Tín hiệu sáng đối với kinh tế Anh?

Nền kinh tế Anh đã phục hồi một cách ngoạn mục sau cuộc suy thoái ngắn ngủi vào cuối năm 2023. Giờ đây, dưới sự điều hành của chính phủ mới, kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế ngày một nhiều hơn.

kinh te anh khoi sac dang mung
Kinh tế Anh có nhiều tín hiệu sáng báo hiệu khả năng tăng trưởng trở lại. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo báo Economist, trong những tuần đầu tiên sau nhậm chức, chính phủ mới của Công đảng Anh đưa ra một thông điệp. Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves nói rằng Công đảng đã phải gánh chịu nền kinh tế tồi tệ nhất so với bất kỳ chính phủ mới nào kể từ năm 1945, khi nước Anh ngập trong nợ nần thời chiến và các thành phố trên bờ sụp đổ.

Sự u ám đang bao trùm nền kinh tế. Kỷ lục năng suất của Anh kể từ cuộc khủng hoảng tài chính đã yếu đi. Một số bộ phận trong chương trình nghị sự của chính phủ trước đây, đặc biệt là xoay quanh sự kiện Brexit (chỉ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU), đã góp phần tạo ra tình trạng trì trệ.

Tài chính công bị dàn mỏng. Do đó, Công đảng nhấn mạnh vào tăng trưởng. Trọng tâm của chiến dịch bầu cử là lời hứa đưa kinh tế Anh tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ quốc gia thuộc Nhóm các nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới (G7) nào khác. Tuy nhiên, trọng tâm này đang đối mặt với những thách thức lớn.
Những tín hiệu sáng

Nước Anh đã phục hồi một cách ngoạn mục sau cuộc suy thoái ngắn ngủi vào cuối năm 2023 và với tốc độ nhanh hơn hầu hết các chuyên gia dự báo. Nền kinh tế tăng trưởng khoảng 1,1% trong nửa đầu năm 2024. Con số này cao hơn so với mức 0,8% của Mỹ và Canada trong cùng thời kỳ, và từ 0,3% đến 0,5% của Pháp, Đức và Italy.

Cộng thêm những con số tăng trưởng yếu ớt của Nhật Bản và xét trên cơ sở hàng năm, Anh có thể đã vượt qua phần còn lại của G7 trong những tháng cuối cùng dưới quyền của cựu Thủ tướng Rishi Sunak. Sự mở rộng của nền kinh tế Anh

gần như hoàn toàn là do ngành dịch vụ thúc đẩy và có lẽ được hỗ trợ một phần bởi sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động vay mượn của hộ gia đình sau đợt điều chỉnh khó khăn với lãi suất cao hơn.

Đó không phải là điều duy nhất làm cho bức tranh sáng hơn. Lạm phát hàng năm đã trở lại mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Các thước đo chính về lạm phát cơ bản được theo dõi bởi các chuyên gia ở Phố Threadneedle cũng đang giảm, mặc dù không ổn định.

Một mối quan tâm đặc biệt của các ngân hàng trung ương là lạm phát dịch vụ, được cho là phản ánh rõ hơn mức độ lạm phát cố hữu bằng cách loại bỏ tất cả giá hàng hóa, không chỉ giá của những mặt hàng dễ biến động như lương thực và năng lượng.

Điều đó sẽ tạo ra triển vọng về một đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên, có lẽ ngay sau cuộc họp tiếp theo của Ủy ban chính sách tiền tệ của BoE vào ngày 1/8. Các thị trường tài chính dự kiến BoE sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trước cuối năm 2024.

Đồng bảng Anh cũng đã quay trở lại mức trước Brexit so với rổ ngoại tệ, mặc dù vẫn yếu hơn so với đồng USD. Chỉ số FTSE 100, một chỉ số cổ phiếu của 100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London, đã tăng 5,8% trong năm nay, nhiều hơn so với 4 năm trước cộng lại (mặc dù vẫn đứng sau các chỉ số tương đương ở châu Âu và Mỹ).

Sự thận trọng hiện hữu

Tuy nhiên, một vài tháng tốt đẹp cũng không thể xóa bỏ hoàn toàn hậu quả của những năm hoạt động kém hiệu quả. Công đảng đang cố gắng duy trì đà phát triển bằng một loạt thông báo chính sách sớm. Nhưng chúng sẽ mất một thời gian để có tác động lớn.

