Theo Worldpopulationreview (WPR) của Liên Hợp Quốc: Điện là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất của nhân loại, dạng năng lượng gần như có mặt ở khắp mọi nơi, cần thiết cho cuộc sống đối với mọi người trên toàn trái đất. Tuy nhiên, khả năng sản xuất điện của mỗi nước lại phụ thuộc bởi các yếu tố như: Vị trí địa lý, thành phần địa chất, mức độ phát triển và tiến bộ công nghệ, cũng như mức độ thu nhập, nên giá điện cũng biến thiên, không đồng nhất.
Điện có thể được tạo ra bằng nhiều cách khác nhau, từ bánh xe nước và cối xay gió đơn giản đến các nhà máy điện đốt than, các tấm pin mặt trời, đập thủy điện và nhà máy điện hạt nhân. Mỗi phương pháp này đều có chi phí, điểm mạnh, điểm yếu riêng và phụ thuộc vào địa lý của từng quốc gia.
Giá điện cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các sự kiện trên thế giới. Nó tác động đến giá nhiên liệu hóa thạch (như than đá và khí đốt tự nhiên). Ví dụ, chính biến xảy ra tại Ukraine năm 2022 là một ví dụ, nó làm gián đoạn việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch từ cả Nga lẫn Ukraine, khiến giá điện (và nhiều sản phẩm khác) tăng đột biến, đặc biệt là ở châu Âu.
- Đan Mạch:
Giá điện ở Đan Mạch cao hơn hầu hết mọi nơi khác trên thế giới. Đối với một kilowatt giờ, Đan Mạch trả khoảng 0,5 USD. Một số yếu tố (bao gồm cơ sở hạ tầng, địa lý và thuế) chiếm phần lớn trong mức giá này. Đặc biệt, Đan Mạch có mức thuế điện cao nhất, chiếm khoảng một nửa giá điện ở quốc gia này.
- Đức:
Không xa Đan Mạch, Đức có chi phí điện cao thứ hai trên thế giới (theo hầu hết các nguồn). Trung bình, người Đức phải trả khoảng 5 cent Mỹ cho mỗi kilowatt giờ tiền điện. Giống như ở Đan Mạch, khoảng một nửa giá điện trên mỗi kilowatt giờ ở Đức có thể là do thuế sản xuất điện cao. Đức chứng kiến giá điện tăng vọt sau năm 2012. Sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, Đức đã đóng cửa nhiều lò phản ứng hạt nhân, tạo ra nhu cầu lớn hơn về điện từ các nguồn truyền thống. Trước năm 2012, giá điện ở Đức gần ngang với giá điện ở Hoa Kỳ.
- Vương quốc Anh:
Người dân Anh phải trả trung bình 0,48 USD cho mỗi kilowatt giờ điện tiêu thụ. Mặc dù không đắt bằng Đan Mạch, hay Đức, nhưng giá cao ở Anh phần lớn là do vị trí của họ. Sự phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch truyền thống để sản xuất điện cũng có thể khiến giá điện dễ biến động mạnh khi thị trường dầu thay đổi theo thời gian.
- Áo:
Giá điện trung bình của Áo là 0,471 USD vào giữa năm 2022. Cuối năm 2022, Chính phủ Áo đã thử nghiệm giới hạn giá điện cho mỗi hộ gia đình, nhưng kế hoạch này lại gây tranh cãi.
- Ý:
Người Ý trả trung bình 0,470 cho mỗi kilowatt giờ điện vào giữa năm 2022. Ý tạo ra khoảng 50% điện năng từ việc đốt khí đốt tự nhiên. Do đó, giá điện có thể khá biến động, bị ảnh hưởng lớn bởi sự biến động của giá khí đốt tự nhiên. Ví dụ, ngay cả giá điện do Chính phủ quy định, ảnh hưởng đến 41% hộ gia đình trên cả nước, đã giảm 19% trong quý 1 năm 2022 và tăng 58% trong quý 4 năm 2022.
- Bỉ:
Người Bỉ chỉ trả hơn 0,45 USD cho mỗi kilowatt giờ điện hộ tiêu thụ vào năm 2022. Mặc dù một phần lớn chi phí này liên quan đến thuế, nhưng vị trí địa lý của Bỉ khiến nước này phải phụ thuộc phần lớn vào các nước láng giềng để sản xuất điện, làm tăng chi phí sản xuất lẫn giá bán điện.
- Bermuda:
Cư dân Bermuda phải trả trung bình 0,395 USD cho mỗi kilowatt giờ điện vào năm 2022. Là một trong những quốc gia nhỏ nhất trên thế giới, Bermuda có diện tích đất nhỏ khoảng 53,2 km², dân số hơn 65.000 người. Do đó, đất nước thiếu không gian cần thiết cho các nhà máy điện quy mô lớn (như năng lượng mặt trời, trang trại gió, hoặc cơ sở hạt nhân). Nó cũng thiếu sông ngòi nên không có nguồn thủy điện. Do những điều kiện này, Bermuda hầu như chỉ dựa vào dầu nhiên liệu nhập khẩu để sản xuất điện.
