Đàn cá voi sát thủ 5 con nhấn chìm du thuyền Anh

Một du thuyền di chuyển qua eo biển Gibraltar gần đây bị chìm sau khi đàn cá voi sát thủ tấn công, đánh dấu tai nạn mới nhất trong chuỗi những cuộc đụng độ với loài vật này.

ca voi sat thu
Du thuyền Bonhomie William bị chìm sau cuộc tấn công của cá voi sát thủ. Ảnh: Mail

Robert Powell cùng hai người khác trên chiếc du thuyền mang tên Bonhomie William phải nhờ lính tuần duyên Tây Ban Nha giải cứu hôm 24/7 do những con cá voi sát thủ làm hỏng bánh lái của con tàu, khiến phương tiện rung lắc mạnh, theo Newsweek. Ông cho rằng chúng không phải đang nô đùa, đây là cuộc tấn công có tổ chức và phối hợp tốt. Tuy nhiên, Volker Deecke, giáo sư bảo tồn động vật hoang dã ở Đại học Cumbria, cho rằng không có bằng chứng chỉ ra hành vi mang tính gây hấn hoặc cá voi sát thủ cố ý tìm cách nhấn chìm tàu thuyền mà chúng bắt gặp.

Theo phát ngôn viên của Cơ quan tuần duyên Tây Ban Nha, vào chiều tối ngày 24/7, du thuyền Bonhomme William ở cách mũi Camarinal 3,2 km giữa Tarifa và Barbate thông báo cần kéo vào bờ do hệ thống lái không hoạt động sau khi tương tác với cá voi sát thủ.

Powell và hai thành viên thủy thủ đoàn ban đầu liên lạc với nhà chức trách Tây Ban Nha để nhờ kéo bởi cuộc tấn công ban đầu của cá voi sát thủ làm hỏng bánh lái của họ. Nhà chức trách Tây Ban Nha bắt đầu chuẩn bị thuyền cứu hộ Salvamar Enif, nhưng thủy thủ đoàn Bonhomme William sau đó báo cáo những con cá voi sát thủ quay trở lại và tàu của họ đang ngấm nước. Khi Salvamar Enif tới nơi, du thuyền Bonhomme William đã chìm bên dưới mặt nước, thủy thủ đoàn buộc phải dùng bè cứu sinh nhưng may mắn không bị thương. Nhà chức trách Tây Ban Nha thu thập mẫu chất lỏng nhiễm khuẩn, đài vô tuyến, bè cứu sinh và nhiều đồ vật khách trước khi vận chuyển nhóm của Powell tới Barbate.

Tai nạn này diễn ra chỉ 3 tháng sau một sự kiện tương tự ở eo biển Gibraltar, trong đó một bầy cá voi sát thủ cũng chặn đầu và nhấn chìm du thuyền ở vùng biển Morocco. Hai thành viên thủy thủ đoàn trên tàu được giải cứu bởi tàu chở dầu đi ngang qua.

Giới khoa học, bao gồm nhà sinh vật học Alfredo López Fernández đến từ Đại học Santiago, nêu giả thuyết cho rằng hành vi nhắm vào tàu thuyền trên có thể bắt nguồn từ một sự kiện thảm thương làm thay đổi hành vi của cá voi sát thủ và những thành viên khác bắt chước nó. Fernández suy đoán một con cá voi sát thủ bị thương bởi tàu thuyền có thể xúi giục gia đình nó trả thù.

"Khi xem xét thước phim dưới nước về cá voi sát thủ tương tác với tàu thuyền, chúng tôi không chứng kiến hành vi thường thấy trong cuộc đụng độ gây hấn. những con cá voi sát thủ dường như cực kỳ bình tĩnh và thư thái, không có dấu hiệu kích động. Vì vậy, chúng tôi tránh dùng từ tấn công. Không có bằng chứng về sự trả thù hay phản ứng tiêu cực. Chúng tôi đoán đây là hoạt động nô đùa và những cá thể nhỏ tuổi hơn thường có xu hướng thể hiện hành vi này", giáo sư Volker Deecke cho biết.

Theo Deecke quan sát, cá voi sát thủ tương tác với tàu thuyền thường 3 - 15 tuổi, thay vì con non rất nhỏ. Động cơ của chúng dường như nhắm vào bánh lái của tàu thuyền. Khi bánh lái hỏng, chúng bỏ lại tàu thuyền.

Tuy nhiên, Deecke nhấn mạnh cá voi sát thủ không tích cực tìm kiếm tàu thuyền để tương tác. Chúng chỉ tiếp cận khi du thuyền đi ngang qua lãnh thổ của chúng. Cá voi sát thủ không mạo hiểm ra khỏi khu vực kiếm ăn thông thường để tìm và chặn tàu thuyền. Về cơ bản, các tương tác mang tính cơ hội thay vì theo đuổi có chủ đích.

Những con cá voi sát thủ cũng thể hiện sự ưa thích riêng với loại tàu thuyền tương tác và thời gian chúng hành động. Chúng thường nhắm vào thuyền buồm, nhiều khả năng do tốc độ. Nhiều thuyền máy quá nhanh để cá voi sát thủ bơi theo, trong khi thuyền buồm di chuyển chậm ở tốc độ mà chúng có thể theo kịp.

Các tai nạn hiếm khi xảy ra vào mùa đông, có thể do có ít tàu thuyền chạy trên mặt nước hơn, theo Deecke. Hoạt động tấn công gia tăng vào tháng 5 quanh mũi phía bắc Tây Ban Nha ở Galicia, nối tiếp bởi những cuộc đụng độ dọc vùng ven biển Bồ Đào Nha. Tần suất tai nạn cao nhất ở eo biển Gibraltar thường rơi vào giữa tháng 7 và tháng 9.

Mô hình trên gắn bó mật thiết với chuyển động của cá ngừ vây xanh, con mồi chính của cá voi sát thủ. Cá ngừ bơi vào biển Địa Trung Hải để đẻ trứng, sau đó di cư qua Gibraltar vào giữa mùa hè, thời gian và vị trí tương tác của cá voi sát thủ trùng với chuyển động của cá ngừ.

Viethome (theo Newsweek)