Biệt thự của thành viên Blackpink ở Seoul có giá rẻ hơn nhà ở Sài Gòn

Căn biệt thự 2 tầng của Lisa ở Seoul có giá 7,5 tỷ won, hơn 136 tỷ đồng, rẻ hơn nhà cùng phân khúc ở Sài Gòn.

Nhân sự kiện nhóm nhạc BlackPink vừa mới biểu diễn ở Việt Nam, tôi có tìm hiểu một chút thông tin về các thành viên của nhóm nhạc này. Điều tôi vô cùng ngạc nhiên đó là giá nhà của họ hiện tại ở Seoul.

Nhà của Lisa nằm ở Seongbuk-dong, được mua với giá khoảng 7,5 tỷ KRW (khoảng 6 triệu USD, 136 tỷ đồng) tương đương 8.708 USD một m2. Biệt thự rộng khoảng 689 m2, bao gồm một tầng trên mặt đất và hai tầng dưới lòng đất, nổi tiếng vì là ngôi nhà cũ của Jang Seon Yoon, cháu gái của người sáng lập Tập đoàn Lotte Shin Kyuk Ho.

Nơi ở của Jennie nằm ở Hannam-dong, nơi có những ngôi nhà có tầm nhìn tuyệt đẹp ra sông Hàn và núi Namsan. Nó cũng được biết đến là nơi sinh sống của các chính trị gia, chaebol và những người nổi tiếng khác như Jennie.

Trải dài khoảng 430 m2 diện tích sàn, 4 phòng ngủ và 3 phòng tắm và chiếm hai tầng tòa nhà. Căn hộ của Jennie có giá từ 5,5 đến 6,5 tỷ KRW (khoảng 5 triệu USD, 115-136 tỷ đồng), tương đương 11.627 USD một m2.

biet thu jennie blackpink 1

Khi tìm kiếm thông tin các dự án biệt thự đơn lập và căn hộ cao cấp ở trung tâm TP HCM. Các bạn có thể dễ dàng thấy một số căn hộ đang rao bán với giá 15.000 USD - 17.000 USD một m2, biệt thự đơn lập 600 m2 với giá 350 tỷ, tương đương 25.000 USD một m2, và thậm chí một số tin rao còn cao hơn nhiều như vậy nữa.

Tôi không biết các chủ dự án, nhà đầu tư, môi giới... định giá BĐS của họ dựa vào đâu. Nhưng có một số điều tôi thấy người ta dùng để giải thích hết sức sai lầm.

Một là mật độ dân số TP HCM quá cao. Đúng là mật độ dân số TP HCM cao so với các tỉnh khác. Nhưng khi so với Seoul, thì vẫn còn rất thấp.

Năm 2023, TP HCM có khoảng 9,3 triệu dân, với diện tích 2.061 km2, mật độ dân số gần 4.500 người một km2. Năm 2023, Seoul có khoảng 9,9 triệu dân, với diện tích 605.21 km2, mật độ dân số khoảng 16.000 người một km2. Ta có thể thấy rõ, mật độ dân số Seoul nhiều hơn 3,5 lần TP HCM.

Thứ hai là thu nhập bình quân ở TP HCM cao. Đúng là người ta đổ về TP HCM kiếm việc làm, vì dễ kiếm việc, và thu nhập cao hơn ở một số nơi. Nhưng với thu nhập tối thiểu theo giờ, cao nhất là 22.500 đồng, và trung bình thu nhập theo tháng tại TP HCM là 11 triệu đồng, thì thấp hơn Seoul khoảng 7-8 lần.

Thậm chí, nếu so với lương các vị trí trưởng phòng, giám đốc ở một số công ty, thì lương tối thiếu của Hàn Quốc vẫn cao hơn thu nhập hàng tháng của các vị trí đó.

Thứ ba là lạm phát. Tôi cho rằng đây không phải là một trong số những nguyên nhân chính khiến giá BĐS có thể tăng phi mã trong suốt những năm qua. Chính là nỗi lo lạm phát khiến nhiều người mù quáng lao vào BĐS.

Tôi nhớ cách đây 1-2 năm, trong một số diễn đàn BĐS, khi lãi suất bắt đầu tăng, khi đó tôi thấy các anh chị môi giới và nhà đầu tư lại càng hô hào mua BĐS. Lý lẽ của họ là, BĐS là nơi trú ẩn tránh lạm phát, lãi suất càng cao thì càng nên vay tiền mua BĐS.

Điều tôi ngạc nhiên nhất lúc đó chính là hầu như chẳng ai phản đối chuyện đó cả, hình như ai ai cũng nghĩ như vậy. Bây giờ, khi quay lại các diễn đàn đó, tôi lại thấy các anh chị ở đó liên tục đăng tin lãi suất giảm, động viên nhau lãi giảm thì BĐS sẽ tăng lại, cố gắng lên. Hình như với họ, lãi suất tăng hay giảm cũng đều khiến BĐS tăng giá cả.

Thứ tư là "làm lụng cả đời, không bằng tiền lời lô đất". Đây là câu nói cửa miệng của hầu hết các anh chị tham gia vào BĐS. Câu này đôi khi đúng, tôi không phản đối. Nhưng tôi cho rằng, mua bán BĐS cũng như mua bán bất cứ sản phẩm nào khác, có lúc bán được giá, có lúc phải cắt lỗ, chứ không thể luôn luôn có lợi nhuận, chứ chưa nói đến chuyện lợi nhuận nhiều ít.

Việc kiếm được lợi nhuận lớn, "ăn bằng lần" là có, nhưng chỉ như may mắn trong một khoảng thời gian nhất định. Cũng giống như việc mua vé số, có thể may mắn từ 10.000 trúng thành 2 tỉ, hoặc thậm chí Jackpot vài chục tỷ, nhìn thì có vẻ dễ dàng, nhưng làm thì không phải lúc nào cũng thành công.

Nếu lấy việc may rủi làm công việc chính, làm sự nghiệp của mình, tôi cho rằng như vậy không thật sự khôn ngoan. Một chu kỳ BĐS có thể kéo dài 10 năm mới tới lúc tăng nóng, 10 năm đó, thay vì bỏ vài tỷ vào đất, bỏ vào cải thiện bản thân, bèo thì cũng có cái bằng thạc sĩ, tiến sĩ trong nước, lên vị trí quản lý, trưởng phòng, tốt hơn thì có thể đã có bằng thạc sĩ nước ngoài, làm công ty đa quốc gia.

Đây là một số suy nghĩ của bản thân tôi. Hy vọng nhận được chia sẻ của mọi người về chủ đề này.

Castiel Tran / VnExpress