi hầu hết giao dịch được thực hiện qua thanh toán điện tử. CapitalOne Shopping Research ước tính 86,9% tổng giao dịch ở Mỹ năm 2024 là phi tiền mặt.

    Ngoài ra, họ còn lo ngại về tác động đến môi trường từ việc đúc đồng 1 cent, do quá trình khai thác, tinh luyện kẽm và đồng phát thải lượng lớn CO2. Một lập luận nữa là khi tính đến lạm phát, penny quá nhỏ để hữu dụng.

    "Giá trị penny giảm đến mức nếu có thu nhập trên mức lương tối thiểu, bạn sẽ mất thêm tiền nếu như chọn dừng lại để nhặt một penny trên vỉa hè", Philip Diehl, giám đốc Sở Đúc tiền dưới thời tổng thống Bill Clinton, nhận định năm 2015. Khi đương chức, ông ủng hộ loại bỏ xu này.

    Một lý do chính phủ Mỹ phải đúc lượng lớn đồng 1 cent mỗi năm là phần lớn chúng không được lưu thông, mà nằm trong các lọ hoặc bị vứt bỏ đâu đó. Nhiều người thường gom đồng 1 cent để đổi lấy xu mệnh giá cao hơn, thường là sang 5 cent.

    loai bo dong cent 1
    em>Bát đựng xu lẻ tại một căn hộ ở New York tháng 11/2020. Ảnh: Reuters

    Trong khi đó, phe ủng hộ cho rằng loại bỏ đồng 1 cent sẽ dẫn đến các giao dịch bị áp thêm thuế, do được làm tròn lên mức gần nhất là 5 cent, khiến người Mỹ tốn thêm chi phí. Một số kinh tế gia lưu ý nhóm người nghèo sẽ chịu tác động chính từ tình trạng này.

    Americans for Common Cents, đại diện cho lợi ích của các nhà sản xuất kẽm, tiền xu và sưu tập, nói kế hoạch dừng đúc đồng 1 cent của chính quyền Tổng thống Trump "có sai sót cơ bản", vì sẽ khiến Sở Đúc tiền thêm tổn thất khi dồn lực sang đồng 5 cent, cũng gặp tình trạng chi phí cao hơn mệnh giá nhiều lần.

    Duy trì penny có lợi cho các quỹ từ thiện, bởi mọi người sẵn sàng quyên góp những xu nhỏ này hơn. Ngoài ra, hoài niệm cũng có thể là một yếu tố.

    "Tôi nghĩ mọi người có cảm xúc gắn liền với những điều quen thuộc", ông Obama nói năm 2013. "Chúng ta nhớ đến lợn đất, ngồi đếm từng penny rồi đổi sang vài USD. Đó có thể là lý do khiến mọi người vẫn ủng hộ penny".

    VnExpress (Theo CNN, NPR, TIME)

  • Theo tin từ đài CBS News, ngày 6-2, Cục Quản lý đường bộ liên bang Mỹ (FHA) đã yêu cầu các bang tạm dừng đầu tư vào hạ tầng trạm sạc xe điện cho đến khi có hướng dẫn mới.

    Đây là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm thực hiện sắc lệnh được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào hôm 20-1. Theo đó ông Trump đã chặn hàng tỉ USD tài trợ từ chương trình Công thức cơ sở hạ tầng xe điện quốc gia (NEVI).

    Chương trình NEVI cấp 5 tỉ USD cho các tiểu bang trong vòng 5 năm nhằm đẩy nhanh quá trình đầu tư và xây dựng hệ thống trạm sạc xe điện.

    Theo ước tính, 3,3 tỉ USD từ NEVI đã được phân bổ cho các bang để hoàn trả chi phí các dự án xây dựng trạm sạc trong thời gian qua.

    Chính quyền bối rối

    Hiện yêu cầu của FHA sẽ buộc các dự án xây dựng đang triển khai hoặc đang trong giai đoạn ký hợp đồng dừng ngay lập tức.

    Điều này được cho là sẽ ảnh hưởng đến các bang vẫn còn đang triển khai các dự án, bởi họ sẽ không được hoàn trả số tiền bỏ ra để đầu tư xây dựng các trạm sạc, theo CBS News.

    Trước tình hình này, ông Ryan Gallentine, giám đốc điều hành tại hiệp hội doanh nghiệp Advanced Energy United, kêu gọi cơ quan quản lý giao thông của các bang "tiếp tục thực hiện chương trình này cho đến khi có hướng dẫn mới được hoàn thiện".

    tram sac xe dien
    Một chiếc xe điện đang sạc tại trạm sạc ngoài trời ở bang California (Mỹ) - Ảnh: REUTERS

    Bà Andrew Wishnia, người đã giúp biên soạn chương trình NEVI, cho biết chính quyền ông Trump "không có cơ sở pháp lý" để dừng các kế hoạch đã được phê duyệt và tài trợ.

    Để chặn hoàn toàn đầu tư xây dựng trạm sạc xe điện của các tiểu bang, chính quyền của ông Trump sẽ phải cần đến Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật mới.

    Ảnh hưởng doanh số

    Một số chuyên gia cho rằng dù có NEVI hay không, nhu cầu lớn đối với trạm sạc xe điện sẽ thúc đẩy các công ty tư nhân tự xây dựng.

    "Tôi nghĩ xu hướng này sẽ tiếp tục. Có thể nó sẽ chậm lại trong bốn năm tới... nhưng nó sẽ tiếp tục", ông Bassem Ammouri, giám đốc điều hành tại công ty cung cấp dịch vụ trạm sạc xe điện EV Connect, nhận xét với CBS News.

    Tuy nhiên một số người lo ngại rằng chỉ đạo mới từ chính quyền ông Trump có thể làm trì hoãn quá trình phát triển cơ sở hạ tầng sạc quan trọng cho xe điện.

    Điều này có thể làm gia tăng lo ngại về phạm vi di chuyển đường dài của xe điện, trở thành rào cản tâm lý đối với người lái, từ đó ảnh hưởng đến doanh số bán xe và quá trình chuyển đổi sang xe điện tại Mỹ.

    "Nếu bạn không thể di chuyển thuận tiện từ nơi ở, nơi làm việc hoặc bất kỳ điểm nào trên hành trình của mình, tại sao lại mua xe điện? Điều đó thật vô lý", ông Loren McDonald, nhà phân tích trưởng tại công ty theo dõi dữ liệu sạc xe điện Paren, nhấn mạnh.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Một phong trào biểu tình quy mô lớn đang lan rộng khắp nước Mỹ, nhằm phản đối các chính sách gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump và đặc biệt là Dự án 2025 - một cẩm nang chính trị được cho là mang xu hướng cực hữu về cách điều hành chính phủ và xã hội Mỹ.

    bieu tinh o my 1
    Người biểu tình tại Washington phản đối Tổng thống đắc cử Donald Trump và những cam kết chính sách của đảng Cộng hòa vào ngày 18/1. (Nguồn: AFP)

    Theo thông tin từ hãng tin AP, phong trào biểu tình phản đối này đang được tổ chức rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội với hai hashtag chính là #buildtheresistance và #50501.

    Con số này tượng trưng cho kế hoạch tổ chức đồng loạt 50 cuộc biểu tình tại 50 bang của nước Mỹ trong cùng một ngày.

    Các nhà tổ chức đã lên kế hoạch chi tiết cho các cuộc biểu tình, với địa điểm chính là các tòa nhà quốc hội bang và nhiều thành phố lớn khác.

    Thông điệp được lan truyền rộng rãi trên các tờ rơi trực tuyến tập trung vào hai khẩu hiệu chính: "phản đối chủ nghĩa phát xít" và "bảo vệ nền dân chủ".

    Làn sóng phản đối này nổi lên sau khi Tổng thống Donald Trump ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp trong những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ mới, bao gồm các chính sách gây tranh cãi trong lĩnh vực thương mại, nhập cư và biến đổi khí hậu.

    Đảng Dân chủ đã bắt đầu lên tiếng phản đối mạnh mẽ chương trình nghị sự của Tổng thống Trump.

    Động thái này đã nhận được sự hưởng ứng đáng kể từ người dân. Điển hình như vào ngày 2/2, hàng nghìn người đã xuống đường tại miền Nam California để phản đối kế hoạch trục xuất quy mô lớn của chính quyền Trump.

    Tại Los Angeles, người biểu tình đã làm tắc nghẽn một tuyến đường cao tốc chính trong nhiều giờ liền.

    bieu tinh o my 1

    Người biểu tình còn phản đối Elon Musk, đồng minh thân cận của ông Trump và lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE), cáo buộc những đề xuất của tỷ phú này đã tác động tiêu cực tới cuộc sống của nhiều người dân.

    bieu tinh o my 1

    Người biểu tình ở bang California vẫy cờ Mỹ và giơ khẩu hiệu "Hận thù sẽ không khiến nước Mỹ vĩ đại".

    bieu tinh o my 1

    Các sinh viên tập trung bên ngoài tòa thị chính Los Angeles với biểu ngữ phản đối chính sách nhập cư của Tổng thống Trump, kêu gọi chấm dứt các chiến dịch truy quét người nhập cư bất hợp pháp do Cơ quan thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) tiến hành.

    ICE trước đó cho biết các đặc vụ đã thực hiện hơn 5.000 vụ bắt giữ người nhập cư trái phép trong một tuần qua.

    bieu tinh o my 1

    Bên ngoài tòa nhà nghị viện bang Texas, người biểu tình cầm theo các biểu ngữ ủng hộ người nhập cư như "Người nhập cư đã xây dựng nước Mỹ" và "Người nhập cư khiến nước Mỹ vĩ đại".

    Giải quyết vấn đề nhập cư trái phép là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump. Ông tuyên bố sẽ thực hiện "chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ", ảnh hưởng tới khoảng 11 triệu người nhập cư không giấy tờ ở nước này.

    bieu tinh o my 1

    Tại New York, nhiều người cầm theo cờ cầu vồng lục sắc và thể hiện ủng hộ cộng đồng LGBTQ+ trước những chính sách của Tổng thống Mỹ.

    Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh chỉ công nhận hai giới tính nam và nữ, có thể khiến nhiều người thuộc cộng đồng LGBTQ+ gặp khó khăn về giấy tờ.