Khát vọng của Công đảng là xây dựng thêm nhà ở và cơ sở hạ tầng. Những người ủng hộ nói rằng hoạt động xây dựng sẽ ngay lập tức thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng nước Anh vốn đã có tỷ lệ việc làm cao và nhu cầu di cư ngày càng hạn chế.

Do đó, sự bùng nổ đầu tư có nghĩa là chuyển hướng người lao động khỏi các dự án khác (được thừa nhận là kém năng suất hơn), làm giảm tốc độ tăng trưởng tổng hợp.

Điều quan trọng hơn sẽ là sự thúc đẩy phía cung của nền kinh tế và khi tất cả những ngôi nhà, cột điện và trang trại gió đó được xây dựng, những lợi ích đó sẽ nâng cao con số tăng trưởng sau này và dần dần.

Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu quá trình phục hồi này có thể tiếp tục diễn ra theo cách riêng của nó hay không. Một rủi ro là lạm phát vẫn chưa hoàn toàn giảm. Lạm phát dai dẳng sẽ buộc BoE phải giữ lãi suất ở mức cao, gây áp lực lên giá tài sản và nền kinh tế.

Những người bi quan chỉ ra thực tế là lạm phát cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động) đã giảm nhưng vẫn đang ở mức 3,6% hàng năm, vượt xa mục tiêu. Lạm phát dịch vụ thậm chí còn cao hơn, ở mức 5,7%. Lạm phát chung đã được cải thiện nhờ giá năng lượng và hàng hóa lâu bền giảm mạnh, nhưng đó có thể chỉ là những đợt giảm một lần.

Tiền lương, yếu tố gây ra lạm phát, đang tăng ở mức 5,2% hàng năm, một tỷ lệ quá cao để đáp ứng lạm phát mục tiêu của ngân hàng. Theo một công cụ theo dõi từ Indeed, một trang web việc làm, mức tăng lương đối với các hợp đồng việc làm mới, một thước đo mang tính hướng tới tương lai hơn, vẫn ở mức cao nhất là 7%, trong khi bình thường sẽ chỉ khoảng 3-4%, giống như của Mỹ và Khu vực đồng euro (Eurozone).

Bộ trưởng Reeves hiện đang cân nhắc có chấp nhận mức tăng lương 5,5% đối với một số lao động trong khu vực công do các cơ quan trả lương độc lập đề xuất hay không (Bộ Tài chính trước đây đã dự trù ngân sách là 3%).

Rủ ro lớn khác là sức tăng trưởng kinh tế chậm lại do người tiêu dùng hạn chế chi tiêu hoặc do những thay đổi trên thị trường lao động. Số liệu về doanh số bán lẻ được công bố gần đây trong tháng 6/2024 thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các chuyên gia dự báo. Đáng kể hơn, phần lớn sự nới lỏng của thị trường lao động ở Anh kể từ tháng 6/2022 là do số lượng vị trí tuyển dụng giảm, nhưng tỷ lệ thất nghiệp cũng bắt đầu tăng và hiện ở mức 4,4%.

Trong lịch sử, tỷ lệ này tăng nhanh thường báo trước suy thoái. Một nhà kinh tế học người Mỹ, Claudia Sahm, đã chính thức hóa mô hình này thành “Quy tắc Sahm”, một chỉ báo suy thoái theo thời gian thực được đáp ứng bất cứ khi nào tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng tăng ít nhất 0,5 điểm phần trăm trong vòng một năm. Nước Anh hiện đã chạm ngưỡng này (mặc dù quy tắc này được thiết kế cho Mỹ và trước đây đã không phù hợp ở Anh).

Nếu Công đảng gặp may, hai rủi ro này có thể bù đắp cho nhau. Thị trường lao động dịu lại có thể kéo lạm phát xuống và tạo dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng hơn để hỗ trợ tăng trưởng. Nhưng chúng cũng có thể dễ dàng khiến mọi thứ đi chệch hướng. Một kịch bản lạm phát kéo dài sẽ đặc biệt đáng lo ngại.

Phong Hà (P/v TTXVN tại London)