Thị trường bất động sản Anh Quốc và nỗi lo đáo hạn vay mua nhà

Giá nhà tăng đến mức kỷ lục, người dân thi nhau vay nợ để mua nhà dẫn đến tình trạng có một "quả bom nổ chậm" trực chờ tàn phá thị trường bất động sản nước Anh.

Thị trường bất động sản Anh Quốc và nỗi lo đáo hạn vay mua nhà

Các cơ quan quản lý đang thật sự lo lắng về tình trạng vay mua nhà dưới chuẩn đang tràn lan tại nước Anh.

Trong khoảng bốn năm trở lại đây, giá nhà ở tại các đô thị lớn của Anh Quốc liên tục xác lập các kỷ lục mới khiến càng ngày càng có nhiều người dân Anh buộc phải đi vay mua nhà. Tuy nhiên, phần lớn các khoản vay này đều thuộc dạng dưới chuẩn. Người đi vay mua nhà hầu hết đều không có khả năng trả nợ, mà lại quá tự tin vào việc có thể rao bán lại căn nhà để có thể trả hết khoản nợ "kếch xù" này.

Vay dưới chuẩn: có nghĩa là một thị trường mà ở đó, người có vốn (ngân hàng) cho vay những người có lịch sử (quá khứ) tín dụng xấu. Theo đó, chủ nợ nhận thức rõ rằng chất lượng khoản cho vay của mình là xấu; rủi ro tín dụng được bù đắp chủ yếu bằng lãi suất cho vay cao và còn bằng tài sản thế chấp.

Nợ dưới chuẩn được hiểu là các khoản cho vay các đối tượng có mức tín nhiệm thấp. Những đối tượng đi vay này thường là những người nghèo, không có công ăn việc làm ổn định, vị thế xã hội thấp hoặc có lịch sử thanh toán tín dụng không tốt trong quá khứ. Những đối tượng này tiềm ẩn rủi ro không có khả năng thanh toán nợ đến hạn và do đó rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng truyền thống vốn chỉ dành cho những đối tượng trên chuẩn.

Trong bối cảnh những khoản vay mua nhà đang tiến gần đến ngày đáo hạn, hiện có hàng triệu ngôi nhà tại Anh đứng trước bờ vực bị phát mãi. Đây đang là một nỗi lo lớn cho giới chức Anh. Theo Hiệp hội Hoạt động Tài chính Anh Quốc (FCA), có đến 1.67 triệu căn nhà (chiếm 17% số nhà riêng) ở nước này đã được mua bằng những khoản vay dưới chuẩn.

Phát mại tài sản: là Công bố và bán tài sản công khai theo thủ tục do pháp luật quy định để thanh toán nợ

Các ngân hàng tại Anh đã quá mạo hiểm trong lĩnh vực cho vay mua nhà và hiện đang chuẩn bị phải đón nhận hậu quả từ việc cho vay dưới chuẩn tràn lan.

Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, hàng nghìn căn nhà bị phát mãi, nhiều khả năng một cuộc khủng hoảng trong hệ thống tài chính sẽ xảy ra tại Anh giống như hồi năm 2008 tại Mỹ. 

Theo đó, hậu quả của cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008 cho nước Mỹ và thế giới là rất lớn. Thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nặng nề. Thị trường trái phiếu hình thành từ chứng khoán hóa bị mất khả năng thanh khoản. Ngành xây dựng Mỹ đóng góp 15% GDP có thể phải cắt giảm một nửa sản lượng và cắt 1-2 triệu công việc.

Các khoản cho vay thế chấp không có khả năng thu hồi và giá trị tài sản đảm từ những ngôi nhà bị sụt giảm là nguyên nhân giá trị đánh giá lại (mark to market) của các gói trái phiếu phát hành bị giảm giá không phanh, đặc biệt là các gói trái phiếu có rủi ro cao (gói Z). Các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu hình thành từ chứng khoán hóa nợ dưới chuẩn là người chịu hậu quả nặng nề. Dự báo số tổn thất do giảm giá trị trái phiếu cho toàn thị trường lên tới khoảng 220 tỷ – 450 tỷ USD.

Hàng loạt ngân hàng đầu tư trót nắm giữ các gói trái phiếu rủi ro mà chưa kịp chuyển giao cho thị trường đã phải ghi nhận các khoản tổn thất lên đến hàng trăm tỷ USD như Citi (21 tỷ USD), Merrill Lynch (25 tỷ USD), UBS (18 tỷ USD), Morgan Stanley (10 tỷ USD), JP Morgan (2.2 tỷ USD), Bear Stearns (2 tỷ USD), Lehman Brothers (1.5 tỷ USD), Goldman Sachs (1.3 tỷ USD). Tổng thiệt hại tài chính của các ngân hàng đầu tư trong năm 2007 ước tính lên tới gần trăm tỷ USD. Citi và Merrill Lynch phải cầu viện tăng vốn khẩn cấp từ các quỹ đầu tư Châu Á. Hàng ngàn nhân viên phố Wall bị sa thải.

Không chỉ thiệt hại về giảm giá trái phiếu, mảng kinh doanh béo bở từ chứng khoán hóa của các ngân hàng đầu tư cũng bị tạm ngưng hoạt động. Cổ phiếu các ngân hàng đầu tư rớt thảm hại trong 6 tháng cuối năm 2007. Với tổn thất nặng nề này, các ông chủ phố Wall lần lượt phải ra đi, cụ thể là các ông chủ UBS, Citigroup, Merrill Lynch và Bear Stearns.


 

VietHome (Tổng hợp)