    Ông cũng ký sắc lệnh cấm vận động viên chuyển giới tham gia các môn thể thao nữ, đồng thời hối thúc Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) thay đổi quy định về vận động viên chuyển giới trước Thế vận hội Los Angeles 2028.

    bieu tinh o my 1

    Người biểu tình ở thành phố Austin kêu gọi "Để người dân Dải Gaza và người Palestine được yên", đề cập tới ý tưởng "dọn dẹp sạch sẽ Gaza" của Tổng thống Trump.

    Ông chủ Nhà Trắng trước đó đề xuất nên đưa người Palestine ở dải đất tới Ai Cập và Jordan tái định cư để thiết lập hòa bình Trung Đông, đồng thời tuyên bố Mỹ "sẽ tiếp quản Dải Gaza".

    Các phát biểu của ông Trump đã vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia và tổ chức ở Trung Đông.

    bieu tinh o my 1

    Bên ngoài Đồi Capitol ở thủ đô Washington, người biểu tình cũng phản đối động thái của chính quyền đối với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).

    Chính quyền Trump đang chuẩn bị sáp nhập USAID vào Bộ Ngoại giao, chấm dứt vị thế "thực thể độc lập" của cơ quan này. USAID đã đóng cửa các văn phòng ở nước ngoài và triệu hồi toàn bộ nhân viên về nước trước ngày 7/2, sau khi chịu sức ép từ Tổng thống Trump và DOGE.

    bieu tinh o my 1

    Nhiều người biểu tình kêu gọi luận tội Tổng thống Trump, nói rằng họ "không bỏ phiếu bầu cho các tỷ phú".

    bieu tinh o my 1

    Người biểu tình ở California giơ tấm bảng "Tôi không bầu cho Musk", ám chỉ tỷ phú này đang gây tác động lớn tới chính phủ hiện nay. Nhiều đảng viên Dân chủ từng gọi tỷ phú Musk là "tổng thống ngầm" vì tầm ảnh hưởng quá lớn trong chính quyền mới.

    Theo Baoquocte / VnExpress

  • Tính đến sáng ngày 9-1, đám cháy rừng ở khu vực Altadena, miền nam tiểu bang California vẫn đang hoành hành dữ dội.

    chay rung o cali 1
    Cả nhà và xe đều cháy đen trong vụ cháy rừng kinh hoàng ở khu vực Altadena, tiểu bang California hôm 8-1 - Ảnh: AFP

    “Ở Altadena, các đám cháy rừng vẫn chưa được kiểm soát”, phóng viên Anderson Cooper của Đài CNN tường thuật trực tiếp từ “biển lửa” Altadena.

    “Hãy nhìn những đốm tàn lửa này. Những tàn lửa trên cây cối. Giờ thì những tàn lửa đang bay vào không trung, chúng bay xuống những ngôi nhà chưa bị cháy”, anh Cooper cho biết thêm ngoài những đám cháy, những tàn lửa bay khắp nơi, anh cũng chứng kiến nhiều vụ nổ xảy ra trong khu vực Altadena.

    Tính đến cuối ngày 8-1, số người thiệt mạng do cháy rừng ở Mỹ đã tăng lên năm người. Theo CNN, số người chết dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.

    Thống đốc tiểu bang California Gavin Newsom cho biết vào tối 8-1, sáu đám cháy bùng lên do gió thổi bao trùm khắp hạt Los Angeles và các đám cháy rừng vẫn chưa được dập tắt.

    Trong đó đám cháy ở khu dân cư Pacific Palisades, nằm cách thành phố Los Angeles khoảng 32km là đám cháy dữ dội nhất lịch sử hạt Los Angeles. Tính đến nay, đám cháy đã bao trùm một khu vực rộng gần 6,5ha, thiêu rụi ít nhất 1.000 nhà cửa, công trình công cộng.

    Một đám cháy lớn khác bùng phát ở khu vực Eaton, nhanh chóng lan rộng khắp khu vực Altadena, thiêu rụi một khu vực hơn 4ha, đe dọa khoảng 13.000 tòa nhà.

    Lãnh đạo phòng cứu hỏa hạt Los Angeles Anthony Marrone cho biết họ vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ cháy ở khu vực Eaton và các quan chức vẫn đang tiếp tục điều tra.

    “Ngay khi chúng tôi biết được nguyên nhân vụ cháy, chúng tôi sẽ thông báo với truyền thông”, ông Marrone nói thêm.

    Lãnh đạo Sở cứu hỏa Los Angeles (LAFD) Kristin Crowley nói rằng thời tiết khắc nghiệt ở khu vực miền nam California đã khiến hỏa hoạn bùng lên khắp khu vực. Hơn nữa, gió mạnh và độ ẩm thấp càng khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

    chay rung o cali 1
    Nhiều người dân kinh hãi tưởng mình đã rơi vào hỏa ngục trước cái nóng hừng hực và cảnh tượng ngọn lửa bừng lên bao trùm toàn bộ nhà cửa, đường sá - Ảnh: AFP

    chay rung o cali 1
    Làn khói đen kịt phủ kín bầu trời trong khi bầu trời chuyển sang màu cam do đám cháy lan rộng - Ảnh: AFP

    chay rung o cali 1
    "Người hùng thầm lặng" lao mình vào đám cháy để chiến đấu với ngọn lửa - Ảnh: REUTERS

    chay rung o cali 1
    Người lính cứu hỏa bỗng trở nên thật nhỏ bé trước ngọn lửa - Ảnh: REUTERS

    chay rung o cali 1
    Những người lớn tuổi ở khu vực thành phố Pasadena, tiểu bang California được sơ tán lên xe bọc thép - Ảnh: AFP

    chay rung o cali 1
    Một người dân địa phương ở khu vực Altadena hỗ trợ lực lượng cứu hỏa dập lửa - Ảnh: AFP

    Biệt thự triệu đô của hàng loạt sao Hollywood cháy rụi

    Nhà của loạt ngôi sao đình đám nước Mỹ như Anthony Hopkins, John Goodman và Miles Teller nằm trong số những ngôi nhà bị phá hủy, trong khi hàng chục người nổi tiếng khác cho biết họ đang phải chờ đợi trong lo lắng cùng với hàng xóm để biết liệu có thứ gì có thể cứu vãn được hay không. 

    chay nha sao hollywood 1

    Ngôi nhà của nam diễn viên được yêu mến John Goodman bị thiêu rụi sau các vụ cháy rừng.

    chay nha sao hollywood 1

    Các mảnh vỡ nằm rải rác khắp khu đất trong các bức ảnh chụp từ trên không do DailyMail.com thu thập được, trong khi một cây lớn từng đứng ở phía trước ngôi nhà cũng đã đổ trong đám cháy.

    chay nha sao hollywood 1

    Ngôi nhà của Anthony Hopkins - nữ diễn viên từng đạt giải Oscar cũng đã biến mất.

    chay nha sao hollywood 1

    Ngôi nhà của Anthony Hopkins được mua vào năm 2019.

    chay nha sao hollywood 1

    Ngôi sao phim Top Gun: Maverick Miles Teller và vợ Keleigh đã mua ngôi nhà mơ ước của họ với giá 7,5 triệu đô la vào tháng 4 năm 2023. Ngôi nhà hiện đã bị xóa sổ hoàn toàn.

    chay rung o cali 20

    Theo tiết lộ của TMZ, biệt thự bên bờ biển của Paris Hilton ở Malibu cũng bị thiêu rụi hoàn toàn. Tuy nhiên, đây không phải là nơi ở chính của cô và gia đình.

    chay rung o cali 20

    Ngôi biệt thự trị giá 7 triệu USD của cặp đôi diễn viên Adam Brody và Leighton Meester nằm trong số 1.000 công trình bị phá huỷ tại Los Angeles.

    chay rung o cali 20

    Tương tự, căn nhà thân thiện với môi trường trị giá 5 triệu USD của nữ diễn viên Anna Faris cũng bị thiêu hủy hoàn toàn. Những bức ảnh chụp từ trên cao cho thấy căn nhà giờ đây chỉ còn lại một đống đổ nát.

    Theo Tuổi Trẻ 

  • Một vụ hỏa hoạn bùng lên vào sáng Thứ Sáu, 3 Tháng Giêng tại một thương xá tọa lạc ở Dallas khiến hơn 500 con vật thiệt mạng, phần lớn trong số đó là các loài chim nhỏ, nhà chức trách cho biết, theo hãng tin AP.

    Tổng cộng 579 con vật trong cửa tiệm thú cưng tại Plaza Latina tọa lạc ở mạn Tây Bắc Dallas thiệt mạng do ngạt khói, Jason Evans, phát ngôn viên Sở Cứu Hỏa Dallas DFR cho biết trong một tuyên bố.

    Ngọn lửa bốc ra từ đám cháy không trực tiếp lan tới các con vật. Ngoài ra còn có các con vật khác cũng thiệt mạng gồm có gà, chuột hamster, hai con chó và hai con mèo, Evans cho biết.

    Plaza Latina Bazaar
    Plaza Latina Bazaar, thương xá ở Dallas, Texas, bị hỏa hoạn hôm 3 Tháng Giêng, 2025. (Hình: WFAA/YouTube )

    Phải mất khoảng hai giờ đồng hồ và 45 lính cứu hỏa mới dập tắt được đám cháy có mức báo động cấp hai vào khoảng 11 giờ trưa, theo Evans.

    “Tuy lực lượng DFR cố gắng giải cứu các con vật, không may tất cả trong tiệm đều thiệt mạng do ngạt khói,” Evans nói.

    Không có người nào bị thương trong vụ hỏa hoạn. Tòa thương xá rộng lớn, có một tầng, bị hư hại nặng nề, trong phần nóc bị sập một phần, Evans cho biết thêm.

    Plaza Latina là nơi nhiều tiểu thương làm ăn buôn bán và được mô tả trên trang Facebook là “một nơi để công chúng tới ăn uống và mua sắm đủ loại hàng hóa cùng dịch vụ đa dạng của dân gốc Latin.” Thương xá cũng đăng một bài viết trong tiếng Tây Ban Nha trên trang Facebook kêu gọi công chúng hiệp lời cầu nguyện cho các gia đình làm việc tại đó.

    Nhà chức trách vẫn chưa lập tức xác định được nguyên nhân dẫn tới hỏa hoạn và đang tiến hành điều tra, Evans cho biết.

    Theo Người Việt

  • Theo New York Times, chiếc máy bay cánh quạt đã đâm vào một nhà kho thương mại gần sân bay thành phố Fullerton (Mỹ) gây ra hỏa hoạn và khiến nhiều người thương vong.