- Tây Ban Nha:
Công dân Tây Ban Nha phải trả khoảng 0,26 USD cho mỗi kilowatt giờ điện. Ngoài Đan Mạch và Đức, chi phí này cao hơn nhiều so với các nước châu Âu khác. Phần lớn chi phí điện cao là do đất nước này phụ thuộc vào các nước láng giềng khác về năng lượng điện.
- Quần đảo Cayman:
Là một trong nhiều quốc đảo vùng Caribe, Quần đảo Cayman là Lãnh thổ hải ngoại của Anh - nơi giá điện trung bình là 0,366 USD/kWh vào giữa năm 2022. 97,4% năng lượng của Quần đảo Cayman đến từ việc đốt nhiên liệu diesel vào năm 2019, nhưng quốc gia này đã thông qua kế hoạch sử dụng 25% năng lượng từ các nguồn tái tạo vào năm 2025 và tăng lên 70% vào năm 2037.
- CH Séc:
Với mức giá mỗi kilowatt giờ là 0,367 USD, điện ở CH Séc có mức tăng hàng năm cao nhất ở toàn châu Âu vào năm 2022. Vào tháng 10 năm 2022, Chính phủ Séc đã ban hành quy định thiết lập giới hạn giá điện và khí đốt tự nhiên cho công dân của mình.
- Rwanda:
Rwanda có chi phí điện đắt nhất ở lục địa đen châu Phi, khiến người dân Rwanda phải trả khoảng 0,235 USD/kWh. Mặc dù mức giá này thấp hơn so với giá ở hầu hết các nước châu Âu, nhưng nó vẫn cao hơn đáng kể so với ở Hoa Kỳ, hoặc các nước sản xuất dầu như Iran, hay Ả Rập Saudi.
Những nước có giá điện rẻ nhất
Theo xếp hạng WPR (thực hiện vào đầu năm 2024): Việt Nam xếp thứ 104 (từ trên xuống) trong tổng số 147 nước có trong danh sách. Dưới đây là nhóm có mức giá 0,08 USD/kWh (khoảng 1.978 VNĐ), trong ngoặc là chi phí sản xuất điện (0,08 USD tương đương 1.978 VNĐ/kWh):
99. Sierra Leone: 0,08 (0,08 USD).
100. CHDC Congo: 0,08 (0,07 USD).
101. Cameroon: 0, 08 (0,08 USD).
102. Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất: 0,08 (0,08 USD).
103. Trung Quốc: 0,08 (0,08 USD).
104. Việt Nam: 0,08 (0,08 USD).
105. Thổ Nhĩ Kỳ: 0,08 (0,07 USD).
106. Georgia: 0,08.
Tỷ lệ phần trăm tiền lương hàng ngày chi cho tiền điện:
Theo Electricrate của Hoa Kỳ (cập nhật tháng 3 năm 2024): Năm 2017, mức tiêu thụ điện của thế giới lên tới khoảng 22,3 nghìn tỷ kWh - gấp hơn ba lần lượng tiêu thụ vào năm 1980. Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn trong cách tạo ra, sử dụng điện và thậm chí cả chi phí điện ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Ví dụ, Iceland - quốc gia phát triển duy nhất tạo ra điện từ 100% nguồn năng lượng tái tạo trong khi điện của Trung Quốc hầu như chỉ đến từ nhiên liệu hóa thạch. Người Ai Cập chỉ chi khoảng 2 xu Mỹ (gần 4.000 VNĐ) cho mỗi kWh điện, trong khi các hộ gia đình Đan Mạch chi tới 34 xu (trên 6.700 VNĐ), gấp gần 17 lần.
Vì vậy, việc phân tích giá điện trên toàn thế giới cần tính đến nhiều yếu tố cấu thành mới có cái nhìn bao quát hơn.
Các hộ gia đình ở mỗi quốc gia có mức lương khác nhau nên 15 xu Mỹ/kWh có thể rẻ đối với người này, nhưng lại rất đắt đối với người kia. Ngang giá sức mua (PPP) được sử dụng để đảm bảo sự so sánh tương tự trong việc mua hàng hóa và dịch vụ bằng cách điều chỉnh dữ liệu về mức lương trung bình và tỷ giá hối đoái.
Dưới đây là tiền lương hàng ngày cần chi ra để mua đủ lượng điện sử dụng trong một ngày trên toàn thế giới theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tại Mỹ, người dân chỉ cần sử dụng khoảng 1,24% tiền lương hằng ngày để tiêu thụ điện năng trong ngày, nhưng ở các quốc gia châu Âu tiền điện lại là một thách thức lớn. Các hộ gia đình ở Bồ Đào Nha, CH Slovakia, Ba Lan, Hungary và CH Séc phải chi tới 8% tiền lương. Trong khi giá điện trung bình ở Đức cao nhất thế giới, thì hóa đơn tiền điện trung bình chỉ chiếm khoảng 5% tiền lương của người dân - nhờ mức lương trung bình hàng năm cao hơn.