Bị cáo Trương Mỹ Lan muốn xin không kê biên căn biệt thự cổ tại quận 3, TP.HCM để cho con gái tiếp tục trùng tu.
Ngày 15-3, phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát tiếp tục với phần xét hỏi những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án để giải quyết các vấn đề dân sự.
Xin giữ lại biệt thự cổ 35 triệu USD để trùng tu
Cho biết tinh thần đã ổn định, bị cáo Trương Mỹ Lan được HĐXX xét hỏi về các tài sản của gia đình bị cáo này và tài sản của các đơn vị liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Chủ toạ phiên toà hỏi bà Lan có ý kiến như thế nào liên quan đến căn biệt thự cổ tại địa chỉ 110-112 Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM?
Bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết gia đình bà mua căn biệt thự này với giá khoảng 700 tỉ đồng (35 triệu USD) và thuộc diện biệt thự cổ cần bảo tồn di tích.
"Xin HĐXX không kê biên tài sản này vì thứ nhất đây là biệt thự cổ cần trùng tu để bảo tồn di tích. Thứ hai là con gái của bị cáo đang thực hiện quá trình tu sửa năm năm nay vẫn chưa xong, hiện còn đang dang dở. Kính xin HĐXX xem xét để gia đình bị cáo giữ lại căn biệt thự này"- bị cáo Lan nói.
Bị cáo Trương Mỹ Lan xin HĐXX cho phép giữ lại căn biệt thự cổ tại địa chỉ 110-112 đường Võ Văn Tần, quận 3 để tiếp tục trùng tu. Ảnh: HOÀNG GIANG
Liên quan đến căn biệt thự này, năm 2015, bà Trương Mỹ Lan thông qua Công ty Cổ phần Minerv đã mua căn biệt thự nêu trên với giá 700 tỉ đồng và tiến hành trùng tu vào năm 2019. Sau khi Trương Mỹ Lan bị khởi tố, bắt tạm giam công trình trên đã ngưng thi công.
Con gái Trương Mỹ Lan rao bán toà nhà 1 tỉ USD
Đối với dự án Capital Place Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội) mà Trương Mỹ Lan đã uỷ quyền cho con gái là Chu Duyệt Phấn bán với giá 1 tỉ USD để thu hồi tài sản khắc phục hậu quả trong vụ án, bị cáo Lan cho biết dự án này đang thế chấp vay 230 triệu USD của các ngân hàng nước ngoài. Do đó, khi bán thành công dự án và trừ đi các khoản chi phí, trả nợ ngân hàng thì phần còn lại sẽ nộp để khắc phục hậu quả của vụ án.
Tuy nhiên, HĐXX cũng cho biết đối với dự án này con gái bị cáo đang rao bán 1 tỉ USD tuy nhiên thực tế đối tác tìm mua chỉ trả với giá khoảng 360 triệu USD, không có chuyện bán với giá 1 tỉ USD như bị cáo trình bày. "Hoặc bị cáo có chứng cứ, tài liệu nào thể hiện dự án được đối tác đồng ý mua với giá cao thì cung cấp cho HĐXX để xem xét"- chủ tọa nói.
Cận cảnh căn biệt thự cổ hơn 700 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan
Căn biệt thự cổ gần 100 năm tuổi, có giá trị hơn 700 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan nằm ở vị trí đắc địa tại TPHCM.
Căn biệt thự cổ ở địa chỉ số 110-112 Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM) diện tích gần 3.000m2 của bà Trương Mỹ Lan, có 3 mặt tiền là đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu.
Căn biệt thự cổ này trước đây có tên là biệt thự Phương Nam do hai cụ Đặng Kim Chi (sinh năm 1938) và Nguyễn Kim Sa Dang (sinh năm 1934) là chủ sở hữu. Khi thị trường bất động sản sôi động, căn biệt thự này được rao bán với giá 47 triệu USD.
Năm 2015, bà Trương Mỹ Lan thông qua Công ty CP MINERVA mua lại căn biệt thự cổ này với giá 35 triệu USD (khoảng 700 tỷ đồng). Được biết, công ty CP MINERVA thành lập ngày 28/7/2015 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
Tòa nhà có 3 lối vào: Hai cổng chính trên đường Võ Văn Tần và một cổng phụ trên đường Bà Huyện Thanh Quan.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, xung quanh căn biệt thự được quây tôn, bên ngoài vô cùng nhếch nhác bởi tình trạng buôn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè để làm bãi giữ xe.
Không gian sử dụng của căn biệt thự này bao gồm 2 tầng lầu với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 2.500m2, được thiết kế theo hướng Bắc - Nam, theo trình tự của từng khối công trình. Phần chính của ngôi nhà rộng 990m2, bao gồm 16 phòng.
Năm 2019, ngay sau khi mua lại căn biệt thự này, bà Trương Mỹ Lan đã cho trùng tu lại và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, khi gần hoàn thành thì dự án phải dừng thi công do bà Lan vướng vào vòng lao lý.
Hiện tại, bên trong công trình, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang, không có công nhân, chỉ có bảo vệ trông coi.
Căn biệt thự được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp cổ.
Các công trình bên ngoài căn biệt thự cũng đã được trùng tu gần xong.
Trước đó, tại một hội thảo về bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa ở TPHCM, kiến trúc sư người Pháp Nicolas Viste (trưởng nhóm trùng tu căn biệt thự), cho rằng căn biệt thự này được xem là báu vật quốc gia nhờ vào các thiết kế mô phỏng một cách đặc biệt về văn hóa Việt Nam.
Theo Plo / Dân Trí