    Theo truyền thông địa phương, vụ tai nạn máy bay xảy ra vào lúc 2 giờ 09 phút chiều ngày 2/1 (giờ địa phương), cách sân bay thành phố Fullerton (bang California) khoảng 800m. Các báo cáo ban đầu cho biết ít nhất 2 người thiệt mạng và 18 người khác bị thương trong sự cố này.

    Theo phát ngôn viên của Sở Cảnh sát Fullerton, các nạn nhân bị thương với nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó có 10 người được đưa đến bệnh viện để theo dõi. Lực lượng chức năng đã phải thành lập một khu vực phân loại gần đó để điều trị cho những người bị thương.

    may bay canh quat
    Một lỗ hổng bốc khói được nhìn thấy trong nhà kho gần sân bay thành phố Fullerton sau vụ tai nạn ngày 2/1. (Ảnh: NBC4 Los Angeles – KNBC)

    Cảnh sát Fullerton cũng tiến hành sơ tán hơn 100 người bên trong kho hàng.

    Cảnh sát kêu gọi người dân và phương tiện tránh khu vực này vì một số con đường gần hiện trường vụ tai nạn tạm thời bị đóng cửa.

    Video chia sẻ trên mạng xã hội sau vụ tai nạn cho thấy một luồng khói đen lớn bốc lên từ một lỗ hổng lớn trên mái tòa nhà, xe cứu hỏa đang lao nhanh về hiện trường và lính cứu hỏa đang đánh giá tình hình từ một mái nhà gần đó.

    Còn một cảnh quay khác từ trên cao cho thấy dường như chiếc máy bay cánh quạt đã đâm xuyên qua mái nhà của kho hàng và dẫn đến hỏa hoạn sau đó.

    Cục Hàng không Liên bang Mỹ bước đầu xác định chiếc máy bay trong vụ tai nạn là Van's Aircraft RV-10 - dòng máy bay cá nhân bốn chỗ ngồi khá phổ biến ở Mỹ. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ hiện đang điều tra vụ nguyên nhân dẫn đến sự cố này.

    Theo VTC News

  • Ít nhất một người thiệt mạng, 7 người bị thương sau khi một chiếc Tesla Cybertruck phát nổ bên ngoài khách sạn của ông Trump tại Las Vegas, Nevada.

    Cảnh sát trưởng Las Vegas Kevin McMahill cho biết giới chức nhận được thông tin về một vụ cháy xe ở khách sạn Trump International vào khoảng 8h40 ngày 1/1. Khi đến nơi, lực lượng chức năng phát hiện một chiếc Tesla Cybertruck đang chìm trong lửa.

    "Một người tử vong bên trong chiếc Cybertruck, chưa rõ là nam hay nữ", ông McMahill nói, thêm rằng sự việc còn khiến 7 người bị thương nhẹ.

    Video trên mạng xã hội cho thấy chiếc Cybertruck đột ngột phát nổ khi đang đậu bên ngoài cổng khách sạn, tiếp đó là loạt vụ nổ nhỏ giống như pháo hoa.

    Cảnh sát cho biết đang điều tra nguyên nhân và xem xét khả năng đây là hành động khủng bố. Tỷ phú Elon Musk, CEO hãng Tesla, nói nguyên nhân là do "lượng lớn pháo hoa và/hoặc một quả bom" ở trên xe, không phải lỗi của chiếc Tesla, đồng thời tiết lộ đây là xe thuê.

    Tesla phat no
    Nhân viên điều tra bên cạnh chiếc Cybertruck của Tesla phát nổ trước khách sạn Trump ở Las Vegas ngày 1.1 ẢNH: REUTERS

    Ông cho biết toàn bộ đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Tesla đang điều tra về vụ nổ. "Chúng tôi chưa từng thấy điều gì như vậy", tỷ phú này viết trên mạng xã hội.

    Được Tesla trình làng tháng 11/2019, Cybertruck là mẫu xe bán tải với thiết kế góc cạnh và "hầm hố", có khả năng tăng tốc như siêu xe và tầm hoạt động hơn 800 km sau mỗi lần sạc đầy.

    CNN dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết chiếc xe này từng đi ngang qua khách sạn Trump khoảng một giờ trước khi sự việc xảy ra. Nó sau đó quay lại, dừng trước khách sạn vài giây thì phát nổ. Chất nổ chứa trong xe được cho là pháo hoa, bình xăng và nhiên liệu cắm trại, kết nối với hệ thống nổ do tài xế điều khiển.


    Clip toàn cảnh vụ nổ

    Eric Trump, phó chủ tịch điều hành của tập đoàn Trump, nhấn mạnh an toàn và sức khỏe của khách hàng cũng như nhân viên là "ưu tiên hàng đầu", đồng thời gửi lời cảm ơn đến giới chức vì đã "phản ứng nhanh chóng và chuyên nghiệp".

    Nhà Trắng cho biết sau khi được thông báo về vụ nổ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ đạo cung cấp bất kỳ hỗ trợ liên bang nào cần thiết cho giới chức địa phương. Ông Biden trước đó cũng được báo cáo về vụ lao xe ở thành phố New Orleans, bang Lousiana khiến ít nhất 15 người chết.

    Cảnh sát trưởng McMahill cũng đề cập đến vụ lao xe ở New Orleans, song không nói hai sự việc có liên quan đến nhau hay không. Ông cho biết cảnh sát đang thực hiện "mọi biện pháp phòng ngừa để giữ an toàn cho cộng đồng".

    "Có vẻ hiện không còn mối đe dọa nào nữa với cộng đồng. Nhưng sự việc liên quan đến một chiếc Cybertruck và khách sạn Trump thì rõ ràng là có rất nhiều câu hỏi cần phải trả lời", ông McMahill nói, thêm rằng khách sạn này đã được sơ tán.

    VnExpress (Theo AFP, CNN)

  • Từ ngày 1-1, 21 tiểu bang tại Mỹ được nâng mức lương tối thiểu lên ít nhất 15 USD/h, trong đó các tiểu bang Washington, California và New York được tăng lương nhiều nhất.

    Lao động nước ngoài làm việc tại một cánh đồng ở thành phố Salinas, tiểu bang California, Mỹ - Ảnh: REUTERS

    Truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin khoảng 9,2 triệu người lao động tại 21 tiểu bang, 48 thành phố và hạt sẽ được tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/h từ ngày 1-1.

    Viện Chính sách Kinh tế (EPI), một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại thành phố Washington D.C ước tính trong số hơn 9,2 triệu người lao động có đến 20% người lao động dưới mức nghèo khổ.

    Theo ABC News, tiểu bang Washington sẽ trở thành nơi được tăng lương tối thiểu nhiều nhất với 16,55 USD/h. Xếp sau là tiểu bang California và New York với 16.50 USD/h.

    Cụ thể, 29 thành phố tại tiểu bang đông người Việt Nam sinh sống là California sẽ được tăng mức lương tối thiểu lên tương đối cao, trong đó thành phố Oakland được tăng lương tối thiểu chạm mức 17 USD/h.

    Tổ chức chuyên nghiên cứu về dân số World Population Review thống kê tiểu bang California có đến 798,886 người Việt Nam, chiếm 2,05% dân số toàn bang, tính đến năm 2024.

    Trong số bảy thành phố và hạt ở tiểu bang Washington được tăng mức lương tối thiểu, người lao động tại thành phố Tukwila được tăng lương nhiều nhất với 21,10 USD/h.

    Lần tăng mức lương tối thiểu ở các bang gần nhất diễn ra vào năm 2009, sau khi Quốc hội Mỹ thông qua quy định mức lương tối thiểu liên bang là 7,25 USD/h. Mức lương tối thiểu 7,25 USD/h vẫn được giữ nguyên từ năm 2009 đến nay, và vẫn là mức lương tối thiểu nằm trong luật của 20 tiểu bang, chủ yếu là các bang ở miền trung nước Mỹ.

    “Có một sự thật rằng số lượng người lao động kiếm được 7,25 USD/h khá ít. Điều này cũng có nghĩa nếu không hành động, chúng ta sẽ bỏ mặc hàng chục triệu người lao động”, chuyên gia phân tích kinh tế tiểu bang tại EPI Sebastian Martinez Hickey nói với Đài CBS News.

    Cũng theo EPI, tính theo lạm phát, mức lương tối thiểu liên bang hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 2-1956, tức gần 70 năm trước.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Ít nhất 10 người thiệt mạng sau khi một tài xế lao xe vào đám đông đang tụ tập mừng năm mới ở thành phố New Orleans, bang Lousiana, Mỹ.

    Một tài xế lao xe với tốc độ cao vào đám đông đang tụ tập sau khi đón giao thừa trên đường Bourbon, thành phố New Orleans, Louisiana, sau đó nhảy ra ngoài và nổ súng, buộc cảnh sát có mặt ở hiện trường phải bắn trả.

    Chính quyền thành phố New Orleans cho biết ít nhất 10 người đã thiệt mạng và 30 người được đưa tới bệnh viện điều trị. Phóng viên Kati Weis của đài CBS News cho hay nhiều nạn nhân được cấp cứu ngay trên vỉa hè ngã tư giữa đường Bourbon và đường Canal.

    xe lao vao dam dong 1
    Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ lao xe trên đường Bourbon, New Orleans, Louisiana, rạng sáng 1/1. Ảnh: CBS News

    Vụ lao xe xảy ra lúc 3h15 sáng 1/1. Cảnh sát trưởng Anne Kirkpatrick mô tả sự việc xảy ra rất nhanh và đây là "hành vi cố ý", không phải lái xe khi say rượu và kẻ tấn công đã cho thấy rõ ý định "gây ra cảnh tàn sát". Hai cảnh sát đã bị tài xế bắn nhưng hiện trong tình trạng ổn định.

    Thị trưởng LaToya Cantrell trong khi đó gọi vụ lao xe là "cuộc tấn công khủng bố" và bà đã liên lạc trực tiếp với Nhà Trắng.

    FBI, đơn vị phụ trách cuộc điều tra, ra tuyên bố cho hay nghi phạm đã chết khi đấu súng với cảnh sát địa phương, nhưng chưa công bố danh tính. Giới chức Mỹ đang nỗ lực điều tra động cơ của nghi phạm.

    "Tất cả những gì tôi thấy là một chiếc xe đâm vào mọi người ở phía bên trái vỉa hè đường Bourbon", nhân chứng Kevin Garcia, 22 tuổi, nói với CNNsau sự việc. "Cú đâm mạnh đến mức một người văng về phía tôi", anh kể, thêm rằng anh cũng nghe thấy tiếng súng nổ.

