Bé 11 tuổi phát hiện hóa thạch bò sát biển lớn chưa từng thấy

Ruby Reynolds cùng cha của mình đã phát hiện mẩu xương hóa thạch của ichthyosaur, loài bò sát biển sống cách đây hơn 200 triệu năm.

Năm 1811, cô bé Mary Anning (12 tuổi) đã phát hiện ra một hóa thạch trên bãi biển gần nhà ở phía tây nam nước Anh. Đó là mẫu vật khoa học đầu tiên được xác định của loài ichthyosaur, một loài bò sát khổng lồ giống cá heo sống ở đại dương từ Kỷ Tam Điệp cách đây hơn 200 triệu năm.

Hai thế kỷ sau, cách đó chưa đầy 50 dặm, Ruby Reynolds, một cô bé 11 tuổi, lại tìm thấy hóa thạch từ một loài ichthyosaur khác. Nó là loài bò sát biển lớn nhất được khoa học biết đến.

ichthyosaur 1
Các mảnh hóa thạch tìm thấy chứng minh loài ichthyosaur có thể có kích thước ngang với cá voi xanh. Ảnh: Sergey Krasovskiy.

Ruby (hiện 15 tuổi) và cha cô, ông Justin Reynolds, đã săn tìm hóa thạch gần nhà của họ ở Braunton, Anh suốt 12 năm.

Trong một chuyến đi chơi cùng gia đình vào tháng 5/2020 tới làng Blue Anchor dọc theo cửa sông Severn, họ tình cờ thấy một mảnh xương hóa thạch đặt trên một tảng đá.

Ông Reynolds cho biết: "Bố con tôi đều rất vui mừng vì chưa bao giờ tìm thấy một mảnh xương hóa thạch nào lớn như thế này". Ông kể thêm rằng con gái mình tiếp tục tìm kiếm trên bãi biển và không lâu sau, cô bé phát hiện một mảnh hóa thạch khác lớn hơn nhiều.

Họ mang về nhà các mảnh xương tìm thấy, mảnh lớn nhất dài khoảng 20,3 cm, và bắt đầu nghiên cứu.

Một bài báo năm 2018 từng đưa ra dự đoán về thứ giống với hóa thạch bố con nhà Reynolds phát hiện: Ở Lilstock, những người săn hóa thạch đã phát hiện ra những mảnh xương tương tự, được cho là một phần xương hàm của một loài ichthyosaur khổng lồ sống cách đây khoảng 202 triệu năm. Tuy nhiên, các nhà khoa học nghiên cứu hóa thạch Lilstock cho rằng mẫu vật đó chưa hoàn chỉnh để có thể chỉ định một loài mới.

Ông Reynolds đã liên hệ với những nhà nghiên cứu đó - Dean Lomax, tại Đại học Bristol, và Paul de la Salle, một nhà sưu tập hóa thạch nghiệp dư. Hai nhà nghiên cứu cùng gia đình Reynolds tham gia các chuyến đi thu thập ở Blue Anchor. Cuối cùng, họ đã tìm thấy khoảng một nửa chiếc xương mà họ ước tính sẽ dài hơn 213 cm nếu hoàn chỉnh.

Một số đặc điểm về hình dạng của xương cho thấy nó đến từ hàm của loài thằn lằn cá - loài bò sát biển khổng lồ có hình thù giống như cá heo. Để xác nhận thêm danh tính của nó, các nhà nghiên cứu đã hợp tác với Marcello Perillo, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Bonn, Đức. Dưới kính hiển vi, ông tìm thấy các sợi collagen đan chéo nhau, một đặc điểm của loài ichthyosaur. Ông cũng thấy rằng mặc dù xương hàm có kích thước khổng lồ, loài bò sát này vẫn chưa phát triển xong khi chết.

ichthyosaur 1
Ruby Reynolds (áo xanh) cùng cha mình tìm thấy mẩu hóa thạch của loài bò sát biển khổng lồ vào năm 2020.

Tổng hợp lại, các hóa thạch từ Blue Anchor và Lilstock đã đưa ra bằng chứng về thứ gì đó đặc biệt.

Tiến sĩ Lomax cho biết: "Có hai ví dụ về cùng một xương bảo tồn tất cả các đặc điểm độc đáo giống nhau, từ cùng một niên đại địa chất, đã hỗ trợ cho việc nhận dạng mà chúng tôi từng thử nghiệm trước đây, rằng nó phải là một thứ gì đó mới mẻ. Mọi thứ trở nên thật thú vị".

Ông và các đồng tác giả của mình trong một bài báo mô tả hóa thạch trên tạp chí PLOS One đã đặt tên cho nó là Ichthyotitan severnensis - loài thằn lằn cá khổng lồ của Severn.

Ước tính của họ cho thấy Ichthyotitan có thể dài tới 25 m, ngang với kích thước của cá voi xanh và khiến nó trở thành loài bò sát biển lớn nhất được khoa học biết đến. Nó sống ngay trước đợt tuyệt chủng lớn kết thúc Kỷ Tam Điệp (Triassic).

Tiến sĩ Lomax nói: "Tất nhiên, với những sự kiện tuyệt chủng lớn, các loài lớn sẽ đi trước. Trong trường hợp này, theo đúng nghĩa đen, những thứ lớn nhất trong đại dương bị xóa sổ và toàn bộ loài này biến mất".

Erin Maxwell, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Bang, Stuttgart (Đức), người không tham gia vào nghiên cứu, nói rằng phát hiện này đã làm sáng tỏ quá trình tiến hóa của loài ichthyosaur.

"Trước đây, có nhiều gợi ý rằng có những loài ichthyosaur khổng lồ này đang tiến gần đến ranh giới Kỷ Trias-Jurassic. Số bằng chứng hiện tại khiến lập luận này ngày càng khó chối cãi", bà nói.

Tiến sĩ Lomax cho rằng phát hiện này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những nhà sưu tập hóa thạch nghiệp dư. "Nếu bạn có con mắt tinh tường, nếu bạn có niềm đam mê với những thứ tương tự, bạn có thể thực hiện các khám phá như vậy".

Ruby Reynolds cho biết: "Khi lần đầu tiên tìm thấy mảnh xương ichthyosaur, cháu đã không nhận ra nó quan trọng như thế nào và nó sẽ dẫn đến điều gì. Cháu nghĩ vai trò của người trẻ trong khoa học là tận hưởng hành trình khám phá vì bạn không bao giờ biết khám phá có thể đưa mình đến đâu".

ZNews (theo New York Times)