Với cáo buộc tham ô hơn 304.000 tỉ đồng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị truy tố đến khung tử hình.
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và các đơn vị có liên quan, Viện KSND tối cao truy tố ra trước TAND TP.HCM để xét xử đối với 86 bị can. Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo buộc cùng lúc 3 tội danh: tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị truy tố đến khung tử hình
Tham ô hơn 304.000 tỉ - số tiền lớn chưa từng có
Theo cơ quan tố tụng, bà Trương Mỹ Lan là người điều hành "đế chế" Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp lớn nhỏ, trong và ngoài nước. Để có nguồn vốn duy trì họat động "hệ sinh thái" doanh nghiệp khổng lồ này, bà Lan tìm cách thâu tóm SCB, nhằm biến ngân hàng trở thành công cụ tài chính của mình.
Thông qua chiêu trò thu gom cổ phần rồi nhờ người khác đứng tên hộ, bà Trương Mỹ Lan sở hữu tới hơn 91,5% cổ phần SCB. Với tỷ lệ cổ phần gần như tuyệt đối, cộng thêm việc cài cắm nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB, bà Lan nắm quyền chi phối mọi hoạt động của ngân hàng, dù không đứng tên trong thành phần ban lãnh đạo.
Từ năm 2012 - 2022, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng đồng phạm đã được SCB giải ngân hàng ngàn khoản vay, với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên, phần lớn hồ sơ khoản vay được lập khống, tài sản đảm bảo không đủ giá trị pháp lý. Tính đến tháng 10.2022, tổng dư nợ không có khả năng thu hồi là hơn 677.000 tỉ đồng; sau khi trừ đi các tài sản bảo đảm có giá trị, thiệt hại gây ra là hơn 498.000 tỉ đồng.
Trong số thiệt hại trên, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc tham ô tài sản của SCB hơn 304.000 tỉ đồng, cùng với đó là hơn 129.000 tỉ đồng tiền lãi và chi phí phát sinh.
Với lượng tiền chiếm đoạt từ hành vi tham ô lớn chưa từng có như vậy, bà Lan bị Viện KSND tối cao truy tố theo quy định tại khoản 4 điều 353 bộ luật Hình sự năm 2015; khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Điều 5 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quy định về các nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng. Trong đó, trường hợp người phạm tội tham ô tài sản chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
Tuy nhiên, trong phần các tình tiết giảm nhẹ, bao gồm việc tự nguyện khắc phục hậu quả, cáo trạng của Viện KSND tối cao cho thấy bà Trương Mỹ Lan chưa nộp đồng nào. Dù vậy, tại phần kê biên tài sản, cáo trạng cho hay, cơ quan điều tra đã kê biên 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng đó là hàng trăm triệu cổ phần tại SCB và các công ty khác…
Trong 10 năm, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc rút hơn 1 triệu tỉ đồng từ SCB, gây thiệt hại hơn 498.000 tỉ đồng. Ảnh: T.N
Cùng hành vi, vì sao bị truy tố 2 tội?
Có một điểm khá đặc biệt liên quan đến tội danh mà bà Trương Mỹ Lan bị truy tố, đó là cùng một hành vi nhưng Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị cáo buộc phạm 2 tội danh khác nhau, tương ứng với 2 giai đoạn phạm tội.
Giai đoạn thứ nhất, từ tháng 2.2018 đến tháng 10.2022, Viện KSND tối cao truy tố bà Lan tội tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt và gây thiệt hại tổng cộng hơn 433.000 tỉ đồng như đã nêu.
Giai đoạn thứ hai, từ tháng 1.2012 đến tháng 12.2017, cũng với thủ đoạn lập khống hồ sơ để rút tiền từ SCB và gây thiệt hại hơn 64.000 tỉ đồng, bà Lan lại bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo quy định tại điều 179 bộ luật Hình sự năm 1999.
Vì sao lại có sự khác biệt như trên?
Viện KSND tối cao cho hay, hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm diễn ra trong thời gian dài (10 năm, từ 2012 - 2022), trong khi bộ luật Hình sự có sự thay đổi cơ bản về đường lối xử lý tại thời điểm trước và sau ngày 1.1.2018 (thời điểm bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành).
Theo đó, hành vi phạm tội nào xảy ra trước ngày 1.1.2018 thì áp dụng quy định tại bộ luật Hình sự năm 1999, hành vi phạm tội nào xảy ra kể ngày 1.1.2018 thì áp dụng quy định tại bộ luật Hình sự năm 2015; đồng thời có xem xét nguyên tắc có lợi cho bị can.
Đối chiếu với vụ án Vạn Thịnh Phát, giai đoạn bà Lan và đồng phạm "rút ruột" SCB từ tháng 1.2012 đến tháng 12.2017 là khi bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực. Chưa kể, bộ luật Hình sự năm 1999 cũng không quy định về tội danh tham ô tài sản đối với khu vực ngoài Nhà nước.
Vì thế, bà Lan bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo Thanh Niên