    Một nhân chứng khác, Whit Davis, 22 tuổi, đến từ Shreveport, Louisiana, cho biết vụ lao xe xảy ra khi anh đang rời khỏi hộp đêm trên phố Bourbon. Đây là khu phố nổi tiếng thu hút nhiều khách du lịch của thành phố.

    xe lao vao dam dong 1
    Cảnh sát canh gác tại hiện trường vụ lao xe. Ảnh: EarthCam

    "Mọi người bắt đầu la hét và lùi về phía sau, rồi cửa hộp đêm bị khóa lại. Mọi thứ sau đó lắng xuống nhưng họ chưa cho chúng tôi rời đi", anh nói thêm. "Khi họ cho chúng tôi ra khỏi hộp đêm, cảnh sát vẫy tay chỉ đường và bảo chúng tôi nhanh chóng rời khỏi khu vực đó. Tôi thấy vài thi thể và hàng chục người đang được cấp cứu".

    Davis nói cảnh sát đã yêu cầu những người có mặt tại hiện trường không chụp ảnh, quay video và rời đi càng sớm càng tốt.

    Phát biểu tại một cuộc họp báo, bà Alethea Duncan - Trợ lý đặc vụ phụ trách Văn phòng hiện trường của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tại New Orleans cho biết đã tìm thấy các thiết bị nổ tự chế nhưng nhận định đây không phải là một vụ khủng bố.

    Phía FBI cho biết tuy đã tìm thấy thiết bị nổ tự chế nhưng cơ quan này vẫn đang tiến hành điều tra để đánh giá “tính khả dụng” của thiết bị này, đồng thời cho biết đây không phải là hoạt động khủng bố như thông tin mà Thị trưởng New Orleans đã mô tả. FBI thông báo vẫn đang tiến hành điều tra vụ việc nêu trên.

    New Orleans từng chứng kiến nhiều vụ xả súng, đâm xe vào đám đông trong những sự kiện đông người trước đây. Tháng 11/2024, hai người thiệt mạng và 10 người bị thương trong hai vụ nổ súng dọc tuyến đường diễu hành của hàng nghìn người.

    Tháng 2/2017, một tài xế có dấu hiệu say xỉn lao xe vào đám đông đang xem lễ diễu hành Mardi Gras ở New Orleans, khiến hơn 20 người bị thương.

    VnExpress (Theo Reuters, CBS News, AP)

  • Giao bánh pizza muộn và cư xử thô lỗ, Brianna Alvelo chỉ nhận được 2 USD tiền boa nên dẫn đồng phạm quay lại đâm khách hàng 14 nhát.

    Sự việc xảy ra tại nhà nghỉ Riviera Motel ở thành phố Kissimmee, bang Florida (Mỹ) vào tối 22/12, theo thông báo đăng trên trang Facebook của Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Osceola.

    Theo lời khai, Melinda Irizarry đang ở nhà nghỉ cùng bạn trai và con gái 5 tuổi khi đặt mua pizza. Melinda nói nhân viên giao hàng muộn, đồ ăn nguội và cư xử thô lỗ.

    Trong khi trả tiền cho chiếc bánh pizza giá khoảng 33 USD, Melinda đưa tờ 50 USD và yêu cầu nhân viên tên Brianna Alvelo, 22 tuổi, trả lại tiền thừa. Nhưng Brianna không có tiền lẻ nên Melinda tìm kiếm những tờ tiền mệnh giá nhỏ hơn, cuối cùng đưa cho Brianna tiền boa 2 USD.

    Theo thông cáo từ văn phòng cảnh sát, Brianna "trở nên khó chịu về số tiền boa nhận được". Melinda kể Brianna đã "đảo mắt" khi cầm tiền và "bỏ đi mà không nói gì". Sau đó, nhân viên giao hàng quay trở lại phòng của nạn nhân cùng với một nam nghi phạm cầm súng.

    Người đàn ông chưa rõ danh tính được cho là đã ra lệnh cho bạn trai của Melinda đi vào phòng tắm và chĩa súng giữ anh ta ở đó. Lúc này, Brianna bắt đầu tấn công Melinda bằng dao, đâm nạn nhân 14 nhát trước khi lấy đi một số đồ đạc trong phòng.

    Melinda được đưa đến bệnh viện địa phương và được phẫu thuật khẩn cấp vì thủng phổi. Cô bị đâm vào ngực, tay, chân và bụng. Tại bệnh viện, Melinda phát hiện đang mang thai được vài tuần, hiện trong tình trạng ổn định.

    1 6991 1735454313
    Brianna Alvelo sau khi bị bắt. Ảnh: Osceola County Jail

    Theo hồ sơ tòa án, Brianna đã bị bắt ngày 23/12 với cáo buộc dùng súng đột nhập nhà, âm mưu giết người, bắt cóc và hành hung nghiêm trọng. Nam nghi phạm đi cùng Brianna vẫn chưa được xác định danh tính.

    Đại diện của nhà hàng pizza cho biết đang hợp tác đầy đủ với chính quyền. "Sức khỏe và sự an toàn của khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi rất coi trọng sự việc này", đại diện nhà hàng pizza nói.

    VnExpress (Theo HuffPost, CBS)

  • Tấm vé trúng giải độc đắc 1,22 tỷ USD của công ty xổ số Mega Millions được bán ra tại bang California, mức cao thứ 5 trong lịch sử giải.

    "Xin chúc mừng người thắng giải độc đắc trị giá 1,22 tỷ USD đến từ California. Đây đúng là một món quà tuyệt vời trong dịp nghỉ lễ", Joshua Johnston, giám đốc công ty xổ số Mega Millions của Mỹ, ngày 27/12 thông báo.

    Công ty cho biết tấm vé được bán ra tại cửa hàng Circle K ở hạt Shasta thuộc bang California và trùng khớp với dãy số chiến thắng trong đợt quay hôm 27/12, gồm số 3, 7, 37, 49, 55 và số Mega Ball là 6. Xác suất trúng giải độc đắc là một trên 302 triệu.

    Danh tính người chiến thắng chưa được công bố. Người này có thể chọn nhận 549,7 triệu USD tiền mặt trong một lần, hoặc nhận đầy đủ khoản thưởng được trả dần trong hơn 29 năm. Phần lớn người trúng số chọn phương án thứ nhất.

    giai doc dac co chu
    Người dân Mỹ khoe tờ vé số Mega Millions mua tại bang California hôm 27/12. Ảnh: AP

    Đây là giải độc đắc lớn thứ 5 trong lịch sử Mega Millions. Giá trị của giải tăng lên sau khi không có ai giành chiến thắng trong 30 kỳ quay trước đó. Tấm vé độc đắc gần nhất được bán ra ở bang Texas hôm 10/9, trị giá 810 triệu USD.

    Tấm vé trúng giải độc đắc lớn nhất trong lịch sử Mega Millions có giá trị 1,6 tỷ USD, thuộc về người mua vé số tại bang Florida vào tháng 8/2023. Tuy nhiên, công ty xổ số Powerball từng trao hai giải thưởng lớn hơn con số này.

    Xổ số Mega Millions và Powerball được bán tại 45 bang của Mỹ, cũng như tại thủ đô Washington và quần đảo Virgin thuộc Mỹ. Vé số của Powerball còn được bán ở Puerto Rico.

    Giá vé xổ số của Mega Millions dự kiến tăng từ 2 lên 5 USD vào tháng 4/2025, động thái mà công ty cho là một trong các thay đổi nhằm tăng tỷ lệ chiến thắng, tăng tần suất trúng giải lớn và cả giá trị giải thưởng.

    VnExpress (Theo AP, ABC)

  • Cảnh sát bắt nghi phạm là người nhập cư Guatemala, sau khi anh ta châm lửa thiêu chết một phụ nữ không quen biết trên tàu điện ngầm ở New York.

    Khoảng 7h30 sáng 22/12, nghi phạm tiếp cận và dùng bật lửa đốt cháy quần áo của một phụ nữ "ngồi bất động", có vẻ đang ngủ, trên tàu F dừng ở ga Coney Island-Stillwell Avenue ở Brooklyn.

    Cảnh sát New York (NYPD) cho rằng hai người không quen nhau, không có mâu thuẫn hay tương tác nào trước vụ tấn công. Cảnh sát tuần tra trong ga đã chạy đến ứng phó khi ngửi thấy mùi khét.

    "Những gì họ thấy là một phụ nữ bên trong toa bị lửa bao trùm. Quần áo cô ấy bị thiêu rụi hoàn toàn chỉ trong vài giây", lãnh đạo NYPD Jessica Tisch nói. Cảnh sát đã dùng bình chữa cháy để dập lửa, nhưng nạn nhân tử vong tại hiện trường.

    Video từ camera an ninh trên toa tàu cho thấy nghi phạm đã đốt chiếc chăn mà nạn nhân đang đắp và ngọn lửa lan rộng, nạn nhân đứng dậy trong khi chìm trong biển lửa. Cảnh sát chưa công bố danh tính nạn nhân.

    thieu tau dien 1
    Hiện trường vụ châm lửa đốt người ở ga tàu điện ngầm New York, ngày 22/12. Ảnh: NY Post

    Cảnh sát lúc đó không biết nghi phạm vẫn ở lại hiện trường, ngồi trên ghế dài ngay tại sân ga bên ngoài toa tàu. Camera gắn trên người của cảnh sát tuần tra đã ghi lại những hình ảnh rõ nét của nghi phạm.

    Nghi phạm sau đó bị bắt trên một chuyến tàu khác ở trung tâm Manhattan, khoảng 8 tiếng sau khi gây án. Giới chức cho biết nghi phạm 33 tuổi rời Guatemala đến Mỹ từ năm 2018 nhưng chưa nêu tên anh ta. Động cơ và tình trạng lưu trú pháp lý của nghi phạm chưa được làm rõ.

    Hệ thống tàu điện ngầm New York phục vụ khoảng 4 triệu lượt khách mỗi ngày. Tính đến tháng 11, cảnh sát ghi nhận 9 vụ giết người trên tàu điện ngầm, so với 5 vụ trong cùng kỳ 2023.

    thieu tau dien 1
    Nghi phạm bị bắt tại một nhà ga gần Manhattan, New York, ngày 22/12. Ảnh: NY Post

    VnExpress (Theo Reuters, CNN, NY Post)

  • Herschel Wilson bắt đầu tích trữ hàng hóa thiết yếu từ tháng 8, khi ông Donald Trump được đề cử làm ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa.

