Thà ôm 7,5 cây vàng dưỡng già chứ không cho con vay làm ăn

Không vay được vàng để thêm vốn buôn bán lúa gạo, anh họ tôi trách móc cha mẹ già.

Hôm qua tôi vô tình xem lại đoạn cắt ngắn phim Đất và người, một bộ phim Việt rất hay. Đoạn cắt ngắn này là cảnh ông Hàm (nhân vật Trịnh Bá Hàm) gọi vợ lên nhà trên để bàn một chuyện quan trọng. Con trai của ông Hàm có ý định mở xưởng gỗ tại nhà, nhờ ông săn sóc và tiện thể mượn luôn ông ít vốn làm ăn.

"Số tiền mấy chục triệu đồng này là tiền ky cóp cả đời của tôi với bà" là câu thoại của ông Hàm hỏi vợ. Một người đàn ông được khắc hoạ gia trưởng, luôn bắt nạt, chửi bới vợ, không cho vợ ngồi ăn cơm ở nhà trên nhưng đụng đến chuyện giao tiền ky cóp cả đời cho con trai lại phải đi tham khảo ý kiến vợ.

Rõ ràng, đứng trước tình thế khó xử này, các bậc cha mẹ dầu cho nghiêm khắc, rắn rỏi đến đâu cũng trở nên phân vân.

Đoạn phim làm tôi nhớ chuyện của dì dượng tôi. Họ có ba người con, tất cả đều đã trưởng thành, có gia đình và con cái. Dì dượng tôi là mẫu người ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, rất chi ly với bản thân nhưng các anh chị họ của tôi từ nhỏ đến lớn không thiếu thứ gì, không hề thua kém với bạn bè cùng trang lứa.

Khi các con đến tuổi dựng vợ gả chồng, dì dượng lo chu tất. Sau hai ba năm thì cắt đất cho ra riêng, đứa nào thiếu tiền làm nhà thì cho một số vốn làm nhà tạm để ở. Khi làm làm ăn có dư thì mới xây nhà khang trang. Và những đồng tiền đó là cuối cùng mà họ cho con cái.

cho con vay lam an

Có lần, người con giữa của dì dượng cần vốn làm ăn, biết cha mẹ đang có sẵn trong túi hơn 7,5 cây vàng định hỏi vay, nhất định sẽ trả. Dì dượng tôi cũng lâm vào cảnh khó xử như vợ chồng ông Hàm trong phim. Nhưng sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, nhất là xem kế hoạch kinh doanh: mua lúa về xay xát ra gạo để bán thì dì dượng nhất quyết không cho.

Chỗ tôi dạo đó có nhiều địa điểm bán lúa gạo, nhà máy xay xát cũng nhiều. Người ta buôn có bạn, bán có phường đã lâu, mình mới vào nghề mà tất tay hết tất cả vốn liếng thì khác gì đổ muối vào nước biển.

Dượng tôi lúc đó lạnh lùng: Có vốn bao nhiêu thì đi buôn bấy nhiêu, số vàng đó là của dưỡng già, không thể cho được. Anh họ tôi lúc đó tức giận, đi uống rượu cả tuần lễ, lúc say rồi nói năng ra những lời không phải đạo: "Hai ông bà già ôm bọc vàng đó nhìn con cháu khổ mà không chịu giúp, mất có mang đi được đâu".

Đúng như dự đoán, tiệm buôn bán gạo tấm cám của anh họ tôi ăn được một cái Tết là dẹp vì không đấu lại nổi với những tay trường vốn hơn. Lúc đó, dì dượng qua nhà tôi chơi và nói với gia đình tôi: "Nếu tôi tiếp sức, có lẽ tiệm của nó ăn thêm được hai cái Tết, nhưng ra giêng năm sau thì người bực tức và tiếc của có thêm hai vợ chồng già này".

Anh họ tôi lúc đó dường như cũng hiểu ra vấn đề, không có ngàng gì đến số vàng của cha mẹ nữa. Sau đó, dượng tôi qua đời trước, vài năm sau đến lượt dì, khi mở chiếc rương đồ ra thì còn lại gần 4 cây vàng và tờ giấy dặn rõ: Chia đều cho các cháu.

Theo VnExpress