    "Sau khi Trump thắng cử, tôi lại bắt đầu tích trữ gần như mọi thứ, từ thực phẩm đóng hộp, nước đóng chai đến giấy vệ sinh", Wilson (Tacoma, Washington) nói với CNN. Đến nay, ông ước tính đã chi 300 USD cho việc tích trữ hàng hóa kể từ khi bầu cử. Thời gian tới, ông dự định chi thêm 100 USD mỗi tháng ngoài chi tiêu hàng ngày. Gia đình Wilson có 5 người và 3 thú cưng.

    Khi đại dịch bắt đầu, Wilson cũng bị cuốn vào làn sóng tích trữ. Nhưng lần này, mối quan tâm chính của ông không phải là chúng sẽ hết hàng, mà là sẽ tăng giá nếu ông Trump thực hiện những lời đe dọa tăng thuế.

    Ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 10-20% với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Riêng hàng Mỹ và Canada là 25% và hàng Trung Quốc là 60-100%.

    dan my tich tru hang hoa
    Một phần số hàng hóa Herschel Wilson tích trữ trong vài tháng qua. Ảnh: Herschel Wilson

    Nhiều chuyên gia và nhà kinh tế học cho rằng chưa chắc Trump đã áp thuế, mà chỉ coi đó là công cụ đàm phán. Nhưng ngược lại, nếu ông hiện thực hóa điều này, giá cả mà người tiêu dùng phải trả cho các sản phẩm không được sản xuất tại Mỹ sẽ tăng đáng kể.

    Wilson hiểu rõ điều này, đặc biệt khi ông còn là một chủ doanh nghiệp nhỏ. Ông và vợ điều hành xưởng vẽ gốm Painting Panda Pottery Studio. Tại đây, khách hàng được tự vẽ lên đồ gốm, bao gồm cả cốc và đĩa. Wilson thường mua các sản phẩm gốm chưa vẽ thông qua các doanh nghiệp Mỹ. Nhưng thực ra, số hàng hóa này đều được nhập từ Trung Quốc và các nước khác.

    "Tôi biết rằng nếu bị áp thuế, chúng tôi sẽ phải chuyển việc tăng giá xuống cho khách hàng", ông nói trên CNN.

    Scott Lincicome - Phó chủ tịch kinh tế và thương mại tại Viện nghiên cứu Cato không khuyến khích người tiêu dùng cá nhân tích trữ hàng hóa. "Không ai chắc chắn việc này có thực sự xảy ra hay không và nếu có thì sẽ vào ngày đầu tiên hay không", ông nói, đề cập đến việc Trump dọa áp thuế với tất cả hàng hóa nhập khẩu ngay ngày đầu tiên nhậm chức là 20/1.

    Hơn nữa, giống như trong đại dịch, "việc tích trữ có thể thực sự khiến giá cả tăng cao và các kệ hàng trống rỗng", Lincicome nói. Thêm vào đó, việc tích trữ sẽ khiến người tiêu dùng có ít tiền hơn để chi tiêu ở các lĩnh vực khác.

    Gaylon Alcaraz (Chicago) cũng hiểu rằng cô đang đánh cược khi tích trữ hàng hóa. Cô hiện gánh khoản nợ 200.000 USD từ việc học tiến sĩ và hỗ trợ học phí đại học cho hai con. Tuy nhiên, lo ngại sau này phải trả nhiều tiền hơn để mua hàng do thuế nhập khẩu đã khiến cô và mẹ mình tích trữ hàng hóa sau bầu cử.

    "Thỉnh thoảng, tôi cũng cảm thấy không hợp lý lắm. Nhưng tôi vẫn nhớ khoảng thời gian khó khăn trong đại dịch. Nhiều khi chúng tôi không tìm được hàng, mà có tìm thấy thì giá cũng rất cao", Alcaraz - Giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận cho biết.

    "Kể cả đồ không cần cũng không sao. Chúng tôi vẫn mua. Cứ nhìn thấy có giảm giá, chúng tôi sẽ mua những đồ trước đây khó tìm hoặc giá rất đắt", cô giải thích. Đó là những món từng thiếu hụt nghiêm trọng trong đại dịch, như giấy vệ sinh, giấy ăn, khăn lau và các đồ tẩy rửa khác.

    Không chỉ cá nhân cố gắng đi trước nguy cơ tăng thuế, các công ty lớn cũng vậy. Patrick Hallinan - Giám đốc Tài chính của Stanley Black & Decker - cho biết với các cổ đông tháng trước rằng họ đang lấp đầy các kho hàng nhanh hơn "vì nhiều lý do, như thuế nhập khẩu". Mục tiêu là hạn chế tăng giá hàng hóa nếu thuế tăng như họ dự đoán.

    Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, khi thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc được nâng lên, họ đã không chủ động được việc định giá. "Bài học từ đó là chúng tôi sẽ phải chủ động trong việc này", ông nói.

    Công ty tư vấn chuỗi cung ứng GEP và S&P Market Intelligence vừa công bố báo cáo hàng tháng khảo sát 27.000 doanh nghiệp trên toàn thế giới. Theo đó, hoạt động mua sắm quốc tế của các nhà sản xuất Bắc Mỹ tháng trước đạt mức cao nhất trong hơn một năm qua. Các doanh nghiệp Mỹ cũng đang đẩy nhanh tốc độ giao hàng từ các nước có nguy cơ bị tăng thuế, đồng thời chuyển bớt sản xuất sang nước khác.

    Trong trường hợp thuế không tăng, Wilson cho biết số hàng hóa ông đã mua cũng sẽ không bị lãng phí. "Các con tôi ăn rất nhiều. Vì vậy tôi không muốn trả giá gấp đôi hoặc cao hơn 20% so với hiện tại đâu", ông nói.

    VnExpress (theo CNN, Reuters)

  • Luigi Mangione, nghi phạm bắn chết CEO UnitedHealthcare, từng học ở trường top đầu của Mỹ, lớn lên trong gia đình giàu có và chưa từng có tiền án.

    Cảnh sát Mỹ ngày 9/12 xác định Luigi Mangione, 26 tuổi, là nghi phạm chính trong vụ ám sát Brian Thompson, CEO công ty bảo hiểm United Healthcare, vào tuần trước tại khu trung tâm Manhattan của New York. Nghi phạm bị bắt tại Pennsylvania nhờ tin báo từ nhân viên một nhà hàng đồ ăn nhanh McDonald's, người nhận ra Mangione từ những bức ảnh được cảnh sát đăng tải.

    Các nguồn tin cơ quan điều tra cho biết Mangione từng học tại một trường danh tiếng thuộc nhóm Ivy League, xuất thân từ một gia đình giàu có, và từng đăng tải nhiều bài viết ủng hộ bạo lực trên mạng xã hội.

    Tài khoản LinkedIn của Mangione cho thấy anh ta từng là kỹ sư tin học chuyên về dữ liệu tại TrueCar, một nền tảng trực tuyến chuyên về mua bán ôtô có trụ sở tại California. Lý lịch tư pháp của anh gần như trong sạch hoàn toàn, không có tiền án tiền sự, ngoại trừ một lần bị phạt tội nhẹ vào tháng 12/2023 ở Hawaii vì lẻn vào đài quan sát Nuuanu Pali.

    Luigi Mangione 1
    Bức ảnh được Mangione đăng trên tài khoản mạng xã hội. Ảnh: X/Luigi Mangione

    Mangione sinh ra tại Towson gần thành phố Baltimore thuộc bang Maryland, trong một gia đình giàu có sở hữu nhiều doanh nghiệp địa phương, bao gồm Câu lạc bộ đồng quê Hayfields.

    Mangione tốt nghiệp thủ khoa tại Gilman, một trong những trường tư thục hàng đầu thành phố Baltimore, vào năm 2016. Bạn học miêu tả Mangione là một người thông minh, dễ gần và luôn mỉm cười.

    "Cậu ta luôn toát lên vẻ sáng dạ, luôn đưa ra lựa chọn đúng đắn trong đời. Chả có dấu hiệu gì cho thấy cậu ta bất thường", bạn học cũ của Mangione nói với Fox.

    Mangione sau đó vào Đại học Pennsylvania, trường thuộc nhóm Ivy League danh giá, hoàn thành cả chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ ngành khoa học máy tính vào năm 2020. Một bài viết trên website Đại học Pennsylvania, hiện đã bị xóa nhưng vẫn còn bản lưu trữ trên Internet, cho thấy Mangione từng hướng dẫn một nhóm 60 sinh viên thực hiện các dự án trò chơi điện tử.

    Luigi Mangione 1
    Luigi Mangione khi còn học tại Đại học Pennsylvania. Ảnh: Facebook/Luigi Mangione

    Trên Instagram, Mangione chia sẻ hình ảnh du lịch tại Mexico, Puerto Rico, Hawaii và các bức ảnh khoe vóc dáng thể thao. Anh cũng xuất hiện trong các bài đăng ăn mừng cùng hội Phi Kappa Psi, một câu lạc bộ dành cho những sinh viên và cựu sinh viên nổi bật ở Đại học Pennsylvania.

    Mangione từng chụp một số bức ảnh tại Đại học Stanford, bang California. Tuy nhiên, Stanford cho biết Mangione không phải sinh viên tốt nghiệp trường này, mà chỉ từng làm cố vấn trưởng cho chương trình tiền đại học của trường tháng 5-9/2019. Anh ta phụ trách thiết kế kế hoạch bài giảng và dạy về trí tuệ nhân tạo cho các học sinh trung học tham gia khóa học hè của Stanford.

    Mangione được cho là đã lẩn trốn suốt 5 ngày qua, kể từ khi CEO Thompson bị bắn nhiều phát đạn trong vụ phục kích giữa đường phố New York. Vụ án gây chấn động dư luận Mỹ và buộc cảnh sát phải tung ra lực lượng lớn cùng nhiều công nghệ hiện đại để truy tìm.

    Tin tức về việc Mangione bị bắt nhanh chóng khiến cộng đồng mạng dậy sóng, với số lượng người theo dõi tài khoản anh này trên mạng xã hội tăng vọt. Nhiều người tìm đọc lại những bài đăng cũ của Mangione để hình dung động cơ thúc đẩy anh ta hạ sát một CEO công ty bảo hiểm.

    Mangione từng đăng trên X một ảnh chụp X-quang cột sống với đinh vít, được đặt làm ảnh bìa. Bức ảnh này chưa có lời giải thích công khai, nhưng nhiều người cho rằng nó liên quan đến lịch sử y tế của Mangione và có thể liên quan đến tiền bồi thường bảo hiểm.

    CNN dẫn nguồn tin điều tra cho biết cảnh sát đã thu giữ một số ghi chép riêng của Mangione, trong đó có đoạn: "Bọn ký sinh trùng này bị thế là đáng đời".

    Nghi phạm cũng từng bình luận công khai về cuốn Industrial Society and Its Future (Xã hội công nghiệp và Tương lai của nó) của Ted Kaczynski. Kaczynski còn có biệt danh là Unabomber, từng thực hiện loạt vụ đánh bom khủng bố tại Mỹ trong giai đoạn 1978-1995 để phản đối tiến bộ công nghệ và xã hội hiện đại.

    Mangione cho rằng Kaczynski "đáng bị bỏ tù", nhưng lại gọi những ghi chép của người này "đi trước thời đại".

    "Thật lười nhác và hời hợt nếu bỏ qua tác phẩm này và nói đây là tuyên ngôn của một kẻ điên, nhưng lại bỏ qua những sự thật mất lòng mà quyển sách đã đặt ra. Không thể làm ngơ trước những dự đoán đi trước thời đại của tác giả về xã hội hiện đại", Mangione viết trên mạng xã hội Goodreads, dành cho cộng đồng đọc sách và bàn luận các tác phẩm.

    Luigi Mangione 1
    Bằng lái xe giả của Luigi Mangione, sử dụng tên Mark Rosario. Ảnh: NYPD

    Mangione thậm chí còn bày tỏ cảm thông với các hành động của Kaczynski, cho rằng bạo lực là "cách sinh tồn khi mọi cách giao tiếp khác đều thất bại".

    Đội trưởng đội điều tra Cảnh sát New York (NYPD) Joseph Kenny cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận về động cơ vụ án, nhưng ông thừa nhận nghi phạm có để lại một số manh mối tiềm năng.

    Tại hiện trường vụ ám sát Thompson, cảnh sát tìm thấy ba vỏ đạn khắc các dòng chữ "deny" (khước từ), "defend" (bảo vệ) và "depose" (phế truất). Những thông điệp này gần giống với tiêu đề của một cuốn sách được xuất bản vào năm 2010 về ngành bảo hiểm: Trì hoãn, Phủ nhận, Bảo vệ - Vì sao các công ty bảo hiểm không trả tiền và bạn cần xử trí ra sao.

    Cuốn sách đã đưa ra nhiều thông điệp chỉ trích kịch liệt ngành bảo hiểm. Cảnh sát đang điều tra khả năng nghi phạm có liên quan nội dung cuốn sách hoặc xem đây như một lời công kích chung nhắm đến ngành bảo hiểm.

    Thông điệp trên vỏ đạn cũng khiến cảnh sát tin rằng nghi phạm là người có hiềm khích nào đó với ngành bảo hiểm nói chung và CEO Thompson nói riêng.

    "Chúng tôi chưa thể xác định động cơ cụ thể của nghi phạm. Tuy nhiên, khi xem xét những dòng chữ mà nghi phạm để lại và công việc của nạn nhân, khả năng đây có thể là một nhân viên bất mãn hoặc một khách hàng không hài lòng với dịch vụ bảo hiểm. Chúng tôi không loại trừ bất kỳ giả thiết nào và cũng chưa đưa ra kết luận nào vào thời điểm này", ông Kenny cho biết.

    Luigi Mangione 1
    Khoảnh khắc nghi phạm lộ gương mặt "đẹp trai". Ảnh: Cảnh sát New York

    VnExpress (Theo AFP, NY Post, Fox)

  • Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn các tỷ phú giàu có cho nhiều vị trí quan trọng trong chính quyền mới, giúp họ nắm giữ quyền cắt giảm chi tiêu công.

    Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tập hợp đủ các tỷ phú và triệu phú để lấp đầy những vị trí chủ chốt trong chính quyền mới. Quá trình đề cử này dường như mỉa mai chính lời kêu gọi của ông đối với tầng lớp lao động trong suốt chiến dịch tranh cử, khi ông công khai chọn những tỷ phú giàu có cho các vị trí quan trọng, trao cho họ quyền cắt giảm chi tiêu công - nguồn tài chính mà nhóm người nghèo và dễ tổn thương nhất đang phụ thuộc.

    Ít nhất 11 ứng viên đảm nhận các vị trí chiến lược khi ông Trump trở lại Nhà Trắng đều là tỷ phú, vợ/chồng tỷ phú, hoặc gần đạt đến ngưỡng đó. Kết quả là ông Trump đã tạo ra chính quyền giàu nhất trong lịch sử Mỹ, với tổng giá trị tài sản ước tính 340 tỷ USD tính đến đầu tuần này, trước khi ông Trump bổ nhiệm thêm ít nhất 3 tỷ phú nữa, theo Guardian.

    noi cac trump 1

    Khối tài sản khổng lồ

    Tài sản của đội ngũ mới dễ dàng vượt xa nội các đầu tiên của ông Trump sau chiến thắng năm 2016 - khi đó đã được coi là nội các giàu nhất lịch sử Mỹ. Nội các năm 2016 bao gồm những nhân vật giàu có như cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson - cựu CEO ExxonMobil, và cựu Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross - nổi tiếng nhờ tái cấu trúc các công ty phá sản.

    Khối tài sản khổng lồ của nội các mới càng làm nổi bật sự đối lập với chính quyền đương nhiệm dưới thời Tổng thống Joe Biden, với tổng tài sản chỉ khoảng 118 triệu USD. Ông Trump từng nhiều lần chỉ trích chính quyền Biden đại diện cho tầng lớp tinh hoa tham nhũng, lừa dối người lao động Mỹ.

    Nhân vật nổi bật nhất trong nội các của ông Trump là tỷ phú Elon Musk - doanh nhân đứng sau Tesla và SpaceX, và là người giàu nhất thế giới.

    Cùng với ông Vivek Ramaswamy, một doanh nhân công nghệ khác được cho là sở hữu tài sản ít nhất 1 tỷ USD, tỷ phú Musk được giao nhiệm vụ dẫn dắt cơ quan mới mang tên "Bộ Cải thiện Hiệu quả Chính phủ" (Doge), với sứ mệnh cắt giảm các khoản chi tiêu công lãng phí.

    Tỷ phú Musk cam kết sẽ cắt giảm 2.000 tỷ USD từ ngân sách quốc gia. Song ông không giải thích chi tiết về cách thức hay thời gian thực hiện, dù đã cảnh báo điều này có thể gây ra “những khó khăn kinh tế tạm thời”.

    Cả ông Musk và ông Ramaswamy đều không cần Thượng viện Mỹ phê chuẩn, vì Doge không phải cơ quan chính phủ chính thức.

    Ông Trump không hề ngần ngại khi đề cử các tỷ phú vào nội các mới, dù đội ngũ này sẽ phải trải qua các phiên điều trần công khai tại Thượng viện, nơi tài sản của họ có thể trở thành vấn đề tranh luận.

    Trong số những gương mặt mới trong chính quyền Trump có bà Linda McMahon, cựu giám đốc điều hành WWE, được đề cử làm Bộ trưởng Giáo dục. Chồng bà, ông Vince McMahon, có tài sản ước tính 3 tỷ USD.

    Ngoài ra còn có Thống đốc North Dakota Doug Burgum được đề cử làm Bộ trưởng Nội vụ, ông Howard Lutnick - CEO của Cantor Fitzgerald - được đề cử làm Bộ trưởng Thương mại, và ông Scott Bessent - cựu quản lý quỹ đầu tư của Soros - được chọn làm Bộ trưởng Tài chính.

    Tổng tài sản của riêng nhóm này lên đến 10,7 tỷ USD, nhiều hơn 4,5 tỷ USD so với nội các đầu tiên của ông Trump.

    Ông Charles Kushner, cha của Jared Kushner - con rể ông Trump, được đề cử làm đại sứ Mỹ tại Paris. Ông Warren Stephens, lãnh đạo một ngân hàng đầu tư, được đề cử làm đại sứ Mỹ tại London. Trong khi đó, ông Jared Isaacman - doanh nhân và phi hành gia thương mại - sẽ đứng đầu NASA, và bà Kelly Loeffler - cựu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa - sẽ lãnh đạo Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ.

    Ông Steve Witkoff, trùm bất động sản và bạn chơi golf của ông Trump, cũng được chọn làm đặc phái viên Trung Đông. Tài sản của ông Witkoff được ước tính khoảng 1 tỷ USD.

    Chủ tịch công ty công nghệ tài chính Fiserv Inc. Frank Bisignano hiện được đề cử đứng đầu Cơ quan An sinh Xã hội, chịu trách nhiệm quản lý lương hưu và phúc lợi cho người nghỉ hưu. Ông Bisignano hiện sở hữu khối tài sản khoảng 974 triệu USD.

    Ông Trump cũng được cho là đã đề cử tỷ phú Stephen Feinberg cho vị trí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tỷ phú Feinberg là một nhà đầu tư tư nhân, đồng chủ tịch Cerberus Capital Management, với tài sản cá nhân ước tính 4,8 tỷ USD tính đến tháng 7 năm nay. Song chưa rõ ông Feinberg có nhận lời hay không.

    Cử tri vỡ mộng?

    Suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã liên tục sử dụng các thông điệp dân túy “vì mọi người” để thu hút tầng lớp lao động, song sự ưu tiêu của ông đối với giới giàu có chưa bao giờ thay đổi.

    noi cac trump 1
    Tỷ phú Elon Musk được cho là nhân vật nổi bật và giàu có nhất trong chính quyền Trump sắp tới. Ảnh: Reuters.

    Từ lâu, các nhà phân tích đã chỉ rằng ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump - người luôn tự hào phô trương danh hiệu tỷ phú - đang cố gắng khai thác sự bất mãn của người dân về tình trạng thu nhập và mức sống đình trệ. Ông Trump liên tục đưa ra những lời than phiền về tình trạng mất việc trong ngành công nghiệp, cũng như các thỏa thuận thương mại mà ông cho là đã gây hại cho người lao động Mỹ.

    “Theo Cục Thống kê Lao động, tiền lương thực tế của tầng lớp lao động Mỹ đã đình trệ hoặc giảm sút kể từ đầu những năm 1980, đặc biệt khi các ngành công nghiệp chuyển cơ sở ra nước ngoài. Điều này có thể giải thích sức hấp dẫn của ông Trump đối với tầng lớp lao động”, ông Matthew King, nghiên cứu viên tại Quỹ Marshall Đức, viết trong một bài đăng trên blog.

    Vị chuyên gia lập luận ông Trump có thể khai thác những lo lắng của tầng lớp lao động vì ông “hiểu rằng niềm tự hào vào Chúa, gia đình và đất nước sẽ vang vọng theo cách mà các thông điệp cấp tiến của những ứng viên khác không làm được”.

    Trong khi đó, ông David Kass, Giám đốc điều hành tổ chức “Bình đẳng thuế cho người Mỹ” (Americans for Tax Fairness), nhận định với việc thành lập “chính phủ của tỷ phú và vì tỷ phú”, mục tiêu của ông Trump và nội các là thực hiện các đợt cắt giảm thuế lớn cho giới siêu giàu, đổi lại bằng việc cắt giảm các dịch vụ công như giáo dục, an sinh xã hội và chương trình chăm sóc sức khỏe cho người có thu nhập thấp.

    “Cử tri muốn có sự thay đổi. Nhưng tôi nghĩ rồi mọi người sẽ nhận ra đây không thực sự là điều họ muốn: ‘Người giàu đã đủ giàu và không cần thêm các khoản cắt giảm thuế. Thay vào đó, tại sao không giúp đỡ chúng tôi?’ Tôi cho rằng sẽ có một phong trào phản đối lớn đối với chính sách (cắt giảm thuế) này”, ông nói.

    Tuy nhiên, ông King cảnh báo sức hút của ông Trump có thể vượt qua sự ghen tỵ đối với giới giàu có.

    “Tôi vẫn tin rằng sức hấp dẫn đối với tầng lớp lao động sẽ cho phép ông Trump tiếp tục khai thác họ trong khi chuyển lợi ích đến tầng lớp tài phiệt mới - các doanh nghiệp lớn và các tỷ phú như Elon Musk”, ông viết.

    Theo ZNews

  • sat thu 1
    Hình ảnh nghi phạm do cảnh sát công bố. Ảnh: NYPD

    Dựa trên hình ảnh từ camera an ninh, phân tích vật chứng tại hiện trường, cảnh sát Mỹ đang nỗ lực dựng chân dung sát thủ bắn CEO BrianThompson giữa đường phố New York.

    Brian Thompson, 50 tuổi, CEO công ty bảo hiểm y tế UnitedHealthcare, bị bắn sáng 4/12/2024 tại khu Midtown Manhattan, New York, khi đang trên đường đến khách sạn New York Hilton dự hội nghị nhà đầu tư thường niên của công ty.

    Camera an ninh đã ghi lại cảnh nghi phạm mặc áo khoác đen trùm đầu, đeo balô màu xám xuất hiện từ dãy ôtô bên trái phía sau Thompson, rút súng bắn vào lưng ông từ khoảng cách 6 mét. Sau ít nhất ba phát đạn, CEO của một trong những công ty bảo hiểm y tế lớn nhất Mỹ gục xuống vỉa hè.

    Sát thủ sau đó chạy băng qua đường vào một hẻm nhỏ, đi dọc Đại lộ số 6 rồi lên xe đạp điện chạy về phía Công viên Trung tâm, từ đó mất dấu.


    Khoảnh khắc CEO Brian Thompson bị bắn chết trên đường phố New York ngày 4/12. Video: CNN

    Vụ ám sát gây chấn động nước Mỹ, bởi nó diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, tại một trong những thành phố đông đúc nhất thế giới, buộc Sở Cảnh sát New York (NYPD) phải dốc toàn lực điều tra và truy lùng nghi phạm.

    Jeffrey Maddrey, lãnh đạo NYPD, cho biết sở sẽ triển khai các đơn vị trực thăng, máy bay không người lái (UAV), chó nghiệp vụ để truy lùng một sát thủ "có nhiều kinh nghiệm dùng súng" trong một vụ giết người "rất táo tợn".

    "Với vụ án nghiêm trọng như thế này, chúng tôi không tiếc chi phí", ông Maddrey nói.

    Các điều tra viên đã phân tích mọi video trích xuất từ các camera an ninh xung quanh, phỏng vấn bạn bè, đồng nghiệp, gia đình ông Thompson cũng như xem xét các tài khoản mạng xã hội của CEO này để tạo dòng thời gian về vụ án.

    Đến cuối ngày 4/12, cảnh sát New York đã công bố ít nhất 5 hình ảnh, video về nghi phạm. Các hình ảnh cho thấy nghi phạm xuất hiện lúc sáng sớm ở khu Upper West Side, cầm theo một vật dường như là pin xe đạp điện. Các nhà điều tra tin rằng nghi phạm có thể đã đi tàu điện ngầm từ Upper West Side đến khu Midtown Manhattan, nơi gây án cách đó 5 km.

    Camera an ninh từ quán cà phê Starbucks trên Đại lộ số 6 cho thấy nghi phạm đã vào quán để mua hai thanh năng lượng, một chai nước, một cốc cà phê trước khi ra đường đứng phục kích ông Thompson ở vị cách quán khoảng hai dãy nhà.

    CEO Thompson
    Chân dung CEO Brian Thompson

    Danh tính và động cơ gây án của sát thủ này vẫn là ẩn số, nhưng cảnh sát New York đã phát hiện ba viên đạn 9 mm tại hiện trường có khắc các chữ "deny" (từ chối), "depose" (làm chứng) và "defend" (bảo vệ), có thể là lời nhắn mà sát thủ để lại.

    Ngoài ba viên đạn, cảnh sát cũng tìm thấy cốc cà phê và chai nước nghi phạm mua ở quán Starbucks trong thùng rác gần hiện trường, cùng một điện thoại được cho là do sát thủ làm rơi khi chạy vào hẻm tẩu thoát.

    Cảnh sát có thể tìm vân tay hoặc ADN trên các vật chứng này, cũng như phân tích dữ liệu của chiếc điện thoại. Ngay cả khi đó là điện thoại dùng một lần, nó vẫn có thể cung cấp nhiều thông tin giá trị về các cuộc hội thoại của sát thủ trước khi gây án.

    Các nhà điều tra đang tìm kiếm hai tang vật quan trọng của vụ án là khẩu súng gắn nòng giảm thanh và xe đạp điện mà nghi phạm dùng để tẩu thoát.

    sat thu 1
    Tuyến đường nghi phạm gây án và bỏ trốn. Đồ họa: CNN

    Cảnh sát cũng đã yêu cầu bảo vệ, ban quản lý các tòa nhà gần đó tiếp tục cung cấp hình ảnh trích xuất từ camera an ninh. Họ sẽ phân tích từng khung hình để tìm ra mọi dấu vết có thể liên quan đến nghi phạm.

    Sau vụ khủng bố 11/9/2001, Sở Cảnh sát New York với sự giúp đỡ của chính phủ đã đầu tư nguồn lực mở rộng năng lực giám sát an ninh. Thành phố New York hiện có hệ thống camera an ninh trải rộng và dày đặc từ cả khu vực công - tư, giúp cảnh sát dễ dàng xác định vị trí của người dân.

    New York có năng lực điều tra vượt trội hơn hầu hết các thành phố khác tại Mỹ nhờ hệ thống camera trải khắp 5 quận này, song quá trình truy tìm nghi phạm thường không dễ dàng và nhanh chóng.

    Tháng 4/2022, cảnh sát New York mất hơn 31 giờ để bắt Frank James, dù hành động nổ súng trên tàu điện ngầm ở Brooklyn vào giờ cao điểm của người này bị camera an ninh ghi lại.

    "Quá trình này không nhanh như trên TV, mà kéo dài và mệt mỏi. Các điều tra viên cần phân tích hàng chục nghìn giờ video, từ tất cả các nguồn camera", Brittney Blair, chuyên gia điều tra, an ninh tư nhân ở New York, nói.

    Bà Blair cho hay dù sở hữu công nghệ giám sát hiện đại, cảnh sát New York vẫn sẽ phải dựa vào các điều tra viên sắc sảo, nhiều kinh nghiệm để tìm ra nghi phạm.

    "Không có công nghệ kỳ diệu nào có thể nhận dạng một người ngay lập tức, nhưng Manhattan là lựa chọn tồi nhất để sát thủ làm nơi gây án", bà nói, bày tỏ tin tưởng cảnh sát sẽ sớm tìm ra nghi phạm.

    VnExpress (theo Washington Post, CNN, NY Post)

  • Nhiều khu vực ở New York (Mỹ) phải ban bố tình trạng khẩn cấp vì tuyết rơi dày gây gián đoạn giao thông và ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân.

    bao tuyet o my 22
    Tuyết rơi dày ở New York khiến nhiều khu vực ban bố tình trạng khẩn cấp - Ảnh: FACEBOOK/ NEW YORK STATE POLICE

    Theo Đài ABC News, ngày 1-12, chính quyền các hạt ở miền bắc bang New York đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi chuẩn bị đối phó với một trận bão tuyết lớn, vốn đã trút lượng tuyết dày tới 60cm xuống vùng Trung Tây và dự báo sẽ còn tích tụ thêm vào cuối tuần này.

    Thống đốc bang New York Kathy Hochul cho biết 11 hạt trong khu vực đang trong tình trạng khẩn cấp khi nhiều khu dân cư đã chứng kiến lượng tuyết rơi rất lớn.

    Theo văn phòng thống đốc, đợt tuyết lần này do hiệu ứng hồ (lake effect snow) gây ra và sẽ tiếp diễn đến ngày 2-12.

    Lượng tuyết rơi dày nhất được dự báo sẽ xuất hiện vào sáng sớm 1-12, tập trung ở khu vực quanh Watertown, New York. Tuyết có thể dày từ 0,9 - 1,5m, trở thành khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuối tuần này.

    "Chúng tôi đang làm việc suốt ngày đêm cùng các cơ quan tiểu bang và hơn 100 thành viên của lực lượng Vệ binh quốc gia để hỗ trợ các cộng đồng địa phương", bà Hochul cho biết.

    Ngoài ra nhân sự cũng được triển khai thêm để hỗ trợ các tình huống khẩn cấp liên quan đến mất điện và giao thông.

    Thống đốc bang Pennsylvania Josh Shapiro cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại hạt Erie ở Pennsylvania.

    Ông cho biết đã triển khai lực lượng Vệ binh quốc gia đến khu vực này nhằm "hỗ trợ những tài xế bị mắc kẹt và đảm bảo các nhân viên cứu hộ có thể tiếp cận những người cần trợ giúp".

    "Tôi cũng đã ký lệnh ban bố thảm họa cho hạt Erie để gửi tất cả các nguồn lực cần thiết đến khu vực này", ông nói.

    Cảnh báo di chuyển đã được ban hành cho các hạt Jefferson, Lewis và một phần của hạt Erie.

    Các hạt ở Michigan, Ohio và Pennsylvania đã ghi nhận lượng tuyết rơi lớn kể từ ngày 29-11.

    Tại Gaylord, Michigan, lượng tuyết rơi vào hôm 29-11 đạt 63cm, phá kỷ lục tuyết rơi trong một ngày ở khu vực này trước đó là 43cm vào ngày 9-3-1942.

    Tuyết rơi do hiệu ứng hồ là hiện tượng thời tiết xảy ra khi không khí lạnh di chuyển qua bề mặt các hồ nước lớn, thường gặp trong những tháng mùa đông. Quá trình này tạo ra các dải tuyết dày đặc và mang tính cục bộ, dẫn đến lượng tuyết rơi lớn trong thời gian ngắn, gây ảnh hưởng đáng kể đến các khu vực gần hồ.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Một cuộc nghiên cứu về vùng hồ ở California (Mỹ) đã phát hiện khoảng 18 triệu tấn lithium, được mệnh danh là 'vàng trắng' và ước tính trị giá 540 tỉ USD, theo Unilad hôm 28.11.

    vang trang o my
    Biển Salton ở bang California nhìn từ trên cao. Ảnh: Tổ chức môi trường quốc gia Audubon

    Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy kho báu "vàng trắng" đang nằm dưới đáy biển Salton, một vùng hồ ở bang California.

    Lithium có biệt danh "vàng trắng" vì bề ngoài của nó, cũng như giá trị đắt đỏ trong các lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là vật liệu chính làm pin điện thoại di động, laptop, ô tô điện. Vật liệu này còn được dùng trong máy tạo nhịp tim, đồ chơi, thậm chí cả đồng hồ.

    Mỏ lithium được tìm thấy ở California ước tính có thể đủ để cung cấp năng lượng cho hơn 382 triệu ô tô điện.

    Giáo sư hóa sinh Michael McKibben, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ Đại học California ở Riverside (Mỹ) cho biết đây là một trong những mỏ lithium lớn nhất thế giới.

    "Phát hiện này cho phép Mỹ có thể hoàn toàn tự chủ về lithium và ngừng nhập khẩu từ Trung Quốc", giáo sư McKibben nói.

    Nếu có thể khai thác, mỏ lithium dự kiến mang đến ảnh hưởng to lớn cho kinh tế Mỹ.

    Trung Quốc hiện là nhà xuất khẩu ô tô điện lớn thứ hai chỉ sau Đức. Theo Tendata, Trung Quốc chiếm 22,7% trên tổng sản lượng xuất khẩu về ô tô điện trên toàn thế giới năm 2023, tương đương 34,1 tỉ USD.

    Mỹ chỉ đứng hàng thứ sáu trong danh sách, với giá trị xuất khẩu 4,8%, trị giá 7,26 tỉ USD.

    Trong khi đó, sản lượng nhập khẩu ô tô điện từ Trung Quốc vào Mỹ tăng từ 7,2 triệu USD lên 388,8 triệu USD từ năm 2018 đến 2023, theo Ủy ban Thương mại Mỹ.

    Vì thế, phát hiện về mỏ lithium cho phép Mỹ giảm sự phụ thuộc vào ô tô điện Trung Quốc.

    Theo Thanh Niên

  • Theo nguồn tin, chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris kết thúc với khoản nợ ít nhất 20 triệu USD. Con số này được cho là phát sinh từ những buổi vận động tranh cử toàn sao lớn biểu diễn.

    Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 khép lại với chiến thắng thuộc về ông Donald Trump và bà Kamala Harris thất bại.

    Kết quả này khiến những buổi vận động tranh cử hoành tráng, với sự góp mặt của nhiều ngôi sao giải trí hàng đầu, mà Phó Tổng thống Mỹ tổ chức trở thành trò cười, thậm chí bị truyền thông mỉa mai là chương trình tạp kỹ.

    Trước ngày bầu cử, bà Harris đặt cược hết vào tầm ảnh hưởng của những nghệ sĩ âm nhạc hàng đầu. Tổng cộng 7 buổi hòa nhạc diễn ra tại các tiểu bang dao động vào đêm trước ngày bầu cử (5/11), với sự góp mặt của Jon Bon Jovi ở Detroit, Christina Aguilera ở Las Vegas, Katy Perry ở Pittsburgh và Lady Gaga ở Philadelphia... Ngoài ra, sự kiện tương tự diễn ra ở Atlanta vào ngày 2/11, có rapper 2 Chainz biểu diễn và bà Harris đích thân đến kêu gọi bỏ phiếu.

    ba harris ganh no 1
    Lady Gaga biểu diễn tại buổi mít tinh ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris vào tối 4/11 tại Philadelphia. Ảnh: AP.

    Hai nguồn tin trong chiến dịch của bà Harris tiết lộ với The New York Post Stephanie Cutter, nhân vật cốt cán giúp ông Barack Obama tranh cử năm xưa, là người đề xuất ý tưởng tổ chức những buổi hòa nhạc như một cách để thu hút những cử tri ít có khả năng đi bỏ phiếu.

    Theo người trong cuộc, kế hoạch nhận được sự ủng hộ của David Plouffe, cựu thành viên trong nhóm của ông Obama.

    Bà Harris thêm Cutter và Plouffe vào chiến dịch của mình ngày sau khi thay thế Tổng thống Joe Biden trong danh sách ứng cử viên của đảng Dân chủ vào tháng 7. Quyết định này gây ra căng thẳng nội bộ với nhóm chiến dịch của ông Biden. Người cũ không đồng ý người mới lặp lại những gì Tổng thống Mỹ thứ 44 đã làm vào năm 2008.

    Chủ tịch chiến dịch tranh cử của Harris - Walz, Jen O'Malley Dillon, cuối cùng cũng chấp nhận tổ chức các buổi hòa nhạc vận động bỏ phiếu. Tuy nhiên, bà Dillon sau đó nói với các đồng nghiệp rằng không hề muốn thực hiện kế hoạch và suy nghĩ về nó suốt nhiều tuần.

    Nguồn tin khác chỉ ra sự do dự của bà Dillon dẫn đến việc tăng chi phí sản xuất. Tổ chức hòa nhạc vào phút chót phải tốn gấp đôi chi phí.

    ba harris ganh no 1
    Christina Aguilera biểu diễn trong cuộc vận động tranh cử của Harris-Walz vào đêm trước ngày bầu cử tại Las Vegas. Ảnh: Shutterstock.

    Trong tuần trước ngày bầu cử, khi nhận ra gần như toàn bộ số tiền hơn 1 tỷ USD quyên góp được cho quỹ tranh cử đã hết, ê kíp của bà Harris có những nỗ lực nhằm cắt giảm chi phí cho buổi hòa nhạc - dự kiến vào khoảng từ 15 đến 20 triệu USD - nhưng không được, thậm chí còn vượt quá.

    "Họ chắc chắn biết về tình trạng thiếu hụt ngân sách vào cuối chiến dịch vì họ cắt giảm ngôi sao ở một số thành phố để tiết kiệm chi phí", nguồn tin nói.

    Ban đầu, nhóm của nữ chính trị gia sinh năm 1964 dự tính mời nữ thần nhạc rock thập niên 90 Alanis Morissette biểu diễn, nhưng sau đó hủy bỏ.

    Điều đáng buồn là tác động của những buổi biểu diễn này không lớn. Đa phần không gây chú ý nhiều với truyền thông, ngoại trừ sự kiện ở Philadelphia, nơi Oprah Winfrey chiếm trọn hào quang khi tuyên bố rằng chiến thắng của ông Trump có thể mang ý nghĩa "chúng ta không còn cơ hội bỏ phiếu nữa". Ngày hôm sau, đa số cử tri tại các bang có biểu diễn ca nhạc đều bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Cộng hòa là ông Trump.

    Kế hoạch đổ sông đổ bể. Bà Harris không chỉ thất bại trong cuộc bầu cử, mà còn gánh thêm khoản nợ lớn.

    Politico đưa tin chiến dịch của Phó Tổng thống Mỹ kết thúc cuộc đua với khoản nợ ít nhất 20 triệu USD. Các trang web quyên góp vẫn hoạt động với hy vọng có thể hỗ trợ thêm chút ít.

    ba harris ganh no 1
    Katy Perry biểu diễn trong một cuộc vận động tranh cử cho Harris ở Pittsburgh vào tối 4/11. Ảnh: AP

    Một người trong cuộc nói với The Post một vấn đề đáng quan ngại là những người làm việc cho các hoạt động tranh cử của bà Harris không được trả tiền đúng hẹn.

    "Họ phải huy động những đội ngũ lớn cho các buổi hòa nhạc này, khoảng 40-60 người ở một số thành phố", nguồn tin xác định.

    Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ được dự đoán sớm bức xúc vì các khoản thanh toán vẫn chưa được thực hiện.

    Nguồn tin khác từ chiến dịch của bà Harris cho biết đội ngũ tài chính đang trong quá trình đối chiếu bảng cân đối kế toán và đảm bảo không ai bị thiệt thòi.

    Trong khi đó, người trong cuộc khác lên án chuỗi sự kiện hòa nhạc là lãng phí. Theo nguồn tin, những khoản tiền có thể chi tiêu hiệu quả hơn vào các quảng cáo liên quan đến chính sách kinh tế, nhằm xoa dịu những cử tri quan ngại về lạm phát và lãi suất cao, thay vì những ca từ không thực tế hay lời kêu gọi sáo rỗng từ nhóm người nổi tiếng giàu có.

    Người phát ngôn của chiến dịch tranh cử của Harris từ chối bình luận về thông tin khoản nợ hơn 20 triệu USD.

    ba harris ganh no 1
    Nguồn tin cho rằng thay vì để Oprah Winfrey nói những lời sáo rỗng, bà Harris nên tập trung vào giới thiệu các chính sách kinh tế thiết thực để trấn an những cử tri hoang mang về lạm phát và lãi suất vay cao. Ảnh: AP.

    Theo Tienphong